Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:11:48 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sự nghiệp cả cuộc đời  (Đọc 119112 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #260 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2010, 12:49:39 pm »

Tôi không lầm nếu nói rằng Gh. C. Giu-cốp là một nhân vật sáng ngời nhất trong số những nhà cầm quân hồi Chiến tranh giữ nước vĩ đại.

Với tư cách là ủy viên Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao, và từ tháng Tám năm 1942 là phó Tổng tư lệnh tối cao, Gh. C. Giu-cốp đã góp phần to lớn vào việc vạch ra và thực hiện những chiến dịch nhằm đánh tan quân địch. Sức mạnh của nghệ thuật cầm quân và ý chí của đồng chí thể hiện đặc biệt rõ trong những trận chiến đấu lớn vào những năm 1943 - 1945 .

Tôi được may mắn cùng với Gh. C. Giu-cốp dành khá nhiều thì giờ để suy nghĩ về những biện pháp nhằm tổ chức việc đánh trả quân địch, thực hiện những nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng quốc phòng Nhà nước và Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao giao cho, giúp đỡ bộ tư lệnh các phương diện quân giải quyết có kết quả những nhiệm vụ chiến đấu. Bao giờ tôi cũng khâm phục nghị lực sôi nổi và tư duy chiến lược sâu rộng của đồng chí.

Đặc điểm của đồng chí là luôn luôn mong muốn truyền thụ cho các tư lệnh và bộ đội nghệ thuật chiến thắng quân thù mà bị tổn thất ít nhất và trong thời gian ngắn. Ngoài ra, không thể không nói đến tài năng tổ chức tuyệt vời của đồng chí. Sau khi đề ra quyết định, đồng chí đã động viên mọi lực lượng để thực hiện nó. Đối với đồng chí thì hình như không có trở ngại nào là không thể khắc phục được, ý chí mãnh liệt của đồng chí đã phá bỏ tất cả những gì cản trở trên đường đi.

Giu-cốp không có vẻ là một nhà cầm quân đứng trên đám đông binh lính. Khi chuẩn bị chiến dịch, đồng chí không những giữ mối liên hệ rất chặt chẽ với cán bộ chỉ huy các liên đoàn và binh đoàn, mà cả với sĩ quan các binh đội và phân đội nữa, nhất là với những đơn vị hoạt động trên hướng chủ yếu. Và điều đó khiến đồng chí có thể hiểu biết sâu sắc tâm trạng của những người dưới quyền, chỉ đạo họ hoạt động và hướng nỗ lực của các chiến sỉ đến thắng lợi.

Lúc sinh thời, Gh. C. Giu-cốp được tặng thưởng những huân chương cao nhất. Nhưng đối với đồng chí, phần thưởng cao quý nhất là nhân dân Liên Xô chân thành kính trọng đồng chí với tư cách là một người chỉ huy quân sự đã có rất nhiều cống hiến trong việc đánh bại chủ nghĩa phát-xít vào những năm chiến tranh thế giới thứ hai. Gh. C. Giu-cốp là một nguyên soái, bốn lần được phong Anh hùng Liên Xô, tuy nhiên, đồng chí vẫn coi danh hiệu cao quý nhất đối với đồng chí là danh hiệu người cộng sản, đảng viên của đảng lê-nin-nít mà đồng chí đã tham gia 55 năm.

Tôi muốn kết thúc hồi ký về người bạn của tôi bằng những lời của chính bản thân đồng chí, rút ra từ tập sách “Nhớ lại và suy nghĩ” mà đồng chí đã biên soạn cho đến những ngày cuối đời: “Bao giờ tôi cũng cảm thấy là mình cần cho mọi người và mình phải luôn luôn có nghĩa vụ đối với mọi người. Mà nếu như nghĩ về lẽ sống của con người thì đó là điều chủ yếu nhất. Vận mệnh của tôi chỉ là một thí dụ nhỏ bé trong vận mệnh chung của nhân dân Liên Xô”.

Con người cảm thấy giữa số phận cá nhân và sự nghiệp cá nhân với số phận và sự nghiệp của nhân dân có sự gắn bó mật thiết như vậy, cho nên ai cũng mong muốn được như thế. Cuộc đời và hoạt động của con người như vậy thật xứng đáng là tấm gương để noi theo.

Về B. M. Sa-pô-sni-cốp thì trong cuốn sách này, tôi đã phát biểu khả cụ thể ý kiến của tôi như là một nhà cầm quân rất giàu kinh nghiệm. Thật đáng tiếc, vì bệnh tình quá trầm trọng nên đồng chí đã từ trần ngày 26 tháng Ba năm 1945, tức là 44 ngày trước ngày chiến thắng vĩ đại mà vì nó đồng chí đã hiến dâng tất cả những gì có thể hiến dâng được. Các Lực lượng vũ trang và đặc biệt là chúng tôi, những người học trò gần gũi của đồng chí, hết sức đau đớn khi được tin về cái chết của đồng chí.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #261 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2010, 12:51:01 pm »

Có lẽ một nhà cầm quân kiệt xuất khác trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại, có đức tính kiên trì và sức mạnh của ý chí giống với Giu-cốp, đó là Nguyên soái Liên Xô J. X. Cô-nép. Là con của một nông dân nghèo ở tỉnh Vô-lô-gơ-đa, binh nhì trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đồng chí đã gia nhập đảng bôn-sê-vích lúc thanh niên, và sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười vĩ đại, đồng chỉ trở thành chiến sĩ bảo vệ tích cực Chính quyền xô-viết.

Khi 20 tuổi, đồng chí là ủy viên quân sự huyện Ni-côn-xcơ và chỉ huy một đội do đồng chí tổ chức. Đứng đầu đội này, đồng chí đã tham gia đập tan cuộc nổi dậy phản cách mạng trên quê hương của đồng chí và ra mặt trận trong nội chiến. Chẳng bao lâu, I. X. Cô-nép được chỉ định làm ủy viên quân sự đoàn tàu thiết giáp hoạt động ở vùng Da-bai-can. Sau đó, đồng chí làm ủy viên quân sự lữ đoàn, sư đoàn, quân đoàn.

Sau nội chiến, khi học xong lớp huấn luyện cán bộ chỉ huy cao cấp và tốt nghiệp Học viện quân sự mang tên M. V. Phrun-de, đồng chí đã chỉ huy trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn, tập đoàn quân, các quân khu Da-bai-can và Bắc Cáp-ca-dơ.

Khi bắt đầu cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, I . X. Cô-nép là tư lệnh tập đoàn quân. Trong những ngày gian khổ phòng thủ Mát-xcơ-va, đồng chí đã nhận nhiệm vụ tư lệnh Phương diện quân Ca-li-nin, rồi trong suốt những năm chiến tranh làm tư lệnh các phương diện quân khác nhau. Những trận chiến đấu ở ngoại vi Mát-xcơ-va, ở vòng cung Cuốc-xcơ, cuộc vượt sông Đni-ép-rơ và những trận kịch chiến để mở rộng các bàn đạp trên bờ sông phía Tây, cuộc tiến công ở miền Hữu ngạn và các tỉnh miền Tây U-crai-na, các chiến dịch có quy mô to lớn ở Ba Lan, trên hướng Béc-lin, ở Tiệp Khắc - đó là những giai đoạn trên con đường chiến đấu của nhà cầm quân tuyệt vời I. X. Cô-nép, hai lần Anh hùng Liên Xô.

Được biết đồng chí qua công tác ngoài mặt trận, trước hết, tôi phải nói rằng đồng chí rất thích đến thăm bộ đội. Thông thường, ngay sau khi ra quyết định tiến hành chiến dịch, đồng chí lập tức đến các tập đoàn quân, quân đoàn và sư đoàn, và ở đây, đồng chí dùng kho kinh nghiệm hết sức phong phú của mình để chuẩn bị cho bộ đội chiến đấu. Còn mọi công việc khác về kế hoạch chiến dịch, theo thường lệ thì do bộ tham mưu của đồng chí thực hiện.

C. C. Rô-cô-xốp-xki là người rất có tài cầm quân. Ngoài ra, đồng chí còn có một tài năng đặc biệt nữa là biết dựa chắc vào bộ tham mưu trong khi giải quyết những vấn đề chiến dịch và điều khiển bộ đội. Còn về mối quan hệ giữa đồng chí với tham mưu trưởng, tướng M. X. Ma-li-nin, đó là mối quan hệ rất mật thiết. Theo lời của M. X. Ma-li-nin thì hồi cuối cuộc chiến tranh, khi C. C. Rô-cô-xốp-xki phải chuyển đến phương diện quân khác, lúc chia tay, hai người đã cảm động đến ứa nước mắt. Đó là tình bạn trong công tác và rất tốt đẹp.

Dĩ nhiên, R. I-a. Ma-li-nốp-xki cũng là nhà cầm quân có tài. Đồng chí lớn lên ở Ô-đét-xa. Từ đây, cậu bé 16 tuổi đã trốn khỏi công việc nặng nhọc ở nhà tên địa chủ địa phương, và năm 1914 đồng chí bắt đấu đường đời của mình trong các chiến hào của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Ở đây, đồng chí thấy rõ rằng không những Đức hoàng và chủ nghĩa đế quốc Đức mà cả chế độ Sa hoàng thối nát đều là kẻ thù không đội trời chung của nhân dân lao động. Năm 1919, khi từ Pháp trở về nước (R. I-a. Ma-li-nốp-xki tham gia đội quân viễn chinh của Nga ở Pháp), đồng chí không hề do dự và đã tình nguyện gia nhập đội ngũ Hồng quân và anh dũng chiến đấu chống bọn bạch vệ.

Năm 1927, tiểu đoàn trưởng R. I-a. Ma-li-nốp-xki vào học tại Học viện quân sự mang tên M. V. Phrun-de và đã tốt nghiệp loại nhất. Những kiến thức thu hoạch được đã có ích ngay trong trận chiến đấu đầu tiên chống chủ nghĩa phát-xít, khi R. I-a. Ma-li-nốp-xki, với bí danh “đại tá Ma-li-nô”, chiến đấu trong hàng ngũ quân tình nguyện bảo vệ nước cộng hòa Tây-ban-nha. Do thực hiện xuất sắc nghĩa vụ quốc tế nên đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Lê-nin và Huân chương Cờ đỏ.

Trước cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại ít lâu, giảng viên trưởng của Học viện mang tên M. V. Phrun-de, thiếu tướng R. I-a. Ma-li-nốp-xki đã được chỉ định làm quân đoàn trưởng quân đoàn bộ binh 48 là quân đoàn đã đón những đòn công kích đầu tiên của quân phát-xít Đức trên sông Brút dọc biên giới. Ngay hồi đó, đồng chí đã tỏ rõ khả năng tổ chức cao của một quân đoàn trưởng, tinh thần dũng cảm lớn lao và tài khéo léo không để mất sự điều khiển bộ đội dù ở trong tình huống phức tạp đến mấy đi nữa.

Năm 1942, R. I-a. Ma-li-nốp-xki đảm nhiệm những chức vụ chỉ huy quan trọng, trong số đó có chức vụ tư lệnh tập đoàn quân cận vệ 2, là tập đoàn quân đã cùng với các đơn vị khác của Phương diện quân Xta-lin-grát giáng một đòn chí mạng vào cánh quân Man-stai-nơ đang ra sức từ ngoài phá vòng vây hãm 33 vạn quân phát-xít Đức tinh nhuệ ở vùng Xta-lin-grát. Cánh quân của Man-stai-nơ hoàn toàn bị đánh tan.

Đầu tháng Hai năm 1943, R. I-a. Ma-li-nốp-xki được chỉ định làm tư lệnh Phương diện quân Nam. Từ đó cho đến cuối cuộc chiến tranh, đồng chí chỉ huy bộ đội của một số phương diện quân: Tây-nam, U-crai-na 2 và 3, Da-bai-can.

Tài cầm quân của đồng chí thể hiện rõ rệt trong các chiến dịch giải phóng Rô-xtốp trên sông Đôn, Đôn-bát, Nam U-crai-na, Môn-đa-vi-a, Ru-ma-ni, Hung-ga-ri, Áo và Tiệp Khắc, cũng như trong việc đánh bại đạo quân Quan Đông của Nhật Bản ở Mãn Châu. Dĩ nhiên, tất cả những chiến dịch ấy đều mang dấu ấn của sự hào hứng sáng tạo thật sự, của lòng kiên trì lạ thường trong việc thực hiện chiến dịch, và là những trang sử chói lọi của nghệ thuật quân sự
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #262 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2010, 12:52:16 pm »

L. A. Gô-vô-rốp rất nghiêm khắc và kiên quyết. Bề ngoài đồng chí có vẻ khô khan và thậm chí cau có nữa, nhưng thực ra là một người rất tốt bụng. Đồng chí không khi nào to tiếng với ai, và khi không bằng lòng điều gì thì hoặc im lặng hoặc lẩm bẩm điều gì trong miệng. Tài tổ chức của L. A. Gô-vô-rốp khiến mọi người thèm muốn. Không một sĩ quan nào ở bộ chỉ huy phương diện quân của đồng chí phải ngồi không. Đồng chí rất am hiểu công tác tham mưu, nhưng không bao biện công việc của tham mưu trưởng.

Trong công tác của V. Đ. Xô-cô-lốp-xki cũng có nhiều ưu điểm, nhất là việc vạch các kế hoạch chiến dịch. Đồng chí đã đảm nhiệm có kết quả cả nhiệm vụ tham mưu trưởng phương diện quân lẫn nhiệm vụ tư lệnh phương diện quân. Song, đồng chí tỏ ra rất nổi bật trong công tác tham mưu, khi làm tham mưu trưởng phương diện quân, và sau chiến tranh, khi làm tổng tham mưu trưởng.

Rõ ràng, I. Kh. Ba-gra-mi-an là một nhà cầm quân có tài. Đồng chí có cả kinh nghiệm chỉ huy lẫn kinh nghiệm tham mưu, điều đó cho phép đồng chí có thể giải quyết có kết quả các vấn đề chỉ huy bộ đội cũng như việc vạch các kế hoạch chiến dịch, và đồng chí luôn luôn cố gắng tìm con đường ngắn nhất để đi đến thắng lợi. Tính cách của I. Kh. Ba-gra-mi-an cũng cứng rắn và kiên quyết.

Có người cố tình đồng nhất tính cách cứng rắn của nhà cầm quân với sự thô bạo. Hiện tượng thô bạo đôi khi cũng có gặp ở một số ít cán bộ chỉ huy quân sự, nhưng tôi nghĩ rằng không nên lẫn lộn hai khái niệm này. Tôi không quan niệm sự thô bạo là dấu hiệu tính cách cứng rắn của nhà cầm quân, hơn nữa nó cũng không phải là một yếu tố trong việc lãnh đạo bộ đội. Theo tôi, tất cả vấn đề là ở chỗ người chỉ huy quân sự phải biết tự chủ.

Có lần, tôi ở mặt trận về Đại bản doanh. Công việc ở mặt trận tiến hành tốt. Tổng tư lệnh tối cao hài lòng với các đại diện Đại bản doanh. Tôi nhớ, đồng chí có nói với tôi:

- Đồng chí Va-xi-lép-xki, đồng chí lãnh đạo bao nhiêu bộ đội và đã có kết quả, còn bản thân đồng chí thì lành như bụt.

Đó chỉ là một câu nói đùa. Nhưng, thú thật, không phải bao giờ cũng dễ mà giữ được bình tĩnh và tự kiềm chế được để khỏi to tiếng. Nhưng... có lúc cũng phải nín lặng, cố nhịn, không được mắng nhiếc, quát tháo. Biết cư xử đứng đắn với cấp dưới là một đức tính không thể thiếu của người chỉ huy quân sự Liên Xô.

Nắm vững cá tính của từng cán bộ chỉ huy quân sự, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao đã chỉ đạo bộ tư lệnh các phương diện quân và lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang nói chung không theo khuôn sáo, mà tùy từng trường hợp áp dụng những hình thức và phương pháp có lợi nhất.

Cần nhấn mạnh một lần nữa rằng Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao không những giúp đỡ cho các phương diện quân, mà nhiều khi còn dạy cho họ nghệ thuật chiến thắng. Có thể dẫn chứng điều này bằng những văn kiện lưu trữ mà tôi đã nêu trong nhiều chương của cuốn sách này. Tôi xin dẫn thêm ở đây một văn kiện để chứng minh điều đó. Nó được gửi cho các tư lệnh phương diện quân trong thời kỳ chuẩn bị phản công ở vùng Xta-lin-grát. Trong đó nói:

“Trong việc tiến hành các chiến dịch tiến công, các tư lệnh phương diện quân và tập đoàn quân đôi khi coi đường ranh giới quy định cho họ như là một hàng rào hay một bức tường ngăn cách mà họ không dám vượt qua, mặc dầu lợi ích công việc và tình hình thay đổi trong quá trình chiến đấu đòi hỏi phải vượt.

Do đó, các tập đoàn quân của chúng ta trong khi tiến công cứ tiến thẳng về phía trước trong phạm vi đường ranh giới quy định của mình, mà không chú ý gì đến các tập đoàn quân bên cạnh, không biết cơ động khi tình huống đòi hỏi, không chi viện lẫn nhau, và như thế là làm cho địch dễ cơ động, là tạo khả năng cho chúng đánh ta từng bộ phận.

Đại bản doanh giải thích rõ rằng đường ranh giới chỉ nhằm xác định trách nhiệm của các cán bộ chỉ huy về một khu vực hay một dải địa bàn nhất định, ở đó họ thực hiện nhiệm vụ chiến đấu của mình, chứ không nên xem đường ranh giới đó như những bức tường ngăn cách bất di bất dịch mà các tập đoàn quân không thể vượt qua được. Trong quá trình chiến dịch, tình hình thường thay đổi. Người tư lệnh phải biết phản ứng mau lẹ và đúng đắn trước sự thay đổi đó, phải biết cơ động binh đoàn hay tập đoàn quân của mình, không câu nệ vào đường ranh giới đã được quy định cho mình.

Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao giải thích rõ điều đó và cho phép các tư lệnh phương diện quân được quyền thay đổi trong quá trình chiến dịch, đường ranh giới giữa các tập đoàn quân, thay đổi hướng đột kích của từng tập đoàn quân tùy theo tình hình, rồi sau đó báo cáo cho Đại bản doanh biết.

Các tư lệnh phương diện quân phải giải thích ngay những điều chỉ dẫn này cho tất cả các tư lệnh tập đoàn quân. 

Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao
I. V. Xta-lin
A. Va-xi-lép-xki".

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #263 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2010, 12:53:19 pm »

Đại bản doanh kiên quyết đòi hỏi các tư lệnh phương diện quân phải đặt lợi ích chiến lược chung của cuộc đấu tranh vũ trang trên lợi ích của phương diện quân mình. Và nếu trong khi thực hiện chỉ thị của Đại bản doanh, tư lệnh phương diện quân nào đưa ra được những đề nghị mới, mà không vi phạm ý đồ chiến lược chung, thì các đề nghị đó không những được Đại bản doanh sẵn sàng chấp nhận, mà còn hết sức khuyến khích.

Đại bản doanh xác định nhiệm vụ nào là quan trọng nhất và ý đồ chiến dịch, chiến cục. Còn việc thực tế vạch kế hoạch các chiến dịch, tất cả những sự tính toán có liên quan đến việc đó đều do Bộ Tổng tham mưu tiến hành. Bộ Tổng tham mưu thường xuyên thu thập những tin tức về tình hình trên toàn bộ chiến trường. Những cán bộ công tác tại Bộ Tổng tham mưu hàng ngày giữ liên lạc với các phương diện quân, xử lý thông tin do các phương diện quân cung cấp và tất cả những tin tức của các cơ quan tình báo. Những tin tức quan trọng nhất và những kết luận chung phải báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao, và chỉ sau đó mới được ra các quyết định. Tầm quan trọng của cách làm việc như thế của Bộ Tổng tham mưu thật là hiển nhiên. Trong chiến tranh, nếu hàng ngày không nắm vững tình hình mặt trận thì không thể nào lãnh đạo tác chiến có kết quả được.

Hoạt động của Bộ Tổng tham mưu được các tư lệnh phương diện quân hiểu biết và ủng hộ. Gh. C. Giu-cốp đã có nhận xét tốt về hoạt động đó. Đồng chí đã viết: cần phải nhận xét rằng Bộ Tổng tham mưu của ta “đã đạt trình độ rất cao về nghệ thuật vạch kế hoạch các chiến dịch và chiến cục tiến công quy mô lớn có tính chất chiến lược".

Còn tôi thì tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh công tác của những người giúp việc trực tiếp và chủ yếu của tôi như các đồng chí A. I. An-tô-nốp, X. M. Stê-men-cô, A. A. Grư-dơ-lôp, N. A. Lô-môp. Nhiều đồng chí khác nữa cũng đã tỏ ra là những người thực sự có tài và là những người tổ chức cừ khôi trong công tác tham mưu.

Công tác chính trị và công tác đảng đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động có kết quả của bộ lư lệnh các phương diện quân và tập đoàn quân, trong việc giải quyết các nhiệm vụ của cuộc đấu tranh vũ trang. Sỏ dĩ công tác ấy có vai trò to lớn như vậy là do bản chất xã hội của các Lực lượng vũ trang Liên Xô và tính chất chính trị của cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại với ý nghĩa là một cuộc chiến tranh giải phóng, chính nghĩa để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Công tác chính trị và công tác đảng đã bảo đảm những phẩm chất chiến đấu và tâm lý - tinh thần cao của mỗi chiến sĩ nói riêng, cũng như của các binh đội, binh đoàn, bộ đội các tập đoàn quân và phương diện quân. Các nhà cầm quân Liên Xô hiểu rõ điều đó và thường xuyên dựa vào các cơ quan chính trị, các tổ chức đảng và đoàn thanh niên cộng sản và tự bản thân mình đã biết cách tác động về mặt tư tưởng đến quần chúng chiến sĩ. Họ không hề nghĩ là có thể tiến hành chiến dịch mà không cần có sự bảo đảm của công tác chính trị và công tác đảng. Họ đòi hỏi làm sao cho các chiến sĩ biết rõ mục tiêu và nhiệm vụ chiến đấu, đồng thời sẵn sàng cống hiến toàn bộ thể lực và tinh thần của mình cho cuộc chiến đấu đó. Các tư lệnh phương diện quân và tập đoàn quân, dù ở mức độ khác nhau, đều giữ liên hệ với các cơ quan chính trị và cán bộ chính trị; mối liên hệ ấy càng chặt chẽ bao nhiêu thì việc chiến đấu cũng như bản thân công tác chính trị và công tác đảng càng được tiến hành tốt bấy nhiêu.

Về cá nhân, tôi chỉ có thể nói lên những lời tốt đẹp về đội ngũ quang vinh của các cán bộ chính trị. Trạng thái tinh thần, sự sẵn sàng chiến đấu và khả năng chiến đấu của bộ đội phụ thuộc nhiều vào hoạt động có hiệu quả của cán bộ chính trị.

Đúng là tất cả mọi việc đều có liên quan đến cán bộ chính trị. Họ phải chịu trách nhiệm về mọi thứ, phải biết tất cả mọi điều. Các chiến sĩ có quán triệt nhiệm vụ chiến đấu của mình không, tình hình vũ khí và phương tiện kỹ thuật chiến đấu của họ như thế nào, họ được ăn, được mặc ra sao, và họ sẽ được đảm bảo như thế nào trong quá trình chiến đấu, họ có được ngủ đẫy giấc không, có được đọc báo mới không, - thôi thì kể sao hết những công việc mà cán bộ chính trị phải làm trong khi chuẩn bị cho đơn vị chiến đấu?

Rồi trong chiến đấu, cán bộ chính trị cùng đi với chiến sĩ, dẫn đầu những đảng viên cộng sản và tỏ ra gương mẫu. Và nếu trong suốt thời gian chiến tranh, thậm chí trong những lúc gian nguy nhất mà bộ đội Liên Xô vẫn tin tưởng vào thắng lợi, vẫn giữ được phẩm chất tinh thần và bản lĩnh chiến đầu cao, thì đó cũng là công lao to lớn của các cán bộ chính trị.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #264 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2010, 12:53:59 pm »

Trong khi làm các nhiệm vụ của Đại bản doanh giao, tôi cũng đã được cản bộ chính trị, tức các ủy viên hội đồng quân sự, chủ nhiệm các cục chính trị của phương diện quân và trưởng phòng chính trị của tập đoàn quân, giúp đỡ rất nhiều. Tôi thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị của hầu hết các cấp từ trên xuống dưới. Tất cả các cán bộ đó rất am hiểu những vấn đề điều khiển bộ đội, đảm bảo vật chất cho bộ đội và tất nhiên là rất hiểu vấn đề giáo dục chính trị và giáo dục tâm lý - tinh thần cho chiến sĩ. Trong số các cán bộ đó có thể nêu lên các đồng chí L. I. Brê-giơ-nép, M. A. Xu-xlốp, A. A. Ê-pi-sép, A. X. Giên-tốp, K. V. Crai-niu-cốp, Đ. X. Lê-ô-nốp, M. M. Prô-nin, N. K. Xmiếc-nốp, K. Ph. Tê-lê-ghin, I. V. Si-kin, T. Ph. Stư-cốp v. v

Vài lần, tôi phải tỏ ý không đồng ý với I. V. Xta-lin khi triệu tập các tư lệnh về Đại bản doanh họp mà lại không mời các ủy viên hội đồng quân sự, những người cùng chịu trách nhiệm giống như các tư lệnh về việc thi hành những quyết định của Đại bản doanh. Những lúc đó, Xta-lin thường trả lời là không nên tách họ ra khỏi việc lãnh đạo hàng ngày đối với công tác chính trị và công tác đảng.

Trong suốt thời gian dài công tác ở các phương diện quân, tôi đã trực tiếp thấy rõ các cán bộ chính trị đã giúp đỡ rất nhiều cho tư lệnh trong việc ra quyết định tác chiến, trong việc vạch và thực hiện các kế hoạch. Việc các ủy viên hội đồng quân sự cùng với các tư lệnh phương diện quân tham gia vào việc nghiên cứu chiến dịch của Đại bản doanh thường là rất có lợi.

Xin nói mấy lời về sự lãnh đạo có tính chất chiến dịch - chiến lược đối với cuộc đấu tranh vũ trang trong những năm chiến tranh. Bước vào cuộc chiến đấu với Đức, các cán bộ quân sự Liên Xô đã có kinh nghiệm của cuộc nội chiến và kinh nghiệm phát triển quân sự trong những năm hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là một trường học tốt về điều khiển bộ đội. Nhưng ngay từ những ngày đầu chiến tranh, chúng ta đã thấy rằng muốn đánh bại quân địch, như thế chưa đủ. Cần phải kiên quyết tổ chức lại, trước tiên phải học cách đánh phòng ngự, rồi mới học cách tiến công mạnh mẽ.

Thời kỳ chiến đấu phòng ngự là gay go hơn cả. Việc điều khiển bộ đội phải tiến hành trước sự tác động mạnh mẽ của quân địch. Tất nhiên là không phải mọi việc đều diễn ra như ý muốn và còn có những tính toán sai lầm. Phương châm phòng ngự tích cực, chứ không phải phòng ngự đơn thuần, đã để ra những yêu cầu cao đối với các tư lệnh phương diện quân và tập đoàn quân.

Ban lãnh đạo chính trị - quân sự của đất nước đã quan tâm khuyến khích các cán bộ chỉ huy quân sự ra sức nắm vững nghệ thuật phòng ngự tích cực. Ngay trận Xmô-len-xcơ đã chứng tỏ trình độ lãnh đạo bộ đội đã được nâng cao. Bộ đội Liên Xô đã bắt đấu chiến đấu ác liệt hơn để giành thế chủ động chiến lược, cố gắng đè bẹp tinh thần tiến công hăng say của địch, buộc chúng phải phòng ngự. Việc chuẩn bị các vị trí phòng ngự của các binh đội và binh đoàn dần dần cũng được cải tiến. Việc bố trí công sự, tổ chức phòng ngự chống xe tăng và máy bay cũng bắt đầu được tiến hành thành thạo hơn; xe tăng và pháo binh được sử dụng để phản kích có hiệu quả hơn.

Các tư lệnh phương diện quân và tập đoàn quân đã đủ sức tiến hành hình thức cao nhất của việc phòng ngự tích cực là phản kích. Trong thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh, ta đã tổ chức hơn ba mươi cuộc phản kích. Các cuộc phản kích của ta đã gây cho địch những thiệt hại lớn, làm chúng mất đà tiến công. Các cuộc phản kích của tập đoàn quân xung kích 1 và tập đoàn quân 20 ở phía Bắc Mát-xcơ-va, cũng như những hoạt động của quân đoàn kỵ binh tăng cường ở vùng Ca-si-ra đã cho phép bộ đội Liên Xô chuyển sang phản công ở ngoại vi Mát-xcơ-va. Trong phòng ngự tích cực tài cầm quân của Gh. C. Giu-cốp đã tỏ ra rất rõ. I. X. Cô-nép, tư lệnh Phương diện quân Ca-li-nin, đã lãnh đạo bộ đội có kết quả. Nhiều tư lệnh tập đoàn quân cũng thể hiện rất giỏi.

Trận Xta-lin-grát, kết thúc bằng thắng lợi rực rỡ của Hồng quân, đã chứng minh sự trưởng thành và năng lực lãnh đạo có tính chất chiến dịch - chiến lược đối với bộ đội Liên Xô. Một đòn chí tử đã giáng vào thế chủ động chiến lược của dịch. Thời kỳ tiến công của bộ đội Liên Xô mà mọi người mong đợi từ lâu, đã bắt đầu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #265 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2010, 12:56:09 pm »

Các tư lệnh phương diện quân và tập đoàn quân ra sức học tập nắm vững nghệ thuật chiến dịch tiến công. Phải thay đổi nếp suy nghĩ cũng như phong cách lãnh đạo bộ đội. Cần phải học cách làm việc nhạy bén hơn, phải tập quen với tính chất biến động của tác chiến, phải cải tiến công tác của bộ tham mưu, của các ngành và đặc biệt là công tác hậu cần.

Không phải tất cả mọi người đều làm được như thế. Tôi còn nhớ I. E. Pê-tơ-rốp, tư lệnh Phương diện quân Bắc Cáp-ca-dơ đã phải vất vả lắm mới nắm được cách tác chiến tiến công. Đồng chí đã khéo lãnh đạo tác chiến phòng ngự của Tập đoàn quân Pri-mô-ri-ê ở Xê-va-xtô-pôn, tỏ rõ sự hiểu biết nghệ thuật chiến dịch vả lòng quả cảm của mình. Nhưng khi chỉ huy phương diện quân chiến đấu tiến công thì đồng chí còn hơi lúng túng và chúng tôi cảm thấy có sự loạc choạc trong hành động của các đơn vị; có người đã đề nghị cho đồng chí thôi giữ chức vụ đó. Nhưng Tổng tư lệnh tối cao đã trả lời:

- Không nên để cho Pê-tơ-rôp thôi làm nhiệm vụ này, mà phải hướng dẫn cho đồng chí ấy biết tiến công. Phải nhớ rằng đồng chí ấy chưa bao giờ tiến công cả.

Và một thời gian sau, I. E. Pê-tơ-rôp đã tiến hành tốt các chiến dịch tiến công.

Chuẩn bị và tiến hành những chiến dịch tiến công thật là vui. Các tư lệnh phương diện quân và tập đoàn quân đã tỏ rõ thông thạo hơn, sáng tạo hơn. Mỗi chiến dịch mà họ tiến hành đều có những nét đặc sắc không những về ý đồ độc đáo mà cả về phương pháp thực hiện. Các tư lệnh đã biết xác định hướng đột kích chủ yếu, biết tập trung lực lượng và phương tiện vào các hướng quyết định, tổ chức hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị, chuẩn bị chiến dịch một cách kín đáo, bí mật đối với địch. Họ đã thành thạo về cách nêu nhiệm vụ cho bộ đội và sắp xếp đội hình tác chiến cần thiết cho các đơn vị.

Bộ đội Liên Xô cũng đã nắm vững hình thức tiến công rất quyết định là bao vây nhằm tiêu diệt những cánh quân lớn của địch. Các chiến dịch như Xta-lin-grát, Cuốc-xcơ, Bê-lô-ru-xi-a, Coóc-xun - Sép-tsen-cốp-xki, I-át-xư - Ki-si-ni-ốp, Bu-đa-pét, Béc-lin, Pra-ha, v. v. đã ghi những trang chói lọi vào sử sách nghệ thuật quân sự Liên Xô.

Thắng lợi của Liên Xô trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại chứng tỏ rằng tổ chức quân sự của nhà nước xã hội chủ nghĩa, cũng như toàn bộ chế độ xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hơn, vững mạnh hơn tổ chức quân sự của nhà nước phát-xít. Việc đánh thắng quân đội Hít-le nói lên tính hơn hẳn của khoa học và nghệ thuật quân sự Liên Xô so với khoa học và nghệ thuật quân sự tư sản.

Chiến lược của Liên Xô là hiện thực, nó được xây dựng trên cơ sở hiểu biết sâu sắc và đúng đắn tình hình chính trị và những điều kiện chung của việc tiến hành đấu tranh vũ trang. Về mặt này, Phran-xơ Han-đe, nguyên tham mưu trưởng lục quân Đức từ tháng Chín năm 1938 đến tháng Chín năm 1942 và là một trong số chuyên gia lớn nhất của Đức đã có nhận định khá đặc sắc. Y viết:

“Về mặt lịch sử rất đáng nghiên cứu xem làm sao mà sự lãnh đạo quân sự của Nga từ chỗ thất bại với nguyên tắc phòng ngự cứng rắn năm 1941 đã phát triển thành sự lãnh đạo chiến dịch một cách linh hoạt và tiến hành một loạt chiến dịch dưới sự chỉ huy của các nguyên soái của mình. Những chiến dịch này đã được đánh giá cao theo những tiêu chuẩn của Đức.

Trong khi đó thì bộ chỉ huy Đức, dưới ảnh hưởng của thống tướng Hít-le, đã từ bỏ nghệ thuật chiến dịch và kết thúc nó bằng một cuộc phòng ngự cứng rắn, nghèo nàn về tư tưởng và, cuối cùng, dẫn đến thất bại hoàn toàn. Sự biến đổi dần dần này của chiến lược Đức, mà trong quá trình đó, một vài nhà chỉ huy quân sự có khả năng đã tiến hành có kết quả một số chiến dịch tiến công riêng lẻ trong năm 1943 và tiếp theo trong năm 1944, không thể được nghiên cứu một cách tỉ mỉ.

Câu nói mà phía Nga đã nêu lên trong quá trình phê phán gay gắt những hành động của bộ chỉ huy Đức là bản án đối với thời kỳ này: một chiến lược hết sức sai lầm. Điều đó không thể phủ nhận được”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #266 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 08:09:35 pm »

Kinh nghiệm lãnh đạo chiến dịch - chiến lược trong những năm chiến tranh, phần lớn đã trở thành tài sản của lịch sử. Hiện nay, các lực lượng vũ trang đang phát triển trong điều kiện khoa học - kỹ thuật tiến bộ mạnh mẽ. Nhưng tôi nghĩ rằng dù sao cũng không thể xem đó như một lý do để hạ thấp vai trò của các nhà cầm quân trong việc lãnh đạo tác chiến, trong việc chuẩn bị và tiến hành chiến dịch, như đôi khi chúng ta đã nghe nói một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật đã đem lại nhiều cái mới cho ngành quân sự, cho những hình thức và phương pháp lãnh đạo bộ đội. Nhưng nói rằng nhà cầm quân đã bị người kỹ sư với máy tính lấn át đi, thì theo tôi, là không đúng. Khái niệm “nhà cầm quân" không phải là cái tên gọi hoa mỹ đối với người chỉ huy quân sự, hay là sự đánh giá về quá khứ của người đó. Nó phản ánh đặc điểm của việc tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang, nó chứng tỏ rằng những người chỉ huy quân sự có tài và có nghị lực đóng vai trò to lớn trong quá trình và kết cục của cuộc đấu tranh đó.

Kỹ thuật điện tử cả trong ngành quân sự cũng có ý nghĩa to lớn. Bây giờ hơn lúc nào hết, người chỉ huy quân sự đã được đào tạo về mặt khoa học và biết sử dụng nó trong công tác của mình. Nhưng chưa chắc đã nên đặt vấn đề hoàn toàn mô hình hóa các hành động chiến đấu. Đấu tranh vũ trang là một hình thức quan hệ trong đó có hai bên đối địch và sự nỗ lực cua đối phương có thể là một đại lượng thường xuyên biến đổi với nhiều ẩn số. Đồng thời, mỗi một người chỉ huy quân sự lại có một cái vốn hiểu biết, kinh nghiệm và tính cách riêng. Và trong quá trình tác chiến, những điều đó lại có thể thay đổi nữa. Nói thế, tất nhiên, tôi không hề phủ nhận khả năng của kỹ thuật máy tính, cũng như tác dụng của nó trong cuộc đấu tranh vũ trang.

Kết thúc cuốn sách này, tôi muốn nêu bật công lao của người anh hùng chủ yếu của cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại: người chiến sĩ xô-viết, người du kích, người cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị sơ cấp, trung cấp và cao cấp của các Lực lượng vũ trang quang vinh của Liên Xô. Chính họ đã báo vệ danh dự và tự do cho Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đánh đuổi bọn phát-xít xâm lược ra khỏi lãnh thổ của Tổ quốc, giúp các dân tộc ở châu Âu thoát khỏi ách của bọn chúng.

Tôi khâm phục chí kiên cường và lòng dũng cảm của các chiến sĩ Liên Xô, khâm phục sự gan dạ và chủ nghĩa anh hùng mà họ đã biểu lộ trên chiến trường, tinh thần kỷ luật, năng lực chịu đựng mọi khó khăn gian khổ, lòng tin vô hạn của họ vào thắng lợi.

Nhân dân Liên Xô giành được thắng lợi lịch sử này là nhờ có Đảng cộng sản. Đảng đã sáng suốt dẫn đường cho nhân dân và quân đội nhân dân vượt qua mọi thứ thách và gian khổ của chiến tranh để tiến tới đánh bại hoàn toàn nước Đức phát-xít và nước Nhật Bản quân phiệt. Đảng đã biết động viên mọi lực lượng vật chất và tinh thần của đất nước để phục vụ cuộc đấu tranh vũ trang, bảo đảm sự thống nhất của chiến lược chính trị và quân sự, sự thống nhất của lãnh đạo chính trị và quân sự trong chiến tranh.

Đảng đã rèn đúc nên sự đoàn kết nhất trí không gì lay chuyển nổi và tinh thần kiên cường vĩ đại của nhân dân để tạo ra những tiềm lực kinh tế và quân sự chưa từng thấy của đất nước. Nhờ đó, chúng ta đã giải quyết được một cách xuất sắc mọi nhiệm vụ của chiến tranh, bảo vệ một cách vẻ vang những thành quả của Cách mạng tháng Mười vĩ đại, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Sự lãnh đạo của Đảng cộng sán là một trong những nguyên nhân quyết định thắng lợi trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại.

Đảng cộng sản đang làm tất cả mọi việc cần thiết để các Lực lượng vũ trang Liên Xô luôn luôn và nhất định có đủ khả năng đáp ứng được những nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chú nghĩa. Đồng chí L. I. Brê-giơ-nép đã nói: ‘Và ngày nay, các Lực lượng vũ trang của chúng ta là lá chắn vững chắc của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, là đảm bảo cho lao động hòa bình của nhân dân đang xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Nhân dân Liên Xô đánh giá cao và yêu mến quân đội của mình, họ hiểu rằng khi trên trái đất còn các thế lực xâm lược thì không thể thiếu một quân đội được trang bị tốt”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #267 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 08:10:42 pm »

TIỂU SỬ TÁC GIẢ

A-lếch-xan-đrơ Mi-khai-lô-vích Va-xi-lép-xki sinh ngày 30 tháng Chín năm 1895 trong một gia đình linh mục, tại làng Nô-vai-a Gôn-tsi-kha-ô, thượng nguồn sông Vôn-ga. Suốt thời thơ ấu, đồng chí luôn luôn sống trong cảnh thiếu thốn, vì số tiền lương quá ít ỏi của người cha không đủ chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu của một gia đình đông con. Những người con từ nhỏ đến lớn, gồm 8 người, đều phải làm ruộng hoặc làm vườn. Về mùa đông, người cha còn phải đóng những chiếc bàn học sinh và những chiếc đõ ong để kiếm tiền sinh sống.

Mặc dù nghèo túng, nhưng bố mẹ của A. M. Va-xi-lép-xki vẫn cố gắng lo cho con cái được học hành. Mùa hè năm 1909, A. M. Va-xi-lép-xki tốt nghiệp trường dòng và mùa thu thì vào học ở chủng viện Cô-xtơ-rô-ma. Nhưng người dân Cô-xtơ-rô-ma rất lấy làm tự hào về những người đồng hương của họ là những người có danh tiếng, chẳng hạn như Ph. G. Vôn-cốp, người thành lập nhà hát Nga đầu tiên ở thành phố I-a-rô-xláp, nhà thơ A. N. Plê-se-ép, nhà văn A. Ph. Pi-xem-xki, nhà hàng hải G. I. Nê-ven-xki. Nhà soạn kịch vĩ đại A. N. Ô-xtơ-rốp-xki đã từng sống phần lớn đời mình ở Cô-xtơ-rô-ma.

Vào năm 1613, trong khu rừng thuộc tỉnh Cô-xtơ-rô-ma, bác nông dân I-van Xu-xa-nin đã lập nên chiến công yêu nước của mình. Bác dẫn một toán lính Ba Lan xâm lăng đi vào sâu trong rừng héo lánh và cuối cùng bị chúng tra tấn đến chết. Hai người lính Cô-xtơ-rô-ma đã cứu được đại công tước Mát-xcơ-va Đmi-tơ-ri Đôn-xcôi - người chỉ huy quân Nga trong trận tiêu diệt quân Tác-ta – Mông Cổ trên chiến trường Cu-li-cô-vô ngày 8 tháng Chín năm 1380.

Cũng nhu ở khắp nơi của nước Nga Sa hoàng, ở Cô-xtơ-rô-ma, cuộc sống của công nhân và nông dân thật vô cùng cực khổ. Bọn địa chủ, bọn chủ nhà máy và công xưởng đã thẳng tay bóc lột nhân dân lao động, là những người thường tỏ rõ sự bất bình của mình bằng những cuộc đấu tranh, những cuộc bãi công, v. v..

Những sự kiện nổ ra vào mùa xuân năm 1914 ở nhà máy sợi đã để lại dấu ấn rõ nét trong việc giáo dục ý thức chính trị cho người thanh niên Va-xi-lép-xki, công nhân của nhà máy đòi chủ tăng lương, bãi bỏ tiền phạt, đuổi một số tên đốc công thô bạo nhất, đòi ngày làm 8 giờ, chấm dứt việc truy nã đọc báo chí tiến bộ. Tên chủ nhà máy khước từ những yêu sách đó và những người thợ kéo sợi tuyên bố bãi công. Theo gương họ, công nhân các nhà máy khác cũng đứng lên đấu tranh.

Vào tháng Sáu, công nhân tất cả các xí nghiệp ở thành phố đều bãi công. Và đến cuối tháng đó, cuộc bãi công cũng nổ ra tại các nhà máy và công xưởng ở những thành phố khác trong tỉnh. Do bãi công có tính chất quần chúng nên công nhân đã giành được thắng lợi: bọn chủ nhà máy buộc phải thỏa mãn những yêu sách của họ.

Tháng Bảy-tháng Tám năm 1914, sau khi được vào học lớp cuối cùng của chủng viện, A. M. Va-xi-lép-xki về nghỉ hè ở chỗ bố mẹ. Khi biết tin chiến tranh bắt đầu nổ ra (ngày 1 tháng Tám, nước Đức đã tuyên chiến với nước Nga), đồng chí trở về Cô-xtơ-rô-ma và đề nghị được thi tốt nghiệp chủng viện theo chế độ thí sinh tự do, để sau đó tình nguyện vào quân đội.

Đề nghị của A. M. Va-xi-lép-xki được chấp nhận. Đồng chí hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp chủng viện và tháng Hai năm 1915 được ghi tên vào học trường quân sự Alếch-xê-ép tại thành phố Mát-xcơ-va. Sau hai tháng, Va-xi-lép-xki được phong cấp hạ sĩ quan và sau bốn tháng, tức là vào cuối tháng Năm năm 1915, đồng chí tốt nghiệp khóa đào tạo cấp tốc với cấp bậc sĩ quan thấp nhất và được điều vào đơn vị chiến đấu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #268 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 08:12:51 pm »

Vào tháng Chín, Va-xi-lép-xki được đề cử chỉ huy một nửa đại đội của đại đội 2, tiểu đoàn 1, trung đoàn 409 mang tên Nô-vô-khô-pi-ô-rơ-xcơ, thuộc sư đoàn bộ binh 103. Chính ở đây, đồng chi đã tham gia chiến đấu lần đầu tiên. Va-xi-lép-xki bị rơi vào tầm hỏa lực của địch nên đữ hiểu và thấy được thế nào là đạn trái phá của pháo binh, lựu đạn, thế nào là hỏa lực của súng cối và súng máy. Đối với đồng chí, cuộc sống thanh bình và nghề linh mục đã lùi vào dĩ vãng.

Trong suốt mùa thu và mùa đông năm 1916, lực lượng của tập đoàn quân 9, bao gồm sư đoàn bộ binh 103, đã tiến hành những trận địa chiến ở vùng phía Tây thành phố Khô-tin chống lại tập đoàn quân 7 của Áo - Hung. Binh linh của cả hai bên đều phải bám rễ vào các chiến hào. Để có thể sống được, trong các chiến hào của quân Nga, người ta đào những chiếc hầm đủ chỗ cho 2-3 người, có bếp lò bé bắng sắt và một lỗ nhỏ để đi vào, nói đúng hơn là để bò vào. Lỗ hầm được che bằng mảnh vải bạt. Không có công sự để tránh đạn pháo và súng cối.

Trong suốt mùa đông, nhiều lần trung đoàn được rời khỏi chiến hào để về nghỉ tại cơ sở của lực lượng dự bị của sư đoàn. Trong những ngày này, trước hết binh lính tắm rửa trong nhà tắm dã ngoại ở dưới hầm, sửa chữa và thay thế quân phục, quân trang và vũ khí.

Vào mùa xuân năm 1916, A. M. Va-xi-lép-xki được cử làm đại đội trưởng đại đội 1. Chẳng bao lâu sau, đại đội này được trung đoàn trưởng công nhận là đại đội khá nhất về mặt huấn luyện chiến đấu và kỷ luật quân sự. Sở dĩ Va-xi-lép-xki đạt được thành tích đó chủ yếu là do binh lính đã kính trọng và tin tưởng đồng chí.

Sau nhiều năm, khi A. M. Va-xi-lép-xki đã trở thành Nguyên soái Liên Xô, một số binh lính còn sống, trước đây là những người phục vụ trong đại đội đó, đã viết thư cho đồng chí, họ hồi tưởng lại thời gian đã cùng chiến đầu trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Nguyên soái Va-xi-lép-xki vui lòng trao đổi thư từ với họ.

Ngày 22 tháng Năm năm 1916, Phương diện quân Tây - Nam do tương A. A. Bru-xi-lốp chỉ huy bắt đầu tiến công. Nhiệm vụ của phương diện quân là mở mũi đột kích vào các thành phố Cô-ven, Lút-xcơ, Đu-bơ-nô, Lơ-vap. Ga-lích, tiêu diệt quân Áo - Hung và giải phóng đất đai bị địch chiếm đóng.

Tập đoàn quân 9, nơi mà A. M. Va-xi-lép-xki phục vụ, trong mùa đông được nghỉ ngơi ít nhiều, đã hồi phục lại sau những thất bại vào năm 1915 và tích cực chuẩn bị để tiến công tập đoàn quân 7 của Áo.

Cuộc tiến công của Phương diện quân Tây-nam phát triển có kết quả. Ngày 28 tháng Năm, tuyến phòng thủ của địch bị phá vỡ. Quân Áo bắt đầu rút lui toàn bộ. Tập đoàn quân 9 vừa đánh vừa mở rộng mũi và triển khai phạm vi tác chiến của mình. Chẳng hạn, các sư đoàn của quân đoàn kỵ binh 3 tiến lên dọc biên giới Ru-ma-ni, nhằm tách Ru-ma-ni khỏi Áo-Hung, còn sư đoàn bộ binh của A. M. Va-xi-lép-xki, sau khi vượt qua dãy núi Ốp-tsi-na - Ma-re và Ốp-tsi-na - Phre-đe-u, đã chiếm Tséc-nôp-xu và tiến về Tơ-ran-xin-va-ni.

Sau hai năm do dự, ngày 14 tháng Tám năm 1916, Ru-ma-ni đã tuyên chiến với Áo - Hung. Nhưng những tháng ngay sau đó đã chứng tỏ rằng quân đội Ru-ma-ni không được chuẩn bị cho chiến tranh. Do đó, vào tháng Mười một, quân đội Ru-ma-ni đã bị thất bại, thủ đô Bu-ca-rét bị thất thủ. Bộ chỉ huy Nga đành phải phái quân đội của mình đến và thành lập một phương diện quân mới, tức Phương diện quân Ru-ma-ni, nhằm cứu Ru-ma-ni khỏi bị thất bại hoàn toàn. Phương diện quân Ru-ma-ni mới có cả tập đoàn quân 9. Sư đoàn 103, nơi mà A. M. Va-xi-lép-xki chiến đấu, được tung vào hết khu vực này đến khu vực khác để bảo vệ các thành phố của Ru-ma-ni chống lại các cuộc tấn công của quân Áo.

Cuộc tiến công thắng lợi của Phương diện quân Tây-nam đã đi vào lịch sử với tên gọi “cuộc đột phá của Bru-xi-lôp". Mặc dù những kết quả của nó không được vận dụng một cách đầy đủ do lỗi của Phương diện quân Tây hoạt động ở bên cạnh và của bộ chỉ huy tối cao, đứng đầu là Sa hoàng, song cuộc tiến công đó vẫn nổi tiếng trên thế giới và đã ảnh hưởng đền tiến trình và kết cục của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Đối với A. M. Va-xi-lép-xki, cuộc tiến công này cũng có ý nghĩa lớn, nhất là nó đã tạo cho đồng chí có những quan điểm nhất định về chuẩn bị và tiến hành trận đánh. Tất cả những điều đó rất có ích cho Va-xi-lép-xki trong thời gian sau này, khi tổ chức tác chiến trong những năm nội chiến.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #269 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 08:13:45 pm »

Tháng Ba năm 1917, trong quân đội, mọi người đều biết rằng tại thủ đô của đế quốc Nga là Pê-tơ-rô-grát (nay là Lê-nin-grát) đã nổ ra một cuộc cách mạng; Sa hoàng đã buộc phải thoái vị. Quan đội chưa kịp tuyên thệ với tân Chính phủ lâm thời thì trong các binh đội và phân đội đã xuất hiện các Xô viết và ủy ban binh sĩ. Những người bôn-sê-vích đã bắt đầu tích cực đấu tranh giành quần chúng binh sĩ mà phần lớn là nông dân.

Trong hàng ngũ sĩ quan, kể cả trung đoàn của A. M. Va-xi-lép-xki, bắt đầu có sự hoang mang. Một bộ phận mà chủ yếu là sĩ quan chuyên nghiệp, ủng hộ chế độ quân chủ. Còn một bộ phận sĩ quan khác, chủ yếu tham gia quân đội trong thời kỳ chiến tranh, là bộ phận tiến bộ, sẵn sàng gần gũi với quần chúng binh sĩ. Lúc đầu thì dần dần, sau đó ngày càng nhanh chóng và tích cực hơn. A. M. Va-xi-lép-xki đã đi theo con đường đó. Cuộc nổi loạn phản cách mạng của Coóc-ni-lôp nổ ra vào tháng Tám năm 1917 đã làm tan vỡ hoàn toàn những ảo tưởng của Va-xi-lép-xki.

Sau những trận đánh ác liệt, trung đoàn của A. M. Va-xi-lép-xki được rút về nghỉ, thì đồng chí biết tin Cách mạng tháng Mười thành công. Binh lính sôi nổi thảo luận Sắc lệnh về hòa bình và ruộng đất. Họ vứt súng, bắt tay thân thiện với binh lính Áo, công khai nói lên những nỗi bất bình đối với bọn chỉ huy và chào mừng chính quyền mới, thể hiện quyền lợi của nhân dân và cố gắng đạt tới ký kết hòa ước. Binh lính bắt đầu tự phát giải ngũ

Trong những điều kiện đó, A. M. Va-xi-lép-xki suy nghĩ rằng: trước kia, là người yêu nước thì nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc là phải dẫn dắt binh sĩ chiến đấu. Còn bây giờ thì đồng chí mới rõ là người ta đã lừa dối nhân dân, rằng nhân dân không cần đến cuộc chiến tranh đó. Giờ đây, nhân dân cần có hòa bình. Quân đội cũ và Nhà nước xô-viết không dung hòa với nhau được. Theo đồng chí thì quyết định tốt nhất đối với thượng úy A. M. Va-xi-lép-xki là đoạn tuyệt con đường binh nghiệp và quay trở về lao động hòa bình. Cuối tháng Mười một năm 1917, Va-xi-lép-xki xin nghỉ và đến tháng Chạp thì về ở nhà ba mẹ.

Va-xi-lép-xki nghỉ ở quê hương không được lâu. Đồng chí thấy cần phải quyết định làm gì để có tiền sinh sống. Trong lúc còn đang đắn đo suy nghĩ thì phòng quân sự Xô-viết địa phương nhận được thông báo là theo nguyên tắc bầu chỉ huy hiện đang thi hành trong quân đội lúc bây giờ, hội nghị toàn thể của trung đoàn 409 (nơi trước đây A. M. Va-xi-lép-xki phục vụ) đã bầu A. M. Va-xi-lép-xki làm trung đoàn trưởng và đề nghị đồng chí đền trung đoàn để nhận chức.

Song, do tình hình phức tạp và không rõ ràng ở U-crai-na, phòng quân sự khuyên đồng chí không nên đến trung đoản. Va-xi-lép-xki đã làm theo lời khuyên đó. Chẳng bao lâu, do đề nghị của Va-xi-lép-xki là sử dụng mình vào công tác quân sự, nên đồng chí được cử làm huấn luyện viên trong Hệ thống huấn luyện quân sự toàn dân đang thi hành trong điều kiện nội chiến.

Hoạt động nhằm thành lập Hồng quân công nông và huấn luyện quân sự cho nhân dân được phát triển khắp nơi ở trong nước. Cũng như Va-xi-lép-xki, nhiều sĩ quan của quân đội Sa hoàng cũ đã làm việc trong lĩnh vực này. Đồng thời thượng úy A. M. Va-xi-lép-xki cảm thấy rằng mình có thể còn làm được nhiều hơn nữa trong công tác này, nhưng người ta không thu hút đồng chí làm việc tích cực hơn. Suy tính đến tình hình đó. Va-xi-lép-xki quyết định sẽ trở thành giáo viên trường làng. Nguyện vọng của đồng chí đã được thỏa mãn, và vào tháng Chín năm 1918, Va-xi-lép-xki bắt đầu làm việc ở trường tiểu học trong làng.

Trong lĩnh vực công tác mới, A. M. Va-xi-lép-xki làm việc rất nhiệt tình, đồng chí cho rằng cuối cùng mình đã tìm thấy nơi còn thanh bình mà mình mong muốn. Tuy nhiên, cả lòng yêu mến của các học sinh, cả quan hệ tốt với tập thể giáo viên cũng không làm cho đồng chí hoàn toàn thỏa mãn và không đáp ứng ý muốn của đồng chí.

Vậy thì Va-xi-lép-xki thiếu cái gì? đến tháng Tư năm 1919, đồng chí đã hiểu điều đó khi được gọi vào Hồng quân và được cử làm huấn luyện viên của trung đội (trung đội phó) ở tiểu đoàn dự bị 4 đóng trong thành phố Ê-phrê-mốp. Sau khi trở lại công tác quân sự, A. M. Va-xi-lép-xki hiểu rằng từ nay trở đi con đường đời của mình sẽ thẳng tắp và rõ ràng.

Mới chưa đầy một tháng, Va-xi-lép-xki đã chỉ huy một đội gồm 100 người chiến đấu chống lại cuộc tấn công của bọn cu-lắc và bọn phỉ ở tổng Xtu-pi-nô.

Bằng nỗ lực chung của toàn đội và đa số dân cư địa phương, các cuộc tấn công phản cách mạng của các phần tử thù địch đã bị dẹp tan.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM