Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:15:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tư duy quân sự Trung Quốc đương đại  (Đọc 63983 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #60 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2010, 06:19:00 pm »

Tình hình quân sự quốc tế trong thập niên 90
Tác giả: Thiếu tướng Dư Khởi Phan / 余起棻

….

Giảm thiểu chi tiêu - Đề cao chất lượng

Nhằm đáp ứng các yêu cầu trong chiến lược quân sự mới của nước mình, Mỹ và các nước Phương Tây đã tiến hành cắt giảm chi tiêu quân sự, tiết giảm binh lực, điều chỉnh biên chế tổ chức, sắp xếp lại phương thức diễn tập quân sự, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho binh lính, phát triển công nghệ quân sự và nâng cao chất lượng trên quy mô lớn. Tuỳ theo tình hình và chiến lược quân sự, nhiều nước thuộc Thế giới thứ ba cũng tiến hành cắt giảm binh lực để nâng cao chất lượng và tăng cường khả năng quốc phòng.


Buổi họp báo tổ chức tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh ngày 4/3/2010 để công bố thông tin về Kỳ họp thứ ba của Hội nghị Hiệp thương nhân dân khóa 11 bàn về ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2010. Dù không khẳng định số liệu chính thức, nhưng mức chi quốc phòng thường niên tính theo phương pháp ngang giá sức mua của Trung Quốc từ đầu thập niên 90 luôn trong nhóm nước chi quốc phòng dẫn đầu thế giới (ảnh: http://english.peopledaily.com.cn)

Quá trình cắt giảm chi tiêu quân sự tại các nước phát triển

Tổng thống Khắc Lâm Đốn đã chú trọng tới việc cắt giảm chi phí quốc phòng ngay từ khi mới tiếp quản nhiệm sở. Trong thập niên 90, ngoài các khoản chiến phí cho Chiến tranh Vịnh Ba Tư năm 1991 thì các khoản chi tiêu quân sự cả về số tuyệt đối lẫn tỷ phần tương đối trong chi tiêu công và tổng sản phẩm quốc gia của Mỹ đều giảm. Chi tiêu quốc phòng cho mỗi năm tài khoá cụ thể như sau: Năm 1990 – 291,4 tỷ Mỹ kim; năm 1992 – 273,8 tỷ Mỹ kim; năm 1993 – 277,9 tỷ Mỹ kim. Những con số chi tiêu đó tương ứng với tỷ phần trong chi tiêu công và tổng sản phẩm quốc gia của Mỹ trong các năm vừa nêu là 26,98% – 5,33%; 19,6% - 4,7%; 19,2% - 4,3%. Chính quyền Khắc Lâm Đốn còn lên kế hoạch giảm 100 tỷ Mỹ kim chi tiêu quốc phòng trong giai đoạn tài khoá 1993-1997, đồng thời duy trì chi tiêu quốc phòng ở mức 210 tỷ Mỹ kim, tương ứng với 3% tổng sản phẩm quốc gia, trong năm tài khoá 1997 và các năm tài khoá tiếp theo. Đây được xem là mức chi tiêu quốc phòng thấp nhất tính từ năm tài khoá 1939. Hiển nhiên là vì điều này mà chính quyền Khắc Lâm Đốn bị giới tài phiệt chính trị và quân sự chỉ trích. Bộ trưởng quốc phòng Thiết Ni lại cho rằng việc cắt giảm ngân sách quốc phòng làm phát sinh mâu thuẫn với cam kết tăng cường an ninh và điều đó làm suy yếu sức mạnh quân sự Mỹ. Gần đây do áp lực từ phe Cộng hoà vốn vừa giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử Nghị viện giữa kỳ, ngài Khắc Lâm Đốn đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hứa sẽ tăng ngân sách quốc phòng thêm 26 tỷ Mỹ kim trong 6 năm tiếp theo.

Từ năm 1991, các quốc gia Phương Tây đã thi hành nhiều biện pháp nhằm giảm chi tiêu quốc phòng. Ở nước Anh, ngân sách quốc phòng cho năm tài khoá 1992 là 24 tỷ Bảng. Nếu trừ đi mức lạm phát cùng kỳ thì khoản ngân sách quốc phòng này đã giảm đi 2% so với mức ngân sách quốc phòng năm 1991 của Anh. Trong năm 1993, chi tiêu quốc phòng đã giảm từ mức 4% xuống còn 3,4% trong tổng sản phẩm quốc dân, rồi chi tiêu quốc phòng năm 1995 đã giảm tiếp xuống chỉ còn 3% GDP. Tại Pháp, ngân sách quốc phòng năm tài khoá 1992 là 195 tỷ Pháp Lãng(1), chiếm tương ứng 14,8% và 3,26% trong tổng chi tiêu chính phủ và tổng sản phẩm quốc gia. Mức chi tiêu quốc phòng này sau khi cân đối với tỷ suất lạm phát thực tế đã giảm 2,3% so với chi tiêu quốc phòng năm 1991. Ở Đức, ngân sách quốc phòng trong năm tài khoá 1992 là 52,1 tỷ Mã Khắc(2), chiếm 12,3% chi tiêu chính phủ và giảm 0,8% so với mức chi năm tài khoá 1991. Bắt đầu từ năm 1993, Đức đã tiến hành cắt giảm 1,5 tỷ Mã Khắc, tương ứng với mức giảm 3% chi tiêu quốc phòng mỗi năm. Tại Ý Đại Lợi(3), ngân sách quốc phòng năm 1992 là 26.560,2 tỷ Lí Lạp(4), giảm thực tế sau khi trừ mức lạm phát so với ngân sách quốc phòng năm trước đó. Ở Nhật Bản, ngân sách quốc phòng năm 1992 giữ nguyên ở mức 1% trên tổng sản phẩm quốc gia hàng năm.

Trái ngược với xu hướng giảm chi tiêu quốc phòng diễn ra ở Mỹ và các nước Phương Tây, một số quốc gia thuộc Thế giới thứ ba lại gia tăng chi tiêu quốc phòng cùng với đà tăng trưởng kinh tế nhằm củng cố khả năng quốc phòng. Ví như trường hợp Hàn Quốc khi thực thi chiến lược “Phòng Vệ”. Năm 1990, nước này đã chi tới 9 tỷ Mỹ kim, tương ứng với 5% tổng sản phẩm quốc gia cho quốc phòng. Năm 1991, con số này tăng tới 10,1 tỷ Mỹ kim, tức tăng tới 9% so với mức chi quốc phòng của năm tài khoá trước đó. Giữa các năm 1990 tới 1995, Hàn Quốc đã dự tính chi tới 240,3 tỷ Mỹ kim cho công tác nghiên cứu vũ khí, trang bị mới. Trong giai đoạn đầu thập niên 90, mức tăng chi quốc phòng của các nước trong khối Đông Minh đã tăng từ 5 tới 10% mỗi năm. Chẳng hạn Ấn Độ Ni Tây Á(5) đã chi cho quốc phòng trong năm 1991 tăng tới 10% so với mức chi năm 1990, còn mức chi của Mã Lai Tây Á(6) tăng 15%, của Tân Gia Va(7) tăng 29% và của Thái Quốc(8 ) cũng tăng tới 20% cùng kỳ. Các nước này đã rất nỗ lực hiện đại hoá trang bị và vũ khí nhằm tăng cường lực lượng hải quân và không quân của mình. Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở các nước Trung Đông và vùng Vịnh Ba Tư. Nước Sa Đặc A Lạp Bá(9) đã tăng chi cho ngân sách quốc phòng thêm 800 triệu Mỹ kim so với năm tài khoá trước đó. Nước Khoa Uy Đặc(10) dự kiến chi tới 5 tỷ Mỹ kim để mua sắm vũ khí, trang bị quân sự. Năm 1992, ngân sách quốc phòng của các nước Y Lăng(11), Tư Lợi Á(12) và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng tương ứng là 17%, 16% và 8% so với mức chi ngân sách quốc phòng của năm tài khoá trước đó. Riêng nước Dĩ Sắc Liệt vẫn tăng chi quốc phòng thêm 300 triệu Mỹ kim bất kể tình trạng giảm phát kinh tế và tiết giảm chi tiêu chính phủ.

….

________
Chú thích:
(1)Pháp Lãng: đồng Phờ-răng Pháp (Frans)
(2)Mã Khắc: đồng Mác Đức (Deutch Mark)
(3)Ý Đại Lợi: I-ta-li-a (Italy)
(4)Lí Lạp: đồng Lia (Lira)
(5)Ấn Độ Ni Tây Á: In-đô-nê-xi-a (Indonesia)
(6)Mã Lai Tây Á: Ma-lai-xi-a (Malaysia)
(7)Tân Gia Va: Xanh-ga-po (Singapore)
(8 )Thái Quốc: Thái Lan
(9)Sa Đặc A Lạp Bá: Ả-rập Xê-út
(10)Khoa Uy Đặc: Cô-oét (Kuwait)
(11)Y Lăng: I-Răng (Iran)
(12)Tư Lợi Á: Xi-ry (Syria)   
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 12:40:08 pm gửi bởi OldBuff » Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #61 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2010, 03:27:24 pm »

Tình hình quân sự quốc tế trong thập niên 90
Tác giả: Thiếu tướng Dư Khởi Phan / 余起棻

….

Đề cao chất lượng, cắt giảm số lượng binh lực

Nhằm đáp ứng các yêu cầu của việc điều chỉnh chiến lược quân sự mới, Mỹ và các nước Phương Tây đã tiến hành công tác nghiên cứu và hoàn thiện các nguyên tắc và phương án tăng cường chất lượng quân đội. Mỹ đã ban hành “Phương hướng phát triển 3 quân chủng tới năm 2000” và “Kế hoạch phát triển quốc phòng tới năm 2000”. Trong Báo cáo thường niên của Bộ quốc phòng năm 1993, Mỹ đã tuyên bố rằng các lực lượng chiến đấu của họ phải là lực lượng tinh nhuệ, có năng lực tác chiến đa dạng, có khả năng cơ động chiến đấu toàn cầu và đánh bại mọi kẻ thù một cách nhanh chóng, đồng thời có khả năng phản ứng linh hoạt trước mọi loại khủng hoảng. Để đáp ứng các mục tiêu này, các quân chủng hải-lục-không quân Mỹ đều tiến hành xây dựng hệ thống phương án chủ đạo của mình, theo đó Lục quân Mỹ đưa ra phương án xây dựng cơ cấu lục quân mới cho Thế kỷ 21 với khả năng điều động nhanh chóng tới mọi nơi trên thế giới, Hải quân Mỹ đề xuất phương châm “đánh từ ngoài biển vào bờ” để phục vụ quá trình xây dựng hải quân, còn Không quân Mỹ thì lại nêu ra ý niệm “linh hoạt toàn cầu phục vụ tác chiến toàn cầu”nhằm chỉ đạo công tác phát triển lực lượng không quân.


Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc chú trọng tinh giản binh lực và phát triển lực lượng phản ứng nhanh. Trên hình là một phân đội tăng thiết giáp thuộc Quân khu Tế Nam thực hiện hành quân đường sắt tới tham dự cuộc diễn tập “Xác Sơn-2006” tổ chức ngày 12/10/2006 tại trấn Xác Sơn, thành phố địa khu Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam (ảnh: http://english.peopledaily.com.cn)

Ngay sau lễ nhậm chức vào tháng 1/1993, tổng thống Khắc Lâm Đốn đã quyết định tinh giản các lực lượng quân sự Mỹ. Theo kế hoạch tinh giản này, binh lực quân đội Mỹ sẽ giảm từ mức 2,1 triệu người của năm 1990 xuống còn 1,4 triệu người vào năm 1997; số đầu mối cơ quan bộ tư lệnh giảm từ 10 xuống 8; số lượng sư đoàn lục quân giảm từ 18 xuống 10; số lượng tàu hải quân giảm từ 547 xuống còn 340; số lượng tàu sân bay giảm từ 14 xuống 10; quân số lực lượng thủy quân lục chiến giảm từ mức 194.000 người xuống mức 159.000 người; số lượng không đoàn chiến đấu giảm từ 24 xuống 10. Đối với lực lượng hạt nhân chiến lược, Mỹ đã cắt giảm số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa từ mức 1.000 xuống mức 500; số lượng máy bay ném bom chiến lược từ mức 295 xuống mức 176; số lượng tàu ngầm mang tên lửa tấn công chiến lược từ mức 33 xuống còn 18. Theo ước đoán thì tới đầu Thế kỷ 21, nước Mỹ sẽ giảm số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược từ mức12.000 xuống còn 3.500.

Căn cứ vào các yêu cầu trong chiến lược quân sự của mình, các quốc gia Phương Tây và một vài nước đang phát triển cũng đã tiến hành cắt giảm quân số và nâng cao chất lượng quân đội theo hướng xây dựng một quân đội có khả năng phản ứng nhanh. Tài liệu “Quốc phòng Anh quốc trong thập niên 90” nêu rõ tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng quân đội và hướng sự ưu tiên vào công tác tái cấu trúc quân đội. Tới giữa thập niên 90, quân đội Anh sẽ được tinh giản binh lực từ mức 308.000 quân trong năm 1992 xuống mức 246.000 quân. Trong cùng kỳ, nước Anh sẽ nâng quân số và tăng cường năng lực chiến đấu cho lực lượng phản ứng nhanh của mình, đồng thời lên kế hoạch xây dựng 1 sư đoàn tăng, 1 sư đoàn bộ binh nhẹ và 1 sư đoàn không vận hỗn hợp để đóng góp cho lực lượng phản ứng nhanh của khối Bắc Ước. Nước Pháp với “Kế hoạch cho Lục quân tới năm 2000” và “Kế hoạch trang bị quân sự giai đoạn 1990-1993” xác định mục tiêu nâng cao năng lực tác chiến là hướng ưu tiên trong công tác tái cấu trúc quân đội và mục tiêu xây dựng một lực lượng phản ứng nhanh với 5 sư đoàn đặc nhiệm có quân số 47.000 lính. “Sách trắng về quốc phòng” của nước Đức, “Kế hoạch phát triển Lực lượng phòng vệ giai đoạn giữa 1991-1995” của Nhật Bản và “Sách trắng quốc phòng năm 1993” của Hà Lan tất thảy đều nêu rõ phương châm và phạm vi tinh giản binh lực và phát triển lực lượng phản ứng nhanh. Nhiều quốc gia đang phát triển cũng chú trọng tinh giản quân số và đề cao chất lượng trong công tác xây dựng quân đội.                   

….
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #62 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 12:36:45 pm »

Tình hình quân sự quốc tế trong thập niên 90
Tác giả: Thiếu tướng Dư Khởi Phan / 余起棻

….

Nâng cấp vũ khí và khí tài

Người Mỹ cho rằng yếu tố then chốt cho sức mạnh răn đe trong thời bình là dựa trên ưu thế về công nghệ. Trong khi tiến hành tinh giản binh lực và chi tiêu quốc phòng, quân đội Mỹ lại rất chú trọng tới công tác cải thiện điều kiện sinh hoạt cho binh sĩ và công tác phát triển vũ khí, khí tài chiến đấu mới. Nhằm giữ ưu thế công nghệ quân sự trong thế kỷ mới, Bộ quốc phòng Mỹ đã ban hành vào năm 1990 một chương trình nghiên cứu khai thác công nghệ then chốt trong bảy lĩnh vực: Trinh sát và truyền thông toàn cầu, công kích chính xác, chiếm ưu thế trên không và phòng không, khống chế hàng hải và chiếm ưu thế dưới mặt biển, các phương tiện chiến đấu mặt đất tiên tiến, khí tài điện tử và điện toán, công nghệ phần mềm. Ngoài ra, Mỹ cũng dành phần lớn ngân sách quốc phòng cho việc thúc đẩy khai thác công nghệ quốc phòng. Trong năm tài khóa 1993, cho dù có sự cắt giảm mạnh chi tiêu quân sự nhưng Mỹ vẫn rót tới 33,8 tỷ Mỹ kim cho công tác nghiên cứu khí tài kỹ thuật của các hệ thống vũ khí mới, nhiều hơn 1,8 tỷ Mỹ kim cho hạng mục tương tự trong năm tài khóa trước đó. Tới cuối thế kỷ 20, quân đội Mỹ chi hết 2 tỷ Mỹ kim cho công tác phát triển công nghệ thông tin. Trong các năm 1992 và 1993, chính quyền nước Anh chi cho quốc phòng 24,54 tỷ Bảng, trong đó dành 37% cho phát triển vũ khí, khí tài mới.


Trung Quốc chú trọng thúc đẩy nghiên cứu, khai thác và ứng dụng công nghệ mới trong quân sự. Trên hình là mẫu máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 hiệu Tiêm-13 (J-13) do Sở nghiên cứu thiết kế phi cơ số 611 thuộc Công ti công nghiệp phi cơ Thành Đô thiết kế theo mẫu Mig-1.44 của Nga (ảnh http://www.defenceaviation.com)

Một số nước thuộc Thế giới thứ ba đã tiến hành nhập khẩu vũ khí và khí tài tiên tiến đặc biệt cho hải quân và không quân nhằm thúc đẩy quá trình hiện đại hóa vũ khí và khí tài. Các nước như Ấn Độ, các nước thuộc khối Đông Minh, một số nước ở Trung Đông đã chi hàng trăm tỷ Mỹ kim cho việc mua sắm vũ khí, khí tài hiện đại.

....

Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #63 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 01:09:03 pm »

Tình hình quân sự quốc tế trong thập niên 90
Tác giả: Thiếu tướng Dư Khởi Phan / 余起棻

….

Cải cách huấn luyện quân sự

Trong bản báo cáo tóm lược về cuộc Chiến tranh Vịnh Ba Tư năm 1991, nước Mỹ cho rằng một hệ thống các vũ khí, khí tài chiến đấu công nghệ cao đơn thuần mà thiếu nhân tố con người thì cũng trở nên vô dụng. Chỉ những người lính được huấn luyện một cách bài bản mới có thể nắm bắt, làm chủ được các vũ khí, khí tài công nghệ cao để chiến đấu giành thắng lợi. Nhiều quốc gia khác cũng xác định rằng huấn luyện quân sự là phương thức then chốt bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của quân đội và đây đồng thời là quá trình hiện thực hóa một quân đội hiện đại. Chính vì xác định như vậy nên các nước này đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể như sau:


Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thực hiện phương châm gắn lý thuyết với thực hành trong huấn luyện quân sự. Trên hình là cảnh huấn luyện của bộ đội nhảy dù thuộc Quân đoàn số 15 Bộ đội nhảy dù (Không giáng binh đệ 15 quân) Không quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đồn trú tại Quân khu Quảng Châu (ảnh http://1.bp.blogspot.com)

• Họ cho rằng các binh sỹ đều phải có trình độ hiểu biết cao về khoa học và công nghệ. Ở nước Anh, có tới 25% số lượng binh sỹ trong quân đội đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Quân đội Pháp cũng có tới một phần tư binh sỹ có trình độ trung học chuyên nghiệp trở lên. Nước Đức, các sỹ quan chỉ huy cấp lữ đoàn trở lên ngoài việc trải qua khóa huấn luyện cơ bản 21 tháng còn phải dự khóa huấn luyện chuyên ngành 8 tháng tại Học viện Hán Bảo(1).

• Họ đề ra phương châm kết hợp huấn luyện với thực hành. Lục quân Pháp yêu cầu binh lính thuộc các phân đội dưới cấp trung đoàn phải tham gia huấn luyện dã ngoại theo tổ trong 100 ngày, rồi hợp tổ huấn luyện chiến thuật phối hợp chiến đấu toàn trung đoàn trong khoảng thời gian từ 45 tới 60 ngày. Tại Anh và Ý Đại Lợi, tất cả các đơn vị cấp lữ đoàn phải tham gia các cuộc diễn tập hiệp đồng binh chủng thường niên. Các quốc gia Tây Âu tin rằng “công tác đào tạo quân sự đích thực” phải được tiến hành thông qua các cuộc diễn tập quân sự. Đây chính là các cuộc kiểm nghiệm toàn diện công tác huấn luyện binh sỹ trong các mặt quân sự, chính trị, giáo dục, tâm lý và năng lực thể chất.

• Họ chú trọng tới việc tận dụng các trung tâm huấn luyện chuyên ngành và các giáo cụ huấn luyện hiện đại. Trong những năm gần đây, Lục quân Mỹ đã tái triển khai “các cuộc tập trận Lộ Dịch Tư An Na(2)” và thiết lập sáu phòng thực nghiệm chiến đấu nhằm phát triển các hệ thống mẫu học cụ giá rẻ có hiệu năng cao phục vụ công tác huấn luyện chiến đấu cho binh sỹ. Tại Anh cũng có tới ba trung tâm đồ sộ phục vụ huấn luyện tác chiến đặc nhiệm. Nước Pháp có những 13 trung tâm huấn luyện lớn đảm bảo công tác huấn luyện 3 khóa mỗi năm cho các đơn vị cấp trung đoàn. Ở Đan Mạch, hiện có 3 trung tâm huấn luyện chuyên ngành cho phép bắn đạn thật phục vụ các đơn vị cấp tiểu đoàn, trung đoàn lục quân, các đơn vị không quân, pháo binh và học viên các học viện quân đội.          

....
________
Chú thích:
(1)Hán Bảo: Hăm-buốc (Hamburg)
(2)Lộ Dịch Tư An Na: Lu-xi-a-na (Louisiana)
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Giêng, 2011, 05:30:52 pm gửi bởi OldBuff » Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #64 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 05:24:46 pm »

Tình hình quân sự quốc tế trong thập niên 90
Tác giả: Thiếu tướng Dư Khởi Phan / 余起棻

….

Giải trừ quân bị và kiểm soát vũ trang

Trong thời kỳ Lãnh chiến, việc giải trừ quân bị và kiểm soát vũ trang chỉ thuần túy mang tính hình thức. Sau Lãnh chiến, việc này đã đạt được những bước tiến đáng kể. Thế nhưng cùng với việc cắt giảm binh lực và ngân sách quốc phòng, thì mối đe dọa của việc phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt như vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và vũ khí sinh học lại đang hiện hữu. Trong khi cộng đồng quốc tế đang nỗ lực kiểm soát các loại vũ khí hủy diệt này thì hiện đang nổi lên xu hướng chạy đua trong nghiên cứu, phát triển và mua sắm các loại vũ khí quy ước công nghệ cao. Ngoài ra, Mỹ và các nước Phương Tây đang áp dụng tiêu chuẩn kép trong kiểm soát vũ trang khiến cục diện giải trừ quân bị và kiểm soát vũ trang ngày càng trở nên phức tạp.


Trung Quốc hiện vẫn nằm ngoài các hiệp định về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược. Trên hình là bích chương tuyển quân năm 2009 với tựa “Tham quân báo quốc – Vô thượng quang vinh” và hình nền tổ hợp tên lửa đạn đạo di động Đông Phong 31 của Đệ nhị pháo binh Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (ảnh http://space.tv.cctv.com)

Mỹ và Liên Xô cũ là hai siêu cường và cũng là mục tiêu chính của hoạt động giải trừ quân bị và kiểm soát vũ trang. Năm 1991, hai nước này đã đạt được thỏa thuận cắt giảm 30% kho vũ khí tấn công hạt nhân chiến lược và phá hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học. Tháng 1/1993, Mỹ và Nga đã ký Hiệp định SALT II. Theo điều khoản của Hiệp định này, tới năm 2003 cả Nga và Mỹ chỉ duy trì số lượng đầu đạn hạt nhân tương ứng là 3.000 và 3.500, nhưng họ vẫn được quyền nâng cấp chất lượng của chúng và điều đó vẫn đặt ra mối nguy lớn cho hòa bình và an ninh thế giới. Điều này có nghĩa là mặc dù với việc cắt giảm số lượng kho vũ khí hạt nhân chiến lược, nhưng cả Nga và Mỹ vẫn duy trì số lượng vũ khí đáng kể có khả năng đe dọa hòa bình và an ninh thế giới. Hai nước này vì thế vẫn được xem là có vị thế bá quyền hạt nhân.

Dù hai siêu cường đã bắt đầu cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân, nhưng nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên thế giới vẫn còn tồn tại. Theo ước tính tới cuối thập niên 90 thì có tới 9 nước đang phát triển sở hữu vũ khí hạt nhân, trên 30 nước sở hữu vũ khí hóa học và 20 nước sở hữu công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa. Nếu các nhóm khủng bố với tay tới được các loại vũ khí này thì trật tự và an ninh quốc tế sẽ còn trở nên rối rắm hơn nữa. Vì thế, công tác ngăn chặn và khống chế hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đã trở thành mục tiêu chung của toàn thế giới. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ A Tư Bình(1) đã từng lên tiếng rằng việc phổ biến toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt đã tạo ra sự uy hiếp nghiêm trọng và đầy rủi ro cho nền an ninh của nước Mỹ kể từ sau Lãnh chiến. Chính quyền tổng thống Khắc Lâm Đốn đã đưa nội dung này thành vấn đề cốt lõi mà chiến lược phòng thủ của Mỹ cần phải giải quyết trong thời gian sớm nhất, đồng thời yêu cầu áp dụng các biện pháp tích cực trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao và quân sự nhằm ứng phó với nguy cơ phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt như hạt nhân, hóa học và sinh học. Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý rằng Mỹ và các quốc gia Phương Tây khác hiện đang áp dụng tiêu chuẩn kép trong việc ngăn ngừa và chặn đứng hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Một mặt, họ chĩa mũi dùi áp lực và đe dọa vào các nước cứng đầu thuộc Thế giới thứ ba. Mặt khác, họ lại làm ngơ cho một vài nước thân Phương Tây.

Đồng thời với việc Mỹ và một số nước Phương Tây cố gắng ngăn chặn đà phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, thì họ lại nỗ lực phát triển các loại vũ khí thông thường công nghệ cao rồi đem bán lượng lớn vũ trang hiện đại này cho các nước thuộc Thế giới thứ ba. Trong kế hoạch mua sắm quốc phòng giai đoạn 1995-1999, Mỹ đã quyết định phát triển loại máy bay chiến đấu ẩn hình F-22, hệ thống tên lửa phòng không hiện đại Patriot, các loại đạn tên lửa dẫn đường chính xác và các hệ thống tác chiến điện tử công nghệ cao. Nhật Bản phối hợp cùng Mỹ trong việc phát triển các hệ thống tên lửa chiến thuật, mua sắm hệ thống máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không E-2C, cũng như thúc đẩy chương trình nghiên cứu máy bay tiêm kích FSX. Nga dự kiến trang bị máy bay tiêm kích Mig-29B, hệ thống tên lửa phòng không S-300, các loại tàu chiến hiện đại trang bị hệ thống tác chiến điện tử và các loại vũ khí công nghệ cao khác. Sau Chiến tranh Vịnh Ba Tư, một số nước Trung Đông đã nhập các loại vũ khí, trang bị hiện đại trị giá trên 30 tỷ Mỹ kim từ Mỹ và các nước Phương Tây. Tới năm 1995, tổng giá trị mua sắm vũ trang của nhóm nước này đạt mức 54,6 tỷ Mỹ kim, nếu tính thêm chi phí huấn luyện và bảo dưỡng vũ khí trang bị thì con số lên tới 127,4 tỷ Mỹ kim. Các quốc gia khối Đông Minh cũng chi rất mạnh tay cho việc mua sắm tàu chiến và máy bay chiến đấu hiện đại.

Số liệu thống kê cho thấy trong năm 1991, riêng Mỹ đã ký kết các hợp đồng bán vũ khí cho hơn 50 nước với mức lợi nhuận đạt 9 tỷ Mỹ kim, năm 1992 con số lợi nhuận vượt mức 10 tỷ Mỹ kim và năm 1993 đạt mức 15,7 tỷ Mỹ kim. Điều này cho thấy giải trừ quân bị và kiểm soát vũ trang vẫn là một vấn đề quốc tế quan trọng và phức tạp.           

….

________
Chú thích:
(1)A Tư Bình: Át-pin (Les Aspin)
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #65 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2011, 06:10:40 pm »

Tình hình quân sự quốc tế trong thập niên 90
Tác giả: Thiếu tướng Dư Khởi Phan / 余起棻

….

Khai phát hệ thống an ninh khu vực

Các hệ thống an ninh khu vực hiện đang nổi lên như một dạng các chiến lược toàn cầu có cấu trúc theo hướng mở rộng đa cực. Ở Châu Âu, sự tan rã của khối Điều ước Hoa Sa đã chấm dứt những đối đầu giữa hai tập đoàn quân sự lớn. Một vài quốc gia cựu thành viên Điều ước Hoa Sa ở Trung và Đông Âu đã xin gia nhập khối Bắc Ước. Mỹ và các nước Phương Tây cũng mong muốn mở rộng khối Bắc Ước tới các nước cựu thù này. Thế nhưng người Nga La Tư lại phản đối gay gắt vì cho rằng khối Bắc Ước có thể mở rộng không gian chiến lược của nó tới các vùng biên viễn của nước Nga, và đây là điều không thể chấp nhận được. Tại một cuộc họp của Hội nghị an ninh Châu Âu được tổ chức gần đây, tổng thống Mỹ Khắc Lâm Đốn và tổng thống Nga Diệp Lợi Khâm(1) đã cãi vã gay gắt về chủ đề này. Tổng thống Khắc Lâm Đốn khăng khăng cho rằng khối Bắc Ước cần đông tiến, trong khi tổng thống Diệp Lợi Khâm chủ trương tuyệt đối không để Mỹ khống chế Châu Âu và toàn bộ thế giới.



Trung Quốc hiện đang nỗ lực khai phát các tiểu hệ thống an ninh khu vực. Trên hình là cảnh chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào chiêu đãi tổng thống Trác Nhĩ Đạt Lí (Asif Ali Zardari) của Ba Cơ Tư Thản (Pakistan) tại thành phố Thượng Hải ngày 23/2/2009 để bàn về vấn đề hợp tác an ninh chiến lược (ảnh http://chinadigitaltimes.net)

Nhiều vấn đề nội bộ mới cũng đã phát sinh trong quan hệ giữa Mỹ và các nước Phương Tây. Trước tiên, Liên minh Tây Âu đã chuyển biến từ một “diễn đàn quân sự” sang một tổ chức phòng thủ Châu Âu thực thụ. Trong tháng 12/1991, tại một hội nghị được tổ chức tại Mã Tư Đặc Lý Hách Đặc(2), Cộng đồng Kinh tế Châu Âu đã tuyên bố rằng Liên minh Tây Âu là một cấu phần của liên minh chính trị Châu Âu và là cầu nối giữa Cộng đồng Châu Âu và khối Bắc Ước. Ngày 1/11/1993, Cộng đồng Châu Âu bắt đầu xúc tiến “Điều ước Liên minh Châu Âu”, theo đó Cộng đồng Châu Âu có thẩm quyền ban hành chiến lược chung về an ninh, đối ngoại và quốc phòng. Trong thời gian này, các nước Pháp, Đức và Tỉ Lợi Thời(3) tiến hành thành lập các trung đoàn Châu Âu do Liên minh Tây Âu chỉ huy. Hội đồng an ninh Châu Âu vốn là cơ quan đối thoại an ninh nội khối, với Liên Xô cũ và các nước khối Đông Âu đã được chuyển thành cơ quan phụ trách các vấn đề an ninh và tin cậy lẫn nhau, đàm phán giải trừ quân bị, hợp tác và điều chỉnh xung đột. Châu Âu hiện có một cấu trúc an ninh gồm khối Bắc Ước, Ủy ban Châu Âu, Liên minh Tây Âu và Ủy ban An ninh và Hợp tác tại Châu Âu (hiện đã đổi thành Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu). Việc tranh chấp quyền chi phối chính sách giữa các nước Châu Âu và Mỹ đang ngày một trầm trọng. Nước Đức đã dám nói “Không” với Mỹ. Pháp và Anh lại rất bất mãn với việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí tại Ba Tư Ni Á(4). Ý Đại Lợi từ chối hợp tác trong cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào Tác Mã Lí(5). Tại một hội nghị của Ủy ban An ninh và Hợp tác Châu Âu, tổng thống Pháp Mật Đặc Lãng(6) đã thẳng thừng phản đối đề xuất cho khối Bắc Ước đông tiến của Mỹ. Ngày 18/11/1994, lãnh đạo hai nước Pháp và Anh đã gặp nhau tại Ba Lê(7) để thông qua quyết định thành lập “Không quân Anh-Pháp” và “Ban chỉ huy hợp nhất Không quân Anh-Pháp”. Hai nước này còn đạt được các thỏa thuận khác về phòng thủ Châu Âu trong tương lai, lĩnh vực hợp tác quân sự song phương và giải quyết xung đột tại Ba Tư Ni Á.   

….

________
Chú thích:
(1)Diệp Lợi Khâm: En-xin (Boris Yeltsin)
(2)Mã Tư Đặc Lý Hách Đặc: Maastricht
(3)Tỉ Lợi Thời: Bỉ (Belgium)
(4)Ba Tư Ni Á: Bốt-xnhi-a (Bosnia)
(5)Tác Mã Lí: Xô-ma-li (Somali)
(6)Mật Đặc Lãng: Mít-tơ-răng (Mitterrand)
(7)Ba Lê: Pa-ri (Paris)   
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #66 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2011, 02:48:02 pm »

Tình hình quân sự quốc tế trong thập niên 90
Tác giả: Thiếu tướng Dư Khởi Phan / 余起棻

….

Trong quãng thời gian này, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng lên kế hoạch thiết lập một hệ thống an ninh mới, rồi đưa kế hoạch này vào chương trình nghị sự của mình. Dựa trên cục diện ổn định và phát triển kinh tế mới tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, một số quốc gia khu vực chủ chốt đã đưa ra đề xuất thiết lập một hệ thống an ninh song phương hoặc đa phương mới cho khu vực. Trong chuyến thăm Nam Hàn diễn ra vào năm 1992, tổng thống Nga Diệp Lợi Khâm đã gợi ý tạo dựng một “hệ thống đàm phán đa phương” và một “Trung tâm hòa giải xung đột” có chức năng điều phối an ninh và hợp tác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trong tháng 7/1993, chính quyền tổng thống Mỹ Khắc Lâm Đốn đưa ra ý tưởng thành lập một “Cộng đồng Châu Á – Thái Bình Dương mới”. Chưa hết, căn cứ trên hệ thống an ninh hiện hữu, Nhật Bản lại khăng khăng đòi phát triển một hệ thống an ninh đa phương và bám lấy ý tưởng “chính sách hai mặt.” Các nước thuộc khối Đông Minh qua “Diễn đàn An ninh khu vực Đông Minh” đồng tình với việc phát triển một hệ thống an ninh mà tất cả các nước Châu Á - Thái Bình Dương có thể tham dự. Trong tháng 10/1994, các nước thành viên khối Đông Minh đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh thứ hai ở thành phố Mậu Vật(1) thuộc Ấn Độ Ni Tây Á và ban hành “Công cáo Mậu Vật” thông báo nghị trình thảo luận và tham vấn về các vấn đề hợp tác kinh tế và an ninh trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Một số nước ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã phản đối và chỉ trích cái gọi là nền dân chủ và nhân quyền kiểu Mỹ. Không còn gì để nghi ngờ rằng đấy chính là những thách thức cho nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì địa vị thống trị bằng cách dựng lên một hệ thống chính trị và kinh tế mới trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.     


Trung Quốc hiện đang áp dụng chính sách hai mặt trong giải quyết tranh chấp trên biển: Phái tàu kiểm ngư và thực thi cấm biển nếu nước tranh chấp không tuân theo nguyên tắc “các trí tranh nghị - cộng đồng khai phát”. Trên hình là cảnh tàu Ngư Chính số 310 đang quần nhau với các tàu bảo vệ bờ biển của Nhật Bản tại khu vực quần đảo Điếu Ngư (ảnh http://news.xinhuanet.com)

Thêm vào đó, những biến đổi to lớn đang diễn ra tại các khu vực Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ, diễn ra bên trong các tổ chức hợp tác kinh tế chính trị và bên trong các hệ thống hợp tác an ninh và đối thoại. Đơn cử Khu vực tự do thương mại Bắc Mỹ được thiết lập ngày 1/1/1994, kế đến là hội nghị thượng đỉnh các nước Châu Mỹ. Điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy tiến bộ chính trị, hợp tác kinh tế và ổn định xã hội trong khu vực và cho các nước Châu Mỹ.

….

________
Chú thích:
(1)Mậu Vật: Bô-go (Bogor)
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #67 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2011, 02:02:24 pm »

Tình hình quân sự quốc tế trong thập niên 90
Tác giả: Thiếu tướng Dư Khởi Phan / 余起棻

….

Các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang

Sau sự cáo chung của trật tự thế giới lưỡng cực, một số quốc gia và nhân dân ở vài nơi trên thế giới, vốn từng bị đặt dưới ách thống trị của hai siêu cường và chịu nhiều mất mát chiến tranh trong nhiều thập kỷ, đã thể hiện ước nguyện mạnh mẽ trong việc chấm dứt các cuộc xung đột và căng thẳng. Với sự cổ xúy của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế, xu hướng sử dụng đàm phán hòa bình để chấm dứt nội chiến và tranh chấp giữa các nước ngày càng trở nên phổ biến và đem lại không ít thành quả. Nam Phi đã chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc và thực hiện hòa giải dân tộc. Trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm 1994, ngài Mạn Đức Lạp(1) đã trúng cử tổng thống. Tại các nước Nạp Mễ Tỉ Á(2), Mạc Tang Tỉ Khắc(3) và An Ca Lạp(4), các bên nội chiến liên tục đạt được thỏa thuận ngừng bắn để tiến tới tuyển cử và đàm phán. Tại Trung Đông, các nước A Lạp Bá và Dĩ Sắc Liệt đã tái khởi động các vòng đàm phán hòa bình tại Áo Tư Lục (Na Uy) trong năm 1991. Tới năm 1993, phía Ba Lặc Tư Thản(5) và Dĩ Sắc Liệt đã đạt được thỏa thuận trao quyền tự trị cho người Ba Lặc Tư Thản tại các khu vực Gia Sa(6) và Kiệt Lý Khoa(7). Năm 1994, Ba Lặc Tư Thản và Dĩ Sắc Liệt đã chính thức ký kết văn kiện tự trị tại Khai La(8'). Tiếp đó, Ước Đán(9) và Dĩ Sắc Liệt cùng ra “Tuyên ngôn Hoa Thịnh Đốn(10)” để bình thường hóa quan hệ hai nước, chấm dứt 46 năm đối đầu. Những tiến bộ đáng kể trong tiến trình hòa bình Trung Đông chắc chắn sẽ thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Tự Lợi Á và Dĩ Sắc Liệt, cũng như giữa Lê Ba Nộn(11) và Dĩ Sắc Liệt. Ở Châu Á, Tô Liên đã rút quân khỏi A Phú Hãn, Việt Nam lui binh khỏi Giản Bộ Trại(12) và tất cả các đảng phái đối lập tại Giản Bộ Trại đã tham dự bầu cử để xây dựng tổ quốc. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy những tranh chấp giữa các nước cần phải được giải quyết qua thương lượng hòa bình. Đây chính là cách thức duy nhất và tốt nhất để giải quyết vấn đề.


Tổ hợp tên lửa phòng không di động Hồng Kỳ 6D phục vụ cơ động phòng không trong các cuộc chiến cục bộ công nghệ cao của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (ảnh http://www.cnr.cn)

Ở khía cạnh khác, sự sụp đổ của Tô Liên đã làm mất đi đối trọng quyền lực. Trong quá khứ, giữa hai siêu cường, hai tập đoàn quân sự lớn và hai kiểu ý thức hệ xã hội đã tồn tại tình trạng đối đầu căng thẳng. Các cuộc xung đột sắc tộc và dân tộc, giao tranh phe phái và vấn đề lãnh thổ đã không có cơ hội bùng phát. Nhưng với sự mất đối trọng quyền lực, tình trạng đối đầu đã ngày càng trở nên căng thẳng hơn dẫn tới chung cuộc là hàng loạt các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang bùng phát giữa các nước. Tại Châu Âu, chiến tranh Nam Tư Lạp Phu(13) và Ba Tư Ni Á đã bùng phát trong vùng Ba Nhĩ Cán(14) vốn từng một thời gian dài sống trong yên bình. Tại một số quốc gia độc lập và vùng tự trị, chiến tranh và xung đột đã diễn ra liên miên. Tại vùng Vịnh Ba Tư, nước Y Lạp Khắc(15) tiến hành xâm lược nước Khoa Uy Đặc làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới và dẫn tới cuộc Chiến tranh Vịnh Ba Tư của các nước đồng minh do Mỹ dẫn đầu. Đây là cuộc chiến tranh cục bộ tàn khốc và tốn kém nhất kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, đồng thời cũng là cuộc chiến có sử dụng lượng lớn vũ khí, trang bị công nghệ cao. Tại Châu Phi và Châu Mỹ, một số cuộc chiến cục bộ và xung đột vũ trang cũng đã nổ ra. Theo một thống kê sơ bộ, trong năm 1993 thế giới có tới 32 cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang, trong số đó có 12 cuộc tiếp diễn từ năm 1992. Trong số các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang vừa nêu, số vụ diễn ra trên lãnh thổ Tô Liên cũ là 10, số vụ tại vùng Ba Nhĩ Cán là 3, số vụ tại vùng Trung Đông là 3, Châu Phi có 1 vụ, Châu Mỹ La Tinh có 1 vụ và Châu Á có 1 vụ. Điều này cho thấy các vùng xung đột Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ La Tinh đã lùi vào quá khứ. Ngày nay, Châu Âu và và vùng Tô Liên cũ hiện đang trở thành bãi chiến trường với các cuộc chiến tranh và xung đột diễn ra triền miên. Năm 1994 thế giới có tới 39 cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang (con số cao hơn một chút so với số vụ của năm 1993), với 13 vụ phát sinh và 26 vụ tiếp diễn từ năm 1993. Tới thời điểm này, 24 vụ trong số đó đã chấm dứt và 15 vụ vẫn đang tiếp diễn.

....        
________
Chú thích:
(1)Mạn Đức Lạp: Man-đê-la (Nelson Madela)
(2)Nạp Mễ Tỉ Á: Nam-mi-bi-a (Namibia)
(3)Mạc Tang Tỉ Khắc: Mô-dăm-bích (Mozambique)
(4)An Ca Lạp: Ăng-gô-la (Angola)
(5)Ba Lặc Tư Thản: Pa-lét-xtin (Palestine)
(6)Gia Sa: Ga-da (Gaza)
(7)Kiệt Lý Khoa: Gie-chi-rô (Jechiro)
(8')Khai La: Cai-rô (Cairo)
(9)Ước Đán: Gioóc-đan (Jordan)
(10)Hoa Thịnh Đốn: Oa-xinh-tơn (Washington)
(11)Lê Ba Nộn: Li-băng (Lebanon)
(12)Giản Bộ Trại: Căm-pu-chia (Cambodia)
(13)Nam Tư Lạp Phu: Nam Tư (Yugoslavia)
(14)Ba Nhĩ Cán: Ban-căng (Balkan)
(15)Y Lạp Khắc: I-rắc (Iraq)
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Ba, 2011, 02:58:01 pm gửi bởi OldBuff » Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #68 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2011, 04:42:54 pm »

Tình hình quân sự quốc tế trong thập niên 90
Tác giả: Thiếu tướng Dư Khởi Phan / 余起棻

….

Thêm nhiều hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và sự can thiệp của Phương Tây

Sau khi Lãnh chiến chấm dứt, Liên Hiệp Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong công tác gìn giữ hòa bình. Điều này đã thúc đẩy mạnh mẽ các bên xung đột dừng giao tranh để ngồi vào bàn thương lượng. Số liệu cho thấy sau bốn thập kỷ tính từ thời điểm thành lập Liên Hiệp Quốc tới năm 1988, Liên Hiệp Quốc đã thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình 16 lần. Nhưng chỉ từ năm 1989 tới 1994, Liên Hiệp Quốc đã phải tiến hành công tác này tới 18 lần trên các địa bàn Châu Á, Châu Phi, Trung Đông và Châu Âu. Chỉ tính 17 sứ mệnh gìn giữ hòa bình đã có trên 70 quốc gia tham gia với 2.000 giám sát viên quân sự và hơn 73.000 lính Mũ nồi Xanh. Năm 1994, chi phí cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình vào khoảng 3,6 tỷ Mỹ kim.


Trung Quốc tích cực tham gia công tác gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Trên hình là một phân đội Mũ nồi Xanh của Trung Quốc trở về nước vào ngày 5/4/2005 sau khi hoàn tất sứ mệnh tại Hải Địa(1) (ảnh http://english.peopledaily.com.cn)

Các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc giúp các bên xung đột tăng cường đàm phán và kiềm chế giao tranh. Tuy nhiên công tác này cũng là công cụ can thiệp mới của Mỹ và các nước Phương Tây như một biểu hiện của thói bá quyền và cường quyền chính trị. Bọn họ cổ xúy cho thuyết “Nội chiến không phải là công việc nội bộ và nhân quyền cao hơn chủ quyền quốc gia”, lấy đó làm cớ can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác dưới chiêu bài “dân chủ, cải cách” và “nhân quyền”. Họ áp đặt quan điểm “nhân quyền” của mình lên đầu người dân nước khác, xua quân vào nước khác tác oai tác quái tùy thích với luận điệu “vãn hồi hòa bình”, tìm cách lật đổ chính quyền, thiết lập các “vùng cấm bay” và “an toàn khu”, bắt bớ lãnh tụ của lực lượng phản kháng. Những hành động này đã gây tâm lý bất an cho các nước Thế giới thứ ba.   

././.

Chú thích:
(1)Hải Địa: Ha-i-ti (Haiti)
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #69 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2011, 12:44:12 pm »

Các xu thế quân sự tương lai
Tác giả: Cao Hằng / 高恒

….

Cao Hằng nguyên là nghiên cứu viên công tác tại Sở nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc/中国社会科学院, với lĩnh vực chuyên môn về các vấn đề môi trường an ninh và chiến lược tương lai.


Trong bài viết này, Cao Hằng nêu rằng: “Sau khi kết thúc Lãnh chiến, trọng tâm chiến lược của các nước lớn trên thế giới đã chuyển từ đối đầu quân sự có sử dụng vũ khí hạt nhân sang tranh giành quyền lực giữa các nước đồng minh. Tuy nhiên, việc thường xuyên tăng cường binh lực vẫn là một xu thế lịch sử tất yếu, nên chúng ta cần nghiên cứu một cách nghiêm túc những đặc điểm mới của cục diện quân sự thế giới”.

....
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM