Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 04:13:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sự nghiệp cả cuộc đời  (Đọc 119089 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #60 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2010, 02:19:53 pm »

Đại bản doanh từ chối ý kiến phối thuộc các trung đoàn không quân cho các tập đoàn quân. Máy bay vẫn còn thiếu, làm như thế thì dẫn đến chỗ phân tán lực lượng; phải trở lại với ý kiến sử dụng tập trung không quân thành từng sư đoàn đồng nhất một loạt máy bay ném bom, cường kích và tiêm kích.

Và từ tháng Năm năm 1942, chúng ta bắt đầu thành lập các tập đoàn quân không quân. Về nguyên tắc, mỗi phương diện quân có một tập đoàn quân không quân riêng của mình, nhưng khi tiến hành những chiến dịch đặc biệt quan trọng thì phương diện quân có thể được cung cấp hai tập đoàn quân không quân hay hơn nữa.

Không quân hoạt động tầm xa trực thuộc Đại bản doanh đã xuất hiện. Những liên đoàn phòng không tác chiến được thành lập. Bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay tiêm kích La-5, Iac-7. Đối với lúc đó thì những loại máy bay này có tính năng bay và chiến thuật cao.

Việc cung cấp cho bộ đội công binh nhiều thiết bị chuyên môn hơn trước đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức các đơn vị cầu phà và đặt mìn. Các tập đoàn quân công binh bị giải thể, trong đó có 5 tập đoàn quân được chuyển cho các phương diện quân. Các lữ đoàn công binh thuộc các tập đoàn quân bị giải thể được chuyển thuộc các phương diện quân với tư cách là Lực lượng dự bị của Bộ Tổng tư lệnh tối cao.

Pháo binh đã thay đổi rõ rệt, đặc biệt về mặt chất lượng. Các đơn vị đã có súng chống tăng. Đại bác chống tăng 45 mi-li-mét được cải tiến; xuất hiện loại đại bác cấp sư đoàn ZIX 3 cỡ nòng 76 mi-li-mét.

Về pháo phản lực dã chiến, thì ngoài đạn M-8 và M-13, từ tháng Sáu năm 1942 bắt đầu có thêm những đạn phản lực M-20 và M-30 mạnh hơn nữa. Chính đó là sự mở đầu việc xây dựng binh chủng trọng pháo phản lực dã chiến. Để bắn các loại đạn này, người ta đã chế tạo những dàn phóng tiện lợi hơn, đơn giản và chắc chắn. Ở Bộ Tổng tham mưu, chúng tôi rất chú ý theo dõi sự phát triển số lượng các đơn vị “ca-ti-u-sa”, một biệt hiệu ở chiến trường mà người ta đặt cho loại súng cối phản lực này.

Các đơn vị phòng không nhận được nhiều pháo cao xạ 37 mi-li-mét và súng máy ĐSK cỡ lớn. Xuất hiện những trung đoàn phòng không mới thuộc tập đoàn quân và cả những trung đoàn pháo chống tăng gồm 6 đại đội thuộc Lực lượng dự bị Bộ Tổng tư lệnh tối cao, hàng chục tiểu đoàn súng chống tăng độc lập các binh đội và binh đoàn chống tăng (làm lực lượng dự bị cơ động của phương diện quân) và những trung đoàn súng cối phản lực. Ở các binh đội bộ binh giờ đây đã có những đại đội chống tăng.

Mặt trận đã nhận được một số lượng lớn những xe tăng loại nhẹ T-70 và những xe tăng loại vừa T-34 nổi tiếng mà hồi đó chưa có loại nào hơn. Trong việc tổ chức bộ đội xe tăng, Đại bản doanh đã rất linh hoạt: từ mùa thu năm 1941, theo sự cần thiết, đã tổ chức các tiểu đoàn, trung đoàn và lữ đoàn xe tăng độc lập. Từ mùa xuân năm 1942 bắt đầu thành lập các quân đoàn xe tăng, trong đó kết hợp các binh đoàn xe tăng với các binh đoàn bộ binh cơ giới. Từ tháng Năm năm 1942, trong Hồng quân công nông xuất hiện hai tập đoàn quân xe tăng đầu tiên, và đến mùa hè năm 1942 có thêm hai tập đoàn quân nữa.

Những người lao động ở hậu phương đã làm việc hết sức khẩn trương để đảm bảo cho tiền tuyến hàng trăm nghìn khẩu súng trường, các-bin và súng tiểu liên, hàng nghìn máy bay chiến đấu và xe tăng, hàng vạn đại bác và súng cối, hàng chục triệu đạn pháo và đạn cối, hàng trăm triệu viên đạn súng bộ binh. Giờ đây, Đại bản doanh đã có thể sử dụng lực lượng dự bị dồi dào hơn trong chiến cục mùa thu nhiều.

Biên chế các binh đoàn bộ binh cũng được thay đổi (trong năm 1942 thay đổi ba lần!), dựa vào kinh nghiệm rút ra ở mặt trận, khả năng cung cấp đạn dược, vũ khí nhiều hơn cho các binh đoàn. Cấp chỉ huy quân đoàn trước kia bị giải tán, nay lại được phục hồi. Trong vòng một năm dần dần tổ chức gần 30 cấp chỉ huy quân đoàn bộ binh.

Kể từ Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao cho đến các phân đội, khắp nơi, ở nhiều cấp khác nhau, kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh đã được tổng kết và phổ biến rộng rãi. Các bộ tư lệnh tập đoàn quân và phương diện quân, các bộ tư lệnh các binh chủng và tư lệnh các quân chủng đã biến những kinh nghiệm đó thành những chỉ thị cho bộ đội; Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao thì đúc kết kinh nghiệm đó thành những mệnh lệnh, thậm chí phản ánh trực tiếp vào các điều lệnh của bộ đội.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #61 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2010, 02:20:34 pm »

Trong khi vạch kế hoạch chiến cục mùa hè, Đại bản doanh đã xuất phát từ cái gì? Giặc đã bị đẩy lùi khỏi Mát-xcơ-va, nhưng chúng vẫn còn tiếp tục đe dọa thủ đô. Hơn nữa, cánh quân lớn nhất của Đức (hơn 70 sư đoàn) đang ở hướng Mát-xcơ-va, điều đó khiến Đại bản doanh và Bộ Tổng tham mưu có cơ sở để dự đoán rằng sang đầu mùa hè, địch sẽ cố đánh một đòn kiên quyết vào ngay hướng Trung tâm. Theo tôi biết, thì bộ tư lệnh của phần lớn các phương diện quân đều tán thành ý kiến đó.

Tổng tư lệnh tối cao I. V. Xta-lin cho rằng, đầu mùa hè ta chưa thể mở những chiến dịch tiến công lớn được, nên cũng chủ trương phòng ngự chiến lược tích cực. Nhưng, bên cạnh đó, đồng chí cho là nên mở những chiến dịch tiến công cục bộ ở Crưm, ở vùng Khác-côp, ở các hướng Lơ-gốp Cuốc-xcơ và Xmô-len-xcơ cũng như ở các vùng Lê-nin-grát và Đê-mi-an-xcơ.

Tổng tham mưu trương B. M. Sa-pô-sni-cốp chủ trương không nên chuyển sang phản công rộng rãi trước mùa hè. Gh. C. Gìu-cốp về căn bản tán thành Sa-pô-sni-cốp, nhưng lại cho rằng hết sức cần thiết phải tiêu diệt cánh quân Rơ-giép - Vi-a-dơ-ma của địch vào đầu mùa hè.

Đến giữa tháng Ba, Bộ Tổng tham mưu đã hoàn thành tất cả mọi lập luận và tính toán về kế hoạch chiến cục mùa xuân và đầu mùa hè năm 1942. Tư tưởng chủ yếu của kế hoạch là: phòng ngự chiến lược tích cực, tích lũy lực lượng dự bị và sau đó chuyển sang một cuộc tiến công quyết liệt.

B. M . Sa-pô-sni-cốp báo cáo kế hoạch với Tổng tư lệnh tối cao, tôi cũng có mặt; sau đó, việc nghiên cứu kế hoạch được tiếp tục, Đại bản doanh lại một lần nữa nghiên cứu kỹ kế hoạch, do có đề nghị của bộ tư lệnh hướng Tây - Nam xin mở một chiến dịch tiến công lớn trong tháng Năm bằng lực lượng của các Phương diện quân Bri-an-xcơ, Tây - Nam và Nam.

Cuối cùng I. V. Xta-lin đồng ý với đề nghị và những kết luận của Tổng tham mưu trưởng. Đồng thời đã thông qua quyết định: song song với việc chuyển sang phòng ngự chiến lược, có dự kiến tiến hành trên một số hướng những chiến dịch tiến công cục bộ, mà theo ý kiến của Tổng tư lệnh tối cao thì nhất định sẽ củng cố thắng lợi chiến cục mùa đông, cải thiện thế tác chiến của bộ đội Liên Xô, giữ vững quyền chủ động chiến lược và phá tan các biện pháp của bọn Hít-le chuẩn bị cuộc tiến công mới vào mùa hè năm 1942.

Dự đoán rằng tất cả những việc đó sẽ tạo điều kiện tốt cho việc triển khai trong mùa hè những chiến dịch tiến công lớn hơn của Hồng quân trên toàn chiến trường từ biển Ban-tích đến Biển Đen.

Những tin tức xác đáng của tình báo ta về việc địch chuẩn bị đòn công kích chủ yếu ở phía Nam không được chú ý đến. Hướng Tây - Nam được bố trí ít lực lượng hơn hướng Tây. Và lực lượng dự bị chiến lược cũng được tập trung chủ yếu ở gần Tu-la, Vô-rô-ne-giơ, Xta-lin-grát và Xa-ra-tốp. Bây giờ đánh giá lại bản kế hoạch hành động cho mùa hè năm 1942 được thông qua hồi bấy giờ, tôi phải nói rằng điểm yếu nhất của kế hoạch là đã quyết định đồng thời vừa phòng ngự vừa tiến công.

Chúng tôi theo dõi tỉ mỉ các kế hoạch của bộ chỉ huy Đức. So sánh lực lượng trên mặt trận Xô - Đức vào đầu tháng Năm là như sau: Hồng quân có 5,5 triệu người, hơn 4 nghìn xe tăng, trên 43 nghìn pháo và súng cối và hơn 3 nghìn máy bay. Quân đội phát-xít Đức có 6,2 triệu người, hơn 3 nghìn xe tăng và pháo tấn công, tới 43 nghìn pháo và súng cối và 3.400 máy bay chiến đấu. Như vậy là vào đầu chiến cục mùa hè, địch có ưu thế về người, ta có ưu thế về xe tăng.

Với cuộc tiến công mùa hè, bọn Hít-le dự tính không những chỉ giành những kết quả có tính chất bước ngoặt về chiến lược quân sự, mà còn làm tê liệt nền kinh tế của Nhà nước xô viết. Chúng trù tính rằng do kết quả của cuộc tiến công quyết liệt ở các hướng Cáp-ca-dơ và Xta-lin-grát, sau khi chiếm được vùng dầu lửa Cáp-ca-dơ, các vùng công nghiệp Đôn-bát và Xta-lin-grát, tiến ra sông Vôn-ga, và sau khi chúng cắt đứt được liên lạc của chúng ta với thế giới bên ngoài qua I-ran, thì chúng sẽ có những tiền đề cần thiết để đánh bại Liên Xô.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #62 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2010, 02:21:22 pm »

Từ giữa tháng Tư đến ngày 8 tháng Năm năm 1942, theo nhiệm vụ của Đại bản doanh giao cho, tôi ở các đơn vị của Phương diện quân Tây - Bắc để cùng với bộ tư lệnh của nó giải quyết việc tiêu diệt cánh quân phát-xít bị vây ở Đê-mi-an-xcơ.

Qua những cuộc nói chuyện hàng ngày với tổng tham mưu trưởng và qua báo cáo của các cán bộ Cục tác chiến, tôi được biết những cố gắng lúc bấy giờ của Phương diện quân Crưm từ bán đảo Kéc-tsơ tiến ra giải phóng toàn bộ Crưm đã thất bại, mặc dầu lực lượng có trội hơn địch nhiều. Đại bản doanh lệnh cho phương điện quân vào nửa cuối tháng Tư phải ngừng tiến công và tổ chức phòng ngự vững chắc, thành từng tuyến theo chiều sâu.

Phương diện quân Crưm hồi đó có hai mươi mốt Sư đoàn bộ binh, 3.577 khẩu pháo và súng cối, 347 xe tăng, 400 máy bay (175 máy bay tiêm kích và 225 máy bay ném bom). Địch có tại đây mười sư đoàn rưỡi bộ binh, 2.472 khẩu pháo và súng cối, 180 xe tăng và cũng tới 400 máy bay. Như vậy là chúng ta có ưu thế rõ rệt.

Ngày 24 tháng Tư, I. V. Xta-lin gọi điện thoại báo cho tôi biết rằng vì công việc căng thẳng quá, B. M. Sa-pô-sni-cốp bị ốm nên Đại bản doanh bắt buộc phải cho đồng chí không làm việc nữa để chữa bệnh, nghỉ ngơi, và quyết định giao cho tôi làm quyền tổng tham mưu trưởng, sau khi cho tôi thôi việc trực tiếp lãnh đạo Cục tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu. Tối hôm đó, mệnh lệnh của bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng về điều đó đã được gửi đến bộ tham mưu Phương diện quân Tây - Bắc để chuyển cho tôi, và ngày 26 tháng Tư, tôi được phong quân hàm thượng tướng...

Mặc dù bộ đội của Phương diện quân Crưm có ưu thế hơn địch khá nhiều, song ngày 8 tháng Năm, quân phát-xít Đức ở Crưm đánh vào bán đảo Kéc-tsơ dọc theo bờ Biển Đen, chọc thủng trận địa phòng ngự trên địa bàn của tập đoàn quân 44 và thọc sâu vào tung thâm của ta đến 8 ki-lô-mét.

Ngày 9 tháng Năm, tôi được chỉ thị của I. V. Xta-lin phải trở về Mát-xcơ-va ngay.

Buổi tối ngày tiến công thứ nhất của địch, Tổng tư lệnh tối cao nhận được bức điện của L. D. Mê-khơ-li-xơ, lúc đó là đại diện Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao bên cạnh ban lãnh đạo và các đơn vị của Phương diện quân Crưm, với nội dung sau đây :

“Bây giờ không phải là lúc để phàn nàn, nhưng tôi phải báo cáo để Đại bản doanh rõ về tư lệnh phương diện quân. Ngày 7 tháng Năm, tức là hôm trước cuộc tiến công của địch. Cô-đô-lốp triệu tập hội đồng quân sự để thảo luận dự án chiến dịch sắp tới nhằm đánh chiếm Côi - A-xan. Tôi đã khuyên nên hoãn kế hoạch đó lại và lập tức ra chỉ thị cho các tập đoàn quân chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công sắp tới của địch.

Trong mệnh lệnh do tư lệnh phương diện quân ký tên, có nhiều chỗ dự kiến là cuộc tiến công có thể xảy ra vào khoảng 10 - 15 tháng Năm, và đề nghị toàn bộ các thủ trưởng cùng với các cán bộ chỉ huy các binh đoàn và các bộ tham mưu nghiên cứu kế hoạch phòng ngự của các tập đoàn quân cho xong trước ngày 10 tháng Năm. Trong khi đó thì toàn bộ tình hình cả ngày vùa qua đã tỏ rõ rằng địch sẽ tiến công từ sáng sớm.

Trước sự thức ép của tôi, sự trù tính sai lầm về thời gian đã được sửa lại. Cô-đô-lốp cũng phản đối cả việc đưa lực lượng bổ sung đến khu vực của tập đoàn quân 44".

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #63 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2010, 02:22:13 pm »

Trong bức điện trả lời Mê-khơ-li-xơ, Tổng tư lệnh tối cao viết:

"Đồng chí đang giữ một lập trường kỳ quặc của một quan sát viên ngoài cuộc không chịu trách nhiệm gì về công việc của Phương diện quân Crưm. Lập trường đó rất thuận tiện, nhưng hết sức rữa nát. Ở Phương diện quân Crưm, đồng chí không phải là quan sát viên ngoài cuộc, mà là một đại diện Đại bản doanh chịu trách nhiệm về tất cả mọi thắng lợi cũng như thất bại của phương diện quân và đồng chí phải sửa chữa ngay tại chỗ những sai lầm của bộ tư lệnh.

Đồng chí cùng với bộ tư lệnh phải chịu trách nhiệm về tình trạng quá yếu ở sườn trái của phương diện quân. Nếu như “toàn bộ tình hình đã tỏ rõ rằng địch sẽ tiến công từ sáng sớm” mà đồng chí không dùng mọi biện pháp tổ chức chống cự, chỉ thụ động phê bình thì như thế đồng chí lại còn tệ hơn. Nghĩa là đồng chí chưa hiểu rằng đồng chí được cử đến Phương diện quân Crưm không phải với tư cách Thanh tra Nhà nước, mà với tư cách là một đại diện có trách nhiệm của Đại bản doanh.

Đồng chí yêu cầu chúng tôi thay thế Cô-dơ-lốp bằng một người nào như Hin-đen-bua. Nhưng đồng chí không thể hiểu rằng chúng ta không dự trù sẵn những Hin-đen-bua.

Tình hình ở Crưm của các đồng chí không gay go lắm đâu và đồng chí lẽ ra có thể tự xoay xở được. Nếu đồng chí dùng máy bay cường kích không phải vào các công việc thứ yếu mà để đánh vào xe tăng và quân lính của địch thì chúng không thể chọc thủng trận địa phòng ngự của ta, và xe tăng của chúng cũng không tiến được. Đã ngồi hai tháng ở Phương diện quân Crưm rồi thì không cần phải là Hin-đen-bua cũng hiểu dược cái điều đơn giản này".


Trong suốt hai ngày, hầu như tất cả bộ đội Phương diện quân Crưm đều bị lôi cuốn vào chiến đấu. Sáng 10 tháng Năm, Đại bản doanh ra lệnh rút bộ đội của phương diện quân về tuyến Lũy Thổ Nhĩ Kỳ và tổ chức trận địa phòng ngự ở đó, nhưng bộ tư lệnh phương diện quân không thi hành mệnh lệnh của Đại bản doanh, đã kéo dài việc rút lui trong suốt hai ngày đêm và, hơn nữa, lại không biết tổ chức tốt cuộc rút lui. Kết quả là ngày 14 tháng Năm, địch đã đột phá vào ven Kéc-tsơ. Bộ đội ta bắt đầu rút về phía Đông và vượt qua eo biển Kéc-tsơ sang bán đảo Ta-man. Bộ đội ta bị thiệt hại nặng. 

Đại bản doanh nghiên cứu tỉ mỉ diễn biến chiến dịch Kéc-tsơ. Chúng tôi đã đi đến kết luận rằng sự lãnh đạo của tư lệnh Phương diện quân Crưm Đ. T. Cô-dơ-lôp, ủy viên hội đồng quân sự Ph. A. Sa-ma-nin, tham mưu trưởng Vê-tsơ-nưi và của đại diện Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao L. D. Mê-khơ-li-xơ rõ ràng là non kém.

Thất bại ở Kéc-tsơ thật đáng buồn và đã kéo theo những hậu quả nặng nề cho Xê-va-xtô-pôn, vì thế, Đại bản doanh đã có thái độ cực kỳ nghiêm khắc. Trong bản chỉ thị ngày 4 tháng Sáu năm 1942, Đại bản doanh vạch rõ:

“Nguyên nhân chủ yếu của thất bại trong chiến dịch Kéc-tsơ là ở chỗ bộ tư lệnh phương diện quân - Cô-dơ-lốp, Sa-ma-nin, Vê-tsơ-nưi, đại diện Đại bản doanh Mê-khơ-li-xơ, các tư lệnh tập đoàn quân của phương diện quân, và đặc biệt là tư lệnh tập đoàn quân 44 là trung tướng Tséc-ni-ác và tư lệnh tập đoàn quân 47 là thiếu tướng Côn-ga-nôp - hoàn toàn không hiểu bản chất của cuộc chiến tranh hiện đại...”.

Rồi chỉ thị nêu rõ biểu hiện cụ thể của sai lầm đó. Bộ tư lệnh Phương diện quân Crưm đã rải các sư đoàn thành một tuyến, bất chấp đặc điểm địa hình đồng bằng trống trải, cứ cho tất cả bộ binh và pháo binh tiến sát về phía địch; cả thê đội hai và thê đội ba cũng không được bố trí, chứ đừng nói đến lực lượng dự bị ở tung thâm, cho nên khi địch đột phá được tuyến phòng ngự rồi thì bộ tư lệnh không có đủ lực lượng chống chúng, không thể kịp thời kìm lại được cuộc tiến công của địch để rồi sau đó thanh toán đột phá khắc.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #64 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2010, 02:23:15 pm »

Ngay trong những giờ đầu cuộc tiến công của địch, bộ tư lệnh đã không còn điều khiển được bộ đội nữa, vì ngay trong đợt công kích đầu tiên, máy bay địch đã ném bom phá hủy các sở chỉ huy phương diện quân và các tập đoàn quân mà địch đã biết rất rõ và từ lâu không thay đổi, phá hỏng đường dây điện thoại, phá hủy các đầu mối thông tin.

Do sự lơ là của bộ tham mưu phương diện quân, người ta đã quên mất vô tuyến điện và những phương tiện liên lạc khác. Bộ tư lệnh phương diện quân không tổ chức hiệp đồng tác chiến giữa các tập đoàn quân và hoàn toàn không đảm bảo hiệp đồng tác chiến giữa bộ đội mặt đất với không quân của phương diện quân. Việc rút lui của bộ đội diễn ra một cách vô tổ chức.

Trong chỉ thị có phân tích chiến thuật của địch mà trước đó bộ tư lệnh phương diện quân hoàn toàn không đoán được trong suốt thời gian toàn bộ chiến dịch. Chỉ thị nêu rõ:

“Quân địch đánh đòn chủ yếu vào sườn trái và có ý giữ thái độ tiêu cực đối với sườn phải của ta, vì chúng muốn để cho bộ đội ta bên sườn này cứ ở nguyên tại vị trí của mình, cho đến khi cánh quân xung kích của chúng tiến vào được hậu phương các đơn vị ta đang án binh bất động trên sườn phải thì sẽ đánh vào các đơn vị này.

Sang ngày tiến công thứ hai của địch. khi nhận thày tình hình trở nên nguy kịch ở Phương diện quân Crưm và trước sự bất lực của bộ tư lệnh phương diện quân, Đại bản doanh đã ra lệnh cho rút có kế hoạch các tập đoàn quân của phương diện quân ra tuyến Lũy Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng bộ tư lệnh phương diện quân và đồng chí Mê-khơ-li-xơ không thi hành mệnh lệnh kịp thời, đã cho rút quân muộn mất hai ngày đêm, hơn nữa, rút lui lại vô tổ chức và lộn xộn. Bộ tư lệnh phương diện quân không bố trí đầy đủ các đội hậu vệ, không quy định các giai đoạn rút lui, không vạch rõ các chặng rút lui, không phái sẵn các đơn vị đi trước đến tuyến Lũy Thổ Nhĩ Kỳ để yểm trợ cho bộ đội khi rút lui về tuyến này”.


Đại bản doanh phê phán nghiêm khắc phương pháp lãnh đạo bộ đội của bộ tư lệnh phương diện quân và của L. D. Mê-khơ-li-xơ. Đại bản doanh gọi phương pháp lãnh đạo đó là quan liêu, giấy tờ và cho đó là nguyên nhân thứ hai khiến bộ đội ta thất bại ở bán đảo Kéc-tsơ.

“Các đồng chí Cô-dơ-lốp và Mê-khơ-li-xơ tưởng rằng nhiệm vụ chính của họ là ra lệnh và ra lệnh xong là nhiệm vụ lãnh đạo bộ đội của họ hoàn thành. Họ không hiểu rằng ra lệnh chỉ mới là bước đầu của công việc và nhiệm vụ chính của bộ tư lệnh là đảm bảo việc thi hành mệnh lệnh, là đưa mệnh lệnh đến tận các đơn vị, là tổ chức giúp đỡ cho các đơn vị thi hành mệnh lệnh của bộ tư lệnh.

Việc phân tích tiến trình chiến dịch tỏ rõ rằng bộ tư lệnh phương diện quân đã ra lệnh mà không chú ý đến tình huống ở mặt trận, không biết rõ tình trạng thực sự của các đơn vị. Thậm chí bộ tư lệnh phương diện quân không đảm bảo phân phát mệnh lệnh của mình đến các tập đoàn quân.

Chẳng hạn như trường hợp mệnh lệnh cho tập đoàn quân 51 yểm trợ cho toàn bộ lực lượng của phương diện quân rút về phía bên kia Lũy Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ngay cả mệnh lệnh đó cũng không được chuyển đạt đến tư lệnh tập đoàn quân.

Trong những ngày nguy cấp của chiến dịch, bộ tư lệnh Phương diện quân Crưm và đồng chí Mê-khơ-li-xơ đáng lẽ phải đích thân tiếp xúc với các tư lệnh tập đoàn quân và địch thân tác động đến tiến trình của chiến dịch thì lại lãng phí thời gian vào những cuộc họp kéo dài vô ích của hội đồng quân sự".


Nguyên nhân thứ ba của thất bại ở bán đảo Kéc-tsơ, Đại bản doanh cho là do sự vô kỷ luật của Cô-dơ-lôp và Mê-khơ-li-xơ đã làm sai và không bảo đảm chấp hành chỉ thị của Đại bản doanh, không đảm bảo kịp thời rút lui bộ đội về phía bên kia Lũy Thổ Nhĩ Kỳ. Rút quân chậm hai ngày là vô cùng nguy hại cho kết cục của chiến dịch. Đại bản doanh đã nghiêm khắc thi hành kỷ luật những người phạm sai lầm, cách chức và giáng cấp họ. Đại bản doanh đòi các tư lệnh và các hội đồng quân sự tất cả các phương diện quân và các tập đoàn quân phải rút bài học về những sai lầm đó:

“Phải làm cho cán bộ chỉ huy ta thực sự nắm được bản chất của chiến tranh hiện đại, hiểu được sự cần thiết phải bố trí bộ đội thành nhiều thê đội theo chiều sâu và phải có lực lượng dự bị, Phải hiểu ý nghĩa của việc tổ chức hiệp đồng tác chiến của tất cả các binh chủng và đặc biệt là hiệp đồng tác chiến giữa bộ đội mặt đất và không quân.

Phải làm cho cán bộ chỉ huy ta kiên quyết chấm dứt phương pháp lãnh đạo và điều khiển bộ đội một cách sai lầm theo kiểu quan liêu - giấy tờ, không dừng lại ở việc ra lệnh, mà phải năng có mặt hơn ở các đơn vị bộ đội, ở các tập đoàn quân, các sư đoàn và giúp đỡ cấp dưới trong việc thực hiện những mệnh lệnh của bộ tư lệnh. Phải làm cho các cán bộ chỉ huy, chính ủy và cán bộ chính trị trừ tiệt nọc các mầm mống vô kỷ luật trong hàng ngũ cán bộ chỉ huy các cấp"

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #65 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2010, 02:23:53 pm »

Việc thất thủ bán đảo Kéc-tsơ đã đặt các đơn vị bảo vệ khu phòng ngự Xê-va-xtô-pôn vào một tình thế hết sức gay go. Bây giờ, các đơn vị này phải đối phó với toàn bộ lực lượng tập đoàn quân 11 của Đức. Cuộc bảo vệ thành phố anh hùng đã kéo dài 250 ngày đêm khói lửa.

Từ đầu tháng Bảy năm 1942, khi thấy rõ là không thể đẩy lùi cuộc tiến công thứ ba của địch, một bộ phận lực lượng bảo vệ Xê-va-xtô-pôn đã di chuyển đến ven bờ Biển Đen ở Cáp-ca-dơ. Nhưng vẫn còn nhiều chiến sĩ ở lại tiếp tục cuộc chiến đấu quên mình cho đến tận ngày 16 tháng Bảy. Lẻ tẻ có những phân đội đã nhập vào các đội du kích Crưm và tiếp tục chiến đấu ở đấy.

Tình hình chiến sự ở cánh Nam mặt trận Xô - Đức biến chuyển có lợi cho địch sau khi chúng chiếm được Crưm.

Đại bản doanh vả Bộ Tổng tham mưu cũng không lấy gì làm vui mừng về tình huống ở khu vực Bác-ven-cô-vô cách Khác-cốp 130 ki-lô-mét về phía Tây - Nam. Bọn phát-xít lại giành được quyền chủ động ở đây và tạo được điều kiện vô cùng thuận lợi để thực hiện mưu đồ của chúng sau này.

Như đã nói ở trên, cuối tháng Ba, Đại bản doanh xem xét đề nghị của bộ tư lệnh hướng Tây - Nam xin sử dụng lực lượng ở các Phương diện quân Bri-an-xcơ, Tây - Nam và Nam để mở một chiến dịch tiến công lớn nhằm mục đích tiêu diệt cánh quân địch ở cánh Nam mặt trận Xô - Đức và sau đó đưa quân ta tiến ra tuyến Gô-men - Ki-ép - Théc-ca-xư - Péc-vô-mai-xcơ - Ni-cô-lai-ép. Bộ tư lệnh hướng này yêu cầu Đại bản doanh bổ sung thêm nhiều lực lượng và phương tiện.

Ngay lúc đó, Bộ Tổng tham mưu báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao là Bộ Tổng tham mưu không đồng ý với đề nghị đó. I. V. Xta-lin tán thành ý kiến của chúng tôi, nhưng đồng thời lại đồng ý với X. C. Ti-mô-sen-cô vạch kế hoạch cho một chiến dịch bộ phận, phạm vi hẹp hơn chiến dịch mà Ti-mô-sen-cô đã dự định trên kia, nhằm tiêu diệt cánh quân địch ở Khác-cốp bằng lực lượng và phương tiện có sẵn của hướng Tây - Nam.

Ngày 10 tháng Tư, bản kế hoạch sửa đổi này được chuyển đến Đại bản doanh. Nó dự kiến đánh từ vùng Vôn-tsan-xcơ và từ bàn đạp Bác-ven-cô-vô theo hướng khép lại để tiêu diệt cánh quân địch tại đây, chiếm lấy Khác-cốp và tạo những điều kiện cần thiết để giải phóng Đôn-bát.

Xét thấy rằng bộ đội Phương diện quân Tây - Nam tham gia chiến dịch này mà tiến công từ chỗ lồi Bác-ven-cô-vô thì chẳng khác gì tiến công từ một cái túi tác chiến, rất nguy hiểm nên B. M. Sa-pô-sni-cốp đã đề nghị không nên tiến hành chiến dịch đó. Song, bộ chỉ huy hướng vẫn tiếp tục khẩn khoản đề nghị và cam đoan với Xta-lin là chiến dịch sẽ thắng lợi hoàn toàn. Xta-lin đã cho phép tiến hành chiến dịch này và ra lệnh cho Bộ Tổng tham mưu xem chiến dịch là công việc nội bộ của hướng và đừng can thiệp vào bất kỳ vấn đề gì của chiến dịch.

Ngày 28 tháng Tư, bộ chỉ huy hướng Tây - Nam ra chỉ thị về chiến dịch sắp tới; sau đó là các chỉ thị gửi các tư lệnh tập đoàn quân. Vấn đề chiến dịch này có được thảo luận thêm ở Đại bản doanh nữa hay không thì tôi không rõ, vì từ giữa tháng Tư, như đã nói ở trên, tôi đi công tác ở Phương diện quân Tây - Bắc theo lệnh của Đại bản doanh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #66 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2010, 02:24:28 pm »

Ngày 12 tháng Năm, tức là lúc những biến cố bất lợi cho ta đang dồn dập ở Crưm thì bộ đội Phương diện quân Tây - Nam chuyển sang tiến công chặn trước quân địch. Lúc đầu cuộc tiến công triển khai thắng lợi, và do đó, Tổng tư lệnh tối cao kịch liệt quở trách Bộ Tổng tham mưu là nếu nghe lời chúng tôi thì suýt nữa đã bác bỏ mất một chiến dịch triển khai thắng lợi như thế.

Nhưng ngay ngày 17 tháng Năm thì cánh quân xung kích của địch gồm 11 sư đoàn thuộc cụm quân của Clai-xtơ đã chuyển sang phản công từ vùng Xla-vi-an-xcơ, Cra-ma-toóc-xcơ và, sau khi chọc thủng tuyến phòng ngự của tập đoàn quân 9, đã bắt đầu uy hiếp nghiêm trọng tập đoàn quân 57 của Phương diện quân Nam, rồi uy hiếp cả cánh quân xung kích của Phương diện quân Tây - Nam. Sau này mới rõ là bộ tư lệnh và bộ tham mưu hướng Tây - Nam trong lúc vạch kế hoạch chiến dịch đã không tiến hành những biện pháp bảo đảm cần thiết cho cánh quân xung kích của mình từ phía Xla-vi-an-xcơ.

Nhận được những thông báo đầu tiên của bộ tham mưu hướng về những diễn biến đáng lo ngại, chiều 17 tháng Năm, tôi gọi điện đến tham mưu trưởng tập đoàn quân 57, để tìm hiểu thực chất tình hình sự việc. Biết là tình hình ở đây nguy ngập, tôi báo cáo ngay với I. V. Xta-lin.

Lấy lý do là gần đây không có lực lượng dự bị của Đại bản doanh có thể đến chi viện ngay cho Phương diện quân Nam, tôi đã đề nghị ngừng cuộc tiến công của Phương diện quân Tây - Nam để đưa một bộ phận cánh quân xung kích của phương diện quân đó đến ngăn chặn nguy cơ địch đe dọa từ phía Cra-ma-toóc-xcơ.

Tổng tư lệnh tối cao quyết định nói chuyện với tổng tư lệnh hướng Tây - Nam Nguyên soái Ti-mô-sen-cô đã. Nội dung cuộc trao đổi ý kiến qua điện thoại giữa I. V. Xta-lin và X. C. Ti-mô-sen-cô như thế nào, tôi không được rõ. Nhưng một lúc sau, tôi được gọi đến Đại bản doanh và lại báo cáo nỗi lo lắng của mình về Phương diện quân Nam và nhắc lại đề nghị ngừng tiến công. Tôi được trả lời khẳng định rằng bộ tư lệnh hướng đã tiến hành đầy đủ các biện pháp để đẩy lùi cuộc tiến công của địch vào Phương diện quân Nam, cho nên Phương diện quân Tây - Nam sẽ tiếp tục tiến công...

Từ sáng 18 tháng Năm, tình hình ở chỗ lồi Bác-ven-cô-vô tiếp tục xấu hẳn đi, trước tiến tôi báo cáo điều đó với Tổng tư lệnh tối cao. Khoảng 18 hay 19 giờ hôm đó, ủy viên hội đồng quân sự hướng Tây - Nam N. X. Khơ-rút-sốp gọi điện cho tôi. Đồng chí nói vắn tắt cho tôi biết tình hình ở chỗ lồi Bác-ven-cô-vô, thông báo rằng I. V. Xta-lin đã bác đề nghị của họ về việc đình chỉ ngay cuộc tiến công, và đồng chí đề nghị tôi báo cáo với Tổng tư lệnh tối cao một lần nữa về yêu cầu đó của họ.

Tôi trả lời là đã mấy lần cố thuyết phục Tổng tư lệnh tối cao về điều đó, nhưng chính là dựa vào những báo cáo trái ngược của hội đồng quân sự hướng Tây - Nam, nên Xta-lin đã bác những đề nghị của tôi. Vì thế, tôi khuyên N. X. Khơ-rút-sôp, với tư cách là ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng, trực tiếp nói với Tổng tư lệnh tối cao. Chẳng bao lâu, Khơ-rút-sôp báo cho tôi rằng đã nói chuyện được với Tổng tư lệnh tối cao qua Gh. M. Ma-len-côp, và Xta-lin đã khẳng định mệnh lệnh tiếp tục tiến công.

Ngày 19 tháng Năm, cánh quân xung kích của địch hoạt động ở chỗ lồi Bác-ven-cô-vô đã tiến vào sau lưng bộ đội Liên Xô, và cuối cùng, mãi đến bấy giờ, Ti-mô-sen-cô mới ra lệnh ngừng tiến công tiếp vào Khác-cốp và sử dụng phần lớn lực lượng cánh quân xung kích để thanh toán chỗ bị địch đột phá và khôi phục tình huống ở địa bàn của tập đoàn quân 9. Tổng tư lệnh tối cao đã chuẩn y quyết định đó. Song, đáng tiếc là quyết định đã quá muộn: ba tập đoàn quân của các Phương diện quân Nam và Tây - Nam đã bị thiệt hại nặng nề.

Giữa tháng Sáu, Phương diện quân Tây- Nam buộc phải hai lần rút lui và chuyển về bên kia sông Ô-xcôn. Do những thất bại đó nên tình thế cũng như so sánh lực lượng ở phía Nam đã thay đổi rõ rệt có lợi cho địch. Như chúng ta thấy, sự thay đổi đó đã diễn ra ở chính nơi mà bọn Đức đã dự kiến cuộc tiến công mùa hè của chúng. Và chính điều đó đã đảm bảo thắng lợi cho chúng trong cuộc đột phá về phía Xta-lin-grát và vào Cáp-ca-dơ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #67 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2010, 02:25:11 pm »

Tôi viết tất cả những điều này không phải để biện bạch phần nào cho cấp lãnh đạo của Bộ Tổng tham mưu. Lãnh đạo của Bộ Tổng tham mưu cũng có lỗi, vì đã không chi viện cho hướng Tây - Nam. Mặc dù chúng tôi không có nhiệm vụ tham gia vào việc đó nhưng không phải vì thế mà chúng tôi không có trách nhiệm, đáng lẽ chúng tôi ít ra cũng có thể tổ chức những đòn đánh thu hút địch trên các hướng gần đấy, có thể kịp thời cung cấp cho phương diện quân những lực lượng dự bị và những phương tiện có trong tay bộ chỉ huy Liên Xô.

Ở hướng Tây - Bắc, chúng ta cũng thất bại.

Năm chiến tranh đầu tiên sắp kết thúc. Kết quả của năm này, đặc biệt là những sự kiện tháng Tư - tháng Sáu không làm hài lòng bộ chỉ huy Liên Xô. Song, những thứ thách chủ yếu còn đang ở trước mặt. Sắp xảy ra trận Xta-lin-grát và cuộc chiến đấu bảo vệ Cáp-ca-dơ. Ở đấy, tại phía Nam, tình hình đang ngày một rắc rối. Sau khi tập trung gần 90 sư đoàn và giành được quyền chủ động chiến đấu, bọn phát-xít đang tràn đến trung lưu và hạ lưu sông Đôn.

Tháng Năm năm 1942, do các bác sĩ khẩn thiết đề nghị nên B. M. Sa-pô-sni-cốp đã yêu cầu Hội đồng quốc phòng Nhà nước chuyển đồng chí sang làm công tác ít trọng trách và yên tĩnh hơn. Lời yêu cầu đó đã được thỏa mãn. Với tư cách là thứ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng, đồng chí đã được giao nhiệm vụ theo dõi hoạt động của các học viện quân sự và tổ chức soạn thảo những bản hướng dẫn và điều lệnh mới, đồng thời bắt buộc đồng chí trong một ngày đêm không được làm việc quá 5 - 6 giờ và phải nghiêm chỉnh thực hiện đúng những điều căn dặn của bác sĩ. Về sau, đồng chí được bổ nhiệm làm giám đốc Học viện Bộ Tổng tham mưu.

Ngày 26 tháng Sáu năm 1942, theo mệnh lệnh của Đại bản doanh, tôi được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng.

Sau khi thất bại ở gần Khác-cốp, bộ đội Liên Xô chuyển sang phòng ngự. Ngày 28 tháng Sáu, cụm quân của Vai-khơ-xơ chuyển sang tiến công từ các vùng phía Đông Cuốc-xcơ. Bộ chỉ huy phát-xít dự tính dùng cuộc tiến công này và các trận đánh từ Vôn-tsan-xcơ vào Vô-rô-ne-giơ để bao vây và tiêu diệt bộ đội Phương diện quân Bri-an-xcơ đang bảo vệ hướng Vô-rô-ne-giơ rồi sau đó, vòng xuống phía Nam, đánh thêm một trận từ vùng Xla-vi-an-xcơ để tiêu diệt bộ đội các Phương diện quân Tây - Nam và Nam và mở đường tiến đến sông Vôn-ga và Bắc Cáp-ca-dơ.

Nhằm mục đích đó, địch lấy một phần lực lượng của cụm tập đoàn quân “nam” để thành lập cụm tập đoàn quân “B" gồm có các tập đoàn quân dã chiến 2 và 6, tập đoàn quân xe tăng 4 của Đức và tập đoàn quân 2 của Hung-ga-ri.

Để hoạt động ở hướng Bắc Cáp-ca-dơ, chúng thành lập cụm tập đoàn quân “A” dưới quyền chỉ huy của thống chế V. Li-xtơ, cựu tư lệnh đội quân chiếm đóng vùng Ban-căng, một trong những tên trùm tội phạm phát-xít ở Nam Tư và Hy Lạp. Cụm này gồm các tập đoàn quân dã chiến 11 và 17, tập đoàn quân xe tăng 1 của Đức và tập đoàn quân 8 của I-ta-li-a.

Tính Tổng cộng, kể đến ngày 1 tháng Bảy năm 1942, để giải quyết nhiệm vụ thứ nhất, địch đã tập trung 900 nghìn binh lính và sĩ quan, hơn 1.200 xe tăng, trên 17 nghìn pháo và súng cối, 1.640 máy bay chiến đấu. Phía ta, thì các Phương diện quân Bri-an-xcơ, Tây - Nam và Nam hồi bấy giờ có 655 nghìn cán bộ và chiến sĩ, 740 xe tăng, 14.200 pháo và súng cối, khoảng 1.000 máy bay chiến đấu. Như vậy là về số lượng người và kỹ thuật chiến đấu, ở khu vực này của mặt trận Xô - Đức bộ đội ta kém địch khoảng một lần rưỡi.

Các đơn vị chuyển sang tiến công thuộc cụm quân của Vai-khơ-xơ (tập đoàn quân dã chiến 2, tập đoàn quân xe tăng 4 của Đức và tập đoàn quân 2 của Hung-ga-ri thuộc cụm tập đoàn quân “B”) đã chọc thủng trận địa phòng ngự ở chỗ tiếp giáp giữa tập đoàn quân 13 và tập đoàn quân 40 thuộc Phương diện quân Bri-an-xcơ, và trong hai ngày đã tiến sâu vào được 40 ki-lô-mét. Sự điều khiển các tập đoàn quân này của ta bị phá vỡ
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #68 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2010, 02:25:50 pm »

Một số người có ý kiến cho rằng nguyên nhân thất bại chủ yếu của bộ đội Phương diện quân Bri-an-xcơ vào tháng Bảy năm 1942 là do Đại bản doanh và Bộ Tổng tham mưu xem nhẹ hướng Cuốc-xcơ - Vô-rô-ne-gtơ. Không thể đồng ý với ý kiến đó được. Ý kiến cho rằng Đại bản doanh và Bộ Tổng tham mưu không dự đoán địch đánh vào đây cũng không đúng.

Sai lầm, như trên đã nói, là ở chỗ chúng ta dự đoán đòn chủ yếu của bọn phát-xít không đánh vào phía Nam, mà vào khu vực Trung tâm của mặt trận Xô - Đức. Do đó, Đại bản doanh đã dùng mọi cách củng cố chính khu vực Trung tâm, đặc biệt là các hướng bên sườn của nó, làm thiệt thòi cho phía Nam. Chúng ta cho rằng hướng Ô-ri-ôn - Tu-la là nơi địch rất có thể đánh và là hướng nguy hiểm nhất đối với Mát-xcơ-va, nhưng cũng không loại trừ hướng Cuốc-xcơ - Vô-rô-ne-giơ mà địch sẽ từ đó phát triển tiến công để thọc sâu vu hồi Mát-xcơ-va từ phía Đông - Nam.

Trong lúc tập trung chú ý bảo vệ thủ đô, Đại bản doanh cũng tăng cường một cách đáng kể cho bộ đội Phương diện quân Bri-an-xcơ đang trấn giữ các hướng Ô-ri-ôn - Tu-la và Cuôc-xcơ - Vô-rô-ne-giơ. Ngay trong tháng Tư và nửa đầu tháng Năm, Phương diện quân Bri-an-xcơ đã được bổ sung thêm bốn quân đoàn xe tăng, bảy sư đoàn bộ binh, mười một lữ đoàn bộ binh, bốn lữ đoàn độc lập và một số lượng đáng kể các phương tiện pháo binh tăng cường. Tất cả các binh đoàn này từ Lực lượng dự bị của Đại bản doanh đưa tới, đã được kiện toàn khá tốt về số quân và về vật chất.

Do đó, đến cuối tháng Sáu, bộ tư lệnh Phương diện quân Bri-an-xcơ đã có một lực lượng dự bị gồm 5 quân đoàn xe tăng và 2 quân đoàn kỵ binh, 4 sư đoàn bộ binh, 4 lữ đoàn xe tăng độc lập. Ngoài ra, trên địa bàn của phương diện quân này còn có tập đoàn quân xe tăng 5 thuộc Lực lượng dự bị của Đại bản doanh. được bổ sung hoàn toàn đầy đủ và dành riêng cho các cuộc phản kích.

Như thế có thể nói rằng phải chăng Đại bản doanh đã không chú ý đến Phương diện quân Bri-an-xcơ? Lực lượng và phương tiện mà phương diện quân đó có không những đủ để đẩy lùi cuộc tiến công của địch đã bắt đầu trên hướng Cuốc-xcơ – Vô-rô-ne-giơ, mà nói chung còn đủ sức đánh tan quân của Vai-khơ-xơ hoạt động tại đây. Tiếc rằng ta đã không làm được như vậy, và đó chỉ là vì bộ tư lệnh phương diện quân không biết kịp thời tổ chức đánh ồ ạt vào các sườn cánh quân chủ lực của địch, còn Đại bản doanh và Bộ Tổng tham mưu thì rõ ràng là đã giúp đỡ cho phương diện quân không tốt.

Thật vậy, như thực tể chỉ rõ, trong lúc chống lại cuộc tiến công của địch, các quân đoàn xe tăng đã được đưa vào chiến đấu một cách nhỏ giọt, không phải để giải quyết những nhiệm vụ tích cực tiêu diệt bọn địch đột phá, mà lại để vá víu những lỗ thủng trên trận địa phòng ngự của các tập đoàn quân bộ đội hợp thành.

Các quân đoàn trưởng xe tăng chưa có đầy đủ kinh nghiệm, còn chúng tôi thì ít có chỉ thị và ý kiến giúp đỡ cho họ. Các quân đoàn xe tăng đã hoạt động thiếu kiên quyết, sợ tách rời khỏi bộ binh đang phòng ngự của các tập đoàn quân bộ đội hợp thành, do đó, trong nhiều trường hợp, các quân đoàn xe tăng đã tác chiến theo phương pháp của các đơn vị bộ binh, mà không tính đến đặc trưng và khả năng của mình.

Đến chiều 2 tháng Bảy, tình hình ở hướng Vô-rô-ne-giơ xấu hẳn đi. Trận địa phòng ngự ở chỗ tiếp giáp các Phương diện quân Bri-an-xcơ và Tây - Nam bị chọc thủng sâu vào gần 80 ki-lô-mét. Lực lượng dự bị của các phương diện quân trên hướng này đều đã đưa vào trận. Cánh quân xung kích địch đe dọa thọc đến sông Đôn và chiếm Vô-rô-ne-giơ.

Để ngăn cản việc này. Đại bản doanh đã chuyển từ lực lượng dự bị của mình cho tư lệnh Phương diện quân Bri-an-xcơ Ph. I. Gô-li-cốp hai tập đoàn quân bộ đội hợp thành, ra lệnh triển khai lực lượng đó trên dọc hữu ngạn sông Đôn ở khu vực Da-đôn-xcơ - Páp-lap-xcơ và giao cho Gô-li-cốp chỉ huy tác chiến ở vùng Vô-rô-ne-giơ. Đổng thời, phương diện quân này còn được sử dụng tập đoàn quân xe tăng 5. Cùng với các binh đoàn xe tăng của phương diện quân, tập đoàn quân này phải phản kích vào sườn và sau lưng cánh quân phát-xít Đức đang tiến công vào Vô-rô-ne-giơ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #69 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2010, 02:27:03 pm »

Vào đêm 2 rạng ngày 3 tháng Bảy, các quân đoàn của tập đoàn quân xe tăng 5 đã tập kết xong về phía Nam Ê-lê-txơ. Nếu công kích ngay lập tức và quyết liệt vào bọn địch đang xông tới Vô-rô-ne-giơ thì có thể thay đổi hẳn tình hình có lợi cho ta, bởi vì phần lớn lực lượng của cánh quân phát-xít này đã bị tổn thất khá lớn và bị dàn ra trên một mặt trận rộng, lại phải giao chiến với bộ đội Liên Xô ở nhiều nơi.

Song, tập đoàn quân xe tăng không được bộ tư lệnh phương diện quân giao cho một nhiệm vụ nào hết. Theo sự ủy nhiệm của Đại bản doanh, tôi phải đến ngay vùng Ê-lê-txơ để xúc tiến việc đưa tập đoàn quân xe tăng ra chiến đấu. Tôi đã gọi điện trước cho tư lệnh tập đoàn quân đó và bộ tư lệnh Phương diện quân Bri-an-xcơ, ra lệnh phải bắt tay ngay vào việc chuẩn bị phản công.

Tảng sáng 4 tháng Bảy, tôi đến sở chỉ huy của phương diện quân. Sau khi nắm lại tình hình, được biết rõ có thể đưa thêm những đơn vị nào của phương diện quân tham gia vào cuộc phản công, tôi cùng tham mưu trưởng Phương diện quân Bri-an-xcơ M. I. Ca-da-cốp đi đến sở chỉ huy của tư lệnh tập đoàn quân xe tăng 5 A. I. Li-diu-cốp.

Tại đây, trong khi cùng với tư lệnh tập đoàn quân và tham mưu trưỏng phương diện quân tiến hành trinh sát thực địa, tôi đã xác định nhiệm vụ của tập đoàn quân xe tăng 5: tất cả các lực lượng của nó ở phía Tây sông Đôn phải cùng một lúc cắt các đường giao thông của cánh quân xe tăng địch đã tiến đến sông Đôn, và phá cuộc vượt sông của chúng. Khi tiến ra được vùng Dem-li-an-xcơ - Khô-khôn, tập đoàn quân xe tăng 5 phải giúp đỡ bộ đội sườn trái của tập đoàn quân 40 rút về Vô-rô-ne-giơ qua Goóc-se-tsơ-nô-ê, Xta-rưi Ô-xcôn.

Cũng ngày hôm đó, tôi nhận được chỉ thị của Tổng tư lệnh tối cao nói phải có mặt ở Đại bản doanh chậm nhất là sáng 5 tháng Bảy vì tình hình ở cánh phải Phương diện quân Tây - Nam trở nên gay go; tập đoàn quân Đức 6 ở đây đã tiến ra gần đến Ca-men-ca và đang phát triển công kích ở hướng Nam.

Có nguy cơ cho hậu phương không những của Phương diện quân Tây - Nam mà cả Phương diện quân Nam nữa. Tối 4 tháng Bảy, sau khi ra chỉ thị về trình tự đưa tập đoàn quân xe tăng 5 vào trận chiến và về sự tổ chức hiệp đồng giữa pháo binh với không quân, giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ cho tư lệnh tập đoàn quân và bộ tư lệnh phương diện quân, tôi trở về Đại bản doanh.

Nhưng, như tình hình sau đó cho thấy, tập đoàn quân xe tăng 5 đã không hoàn thành nhiệm vụ. Bộ tư lệnh của nó không có kinh nghiệm điều khiển những liên đoàn xe tăng như vậy, nên lúc đầu đã hành động một cách thiếu tự tin, bộ tham mưu của phương diện quân không giúp đỡ nó, và thực tế là đã không chỉ đạo công việc của nó; không có sự giúp đỡ của phương diện quân về phương tiện tăng cường - pháo binh và không quân. Vì vậy, xe tăng không thể giáng một đòn mạnh cùng một lúc vào sườn và sau lưng cánh quân xung kích địch.

Thực ra thì tập đoàn quân xe tăng 5 cũng đã thu hút được về mình một lực lượng đáng kể của địch và như vậy đã giúp cho các đơn vị khác của Phương diện quân Bri-an-xcơ tranh thủ được thời gian mấy ngày rất cần thiết cho việc tổ chức phòng ngự Vô-rô-ne-giơ.

Nhắc đến tập đoàn quân xe tăng 5 ở đây, tôi không thể không nói vài lời đằm thắm về người tư lệnh dũng cảm của nó, thiếu tướng A. I. Li-diu-cốp. Tôi gặp đồng chí lần đầu tiến ngày 4 tháng Bảy năm 1942, nhưng cơ quan lãnh đạo các Lực lượng vũ trang rất biết tiếng đồng chí là một nhà chỉ huy quân sự kiên quyết, có nghị lực và trưởng thành nhanh chóng. Chính vì vậy nên ngay từ tháng Sáu năm 1942, Đại bản doanh đã có thể chỉ định đồng chí làm người chỉ huy một trong những tập đoàn quân xe tăng đầu tiên vừa thành lập và hơn nữa, lại giao cho đồng chí một nhiệm vụ hết sức hệ trọng.

A. I. Li-diu-cốp là một trong số các Anh hùng Liên Xô được tặng danh hiệu này trong thời kỳ đầu của chiến tranh. Rất đáng tiếc rằng những trận chiến đấu trên mảnh đất Vô-rô-ne-giơ mô tả ở đây là những trận cuối cùng trong cuộc đời hoạt động đầy vinh quang của đồng chí. Từ ngày 6 tháng Bảy năm 1942, đồng chí chiến đấu liên tục trong đội ngũ tiến phong của các lữ đoàn xe tăng. Ngày 24 tháng Bảy, A. I. Li-diu-cốp đã hy sinh anh dũng.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM