Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 09:15:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sự nghiệp cả cuộc đời  (Đọc 119108 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #150 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 03:05:36 pm »

Ta đã quyết định bắt đầu đột phá ngày 26 tháng Chín. Tập đoàn quân 28 sẽ đánh một đòn bổ trợ ở phía Nam Mê-li-tô-pôn. Chúng tôi dự kiến đưa các cụm quân cơ động vào cửa đột phá sau khi tập đoàn quân xung kích 5, tập đoàn quân 44 và tập đoàn quân cận vệ 2 tiến đến tuyến Oóc-li-an-xcơ - Mi-khai-lốp-ca-nô-vai-a Bốc-đa-nốp-ca (vào khoảng tối thứ hai của chiến dịch); cụm quân của A. G. Xê-li-va-nốp tiến về phía Ca-khốp-ca và Txiu-ru-pin-xcơ; cụm quân của N. I-a. Ki-ri-tsen-cô - về phía A-xca-ni-a - Nô-va, Ác-mi-an-xcơ và I-sun, để cắt đứt con đường sắt từ Crưm đi Khéc-xôn và chặn đường thoát ra của địch qua Pê-rê-cốp; quân đoàn xe tăng 11 đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của tư lệnh phương diện quân sẽ được điều vào cửa đột phá đồng thời với cụm quân của Ki-ri-tsen-cô và được giao nhiệm vụ tiến đến ga Xan-cô-vô, rồi đến Xi-va-sơ, chặn đường tháo chạy của địch từ Crưm qua Xi-va-sơ.

Sau khi chọc thủng tuyến phòng ngự của địch thì các nhiệm vụ chủ yếu như sau: cô lập quân phát-xít ở Crưm, hễ có điều kiện là đột nhập ngay vào bán đảo; quét sạch địch khỏi tả ngạn hạ lưu sông Đni-ép-rơ và tiến đến cửa sông; đưa chủ lực của Phương diện quân Nam tiến đến Ca-khốp-ca và Khéc-xôn, vượt sông Đni-ép-rơ tại đây và chiếm bàn đạp bên hữu ngạn với dự định tiếp đó hiệp đồng với các phương diện quân khác công kích vào phía Tây - Bắc, qua Ni-cô-lai-ép đến sông Nam Búc.

Xuất phát từ điều đó, tôi và Ph. I. Tôn-bu-khin dự kiến điều tập đoàn quân xung kích 5 đến Bôn-sai-a Lê-pê-ti-kha để chiếm bàn đạp ở đây. Khu vực dọc bờ sông Đni-ép-rơ từ Va-xi-li-ép-ca đến Bôn-sai-a Dơ-na-men-ca, tôi cho rằng hợp lý nhất là nên chuyển nó cho Phương diện quân Tây - Nam, đồng thời điều từ lực lượng dự bị của phương diện quân tới đó tập đoàn quân cận vệ 8 để sử dụng ở sườn trái, tại vùng Ni-cô-pôn; tập đoàn quân 44 sẽ đánh ở phía Nam Mi-khai-lốp-ca, đi sau cụm quân của Xê-li-va-nốp, theo hướng chung đến Ca-khốp-ca.

Tập đoàn quân cận vệ 2 sẽ tiến đến sông Đni-ép-rơ quá về phía Tây - Nam. Tập đoàn quân 28 sau khi chiếm Mê-li-tô-pôn sẽ có nhiệm vụ tác chiến ở Crưm cùng với cụm quân Ki-ri-tsen-cô và quân đoàn xe tăng 11.

Tập đoàn quân 51 được chuyển về lực lượng dự bị của phương diện quân; chúng tôi cho rằng sau đó cần phải sử dụng nó ở khu vực giữa tập đoàn quân cận vệ 2 và tập đoàn quân 28 để đánh chiếm Xca-đốp-xcơ và doi đất Ten-dơ-ra nhằm bảo đảm cho các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen chuyển căn cứ về gần vũng cửa sông Đni-ép-rơ. Chúng tôi dự kiến, trong hai ngày đầu chiến dịch, dùng không quân của phương diện quân để đảm bảo cho trận đột phá, rồi sau đó yểm trợ cho các cụm quân cơ động và các đơn vị của chúng ta ở Crưm.

Đêm 23 rạng ngày 24 tháng Chín, tôi báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao các kế hoạch đó. Tôi cũng nói rằng, theo tôi, nên bắt đầu điều động một bộ phận lực lượng của Phương diện quân Cáp-ca-dơ hiện đang đóng ở bán đảo Ta-man vào vùng ở phía Đông Mê-li-tô-pôn để sử dụng trong việc giải phóng Crưm từ phía Bắc. Nếu như vậy thì các đơn vị của Phương diện quân Nam không phải làm nhiệm vụ đó nữa, và ta có thể điều động chúng đến Ni-cô-lai-ép và Cri-vôi Rô-gơ để tách rời bọn địch đang ở khúc cong của sông Đni-ép-rơ giữa Đni-ép-rô-pê-tơ-rốp-xcơ và Da-pô-rô-gie.

Tôi cũng để nghị xem xét vấn đề dùng lục lượng của Phương diện quân Bắc Cáp-ca-dơ với sự chi viện của Phân hạm đội A-dốp, tiến hành đổ bộ đường biển để cắt đứt đường sắt ở Crưm, từ Đơ-gian-côi đến Mê-li-tô-pôn, và cho nhảy dù xuống Đơ-gian-côi để yểm trợ cho các đơn vị tiến công qua Xi-va-sơ.

Kế hoạch chiến dịch của Phương diện quân Nam do tôi đệ trình đã được phê chuẩn. Đồng thời, trên có chỉ thị là không cần điều quân từ Bắc Cáp-ca-dơ đến Mê-li-tô-pôn, mà sẽ cho bộ đội của Phương diện quân Bắc Cáp-ca-dơ từ bán đảo Ta-man đi qua eo biển Kéc-tsơ đổ bộ trước lên bán đảo Kéc-tsơ.

Về việc đổ bộ đường biển, tôi được chỉ thị nên dự kiến vào ngày thứ hai hoặc thứ ba sau khi Phương diện quân Nam bắt đầu chiến dịch Crưm và không phải là đổ bộ ở Crưm như đã đề nghị, mà là ở vùng Ghê-ni-tsẹ-xcơ, cắt đứt con đường sắt Mê-li-tô-pôn - Đơ-gian-côi để không cho địch vận chuyển bất kỳ phương tiện nào từ Crưm cho cánh quân của chúng ở Mê-li-tô-pôn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #151 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 03:06:21 pm »

Trên còn ra lệnh sử dụng quân nhảy dù vào giai đoạn thứ hai của chiến dịch để chiếm các eo đất Crưm, phối hợp với các cụm quân cơ động của Phương diện quân Nam. Tất cả những điều đó bắt buộc chúng tôi phải gấp rút điều chỉnh kế hoạch tiến hành chiến dịch và kế hoạch chuẩn bị bộ đội.

Ngày 26 tháng Chín, sau một giờ pháo bắn chuẩn bị, Phương diện quân Nam bước vào tiến công. Thế là đã bắt đấu chiến dịch Mê-li-tô-pôn vô cùng gay go, kéo dài đến tận mồng 5 tháng Mười một. Quân địch có nhiều lực lượng không quân yểm trợ, đã chống cự hết sức ngoan cố, nhiều lần phản kích bằng bộ binh và xe tăng.

Trong ngày tiến công đầu tiên, tập đoàn quân cận vệ 2 và tập đoàn quân 44 đã đạt được những kết quả quan trọng hơn cả (nhưng vẫn còn xa những mục tiêu cuối cùng). Tại Phương diện quân Tây- Nam, tập đoàn quân cận vệ 1 tiến đến tả ngạn sông Đni-ép-rơ. Nhưng những cố gắng của tập đoàn quân này để vượt sang hữu ngạn không đạt được kết quả. Đến ngày 28 tháng Chín, ở phía Nam Đni-ép-rô-pê-tơ-rốp-xcơ, tập đoàn quân 6 đã cho vượt qua sông Đni-ép-rơ được 4 sư đoàn bộ binh, còn tập đoàn quân 12 thì cho vượt sông được 2 sư đoàn bộ binh.

Như vậy là công việc cũng trôi chảy cả, mặc dù có chậm hơn so với ý muốn. Trong suốt tháng Chm, bộ chỉ huy Hít-le không ngừng tung thêm quân vào đây để củng cố Lũy phương Đông. Song, chúng ta cũng không chậm trễ. Ngày 28 tháng Chín, chúng tôi nhận được chỉ thị của Đại bản doanh. Chỉ thị đó được gửi cho Gh. C. Giu-cốp, tôi, các tư lệnh Phương diện quân Trung tâm, Vô-rô-ne-giơ, Thảo nguyên, Tây - Nam và (sao gửi) cho tư lệnh Phương diện quân Nam. Trong bản chỉ thị có nói rõ:

“Đại bản doanh Bộ Tung tư lệnh tối cao ra lệnh:

1. Trong thời gian sắp tới phải thủ tiêu tất cả các bàn đạp còn nằm trong tay địch trên tả ngạn sông Đni-ép-rơ. Trước hết là tư lệnh Phương diện quân Tây-nam phải hoàn toàn quét sạch địch khỏi bàn đạp Da-pô-rô-gie. Cần chú ý rằng chừng nào địch chưa bị quét khỏi tả ngạn sông Đni-ép-rơ thì chúng vẫn còn có thể sử dụng những bàn đạp do chúng chiếm giữ để mở những mũi đột kích vào sườn và sau lưng các đơn vị ta hiện đang ở tả ngạn sông Đni-ép-rơ cũng như đã vượt sang hữu ngạn.

2. Gấp rút điều phương tiện phòng không đến các chỗ vượt sông và bảo đảm vững chắc đội hình của các đơn vị vượt sông cùng bản thân các chỗ vượt sông cho khỏi bị máy bay địch đánh phá, không kể số lượng đơn vị bộ đội vượt sông nhiều hay ít”.

Tối 28 tháng Chín, chúng tôi thảo luận với Tổng tư lệnh tối cao về các kế hoạch phát triển tiếp theo những chiến dịch của các Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ, Thảo nguyên, Tây- Nam. Tổng tư lệnh tối cao nói với tôi là đồng chí vừa mới trao đổi ý kiến với Giu-cốp và còn muốn biết ý kiến của tôi. Chắc là đồng chí đã bàn bạc không những với chúng tôi, mà cả với các tư lệnh phương diện quân nữa.

Kết quả đi đến quyết định là Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ vẫn tiếp tục hướng những cố gắng chủ yếu của mình vào nhiệm vụ giải phóng Ki-ép rồi sau đó tiến công Béc-đi-tsép, Vin-ni-txa, Giơ-mê-rin-ca, Mô-ghi-li-ap - Pô-đôn-xki và tiến về Môn-da-vi-a. Phương diện quân Thảo nguyên có nhiệm vụ đánh một đòn chủ yếu theo hướng chung từ Tséc-ca-xư đến Nô-vô – U-cra-in-ca và Vô-dơ-nê-xen-xcơ, đánh tan cánh quân địch ở vùng Ki-rô-vô-grát và chặn đường rút lui của chúng sang phía Tây. Bằng cánh trái của mình, phương diện quân này phải đánh vào Pi-a-ti-khát-ca và Cri-vôi Rô-gơ, tiến quân vào sau lưng cánh quân địch ở vùng Đni-ép-rô-pê-tơ-rốp-xcơ.

Phương diện quân Tây - Nam có nhiệm vụ thủ tiêu bàn đạp của địch ở vùng Da-pô-rô-gie, đồng thời dùng cánh phải tiếp tục vượt sông Đni-ép-rơ và mở rộng bàn đạp trên bờ sông phía Tây, và dùng chủ lực tiến công Cri-vôi Rô-gơ từ phía Đông. Sau khi ta thực hiện các nhiệm vụ đó thì cánh quân phát-xít ở vùng Cri-vôi Rô-gơ sẽ bị bao vây một nửa. Điều kiện để thực hiện điều đó là phải điều tập đoàn quân 46 từ Phương diện quân Thảo nguyên cho Phương diện quân Tây - Nam, chuyển tập đoàn quân cận vệ 4 và tập đoàn quân 52 từ Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ sang Phương diện quân Thảo nguyên.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #152 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 03:06:54 pm »

Trên cũng dự kiến điều từ Phương diện quân Trung tâm các tập đoàn quân 13 và 60 cho Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ, còn Phương diện quân Trung tâm thì lại nhận được các tập đoàn quân 50, 3 và 60 của Phương diện quân Bri-an-xcơ. Lúc đó cũng quyết định bãi bỏ Phương diện quân Bri-an-xcơ, chuyển các cơ quan chỉ huy của nó về vùng Tô-rô-pét-xơ và tổ chức lại thành Phương diện quân Pri-ban-tích.

Trong ngày 29 tháng Chín, tại Phương diện quân Nam, bộ đội của tập đoàn quân xung kích 5, tập đoàn quân 44 và tập đoàn quân cận vệ 2 đập tan các cuộc phản kích của địch và chuẩn bị sẵn sàng để ngày 30 tháng Chín chuyển sang tiến công, trong đó có sẻ dụng thêm quân đoàn cơ giới cận vệ 4 và quân đoàn xe tăng 20. Đêm 29 rạng ngày 30 tháng Chín, tập đoàn quân 51 đang hoàn thành việc tiến quân đến Bôn-sôi Tốc-mắc, ở ngọn nguồn sông Mô-lô-tsơ-nai-a. Quân đoàn xe tăng 19 vừa xuống tàu cũng bắt đầu tiến quân tới đó.

Ngày 1 tháng Mười, tư lệnh Phương diện quân Tây - Nam và tôi nhận được chỉ thị của Đại bản doanh đề ngày 28 tháng Chín quy định nhiệm vụ cho phương diện quân này. Gh. C. Giu-cốp cũng nhận được bản sao. Bản chỉ thị yêu cầu gửi về Đại bản doanh kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ đó chậm nhất là ngày 3 tháng Mười.

Ngày 2 tháng Mười, tôi cùng R. I-a. Ma-li-nốp-xki có mặt ở tập đoàn quân cận vệ 8 của V. I. Tsui-cốp. Ở đây, cũng như ở tập đoàn quân cận vệ 3, chỉ còn lại không đầy một nửa cơ số đạn dược. Biết rằng trận địa phòng ngự của địch có nhiều công sự kiên cố và hỏa lực dày đặc, địch lại tích cực hoạt động thể hiện ở chỗ không ngừng mở nhiều cuộc phản công mạnh mẽ, chúng tôi đi tới kết luận là với số lượng đạn được như vậy thì không thể nào tiếp tục tiến công trên hướng Da-pô-rô-giê.

Chúng tôi quyết định tạm hoãn cuộc tiến công độ 5 - 6 ngày, cho tới khi nào cánh quân xung kích đó có ít nhất 1 – 1,5 cơ số đạn dược. Chúng tôi cũng quyết định điều bộ binh và pháo binh của tập đoàn quân 12 để tăng cường cho cánh quân xung kích; trong thời gian sắp tới, bỏ việc vượt sông Đni-ép-rơ của tập đoàn quân cận vệ 1 và chuyển hai sư đoàn bộ binh của nó về lực lượng dự bị của phương diện quân để tăng cường cho hướng Da-pô-rô-gie.

Trên bờ phía Tây sông Đni-ép-rơ từ nay cho đến khi thủ tiêu được bàn đạp của quân phát-xít ở Da-pô-rô-gie, chúng tôi quyết định chỉ để lại 4 sư đoàn bộ binh thuộc tập đoàn quân 6 và chuyển sang phòng ngự trong một thời gian. Đêm 2 rạng ngày 3 tháng Mười. Đại bản doanh chuẩn y các dự kiến của chúng tôi. Sau đó tôi gấp rút đáp máy bay tới chỗ Ph. I. Tôn-bu-khin.

Ngày 3 tháng Mười, tôi cùng Ph. I. Tôn-bu-khin xem xét những vị trí của địch mà ta chiếm được trên sông Mô-lô-tsơ-nai-a. Lúc bấy giờ, trận địa đột phá rộng gần 18 ki-lô-mét và sâu gần 10 ki-lô-mét. Dải phòng ngự chủ yếu của địch được bố trí công sự rất tốt, như ta dự đoán, đã rơi vào tay chúng ta.

Sau khi mở lại cuộc tiến công ngày 9 tháng Mười, bộ đội Phương diện quân Nam, chìm ngập trong bùn lầy mùa thu, đã bắt đầu chiến đấu để chiếm Mê-li-tô-pôn, nơi án ngữ những con đường dẫn tới Crưm và hạ lưu sông Đni-ép-rơ. Bọn địch mở những cuộc phản kích liên tục và mạnh mẽ. Nhiều khu dân cư mấy lần rơi vào tay địch lại lọt vào tay ta. Cuối cùng, tập đoàn quân 51 được điều từ lực lượng dự bị tới chiến đấu đã đột nhập vào Mê-li-tô-pôn từ phía Nam.

Bắt đầu những trận đánh dai dẳng trên đường phố. Các đội xung kích chiếm hết nhà này sang nhà khác, bao vây và tiêu diệt hết ổ để kháng này đến ổ đề kháng khác, hết điểm tựa này đến điểm tựa khác của bọn phát-xít, mà những đội quân đóng tại đây đã được Hít-le hứa hẹn tăng lương gấp ba nếu giữ được thành phố.

Ngày 12 tháng Mười, ở tập đoàn quân 28, tôi hỏi cung bọn tù binh trung đoàn bộ binh 186 thuộc sư đoàn bộ binh 73 của Đức. Chúng khai rằng ngày 5 tháng Mười, sư đoàn của chúng từ Crưm tới và cho đến 10 tháng Mười vẫn nằm ở lực lượng dự bị cách Mê-li-tô-pôn 20 ki-lô-mét về phía Tây - Nam. Tối 10 tháng Mười, sau khi bộ đội Liên Xô chọc thủng phòng tuyến địch ở phía Nam Mê-li-tô-pôn, sư đoàn của chúng được tung ra chiến đấu nhằm mục đích khôi phục tình thế trên sông Mô-lô-tsơ-nai-a. Sư đoàn của chúng đã được tăng cường pháo tự hành “Phéc-đi-nan”, nhưng cũng không ăn thua gì.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #153 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 03:07:34 pm »

Địch bị tổn thất rất lớn. Ví dụ như tiểu đoàn do một trong những tên sĩ quan tù binh chỉ huy mà tôi hỏi cung, tính đến khi nó bị bắt làm tù binh, đã bị lưới lửa pháo binh của ta tiêu diệt và làm bị thương 280 tên trong tổng số 340 tên. Theo lời khai của các tù binh khác, tổn thất của sư đoàn bộ binh 336 còn nặng nề hơn nữa, và sư đoàn bộ binh 11 chỉ riêng ngày 12 tháng Mười đã mất hết 4 phần 5 quân số.

Trong khi Phương diện quân Nam công kích Mê-li-tô-pôn, thì bộ đội Phương diện quân Tây - Nam, sau khi mở lại cuộc tiến công, đã giải phóng Da-pô-rô-gie và bàn đạp mà bọn địch chiếm giữ trên tả ngạn sông Đni-ép-rơ về phía Đông và Đông - Bắc thành phố đó. Vì tập đoàn quân cận vệ 3 ở sườn trái Phương diện quân Tây - Nam tiến công dọc theo bờ bên trái sông Đni-ép-rơ có nhiệm vụ trực tiếp phối hợp tác chiến trên cùng một địa bàn với các đơn vị của Phương diện quân Nam, cho nên ngày 16 tháng Mười tôi được phép của Tổng tư lệnh tối cao ra lệnh chuyển nó cho Phương diện quân Nam. Đ. Đ. Lê-liu-sen-cô được giao nhiệm vụ đánh thọc qua bãi sậy và chiếm Va-xi-li-ép-ca.

Phương diện quân Nam cũng trông vào sự giúp đỡ của Hạm đội Biển Đen. Nhưng ngày 6 tháng Mười. chiến dịch của hạm đội này với nhiệm vụ thu hút về phía mình một bộ phận của lực lượng dự bị Đức và Ru-ma-ni, đã thất bại và bị mất ba chiến hạm lớn. Đó là do Hạm đội Biển Đen không phối hợp hành động với bộ đội của Phương diện quân Bắc Cáp-ca-dơ cho nên đã tách rời khỏi các đơn vị lục quân. Đành phải “buộc chặt” hải quân với bộ đội Bắc Cáp-ca-dơ và chỉ cho phép họ tiến hành các cuộc chiến đấu xa trên mặt biền khi được Đại bản doanh đồng ý.

Ngày 20 tháng Mười năm 1943, theo quyết định của Hội đồng quốc phòng Nhà nước, các phương diện quân được đổi tên như sau: Phương diện quân Trung tâm thành Phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a, Phương diện quân Ca-li-nin thành Phương diện quân Pri-ban-tích 1. Phương diện quân Pri- ban-tích thành Phương diện quân Pri-ban-tích 2. Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ thành Phương diện quân U-crai-na 1, Phương diện quân Thảo nguyên thành Phương diện quân U-crai-na 2, Phương diện quân Tây - Nam thành Phương diện quân U-crai-na 3 và Phương diện quân Nam thành Phương diện quân U-crai-na 4. Những tên gọi này về cơ bản vẫn còn giữ mãi tới sau khi bộ đội Liên Xô đã đánh đuổi quân phát-xít ra khỏi lãnh thổ của Đất nước xô-viết.

Những tên gọi mới của các phương diện quân cũng phản ánh những thắng lợi của chúng ta. Bọn địch dù có điên cuồng, lồng lộn đến thế nào. cũng đã không thể ngăn cản được bước tiến quân như vũ bão của bộ đội Liên Xô. Cuộc tiến công của Hồng quân đã triển khai từ Lê-nin-grát cho đến tận Crưm.

Mùa thu năm 1943, tôi đặc biệt thường hay tiếp xúc với Ph. I. Tôn-bu-khin. Tôi muôn nói một vài lời thắm thiết về con người đó. Chúng tôi quen biết nhau từ hồi trước chiến tranh, rồi sau đó trở thành bạn thân. Ph. I. Tôn-bu-khin thoạt đầu phục vụ trong quân đội Nga hoàng. Cũng như tôi, trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Tôn-bu-khin đã tiến lên chức vụ tiểu đoàn trưởng. Và khi sắp bắt đầu cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, đồng chí là tham mưu trưởng quân khu.

Trong những năm chiến tranh, những đức tính của Tôn-bu-khin như tinh thần tận tụy làm tròn nhiệm vụ, lòng dũng cảm, tài chỉ huy bộ đội, quan hệ thân mật. hồ hởi với cấp dưới đã được biểu hiện hết sức rõ nét. Tôi nói những điều đó không phải là mượn lời người khác, mà chính là do bản thân được gần gũi Tôn-bu-khin trong thời gian có mặt tại các đơn vị của đồng chí ở Xta-lin-grát, ở Đôn-bát, ở Tả ngạn U-crai-na và ở Crưm.

Các khả năng của Tôn-bu-khin với tư cách là một nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc đã được thể hiện rõ trong các chiến dịch Đôn-bát, Mê-li-tô-pôn, Ni-cô-pôn - Cri-vôi Rô-gơ, Crưm, I-át-xư - Ki-si-ni-ốp, Bê-ô-grát. Bu-đa-pét, Ba-la-tông, Viên, do các Phương diện quân Nam, U-crai-na 3 và U crai-na 4 tiến hành toàn bộ hay một phần dưới quyền chỉ huy của đồng chí.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #154 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 03:08:40 pm »

Tôn-bu-khin tỏ ra là một nhà chiến lược thực sự. Bộ đội do đồng chí chỉ huy đã giải phóng lãnh thổ và nhân dân Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, Nam Tư và Hung-ga-ri khỏi ách kẻ thù, đã đập tan chế độ Hít-le ở Áo; đồng chí trở nên nổi tiếng ở nhiều nước châu Âu. Trong những năm Chiến tranh giữ nước vĩ đại, Mát-xcơ-va đã 36 lần bắn pháo chào mừng những đơn vị bộ đội thắng trận dưới quyền chỉ huy của Ph. I. Tôn-bu-khin.

Cho tới tháng Mười một năm 1943, các Phương diện quân U-crai-na 3 và 4, dưới quyền chỉ huy của R. I-a. Ma-li-nốp-xki và Ph. I. Tôn-bu-khin, vẫn tiếp tục giành lại từng tấc đất của Tổ quốc xô-viết. Cuối cùng, ngày 23 tháng Mười, Mê-li-tô-pôn hoàn toàn sạch bóng quân thù. Ngày 25 tháng Mười, bộ đội Liên Xô chiếm Đni-ép-rô-pê-tơ-rốp-xcơ và Đni-ép-rô-đgiéc-gin-xcơ. Vùng đồng bằng ven Biển Đen sát với Crưm, từ Mê-li-tô-pôn đến vũng cửa sông I-a-goóc-lức giới hạn Bắc Ta-vri-a ở phía Tây, có chiều dài tới trên 200 ki-lô-mét.

Bãi cát A-li-ô-ski chạy tới sát cửa sông Đni-ép-rơ. Bọn địch có thể lợi dụng con đường đó để rút khỏi Crưm và làm tê liệt hoạt động của bộ đội Liên Xô. Bởi vậy, nhiệm vụ ở đây trước tiên là phải hết sức nhanh chóng chốt thật chặt các con đường địch có thể thoát ra khỏi cái túi Crưm. Tôi thường xuyên nhắc nhở bộ tư lệnh Phương diện quân U-crai- na 4 chú ý đến điều này. Và chính bộ tư lệnh phương diện quân cũng hiểu rất rõ điếu đó và đã ra sức thúc giục các tư lệnh tập đoàn quân thuộc quyền mình.

Tập đoàn quân cận vệ 2 đã tiến quân nhanh hơn hết. Đập tan sự chống cự ngoan cố của địch, tập đoàn quân này đã vượt chặng đường từ sông Mô-lô-tsơ-nai-a đến cửa sông Đni-ép-rơ trong hơn một tháng. Cách đó về phía Nam, tập đoàn quân 44 tiến từ Mê-li-tô-pôn đến Ca-khốp-ca. Tập đoàn quân 51 cũng tiến cùng với tập đoàn quân 44 và chiếm Pê-rê-cốp, dọc đường tiến đã đánh tan cụm quân xe tăng và bộ binh của bọn phát-xít tại khu bảo tồn động vật nổi tiếng thế giới A-xca-ni-a - Nô-va. Tại Lũy Thổ Nhĩ Kỳ, tập đoàn quân này đã được quân đoàn xe tăng 19 mở đường tiến lên phía trước.

Quân đoàn kỵ binh cận vệ 4 tiến quân chậm chạp. Để tìm ra nguyên nhân của sự chậm trễ đó, Nguyên soái Liên Xô X. M. Bu-đi-on-nưi, người thông thạo nhất về kỵ binh ở Liên Xô đang ở thăm mặt trận, đã tới đấy xem xét. Những kết luận của đồng chí đối với tư lệnh quân đoàn là không hay lắm. Từ ngày 4 tháng Mười một, I. A. Pli-ép trở thành tư lệnh mới của quân đoàn kỵ binh này.

Tập đoàn quân 28 tiến đến Ghê-ni-tse-xcơ về phía Đông các đơn vị của tập đoàn quân 51, nhưng chẳng bao lâu, nó đã chuyển tới sông Đni-ép-rơ, ở phía Bắc Ca-khốp-ca để bảo vệ phía sau các tập đoàn quân đang tiến công.

Xa hơn nữa về phía Bắc, tập đoàn quân xung kích 5 mở những trận đánh rất ngoan cường, còn tập đoàn quân cận vệ 3 thì chiến đấu ác liệt ở vùng Da-pô-rô-gie. Trong những ngày đó, tập đoàn quân xung kích 5 đã lâm vào tình huống khó khăn hơn cả ở Ni-cô-pôn, giữa Ca-men-ca và Bôn-sai-a Lê-pê-ti-kha, quân Hít-le đã chiếm giữ được một bàn đạp trên tả ngạn sông Đni-ép-rơ. Những cố gắng nhằm thủ tiêu bàn đạp đó đều không thành công. Chúng tôi không thể lấy gì ở lực lượng của Phương diện quân U-crai-na 4 để tăng cường đáng kể cho tập đoàn quân ấy. Còn lực lượng dự bị của Đại bản doanh thì lúc bấy giờ lại phải dành cho các chỗ khác cần thiết hơn.

Tình hình diễn ra làm cho trong những ngày đầu tháng Mười một. Đại bản doanh phải chủ yếu tập trung chú ý vào hướng Ki-ép. Việc bộ đội Liên Xô tiến quân vào vùng Ki-ép đã tạo ra một mối nguy cơ từ phía Bắc cho toàn bộ cánh quân Nam của địch trên mặt trận Xô - Đức. Nhưng những cố gắng của bộ tư lệnh Phương diện quân U-crai-na 1 nhằm đánh chiếm thành phần vào tháng Mười, bằng một đòn chính ở phía Nam Ki-ép từ bàn đạp Bu-crin và một đòn phụ ở phía Bắc từ bàn đạp Li-u-te-giơ, đều không mang lại kết quả, vì bọn Hít-le đã tập trung chủ lực của chúng vào đấy.

Ngày 25 tháng Mười, Đại bản doanh buộc phải sửa đổi quyết định đó và ra lệnh cho phương diện quân chuyển những lực lượng chủ yếu đến Li-u-te-giơ, để từ đó thực hành trận đánh phá chính. Kết quả là nhiệm vụ đã được hoàn thành, và ngày 6 tháng Mười một, thành phố Ki-ép đã được giải phóng.

Mãi đến lúc này, tình hình mới trở nên thuận lợi hơn cho việc tiếp tục tiến công của bộ đội Liên Xô về phía Tây và Tây - Nam. Trên đường truy kích địch, ngày 7 tháng Mười một, Phương diện quân U-crai-na 1 đã đánh chiếm ga đầu mối quan trọng là Pha-xtốp và ngày 13 tháng Mười một thì giải phóng Gi-tô-mia.

Bộ chỉ huy Hít-le gấp rút tung quân từ Tây Âu sang, đã sử dụng mọi biện pháp để chiếm lại Ki-ép. Chúng cũng không từ bỏ ý nghĩ phục hồi lại toàn bộ trận địa phòng ngự dọc sông Đni-ép-rơ. Cuộc chiến đấu ngoan cường để giành lại sông Đni-ép-rơ mà các phương diện quân U-crai-na khác phải tiếp tục tiến hành ở phía Nam Ki-ép đã chứng minh điều đó. Và điều đó cũng xảy ra đối với bàn đạp Ni-cô-pôn đã nói trên.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #155 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 03:09:24 pm »

Điều không kém phần quan trọng là phải lập một bàn đạp cho bộ đội Liên Xô ở gần Ca-khốp-ca hoặc nhanh chóng chiếm Ca-khốp-ca. Ngày 2 tháng Mười một, khi gặp Txvê-ta-ép và Khô-men-cô, tôi đã chuyển mệnh lệnh của Đại bản doanh cho hai đồng chí đó: Txvê-ta-ép thì trong thời gian sắp tới phải thủ tiêu bàn đạp của địch bên tả ngạn sông Đni-ép-rơ và vượt sông ở khu vực Bôn-sai-a Lê-pê-ti-kha; Khô-men-cô thì phải vượt sông ở gần Ca-khop-ca.

Đêm 2 rạng ngày 3 tháng Mười một, Khô-men-cô đã chuyển được sang hữu ngạn sư đoàn 417. Nhưng bọn địch ở đây ngày càng ngoan cố. Tình báo đã xác định rằng bọn phát-xít tăng cường nhiều lực lượng ở Ni-cô-pôn bằng các đơn vị điều từ Cri-vôi Rô-gơ và Ki-rô-vô-grát. Bọn tù binh cũng xác nhận ràng quân đội phát-xít Đức đang được tăng cường ở phía Bắc bán đảo Crưm. Không còn nghi ngờ gì nữa, địch có ý định trong thời gian tới mở những trận đột kích đối diện từ bàn đạp Ni-cô-pôn và từ Crưm, để mở cái túi Crưm và đánh vào phía sau Phương diện quân U-crai-na 4 mà đại bộ phận lực lượng đã ở xa hơn về phía Tây.

Trong ngày 3 và 4 tháng Mười một, tôi đã thảo luận bằng điện thoại với Tổng tư lệnh tối cao về tình hình xảy ra tại Phương diện quân U-crai-na 4. Kết quả là ngày 5 tháng Mười một, chúng tôi nhận được chỉ thị của Đại bản doanh yêu cầu trước tiên phải tiêu diệt bằng được cánh quân địch ở vùng Cri-vôi Rô-gơ - Ni-cô-pôn.

Vì vậy, tạm thời hoãn cuộc tiến công của Phương diện quân U-crai-na 2 vào Ki-rô-vô-grát. Bộ đội Phương diện quân U-crai-na 2 phải đánh bọc Cri-vôi Rô-gơ từ phía Tây và hiệp đồng tác chiến với Phương diện quân U-crai-na 3 để tiêu diệt cánh quân địch ở Cri-vôi Rô-gơ, tiến đến hậu phương của chúng ở bàn đạp Ni-cô-pôn. Còn Phương diện quân U-crai-na 3 thì tiếp tục cuộc tiến công bằng cánh phải ở Bắc Đni-ép-rô-pê-tơ-rốp-xcơ từ phía Bắc đánh vào cánh quân phát-xít ở Ni-cô-pôn, dồn quân Đức vào cánh phải của bộ đội Phương diện quân U-crai-na 4; phương diện quân này hiện đang tiếp tục chiến dịch đột phá vào Crưm nên cũng hướng những cố gắng chủ yếu về phía Ni-cô-pôn.

Ngay trước khi chúng tôi nhận được chỉ thị đó, Tổng tư lệnh tối cao đã giao cho tôi phải cấp tốc nêu ra những thời hạn cụ thể và hết sức chặt chẽ cho Ph. I. Tôn-bu-khin thực hiện các yêu cầu của Đại bản doanh; tôi phải tự mình nắm chặt tiến trình công việc và gửi tất cả các bản sao mệnh lệnh của tôi về Mát-xcơ-va.

Thực chất các mệnh lệnh của tôi đưa ra ngày 5 tháng Mười một tóm lạ: là nhằm bố trí rất chặt chẽ đội hình chiến đấu của tất cả các binh đoàn đánh vào bàn đạp Ni-cô-pôn. Một số binh đoàn được rút về làm lực lượng dự bị của phương diện quân mà chúng tôi rất thiếu. Đại bộ phận lực lượng pháo binh và không quân của phương diện quân cũng được điều tới Ni-cô-pôn.  

Tôi đề nghị Đại bản doanh mở sớm cuộc tiến công của Phương diện quân U-crai-na 2, thành lập lực lượng dự bị của Đại bản doanh tại vùng Mê-li-tô-pôn và chuyển thêm xe tăng cho các Phương diện quân U-crai-na 3 và 4 để bổ sung các quân đoàn xe tăng và cơ giới.
Trong khi đó, như chúng tôi đã nghĩ tới, bọn Hít-le tiến công tập đoàn quân xung kích 5 của Txvê-ta-ép. Các đơn vị xe tăng của chúng tiến vào sau lưng ba sư đoàn bộ binh của tập đoàn quân. Do lưới lửa pháo binh và hoạt động có kết quả của không quân cường kích, trong một ngày, chúng ta đã tiêu diệt tới 40 xe tăng địch. Nhận thấy các sư đoàn kể trên lâm vào tình huống cực kỳ bất lợi, chúng tôi quyết định cho các sư đoàn đó rút lui vào ban đêm và cũng tăng cường rất nhiều cho việc phòng ngự ở đây của bộ đội Liên Xô. Do ta áp dụng nhiều biện pháp, địch không thọc được vào Crưm, đòn phản công của chúng bị đẩy lùi.

Các chiến dịch tiến công của các Phương diện quân U-crai-na 3 và 4 nhằm mục đích thủ tiêu bàn đạp Ni-cô-pôn bắt buộc phải hoãn lại cho tới khi tích trữ đủ đạn dược và khi các trung đoàn pháo tự hành, các trung đoàn xe tăng “KV”, các lữ đoàn pháo binh chống tăng và các lực lượng khác đã tới đầy đủ. Còn chiến dịch tiến công của Phương diện quân U-crai-na 4 đột nhập vào Crưm thì chỉ tiến hành sau khi thủ tiêu được bàn đạp Ni-cô-pôn, để khỏi phân tán lực lượng của không quân và của bộ đội Phương diện quân U-crai-na 4 nói chung.

Tóm lại, kết quả cuộc tiến công mùa thu năm 1943 của quân đội Liên Xô như thế nào? Vào cuối tháng Chín đã giải phóng hầu như toàn bộ Tả ngạn U-crai-na. Từ ngày 16 đến ngày 25 tháng Chín, quân địch bị đánh bật ra khỏi Nô-vô-rô-xi-xcơ Bri-an-xcơ và Xmô-len-xcơ. Đầu tháng Mười một, bộ đội Liên Xô tiến quân đến eo đất Crưm và hình thành bàn đạp ở gần Kéc-tsơ. Cho tới ngày 20 tháng Chạp, trên các con đường dẫn đến Ki-rô-vô-grát và Cri-vôi Rô-gơ, các trận chiến đầu vẫn tiếp tục. Cuối tháng Mười một, thành phô Gô-men được giải phóng. Cuối cùng, mấy ngày trước Năm mới, chiến dịch tiến công Gi-tô-mia - Béc-đi-tsép đã bắt đầu, tạo điều kiện cho việc giải phóng Hữu ngạn U-crai-na.

Thực tế, cuộc chiến đầu giành sông Đni-ép-rơ đã hoàn thành, và Hồng quân đã thu được thắng lợi to lớn. Việc vượt sông, thực sự là vượt sông trong hành tiến, trên một chính diện rộng lớn, qua một con sông rộng và sâu như sông Đni-ép-rơ. và việc đánh chiếm các bàn đạp trên bờ sông phía Tây, trong khi địch chống cự điên cuồng, chỉ có thể thực hiện được nhờ phẩm chất, tinh thần cao đẹp của Hồng quân, nhờ có chủ nghĩa anh hùng tập thể của các chiến sĩ và tài mưu lược của các cán bộ chỉ huy quân sự.

Vì thành tích vượt sông Đni-ép rơ và vì tinh thần dũng cảm quên mình thể hiện trong việc đó 2.438 người thuộc tất cả các quân chủng (47 tướng, 1123 sĩquan, 1.268 hạ sĩquan và chiến sì) đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Trong năm tháng tiến công hầu như liên tục, Hồng quân đã đánh lan 118 sư đoàn địch. Quân đội Liên Xô đã nắm chắc quyền chủ động chiến lược. Đối với nước Đức, tình hình chiến tranh tiếp tục xấu đi nhanh chóng. Khối phát-xít bắt đầu tan rã.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #156 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 03:10:55 pm »

Ở HỮU NGẠN SÔNG ĐNI-ÉP-RƠ

Đến cuối năm 1943, vấn đề chiến cục mùa đông thứ ba đã đặt ra trước mắt ban lãnh đạo của đất nước và các Lực lượng vũ trang. Tình hình chính trị và quân sự của Liên Xô đến lúc đó đã được củng cố rõ rệt. Việc bộ đội Liên Xô kết thúc thắng lợi chiến cục hè - thu năm 1943 bằng sự giải phóng Tả ngạn U-crai-na và Đôn-bát, cô lập quân địch ở Crưm, phá tan tuyến phòng ngự của chúng trên sông Đni-ép-rơ và chiếm được các bàn đạp chiến lược lớn ở hữu ngạn sông Đni-ép-rơ, cũng như phong trào du kích phát triển rộng rãi trong vùng hậu phương địch, và Đại bản doanh có được trong tay những lực lượng dự bị chiến lược hùng hậu, đã tạo nên những điều kiện thuận lợi để tiến hành những chiến dịch tiến còng lớn mới.

Việc giải phóng Crê-men-tsúc, Đni-ép-rô-pê-tơ-rốp-xcơ, Da-pô-rô-gie, Tséc-ca-xư và Ki-ép đã làm cho tình hình địch xấu đi rất nhiều. Một nửa lãnh thổ của Liên Xô do quân thù xâm chiếm đã được giải phóng. Hồng quân đã đập tan sức mạnh tiến công của quân đội Đức Hít-le, bắt buộc quân địch phải chuyển sang phòng ngự trên toàn bộ mặt trận Xô - Đức. Cuộc chiến tranh đã bước vào giai đoạn trực tiếp giải quyết nhiệm vụ hoàn toàn giải phóng đất đai xô-viêt.

Vào tháng Mười một và tháng Chạp, trong khi chỉ đạo hàng ngày các hoạt động tiến công của bộ đội ở mặt trận, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao và Bộ Tổng tham mưu đồng thời cũng đã nghiên cứu kế hoạch các chiến dịch mùa đông sắp tới.

I. V. Xta-lin nhiều lần nói chuyện bằng điện thoại về vấn đề này với Gh. C. Giu-cốp đang ở các đơn vị của các Phương diện quân U-crai-na 1 và 2, và với tôi đang phối hợp hành động của các Phương diện quân U-crai-na 3 và 4. Đồng chí cũng thảo luận vấn đề này với các tư lệnh phương diện quân. Bộ Tổng tham mưu hàng ngày quan tâm đến các vấn đềnày.

Giữa tháng Chạp năm 1943, tôi và Gh. Giu-cốp được gọi về Mát-xcơ-va để thông qua quyết định cuối cùng về chiến cục mùa đông. Khi về Mát-xcơ-va, chúng tôi sơ bộ thảo luận tất cả các vấn đề cơ bản tại Bộ Tổng tham mưu, sau đó nghiên cứu những vấn đề ấy vài ngày ở Đại bản doanh, rồi cuối cùng tất cả những đề nghị của chúng tôi được xem xét toàn diện tại cuộc họp liên tịch của Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản (b) toàn Liên bang, Hội đồng quốc phòng Nhà nước và Đại bản doanh.

Trong một năm, kể từ cuộc phản công ở Xta-lin-grát, bộ đội Liên Xô đã tiêu diệt hoàn toàn hoặc bắt làm tù binh 56 sư đoàn địch, làm cho 162 sư đoàn bị thất bại nặng nề. Đến cuối năm 1943, quân thù bắt buộc phải điều từ phương Tây 75 sư đoàn, nhiều phương tiện kỹ thuật quân sự và vũ khí.

Sức mạnh của các Lực lượng vũ trang Liên Xô không ngừng tăng lên. Trong năm 1943 đã thành lập thêm 78 sư đoàn mới. Hồi đó, bộ đội chiến đấu ở mặt trận đã có trên 6 triệu chiến sĩ và sĩ quan, 91.000 đại bác và súng cối, 4.900 xe tăng và pháo tự hành. 8.500 máy bay. Hơn nữa. Đại bản doanh có lực lượng dự bị đáng kể. Theo những số liệu mà Bộ Tổng tham mưu có được thì Hồng quân đã có ưu thế hơn quân đội Hít-le cả về quân số, cả về phương tiện kỹ thuật chiến đấu lẫn vũ khí.

Trong thời gian đó, cán bộ quân sự Liên Xô cũng đã trưởng thành rõ rệt. Họ đã có thêm kinh nghiệm mới của nghệ thuật chỉ huy chiến lược và chiến dịch - chiến thuật và học được cách đánh quân thù có hiệu quả hơn mà ít bị thiệt hại nhất. Tất cả những điều đó không những cho chúng ta khả năng mới, mà còn bắt buộc chúng ta phải triển khai những chiến dịch tiến công rộng lớn trên toàn bộ mặt trận từ Lê-nin-grát đến Biển Đen, nhằm mục đích giải phóng càng nhanh càng tốt toàn bộ đất đai xô-viết khỏi bàn tay quân thù, và quan tâm đặc biệt đến các sườn của mặt trận Xô - Đức. Chúng ta dự kiến cuộc tiến công này như là một loạt chiến dịch có tính chất chiến lược kế tiếp nhau, được tiền hành trong những thời điểm khác nhau trên những khu vực cách xa nhau.

Phiên họp liên tịch của Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng, Hội đồng quốc phòng Nhà nước và Đại bản doanh đã nghiên cứu sâu sắc và toàn diện tình hình chính trị và quân sự trong nước, phân tích tỉ mỉ sự so sánh lực lượng và triển vọng chiến tranh, điều đó cho phép xác định một cách hợp lý nhất kế hoạch tiếp tục hành động.

Cuộc họp đã quyết định trong năm 1944 bắt đầu tiến hành những chiến dịch có tính chất chiến lược ở hướng Tây - Bắc bằng lực lượng của các Phương diện quân Lê-nin-grát, Vôn-khốp và Pri-ban-tích 2, với sự yểm trợ của Hạm đội Ban-tích, nhằm đánh tan cụm tập đoàn quân “bắc" của Đức, hoàn toàn phá vỡ vòng vây Lê-nin-grát và tiến đến biên giới Pri-ban-tích. Ở hướng Tây-nam của mặt trận Xô-Đức thì dự tính trong mùa đông sẽ giải phóng Hữu ngạn U-crai-na và Crưm, và đến mùa xuân thì tiến ra biên giới quốc gia của Liên Xô.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #157 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 03:12:35 pm »

Việc giải phóng Hữu ngạn U-crai-na được thực hiện trong quá trình 7 chiến dịch; 6 chiến dịch đầu được gắn bó với nhau bằng ý đồ chiến lược thống nhất và với những hoạt động quân sự trên các mặt trận khác: chiến dịch Gi-tô-mia - Béc-đi-tsép (từ 24 tháng Chạp năm 1943 đến 14 tháng Giêng năm 1944), chiến dịch Ki-rô-vô-grát (từ 5 đến 10 tháng Giêng), chiến dịch Coóc-xun - Sép-tsen-cốp-xki (từ 24 tháng Giêng đến 17 tháng Hai năm 1944), chiến dịch Rô-vơ-nô - Lút-xcơ (từ 27 tháng Giêng đến 11 tháng Hai), chiến dịch Ni-cô-pôn ở Cri-vôi Rô-gơ (từ 30 tháng Giêng đến 29 tháng Hai), chiến dịch Prô-xcu-rốp - Tséc-nốp-xư (từ 4 tháng Ba đến 17 tháng Tư), chiến dịch U-man - Bô-tô-sa-ni ( từ 5 tháng Ba đến 16 tháng Tư) và chiến dịch Bê-rê-dơ-nê-gô-va-tôi-ê - Xni-ghi-ri-ốp-ca (từ 6 đến 18 tháng Ba).

Chiến dịch có tính chất chiến lược nhằm tiêu diệt các đơn vị địch trên toàn bộ cánh Nam của mặt trận Xô - Đức và tạo điều kiện để hoàn toàn quét sạch bọn chiếm đóng ra khỏi U-crai-na, nhìn chung được hình thành như vậy. Bổ sung cho các chiến dịch nói trên là chiến dịch tiến công Ô-đét-xa (từ 26 tháng Ba đến 14 tháng Tư) trên thực tế trùng vào thời gian đó nhưng lại có tính chất khá độc lập xét về mặt tổ chức và thực hiện.

Cuối cùng, khi tất cả các chiến dịch này đã được kết thúc hoặc sắp kết thúc thì bắt đầu chiến dịch Crưm (từ 8 tháng Tư đến 12 tháng Năm). Những chiến dịch Coóc-xun - Sép-tsen-cốp-xki và Crưm là những chiến dịch lớn nhất trong các chiến dịch nói trên hồi đông - xuân năm 1944; chỉ có chiến dịch Lê-nin-grát - Nốp-gô-rát, đã đi vào lịch sử với tên gọi là “đòn thứ nhất”, là lớn hơn hai chiến dịch trên mà thôi.

Sau cuộc họp liên tịch nói trên của Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản (b) toàn Liên bang. Hội đồng quốc phòng Nhà nước và Đại bản doanh, Gh. C. Giu-cốp và tôi làm việc thêm mấy ngày ở Bộ Tổng tham mưu nữa. Hàng ngày, chúng tôi đến chỗ Xta-lin, xác định các chi tiết của kế hoạch và các chỉ thị cho các phương diện quân.

Ngay sau khi Tổng tư lệnh tối cao chuẩn y các bản chỉ thị, theo lệnh của đồng chí, chúng tôi liền quay trở lại các phương diện quân như trước. I. V. Xta-lin không thích chúng tôi “nấn ná” ở thủ đô. Đồng chí cho rằng ở Bộ Tổng tham mưu và Bộ dân ủy quốc phòng đã có đủ người để chỉ đạo công tác hàng ngày. Còn vị trí của các phó Tổng tư lệnh và của Tổng tham mưu trưởng là ở các đơn vị để trực tiếp thực hiện tại chỗ các ý đồ của Đại bản doanh, phối hợp hành động chiến đấu của các phương diện quân và giúp đỡ các phương diện quân.

Hễ tôi hoặc Gh. C. Giu-cốp nán lại Mát-xcơ-va thêm một thời gian ngắn thì đồng chí hỏi ngay:

- Bây giờ đồng chí sẽ đi đâu? - và nói thêm: - Đồng chí hãy tự lựa chọn nên đi đến phương diện quân nào. Đôi khi, Xta-lin lại cho ngay những chỉ thị thích hợp.

Các chỉ thị của Đại bản doanh dự kiến, thoạt đầu tiêu diệt bọn địch ở các vùng phía Đông Hữu ngạn U-crai-na, đánh bật địch ra xa hẳn sông Đni-ép-rơ và tiến đến tuyến sông Nam Búc (đến Péc-vô-mai-xcơ) và sông In-gu-lét (từ Cri-vôi Rô-gơ đến cửa sông). Sau đó, phát triển cuộc tiến công, tiến đến tuyến Lút-xcơ - Mô-ghi-li-ốp - Pô-đôn-xki - Đne-xtơ-rơ; đồng thời tiêu diệt cánh quân địch ở Crưm và giải phóng Crưm.

Cụ thể, các phương diện quân được chỉ thị như sau: Phương diện quân U-crai-na 1 (N. Ph. Va-tu-tin) sẽ đánh đòn chủ yếu vào Vin-ni-txa và Mô-ghi-li-ốp - Pô-đôn-xki, một phần lực lượng cánh phải của phương diện quân đánh vào Lút-xcơ, còn cánh trái đánh vào Khơ-ri-xti-nốp-ca, để cùng với các đơn vị của Phương diện quân U-crai-na 2 bao vây và tiêu diệt cánh quân phát-xít mạnh ở Coóc-xun - Sép- tsen-cốp-xki đang chiếm giữ khu đất nhô Ca-nép;
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #158 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 03:19:00 pm »

Phương diện quân U-crai-na 2 (I. X. Cô-nép) đánh đòn chủ yếu vào Ki-rô-vô-grát, Péc-vô-mai-xcơ và một phần lực lượng đánh vào Khơ-ri-xti-nốp-ca. Nhiệm vụ trước mắt là cùng với các đơn vị thuộc cánh trái Phương diện quân U-crai-na 1 tiêu diệt bọn địch đang phòng ngự khu đất nhô Ca-nép. Phương diện quân U-craì-na 2 vẫn phải thực hiện nhiệm vụ mà Đại bản doanh đã giao phó trước đây là giúp đỡ Phương diện quân U-crai-na 3 để tiêu diệt bọn địch ở Cri-vôi Rô-gơ. Tổng tư lệnh tối cao cho rằng việc giải quyết đó có ý nghĩa quan trọng, vì khu công nghiệp Cri-vôi Rô-gơ đóng một vai trò kinh tế to lớn.

Phương diện quân U-crai-na 3 (R. I-a. Ma-li-nốp-xki) và Phương diện quân U-crai-na 4 (Ph. I. Tôn-bu-khin) hoạt động trên các hướng giao nhau, có nhiệm vụ phải tiêu diệt cánh quân địch ở Ni-cô-pôn - Cri-vôi Rô-gơ, sau đó phát triển cuộc tiến công vào Péc-vô-mai-xcơ, Ni-cô-lai-ép và Ô-đét-xa để giải phóng tất cả miền ven bờ Biển Đen. Đồng thời, Phương diện quân U'crai-na 4 sẽ giải phóng Crưm. Tham gia thực hiện mục đích này còn có tập đoàn quân độc lập Pri-mô-ri-ê, được thành lập ngày 15 tháng Mười một năm 1943 từ các binh đoàn của Phương diện quân Bắc Cáp-ca-dơ, Hạm đội Biển Đen, Phân hạm đội A-dốp và đội du kích Crưm.

Các kế hoạch này dựa trên cơ sở thực tế vững chắc. Những thắng lợi to lớn thu được trong mùa thu năm 1943 đã chứng minh rõ ràng rằng các Lực lượng vũ trang Liên Xô đã lớn mạnh. Khả năng cơ động của các đơn vị đã được tăng cường, việc điều khiển bộ đội đã được cải thiện, xung lực và hỏa lực đã lớn mạnh. Như vậy, những thứ mà các Lực lượng vũ trang Liên Xô có trong mùa đông thứ ba của cuộc chiến tranh là cao hơn hẳn về chất so với những thứ có hồi đầu chiến tranh.

Bộ Tổng tham mưu đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm tác chiến. Đầu năm 1944, phòng vận dụng kinh nghiệm chiến tranh được đổi thành cục. Các sách tham khảo cho sĩ quan, sổ tay cho chiến sĩ thuộc các binh chủng khác nhau được viết ra thường xuyên, các tuyển tập luận văn về từng vấn đề đã được xuất bản, trong đó các tác giả phân tích tất cả những thành tựu tốt đẹp nhất mà các đơn bị bộ đội Liên Xô đã đạt được để biến những cái đó thành vốn quý chung. 4 triệu 20 vạn người, đó là số quân bổ sung cho quân đội thường trực năm 1944.

Các binh đoàn không quân cũng đã lớn mạnh. Các quân đoàn không quân gồm nhiều loại máy bay hỗn hợp trở thành những đơn vị thuần nhất một loại và được trang bị những phương tiện kỹ thuật chiến đấu mới, ngày càng mạnh hơn: trong các quân đoàn không quân cường kích đã bắt đầu xuất hiện loại "IL-10” là "xe tăng bay” tốt nhất thế giới; trong các quân đoàn không quân tiêm kích đã bắt đầu xuất hiện loại máy bay “La-7" là loại đáng tin cậy nhất trong chiến tranh thế giới thứ hai và loại máy bay cơ động nhất “Iac-3”.

Từ mùa xuân năm 1944, mỗi một phương diện quân đều có một lữ đoàn công binh mô-tô hóa, còn 3 Phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a và 2 Phương diện quân U-crai-na thì mỗi phương diện quân đều có một lữ đoàn công binh mô-tô hóa xung kích. Đã thành lập những lữ đoàn súng cối hạng nặng, trang bị súng cối 160 mi-li-mét và cả những lữ đoàn súng cối phản lực hạng nặng, có dàn pháo mạnh BM-31 - 12. Các đơn vị bắt đầu được sử dụng những loại pháo chống tăng mới (85 và 100 mi-li-mét), các loại pháo tự hành 100, 122 và 152 mi-li-mét.

Ở xe tăng T-34, pháo 76 mi-li-mét được thay thế bằng pháo 85 mi-li-mét, vỏ thép dầy hơn và tốc độ nhanh hơn. Đã xuất hiện loại xe tăng hạng nặng Ix-2, mà quân Đức gọi là "Con cọp Nga”. Các tập đoàn quân bộ đội hợp thành bây giờ chủ yếu bao gồm hai quân đoàn có bốn sư đoàn hoặc ba quân đoàn có ba sư đoàn, và được bảo đảm tốt về kỹ thuật chiến đấu và các loại phương tiện chiến tranh hiện đại.

Bộ chỉ huy phát-xít Đức hiểu rằng nếu mất U-crai-na thì mặt trận phía Đông ở miền Nam Liên Xô sẽ bị sụp đổ. Nhưng, vì quá thổi phồng những thiệt hại và sự mệt mỏi của Hồng quân, và hy vọng tình trạng đường sá lầy lội sẽ rất nặng, cho nên chúng tính toán rằng trước mùa hè, bộ đội Liên Xô không thể nào mở những chiến dịch tiến công lớn trên cánh Nam của mặt trận và, như vậy, chúng có thể tập trung những lực lượng cần thiết, phục hồi trận địa phòng ngự dọc sông Đni-ép-rơ và liên lạc được với các đơn vị của chúng đang bị chốt ở Crưm.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #159 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 03:35:35 pm »

Cuộc phản kích mà Man-stai-nơ tiến hành ngay vào tháng Mườt một năm 1943 trên hướng Tây - Nam không mang lại kết quả gì. Sau những trận chiến đấu gay go, địch chỉ có thể tạm thời bịt được chỗ đột phá trên chính diện, nhưng chúng không tài nào giành lại quyền chủ động của Hồng quân và lấy lại Ki-ép được.

Đồng thời, mặc dầu đã bị tổn thất nặng nề, vào đầu năm 1944, quân đội phát-xít Đức vẫn còn khá mạnh và có thể tiến hành chiến tranh phòng ngự kịch liệt. Việc thiếu mặt trận thứ hai ở châu Âu cũng đã giúp đỡ nhiều cho việc đó, vì những hành động tác chiến tiến hành ở miền Trung I-ta-li-a, xét về ý nghĩa quan trọng và quy mô, dĩ nhiên, không thể nào gọi là mặt trận thứ hai thực sự được.

Trên mặt trận Xô - Đức lúc bấy giờ, quân địch có 198 sư đoàn và 6 lữ đoàn Đức, 3 tập đoàn không quân Đức cùng 38 sư đoàn và 18 lữ đoàn của các nước liên minh với Đức. Những đạo quân đó bao gồm tới 4.9 triệu người, được trang bị trên 54 nghìn pháo và cối, 5.400 xe tăng và pháo tiến công, 3.000 máy bay. Bộ đội chiến đấu của Hồng quân bao gồm 6,1 triệu người, gần 89 nghìn pháo và cối, trên 2.000 dàn pháo phản lực, 4.900 xe tăng và pháo tự hành. 8.500 máy bay chiến đấu.

Dĩ nhiên, điều đáng chú ý là chúng ta có ít xe tăng hơn địch, dù chỉ là tạm thời. Điều đó trước hết là do những tổn thất không nhỏ của quân đội Liên Xô trong các chiến dịch tiến công to lớn năm 1943. Nhưng, năm lập đoàn quân xe tăng của chúng ta (và mùa đông năm 1944 lạt thêm tập đoàn quân thứ sáu) cũng có thể tập trung những lực lượng xe tăng hùng hậu trên hướng tiến công chính. Lực lượng đó đã đè bẹp kẻ thù bằng hỏa lực và xích sắt, mở đường cho bộ binh Liên Xô và phá vỡ tuyến phòng ngự của bọn phát-xít. Nhưng chính trong khi làm như vậy các đơn vị nói trên là mũi nhọn tiên phong cũng bị thiệt hại đáng kể.

Ngoài ra, không nên đánh giá quá thấp tiềm lực kinh tế của nước Đức Hít-le. Bằng cách bóc lột lao động của hàng trăm nghìn công nhân nước ngoài rơi vào ách nô lệ phát-xít, bắt buộc các xí nghiệp quốc phòng của một số nước bị chiếm đóng phải phục vụ các nhu cầu của mặt trận, nước Đức phát-xít đã có thể tổ chức được nền sản xuất quân sự.

Vì vậy vào khoảng giữa năm 1943 - 1944, việc chiến đấu với các binh đoàn xe tăng Đức hoàn toàn không phải là việc đơn giản. Và bộ đội Liên Xô mỗi khi phải dừng lại phòng ngự thì đều nhất thiết phải bố trí trận địa phòng ngự sâu, chống cả máy bay và xe tăng, với những công sự kiên cố.

Ở cánh Nam mặt trận Xô-đức, vào đầu năm 1944, bọn Hít-le có một trong những cánh quân chiến lược lớn nhất của chúng. Chọi với bốn phương diện quân U-crai-na của Liên Xô, trên khu vực từ sông Pri-pi-át đến bờ Biển Đen, bên địch có: cụm tập đoàn quân "Nam" của thống chế Man-stai-nơ (các tập đoàn quân xe tăng 4 và 1, các tập đoàn quân dã chiến 8 và 6) và cụm tập đoàn quân “A” của thòng chế Clai-xtơ (tập đoàn quân 3 của Ru-ma-ni và tập đoàn quân 17 của Đức, quân đoàn độc lập 44 của Đức; trong những ngày đầu tháng Hai, cụm quân này còn có thêm tập đoàn quân dã chiến 6 điều từ cụm quân “nam” tới).

Các đạo quân đó được tập đoàn không quân 4 yểm trợ. Cả hai cụm quân bao gồm 1,76 triệu binh lính và sĩ quan, 16.800 pháo và cối, 2.200 xe táng và pháo xung kích, 1.460 máy bay. Theo mệnh lệnh hết sức nghiêm ngặt của Hít-le, chúng phải bám giữ bằng bất kỳ giá nào các vùng lúa mì vô cùng phong phú ở Hữu ngạn U-crai-na và các tỉnh miền Tây U-crai-na, thành phố Ni-cô-pôn với các xí nghiệp khai thác và chế biến man-gan, khu Cri-vôi Rô-gơ giàu quặng sắt và vùng Crưm, bảo vệ vững chắc các đường giao thông ở cánh phía Nam mặt trận Xô - Đức.

Bộ chỉ huy Hít-le cũng còn hy vọng phục hồi trận địa phòng ngự của chúng dọc sông Đni-ép-rơ. Vì vậy, chúng hết sức ngoan cố giữ bằng được bàn đạp Coóc-xun - Sép-tsen-cốp-xki rất thuận lợi để đánh thọc sườn vào cả cánh trái của Phương diện quân U-crai-na 1 lẫn cánh phải của Phương diện quân U-crai-na 2, và giữ bàn đạp ở phía Nam Ni-cô-pôn là bàn đạp bảo vệ khu Cri-vôi Rô-gơ và cho phép đánh đòn đột kích vào Mê-li-tô-pôn ở phía sau Phương diện quân U-crai-na 4, đồng thời tiến đến cánh quân Đức - Ru-ma-ni ở Crưm.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM