Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:55:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nam Bộ - Những nhân vật một thời vang bóng  (Đọc 113136 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #60 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2010, 09:42:46 am »

CHỊ THANH QUÝ HAI ÁN TỬ HÌNH

Chị Thanh Quý là cô gái Huế xinh đẹp, cha mẹ nghèo cho đi ở đợ trừ nợ. Chị bị con chủ nông trại làm nhục phải bỏ xứ lưu lạc vào Sài Gòn. Chị gia nhập Ban công tác thành, lập nhiều chiến công. Vào tù, chị trừng trị cọp rằn, diệt tù gian lãnh thêm án tử hình.

Trao trả tù binh, chị tập kết ra Bắc, tiếp tục phục vụ cách mạng. Chị Thanh Quý là một cán bộ biệt động dũng cảm, đầy đủ khí tiết trong công tác cũng như trong tù ngục.


Trong Khám Lớn Sài Gòn, có hai salle (phòng) nhốt tù nữ. Salle 14 nhốt tù chính trị - chiến sĩ quyết tử. Ban công tác thành và đồng bào nuôi chứa, ủng hộ kháng chiến và salle 15 nhốt thường phạm - dân lưu manh móc túi, bấm dây chuyền, rọc túi xách, đĩ điếm... Thường ngày, hai salle đều có chiến tranh, khi nóng khi lạnh. Cầm đầu đám “chằn ăn trăn quấn" là mụ Bảy Sảnh, to béo, miệng bằng tay và tay bằng miệng. Mụ cùng đám lâu la ném đá qua salle 14 để khiêu khích. Chị em chính trị phạm cũng không vừa, ăn miếng trả miếng hẳn hoi. Thầy chú đều lắc đầu ngao ngán mỗi khi phải tới hai salle này...

Nhưng tình trạng bê bối đó chấm dứt kể từ khi có chị Thanh Quý, chị được đưa vào đây với bản án tử hình về tội diệt hai sĩ quan Pháp. Xin giới  thiệu sơ thành tích của chị Thanh Quý:

Thời Tây chiếm Sài Gòn, cuối 1945 đầu 1946, chiều chiều cột cờ Thủ Ngữ là nơi đám cò bót, lính tráng tập hợp ăn nhậu nơi mé sông có đại lộ Quai Lemyre de Viller chạy dọc bờ sông. Bọn sĩ quan có địa điểm riêng là quán rượu Pointe des Blagueurs (Doi đất của các tay đấu láo tào lao). Còn binh sĩ thì xúm xít nhau ở các quán bình dân, dưới mấy chiếc dù che nắng che mưa xanh xanh đỏ đỏ.

Thú vui lúc đó là gọi các xuồng bán vàm dập dìu trên sông nước. Có đủ thức nhậu: cháo gà, cháo vịt, bánh canh giò heo, hột vịt lộn, khô mực và đặc biệt là "nước mắt quê hương" - loại rượu Chợ Đệm mà các tay nhậu ca ngợi "rượu uống mềm môi chẳng thấy cay". Chị Thanh Quý là một trong các cô gái bán vàm trên bến Thủ Thiêm. Chị là con gái Huế có nhan sắc - như thơ ca miền Trung lưu truyền: "Học trò xứ Quảng đi thi, thấy con gái Huế chân đi không đành". Nhà nghèo phải đi làm thuê ở mướn, chị Thanh Quý lưu lạc vô Sài Gòn và làm con nuôi bà Tư Quý ở Thủ Thiêm. Khi ta cướp chính quyền, chị Thanh Quý tham gia Ban công tác thành của Chi đội 1, thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương), chị được phân công làm địch vận lấy vũ khí cho bộ đội. Anh trưởng ban công tác gợi ý: "Tụi Nhật gác xà- lan, súng ống, đạn dược đậu cả dãy trên sông Sài Gòn. Chị cứ chèo tam bản qua đó bán đồ nhậu, phục rượu cho bọn chúng say rồi gạ mua lựu đạn. Mình đang cần lựu đạn là vũ khí lợi hại trong chiến tranh đường phố".

Chị Thanh Quý cùng hai đồng đội là Bé và Bích, cùng lứa tuổi và cũng dễ coi, cả ba đồng tình diễn trò tống tửu bọn lính Nhật để gạ mua lựu đạn. Kết quả mỹ mãn: mua rẻ 360 quả lựu đạn còn ở trong thùng. Chị Thanh Quý ra hiệu, tức thì anh em Công tác thành cập tam bản, nhảy lên xà lan xuống hàng. Lần đó, chị Thanh Quý cùng hai đồng đội Bé và Bích được Khu trưởng Nguyễn Bình tặng bằng khen và thưởng 200 đồng.

Được món tiền khá lớn này, ba chị em đãi anh em Ban công tác một chầu "lâm vố", có cả la-ve Con Cọp nữa. "Lâm vố" là món ăn đặc biệt của giới bình dân Sài Gòn. Đó là các khẩu phần nhà binh, lính ăn không hết, nhà thầu bán ra ngoài cho các quán bình dân. Nói là món ăn thừa nhưng không phải là đồ dư, ăn bỏ mứa. Rất nhiều món còn nguyên như cơm gà, ra-gu heo, ca-ri vịt… Tây gọi thức ăn không dùng tới này là rabiot, dân mình đọc là "lâm vố".

Xin nói về chiến công lớn của chị Thanh Quý. Có thằng Chà lai (Ấn kiều) làm mật thám, có nhiều nợ máu với kháng chiến. Tên này lại mê chị Thanh Quý, một hai đòi cưới chị làm vợ bé. Chị hỏi các anh chỉ huy và được bày kế "điệu hổ ly sơn", mời nó qua nhà chị bên Thủ Thiêm cho biết để bàn chuyện cưới hỏi. Tên Chà ngần ngại vì Thủ Thiêm là vùng "xôi đậu", - ngày của quốc gia, đêm của Việt Minh. Nhưng vì mê bóng sắc của chị Thanh Quý nên tên chó săn đánh liều vào tử địa. Đó mới chỉ là "con nhạn" đầu tiên của chị Thanh Quý. "Con nhạn" thứ hai quan trọng hơn nhiều. Đó là tên quan ba xếp bót Thủ Đức. Qua trung gian của anh thư ký Chánh giúp việc văn phòng, chị Thanh Quý làm quen tên quan ba này. Cũng là một tay háo sắc, thích của lạ nên hắn si mê ngay cô gái Huế thường mời cô đi dạo đồng quê ngoại thành trên xe Jeep. Thanh Quý báo ngay đồng đội phục kích trên lộ trình mà tên quan ba gọi là "tour d'inspection" (vòng kinh lý quanh thị trấn Thủ Đức).

Cuối năm 1946 , do có người khai, chị Thanh Quý bị bắt nguội. Với tội trạng thủ tiêu hai sĩ quan - tên đội Chà và đại úy xếp bót Thủ Đức - chị Thanh Quý bị Tòa đại hình lên án tử hình. Hai luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Ngô Sách Vĩnh biện hộ, bản án được giảm xuống còn 10 năm khổ sai, 10 năm biệt xứ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #61 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2010, 09:48:56 am »

Ngày đầu vào salle 14, Thanh Quý đối đầu với cặp rằn Sáu Hiển. Mụ Sáu Hiển cũng tác oai tác quái như mụ Bảy Sảnh bên salle 15. Mụ ta nằm trên chồng chiếu mới cao cả tấc trong khi các chị em khác nằm chiếu rách. Cũng có người đấm bóp, người quạt. Ngay từ đầu, chị Thanh Quý đã sôi gan: “Con mẹ này đi lộn sân rồi, nó là thường phạm, sao lại nhốt bên chính trị phạm?" . Nhưng chị chưa ra tay, vì mới vô tù, chị là ma mới , phải liên kết với một vài chị em nữa mới tống mụ cặp rằn quái gở này được. Thanh Quý tìm được bạn đồng minh là chị Mai Vân, một nữ biệt động ở Phú Thọ Hòa, là em họ của anh Tư Thược (sau là đại tá Lâm Quốc Đăng). Sau thời gian bí mật tranh thủ chị em vùng lên chống bất công trong tù, hai chị Thanh Quý, Mai Vân tuyên chiến với mụ Sáu Hiển. Mai Vân giới thiệu chị Thanh Quý: “Một nữ biệt động dã diệt hai thằng Tây - Tây trắng và Tây đen - bị 20 năm tù, lẽ nào lại chịu thua cặp rằn salle 14 này? Nếu chị biết điều thì từ chức cặp rằn ngay, chúng tôi sẽ bỏ qua cho". Tất nhiên, mụ Sáu Hiển không chịu thua dễ dàng như vậy . Mụ hất hàm ra hiệu các lâu la nhưng bọn này thấy khí thế hai chị Thanh Quý và Mai Vân "trùm phé” với sự ủng hộ của toàn salle nên êm re. Mụ Sáu Hiển đành hạ giọng cầu hòa.

Hạ xong mụ Sáu Hiển, Thanh Quý và Mai Vân bắt đầu nhắm tới đối tượng mới là mụ Bảy Sảnh bên salle 15. Lúc đó Lan Mê Linh, người nữ sinh đã bắn tên chủ báo Phục Hưng phản động là Hiền Sĩ trên đại lộ Bonard (Lê Lợi) sát chợ Bến Thành, bị đưa vào salle 15. Lan Mê Linh mảnh mai, yếu sức nên ngay ngày đầu đã bị mụ Bảy Sảnh hành hung vỗ mặt. Vừa thấy Bảy Sảnh đấm vào mặt Lan Mê Linh, hai chị Thanh Quý và Mai Vân nhào tới can thiệp ngay. Tiếng la ó vang dậy khiến thầy chú chạy tới, mụ Bảy Sảnh đành ngưng chiến.

Qua ngày sau, Thanh Quý tìm cách sang salle 15. Đây là hành động dũng cảm, vì salle 15 là nơi nhốt thường phạm, dân trí thiếu kém, không như salle 14. Nhưng Thanh Quý rất tự tin. Chị bình tĩnh thuyết phục cặp rằn Bảy Sảnh vốn là tay anh chị chợ Cầu Muối. Tất nhiên chuyện thuyết phục rất cam go vì đang làm vua chúa, ai lại dễ dàng xuống làm dân. Nhưng Bảy Sảnh đã thấy mụ Sáu Hiển bị hạ bệ nên nhuệ khí mười phần mất bảy còn ba.

Mai Vân bên salle 14 cũng chồm ra tiếp sức với Thanh Quý: "Ăn hiếp chị em trong tù tay không là hèn. Vô tù đã đau khổ rồi, tại sao không giúp nhau chịu đựng mà lại xúm lại làm khổ nhau?... Còn như chị em tôi đây, nữ biệt động thành, ăn thua đủ với Tây tà, có súng dài súng ngắn mới là ngon lành. Không lẽ dân biệt động thành lại thua kém dân Cầu Muối?".

Lý thì mụ Bảy Sảnh thua rồi, nhưng mụ còn lực. Nhìn kỹ đối thủ của mình mụ thấy Thanh Quý tuy thanh thanh nhưng không dễ bắt nạt như Lan Mê Linh nên do dự chưa dám ra tay. Thanh Quý đấu dịu giảng hòa: “Chúng tôi là tù chính trị, không bao giờ muốn tranh cái chức cặp rằn của chị. Nhưng chúng tôi không chịu được mọi thứ bất công xảy ra trước mắt chúng tôi. Nếu chị còn hành hung Lan Mê Linh hay bất cứ ai khác thì chúng tôi sẽ không nương tay đâu!".

Thế là mụ Bảy Sảnh ê mặt chịu thua.

Ngày kia, Phòng 14 có thêm một tù mới. Cô ta tự xưng là cán bộ hoạt động nội thành, bị bắt trong khi ra bưng. Nhưng với cặp mắt kinh nghiệm, Thanh Quý phát hiện có chút gì không đáng tin cậy nơi người bạn tù này. Và chị âm thầm theo dõi. Mấy ngày đầu, chị tù mới này làm ra vẻ khổ sở, bỏ cơm nằm im trong góc khám. Nhưng vào nửa đêm, Thanh Quý hé mắt thấy cô ta nhai bánh mì kẹp chả lụa. Thế là thêm một chút sinh nghi. Cho đến một tuần sau, lại có thêm một người tù bị đưa vào. Chuyện lạ là người tù mới cứ nhìn châm bẩm vào cô bạn mới vô trước mình, còn cô kia thì hết sức lẩn tránh. Thanh Quý bèn tìm cách gần gũi người tù mới và trong bữa ăn, được nghe người tù mới tiết lộ “con đó là tù gian. Nó được đưa vô salle 14 để dò xét và mật báo tổ chức trong salle và ai là người chỉ huy". Thanh Quý chưa tin, gạn hỏi thêm thì chị tù mới kêu đích danh con tù gian: "Nó tên là Lý Thị Hoa, làm nghề điềm chỉ ở xóm Bàn Cờ. Chính nó đã chỉ bắt một đồng đội của tôi tá túc tại nhà nó. Tàn nhẫn hơn nữa nó còn để cho bọn lính kín hãm hiếp bạn tôi trong khi chị ấy mang thai ba tháng".

Nghe qua, Thanh Quý bàn với Mai Vân tiếp tục điều tra tên tù gian Lý Thị Hoa. Khi nắm đủ bằng chứng, hai chị quyết thủ tiêu con rắn độc ngay trong khám. Hai chị thừa dịp nó vào hố xí, một người xổ chiếu ra che khuất để người kia bóp cổ tên tù gian. Vụ xử diễn ra nhanh chóng. Hai chị lôi cái xác không hồn vè chiếu, đắp mền lên như ngủ say. Tới sáng, mới phát hiện tên tù gian chết. Thanh Quý và Mai Vân tranh nhau tự nhận mình là thủ phạm. Ra tòa, Thanh Quý lãnh thêm một án tử hình nhưng nhờ luật sư Ngô Sách Vinh biện hộ, án tử hình giảm xuống còn 10 năm khổ sai, chồng án trước thành chung thân khổ sai.

Khi thực dân xây khám Chí Hòa, chị Thanh Quý được đưa qua đó một thời gian rồi đày ra đảo. Tới Hiệp định Genève 1954, chị được trao trả tù binh tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Thế là chị lại tiếp tục hoạt động trong ngành tình báo. Sau giải phóng miền Nam, chị là Thiếu tá. Hàng năm, trong những ngày họp truyền thống Ban công tác thành, rồi lấy tên là Biệt động đặc công khu Sài Gòn-Chợ Lớn, chị Thanh Quý là Mạnh thường quân hào phóng đài thọ những thiếu hụt của Ban tổ chức lúc đó còn nghèo.

Chị Thanh Quý đã về cõi vĩnh hằng từ nhiều năm rồi, nay viết bài này là để tưởng nhớ một người chị kết nghĩa, một chiến sĩ biệt động dũng cảm phi thường và có lòng nhân hậu hiếm thấy.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #62 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2010, 09:56:42 am »

CHỊ MƯỜI MẪN TAY NGANG DIỆT ĐỊCH


Chị Mười Mẫn không học một khóa quân sự nào, nhưng đụng việc thì tay ngang cũng dám làm.

Lâm Quang Phòng là dân kháng chiến gốc tư sản địa chủ do bất mãn chạy về thành đầu Tây. Làm quận trưởng, Phòng gây nhiều nợ máu. Chị Mười Mẫn muốn trừng trị tên này mà chưa có dịp.

May thay, Phòng về quê dự giỗ và chị Mười Mẫn đã ra tay. Không phải dân thích khách chuyên nghiệp, chị Mười Mẫn chỉ để thẹo, nhưng cũng hay, cái thẹo đó là bản án thường trực cảnh cáo tên ác ôn này.


Lâm Quang Phòng là một nhân vật nổi tiếng ở Nam Bộ. Thời kháng chiến chống Pháp, Phòng cũng ra bưng kháng chiến gia nhập Đảng Tân Dân chủ nhưng sau đó bất mãn nhảy về thành làm quận trưởng An Phước, U Minh Thượng, bị tòa án Khu 9 kết án tử hình. Chị Mười Mẫn xung phong thi hành bản án. Rất tiếc, chị Mười Mẫn chỉ chém để thẹo chứ không diệt được tên ác ôn này. Trải qua các trào Diệm, Thiệu, Lâm Quang Phòng dày công khuyển mã được vinh thăng đại tá biệt kích dù, lúc nào cũng quân phục kaki thẳng nếp với ba bông mai bạc và cái mũ nồi đỏ sậm của binh chủng Dù.

Xin đi sâu vô vài chi tiết về tội ác và vụ xử tội tên Việt gian này.

Lâm Quang Phòng sinh ở huyện An Biên, Rạch Giá. Cha là địa chủ lớn Lâm Quang Thiệp, làm cai tổng thời Pháp thuộc. Tháng 9.1945, Pháp trở sang tái chiếm Nam Kỳ, đưa Thiệp làm quận trưởng An Biên. Năm 1953, quân ta tấn công An Biên bắt sống quận trưởng Thiệp, quản thúc tại Cái Đôi Vàm, xã Tân Hưng Tây-Cái Nước, tỉnh Bạc Liêu. Thiệp bị bệnh chết trong tù. Còn Lâm Quang Phòng, thời Pháp thuộc làm xã trưởng, khi Nhật đảo chính Pháp thì Phòng nhảy theo Nhật. Kháng chiến nổ ra, Phòng ra bưng đi bộ đội, lên đến chức đại đội trưởng gia nhập Đảng Dân chủ, rồi nhảy ra thành lúc cha hắn làm quận trưởng An Biên. Sau đó bất mãn Pháp lại trở ra bưng xin tập kết ra Bắc, theo hiệp định Genève 54. Nhưng vào giờ phút chót Phòng lại đổi ý, chạy lên Sài Gòn tìm Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ xin đỡ đầu. Bấy giờ Ngô Đình Diệm đang cần người kháng chiến cũ quay về với chính nghĩa quốc gia nên dùng Lâm Quang Phòng làm chim mồi. Để lập công đầu, Phòng lôi kéo Phạm Dữ là một cán bộ quân sự gan lỳ, có uy tín vùng An Biên. Sài Gòn liền phong Lâm Quang Phòng làm Chi khu trưởng Chi khu An Phước, Phạm Dữ làm Chi khu phó. Chi khu An Phước gồm các huyện An Biên, Phước Long, Bình Thuận, Thới Bình, vùng U Minh thượng nằm giáp ranh hai tỉnh Rạch Giá-Bạc Liêu.

Lâm Quang Phòng là Chi khu trưởng kiêm quận trưởng An Phước. Hắn lập bộ đội mặc đồ đen tự xưng lực lượng vũ trang đen của Việt Minh để lại đề ra khẩu hiệu lấy súng Mỹ để đánh Mỹ hòng lừa bịp dân chúng. Lực lượng Bảo an của Lâm Quang Phòng lên đến 4 Tiểu đoàn. Ngô Đình Diệm đến khánh thành chi khu An Phước năm 1955, phong Phòng thiếu tá, Phạm Dữ đại úy. Vì cái thù cha chết trong tù năm xưa, Lâm Quang Phòng ra sức bắt bớ, tàn sát Việt Minh nằm vùng. Chi khu An Phước giết trên hai ngàn cán bộ trong vòng ba năm sau Genève 54 (từ tháng 4.1955 đến 1957). Trước tội ác tày trời Của Lâm Quang Phòng tòa án Khu 9 kết án tử hình hắn và chị Mười Mẫn xung phong thi hành bản án.

Chị Mười tên là Trần Quang Mẫn, cán bộ quân sự tỉnh, thứ 10 nên được gọi là Mười Mẫn. Chị có bà con xa với nhà họ Lâm nên nhân dịp nhà họ Lâm có giỗ chị tới giúp bếp núc. Tất nhiên Lâm Quang Phòng rất cảnh giác khi về ăn giỗ. Bà con láng giềng đều bị điều tra kín cẩn thận. Chị Mẫn giữ ý, chỉ ở dưới bếp nấu nướng, đôi khi bưng mâm lên nhà trên phục vụ quan khách. Thừa lúc Phòng ngồi ăn nhậu, chị Mười xách dao lên chém Phòng gục tại bàn tiệc. Tất nhiên đám vệ sĩ của Phòng bắt ngay chị Mười đưa về đồn khảo tra ác liệt. Đã tính trước, chị Mười khai trước sau như một “thằng Phòng giết chồng tôi, tôi phải trả thù”.

Sự thật thì chồng chị Mười là anh Nguyễn Văn Bé hy sinh trong thời kháng Pháp. Chị Mười Mẫn bị giam giữ tại nhiều nơi, nhất là Phú Lợi. Hành động dũng cảm của chị Mười Mẫn chém Lâm Quang Phòng đem lại kết quả mong muốn. Phòng bị thương nặng phải chở đi cấp cứu. Diệm điều Phòng đi nơi khác. Tên phó quận Phạm Dữ can tội hối lộ bị sa thải và tù đầy. Chi khu An Phước bị lực lượng cách mạng phá tan.

Nhưng trước khi Lâm Quang Phòng bị chém gục, hắn đã phải đương đầu với cuộc đấu tranh gay go của các chức sắc Cao Đài Minh Chơn Đạo. Hội thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo do hai vị Chưởng quản Trần Đạo Quang và Cao Triều Phát sáng lập và là ngọn cờ đầu của Cao Đài kháng chiến. Ngô Đình Diệm quyết diệt tan, ra lệnh cho Chi khu An Phước phải phong tỏa Tòa thánh Ngọc Sắc ở Tân Lợi (nay là xã Hồ Thị Kỷ) đúng 300 ngày đêm. Chúng cho tàu vô bắt 32 chức sắc về đồn tra lấn buộc phải tự nhận là Việt cộng nằm vùng. Một chức sắc bị đánh chết trong đồn, đó là giáo hữu Trần Ngọc Kỳ. Một phái đoàn nữ chức sắc được Hội thánh phái ra Chi khu An Phước đấu lý với tên quận trưởng Lâm Quang Phòng, trưởng đoàn là bà Đầu sư Nguyễn Thị Thụy, Phó là chị phối sư Nguyễn Thị Sang...

Thoạt đầu. Lâm Quang Phòng xem thường các bà:

- Chúng tôi chỉ bắt Việt cộng. Mấy bà tu hành, không ai bắt bớ chi cho tốn cơm. Mấy bà về đi!

Hai bà Thụy và Sang cứ ngồi lỳ:

- Chừng nào mấy ông chịu thả 32 chức sắc thì chúng tôi mới về!

Phòng ném cả chồng hồ sơ ra, quát:

- Hồ sơ ghi rõ họ là Việt cộng nằm vùng chớ đâu phải chức sắc Cao Đài. Mấy bà còn già hàm lão khẩu thì tôi bắt luôn đó!

Bà Thụy cũng không vừa:

- Mấy ông tra khảo người ta tới chết đi sống lại làm sao người ta không khai theo ý mấy ông! Anh giáo hữu Trần Ngọc Kỳ bị đánh chết tại đây ngay trong đồn này. Tôi hỏi ông, nếu ông bị tra khảo như giáo hữu Kỳ, ông có khai không?

Tên Phòng nhìn trừng trừng bà Thụy thì bà Sang khóc ngất khi nghe nhắc giáo hữu Kỳ bị tra tấn tới chết. Các bà, các chị khác cũng khóc theo. Vừa khóc vừa kể như trong nhà có đám tang.

Lâm Quang Phòng ra sức la hét, nhưng không ngăn chặn được mấy Bà, mấy chị than khóc vị đạo hữu đáng thương đánh kính của mình. Chừng đó, Phòng mới biết sức mạnh của nước mắt căm thù, đành chịu thua xuống nước năn nỉ:

- Tôi sẽ xem lại hồ sơ và thả hết, nếu họ bị ép cung. Thôi mấy bà yên tâm về đi cho tôi nhờ!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #63 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2010, 10:03:33 am »

HOÀNG XUÂN BÌNH VÀ TÌNH BẠN VỚI MỘT SĨ QUAN PHÁP

Là chỉ huy quân sự, mỗi lần ra trận anh Hoàng Xuân Bình chỉ có một câu "terminer en beauté " (Kết thúc đẹp).

Bị bắt đưa vào Phòng Nhì Cần Thơ, thái độ hiên ngang của anh khiến đại úy Léon Fallon kính nể. Sau này Fallon lên thiếu tướng và xem Bình như bạn thân mà trước kia là địch thủ. Đây là tình bạn đẹp giữa hai thanh niên đều trọng vinh dự và lòng yêu nước.


Đầu năm 1946, dân thị xã Cần Thơ rất sợ ngôi nhà ấy. Đó là một biệt thự cất theo kiểu xưa có vòng thành kiên cố của một đại điền chủ nào đó bị nhà binh Pháp sung công làm văn phòng Deuxième Bureau (Phòng Nhì). Vào buổi giặc giã, nhà binh là mạnh hơn hết, nắm quyền sinh sát trong tay. Mà tai mắt của nhà binh là Phòng Nhì. Vào giữa năm 1946, cầm đầu Phòng Nhì Cần Thơ là đại úy Nogret nổi tiếng hung thần với những ai vô phúc bị bắt vô đây. Nhưng dân sợ Nogret một mà sợ mấy tay thông ngôn của hắn tới mười. Vì một tiếng thêm hay bớt của chúng đủ khiến bay cái đầu người ta. Dưới Nogret có trung úy Léon Fallon, từ Pháp đổi sang Việt Nam và được đưa về Zone Ouest (khu Tây Nam Bộ). Fallon và Nogret khác nhau một trời một vực. Câu chuyện dưới đây sẽ cho thấy cá tính và quan điểm của hai sĩ quan Phòng Nhì Pháp.

Đầu năm 1947, lính giải về Phòng Nhì Cần Thơ hai thanh niên Việt bị bắt khi băng qua lộ Đông Dương gần quận ly Phụng Hiệp. Đó là kỹ sư canh nông Trương Công Phòng và Hoàng Xuân Bình, chỉ huy bộ đội Hải ngoại Quang Trung từ Thái, Lào về nước bằng đường bộ. Cả hai dự Đại hội Thanh niên Sinh viên Nam Bộ ở Khu 8 và trên đường về Khu 9 thì bị phục kích khi vượt qua lộ Đông Dương.

Nogret giao Fallon điều tra hai tù binh này. Bước vô phòng, Hoàng Xuân Bình quan sát ngay: Giữa phòng đặt bàn viết lớn, bàn của Fallon, kế bên có bàn viết nhỏ, của thông ngôn. Sát vách có mấy cái ghế dành cho những người bị hỏi cung. Bình nói nhỏ vào tai Trương Công Phòng "Terminer en beauté" (Kết thúc cho đẹp) rồi bước tới trước.

Tên thông ngôn đọc tên họ hai tù binh, vụt đứng lên hỏi Bình:

- Anh là Hoàng Xuân Bình hả? Tôi là học trò ông Hãn đây.

Bình nhìn tên thông ngôn im lặng. Hắn nói tiếp:

- Tôi là Bùi Công Thành, học trò ông Hãn, anh của anh.

Bình vẫn im lặng. Thành lắc đầu:

- Bây giờ mà anh còn kháng chiến nỗi gì nữa!

Bình quay sang Fallon, dõng dạc hỏi:

- Échange de vue ou interrgatoire? (Trao đổi quan điểm hay thẩm vấn?).

Nãy giờ Fallon quan sát hai tù binh và nhất là theo dõi cuộc nói chuyện giữa thông ngôn Thành với Bình. Nghe Bình hỏi bằng tiếng Pháp, Fallon thích thú đáp:

- Échange de vue (Trao đổi quan điểm).

Bình liền chỉ Thành nói ngay:

- Ôtez de ma présence celui-là Vraiment il me dégoute (Đuổi thằng này đi. Nó làm tôi khó chịu).

Fallon lộ vẻ ngạc nhiên trước yêu cầu của Bình. Ông ta bảo Thành:

- Lieutenant Thành, vous pouvez vous disposer (trung úy Thành, anh có thể ra ngoài).

Còn lại trong phòng chỉ có hai người, Fallon nói:

- Tôi đã đọc quyển sổ tay "Nhật ký hành quân" của anh trước khi người ta giải hai anh tới đây. Qua đó, tôi biết anh là sinh viên y khoa, học khóa sĩ quan đầu tiên và được bổ nhiệm sĩ quan tùy viên của Bảo Đại nay là cố vấn Vĩnh Thụy. Anh không thích làm ngựa gánh xiếc (cheval đe cirque) mà chỉ muốn làm chiến mã (cheval de bataille) - đó là lời lẽ của anh trong nhật ký. Và anh tình nguyện sang Lào chiến đấu. Mặt trận Savanakhet và Thakhet tan, anh chạy qua Thái Lan mở lớp huấn luyện tuyển mộ tân binh lập bộ đội hải ngoại Quang Trung về nước đánh Tây...

Bình cười:

- Như vậy là ông đã nắm hết bí mật của tôi rồi. Tôi khỏi làm cái công việc không thú vị chút nào là khai báo.

Fallon lắc đầu:

- Không đơn giản như thế đâu. Nói như anh thì người ta trả lương cho tôi để làm gì?

Bình thẳng thắn nói:

- Trung úy là sĩ quan Phòng Nhì chuyên thẩm vấn tù binh, chắc trung úy biết rõ một trong những lời thề danh dự của người lính là không được khai sự thật khi bị bắt. Tôi là người lính, tôi phải giữ lời thề đó.

- Nghĩa là anh phải nói dối?

- Đúng vậy. Nói dối đáng lên án. Nhưng trong trường hợp của tôi, nói dối là nghĩa vụ. Votre devoir est de percer la vérité, mon devoir est de vous la dérober ( Bổn phận của ông là tìm sự thật còn bổn phận của tôi là giấu sự thật).

Fallon trao Bình xấp giấy:

- Anh cứ ghi những gì anh thấy phải ghi. Viết thẳng tiếng Pháp để tôi chuyển lên đại úy Nogret, thượng cấp của tôi.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #64 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2010, 10:18:38 am »

Nogret vứt tờ khai của Bình xuống bàn, gằn giọng:

- Cao Đài, Hòa Hảo đã hợp tác với Pháp. Còn hai ông, đã được Pháp đào tạo trở thành trí thức kể như là con tinh thần của nước Pháp, vậy mà hai anh chống Pháp. Vô ân, hai anh là kẻ vô ân!

Hoàng Xuân Bình và Trương Công Phòng im lặng nhìn tên đại úy Nogret ra oai thịnh nộ. Hắn hét to:

- Hai anh không nói gì à? Có chịu làm lại lời khai?

Bình nói ôn tồn mà cương nghị:

- Votre arrogance frise l'insolence. Je ne peux plus discuter avec vuos (Thái độ xấc láo của ông đã lên tới mức vô lễ, tôi không thể bàn cãi gì với ông nữa).

Nogret điên tiết hét to:

- Lính đâu? Đưa hai thằng này ra sông cái. Bắn bỏ!

Bọn lính đưa hai anh lên xe nhà binh, trực chỉ mé sông. Ngồi trên xe Bình và Phòng vẫn im lặng nhưng câu nhắn nhủ của Bình vẫn lờ mờ ẩn hiện trong đầu: "terminer en beauté" (kết thúc cho đẹp).

Cầu tàu mé sông gần chợ cá Cần Thơ là nơi Pháp hay bắn Việt Minh. Mỗi khi xe nhà binh đậu lại là dân tò mò kéo tới xem mặt những người sắp làm "thằng chổng trôi sông". Nhưng ngày ấy có chuyện lạ. Lính không lôi tử tội xuống mà để ngồi trên xe cả tiếng đồng hồ rồi chạy quay về. Thì ra nó nắn gân hai tù binh trí thức Nam Bộ.

Trở về phòng giam, lại thêm một chuyện lạ là lính đưa tờ "Tiếng súng kháng địch" cho Bình nói:

- Ông Fallon cho ông mượn xem để giết thì giờ và để giữ vững tinh thần.

"Tiếng súng kháng địch" là báo của Khu 9 cũng như “Tổ quốc" là báo của Khu 8 và "Tiền đạo" là báo của Khu 7. Tờ báo này lọt vào tay Phòng Nhì là chuyện dễ hiểu. Tất cả tài liệu của ta, Phòng Nhì đều có cách thu nhặt để nghiên cứu và đối phó. Nhưng tại sao Fallon lại cho Bình mượn đọc? Đó là điều Bình suy nghĩ nhiều. Anh quan sát tờ báo xem có dấu vết gì giúp anh hiểu thêm về viên trung úy khá khó hiểu này. Ở góc trên tờ báo có mấy chữ bằng tiếng Nga. Hồi còn là sinh viên, Bình tò mò học hai mươi mấy chữ cái Nga chỉ vì thấy chữ N. viết ngược (là chữ i của Nga). Fallon viết tên mình bằng tiếng Nga trên tờ "Tiếng súng kháng địch". Bình lẩm bẩm:

- Chuyện lạ đây. Trung úy Phòng Nhì Pháp biết chữ Nga và có cảm tình với Việt Minh. Mình phải tìm hiểu về Léon Fallon này mới được.

Trong khi đó, Nogret đã khiển trách Fallon:

- Tôi thấy trung úy có vẻ khoan dung với hai tên tù binh Việt Minh này quá. Sao vậy?

Fallon nhún vai:

- Hai người đó, mỗi người một cá tính, Phòng ít nói và lầm lỳ, còn Bình thì thẳng thắn và dũng cảm, nhưng cả hai cùng một ý chí: trung thành với lý tưởng của mình và dám chết cho lý tưởng đó. Bình đã đọc thơ Victor Hugo trước mặt tôi: "Mourir pour la Patrie. C'est le sort le plus beau le plus digne d'envie". Với những con người coi cái chết nhẹ như lông hồng thì ông biểu tôi phải làm gì hơn là "giở nón cúi đầu"? Mà đại úy nhớ cho điều này. Bình nhắc câu thơ bất hủ đó sau khi đại úy đưa hai anh tù binh bướng bỉnh này ra cầu tàu để khủng bố tinh thần. Điều này rất khác xa các đêm bình thơ của các chính khách salon...

Nogret gật gù:

- Đúng. Bình đã có một lần xỏ ngọt mà tôi rất đau. Tôi ra lệnh bày các "đồ nghề" kể cả bình điện, trung úy biết Bình nói gì không? Nó là sinh viên ngành Y nên nói đúng bài bản: Les Francais m’ont appris à traiter certaines affections par le courant éléctrique. Maintenant je vios qu’on peut maltraiter certaines affections avec le méme courant". (Người Pháp dạy tôi chữa trị vài chứng bệnh bằng dòng diện. Bây giờ tôi thấy người ta cũng có thể trừng trị một vài chứng bệnh khác bằng dòng điện ấy... (Bình chơi chữ khi đối lập chữa trị và trừng trị).

- Rồi ông có cho nó thấy ba mươi sáu ngọn nến bằng cái bình điện gớm ghiếc của ông để trừng trị cái chứng bệnh bất khuất của nó không?

Nogret đưa hai cánh tay lên trời như võ sĩ đầu hàng:

- Với một thằng bản lãnh như vậy, bày trò đánh đấm làm gì cho mệt xác! Ngay trong ngày hôm nay tôi làm giấy chuyển hai đứa nó lên Sài Gòn. Trung úy thấy thế nào?

Fallon gật:

- Cách đó hay nhất. Thú thật với ông, tôi nhớ chuyện bốn năm trước, khi tôi vượt ngục trại tù binh Đức ở Lubeck nước Áo, cách biển Bắc mười lăm cây số. Tôi nhớ mãi ngày lịch sử ấy 3.12.1943. Trại hình chữ nhật, ngang 200 mét, dài 600 mét, ba vòng rào cao 3,5 mét. Phải làm thang và giấu kỹ trước ngày N. Cùng vượt ngục với tôi có ba anh bạn tù. Lúc đó, Đức quốc xã đã chiếm hết vùng Trung Âu, trốn tù là chuyện nguy hiểm. Bị bắt lại là vô lò thiêu. Trốn một mình thì đơn độc, nhất là về tinh thần, kiếm thêm một bạn đồng hành là lý tưởng, nhưng trốn ba người là quá nhiều rồi, vậy mà bốn anh em chúng tôi phải băng 800 km đồng tuyết suốt mấy ngày mới về tới khu rừng căn cứ kháng chiến của ta... Bây giờ nhớ tới còn lạnh mình. Bởi vì ai nấy cũng nắm chắc phần bị quân Đức với những con chó "quân khuyển" chuyên đánh hơi bắt du kích Pháp lò mò thâm nhập vùng chúng chiếm đóng.

- Phải vì chuyện vượt ngục mà trung úy có cảm tình với hai tù binh Việt Minh?

Nogret cười hỏi và nói luôn, không chờ Fallon đáp:

- Trung úy lãng mạn quá! Mà cái nghề phản gián của mình lại cần một trái tim cứng rắn. Chiến tranh là sắt thép.

Fallon thở dài:

- Đại úy nói đúng. Có lẽ tôi nên xin chuyển ngành là tốt hơn hết.

Vài ngày sau, Hoàng Xuân Bình và Trương Công Phòng được xe nhà binh đưa lên Sài Gòn, giải vô Khám Lớn để chờ ngày ra tòa án binh. Lúc đó kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch Liên đoàn tù nhân. Ngày hai anh Bình và Phòng tới Khám Lớn là một sự kiện trọng thể bởi báo chí Sài Gòn có nêu tin bắt được hai cán bộ lớn của Việt Minh. Trước cửa Khám Lớn, một trung úy Pháp kính cẩn chào hai người tù binh Việt Minh khiến Bình ngạc nhiên hỏi cho chắc ý:

- Vous me saluez? (Trung úy chào tôi?).

- Oui, mon capitaine... Oh, pardon, mon commandant. (Vâng, thưa đại úy… xin lỗi thưa thiếu tá).

Anh em tù nhân trong Khám Lớn đón mừng hai anh tù binh Việt Minh theo kiểu cách của người tù, trong mâm cơm cũng như lúc đi ngủ, phòng nào cũng bàn chuyện báo chí đăng tin Tòa án binh sắp xử hai vị trí thức theo kháng chiến ngay từ đầu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #65 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2010, 10:22:08 am »

Tháng 10.1947, anh Huỳnh Tấn Phát ra tù, anh kỹ sư Tư Hà lên thay, nhưng vài tháng sau bị đày ra Côn Đảo. Anh Bình được bầu tổng đại diện. Trong thời gian này nổ ra cuộc tuyệt thực 8 ngày phản đối chế độ lao tù và chống lại việc hành quyết các tử tù... Cả Sài Gòn náo động. Ba Bộ trưởng Lê Tấn Nẫm (Nội vụ), Nguyễn Khắc Vệ (Tư pháp), Trần Văn Tuyến (Thông tin) vô Khám Lớn tiếp xúc với Tổng đại diện Hoàng Xuân Bình để giải quyết cuộc tranh đấu.

Những ngày hai anh Bình và Phòng ra tòa án binh mới là thời sự quan trọng nhất trong năm 1947. Cả Sài Gòn đều chăm chú theo dõi. Và điều mong đợi đã xảy ra: trật tự xã hội đã đảo lộn: hai tù binh Việt Minh biến thành chánh án kết tội bọn thực dân đem súng đạn sang gây chết chóc để tái lập thuộc địa mà cả thế giới đang lên án. Các ký giả tiến bộ đều thấy thú vị về cái mà họ gọi là "Les dompteurs sont domptés (Kẻ điều khiển thú bị thú điều khiển lại).

Nhưng xin trở lại chủ đề trong bài này. Anh Hoàng Xuân Bình ghé tôi cho quyển sách của Léon Fallon xuất bản bên Pháp tựa là "La Ferveur et l'Épreuve (Tập 1 ) (Nhiệt tình và Thử thách).

- Mình sang Pháp thăm anh Hoàng Xuân Hãn. Trong dịp này có tới thăm Léon Fallon, nay lên thiếu tướng. ông ta đang viết hồi ký. Tập 1 viết về cuộc vượt ngục từ trại giam Lubeck, gần Bắc Hải. Tập 2 tựa là "L'Année du Buffle" (Năm Kỷ Sửu 1949) viết về những năm 1946-1948 ông ta tham chiến ở Việt Nam...

- Chắc là Fallon có nhắc tới tình bạn ly kỳ giữa hai thanh niên ở hai bên chiến tuyến năm xưa?

Anh Bình gật đầu:

- Có Fallon đã dành những trang đẹp nhất cho tình bạn hiếm có này. Có những điều tôi đã nói rồi quên luôn, Fallon nhắc mới nhớ...

- Chẳng hạn như...

- Như một bài thơ của Verlaine. Bài thơ ngắn thôi mà rất hay vì tính yêu đời của nhà thơ. Ngâm nga bài thơ đó giúp tôi tìm được thanh thản trong những ngày sa cơ. Bài thơ tựa là D’une prison (Từ một khám giam). (Xin dịch lấy ý: Trên mái nhà giam là bầu trời xanh êm ả. Một ngọn cây vượt qua mái nhà giam đong đưa cành lá. Tháp chuông cao vút khẽ đổ hồi. Một con chim đậu trên cây hót nỗi niềm của nó).

Tới đây bỗng anh Bình đổi giọng, vui tươi hẳn lên:

- Fallon dành cho tôi một bất ngờ cực kỳ to lớn. Quyển nhật ký hành quân mà Fallon gọi là Joumal de Marche, tôi tưởng đã mất sau khi bị bắt ở gần Phụng Hiệp hồi đầu năm 1947. Tôi quý quyển sách đó vô cùng vì đã ghi rõ chi tiết từng trận đánh ở Lào, từng sự kiện trên đường hành quân từ Thái Lan, xuyên qua Miên để tới biên giới, nhất là trận bị địch bao vây tại Takeo ngày 2.1.1947, trận này ta hy sinh năm đồng chí, trong đó có anh bạn chí thân Nguyễn Trọng Thường. Quyển sổ tay ấy có năm mươi chữ ký của tất cả các đại biểu dự Đại hội Thanh niên Sinh viên Nam Bộ, mỗi người đều được tôi dành một trang để viết vài hàng lưu niệm và một chữ ký. Xin kể vài nhân vật như trung tướng Nguyễn Bình, Ủy viên quân sự Nam Bộ; kỹ sư Nguyễn Đăng, Tham mưu trưởng Nam Bộ; Khu trưởng Khu 8 Trần Văn Trà; luật sư Phạm Ngọc Thuần, Quyền chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ; Trần Bửu Kiếm, Tổng thư ký Ủy ban Nam Bộ; giáo sư Phạm Thiều, Giám đốc sở Thông tin tuyên truyền Nam Bộ; các bác sĩ Trần Nam Hưng, Hồ Văn Huê; các họa sĩ Diệp Minh Châu, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Cao Thương; ca sĩ Quốc Hương...

Tôi hỏi:

- Léon Fallon đã giữ quyển nhật ký đó giùm anh?

- Đúng vậy. Bốn mươi sáu năm sau, tôi mới nhận lại được người bạn quý nhất đời mình. Vui không thể tả được. Fallon chỉ bà vợ nói : Anh phải cám ơn bà xã tôi đây. Chính bả cất giữ quyển "Joumal de marche" của anh chớ không phải tôi vì trong đời nhà binh tôi đổi đi không biết bao nhiêu nước... Trong khi đó bà Fallon khui champagne mừng đôi bạn mà bà gọi là les deux amis-ennemis (hai người bạn-hai kẻ thù) gặp lại sau gần nửa thế kỷ có nhiều biến thiên khó lường trước được. Cụng ly chúc mừng tình bạn thiêng liêng của những người chiến đấu cho hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc anh em trên thế giới, Fallon nói một hơi dài, giọng xúc động hiếm thấy ở một vị tướng đã trải qua không biết bao nhiêu là trận mạc. Thì ra cái chữ Tâm của ông ta cũng như Nguyễn Du đã viết: "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài".

Anh Bình bắt tay tôi - bàn tay hơi run của người chớm bị chứng Parkingson - nói: "Nếu anh viết về tình bạn giữa tôi và Léon Fallon thì xin anh nhấn mạnh điểm này cho giới trẻ ngày nay: Mai sau dù có chiến tranh, chúng ta luôn luôn đứng trong hàng ngũ chính nghĩa".
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #66 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2010, 09:52:19 am »

PHẠM VĂN CÒN NGUỜI TÙ LẪM LIỆT

Anh Hai Còn- Phạm Văn Còn-Phạm Văn Thông là dân Vĩnh Long. Anh là bộ đội, bị ở tù nhiều nơi, nơi nào cũng "chọn cửa tử" thay vì "cửa sinh". Nhờ vậy mà anh không chết vì theo anh đi đánh giặc hay ở tù mà sợ chết là dễ chết lắm.

Anh Bảy Câu (Võ Ngọc An) lúc còn làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin thành phố đèo một ông khách tới giới thiệu với tôi: "Đây là anh Hai Còn, một cựu tù chính trị đã từng tham quan cả chục nhà tù như khám giam Trà Vinh là quê nhà, khám Vĩnh Long, rồi khám Tân Hiệp (Biên Hòa), Phú Lợi, Thủ Đức, Chí Hòa, Phú Quốc và sau cùng là Côn Đảo. Ở đâu anh Hai Còn cũng luôn trong tư thế sẵn sàng vượt ngục. Có khi thành công, có khi thất bại. Thành công là vụ khám phá Tân Hiệp ngày 2.12.1956, trong số tù chạy thoát vào khu giải phóng, có nhà văn Lý Văn Sâm mà anh quen trong thời gian nằm vùng dưới trào nhà Ngô...".

Trong khi anh Bảy Câu giới thiệu, tôi lặng lẽ ngắm ông khách mới gặp lần đầu. Ông Hai Còn có vẻ là một lão nông tri điền với mái tóc hớt cao đã chớm bạc, vầng trán nhăn nheo, lông mày bên cao bên thấp, mũi hỉnh, khuôn mặt dài, nhìn chung là dáng người khắc khổ nhưng cương quyết. Tôi chợt ngắt lời anh Bảy Câu:

- Đã phá khám chạy vô Chiến khu Đ. rồi, sao lại để bị bắt lại?

Bảy Câu cười:

- Đừng nóng! Chuyện còn dài mà! Là người vùng sông nước miền Tây, anh Hai Còn tự thấy mình không thoải mái nơi chiến trường rừng núi miền Đông nên xin chuyển về quê nhà tham gia chiến đấu trong quân đội giáo phái chống Mỹ-Diệm, đó là Tiểu đoàn Hòa Hảo Trần Hưng Đạo. Năm 1958, anh Hai Còn lại bị bắt đưa lên Trung tâm cải huấn Phú Lợi. Tại Phú Lợi, chẳng những anh Hai Còn không coi thằng ác ôn trung sĩ Lợi ra cái thá gì mà còn dám mắng thiếu tướng Nguyễn Văn Là là "Việt gian thú tính" để sau đó bị bọn trật tự đánh hội đồng chết đi sống lại. Cũng do ngon lành như vậy mà Hai Còn được tướng Là gọi là Cọp Phú Lợi.

Tôi lại nhìn ông khách. Suốt 15 phút anh Bảy Câu độc diễn, ông Hai Còn chỉ ngồi yên, tay cầm quyển vở học trò trăm trang cuộn tròn, kẹp giữa hai đùi.

Cọp Phú Lợi, sao không thấy chút nào nanh vuốt của chúa sơn lâm trong ông già nhà nông này? Đúng là "tri nhân, tri diện, bất tri tâm". Tôi thầm nghĩ.

Anh Bảy Câu kể tiếp:

- Sau đó Tòa án binh Sài Gòn kêu án Hai Còn 10 năm khổ sai, đày ra Côn Đảo với hai trọng tội: theo Việt cộng chỉ huy quân giáo phái Hòa Hảo với chức Tiểu đoàn phó và tội phá rối trị an trong tù. Ra Côn Đảo với biệt danh do tướng Công an Nguyễn Văn Là đặt là Cọp Phú Lợi, anh Hai Còn càng bị bọn cai tù và trật tự nắn gân nhiều trận kinh hồn nhưng với ý chí bất khuất, anh Hai Còn đều vượt qua được và cuối cùng đã trở thành người hùng trong tâm tư tên chúa đảo Long.

Anh Bảy Câu kết thúc bài giới thiệu bất thành văn với lời khuyến khích :

- Đây là một pho tiểu thuyết tư liệu kháng chiến chống Mỹ cho nhà văn đó. Hãy giúp anh Hai Còn giùm tôi!

Giờ tới phiên ông khách lên tiếng:

- Trong khi rảnh rỗi, tôi có ghi lại những giai đoạn đáng ghi nhớ trong các chuyến đi tù, ở Vĩnh Long, ở Tân Hiệp, vụ phá khám chạy vô rừng Châu Thành, Biên Hòa, rồi vụ bị bắt lại đưa lên căng Phú Lợi với vụ thảm sát ghê rợn. Sau cùng là những năm nằm ngoài đảo.

Vừa nói anh Hai Còn vừa trao cho tôi quyển tập trăm trang ghi chi chit những chữ ngoằn ngoèo:

- Xin anh chịu khó đọc và nếu thấy được thì viết lại cho gọn giùm tôi. Tôi nhận bản thảo, hứa sẽ đọc và nếu thấy được sẽ viết thành tiểu thuyết giúp anh.

Anh Hai Còn tên thật là Phạm Văn Còn (về sau trong chiến đấu lấy tên giả là Phạm Văn Thông), sinh năm 1928 tại làng Hòa Bình, huyện Trà Ôn, nay là Vĩnh Long. Trong bài này, chúng tôi giới thiệu cách sống tràn đầy khí tiết của người tù bất khuất Hai Còn ngoài đảo.

Trong thời gian.nằm khám Chí Hòa chờ ngày ra đảo, Hai Còn quyết tâm học nghề thêu để giết thì giờ. Sinh viên Lê Quang Vịnh cũng nằm Chí Hòa chờ ngày ra đảo. Anh dạy học cho anh em cùng Phòng A. Trong số học trò của Vịnh có Ba Minh là bạn đồng hương của Hai Còn. Ba Minh vốn ít học nên hăng hái học văn hóa và chính trị mà anh thấy quí nhất trong đời.

Thấy Hai Còn chỉ mê có món thêu, Ba Minh trách:

- Thêu là thứ công việc của đàn bà, đâu phải chuyện đàn ông. Sao anh không nhân lúc này mà học như anh em? Trình độ chữ nghĩa của anh đâu phải là cao?

Hai Còn chỉ lên đầu:

- Biết chuyện thêu đan là của nữ giới, nhưng mình muốn nhờ nó mà giải trí trong lúc này. Hễ thấy chữ là mình đau đầu, chóng mặt...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #67 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2010, 09:58:15 am »

Đó là Hai Còn nói cho qua chuyện, thật tâm anh tính trong 10 năm Côn Đảo, anh sẽ phải làm một cái gì đó chứ không bỏ phí thời gian. Suy nghĩ mà anh mới tìm được điều mình mong muốn. Anh nhớ có một họa sĩ lấy máu mình vẽ ảnh Bác Hồ trong chín năm kháng Pháp thì tại sao anh không thể thêu được ảnh Bác Hồ trong những năm trong tù?

Nhưng thiện chí của anh bị nhiều bạn tù hiểu lầm, vì trong thời điểm đó bọn thầy chú ở Chí Hòa khuyến khích tù thêu theo các mẫu mã mà chúng thầu bán ra ngoài kiếm tiền xài vặt. Nhiều người tù túng tiền đã hưởng ứng đề nghị đó. Hai Còn học thêu trong lúc đó bị hiểu lầm là phải. Nhưng anh chỉ cười "hồn ai nấy giữ”.

Vừa rời bến tàu Côn Đảo, 250 tù chính trị và tù binh bị tiếp đón bằng một trận mưa roi mây và dùi cui.

- Phạm Văn Thông, bước tới.

Hai Còn ôm bọc quần áo bước ra theo lệnh.

Tên giám thị lõ mắt nhìn anh từ đầu tới chân:

- Mầy là Cọp Phú Lợi hả? Ra đây, chúng tao biến mầy từ cọp thành con mèo. Nên nhớ đây là Côn Đảo chứ không phải là Phú Lợi đâu nghe mậy!

Nói chưa dứt, hắn co chân tống mạnh vào bụng Hai Còn khiến anh té chúi nhũi, hai bàn tay đập xuống mặt đường. Dù đau điếng, anh vẫn phải cố gắng gượng đứng dậy và chạy theo đoàn tù để tránh những ngọn đòn thù dã man.

Ngay ngày đầu, thầy chú đã nhốt riêng “Cọp Phú Lợi" vô khám tử hình gồm cánh Bình Xuyên của Bảy Viễn đã nổ súng chống nhà Ngô vào cuối tháng 4.1955. Lần đầu tiên Hai Còn biết dân giang hồ Bình Xuyên và đám chính khứa xôi thịt Hồ Hữu Tường, Trần Văn Ân, Trịnh Khánh Vàng, thiếu tướng Cao Đài Nguyễn Văn Thành... Khoảng trên chục mạng, tất cả đều bị xiềng lòi tói bự cỡ cườm tay. Giằn mặt “Cọp Phú Lợi" bằng cách nhốt trong Phòng 3 giam những kẻ mang án tử hình trong bốn tháng. Hai Còn tức lắm vì anh chỉ mang án 10 năm tù khổ sai.

Vừa chuyển phòng, anh lại bị thử thách một trận ác liệt khác. Hai tay sai thân tín của chúa đảo trung tá Vệ là giám thị Khương và Long, hàng ngày kiếm chuyện hành hạ anh em tù nhân. Tại chuồng cọp, Hai Còn càng căm thù khi hai tên này chơi trò khốn kiếp như hỏi tù có biết hút thuốc lào không. Trả lời không biết, bị đánh 10 roi. Người khác thấy sợ quá, đành chịu rít thuốc lào theo lệnh chúng để sặc tới ói máu. Vậy mà hai thằng quỉ sứ đó cười lăn cười lộn như điên. Còn chuyện này mới dễ giận. Một đêm có anh tù ở chuồng cọp ngáp lớn. Thầy chú xách dùi cui chạy tới la hét:

- Thằng nào vừa ngáp lớn đó?

Anh tù sợ quá nín khe. Vậy là tất cả anh em trong chuồng cọp bị chúng lôi ra đánh mỗi người 30 roi, trong đó có Hai Còn. Anh phẫn nộ nhưng suy nghĩ chín chắn: "Chưa phải lúc, nhưng nhất định phải giết một trong hai thằng ác ôn này. Thằng Khương hoặc thằng Long. Hãy chờ thời cơ tới là mạng đổi mạng".

Một sự kiện cực kỳ bi thương càng khiến Hai Còn nôn nóng chờ ngày mạng đổi mạng. Chính cha anh là ông Phạm Văn Thà đã gửi thầy chú bánh thuốc rê và giấy quyến, nhờ trao cho đám tù trong chuồng cọp. Tên giám thị hét tướng lên:

- Đù mẹ tiếp tế cho bọn cứng đầu cứng cổ hả? Thằng nào trong nầy là con mầy?

Nó vứt bánh thuốc vào sọt giấy. Tức thì bọn ác ôn đánh té nhào ông già xuống đất. Lần này thì dứt khoát không đội trời chung với thằng Long rồi. Chính hắn đã chỉ huy bọn lâu la đánh đập ông già anh.

Dịp may tới. Nửa đêm cửa chuồng cọp mở. Lính gọi:

- Phạm Văn Thông ! Theo tao!

Hắn đưa Hai Còn vô phòng giám thị Long. Vừa vô tới nơi, anh bị đạp té sấp xuống nền gạch. Nhổm dậy thì thấy bốn bề có bốn thằng đô con trấn bốn góc. Biết mình sắp bị bề hội đồng, anh cố hết sức bình tĩnh để đối phó. Chúng kiếm chuyện tố cáo anh lãnh đạo các cuộc đấu tranh chống khổ sai ở Cỏ Ống, chống lấy san hô ở Lò Vôi, chống ra khơi đánh cá ở Sở Lưới...

Hai Còn cố dịu giọng phân trần:

- Các ông giam tôi trong chuồng cọp, cách ly mọi nơi, làm sao tôi lãnh đạo đấu tranh cùng lúc ba, bốn nơi các ông vừa kể.

- Mầy đứng có già hàm. Hồ sơ ghi rõ mầy chuyên môn xách động đấu tranh ở căng Phú Lợi. Chính mầy cầm đầu chứ không ai khác.

Tới đây, máu nóng Hai Còn vụt nổi lên:

- Tôi là người chứ không thần thánh có ba đầu sáu tay, một lúc chỉ huy ba nơi. Các ông muốn đánh đập, thì cứ đánh đập chớ đừng bịa chuyện kỳ cục như vậy.

Một thằng hét lên:

- Mầy khiêu khích chúng tao hả? Vậy thì đây, thử sức chịu đòn nghe con!

Tức thì cả bốn tên xông tới. Hai Còn chỉ tránh né, vừa té vừa lăn theo thế võ tự vệ, hai cánh tay cố che những chỗ hiểm như đầu, ngực và hạ bộ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #68 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2010, 10:03:01 am »

Anh đang sắp sửa đút hơi thì giám thị Long xuất hiện. Hắn hét to cho bốn tên đồ tể ngừng tay để đóng vai đại ca hay vai ông thiện trước tên tù chết chưa chôn:

- Tôi biểu chúng nó dượt sơ vài miếng võ thôi, không dè chúng chơi thẳng tay. Sao, anh thấy trong mình thế nào, có đủ sức để mình nói chuyện tử tế với nhau không ?

Hai Còn gắng gượng thở khí công cho điều hòa khí huyết. Các khớp xương kêu răng rắc như rã rời. Dù vậy, anh cố tập trung tinh thần nhìn Long với ánh mắt đầy căm thù. Im lặng và khinh bỉ, nhưng Long không biết hay vờ không biết.

- Anh chịu khai chưa? Hễ khai thì tôi cho anh tận hưởng những ân huệ dành cho người chịu cải huấn...

Hai Còn phun nước miếng cùng một bụm máu vào mặt Long. Nhưng khoảng cách quá xa, hơi sức anh đã mỏn, bụm máu không bay tới đúng mục tiêu. Vả lại tên Long đã giữ ý nên lùi lại tránh bụm máu căm thù. Hắn cười lạt, thọc tay túi quần tìm thuốc hút. Cố làm ra vẻ tỉnh nhưng bàn tay hắn run run, quẹt ba lần mới cháy diêm quẹt. Trong khi hắn hít hơi thuốc thơm, Hai Còn quyết đem hết sức bình sinh bất thần đá vô ngực tên giám thị. Theo thói quen nghề võ, vừa tung cước, anh vừa hét "chết". Một tiếng “hự” vang lên tiếp theo. Nếu đá trong lúc bình thường thì cú đá ấy có thể chết người nếu đúng hiểm huyệt. Nhưng lúc đó Hai Còn chỉ còn một phần trăm công lực nên cú đá không độc. Tuy vậy, Long cũng chới với, té văng vô vách. Điếu thuốc lá Salem mới hít một hơi đã rơi xuống sàn. Hắn xoa vai, mặt nhăn nhó.

Hai Còn nhìn theo, biết mình không hạ đúng chỗ nhược và tin chắc rằng mình sẽ chết, thay vì nó chết. Anh bình tĩnh chờ thái độ của thằng Long.

Nghe tiếng động trong phòng, bốn thằng vệ sĩ đẩy cửa xông vào, nhưng Long khoát tay cho chúng lui ra. Hắn lê chân từng bước tới bàn buya-rô ngồi xuống, tay vẫn xoa nơi vai bị trúng vớt cú đá của Hai Còn. Một lúc thật lâu, Long mới nói:

- Đù mẹ, mầy muốn giết tao hả?

Hai Còn lựa lời:

- Chắc ông giám thị đau lắm?

- Đau thấy mẹ chứ sao không đau! Bộ trâu bò sao không đau?

Hai Còn bật cười. Long trợn trừng:

- Tại sao mầy cười ?

- Thưa sếp, tôi cười vì tôi khám phá ra một điều thú vị. Hóa ra các sếp cũng biết đau như bọn tù chúng tôi. Vậy mà hồi nào tới giờ, chúng tôi nghĩ các giám thị, thầy chú không hề biết đau nên mới thẳng tay hành hạ những kẻ vô phước, vô phần rơi vào khám tối. Chúng tôi bi đánh đau lắm chứ nhưng còn xấu số hơn trâu bò, vì chúng nó còn được quyền rống lên khi đau...

Long nhìn Hai Còn không chớp, gật gù:

- Mầy biết ăn nói quá chớ, nhưng có đúng mầy muốn giết tao không?

Hai Còn gật:

- Đúng là tôi căm thù ông. Mấy lần ông đánh tôi thật vô lý. Nhưng với tôi thì sao cũng được. Có lần ông chỉ huy bọn lính đánh ông già tôi khi ông thân tôi và nhờ lính trao thuốc rê và giấy quyến cho tù cấm cố trong chuồng cọp. Thử hỏi, xin vô phép, cha sếp bị người ta đánh trước mặt sếp, sếp có dung tha không? Thú thật là từ lâu tôi rình cơ hội để mạng đổi mạng với sếp, tiếc rằng hôm nay tôi đuối sức nên cú độc chiêu cước của tôi không trúng đích với đầy đủ mười phần công lực. Bây giờ sếp cứ việc giết tôi theo đúng luật sát nhân giả tử...

Long im lặng thật lâu như suy nghĩ điều gì lung lắm. Bỗng hắn vụt nói:

- Khi đá tôi, anh quyết chí mạng đổi mạng, nghĩa là anh dám chết. Còn bây giờ anh còn dám chết nữa không?

Một câu hỏi hóc búa. Trả lời thế nào đây? Cái chết đã nắm chắc trong tay rồi, khiêu khích nó nữa có ích gì. Ở đời phải biết lúc nhu, lúc cương, sao cho được việc. Hai Còn đấu dịu:

- Sếp tâm lý quá! Đúng là khi tính mạng đổi mạng, tôi quyết chết. Giờ đây sếp còn sống nhăn mà mình chết thật vô lý quá. Vậy là mình thua một độ đến chết người. Bây giờ mà chết là đau lắm! Thú thật với sếp là tôi rất xấu hổ mà tự nhận là tôi cảm thấy sợ chết. Xin nói rõ hơn để tránh hiểu lầm. Tôi biết sợ chết từ khi thấy thái độ bình tĩnh của sếp. Nếu sếp để cho đám lâu la ào vô đánh tôi chết thì tôi chết mà hả dạ vì dám sống chết với một thằng tiểu nhân. Nhưng bây giờ sếp tỏ ra là người quân tử thì tôi thấy ân hận đã thí mạng cùi với một người có lương tri.

Đột nhiên Long cười:

- Anh lém lỉnh quá! Anh học tới lớp mấy vậy?

- Dạ tôi mới học hết trường làng.

- Nếu anh học cao hơn thì tài hùng biện của anh còn nguy hiểm tới chừng nào! Anh quả xứng với biệt danh “Cọp Phú Lợi". Nghe nói tướng Nguyễn Văn Là, sếp của chúng tôi đặt tên đó cho anh phải không? Thú thật tôi có cảm tình với anh đó!

Để chứng minh lại nói, Long bước tới mở còng cho Hai Còn.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #69 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2010, 10:06:51 am »

Hai Còn nhìn Long với vẻ kinh ngạc. Hai tay anh tê vì còng số 8 siết chặt. Anh kéo áo chùi máu trên mặt:

- Cám ơn sếp đã tử tế với tôi. Nhưng tôi vẫn thắc mắc... Đáng lẽ sếp phải đối xử với tôi khác... Đằng này sếp làm tôi khó nghĩ...

Long cười thích thú:

- Anh thắc mắc việc tôi phân biệt đối xử anh với những người tù khác hả? Có gì khó hiểu đâu! Tại sao tôi không giết anh mà lại đối xử tử tế với anh? Đó là vì anh là người tù duy nhất mà tôi nể trọng. Còn tại sao tôi khinh thường và tàn nhẫn với những người tù khác? Tại vì đa số họ sợ chết. Bởi sợ chết cho nên họ hèn đi, mình thấy họ khúm núm mà phát ghét. Cũng vì phát ghét mà hành hạ cho sướng tay!

Thật là điều lạ tai Hai Còn mới nghe lần đầu. Té ra kẻ nào dám chết thì không chết, cũng như ra trận, tay nào xông xáo đi đầu lại không sao, còn kẻ lánh né đằng sau lại dính đạn. Trên chiến trường, Hai Còn có lạ gì chuyện đó. Còn đây là Côn Đảo, kẻ dám chết cũng nhiều lắm mà chỉ có anh là trường hợp duy nhất may mắn được gặp kẻ hiếm có.

Long nói thêm:

- Tôi thích anh tánh gan dạ, bất phục tùng, đám chết hơn chịu nhục. Tôi thành thật quý mến anh, mặc dù tôi với anh là hai kẻ thù...

Hai Còn tranh thủ:

- Trước đây vài phút, tôi cũng nghĩ như sếp, tức chúng ta là hại kẻ thù. Nhưng bây giờ tôi đổi ý. Tôi là Việt cộng có lý tưởng đánh Mỹ-Thiệu giải phóng quê hương. Cái đó rõ rồi. Nhưng còn sếp thì sao?

Long nhìn Hai Còn như khuyến khích. Hai Còn nói:

- Tôi biết có nhiều người theo quốc gia không vì lý tưởng mà vì nhiều lý do như sợ gian khổ mà không ra bưng kháng chiến, cũng có người bị bắt lính, chọn ngành cảnh sát, công an làm lính kiểng để tránh ra chiến rường. Rồi thì ngày một ngày hai, ngành nào theo ngành ấy, như ông bà mình nói “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài". Cái cốt lõi của con người dù ở bên này hay bên kia đều do cái tâm mà trở thành người tốt với kẻ xấu. Tôi không rõ nguyên nhân nào sếp theo nghề giám thị, nhưng trong cách đối xử với tôi đêm nay, tôi thấy cái tâm của xếp còn trong sáng lắm. Cho nên tôi không còn xem sếp và tôi là hai kẻ thù như trước đây.

- Nói hay lắm! Thưởng điếu thuốc Salem! - Long đưa thuốc cho Hai Còn rồi quẹt lửa châm.

Hai Còn hít khói thơm bật cười. Long hỏi:

- Anh cười gì?

- Tôi cười cái may của tôi. Trước hết là được sếp mời thuốc. Thứ hai là sếp chỉ quẹt cho tôi một diêm là cháy ngay, còn khi nãy, sếp phải quẹt tới ba cây diêm mới đốt được điếu thuốc của sếp. Có phải là tôi hên không? Hút thuốc thơm mà đứng thì mất ngon. Xin phép sếp cho tôi ngồi.

- Thì anh cứ ngồi! Nãy giờ mải mê nghe anh nói mà tôi quên mời anh ngồi. Thật là vô lễ quá.

Hai người hút thuốc, thấy trong lòng thơi thới. Long nhìn đồng hồ, dõng dạc ra lệnh:

- Về!

Long đi ngay lại xe Honda nổ máy, quay lại bảo Hai Còn:

- Anh lên xe đi với tôi!

- Thưa sếp tôi đi bộ về khám được.

Long đưa tay ngoắt:

- Không phải về khám mà về nhà tôi chơi.

Hai Còn chưa tin hai tai mình thì Long quanh xe lại sát bên cho Hai Còn leo lên:

- Lên xe về nhà tôi chơi cho biết.

Nhà cũng gần, vài phút là tới, Long giới thiệu người tù mặt mày còn sưng và tím bầm với vợ:

- Bạn của anh đó, nấu cơm nhiều nghe.

Xin tạm kết chuyện người tù không sợ chết đã chinh phục được tên giám thị ác ôn Long như thế đó. Đúng là chân lý: Dám bước qua cái chết để mà tìm được cái sống - mà cái sống vinh quang, cái sống trong chiến thắng mới là tuyệt vời.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM