Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:10:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nam Bộ - Những nhân vật một thời vang bóng  (Đọc 113143 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #80 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2010, 04:26:41 pm »

VÕ GIA PHỤC QUỐC - "KINH KHA" VIỆT NAM

Võ Gia Phục Quốc là con thứ của ông thầy giáo cách mạng Võ Văn Mong ở Hóc Môn.

Ông học trung học Taberd Sài Gòn xung phong qua Pháp thi hành bản án tử hình đành cho tên Việt gian Nguyễn Phong Tân.

Lúc xử tội tên Nguyễn Phong Tân, ông bị thương và bị bắt. Tòa án Paris xử ông 10 năm. May nhờ đồng bào Việt kiều ở Paris tận tình giúp đỡ, ông được ra tù sớm và tìm được việc làm ở Marseille. Ông thường về Sài Gòn thăm bà con. Ông mất vài năm trước đây.


Trong những năm đầu tái chiếm Sài Gòn, thực dân Pháp dung dưỡng đám Việt gian để làm những chuyện dơ bẩn, chúng gọi là "sales besognes". áp dụng thủ đoạn chia để trị, chúng dùng người Nam Kỳ đánh đập người Bắc Kỳ. Bọn thực dân tin rằng dân Nam Kỳ sống thoải mái vì được thiên nhiên ưu đãi "trên cơm dưới cá" nên không làm chính trị, còn dân Bắc Kỳ thì hàng năm đều bị thiên tai lũ lụt, đời sống vất vả, nên có tinh thần cách mạng. Bởi suy như vậy nên thực dân quyết cô lập những người miền Bắc vào Nam sinh sống. Công việc dùng người Việt đánh người Việt chỉ có bọn lưu manh mới chịu đứng ra làm. Đứng đầu đám đầu trâu mặt ngựa này là Nguyễn Phong Tân.

Tân là dân Hóc Môn, con của Nguyễn Phong Cảnh, chủ khách sạn Phong Cảnh sau đổi là Bồng Lai ở đường Filippini (Nguyễn Trung Trực). Được cha cho học may, mở tiệm may lớn gần chợ Bến Thành nhưng Tân không khoái nghề may mà muốn làm nghề gì mau giàu. Dịp may tới với anh ta. Pháp lập chính phủ Nam Kỳ tự trị, đưa bác sĩ Nguyễn Văn Thinh lên làm thủ tướng. Bác sĩ Thinh hiền lành nên quyền hành nằm trong tay bọn Tây hung hăng hiếu chiến như bộ ba Béziat, Bazé, Bonvicini. Chúng lập ra phong trào Bình dân chuyên khủng bố người miền Bắc. Hàng ngày chúng tổ chức bố ráp cả khu phố, bắt dân chúng đọc ba chữ "Tân Sơn Nhứt". Ai đọc Tân Sơn Nhất thì lập tức chúng thộp ngực đánh đấm túi bụi rồi đem về bót giam để điều tra xem có liên hệ với Việt Minh hay không. Chủ tịch phong trào Bình dân khủng bố người miền Bắc là tên chủ tiệm may Nguyễn Phong Tân. Trụ sở đầu não của Phong trào bình dân đặt gần chợ Tân Định.

Anh Cao Đăng Chiếm, Phó giám đốc Sở Công an Nam Bộ kiêm Trưởng ty Công an Sài Gòn-Chợ Lớn nhiều lần cảnh cáo nhưng Nguyễn Phong Tân đang say mồi không hồi tâm. Ban công tác thành đã nhiều phen truy nã nhưng Tân lẩn tránh tài tình. Khi Tây dẹp phong trào Bình dân thì Tân nhảy qua đấu thầu cung cấp quân nhu cho quân đội viễn chinh Pháp. Thế là Tân đã bước thêm một bước dài trên đường phản dân hại nước.

Tòa án Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn xử khiếm diện Nguyễn Phong Tân, tuyên án tử hình. Hay tin này, Nguyễn Phong Tân vù sang Pháp. Tưởng sang tới mẫu quốc thì yên như bàn thạch, Tân tiếp tục lãnh thầu cung cấp quân nhu cho thực dân Pháp.

Trước tình hình ấy, lãnh đạo Đặc khu bàn bạc phải cho người sang Pháp thi hành bản án vì đã xử tử hình thì không thể để tử tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Nhưng ai dám sang Pháp thi hành bản án này?

Đã thấy trước là một đi không trở lại, đột nhập nước Pháp đã khó, trốn về lại càng khó khăn hơn. Cũng chẳng khác gì Kinh Kha sang sông Dịch đột nhập cung Tần giết Tần Thủy Hoàng. Ai sẽ lãnh nhiệm vụ làm Kinh Kha thời nay? Anh Sáu Hoàng (đồng chí Cao Đăng Chiếm) đang luận cổ suy kim thì có một thanh niên tới tình nguyện sang Thủ đô Ánh Sáng, thi hành bản án diệt trừ tên Việt gian Nguyễn Phong Tân. Anh thanh niên này là Võ Gia Phục Quốc.

Phục Quốc là con trai thứ ba của nhà giáo cách mạng Võ Văn Mong ở Trung Chánh, Hóc Môn. Thầy giáo Mong thuộc dòng họ yêu nước có người trong dòng tộc từng tham gia xử tội đốc phủ Trần Tử Ca thời xa xưa. Phần mình ông Mong ngầm ủng hộ các chiến sĩ cộng sản như Châu Văn Liêm, Nguyễn An Ninh. Ngay việc đặt tên cho ba người con ông cũng muốn nói rõ hoài bão của mình. Võ Văn Thời (sau là thiếu tướng trong kháng chiến), Võ Thành Sự và Võ Gia Phục Quốc.

Cái tên của Tư Quốc mới là gây rắc rối cho cả nhà. Lúc đi học, Phục Quốc bị các thầy hiệu trưởng thắc mắc vì có màu sắc chống người Pháp quá. Đi thi, Quốc cũng bị đánh rớt vì cái tên "dễ sợ” này. Không thi vô được trường nhà nước như Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký, Quốc phải học tư thục Taberd. Kháng chiến bùng nổ, Quốc học trường Quân chính Khu 8. Trong trận đánh phục kích đoàn xe của chính phủ Lê Văn Hoạch đi kinh lý ở Giồng Dứa, gần Trung Lương năm 1947, Quốc xung phong đóng vai nông dân đánh xe bò trên đường để làm chướng ngại, buộc đoàn xe phải giảm tốc độ. Nhưng Khu trưởng Trần Văn Trà tiếc một học viên thông minh, dũng cảm nên giao cho Quốc nhiệm vụ khác. Sau trận đánh, Quốc làm liên lạc thành cho Khu 8. Với một thanh niên ham hoạt động, công tác liên lạc thành không hấp dẫn, thế là Tư Quốc xung phong sang Pháp, thi hành bản án dành cho kẻ phản quốc.

Đến lượt anh Sáu Hoàng đắn đo. Có nên phóng cậu thanh niên này sang Pháp mà đường về mong manh như sợi tơ trời. Cần phải hỏi rõ đương sự và gia đình. Nhưng cả Quốc và gia đình ông giáo Mong đều đồng ý cho con làm nghĩa vụ công dân.

Chính anh Ba Sự lo chạy giấy tờ xuất cảnh cho em. Lúc đó, Tây dễ dãi việc xuất cảnh để khuyến khích học sinh, sinh viên Nam Bộ sang Pháp học, để bớt số thanh niên xếp bút nghiên ra khu kháng chiến.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #81 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2010, 04:29:36 pm »

Võ Gia Phục Quốc sang Paris tá túc với bà con Việt kiều yêu nước, mua súng sáu (súng lục) rồi tìm nơi vắng vẻ như Bois de Boulogne (vườn dành cho khách nhàn du ở ngoại ô Paris) tập bắn. Anh mua bản đồ thành phố Paris, tìm lộ trình để tới nơi vợ chồng Nguyễn Phong Tân cư ngụ. Rất may cho anh là Nguyễn Phong Tân có nuôi một người cháu trai ăn học, anh này lại là bạn học cũ của Quốc. Anh tới lân la làm quen cho biết đườg ra lối vào mỗi khi hai vợ chồng Tân đi vắng.

Khi nắm chắc quy luật sinh hoạt của Nguyễn Phong Tân, Tư Quốc quyết định giờ G ngày N sẽ ra tay. Diễn biến xảy ra đúng như anh dự định. Khi anh bước vô phòng ngủ của vợ chồng Nguyễn Phong Tân thì hai vợ chồng đang nằm trên giường. Sự xuất hiện đột ngột của anh làm hai vợ chồng Tân giật mình. Quốc tự giới thiệu vắn tắt rồi đọc bản án cho Nguyễn Phong Tân nghe. Lúc Quốc đọc xong và rút súng ra sắp bắn thì vợ Nguyễn Phong Tân ném chiếc gối trúng ngay mũi súng, đạn bay chếch xuống làm Tân bị thương ngay đùi. Tân hoàn hồn, nhào tới chụp súng, nhưng Quốc khỏe hơn, vật ngã Tân và nổ súng thi hành bản án.

Anh vội vàng thoát thân nhưng chân bị thương không đi nhanh được. Nghe súng nổ, nhà kế bên điện thoại tới Sở cảnh sát báo động ngay. Vừa ra sân nhà thì xe cảnh sát đã lao tới bao vây. Quốc nạp mình ngay, khi nạp súng, anh nói: "Faites atrention, le fusil est armé (Cẩn thận súng có đạn).

Báo chí Paris thật nhạy bén. Sáng hôm sau, ngày 16.4.1950, báo Le Mon de đã chạy tít lớn : Les Việt Minh sont à Paris (Việt Minh đã tới Paris). Cả thủ đô Pháp chấn động về cái tin giật gân này. Uy thế của kháng chiến mà Việt Minh là tiêu biểu loang rộng khắp nơi.

Lập tức, các hội đoàn Việt kiều yêu nước vận động giúp đỡ Võ Gia Phục Quốc đang bị giam trong Khám đường La Santé được mọi sự dễ dàng. Bấy giờ bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là Hội trưởng Việt kiều ở Pháp đã mướn luật sư tiến bộ, có cảm tình với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, biện hộ cho chiến sĩ trẻ tuổi gan dạ dám sang tận thủ đô Paris trừng trị kẻ phản quốc. Nhờ các nhà báo tiến bộ vạch trần tính chất bẩn thỉu cuộc chiến tranh xâm lược trái mùa gọi là "sale guerre d’ Indochine" mà tòa án Pháp xử nhẹ đối với Quốc, chỉ kêu án 10 năm.

Nhờ hạnh kiểm tốt mà Quốc được nhiều lần giảm án. Khi anh được trả tự do thì chính cộng đồng người Việt ở Pháp giới thiệu công việc cho anh làm. Cuộc sống của anh trên đất Pháp ổn định.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Võ Gia Phục Quốc về thăm gia đình. Khi anh tới chào Thiếu tướng Tô Ký là người đồng hương Hóc Môn thì vị tướng già kêu lên: "Trời đất, người chết trở về !" rồi ôm hôn thắm thiết. Ý nghĩ của anh Ba Tô Ký cũng là ý nghĩ của nhiều người khi biết sứ mạng sang Pháp của anh Võ Gia Phục Quốc. Có đi mà không có về. Nhiều người theo xưa đã thầm tế sống anh thanh niên dũng cảm khi anh bước xuống tàu ở bến Nhà Rồng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #82 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2010, 03:20:25 pm »

ANH THỢ HỚT TÓC VÕ HỒNG TÂM LÀM NÁO ĐỘNG SÀI GÒN

Anh Võ Hồng Tâm, quê Đà Nẵng vào Sài Gòn học và sinh sống bằng nghề hớt tóc. Anh đã dùng dao "con chó" diệt tên Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Lào trong khách sạn đường Charner (Nguyễn Huệ). Tên Hans Imfelt không chỉ là Ủy viên Cộng hòa mà còn là tướng tình báo cực kỳ nguy hiểm cho cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Anh Võ Hồng Tâm nay nghỉ hưu ở Thủ Thiêm, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.

Cả thành phố Sài Gòn đều chấn động khi báo chí đồng loạt loan tin Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Lào, ông Hans Imfelt bị Việt Minh đâm chết trong khách sạn Des Nations, đường Charner (Nguyễn Huệ), giữa Sài Gòn. Người hạ sát là Võ Hồng Tâm, thợ cắt tóc, mới 18 tuổi. Tình tiết vụ án này khá ly kỳ như sau:

Võ Hồng Tâm tên thật là Võ Văn Hưng, quê Đà Nẵng vô Sài Gòn học trường Nguyễn Văn Khuê, gần chợ Cầu Ông Lãnh. Anh Tâm ở trọ nhà số 402, đường Lefebvre (Nguyễn Công Trứ). Đây là tiệm hớt tóc và sau khi thành nghề, được giới thiệu làm cho tiệm lớn ở số 20 đường Ohier (Tôn Thất Thiệp) mang bảng hiệu Hương Sơn. Ngày ta cướp chính quyền 25.8.1945. Tâm gia nhập Thanh niên Tiền Phong, sau làm tình báo Quân khu 7. Tâm được đào tạo quân sự rồi đưa về thành vào tháng 11.1945, ở đơn vị Tự vệ nội thành. Chỉ huy Tâm là các anh Hà Ngọc Tiếu (về sau là trung tướng công an) và anh Tư Hà (kỹ sư Nguyễn Văn Tư, bí danh Trịnh Văn Hà, về sau là Tổng đại diện tù nhân Khám Lớn Sài Gòn).

Ngày kia, Tâm hớt tóc, cạo râu cho một người Pháp to con, cao khoảng 1,90 mét. Biết Tâm nói được tiếng Pháp, khách vui vẻ trò chuyện. Tâm thành thật khoe học năm thứ hai trung học, nhà nghèo phải đi làm giúp gia đình từ miền Trung nghèo khổ. Khách tỏ vẻ hài lòng về nghề hớt tóc cạo râu của Tâm. Lần thứ hai, khách mặc quân phục, đeo cả lon-ba vạch vàng, hai vạch trắng. Tâm biết ông ta là đại tá không quân. Bẵng một thời gian mấy tháng không thấy khách "sộp" tới, một hôm có anh bồi khách sạn tới hỏi Võ Hồng Tâm tiệm Hương Sơn, trao giấy nhắn "Tới phòng 28 khách sạn Des Nations hớt cạo cho tôi". Ký tên Hans Imfelt.

Tâm mang cặp da đồ nghề tới. Dưới nhà đã có người đón đưa lên lầu. Ở phòng này, đại tá Imfelt đang có khách, Tâm được đưa lên phòng số 313 ở lầu ba. Mười phút trôi qua, đại tá Imfelt lên, ông cởi áo cho Tâm cắt tóc. Và bắt đầu hỏi chuyện riêng tư:

- Sao anh học nghề này?

Tiệm hớt tóc Hương Sơn là cơ sở của ta trong nội thành. Tâm không chỉ là thợ cạo mà là dân tình báo bố trí ngay trong lòng địch. Nhiệm vụ của Tâm là điều tra khách "sộp" của mình. Anh đã có sẵn bài bản:

- Cái nghề này dễ học và dễ kiếm tiền. Gia đình tôi ở miền Trung bị Việt Minh giết sạch nên tôi phải trôi dạt vô đây kiếm sống. Tôi không thể ở quê nhà. Việt Minh có thể sẽ giết tôi để trừ hậu hoạn... Bản thân tôi cũng thù Việt Minh.

Đại tá Imfelt im lặng một lúc rồi thì thầm:

- Ước chi anh là con gái.

Tâm ngạc nhiên hỏi lại:

- Ông nói sao?

Imfelt nghiêm nghị:

- Tôi biết anh đang muốn trả thù cho cha mẹ anh, anh em, chị em anh. Tôi có lời khuyên nên dựa vào người Pháp. Chỉ có người Pháp mới giúp anh được.

Trong chuyến hớt tóc cạo râu đó, Tâm được đại tá tín nhiệm thêm và cho biết về sau sẽ cho người tới mời anh về đây, thoải mái hơn ở tiệm Hương Sơn.

Liền sau đó, Tâm báo cáo với chỉ huy của mình là ông Chín Dụng, thường cải trang phu đạp xích lô:

- Đại tá Hans Imfelt không chỉ là ủy viên Cộng hòa ở Lào mà còn là trùm tình báo nữa. Ông ta gốc Thụy Sĩ, dân Pháp nhưng lại là nhân viên của tình báo Mỹ CIA. Trong lúc vui miệng, ông ta khoe đã vạch kế hoạch cuộc hành quân đại qui mô, tấn công vào đầu não kháng chiến ở chiến khu Cao-Bắc-Lạng với cái tên Opération Lea đầu năm 1947.

Ông Chín Dụng mừng rỡ:

- Vậy là mình may lắm. Vớ được con cá gộc cả trăm ký.

Tâm gật gù:

- Bác nói đúng. Thằng đại tá dù nầy cao thước chín, nặng cũng cả trăm ký. Bây giờ bác tính sao? Diệt nó bằng cách nào cho gọn?

- Thì dễ thôi. Mầy là thợ cạo mà. Đè đầu cắt cổ là gọn bâng.

- Không được đâu! Nó khỏe như voi. Cháu không đủ sức chơi tay đôi với nó. Xem coi có thuốc độc nào dễ kiếm?

Chín Dụng suy nghĩ:

- Mình xin bác sĩ Hưởng xem Bác sĩ thiếu gì thuốc mê.

Chừng kiếm được thuốc mê rồi, đích thân Tâm thí nghiệm, thấy khó áp dụng. Anh quay sang xin súng: Trung tướng Nguyễn Bình cấp cho đơn vị khẩu 6,35 ly, loại súng bắn ghen nhỏ xíu, có thể giấu trong lòng bàn tay. Tâm lại thử, bắn ba viên không nổ, chỉ nổ viên thứ tư. Để chắc ăn, Tâm mượn khẩu 7,65 ly của đội Ký Con ở đường Arras (Cống Quỳnh). Súng của đội viên Nga B, chủ tiệm uốn tóc Mỹ Hoàng.

Tâm ăn mặc tươm tất, nhét súng trong bụng, tới khách sạn tìm con dao nhỏ hiệu Con Chó, loại dao mấy bà già trầu thường dùng, vừa gọn, vừa bén lại vừa rẻ, chỉ có 7 cắc. Anh mài cho thêm bén, thử cạo lông chân, lưỡi dao tới đâu, lông chân rụng tới đó. Tâm rất tin tưởng sẽ hoàn thành công tác với vũ khí thô sơ mà bén nhọn vô cùng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #83 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2010, 03:26:03 pm »

Ngày N đã đến. Đó là ngày 1.7.1947. Imfelt đã hẹn ngày ấy vào 5 giờ chiều. Để tỏ lòng quyết tâm, tổ làm lễ ăn mừng thắng lợi. Tâm dõng dạc tuyên bố trước tổ ba người Chín Dụng và Thống: "Nó chết tôi chết. Mạng đổi mạng. Điều giúp tôi chết an tâm là phá được kế hoạch đánh phá đầu não kháng chiến do nó soạn thảo".

Đúng 16 giờ 45 phút, Tâm xách cặp đồ nghề và cầm trên tay hai trái xá lị (lê) và con dao nhỏ tới khách sạn Des Nations. Ban bảo vệ quá quen mặt, cười bảo: "Đại tá có trong phòng. Lên đi!".

Tâm gõ cửa, Imfelt mở cửa. Hắn ở trần, mặc quần đùi. Hắn tiếp tục đọc báo. Tâm đặt hai trái xá lị và con dao lên bàn, nói:

- Trời nóng, mời đại tá ăn xá lị cho mát.

Anh bật dao Con Chó, bước lại gần hỏi:

- Báo có tin gì mới không?

Và nhân lúc "con mồi" dán mắt vào tờ báo, Tâm đâm ngay vô bụng. Đúng chấn thủy. Imfelt vụt đứng dậy, chụp con dao. Nó khỏe quá, dù bị thương, vẫn đủ sức chống cự. Nhưng Tâm đã đâm được nhiều nhát vào bụng hắn. Khi hắn ngã gục xuống, Tâm nhanh trí ném dao Con Chó xuống đường, lấy con dao inox Imfelt thường dùng rọc giấy để trên bàn đâm vào lưng mình, tự gây thương tích. Làm như hai bên gây gổ rồi đấm đá nhau, Imfelt dùng dao dọc giấy tấn công trước và Tâm đành tự vệ. Đó là kịch bản nảy ra trong óc Tâm như ánh chớp khi biết mình may mắn không phải mạng đổi mạng.

Do Imfelt hét lên khi bị đâm, bọn bảo vệ chạy lên, sau đó là lính. Tâm ngoan ngoãn đưa hai bàn tay vào còng, xuống lầu lên xe về bót Catinat ở kế bên.

Tin đội viên Võ Hồng Tâm sa lưới khi diệt đại tá tình báo CIA lợi hại Hans Imfelt, đương kim ủy viên Cộng hòa Pháp tại Lào lao tới Chiến khu 7 trung tướng Nguyễn Bình ra lệnh bằng mọi cách phải cứu đội viên trẻ Võ Hồng Tâm. Lập tức báo Vệ Quốc của Khu 7 loan tin "Võ Hồng Tâm, đội viên Ban công tác thành đã trừng trị tên đại tá Hans Imfelt, ủy viên Cộng hòa Pháp tại Lào nhưng thực chất là trùm tình báo lợi hại". Báo Vệ Quốc được đưa vô nội thành ngay để tác động bọn thực dân trong quyết đinh hình phạt dành cho Võ Hồng Tâm.

Trong khi đó địch còng cả hai tay chân Tâm sau khi đánh đập lấy cung tới 9 giờ đêm. Tâm đã bố trí trước lời khai : "Tôi là thợ hớt tóc; được đại tá Imfelt chọn từ lâu. Lần nào về Sài Gòn, ông ta cũng cho bồi tới tiệm Hương Sơn gọi tôi về phòng hớt cạo cho ông ta. Chiều đó, hai bên tranh cãi về chuyện gì đó, ông ta nổi nóng chụp con dao inox đâm tôi. Tôi giật dao đâm lại. Chỉ tính tự vệ thôi, không ngờ trúng chỗ nhược thành ngộ sát”.

Một ngày sau, pháp y cho biết dao inox không thể gây thương tích chết người. Phải là con dao nhọn và bén. Nhưng tìm khắp nơi, không thấy con dao đó.

Để trả thù cho đại tá Imfelt, ngay đêm ấy, Tây chọn một tử tù đưa ra Phú Lâm bắn tại cầu An Lạc. Rồi loan tin đã xử tử tên Việt Minh ám sát đại tá Imfelt.

Nhờ đọc báo Vệ Quốc, địch mới biết kẻ diệt đại tá Imfelt là Võ Hồng Tâm. Từ khi bị bắt, bị tra tấn, Tâm vẫn trước sau khai tên Võ Văn Hưng. Chúng lại tra tấn và lần này, chúng cho anh xem tờ báo Vệ Quốc. Thế là anh đành phải nhận mình là Võ Hồng Tâm, đội viên Ban công tác thành. Cả Mai Hữu Xuân lẫn Trần Bá Thành đều đổi thái độ. Chúng kính nể thật sự anh em cảm tử nội thành. Mai Hữu Xuân còn đãi Tâm tô hủ tíu, bánh bao và cà phê sữa, thuốc lá thơm.

Hồ sơ lập xong, chúng giải anh ra tòa. Bà con mướn năm luật sư cãi cho Tâm. Tất cả đều xoáy vô một điểm, trong khai sinh, Tâm sinh năm 1928 nhưng cha mẹ khai sụt tuổi là 1931, như vậy ra tòa, anh chỉ mới 16 tuổi.

Tâm ra tòa hai lần, lãnh án chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo. Bọn thầy chú kiếm chuyện đánh đập, hành hạ anh, nhưng anh xử sự khi cương, khi nhu, tranh thủ tình cảm mọi người. Về sau, bọn Tây ngoài đảo đặt cho anh một tên nghe lạ tai: Colonel (Đại tá). Phải chăng theo luật giang hồ, khi diệt đối thủ cấp nào thì ta được phong ngang cấp đó? Nhưng ít ai dám hình dung một anh học trò trói gà không chặt lại hạ được một đại tá hộ pháp cao gần hai mét và nặng khoảng một tạ. Đúng là anh lùn David vật ngã anh khổng lồ Goliath.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #84 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2010, 03:35:11 pm »

THUYỀN TRƯỞNG TƯ HÓA XỨNG DANH SÓI BIỂN


Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hóa, người công giáo Tân Đinh, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, đậu thủ khoa, được đồng nghiệp Pháp suy tôn "loup de mer” (Sói biển).

Ông xứng đáng với danh xưng đó, từ Cà Mau qua Xiêm như "đi chợ” chở súng đạn máy móc về Nam Bộ đánh Tây suốt chín năm kháng chiến.

Sự cố Sông Lô 7. 1949 đã khiến nghiệp của ông “khựng” lại suốt nhiều năm, nhưng ông Tư vẫn một lòng theo nghề nghiệp và theo cách mạng cho tới tận ngày nay - năm 2003.


Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hóa thường được bạn bè ngành hàng hải gọi là Tư Hóa. Tư Hóa sinh năm 1915 tại Tân Định - Sài Gòn, gia đình đạo Thiên chúa. Ông tốt nghiệp hàng hải, Tây gọi là Capitaine de Grand Cabotage năm 1939 lúc 24 tuổi. Thuyền trưởng trong chế độ Pháp là vua trên tàu, nhất là tàu viễn dương thì cuộc sống thật là đế vương. Nhưng Tư Hóa bỏ hết tất cả để theo kháng chiến. Trong những năm đầu đánh Tây, ngành hàng hải là một bà con xa lạ, tuy đầy nhiệt tình nhưng chưa có đất dụng võ, cho đến khi ngành hàng hải Nam Bộ được thành lập. Nhiệm vụ của cơ quan này là mua vũ khí trên đất Xiêm (Thái Lan) đưa về nước đánh Tây. Ban đầu đi đường biển, về sau khi ta giúp nước bạn có lực lượng vũ trang mới mở đường bộ. Từ đó, vai trò của các thuyền trưởng được đào tạo căn bản như anh Tư Hóa mới nổi bật lên. Cuộc đời của anh gắn với chiếc tàu Sông Lô từng làm chấn động dư luận Đông Dương. Xin giới thiệu về số phận con tàu bất hạnh này cùng với số phận cũng bất hạnh của thuyền trưởng của nó.

Phó phòng hàng hải kiêm trưởng ban ở Thái Lan, Năm Đông, hoạt động rất tích cực trong giới Việt kiều ở Bangkok, số vũ khí mua được ngày càng nhiều, việc mua sắm tàu thuyền ngày càng tăng gia. Nhiều chuyến thuyền 10 tấn hoặc 15 tấn từ Xiêm về Rạch Giá, Cà Mau chở súng đạn cho Khu 9 êm xuôi.

Đồng chí Thanh Sơn lúc đó vừa là "ông nội" (thanh tra chính trị miền Tây) vừa là "ông ngoại" (phụ trách chiến trường nước bạn) chỉ thị cho Năm Đông mua tàu lớn để gia tăng tốc độ tiếp tế vũ khí cho cả Nam Bộ. Do óc làm ăn lớn đó mà tàu Sông Lô ra đời. Năm Đông nhờ một Việt kiều tên Nguyễn Văn Bang quê Khu 4 từng hoạt động cách mạng ở Lào trước khi qua Thái. Đồng chí Bang giới thiệu một Hoa kiều tên Nai Sai (Nai tiếng Thái có nghĩa là ông) chủ chiếc tàu Samut Songram trọng tải 80 tấn với hai máy. Tư Hóa và Trần Hiếu Liêm (Liêm lùn) đến xem tàu về mặt kỹ thuật và thấy được. Ta mua tàu, tân trang và đổi lên là Sông Lô. Để giữ bí mật, vẫn để Nai San đứng tên làm chủ và mướn thủy thủ Thái. Đây là sự non kém về cảnh giác của ta khi dùng thủy thủ Thái trên tàu Sông Lô vì bí mật thất thoát từ đó. Thêm một sự cố không hay là có người thì thầm về việc mua tàu trả tiền hoa hồng cho các tay dẫn mối. Vì những lời ra tiếng vào này mà giới hàng hải Thái Lan biết chuyện "Yuồng mua tàu Xiêm đưa về nước" (Yuồng là người Việt). Chiếc Sông Lô được giao cho Tư Hóa.

Bốn chục năm sau, anh Tư Hóa tâm tình với tác giả: "Lúc đó mình dại quá. Tàu Sông Lô đã bị bể rồi, nếu đã lỡ mua thì nên chở hàng trong nước Thái một thời gian rồi bán, mua chiếc khác. Anh em mình chủ quan quá! Lính kín Sài Gòn qua Bangkok theo dõi các hoạt động của Việt Minh rất nhiều mà mình đi đứng, ăn nói không chút giữ gìn. Thêm một lý do để chuyến đi bị lộ nữa là cái đài VTĐ giao cho anh Kim, mỗi ngày cứ đúng 12 giờ là phát tín hiệu với Trung ương.

Tháng 7.1949, tàu Sông Lô chạy chuyến đầu tiên chở hàng cho Khu 9 và hàng cho Trung ương. Ngoài thủy thủ đoàn có Capitaine Trọng quá giang đi Trung ương. Ban chỉ huy có thuyền trưởng Nguyễn Văn Hóa, thuyền phó Phan Thanh Nhã, Đặng Văn Qua, chính trị viên, máy trưởng Tư Ghế (Võ Thống Nhất).

Tới Klong Yai, thị trấn biên giới ta trả tiền và cám ơn số thủy thủ Thái, chiếc Sông Lô tiếp tục hướng về Cà Mau. Tới Dây Chão, ta đưa lên bờ hàng của Nam Bộ rồi trực chỉ ra Bắc. Một hôm, tới Tourane vào 17 giờ, bỗng máy bay Pháp ào qua rồi quần lại chụp ảnh. Trên tàu có trung liên FM, anh em định bắn nhưng Hóa không cho. Đêm đó, tàu tới Hải Nam. Trên đường băng qua vịnh Bắc Bộ, tàu bị các chiến hạm Pháp bao vây. Không chạy thoát được, ban chỉ huy quyết định đốt tàu. Hóa cho đổ các thùng phuy xăng, ra lệnh cho Tư Ghế: "Quẹt lửa đốt đi. Lửa cháy tới ai, người ấy nhảy xuống biển". Tư Ghế quẹt diêm hai sao (loại hộp quẹt sản xuất tại miền Bắc). Tức thì một tiếng "Brùm" kinh hồn, lửa bốc cháy một lúc cả con tàu, mạnh ai nấy nhảy. Đây cũng là một non kém của Tư Hóa. Anh chưa biết khi bật lửa đốt tàu thì cả tàu đã tẩm xăng cùng cháy một lúc, chứ không cháy nơi bật lửa trước rồi mới lan các nơi khác. Tư Ghế phỏng nặng và mất tích. Các tàu chiến Pháp bao chung quanh chứng kiến giờ phút cuối cùng con mồi của chúng. Chiếc Sông Lô chạy như cục lửa trên biển trước khi chìm. Anh em trên tàu có 13 người bị cháy, trong đó có hai anh Quá và Thức nặng nhất. Các anh được tàu Pháp vớt đưa về Hải Phòng, số bị phỏng được đưa vô bệnh viện, số lành mạnh đưa về Sài Gòn điều tra. Tổng số anh em trên tàu là 22 người, Tư Ghế mất tích còn 21 người. 8 người phỏng nặng nằm ở bệnh viện Hải Phòng, còn 13 người được đưa về Sài Gòn.

Tư Hóa ngay từ đầu khai: thuyền trưởng chết với con tàu, còn mình là "passager" (người quá giang). Tại Hải Phòng, anh vẫn giữ lời khai đó. Bất ngờ có sĩ quan Phòng Nhì Pháp là Faravel từ Sài Gòn ra điều tra vụ tàu Sông Lô. Faravel từng là thuyền trưởng, bạn của Tư Hóa trước kia. Hai người gặp nhau tại Hongkong và quen nhau. Tư Hóa đi tàu hàng hải còn Faravel thì chỉ huy chiến hạm. Gặp Tư Hóa tại Hải Phòng, Faravel hỏi: “Mày ở đây à?". Tư Hóa bị phỏng ở lưng và tay, thấy Faravel đã nhận ra mình đành thú nhận là thuyền trưởng Sông Lô. Nhờ biết Faravel nên Tư Hóa đỡ bị đòn khi Phòng Nhì điều tra. Chừng bệnh tình bớt nguy, 8 anh em được đưa vô Sài Gòn để Phòng Nhì làm hồ sơ chung cho 21 người trong nội vụ Sông Lô. Báo chí Sài Gòn làm rùm beng vụ chiến hạm Pháp vây và bắn chìm tàu Sông Lô trọng tải 80 tấn trên vịnh Bắc Việt. Đây là một vấn đề thời sự nổi bật trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1949.

Nửa năm sau, đầu năm 1950, để quảng cáo cho Bảo Đại, Tây thả thủy thủ đoàn tàu Sông Lô. Trừ một mình đại úy Trọng bệnh nặng cần điều trị tại nhà, 20 anh em Sông Lô đều chạy vô khu tiếp tục kháng chiến.

Thuyền trưởng Tư Hóa kể cho tôi nghe số phận của anh gắn chặt với chiếc Sông Lô. Anh chép miệng tâm sự:

- Chiếc Sông Lô đã nằm yên dưới đáy biển còn thuyền trưởng của nó thì vẫn còn chịu nhiều sóng gió. Anh biết không, khi tôi được Tây phóng thích, lập tức tôi nhảy vô khu để gánh bao nhiêu bực bội. Người ta nhìn chúng tôi với cặp mắt nghi ngờ, bây giờ mình gọi là cảnh giác. Tôi phải làm không biết bao nhiêu tờ kiểm điểm, trong đó phải trả lời những câu hỏi này: Tại sao đốt tàu? Tại sao địch thả?
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #85 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2010, 03:39:32 pm »

Tôi bảo anh em để một mình tôi chịu hết, bởi tôi là thuyền trưởng. Tôi viết nhiều lần và lần nào cũng vậy, tôi nhân danh thuyền trưởng xin chịu hết trách nhiệm. Lẽ ra thì tôi phải thanh minh cho mình, vì có nhiều nguyên nhân để chiếc Sông Lô bị lộ. Xin tóm lược riêng cho nhà báo muốn tìm hiểu sự thật các điểm dưới đây:

- Việc mua tàu Samut Songram đã lộ ngay từ đầu vì vụ xầm xì về các món tiền hoa hồng.

- Việc dùng thủy thủ Thái Lan trên tàu Sông Lô cho tới trạm Klong Vai.

- Việc dùng VTĐ liên lạc với trung ương đúng 12 giờ mỗi ngày.

- Việc dùng tàu lớn trong khi chúng ta còn trong giai đoạn đánh du kích. Những chiếc tàu nhỏ như Độc Lập của Bông Văn Dĩa rất thuận lợi cho việc vô ra các xẻo, khi máy bay lên, tàu nhỏ dễ nghi trang cất giấu. Đây là khuyết điểm căn bản mà các đồng chí lãnh đạo phải dũng cảm nhận thay vì đổ lỗi cho cấp dưới.

- Việc không tin thuyền trưởng chưa phải đảng viên. Hàng đêm chi bộ trên tàu đều họp, nhưng trớ trêu thay thuyền trưởng là đầu não của con tàu lại không được dự.

Những khuyết điểm này đến địch cũng biết. Faravel đã cười ngạo nghễ nói với tôi : "Vous êtes tous comme des enfants. Nous savons d'avance tous vos déplacements" (Các anh như con nít. Chúng tôi biết trước sự di chuyển của các anh). Chúng còn biết cặn kẽ ngày tàu Sông Lô rời Dây Chão để ra Bắc. Sông Lô rời Dây Chão ngày 13 tháng 8 năm 1949.

Ông Tư Hóa ở lầu 1 chung cư trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận. Với tuổi 73 (năm 1988) ông hãy còn tráng kiện, người cao ráo, phong cách chững chạc của một con sói biển. Ông nhấc bổng chiếc xe đạp của tôi bước một mạch lên phòng ông, cười nói: "Đem lên đây chắc ăn. Mình tha hồ nói chuyện". Với cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông Tư vẫn còn làm hoa tiêu cho các tàu từ thành phố Hồ Chí Minh xuống miền Tây hay qua Nam Vang. Tôi nhìn tủ sách thuyền trưởng của anh. Sách đủ thứ tiếng. Ông Tư cười nói:

- Tôi biết sáu sinh ngữ. Đó là do nghề nghiệp bắt buộc.

Tôi nhìn bức tượng Đức Mẹ Maria, ông Tư tự giới thiệu:

- Gia đình tôi là đạo dòng, quê ở Tân Định - Im lặng khá lâu, ông nói tiếp: - Như tôi đã nói lần trước, các thuyền trưởng chúng tôi đi kháng chiến gặp nhiều trở ngại. Trước nhất là cái nghề của chúng tôi hết sức xa lạ với những người lãnh đạo. Những hiểu biết của mình trở thành xa xỉ, chưa cần thiết trong những ngày đầu kháng chiến, như vốn sinh ngữ cũng như nghề hàng hải. Tôi lại là người theo đạo Chúa. Với thành phần lý lịch như vậy lại gặp chuyện không may tàu chìm, bị bắt rồi được thả, lại nhảy vô khu. Tập kết ra Bắc, giới thuyền trưởng chúng tôi đóng góp hết mình cho việc mở cảng Hải Phòng. Còn nhớ lúc đầu Bác Hồ hỏi ông Nguyễn Văn Trân (chớ lầm với ông Bảy Trân nguyên Chủ tịch Chợ Lớn): "Các chú có làm nổi không? Không nổi thì ta nhờ chuyên viên bạn giúp". Chúng tôi tin tưởng đủ sức, không phải nhờ người ngoài. Thế là trên 19 hải lý từ Hải Phòng vô Hà Nội, các thuyền trưởng Nam Bộ tập kết đã làm hoa tiêu cho các tàu viễn dương Âu, Á đem hàng chiến lược giúp đỡ Việt Nam chặn bước xâm lăng của đế quốc Mỹ.

Sự đóng góp âm thầm nhưng vô cùng quan trọng của đội ngũ "đạp đầu sóng dữ" miền Nam cần được sử xanh ghi vào những trang trịnh trọng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #86 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2010, 02:53:53 pm »

THUYỀN TRUỞNG BẢY NGẠNH HAI LẦN RA CÔN ĐẢO RUỚC 900 TÙ CHÍNH TRỊ


Niềm vui lớn nhất trong đời thuyền trưởng Huỳnh Kim Ngạnh - quê Cao Lãnh (Đồng Tháp) là hai chuyến ra Côn Đảo trong vòng một tháng rước 900 tù chính trị về đất liền tham gia kháng chiến. Đây là cuộc chạy đua nước rút với Hải quân Pháp, vì chuyến tàu Phú Quốc đầu tiên về tới Đại Ngãi (Sóc Trăng) vào ngày 23. 9. 1945 - ngày Tây đánh chiếm Sài Gòn.

Chuyến ra đảo lần hai liền hôm đó trải qua những ngày đêm căng thẳng khó tả. Xin giới thiệu thuyền trưởng Bảy Ngạnh với chiếc tàu Phú Quốc của anh.


Trong tập thể thuyền trưởng đã tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên dưới đôi ba chục người, tại sao lại chọn anh Bảy Ngạnh? Không phải vì tài nghệ anh ăn trùm các đồng nghiệp mà chọn anh là vì kỷ niệm sâu sắc đời hàng hải của anh. Chuyến đi biển mà anh kể lại đây tuy đã 50 năm hơn rồi nhưng vẫn còn nóng bỏng một thời: chuyến ra Côn Đảo rước anh em chính trị phạm về đất liền tháng 9.1945.

Huỳnh Kim Ngạnh sinh năm 1910 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp). Anh Bảy rất hãnh diện về quê hương Cao Lãnh của anh. Địa danh này đã đi vào ca dao nổi tiếng: "Gà nào ngon bằng gà Cao Lãnh, gái nào bảnh bằng gái Nha Mân". Nếu là dân ghiền thuốc rê thì bạn có thể sửa câu đầu thành. "Thuốc nào ngon bằng thuốc Cao Lãnh". Nhưng với đa số dân Cao Lãnh thì người ta thích đá gà hơn. Gà Cao Lãnh chết tại trường gà chứ không hề chạy rót. Dân Cao Lãnh cũng vậy: làm cách mạng thà chết trong tù hơn là đầu thú trong những năm thoái trào. Vì vậy mà Cao Lãnh từ năm 1930 đã là cái nôi cách mạng. Không phải ngẫu nhiên mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chọn ấp Miễu Trời Sanh trong làng Hòa An làm nơi cư ngụ trong bước đường bôn ba hoạt động cách mạng.

Anh Bảy Ngạnh tốt nghiệp trường máy "École des Mécaniciens" (Nay là Trường Kỹ thuật Cao Thắng) khóa Patron des Chaloupes đào tạo các thuyền trưởng tàu chạy trên sông. Không hài lòng với kiếp cá sông, anh tình nguyện đi marine (lính hải quân) ba năm để đủ điều kiện học khóa "cabotage" đào tạo thuyền trưởng tàu biển. Ra trường, anh được tùng sự tại Sở Hàng hải tên là "Service de la Flotille et du Matériel" trực thuộc Thống đốc Nam Kỳ. Trụ sở đóng ở mé sông Sài Gòn.

Đảo chính Pháp, Nhật sung công chiếc Phú Quốc. Thất nghiệp, Bảy Ngạnh tới ghi tên tham gia Cộng hòa Vệ binh cũng gọi là Đệ nhất sư đoàn. Nhưng chưa kịp đánh đấm, anh lại được tin Lâm ủy Hành chính Nam Bộ ra lệnh cho Liên đoàn Thủy thủ chuẩn bị tàu De Lanessan đi ra Côn Đảo rước anh em chính trị phạm. Liên đoàn Thủy thủ là nơi tập hợp tất cả thuyền trưởng và thủy thủ sau ngày ta cướp chính quyền, ngày 25.8.1945. Linh hồn của Liên đoàn này là thuyền trưởng Tư Hóa. Tư Hóa tốt nghiệp khóa 1931, là khóa thứ hai, nổi tiếng nhờ đậu thủ khoa và có đức độ gương mẫu.

Được tin này, tất cả anh em hăng hái phục hồi chiếc tàu De Lanessan. Đây là tàu nghiên cứu về biển của Viện Hải học (Instutut Océanographique) ở Nha Trang. Khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9.3.1945, chúng sung công chiếc tàu này. Chạy được mấy tháng thì tàu hư, chúng đem bỏ tại một bến gần sở Ba Son, trước Một Hình (tượng đài tên hải tặc Rigault de Genouilly (ra cướp Nam Kỳ giữa thế kỷ 19). Trong số anh em thợ máy ráp lại o bế chiếc tàu có anh xếp máy Hoành là tay được Tư Hóa tín nhiệm hơn hết. Ông Chu Văn Hoành là thân phụ của nhà trí thức lớn Chu Phạm Ngọc Sơn. Máy móc đã sửa xong, anh em đốt lửa "lancer” cho chiếc tàu De Lanessan chạy thử. Tàu chạy ngon nhưng có một việc bất ngờ đã xảy ra làm anh em cụt hứng. Bọn Nhật thấy tàu chạy được kéo ào xuống, đuổi thợ lên. Thế là công cốc. Buồn không tả xiết, lúc đó là đầu tháng 9.1945. Có mới nới cũ, bọn Nhật có chiếc De Lanessan, bỏ chiếc Phú Quốc mà chúng vừa chạy vừa phá đã hỏng máy. Bảy Ngạnh cùng anh em trong Liên đoàn thủy thủ lại ào ra sửa. Ráo riết một tuần, tàu chạy ngon lành. Hay tin này Trần Văn Giàu ký lệnh cho Bảy Ngạnh đưa tàu Phú Quốc chở hàng tiếp tế ra Côn Đảo gồm gạo, nước mắm và thuốc men, đồng thời rước chính trị phạm ngoài đó về tham gia chính quyền cách mạng.

Bảy Ngạnh nhớ rõ ngày lịch sử đó : ngày 12.9.1945. Trong nắng thu, lá cờ hồng thập tự được kéo lên đỉnh cột cờ. Chọn cờ chữ thập đỏ để bọn Nhật không chặn bắt lại. Từ Sài Gòn trước khi ra biển. Trên tàu có 12 thủy thủ. Xếp máy là Ba Vui (Hồ Văn Vui) là dân Sa Đéc. Tàu ra đi từ sáng sớm. Không may ra giữa biển thì gặp sóng to gió lớn, tàu lắc lư như say rượu. Tất cả bàn ghế đồ đạc lăn cù lăn chiên. Nguy hiểm nhất là các thùng phuy xăng, chúng tự do lăn cho tới đụng chướng ngại thì tự dừng lại. Không ai dám mạo hiểm đón đường chúng. Đại diện chính quyền cách mạng đi trên tàu là Tường Dân Bảo và một chị phụ nữ. Cả hai nằm liệt trong ca bin, mỗi người thủ hai cái sô, một để đi tiêu và một để mửa. Anh Bảo là Việt Nam Quốc Dân đảng ra đảo năm 1930 , đến năm 1935 bị cắt cổ về tội phản Đảng Quốc dân cũng như anh Trần Huy Liệu. Còn Nguyễn Phương Thảo (tức Nguyễn Bình) thì bị đâm hư một mắt cũng về tội chuyển hướng bỏ Quốc Dân đảng hướng về phía cộng sản. Nhờ thuyền trưởng và thủy thủ đoàn dày dạn sóng gió, tàu Phú Quốc chạy giác nương theo sóng mà lần hồi tới đảo vào 9 giờ đêm. Tàu dừng lại Cỏ Ống chớ không vô bến vì lý do kỹ thuật. Trên đảo có đài vô tuyến, ác thay đài nghe được mà phát không được, không điếc mà câm. Thấy tàu lạ, anh em trên đảo sợ là tàu Tây, nổi trống mõ inh ỏi. Ta cho ca-nô của đảo ra tàu chào mừng phái đoàn Sài Gòn và cho biết trên đảo chuẩn bị làm mít ninh trọng thể. Nhưng sứ giả của phái đoàn còn xật xừ say sóng nằm liệt nên phải hoãn mít tinh đến chiều. Thuyền trưởng Bảy Ngạnh tất nhiên được mời ngồi hàng ghế danh dự. Vui mừng làm sao khi anh gặp lại bạn đồng hương Cao Lãnh là đồng chí Phạm Hữu Lầu. Cả hai nhào tới ôm nhau. Người quen thân thứ hai của anh là thuyền trưởng Hùng đã lái canô ra tàu hồi sáng.

Bảy Ngạnh tưởng sẽ đưa anh em chính trị phạm về đất liền ngay, nhưng không phải vậy. Anh và thủy thủ đoàn phải nằm lại đảo một tuần vì lý do chờ lọc danh sách những người được ưu tiên đi chuyến đầu. Chính trị phạm về trước, thường phạm sẽ làm danh sách sau. Trong khi chờ đợi có tin hai ba chục ghe cửa từ Vàm Láng, Bình Đại... bị bão trôi giạt tới các hòn trong quần đảo Côn Lôn. Đích thân anh Phạm Hùng theo tàu Phú Quốc tới các hòn này kéo các ghe cửa về đảo lớn. Nhiều ghe bị bão đánh gãy cột buồm, gãy bánh lái. Xưởng trên đảo gọi là Bản chế phải làm việc ngày đêm để sửa chữa cho các ghe này để có thể đưa anh em tù về đất liền cùng một ngày với tàu Phú Quốc. Trong những ngày này, Bảy Ngạnh để ý một người chỉ huy đội bảo vệ trên đảo. Các anh em tập đi một hai một, quay phải quay trái. Hỏi mới biết đó là anh Phan Trọng Tuệ.

Anh cũng biết một nhân vật khác nữa, đó là Còm-mi Trà (Lê Văn Trà), người được giao nhiệm vụ trông coi đảo sau khi anh em chính tri phạm về đất liền. Còm-mi Trà là bạn học của Năm Sang, anh ruột của Bảy Ngạnh.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #87 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2010, 02:55:10 pm »

Bản danh sách đã làm xong. Trên đường về có hai nhân vật được anh Bảy Ngạnh chú ý, người thứ nhất là ông Tôn Đức Thắng. Chính cụ Tôn o bế chiếc ca-nô trên đảo và lái nó về đất liền. Anh Bảy Ngạnh có nhiệm vụ bảo vệ chiếc ca-nô của Bác Tôn. Anh cho ca-nô chạy trước và dùng vô tuyến điều chỉnh hướng đi, trên tàu Phú Quốc có la bàn. Nhân vật thứ hai là nhà sư Thiện Chiếu. Nhà sư quá suy yếu, anh em phải khiêng xuống tàu. Về kỹ thuật, khi đi tàu có chở hàng nên mớm nước vừa phải, bận về không có hàng hóa, phải nhờ anh em thường phạm khiêng đá xuống tàu. Trong công việc này có một anh trốn dưới hầm tàu để được về cùng chuyến với anh em chính trị. Nhiệm vụ thuyền trưởng bắt buộc anh Bảy mời kẻ trốn đi lậu lên bờ. Chuyện chỉ có vậy mà anh áy náy khá lâu.

Bận về trời yên biển lặng. Tàu về tới Đại Ngãi. Tại đây, có xe đến đón để đưa tất cả về Sóc Trăng làm lễ đón tiếp chính trị phạm tại trường Taberd. Ngày ấy, thuyền trưởng Bảy Ngạnh không thể quên được. Trong lúc làm lễ có tin Tây đánh chiếm Sài Gòn. Như vậy là ngày 23 tháng 9. Chưa kịp nghỉ ngơi thăm vợ con, anh Bảy lại được lệnh ra đảo lần thứ hai rước tù chuyến nữa. Phải chạy đua nước rút với Tây. Đại diện chính quyền cách mạng là anh Văn Cừ, chủ hiệu mộc ở Cần Thơ lấy tên là Ameublement Văn Cừ. Anh Văn Cừ hoạt động cách mạng bị địch bắt đưa lên căng Tà Lài, sau đó chuyển qua Bà Rá. Ngày Nhật đảo chính, anh Văn Cừ cùng với vác bạn tù đốt trại về quê hoạt động.

Chuyến đi này thủy thủ đoàn có phần hồi hộp vì Tây đã khai hấn. Có thể chúng cho tàu ra đảo chụp tù chính trị còn kẹt lại. Chuyến thứ hai may mắn không gặp bão. Nhưng lại gặp rắc rối: thường phạm đòi trở về đất liền đánh Tây. Nhưng chuyện lên danh sách lại là việc của kẻ khác, còn Bảy Ngạnh chỉ lo đưa tàu và người đi tới nơi về tới chốn. Ra đảo lần thứ hai này, anh Bảy còn biết thêm một nhân vật tên Sơn Vương, người tù ở đảo nhiều năm nhất.

Chuyến này tàu Phú Quốc về thẳng Cần Thơ. Hai chuyến đi Côn Đảo đã hoàn thành tốt đẹp. Nhưng còn số phận của chiếc Phú Quốc? Tây đã chiếm miền Tây . Hải quân của chúng ngày đêm tuần tiễu sông rạch Hậu Giang. Làm sao giữ con tàu mà chính quyền cách mạng đã giao cho thuyền trưởng Bảy Ngạnh. Tàu Phú Quốc đang ở trên sông Cần Thơ. Muốn chạy xuống Chắc Băng ẩn trong rừng U Minh phải theo Ô Môn. Cầu Ô Môn thấp, chòi lái chiếc Phú Quốc cao nên không qua lọt. Phải phá cầu. Chạy về tới Cái Tàu, nhắm không trốn thoát, phải hy sinh chiếc tàu. Bảy Ngạnh cho thủy thủ bơm nước vô nhưng lâu quá, ra lệnh đục tàu. Nước tràn vào ngập tàu, chiếc Phú Quốc chìm nhưng còn ló mũi như tiếc nuối thời oanh liệt hai lần vượt biển rước những đứa con cưng của Tổ quốc.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #88 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2010, 03:10:26 pm »

THUYỀN TRUỞNG SÁU HOÀI ĐƯA KHẨU 105 LY VÔ KHU


Thuyền trưởng mà được giao công tác đưa khẩu đại bác 105 ly - chiến lợi phẩm trận Tầm Vu lần thứ 4 do Khu trưởng Trương Văn Giàu đánh chiếm vô khu ! Đó là một kỷ niệm nhớ đời.

Ngoài ra, anh còn được giao nhiều công tác "tréo ngoe”. Dù vậy, với quyết tâm việc gì anh cũng hoàn thành tốt đẹp, như phá cầu quay Phụng Hiệp, như đặt thủy lôi, đắp cản... Anh tự cho mình là cán bộ đa năng (dagénan -thuốc trị bá bệnh).


Thuyền trưởng Sáu Hoài còn được gọi là Hoài Râu để không lộn với các ông Hoài khác như Hoài U (cũng mang tên Trần Văn Hoài), chỉ huy Đại đội 21 đã hy sinh trong kháng chiến chín năm.

Sáu Hoài là dân Thới An, quận Ô Môn, Cần Thơ. Sinh năm 1934, đậu số 1 khóa Grand Canotage và bắt đầu cuộc đời dọc ngang trên biển. Kỷ niệm đáng ghi nhớ trong những năm đi tàu là mấy lần đánh Tây. Trận đánh Tây đầu tiên là lúc đi trên Tàu SS Canton. Thằng xếp máy tên Imbs là Pháp lai Đức, tính tình xấc láo coi rẻ dân An Nam. Sáu Hoài đánh một trận cho chừa. Imbs đánh không lại đi thưa. Huyện bênh huyện, phủ bênh phủ, Tây bênh Tây nên Sáu Hoài bị đổi qua tàu khác. Sáu Hoài qua tàu Sông Giang cũng bị thằng Imbs thưa gửi khiến anh lại phải đổi qua tàu Pasquier. Gặp chiến tranh Pháp - Đức, có người rủ Hoài cướp tàu chạy theo phe De Gaulle. Hoài từ chối vì không thích làm chính trị. Anh đưa tàu về Sài Gòn được chủ là Orsini thưởng 500 đồng. Đến khi Nhật đảo chính Pháp, Hoài cũng được mời giúp Nhật nhưng Hoài cáo bệnh về quê nghỉ ngơi. Đến khi ta cướp chính quyền, Hoài gia nhập dân quân xã gác cầu. Thế rồi vận hội mới đến với anh. Thanh tra chính trị miền Tây Thanh Sơn Nguyễn Văn Tây đưa một đoàn 5 kỹ sư về Ô Môn có nhiệm vụ "miner” (đặt thủy lôi) sông Bassac (sông Hậu) chặn bước tiến của tàu Tây thọc sâu vô miền Tây Nam Bộ. Năm kỹ sư này là Nguyễn Ngọc Bích, Phạm Ngọc Thảo, Nguyễn Tấn Nghiêm, Huỳnh Văn Điểm và Hoàng Ngọc Cừ. Đoàn có canô kéo ba thủy lôi của Nhật theo. Thanh Sơn nghe nói có thuyền trưởng Sáu Hoài về làng Thới An mời tham gia đặt mìn sông Cái ngay vàm Ô Môn. Lúc đó, Tây có chiếc tàu A71 (bên hông lại vẽ số 73 để mập mờ đánh lận con đen, làm cho dân trong vùng lầm tưởng Pháp có hai tàu thay vì một). Tàu này hay lên bắn phá hai bên bờ sông bằng đại bác 75 ly.

Thật là chuyện trớ trêu: làm thuyền trưởng mà được giao đặt thủy lôi. Dù vậy, Sáu Hoài cũng lặn lội, nghiên cứu đặt cho được ba trái thủy lôi trên sông Cái.

Kế đó, Sóc Trăng đắp cản Bãi Xào. Đó cũng là không phải nghề nhưng thuyền trưởng Sáu Hoài nhận công tác khi được giao. Rồi tới chuyện phá cầu chặn bước tiến bộ binh Pháp. Sáu Hoài được giao phá cầu quay Phụng Hiệp. Đây là "mission impossible" (sứ mạng khó khăn) vì địch có tiểu đội bảo vệ cầu , cứ 15 phút là rọi đèn và hét to "Ai đó? Đưa tay lên !". Nguy hiểm nhưng Sáu Hoài cũng hoàn thành. Đặt thủy lôi, đắp cản, phá cầu, Sáu Hoài làm được nên được Thanh Sơn tín nhiệm giao chức Trưởng ban công binh phá hoại. Toàn ban có 7 người, Phó ban là Trần Tam Phước. Anh em lập thủy xưởng tại Dây Chão, gần mũi Cà Mau . Đây là căn cứ lớn từng chứa các tàu lớn của ta như Độc Lập, Darathip, Sông Lô. Nhưng tới đây Sáu Hoài vẫn chưa được giao điều khiển một chiếc tàu nào. Thế rồi lại có một nhiệm vụ quan trọng khác. Trong trận Tầm Vu, ta chiếm một đại bác 105 ly của địch. Phải cấp tốc đưa "ông ầm" này vô căn cứ ngay kẻo Tây quay lại truy hồi. Nhiệm vụ này được giao cho Sáu Hoài. Ban công binh phá hoại của anh lập tức tới nơi, mượn ghe lườn 300 giạ, lót ván đầy đủ sức chịu 4,5 tấn chèo tới chợ Ba Mít (xã Long Tuyền) ngay trong đêm đó. Đó là ngày lịch sử 19.4.1948, chỉ huy trận này là Trương Văn Giàu, Tham mưu trưởng Võ Quang Anh. Sáng hôm sau, máy bay lên tìm khẩu đại bác nhưng trong đêm ta đã có sáng kiến mua chiếu che kín chiến lợi phẩm độc đáo này. Trước khi đưa cà nong lên ghe, nó được một cặp trâu kéo, một con đứt ruột vì cà nong đã nặng lại thụt lầy. Công việc đưa cà nong lên ghe là vô vàn khó khăn. Phải mất hai ngày hai đêm chèo chống mới đưa được đại bác tới nơi an toàn.

Đặt mìn, đắp cản, phá cầu, kéo pháo là bốn món ăn chơi mở màn cho món chính là lái tàu, đúng ngành nghề của mình. Thanh Sơn giao cho Sáu Hoài ra Huế trục vớt thuyền tàu chìm ráp được ba chiếc để dùng trong việc đi Xiêm chở vũ khí về nước. Ba chiếc này giao cho Tư Hóa một chiếc, anh thợ máy Dương Hiển Luy một chiếc và Sáu Hoài một chiếc. Tư Hóa đưa thuyền tới Xiêm, Luy đi dọc đường bị Tây bắt, còn Hoài tới Côn Đảo bị gió mùa đông bắc làm gãy cột buồm hai người ôm, gãy bánh lái, 18 người trên thuyền phải xuống hai canô cứu sinh. Rất may, tất cả tấp vô Cái Cùng, tái hợp anh em Ban công binh phá hoại.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #89 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2010, 03:15:05 pm »

THUYỀN TRUỞNG MUỜI THÔI VỚI TÀU DARATHIP

Mười Thôi không được đào tạo thuyền trưởng nhưng hoạt động kháng chiến của anh phần lớn gắn liền với biển, mà chiến công lớn nhất là vụ cướp tàu Darathip. Sự cố này nhiều tình tiết éo le. Xin cố gắng kể lại những chi tiết lớn sau đây:

Thấy Khu 9 qua Xiêm mua súng đạn đánh Tây xôm quá, Khu trưởng Trần Văn Trà giao cho Mười Thôi nhiệm vụ qua Xiêm sắm vũ khí. Tại sao ông Trà chọn Mười Thôi? Mười Thôi là cán bộ quân sự tỉnh Bến Tre, là trưởng ban tình báo tỉnh, nhưng trước đó đã từng vượt biển từ Quảng Ngãi về Khu 8. Thuyền chìm ngoài khơi Cù Lao Bảy Xạ (Tây gọi là Poulo Ceyn de Mer) Mười Thôi lưng đeo bao bạc 60.000 đồng lặn hụp với sóng gió lội vô tới bờ trao đủ cho Khu. Nhờ thành tích này mà anh được chọn đi Xiêm. Muốn qua Xiêm, phải tìm đồng chí Thanh Sơn, Thanh tra chính trị miền Tây. Thanh Sơn từ Quảng Ngãi về Nam vào tháng 7. 1947. Thôi xuống Cà Mau chờ ba tháng, không gặp Thanh Sơn, vừa trở về thì Thanh Sơn cũng vừa tới . Bấy giờ Thanh Sơn được Trung ương phân công là Ủy viên quân sự Nam Bộ. Thanh Sơn lập Ban Ngoại vụ và Phòng Hàng hải với Võ Đăng Kỳ làm trưởng phòng. Mười Thôi tiếp xúc với Phòng Hàng hải và chuyến đi đầu tiên của anh lên đường vào tháng 12.1947 trên chiếc thuyền buồm 6 tấn có gắn máy. Cùng đi với anh có Cao Phát Thành, quê Trà Vinh. Chuyến đi đó anh nhớ mãi, xuất quân từ cửa Ông Trang vào sáng 30 Tết, có Võ Đăng Kỳ xuống tiễn.

Tết đó, anh em vui xuân trên sóng nước. Vừa ra khơi thì máy chết, phải chạy buồm ba ngày ba đêm. Đặc điểm của chuyến đi này là có bốn sinh viên Nam Bộ quá giang để sang Ấn dự Đại hội Thanh niên Thế giới tại Calcutta, đó là anh Huỳnh Kim Trương, Nguyễn Duy Cương, Nguyễn Văn Sinh và Lê Tâm. Bộ chỉ huy chuyến đi gồm có Võ Đăng Ban (em Võ Đăng Kỳ) thuyền trưởng. Mười Thôi chính ủy, Cao Phát Thành hướng dẫn vì đã qua Xiêm hai lần. Qua tới Xiêm, không bao lâu thì được điện thúc về gấp. Lại gặp lúc tàu hư phải sửa nên phải tranh thủ mướn tàu chở vũ khí về nước. Trong lúc này có đồng chí Ba Nhâm đảm trách. Ba Nhâm hướng dẫn Võ Đăng Kỳ mướn chiếc Darathip. Không thể nói thật là mướn tàu chở vũ khí về Việt Nam, ta nói dối là chở cao su ngoài đảo Kokut. Chủ tàu là người Hoa nên tin. Còn thủy thủ thì biết ta nói dối vì đảo Kokut làm gì có cao su. Ý định cướp tàu là sáng kiến của Ba Nhâm vì anh vốn là dân dao búa, tuy đã là đảng viên rồi nhưng cái nết đánh chết không chừa.

Ba Nhâm nói: "Nếu thủy thủ chịu đưa mình về Cà Mau thì tốt, bằng không thì mình cướp tàu. Vậy đó!". Mười Thôi kêu lên: "Sao được anh Ba?". Ba Nhâm lặp lại giọng độc đoán: "Sao lại không được? Chịu thì tốt, không chịu bắn bỏ!". Mười Thôi bác: "Bắn là lộ". Ba Nhâm cắt ngang: "Đây là nghị quyết chi bộ". Mười Thôi đành chịu.

Nơi ta đóng là một bờ biển, cách xóm nhỏ một con rạch. Xóm này có khoảng 20 mái nhà. Có một quán nước, chủ quán là Kim Hon, người Hoa. Nơi đây, quận trưởng hay dẫn lính đi tuần. Việc cướp tàu kể như khó thực hiện. Em gái Kim Hon là cô giáo, có cảm tình với anh em ta, đặc biệt là với Mười Thôi. Mặc dù anh em giả làm ngư dân, cũng cởi trần phơi lưới, nhưng không qua được óc nhận xét của cô giáo. Một hôm, cô tâm tình: "Các ông làm gì tôi biết hết!". Mười Thôi giật mình, nhưng tin tưởng cô giáo là người tốt, biết để bụng chớ không tiết lộ với ai. Ba Nhâm vẫn giữ ý định cướp tàu nếu thủy thủ không chịu đưa tàu về Cà Mau. Thủy thủ đoàn gồm có Má Chín đại diện chủ tàu, một thuyền trưởng già, một máy trưởng, một thợ điện, một thợ máy và bảy thủy thủ, tổng cộng 12 người. Quân số bên ta cũng tương đương. Theo tàu còn có hai Hoa kiều tư sản muốn về Bạc Liêu thăm bà con đồng thời mua lúa gạo bán cho Singapore. Cũng cần giới thiệu các nhân vật trên chiếc Darathip: Mười Thôi, Võ Đăng Ban, Nguyễn Văn Bang (Bang già), Thọ Kiên, Dương VTĐ, Sáu Nắng, Tư Ghế, Nuôi, Ba Đáng, Lô. Điều trớ trêu là người chủ trương cướp tàu thì vào giờ chót lại không có mặt trên tàu.

Rời May-luột, tàu ra đảo Kokut kéo theo ghe chứa đầy vũ khí của ta. Theo kế hoạch thì anh em dưới ghe cứ báo cáo ghe vô nước với Võ Đăng Ban và Mười Thôi ở trên tàu. Tới Kokut, Mười Thôi nói với Má Chín: "Ghe vô nước, cho chúng tôi đưa hàng lên tàu!". Trong khi đưa vũ khí lên tàu, Mười Thôi bố trí anh em chiếm toàn bộ phía trước. Thọ Kiên kiếm chỗ gửi ghe. Vừa xong thì gặp bão, dông gió làm trốc neo tàu. Tình thế thật là nguy hiểm vì tàu có thể trôi vô bãi đụng đá bể nát. Nhiều thủy thủ hốt hoảng khóc. Rất may là gặp bãi cát, Việt kiều trên đảo vội tiếp tay thả neo ràng, kê vai vô đít tàu đưa ra an toàn. Tàu đậu xa bãi khoảng 5 km để ngừa thủy thủ lội vô bờ khi ta cướp tàu nếu không thuyết phục được họ. Theo kế hoạch của Ban và Mười Thôi, Bang già lãnh phần thuyết phục Má Chín và thuyền trưởng (Bang già rành tiếng Xiêm). Sau khi nói rõ yêu cầu Bang già hứa thưởng trọng hậu. Má Chín lắc đầu nguầy nguậy:

- Các anh làm ăn lật lọng quá!

Mười Thôi nhấn mạnh:

- Bây giờ nói thiệt. Không phải là hàng lậu mà là vũ khí. Chúng tôi mua súng đạn về nước đánh Pháp. Chúng tôi sẽ thưởng các anh 40.000 Bath. Hẹn tới 10 giờ các anh phải nổ máy.

Vừa tuyên bố tối hậu thư, Mười Thôi bố trí đội hình:

- Ta chiếm phía trước, mỗi bên có sáu anh em võ trang. Thôi thủ súng ngắn đứng giữa chỉ huy.

Máy trưởng, một người lực lưỡng nhào tới ôm Mười Thôi:

- Mấy anh định cướp tàu hả?

Mười Thôi chĩa súng:

- Cướp tàu hay không là chủ tàu lo. Anh là công nhân.

Đẩy lui máy trưởng, Mười Thôi hỏi thuyền trưởng:

- Đi hay không cho tôi biết?

- Đi đâu?

- Đi theo tôi. Hạ lệnh nổ máy đi.

Thuyền trưởng khóc:

- Thương giùm tôi! Ba vợ mười mấy đứa con. Đi tàu cả đời chưa hề gặp vụ này!

Trong khi chờ đợi thuyền trưởng và máy trưởng suy nghĩ, Mười Thôi phân công:

- Ban thay thuyền trưởng, Sáu Ngọc thay máy trưởng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM