Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 05:29:45 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sự nghiệp cả cuộc đời  (Đọc 119090 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #10 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2010, 12:28:01 pm »

Tối 13 tháng Mười một lại có một cuộc gặp lần thứ hai với Hít-le. Và lần này cũng không đem lại kết quả gì cả.

Sáng hôm sau, chúng tôi rời Béc-lin. Những nghi thức linh đình và sự niềm nở bề ngoài của chủ nhà thì không còn lại dấu tích gì nữa: tiễn đưa lạnh nhạt, vài câu nói khách sáo khô khan. Sau này, toàn thế giới đều biết là ngay ngày 5 tháng Chạp, Hít-le đã xem xét bản “kế hoạch Ốt-tô”, (kế hoạch tiến công Liên Xô) và đã đồng ý về nguyên tắc, và đến ngày 18 tháng Chạp thì ra chỉ thị thay nó bằng một kế hoạch tỉ mỉ hơn, “kế hoạch Bác-ba-rô-xơ”, lấy thời gian sẵn sàng tiến công vào Liên Xô là ngày 15 tháng Nam năm 1941.

Tất cả các thành viên của phái đoàn đều có một ấn tượng chung về chuyến đi: hơn bao giờ hết, Liên Xô phải sẵn sàng đánh lùi cuộc xâm lược phát-xít...

Tháng Chạp năm 1940 họp Hội nghị cán bộ lãnh đạo toàn quân. Cuối tháng Chạp còn tiến hành cuộc tập trận chiến dịch - chiến lược, tham gia cuộc tập trận này gồm những đồng chí có chức vụ quan trọng nhất trong đội ngũ cán bộ đó. Việc tổng kết hội nghị và phân tích cuộc tập trận được tiến hành ở cấp cao nhất tại Crem-li. Tôi không được tham dự các hoạt động đó, vì cuối tháng Mười một, tôi bị ốm nặng. Tôi trở lại công tác vào tháng Hai năm 1941, đúng vào ngày Gh. C. Giu-côp được bổ nhiệm làm tổng tham mưu trưởng thay cho K. A. Mê-rét-xcốp.

Suốt sáu tháng đầu năm 1941, Bộ Tổng tham mưu làm việc luôn luôn căng thẳng. Những chiến dịch trong các năm đầu chiến tranh thế giới thứ hai và những nguyên tắc tiến hành các chiến dịch đó đã được Bộ Tổng tham mưu phân tích nhiều lần. Cả những chiến dịch tiến công lẫn những vấn đề phòng ngự chiến lược đều được nghiên cứu kỹ. Trong các chỉ thị của bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng gửi cán bộ lãnh đạo Hồng quân, bên cạnh những nhiệm vụ nghiên cứu các chiến dịch tiến công, nhất thiệt cũng đề ra, hơn nữa, còn đề ra một cách cụ thể và tỉ mỉ những nhiệm vụ huấn luyện về các chiến dịch phòng ngự.

Để tập thực hành, dự kiến vào mùa đông ở mỗi tập đoàn quân và quân khu tương đương cấp tập đoàn quân sẽ tổ chức một cuộc tập trận chiến dịch theo chủ đề chiến dịch phòng ngự của tập đoàn quân, còn ở các bộ tham mưu của các quân khu tương đương cấp phương diện quân thì tập theo chủ đề chiến dịch phòng ngự của phương diện quân. Cũng trên cơ sở đó, vào mùa hè, các tập đoàn quân và quân khu đã thực hiện những cuộc diễn tập dã chiến hai bên của tập đoàn quân hoặc của phương diện quân. Tất nhiên, bên tiến công là chủ yếu, còn đối phương thì giải quyết các nhiệm vụ có tính chất phòng ngự.

Tuy vậy, về vấn đề này không thể không nói rằng: phương hướng đúng về nguyên tắc là phải tiến hành chiến tranh trên lãnh thổ của kẻ xâm lược, và khi địch tiến công vào Liên Xô thì những hành động chiền đấu của bộ đội Liên Xô phải hết sức kiên quyết, có nơi đã bị tuyên truyền phiến diện, do đó, như đã nói ở trên, đã làm lan rộng ảo tưởng có thể thắng lợi dễ dàng trong chiến tranh.

Từ tháng Hai năm 1941, nước Đức bắt đầu điều quân đến biên giới Liên Xô. Những tin tức báo cáo về Bộ Tổng tham mưu, Bộ dân ủy quốc phòng và Bộ dân ủy ngoại giao ngày càng chứng tỏ rằng đã có nguy cơ trực tiếp của một cuộc xâm lược.

Trong những điều kiện đó, Bộ Tổng tham mưu nói chung và Cục tác chiến đã tu chỉnh bản kế hoạch tác chiến được xây dựng vào thu - đông 1940 về việc tập trung và triển khai các Lực lượng vũ trang để đẩy lùi cuộc tiến công của địch từ phía Tây.

Kế hoạch dự kiến rằng hành động quân sự sẽ bắt đầu bằng cuộc đánh trả các cuộc tập kích của kẻ địch tiến công. Các cuộc tập kích này sẽ lập tức diễn ra dưới dạng các trận chiến đấu lớn trên không, trong đó kẻ địch cố làm tê liệt các sân bay Liên Xô, làm suy yếu các cánh quân bộ đội hợp thành, nhất là các cánh quân xe tăng của Hồng quân, tiêu diệt các mục tiêu hậu cần, gây tổn thất cho các ga xe lửa và các thành phố lớn sát biên giới.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #11 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2010, 12:28:50 pm »

Về phía ta, dự kiến cần phải dùng toàn bộ không quân phá tan mưu toan của địch hòng giành quyền ưu thế trên không và giáng cho địch những đòn quyết định từ trên không. Đồng thời dự kiến khi lực lượng lục quân của địch với những cánh quân xe tăng lớn sẽ tiến công vào biên giới Liên Xô, thì lúc bấy giờ, các đơn vị bộ binh ta và các khu phòng thủ vững chắc của các quân khu sát biên giới cùng với các đơn vị biên phòng sẽ phải chặn đứng đòn đột kích đầu tiên của địch, còn các quân đoàn cơ giới dựa vào các tuyến chống tăng, tiến hành những cuộc phản kích để cùng với các đơn vị bộ binh tiêu diệt các cánh quân đã thọc được vào trận địa phòng ngự của ta và tạo tình thế thuận lợi cho bộ đội Liên Xô chuyển sang một cuộc tiến công kiên quyết.

Dự kiến lúc địch bắt đầu cuộc tiến công, ta sẽ đưa các đơn vị từ sâu trong nội địa Liên Xô ra địa phận các quân khu sát biên giới. Ngoài ra còn dự kiến rằng trong mọi trường hợp, bộ đội Liên Xô sẽ bước vào chiến tranh với tư thế được hoàn toàn chuẩn bị xong và được phân bổ đúng như kế hoạch đã định, rằng việc động viên và tập trung các đơn vị sẽ phải tiến hành xong từ trước.

Kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc xâm lược đã được kết hợp tỉ mỉ với kế hoạch động viên của Hồng quân và của cả nước nói chung; người ta đã lập bản tính toán và định lịch thời gian cho việc chuyển quân và chuyển các thứ cần thiết cho bộ đội từ trong nội địa đến các khu vực tập trung quân và tiến hành những biện pháp cần thiết để đảm bảo việc vận chuyển của Bộ dân ủy giao thông vận tải. Kế hoạch được lập nên không phải chỉ do một mình Bộ Tổng tham mưu cùng với các cục nhất định của Bộ dân ủy quốc phòng, mà còn có cả bộ tư lệnh các quân khu sát biên giới cùng tham gia xây dựng.

Nhằm mục đích này, vào tháng Hai - tháng Tư năm 1941, các tư lệnh, các ủy viên hội đồng quân sự, các tham mưu trưởng và trưởng phòng tác chiến của Quân khu đặc biệt Pri-ban-tích, Quân khu đặc biệt miền Tây, Quân khu đặc biệt Ki-ép và Quân khu Lê-nin-grát được triệu tập về Bộ Tổng tham mưu để họp bàn. Bộ đã cùng với các đồng chí đó vạch ra cách thức báo vệ biên giới, định rõ việc huy động những lực lượng cần thiết cho mục đích đó và những hình thức sử dụng các lực lượng ấy.

Đồng thời bộ còn dự kiến rằng, trước khi địch bắt đầu hành động, các đơn vị của các thê đội bảo vệ biên giới đã được bổ sung đầy đủ theo biên chế thời chiến, sẽ triển khai trên các tuyến phòng ngự được chuẩn bị sẵn dọc biên giới và cùng với các khu vực phòng thủ vững chắc và các đơn vị biên phòng, trong trường hợp hết sức cần thiết, sẽ có thể bảo vệ việc điều động lực lượng thê đội hai của các quân khu sát biên giới. Theo kế hoạch động viên, các quân khu này được dành cho việc đó từ vài ba giờ cho đến một ngày đêm.

Do nguy cơ cuộc xâm lược của nước Đức phát-xít ngày càng tăng, Bộ dân ủy quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu không những đã bổ sung thêm nhiều điểm vào kế hoạch tác chiến và kế hoạch động viên để đẩy lùi một cuộc tiến công không thể tránh khỏi vào đất nước xô-viêt, mà, theo các chỉ thị của Ban chấp hành trung ương Đảng và Chính phủ, còn thi hành cả một loạt biện pháp rất quan trọng đề ra trong các kế hoạch này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ biên giới phía Tây của Liên Xô.

Ví dụ, từ giữa tháng Năm năm 1941, theo các chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, đã bắt đầu di chuyển một loạt tập đoàn quân - tất cả đến 28 sư đoàn - từ các quân khu trong nội địa đến các quân khu sát biên giới, mở đầu việc thực hiện kế hoạch tập trung và triển khai bộ đội Liên Xô trên biên giới phía Tây. Đầu tháng Sáu năm 1941, đã triệu tập gần 80 vạn quân hậu bị đi tập huấn, và toàn bộ số quân này được bổ sung cho các quân khu sát biên giới phía Tây và cho các khu vực phòng thủ vừng chắc của các quân khu đó.

Ban chấp hành trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô còn tiến hành hàng loạt biện pháp hết sức quan trọng khác nhằm nâng cao hơn nữa sự sẵn sàng chiến đấu và khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang, phát triển cơ sở công nghiệp chiến tranh, củng cố khả năng quốc phòng nói chung. Giữa năm 1941, tổng số quân của quân đội và hải quân lên tới trên 5 triệu người, nhiều gấp 2,8 lần so với năm 1939.

Vào tháng Năm - tháng Sáu năm 1941, các tập đoàn quân 19, 21 và 22 từ các Quân khu Bắc Cáp-ca-dơ, Pri-vôn-giê và U-ran, quân đoàn bộ binh 25 từ Quân khu Khác-cốp được chuyển bằng đường xe lửa đến tuyến sông Tây Đvi-na và sông Đni-ép-rơ, tập đoàn quân 16 từ Quân khu Da-bai-can được chuyển đến U-crai-na, nhập vào Quân khu đặc biệt Ki-ép.

Ngày 27 tháng Năm. Bộ Tổng tham mưu đã ra chỉ thị cho các quân khu sát biên giới phía Tây phải cấp tốc xây dựng các sở chỉ huy mặt trận dã chiến, và ngày 19 tháng Sáu thì chuyển các cơ quan chỉ huy mặt trận của các Quân khu đặc biệt Pri-ban-tích, Quân khu đặc biệt miền Tây và Quân khu đặc biệt Ki-ép đến các sở chỉ huy đó.

Theo yêu cầu của bộ tư lệnh quân khu, cơ quan chỉ huy của Quân khu Ô-đét-xa đã được phép di chuyển sớm hơn. Ngày 12 - 15 tháng Sáu, các quân khu này được lệnh điều các sư đoàn đóng sâu trong địa bàn quân khu ra gần biên giới quốc gia. Ngày 19 tháng Sáu các quân khu này nhận được lệnh ngụy trang các sân bay, các đơn vị bộ đội, các bãi để xe pháo, kho tàng và căn cứ cũng như phân tán máy bay ở trên các sân bay.

Song, ta không thực hiện được hết và hoàn thành được toàn bộ các biện pháp động viên và tổ chức đã nêu ra. Ở đây cũng có phần do tính nhầm trong việc xác định thời gian có thể xảy ra cuộc tiến công của nước Đức phát-xít vào đất nước Liên Xô, vả chăng khả năng kinh tế của nước nhà đã không cho phép hoàn thành các việc đó đúng thời gian mà lịch sử dành cho chúng ta. Và tất nhiên là các thiếu sót của bộ phận lãnh đạo quân sự trong việc vạch kế hoạch và thực hiện các biện pháp đó cũng có ảnh hưởng nhất đinh đưa đến tình hình đó
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #12 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2010, 10:41:39 am »

CHIẾN TRANH BẮT ĐẦU

Thế là đất nước xô-viết đã có thể làm được khá nhiều việc trong những năm tháng ngay trước chiến tranh. Chứng minh cho điều đó là những thắng lợi chưa từng thấy trên thế giới trong lĩnh vực kinh tế, cũng như những bước đi sáng suốt về ngoại giao. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đã không để mất thời gian một cách vô ích: đã ra sức củng cố quốc phòng, chuẩn bị bước vào một cuộc chiến đấu không thể tránh khỏi với quân thù. Nhưng, cũng như mọi tai họa lớn, chiến tranh đã ập đến rất đột ngột. Những bầy phát-xít đã phản bội hiệp ước, tràn vào đất nước xô viết.

Tháng Sáu năm 1941, Bộ Tổng tham mưu liên tục nhận được từ các phòng tác chiến của các quân khu và các tập đoàn quân sát biên giới phía Tây những báo cáo mỗi ngày một đáng lo ngại hơn. Quân Đức đã tập trung xong ở biên giới chúng ta. Trên nhiều khu vực biên giới, địch đã bắt đầu tháo dỡ hàng rào dây thép gai mà chúng đã đặt trước kia và gỡ mìn ở những dải đất tại các khu vực ấy, rõ ràng là chúng chuẩn bị đường cho quân của chúng tiến sang trận địa Liên Xô. Những cánh quân xe tăng lớn của Đức đã được điều ra khu vực xuất phát. Ban đêm nghe rõ tiếng hàng loạt động cơ xe tăng.

Quá 12 giờ đêm 22 tháng Sáu, tổng tham mưu trưởng Gh. C. Giu-côp đưa cho chúng tôi bản chỉ thị do bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng và đồng chí ký để chuyển gấp tới bộ tư lệnh Quân khu Lê-nin-grát, Quân khu đặc biệt Pri-ban-tích, Quân khu đặc biệt miền Tây, Quân khu đặc biệt Ki-ép và Quân khu Ô-đét-xa.

Chỉ thị nêu rõ: trong khoảng thời gian 22 - 23 tháng Sáu có thể xảy ra cuộc tiến công bất ngờ của quân Đức tại mặt trận thuộc các quân khu này. Chỉ thị còn nêu là cuộc tiến công có thể bắt đầu từ những hành động khiêu khích; do đó, nhiệm vụ của quân đội Liên Xô là không được mắc vào bất kỳ sự khiêu khích nào có thể gây ra những sự rắc rối lớn.

Song, tiện đây, chỉ thị nhấn mạnh là các quân khu phải hoàn toàn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để đối phó với một cuộc công kích bất ngờ của địch có thể xảy ra. Chỉ thị ra lệnh cho các tư lệnh:

a) trong đêm 21 rạng ngày 22 tháng Sáu phải bí mật chiếm lĩnh các hỏa điểm ở các khu phòng thủ vững chắc trên biên giới quốc gia;

b) trước lúc trời sáng, phân tán toàn bộ không quân, kể cả không quân phối thuộc, ra các sân bay dã chiến, ngụy trang chu đáo;

c) đưa tất cả các đơn vị vào tư thế sẵn sàng chiến đấu; bộ đội bố trí phân tán và ngụy trang;

d) đưa bộ đội phòng không vào tư thế sẵn sàng chiến đấu mà không cần huy động quân số dự phòng. Chuẩn bị mọi biện pháp để ngụy trang ánh sáng các thành phố và các mục tiêu. Không có lệnh đặc biệt, không được tiến hành bất kỳ một biện pháp nào khác.

Hồi 0 giờ 30 phút ngày 22 tháng Sáu năm 1941, bản chỉ thị được gửi đi các quân khu.

Có thể đặt ra một câu hỏi rất chính đáng là: tại sao Xta-lin đã biết những dấu hiệu rõ rệt là Đức chuẩn bị sẵn sàng để tiến hành chiến tranh với Liên Xô mà vẫn không đồng ý kịp thời đặt bộ đội ở các quân khu sát biên giới vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu?

Bản thân việc đặt bộ đội vùng sát biên giới vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu là một sự kiện đặc biệt, và không thể coi việc đó như là một điều gì bình thường trong đời sống của đất nước và trong địa vị quốc tế của Liên Xô. Một số người không cân nhắc đến điều đó nên cho rằng các Lực lượng. vũ trang cần được đặt vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu càng sớm thì càng có lợi cho chúng ta.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #13 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2010, 10:42:17 am »

Tôi không bàn chi tiết về các điều cực đoan. Tôi chỉ nói là việc đặt các Lực lượng vũ trang vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu quá sớm cũng có hại không kém gì việc đặt vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu quá chậm. Từ chính sách thù địch của nước láng giềng đến chiến tranh đôi khi là một khoảng cách lớn. Tôi chỉ nói đến trường hợp là Xta-lin rõ ràng đã chậm trễ trong việc quyết định chuyển quân đội và đất nước hoàn toàn sang chế độ thời chiến.

Thế mà tôi cho là mặc dù chúng ta chưa hoàn toàn sẵn sàng để tiến hành chiến tranh - tôi đã viết về điều đó rồi, - nhưng nếu thực sự phải đương đầu với nó, thì phải mạnh dạn bước qua ngưỡng cửa mà tiến tới. I. V. Xta-lin đã không dám làm điều đó, cố nhiên là đồng chí xuất phát từ những động cơ tốt nhất. Nhưng do không kịp thời được đặt vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu nên các Lực lượng vũ trang Liên Xô khi xông vào trận quyết chiến với bọn xâm lược đã phải ởt trong những điều kiện bất lợi hơn nhiều và bắt buộc phải vừa đánh vừa rút lui vào tung thâm đất nước.

Nếu nói thế này thì cùng không sai: giá mà cùng với những nỗ lực lớn lao của Đảng và nhân dân nhằm ra sức củng cố tiềm lực quân sự của đất nước có thêm được sự động viên và triển khai kịp thời của các Lực lượng vũ trang, chuyển các Lực lượng vũ trang hoàn toàn sang tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở các quân khu sát biên giới, thì chiến sự sẽ diễn ra một cách khác hẳn.

Nói một cách khác, giá mà các đơn vị và binh đoàn xô-viết được động viên kịp thời, được chuyển đến các trận tuyến đã dành sẵn cho họ theo đúng như kế hoạch, triển khai trên các trận tuyến đó, tổ chức được sự hiệp đồng tác chiến với pháo binh, với các đơn vị xe tăng và không quân, thì có thể giả định được rằng ngay từ những ngày đầu chiến tranh đã có thể gây cho quân địch những tổn thất nặng nề, làm cho chúng không thể nào tiến xa vào đất nước chúng ta đến như vậy. Nhưng chúng ta vẫn phải rút lui trong điều kiện như thế, vì quân đội phát-xít Đức dù sao thì cũng đã có nhiều ưu thế đáng kể, trong số đó có ưu thế là quân sự hóa kinh tế và toàn bộ đời sống nước Đức, ưu thế về một loạt chỉ tiêu về mặt vũ khí và số quân và về kinh nghiệm tiến hành chiến tranh.

Cơ quan lãnh đạo chính trị và nhà nước của Liên Xô thấy chiến tranh đến gần và đã cố gắng tối đa để kéo dài thời hạn mà Liên Xô phải tham chiến. Đó là đường lối sáng suốt và thiết thực. Để thực hiện đường lối đó, trước tiên cấn tiến hành những quan hệ ngoại giao khéo léo với các nước tư bản chủ nghĩa và nhất là với các nước xâm lược. Liên Xô cương quyết đấu tranh để củng cố hòa bình, vì an ninh của các dân tộc còn đối với Đức thì thực hiện đúng những điều mình đã cam kết trong hiệp ước, không có một hành động nào khiến cho bọn cầm đầu Hít-le có thể lợi dụng để gây tình hình căng thẳng và khiêu khích vũ trang.

Theo tôi, toàn bộ vần đề là ở chỗ cần phải tiến hành đường lối ấy lâu dài thế nào. Vì nước Đức phát-xít, đặc biệt là tháng gần đây, về thực chất đã công nhiên thực hiện những công việc chuẩn bị chiến tranh trên biên giới Liên Xô, nói đúng hơn, đó chính là lúc cần phải đẩy mạnh việc động viên và chuyển các quân khu sát biên giới sang tình trạng hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu, tổ chức phòng thủ ráo riết theo thê đội sâu.

I. V. Xta-lin đã có ảnh hưởng rất lớn đến chính sách đối ngoại và đối nội của Đảng và Chính phủ, chắc là đã không thể nhận thấy đúng đắn thời điềm bước ngoặt ấy. Đáng lẽ phải có ngay những quyết định mới nhằm mở ra một thời kỳ lịch sử mới trong đời sống của đất nước, cố nhiên, đồng thời phải hết sức thận trọng để không cho bọn Hít-le có cái cớ buộc tội Liên Xô là xâm lược. Song Xta-lin đã không thể kịp thời có một quyết định như vậy, đó là thiếu sót hết sức nghiêm trọng về mặt chính trị của đồng chí.

Do đâu mà nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm và nhìn xa thấy rộng ấy đã có thiếu sót lớn như vậy? Trước hết là do các cơ quan tình báo Liên Xô, như Gh. C. Giu-cốp đã nhận xét rất đúng trong tập hồi ký của mình, đã không thể đánh giá một cách hoàn toàn khách quan những tin tức nhận được về việc nước Đức phát-xít chuẩn bị chiến tranh và báo cáo một cách trung thực lên 1. V. Xta-lin.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #14 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2010, 10:43:02 am »

Tôi không kể tỉ mỉ toàn bộ tình hình ấy, nói chung thì những điều đó đã biết rõ rồi. Tôi chỉ nói về điều là tính chất biệt lập một phần nào đấy của Cục tình báo với bộ máy của Bộ Tổng tham mưu, có lẽ đã có ý nghĩa nhất định. Cục trưởng Cục tình báo kiêm thứ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng, thích báo cáo về những tin tức tình báo trực tiếp với Xta-ln mà không báo cáo với tổng tham mưu trưởng.

Giá mà Gh. C. Giu-cốp biết được toàn bộ những tin tức tình báo hết sức quan trọng, thì với cương vị và tính chất của đồng chí, chắc là đồng chí đã có thể rút ra được những kết luận chính xác hơn và trình bày những kết luận đó với I. V. Xta-lin một cách có uy tín hơn và, do đó, có thể gây ảnh hưởng nào đó với niềm tin của I. V. Xta-lin là chúng ta có thể trì hoãn thời gian bắt đầu chiến tranh, là nước Đức không dám chiến đấu trên hai mặt trận - phía Tây và phía Đông.

Cũng cần nhận thấy rằng vì muốn trì hoãn thời gian bắt đầu chiến tranh nên I. V. Xta-lin đã đánh giá quá cao khả năng dùng ngoại giao để giải quyết nhiệm vụ ấy.

Giá mà Xta-lin đã có một chút ngờ vực nào đấy đối với tính chất hợp lý tiếp tục đường lối như vậy, thì đồng chí, vốn là con người kiên nghị, cương quyết, rất có thể đã đồng ý ngay với việc tiến hành mọi biện pháp có tính chất động viên.

Nhân điều này, tôi nghĩ là nên nhắc đến thông báo của Thông tấn xã Liên Xô ngày 14 tháng Sáu năm 1941 mà mọi người đã biết. Một số người muốn coi đó là một văn kiện dường như có tác dụng nguy hại nhất trong việc chuẩn bị cho đất nước tiến tới chiến tranh, vì đã làm nhụt mất tinh thần cảnh giác của nhân dân Liên Xô trong thời điểm quan trọng và hiểm nghèo nhất của đời sống đất nước.

Nếu xem xét thông báo ấy tách rời khỏi chính sách đối ngoại và đối nội của Đảng cộng sản thì chắc là có thể rút ra những kết luận tiêu cực nào đấy. Nhưng làm như thế thì thật là xốc nổi.

Thông báo của Thông tấn xã Liên Xô ngày 14 tháng Sáu năm 1941, một mặt là sự thăm dò về quân sự và chính trị, chứng tỏ rõ ràng rằng nước Đức đang tiến hành một đường lối nhằm gây chiến tranh chống Liên Xô và nguy cơ chiến tranh đang tiến gần. Điều đó được thấy rõ ở thái độ lặng thinh của bọn đầu sỏ phát-xít trước đòi hỏi của Chính phủ Liên Xô.

Mặt khác, thông báo đó chứng tỏ rằng Chính phủ Liên Xô mong muốn tận dụng mọi khả năng để trì hoãn thời gian bắt đấu chiến tranh, tranh thủ thời gian để chuẩn bị các Lực lượng vũ trang nhằm đánh trả bọn xâm lược.

Vì vậy tôi nghĩ rằng nếu nhận định thông báo của Thông tấn xã Liên Xô ngày 14 tháng Sáu năm 1941 là bằng chứng về sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đến an ninh của đất nước và lợi ích thiết thân của đất nước thì đó là một nhận định đúng.

Việc tiếp tục thực hiện những biện pháp tổ chức và động viên, việc điều những binh đoàn sang phía Tây, việc chuyển một loạt xí nghiệp sang thực hiện những đơn đặt hàng quân sự v. v. nói lên rằng thông báo ấy chỉ là một hành động chính trị đối ngoại.

Đối với chúng tôi, những cán bộ Bộ Tổng tham mưu, cố nhiên, cũng như những người xô-viết khác, thông báo của Thông tấn xã Liên Xô lúc đầu cũng gây ra một phần nào sự ngạc nhiên. Nhưng vì sau đó không có những chỉ thị gì mới hẳn về nguyên tắc, nên thấy rõ ngay là thông báo đó chẳng có quan hệ gì với các Lực lượng vũ trang cũng như với toàn quốc cả. Hơn nữa, cuối ngày hôm ấy, phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất, tướng N. Ph. Va-tu-tin đã giải thích rằng thông báo của Thông tấn xã Liên Xô là để kiểm tra lại ý đồ thật sự của bọn Hít-le, và thông báo đó không còn làm cho chúng tôi chú ý đến nữa.

Trong đêm bất hạnh bắt đấu chiến tranh, bộ tư lệnh các quân khu sát biên giới đã giữ liên lạc thường xuyên với ban lãnh đạo Bộ dân ủy quốc phòng và với Bộ Tổng tham mưu. Hồi 4 giờ hơn một chút, chúng tôi được các cơ quan tác chiền của các bộ tham mưu quân khu báo cho biết là không quân Đức đã ném bom các sân bay và thành phố Liên Xô. Cùng trong một lúc hoặc trước đó một ít, ban lãnh đạo Bộ dân ủy quốc phòng và hầu như ngay đây Chính phủ Liên Xô đã nhận được tin này. Những đoàn quân ăn cướp tinh nhuệ của bọn phát-xít từng có hai năm kinh nghiệm tiến hành chiến tranh hiện đại, đã tràn vào đánh bộ đội biên phòng và bộ đội bảo vệ biên giới Liên Xô.

Cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại bắt đầu như thế đấy. Trên suốt tuyến biên giới từ biển Ba-ren đến Biển Đen đã bùng lên cuộc chiến đấu đẫm máu ác liệt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #15 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2010, 10:43:45 am »

Ngày 29 tháng Sáu, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản (b) toàn Liên bang và Chính phủ Liên Xô đã ra bản chỉ thị thấm nhuần tư tưởng Lê-nin về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng cơ bản của bản chỉ thị đó là: “Tất cả cho tiến tuyến, tất cả để đánh thắng”.

Bản chỉ thị nêu rõ: "Giờ đây, điều quyết định hết thảy là chúng ta phải biết tổ chức và hành động mau lẹ, không để lãng phí một giây phút nào, không bỏ qua một khả năng nào để đấu tranh với quân thù”. Ban chấp hành trung ương Đảng kêu gọi: “Trong cuộc đấu tranh không thương tiếc với kẻ thù, hãy bảo vệ từng tấc đất Liên Xô, hãy chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ những thành phố và làng mạc của chúng ta, hãy biểu lộ lòng dũng cảm, chủ động và mưu trí vốn có của nhân dân ta”.

Trước hết, Đảng áp dụng mọi biện pháp để thành lập các cơ quan lãnh đạo chiến lược và chỉ huy phương diện quân. Ngày 22 tháng Sáu năm 1941, việc lãnh đạo đấu tranh vũ trang do Hội đồng quân sự tối cao đảm nhiệm. Nhưng ngay ngày hôm sau thì thành lập Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh các Lực lượng vũ trang Liên Xô.

Tôi có thể nói rằng cơ quan ấy phần nào có tính chất dân chủ, vì đứng đầu cơ quan ấy không phải là tổng tư lệnh, mà là chủ tịch - bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng Nguyên soái Liên Xô X. C. Ti-mô-sen-cô. Tham gia Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh còn có: X. M. Bu-đi-on-nưi, C. E. Vô-rô-si-lốp, Gh. C. Giu- cốp, N. Gh. Cu-dơ-nét-xốp, V. M. Mô-lô-tôp, I. V. Xta-lin.

Đồng thời, bên cạnh Đại bản doanh còn thành lập một nhóm cố vấn thường trực gồm có N. Ph. Va-tu-tin, N. A. Vô-dơ-nê-xen-xki, A. A. Giơ-đa-nốp, P. Ph. Gi-ga-rép, N. N. Vô-rô-nốp, G. I. Cu-lích, K. A. Mê-rét-xcốp, A. I. Mi-côi-an, B. M. Sa-pô-sni-cốp và các nhà hoạt động khác của quân đội, Đảng và Nhà nước.

Đảng đã quan tâm ngay đến việc thông báo rộng rãi cho nhân dân biết tin tức về quá trình chiến tranh và những sự cố gắng của nhân dân nhằm đánh trả quân xâm lược. Nhằm mục đích đó, Phòng Thông tin Liên Xô đã được xây dựng. Cục trưởng Cục tình báo Ph. I. Gô-li-cốp và tôi được giao soạn dự thảo các thông báo của Chính phủ về tình hình ở các mặt trận.

Đáng tiếc là lúc đầu phải đưa ra những bản tin đáng buồn đối với nhân dân Liên Xô. nhưng chúng tôi có nhiệm vụ phải nói và đã nói sự thật với nhân dân về tiến trình chiến sự. Tin tức thật sự đáng mừng đầu tiên mà chúng tôi truyền đi trên đài phát thanh và báo chí là thông báo về thắng lợi của chúng ta trong trận Mát-xcơ-va.

Quyết định của Ban chấp hành trung ương Đảng ngày 30 tháng Sáu về việc thành lập Hội đồng quốc phòng Nhà nước 20 có ý nghĩa lớn lao trong việc tiến hành chiến tranh. Hội đồng quốc phòng Nhà nước đã tập trung toàn bộ quyền lực trong nước vào tay mình. Những quyết định của cơ quan này có hiệu lực pháp luật thời chiến, tất cả các tổ chức đảng, xô-viết, quân sự, công đoàn. v. v. cũng như công dân Liên Xô đều bắt buộc phải thi hành những quyết định ấy. Ngay từ những việc làm đầu tiên của Hội đồng quốc phòng Nhà nước để cải tổ nền kinh tế quốc dân, để huy động lực lượng và tài nguyên của đất nước cho nhu cầu quân sự đã được tiến hành có kết quả.

Chúng tôi, những cán bộ chỉ huy quân sự cao cấp Liên Xô và nhất là những người trong số chúng tôi, được may mắn làm việc trong những năm khắc nghiệt ấy dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hội đồng quốc phòng Nhà nước, chúng tôi được chứng kiến những công tác hết sức to lớn mà Hội đồng quốc phòng Nhà nước đã tiến hành để thực hiện những nhiệm vụ nảy sinh hàng ngày và tưởng chừng như không thể nào hoàn thành nổi về khối lượng và thời hạn trong lĩnh vực lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang ngoài tiền tuyến và lao động khẩn trương ở hậu phương - trong công nghiệp quốc phòng, giao thông vận tải, nông nghiệp.

Các cơ quan chỉ huy phương diện quân được thành lập trên cơ sở các quân khu. Các quân khu đặc biệt Pri-ban-tích, Tây và Ki-ép được tổ chức lại thành các Phương diện quân Tây - Bắc, Tây và Tây - Nam, còn Quân khu Ô-đét-xa thì trở thành tập đoàn quân 9. Quân khu Lê-nin-grát chuyển thành Phương diện quân Bắc. Ngày 25 tháng Sáu, Phương diện quân Nam được thành lập trên cơ sở bộ chỉ huy Quân khu Mát-xcơ-va vừa rời về phía Nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #16 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2010, 10:44:23 am »

Trong những ngày mà bộ đội Liên Xô bắt đầu rút lui vào tung thâm đất nước do sự tấn công ồ ạt của quân đội phát-xít Đức có ưu thế về lực lượng, toàn bộ tâm tư của chúng tôi đều hướng về một mục tiêu: dù khó khăn đến mấy đi nữa cũng phải cầm cự và giữ vững. Kẻ thù mạnh và hung ác. Rõ ràng là cuộc đấu tranh với nó sẽ lâu dài và gian khổ. Chúng tôi, những sĩ quan và tướng lĩnh của Bộ Tổng tham mưu và tất cả các lực lượng vũ trang hết sức buồn phiền vì những thất bại của chúng ta trên các mặt trận.

Mỗi người chúng tôi trong Bộ Tổng tham mưu đều ra sức làm đến mức cao nhất có thể làm được trong phạm vi của mình, nhanh chóng ổn định bộ máy quân sự vào nền nếp phù hợp với yêu cầu của chiến tranh. Công tác căng thẳng đến cực độ. Ngày càng phải giải quyết nhiều nhiệm vụ mới. 

Cục tác chiến đã biến thành một cái tổ ong, đón những “con ong” bay về từ tiền tuyến, mang theo những tin tức cần phải xử lý ngay. Tin tức được phân cho ba ban phụ trách ba hướng tác chiến chủ yếu: Tây - Bắc, Tây và Tây - Nam. Các máy “bô-đô” - máy điện báo đánh đi một lúc mấy bức điện ngược chiều nhau - làm việc không ngừng. Các bộ tham mưu quân khu trước kia và bây giờ là các cơ quan chỉ huy phương diện quân gửi báo cáo về cho chúng tôi. Chúng tôi chuyển các mệnh lệnh của Trung ương đến các đơn vị.

Thiếu người quá. Công việc chính tập trung trong một phòng lớn, tại đấy dồn lại các cán bộ chủ chốt giữ liên lạc với các đơn vị. Khắp nơi là bản đồ - bản đồ địa lý và địa hình đủ mọi cỡ và mọi công dụng. Báo cáo liên tục. Báo cáo được chuyển tới bằng điện báo hoặc bằng máy bay liên lạc, máy bay trinh sát. Thông tin thật đầy đủ và chính xác cũng cần thiết như không khí. Cái gì đang xảy ra ở mặt trận, bộ đội ta ở đâu, quân địch ở chỗ nào, chiến sự đang diễn ra tại khu vực nào? Đưa quân tăng viện đến đâu, nơi nào cần kỹ thuật chiến đấu và cần loại gì? Cố sao đừng loạc choạc, đừng chậm trễ, kịp thời cung cấp tình hình cho Đại bản doanh...

Những cố gắng của Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô nhằm chặn đứng bước tiến nhanh chóng của những cánh quân địch hùng mạnh ồ ạt tiền vào tung thâm đất nước, bằng những lực lượng chưa được sẵn sàng làm việc đó và bị tổn thất nặng nề của các quân khu sát biên giới đã không thành công. Vì vậy Bộ Tổng tư lệnh đã đi đến một quyết định duy nhất đúng trong điều kiện đó là: sử dụng các thê đội đã được chuẩn bị một cách đầy đủ và điều động từ tung thâm của đất nước ra để thành lập phòng tuyến chiến lược mới.

Bộ Tổng tư lệnh đã giải quyết một số vấn đề mới khá phức tạp liên quan tới việc đó. Trong số đó, những vấn đề chủ yếu là: gấp rút tổ chức sự liên lạc vững chắc, ổn định giữa Bộ Tổng tư lệnh với các phương diện quân và giữa các phương diện quân với các đơn vị, lựa chọn tại chỗ những tuyến có lợi nhất để tổ chức trận địa phòng ngự và chuẩn bị các tuyến đó về mặt công sự; tổ chức ở các tuyến đó những cánh quân có thể đáp ứng tốt nhất tình hình mặt trận lúc bấy giờ, điều động kịp thời những cánh quân đến các tuyến đó, triển khai và chuẩn bị cho phòng ngự, bằng mọi cách nâng cao tinh thần và khả năng chiến đấu cho bộ đội, huấn luyện quân sự và chính trị rộng rãi và cấp tốc cho các nguồn nhân lực và xây dựng lực lượng dự bị chiến lược mới thật hùng hậu, tổ chức sản xuất trong những điều kiện vô cùng gian khó này của đất nước để đảm bảo cho tiến tuyến tất cả mọi thứ của cải vật chất cần thiết nhắm tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang chống quân thù một cách có kết quả hơn.

Do những nhiệm vụ ngày càng phức tạp hơn nhằm đánh trả quân thù, Ban chấp hành trung ương Đảng đã trở lại vấn đề lãnh đạo chiến lược. Ngày 10 tháng Bảy, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh được cải tổ thành Đại bản doanh Bộ Tư lệnh tối cao các Lực lượng vũ trang Liên Xô, và ngày 8 tháng Tám thì đối thành Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao các Lực lương vũ trang Liên Xô. I. V. Xta-lin làm chủ tịch. Ngày 19 tháng Bảy đồng chí được bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng và ngày 8 tháng Tám làm Tổng tư lệnh tối cao các Lực lượng vũ trang Liên Xô.

Các ủy viên trong Đại bản doanh Bộ Tư lệnh tôi cao là V M. Mô-lô-tốp, C. E. Vô-rô-si-lốp, X. C. Ti-mô-sen-cô, Gh. C. Giu-cốp. B. M. Sa-pô-sni-cốp. X. M. Bu-đi-on-nưi. Với thành phần đó, Đại bản doanh tồn lại đến gần cuối chiến tranh. Đại bản doanh đã trở thành một cơ quan khá tập trung và cơ động để lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #17 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2010, 10:45:17 am »

Cơ cấu của Bộ dân ủy quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu cũng được thay đổi. Tính chất của cuộc cải tổ cũng xuất phát từ lợi ích của việc lãnh đạo cụ thể và linh hoạt chiến sự và việc giúp đỡ các mặt trận.

Tôi muốn nêu lên dù chỉ một việc sau này thôi. Ngay từ đầu chiến tranh, Bộ Tổng tham mưu đã gặp khó khăn vì thường xuyên bị mất liên lạc với các phương diện quân và tập đoàn quân. Các đơn vị bộ đội cũng gặp khó khăn vì không liên lạc được với Đại bản doanh và Bộ Tổng tham mưu. Bộ dân ủy bưu điện giúp chúng tôi, nhưng đồng thời Bộ phải phục vụ nhu cầu của cả nước, và vì thế không phải bao giờ những nhu cầu của chúng tôi cũng được thỏa mãn ngay. Khi nghe báo cáo về điều đó, I. V. Xta-lin có nói:

- Nếu bộ trưởng dân ủy Pê-rê-xứp-kin giúp các anh không tốt thì nên bổ nhiệm anh ấy kiêm chức cục trưởng Cục thông tin liên lạc thuộc Bộ dân ủy quốc phòng vậy.

Và sau đó đã làm như thế, điều đó cho phép thu hút mọi phương tiện liên lạc của đất nước và một phần lớn các chuyên viên ưu tú của Bộ dân ủy để phục vụ đường dây liên lạc của các Lực lượng vũ trang nhằm lãnh đạo các phương diện quân và tập đoàn quân. Nhờ đó công việc đã thay đổi hẳn và liên lạc không còn là vấn đề nữa.

Tổng cục xây dựng và trang bị bộ đội của Hồng quân cũng được thành lập vào lúc đó.

Cuối tháng Bảy, ngành hậu cần được cải tổ. Tổng cục hậu cần được thành lập (bộ tham mưu, cục giao thông vận tải quân sự, cục đường ô-tô). Chức vụ tổng cục trưởng hậu cần được giao cho một cán bộ quản lý có kinh nghiệm nổi tiếng trong các Lực lượng vũ trang là tướng A. V. Khơ-ru-li-ốp. Một số cục của Bộ dân ủy quốc phòng đã được cải tổ thành tổng cục. Khôi phục lại chức vụ thủ trưởng pháo binh Hồng quân, tướng N. N. Vô-rô-nôp được bổ nhiệm làm chức vụ đó. Trong các quân chủng của các Lực lượng vũ trang cũng có việc cải tổ.

Nhờ việc cải tổ bộ máy trung ương thực hiện trong mùa hè và mùa thu năm 1941, nên đã cải tiền khá nhiều công tác lãnh đạo các Lực lượng vũ trang, công tác xây dựng và cung cấp của nó. Bộ Tổng tham mưu không còn phải trực tiếp tham gia vào công việc xây dựng và trang bị bộ đội của Hồng quân, không còn phải quản lý hậu cần của các Lực lượng vũ trang (chỉ còn giữ lại quyền kiểm tra), nên đã có thể tập trung chú ý chủ yếu vào việc ra sức giúp Bộ Tổng tư lệnh tối cao trong việc giải quyết các vấn đề chiến dịch - chiến lược. Nhưng việc đó cũng gây ra một số vàn đề mà sau này tôi sẽ nói tới.

Việc cải tổ về mặt tổ chức còn có liên quan đến quân đội đang chiến đấu. Bộ Tổng tham mưu phải tiến hành công tác để chia nhỏ các phương diện quân. Đó là do một số nguyên nhân gây nên, trong đó là việc mở rộng quy mô đấu tranh vũ trang và xuất hiện những hướng chiến dịch mới. Cần phải làm cho cơ quan chỉ huy phương diện quân trở nên linh hoạt và cơ động hơn. Chiến tranh làm cho sự lãnh đạo tác chiến trở nên phức tạp hơn, và chúng ta phải chấn chỉnh lại cho hợp với hoàn cảnh ấy. Việc chia nhỏ các phương diện quân được tiến hành trong suốt nửa cuối năm 1941.

Đại bản doanh và Bộ Tổng tham mưu cũng đã bắt buộc phải dùng một biện pháp có tính chất tạm thời là giải thể khâu quân đoàn. Chúng tôi phải làm điều đó vì không thể bổ sung nhanh chóng được cho số tổn thất về cán bộ chỉ huy. Vì lúc đó thiếu người để thành lập các cơ quan chỉ huy quân đoàn, do đó, các cơ quan này không được bổ sung đủ biên chế nên không thể nào thực hiện được chức năng của mình là lãnh đạo có hiệu quả các đơn vị và binh đoàn được, đến cuối năm 1941 chỉ còn lại 6 bộ chỉ huy quân đoàn, do có một số cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị được rút ra nên đã bổ sung được một phần nào cho các bộ tham mưu tập đoàn quân và bộ chỉ huy sư đoàn.

Cũng phải xem xét lại cơ cấu tổ chức của các sư đoàn nữa. Hồi đó, những nguồn dự trữ vật chất bị hạn chế đã bắt buộc chúng tôi phải rút bớt phương tiện hỏa lực của sư đoàn - số lượng pháo, súng phun lửa, súng máy đều bị rút bớt. Chúng tôi phải đi đến quyết định như vậy, nhưng không còn cách nào khác. 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #18 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2010, 10:45:50 am »

Hồi đó, nền kinh tế quốc dân không thể cung cấp nổi số vũ khí, kỹ thuật chiến đấu, đạn dược mà mặt trận cần đến. Căn cứ vào khả năng thực tế, Đại bản doanh và Bộ Tổng tham mưu đã sửa đổi lại cơ cấu tổ chức của sư đoàn.

Khi quyết định như vậy, chúng tôi hy vọng rằng đó chỉ là những biện pháp tạm thời và những phương tiện vật chất bị hạn chế sẽ được bù lại bằng tinh thần chính trị và đạo đức cao của các Lực lượng vũ trang và bằng việc các cán bộ chỉ huy nhanh chóng tiếp thu kinh nghiệm chiến đấu. Đồng thời, chúng tôi hy vọng là tình trạng như thế sẽ kéo dài không lâu và cơ cấu tổ chức của các quân đoàn và sư đoàn sẽ được xem xét lại.

Cần phải nhận rõ rằng những thất bại ban đầu của Hồng quân đã cho thày nhược điểm của một số cán bộ chỉ huy. Trong tình hình hết sức phức tạp đó, họ tỏ ra không đủ khả năng lãnh đạo bộ đội theo lối mới, không nhanh chóng nắm được nghệ thuật tiến hành chiến tranh hiện đại, bị trói buộc bởi những quan niệm cũ.

Không phải tất cả mọi người đều biết nhanh chóng thích ứng kịp với tình hình. Xta-lin thì cho rằng tình hình tác chiến phát triển không như ý muôn, tức là cần phải lập tức thay thế cán bộ lãnh đạo. Sự thay đổi đã diễn ra trong toàn bộ cơ quan Bộ dân ủy quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu và cơ quan lãnh đạo các đơn vị. Song, cách đốu xử như thế với cán bộ trong những tháng đầu chiến tranh không phải lúc nào cũng đem lại những kết quả tích cực.

Tôi muốn nói kỹ hơn tí nữa về công việc của Đại bản doanh. Vậy, Đại bản doanh có phải là một cơ quan hoạt động thường xuyên của Tổng tư lệnh tối cao không? Phải, đúng thế. Nhưng về điều này, cần phải hình dung là Đại bản doanh làm việc theo một cách thức đặc biệt. Để nghiên cứu một quyết định chiến dịch - chiến lược nào đó hoặc xem xét những vấn đề quan trọng khác về tiến hành đấu tranh vũ trang, Tổng tư lệnh tối cao thường triệu tập những cán bộ phụ trách có liên quan trực tiếp tới vấn đề đó (có thể là ủy viên hoặc không phải là ủy viên Đại bản doanh).

Tại các cuộc họp này đã thông qua những quyết định cần thiết, và lập tức các quyết định này được chuyển thành những chỉ thị và mệnh lệnh của Đại bản doanh. Không thể hiểu Đại bản doanh là một cơ quan thường xuyên họp hành theo đúng nghĩa đen ở bên cạnh Tổng tư lệnh tối cao với thành phần đúng như khi nó được thành lập. Bởi vì phần lớn các thành viên Đại bản doanh đồng thời đảm nhiệm những trọng trách, thường ở xa Mát-xcơ-va, chủ yếu là ở mặt trận.

Nhưng có một điều thường xuyên là mỗi ủy viên Đại bản doanh đều giữ liên lạc với Tổng tư lệnh tối cao. Xta-lin biết rằng hoạt động của các ủy viên Đại bản doanh trên cương vị chủ yếu của họ là rất quan trọng, do đó đồng chí cho là không thể và cũng không cần thiết triệu tập đầy đủ toàn bộ các ủy viên đó mà chỉ định kỳ gọi riêng những ủy viên Đại bản doanh, tư lệnh và ủy viên hội đồng quân sự các phương diện quân để nghiên cứu, xem xét hoặc thông qua một quyết định nào đó về lãnh đạo tác chiến của các Lực lượng vũ trang trong giai đoạn đấu tranh nhất định nào đó.

Suốt hơn 30 tháng công tác trên cương vị tổng tham mưu trưởng và về sau cả với danh nghĩa là ủy viên Đại bản doanh, tôi không thấy có lần nào Đại bản doanh nhóm họp được đông đủ toàn bộ thành phần với Tổng tư lệnh tối cao.

Trong suốt cuộc chiến tranh, những quyết định về chiến lược gửi tới các đơn vị dưới hình thức những chỉ thị của Đại bản doanh đều do Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng và Hội đồng quốc phòng Nhà nước thông qua, các cơ quan này lãnh đạo hoàn toàn cuộc đấu tranh vũ trang và các hoạt động hậu phương của đất nước, và tùy từng trường hợp mà có sự tham gia của những cán bộ quân sự hoặc dân sự chủ chốt cần thiết đối với công việc đó. Tôi sẽ kể tỉ mỉ hơn vẽ điều đó ở chương nói về Bộ Tổng tham mưu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #19 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2010, 10:46:39 am »

Thông thường, dự kiến sơ bộ về một quyết định chiến lược và kế hoạch để thực hiện quyết định đó là do Tổng tư lệnh tối cao cùng một số rất ít cán bộ vạch ra. Thường đó là một số ủy viên trong Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng và trong Hội đồng quốc phòng Nhà nước, về phía quân sự thì có phó Tổng tư lệnh tối cao, Tổng tham mưu trưởng và phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất. Nhiều khi việc đó đòi hỏi đến mấy ngày.

Trong quá trình đó, để nắm tình hình cần thiết và để tham khảo ý kiến về những vấn đề đang nghiên cứu, Tổng tư lệnh tối cao thường có nói chuyện với các tư lệnh và các ủy viên hội đồng quân sự các phương diện quân liên quan, với những cán bộ chủ chốt của Bộ dân ủy quốc phòng và nhất là với các bộ trưởng dân ủy lãnh đạo một ngành nào đó của công nghiệp quân sự.

Trong thời gian đó những cán bộ có trách nhiệm của Bộ Tổng tham mưu và của Bộ dân ủy quốc phòng phải làm rất nhiều việc. Sau khi thảo luận mọi mặt đầy đủ thì ra quyết định và thông qua kế hoạch tiến hành, ra những chỉ thị tương ứng cho các phương diện quân và định ngày gặp gỡ ở Đại bản doanh với các tư lệnh được giao nhiệm vụ thực hiện những chiến dịch đã vạch ra.

Trong cuộc gặp gỡ này, kế hoạch được xác định lại lần cuối cùng, thời hạn tiến hành các chiến dịch được ấn định, chỉ thị của Đại bản doanh được ký và gửi đi cho các phương diện quân. Bây giờ bắt đầu giai đoạn quan trọng nhất: chuẩn bị cho bộ đội thực hiện bản kế hoạch đã vạch ra và đảm bảo cho bộ đội mọi thứ cần thiết cho việc đó theo đúng thời hạn quy định.

Đó là cách làm việc của Đại bản doanh khi chuẩn bị đa số các chiến dịch lớn có tính chất chiến lược của các phương diện quân. Nhưng đôi khi, tùy tình hình, cũng có những việc không theo đúng nền nếp đó. Ví dụ, trong nhiều trường hợp, do thời gian rất có hạn, nên Tổng tư lệnh tối cao và Bộ Tổng tham mưu buộc phải thỏa thuận bằng điện thoại tất cả các vấn đề với tư lệnh các phương diện quân.

Tuy có những việc làm trái với quy tắc, nhưng có một điều bất di bất dịch là: khi xây dựng các kế hoạch chiến lược và khi giải quyết các vấn đề kinh tế lớn nhất thì Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng, cơ quan lãnh đạo các Lực lượng vũ trang bao giờ cũng dựa vào trí tuệ tập thể. Vì vậy, những quyết định có tính chất chiến lược do Bộ Tổng tư lệnh tối cao thông qua và do tập thể xây dựng thường là bao giờ cũng phù hợp với tình hình cụ thể diễn ra ở các mặt trận, và những yêu cầu đề ra cho những người chấp hành thì rất thực tế, do đó được bộ tư lệnh và bộ đội quán triệt và chấp hành đúng.

Song, tôi xin quay lại với mùa hè năm 1941 .

Cuối tháng Sáu, Bộ Tổng tư lệnh định dùng lực lượng dự bị chiến lược điều từ tung thâm ra để triển khai trên các tuyến sông Tây Đvi-na và sông Đni-ép-rơ. Song những cánh quân cơ động lớn của địch đã đi trước chúng ta.

Vào giữa tháng Bảy năm 1941, trong những điều kiện của tình huống hết sức gay go. Hồng quân đã tạm thời ổn định được mặt trận. Cũng như trước đây, hướng chính trên mặt trận Xô - Đức vẫn là hướng Trung tâm. Trên hướng này, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao đã điều những tập đoàn quân từ lực lượng dự bị ra để thành lập một mặt trận phòng ngự chiến lược mới, nhưng mặt trận này vẫn kém địch: về người gần 2 lần, về pháo và cối - 2,4 lần, về máy bay 4 lần; chỉ có xe tăng thì ta hơn địch với tỷ số 1,3 trên 1 .

Hai tháng đầu chiến tranh tôi chỉ công tác ở Bộ Tổng tham mưu. Trong khi trận Xmô-len-xcơ đang diễn ra kịch liệt ngày 30 tháng Bảy, để bảo vệ chắc chắn hơn cho hướng đi về Mát-xcơ-va và thành lập ở đây một trận địa phòng ngự sâu hơn, Đại bản doanh đã thành lập Phương diện quân Dự bị mà tư lệnh là Gh. C. Giu-cốp.

Từ đêm 29 rạng ngày 30 tháng Bầy, Nguyên soái Liên Xô B. M. Sa-pô-sni-cốp được cư làm Tổng tham mưu trưởng. I. V. Xta-lin muốn cho kinh nghiệm chỉ huy của Gh. C. Giu-cốp được sử dụng trực tiếp ở đơn vị thì hơn. Toàn thể cơ quan tham mưu đã có một người đứng đầu mà trong những tháng đó có thể bảo đảm, có lẽ là tốt hơn bất cứ ai, cho nó hoạt động liên tục và có tổ chức.

Lúc bây giờ, Đại bản doanh nhận được những tài liệu cho biết rằng trên hướng Tây - Bắc, sau khi với nhiều khó khăn ta đã tạm thời chặn đứng cuộc tiến công của địch, thì địch đã vội vã chuẩn bị ba cánh quân xung kích nhằm chiếm Lê-nin-grát: cánh quân thứ nhất để tiến công qua cao nguyên Cô-pô-ri-ê, cánh quân thứ hai ở vùng Lu-ga để đột kích dọc đường Lu-ga - Lê-nin-grát, cánh quân thứ ba ở hướng Tây - Bắc Sim-xcơ để tiến công trên hướng Nốp-gô-rot - Tsu-đô-vô.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM