Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:43:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nam Bộ - Những nhân vật một thời vang bóng  (Đọc 113138 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #40 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2010, 01:38:47 pm »

NGÔ THẤT SƠN THÁCH THỨC CHỦ NGỤC PHÁP


Thằng đại úy chủ ngục chĩa súng vào ngục Ngô Thất Sơn quát: "Mầy phải xin lỗi tao! Nếu không tao đếm ba tiếng Un-deux (một, hai)... Ngô Thất Sơn vạch áo đưa ngực ra, bước tới, dõng dạc đếm -Et trois (và ba). Bất ngờ làm sao! Thằng Tây không dám bắn, đút súng vô bao da nơi thắt lưng.

Phong cách Ngô Thất Sơn là như thế. Anh xem cái chết nhẹ như lông hồng. Và chủ ngục ngán anh và các đồng chí của anh-những người tù không sợ chết.


Những ai sống ở miền Tây Nam Bộ - nhất là tại các tỉnh có đồng bào Khmer như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Rạch Giá - trong những năm đầu kháng Pháp đều không thể quên được hai tiếng "cáp duồn". Đây là tiếng Khmer, cáp là giết, cụ thể là chặt đầu và duồn là người Việt, cáp duồn là khẩu hiệu chặt đầu người Việt do Tây bày ra xúi giục số người Khmer nông nổi, thiếu hiểu biết, thù ghét người Việt. Ngày xưa ấy, Tây mộ lính thân binh gọi là "partisans" đánh Việt Minh, đa số thân binh là người Khmer. Các đội partisans này gieo kinh hoàng trong các làng mạc chúng hành quân, theo sau chúng là vợ con, anh em, bà con võ trang bằng chà gạc (dụng cụ phát cỏ) và xà-beng, gặp người thì giết, gặp nhà thì xâm nền tìm vàng bạc dân làng chôn giấu, sau cùng chúng phóng lửa đốt nhà. Nửa thế kỷ sau, nhắc lại cái họa "cáp duồn", những người lớn tuổi còn nổi da gà. Chống nạn cáp duồn là trọng tâm của cuộc kháng chiến. Chống bằng nhiều cách, võ trang có, tuyên truyền có, nhưng hữu hiệu nhất là kết hợp hai mặt võ trang và tuyên truyền dưới hình thức các đội võ trang tuyên truyền gọi là Tuyên truyền xung phong. Một trong các chỉ huy nổi tiếng thời ấy là Ngô Thất Sơn. Lý lịch trích ngang của anh như sau:

Tên anh là Trịnh Ngọc Ảnh, sinh năm 1919 tại xã Vĩnh Tế, huyện Tri Tôn, vùng Bảy Núi, tỉnh Châu Đốc (nay là An Giang). Khi lên Campuchia, anh lấy tên Ngô Mãnh Gương để vào học Lycée Sisovath. Tốt nghiệp Thành Chung (Diplome), anh làm thầy giáo, năm 1940 được chọn đi học trường Thể dục thể thao Phan Thiết, gọi là trường Esepic (École Supérieure d’ Education Physique d’ Indochine en Chochinchine). Anh làm thầy giáo kiêm huấn luyện thể dục thể thao vài năm trước khi được bổ nhiệm đốc học tỉnh Kongpongcham. Năm Nhật đảo chính Pháp, tinh thần yêu nước trong cộng đồng người Việt sống trên đất Campuchia nổi lên rất cao, nhiều người tự nguyện hồi hương, gia nhập Mặt trận Việt Minh. Thầy giáo Ngô Mãnh Gương cương quyết về quê kháng chiến. Anh dặn dò người vợ đang mang thai: "Sanh con trai hay gái gì cũng đặt tên con là Hy Sinh nghe em".

Từ ngày đó, anh lấy tên Ngô Thất Sơn để tưởng nhớ quê hương Bảy Núi oai hùng.

Thành tích đầu tiên của anh là đưa Bộ đội Hải ngoại số một về nước tham gia chiến đấu chống Pháp. Anh là chỉ huy phó, chỉ huy trưởng là anh Dương Tấn, sau lấy tên thật là Huỳnh Văn Vàng, cũng là thầy giáo thể dục thể thao. Đi ngang qua tỉnh Xiêm Rệp, theo yêu cầu của bộ đội Khmer Issarak, Bộ đội Hải ngoại để lại một đơn vị nhỏ do anh Ngô Thất Sơn chỉ huy chi viện bộ đội bạn. Ta chọn Ngô Thất Sơn vì anh to cao, nước da ngăm đen, lại nói tiếng Khmer chính cống. Đơn vị anh giả làm lính partisans, anh đóng vai quan phủ đi kinh lý đột nhập các đồn bót uy hiếp bọn tề ngụy, cướp súng trang bị cho du kích địa phương.

Vừa đi vừa chiến đấu trên đất bạn, Ngô Thất Sơn đưa đơn vị về tới biên giới Việt-Campuchia. Đơn vị anh được lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đón tiếp trọng thể tại cầu Cần Đăng, chiến khu Trà Vong ngày 20.9.1946. Anh Huỳnh Văn Vàng được giao công tác khác ở Sài Gòn, anh Ngô Thất Sơn nhận chức chỉ huy trưởng Bộ đội Hải ngoại số một.

Để đối phó chủ trương cáp duồn thực dân Pháp xách động người Khmer thiếu hiểu biết, anh Ngô Thất Sơn chọn 12 chiến sĩ giỏi tiếng Campuchia lập Ban công tác biên giới do anh trực tiếp chỉ huy. Địa bàn hoạt động của đơn vị võ trang tuyên truyền này là quận Khang Xuyên, xưa là tổng Khang Xuyên, đa số là người Khmer. Anh áp đụng chiến thuật táo bạo, giả làm lính thân binh đi tuần tra các đồn bót nhỏ, tấn công chớp nhoáng. Trong đơn vị có thêm ba hàng binh Pháp, Ngô Thất Sơn giả quan phủ cùng ba lính lê dương này dẫn đơn vị thọc sâu vào đồn bót kiểm tra súng ống rồi chụp đồn luôn. Chiến công lớn nhất của anh là đánh chiếm thị trấn Kompong Chek, cách Soài Riêng 10 tim, bắt sống tên phó quận, thu 30 súng. Nhờ các hoạt động vũ trang tuyên truyền này mà dọc biên giới Tây Ninh, ta nắm được dân chúng Khmer trước đây đã từng bị Tây lôi kéo trong các đợt cáp duồn khủng khiếp. Đồng bào sở tại còn nhớ tại cầu Vinh, thường ngày có hàng chục người Việt bị chém giết rồi đạp xuống sông. Nhờ đội Tuyên truyền xung phong của Ngô Thất Sơn mà một vùng biên giới trở thành miền đất hữu nghị đoàn kết Việt-Campuchia.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #41 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2010, 01:45:45 pm »

Bây giờ xin đi vào cái chết vinh quanh của anh Ngô Thất Sơn. Tháng 6.1949, địch bao vây rừng Tà-éc, xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, Ngô Thất Sơn cùng thư ký bộ đội Sivotha Chăn-Seđa dũng cảm chống trả. Nhưng bất ngờ làm sao, tên Chăn-Seđa đưa tay lên đầu hàng. Ngô Thất Sơn chỉ còn viên đạn cuối cùng định dành cho mình, anh bắn gục tên hèn nhát phản bội. Sau đó, anh bị thương rồi bị bắt sống.

Bắt được Ngô Thất Sơn, Pháp mừng rỡ, loan tin chiến thắng rùm beng. Chúng giam anh tại Soài Riêng, rồi dời qua Kompongcham, cuối cùng về Nam Vang. Theo lệnh Pháp và Quốc trưởng Sihanouk, Bộ trưởng Nhiếp Choulong, nguyên là bạn học tại Lycée Sivovath nhiều lần tới nhà giam dụ dỗ Ngô Thất Sơn cộng tác với chúng. "Nếu ông bằng lòng, chúng tôi sẽ giao chức Bộ trưởng Quốc phòng cho ông". Ngô Thất Sơn hất tung bàn tiệc nói thẳng thừng: "Tôi không vì danh lợi, không muốn vì miếng ăn mà làm tay sai cho giặc". Thực dân Pháp đưa Ngô Thất Sơn về giam tại các khám Gia Định, Phú Lợi, Chí Hòa... Ở đâu, Ngô Thất Sơn cũng nêu khí tiết người chiến sĩ Việt Nam bất khuất. Năm 1950, địch đặt vấn đề trao đổi tù binh, đổi Ngô Thất Sơn lấy hai đại tá bại trận ở Đông Khê và Thất Khê trong chiến dịch biên giới là Charton và Lepage, nhưng cuộc thương lượng bất thành. Chính tướng Nguyễn Văn Hinh, rồi tướng Chanson, ủy viên Cộng hòa kiêm Tư lệnh Nam phần Việt Nam vô khám Chí Hòa mời ông hợp tác với Pháp. Nhưng vô ích.

Tại khám Chí Hòa, có một đại úy Pháp hung hăng, háo sát. Hắn nghe tiếng Ngô Thất Sơn là người tù bất trị, liền trổ tài thị uy. Hắn tập hợp một số tù binh, lên lớp:

- Vous êtes tous de sale race Annamite (Bọn bây là giống dân An Nam dơ bẩn).

Ngô Thất Sơn bước tới một bước cắt lời tên này:

- Vous vous trompez mon capitaine. La sale racce, ce sont les Français, les capitalistes Francais (Ông nói sai rồi, ông đại úy, giống dân dơ bẩn chính là đám thực dân các ông đó).

Tên đại úy giật mình, trừng mắt nhìn tên tù binh dám cắt lời hắn, rồi còn dám mắng cả người Pháp nữa. Hắn điểm Ngô Thất Sơn hăm dọa :

- A, thằng này láo. Mày dám nhục mạ người Pháp chúng tao à! Mày phải xin lỗi ngay. Tao đếm ba tiếng...

Vừa nói hắn vừa rút súng cầm tay chĩa ngay Ngô Thất Sơn, miệng đếm: Un... deux... (một.., hai...).

Ai nấy đều lo sợ trước tình huống quá sức tưởng tượng và ngó châm bẩm vào Ngô Thất Sơn. Tất cả càng hồi hộp, phập phồng khi thấy Ngô Thất Sơn cởi nút áo, ưỡn ngực bước tới trước, miệng đếm "et trois" (và ba).

Thật là bất ngờ. Thằng Tây run tay không dám bắn rồi từ từ nhét súng vô bao da, đến bên Ngô Thất Sơn dịu giọng xuống: "C'est la première fois que je rencontre un Việt brave type come vous" (Đây là lần đầu tiên tôi gặp một người Việt dũng cảm như ông).

Không thể để người tù bất khuất này trong khám Chí Hòa. Tây đưa anh lên khám Đức Hòa giam chung với bác sĩ Huỳnh Bá Nhung, Trưởng ty Y tế Gia Định - Ninh (hai tỉnh Tây Ninh và Gia Định sát nhập năm 1949). Biết hai người tù này không thể nào dụ dỗ được, giam mãi chi tốn cơm, thực dân quyết định thủ tiêu. Tên Tây chủ ngục đưa hai ông ra cánh đồng bên ngoài khám nói:

- Hai ông được tự do kể từ giờ phút này, muốn đi đâu thì đi!

Nhưng hai người tù binh dư biết tâm địa hèn mạt của địch. Thay vì chạy thoát thân, họ ung dung sát vai nhau đi khoan thai trên cánh đồng. Một loạt súng nổ từ phía sau lưng, kết thúc cuộc đời hai vị anh hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nhớ lời trối trăng ngày chồng lên đường chiến chinh vào mùa thu năm xưa, vợ anh đã đặt tên cơn gái đầu là Trịnh Hy Sinh. Nối chí cha, cô Hy Sinh đã tham gia kháng chiến, tiếp tục sự nghiệp dở dang của người cha anh hùng. Năm rồi, đại tá Ngô Thất Sơn được tuyên dương "Anh hùng liệt sĩ Bộ đội Sivotha" trong một lễ long trọng tại Tây Ninh.

Cô Trịnh Hy Sinh sau giải phóng 1975, là phát thanh viên tiếng Khmer trên Đài phát thanh thành phố Hồ Chí Minh.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #42 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2010, 02:04:05 pm »

LUẬT SƯ NGUYỄN HỮU THỌ TRONG MẮT TRÍ THỨC DÂN CHỦ PHÁP



Một nhân vật huyền thoại như luật sư Nguyễn Hữu Thọ thì báo chí và sách vở viết bao nhiêu cũng không đủ, nay xin bổ sung thêm vài chi tiết độc đáo mới theo nhà báo kiêm sử gia Pháp Georges Chaffard viết về luật sư Nguyễn Hữu Thọ, trong quyển Les duex guerres du Vietnam ở Chương 6 với cái tên Ces myslérieux Vietcongs (Những tay Việt cộng kỳ bí), sử gia G. Chaffard chọn luật sư Thọ là nhân vật đi đầu chương này.


Maitre Thọ (luật sư Thọ) quê ở Vĩnh Long. Cha là công chức có quốc tịch Pháp. Ông Thọ sang Pháp học trường Lycée Mignet ở Aix-en-Provence, miền Nam nước Pháp, sau vào trường Luật, tốt nghiệp, về nước năm 33 tuổi. Ông làm việc với luật sư Lê Văn Kim, ông Kim sau đó trở thành batonier (trưởng luật sư đoàn Sài Gòn). 4 năm sau, ông Thọ về Vĩnh Long mở văn phòng Luật sư tại quê nhà.

Trong thời gian làm luật sư ở Vĩnh Long, ông Thọ đã dũng cảm giúp các đồng nghiệp Pháp trốn tránh khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3.1945. Năm 1941, ông Thọ quen giáo sư luật Roger Pinto. Ông Pinto theo nhóm chống Đức nên bị Toàn quyền Decoux cách chức, chạy về Vĩnh Long mở văn phòng Luật sư. Trong 3 năm (1943- 1945), hai ông Pinto và Thọ bí mật hoạt động trong nhóm thân Đồng minh chống phát xít dưới sự chỉ huy của luật sư Lê Văn Kim. Trong thời gian này, trên Sài Gòn có kỹ nghệ gia Jean Duchêne, bạn học của ông Thọ hồi ở trường Mignet ông này thân Đồng minh, sợ Nhật bắt bớ cả gia đình nên gửi cậu con Jean Pierre tại nhà ông Thọ ở Vĩnh Long.

Sau cuộc đảo chính tháng 3.1945, Nhật tìm luật sư Kim. Chuyện lạ là Nhật không hề hay biết ông Kim bí mật hoạt động chống phát xít, Nhật chọn luật sư Lê Văn Kim làm Thủ tướng Chính phủ bù nhìn thân Nhật (sau đó Nhật chọn học giả Trần Trọng Kim). Luật sư Kim tưởng mình bị Nhật bắt để khai thác danh sách những trí thức theo Đồng minh, sợ mình không đủ khí tiết giữ bí mật nên quyết định quyên sinh. Dù có thể bị mật vụ Kempétai của Nhật theo dõi, các đồng nghiệp của ông Kim vẫn dũng cảm tiễn ông đến nơi an giấc nghìn thu, trong số đó có vợ chồng giáo sư Pinto, luật sư Thọ, luật sư Motais de Narbonne và nhiều đồng nghiệp khác nữa.

Một cuộc du ngoạn bất ngờ
Trước tháng 8. 1945, luật sư Nguyễn Hữu Thọ không hề dính dáng gì với đám thân Pháp quá khích lập chính phủ Nam Kỳ tự trị. Ông tiếp tục cộng tác với luật sư Roger Pinto tại văn phòng luật sư Kim và chăm lo nuôi nấng 4 người con của luật sư quá cố.

Khi quân đội Pháp tái xâm lược Nam Bộ, ông Thọ mời luật sư Sanh về văn phòng luật sư của mình. Năm 1947, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu quyền đoàn trưởng luật sư đoàn Sài Gòn hành nghề tự do tại Sài Gòn.

Một ngày chủ nhật năm 1948, khi lái chiếc Peugeot tới tỉnh Mỹ Tho, ông Thọ bị du kích Việt Minh bắt. Lúc đó, ông đã nổi tiếng trên Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ là luật sư có cảm tình với kháng chiến, đã can đảm biện hộ các cán bộ Việt Minh trước Tòa Đại hình Sài Gòn. Đáng chú ý nhất là vụ luật sư Nguyễn Hữu Thọ biện hộ cho các tử tội Nguyễn Đình Chính, Trưởng ban công tác 1 đã bị địch kêu án tử hình và vụ 2 trí thức Hoàng Xuân Bình và Trương Công Phòng, được báo chí thống nhất tường thuật đầy đủ và có lời ca ngợi tài hùng biện của luật sư biện hộ. Du kích giao ông Thọ cho Trưởng Công an Tân Hiệp. Người công an nghiệp dư đó là nhà văn Đoàn Giỏi sau này, một học sinh trung học Mỹ Tho đã biết tên tuổi luật sư Nguyễn Hữu Thọ qua báo chí. Đoàn Giỏi tiếp đãi ông Thọ rất lịch sự và đưa về ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ.

Giữa Đồng Tháp Mười. ông Thọ gặp luật sư Phạm Ngọc Thuần, một đồng nghiệp trẻ đã hăng hái tham gia kháng chiến ngay từ đầu. Hai gia cảnh giống nhau. Ông Thuần cũng thuộc gia đình trí thức tư sản, theo đạo Thiên chúa. Sau khi trao đổi quan điểm chính trị, ông Thuần tin tưởng ông Thọ là người tốt và trả tự do ngay.

Sau này luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhắc lại chuyến du ngoạn của mình như sau: Người ta có thể buộc tội tôi về thái độ thờ ơ trước thời cuộc, trước bao nhiêu hy sinh xương máu của đồng bào. Thế mà người ta lại phóng thích tôi. Thời gian ngắn ở trong chiến khu khiến tôi suy nghĩ mãi. Cán bộ, bộ đội, dân chúng sống đoàn kết xung quanh một lý tưởng. Ai cũng muốn được giao phó một trọng trách lớn lao hơn trong cuộc chiến. Còn tôi, tôi được tiếp đón như một người anh em trong khi tôi chưa hề làm gì hữu ích cho đất nước. Người ta không đòi hỏi gì ở tôi. Không ai bảo tôi bỏ nghề luật sư. Người ta chỉ gợi ý cho tôi về những gì cần làm trước sự hy sinh của đồng bào. Là một trí thức có tên tuổi, hành động của tôi có thể là tấm gương cho một số người tư sản trí thức Sài Gòn.

Với những suy nghĩ trên, về Sài Gòn, ông Thọ tiếp xúc với các nhóm tiến bộ từng làm kiến nghị hô hào người Pháp nên thương thuyết với Việt Minh.

Bạn ông Thọ, nhà kinh tài Jean Duchêne nhớ lại: Trong 2 năm 1949 và 1950, tôi thấy ông Thọ tiếp các nhóm trí thức tiến bộ ngay trong văn phòng luật sư Kim mà ông kế nghiệp.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #43 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2010, 02:08:25 pm »

Từ nhận thức tới hành động
Ngày 16.3.1950, một chiến hạm Mỹ với Đô đốc Arleigh Burke, Tư lệnh đệ thất hạm đội ghé bến Sài Gòn thể hiện thái độ ủng hộ cuộc xâm lược của Pháp và chính phủ Bảo Đại và sẽ viện trợ quân sự cho chính phủ này chống Việt Minh.

Ngày 19.3, Việt Minh tổ chức một cuộc biểu tình chống đế quốc Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Một rừng người kéo cờ đỏ sao vàng xuống đường tại Sài Gòn với khí thế của cả trăm ngàn người. Dẫn đầu cuộc xuống đường, bất ngờ thay chính là luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Đây là lần đầu tiên ông Thọ dấn thân. Các bạn ông nhận định lúc đó ông chưa được tự nhiên cho lắm.

Ngay ngày hôm sau, ông Thọ bị bắt. Nhà cầm quyền thực dân không dám mạnh tay vì ông là một luật sư nổi tiếng nhất Sài Gòn thời bấy giờ. Nhưng Cao ủy phủ không thể bỏ qua tội trạng của ông. Thay vì đưa đày Côn Đảo, họ đưa ông tới vùng núi cao rùng sâu trên vùng Lai Châu. Trong 2 năm bị lưu đày, ông Thọ thường xuyên thư từ cho bạn chí thân là Roger Pinto, bấy giờ là giáo sư Đại học luật Lille (Pháp). Năm 1952 , được trả tự do, ông Thọ trở về phòng luật sư của ông ở Sài Gòn.

Trong 2 năm ở Lai Châu, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã trưởng thành về chính trị. Trước đây ông lãnh biện hộ cho các cán bộ Việt Minh, điều này làm cho ông mất ít nhiều thân chủ quen thuộc. Nhưng giờ đây, ông càng quyết tâm đứng hẳn về phía những người yêu nước không may rơi vào tay giặc. Có nhiều thân chủ quá nghèo không trả tiền thù lao nổi, ông Thọ còn giúp đỡ tiền bạc cho họ làm lộ phí.

Tháng 8.1954 luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một sáng lập viên phong trào Bảo vệ hòa bình và đòi Mỹ-Diệm thi hành Hiệp định Genève. Với tư cách Phó Chủ tịch phong trào nói trên, luật sư Nguyễn Hữu Thọ là nhân vật được các phái đoàn quốc tế tiếp xúc, phỏng vấn nhiều nhất. Các phái đoàn điều tra tình hình Việt Nam do giáo sư Bửu Hội, rồi phái đoàn Pierre Mendès France (trước đó là Thủ tướng Pháp), phái đoàn Jacques Raphaet Leygues. Ông Thọ lên án chế độ nhà Ngô thẳng thừng. Luật sư Motais de Narbonne nhận xét: "Ông Thọ thay đổi cung cách cư xử với ông Diệm. Trước đây dè dặt, ngày nay ông Thọ trở nên cứng rắn chống độc tài, chống chế độ cảnh sát trị và chế độ tham nhũng. Đúng là ngày nay ông Thọ bắt đầu làm chính trị, vì thế mà Ngô quyết định bắt giam ông".

Ngày 7.11, bị bắt cùng 7 ủy viên trong Phong trào Bảo vệ hòa bình, luật sư Thọ bị quản thúc ở Hải Phòng, lúc thành phố này còn trong thời gian do Pháp quản lý (1955).

Biết luật sư Nguyễn Hữu Thọ có quá nhiều uy thế để thành một lãnh tụ đối lập nguy hiểm nên Phòng Nhì Pháp hiến kế phá uy tín của ông. Một âm mưu hiểm độc được đặt ra. Chúng chọn một phụ nữ xinh đẹp thực hiện mỹ nhân kế trong nhà tù nhưng luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã không hề bước lấn tới lằn ranh phạm pháp. Bọn thầy chú làm báo cáo tô vẽ về chuyện này, nhưng chỉ toàn bịa đặt, hư cấu nên hồ sơ đưa ra tòa quá mỏng và không có tính thuyết phục. Luật sư Bùi Tưởng Chiểu, nguyên là đoàn trưởng luật sư đoàn Hà Nội, về sau là giáo sư đại học Luật Sài Gòn, đã bào chữa cho ông Thọ trắng án. Nhưng vừa về tới Sài Gòn thì ông bị bắt lần nữa quản thúc tại thị xã Tuy Hòa, sau dời về Củng Sơn cũng trong tỉnh Phú Yên.

Năm 1961, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được cơ sở cách mạng Phú Yên và dân chúng giúp thoát trại Củng Sơn để vô khu hoạt động.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được chọn làm Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam
Trong Đại hội lần đầu tiên của Mặt trận Giải phóng miền Nam ngày 3.3.1962, ông Thọ ra mắt đồng bào trong chiếc áo sơ mi trắng, cà vạt sậm, quần quá rộng cho thấy cơ thể ốm yếu sau bao nhiêu năm tù đày. Khán đài xây cất trên một trảng trống, cảnh trí đơn giản thô sơ.

Ông Thọ tựa hai bàn tay lên bàn, người hơi ngả về phía trước, dáng điệu thường ngày của một luật sư trước tòa, ông kể vắn tắt quá trình hoạt động của mình, một quá trình mà theo ông thì không có gì so với các nhà cách mạng yêu nước khác.

“Tôi có đóng góp phần nào trong cuộc tranh đấu của dân tộc, nhưng tôi thấy sự đóng góp đó nhỏ nhoi với bao gian khổ và tang tóc do chế độ Ngô Đình Diệm gây ra cho đồng bào. Điều đó khiến tôi hốt hoảng. Vì tôi hoàn toàn không có ý thức chính trị cho một đảng phái nào. Tôi chỉ hành động theo tinh thần yêu nước. Đến khi nhà Ngô lên cầm quyền, đây là chế độ tay sai tàn bạo nhất đối với nhân dân cũng như đối với trí thức, cho nên nhiệm vụ của chúng ta thật là đơn giản: Phải chiến đấu đánh tan chế độ đó và tống khứ bọn xâm lăng ngoại quốc về xứ của chúng. Người Mỹ sẽ nói gì khi người Việt chúng ta gửi quân sang Mỹ để ủng hộ chính phủ Kennedy chống kẻ thù của ông ta?".

Ngày 3.3.1962, ông Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam.

Những  nét phác họa chân dung luật sư Nguyễn Hữu Thọ do các bạn bè, đồng nghiệp Pháp kể lại cho nhà báo Chalfard ghi chép, có thể đúng, có thể chưa chính xác. Người viết sưu tầm gửi tới bạn đọc bổ sung giúp chúng ta có thêm một cái nhìn của người nước ngoài về một trí thức yêu nước.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #44 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2010, 10:17:13 am »

PHẠM NGỌC THUẦN MỘT MÌNH RA BÁO

Trong những ngày đầu kháng chiến, giới luật sư Sài Gòn hoạt động tích cực trong việc xây dựng chính quyền cách mạng. Nhóm trạng sư vứt áo thụng đen viền lông thỏ trắng mặc chiến bào (quân phục kaki hay vải xiêm) rất đông như Thái Văn Lung, Lê Đình Chi, Nguyễn Thành Vĩnh, Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Hữu Thọ... họ trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia đóng góp rất nhiều cho kháng chiến.

Anh Gaston Phạm Ngọc Thuần là con cụ kinh lý Phạm Ngọc Thuần. Gia đình này là một trong vài ba nơi tiếp đón các trí thức từ Pháp về vô bưng kháng chiến. Hồi đó các nơi này gọi là "centre d'accueil" hoạt động gần như công khai. Hai trung tâm đón người kháng chiến từ Pháp về nữa là vườn xoài luật sư Trịnh Đình Thảo và phòng mạch bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng ở gần chợ Thái Bình, đường Arras (Cống Quỳnh).

Ngày ta cướp chính quyền, giới tư pháp Sài Gòn họp bầu chánh án Sài Gòn. Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh được bầu. Trong cuộc họp này có cuộc tranh luận giữa hai nhân vật một già một trẻ. Già là tòa áo đỏ Trần Văn Tỷ tuyên bố: "Không thể bỏ Pháp được vì mới sinh ra đã bú sữa Tây". Trẻ là Gaston bật đứng lên ngắt lời: "Lâu nay tôi trọng ông như chú bác, nhưng nay ông nói như vậy thì coi như không còn tình nghĩa gì với nhau nữa!”.

Anh Gaston thoát ly ra bưng biền. Bấy giờ căn cứ Vườn Thơm, vùng Láng Le, kinh Lý Văn Mạnh là nơi tập trung các trí thức, nhân sĩ chống Pháp. Trong khi chờ đợi thành lập ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, anh Gaston một mình ra tờ báo Kháng chiến tiếng Pháp tựa đề là "La Voix du Maquis (Tiếng nói Bưng Biền).

Giúp anh đánh máy sạch sẽ bản thảo có chị Vương Thị Trinh, con ông Vương Văn Ngưu, một trí thức tên tuổi ở Điều Hòa, thị xã Mỹ Tho. Chị Trinh có tú tài Pháp nên giúp tờ báo khá đắc lực. Báo ra khổ tờ giấy A4, gồm khoảng 20 trang. Lễ Độc Lập năm 1947, người viết bài này có mua được một tờ theo thể thức đấu giá trong cuộc mít tinh hộ 17, quận 8. Rất tiếc không giữ được tờ báo hiếm quý đó trong suốt chín năm khói lửa. Chỉ nhớ báo có nhiều trang phong phú tả cuộc sống bưng biền lấy tên là Variétés du Maquis (Tản mạn bưng biền). Văn xuôi hay thơ tiếng Pháp, anh Gaston đều lưu loát và sang trọng. Không chỉ trí thức trong Khu mà giới trùm chăn (attentistes - chờ xem thời cuộc) cũng mê.

Sau đó anh Gaston được bầu Phó chủ tịch ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Một năm sau, luật sư Phạm Văn Bạch ra Bắc nhận công tác, anh Gaston được kiêm quyền Chủ tịch thay ông Bạch. Suốt chín năm làm quyền Chủ tịch anh Gaston đã giải quyết nhiều vấn đề lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ.

Thời chống Mỹ anh làm Đại sứ Đông Đức cho tới Đại thắng mùa Xuân 1975. Những năm sau giải phóng, anh lớn tuổi thường đau yếu, xin sang Pháp dưỡng bệnh. Anh mất cách nay vài năm, để lại niềm thương tiếc cho bao nhiêu đồng chí kháng chiến ở Nam Bộ.


Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #45 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2010, 10:19:46 am »

LUẬT SƯ PHẠM VĂN BẠCH VẠCH TRẦN TỘI ÁC ĐẾ QUỐC MỸ

Luật sư Phạm Văn Bạch sinh năm 1910 tại Khánh Lộc, tỉnh Trà Vinh. Ông đậu cử nhân luật tại Đại học Lyon (Pháp). Năm 1936 về nước ông không làm việc cho chế độ thực dân mà làm giáo sư tại Cần Thơ. Ngay những năm du học ở Pháp, ông đã tham gia hoạt động xã hội trong các tổ chức thanh niên Cộng sản Pháp. Ông tham gia các câu lạc bộ chính trị thảo luận về các chủ nghĩa, các chính thể, và nghiêng hẳn về chủ nghĩa Mác, ủng hộ cuộc cách mạng Tháng Mười Nga.

Sau khi ta cướp chính quyền, Bác Hồ chủ trương giao cho các nhân sĩ, trí thức yêu nước giữ nhiệm vụ quan trọng trong các ủy ban kháng chiến hành chính, luật sư Phạm Văn Bạch được bầu làm Chủ tịch ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, chức vụ cao nhất trong bộ máy chính quyền cách mạng lúc đó.

Thời gian sau, ông Bạch được điều ra Trung ương giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn. Với vốn tri thức về công pháp quốc tế, ông được giao phụ trách cơ quan tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ đã can thiệp vào cuộc chiến Việt Nam. Ông Bạch lập Tòa án quốc tế lên án quân đội Mỹ tàn sát nhân dân Việt Nam. Đặc biệt nhờ uy tín của mình, ông Phạm Văn Bạch đã thu hút được nhiều nhân vật tiếng tăm thế giới tham gia Tòa án quốc tế tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ như nhà văn Jean Paul Sartre.

Thêm một nhân vật lớn tham gia Tòa án quốc tế xử tội ác đế quốc Mỹ là nhà vật lý Albert Einstein gốc Đức, quốc tịch Mỹ năm 1940, tác giả lý thuyết tương đối. Ông Einstein là người trọng công bằng chủ trương hòa bình và được giải Hòa Bình Nobel năm 1921. Một nhân vật trí thức yêu chuộng công bằng và hòa bình như ông Einstein mà gia nhập Tòa án quốc tế lên án Mỹ, đó là thành công lớn trong công tác quan trọng nhất đời của luật sư Phạm Văn Bạch.

Ông mất năm 1987 tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 77 tuổi. Cho đến thiên niên kỷ 2003, dân Trà Vinh và cả Nam Bộ đều hãnh diện có những trí thức lỗi lạc như ông Phạm Văn Bạch.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #46 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2010, 10:23:16 am »

LUẬT SƯ TRỊNH ĐÌNH THẢO

Luật sư Trịnh Đình Thảo sinh năm 1902, tại Hà Đông. Ông sang Pháp học luật, đậu cử nhân văn chương, cao học kinh tế và thương mại sau khi đã đậu tiến sĩ luật. Về nước, ông làm luật sư tại Tòa Thượng thẩm Sài Gòn từ năm 1929 và hành nghề hơn 40 năm.

Dân Nam Kỳ đều mến mộ ông qua các phiên tòa ông biện hộ cho những người yêu nước không may sa vào tay giặc.

Khi Nhật đảo chính Pháp, thủ tướng Trần Trọng Kim mời ông giữ chức Bộ trưởng Tư pháp. Nội các này gồm toàn trí thức tên tuổi và về sau nhiều người tham gia kháng Pháp. Riêng ông Thảo, ông tiếp tục hành nghề luật sư và tiếp tục bênh vực cho các chiến sĩ cách mạng trước tòa án thực dân.

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Genève. Ông Thảo tích cực hoạt động chính trị trong nội thành, tham gia các phong trào Bảo vệ hòa bình, Bảo vệ sinh mạng và Tài sản đồng bào. Năm 1958, ông giới thiệu hai trí thức, một luật sư và một bác sĩ, từ Pháp về với 14 nhà báo và trí thức vừa thoát khỏi ngục tù của chế độ nhà Ngô giúp hai vị trí thức này biết rõ chế độ gia đình trị, cảnh sát trị của tổng thống Diệm để quyết định nên ở Pháp hay về nước. Địch biết rõ quan điểm chính trị của ông Thảo nên theo dõi sát sao. Không thể sống dưới chế độ độc tài phong kiến của anh em nhà Ngô, ông Thảo ra khu tham gia thành lập Liên minh các Lực lượng Dân tộc dân chủ hòa bình Việt Nam. Ông được cử đi khắp thế giới vận động hòa bình cho Việt Nam và lên án chủ trương xâm lược của Mỹ.

Ông Thảo giữ nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch Liên minh các lực lượng Dân tộc dân chủ hòa bình Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Luật sư Trịnh Đình Thảo mất ngày 31.3.1986 tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 85 tuổi.

Ông Thảo mất lâu rồi nhưng dân Sài Gòn vẫn nhớ công soạn bản Tuyên ngôn của Trí thức Sài Gòn gửi Cao ủy Pháp Bollaert quy tụ trên bốn trăm chữ ký. Bản tuyên ngôn này tất nhiên soạn bằng tiếng Pháp cho Cao ủy Pháp xem lấy tên là "Manifeste des Intellectuels de Saigon" do hai luật sư lão thành lãnh phần soạn thảo - ông Vương Quang Nhường và ông Trịnh Đình Thảo.

Ông Thảo khiêm tốn dành vinh dự đó cho Luật sư Hoàng Quốc Tân có văn phòng Luật ở đường Pellerin (Pasteur) xéo cổng dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất).

Sự khiêm tốn này càng làm nổi bật tư cách người trí thức trong giới luật sư.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #47 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2010, 10:29:36 am »

LUẬT SƯ THÁI VĂN LUNG





Luật sư Thái Văn Lung từng học trường võ bị Saint Cyr của Pháp và phục vụ trong quân đội Pháp trong thế chiến 2 (1939-1945).

Về nước, ông đem khả năng quân sự huấn luyện Thanh niên Tiền Phong và chỉ huy bộ đội Thủ Đức chống Pháp.

Địch bắt được ông, cố tình mua chuộc nhưng ông nhất định thà chết không hàng, nêu cao truyền thống bất khuất của quân đội Việt Nam anh hùng.


Thái Văn Lung thuộc gia đình trí thức công giáo nổi tiếng ở Thủ Đức. ông là con cụ Thái Văn Lân, một nhân sĩ giao du rộng trong giới văn nghệ sĩ. Chị Thái Thị Liên là chị anh Thái Văn Lung và là mẹ nhạc sĩ tài danh Đặng Thái Sơn đã đoạt giải nhất cuộc thi dương cầm quốc tế về Moza tại Ba Lan mười mấy năm trước đây.

Thái Văn Lung sinh năm 1916. Ngày sinh của anh lại đúng vào ngày các mạng tư sản dân quyền Pháp - 14 tháng 7 (Tây gọi là Quatorze Juillet) tại Thủ Đức, tỉnh Gia Định. Anh Lung sang Pháp học, đậu cử nhân Luật, lại còn học trường chính trị là Trường đào tạo các chính khách (École des Sciences Politiques). Là dân Pháp, có bằng cử nhân, anh Lung phải nhập ngũ, ra trường với hàm chuẩn úy, tham gia thế chiến 2 (1939-1945). Hết chiến tranh, anh mang lon trung úy và về nước.

Thực dân Pháp ra sức mua trung úy có Pháp tịch, đạo Thiên chúa, nhưng Thái Văn Lung lại là một người yêu nước. Vừa về Sài Gòn, anh Lung ráp lại nhóm sinh viên tiến bộ Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng và các trí thức đàn anh như hai bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ. Anh tham gia lãnh đạo Thanh niên Tiền Phong, được phân công huấn luyện viên quân sự. Trong mấy tháng đầu anh Lung đem hết hiểu biết về quân sự truyền lại cho các đoàn viên thanh niên.

Ngày 23.9.1945, anh Lung bị địch bắt trong một cuộc bố ráp nhưng anh cố chịu đòn đau chứ không khai. Do chúng bắt nhiều, không đủ người trông coi, anh trốn thoát. Lập tức anh thoát ly, tham gia kháng chiến ở xã thuộc quận Thủ Đức. Với khả năng và bản lĩnh, anh được đề bạt Chủ tịch quận Thủ Đức. Bấy giờ Thủ Đức có nhiều đơn vị bộ đội lấy phiên hiệu là Bộ đội 44, 45, 46. Một bộ phận của bộ đội Tân Bình của Nguyễn Thế Truyền chỉ huy rút qua Thủ Đức gọi là bộ đội 43. Cả bốn đơn vị bộ đội này do anh Thái Văn Lung chỉ huy. Bọn Tây ở Thủ Đức rất ngán bộ đội Thái Văn Lung khi biết anh Lung là trung úy từng tham gia chống quân phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp trong Đệ nhị thế chiến. Khẩu hiệu của chúng là mua chuộc, nếu không được thì bố trí ám hại vị chỉ huy lợi hại này. Thủ Đức là địa bàn quận quan trọng nối liền Sài Gòn với Biên Hòa nên địch bố trí lực lượng phòng thủ hùng hậu. Ngày kia, chúng bao vây được đơn vị của anh Lung. Bắt được anh, tên chỉ huy trưởng Tiểu khu Thủ Đức dụ hàng ngay:

- Ông trung úy chỉ có một con đường sống mà thôi: đầu hàng và khai những gì ông biết. Nếu không, bản tử hình chờ ông.

Anh Lung khẳng khái nói:

- Tôi nguyên là sĩ quan trong quân đội Pháp. Tôi nhớ rõ trong điều lệ danh dự người lính Pháp không có điều khoản tiết lộ bí mật quân sự khi bị bắt. Kỷ luật bộ đội Việt Nam cũng vậy. Các ông có thể xử bắn tôi. Còn tôi thì không thể khai gì với các ông.

Địch tra tấn anh chết đi sống lại. Chừng tỉnh lại, anh yêu cầu chúng cho gặp gia đình. Địch mừng rỡ, hy vọng gia đình sẽ thuyết phục anh cộng tác với nhà binh Pháp. Nhưng chúng lầm to. Gặp được vợ, anh Lung nói:

- Tôi chết không có gì ân hận. Tôi sung sướng đã làm tròn nghĩa vụ. Nếu em còn sống và được tha, em nhắn lại các chiến hữu của chúng ta lời nói sau cùng của tôi "Hãy cố gắng đạt tới mục đích chung sau ngày thắng lợi”.

Cái chết anh hùng của Thái Văn Lung mãi mãi là đề tài cho nhà văn, nhà báo ca ngợi. Trong tờ báo La Voix du Maquis, ở mục Variétés du Maquis (Bưng biền phong phú) luật sư Phạm Ngọc Thuần, bạn chí thân của Thái Văn Lung đã viết: "Không một bí mật quân sự. Không một tiết lộ. Không một tin tức nào vượt khỏi đôi mắt đã khép chặt một cách anh dũng phi thường và khép chất mãi mãi. Cái chết kéo dài một cách thảm khốc, luật sư Thái Văn Lung còn minh họa bằng một hình tích đẫm máu của chính anh để nói thêm với ta rằng: Vết nhơ của nô lệ chỉ có thể rửa được bằng máu".
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #48 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2010, 10:36:55 am »

LUẬT SƯ NGUYỄN THÀNH VĨNH HIẾN 200 LẠNG VÀNG CHO CHIẾN DỊCH CẦU KÈ




Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh quê Tân Hiệp, Mỹ Tho (Tiền Giang) là nhà đại tư sản, có hai biệt thự tại đường Pierre (Mai Thị Lựu - Đa Kao) hai xe hơi, một xe kiếng (loại xe ngựa cửa kiếng kiểu bên Tây). Ngày Pháp đánh chiếm Sài Gòn, dân tới đập cửa báo động, gia đình ông chạy ra vùng ngoại ô Thi Nghè, ở gần nhà giáo sư Phạm Thiều bấy giờ là thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong. Trung tướng Nguyễn Bình lúc mới vô Nam theo lệnh Bác Hồ chỉ là phái viên bộ Tổng (Tư lệnh) tỏ ý muốn thị sát thành phố Sài Gòn nhân lúc địch nống ra đánh các tỉnh miền Đông và miền Tây. Luật gia Lê Đình Chi đưa ông Bình ra chiến khu An Phú Đông, tới Thị Nghè tiếp xúc giáo sư Phạm Thiều. Ông Thiều lại giới thiệu với ông Vĩnh. Ông Vĩnh bảo ông Bình: "Tôi có hai biệt thự ở Đa Kao. Tôi ở biệt thự số 35 đường Pierre. Địch canh gác nơi này ba tháng nay. Chúng thấy rõ là tôi bỏ nhà đi luôn để ra bưng kháng chiến. Chúng lơi lỏng việc canh gác. Nếu ông muốn vô sài Gòn nắm tình hình thì có thể tới ở nhà tôi. Tài xế Danh của tôi sẽ đưa ông đi bất cứ nơi nào ông muốn. Cứ giả dạng phú thương người Hoa tới tìm tôi để chạy affaires (từ chuyên môn của giới kinh doanh). Chị bếp Sương lo cơm nước ngày ba bữa cho ông".

Kế hoạch có hơi phiêu lưu nhưng chấp nhận được. Ông Bình đã vi hành tham quan Sài Gòn trong ba ngày, lấy nhà ông Vĩnh làm nơi tạm trú. Ông đã đi khắp nơi có cơ sở nhà binh Pháp, đặc biệt chạy thong dong trên con đường Catinat là nơi có bót Catinat của tên cò Bazin nổi tiếng tàn sát chiến sĩ cách mạng Việt Nam, có tòa soạn báo Journal Officiel (Công Báo), báo La Dépêche của tên thực dân De Lachevrotière còn có khách sạn sang nhất Sài Gòn ở cuối đường là Majestic. Ông Bình đã vô hiệu hớt tóc của Tây ở kế bên rạp xi-nê Majestic hớt tóc đồng thời nghe ngóng tình hình.

Từ đó, hai ông Bình và Vĩnh trở thành bạn chí thân. Ông Vĩnh phục ông Bình là tướng dám vào hang hùm để sau đó tổ chức các Ban công tác thành vào nội thành đánh địch ngay trong sào huyệt của chúng. Còn ông Bình phục ông Vĩnh là nhà đại tư sản đã dám bỏ hết để ra bưng. Hai anh gọi nhau là anh Hai (Vĩnh) và anh Ba (Bình) theo phong cách Nam Bộ.

Ông Vĩnh là ủy viên Tài chính trong ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Khi đếm tiền các Ban công tác thành và các ban thu thuế từ Sài Gòn Chợ Lớn đem vô Khu, ông Vĩnh thấy giấy nhỏ nhiều hơn giấy lớn, như vậy là giới bình dân ủng hộ kháng chiến tích cực hơn giới tư sản. Ông đề nghị có biện pháp mạnh với tư sản như mời họ vô khu cho họ thấy công cuộc kháng chiến là của toàn dân và ai cũng có nghĩa vụ đóng góp, kẻ xương máu, người tiền bạc.

Khi ta mở chiến dịch Cầu Kè (Trà Vinh) quỹ đang khan hiếm. Anh Vĩnh về nhà đào lên hai trăm lượng vàng cung ứng cho chiến dịch. Giới sưu tầm nghiên cứu thích đến nhà ông Vĩnh vì ông giữ các công văn tối mật của Nam Bộ cũng kỹ như giữ tiền vàng của nhà nước. Anh còn đủ hồ sơ quan trọng và cả chục cuốn album chụp hình các cuộc họp, các ngày lễ.. Ngoài ra anh còn bộ sưu tầm giấy bạc Đông Dương Ngân hàng và tín phiếu Việt Minh và tiền Cụ Hồ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #49 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2010, 02:25:32 pm »

LUẬT GIA LÊ ĐÌNH CHI "MẠNG ẤY YỂU MÀ DANH ẤY THỌ"

Cử nhân luật Lê Đình Chi từng giữ chức commis greffier (lục sự) pháp đình Sài Gòn. Ông sinh năm 1912, tại Nam Định. Vào Sài Gòn sinh sống. Năm 1945, ông cùng luật sư Nguyễn Thành Vĩnh ra bưng kháng chiến. Ông Chi được anh Nguyễn Bình trọng dụng ở ngành quân pháp. Rất tiếc, anh Chi hy sinh sớm ngày 2. 6. 1949, lúc đó ông mới 37 tuổi, đang là Giám đốc Nha Quân pháp Nam Bộ. Các bạn tặng cho ông câu ca ngợi "mạng ấy yểu mà danh ấy thọ".

Cuộc càn lớn nhất Pháp đánh vào Đồng Tháp Mười ngày 2.6.1949 nhằm quảng cáo cho cái gọi là Chính phủ Quốc gia Việt Nam (État du Vietnam) do cựu hoàng Bảo Đại cầm đầu. Chúng huy động cả thủy, !ục không quân và binh chủng nhảy dù. Trong cuộc càn này, ta thiệt hại hai trí thức lớn. Đó là kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt và luật gia Lê Đình Chi, Giám đốc Nha Quân pháp Nam Bộ. Hai vị trí thức này - ông Lê Đình Chi bị trúng đạn máy bay, còn kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt bị địch bắt và đã hy sinh sau thời gian dài bị tra tấn và mua chuộc.

Lê Đình Chi sinh năm 1912, tại Nam Định. Đậu cử nhân luật năm 1935, không tham chính - từ chối chức tri huyện vào Sài Gòn làm commis greffier tại Tòa áo đỏ (Đại hình) Sài Gòn. Là người trí thức sớm giác ngộ từ năm 1936, trong phong trào Đông Dương đại hội, ông tham gia tranh đấu đòi mở rộng dân chủ, nâng cao dân sinh, cải thiện dân trí nhân lúc Mặt trận Bình dân lên cầm quyền bên Pháp. Ngôi nhà và cũng là văn phòng luật gia của ông, số 132 Lagrandière (Lý Tự Trọng) đồng thời là nơi cất giấu tài liệu bí mật, vũ khí, cờ, khẩu hiệu... Còn là nơi nương náu của ác đồng chí đang bị truy nã như Phan Đình Công (sau này là Chi đội phó Chi đội 10 Biên Hòa), Hà Mâu Nhai (sau này là Giám đốc Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh), Lê Đình Nguyên, Phạm Văn Uyển, Nguyễn Văn Bàng, Lê Văn Chữ, Phạm Minh Chuẩn...

Ngày ta cướp chính quyền Sài Gòn - 25.8.1945, ông Chi tham gia cuộc họp của giới thẩm phán và luật sư.

Ngày 23.9.1945, khi Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, Lê Đình Chi chạy ra ngoại ô Thị Nghè. Tại đây, ông được liên lạc đưa qua chiến khu An Phú Đông, bên kia dòng sông Sài Gòn. Ông từng tham gia hội nghị về việc thi hành Hiệp ước 6.3.1946, tại miếu Bà Cơ , Đại An, cùng với Huỳnh Văn Nghệ, Võ Bá Nhạc, Phạm Thiều. Lúc này ông là Trưởng phòng Quân pháp Quân khu 7.

Ông Chi tập hợp một số trí thức như sinh viên luật Trần Văn Quới (Bảy Quới) để dịch sách luật như cuốn Code pénal modifié (Luật cải cách). Các phiên tòa án binh trong Quân khu 7 diễn ra rất nghiêm túc, có đủ hội đồng xét xử như chánh án, hội thẩm, công tố viên, luật sư... Những đêm tòa án binh xét xử trong vườn cao su huyện Bình Chánh có đèn điện với máy nổ, máy phóng thanh, với bục xét xử trên cao, với vành móng ngựa và hai tiểu đội lính gác trông thật uy nghi, ấn tượng "công thưởng-tội trừng" kẻ chữ to trắng trên nền vải đỏ - dạy cho quân và dân trong chiến khu biết sống tôn trọng luật pháp - tuy là bất thành văn nhưng được mọi người tôn trọng. Đó là đóng góp lớn của Phòng quân pháp do ông Lê Đình Chi phụ trách. Năm 1947, khi anh Ba Bình về Nam Bộ giữ hai chức ủy viên quân sự Nam Bộ kiêm Phó chủ tịch ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, ông Lê Đình Chi được đề bạt Giám đốc Nha quân pháp Nam Bộ.

Thêm một đóng góp lớn của ông Chi - mở các lớp đào tạo cán bộ tư pháp, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp. Ông mất rồi nhưng số học trò do ông đào tạo ngày nay vẫn giữ nhiều trọng trách trong các ngành tư pháp. Các sách do ông soạn thảo như Luật hiến pháp sơ giảng, Hình luật sơ lược, Hình luật tố tụng, Luật vi cảnh, Quân luật Việt Nam là những bộ sách quí trong những năm đầu kháng chiến, khan thiếu sách luật.

Ngày 2.6.1949, ông Lê Đình Chi trúng đạn máy bay tại chợ Mỹ An, làng Tân Hòa Đông, tỉnh Tân An. Năm ấy, ông vừa tròn 37 xuân. Người đời sau tiếc một trí thức có công trong ngành tư pháp cách mạng lại vắn số nên tặng cho ông mấy chữ "mạng ấy yểu nhưng danh ấy thọ".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM