Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:59:07 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những gương anh hùng thời KCCM  (Đọc 80238 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
yeulichsu1982
Thành viên
*
Bài viết: 27


« vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 02:39:41 pm »

Có một nữ anh hùng tuổi ngoài đôi mươi, người con gái đất Quảng xinh đẹp trực tiếp chiến đấu, tiêu diệt 280 tên địch, bắn cháy hai xe tăng, một trực thăng... Chị là anh hùng liệt sĩ Lê Thị Tính...

Tuổi trẻ, chiến công lớn

Xã Điện Hòa-huyện Điện Bàn (Quảng Nam) là cái nôi cách mạng. Gia đình chị Lê Thị Tính thường xuyên tiếp tế, nuôi giấu cán bộ. Ngày ấy, cha chị bị bọn giặc giết hại, chúng đốt nhà, cướp của mang đi. Nỗi căm hờn quân xâm lược thấm sâu vào tim gan cô bé vừa tròn 10 tuổi.

Tên ác ôn đầu tiên chị Tính được cấp trên giao nhiệm vụ tiêu diệt là mụ xã Năm làm điệp viên cho địch. Chị Tính cải trang làm em họ một người bạn từ Sài Gòn ra rồi bất ngờ nổ súng bắn chết mụ ta ngay tại nhà. Sau cái chết của mụ xã Năm, địch điên cuồng điều thêm gián điệp, ác ôn về bắt bớ cơ sở cách mạng. Dạo đó, tên cảnh sát Khanh rất hách dịch và tàn bạo, hắn bắt nhân dân Điện Hoà dò gỡ mìn do du kích cài lại để bọn chúng đi càn, ai không đi chúng tra tấn rất dã man. Chị Tính nghĩ cách phải giết chết thằng này. Biết tên Khanh có bà con xa với ông Cửu Sâm nên chị cải trang thành con gái ông ấy gánh đôi giỏ bội đi cắt cỏ cho trâu. Hôm đó, chị để đôi giỏ bội cỏ giữa đường ngồi nghỉ, vừa lúc tên Khanh đi tới liền nói ngay: “Chú Khanh cho cháu xin điếu thuốc!”. Tên Khanh ngạc nhiên khi thấy đứa con gái trắng trẻo, xinh xắn, cười tươi như hoa nên hắn tít mắt hỏi con cái nhà ai rồi rút thuốc thơm đưa ngay, giọng lơi lả: “Cô em xinh dữ quá ta, ưng thuận làm zợ qua nghe?”. Không để cho tên Khanh giở trò sàm sỡ, Tính rút súng ngắn bắn 3 phát vào ngực, khiến hắn chết ngay tại chỗ.


Người con gái xinh đẹp, đánh giặc xuất quỷ nhập thần được bà con hết lòng cưu mang. Một lần về vùng Cẩm Hà nắm tình hình, Tính bị địch bắn bị thương. Lợi dụng đêm tối, chị nén cơn đau lết về căn nhà đầu xóm còn le lói ánh đèn hắt ra từ chuồng heo. Vừa tới nơi, con heo nái hộc lên liên tục vì hơi người lạ, nghe vậy bà chủ nhà đã phát hiện thấy một người con gái máu me đầy mình. Bà chưa kịp la lên, thì Tính đã nói, giọng rành rọt: “Cháu là Việt cộng đây, bác cứu cháu với, cách mạng sẽ không quên ơn bác”. Nghe Tính nói vậy, người đàn bà vội vàng dìu chị vào nhà băng bó vết thương, sau đó đưa chị về căn cứ.

Để chuẩn bị cho chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Thường vụ tỉnh ủy điều động Tính lúc này mới 25 tuổi đang là tỉnh ủy viên, huyện đội phó Điện Bàn về làm Bí thư quận Nhì (nay là quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng). Ngày 13-11-1967, mặc dầu chị Tính đang dưỡng thương do bị địch phục kích ở Thủy Tú, nhưng chị vẫn về căn cứ họp bàn công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Chiều hôm đó Tính giả bộ như người đi chợ về, khi qua được nửa cánh đồng Hòa Liên (Hòa Vang) thì phát hiện địch mai phục cách đấy khoảng vài trăm mét. Biết mình đã bị lộ, chị bình tĩnh cất giấu tài liệu rồi lấy mấy quả lựu đạn dưới đáy mủng giắt vào người. Chị bình tĩnh bò qua con mương cạn tiến về mé bìa rừng, bất ngờ một loạt AR15 vang lên. Cánh tay trái của chị đau nhức nhối, lúc này quân địch đông như kiến đồng loạt xông tới định bắt sống chị. Biết không thoát khỏi, Tính bình tĩnh chờ cho quân địch đến gần rồi tung lựu đạn. Sau tiếng nổ nhiều tên địch ngã nhào, rống lên như bò bị chọc tiết. Bọn địch tức tối bắn xối xả vào người Tính... Người con gái xứ Quảng đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 27...

17 năm... mới có một ngày

Trong căn gác đơn sơ trên phố Phan Thanh, cô Lê Thị Nhị (chị gái của nữ anh hùng Lê Thị Tính) chậm rãi kể cho tôi nghe 17 năm trời ngược xuôi làm thủ tục để đề nghị các chính sách khen thưởng cho em gái của mình.

Giọng cô Nhị nghẹn ngào: “Để có được ngày hôm nay, tôi đã cạn khô nước mắt vì bao nỗi nhiêu khê, nhiều lúc nản lòng, nhưng được sự động viên của đồng đội nên lại kiên trì chờ đợi. Từ năm 1990, hầu như tất cả số đồng đội từng chiến đấu và đồng bào Điện Hòa biết đến Lê Thị Tính đều có tâm nguyện muốn Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng cho chị. Nhưng hồi đó, hồ sơ thất lạc do chiến tranh, có một vài người thiếu hiểu biết, phát biểu sai sự thực, do vậy cứ nhùng nhằng về mặt thủ tục. Mãi đến năm 2003, được các anh Phạm Đức Nam (nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng), Nguyễn Hồng Thắng (Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Điện Bàn), ông Bùi Văn Tiến (quận ủy Thanh Khê) và đồng đội của Tính động viên, tôi lại tiếp tục ngược xuôi tìm gặp các anh, chị một thời hoạt động với Tính để nhờ xác minh. Các anh ở phòng Chính sách Quân khu 5 cũng nhiều lần gửi tờ trình, hồ sơ lên cấp trên. Đến năm 2007, Tính được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...”.

Với tay lần tìm tấm ảnh chụp bên mộ cô Tính ở Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn trao cho tôi, cô Nhị nghẹn ngào xúc động: “Hôm ấy, tôi cùng anh Lê Nguyên Hồng - Giám đốc Sở TDTT và gia đình về Quảng Nam. Cả ngày hôm đó mưa tầm tã, vậy mà khi chúng tôi tới nghĩa trang thì trời tạnh hẳn. Đặt tấm bằng danh hiệu Anh hùng lên mộ Tính, tôi thắp bó hương lớn lên mộ rồi nói với em tôi: “Tính ơi, nhờ anh em, đồng đội và bà con giúp đỡ, đến hôm nay công lao của em đã được đền đáp...”.

« Sửa lần cuối: 23 Tháng Năm, 2008, 07:55:28 pm gửi bởi Tunguska » Logged
yeulichsu1982
Thành viên
*
Bài viết: 27


« Trả lời #1 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 02:40:53 pm »

Xin lỗi- Nguồn báo Sự kiện và nhân chứng
Logged
yeulichsu1982
Thành viên
*
Bài viết: 27


« Trả lời #2 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 02:46:12 pm »

Anh Trần Văn Đang, sinh năm 1942, ở xã Long Hồ, Châu Thành Tây, nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long. Anh xuất thân từ một gia đình nghèo khổ, mồ côi cha từ nhỏ, mấy mẹ con tần tảo nuôi nhau. Lớn lên, cảnh sống ở quê hương cùng cực, anh phải lần bước lên Sài Gòn theo người chú để kiếm sống qua ngày. Chú ruột anh là một đảng viên cộng sản hoạt động bí mật ở nội thành Sài Gòn. Chính ông đã hướng dẫn anh đi làm cách mạng và tháng 3-1964, đưa anh vào lực lượng vũ trang nội thành của đội biệt động thành phố Sài Gòn với bí danh là Sang. Lúc đó anh tròn 18 tuổi.

Sau một thời gian thử thách, học tập chính trị và quân sự tại căn cứ của đội biệt động Sài Gòn ở Củ Chi, anh Trần Văn Đang được lãnh đạo giao nhiệm vụ đánh mìn ở câu lạc bộ sĩ quan Mỹ tại số 3 Võ Tánh, quận Tân Bình, Sài Gòn.

Tổ chức giao cho anh một chiếc xe máy cùng 10kg thuốc nổ TNT và phân công một người lái xe đưa anh đến điểm đánh mìn. Qua công tác điều nghiên nhiều ngày, anh đã nắm được quy luật ra vào của bọn cố vấn và lính Mỹ ở câu lạc bộ này. Anh dự định dùng 10kg thuốc nổ cực mạnh đó áp sát tường căn nhà “Câu lạc bộ sĩ quan Mỹ” để phá tung cả khu nhà bọn sĩ quan và phi công Mỹ thường lui tới chơi bời sau mỗi ngày đi tàn sát nhân dân ta về.

Điều không may cho anh Đang và tổ chức đội biệt động là tên lái chiếc xe chở anh đi đánh trận ấy đã bị “chiêu hồi” mà anh và tổ chức vẫn chưa hay. Trước khi chở Trần Văn Đang đi, hắn đã mật báo cho cảnh sát ngụy quyền Sài Gòn về kế hoạch đánh mìn của anh vào bữa đó. Khi chiếc xe vừa dừng lại đúng điểm trong kế hoạch tác chiến, anh đang lên giây đồng hồ báo nổ và cũng không quên gắn thêm một kíp nổ đề phòng đồng hồ trục trặc, thì bọn cảnh sát ập đến. Chúng đã bắt anh Trần Văn Đang ngay giữa trưa ngày 20-3-1965. Chiều ngày 9-4-1965 trong một phiên tòa đặc biệt, anh Trần Văn Đang bị chúng kết án tử hình tại khám Chí Hòa.

Trong phòng biệt giam những người tử tù, Trần Văn Đang vẫn không nhận bất cứ một sự dụ dỗ nào của địch để khai báo tổ chức cho chúng, mặc dù anh biết ngày được sống sẽ không còn nhiều, vợ và con anh còn vất vả, gieo neo khi anh hy sinh. Anh vẫn bình tĩnh, thản nhiên và không để lộ bất cứ một bí mật nào của đội biệt động thành phố Sài Gòn cho bọn địch.

Đúng 5 giờ 30 phút ngày 22-6-1965, bọn gác ngục đưa anh Trần Văn Đang ra pháp trường. Dù biết cái chết đang gần kề từng phút, anh vẫn không tỏ thái độ nào run sợ. Từ phòng tử tù trên lầu xuống tầng trệt, anh ôm thêm mọi đồ dùng cá nhân và ung dung bước đi ra pháp trường trong tư thế của người lính biệt động thành chiến thắng.

Địch đưa bữa cơm cuối cùng của người tử tù, anh từ chối, chỉ xin một bình trà nhỏ. Rồi thay áo quần sạch sẽ, anh ngồi uống trà, hút thuốc, tóc chải gọn gàng, sạch sẽ, rất đĩnh đạc trước khi chúng thi hành xử bắn anh. Đồng bào Sài Gòn hôm ấy tập trung đông xung quanh khu vực chợ Bến Thành. Bà con ai thấy cũng hết sức xúc động và thán phục một chiến sĩ biệt động thành gương mặt còn quá trẻ, đi đến pháp trường của Mỹ-ngụy với một tư thế hiên ngang, bất khuất, không một chút hoang mang sợ hãi trước mũi súng quân thù.

Khi toán cảnh sát đẩy anh đến trước cọc xử bắn, anh Trần Văn Đang la lớn: “Phải để tôi thấy đồng bào tôi”. Anh yêu cầu bọn cảnh sát cho mình được nói chuyện với đồng bào anh đang tập trung xung quanh trường bắn. Chúng không đáp ứng yêu cầu của anh. Anh không chịu bịt mắt và hô lớn “Đả đảo đế quốc Mỹ”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Đả đảo đế quốc Mỹ”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Những lời hô lớn của anh, theo trung tá, nguyên Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự quận 6, thành phố Hồ Chí Minh, cũng là một thành viên trong đội biệt động Sài Gòn thời gian ấy cho biết lời hô của anh làm bà con Sài Gòn hôm ấy chứng kiến thật sự xúc động, và cảm phục.

Cùng với Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, cái chết của chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Đang đã thức tỉnh hàng triệu người yêu nước dấy lên phong trào đấu tranh chống Mỹ-ngụy. Sự hy sinh của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Đang và thái độ anh dũng hiên ngang trước kẻ thù đã tác động hàng triệu trái tim của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong thư gửi thế hệ trẻ cả nước tháng 10-1966, Bác Hồ đã động viên thanh niên cả nước học tập gương anh hùng dũng cảm của các anh Nguyễn Văn Trỗi và Trần Văn Đang. Ngày 6-11-1978, Chủ tịch nước ta đã truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Trần Văn Đang
Logged
yeulichsu1982
Thành viên
*
Bài viết: 27


« Trả lời #3 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 02:47:42 pm »

Anh hùng Nguyễn Thị Cam, sinh năm 1948, dân tộc Kinh, quê xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, trong khu vực vĩ tuyến 17. Những năm thơ ấu, thực dân Pháp và tay sai liên tục mở các cuộc hành quân càn quét, lập tề, xây dựng đồn bốt, đóng chốt hầu hết các tuyến giao thông thủy bộ trên quê hương của chị. Mặc dù vậy phong trào kháng chiến vẫn phát triển. Trong ký ức tuổi thơ của chị, còn đọng mãi hình ảnh quê hương tràn ngập cờ sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết.
HIỆP định Giơ-ne-vơ quy định: với Việt Nam, giới tuyến quân sự (vĩ tuyến 17) chỉ có tính chất tạm thời. Sau hai năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, hai miền sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Nhưng với bản chất phản động, Mỹ-Diệm đã trắng trợn chà đạp lên công ước quốc tế, không những không tổ chức tổng tuyển cử mà còn tiến hành khủng bố lực lượng kháng chiến. Sau khi xây dựng được chính quyền phản động thân Mỹ từ trung ương đến cơ sở hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, Mỹ–Diệm điên cuồng phản kích, dìm cách mạng miền Nam trong biển máu.

Ở xã Gio Thành, địch tiến hành các đợt tố cộng đẫm máu. Đảng viên, cốt cán bị chúng bắt tập trung vào các trại “cải huấn”, các khu “dinh điền” để “tẩy não”. Cảnh chúng lùng sục, bắn giết, tra tấn cán bộ, đảng viên diễn ra hằng ngày, như chà vôi, xát ớt vào lòng Nguyễn Thị Cam. Căm thù bọn địch dã man, chị nung nấu trong tim nguyện ước được đi chiến đấu để đuổi sạch quân thù, giải phóng quê hương.

Tháng 1-1966, Nguyễn Thị Cam tròn 18 tuổi và đạt được mơ ước của mình là gia nhập đội du kích xã Gio Thành. Thời gian này, quân Mỹ bắt đầu ồ ạt kéo vào miền Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Chúng xây dựng hệ thống căn cứ Mỹ từ Cửa Việt, Đông Hà đến Làng Vây, xây “hàng rào điện tử Mác Na-ma-ra”. Chúng tung các đơn vị thám báo, biệt kích với những cái tên “Trâu điên”, “Đỉa đói”... ngày đêm tuần tra, phục kích lực lượng ta đi lại hoạt động. Địch còn dùng chất độc hóa học, bom xăng đốt phá, thiêu hủy từng lá cây, ngọn cỏ. Từ tháng 5 đến tháng 12-1967, địch đã san bằng hầu hết huyện Gio Linh. Đại bộ phận nhân dân bị dồn vào các trại tập trung lớn: Cửa Việt, Cồn Tòng, Quán Ngang... bị thiếu đói, ốm đau, kẻ địch liên tiếp thanh lọc, khủng bố, hàng trăm người đã chết. Quần chúng vô cùng căm phẫn.

Vốn thông minh, nhanh nhẹn, Nguyễn Thị Cam được cử vào đội công tác mật, thực hiện nhiệm vụ củng cố lại hệ thống hoạt động mật trong khu tập trung, hướng dẫn quần chúng đấu tranh, đòi địch giải quyết đời sống, đòi địch bồi thường thiệt hại. Dũng cảm trong chiến đấu, khôn khéo trong công tác vận động quần chúng nên chị đã được kết nạp vào Đảng. Cuối năm 1969, chị được giao làm xã đội phó xã Gio Thành, trực tiếp chỉ huy trung đội du kích mật.

Chị đã cùng anh chị em du kích sống, chiến đấu, bám trụ trên vành đai trắng, sát “hàng rào điện tử Mác Na-ma-ra”, sáng tạo nhiều cách đánh địch có hiệu quả cao. Bất kể ngày hay đêm, khi có thời cơ, đội du kích của chị lại bày trận, ra đòn với địch. Đội đã liên tục tiến công, vây ép, bắn tỉa, phóng bom, cài mìn, gây cho địch nhiều thiệt hại. Riêng chị đã trực tiếp đánh 48 trận lớn, nhỏ, diệt 31 tên địch (có 22 tên Mỹ), bắn cháy 4 xe tăng. Tháng 3-1968, ở Lâm Xuân, Nhí Hạ, đơn vị Nguyễn Thị Cam phối hợp với bộ đội đoàn Sông Dinh diệt gọn toàn bộ đoàn xe 22 chiếc của địch. Đơn vị của chị đã tham gia chiến đấu, lập công xuất sắc trong cuộc Tổng tiến công Xuân 1968, tham gia đập tan cuộc hành quân càn quét quy mô lớn mang tên “Lam Sơn 719” của địch ở đường 9-Nam Lào. Trong hội nghị tổng kết thi đua của đơn vị các năm 1969, 1970, 1971, chị đều được bình bầu là Chiến sĩ thi đua.

Ngày 14-2-1972, tổ công tác năm người của chị có nhiệm vụ đột nhập vào khu tập trung dân ở Cửa Việt để chúc Tết đồng bào và cắm cờ Mặt trận giải phóng vào sáng mùng một Tết, gây khí thế cho nhân dân, chuẩn bị phát động quần chúng chống phá bình định, giải phóng tỉnh Quảng Trị vào cuối tháng 3 năm 1972. Trên đường đi, tổ của Nguyễn Thị Cam lọt vào ổ phục kích của một thiết đoàn xe tăng và một đại đội bảo an địch. Dưới sự chỉ huy của chị, toàn tổ vừa chiến đấu vừa rút lui. Ba người rút an toàn, một người trúng đạn hy sinh, còn một mình Nguyễn Thị Cam trên bãi cát rộng. Địch cho xe tăng và xe bọc thép cùng bộ binh vây bắt. Chúng dùng loa kêu gọi chị đầu hàng. Tranh thủ thời cơ, Nguyễn Thị Cam cắm lá cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam lên cồn cát cao. Địch tưởng chị đầu hàng, ào lên bắt sống. Nguyễn Thị Cam bình tĩnh đợi địch đến gần, nã đạn vào đội hình địch, diệt hai tên và hô lớn: “Con Cam này chỉ biết đánh, không biết đầu hàng”. Biết không thể bắt được chị, quân địch dùng xe tăng, xe bọc thép lao vào đè nát chị. Nguyễn Thị Cam tung liên tiếp hai quả lựu đạn vào xe địch. Bọn chúng tức tối nghiền nát thi thể của chị.

Gương hy sinh của Nguyễn Thị Cam đã được nhân dân truyền tụng, kẻ thù kinh hoàng, thán phục. Năm đó chị mới tròn 24 tuổi.

6 năm hoạt động cách mạng, chị Nguyễn Thị Cam đã được tặng thưởng 3 huân chương Chiến công hạng ba, 4 danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ", 4 danh hiệu "Dũng sĩ diệt xe cơ giới", được ủy ban nhân dân khu Trị-Thiên-Huế tặng huy hiệu “Tấn công nổi dậy, anh dũng kiên cường”. Ngày 11-6-1999, chị được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

(Nguồn: Báo Quân đội nhân dân)
Logged
yeulichsu1982
Thành viên
*
Bài viết: 27


« Trả lời #4 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 03:03:27 pm »

Đội trưởng đặc công ở "Củ Chi đất thép"

Hồi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở vùng “Đất thép Củ Chi” (phía Bắc Sài Gòn-Gia Định) có anh cán bộ Quân giải phóng rất trẻ và hiền lành. Anh được bà con, cô bác và các chiến sĩ du kích mến thương. Bọn Mỹ-ngụy tại Củ Chi rất ớn Năm Thiềng và tức tối khi nghe tên anh, vì anh là người chỉ huy đội đặc công Quân giải phóng. Chúng xếp anh vào danh sách “những Việt cộng nằm vùng nguy hiểm”. Nhiều lần chúng từng treo giải và bao vây, lùng sục để bắt anh, nhưng đều không được. Đó là anh Đoàn Xuân Thiềng, còn gọi là Năm Thiềng, chàng trai quê ở huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Ở vùng này, nhiều căn cứ quân sự, đồn bốt, kho tàng của Mỹ-ngụy, dù được bảo vệ cẩn mật, Năm Thiềng và các chiến sĩ của anh vẫn đột nhập như có phép “xuất quỷ nhập thần” và bất ngờ đánh những đòn hiểm.

Bọn giặc khó kiếm Năm Thiềng vì anh và các đội viên đội đặc công thường sống phân tán cùng bà con trong các xã, ấp, dưới địa đạo, được nhân dân và anh em du kích giúp đỡ, chở che.

 Các chiến sĩ du kích Củ Chi còn nhớ: đầu xuân 1972, Năm Thiềng chỉ huy trận đánh Đồng Dù, gây nỗi kinh hoàng đối với Mỹ-ngụy. Hay tin bọn Mỹ vận chuyển hàng chục nghìn tấn đạn dược cùng nhiều đồ dùng quân sự từ Long Bình, Gò Vấp về chứa đầy bảy dãy kho trong căn cứ Đồng Dù, chuẩn bị đưa đi ứng cứu đồng bọn đang bị Quân giải phóng tấn công ở Tây Ninh, Dầu Tiếng và Lai Khê, Năm Thiềng lập tức chỉ huy đội đặc công đột nhập.


Hôm đó là ngày 18-1-1972. Trời vừa tối, trong khi bọn chỉ huy Mỹ-ngụy đang tung thêm lực lượng biệt kích, gián điệp rải khắp các xã, ấp và đốc thúc quân lính liên tục tuần tiễu để “ngăn chặn Việt cộng”, thì Năm Thiềng đã áp sát phía Tây Nam căn cứ quân sự lớn của chúng. Do nhiều lần từng ra vào điều tra và tấn công Đồng Dù, Năm Thiềng và các đội viên của anh (gồm Nguyễn Huyền Nhung, Ngô Vững Bền và Nguyễn Văn Long) nhớ rõ những vị trí quan trọng của địch tại đây. Các chiến sĩ đặc công mưu trí, dũng cảm, dưới sự chỉ huy của đội trưởng Năm Thiềng mau lẹ tiếp cận khu trung tâm Đồng Dù.

23 giờ 30 phút, Năm Thiềng và toàn đội của anh vừa rời khỏi Đồng Dù thì từ nơi ấy, những tiếng nổ dữ dội, những cột lửa khổng lồ ngùn ngụt bốc lên. Cùng với lửa và khói là tiếng nổ liên hồi của các loại đạn lớn nhỏ.

Ở cạnh khu bưng biền Bàu Chứa cách đó không xa, các anh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã Trung Lập Hạ, gồm Sáu Tâm, Tư Nghĩa, Tám Trệt và các chiến sĩ du kích trong lực lượng yểm trợ đội đặc công đang nóng ruột đón đợi anh em từ Đồng Dù trở ra. Vừa thấy Năm Thiềng và các đội viên xuất hiện, mọi người chạy ùa tới ôm chầm các anh, ai cũng rưng rưng vui sướng. Những nụ cười trong phút gặp lại thật xúc động.

Đến chiều hôm sau, lửa vẫn cháy và đạn vẫn nổ rung chuyển cả Đồng Dù. Bọn Mỹ-ngụy hoảng hốt báo động, la lối om xòm, những tên đóng trong các đồn bốt quanh đó cuống cuồng hối nhau rút chạy vì sợ quân chủ lực “Việt cộng” sắp đánh lớn.

Cũng chiều hôm ấy, giữa lúc cả chi khu Củ Chi của địch đang rối bời và sống trong hoảng loạn thì tại hậu cứ của đội 5 đặc công Quân giải phóng ở khu rừng chồi An Nhơn Tây lại rộn niềm vui mới: Năm Thiềng và đồng đội của anh chuẩn bị đón khách quý. Khách đang đến phải tạm dừng bên chiến hào vì chiếc máy bay L19 của địch bay thấp phát loa oang oang kêu gọi nhân dân hãy chỉ cho chúng biết “các cán binh đặc công Việt cộng nằm vùng”, chúng sẽ “trọng thưởng”. Mọi người, kể cả Năm Thiềng, không ai nhịn được cười về trò chiến tranh tâm lý ấy của Mỹ-ngụy tái diễn lâu nay. Chiếc máy bay lượn mấy vòng như để có mặt rồi quay đi.

- Chúng em đến thăm mấy anh “Việt cộng nằm vùng” đây!

Có tiếng cười và tiếng nói thân quen. Nhìn ra, Năm Thiềng đã thấy “đoàn khách đặc biệt” đang tới. Đó là các nữ du kích Củ Chi từng sát cánh với đội đặc công của anh đánh giặc, đến chúc mừng toàn đội vừa lập chiến công. Năm Thiềng và các cán bộ, chiến sĩ của đội lúng túng trước các nữ du kích tươi trẻ, hồn nhiên, cô nào cũng súng ngang vai, khỏe mạnh mà duyên dáng trong bộ bà ba đen, đội mũ tai bèo và quấn khăn rằn mềm mại. Nhìn mấy cô xách những giỏ trái cây, bánh tét của bà con, cô bác trong ấp gửi tặng, Năm Thiềng vỗ tay và thốt lên:

- Ôi, mùa xuân đã đến!

Anh nhớ hôm ấy là ngày hai mươi tám tháng Chạp năm Tân Hợi, chỉ hai bữa nữa là đón Tết Nhâm Tý 1972
Nguồn- Báo Quân đội nhân dân
Logged
yeulichsu1982
Thành viên
*
Bài viết: 27


« Trả lời #5 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 03:51:40 pm »

Chị Hai Riêng
Những dòng cuối cùng trong cuốn nhật ký của mình, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân “Hai Riêng” (tên thật là Lê Thị Riêng, nguyên Trưởng ban Phụ vận Khu Sài Gòn-Gia Định, Phó hội trưởng Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) viết: “Tôi sẽ chiến đấu cho hạnh phúc không tan, cho con sớm gần mẹ, cho người người không còn tang tóc chia ly…”.

Chiến đấu để không còn tang tóc chia ly...

Bà sinh năm 1925, trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Vĩnh Mỹ, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. 16 tuổi, bà đã được giác ngộ cách mạng và trở thành chiến sĩ cách mạng với tên “Hai Riêng”. Tháng Tám năm 1945, Việt Minh nổi dậy, thị xã Rạch Giá, cờ đỏ rợp trời, người dân nô nức kéo nhau đi cướp chính quyền. Trong dòng người đó có bà. Bà đã trưởng thành trong phong trào phụ nữ của miền Nam, được bầu là Phó hội trưởng Hội Phụ nữ Cứu quốc miền Đông những năm 50.

Năm 1954, ông, bà thành hôn ở chiến khu Đ. Lễ cưới có mặt đông đủ các đồng chí lãnh đạo trong phân khu và bạn bè. Cuối năm 1961, sau đợt đi công tác dài ngày, bà trở lại khu rừng cũ nơi đã chia tay với chồng. Đến nơi, bà nhận được câu trả lời của đơn vị “Anh ấy đi công tác chưa về”. Bà nhẫn nại đợi. Một ngày chờ như thể mấy năm, bà càng đợi, càng biệt tăm. Biết không thể giấu được, đơn vị đành báo tin ông đã hy sinh…

Với nỗi niềm ấy, bà đã đau đớn viết vào cuốn nhật ký: “Ngày 28 tháng 10 năm 1960, vợ chồng tôi chia tay nhau và cũng là ngày cuối cùng chúng tôi xa nhau mãi mãi.

Chúng tôi đã nhiều lần hợp tan như thế nhưng chuyến đi này tôi cảm thấy quyến luyến xót xa vì mới xa con lại phải xa chồng…

Sáu tháng sau, sau khi đi công tác trở về khu rừng cũ, tôi nuôi hy vọng đầu tiên là sẽ gặp chồng. Đến nơi, tôi được biết anh đi công tác chưa về… Phải kéo dài thời gian chờ đợi, cứ thế mà mỗi ngày một biền biệt xa. Ai đã trải qua tất sẽ thông cảm đầy đủ tình cảnh lo sợ, nhớ mong của vợ đối với chồng của tôi lúc bấy giờ.

Mãi tới ngày 29-4-1961, được các đồng chí cấp ủy mời đến, câu nói đầu tiên của các anh mà tôi bắt buộc phải nghe, mãi đến nay, mỗi khi nhớ đến tôi còn thấm sợ: “Xin báo cáo chị một tin buồn, anh ấy đã hy sinh”. Tôi phải nhắm mắt lại để tránh một sự thật đau thương, mong rằng tất cả những người đàn bà trên thế gian này, không ai phải nghe câu nói ấy đến với mình”.



Sau những ngày hốt hoảng, tôi nghe các đồng chí thuật lại rằng: “Đêm 4-12-1960, nhằm đêm rằm tháng 11-1960, trên đường công tác, không may anh bị phục kích, chống cự đến viên đạn cuối cùng và cũng đêm ấy anh không bao giờ trở lại với vợ con”.

Xóm mộ Đông Yên, xã Đông Hòa (Dĩ An) là nơi an nghỉ cuối cùng. Khi ngồi viết những dòng này tôi vẫn chưa tìm đến được nắm đất thân yêu, nơi chồng tôi gửi xác.

Bảy năm trời chung sống, từ ngày 3-5-1954, đến tháng 4 năm 1960, bao tình sâu nghĩa nặng của vợ chồng tôi đã kết thúc trên đời. Còn lại hai con đang sống xa mẹ. Chúng là nguồn hạnh phúc, là sức mạnh chiến đấu giúp tôi hăng hái đi lên không bao giờ chùn bước. Tôi sẽ chiến đấu cho hạnh phúc không tan, cho con sớm gần mẹ, cho người người không còn tang tóc chia ly…”.
Bài thơ “Ước mơ” và nỗi niềm của người mẹ(Bài thơ này ở cuối bài)

Chồng hy sinh, để bảo đảm an toàn cho hai con và tiện công tác, sau nhiều đêm đấu tranh với bản thân mình, bà quyết định gửi con ra Bắc. Không có người mẹ nào trên đời này muốn xa con. Bà đã chấp nhận chọn cho mình con đường đi làm cách mạng.

Ngày đó, để ra được Hà Nội, Minh Chánh và Chí Công - hai người con của Hai Riêng được tổ chức đưa qua Cam-pu-chia, sang Hồng Công rồi ra Hà Nội an toàn. Bà yên lòng khi biết chúng được gửi tới mẹ Mai Khanh chăm nom, được đồng chí Phạm Hùng đỡ đầu. Thỉnh thoảng, có người ra Bắc, nhớ con, bà viết thư cho mẹ Mai Khanh hỏi thăm tình hình. Trong một lá thư bà viết: “Tuy vừa qua gặp chuyện đau lòng, nhưng không đến nỗi nào làm mình nản bước đâu. Nhưng luôn luôn phải tự động viên mình, chỉ có một con đường này mới có tương lai… Nhớ con, đau nhói cả ruột gan, chị ơi!”.

Khi đó bà Riêng được cử vào nội thành công tác, tham gia xây dựng cơ sở cách mạng ở Biên Hòa - Chợ Lớn. Bà tham gia đóng góp tích cực cho tờ báo Phụ nữ Giải phóng và là một trong những người trực tiếp lãnh đạo phong trào phụ nữ đấu tranh, biểu tình chống Mỹ Diệm ở nội đô. Một lần vừa từ xe lam bước xuống, bà bị một tên chiêu hồi nhận ra. Tên Ca Vĩnh Phối đã chỉ điểm để 3 tên mật vụ khác đón bắt bà. Hôm đó vào ngày 9-5-1967. Trong tù, bọn địch dùng mọi cực hình tra tấn dã man hòng khuất phục bà. Chúng đánh đập, tra điện, đốt cháy trụi những ngón tay của bà. Những ngón tay ngày nào bà từng dệt vải, viết báo, viết thư nay đen tím, phồng rộp, đau đớn, nhức nhối đến nỗi bà không cầm nổi được chiếc lược, búi được mớ tóc của mình. Hàng trăm ngày đêm, địch tra tấn, đánh đập tàn khốc nhưng chúng không lấy được một lời khai của bà. Bất lực trước tinh thần bất khuất của bà, đêm mồng 2 Tết Mậu Thân, khi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam đồng loạt nổ ra, bọn địch đã đưa bà cùng nhiều chiến sĩ cách mạng khác trên chiếc xe bịt kín đi thủ tiêu.

Ở Hà Nội, một hôm, Má Thùy - Cô Hiệu trưởng và thầy chủ nhiệm xuống tận lớp học đón Minh Chánh và Chí Công lên phòng hiệu trưởng để báo tin “Má Hai Riêng của các con đã hy sinh”. Hai anh em ôm nhau khóc ròng, sưng cả mắt, mãi mãi không còn được đọc những dòng thư đằm thắm yêu thương từ miền Nam gửi ra: “Con viết nhiều chữ, mẹ mừng quá, chữ con viết đẹp và sạch sẽ. Mẹ nhớ con, nhớ cái gối con nằm, cái mền con đắp, cái áo con mặc, cái bô con tiêu. Mẹ mong nước nhà thống nhất để được rước con về nuôi. Mẹ hôn hết hai con và bạn bè của con”.

Vĩ thanh

Chính những dòng chữ nắn nót, ghi lại những dòng tâm sự đầy xúc động trong cuốn sổ nhật ký của nữ anh hùng Hai Riêng đã khiến tôi quyết tâm đi tìm những người thân của chị.

Chí Công - người con trai đầu của anh hùng Hai Riêng- hiện đang công tác tại Công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất. Tay run run đưa cho tôi cuốn sổ nhật ký của mẹ, giọng nghẹn ngào anh nói: “Sau hai năm ba tôi hy sinh, ngày 9-12-1962, mẹ tôi đã viết những dòng nhật ký đẫm nước mắt này”.

Nói đến đây, anh Công nhìn vào khoảng không xa như nghĩ điều gì? Rồi anh nói: “Đọc những dòng của Má, tôi hiểu sâu sắc hơn vì sao Má tôi đã chọn con đường bất chấp sự hy sinh, đau khổ của riêng mình và vì sao Má lại yêu ba như vậy, sự chịu đựng cũng khôn cùng như vậy”.

Anh Công kể: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hai anh em chúng tôi được bác Phạm Hùng - Bí thư Trung ương cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, Chính ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh và bà Đỗ Duy Liên đưa về thăm miền Nam và đến viếng nghĩa trang Đô Thành, ở đó có 3 tấm bia nhỏ ghi: “Nơi an táng 37 nạn nhân chiến cuộc Mậu Thân 1968”.

Bà Phùng Ngọc Anh nguyên là cán bộ tự vệ thành, người chứng kiến cái đêm bọn địch đem đi thủ tiêu những chiến sĩ cách mạng đã kể lại tấm gương hy sinh bất khuất của liệt sĩ Lê Thị Riêng: Hôm bọn địch đưa tù nhân đi thủ tiêu, trên xe có chị Lê Thị Riêng, anh Trần Văn Kiểu, tôi và một số đồng chí khác. Đi sau là một chiếc xe chở bọn lính trang bị đầy súng ống. Hai chiếc xe lăn bánh từ Tổng nha cảnh sát chạy vô hướng Chợ Lớn. Ngồi trên xe, chị Riêng nói với tôi: “Lực lượng ta nổ súng tấn công. Chúng đang tìm cách hãm hại mình, Ngọc Anh phải sẵn sàng đối phó, nghe em. Trong tình huống này phải xứng đáng là một người Cộng sản”. Anh Chín Kiểu dự đoán: “Bên ngoài ta tấn công vô, bên trong bắn ra. Thế là nó tìm cách thủ tiêu mình một cách hợp pháp”. Đúng như dự đoán, chiếc xe đột nhiên dừng lại ở bốt Bà Hòa. Bọn lính trên chiếc xe sau hò nhau nhảy xuống. Biết có điều chẳng lành, tất cả mọi người trên xe đồng thanh hô: “Đả đảo tàn sát, đả đảo khủng bố”, “Hồ Chí Minh muôn năm”… Bọn địch dàn hàng ngang sau xe, đồng loạt nổ súng vào xe. Khói thuốc mù mịt…

Bà Ngọc Anh xúc động: “Lúc đó tôi bị thương vào đùi, máu thấm ướt. Chị Riêng còn chút sức lực vừa hô, vừa đạp cửa xe định xông ra nhưng không nổi. Bọn địch nghe tiếng động, chúng bắn tới tấp. Tôi ngất đi, khi tỉnh dậy thấy xung quanh im lặng, tất cả đã hy sinh. Tôi thấy chị Riêng đang nằm đè lên che đạn cho tôi...”.

Câu chuyện của những người bạn tù, những dòng nhật ký còn đang viết dở trong đó lấp lánh một câu chuyện huyền thoại về mẹ, là thông điệp của quá khứ gửi tới thế hệ sau về một tấm gương hy sinh cao cả của người nữ liệt sĩ anh hùng. Gần 40 năm trôi qua, anh hùng Hai Riêng đã đi xa… nhưng những kỷ niệm về bà vẫn còn sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Tên bà được đặt cho một đường phố, một chung cư, một công viên tại TP Hồ Chí Minh để chúng ta luôn nhớ đến bà, nhớ về quá khứ và những gì thế hệ trước đã ngã xuống để có được ngày tươi sáng như hôm nay
Ước mơ

(Gửi tặng hai con: Minh Chánh, Chí Công)


Tôi ước mơ một ngày nào đâu đó…

Hà Nội ơi! Cho tôi đến Thủ đô

Gặp lại hai con, tôi ôm cả vào lòng

Tôi siết mãi, không bao giờ buông ra nữa.


Nhớ lắm rồi, bao năm trời chất chứa

Bóng hình con cứ lảng vảng đêm ngày

Bữa tiệc đời sao lắm vị chua cay

Mẹ đã chịu, trong những ngày xa cách.


Tôi ước mơ một ngày xuân thống nhất

Được gặp con, được ôm ấp vỗ về

Thèm thuồng nhìn đôi mắt trẻ ngây thơ

Bao hạnh phúc mẹ dồn về con cả.


Nhưng con hỡi, nước non còn chia cắt

Bởi kẻ thù tàn bạo gây nên

Bao gia đình tan nát điêu linh

Bao em bé phải đoạn tình mẫu tử.


Màu đen tối sẽ lùi về dĩ vãng

Vì toàn dân đã vùng dậy đứng lên

Mẹ nguyện làm, một chiến đấu viên

Mẹ chiến đấu, cho ngày mai tươi sáng.


Cho Bắc Nam thống nhất

Cho đất nước hòa bình

Cho mọi người được no ấm quang vinh

Cho con được hưởng trọn tình thương của mẹ.


Anh hùng-Liệt sĩ LÊ THỊ RIÊN


Logged
yeulichsu1982
Thành viên
*
Bài viết: 27


« Trả lời #6 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 03:53:13 pm »

“Nữ thần” sông nước miền Tây
“Anh Mẫn đẹp trai” lấy chồng

Ai cũng biết Sáu Mẫn “đẹp trai” có tiếng. Một lần hành quân qua sóc Nha Xi của người Khơ-me ở Sóc Trăng, Mẫn đã lọt vào “mắt xanh” của một thiếu nữ dân tộc dễ thương nhất vùng. Cô gái Chăng Cà Mun mới thấy người chỉ huy “đẹp trai” đã say như đang được cùng “anh” múa điệu Lâm Thôn. Chăng Cà Mun nằng nặc đòi cha mẹ nhận Sáu Mẫn làm con rể. Cha mẹ cô gái Khơ-me gặp Mẫn thật. Người trung đoàn trưởng của chị lại còn hăng hái nhận đứng ra làm chủ hôn cho hai người nữa chớ. Thiệt tình, Sáu cũng “mê” cô gái Khơ-me. Đó là một thiếu nữ có gương mặt tròn trĩnh, làn da thơm mùi nắng và cặp mắt long lanh như sao trên trời. Trông Chăng Cà Mun như một nữ thần đang múa Áp-sa-ra. Nếu là con trai, Sáu Mẫn không thể bỏ qua một cơ hội tốt như vầy. Chị thấy thương người bạn gái quá trời. Nhưng sợ bị bại lộ, Mẫn đành phải nhận lời hứa hôn.

“Cái kim để trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Chuyện Sáu Mẫn là gái giả trai bị đổ bể, khiến mọi người kinh ngạc. Chả là khi Sáu mới chào đời, có bà cô của một cậu bé quê cũng ở xã Vĩnh Thạnh, nhưng ra đảo Phú Quốc sinh sống đã gặp cha chị xin được nhận Mẫn là cháu dâu. Ông bà Hai Phước đã nhận lời. Khi hai người lớn lên, gia đình đôi bên vẫn liên tục nhắc đến chuyện hôn lễ. Bà cô của cậu bé cũng mang sính lễ và đưa cháu tới nhà ông bà Hai Phước để tụi trẻ sau này không thể bội ước. Cô Sáu lớn lên, giả trai đi bộ đội thì chàng trai Nguyễn Hữu Bé cũng đã là một chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Tuy phải chiến đấu với quân địch hàng ngày, nhưng Mười Bé vẫn không quên lời ước hẹn. Anh về quê thăm Sáu. Biết người thương đã đi kháng chiến, Bé lặn lội đi khắp các đơn vị du kích, bộ đội để kiếm Mẫn. Một lần đến đại đội 70, Trung đoàn 124, anh đã gặp người trung đội trưởng giống như Sáu Mẫn. Mười Bé hỏi:

- Có phải là Sáu Mẫn đó hôn?

- Tui… tui là… là Sáu Mẫn. Có chi hông đồng chí?

- Trời đất. Tui là Mười Bé, người đã hứa hôn bữa xưa nè. Tụi mình xin thủ trưởng tổ chức lễ cưới ha?

- Cái đồng chí này kỳ quá ta. Tui là con trai sao lấy đồng chí được? - Mẫn gân cổ cự lại.

Chiều ấy, khi cùng đồng đội đi tắm, Sáu Mẫn vẫn lặn sâu vào rừng bần. Ngâm mình cùng làn nước trong xanh, cô bắt đầu cởi bỏ quần áo ra. Đúng lúc cái áo rời khỏi tay Sáu, thì một cái đầu người nhô lên khỏi mặt nước. Mười Bé xuất hiện như một con rái cá. Sáu luống cuống la lên: “Cái…cá..i đồng…đồ..ng chí này làm chi vậy? Bộ không biết mắc cỡ sao, m.. à.. mà coi tui tắm”. Bé nổi trên mặt nước, lặng yên như một bông súng mới nở. Anh tròn mắt như đang được ngắm một nàng tiên từ trên trời xuống trần thế tắm xuân... Một lúc sau, Mười Bé nói ngọt như mật tràm: “Em có thể giấu được cấp trên, chứ không giấu được anh đâu”. Sáu cúi đầu xuống dòng nước lững lờ. Bao nhiêu nét hùng dũng, mạnh mẽ thường ngày bỗng dưng biến đi đâu hết, trên người cô chỉ còn lại nét thanh tú, dịu dàng của người phụ nữ…

Bé dắt Sáu Mẫn đến trước mặt người chỉ huy của cô xin được tổ chức đám cưới. Thủ trưởng của Sáu bật cười nói lớn:

- Cậu không nói giỡn đó chớ?

- Báo cáo thủ trưởng. Sáu Mẫn là con gái thiệt mà. Gia đình cổ và nhà tui đã hứa gả con cho nhau - Bé thanh minh.

Đứng trước người chỉ huy và vị hôn phu, mặt Sáu đỏ hồng lên. Chị cứ ấp úng mãi mà không thoát ra thành lời. Sự kiện Sáu Mẫn từ trai thành gái là một câu chuyện hấp dẫn, ly kỳ, được lan truyền khắp các đơn vị trong Quân khu 9 lúc bấy giờ. Để tổ chức hôn lễ, Sáu phải về tận Sóc Trăng từ hôn với cô gái Chăng Cà Mun. Người thiếu nữ Khơ-me bị “phụ bạc” khóc ròng và trách Sáu: “Hay anh có người yêu từ trước rùi mà vẫn hứa hôn với tui? Nếu không lấy được anh, tui sẽ tự tử cho mà coi”. Sáu Mẫn lau những giọt nước mắt đầm đìa trên mí mắt của cô gái Khơ-me và dắt Chăng Cà Mun vô buồng, cởi áo của mình ra… Đám cưới của chiến sĩ Nguyễn Hữu Bé với người nữ trung đội trưởng Trần Quang Mẫn đông vui chưa từng thấy. Anh em trong đơn vị, chiến sĩ các đơn vị bạn và bà con trong vùng kéo đến như đi trẩy hội.

Diệt ác ôn, đánh cai ngục

Những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước, ở Rạch Giá có nhiều tên ác ôn khét tiếng. Bọn chúng giết người không biết run tay. Trong số những tên này, nổi lên là thiếu tá Lâm Quang Phòng, chỉ huy tiểu đoàn bảo an Kiên Giang. Tên tay sai bán nước này đi đến đâu là giết người, cướp của, hãm hiếp phụ nữ đến đó. Hắn nhiều lần chỉ huy quân đi càn quét, thấy cán bộ Việt cộng là cắt đầu, moi gan. Những người nuôi giấu Việt cộng cũng bị tên Phòng treo cổ mấy ngày ở chợ hay những con đường lớn. Có lần nó dám mổ bụng, uống máu của 7 thanh niên một lúc mà không ghê sợ. Tên Phòng đã thề: “Nhổ cỏ U Minh, uống máu Việt cộng”. Thấy cảnh người dân bị Lâm Quang Phòng chém giết, hãm hại, dòng máu trong người Sáu Mẫn sôi lên sùng sục.

Không thể để hắn giết đồng bào, đồng chí mãi được, Sáu Mẫn quyết định gặp lãnh đạo Tỉnh ủy, tình nguyện xin đi trừ khử tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân. Được cấp trên chấp thuận, Sáu về mài một con dao thiệt bén và tập kỹ các động tác triệt hạ đối thủ. Để lọt vào trong nhà tên Phòng, Mẫn đã phải làm quen với một người cô của hắn và xin vô nhà của bà giả làm người giúp việc. Qua bà cô hắn, chị biết sắp tới tên Phòng tổ chức đám giỗ cha, nhưng thiếu một số người nấu bếp giỏi.

Ngày giỗ cha, tên Phòng lại không tổ chức ở nhà mẹ đẻ hay nhà bà cô như mọi khi. Hắn chuyển việc tổ chức đám giỗ về nhà mình. Sáu báo cáo với tổ chức xin được giết Phòng tại nhà của hắn. Trước khi đến nhà tên ác ôn, Sáu giấu kỹ chiếc dao dưới đáy rổ rau. Chị được bà cô tên Phòng dẫn vô bếp, nên bọn lính canh không nghi ngờ gì cả. Sự việc không theo ý của Sáu. Hôm đó bọn bảo an về dự tiệc rất đông. Chị chưa tìm được thời cơ hành động thuận lợi. Ngay cả khi tên Phòng nằm ngủ trên sập, cũng có bọn lính canh bên ngoài. Nếu không hành động bây giờ, khó có cơ hội tốt để diệt tên đồ tể! Còn hành động giết hắn, mình sẽ bị bắt, thậm chí bị địch bắn chết! Sáu suy nghĩ mông lung trong vài phút. Cuối cùng chị quyết định: Phải làm lẹ. Lợi dụng lúc bọn bảo an tán dóc với nhau, Sáu lấy chiếc dao bén ra. Chị xông thẳng đến chỗ ngủ của tên Phòng vung dao lên. Nghe tiếng la hét của mấy tên lính gác, tên ác ôn bừng tỉnh. Hắn định chạy ra ngoài, nhưng Sáu đã túm được cái tóc của nó. Tên Phòng hất tay của Sáu ra. Do đầu nó hớt cua nên tay Sáu bị tuột ra ngoài. Sáu nhanh tay cầm dao chém mạnh xuống. Tên ác ôn kêu rống lên, máu me chảy khắp mặt của hắn. Một mình giữa đám quân đông, Mẫn vẫn rượt và chém cho tên Phòng 5 nhát vào người. Đám bảo an kéo đến như kiến cỏ. Sáu bị chúng túm được, ghì xuống đất, trói chặt chân tay. Tuy chưa giết chết được tên ác ôn khét tiếng nhưng sự kiện tên thiếu tá Lâm Quang Phòng chỉ huy tiểu đoàn bảo an bị Trần Quang Mẫn hành thích tại nhà đã làm nức lòng quân và dân Rạch Giá. Từ đó, hắn không còn hung hăng như trước nữa. Những tên ác ôn khác cũng “co vòi”, ít dám làm càn vì sợ bị xử như tên Phòng. Sau sự kiện này, nhiều loại báo chí của Sài Gòn phát hành năm 1958 đã đăng các bài viết chế nhạo sự yếu kém về an ninh của quân ngụy. Đáng chú ý là bài “Nữ thần hạ sát Lâm tướng quân”, bài báo đã có chút “li kỳ hóa” sự việc làm cho kẻ địch run sợ và kính nể Việt cộng.

Sau khi bị bắt, địch đưa Sáu Mẫn ra tòa án binh xét xử. Chị bị kết án 7 năm tù khổ sai, 5 năm đi biệt xứ.

Trong tù, Sáu Mẫn cùng các đảng viên trong ngục giảng giải cho mọi người hiểu về con đường giải phóng dân tộc của nhân dân ta do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, giác ngộ cách mạng cho nhiều người tù khác. Sau mỗi lần bị địch tra khảo về, Sáu Mẫn sống lạc quan, còn làm thơ ca ngợi Đảng, Bác Hồ viết trên tường, sáng tác các bài ca cổ lên án bọn đế quốc, thực dân và chế độ hà khắc của nhà tù Phú Lợi.

Do không buộc tội được Sáu Mẫn, kẻ địch đã phải thả chị ra khỏi trại giam. Thoát khỏi cảnh tù tội, chị trở về đội ngũ tiếp tục chiến đấu với quân thù. Cũng từ đó, cái tên “Nữ thần miền Tây” truyền đi khắp vùng sông nước Cửu Long, làm cho kẻ địch chỉ nghe tên đã bạt vía, kinh hồn.

Thương đau chồng chất

Tuần trăng mật của Sáu Mẫn với Mười Bé chìm trong tiếng bom đạn. Sau đám cưới “độc nhất, vô nhị” trong căn cứ kháng chiến, Sáu Mẫn chỉ được gần chồng có 7 ngày. Những đêm chồng vợ, cô kể cho anh nghe bao nhiêu là chuyện trong những năm tháng chiến đấu của mình và của đơn vị. Mặc dù biết vợ mình giả trai đi bộ đội, Nguyễn Hữu Bé vẫn không khỏi bất ngờ. Sáu thì thào với chồng: “Anh có giận em hôn?”. “Giận sao được. Mình là người tuyệt vời nhứt đó”. - Giọng Mười Bé trào dâng. “Nhưng anh phải để cho em tiếp tục chiến đấu đó nghen.”. “Ừ. Đánh nhau thì cứ đánh nhau. Nhưng phải sanh cho anh một thằng nhỏ để sau này gửi nó ra Bắc học”. Tiếng thúc giục của chiến trường đã đưa Sáu Mẫn trở về với đơn vị. Họ có biết đâu, một mầm sống trong lòng Mẫn đang hình thành.

Niềm vui sắp có con không ngăn nổi đôi vợ chồng trẻ lao vào những trận chiến đấu. Mười Bé quần nhau với giặc khắp vùng tứ giác Long Xuyên. Sau mỗi trận đánh, anh mơ ước mình được bồng trên tay đứa con thơ ngây trong lời ru: Ầu ơi! Ví dầu lắc lẻo cầu tre. Cha đi đánh giặc, mẹ đi diệt thù. Mong sao con lớn thành người. Trai tài, gái sắc dựng xây nước nhà. Cái bụng của Sáu bự lên từng ngày. Ấy thế mà mọi người vẫn nhìn thấy chị ngồi vót chông, lau súng, hay sải bước ra bãi tập để hướng dẫn cánh lính trẻ cách chống càn.

Gần tới ngày sanh, Sáu xin phép đơn vị về nhà ba má ở Vĩnh Thạnh. Một buổi chiều, khi đang khấp khởi chuẩn bị cho ngày sinh con thì Sáu nghe tin bà con nói nhỏ với nhau: “Cậu Mười đã hy sinh khi đánh đồn Chàng Chẹt rùi”. Tai Sáu Mẫn ù đặc. Chị như nghe thấy có hàng trăm, hàng nghìn tiếng bom giội vào màng nhĩ, phá nát từng mảng trong tâm hồn. Nước mắt Sáu chảy thành dòng. Người thiếu phụ đau đớn, quằn quại như có ai đang cắt từng khúc ruột. Còn đâu người chồng quanh năm ham mê đánh giặc mà vẫn thương yêu vợ hết lòng. Ảnh biểu, sau khi sanh con sẽ đưa cả nhà về Phú Quốc thăm nội. Ảnh còn nói, sau này khi đánh tan giặc sẽ dựng cho hai má con một căn nhà thiệt to để ở. Sáu như đang bị rơi từ trên trời xuống đất. Có lúc chị mơ hồ nghĩ đến cái chết. Nhưng đứa bé trong bụng càng quẫy mạnh hơn. Có lẽ nó cũng đang đớn đau như chị vậy. Chị xỉu lên, xỉu xuống. Bà Hai Phước ôm lấy con năn nỉ: “Sáu ơi, con đừng đau đớn nữa mà. Má sợ lắm. Con phải sống để nuôi đứa con sắp sanh nữa chớ”. Đúng, chị phải sống để nuôi con thành người, để sau này nó có thể trả thù cho cha nó. Chị ghìm chặt nỗi đau vào trong.

Bốn ngày sau, Sáu Mẫn sinh được một bé trai bụ bẫm. Khi cậu bé ra khỏi lòng mẹ, bà đỡ đã kêu lên: “Thằng nhỏ giống cha quá ta”. Thằng bé khóc to đòi bú, nhiều người xung quanh lại biểu: “Cái tánh này chỉ có ở má Mẫn thôi à”. Sáu Mẫn chẳng biết nói gì, cô nhìn con và xót xa nhớ về chồng. Cậu bé tuổi Nhâm Thìn (1952) được ông ngoại đặt tên là Nguyễn Quốc Hưng với lòng mong mỏi Tổ quốc sẽ có ngày thanh bình, hưng thịnh.

Sinh con được vài tháng, Sáu Mẫn gửi Quốc Hưng lại cho ông bà ngoại còn mình trở về đơn vị chiến đấu cùng đồng đội.

Bé Quốc Hưng càng lớn, càng giống ba má cái tính gan dạ, nhanh nhẹn và hoàn cảnh đã sớm cho anh chí căm thù giặc. Đến năm 10 tuổi, Quốc Hưng không chịu ngồi yên ở nhà nữa, cậu đã trốn ông bà ngoại và má lên tỉnh đội Rạch Giá xin được làm liên lạc. Thấy cậu bé còn nhỏ, mấy chú biểu: “Con về với ông bà cho lớn thêm chút nữa nhen”. Nhưng Quốc Hưng quả quyết: “Con chiến đấu được mà”. Không thể thuyết phục được cậu bé, cán bộ tỉnh đội đã phải bố trí cho Quốc Hưng công tác ở đội U Minh 10. Bà Hai Phước thấy mọi người kể vậy đã lắc đầu thở dài: “Đúng là má nào, con nấy”. Làm liên lạc rất ít có cơ hội đi chiến đấu, Quốc Hưng nằng nặc xin bác Bốn Tâm cho sang bộ phận trinh sát. Tuy nhỏ tuổi, nhưng Quốc Hưng rất mưu trí, dũng cảm. Năm 15 tuổi, Quốc Hưng đã chững chạc, từng trải trận mạc. Anh có người bạn rất thân trong đơn vị tên là Nguyễn Tấn Dũng. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo lời kể của Má Mẫn, hồi đó đồng chí Nguyễn Tấn Dũng là chiến sĩ quân y trong đội U Minh 10 cùng với anh Quốc Hưng. “Quốc Hưng và Tấn Dũng thương nhau dữ lắm, thân nhau còn hơn anh em ruột thịt đó” – Má Mẫn nói. Hầu như có chuyện to, chuyện nhỏ, anh Quốc Hưng và anh Tấn Dũng đều tâm sự với nhau. Mỗi lần đi đánh trận về, hai người lại trò chuyện to nhỏ trong niềm vui chiến thắng.

Quốc Hưng là niềm tự hào của Sáu Mẫn. Chị mong con phát huy được đức tính của người cha, chiến đấu dũng cảm và lập nhiều chiến công. Nhưng trong trận chống càn đánh nhau với bọn chi khu Chương Thiện năm 1967 ở Vĩnh Hòa Hưng, Quốc Hưng đã anh dũng hy sinh. Lần ấy đơn vị anh bị địch phục kích, đồng đội hy sinh gần hết. Quốc Hưng chiến đấu rất mưu trí, dũng cảm. Mỗi tay anh cầm một khẩu súng quét đạn vào kẻ thù. Một đồng đội của Quốc Hưng kể lại, khi thấy gần 10 tên địch gục xuống trước làn đạn của mình, anh đã la to: “Thế là tôi đã trả thù được cho cha rùi”. Nhưng đúng lúc ấy, một viên đạn quái ác của quân thù đã bắn trúng anh. Khi ngã xuống, hai tay Quốc Hưng vẫn nắm chặt khẩu cacbin và AR15. Anh hy sinh khi vừa tròn 15 tuổi.

Chồng và con đã hy sinh, nhưng nỗi đau của Sáu Mẫn còn tăng thêm khi được tin hai người anh ruột là Hai Thu, Ba Đáng và em trai Trần Út cũng hy sinh trên chiến trường. Những giọt nước mắt của Sáu Mẫn bây giờ quánh lại, không chảy được thành dòng.

Ngó thấy đôi mắt của Sáu Mẫn quầng thâm, các anh trong cơ quan khuyên: “Hãy bớt đau buồn đi em. Sáu còn phải sống để giải phóng miền Nam nữa chớ”. Người nữ chỉ huy chợt nhận ra ngoài bưng kia còn vang rền tiếng bom đạn. Quê hương còn đầy bóng giặc, máu và nước mắt của người dân vẫn hằng ngày đổ xuống. Chị và đồng đội phải sống, phải chiến đấu để trả thù cho đồng bào, đồng chí, trả thù cho những người thân của mình và giải phóng quê hương. Trái tim đang bị bóp nát của Sáu Mẫn bỗng trỗi dậy… Chị gạt nước mắt, xách súng đi về phía đồng đội đang chờ.

Thành phố Hồ Chí Minh tháng 10-2007

Nguồn- Báo Quân đội nhân dân
Logged
yeulichsu1982
Thành viên
*
Bài viết: 27


« Trả lời #7 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 03:54:42 pm »

Chiến công quả cảm của anh hùng không quân Vũ Xuân Thiều
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Xuân Thiều trước đây là một học sinh Trường phổ thông Chu Văn An, niên khóa 1959-1962. Bản chất hiền lành, giản dị, học giỏi, hay giúp đỡ bạn nên Vũ Xuân Thiều được mọi người quý mến. Tốt nghiệp trung học, Thiều trúng tuyển vào học khóa 7, ngành Vô tuyến điện Trường đại học Bách khoa. Khi đang chuẩn bị làm luận án tốt nghiệp, anh tình nguyện nhập ngũ, được tuyển chọn vào Binh chủng Không quân, được cử đi học lái máy bay MIG-21 ở Liên Xô trước đây từ giữa năm 1965.

Đang học bay bên nước bạn, Thiều được tin, giặc Mỹ đã dùng máy bay B-52 đánh bom miền Bắc Việt Nam ở đèo Mụ Giạ, Quảng Bình từ ngày 12 tháng 4 năm 1966. Các đồng chí Phùng Thế Tài, Đặng Tính, Tư lệnh và Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân khi gặp Bác Hồ đã hứa với Người, “cán bộ, chiến sĩ quân chủng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn đánh thắng B-52”.

Các phi công Việt Nam cùng khóa học với Thiều, ai nấy đều thể hiện quyết tâm học bay thật tốt để nhanh chóng về nước chiến đấu, tiêu diệt nhiều máy bay địch, tìm cách đánh thắng được B-52 Mỹ.

Năm 1968 tốt nghiệp về nước, Thiều nhận nhiệm vụ chiến đấu tại Trung đoàn 921. Sau một thời gian, anh cùng các phi công Vũ Đình Rạng, Đinh Tôn... được điều về phi đội 5 huấn luyện bay và chiến đấu ban đêm.

Thời gian này, máy bay B-52 Mỹ liên tục ném bom rải thảm trên đường mòn Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn những hoạt động vận tải của binh đoàn 559 chi viện chiến đấu cho miền Nam. Cuối năm 1971, một số sĩ quan không quân được cử đến Quảng Bình, Vĩnh Linh nghiên cứu hoạt động chiến đấu của máy bay B-52. Một số đơn vị ra-đa cũng được điều đến đây nhằm bảo đảm cho các đơn vị phòng không, không quân chiến đấu đánh B-52 Mỹ.

Hồi 19 giờ ngày 4-10-1971, phi công Đinh Tôn nhận lệnh xuất kích đánh một tốp B-52 nhưng vì máy bay địch quay lại Thái Lan nên MIG - 21 của Đinh Tôn không được đánh B-52 địch lần ấy.

Đêm 20-11-1971, được thông báo có B-52, Vũ Đình Rạng nhận lệnh xuất kích từ sân bay Anh Sơn, phóng tên lửa trúng chiếc B-52 Mỹ do phi công Kalp Wetter Haln điều khiển.

Chiếc B-52 không rơi tại chỗ nhưng bị hỏng phải hạ cánh xuống sân bay Nakhon Phanomb ở Thái Lan, sau đó phải tháo rời đưa về Utapao.

Cuối tháng 12 năm 1972, Kalp Wetter Haln bay trên một B-52 khác, bị tên lửa ta bắn rơi tại Hà Nội, bị bắt làm tù binh đã khai với ta trường hợp B-52 của Kalp bị MIG-21 của Vũ Đình Rạng bắn rơi.

Ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn thông qua kế hoạch dùng máy bay B-52 đánh Hà Nội và Hải Phòng. Từ 18-12, Mỹ bắt đầu chiến dịch tập kích đường không đánh phá Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố trên miền Bắc. Tối 27-12-1972, các phi công trực chiến đấu được thông báo có B-52 từ Mộc Châu đến. Lúc 22 giờ 30 phút, phi công Phạm Tuân nhận lệnh cất cánh từ sân bay Yên Bái, phát hiện mục tiêu, đã tăng tốc độ đạt 1.200km/g, bay lên độ cao 10.000m, phóng 2 tên lửa ở cự ly 2.000m, tiêu diệt chiếc B-52 số 2 rồi vòng gấp sang trái, hạ cánh an toàn xuống sân bay Yên Bái.

Rút kinh nghiệm đánh B-52 của phi công Vũ Đình Rạng và Phạm Tuân, thực hiện quyết tâm: “Bắn rơi B-52, bắt sống phi công B52 Mỹ”, Thượng úy phi công Vũ Xuân Thiều báo cáo với trung đoàn trưởng:

- Lần sau khi phát hiện B-52, xin phép cho tôi được xuất kích tiêu diệt. Bắn mà B-52 không rơi tại chỗ, tôi sẽ xin lao thẳng vào nó!

Và rồi cuối cùng, anh đã thực hiện được mơ ước cao đẹp ấy của mình.

Đêm 28-12-1972, được thông báo có B-52, Vũ Xuân Thiều nhận lệnh xuất kích từ sân bay Cẩm Thủy. Lúc này nhiều sĩ quan cao cấp của quân chủng như Đào Đình Luyện, Trần Mạnh, Trần Hanh… đã có mặt tại Sở chỉ huy mặt đất. Anh Lê Thiết Hùng dẫn đường bay, hướng dẫn Vũ Xuân Thiều tiếp cận B-52 địch ở độ cao 10.000m. Thiều báo cáo về Sở chỉ huy mặt đất:

- Hồng Hà (mật danh Sở chỉ huy). Sao Mai (mật danh MIG của Thiều) đã thấy rõ Mây Đen (mật danh B- 52). Mây Đen bắt đầu thả khói vàng.

- Sao Mai. Tiếp cận công kích.

- Hồng Hà. Sao Mai đã công kích. Mây Đen chỉ bị thương. Sao Mai xin công kích lần 2. Quyết tiêu diệt Mây Đen.

- Sao Mai! Sao Mai!… Sao Mai! Sao Mai!…

- Không có tín hiệu trả lời. Ra-đa cũng mất tín hiệu.

Lúc này là 21 giờ 45 phút ngày 28-12-1972.

Hôm sau, tỉnh đội Sơn La báo cáo: Đêm qua có một máy bay B-52 bị cháy rơi, một MIG-21 cũng rơi gần đó trên cánh đồng xã Tạ Khoa, Yên Châu, Sơn La. Một số phi công trong phi đội bay đêm nhận lệnh đến ngay Tạ Khoa, tìm đến khu vực chiếc B-52 Mỹ bị cháy rơi. Chiếc MIG-21 của Vũ Xuân Thiều nằm cách đấy không xa lắm. Đơn vị và nhân dân địa phương đã tổ chức trọng thể lễ an táng phi công Vũ Xuân Thiều tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Sơn La.

Anh em trong Trung đoàn, Sư đoàn, Binh chủng, Quân chủng xác định, sau khi phóng tên lửa, Vũ Xuân Thiều đã lao thẳng MIG của mình vào chiếc B-52 vừa bốc cháy. Cả hai chiếc máy bay đều đã bị rơi tại chỗ.

Sau này, hằng năm các bạn chiến đấu trong Quân chủng gặp nhau vẫn nhắc đến câu nói lịch sử của Thiều hôm rút kinh nghiệm đánh B-52: “Bắn mà B-52 không rơi tại chỗ là tôi lao thẳng vào nó…”.

Vũ Xuân Thiều đã thực hiện được quyết tâm và hoài bão cao đẹp của mình. Anh được tặng Huân chương Quân công hạng ba, sau đó được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ở Hà Nội hiện nay đã có một đường phố mang tên Vũ Xuân Thiều.

Tháng 10 năm 2002, một số chuyên viên Cục Hàng Không dân dụng Việt Nam sang công tác bên Mỹ đã đọc cuốn sách “Không chiến trên bầu trời Bắc Việt” của nhà xuất bản Squadron, bang Tếch-dát trưng bày ở Viện Bảo tàng Bay Hoa Kỳ tại Oa-sinh-tơn. Các anh chị thấy trong cuốn sách nói nhiều đến chiến công của những phi công Nguyễn Văn Cốc, Trần Hanh, Phạm Tuân, Phạm Thanh Ngân, Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Đức Soát, Đinh Tôn, Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Tiến Sâm… và 3 phi công đã bắn rơi B-52 Mỹ: Vũ Đình Rạng, Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều.

Nói đến chiến công của Vũ Xuân Thiều, tác giả Istvan Toperczer viết:

“Hồi 21 giờ 41 phút ngày 28-12-1972, được thông báo có B-52, phi công Vũ Xuân Thiều nhận lệnh xuất kích từ sân bay Cẩm Thủy, theo chỉ huy của Sở chỉ huy mặt đất đuổi đánh tốp B-52.

Phát hiện mục tiêu trên bầu trời Sơn La, Thiều tiếp cận, phóng một tên lửa. B-52 trúng đạn. MIG-21 của Vũ Xuân Thiều bay sát rồi lao thẳng vào máy bay Mỹ, vỡ tan cùng chiếc máy bay B-52” .

Không phải đây là cuốn sách duy nhất ở Hoa Kỳ viết về chiến công của phi công Vũ Xuân Thiều. Đại tá Vũ Xuân Thăng, anh ruột liệt sĩ Thiều cho tôi xem bức thư của cháu anh, một sinh viên Việt Nam đang học bên Hoa Kỳ gửi về, kèm theo bài báo của một tác giả Mỹ viết về trận không chiến mà Thiều đã lao thẳng chiếc MIG-21 của mình vào chiếc B52-D của sĩ quan không quân Mỹ mang tên Lewis trên bầu trời Sơn La đêm 28-12-1972.

Trên căn gác nhà 21 Đặng Dung, Hà Nội, nơi Vũ Xuân Thiều trước đây vẫn hằng ngày đạp xe đi học tại Trường Chu Văn An, Trường đại học Bách khoa, vợ chồng Đại tá Vũ Xuân Thăng đã đưa tôi xem nhiều lưu niệm của Vũ Xuân Thiều khi anh còn học tại Trường Chu Văn An, Trường đại học Bách khoa, nhiều sách, báo viết về chiến công của Anh hùng Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, nhiều kỷ vật của Thiều hoặc nói về Thiều mà gia đình còn giữ. Trong những kỷ vật đáng quý đó có mảnh xác chiếc B-52 Mỹ đã bị MIG của Thiều tiêu diệt trên không phận Sơn La, được đơn vị chiến đấu của Thiều gửi tặng.

Kim chiếc đồng hồ Quân chủng tặng gia đình đặt bên bàn thờ Vũ Xuân Thiều đã được đặt cố định ở 9 giờ 45 phút (đêm), cái thời điểm vinh quang mà người phi công anh hùng Vũ Xuân Thiều đã anh dũng hy sinh.

Logged
yeulichsu1982
Thành viên
*
Bài viết: 27


« Trả lời #8 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 04:09:59 pm »

Vị Tướng tài hoa Nguyễn Chánh (1914-1957)
     

            Đồng chí Nguyễn Chánh quê ở Thọ Lộc (nay thuộc xã Tịnh Hà) huyện Sơn Tịnh. Ông sinh ra ở một trong mười hai cảnh đẹp của Quảng Ngãi (Hà nhai vãn độ ). Nơi đây, ngày xưa sát bờ sông là chợ chiều buôn bán tấp nập, bến Biền ghe thuyền qua lại đông vui, xóm làng sầm uất, kéo dài từ sát bờ sông ra phía Bắc giáp đường lộ từ huyện lỵ Sơn Tịnh đi Đồng Ké. Ở đây đào giếng nơi nào cũng mạch nhiều, nước ngọt lịm nên có câu ca:

                         

“Ai xa nhớ trở về quê

Trước sông, sau chợ, giếng kề một bên”

 

            Quê hương ông đã sinh ra biết bao nhiêu người có học vị, cử nhân, tú tài nho học. Nhiều nhà yêu nước đứng lên lãnh đạo nhân dân, tổ chức nhiều cuộc bạo động chống Tây xâm lược và triều đình phong kiến bán nước. Hàng chục sĩ phu đã bị quân giặc xử chém, bêu đầu, nhưng phong trào vẫn liên tiếp bùng nổ lan rộng. Bản thân ông Tây học không bao nhiêu, nhưng Hán học thì rất giỏi. Gia đình ông nhất là về phía mẹ là một gia đình có truyền thống văn chương, mẹ ông thường ca ngợi cuộc khởi nghĩa do Lê Trung Đình lãnh đạo. Ông sinh ra trên mãnh đất địa linh nhân kiệt, sản sinh nhiều nhà yêu nước, nhiều nhà thơ phú. Ông đã hấp thụ dòng sữa của mẹ có dòng máu tài hoa, phong phú, thâm thuý. Có thể coi là nền tảng văn hoá sâu sắc, ông cũng làm nhiều thơ. Ông tham gia cách mạng rất sớm, bị địch bắt tra tấn tù đày ở lao Quảng Ngãi, về năm 1933 ông có làm bài thơ kích động phong trào cách mạng, cổ vũ thanh niên đứng lên bẻ gãy gông xiềng:

“Đường dài còn lắm nỗi chông gai

Tri kỷ ai về nhắn với ai

Vàng thật quản gì lo lửa đốt

Ngựa hay đâu sá nỗi đường dài

Mong cho thành Gấm: Chờ thêu dệt

Muốn được nên Kim: Đợi sắt mài

Nước chảy đá mòn là thế ấy

Cho hay thành bại bởi nhân tài”

 

            Ông đã có nhận định, làm cuộc cách mạng này phải trải qua một con đường dài, lắm nỗi chông gai. Thật vậy, từ ngày ra đời của bài thơ ấy cho đến cách mạng tháng tám thành công phải trải qua mười hai năm, biết bao nhiêu thăng trầm, nhiều cuộc nổi dậy bị dìm trong bể máu, nhiều chiến sĩ bị chặt, bêu đầu. Tuy vậy, ông cũng khuyên những người tri kỹ “Vàng thật không quản gì lửa đốt, ngựa hay không sá nỗi đường dài. Mong cho thành Gấm (Quảng Ngãi) chờ thêu dệt” thành những bông hoa tươi thắm. Quả thật như vậy, một người ngã xuống thì mười ngưòi đứng lên, làm nên cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945), cùng cả nước cướp chính quyền trong cách mạng tháng tám (14/8/1945). Câu kết của bài thơ mới tuyệt làm sao: “Cho hay thành bại bởi nhân tài”. Câu này làm chúng ta nhớ lại câu kết truyện Kiều của Nguyễn Du

 

“Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”

 

            Với Nguyễn Chánh, cuộc cách mạng có thành công hay không chính là ở con người, con người làm nên lịch sử, phải là con con người hiền tài, phải có cả đức lẫn tài mới làm nên sự nghiệp vẻ vang . Ở Nguyễn Du rất coi trọng chữ tâm, coi đạo đức là gốc, nếu có tài mà không có đức cũng trở thành vô dụng.

           

            Sau khi thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù, Nguyễn Chánh là ngôi sao toả sáng, có nhiều công lao ở Quảng Ngãi và liên khu 5 trong kháng chiến chống Pháp, là Bí thư liên Khu uỷ kiêm Chánh uỷ Quân khu 5. Sau khi tập kết ông giữ trọng trách ở Bộ Quốc phòng, là chủ nhiệm Tổng Cục cán bộ. Nhưng tiếc thay, viên ngọc toả sáng ấy không dài, ông đã mất năm 1957 ở tuổi 43 đầy sức sống.

Nguồn- báo Quảng Ngãi
Logged
yeulichsu1982
Thành viên
*
Bài viết: 27


« Trả lời #9 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 04:17:09 pm »

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út
1. Ngày tháng năm sinh: Sinh năm 1920; Hy sinh năm 1969.
 


2. Quê quán: Xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.


3. Thành tích: 

    Nguyễn Thị Út, tham gia cách mạng năm 1945. Từ năm 1945 đến năm 1965, Nguyễn Thị Út là du kích xã Tam Ngãi, cùng Đội du kích của xã Tam Ngãi kiên cường, mưu trí, sáng tạo, đánh 23 trận (có 8 trận trong kháng chiến chống Pháp), diệt và làm bị thương 200 tên địch, thu 70 súng, làm thất bại nhiều cuộc càn quét của địch, tuyên truyền vận động nhiều binh lính địch bỏ ngũ, nhiều lần dẫn đầu bộ đội diệt đồn bốt địch, thu vũ khí không phải nổ súng.

    Nguyễn Thị Út nuôi dưỡng 6 con nhỏ nhưng vẫn tham gia đánh giặc giữ làng, làm nòng cốt trong đấu tranh chính trị ở địa phương, là người có câu nói nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ "Còn cái lai quần cũng đánh".


      Nguyễn Thị Út được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng ba, ngày 5/5/1965, được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Logged
Trang: 1 2 3 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM