Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:26:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sự nghiệp cả cuộc đời  (Đọc 119127 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #240 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2010, 06:57:33 pm »

Ở VIỄN ĐÔNG.

Chiến cục của bộ đội Liên Xô ở Viễn Đông là giai đoạn kết thúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Miền đất xa xôi của chúng ta ở lục địa châu Á là nơi cuối cùng của cuộc chiến tranh to lớn nhất trong lịch sử nhằm bảo vệ Tổ quốc xô-viêt. Tôi cũng đã tham gia chiến cục nổi tiếng này của các Lực lượng vũ trang.

Trong quá trình chiến đấu chống bọn quân phiệt Nhật, lần đầu tiên tôi trực tiếp tìm hiểu miền Viễn Đông của Liên xô khắc nghiệt nhưng rất tuyệt vời. Tiểu sử quân sự của tôi là như thế này: những năm trước chiến tranh, tôi không phục vụ trong bộ đội ở Viễn Đông. Tôi công tác chủ yếu ở các đơn vị đóng quân tại miền trung nước Nga. Còn khi chuyển về Bộ Tổng tham mưu thì tôi chuyên phụ trách về những vấn đề an ninh quốc gia ở hướng Tây.

Khi giữ chức vụ tổng tham mưu trưởng, tất nhiên, tôi đã gần gũi và thật sự tiếp xúc với chiến trường trong cuộc chiến tranh có thể xây ra ở châu Á, với những vấn đề tăng cường sự sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Liên Xô trên tuyến tiếp giáp với nước láng giềng xâm lược ở phía Đông. Nhưng tất cả những điều đó mới chỉ là gián tiếp làm quen với miền Viễn Đông của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Mùa hè năm 1944, lần đầu tiên tôi được biết rằng tôi sẽ phải tới Viễn Đông. Sau khi kết thúc chiến dịch Bê-lô-ru-xi-a, trong buổi nói chuyện với tôi, I. V. Xta-lin bảo rằng sẽ giao cho tôi chỉ huy bộ đội Viễn Đông trong cuộc chiến tranh chống bọn quân phiệt Nhật. Còn về khả năng xảy ra cuộc chiến tranh đó thì tôi được biết từ cuối năm 1943, khi đoàn đại biểu Liên Xô do I. V. Xta-lin dẫn đầu dự Hội nghị Tê-hê-ran trở về. Lúc đó, tôi được thông báo rằng đoàn đại biểu Liên Xô đã đồng ý về nguyên tắc sẽ giúp đỡ các nước đồng minh trong cuộc chiến tranh chống Nhật.

Nhưng đối với việc tiến hành chiến tranh chống Nhật, Liên Xô còn có cả những lợi ích sống còn của mình. Bọn quân phiệt Nhật đã nhiều năm ấp ủ những mưu đồ đánh chiếm miền Viễn Đông của Liên Xô. Chúng gần như thường xuyên tổ chức các vụ khiêu khích quân sự ở biên giới Liên Xô. Trên các bàn đạp chiến lược ở Mãn Châu, chúng duy trì một lực lượng quân sự rất lớn, sẵn sàng tấn công đất nước xô-viết.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng khi nước Đức phát-xít gây ra cuộc chiến tranh ăn cướp chống Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Để chiến đấu chống bọn phát-xít xâm lược, đất nước rất cần đến từng sư đoàn mới, nhưng chúng ta phải giữ và không thể không giữ ở Viễn Đông một vài tập đoàn quân trong tư thế hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu. Nhật Bản chỉ đợi thời cơ để gây chiến tranh chống Liên Xô.

I. V. Xta-lin thường xuyên theo dõi tất cả những tin tức về hoạt động của nước Nhật Bản láng giềng phía Đông và yêu cầu Bộ Tổng tham mưu báo cáo rất tỉ mỉ về điều đó. Chúng tôi nhận thấy rằng ngay khi Nhật Bản tiến sâu vào cuộc chiến tranh chống Mỹ và Anh ở Thái Bình Dương và bắt đầu thất bại, buộc phải chuyển sang chiến lược phòng ngự, thì giới lãnh đạo Nhật Bản, trên thực tế, vẫn không hề giảm bớt quân đội của chúng ở Mãn Châu và Triều Tiên. Đối với chúng ta, việc thủ tiêu lò lửa chiến tranh ở Viễn Đông là sự nghiệp quan trọng có ý nghĩa quốc gia và toàn dân tộc.

Các nước đồng minh đều thừa nhận ý nghĩa quyết định của việc Liên Xô tham gia cuộc chiến tranh chống Nhật Bản. Họ tuyên bố rằng chỉ có Hồng quân mới có khả năng đánh bại lực lượng trên bộ của bọn quân phiệt Nhật Bản.

Tướng Mác-ác-tua, tổng tư lệnh lực lượng vũ trang của Mỹ ở Thái Bình Dương, đã nói rằng: “chỉ khi nào lục quân Nhật bị tiêu diệt thì Nhật Bản mới bị đánh bại". Mác-ác-tua cho rằng Mỹ và các đồng minh phương Tây của Mỹ không có khả năng làm việc này, nên trước khi các nước đồng minh họp Hội nghị Crưm, ông ta đã yêu cầu chính phủ của mình cần tập trung mọi cố gắng để làm sao cho Liên Xô tham gia vào cuộc chiến tranh chống Nhật. Trong bị vong lục đặc biệt của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân ngày 23 tháng Chạp năm 1944 đã chỉ ra rằng cần làm thế nào để cho nước Nga bước vào chiến tranh (chống Nhật Bản - A. V.) càng nhanh càng tốt, là điều cần thiết để giúp đỡ nhiều nhất cho các chiến dịch của lực lượng vũ trang Mỹ ở Thái Bình Dương.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #241 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2010, 06:58:22 pm »

Cựu bộ trưởng bộ ngoại giao Mỹ E. Xte-ti-ni-út, người đã tham gia Hội nghị Y-an-ta, viết rằng trước khi họp Hội nghị Crưm, các tham mưu trưởng Mỹ đã thuyết phục Ru-dơ-ven là Nhật Bản chỉ có thể đầu hàng vào năm 1947 hoặc chậm hơn, còn để tiêu diệt Nhật Bản thì Mỹ sẽ phải tốn tới một triệu binh lính.

Do đó, các đoàn đại biểu Mỹ và Anh tới Hội nghị Crưm với quyết tâm làm cho Liên Xô đồng ý tham chiến chống Nhật Bản. Như sau này A. I. An-tô-nốp, người tham gia hội nghị, đã thông báo cho tôi biết là Ru-dơ-ven và Sớc-sin đã kiên trì yêu cầu Liên Xô nhanh chóng tham gia chiến tranh. Kết quả của các cuộc thảo luận là ngày 11 tháng Hai năm 1945, ba cường quốc đã ký kết Hiệp định, trong đó nêu rõ:

“Các nhà lãnh đạo của ba đại cường quốc Liên Xô, Mỹ và Anh thỏa thuận rằng từ hai đến ba tháng sau khi nước Đức đầu hàng và chiến tranh ở châu Âu kết thúc, thì Liên Xô sẽ đứng về phía các nước đồng minh để tham chiến chống Nhật Bản”.

Đối với đoàn đại biểu Liên Xô, thời hạn như vậy không có gì là bất ngờ. Ngay khi chuẩn bị để đi Crưm, I. V. Xta-lin đã đề nghị tôi và A. I. An-tô-nốp suy nghĩ về khả năng rút ngắn tới mức tối đa thời gian cần thiết để chuẩn bị chiến cục chống Nhật Bản. Sau khi thảo luận vấn đề này với tướng A. V. Khơ-ru-li-ốp, chủ nhiệm Tổng cục hậu cần của Hồng quân, chúng tôi đã đi tới kết luận rằng thời hạn đó có thể giảm xuống đến hai - ba tháng sau khi kết thúc chiến tranh ở phía Tây, nếu như ta không phải chuyển những ô-tô quân sự bằng đường sắt. Ngay trong hội nghị, người ta đã tìm cách giải quyết vấn đề này. Người Mỹ đã hoàn toàn đồng ý cung cấp cho chúng ta đến các cảng ở Viễn Đông không những số lượng ô-tô chúng ta cần, mà cả những đầu máy xe lửa nữa.

Sau hội nghị Y-an-ta, tại Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao và đặc biệt là tại Bộ Tổng tham mưu, việc chuẩn bị cho chiến tranh chống Nhật Bản đã được tiến hành một cách tích cực.

Trước đây, ngày 25 tháng Tư năm 1943, thượng tướng M. A. Pu-rơ-ca-ép, một người đồng chí, người bạn tốt của tôi và là đồng đội trước ở cùng sư đoàn bộ binh 48 mang tên To-ve, đã được chỉ định làm tư lệnh bộ đội Phương diện quân Viễn Đông. Đồng chí ấy đã thay đại tướng I. R. A-pa-na-xen-cô được Đại bản doanh cử tới Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ để thực tập với chức phó tư lệnh phương diện quân.

I. R. A-pa-na-xen-cô là anh hùng nổi tiếng trong cuộc nội chiến, đã hy sinh năm 1943 trong chiến dịch Bê-lơ-gô-rốt - Khác-cốp. Tháng Sáu năm 1943, thiếu tướng N. A. Lô-mốp, phó tham mưu trưởng Phương diện quân Viễn Đông, được điều về Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu, giữ chức cục phó Cục tác chiến và phụ trách hướng Viễn Đông, còn thiếu tướng Ph. I. Sép-tsen-cô đang làm việc ở Bộ Tổng tham mưu thì được chỉ định thay đồng chí đó.

Tháng Ba - tháng Tư năm 1945, chúng tôi đã áp dụng những biện pháp nhằm đổi mới vũ khí và vật tư - kỹ thuật cho bộ đội ở Viễn Đông. Người ta đã điều về đây 670 xe tăng T-34 và nhiều phương tiện kỹ thuật chiến đấu khác.

Ngay sau khi kết thúc chiến dịch Đông Phổ, Đại bản doanh đã rút tôi khỏi Phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 3 về giữ chức thứ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng. Ngày 27 tháng Tư, tôi bắt tay vào công việc xây dựng kế hoạch chiến tranh chống Nhật Bản.

Thật vậy, trong những ngày đầu tháng Năm và ngày Chiến thắng bọn phát-xít thì tôi ở Pri-ban-tích, nơi mà tôi đã tới đó theo nhiệm vụ của Đại bản doanh giao. Ngày 10 tháng Năm, tôi trở về Mát-xcơ-va. Trong thời gian đó, Bộ Tổng tham mưu trực tiếp chuẩn bị cho chiến trường Viễn Đông. A. I. An-tô-nốp, X. M. Stê-men-cô và N. A. Lô-mốp đã làm được nhiều việc rồi.

Những tính toán ban đầu về việc tập trung bộ đội Liên Xô ở vùng ven sông A-mua, Pri-mô-ri-ê và Da-bai-can đã được phác thảo ngay trong mùa thu năm 1944. Khi đó, người ta đã sơ bộ tính toán khối lượng vật tư cần thiết để tiến hành chiến tranh ở Viễn Đông. Nhưng trước Hội nghị Y-an-ta, chưa hề có sự tính toán chi tiết nào về kế hoạch chiến tranh chống bọn đế quốc Nhật Bản cả.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #242 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2010, 06:59:33 pm »

Ý đồ kế hoạch chiến dịch có quy mô rất to lớn này đã được xác định có tính đến đặc điểm của chiến trường sắp tới Chiến tranh phải triển khai trên một lãnh thổ với diện tích gần 1.5 triệu km2 và có chiều sâu 300 - 800 km, đồng thời cả trên biển Nhật Bản và biển Ô-khốt.

Kế hoạch dự định là từ phía Da-bai-can, Pri-mô-ri-ê và vùng ven sông A-mua sẽ cùng một lúc mở những đòn đột kích chủ yếu và một số đòn đột kích bổ trợ nhằm hợp điểm tại trung tâm miền Đông - Bắc Trung Quốc với mục đích chia cắt và tiêu diệt từng bộ phận lực lượng chủ yếu của đạo quân Quan Đông của Nhật.

Việc thực hiện thắng lợi ý đố này phụ thuộc nhiều vào việc chọn đúng các hướng đột kích chủ yếu, đồng thời xác định số lượng và thành phần lực lượng cho các đòn đột kích đó. Trong quá trình lập kế hoạch chiến dịch, một số phương án đã được xem xét. Việc chọn các hướng không những được quyết định bởi hình thức tiến hành chiến dịch tiến công có tính chất chiến lược, mà còn bởi hình thế đặc biệt của biên giới quốc gia Liên Xô, bởi tính chất của cánh quân Nhật và hệ thống phòng ngự của chúng.

Ban lãnh đạo chính trị - quân sự Liên Xô tinh rằng, trong mùa hè năm 1945, đạo quân Quan Đông đã tăng lực lượng của chúng lên gấp đôi. Bộ chỉ huy Nhật Bản đã duy trì ở Mãn Châu và Triều Tiên hai phần ba lực lượng xe tăng, một nửa số pháo binh và những sư đoàn hoàng gia tinh nhuệ. Cầm đầu đạo quân Quan Đông là tư lệnh, đại tướng Nhật Bản Ô. I-a-ma-đa, một người có kinh nghiệm, và tham mưu trưởng, trung tướng X. Kha-ta, trước đây là tùy viên quân sự tai Liên Xô.

Khi bắt đầu cuộc chiến tranh chống Liên Xô, quân đội Nhật ở Viễn Đông cùng với các quân đội bù nhìn của chính quyền địa phương có tới gần 900 nghìn người. Nó gồm ba phương diện quân: phương diện quân Đông Mãn Châu 1 triển khai dọc biên giới Pri-mô-ri-ê của Liên Xô (các tập đoàn quân 3 và 5 - tất cả có 10 sư đoàn bộ binh và một lữ đoàn bộ binh); phương diện quân Tây Mãn Châu 3 có nhiệm vụ hoạt động ở hướng Mông Cổ - Mãn Châu (các tập đoàn quân 44 và 30 - tất cả có 8 sư đoàn bộ binh, 3 lữ đoàn bộ binh và 1 lữ đoàn xe tăng); phương diện quân 17 (Phương diện quân Triều Tiên) đóng ở vùng Coóc-xi và là lực lượng dự bị của tư lệnh đạo quân Quan Đông (các tập đoàn quân 34 và 59 - tất cả có 9 sư đoàn bộ binh); tập đoàn quân độc lập 4 bao gồm 3 sư đoàn bộ binh và 4 lữ đoàn bộ binh, có nhiệm vụ hoạt động ở biên giới Đông-Bắc Mãn Châu.

Ở phía Nam đảo Xa-kha-lin và quần đảo Cu-rin. địch đã triển khai các đơn vị thuộc lực lượng của phương diện quân 5 gồm 3 sư đoàn bộ binh, 1 lữ đoàn bộ binh và 1 trung đoàn xe tăng độc lập. Ở trên không, tập đoàn quân không quân 2 có nhiệm vụ bảo vệ Mãn Châu, và tập đoàn quân không quân 5 bảo vệ Triều Tiên. Ở Mãn Châu, các quân đội Mãn Châu quốc, Nội Mông và cụm quân Tuy Viễn đặt dưới quyền chỉ huy của bộ tư lệnh Nhật Bản, gồm 8 sư đoàn bộ binh. 7 sư đoàn kỵ binh, 14 lữ đoàn bộ binh và kỵ binh.

Lực lượng quân sự Nhật Bản đã dựa vào nguồn vật tư, lương thực, thực phẩm và nguyên liệu phong phú của Mãn Châu và Triều Tiên, dựa vào nền công nghiệp của Mãn Châu mà về cơ bản đã sản xuất được tất cả những thứ cần thiết cho đời sống và hoạt động quân sự của chúng. Trên lãnh thổ mà đạo quân Quan Đông chiếm đóng có 13.700 km đường sắt, 22 nghìn km đường ô-tô, 400 sân bay, 870 kho quân sự lớn và những khu quân sự được thiết bị tốt.

Ở Mãn Châu, dọc biên giới Liên Xô và nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ, bọn quân phiệt Nhật đã xây dựng 17 khu vực phòng thủ vững chắc, trong số đó có 8 khu vực ở phía Đông đổi diện Pri-mô-ri-ê của Liên Xô. Mỗi khu vực phòng thủ vững chắc có chiều sâu tới trên 40 km và chính diện từ 20 đến 100 km. Các khu vực đó không những có tác dụng tăng cường phòng thủ, mà còn tạo ra điều kiện thuận lợi hơn để tập trung và triển khai lực lượng. Tuyến khu vực phòng thủ vững chắc ở biên giới bao gồm ba trận địa.

Bốn khu vực phòng thủ vững chắc đã được xây dựng ở Triều Tiên và một khu vực đối diện với Bắc Xa-kha-lin. Quần đảo Cu-rin được bảo vệ bởi pháo binh bờ biển bố trí trong các công sự bê-tông cốt sắt và bởi các đơn vị đồn trú được đảm bảo bằng các công sự phòng ngự kiên cố.

Như sau này được biết, trong thời gian đó, giới lãnh đạo chính trị và quân sự Nhật Bản coi nhiệm vụ của mình là: thứ nhất, không cho quân đội Mỹ đổ bộ lên quần đảo Nhật Bản. và thứ hai là bảo vệ vững chắc những vùng đã chiếm được ở Trung Quốc và Triều Tiên. Sau khi bác bỏ bản Tuyên bố Pốt-xđam đòi chấm dứt hoạt động quân sự ở phía Đông, Nhật Bản đã quyết định tiếp tục chiến tranh. Nó đã dựa vào lực lượng lục quân hùng hậu và nền công nghiệp chiến tranh mạnh mẽ của mình để quyết định như vậy.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #243 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2010, 07:00:55 pm »

Kế hoạch chiến cục ở Viễn Đông đã được thảo ra tại Bộ Tổng tham mưu và được Đại bản doanh tán thành, sau đó được Ban chấp hành trung ương và Hội đồng quốc phòng Nhà nước phê chuẩn. Kế hoạch dự kiến giáng đòn chủ yếu từ phía vùng Da-bai-can - lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ - theo hướng Trường Xuân và Thẩm Dương.

Mục đích của kế hoạch đó là: đưa cánh quân chủ yếu của bộ đội Liên Xô đánh vu hồi từ phía Nam các khu vực phòng thủ vững chắc Hải Lạp Nhĩ và Kha-lun - A-rơ-san, chia cắt phương diện quân 3 của đạo quân Quan Đông thành hai bộ phận. Thật vậy, trên đường tiến công của bộ đội Liên Xô, trước khi họ đến được những vùng trung tâm Đông - Bắc Trung Quốc, thì có thảo nguyên hoang vắng, khô cằn và có dãy núi Đại Hưng An hiểm trở.

Đòn đột kích đối diện mạnh bằng lực lượng của Phương diện quân Viễn Đông 1 được dự kiến từ phía Pri-mô-ri-ê, từ vùng phía Nam hồ Khan-ca, theo hướng Cát Lâm. Sau khi hợp điểm tại đây, bộ đội phương diện quân này và Phương diện quân Da-bai-can phải phát triển tiến công theo hướng Thẩm Dương, Lữ Thuận. Các phương diện quân ấy phải chọc thủng tuyến khu vực phòng thủ vững chắc của Nhật. Để thực hiện được điều đó, các phương diện quân nói trên cần có tất cả những lực lượng và phương tiện cần thiết. Các hướng nêu trên đã bảo đảm hoàn toàn bao vây lực lượng chủ yếu của đạo quân Quan Đông trong một thời gian ngắn nhất.

Đồng thời, kế hoạch còn dự kiến rằng chính lực lượng của mỗi cánh quân cơ bản này của bộ đội Liên Xô sẽ giáng tiếp hai đòn bổ trợ. Cánh quân đã triển khai ở vùng ven sông A-mua phải tiến công trên một số hướng từ phía Bắc, để làm tê liệt lực lượng địch đương đầu với nó và, do đó, tạo điều kiện tiến hành thắng lợi các đòn đột kích trên các hướng chủ yếu.

Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao cố gắng thực hiện những ý đồ của mình bằng cách liên tiếp thực hiện những nhiệm vụ sau đây. Thứ nhất, nhanh chóng tiêu diệt quân yểm trợ của Nhật, khắc phục dải địa hình hiểm trở, đưa lực lượng của ba phương diện quân đang hiệp đồng tác chiến vào các tuyến mà từ đó có thể phát triển tiến công trực tiếp vào những khu vực xung yếu có tính chất sống còn của địch. Thứ hai, tiêu diệt lực lượng dự bị của đạo quân Quan Đông và đưa được lực lượng chủ yếu của bộ đội tiến công đến tuyến Xích Phong, Thảm Dương, Trường Xuân, Cáp Nhĩ Tân, Cát Lâm, Dương Tử. Việc đó phải làm cho cánh quân chiến lược của địch bị thất bại và tạo điều kiện cho bộ đội Liên Xô giải phóng toàn bộ lãnh thổ Đông - Bắc Trung Quốc.

Khi quyết định như vậy, Đại bản doanh và Bộ Tổng tham mưu biết rằng hai Phương diện quân Viễn Đông không có đủ lực lượng để tiêu diệt quân Nhật và kết thúc chiến tranh một cách nhanh chóng. Vì thế, việc bố trí lại về mặt chiến lược các lực lượng và phương tiện từ chiến trường phía Tây sang Viễn Đông đã được khẩn cấp tiến hành.

Chúng ta phải cố gắng nhiều để lập một kế hoạch vận chuyển thật to lớn. Cần vận chuyển theo tuyến đường sắt một chiều trong thời gian hết sức ngắn và trên một khoảng cách rất xa - từ 9 nghìn đến 12 nghìn km. Trong lịch sử chiến tranh thế giới lần thứ hai chưa hề có sự vận chuyển nào giống như vậy, mà nó còn là một công việc chiến lược có ý nghĩa giáo dục.

Tôi nói cụ thể hơn ý nghĩ của mình. Chỉ riêng biên chế của ba tập đoản quân bộ đội hợp thành và một tập đoàn quân xe tăng di chuyển từ phía Tây sang Viễn Đông đã bao gồm 12 quân đoàn hoặc là 39 sư đoàn và lữ đoàn. Ngoài ra, còn di chuyển nhiều binh đoàn và binh đội thuộc các binh chủng khác nhau và có nhiệm vụ khác nhau. Do tiến hành bố trí lại, nên khi bắt đầu chiến sự chống Nhật, số quân chiến đấu của bộ đội Liên Xô ở Viễn Đông và Da-bai-can tăng lên gần hai lần.

Nhưng đây không phải chỉ là tăng lên về quân số. Theo kế hoạch dự kiến, chúng ta đã tiến hành bố trí lại những binh đoàn và liên đoàn, đáp ứng nhiều nhất việc giải quyết những nhiệm vụ trong điều kiện cụ thể của chiến trường Viễn Đông. Vị trí của các binh đoàn và liên đoàn này trong đội hình chiến dịch của các phương diện quân ở Viễn Đông được xác định tùy theo kinh nghiệm và chất lượng của các đơn vị này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #244 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2010, 07:01:37 pm »

Ví dụ như các tập đoàn quân 5 và 39 cũng như đội ngũ cán bộ chỉ huy của các tập đoàn quân này đã được di chuyển từ Đông Phổ, vì các đơn vị này đã có kinh nghiệm tốt trong việc phá vỡ các tuyến phòng thủ. Tập đoàn quân 5 có nhiệm vụ hoạt động trên hướng chủ yếu của Phương diện quân Viễn Đông 1. Cùng với tập đoàn quân Cờ đỏ 1, tập đoàn quân 5 có nhiệm vụ phải tấn công tuyến khu vực phòng thủ vững chắc Po-gra-ni-tsơ-nưi, và tiếp đó là khu vực phòng thủ vững chắc đặc biệt mạnh Mẫu Đơn Giang. Nhiệm vụ của tập đoàn quân 39 thuộc Phương diện quân Da-bai-can là đột phá các khu vực phòng thủ vững chắc Kha-lun - A-rơ-san và cùng với tập đoàn quân 34 đột phá khu vực phòng thủ vững chắc Hải Lạp

Còn tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 và tập đoàn quân bộ đội hợp thành 53, được điều từ vùng Pra-ha về cho Phương diện quân Da-bai-can, có nhiệm vụ tiến công thắng lợi trong điều kiện đồi núi - thảo nguyên, chiến đấu trên một địa bàn rộng lớn và ở những hướng riêng.
Về mặt này, điều đặc biệt đáng chú ý là xây dựng theo kế hoạch cụm quân kỵ binh - cơ giới Liên Xô - Mông Cổ nhằm đảm bảo cánh phải của bộ đội Phương diện quân Da-bai-can khỏi bị quân Nhật phản kích. Cụm quân này phải hoạt động ở hai hướng tách biệt nhau: hướng Can-gan (Trương Gia Khu) và hướng Đô-lôn-no (Đa Luân) - trên vùng thảo nguyên Gô-bi và Nội Mông hoang vắng khô cằn.

Việc bố trí lại lực lượng đã gặp những khó khăn lớn. Nó được tiến hành trong điều kiện ngụy trang chiến dịch nghiêm ngặt, khi huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện của Bộ dân ủy giao thông vận tải, trước hết là ở các tuyến đường Đông Xi-bi-ri, Da-bai-can và Viễn Đông. Chỉ trong bốn tháng xuân - hè (tháng Năm - tháng Tám), gần 136 nghìn toa tàu chở bộ đội và hàng hóa đã đến Viễn Đông và Da-bai-can, còn trong thời kỳ từ tháng Tư đến tháng Chín năm 1945 thì có 1.692 chuyến tàu. Trong đó: 502 chuyến chở các liên đoàn, binh đoàn và binh đội bộ binh, 261 chuyến chở pháo binh, 250 chuyến chở bộ đội thiết giáp - xe tăng, 679 chuyến chở các binh đội, binh đoàn công binh và các binh chủng khác cũng như các hàng hóa khác nhau.

Hàng vạn tấn đại bác, xe tăng, ô-tô và hàng chục vạn tấn đạn dược, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, quân trang và các hàng hóa khác đã được vận chuyển và bốc dỡ.

Phần lớn bộ đội chuyển từ phía Tây cho Phương diện quân Da-bai-can, trong đó có các tập đoàn quân bộ đội hợp thành 39, 53 và tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6, phải xuống tàu ở vùng thành phố Chôi-ban-xan trên đất Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Nhưng con đường sắt một chiều ở đoạn Ca- rưm-xcai-a - Bô-rơ-di-a - Chôi-ban-xan, mà Phương diện quân Da-bai-can căn cứ vào nó, có khả năng vận chuyển không lớn và không thể bảo đảm một lưu lượng chuyển cần thiết để chuyên chở bộ đội và hàng hóa. Tình hình đó đã kéo dài thời gian tập trung và triển khai bộ đội, và điều đó không đáp ứng được những ý đồ của Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao.

Vì thế, pháo binh có xe kéo và các binh đoàn cơ giới phải xuống xe lửa ở các ga giữa Si-ta và Ca-rưm-xcai-a, còn sau đó thì hành quân bằng phương tiện của mình từ 600 - 700 km đến  000 1200 km. Từ vùng Chôi-ban-xan, bộ đội của cả ba tập đoàn quân và các đơn vị tăng cường phải hành quân khoảng 250-300 km mới tới được các khu vực triển khai ở biên giới quốc gia của Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ và Mãn Châu quốc. Để tổ chức tốt việc chuyển quân từ vùng xuống xe lửa tới vùng tập trung và, sau đó, tới khu vực triển khai, bộ tham mưu Phương diện quân Da-bai-can đã cử những tổ sĩ quan chuyên môn tới làm việc ở I-rơ-cút-xcơ và ở Ca-rưm-xcai-a.

Bộ đội đi từ Ca-rưm-xcai-a bằng phương tiện của mình phải hành quân trong điều kiện thảo nguyên khô cằn ở vùng Da-bai-can và Mông Cổ. Mặc dầu có những khó khăn đó, tất cả bộ đội đã tập trung và triển khai đúng thời hạn.

Để đảm bảo bí mật cho việc vận chuyển quân sự bằng đường sắt với số lượng lớn, Cục vận tải quân sự đã tiến hành những biện pháp như sau: số lượng người được phép thực hiện việc vận chuyển quân sự tập trung, cũng như làm những tài liệu có liên quan đến việc đó thì bị hết sức hạn chế; các ga xuống xe lửa và bảo dưỡng đoàn xe đều được đánh số; việc thông báo về tình hình đi lại của các đoàn xe lửa do các sĩ quan của Cục vận tải quân sự kiểm tra chặt chẽ, còn những cuộc nói chuyện bằng điện thoại về vấn đề này thì bị cấm; ở những đoạn đường gần biên giới Viễn Đông, các đoàn xe lửa quân sự riêng biệt được phép đi vào lúc trời tối, còn ở con đường sắt Pri-mô-ri-ê nằm sát biên giới thì cả việc bốc dỡ các đoàn xe lửa cũng được tiến hành vào ban đêm; một số đoàn xe lửa không đỗ lại ở các ga đầu mồi, việc bảo dưỡng kỹ thuật các đoàn xe lửa đó được tiến hành ở những ga trung gian.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #245 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2010, 07:02:18 pm »

Nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho việc tập trung và triển khai bộ đội đã được giao cho các khu vực phòng thủ vững chắc sát biên giới và một bộ phận lực lượng bộ đội dã chiến đưa lên sát biên giới ở những tuyến phòng ngự đã được chuẩn bị từ trước.

Để có lực lượng phòng không yểm trợ nhưng khu vực sát biên giới và khu vực hậu cần, theo quyết định của Hội đồng quốc phòng Nhà nước ngày 14 tháng Ba năm 1945, ba tập đoàn quân phòng không - Da-bai-can, vùng ven sông A-mua và Pri-mô-ri-ê - đã được triển khai. Ngoài ra, còn phối thuộc cho mỗi tập đoàn quân phòng không Da-bai-can và Pri-mô-ri-ê một sư đoàn máy bay tiêm kích. Các tập đoàn quân phòng không là phương tiện của bộ tư lệnh phương diện quân .

Tổng cộng, tới tháng Tám năm 1945, Bộ Tổng tư lệnh bộ đội Liên Xô ở Viễn Đông đã triển khai 11 tập đoàn quân bộ đội hợp thành, hai cụm quân tác chiến, một tập đoàn quân xe tăng, ba tập đoàn quân không quân, ba tập đoàn quân phòng không, bốn quân đoàn không quân độc lập. Ngoài ra, Bộ Tổng tư lệnh còn có lực lượng của Hạm đội Thái Bình Dương (bao gồm Phân hạm đội Bắc Thái Bình Dương), Giang đội A-mua, đồng thời đã dự định sử dụng vào chiến đấu cả những đội biên phòng của Bộ dân ủy nội vụ.

Theo quyết định của Đại bản doanh, toàn bộ bộ đội tập trung ở Viễn Đông được thống nhất lại thành ba phương diện quân: Da-bai-can, Viễn Đông 1 và Viễn Đông 2.

Phương diện quân Da-bai-can (tư lệnh là Nguyên soái Liên Xô R. I-a. Ma-li-nốp-xki) gồm có các tập đoàn quân bộ đội hợp thành 17, 36, 39 và 53, tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6, tập đoàn quân không quân 12, tập đoàn quân phòng không và cụm quân kỵ binh - cơ giới Liên Xô - Mông Cổ.

Phương diện quân Viễn Đông 1 (tư lệnh là Nguyên soái Liên Xô K. A. Mê-rét-xcồp) gồm có tập đoàn quân Cờ đỏ 1, các tập đoàn quân bộ đội hợp thành 5, 25 và 35, cụm quân tác chiến mang tên Tsu-gu-ép, quân đoàn cơ giới 10, tập đoàn quân không quân 9 và tập đoàn quân phòng không.

Phương diện quân Viễn Đông 2 (tư lệnh là đại tướng M. A. Pu-rơ-ca-ép) gồm có tập đoàn quân Cờ đỏ 2, các tập đoàn quân bộ đội hợp thành 15 và 16, quân đoàn bộ binh độc lập 5, khu phòng ngự Cam-tsát-ca, tập đoàn quân không quân 10 và tập đoàn quân phòng không.

Hạm đội Thái Bình Dương (tư lệnh là đô đốc I. X. I-u. Ma-sép) khi bắt đầu chiến đấu có 427 tàu chiến, trong đó có: 2 tuần dương hạm, một khu trục hạm lớn, 10 khu trục hạm, 19 tàu tuần tiễu, 78 tàu ngầm, 10 tàu rải mìn và 1.549 máy bay. Hạm đội đóng ở Vla-đi-vô-xtốc (căn cứ chủ yếu), Xô-viết-xcai-a Ga-van và Pê-trô-páp-lốp-xcơ - Cam-tsát-xki. Các căn cứ phụ trợ là các cảng Na-khat-ca, Ôn-ga, Đờ-Ca-xtơ-ri, Ni-cô-la-ép-xcơ trên sông A-mua, Pô-xi-ét và những vị trí khác ven biển.

Giang đội Cờ đỏ A-mua có 169 tàu chiến và hơn 70 máy bay, đóng ở Kha-ba-rốp-xcơ (căn cứ chủ yếu), Ma-lai-a Xô-dan-ca trên sông Dê-i-a, Xrê-tên-xcơ trên sông Sin-ca và hồ Khan-ca. Khi bắt đầu chiến đấu, tất cả những ca-nô tuần tiễu biên phòng ở các sông A-mua và Út-xu-ri và 106 tàu của ngành vận tải dân sự đường sông được huy động, đều thuộc Giang đội A-mua.

Việc trực tiếp lãnh đạo Lực lượng Hải quân ở Viễn Đông thì Đại bản doanh giao cho đô đốc N. Gh. Cu-dơ-nét-xốp, Tổng tư lệnh Hải quân Liên Xô.

Vấn đề lãnh đạo bộ đội ở Viễn Đông được đặc biệt chủ ý đến. Người ta đã tính toán đến cả số lượng lớn các liên đoàn, cả khoảng cách xa giữa các liên đoàn đó với thủ đô và cả quy mô chiến trường.

Để lãnh đạo một cách đúng đắn và liên tục các phương diện quân trong điều kiện như thế, theo chỉ thị của Hội đồng quốc phòng Nhà nước ngày 30 tháng Bảy năm 1945, đã thành lập Bộ Tổng tư lệnh bộ đội Liên Xô ở Viễn Đông, còn theo chỉ thị ngày 2 tháng Tám thì thành lập bộ tham mưu của Bộ Tổng tư lệnh. Như đã dự kiến từ trước, theo lệnh của Đại bản doanh ngày 30 tháng Bảy năm 1945, tôi được chi định làm Tổng tư lệnh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #246 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2010, 07:02:58 pm »

Vào tháng Năm, tháng Sáu và những ngày đầu tháng Bảy, tại Bộ Tổng tham mưu, chúng tôi cùng với tư lệnh các phương diện quân đã làm rõ thêm kế hoạch chiến cục Viễn Đông. Xuất phát từ những quyết định có tính chất chiến lược do Đại bản doanh đề ra, tới ngày 27 tháng Sáu, Bộ Tổng tham mưu đã hoàn thành toàn bộ việc chuẩn bị các chỉ thị cho các phương diện quân. Ngày 28 tháng Sáu, những chỉ thị đó đã được Đại bản doanh phê chuẩn.

Chỉ thị gửi cho tư lệnh Phương diện quân Da-bai-can đã ra lệnh: hiệp đồng với bộ đội của cụm quân Pri-mô-ri-ê (Phương diện quân Viễn Đông 1. - A. V.) và của Phương diện quân Viễn Đông (Phương diện quân Viễn Đông 2. - A. V.), tiến công mãnh liệt vào Trung Mãn Châu, tiêu diệt đạo quân Quan Đông và chiếm các vùng Xích Phong, Thẩm Dương, Trường Xuân, Trà Lan Đông; tiến hành chiến dịch trên cơ sở đánh đòn đột kích bất ngờ và sử dụng các binh đoàn cơ động của phương diện quân, trước hết là tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6.

Chỉ thị của Đại bản doanh gửi cho tư lệnh cụm quân Pri-mô-ri-ê yêu cấu tiến công vào Trung Mãn Châu cùng với bộ đội của các Phương diện quân Da-bai-can và Viễn Đông, tiêu diệt đạo quân Quan Đông và chiếm các vùng Cáp Nhĩ Tân, Trường Xuân, Thanh Tân. Tư lệnh Phương diện quân Viễn Đông 2 là M. A. Pu-rơ-ca-ép có nhiệm vụ tích cực chi viện cho Phương diện quân Da-bai-can và Phương diện quân Viễn Đông 1, nhằm tiêu diệt đạo quân Quan Đông và chiếm vùng Cáp Nhĩ Tân.

Ngày 5 tháng Bảy, với giấy tờ của thượng tướng Va-xi-lép (để giữ bí mật) và mặc cả quân phục thượng tướng, tôi đã đi một chuyến tàu riêng tới Tsi-ta.

Theo quyết định của Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao, cùng đi với tôi có Trưởng nguyên soái không quân A. A. Nô-vi-cốp, tư lệnh không quân của Quân đội Liên Xô, nguyên soái pháo binh M. N. Tsi-xti-a-cốp, phó tư lệnh pháo binh của Quân đội Liên Xô, N. Đ. Pơ-xu-rơ-xép, phó tư lệnh bộ đội thông tin liên lạc, thượng tướng V. I. Vi-nô-gra-đốp. phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần, và một số cán bộ có trọng trách khác của Bộ dân ủy quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu.

Trước hết, tôi đã làm quen với bộ đội của Phương diện quân Da-bai-can. Cùng với R. I-a. Ma-li-nốp-xki, tôi đã tới những khu vực chủ yếu, tiến hành một số cuộc trinh sát thực địa, tìm hiểu tình hình bộ đội với điều kiện cho phép và thảo luận với bộ tư lệnh các tập đoàn quân, các quân đoàn và với sư đoàn trưởng các sư đoàn chủ yếu về tình hình và những nhiệm vụ chiến đấu sắp tới.

Cần nói rằng các sĩ quan đã quen biết tôi từ trước ở ngoài mặt trận chống bọn phát-xít Đức xâm lược nhiều lúc đã lúng túng khi biết tên họ và quân hàm tạm thời của tôi.

Chuyến đi đến các đơn vị của Phương diện quân Da-bai-can rất có kết quả. Những quyết định được đề ra trước đây đã thay đổi nhiều: rút ngắn thời gian hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản mà chỉ thị đã dự kiến. Chúng tôi đã thấy bộ đội của tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 có thể vượt qua dãy núi Đại Hưng An không phải là vào ngày thứ mười của chiến dịch như kế hoạch đã định, mà chậm nhất vào ngày thứ năm.

Thời gian tiến quân của các tập đoàn quân bộ đội hợp thành vào đồng bằng Mãn Châu đã giảm đi rõ rệt. Việc tập đoàn quân 36 chiếm khu vực phòng thủ vững chắc Hải Lạp Nhĩ đã được vạch ra không phải vào ngày thứ mười hai, mà là vào ngày thứ mười của chiến dịch. Sau đó, tập đoàn quân ấy phải tiến công vào Tề Tề Cáp Nhĩ. Chúng tôi đã chuyển tập đoàn quân 53 sang cánh phải một chút so với dự kiến trước đây - nối tiếp sau tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 - và ra lệnh cho nó phải bám sát theo xe tăng.

Đối với bộ đội hoạt động ở cánh phải của phương diện quân, cụ thể là đỏi với tập đoàn quân 17, thời hạn ban đầu cũng được rút ngắn tới năm ngày. Sau khi vượt qua dãy núi Đại Hưng An, tập đoàn quân này phải chiếm vùng Đại Bàn Sơn. Đồng thời dự kiến rút ngắn một cách rõ rệt thời gian tiến quân của cụm quân kỵ binh - cơ giới Liên Xô - Mông Cổ tới vùng Trương Gia Khẩu và Đô-lôn-no.

Đại Bản doanh đã vui lòng phê chuẩn tất cả những thay đổi này. Sau đó, tôi đã đến thăm các đơn vị của các Phương diện quân Viễn Đông.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #247 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2010, 07:03:32 pm »

Tôi thấy cần nhận xét rằng bộ tư lệnh, các bộ tham mưu và các cơ quan chính trị của các phương diện quân này cũng đã tiến hành một công việc to lớn nhằm làm rõ và cụ thể hóa nhiệm vụ của mình. Cuộc diễn tập của bộ đội hợp thành có nội dung gần với nhiệm vụ chiến đấu, mà sắp tới họ phải giải quyết, đã được tiến hành dưới sự lãnh đạo của những người chỉ huy có kinh nghiệm. Bộ tư lệnh các phương diện quân đã thực hiện một công việc to lớn nhằm cải tiến việc cung cấp vật chất - kỹ thuật cho chiến dịch.

Khi chuẩn bị chiến dịch đã phải tính đến cả vấn đề là sau khi bố trí lại lực lượng, các Phương diện quân Viễn Đông đã được bổ sung một phần lớn bộ đội trước đây đã đóng ở Viễn Đông. Họ thiếu hoặc hoàn toàn không có kinh nghiệm chiến đấu, vì trước đây họ chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Đông của đất nước xô-viết. Còn bộ đội chuyển từ phía Tây tới thì có kinh nghiệm chiến đấu tốt, nhưng không quen chiến trường Viễn Đông, không hiểu biết tính chất và đặc điểm của quân Nhật. Trong khi chuẩn bị cho bộ đội hoạt động chiến đấu sắp tới, bộ tư lệnh đã đề ra mục tiêu là tạo nên khí thế tiến công, dựa vào trình độ quân sự giỏi và kỹ năng chiến đấu trong điều kiện phức tạp của chiến trường mới .

Nhân dân Liên Xô đã không ngừng cung cấp cho các chiến sĩ tất cả những thứ cần thiết để hoạt động chiến đấu sắp tới Ngay tháng Giêng năm 1945, Ban chấp hành trung ương Đảng đã nghe báo cáo của các bí thư khu ủy G. A. Bô-rô-cốp và N. M. Pê-gốp về tình hình công tác chuẩn bị chiến tranh ở các khu Kha-ba-rốp-xcơ và Pri-mô-ri-ê. Trong nghị quyết thông qua các bản báo cáo đó có chỉ ra những biện pháp cụ thể nhằm hướng nền kinh tế của Viễn Đông vào việc bảo đảm những nhu cầu của các Phương diện quân Viễn Đông.

Vào tháng Tư - tháng Năm và tháng Bảy năm 1945, Hội đồng quốc phòng Nhà nước đã thông qua một số nghị quyết về những biện pháp nhằm cải tiến hoạt động của đường sắt ở Viễn Đông, tăng việc khai thác dầu mỏ ở Viễn Đông lên 20% trong năm 1945, phát triển liên lạc hữu tuyến giữa Mát- xcơ-va với Viễn Đông và Da-bai-can, phát triển các căn cứ hải quân và các thương cảng ở Vla-đi-vô-xtốc, ở vũng Na-khốt-ca và Ni-cô-la-ép-xcơ trên sông A-mua.

Chiến sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan các tập đoàn quân được chuyển từ Đông Phổ và từ vùng Pra-ha tới Viễn Đông chỉ được biết chung chung là có lẽ họ phải chiến đấu chống đạo quân Quan Đông của Nhật. Họ không biết và không thể biết thời gian cụ thể bắt đầu chiến cục, không biết chính xác nơi xuống xe và các hướng chiến đấu. Trong điều kiện đó, các cán bộ chỉ huy và cơ quan chính trị đã tiến hành một công việc to lớn nhằm giữ gìn bí mật quốc gia và bí mật quân sự trên suốt con đường đi của các đoàn xe lửa.

Sau khi xuống tàu và hành quân đền vùng tập kết và triển khai, khi mà các binh đội và binh đoàn bắt tay vào việc học tập quân sự khẩn trương, thì công tác đảng và công tác chính trị đã được tập trung vào việc làm cho bộ đội nhanh chóng nắm được các phương thức và phương pháp chiến đấu trên chiến trường mới, vào việc nghiên cứu tình hình chính trị và quân sự của Nhật Bản, nghiên cứu cơ cấu tổ chức của quân Nhật, chiến thuật, truyền thống và tập quán của nó. Các chiến sĩ phục vụ lâu ở vùng Da-bai-can và ở Viễn Đông đã giúp đỡ rất nhiều cho bộ đội mới chuyển từ phía Tây tới.

Trong quá trình học tập quân sự khẩn trương, người ta rất chú ý tới việc nghiên cứu kinh nghiệm chiến đấu của bộ đội Liên Xô chống bọn phát-xít Đức xâm lược. Các binh đoàn chuyển từ phía Tây tới đã có những kinh nghiệm này.

Việc hai nước xã hội chủ nghĩa anh em là Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ cùng chiến đấu chống Nhật Bản là điểm đặc trưng của cuộc chiến tranh sắp tới. Tình hữu nghị giữa hai dân tộc, sự hợp tác chiến đấu của quân đội hai nước đã được hình thành và củng cố trong cuộc đấu tranh chung chống kẻ thù chung là bọn quân phiệt Nhật Bản đã nhiều lần xâm phạm lãnh thổ Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #248 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2010, 07:04:15 pm »

Sau khi bộ đội Liên Xô và Mông Cổ đánh bại bọn Nhật Bản xâm lược ở khu vực sông Khan-khin - Gôn, theo đề nghị của Chính phủ Mông Cổ, các đơn vị bộ đội Liên Xô đã ở lại lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Trên cơ sở những lực lượng đó, vào lúc đầu của cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, người ta đã thành lập tập đoàn quân 17; tập đoàn quân này được biên chế vào Phương diện quân Da-bai-can. Giữa chiến sĩ của tập đoàn quân này và Quân đội cách mạng nhân dân Mông Cổ đã có những mối quan hệ hữu nghị rất mật thiết. Họ đã tích cực trao đổi kinh nghiệm huấn luyện quân sự và chính trị, cũng như kinh nghiệm tổ chức công tác đảng và công tác chính trị.

Cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị của hai quân đội đồng minh đã chuẩn bị cho bộ đội thực hiện những chiến dịch sắp tới. Trong các cuộc diễn tập chung đã luyện tập hiệp đồng chiến đấu, điều khiển và thông tin liên lạc, những phương thức tiến hành chiến đấu trong những điều kiện và thời gian khác nhau trong ngày đêm. Người ta đã thực hiện công tác to lớn nhằm tăng cường hơn nữa tình hữu nghị chiến đấu giữa hai quân đội trên cơ sở những truyền thống đấu tranh cách mạng và chiến đấu vẻ vang chống kẻ thù chung.

I-u. Xê-đen-ban, Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, đồng thời là Chủ nhiệm Cục chính trị Quân đội nhân dân cách mạng Mông Cổ đã hoạt động nhiều và có hiệu quả nhằm tăng cường tình hữu nghị chiến đấu giữa chiến sĩ của hai quân đội anh em. Sau này, đồng chí đã viết:

“Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch tiến công, đòi hỏi một sự nỗ lực to lớn của cán bộ và chiến sĩ của bộ đội chúng ta, giữa các chiến sĩ Liên Xô và Mông Cổ từ người lính thường cho tới tướng lĩnh đã bao trùm một bầu không khí hữu nghị chân thành, tình cảm anh em chân chính và sự giúp đỡ lẫn nhau. Việc đó đã tạo điều kiện hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ chiến đấu mà bộ tư lệnh đã đặt ra”.

Bản thân tôi không ở nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ trong thời kỳ chuẩn bị cho hoạt động quân sự. Đại bản doanh đã nghiêm cấm tôi đến đó. Tôi đã gặp nguyên soái Chôi-ban-xan ở Trường Xuân sau khi chiến tranh kết thúc.

Do kết quả của công tác chuẩn bị to lớn và đặc biệt là khi bắt đầu trực tiếp chuẩn bị các trận chiến đấu và chiến dịch trong một tuần lễ trước khi triển khai chiến đấu, cán bộ, bộ đội Liên Xô ở Viễn Đông nóng lòng chiến đấu chống kẻ thù chung, thủ tiêu lò lửa cuối cùng của chiến tranh thế giới lần thứ hai. Các chiến sĩ Liên Xô nóng bỏng căm thù bọn quân phiệt Nhật Bản.

Tôi thường xuyên báo cáo với Tổng tư lệnh tối cao về quá trình chuẩn bị chiến đấu. Liên lạc bằng điện thoại của chúng ta đã hoạt động liên tục. Ngày 16 tháng Bảy, từ Pốt-đam, I. V. Xta-lin đã gọi điện cho tôi ở bộ tham mưu bộ đội Viễn Đông đóng cách Tsi-ta 25 km về phía Tây - Nam.

Đó là hôm trước khi khai mạc Hội nghị Pôt-xđam của ba cường quốc. Xta-lin hỏi tôi về công việc chuẩn bị chiến dịch tiến hành như thế nào và muốn biết có thể mở chiến dịch sớm hơn dự định khoảng mười ngày được không. Tôi đã báo cáo rằng việc tập trung bộ đội và vận chuyển tất cả những thứ cần thiết nhất cho bộ đội không cho phép làm như vậy, và tôi đề nghị giữ thời gian như cũ. Xta-lin đồng ý.

Tại sao hôm trước hội nghị, Xta-lin lại hỏi tôi như vậy, Xta-lin không nói cho tôi rõ. Về sau, chúng tôi mới biết rằng, theo các kế hoạch của Mỹ nhằm đánh bại Nhật Bản được vạch ra ngay trước khi triệu tập Hội nghị Pốt-xđam và đã được tổng thống Mỹ phê chuẩn ngày 29 tháng Sáu, thì việc quân đội Mỹ đổ bộ vào đảo Ki-u-sư phải tiến hành vào ngày 1 tháng Mười một năm 1945, còn việc đổ bộ lên đảo Hôn-sư thì sớm nhất là vào ngày 1 tháng Ba năm 1946.

Chúng ta cũng biết rằng ngày 18 tháng Sáu năm 1945, tại hội nghị những người lãnh đạo quân sự của Mỹ, tổng thống Tơ-ru-man đã tuyên bố: “Một trong những mục tiêu tôi đặt ra cho mình trong hội nghị sắp tới là nhằm đạt tới việc Liên Xô giúp đỡ nhiều nhất trong cuộc chiến tranh chống Nhật Bản”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #249 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2010, 07:04:54 pm »

Chúng tôi cũng được biết một điều khác: hôm trước Hội nghị Pốt-xđam, Mỹ đã tiến hành cuộc thứ bom nguyên tử đầu tiên ở Hoa Kỳ, và sau đó một tuần lễ, ngày 24 tháng Bảy, nguyên phó tổng thống Tơ-ru-man, lúc đó là quyền tổng thống và là người tham gia hội nghị, đã ra lệnh cho tư lệnh các lực lượng không quân chiến lược Hoa Kỳ là vào đầu tháng Tám năm 1945 sẽ ném quả bom nguyên tử xuống một trong những thành phố sau đây của Nhật Bản: Hi-rô-si-ma, Cô-cu-ra, Ni-ga-ta, Na-ga-da-ki.

Tại Pốt-xđam, sau khi nhận được báo cáo về kết quả thử bom, Tơ-ru-man đã cố gây sức ép chính trị đối với đoàn đại biểu Liên Xô. Nhưng ông ta đã vấp phải thái độ tự tin vững vàng và sự cứng rắn kín đáo của đoàn đại biểu Liên Xô.

Ngày 16 tháng Bảy, khi nói chuyện với tôi, có lẽ Xta-lin không thể biết rằng trước đó vài giờ đồng hồ, ở Lốt - A-la-mat, người Mỹ đã thử một quả bom nguyên tử. Có lẽ là khi hỏi về thời gian bắt đầu chiến dịch. Xta-lin đã không căn cứ vào sự kiện đó mà vào những nhận định chung về chính trị - quân sự và những tin tức là tại hội nghị, các đại biểu của Mỹ và Anh một lần nữa sẽ khẩn khoản Liên Xô nhanh chóng tham gia chiến tranh chống Nhật.

Ngày 7 tháng Tám, chúng tôi nhận được chỉ thị của Đại bản doanh. Chỉ thị nêu rõ rằng ngày 9 tháng Tám, bộ đội các Phương diện quân Da-bai-can, Viễn Đông 1 và 2 phải bắt đầu chiến sự để hoàn thành các nhiệm vụ mà các chỉ thị của Đại bản doanh ngày 28 tháng Sáu đã đề ra; không quân của tất cả các phương diện quân phải bắt đầu chiến sự vào sáng ngày 9 tháng Tám; bộ đội lục quân của các Phương diện quân Da-bai-can và Viễn Đông 1 phải vượt qua biên giới Mãn Châu vào sáng ngày 9 tháng Tám; còn Phương diện quân Viễn Đông 2 phải hoạt động theo chỉ thị của tôi. Hạm đội Thái Bình Dương phải chuyển vào tư thế sẵn sàng tác chiến ở cấp báo động số 1, bắt đầu bố trí thủy lôi, đình chỉ việc cho tàu thủy đi lại đơn độc, đưa các tàu vận tải vào những điểm tập trung và, sau đó, tổ chức việc tàu đi lại theo đoàn dưới sự bảo vệ của tàu chiến, triển khai tàu ngầm, hải quân bắt đầu chiến sự từ sáng ngày 9 tháng Tám.

Ngày 8 thảng Tám năm 1945, bộ tổng tư lệnh Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã gửi điện mừng tới I. V. Xta-lin, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô. Bức điện nêu rõ: “Thay mặt nhân dân Trung Quốc, chúng tôi nhiệt liệt chào mừng việc Chính phủ Liên Xô tuyên chiến với Nhật. Một trăm triệu nhân dân và lực lượng vũ trang ở các khu giải phóng của Trung Quốc sẽ ra sức phối hợp những nỗ lực của mình với Hồng quân và quân đội của các nước đồng mình khác trong việc đánh bại bọn xâm lược đáng căm thù”.

Vào đêm 8 rạng ngày 9 tháng Tám, các tiểu đoàn tiền tiêu và các đội trinh sát của cả ba phương diện quân, trong điều kiện thời tiết rất bất lợi - gió mùa hè gây ra mưa lớn và thường xuyên, -đã tiến vào đất địch. Tới rạng sáng, lực lượng chủ yếu của các Phương diện quân Da-bai-can và Viễn Đông 1 đã chuyển sang tiến công và vượt qua biên giới quốc gia của Liên Xô. Trong thời gian đó, tôi ở khu vực bộ tham mưu Phương diện quân Viễn Đông 1, mà trước khi chiến sự bắt đầu, nó đã chuyển từ Vô-rô-si-lốp-xcơ vào rừng tai-ga, tới những căn nhà được xây dựng riêng. Còn bộ tham mưu của Bộ Tổng tư lệnh vẫn ở gần Tsi-ta như trước đây.

Ngày 10 tháng Tám, đúng theo kế hoạch, những hoạt động chiến đấu của bộ đội được triển khai trong đội hình chiến dịch như sau.
Ở Phương diện quân của R. I-a. Ma-li-ốp-xki: Quân đội cách mạng nhân dân Mông Cổcủa nguyên soái Khô-rơ-lô-ghin Chôi-ban-xan đã mở mũi đột kích từ Xa-in - San-đa ở sa mạc Gô-bi vào quân của tên bá tước Đe Van và cụm quân Tuy Viễn theo hướng Can-gan (Trương Gia Khẩu); cụm quân kỵ binh-cơ giới hỗn hợp Liên Xô - Mông Cổ đánh từ phía Bắc Gô-bi vào hướng thành phố Đ-lôn-no (Đa Luân); tập đoàn quân 17 đánh từ I-u-gô-đơ di-rơ - Khi-đa vào Xích Phong, nhằm tiêu diệt các đơn vị thuộc cánh trái của tập đoàn quân 44 của Nhật.

Do bộ đội Liên Xô thực hiện thắng lợi ý đồ này, nên đạo quân Quan đông bị tách khỏi phương diện quân Bắc của Nhật Bản đang hoạt động ở vùng Bắc Bình (Bắc Kinh) và không còn khả năng cứu viện từ phía Nam nữa.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM