Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:23:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nam Bộ - Những nhân vật một thời vang bóng  (Đọc 113141 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 03:54:23 pm »



NAM BỘ - NHỮNG NHÂN VẬT MỘT THỜI VANG BÓNG

Tác giả : NGUYÊN HÙNG
NXB Công An Nhân Dân 2003
Khổ 13 x 19. Số trang : 319

Số hóa: hoi_ls








CHƯƠNG I: NHỮNG ÁNH SAO TRONG ĐÊM DÀI NÔ LỆ
* NGUYỄN AN NINH THẦN TUỢNG CỦA DÂN NAM KỲ
* UNG VĂN KHIÊM ĐÁ GIÒ LÁI CÒ BAZIN
* CHÂU VĂN LIÊM NGƯỜI THẦY GIÁO CÁCH MẠNG
* HÀ HUY GIÁP NHÂN CÁCH CAO ĐẸP
* DƯƠNG BẠCH MAI VÀ CHỦ TRƯƠNG THƯƠNG THUYẾT VỚI CHÍNH PHỦ HỒ CHÍ MINH CỦA PHÁP
* NGUYỄN VĂN TẠO HAI LẦN ĐẮC CỬ HỘI ĐỒNG TP. SÀI GÒN
* NGUYỄN VĂN TRÂN NGƯỜI CẢM HÓA GIANG HỒ BÌNH XUYÊN

CHƯƠNG II: NHỮNG NHÀ CÁCH MẠNG
* PHẠM HÙNG HAI LẦN TỬ HÌNH VẪN HIÊN NGANG TRƯỚC CHÁNH ÁN PHÁP
* GIÁO SƯ TRẦN VĂN GIÀU TỪ KHÁM LỚN SÀI GÒN TỚI TÀ LÀI
* BÁC SĨ PHẠM NGỌC THẠCH NHÀ NGỌI GIAO TRONG BÓNG TỐI
* DƯƠNG QUANG ĐÔNG VÀ MẬT VỤ Ở XIÊM

CHƯƠNG III: CÁC TƯỚNG LĨNH
* TRUNG TƯỚNG NGUYỄN BÌNH VỊ TƯỚNG CÓ TÁC PHONG HẢO HỚN
* HUỲNH VĂN NGHỆ ĐẤU LÝ CÒ BAZIN
* “TIỂU TƯỚNG” TÔ KÝ CHINH PHỤC “NGƯU MA VƯƠNG”
* HUỲNH PHAN HỘ ANH KHU TRUỞNG BIỆN SÂN
* CAO MINH CĂNG TAY KHÔNG BẮT SỐNG ĐẠI TÁ CÉDILE
* NGÔ THẤT SƠN THÁCH THỨC CHỦ NGỤC PHÁP

CHƯƠNG IV: CÁC THẦY KIỆN KHOÁC ÁO CHIẾN BÀO
* LUẬT SƯ NGUYỄN HỮU THỌ TRONG MẮT TRÍ THỨC DÂN CHỦ PHÁP
* PHẠM NGỌC THUẦN MỘT MÌNH RA BÁO
* LUẬT SƯ PHẠM VĂN BẠCH VẠCH TRẦN TỘI ÁC ĐẾ QUỐC MỸ
* LUẬT SƯ TRỊNH ĐÌNH THẢO
* LUẬT SƯ THÁI VĂN LUNG
* LUẬT SƯ NGUYỄN THÀNH VĨNH HIẾN 200 LẠNG VÀNG CHO CHIẾN DỊCH CẦU KÈ
* LUẬT GIA LÊ ĐÌNH CHI "MẠNG ẤY YỂU MÀ DANH ẤY THỌ"
* LUẬT SƯ TRẦN VĂN KHƯƠNG VỚI GIAI THOẠI CHÂU VỀ HIỆP PHỐ
* LUẬT SƯ TẠ MINH LONG
* LUẬT SƯ HOÀNG QUỐC TÂN

CHƯƠNG V: CÁC NỮ HỔ TƯỚNG NGÀY ẤY
* BÀ HỒ THỊ BI ĐUỢC TÂY PHONG " MA-ĐAM 131 "
* BÀ NGUYỄN THỊ ĐỊNH LINH HỒN ĐỒNG KHỞI BẾN TRE
* LAN CÂY THỊ THỦ VAI NỮ KÝ GIẢ DIỆT XẾP BÓT CÂY MAI
* CHỊ THANH QUÝ HAI ÁN TỬ HÌNH
* CHỊ MUỜI MẪN TAY NGANG DIỆT ĐỊCH

CHƯƠNG VI: NHỮNG NGƯỜI TÙ ĐƯỢC ĐỊCH NỂ TRỌNG
* HOÀNG XUÂN BÌNH VÀ TÌNH BẠN VỚI MỘT SĨ QUAN PHÁP
* PHẠM VĂN CÒN NGUỜI TÙ LẪM LIỆT
* KỸ SƯ TRỊNH VĂN HÀ TỔNG ĐẠI DIỆN KHÁM LỚN RA CÔN ĐẢO
* DŨNG KHÍ NGUYỄN NGỌC NHỰT
* KỸ SƯ LÊ VĂN THẢ NGUỜI TÙ "DAGÉNAN"

CHƯƠNG VII: CHIẾN SĨ BIỆT ĐỘNG ĐẠI NÁO VÙNG TẠM CHIẾM
* TRẦN HIẾN LÁ BÀI TẨY CỦA C.50
* VÕ GIA PHỤC QUỐC "KINH KHA" VIỆT NAM
* ANH THỢ HỚT TÓC VÕ HỒNG TÂM LÀM NÁO ĐỘNG SÀI GÒN

CHƯƠNG VIII: CÁC THUYỀN TRƯỞNG DỌC NGANG VỊNH THÁI LAN
* THUYỀN TRƯỞNG TƯ HÓA XỨNG DANH SÓI BIỂN
* THUYỀN TRUỞNG BẢY NGẠNH HAI LẦN RA CÔN ĐẢO RUỚC 900 TÙ CHÍNH TRỊ
* THUYỀN TRUỞNG SÁU HOÀI ĐƯA KHẨU 105 LY VÔ KHU
* THUYỀN TRUỞNG MƯỜI THÔI VỚI TÀU DARATHIP



LỜI GIỚI THIỆU

Nam Bộ - những nhân vật một thời vang bóng viết về khoảng 40 nhân vật từng tham gia kháng chiến. Họ đã cống hiến, đóng góp rất nhiều công sức, xương máu và một lòng phục vụ, đi theo lý tưởng. Qua đây tác giả phần nào đã khắc họa được cuộc chiến cam go, hào hùng, những con người đầy khí phách hiên ngang, sẵn lòng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của vùng đất Nam Bộ một thời vang bóng.

Tập sách này không theo một tiêu chí nào và tác giả cũng không tham vọng để viết về toàn bộ và trọn vẹn các nhân vật trong thời kỳ chống Pháp và Mỹ. Đây chỉ là lập hợp những bài viết của tác giả Nguyên Hùng, vốn là nhà báo thời đó. Ông đi nhiều, gặp nhiều, viết nhiều và muốn bằng những trang viết của mình đưa đến độc giả, nhất là các bạn trẻ, một nguồn nhiều tham khảo để tìm hiểu thêm về thời kỳ này qua góc nhìn của một nhà văn, nhà báo - một tác giả rất đáng tin cậy trong mảng tư liệu. Tuy nhiên không tránh khỏi sai sót, mong bạn đọc lượng thứ.

Nhà xuất bản Công an Nhân dân xin trân trọng giới thiệu.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Giêng, 2021, 02:44:00 pm gửi bởi ptlinh » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 04:12:16 pm »

NGUYỄN AN NINH: THẦN TƯỢNG CỦA DÂN NAM KỲ



Ông Nguyễn An Ninh, sinh năm 1900 tại Cần Giuộc, đậu cử nhân Luật ở Pháp... Về nước làm báo, ông sáng lập tờ La Cloche Fêlée (Tiếng Chuông Rè) nhằm mở mang dân trí và tố cáo thực dân. Báo bị đóng cửa, ông đạp xe đạp bán đầu cù là khắp nơi với dụng ý tiếp xúc, giáo dục dân quê và lòng yêu nước, yêu công bằng, yêu tự đo, dân chủ. Ông bị bắt năm lần, lần sau cùng đày ra Côn Đảo từ năm 1939, ông mất ngoài đảo năm 1943, lúc 43 tuổi.

Dân Nam Bộ xem ông Nguyễn An Ninh là thần tượng tuy "mạng ấy yểu mà danh ấy thọ”.


Dòng dõi Đoàn Thị Điểm
Theo gia phả thì ông họ Đoàn, quê ở Hưng Yên. Đoàn Công Chẩn, cháu của Đoàn Thị Điểm đã lãnh đạo phong trào nông dân bị triều đình xử trảm, anh em của ông Chẩn bỏ xứ trốn vào Bình Định, họ Đoàn đổi sang họ Nguyễn. Một trong ba anh em là Đoàn Công Hòa đổi tên thành Nguyễn Chuẩn Trực, sinh 2 con là Nguyễn Thị Thắng và Nguyễn An Nghi. Ông Nghi lấy vợ là bà Dương Thị Hiển sinh ra Nguyễn Thị Xuyên, Nguyễn An Khương và Nguyễn An Cư. Lưu lạc vào Nam Kỳ, ông Khương mở khách sạn Chiêu Nam Lầu, kết duyên với bà Trương Thị Ngự, sinh bốn người con: Nguyễn An Thái, Nguyễn An Thường, Nguyễn Thị Năng và Nguyễn An Ninh. Ba anh chị mất sớm, Ninh được coi là con một.

Nguyễn An Ninh sinh ngày 15.9.1900 tại làng Long Thương (là quê mẹ), quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn. Về đường học vấn, có thể nói anh là thần đồng, ở cấp nào cũng là học sinh giỏi. Lên trường lớn Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quí Đôn). Mới 15 tuổi đã đậu Brevet với ưu hạng. Vừa ra trường Ninh được báo Pháp nhận làm biên tập với lương 50 đồng. Năm sau, Ninh ra Hà Nội học cao đẳng Y, nhưng sau đó chuyển sang ngành Luật. Sang Pháp học lúc đúng 18 tuổi và đúng 20 tuổi Ninh đậu cử nhân trên đất Pháp. Đậu cử nhân rồi, Ninh còn ở lại Pháp học nữa để lấy bằng Tiến sĩ Luật. Nhưng Ninh mê say chính trị và lân la làm quen với chính giới ở Paris.

Đến năm 1920, cậu cử Ninh gặp các nhân vật Tây nể sợ là Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh.

Bọn thực dân quan tâm tới anh ngay khi Ninh bỏ trường Y để chuyển sang ngành Luật, lúc ấy tên thống đốc Nam Kỳ (ra đánh điện sang Paris cảnh báo “Chính phủ không cho phép người dân bản xứ (thuộc địa) được vào học các trường đại học ở Pháp". Nguyễn An Ninh đã đậu vào đại học Sorbonne với số điểm cao nhất và tất nhiên là được cấp học bổng.

Thời gian ở Pháp, Ninh tới các câu lạc bộ sinh viên và trí thức ở Montparmasse và khu sinh viên Saint Germain des Prés giao du với giới văn nghệ sĩ tiến bộ. Phong thái khoáng đạt của Ninh cũng phát triển mạnh vào lúc này.

Trở về nước coi mắt vợ
Đang chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ Luật, Ninh được thư nhà gọi về coi mắt vợ. Là con có hiếu, được thư cha, Ninh thu xếp về nước. Ninh hỏi người bạn thân là Lý Văn Miêng, người được gia đình Ninh nhờ chuyển thư tới Ninh:

- Cô ta là người thế nào?

- Cô tên Êmilie Penne, người Việt gốc Miên, quốc tịch Pháp.

- Cha mẹ làm gì?

- Là ông Bang biện Bền, đại điền chủ ở Sóc Trăng.

Gia đình Bang biện Bền kén rể tri thức, học ở Pháp, gia đình cũng được thơm lây. Cô Emilie cũng mơ một tấm chồng như thế nên vừa thấy Ninh là chấm ngay. Với bằng tiến sĩ Luật, Ninh về nước là nắm chắc chức tòa áo đen, áo đỏ, bằng không thì cũng là luật sư tòa thượng thẩm.

Lễ đính hôn tiến hành nhanh gọn. Vài ngày sau, Ninh trở sang Pháp tiếp tục học. Đó là ngày 25.7.1920, Ninh mới 20 tuổi.

Song song với việc học luật, Ninh hoạt động xã hội, tham gia viết tờ Le Paria (Người Cùng Khổ) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra. Mật thám Pháp báo cáo đầy đủ tên họ và học vị của họ: Tiến sĩ luật khoa Phan Văn Trường, kỹ sư hóa học, cử nhân triết học Nguyễn Thế Truyền, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, cử nhân luật Nguyễn An Ninh và Phó bảng Hán học Phan Châu Trinh.

Được tin nhà gọi về để làm lễ thành hôn. ngày 5.10.1922, Ninh xuống  tàu về nước. Cưới vợ vào tuổi 22 là quá sớm, nhất là một thanh niên hiếu học và ham hoạt động chính trị. Nhưng chữ hiếu là đức tính quan trọng nhất trong gia đình thâm Nho rộng Hán như ông Nguyễn An Khương. Tuân lệnh cha, Ninh chịu lập gia đình sớm, nhưng đám cưới của Ninh bất thành.

Về Sài Gòn đăng đàn diễn thuyết
Tiếng là về quê nhà cưới vợ, Nguyễn An Ninh vẫn không từ bỏ nỗi đam mê hoạt động chính trị. Ninh có một nhược điểm bẩm sinh: cà lăm. Để khắc phục, nhà hùng biện thường úp mặt vô lu mà hét to lên. Nhờ kiên trì tập luyện mà Ninh đẩy lùi được chứng cà lăm. Ninh nói tiếng Pháp lưu loát hơn tiếng Việt cho nên anh đăng đàn diễn thuyết bằng tiếng Pháp. Cha anh, ông Khương thắc mắc: "Con nói cho ai nghe? Người Pháp, hay đồng bào mình?", Ninh đáp: "Tất nhiên đối tượng của con là đồng bào. Nhưng con cũng muốn những người biết tiếng Pháp nghe nữa. Nó có ba điều lợi : Soạn diễn văn bằng tiếng Pháp, lời lẽ con viết thật chặt chẽ, không sai sót chút gì mà bọn cò bót, mật thám có thể bắt bẻ. Đồng bào mình sẽ lên tinh thần khi một diễn giả tranh luận công khai với bọn thực dân bằng chính ngôn ngữ của chúng. Ba là dùng tiếng Pháp để nói với đồng bào mình, dụng ý của con là tố cáo nhà cầm quyền thực dân đã hạn chế việc sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày.

Lần đầu tiên cử nhân luật Nguyễn An Ninh diễn thuyết tại Hội khuyến học Nam Kỳ số 54 đường Aviateur Garros (Thủ Khoa Huân) ngày 25. 1 .1922. Đề tài là Une culture pour les Annamiles (Một nền văn hóa cho người Việt Nam). Dư luận xôn xao. Bọn thực dân lo ngại. Nhưng Ninh vẫn tiếp tục hoài bão nâng cao dân trí nước nhà.

Ông Khương đã bình phục và gia đình đưa Ninh về Sóc Trăng làm đám cưới, đó là ngày 10.11.1922. Chuyện hết sức bất ngờ. Ninh đáp hững hờ:

- Cha mẹ cho con suy nghĩ thêm.

Anh bảo Emilie:

- Em giao việc ly dị cho luật sư. Anh nhận hết phần sai quấy...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 04:18:29 pm »

Một tháng sau, Ninh đáp tàu sang Pháp lại viết báo Le Paria. Nhiều biến cố xảy ra trong thời điểm này. Ngày 14.3. 1923, Nguyễn Ái Quốc sang Nga. Ngày 14.7, Phan Châu Trinh viết Thất điều thư gửi vua Khải Định đi dự Hội chợ quốc tế Marseille. Sự kiện này gây chấn động ở Pháp lẫn Đông Dương.

Phan Văn Trường cũng viết thư gửi Bộ thuộc địa phản đối mật thám bám sát ông ngày đêm.

Trong tình thế này, Ninh khó lòng ngồi yên, anh tự nhủ "Phải về nước hoạt động".

Tháng 9.1923, Ninh về nước. Ông Khương lâm bệnh nặng về Hóc Môn chữa trị. Ninh về quê chăm sóc cho cha. Hết dịch sách, Ninh lại tiếp tục đăng đàn diễn thuyết. Vẫn tại trụ sở Hội khuyến học Nam Kỳ, Ninh nói về đề tài: "L'ldéal de la jeunesse Annamite" (Lý tưởng của thanh niên Việt Nam). Đó là đêm 15.10.1923. Những người đến nghe nhớ mãi lời kêu gọi của diễn giả trẻ: "Hãy tôn sùng những ai đã dùng tài năng hay thiên phú của mình nâng cao vị trí dân tộc ta trên thế giới, và những ai đã đóng góp cải thiện đời sống cho dân tộc chúng ta". Bài diễn văn gây ảnh hưởng lớn làm bọn Pháp cấm Hội khuyến học Nam Kỳ mời Nguyễn An Ninh diễn thuyết.

Tiệm ảnh lớn nhất Sài Gòn thời đó là Khánh Kỳ ở đường Bonard (Lê Lợi) in hàng ngàn tấm ảnh Nguyễn An Ninh, mặc áo dài đen, tóc cúp kiểu bom bê trông có vẻ triết nhân. Bọn trẻ tung tăng khắp các đường phố mời thiên hạ mua ảnh Nguyễn An Ninh. Chuyện tuy nhỏ nhưng làm cò bót, mật thám hầm hừ khó chịu.

Vì sao có báo Tiếng Chuông Rè?
Thống đốc Cognacq theo dõi các hoạt động chính trị của Nguyễn An Ninh với nỗi lo của kẻ cai trị theo đúng bài bản ngu dân. Phải chấm dứt các hoạt động nguy hiểm của tay trí thức yêu nước này. Hắn cho xe tới tận vườn rước Ninh về văn phòng. Kế bên Cognacq có Arnoux, trùm mật thám Nam Kỳ.

Ngay lúc đầu, Cognacq đã lộ vẻ xấc láo:

- Không cần tri thức ở đất Nam Kỳ này, nếu anh muốn làm trí thức, hãy cút sang Moscou.

Ninh vẫn im lặng, Cognacq đổi giọng ngon ngọt:

- Anh học giỏi, tài cao, sao không ra làm quan? Rồi thì tương lai sẽ bảo đảm, vợ đẹp, con ngoan?

Ninh cười:

- Tôi đi học không để ra làm quan.

Cognacq liền đổi sắc mặt:

- Để làm chính trị hả? Khám lớn luôn mở rộng và Côn Lôn (Côn Đảo) sẵn sàng chờ anh đó. Tùy anh chọn lựa. Với những bài diễn thuyết ca ngợi tinh thần chống đối, với giọng điệu phiến loạn, anh sẽ biết những biện pháp mạnh của ông Arnoux.

- Tại sao ông cho những bài diễn thuyết của tôi là giọng phiến loạn? Tôi sẽ tranh luận với ông tới cùng. Tôi chỉ là người gióng tiếng chuông cảnh tỉnh đồng bào tôi...

Cognacq khinh thị:

- Tiếng chuông của anh chỉ là tiếng chuông rè (nguyên văn: La cloche fêtée).

Ninh mỉm cười lẩm bẩm "Tiếng chuông rè! Tiếng chuông rè! Hay! Mình sẽ ăn miếng trả miếng thằng cáo già này bằng cái chuông rè mà nó gợi ý cho mình!".

Tiếng Chuông Rè ra mắt. Thống đốc Cognacq đau như hoạn. Hắn nhớ rỡ ngày lịch sử đó: Ngày 10.1.1923. Có chuyện lạ chưa từng thấy là chủ báo, ký giả, sửa bài, bán báo đều do đích thân ông Ninh làm hết. Báo vừa in xong, ông ôm báo chạy ra đường rao bán thành thạo như các em chuyên nghiệp bán báo dạo. Dân đã có cảm tình trước nên vui vẻ mua, dù họ không biết tiếng Pháp. Không hề gì! Họ sẽ nhờ người khác đọc và dịch giùm. Cái chính là ủng hộ một trí thức dám bỏ hết tất cả để theo đuổi cái nghề nguy hiểm và bạc bẽo là nghề làm báo.

Về phía thực dân, ngay cái tên tờ báo La Cloche Fêlée, cáo già Cognacq biết rõ là ông Ninh chơi trò gậy ông đập lưng ông. Mới tháng trước đây, hắn còn chê tiếng chuông của Ninh là rè, là nứt, bây giờ tiếng chuông rè và nứt đó nện thẳng vào tai, mắt lão. Cho nên lão điên tiết gây khó dễ, nào cấm nhà in in báo cho ông Ninh, nào cấm công chức đọc báo ông Ninh, ai đọc sẽ bị cảnh cáo, bị bắt gặp có báo ông Ninh trong nhà sẽ bị kỷ luật...

Đến số 12 thì các nhà in đều sợ thống đốc trừng phạt, không dám in báo ông Ninh. Để giúp con toại nguyện, ông Khương đã bán ruộng ở Rạch Giá cho Ninh mua nhà in. Chưa có bao giờ chủ bút và người quản lý tờ báo ăn ý như Nguyễn An Ninh với ông Dejean de la Bâtie. Hãy nghe hai ông đàm đạo:

Ông Ninh:

- Qua mười số báo, chúng ta đã làm đúng mục đích của mình. Không bài báo nào khiến chúng ta xấu hổ khi đọc lại.

De la Bâtie:

- Tôi có cảm tưởng chính anh đã chấm vào máu khi viết mấy bài ấy. Bảo ta đánh thẳng vào mấy tên Sarraut, Cognacq, không phải là chống đối cuội như các tờ khác.

Ninh nhìn bạn kết luận:

- Khi làm tờ La Cloche Fêlée, tôi nghĩ là chúng ta làm đúng vai trò coi chừng an ninh và hạnh phúc của nhân dân.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 04:26:07 pm »

Cưới vợ lần hai
Cô Sáu Sò đẹp nhất vùng cầu Ông Lãnh. Tên cô là Trương Thị Sáu, kém ông Ninh 4 tuổi. Quê làng Phước Lại, quận Cần Giuộc, cô xuất thân gia đình nghèo, cha là người Tàu, chuyên nghề bán dạo. Cha mất sớm, cô Sáu sống với mẹ nương nhờ bên ngoại. 15 tuổi, cô Sáu học nghề may. Học được nghề, cô mướn phố mở tiệm may, dần dần số thân chủ tăng lên, tiệm may của cô Sáu trở thành nơi hò hẹn của các bà các cô quen ăn diện. Cô Sáu rất mê đọc báo, cô có hai bạn thân là cô Chín Định và cô Hai Phòng, cũng là dân nghiện đọc báo. Hai cô này đọc và dịch báo Tiếng Chuông Rè cho cô Sáu nghe. Nghe riết rồi muốn tìm hiểu nhà báo. Hai bạn giới thiệu: “Ông cử Ninh là nhà báo đối lập thật chứ không phải đối lập cuội như các ông Nguyễn Phan Long và Bùi Quang Chiêu”. Một hôm hai cô mời ông Ninh tới nhà cô Sáu chơi và cô Sáu được một bất ngờ thú vị. Lâu nay cứ đinh ninh chủ báo Tiếng Chuông Rè phải là ông già đạo mạo, chừng thấy mới biết ông Ninh hơn mình có 4 tuổi và là một con người vui tính, hoạt bát, hay cười. Trong lần đó hai bên tìm hiểu nhau. Lúc đó cô Sáu đã có một số vốn khá lớn. Ông Ninh hỏi:

- May một cái áo dài bao nhiêu tiền? Cô Sáu trả công thợ bao nhiêu?

Cô Sáu thành thật cho biết giá, ông Ninh nghiêm nghị nói:

- Vậy là người thợ làm cả ngày mà chỉ được một phần mười số tiền cô Sáu thu nhập từ một cái áo dài. Cô Sáu có thấy là bất công không? Trước đây cô Sáu đã từng biết cái nghèo vì bị chủ bóc lột, sao nay cô Sáu lại quên mình đã từng là kẻ nghèo đi bán sức lao động cho người giàu?

Khi hai người quí mến nhau, ông Ninh đặt vấn đề:

- Anh xin em hai điều: Một là bỏ ý đồ mua bán làm giàu, hai là về Trung Chánh mà ở.

Khi tình yêu chân thành đã đến thì mọi thứ khác đều vô nghĩa, cô vui lòng bỏ ý định làm giàu để về Hóc Môn lo quản lý vườn tược để ông Ninh rảnh tay hoạt động báo chí. Cưới vợ được hai tháng, ông Ninh sang Pháp lần thứ 4 vào ngày 10.1.1925. Ông tới Hội quán Sociétés des Savants số 8 Danton diễn thuyết, giới thiệu tờ La Cloche Flée. Bọn mật thám liền báo cáo nội dung diễn thuyết của Ninh trong đó có câu làm bọn thực dân giật mình: "Cách mạng sẽ đến Đông Dương trong vài năm nếu thực dân Pháp không cải thiện chế độ thối nát”.

Ngồi tù khám lớn lần đầu
Câu chuyện bắt đầu từ việc Pháp trục xuất nhà báo Trương Cao Động về Trung Kỳ. Vì chính sách chia để trị của thực dân thì Nam Kỳ là thuộc địa còn Bắc và Trung Kỳ là bảo hộ. Pháp có quyền đuổi dân Bắc và Trung kỳ ra khỏi Nam Kỳ. Trương Cao Động kháng lệnh, cho rằng mình sinh đẻ ở Đà Nẵng, là đất thuộc Pháp. Ông Ninh tổ chức cuộc nói chuyện phản đối việc trục xuất Trương Cao Động. Trước đó báo La Cloche Flée viết mấy bài. Truyền đơn cũng được viết mạnh: "Ớ đồng bào, gục đầu mãi mà làm trâu ngựa hay sao? Ai đâu là người biết thương, biết giận, biết tức, còn giữ một chút đứng đắn làm người. Xin ngày Chúa nhật 21 Mars này, 8 giờ sớm mai đến tại miếng đất bà đốc phủ Nguyễn Tấn Tài đường Lanzarotte (xóm Lách). Ký tên: E. Dejean de la Bátie, Nguyễn An Ninh..".

Ông Ninh nói cả tiếng đồng hồ, được đồng bào vỗ tay nồng nhiệt. Ông tố cáo người Pháp đóng vai người đi cày còn người Việt thì thủ vai trâu bò. Và hô hào đồng bào phải được một quyền tự do dân chủ.

Ngay ngày hôm sau biên bản cuộc họp được in thành truyền đơn tựa là Cho Chính phủ biết đưa ra 5 điều như sau: "Nếu chánh phủ thật muốn Pháp - Việt đề huề, thật muốn dân An Nam tấn hóa, thì ít nữa phải ra luật vững vàng mà:

1. Bỏ các luật định về tội riêng của người bổn thổ, bỏ các luật cho phép người mướn công được xin bỏ tù người làm công, bỏ cái luật cho phép người bổn thổ và người ngoại quốc được xin giam thân những người bổn thổ mắc nợ. Buộc Chánh phủ ngoài các tội mà luật đã định, không được đụng đến tự do của người An Nam và định tội phạt cho thật nặng những kẻ làm trái phép. Chánh phủ phải trả ngay Trương Cao Động cho đất Nam Kỳ đặng Trương Cao Động chống án về việc bị bắt ngang, và đặng làm bằng rằng chánh phủ không còn áp chế như xưa nữa.

2. Cho dân An Nam làm báo tự do như làm bên báo Tây.

3. Cho dân An Nam hiệp hội tự do như bên Pháp.

4. Cho dân An Nam lập trường dạy học tự do như khi trước.

5. Cho dân An Nam đi du học và đi làm ăn tự do như ở ngoại quốc. Bằng chánh phủ không cho dân An Nam các điều cần thiết này,chúng tôi xin không tin lòng tốt của Chánh phủ và cùng nhau thề nguyện đồng tâm hiệp lực mà giải thoát cho dân Nam Việt.

Bùi Quang Chiêu là kẻ thân Pháp, chủ trương Pháp - Việt đề huề. Chúng đang chuẩn bị tiếp đón tên này. Ông Ninh đã vận động khoảng 50.000 người tới bến tàu để phá cuộc đón tiếp long trọng bọn thực dân dành cho tên cò mồi của chúng.

Trưa ngày 24.3.1926, ông Ninh đang ngồi ăn bánh hỏi thịt quay trong vườn nhà thì hai cảnh sát tới mời về dinh Thống đốc nhưng xe lại chạy thẳng vô Khám Lớn Sài Gòn. 7 giờ sau khi ông Ninh nằm Khám Lớn, tàu Amboise cặp bến Nhà Rồng. Cuộc tiếp đón Bùi Quang Chiêu bị 50 ngàn người chống đối. Lính cảnh sát phải nổ súng thị uy. Bùi Quang Chiêu lên bờ, theo sát chánh mật thám Arnoux.

Cũng trong ngày 25.3.1926. cụ Phan Châu Trinh tạ thế vào 21 giờ 30 phút tại nhà ông Ninh. Thi thể Cụ chuyển từ Hóc Môn về nhà ông Huỳnh Đinh Điển, 54 Pellerin (Pasteur).

Tiếng Chuông Rè số 58 ra ngày 19.4.1926 đăng lá thư của trên ngàn người yêu cầu Toàn quyền trả tự do cho Nguyễn An Ninh.

Ngày 20.4.1926, tòa xử công khai vụ án chính trị Nguyễn An Ninh. Dân kéo tới đông nghẹt pháp đình. Tòa phải hoãn ngày xử vì sợ không giữ được an ninh trật tự.

Phiên tòa có hai luật sư người Pháp Lefévre và Gallet biện hộ cho ông Ninh, khán giả đặc biệt thích thú khi ông Ninh "ăn miếng trả miếng" với chánh án.

Chánh án:

- Thời gian du học ở Pháp, ông thăm những nước nào?

Nguyễn An Ninh:

- Áo, Ý, Đức, Hà Lan, Bỉ. Nhưng... tôi nghĩ những câu hỏi này ngoài cuộc luận tội.

Chánh án:

- Tòa rất để ý tới những câu hỏi này. Hay là ông muốn lên chỗ của tôi mà ngồi?

Nguyễn An Ninh:

- Tùy ông !

Chánh án:

- Ông đã diễn thuyết bên Pháp là trong vòng 4 năm nữa ở Đông Dương sẽ có loạn lớn?

- Tôi chỉ tiên liệu.

Tòa xử Nguyễn An Ninh 2 năm tù.

Ngày 27.4. 1926, ông Ninh viết thư chống án. Tòa giảm án ông Ninh 18 tháng tù.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 04:33:38 pm »

Ngồi tù khám lớn lần hai
Tin chủ báo Tiếng Chuông Rè bị tòa xử 18 tháng tù vang dội tới Paris. Có báo nêu khẩu hiệu : À bas le Docteur Cognacq (Đả đảo Cognacq) Vive Nguyễn An Ninh (Hoan hô Nguyễn An Ninh).

Báo Việt Nam Hồn còn đăng bài phát biểu của nhà văn Romain Rolland, xin trích đoạn chót: "Các bạn sinh viên và công nhân An Nam, xin hãy nắm lấy tay tôi. Chúng ta có một kẻ thù chung là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và những quyền lợi dưới cái tên đó. Châu Âu vĩ đại, châu Á vĩ đại là hình bóng của tương lai đang cần đến sự góp sức của các bạn".

Trước làn sóng dư luận dữ dội ngay trên chính quốc, thực dân buộc lòng phải thả ông Ninh, sau khi giam ông 289 ngày. Được tin này, bà Ninh bao nguyên xe thổ mộ từ Hóc Môn xuống Sài Gòn rước ông Ninh về. Ngang chợ Bà Chiểu, ông Ninh cho xe dừng lại gánh mì, ăn liền 4 tô, ăn xong, ông nói "Má thằng Định ơi, nó bắt được một lần là nó bắt hoài. Từ nay khám lớn là nhà của tôi rồi. Vậy chuyện gia đình, má nó lo liệu mà gánh vác".

Lời tiên đoán đó rất đúng và ông Ninh còn trở lại "ngôi nhà của mình" nhiều lần nữa...

Uy tín ông Ninh rất lớn. Có nhà treo ảnh ông trên bàn thờ giữa nhà. Có người lạy ông khi ông vừa bước vô nhà. Ông Ninh không bằng lòng về sự ngưỡng mộ thái quá, nó chứng tỏ dân trí còn thấp kém của dân quê. Các cuộc xuống làng xóm hẻo lánh của ông Ninh nhằm mục đích tuyên truyền cổ động thanh niên gia nhập Đảng Thanh Niên Cao Vọng của ông, tính sơ đã lên tới 7.000 người.

Tổ chức Đảng Thanh Niên Cao Vọng rất đơn giản... Dưới lãnh tụ Nguyễn An Ninh có Đầu Dây chia từng vùng, kế tới Đầu Chỉ và chót hết là Đầu tức đảng viên.

Thanh Niên Cao Vọng của ông Ninh là chủ lực trong cuộc mít tinh dự giỗ đầu cụ Phan Châu Trinh ngày 24.3.1927. Trời mờ sáng, hàng chục ngàn người từ các nơi kéo về, tay cầm đuốc sáng lòa. Nhà báo Trần Huy Liệu đọc diễn văn, kế là ông Ninh phát biểu. Cụ nói rõ là: "NgườiViệt Nam có thể cộng tác với một chánh phủ công bằng và tự do, không phải là một chánh phủ đế quốc và độc tài. Còn với việc bom đạn, nếu tôi có một quân đội và đủ sức hoạt động, tôi sẽ đuổi bọn xâm lăng nước này ra khỏi bờ cõi".

Ngày 27.3.1927, Phan Văn Trường ra tòa, lãnh 2 năm tù về tội xúi giục nổi loạn chống Pháp. Ông Trường chống án. Trong thời gian này, ông Ninh xuất bản vở tuồng Hai Bà Trưng, bị Pháp tịch thu vì nội dung chống xâm lăng. Không làm báo, ông Ninh xuống tận làng xóm nói chuyện trực tiếp với dân.

Tại làng Bình Nhựt, vận động thanh niên vào Đảng Cao Vọng, ông Ninh nói:

- Chúng ta đòi hỏi chính quyền thực thi 5 điểm như sau: Một: Nghị viện Nam Kỳ phải có 100 ủy viên, trình độ học vấn phải là Thành Chung. Hai : Người An Nam được tự do đi Pháp và ngoại quốc. Ba: Tăng lương anh em binh sĩ. Nếu có chiến tranh, không được bắt họ sang Pháp làm bia đỡ đạn. Bốn: Quy định thuế thân là 6 đồng một năm. Năm: Người An Nam được quyền viết báo quốc ngữ, xóa bỏ chế độ kiểm duyệt.

Ông Ninh đưa bản kiến nghị cho mọi người ký tên trước khi chuyển tới tận tay Thống đốc Nam Kỳ.

Tan buổi họp, ông Ninh ra ga Bến Lức về Sài Gòn thì bị hai tên lính làng tới xét giấy thuế thân người bạn cùng đi với ông Ninh là Phan Văn Hùm rồi mời về nhà việc. Vài ngày sau đó có lệnh truy nã Nguyễn An Ninh.

Biết trốn tránh không được, ông Ninh quyết định nạp mình. Ông mặc toàn đồ trắng. Bà Ninh hỏi, ông nói:

- Mình phải giữ mình trong sạch khi bước vô chỗ bùn nhơ.

Thế là ông Ninh vào ngồi tù khám lớn lần hai. Đó là năm 1928, lúc ông đúng 28 tuổi.

Bị bắt lần ba
Dụ dỗ ông Ninh không được, thực dân tính kế khác. Ở Củ Chi có nhóm du đãng do 2 tên Nghĩa và Gạo cầm đầu. Dân Củ Chi thưa, hai tên này bị bắt vô Khám Lớn. Thầy chú hứa sẽ tha nếu chúng khai là đảng viên Hội kín của Nguyễn An Ninh. Dựa vào lời khai láo của hai tên này, Pháp bắt hàng loạt mấy trăm người và ngày 8.5.1929, Tây đưa ông Ninh ra tòa tuyên án 3 năm tù, 1.000 quan tiền phạt vạ, mất quyền công dân 5 năm.

Năm 1930 tình hình căng do các đảng Cộng sản thống nhất và hoạt động mạnh. Pháp đẩy ông Ninh về Hà Tiên, nhưng chủ tịch Hà Tiên không dám nhận một người tù quan trọng cỡ ông Ninh, nên phải trả ông Ninh về Khám Lớn. Đến ngày 3.10.1931, ông Ninh được ra tù sau khi đã nằm 1.096 ngày trong Khám Lớn.

Đi bán dầu cù là
Năm 1931 có 2 biến cố lớn: Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương chết tại Nhà thương Chợ Quán vì đòn tra của mật thám ngày 6.9. Vài tháng sau, Lý Tự Trọng mới 16 tuổi bị xử chém ngày 21. 11. Mật thám theo dõi ngày đêm ông Ninh. Do vậy, ông Ninh đổi phương cách hoạt động. Ông đạp xe đi bán dầu cù là. Để có bạn đồng hành, ông Ninh về Đa Phước tìm ông Nguyễn Văn Trân (Bảy Trân). Ông Trân cùng học bên Pháp rồi sang Nga học trường Staline 3 năm để trở về hoạt động ở Liên tỉnh ủy Hậu Giang. Bấy giờ ông Trân phụ trách kinh tài dưới sự chỉ huy của Hà Huy Tập. Nghe ông Ninh rủ đi bán dầu cù là khắp miền quê lục tỉnh, Bảy Trân đồng ý ngay. Vậy là 2 ông "o bế" xe đạp thật “ngon" để rong ruổi trên đuờng thiên lý, trước bán dầu cù là, sau tuyên truyền mở mang dân trí,đem ánh sáng tới tầng lớp ít học nơi đồng quê.Dân vùng Hóc Môn, Bà Điểm còn nhớ bài thơ Cù là ai đó làm ra tặng ông Ninh:

"Cù là hay lắm mấy ông ơi,
Dấu hiệu An Ninh thí nghiệm rồi
Quệt thử bên hông, chum mật nhảy
Uống vào trong bụng, huyết tim sôi
Mùi thơm qua mũi, thông lên óc
Hơi nóng ngoài da, thấu ruột dồi
Hỡi kẻ đồng bang mau xức thử
Mù điên mau hết bịnh thì thôi”.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 04:41:10 pm »

Dù đi bán dầu cù là, ông Ninh vẫn say mê nghề báo.Tháng 10.1932, ông bàn với ông Tạo mua lại tờ Trung Lập của Henri de Lachevrotière. Trên báo Trung Lập, ông Ninh ký tên Thông Reo. Năm ấy có cuộc bầu cử Hội đồng thành phố. Hai ông Ninh và Tạo đưa ra hai sổ lao động để tranh cử. Đại biểu hai sổ này đều là nguời cộng sản, một chuyện mới lạ tại Sài Gòn. Để tranh cử thắng lợi, ông Ninh bàn với ông Tạo ra thêm một tờ báo nữa. Ngày 24.4.1933, tờ báo La Lutte (Đấu tranh) ra đời, viết bằng tiếng Pháp. Báo La Lutte viết mạnh và được dân Sài Gòn ủng hộ. Ngày 30.4.1933, hai ông Nguyễn Văn Tạo và Trần Văn Thạch cùng đạt 457 phiếu thắng đảng Lập Hiến. Thắng lợi này phần lớn nhờ công ông Ninh.

Toàn quyền Pasquier không thể chịu được sự kiện Nguyễn Văn Tạo từng bị trục xuất về nước nay lại đắc cử Hội đồng thành phố. Ông ta ra lệnh đóng cửa tờ Trung Lập, và dùng mọi cách để phá tờ La Lutte. Ngày 2.6. 1933, La Lutte tự đình bản.Thực dân lại xóa bỏ cuộc bầu cử viện cớ Nguyễn Văn Tạo mới 25 tuổi và phải nộp thuế trực thu 25 đồng.

Cũng trong năm 1933, nhà văn Pháp Paul Vaillant Couriturier, ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp sang thăm Việt Nam. Hai ông Ninh và Tạo tiếp đón và trình bày thực trạng thuộc địa Đông Dương.

Hôm sau, nhà văn Couriturier họp mít tinh tại rạp Khánh Hội tố cáo chế độ thực dân đã tù đày nhân dân yêu nước Việt Nam suốt mấy chục năm đô hộ.

Thực dân ngang nhiên bắt Nguyễn An Ninh và Nguyễn Văn Tạo. Đây là lần thứ 3 ông Ninh nằm khám lớn.

Ngày 26.10.1936, ông Ninh tuyệt thực. Tòa án sợ tuyệt thực đưa tới kết quả xấu, nên nhượng bộ, cho bà Ninh đưa ông Ninh về vườn dưỡng bệnh.

Tờ La Lutte có chia rẽ, ba ông Ninh, Tạo và Nguyễn Văn Nguyễn tách ra tìm cách xuất bản tờ L’Avant Garde do ông Hà Huy Tập trục tiếp chỉ đạo, ông Nguyễn làm thư ký tòa soạn. Năm 21 tuổi, Nguyễn bị bắt ở Trà Vinh bị đày ra Côn Đảo. Mãn tù, Nguyễn về Sài Gòn viết báo La Lutte. Nguyễn và Ninh quen nhau trong thời gian này. Ngày 7.5.1937, dân Càng Long (Trà Vinh) tổ chức mít tinh đòi bỏ thuế thân, tăng lương, bớt giờ làm, cảnh sát và mật thám nổ súng đàn áp, Ninh và Nguyễn trốn về Mỹ Tho rồi lên Sài Gòn.

Chánh Sở Mật thám Nam Kỳ ký lệnh truy nã Nguyễn An Ninh. Báo L’Avant Garde ngày 23.6.1937 đăng bức thư ông Ninh giải thích vì sao không ra trình diện. “Tôi quyết định không ra hầu tòa vì tôi đã nhận thức làn sóng đàn áp dữ dội trút lên đầu những ai có thiện chí cầu mong tiến bộ và cải thiện đời sống cơ cực của nhân dân Đông Dương. Chỉ có bọn ngây ngô và những tên khiêu khích mới tin nơi công lý. Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi phải tự ban quyền tự do tạm thời như là cách tự vệ cũng là để khiếu nại".

Ngày 7.9.1937 ông Ninh bị bắt và đưa về Trà Vinh xét xử. Tòa tuyên án ông Ninh 5 năm tù, 10 năm biệt xứ. Ông Ninh chống án và được đưa về Sài Gòn. Ngày 1.4.1938 tòa xử lại, ông Ninh chỉ còn 4 năm tù và 10 năm biệt xứ. Ông Ninh lại chống án sang Pháp, án được giảm xuống còn 2 năm tù và 5 năm biệt xứ. Ngày 18 .2.1939 ông Ninh ra tù lần thứ 4 sau 532 ngày ngồi tù Khám Lớn.

Ra tù, ông Ninh chuyển về Mỹ Tho ngụ tại số 17 đường Galliêni, ông bán dầu cù là sinh sống. Nhà ngó ra sông, mát mẻ. Thiên hạ tới mua cù là không phải để dùng mà để biết mặt ông tiến sĩ luật học bên Pháp về không làm quan tòa hay thầy kiện mà khoái làm báo và bán dầu cù là.

Dù ở ẩn, ông Ninh vẫn hoạt động theo kiểu của ông: tiếp tục viết báo cho các báo Công Luận, Dân Chúng. Năm 1939, có cuộc vận động ứng củ vào Hội đồng Quản hạt. Xứ ủy đề nghị ông Ninh ứng cử. Ông Ninh chỉ giúp các bạn ứng cử còn bản thân ông thì không thích. Nhưng chị Nguyễn Thị Minh Khai yêu cầu ông Ninh ra ứng cử với các ông Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, trong sổ của báo Dân Chúng gồm ba ông Ninh, Tạo, Mai.

Thống đốc Rivoal sợ sổ Dân Chúng thắng nên cấm không cho các ứng cử viên Ninh, Tạo, Mai đi lại vận động lấy lý do cả ba đang bị quản thúc. Cuộc bầu cử diễn ra ngày 16 .4.1939. Kết quả phe Lao Động thắng. Sổ Dân Chúng đứng sau sổ Đấu Tranh. Thực dân cố hủy bỏ kết quả và khủng bố các ứng cử viên phe Lao Động.

Tháng 9.1939, Đức quốc xã tràn vào nước Pháp, thủ đô Paris là thành phố bỏ ngỏ. Mẫu quốc đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng thì thuộc địa Đông Dương cũng đứng trước hiểm họa phát xít Nhật xâm lăng. Thống đốc Rivoal ra lệnh bắt bớ các phần tử "nguy hiểm".

Toàn quyền Đông Dương ban sắc lệnh 26.9.1939 với 4 điểm: 1 . Cấm mọi hoạt động, tuyên truyền Cộng sản; 2. Giải tán các Chí hội Cộng sản; 3. Cấm xuất bản sách báo Cộng sản; 4. Những kẻ phạm sắc lệnh này bi phạt từ 1 -5 năm tù, từ 1.000 - 10.000 quan.

Với các chiến sĩ Cộng sản, tháng 9.1939 là một ngày đen tối. Không ai quên được Sắc lệnh 26 Septembre của Toàn quyền Brévié. Riêng với ông Ninh, mật thám Mỹ Tho càng canh giữ nghiêm ngặt.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 04:44:48 pm »

Sáng ngày 4.10.1939, mật thám xét nhà ông Ninh. Khám xét chỉ thấy sách và sách. Dù vậy, ngày hôm sau 5.10.1939, Chánh Sở mật thám tới nhà ông Ninh trình trát Biện lý bắt giải ông Ninh đưa ra Côn Đảo. Đây là lần bị bắt thứ 5 của ông. Ông Ninh bị giam ở phòng số 7 khám 2, lúc này ông đau bao tử, dù vậy ông cũng nhận dạy văn hóa chính trị trong tù.

Sau Tết Quý Mùi (1943) một sĩ quan Nhật tới nhà bà Ninh. Cùng đi với tên này có Nguyễn Hòa Hiệp (sau này là Tư lệnh Đệ tam sư đoàn khi ta cướp chính quyền, mùa thu năm 1945).

- Người Nhật chúng tôi rất quí trọng chí sĩ Nguyễn An Ninh. Chúng tôi sẽ cung cấp tàu cho gia đình ra thăm ông Ninh.

Bà Ninh hoàn toàn bất ngờ nhưng bà biết ngay Nhật tính nắm ông Ninh để gây thanh thế. Bà khéo từ chối:

- Ông Ninh có gởi thư về. Chỉ còn 1 năm nữa là ông mãn tù.

Nguyễn Hòa Hiệp nói vô:

- Người Nhật muốn bà ra đảo khuyên ông Ninh hợp tác với người Nhật. Đây là cơ hội cho Nhật giúp Việt Nam giành độc lập...

Bà Ninh ôn tồn:

- Chuyện quốc gia đại sự, xin quý ông ra đảo bàn với ông nhà tôi. Còn tôi phận đàn bà...

Hiệp thở dài:

- Chúng tôi đã ra ngoài đó rồi. Ông Ninh không nhận cộng tác với người Nhật.

Bà Ninh lắc đầu:

- Ông Ninh đã từ chối, tôi làm sao giúp các ông được?

Về cõi vĩnh hằng
Sức khỏe ông Ninh càng suy yếu. Suốt ngày ông cứ nằm liệt. Thầy chú đưa ông xuống bệnh xá. Xuống đây mười người, ra Hàng Keo hết chín người. Thuốc men không có, sức đề kháng không còn, cái chết tới thật nhanh.

Đêm 14.8.1943 chúa đảo Tisseyre tới bên giường bệnh ông Ninh. Hắn ra lệnh cai ngục đem giấy bút bảo ông Ninh:

- Ông viết ít chữ vô đây, tôi hứa sẽ cứu ông!

Ông Ninh mở mắt cầm tờ giấy lên xem. Chúa đảo nói tiếp:

- Ông không cần viết, chỉ ký tên vô giấy cũng được.

Ông Ninh đọc xong, xé tờ giấy vứt xuống đất. Chúa đất hất hàm ra lệnh. Y tá tiêm ông Ninh một mũi thuốc. Ông Ninh mất trong đêm ấy. Bạn tù chôn ông nơi nghĩa trang Hàng Keo.

Vài ngày sau, anh em tìm thấy một bài thơ của ông tựa là Sống và Chết:

"Sống mà vô dụng, sống làm chi,
Sống chẳng lương tâm, sống ích gì ?
Sống trái đạo người, người thêm tủi
Sống quên ơn nước, nước càng khi



Chết đó rõ ràng danh sống mãi
Chết đây chỉ chết cái hình hài
Chết vì tổ quốc, đời khen ngợi
Chết cho hậu thế, đẹp lương lai”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 08:03:43 pm »

UNG VĂN KHIÊM ĐÁ GIÒ LÁI CÒ BAZIN



Ung Văn Khiêm sinh năm 1910 tại cù lao Giông (An Giang). Năm 1926, ông đang học năm thứ hai trường Trung học Cần Thơ bị đuổi vì để tang chí sĩ Phan Châu Trinh.

Ông theo thầy giáo Châu Văn Liêm hoạt động cách mạng. Năm 1927, được kết nạp Thanh niên Cách mạng đồng chí hội và sang Quảng Châu học khóa Nguyễn Ái Quốc. Về nước, ông Khiêm được phân công hoạt động Liên tỉnh ủy Hậu Giang. Trong Nam Kỳ khởi nghĩa 1940, ông chém vè tại điền Tây ở Cờ Đỏ (Cần Thơ).

Tháng 8. 1945 ông và Hà Huy Giáp được cử ra Bắc dự quốc dân Đại hội tại Tân Trào.


Dân Mỹ Luông, Chợ Mới (An Giang) không thể nào quên phong trào Đông Dương Đại hội năm 1937. Xin giới thiệu ngắn gọn sự kiện lịch sử này: Năm 1936, phe dân chủ thắng thế ở Pháp. Chính phủ Léon Blum (Đảng Xã hội) lên cầm quyền. Léon Blum làm chuyện hiếm thấy là mở rộng dân chủ ở các nước thuộc địa, phóng thích chính trị phạm, gửi phái đoàn điều tra sang Đông Dương tìm hiểu nguyện vọng của dân chúng thuộc địa. Chủ báo La Cloche Fêlée (Tiếng Chuông Rè), cử nhân luật khoa Nguyễn An Ninh viết trên báo cho biết đây là dịp may không thể lặp lại lần thứ hai và đề nghị nên lập Đông Dương Đại hội để tuyên truyền vận động dân chúng viết đơn trình bày nguyện vọng được hưởng các quyền tự do dân chủ: gọi là các "thỉnh nguyện thư”.

Tháng 7.1937, phái đoàn chính phủ Léon Blum do ông Justin Godard tới Mỹ Luông và Chợ Mới để thu thỉnh nguyện thư của dân trong vùng. Tòa soạn báo Dân Chúng lấy xe nhà báo đưa ông Honel, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp thay mặt trưởng đoàn Godard tới thăm dân chúng trong tỉnh Long Xuyên (nay là An Giang). Tiếp phái đoàn đảng Cộng sản Pháp tại Mỹ Luông là anh Ba Khiêm (Ung Văn Khiêm). Anh Ba Khiêm và ông Honel trò chuyện bằng tiếng Tây và sau khi thu hết các thỉnh nguyện thư để tiếp tục lên Chợ Mới , ông Honel ôm hôn anh Ba Khiêm. Dân Mỹ Luông sửng sốt trước chuyện hiếm thấy. Người Pháp ôm hôn thắm thiết anh Ba Khiêm là dân cộng sản vừa mới từ Côn Lôn trở về sau khi mãn án 5 năm tù về tội làm quốc sự. Họ thắc mắc: Tại sao Tây ở thuộc địa thù ghét cộng sản còn Tây chính quốc lại khoái cộng sản tới mức ôm hôn giữa đường giữa xá...

Nhưng Mặt trận Bình dân (Front Populaire), chính phủ xã hội Léon Blum chỉ sống có hai năm rồi sụp đổ. Bọn thực dân lại tác oai tác quái ở thuộc địa như trước. Biết dân Mỹ Luông và Chợ Mới có xu hướng theo cộng sản, Thống đốc Pagès ra lệnh tái lập trật tự hai nơi này trước nhất và để nắm chắc tình hình, đích thân ông ta đi kinh lý hai nơi này.

Năm đó, cò Bazin mới chỉ là cò liên tỉnh Sa Đéc - Vĩnh Long - Long Xuyên. Để lập công, ngay đêm trước ngày Pagès đi kinh lý, Bazin đích thân tới Mỹ Luông và Chợ Mới bắt hết các phần tử nguy hiểm mà đứng đầu sổ là Ba Khiêm, người đã được Tây cộng sản ôm hôn thắm thiết giữa chợ Mỹ Luông.

Tại Chợ Mới, Bazin chỉ huy tên tay sai đắc lực là xếp Hiến gom bắt 12 phần tử nguy hiểm đã từng tiếp đảng viên cộng sản Pháp Honel và được ông này ôm hôn giữa chợ cũng như đã ôm hôn Ba Khiêm tại chợ Mỹ Luông.

Duyệt danh sách, Bazin kêu lên:

- Thiếu thằng chef de file (thằng cầm đầu) Ung Văn Khiêm.

Xếp Hiến lười biếng nói:

- Thằng Ba Khiêm ở cù lao Giông, mà bây giờ tối quá rồi !

Bazin trợn trừng:

- Nửa đêm cũng đi bắt nó cho tôi!

Thế là thầy trò cùng tiểu đội mã tà xuống canô tức tốc tới cù lao Giông. Ba Khiêm đang nằm trong buồng cái quán lá sát bờ sông với vợ và đứa con gái đầu lòng mới lên ba. Bị xếp Hiến tới giật dậy khỏi giường, Ba Khiêm lật đật thay đồ để đi theo xếp Hiến. Chừng bước ra khỏi nhà, anh chợt nhớ:

- Quên cái bóp có giấy thuế thân. Để tôi vô lấy đem theo.

Bazin và xếp Hiến sợ Ba Khiêm kiếm chuyện để bỏ chạy hoặc nhảy xuống sông, xếp Hiến cản lại:

- Không cần giấy tờ gì hết!

Bazin cũng cười nói:

- Ung Văn Khiêm quá nổi tiếng, cần gì phải mang theo giấy tờ phòng thân. Thôi đi, khuya rồi!

Về tới Chợ Mới, Bazin cho giam hết 12 người bị bắt trước còn Ba Khiêm thì được đưa lên xe hơi của Bazin về Sa Đéc. Đêm đó Ba Khiêm bị muỗi cắn cả đêm trong khám Sa Đéc. Đến chiều hôm sau Bazin mới cho thả. Về sau Ba Khiêm được biết Bazin bắt mấy anh em làm quốc sự ở Chợ Mới là để chuyến kinh lý của tên thống đốc Pagès tiến hành suôn sẻ, không bị mấy cha chặn đường dâng kiến nghị lôi thôi.

Vừa đi được một khúc đường thì một tên mã tà chặn lại:

- Cho xem giấy thuế thân!

Ba Khiêm liền nói:

- Tôi bỏ quên ở nhà. Khi được cò Bazin mời, tôi xin trở vô nhà lấy thì Bazin cười nói: "Không cần, ông nổi danh quá, ai không biết mà đem theo giấy tờ làm gì !".

Tên mã tà lạnh lùng nói:

- Không có giấy thuế thân hả? Vậy thì xin mời trở vô khám.

Lại bị muỗi đốt thêm một đêm nữa! Càng nghĩ càng tức con cáo già Bazin chơi xỏ mình. Anh lẩm bẩm:

- Được! Mày chơi tao trước, tao chơi lại, mày đừng có trách.

Suốt đêm vừa đập muỗi vừa nghĩ kế, Ba Khiêm tìm ra cách chơi lại Bazin. Anh cười ha hả một mình trong khám:

- Mày sẽ biết cú đá giò lái của tao như thế nào! Nó còn độc hơn "sát thủ giản" của Tần Thúc Bảo hay "hồi mã thương" của La Thành.

Sáng hôm sau, khi được thả ra về, Ba Khiêm lên xe đò chạy riết lên Chợ Mới thảo một bài báo lấy hết 12 chữ ký nạn nhân của cò Bazin trong chuyến kinh lý Chợ Mới của Thống đốc Pagès. Xong, anh lên xe đò tốc hành về Sài Gòn, tới các tờ báo quen thuộc nhờ đăng bài viết của anh chơi tên cáo Bazin.

Bài viết của anh bằng tiếng Pháp nhan đề "Les mesquineries de Monsieur Bazin" (Trò nhỏ mọn của cò Bazin) và một bài nữa tên "Les basses vengeances de Monsieur Bazin" (Chuyện thù vặt của cò Bazin), đăng trên hai tờ báo La Lutte ngày 4.4. 1937 và báo La Travail ra cùng ngày.

Trong một lúc bị chơi trên hai tờ báo tiếng Pháp, cò Bazin nhảy dựng lên, chửi thề ỏm tỏi rồi sau đó thấm đòn kêu trời như bộng: "Mon Dieu, ce Ung Van Khiêm mais c'est formidable!" (Chúa ơi, thằng Ung Văn Khiêm, thật là quá quắt!).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 08:11:18 pm »

CHÂU VĂN LIÊM NGƯỜI THẦY GIÁO CÁCH MẠNG



Ông Châu Văn Liêm sinh năm 1902 tại Ô Môn (Cần Thơ), tốt nghiệp trường Sư phạm về dạy học ở Long Xuyên.

Năm 1926, ông được kết nạp Thanh niên Cách mạng đồng chí hội cùng với Ung Văn Khiêm.

Năm 1929, ông được cử dự Đại hội tại Hương Cảng. Về nước, ông thành lập An Nam Cộng sản đảng.

Ngày 3. 2.1930, ông cùng Hoàng Quốc Việt, Phan Hữu Lầu sang Cửu Long dự Hội nghị Thống nhất Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Tháng 4.1930, ông hy sinh trong cuộc biểu tình tại Hóc Môn.


Thầy giáo Châu Văn Liêm được vinh dự lớn: Tên ông được đặt cho trường trung học thời Tây mang tên là Collègede Cần Thơ, sau đổi là trường Trung học Phan Thanh Giản. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng - ngày 30.4.1975 - ngôi trường lớn nhất Tây đô thời Tây lấy tên Châu Văn Liêm. Ngoài ra, Cần Thơ còn có đại lộ lớn nhất cũng mang tên Châu Văn Liêm. Sài Gòn và các tỉnh đều có trường và đường Châu Văn Liêm. Chi tiết trên cho thấy nhân dân miền Nam luôn nhớ sự nghiệp cách mạng của ông.

Châu Văn Liêm sinh năm 1902 tại Ô Môn (Cần Thơ). Con nhà nghèo, thông minh và cần cù, ông được học bổng và tốt nghiệp trường Sư phạm Sài Gòn năm 20 tuổi. Được bổ nhiệm về dạy học tại trường Long Xuyên, thầy sớm nổi tiếng dạy giỏi. Năm nào số học sinh của thầy cũng đậu tiểu học cao hơn hết. Do vậy, bà con gọi ông là thầy Châu Nhứt (có nghĩa là thầy Châu dạy lớp Nhất mà cũng có nghĩa là thầy dạy giỏi Nhất).

Năm 1926, thầy Châu vận động các trường tổ chức lễ truy điệu và bãi khóa để tang chí sĩ Phan Châu Trinh. Thầy sớm giác ngộ chính trị nên được kết nạp vào Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Thầy đã dìu dắt các anh Trần Văn Thạnh, Nguyễn Văn Cưng, và Ung Văn Khiêm vừa bị đuổi khỏi đường Collège sau vụ để tang và bãi khóa tháng 4.1926. Được sự phân công của Đảng, thầy xin nghỉ dạy để điều hành trường tư thục Sa Đéc Học đường.

Trường này là cái nôi đào tạo thanh niên yêu nước để trở thành cán bộ dân vận.

Năm 1929, ông được bầu Đại biểu Kỳ bộ Nam Kỳ dự Đại hội ở Hương Cảng. Trở về nước ông hoạt động thành lập An Nam Cộng sản đảng. Năm 1930, ông cùng hai ông Phạm Hữu Lầu và Hoàng Quốc Việt sang Hương Cảng dự hội nghị thống nhất đảng dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Đó là ngày lịch sử 3.2.1930.

Tháng 4.1930, ông Liêm lên Đức Hòa công tác. Ông lần lượt gặp thầy giáo Võ Văn Mong và bà Trương Thị Sáu tức bà Nguyễn An Ninh để được giới thiệu tới các cơ sở quần chúng trong vùng. Ông lên Đức Hòa lãnh đạo cuộc biểu tình đòi giảm sưu thuế. Hàng ngàn người kéo từ Đức Hòa lên Chợ Lớn. Tại Đức Hòa ông đứng trên mô đất trình bày các yêu sách của dân chúng. Cò Tây cùng đám mã tà kéo tới đàn áp. Ông bình tĩnh đương đầu với cò Tây. Người thông ngôn của tên cò dịch kém, ông trình bày các yêu sách bằng tiếng Pháp. Thằng cò biết ông là người cầm đầu liền rút súng bắn ông chết tại trận. Lúc đó, Châu Văn Liêm mới có 28 tuổi.

Cái chết của ông càng làm cho đồng bào tham gia hoạt động đòi cải thiện đời sống, đòi dân chủ tự do. Mười năm sau, dân Đức Hòa hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và ngày ta cướp chính quyền, Đức Hòa đã có đội quân chống Pháp lấy tên là Giải phóng quân Liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa mà bộ chỉ huy là các ông Tô Ký, Tấn Chùa, Trần Văn Trà. Về sau, đơn vị này tách ra thành Chi đội 12 do Tô Ký chỉ huy, Chi đội 16 do ông Trần Văn Trà cầm đầu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 08:24:00 pm »

HÀ HUY GIÁP NHÂN CÁCH CAO ĐẸP



Đồng chí Hà Huy Giáp sinh năm 1907, tại xã Sơn Tịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông sớm hoạt động cách mạng và đã vào Nam đi vô sản hóa theo chủ trương của Đảng những năm 1930. Ông Giáp nhiều lần bị tù, ra Côn Đảo năm 1933. Năm 1936, ông được thả về quê nhà, đến năm 1939 lại bị bắt giam ở căng Trà Kê (Phú Yên).

Nhật đảo chính Pháp, ông phá căng chạy ra, tìm đường về Sài Gòn tiếp xúc với các đồng chí cũ.

Tháng 5. 1945, ông và Ung Văn Khiêm ra Việt Bắc dự Hội nghị Tân Trào.


Năm 1931 là năm đen tối của cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ. Cơ quan trước đó đóng ở ngôi nhà số 8, Nguyễn Tấn Nghiệm (nay là Trần Đình Xu) rồi dời về 131 Hamelin (Lê Thị Hồng Gấm). Sáng ngày ấy, Ngô Đức Trì tới cơ quan bất ngờ bị lính kín phục tại đó bắt. Hà Huy Giáp cũng đạp xe tới đó vào đúng giờ hẹn - 11 giờ ngày 1.4.1931. Vừa xuống xe, anh bị hai tên lính chạy tới bắt. Giáp phi tang ngay bài báo viết về kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động. Anh bỏ vô miệng nhai nhưng hai tên mật thám bóp cổ anh móc bài báo ra. Chúng đưa anh ra đón xe điện trên đường Galliéni (Trần Hưng Đạo) giải về bót. Lên toa xe điện, chúng bắt anh nằm dưới sàn xe để chúng đạp chân lên lưng anh. Hành khách trên xe ngạc nhiên hỏi, bọn mật thám nói:

- Thằng này ăn trộm xe đạp.

May thay có một người biết anh Giáp kêu to lên:

- Không đúng! Tôi biết thầy ký này, ông ta làm việc tại Mairie (Xã Tây).

Tức thì hành khách nhao nhao lên:

- Làm việc tại Xã Tây mà đi ăn cắp xe đạp? Vô lý quá ! Thầy này chắc là đệ tử của ông Ninh. Nguyễn An Ninh đậu cử nhân, tiến sĩ bên Pháp về mà ông nhất định không làm quan tòa hay thầy kiện mà làm báo rồi bán dầu cù là.

Một cụ già nói với hai tên lính:

- Người ta làm quốc sự chống Tây, đâu có đụng chạm gì tới các ông mà các ông đối xử người ta tồi tệ vậy?

Hai tên lính mặt mày sượng trân. Tới trạm Chợ Lớn, chúng lôi anh Giáp về bót Polo. Hai tên này giao anh cho xếp bót Tây tên là Campana, một tên ác ôn nổi tiếng tra tấn những người bị bắt chết lên chết xuống. Về sau, anh Giáp mới biết hai người lính bắt mình tên là Tư Chí, người Bình Định và Nguyễn Văn Tây, quê Bà Rịa.

Cuộc tra tấn bắt đầu vào đầu giờ buổi chiều. Lận mề gà, dùng roi gân bò quất vào lòng bàn chân. Hai tên đồ tể Ngọc và Sương lận mề gà tới bốn lần rồi còn cho đi máy bay. Anh Giáp chết đi sống lại nhưng cố sức không rên la. Anh tập trung tinh thần nhớ bài thơ "La mort du loup" của Alfred de Vigny (Rên rỉ, kêu la, khóc than đều là khiếp nhược). Chúng chỉ hỏi có một câu:

- Tên thật của mày là gì?

Anh Giáp vẫn khai tên trong giấy thuế thân giả là Bùi Văn Tế. Qua ngày sau có một thằng Tây làm việc ở Mairie biết mặt anh Giáp. Thế là anh Giáp bị lộ. Bọn thầy chú trong bót Polo xúm lại xem mặt một trí thức theo Cộng sản. Trong số đó có cả người Pháp. Một tên hỏi:

- Anh làm chính trị chắc biết cuộc cách mạng tư sản dân quyền năm 1789  ở Pháp chớ?

- Chúng tôi hoan hô cuộc cách mạng Pháp đã nêu lên khẩu hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Nhưng tại thuộc địa này, bọn thực dân làm trái ngược lại tôn chỉ cao quí ấy. Bằng cớ là chúng bỏ tù ông Nguyễn An Ninh chỉ vì ông ta muốn xây dựng một xã hội có đầy đủ Tự do, Bình đẳng và Bác ái. Nghe nói ngay trên đất Pháp ngày nay cũng chưa áp dụng được ba mục tiêu đó. Quyền lợi nước Pháp chỉ tập trung vào hai trăm gia đình đại tư sản. Còn đại đa số dân chúng vẫn sống trong nghèo đói...

Chợt xếp Campana tới, cuộc nói chuyện tạm đứt đoạn. Vài ngày sau, Tư Chí - kẻ bắt anh Giáp - tới gặp anh tâm sự :

- Những điều anh nói rất đúng. Mấy người Pháp cũng đã khen anh nói chính trị thật hay. Họ phục anh vì anh đang làm việc ở Xã Tây, lương cao mà dám bỏ đi theo cách mạng. Đúng anh là học trò của ông Nguyễn An Ninh, người đã làm cho Thống đốc Pagès kính phục.

Sau đó, Tư Chí tìm cách giúp anh Giáp trốn ra khỏi bót Polo. Khi anh ta bí mật trình bày kế mật thì bất ngờ làm sao, anh Giáp nói:

- Cám ơn anh đã thương tôi mà bày kế thoát thân. Nhưng tôi thấy trong số anh em bị bắt ở đây có người xứng đáng được giải thoát trước tiên vì người đó mà được tự do thì rất có lợi cho cách mạng.

Tư Chí hỏi ai, anh Giáp nói:

- Ung Văn Khiêm. Anh nên giúp anh Khiêm trước đi!

Chín giờ đêm đó, anh Ba Khiêm được Tư Chí mở còng. Nương theo bóng tối, anh Khiêm thót lên một chiếc xe đạp ở ngoài sân, phóng nhanh ra ngoài. Không may có người trông thấy kêu toáng lên. Bọn lính rượt theo bắt lại được. Chúng còng hai ngón tay cái anh Khiêm bằng còng nhôm thật chặt. Chúng đánh tra khảo:

- Ai tổ chức cho mày trốn?

Anh Khiêm vẫn kiên gan khai trước sau như một :

- Tôi tự tổ chức. Không có ai giúp.

Mấy ngày sau, Tư Chí cho anh Giáp biết mật thám bao vây ngôi nhà số 11, Frère Guillerault (Tôn Thất Tùng) định bắt Trần Phú. Lúc đó, Tư Chí canh cửa sau , thấy một người lé đang từ trong cầu tiêu bước ra toan vô nhà. Anh cản đường bảo:

- Trốn nhanh! Lính xét nhà.

Vì theo cách mạng, không bao lâu Tư Chí bị lộ và bị đày ra Côn Đảo. Bị nhốt chung khám với anh Nguyễn Thọ Chân (Sáu Khanh). Câu chuyện trên do Tư Chí kể cho anh Sáu Khanh. Nhờ vậy tình đồng chí cao cả của anh Hà Huy Giáp với anh Ba Khiêm mới thấu tới nhiều người.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM