Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Tư, 2024, 04:09:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Panzer Aces - Chỉ Huy Xe Tăng Đức trong Đệ Nhị Thế Chiến (Franz Kurowski)  (Đọc 132831 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #120 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2013, 08:42:34 am »

“Máy bay!” Diehls hét lên. Máy bay yểm trợ tầm thấp của Nga xà sát ngọn cây bay tới. Có ít nhất là 20 chiếc. Chúng thả loại bom 50kg xuống những xe tăng Đức. Một quả bom bay sạt phía trên tháp pháo chiếc Tiger của Bölter chỉ khoảng 2m rồi rơi xuống cách sau chiếc xe chừng chục mét.

Những chiếc máy bay dùng đại bác 20 ly nã đạn xuốngxe tăng. Khi đạn bắn trúng tháp pháo và thân chiếc Tiger của Bölter, chiếc xe bị chấn động mạnh và cả tổ lái bị tiếng nổ xe toạc cả màng nhĩ. Những chiếc máy bay gầm rú bay qua, lượn 1 vòng rộng rồi lại quay lại đánh đợt tiếp theo.

Hai khẩu pháo phòng không của quân Flander bắt đầu nhả đạn vào những kẻ tấn công. Một máy bay Nga trúng đạn. Nó lao xuống mặt đất, ngang qua mấy chiếc Tiger, rơi xuống ngay sát tiền duyên.

Từ chỗ máy bay rơi, 1 quả cầu lửa bốc lên cao, đầu tiên màu đỏ rồi sau màu trắng do xăng cháy. Động cơ văng lên không và cánh máy bay rơi là đà xuống mặt đất như 1 chiếc lá khổng lồ vậy.

Những xe tăng quay về đến trạm tiếp liệu ở Badayev khi trời vừa sập tối khi đã hết sạch đạn. Bölter và kíp xe đã cố xoay xở thoát được hỏa ngục dữ dội của địch suốt nhiều giờ nhưng rồi họ cũng chưa được nghỉ ngơi.

“Nạp nhiên liệu và đạn dược, chuẩn bị sẵn sàng!”

Các thành viên tổ lái phải làm việc cùng lính tiếp vận và kỹ thuật viên cho đến khi chiếc Tiger lại sẵn sàng chiến đấu.

Mệt nhoài, Bölter gieo mình xuống giường. Thần kinh căng như dây đàn do suốt 1 ngày chiến đấu căng thẳng. Mấy chiếc Tiger lại 1 lần nữa giữ cho chiến tuyến khỏi sụp đổ bằng cách phá hủy 10 xe tăng địch.

Sáng sớm ngày 20 tháng 3 họ lại sẵn sàng chiến đấu. Thượng sĩ Schütze đến chỗ Bölter.

“Tôi linh cảm rằng hôm nay sẽ ‘nóng’ lắm đó, Hans à!” Anh ta nói với vẻ trầm tĩnh cố hữu khiến Bölter luôn ngưỡng mộ.

Anh gật đầu và nói: “Ta biết bọn Nga mà, chúng nó sẽ dùng mọi cách để đạt mục tiêu.”

Trung úy Diehls đã tới chỗ lính của mình. Mọi người nghiêm chào. Anh hỏi: ”Sẵn sàng chưa?”

“Tất cả đang đợi lệnh!”. Thiếu úy Meyer trả lời.

“Chúng ta sẽ ra ngoài đó giống như hôm qua: yểm trợ cho đám Flanders và quân Polizei.”

Mười phút sau những chiếc xe tăng lên đường. Đứng trong tháp pháo, Bölter vẫy chào đám lính tiếp liệu đang khuất xa dần. Sau đó anh liếc nhìn 3 chiếc Tiger khác đang rời trạm tiếp vận, tiến lên đương đầu với những xe tăng có số lượng áp đảo của Liên Xô.

Tiếng ồn của trận đánh ngày càng rõ. Bölter cúi xuống trong vô thức khi nghe thấy tiếng réo của 1 loạt Kachiusa “đàn organ của Stalin” bay tới.

Sau đó là giọng của trung úy Diehls:

“Sẵn sàng chiến đấu!”

Bölter ngồi thụp xuống ghế. Nắp cửa đóng lại. Pháo thủ báo cáo súng pháo đã sẵn sàng.

Mấy chiếc xe tăng, động cơ gầm rú bò xuống những hố đạn pháo nông, rồi leo lên lại phía bên kia.

Lính bộ binh cơ giới vẫy chào xe tăng. Bölter thấy mặt mũi bọn họ cứ như những ông già. Những khuôn mặt mệt mỏi, bẩn thỉu, hốc hác do bị căng thẳng liên tục.

Những người lính bộ binh cơ giới này đã hoàn thành nhiệm vụ 1 cách phi thường, nấp trong hố cá nhân đợi xe tăng địch tiến đến rồi nhô lên gần như dùng 2 tay không cố gắng tiêu diệt chúng.

Có ba tiếng nổ lớn do có 3 viên đạn pháo rơi phía trước gần chiếc Tiger.

Mất một lúc không thể nhìn thấy gì qua khe nhìn, do những cột đất bẩn và chớp lóa tung lên. Mảnh đạn pháo rơi ào ào xuống vỏ thép xe tăng.

“Tiến qua mấy quả đồi đi, Hölzl!”

Người lái xe khẽ đánh lái. Xích xe nghiến xuống đất và chiếc Tiger lăn bánh về phía trước, bánh xe kêu cót két.

Cỗ xe tiến lên đồi từ bên phải, vẫn còn phía sau khu phòng ngự chủ yếu 200m. Sau khi tới 1 lùm cây tương đối kín đáo, Bölter mở nắp cửa tháp pháo.

Anh dùng ống nhòm nhìn qua phía tây bắc và thấy những làn sóng đông đảo những hình người màu nâu đất đang tiến đến vùng đất trũng. Xa hơn ở phía sau là những xe xích đang đến cùng các tiểu đoàn quân Nga khác nữa.

Quân Nga hiện ra trên vùng đất lỗ chỗ hố đạn pháo. Những các vị trí tiền tiêu Đức, bố trí trong các hố đạn đại bác phía trước khu phòng thủ chủ yếu đã nổ súng.

Những ổ súng máy MG42 bắt đầu sủa. Những tràng đạn dài bắn quét vào những đợt sóng người đang tiến lên. Sau đó Bölter thấy lính trong các vị trí tiền tiêu rút về và hỏa ngục 1 lần nữa lại trút xuống.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #121 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2013, 08:42:55 am »

Lúc này đạn phản lực bắt đầu rú lên trên chiến tuyến. Các dàn cối phản lực hạng nặng Đức phóng ra 6 hỏa tiễn 1 lần, với vệt lửa dài phía sau đuôi, chúng rơi xuống những làn sóng tấn công của quân Nga, để lại trên mặt tuyết những hố tròn đen cháy xém.

“Chú ý: Chỉ huy gọi tất cả. Có xe tăng ở hướng đồi 679. Cứ cho chúng đến gần cho đến khi chúng tiến ngang qua vị trí ta. Ta sẽ đánh thọc sườn chúng nó!”

Ngay sau đó Bölter đã nhìn thấy đội hình phalanx bằng thép của những chiếc T-34 và KV-1. Chúng có nhiệm vụ chọc thủng vị trí Đức, tạo một cửa mở cho bộ binh.

Thật là ngoạn mục khi chứng kiến những cỗ xe tăng vượt qua thung lũng, để lại những vệt xích trên sườn dốc.

“Sẵn sàng chưa, Gröschl?!”

Người pháo thủ gật đầu.

Anh lính tiếp đạn cũng đã ôm trên tay viên đạn kế tiếp.

Toàn kíp xe đang rất kích động cho đến khi tiếng trung úy Diehl trên điện đài gọi đến làm nó lắng xuống.

“Giờ thì mạnh ai nấy bắn”

Xa phía trước có tiếng nổ vang khi chiếc Tiger của thượng sĩ Schütze bắn phát đầu tiên. Bölter nhìn thấy ánh chớp khi đạn chạm nổ.

“Nhắm chiếc T-34 vừa ra khỏi thung lũng tới đây” Anh ra lệnh.

“Đã bắt được mục tiêu!”

Gröschl khai hỏa và bắn trúng phần dưới thân chiếc T-34 , giữa 2 băng xích. Trong chốc lát ai cũng tưởng chiếc xe sẽ bị lật ngược từ chỗ nó đứng xuống dốc. Thay vì thế mũi xe lại chúi về phía trước và chiếc xe vẫn đứng nguyên. Hai thành viên tổ lái chui ra và chạy trốn, liền bị súng máy bắn đuổi theo.

Từ lúc đó các xe liên tục bắn. Một cơn bão lửa bùng nổ trên mặt đất.

Xe tăng Xô Viết tản ra dàn thành đội hình hàng ngang trải dài, bắn vào bất cứ chớp lửa nào chúng thấy.

Sau lần bắn thứ 4, 3 hoặc 4 chiếc T-34 bắt đầu tập trung bắn vào chiếc Tiger của Bölter, đang đứng trên đỉnh đồi.

Một phát đạn bắn trúng ngay phía dưới chiếc Tiger vài mét. Phát tiếp theo thì chỉ cách đằng trước xe 3m. Một bụi cây bị bứng lên rơi ngay trước khe nhìn của lái xe, làm Hölzl mù tịt.

Nhưng Gröschl vẫn thấy, anh bắn và 1 chiếc T-34 khác chìm vào lửa đỏ.

“Lùi về phía sau đồi”

Chiếc Tiger lùi lại. Hai viên đạn bay vút qua nóc xe, cỗ xe đã ở phía sau đỉnh dốc và tạm thời an toàn.

Anh lái xe mở nắp cửa vứt bụi cây đang chắn tầm nhìn của mình đi. Chiếc Tiger đi vòng quanh 1 gò đất nhỏ xuống 1 cái khe chắn ngang đường. Người lái xe cho xe đi vào đó rồi lái thẳng ra chỗ trống. Một toán khoảng 10 lính Hồng quân xuất hiện ở khúc quanh cái khe với khoảng cách không đến 30m. Bölter lúc đó đang thò đầu ra khỏi tháp pháo cho dễ nhìn, thụp xuống vừa lúc 1 loạt súng máy bắn sượt qua. Bach bắn 1 tràng đại liên, khiến đám lính Nga phải nấp tránh.

“Sang trái! Leo lên bờ khe!”

Hölzl bẻ lái sang bên trái. Chiếc xe tăng to lớn bò lên độ dốc 40 độ. Động cơ rú lên khi chiếc Tiger dùng số 1 nhích từng mét leo lên. Một phát đạn từ đâu đó bắn ra khi nòng pháo chiếc Tiger hiện ra trên đỉnh dốc.

Viên đạn bắn trúng mặt nghiêng tháp pháo và bật ra 1 bên. Những người ở trong xe bị tiếng nổ làm điếc mất 1 lúc.

Mũi chiếc Tiger chúi xuống khi chiếc xe càn lên đỉnh đồi.

Hölzl đạp ga và chiếc xe vọt nhanh tới trước, vừa may khi viên đạn tiếp theo lướt qua phía sau chiếc xe. Hölzl cho xe xoay vòng để tìm địch, xích sắt cày thành rãnh sâu trên nền đất.

Lại có 1 chớp lửa đầu nòng nữa. Lần này thì trưởng xe, lái xe và pháo thủ đều đã nhìn thấy. Xe chuyển hướng rất nhanh khiến tên địch lại bắn trượt.

Gröschl khai hỏa, nhưng do ngắm vội nên phát đạn chỉ bắn trúng mặt đất đằng trước chiếc T-34, làm 1 cột đất tung lên.

Chiếc T-34 lại bắn và lần thứ 3 này tổ lái vẫn may mắn vì viên đạn, được bắn ra từ khoảng cách nhiều nhất là 100m, lại bật ra rồi rít lên bay sang bên cạnh.

Cú bắn kế tiếp của Gröschl đã trúng mục tiêu. Viên đạn đã xuyên vào vỏ thép chiếc T-34. Sức nổ từ bên trong chiếc xe khiến tất cả các nắp cửa đều bung ra, lửa phụt lên và chiếc T-34 tiêu đời.

Chiếc Tiger tiến lên trước khoảng 50m và Bölter thấy Schütze đang giao chiến tay đôi với 1 T-34.

“Kìa!” Hölzl đột ngột hét lên. Anh ta đã phát hiện 1 chiếc KV-II nhô ra từ 1 bụi cây đằng sau xe tăng Schütze. Cái tháp pháo nặng nề quay chậm chạp. Khẩu pháo 122 ly hướng về phía cái Tiger của Schütze. Schütze cùng tổ lái ắt hẳn sẽ phải chịu số phận bi đát.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #122 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2013, 08:43:15 am »

Gröschl đạp bàn đạp chuyển hướng đồng thời vặn tay quay điều khiển tầm.

Có tiếng nổ kèm theo chớp lửa đầu nòng từ khẩu pháo của chiếc KV-II. Bölter và kíp xe của mình thấy rõ vệt khói theo sau quả đạn Nga. Viên đạn bắn trúng vào 1 bên xích chiếc Tiger làm nó không thể di chuyển được nữa.

Gröschl điều chỉnh kính ngắm, giờ thì anh đã có đủ thời gian để ngắm kỹ càng mục tiêu. Khi đã chắc chắn là không thể nào bắn trượt, anh nhấn nút bắn điện. Viên đạn lao thẳng tới chiếc KV-II.

Viên đạn bắn trúng chiếc tăng địch tạo nên ánh chớp sáng lóa và tia lửa bay tứ tung. Cái tháp pháo khổng lồ đổ về phía trước, nòng pháo chúi xuống đất. Phía trước xe, 1 nắp cửa bật mở. Mấy lính Nga hiện ra rồi mất dạng ngay. Những thành viên còn lại của kíp lái đều chết trong chiếc xe tăng chìm trong lửa đỏ.

“Sau lưng an toàn rồi nhé, Schütze!" Bölter gọi chiến hữu.

“Hãy lên cắm phía trước tôi, để tôi sửa lại xích!”

Chỉ người tiếp đạn và pháo thủ ở lại trong chiếc Tiger. Dù chiếc xe đã bị bất động, nó vẫn nỗ lực tiêu diệt được 1 chiếc T-34 khác.

Xe tăng Nga đổi hướng tránh những chướng ngại vật bằng thép này nhưng vẫn cố tiến đến những chiến hào của quân Flanders.

Pháo chống tăng đã bắn hạ được 1 số T-34, nhưng những chiếc còn lại vẫn càn qua, dùng xích nghiền nát họ. Sau đó chúng bắn đạn trái phá vào những vị trí còn sót lại, giết sạch mọi người trong đó.

Ba người lính vừa tiếp cận 1 chiếc T-34 liền 1 loạt dài súng máy bắn chết.

Trung úy Diehls gọi những chiếc Tiger khác. Anh phải đơn thương độc mã chống lại 1 giòng thác có ít nhất là 20 chiếc T-34 đang tiến đến các vị trí Đức, chạy sau chúng là lính xung kích Nga.

“Còn một chiếc, thưa thiếu úy!” Bölter gọi.

“Tốt rồi, cậu lo nó đi, tôi chạy về chỗ đại đội trưởng.”

Thiếu úy Meyer lệnh cho cậu lái xe quay xe lại và chạy hết tốc độ ra bãi chiến trường. Khi thấy xe tăng địch đang càn lên chiến hào của bộ binh, bàn tay anh nắm chặt lại.

“Bắn!” Anh hét lên đầy phẫn nộ. “Bắn!”

Cú bắn đầu tiên trúng vào 1 chiếc T-34, làm nó kẹt luôn trong chiến hào. Hai lính bộ binh cơ giới xuất hiện ngay cạnh chiếc xe, họ nhảy lên thảy lựu đạn vào lỗ cửa rồi lại biến mất.

Xe của viên thiếu úy đi vòng qua chiếc T-34 thì lại đụng đầu với 2 chiếc nữa. Một viên đạn bắn trúng hông xe, nhưng không xuyên thủng nổi.

Chiếc Tiger lắc lư cứ như 1 gã khổng lồ đang nổi giận. Một ánh chớp lóe lên từ nòng pháo, và 1 chiếc T-34 đã bị loại khỏi vòng chiến. Chiếc còn lại chuyển hướng chạy về phía nam, đông nam dọc theo chiến tuyến.

Chiếc xe tăng chạy trốn đã bị trung úy Diehls chặn lại khiến cho nó lại phải chuyển hướng. Còn ba người lính vừa sửa xong xích xe bỗng thấy mình phải đương đầu với cơn mưa đạn của 6 hay 7 chiếc T-34.

Lái xe cho chiếc Tiger xoay vòng vòng để các thành viên khác chui vào nhờ sự yểm hộ tập trung của 2 xe tăng Đức khác.

Bốn trong số 7 xe tăng Xô Viết tan hàng và bỏ chạy theo nhiều hướng. Những phát đạn bắn trúng vào đuôi và hông xe làm 1 số chiếc bốc cháy trong phút chốc. Những chiếc xe cháy rực, bốc khói mù mịt nằm ngay bên rìa phòng tuyến Đức.

Tuy vậy cũng có 1 chiếc T-34 chạy thoát. Nó băng qua phòng tuyến chạy về phía đông nam tới Badayev. Chiếc T-34 bắn đạn trái phá vào những căn nhà nơi đơn vị tiếp liệu đóng quân, và tàn phá ngôi làng để trút giận.

Một thành viên của đơn vị tiếp liệu báo cho trung úy Diehls: “Cẩn thận kẻo nó đốt sạch nhiên liệu của quân ta đó!”

Diehls lấy 1 quả mìn chống tăng, khom người chạy dọc con đường làng. Một viên đạn bay sạt qua đầu. Sóng xung kích hất anh ngã xuống đất nhưng đã cứu anh thoát khỏi 1 loạt đạn súng máy vừa cày xuống mặt đường.

Một lát sau, anh tới được con đường mà chiếc T-34 phải đi qua để tấn công kho nhiên liệu.

Diehls ném quả mìn xuống đất và nhảy sang bên khi 1 loạt đạn súng máy nữa bắn tới.

“Kìa, nó đã thấy các thùng xăng rồi!”

Chiếc T-34 chuyển hướng rồi dừng lại, hướng nòng pháo về phía kho chứa.

“Nó phải tới gần nữa” một trung sĩ la lên, tay với lấy khẩu súng trường chống tăng.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #123 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2013, 08:43:37 am »

Anh ta bắn vào sườn chiếc xe. Phát đạn không xuyên vào được nhưng làm chiếc T-34 phải chạy tới chứ không bắn nữa.

2 mét rồi 1 mét…

Chiếc T-34 cán lên quả mìn.

Chớp nổ lóe lên. Mũi chiếc xe bốc lên ít nhất là nửa mét. Sức công phá của vụ nổ xe toạc gầm xe, xăng tuôn ra và phát hỏa với 1 tiếng nổ trầm đục. Tổ lái đột ngột chui ra từ trong ngọn lửa đang bao trùm chiếc T-34. Quần áo của chúng bốc cháy, chúng la hét chạy sang rìa đường, lăn mình xuống tuyết. Chỉ 1 lát sau, chúng đã bị các thành viên của đơn vị tiếp liệu bắt sống, mình đầy thương tích.

Suốt cả ngày 21 tháng 3 toàn bộ khu vực xung quanh con đường chính tràn ngập tiếng ồn của trận đấu tăng. Chiến thuật của Đức là xen kẽ giữa tiến công mau lẹ, thay đổi vị trí, ẩn nấp và phục kích.

Bölter cảm thấy mình sắp bị sự mệt mỏi đánh gục. Anh phải dùng chất kích thích để tỉnh táo. Việc này rất nguy hiểm, nhưng họ bắt buộc phải tinh tường nếu muốn sống. Không còn cách nào khác.

Tổ lái thường ngủ ngồi khi giao tranh tạm ngưng. Trong những chuyến quay về để tiếp đạn, họ kiếm chỗ nấp đằng sau đống thùng phuy nhiên liệu, hút 1 điếu thuốc và ngủ thiếp cho đến khi Bölter gọi dậy. Và rồi họ lê những cái chân tê cứng leo vào trong xe, chuẩn bị lại ra tuyến đầu. nơi họ lại phải chiến đấu tiếp với xe tăng và pháo tự hành Xô Viết.

Tới giữa trưa ngày 21 tháng 3, thêm 10 xe tăng Xô Viết bị hạ nằm dọc phòng tuyến của Đức và cả 2 bên đường cái.

Khoảng 14g50 hôm đó, Bölter và tổ lái của mình lại trở lại tuyến đầu sau khi bổ sung đạn dược chiếc Tiger. Bất ngờ họ bị 1 cơn mưa đạn rocket chụp trúng. Loạt đạn đầu tiên bay véo trên đầu rồi giập xuống vùng đất đằng sau xe tăng. Rồi có tiếng hú the thé của loạt thứ 2 đang đến gần rồi đột ngột nổ tung ngay đằng trước và đạn nổ ngày càng tiến gần gơn.

Tất cả mọi thứ chỉ diễn ra mấy giây, nhưng Bölter tưởng như được coi 1 đoạn phim quay chậm vậy.

Khoang chiến đấu sáng bừng, tổ lái bị những tiếng nổ kinh khiếp làm điếc tai. Mặt đất bên dưới chiếc xe rung chuyển. Chiếc xe tăng chao đảo như con tàu đang đi trên đại dương vậy.

Rồi mọi thứ chấm dứt và mọi người rất ngạc nhiên khi thấy mình vẫn còn sống, chiếc xe vẫn còn nguyên.

Bölter đã thấy đợt sóng tiếp theo xe tăng Xô Viết đến gần. Người pháo thủ khai hỏa theo lệnh anh từ khoảng cách trên 2000m. Cự ly như khi bắn tập. Rồi pháo binh Xô Viết bắt đầu rót xuống chiếc Tiger. Bölter chuyển qua 1 vị trí khác, để tránh hỏa lực pháo địch và trở lại tham chiến.

Một chiếc Tiger đã không vượt qua được. Nó bị 1 cỗ pháo tự hành Xô Viết được ngụy trang khéo léo phục kích. Phát đạn 122 ly đầu tiên đã trúng trực tiếp. Bölter theo dõi cuộc đọ sức qua kính chỉ huy và thấy toàn bộ phần nóc chiếc Tiger nổ tung.

“Gröschl, quan sát! Có pháo tự hành đằng sau lùm cây. Cự ly 800, hướng 12g đúng.”

“Đã bắt được mục tiêu!”

Gröschl đã đưa được chiếc vào kính ngắm trước khi nó kịp bắn phát thứ 2. Anh nhấn nút bắn. Viên đạn xuyên thép lao vụt tới cỗ pháo tự hành Xô Viết. Một cột lửa cao 10m phụt lên khi cú bắn trúng đích.

“Trúng rồi!”

Chiếc Tiger của Bölter yểm trợ cho 4 thành viên tổ lái khi họ kéo người trưởng xe bị thương nặng ra khỏi chiếc xe tăng và khiêng tới chỗ an toàn.

“Chạy về phía sau! Mau lên!”

Cho 5 lính trên chiếc xe Tiger bị hạ leo lên, Bölter cho xe vượt qua tiền duyên trở về và giao người bị thương nặng cho trạm sơ cứu.

Sau đó anh quay lại tuyến đầu vừa kịp tham gia vào trận đấu cuối cùng giữa 2 chiếc Tiger còn ở lại cùng những chiếc T-34 đang tiếp cận.

Bölter nhìn rất rõ từ khe nhìn trên lỗ cửa trên nóc xe. Anh phát hiện có 2 chiếc T-34 đã luồn qua mấy xe Tiger kia liền lệnh người lái cho xe quay ngoắt lại.

Cỗ Tiger của thượng sĩ Bölter chịu được 1 cú bắn trong trận đấu với 2 xe tăng địch mà không hề hấn gì.

Bölter lại mở cửa chỉ huy và thò đầu ra ngoài. Tầm nhìn tốt là 1 điều rất quan trọng, và có lẽ là điều quan trọng nhất khi đối đầu với xe tăng địch, đang từ vùng đất thấp, cây cối um tùm tiến đến gần.

Song, lần này không thể nhìn thấy gì ngoài những xác xe đang cháy bốc khói.

Trận đánh đã kết thúc. Phía Xô Viết đã thất bại trong việc chọc thủng khu đề kháng chủ yếu của Đức. Thất bại này dù cho phía Xô Viết có ưu thế hơn là do nỗ lực của 1 số ít ỏi xe tăng Tiger. Họ đã phá hủy 18 xe tăng Xô Viết trong trận đánh ngày 21 tháng 3.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #124 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2013, 08:43:59 am »

Rõ ràng là giờ đây, lực lượng thiết giáp Đức đã có 1 mẫu xe tăng vượt trội so với những loại khác.

Công binh Đức được điều lên để phá hủy chiếc Tiger hư hỏng không thể phục hồi. Nó bị pháo chống tăng bắn trúng 2 lần và không thể sửa chữa được.

Phía LX mất tới 40 xe tăng trong vòng 3 ngày tại các khu xung quanh Krasny Bor. Phần lớn trong đó là nạn nhân của số tăng Tiger ít ỏi. Điều này làm cho lực lượng thiết giáp LX ở đây gần như cạn kiệt. Lúc này họ thay đổi chiến thuật, dùng bộ binh dưới sự yểm trợ của pháo chống tăng – đã được lợi dụng bóng tối đưa lên phía trước và bố trí trong những vị trí được ngụy trang – nhằm nỗ lực đảo ngược tình thế. Kết quả của chiến thuật này là có thêm 2 Tiger nữa bị bắn hạ.

Trong khoảng thời gian từ ngày 22 tới ngày 30 tháng 3. Bölter đã bị những khẩu pháo ngụy trang bắn nhiều lần, anh cũng không sao lý giải được làm sao có thể tránh hết được những viên đạn nhắm vào xe mình và còn diệt được 1 số pháo chống tăng Xô Viết.

Ngày nào Bölter và chiếc Tiger của mình cũng bị ít nhất là 1 khẩu pháo chống tăng núp kín bắn. Anh đã phải chịu đựng hỏa lực pháo binh Nga 2 lần trong nhiều giờ đồng hồ, và đến lần thứ 3 anh cùng tổ lái phải bỏ lại chiếc Tiger mà chạy bộ tháo thân.

Đến tối anh dẫn đầu 1 nhóm tiến vào vùng đất giữa 2 chiến tuyến để thu hồi chiếc Tiger. Bölter và người của mình phải đọ súng với 1 toán tuần thám Nga trong khi đội sửa chữa phục hồi chiếc xe.

Nhiệm vụ đã thành công. Họ lái chiếc Tiger về trạm tiếp vận và làm việc cả đêm để nó có thể sẵn sàng chiến đấu vào sáng hôm sau.

Bölter và lính của mình xuất kích đi xuất kích lại trên tuyến đầu. Giải tỏa những vị trí bị bao vây hay tiêu diệt các ổ súng máy hạng nặng LX đã di chuyển đến hồi đêm.

Mọi người đều rất căng thẳng. Họ ngủ ngay tại vị trí xuất phát và thường xuyên bị hỏa lực đối phương đánh thức.

Những chiếc Tiger đóng vai trò trọng yếu trong những trận đánh chống lại pháo chống tăng, xe tăng cùng lực lượng bộ binh đông đảo của LX xung quanh Krasny Bor và sự tưởng thưởng cho những cố gắng của họ là tiền duyên của Đức vẫn trụ vững trước những đợt tấn công của quân LX có số lượng vượt trội.

Ngày 1 tháng tư, trận đánh kết thúc, tất cả mọi người đều tập trung trước sở chỉ huy tiểu đoàn. Thiếu tá Marker trao tặng huân chương chữ thập sắt hạng nhất cho trung úy Diehls. Sau đó ông công bố quyết định thăng cấp cho thượng sĩ Schütze lên thiếu úy. Trong phần kết ông gọi tới tên thượng sĩ Bölter.

“Thượng sĩ Bölter, Quốc trưởng đã ban tặng cho anh huân chương chữ thập nước Đức vàng, vì hành động dũng cảm trong những tuần qua. Được trao tặng nó cho anh ngày hôm nay là niềm vinh hạnh lớn đối với tôi.”

Ông ra hiệu cho người phụ tá bước lên, lấy cái huân chương chữ thập nước Đức từ trong hộp ra và gắn nó vào bên phải ngực áo của viên thượng sĩ.

Rồi ông giơ tay chào và bắt tay Bölter.

Ngày 11 tháng 4 giao tranh đã trở lại. Một cuộc tấn công được lên kế hoạch nhằm tái chiếm những phần đất bị mất, song đã thất bại.

Sáng hôm sau, 3 chiếc Tiger tiến lên phía trước để ngăn chặn hành động trinh sát của LX. Chỉ huy 1 trong số xe tăng là thượng sĩ nhất Sanderring, một “tay tổ” trong lực lượng xe tăng Đức.

Trận đánh này đưa ra bằng chứng cho thấy cú bắn may mắn của 1 khẩu súng trường chống tăng Nga có thể gây thiệt hại như thế nào cho 1 chiếc Tiger.

Một lính LX nấp kín đã nhắm vào chiếc Tiger của viên thượng sĩ nhất khi nó vừa đến gần. Hắn bắn khẩu súng trường chống tăng từ khoảng cách 50m. Viên đạn xuyên qua khe nhìn trên cửa chỉ huy làm thượng sĩ nhất Sanderring chết ngay tức khắc. Chiếc Tiger phải tháo lui. Một người lính LX duy nhất đã làm được điều mà nhiều chiếc T-34 đã không làm được, đó là: loại 1 chiếc Tiger ra khỏi vòng chiến.

Trận đánh hồ Ladoga lần 2 kết thúc ngày 6 tháng 4. Phía LX đã đạt được những thành công gì?

Họ chiếm lại được nhà máy điện Gorodok ngày 17 tháng 2. Quân Đức phải kéo tuyến đề kháng chủ yếu lui về phía nam 4km, nơi mà nó chạy dọc theo vùng được gọi là “con đường Miến Điện” kéo từ Neva qua Sinyavino tới Wengler Block.

Tuy nhiên nhờ nỗ lực của lính bộ binh cơ giới và bộ binh cơ giới, công binh chiến đấu, lính pháo binh và các tổ lái xe tăng, đã ngăn không cho phía LX đạt được mục tiêu chính là chiếm tuyến đường sắt Kirov.

Số sư đoàn ít ỏi của Đức đã phải chống lại cuộc tấn công của 48 sư đoàn, 19 lữ đoàn bộ binh, 1 sư đoàn bộ binh cơ giới, 19 lữ đoàn và trung đoàn xe tăng, cùng 10 tiểu đoàn xe tăng độc lập.

Phía LX đã bị tổn thất nặng nề. 4km đất đai chiếm được với cái giá là 270.000 người chết và bị thương. Tổng cộng có 187 xe tăng bị phá hủy hay bị loại khỏi vòng chiến, 693 máy bay bị mất.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #125 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2013, 08:59:47 am »

Hai quân nhân Đức đã được vinh thưởng chùm lá sồi cho huân chương chữ thập hiệp sĩ, và 30 người nữa cũng được tặng huân chương này vì những nỗ lực của họ trong trận đánh.

Trong 3 tháng rưỡi hoạt động ở phía nam Leningrad, tiểu đoàn xe tăng hạng nặng 502, với chỉ 1 đại đội duy nhất, đã tiêu diệt 163 xe tăng, ít nhất là 50 pháo chống tăng cùng 1 số lớn boong ke và công sự đối phương.

Kết quả của những thành tích trên cánh Bắc của mặt trận phía đông đã tạo nên “huyền thoại về chiếc Tiger“ và đạt tới đỉnh cao tại cuộc trình diễn của tiểu đoàn xe tăng huấn luyện và bổ sung số 500 ở Paderborn.

Theo lời mời của phòng quan hệ công chúng chính phủ Đức quốc xã và bộ trưởng khí tài và vũ trang đế chế Albert Speer, hàng trăm phóng viên đã tới căn cứ Senne để chứng kiến 1 kỳ quan xe tăng mới.

Tạp chí Angriff là tờ báo đăng bài về loại xe tăng mới, mà hậu quả mang lại cho các tổ lái Tiger là hại nhiều hơn lợi. Việc trưng bày công khai chiếc Tiger là 1 yếu tố khiến phía LX xem xét kỹ lưỡng hơn trong việc thiết kế ra các kiểu xe tăng uy lực hơn của Hồng quân.

Bằng chứng đầu tiên xác thực việc này là sự xuất hiện kiểu xe T-34 cải tiến với tổ lái 5 người và pháo 85mm. Kiểu xe tăng mới thiết kế chính là chiếc T-34/85 và khẩu pháo 85 ly mới của nó có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng hơn nhiều cho chiếc Tiger so với “những móp méo và trầy xước” mà các phóng viên miêu tả trong những bài báo trên tạp chí hão huyền của họ.

Phía LX cũng vội vã đưa các loại pháo chống tăng mới nguy hiểm hơn vào biên chế. Một mẫu thiết kế mới sẽ xuất hiện ngoài mặt trận sau đó ít lâu là loại xe tăng Stalin được trang bị pháo 122mm.

Như những tác hại lớn nhất trong việc thổi phồng chiếc Tiger lại nhằm vào các chỉ huy cấp cao của Đức, những người có xu hướng đánh giá quá cao khả năng của xe tăng. Các tư lệnh sư đoàn tin rằng chiếc Tiger là thứ vũ khí tối thượng trong tay họ và không vấn đề khó khăn nào nó không giải quyết được.

Kết quả là những chiếc Tiger thường được đưa vào hoạt động trong những khu vực có địa hình không phù hợp mà không có lực lượng hỗ trợ cần thiết, bất chấp sự phản đối của chỉ huy đơn vị xe tăng. Hậu quả là xe tăng thường xuyên bị tổn thất. Trong chiến đấu họ bị pháo chống tăng địch vô hiệu hóa và thường phải hủy xe để chúng khỏi rơi vào tay đối phương.

Thực tế chỉ có tổng cộng 30 (Huh) chiếc Tiger được ghi nhận là tổn thất trên hàng ngàn xe tăng địch bị tiêu diệt, đó là vinh dự cho những nỗ lực không mệt mỏi của các trưởng xe, sĩ quan, nhân viên hậu tuyến và các đơn vị sửa chữa.

Đại tướng Guderian đã nhận xét những lời sau đây về việc sử dụng những chiếc Tiger: “Bất cứ khi nào 1 đơn vị Tiger được sử dụng tập trung dưới sự chỉ huy chặt chẽ của 1 viên tư lệnh giỏi là sẽ giành được thành tích xuất sắc. Hiệu quả chính của những chiếc Tiger là những thành công đạt được trong việc phá hủy xe tăng địch.”

“Sự kết hợp chặt chẽ với các loại vũ khí khác là rất cần thiết trong việc khai thác hết thế mạnh của 1 đơn vị Tiger.

“Ngoài ra do sự hạn chế trong việc tự bảo vệ ở khoảng cách gần của nó nên các loại vũ khí khác phải có nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa bảo vệ cho Tiger.”

Mùa hè đã đến. Vào ngày 7 tháng 6, vị tướng Nhật Bản Oshima đã đến thăm tiểu đoàn tăng Tiger 502 để thị phạm loại xe tăng mới này.

Trung úy Diehls dẫn đầu tiểu đoàn trong 1 màn trình diễn bắn đạn thật. Có kế hoạch gửi 1 chiếc Tiger sang Nhật bằng tàu ngầm cỡ lớn, tuy nhiên nó đã không được thực hiện.

Trong khi đại đội 1 đang trải qua thực nghiệm tại Siverskaya thì phần còn lại của tiểu đoàn được tập trung ở Paderborn. Đại đội 2 và 3 được thành lập từ những lính xe tăng giàu kinh nghiệm cùng những tình nguyện viên trẻ tuổi.

Việc huấn luyện chú trọng vào bài tập chiến đấu theo đội hình nhỏ và lớn và cũng đạt kết quả tốt như khi huấn luyện chung. Hoạt động huấn luyện được hoàn thành với nhịp độ cao.

Otto Carius, tác giả cuốn Tiger im Schlamm (Cọp sa lầy), là người được chuyển loại qua Tiger từ 1 loại khác, đã mô tả việc huấn luyện như sau: “Con đường đến với chiếc Tiger được xây bằng mồ hôi và sự nhọc nhằn. Tới giờ những tân binh hồi ấy vẫn còn cảm thấy ứa nước mắt. Nếu họ phàn nàn thì được nghe những lời như thế này: “Mấy người nghĩ cái gì sẽ đợi mấy người ở bên Nga? Thế này chỉ mới là ‘trò trẻ con’ so với bên đó. Ai không thích thì có thể chuyển sang bộ binh ngay.” Điều quan trọng là không có ai làm vậy.

Trong khi 2 đại đội mới lập vẫn đang còn huấn luyện tại Pháp, đại đội 1 về Tosno nghỉ ngơi. Họ chỉ bị quấy rầy bởi những cuộc không kích hàng đêm của LX. Sau đó là thời gian những chiếc Tiger làm những chuyến tuần tra cục bộ hoặc đôi khi bắn phá những boong ke LX đối diện phòng tuyến Đức. Nhưng dấu hiệu 1 cuộc tấn công lớn của LX đang tới gần.

Hai đại đội Tiger mới lên xe lửa rời Pháp vào dịp lễ Corpus Christi (ngày lễ thi hài chúa Cơ đốc). Các chuyến tàu nhanh chạy ngang nước Đức hướng đến khu vực Leningrad. Một cuộc tấn công lớn của LX được dự đoán sẽ xảy ra vào bất cứ khi nào.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #126 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2013, 02:44:29 pm »

Những chiếc Tiger đầu tiên xuống tàu ở Gatchina. Vì không có sẵn bệ dốc để chuyển xe nên 1 chiếc Tiger đã bị đổ cắm đầu về phía trước khi ra khỏi toa chở.

Ngày 21 tháng 7 năm 1943, những chiếc Tiger được chuyển đến Mga theo đường sắt. Đây là nút giao thông then chốt của toàn bộ mặt trận cánh bắc nước Nga. Những cỗ xe tăng đã được dỡ xuống tại 1 ga nhỏ là Snigri và lại không có bệ dốc. Hỏa lực pháo binh LX đã dập xuống ngay cạnh nhà ga khi quá trình xuống tàu đang diễn ra.

Lính đại đội 2 được biết những chiếc Tiger của đại đội 3 đã xuống tàu cũng tại ga này. Đại đội bị ném vào tham chiến ngay lập tức sau khi xuống ga và 2 sĩ quan của nó là đại úy Oehme và thiếu úy Grünewald đã tử trận.

Ba giờ sáng ngày 22 tháng 7 năm 1943, LX bắt đầu 1 trận pháo kích vào các vị trí của Đức ở cánh bắc mặt trận phía đông. Khu vực hứng chịu hỏa lực nặng nề nhất là phía đông và phía bắc mấu lồi Mga.

Bộ binh Đức ẩn nấp né tránh cuộc tấn công đầu tiên trong khi pháo binh dựng 1 bức tường lửa trên đường tiếp cận Mga. Những lữ đoàn cối phản lực Nebelwerfer bắn hàng loạt đạn rocket vào nơi tập trung quân LX.

Đầu tiên quân LX thâm nhập được vào vùng phía bắc Mga và phía đông sông Neva. Họ ném thêm quân vào dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ của thiết giáp với nỗ lực tạo nên 1 bước đột phá quyết định

Và sau đó là tiếng gọi về:

“Tiger lên tuyến đầu!”


Huân chương chữ thập hiệp sĩ của thiếu úy Bölter

Trận hồ Ladoga lần 3 bắt đầu ngày 22 tháng 7 năm 1943. Trận đánh trùng với cuộc tấn công của LX trên các khu vực trung tâm của mặt trận phía đông.

Hỏa lực pháo binh rót như mưa xuống phòng tuyến quân Đức. Không quân LX phát động những trận không tập dữ dội cố gắng đập nát các vị trí pháo binh Đức trước khi bắt đầu tấn công.

Cuối cùng các sư đoàn thuộc tập đoàn quân 67 đã tấn công. 5 sư đoàn của quân đoàn bộ binh cận vệ 30 cũng tham chiến. Tập đoàn quân số 8 LX thì tiến công từ phía đông sang.

Quân đoàn bộ binh cận vệ 30 đảm trách 2 mũi tiến công. Một tới vùng tam giác có ba cạnh là đường ray xe lửa Posselok 6, phía tây Sinyavino thượng và cái kia là nhà ga Rangun, mở rộng tới tận bờ sông Neva. Dù đã chiến đấu dũng cảm, 2 sư đoàn Đức trong vùng là sư đoàn 11 Đông Phổ và sư đoàn 23 Brandenburg đã không thể chặn được đà tiến của quân LX. Trong 2 ngày sau đó phía LX rất nỗ lực để có thể dứt điểm 2 vị trí này.

Tập đoàn quân 18 của Đức đưa lực lượng dự bị của mình ra: Sư đoàn bộ binh 121 tới phía đông, sư đoàn 18 Jäger (loại sư đoàn lai giữa bộ binh và sơn cước, chuyên chiến đấu trên địa hình rừng núi khó khăn. ND) lên hướng bắc, phía tây của  Sinyavino thượng.

Sư đoàn bộ binh 11 đã trụ được 20 ngày chống lại sự tấn công của 7 sư đoàn LX. Pháo binh của sư đoàn đã bắn tới 95.000 viên đạn trong thời gian đó.

Những ngày đầu tháng 8, phía LX chuyển nỗ lực chủ yếu của họ qua phía đông giữa  Voronovo và tuyến đường sắt Kirov. 29 tiểu đoàn bộ binh tấn công từ mồng 2 đến mồng 4 tháng 8 nhắm đến Mga, trong 1 cuộc tấn công thọc sườn để làm rối trí quân phòng thủ tại Sinyavino.

Những cuộc tiến công này cũng như cuộc tấn công của xe tăng LX nếu thành công thì có thể chọc thủng được các vị trí do sư đoàn 5 sơn cước và sư đoàn 1 bộ binh chống giữ. Nhưng các cuộc tấn công của thiết giáp LX bị thất bại phần lớn là do nỗ lực của tiểu đoàn xe tăng Tiger 502.

Tham gia chiến đấu là đại đội 1 của tiểu đoàn, đã ở vùng Leningrad từ hè năm 1942, cùng đại đội 2 và 3 mới từ Pháp sang ngày 22 tháng 7.

Những chiếc Tiger hành quân từ căn cứ hỗ trợ Snigri ra, có Bölter luôn theo chân. Nhiệm vụ là giao chiến với xe tăng LX, đến đêm thì tấn công bộ binh LX trong công sự, tuần tra khu vực và phản kích với bộ binh hỗ trợ.

Trung úy Diehls vẫn tiếp tục chỉ huy đại đội 1. Những sĩ quan phụ tá của anh có thiếu úy Schütze, thiếu úy Heer, và trung sĩ Lötsch. Lötsch đã sống sót sau một nhiệm vụ rất khó khăn hôm 20 tháng 7, và hôm sau lại ra mặt trận với các trung sĩ Federizzi và Hornung để đầy lùi quân LX đã chọc thủng phòng tuyến Đức. Nhiều boong ke bị quân LX chiếm đã bị hỏa lực trực xạ phá hủy.

Những chiếc Tiger thường xuyên bị ăn đạn do hỏa lực bắn trả và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho các xưởng sửa chữa. Những đội sửa chữa thường tận dụng những giờ ban đêm tiến lên tiền duyên để sửa những chiếc Tiger bị bất động do hỏng xích.

Tinh thần của bộ binh sẽ lên cao nhất khi có những chiếc Tiger tới hỗ trợ dù ở khu đề kháng Bunkerdorf hay tại cứ điểm Balzerweg.

Trận hồ Ladoga lần 3 diễn ra cho tới tận cuối tháng 8, khi giao tranh tàn lụi dần. Thương vong của phía LX lại rất nặng nề: họ bị mất 100.000 người. Lực lượng phòng thủ phá hủy 344 thiết giáp, 307 máy bay LX. Một lần nữa mục tiêu của LX lại thất bại.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #127 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2013, 09:12:54 pm »

Trong khi tiểu đoàn 502 vẫn trong quá trình sửa chữa và đại tu xe tăng và xe cộ khác, quân LX lại tấn công tiếp. Lần này họ chọn cánh phải của mặt trận phía bắc gần Nevel. Tiểu đoàn 502 ngay lập tức được lệnh chuyển đến Nevel.

Trong thời gian đó tiểu đoàn có 1 sĩ quan chỉ huy mới là thiếu tá Willy Jähde. Ngày 8 tháng 10, xe tăng được vận chuyển bằng xe lửa đến Tosno.

Quân LX chiếm được Nevel từ 2 hôm trước trong 1 cuộc đột kích bất ngờ của 60 xe tăng, có xe tải chở bộ binh theo sau.

Sư đoàn bộ binh 58 của Đức và tiểu đoàn 502 được giao nhiệm vụ tái chiếm thành phố. Sư đoàn 58 chặn được quân tiến công của địch và bắt chúng ngừng lại tại phía bắc Nevel trong khu vực Aluntovo và Medvedko.

Bốn trận đánh đã nổ ra quanh thành phố. Một phần của đại đội 1, được đưa vào chiến đấu ngay khi xuống tàu đã bị quân LX bao vây trên đường cái. Trung đội do thiếu úy Meyer bị xóa sổ hoàn toàn. Viên thiếu úy, 1 trong những chỉ huy xe tăng Đức gan dạ nhất, thà tự sát chứ không chịu để LX bắt làm tù binh.

Mấy hôm sau Gatchina bị rút bỏ. Quân Đức triệt thoái dọc theo tuyến đường Gatchina- Volosovo-Narva. Bất cứ khi nào tình hình trở nên nguy hiểm là thiếu tá Jähde và những con cọp của ông được đưa đến.

Tại Volosovo, viên thiếu tá cùng trợ lý tiểu đoàn lên đường trên 2 chiếc Tiger cuối cùng còn đầy đủ sức mạnh, vội vã ra đối mặt với thiết giáp LX. Chiếc Tiger của Jähde bị bắn trúng. Dù đã bị thương, ông vẫn ở lại cùng đơn vị. Trong trận đánh đó, người phó của Jähde, chỉ huy chiếc Tiger thứ nhì, tiêu diệt được 6 xe tăng LX.

Ngày 19 tháng 1 năm 1944, tiểu đoàn được chuyển từ khu vực Pustoshka trở lại mặt trận Ladoga, nơi 1 lần nữa lại nổ ra giao tranh ác liệt. Một trận đánh gian nan lại tái diễn cho đến khi mọi sự trở về như cũ.

***

LX đã chiếm được Krasnoye Selo vào tối 19-20 tháng 1 và lúc này đang tiến đến Kipen.

Thiếu tá Jähde nhận được lệnh từ tướng tư lệnh quân đoàn 50, thành lập ra 1 chiến đoàn để phòng thủ khu vực Voronovo-Syas-Kelevo.

“Vị trí của các anh là cột trụ quan trọng nhất trong tuyến phòng thủ phía bắc Gatchina” Vị tướng nhấn mạnh.

Trong ngày đầu tiên họ tham gia chiến đấu – 22 tháng 1 – những chiếc Tiger đã phá hủy được 12 xe tăng địch. Dù vậy, ngày 26 tháng 1, quân Đức vẫn phải rút lui.

Hai đại đội xe tăng Tiger tạm thời được phối thuộc cho quân đoàn III xe tăng SS (Germanic) sau khi quân LX chọc thủng phòng tuyến.

Thành tích của những chiếc Tiger trong việc chống lại quân LX đang ùa đến đã giải tỏa bớt áp lực cho các sư đoàn bộ binh Đức đang khốn đốn. Họ đã buộc bộ đội thiết giáp LX phải dừng lại, dù chỉ tạm thời.

Khi những chiếc Tiger vừa đến Narva bằng xe lửa. Bölter, lúc này đã là thiếu úy (từ 1 tháng 5 năm 1943), nhận được tin người bạn, đại đội trưởng đại đội 1, người đồng đội gương mẫu trung úy Diehls đã bị trọng thương khi đang ngồi trong xe con Kübelwagen.

Trong khu vực tác chiến mới, tiểu đoàn 1 lần nữa lại bị xé lẻ, không còn được chiến đấu toàn đơn vị nữa. Trong khi đại đội 2 tham gia chiến đấu phòng ngự gần Narva, đại đội 1 và 3 được điều đi tổ chức phản công tại phía nam Pskov và gần Idritsa.

Thống chế von Küchler, tư lệnh cụm tập đoàn quân Bắc đã khen ngợi những thành tích của tiểu đoàn.

Bölter và kíp lái ở trong xe suốt buổi tối hôm trước ngày thứ 6 thần thánh (Good Friday), họ đang được triển khai để bảo vệ sở chỉ huy của 1 trung đoàn bộ binh.

Năm người lính ngồi ngủ gà ngủ gật cho tới khi nghe thấy tiềng ầm ì phía xa. Thiết giáp LX đang tập hợp chuẩn bị tấn công.

Bình minh đến chậm chạp.

“Tôi sẽ đến chỉ huy sở xem họ bảo ta làm gì nào”. Bölter nói với các đồng đội.

Anh đu ra khỏi xe. Tiếng ầm ì bên chiến tuyến quân Nga nghe đã lớn hơn khi anh lê đôi chân tê nhức đến sở chỉ huy.

Bölter có cuộc trao đổi ngắn với trung đoàn trưởng trong đó.

“Tôi ra ‘nằm’ chỗ nào đây, thưa trung tá?” Anh hỏi.

“Cứ ‘ngủ’ ở đó đi, Bölter ạ”

Nhưng anh chưa kịp giơ tay chào, có một tiếng nổ dữ dội vì đạn pháo bắt đầu nổ tung gần đó. Anh liếc đồng hồ thấy kim chỉ đúng 6 giờ.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #128 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2013, 09:13:29 pm »

LX mở đầu trận đánh bằng 1 cuộc pháo kích của hàng trăm khẩu trọng pháo, cùng sự tham gia của rất nhiều dàn pháo phản lực (Đàn organ của Stalin) dội bão lửa xuống khu đề kháng chủ yếu, nhằm dọn đường cho cuộc tấn công.

Đạn pháo dập xuống khắp nơi. Sở chỉ huy lắc lư rung chuyển. Hàng ngàn trái đạn pháo rơi xuống khu vực trách nhiệm của trung đoàn, một dấu hiệu cho thấy LX sẽ chọn nơi này làm điểm đột phá vào phòng tuyến Đức. Trận địa phòng thủ chủ yếu kéo dài giữa các làng Vadrino và Bol Usy.

Trận Pskov đã đạt đến cường độ ác liệt nhất. Cuộc oanh tạc của pháo binh kéo dài suốt 2 giờ đồng hồ, sau đó bộ binh LX tấn công vào các vị trí của sư đoàn bộ binh số 8.

Những đợt sóng lính hồng quân tràn lên phía trước. Máy bay ném bom bổ nhào Stuka lao xuống đầu chúng thả hàng chục trái bom loại nhỏ chống bộ binh rồi bắn phá bằng súng máy, đại bác.

Ba mươi chiếc xe tăng địch tiến lên đột phá.

Bölter chưa biết việc đó nên cho xe tới gần sở chỉ huy hơn để tổ lái có thể nhanh chóng leo vào và đi ngay nếu cần thiết.

Một lính liên lạc bị thương đến được chỉ huy sở.

“Thưa trung tá, xe tăng địch tấn công! Chúng đã xâm nhập khu đề kháng chủ yếu và đang tràn ngập bộ binh.”

“Bölter, có việc cho anh đây!”, trung đoàn trưởng nói “Ra đó và…”

Bölter vừa chạy ra khỏi boong ke, thì có 4 trái đạn pháo nổ gần đó cùng lúc. Xóng xung kích xô viên thiếu úy văng vào lại boong ke. Anh cảm thấy như vừa bị ăn 1 quả đấm khổng lồ. Anh đứng dậy, choáng váng.

Vị trung đoàn trưởng bộ binh nhìn anh khẩn khoản.

“Bölter! anh phải ra ngoài đó đẩy lùi xe tăng tấn công lại. Nếu bọn Nga tới được đây thì mặt trận sẽ tiêu tùng. Không còn cách nào khác hết, phải cố lên!”

Bölter sợ cúm cả giò, nhưng vẫn còn thấy hình dáng chiếc Tiger. Chưa bao giờ anh phụ lòng mong mỏi của bộ binh, lần này cũng sẽ vậy.

Anh lấy lại tinh thần, chờ cho qua loạt đạn pháo tiếp theo, rồi vội vã chui ra khỏi boong ke và bắt đầu chạy. Mới được mươi bước thì Bölter nghe thấy tiếng hú khủng khiếp khi 1 loạt đàn organ Stalin bay đến. Phãn ứng rất nhanh, anh lăn xuống 1 hố đạn pháo. Những tiếng nổ inh tai bùng lên khắp xung quanh.

Không khí tràn ngập khói bụi nên rất ngột ngạt. Những cục đất to bằng nắm tay rơi như mưa xuống người anh. Rồi lại có thêm đạn pháo, cối bắt đầu rót xuống gần đó. Bölter bò trở lại chỉ huy sở. Anh bị xây xát vì mảnh bom 3 lần trên đường về đó. Cuối cùng anh cùng về được boong ke của sở chỉ huy, mệt đứt hơi.

Bölter nói khi vừa nhìn thấy ánh mắt của vị chỉ huy bộ binh: “Tôi sẽ đi, thưa trung tá, tôi sẽ…”

Bölter biết mình phải làm được điều mà người lính liên lạc đã làm.

Sau loạt đạn tiếp theo, anh lại phóng ra ngoài. Bölter hiểu phải cố chạy để sống sót. Hơi nổ của đạn pháo quật anh ngã giúi, nhưng khi khói tan anh lại đứng lên. Chạy hết hơi, cuối cùng về đến chiếc Tiger của mình. Pháo thủ Gröschl đã mở cửa nắp tháp pháo. Bölter đặt chân phải lên xích xe, rồi chân trái lên vè chắn bùn, leo lên tháp pháo, chui vào bên trong và đóng nắp cửa lại. Đạn pháo rót xuống khắp nơi, mảnh đạn rơi ào ào xuống vỏ thép xe tăng.

“Này, thiếu úy!”

Gröschl ngồi đằng trước và thấp hơn người chỉ huy, đưa qua vai 1 điếu thuốc lá. Bölter rít 1 hơi dài.

Hölzl bắt đầu lái xe hướng thẳng lên tiền duyên. Chẳng cần phải nói nhiều lời. Họ là 1 tổ lái rất đoàn kết, ăn rơ, hiểu ý nhau trong mọi tình huống.

Chiếc Tiger đi qua 1 cái mương tới 1 chỗ địa hình nhấp nhô, cây cối thưa thớt. Lát sau Bölter 1 số đông xe tăng địch chạy ra từ trong khu rừng ở đầu bên kia vùng đất giữa 2 chiến tuyến. Anh thấy những cỗ pháo tự hành hạng nặng chạy hai bên sườn đội hình thiết giáp LX, đang đứng lại và khạc những viên đạn 122 ly và 152 ly vào vị trí quân Đức.

“Thưa thiếu úy, chúng nó đang dàn đội hình tấn công!” Hölzl hét lên. Lúc này chiếc xe tăng không còn bị cây che khuất, nên người lái xe có thể nhìn rất rõ.

Gröschl khai hỏa ở cự ly khoảng 1000m. Pháo thủ và người tiếp đạn thao tác rất mau lẹ và chỉ trong mấy phút đã có 4 chiếc T-34 bốc cháy ngoài đồng trống. Sự xuất hiện đột ngột của tay sát thủ này giường như làm cho quân LX đông cứng.

Tiếng la hét cảnh báo lan truyền trên tần số quân LX: "Tigrii!— Tigrii!—Tigrii!"

T-34, KV-I và pháo tự hành tản ra khạc đạn vào chiếc Tiger.

Đạn pháo bay vèo vèo qua tháp pháo. Bölter có thể nhìn chúng qua khe nhìn và nghe tiếng chúng rất rõ.

Gröschl la lên cảnh báo. Nhưng người lái xe đã dừng xe lại để anh bắn nên quá trễ để phản ứng kịp.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #129 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2013, 09:13:51 pm »

Một viên đạn rít lên lao thẳng tới chiếc Tiger. Khoang chiến đấu bừng sáng và tiếng nổ ghê người. Chiếc Tiger rúng động vì lực tác động của viên đạn bắn trúng ngay vào giáp trước. Khói dầy đặc trong xe nhưng nó vẫn sống sót sau cú bắn mà không có thiệt hại nghiêm trọng nào. Nếu là loại xe tăng khác thì tổ lái đã tiêu tùng rồi.

Động cơ chiếc Tiger gầm lên, nó quay sang phải và chui vào những lùm cây chạy vào 1 chỗ đất trũng. Chỉ có trưởng xe và pháo thủ là còn nhìn thấy xe tăng đối phương. Một cỗ pháo tự hành lơ ngơ chạy tới trước chiếc Tiger và dừng lại. Nòng pháo khổng lồ của nó khạc lửa.

Gröschl đã thu được nó vào kính ngắm và bấm nút khai hỏa.

Không thể nào trượt được vì quá gần. Viên đạn xuyên thép chui qua lớp vỏ thép và biến cỗ pháo tự hành LX thành 1 đống sắt âm ỉ cháy.

Gröschl lập tức đạp bàn đạp dẫn hướng điều khiển bằng điện, nó có thể xoay tháp pháo 360 độ trong vòng 1 phút.

Một chiếc T-34 lọt vào kính ngắm. Gröschl hướng theo chiếc tăng LX cho nó thu lại gần hơn. Nhẹ nhàng khóa mục tiêu và bắn. Cú bắn dường như đã kích nổ viên đạn đang nằm trong ổ đạn của khẩu pháo chiếc T-34. Từ chiếc xe xấu số lửa phụt ra. Ở 2 bên trái, phải cách khoảng 1km, các xe tăng LX nhanh chóng chạy ngang qua chiếc Tiger.

“Chúng nó định đánh thọc sườn bọn mình” Bölter thông báo cho đồng đội bằng 1 giọng rất bình tĩnh. Sự tự tin ấy đã lan sang toàn kíp xe.

Uỳnh!

Lại bị bắn trúng, lần này ở phía dưới bên hông trái. Băng xích bên trái phát ra tiếng loảng xoảng.

“Có thể xích chưa bị hỏng!”. Bölter nghĩ. “Tiến lên trước 30m” anh hạ lệnh.

Xích chưa bị hỏng. Chiếc Tiger vẫn ngoan ngoãn nghe theo người lái như trước. Đã tìm thấy 1 chỗ nấp tạm thời phía sau chỗ trũng.

“Ta cần tiếp viện! Liên lạc vô tuyến chưa, Bach?”

“Tiếp viện đang đến, thưa thiếu úy. Trung úy Göring và trung sĩ Sperling đang trên đường đến chỗ chúng ta.”

“Hy vọng họ qua được bức tường lửa của pháo địch.”

Lúc này Bölter mới nhận ra rằng pháo binh LX đã chuyển làn xa hơn về phía sau đã không gây nguy hiểm cho các đơn vị tấn công của chúng.

Bỗng có tiếng nổ bên tay trái.

“Là Göring đó, thưa thiếu úy! Anh ấy nói anh đang tấn công những chiếc T-34 đang từ bên sườn tiến đến.”

Ngay sau đó lại có tiếng pháo tăng bắn xa về bên trái chiếc Tiger của người thiếu úy.

“Chắc là Sperling đó”. Bölter thông báo, giọng nhẹ nhõm quả quyết.

Hai chiếc Tiger đã tiến ra tiền duyên. Họ đã vượt qua hàng rào bắn chặn của pháo binh địch và lúc này đang tấn công vào các thành phần đi bên sườn của lữ đoàn thiết giáp LX.

Trung úy Göring rất nhanh chóng diệt được 4 xe tăng T-34. Những xe còn lại chuyển hướng bỏ chạy vào những cái rãnh và khe gần đó.

Trung sĩ Sperling, chạm trán với những cỗ pháo tự hành hạng nặng LX. Là 1 trưởng xe giàu kinh nghiệm, điềm tĩnh từng lập nhiều thành tích, anh chờ cho đến khi mấy cỗ pháo tự hành bắn xong, liền tiến lên gần trong vòng 600m, là cự ly khó thể nào bắn trượt được. Anh có hơn 1 phút để làm việc này, vì quy trình nạp đạn của pháo tự hành rất lâu. Đạn cho pháo hạng nặng cỡ nòng 122 và 152 ly khi nạp phải qua 2 giai đoạn. Viên đạn và liều phóng rời. Tốc độ nạp chậm và đó chính là lợi thế của Sperling. Bằng cách đó anh đã bắn hạ 2 cỗ pháo tự hành, và làm chiếc thứ 3 bị hỏng nặng khiến nó bốc khói lủi vào trốn trong rừng.

Trong lúc đó quân LX vẫn cố vượt qua ở chính giữa, chỗ chiếc Tiger của Bölter. Trận đánh đã kéo dài 2 giờ, nhưng những người trong xe vẫn hành động rất nhanh. Họ đã phá hủy thêm 3 chiếc T-34 nữa chỉ trong vòng 2 phút. Sau đó Bölter ra lệnh chuyển vị trí. Chiếc Tiger quay sang trái, càn qua các hố đạn pháo và những chỗ đất trũng cho đến khi tới 1 khu vực cây cối ken dày. Bölter hướng dẫn người lái xe cho xe chui vào trong đó. Khi qua được đầu bên kia anh thấy mình đang thẳng hướng với nhiều chiếc T-34 dường như đang thận trọng tìm cách đối phó với những chiếc tăng cọp.

Gröschl bắn được 3 phát trước khi phía LX có thể đáp trả. Hai trong số T-34 đang ở bìa 1 khu rừng nhỏ bốc cháy, ngọn lửa bao phủ khắp xe.

Đạn rít lên bay vào đám cây 2 bên chiếc Tiger của Bölter. Một viên bay sượt qua tháp pháo, phát ra một tiếng động chói tai.

“Lùi lại, 30m.
Dừng lại! Sang phải chui vào rừng”

Chiếc Tiger cán bừa lên cây với tiếng đạn pháo nổ truy kích. Chạy khoảng 300m Bölter quay lại tiến ra chỗ quang đãng. Hölzl cho xe chạy ra khỏi đám cây rồi quay lại đối mặt với xe tăng LX. Gröschl lại khai hỏa.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM