Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:13:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sự nghiệp cả cuộc đời  (Đọc 118911 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #140 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2010, 01:11:54 pm »

Nói chung, tình hình như thế nào? Đêm 10 rạng ngày 11 tháng Tám, Tổng tư lệnh tối cao đã nói qua điện thoại với tôi đại khái như sau: có đầy đủ cơ sở để tin rằng nhiệm vụ tiêu diệt cánh quân địch ở vùng Khác-cốp và đánh chiếm Khác-cốp bằng các lực lượng của Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và Phương diện quân Thảo nguyên nay mai sẽ giải quyết xong. Nhưng Phương diện quân Tây - Nam cần phải giúp đỡ nhiều cho hai phương diện quân đó.

Phương diện quân của Ma-li-nốp-xki (nhất là cánh phải của nó) không những phải bảo đảm chắc chắn cho mũi tiến công của các đơn vị của Cô-nép vào Khác-cốp từ phía Nam và Đông - Nam, mà còn phải hoạt động hết sức tích cực để góp phần vào việc đó

Tổng tư lệnh tối cao yêu cầu, từ nay cho đến khi giải quyết cái nhiệm vụ mà trong thời gian tới sẽ là nhiệm vụ chủ yếu của hướng Tây - Nam, tôi phải tập trung toàn bộ sự chú ý vào Phương diện quân Tây - Nam. Tôi được phép cùng tư lệnh Phương diện quân Nam tiến hành cuộc hội nghị tập huấn cho bộ tư lệnh các tập đoàn quân, các quân đoàn và các chỉ huy binh chủng đã định vào ngày 11 tháng Tám. Nhưng chậm nhất là ngày 12 tháng Tám, tôi phải có mặt tại Phương diện quân Tây - Nam. Và cùng lúc đó, Phương diện quân Nam được phép bắt đầu chiến dịch chọc thủng trận địa phòng ngự của địch trên sông Mi-u-xơ ngày 18 tháng Tám.

Cuộc hội nghị các cán bộ lãnh đạo Phương diện quân Nam được nhóm họp ở khu vực sau chỗ giáp ranh giữa tập đoàn quân xung kích 5 và tập đoàn quân cận vệ 2. tại nơi mà Thảo nguyên bị cắt ngang bởi nhánh sông Tu-dơ-lốp của sông Đôn, thường cạn khô về mùa hè. Ph. I. Tôn-bu-khin báo cho hội nghị biết nhiệm vụ trước mắt và giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi một tập đoàn quân. Sau đó, tôi trình bày tóm tắt tình hình mặt trận Xô - Đức, thông báo tỉ mỉ hơn về những sự kiện trên cánh phía Nam của mặt trận, nhấn mạnh ý nghĩa quân sự, chính trị và kinh tế to lớn của chiến dịch giải phóng Đôn-bát và nêu rõ những hy vọng mà Hội đồng quốc phòng Nhà nước và Đại bản doanh đặt vào Phương diện quân Nam.

Chúng tôi đã thảo luận lâu và cặn kẽ cách thức tiến hành chiến dịch. Mọi người phân tích tính chất trận địa phòng ngự của địch; các đặc điểm của sông Mi-u-xơ mà chúng tôi sẽ phải vượt qua; mức độ kháng cự sắp tới của địch; thành phần và nơi bố trí các lực lượng dự bị của địch. Sau khi bàn bạc nhất trí về tất cả nhưng điểm quan trọng nhất của việc tổ chức đột phá và tiếp tục phát triển chiến dịch, tôi đã yêu cầu bộ tư lệnh đến sáng 18 tháng Tám phải hoàn thành mọi công tác chuẩn bị và từ biệt họ để đi sang chỗ Ma-li-nốp-xki.

Tham mưu trưởng Phương diện quân Nam X. X. Bi-ri-u-dốp cũng đã cùng với các cán bộ lãnh đạo khác của phương diện quân khẩn trương chuẩn bị cho các đơn vị và các bộ tham mưu đi vào chiến dịch trước mắt. Bi-ri-u-dốp cũng lo lắng không kém Tôn-bu-khin, vì đây cũng là lần đầu tiên đồng chí tham gia vào việc tiến hành một chiến dịch của phương diện quân.

Là một cán bộ chỉ huy quân sự đầy nghị lực, kiên quyết và nghiêm khấc, khi cần thiết cũng khắt khe, Bi-ri-u-dốp bổ sung rất tốt cho tính tình dịu dàng và bình tĩnh của Ph. I. Tôn- bu-khin. Theo tôi, tình đoàn kết chiến đấu và sự chung sức hoạt động để lãnh đạo các phương diện quân của hai đồng chí là một ví dụ về sự phối hợp thành công gần như lý tưởng các đức tính của hai nhà chỉ huy quân sự lớn.

Khuya ngày 11 tháng Tám, tôi đến tìm R. I-a. Ma-li-nốp-xki tại sở chỉ huy phương diện quân được tổ chức ngay trên hướng chủ công (khu vực tập đoàn quân 12), và tôi được biết rằng ở cánh phải phương diện quân đang cố gắng làm mọi việc để bắt đầu vượt sông Bắc Đô-ne-txơ muộn nhất là hai ngày nữa, và cánh quân chủ yếu của phương diện quân cũng đang chuẩn bị gấp rút để bước vào tiến công ngày 16 tháng Tám từ một nơi ở phía Nam I-di-um.

Chúng tôi quyết định, sau khi nghỉ ngơi chốc lát, đến rạng đông thì đi tới cánh phải của phương diện quân và ở lại đấy ngày 13 tháng Tám, quan sát bộ đội ta tiến quân đến con đường sắt Khác-cốp – Lô-dô-va-i-a và đến ngọn nguồn sông Ô-rê-lơ như thế nào. Sau đó, tư lệnh phương diện quân phải trở lại hướng chính còn tôi thì ở lại cánh phải và giữ liên hệ với Phương diện quân Thảo nguyên.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #141 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2010, 01:12:52 pm »

Qua các cuộc nói chuyện điện thoại với Gh. C. Giu-cốp, tôi được biết tình hình tiến công thắng lợi của Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và Phương diện quân Thảo nguyên. Bộ đội Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ đã tiến quân đến gần Bô-rôm-li-a, Ác-tư-rơ-ca, Cô-ten-va và đã cắt đứt con đường sắt Khác-cốp - Pôn-ta-va. Bộ đội Phương diện quân Thảo nguyên thì đã tiến sát vành đai phòng thủ bên ngoài của Khác-cốp.

Lúc đó, A. I. An-tô-nốp cũng xin ý kiến tôi về những dự thảo chỉ thị cho các Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và Thảo nguyên về hoạt động tiếp theo trên hướng đó, mà Bộ Tổng tham mưu đã chuẩn bị để trình lên Đại bản doanh. Chúng tôi cũng xác định thêm về các nhiệm vụ cửa Phương diện quân Tây - Nam. An-tô-nốp xác nhận những tin tức về việc ba sư đoàn xe tăng SS Đức đã đến hướng Khác-cốp ở phía Nam Bô-gô-đu-khốp, và nhấn mạnh rằng Tổng tư lệnh tối cao xem việc Phương diện quân Tây - Nam nhanh chóng bắt đầu hoạt động là có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Cần phải cố gắng gấp rút lên.

Sáng sớm 12 tháng Tám, tôi và Gh. C. Giu-cốp nhận được chỉ thị của Đại bản doanh, trong đó đề ra những nhiệm vụ của các phương diện quân mà chúng tôi đã biết. Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ được giao nhiệm vụ, sau khi cắt đứt đường rút lui của cánh quân địch ở vùng Khác-cốp, đánh chiếm Pôn-ta-va và vượt sông Đni-ép-rơ ở Crê-men-tsúc. Phương diện quân Thảo nguyên sau khi chiếm Khác-cốp thì chiếm Cra-xnô-grát (tỉnh Khác-cốp) và tiếp đó vượt sông Đni-ép-rơ ở phía Bắc Đni-ép-rô-pê-tơ-rốp-xcơ. Phương diện quân Tây - Nam thì đánh thọc đến sông Đni-ép-rơ ở Da-pô-rô-gie và cắt đứt những con đường rút lui của cánh quân phát-xít ở Đôn-bát.

Chúng tôi được giao nhiệm vụ truyền đạt chỉ thị cho các tư lệnh phương diện quân Va-tu-tin. Cô-nép và Ma-li-nốp-xki. Để tăng cường cho bộ đội Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ, hầu như ngay lúc bây giờ, trên đã điều cho Va-tu-tin tập đoàn quân cận vệ 4.
Tư lệnh các Phương diện quân Tây (V. Đ. Xô-cô-lốp- xki), Bri-an-xcơ (M. M. Pô-pốp) và Trung tâm (C. C. Rô-cô-xốp-xki) cũng nhận được chỉ thị của Đại bản doanh về kế hoạch chiến lược nói trên.

Trong khi cùng với R. I-a. Ma-li-nốp-xki làm việc khẩn trong ở các đơn vị cánh phải Phương diện quân Tây - Nam, tôi được trực tiếp làm quen với phong cách lãnh đạo của V. V. Gla-gô-lép, tư lệnh tập đoàn quân 46. Là một cán bộ chỉ huy quân sự có kinh nghiệm, đồng chí chuẩn bị rất tỉ mỉ cho các binh đoàn hoàn thành các nhiệm vụ trên giao. Ma-li-nốp-xki cho tôi biết rằng ở tập đoàn quân cận vệ 1, mọi việc cũng đều trôi chảy cả. Tôi báo cáo với Tổng tư lệnh tối cao về khả năng có thể bắt đầu chiến dịch đúng thời hạn quy định.

Ngay từ ngày đầu tiến công, các trận chiến đấu đã rất gay go, đẫm máu. Sau khi vượt qua sông Bắc Đô-ne-txơ, bộ đội Phương diện quân Tây - Nam đã mở những trận đánh quyết liệt để chiếm thành phố Dơ-mi-ép và phối hợp với tập đoàn quân 57 của Phương diện quân Thảo nguyên. Trong những ngày đó, bộ đội của I. X. Cô-nép cũng mở những trận đánh bền bỉ và ngoan cường để chiếm Khác-cốp.

Ngày 16 tháng Tám, như đã dự kiến trong kế hoạch, cánh quân chủ lực của Phương diện quân Tây - Nam cũng bước vào tiến công, nhưng đã đụng phải sự chống cự kịch liệt của địch. Địch tập trung tại đây một số lớn xe tăng, pháo binh và không quân, và mặc dầu bộ đội Liên Xô đã đánh thọc sâu vào trận địa phòng ngự của chúng, nhưng vẫn chưa chọc thủng ngay được

Trước khi tiếp tục câu chuyện về tình hình tiến hành các chiến dịch trên hướng Khác-cốp và giải phóng Đôn-bát, tôi muốn nói ra ngoài để một tí về một việc không hay xảy ra cho tôi.

Sáng sớm 17 tháng Tám, tôi đang ở sở chỉ huy phía trước của tập đoàn quân 46 thì nhận được của I. V. Xta-lin bức điện sau đây:

“Gửi nguyên soái Va-xi-lép-xki. Bây giờ đã là 3 giờ 30 phút ngày 17 tháng Tám mà đồng chí vẫn chưa gửi vế Đại bản doanh báo cáo về kết quả chiến dịch trong ngày 16 tháng Tám và về ý kiến nhận định tình hình của đồng chí. Từ lâu tôi đã yêu cầu đồng chí, người đại diện toàn quyền của Đại bản doanh là nhất thiết sau mỗi ngày chiến dịch phải gởi những báo cáo riêng. Đồng chí hầu như mỗi lân đều quên nhiệm vụ đó và không gửi báo cáo về Đại bản doanh.

Ngày 16 tháng Tám là ngày đầu tiên của chiến dịch quan trọng ở mặt trận Tây - Nam mà đồng chí là đại diện toàn quyền của Đại bản doanh tại đây. Thế mà đồng chí lại vẫn quên nhiệm vụ của mình trước Đại bản doanh và không gửi báo cáo về Đại bản doanh.

Lần cuối cùng tôi báo trước cho đồng chí biết rằng nếu đồng chí còn quên nhiệm vụ của mình trước Đại bản doanh thì đồng chí sẽ bị cách chức tổng tham mưu trưởng và sẽ bị rút về, không được ở mặt trận nữa...

I. V. Xta-lin".

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #142 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2010, 01:13:53 pm »

Bức điện làm cho tôi sửng sốt. Trong suốt bao nhiêu năm phục vụ quân đội, tôi chưa hề có lần nào bị một nhận xét cỏn con hoặc bị khiển trách. Tất cả lỗi lầm của tôi trong trường hợp này là vì ngày 16 tháng Tám, với tư cách đại diện của Đại bản doanh, tôi xuống các đơn vị của tập đoàn quân của V V Gla-gô-lép, cho nên sự thực làm bản báo cáo hàng ngày có chậm mất vài giờ.

Trong suốt thời gian công tác với I. V. Xta-lin, nhất là trong thời kỳ Chiến tranh giữ nước vĩ đại tôi luôn luôn cảm thấy đồng chí chú ý đến tôi, thậm chí có thể nói rằng, đồng chí đặc biệt quan tâm đến mức mà tôi cảm thầy mình chưa xứng đáng. Vậy có chuyện gì thế?

Khi trở về sở chỉ huy phương diện quân, iôi liên lạc ngay lập tức bằng điện thoại với phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất A. I. An-tô-nốp. Tôi cảm thấy đồng chí đó cũng xúc động về sự việc đã xảy ra và cố gắng tìm mọi cách làm cho tôi yên tâm. Đồng chí nói rằng bản báo cáo của tôi mà vì nó Xta-lin đã nặng lời, Bộ Tổng tham mưu đã nhận được và đã trình Đại bản doanh. Nhưng đó là sau khi Xta-lin đã gửi bức điện trên đây cho tôi.

An-tô-nốp nói thêm cho tôi yên tâm rằng Xta-lin đã chỉ thị cho đồng chí không được cho bất cứ một ai biết bức điện đó và đồng chí ấy phải giữ lấy. Đồng chí còn báo cho tôi biết rằng sự tiến triển yếu ớt của cuộc tiến công tại các Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ, Thảo nguyên và Tây - Nam làm cho Tổng tư lệnh tối cao rất lo lắng. Không nhận được báo cáo, Xta-lin đã tìm cách liên hệ với tôi bằng điện thoại, nhưng không được. Và thế là đồng chí đọc cho An-tô-nốp viết bức điện vừa nêu trên.

Tôi chỉ xin nói thêm rằng Xta-lin không phải chỉ nghiêm khắc riêng với mình tôi. Đồng chí đòi hỏi tất cả các đại diện của Đại bản doanh đều phải có kỷ luật như vậy. Chúng tôi chỉ được phép đi lại theo ý mình trong phạm vi những phương diện quân mà chúng tôi chịu trách nhiệm phối hợp hành động. Muốn đi sang các phương diện quân khác thì phải được sự phê chuẩn đặc biệt của Tổng tư lệnh tối cao.

Tôi cho rằng việc Xta-lin không hề dễ dãi đối với đại diện của Đại bản doanh là vì lợi ích của sự lãnh đạo tác chiến đối với cuộc đấu tranh vũ trang. Tổng tư lệnh tối cao rất chú ý theo dõi diễn biến tình hình ở mặt trận, ứng phó nhanh chóng với mọi sự biến chuyển và nắm chắc trong tay việc điều khiển bộ đội.

Đêm 21 rạng ngày 22 tháng Tám, A. I. An-tô-nốp cho tôi biết một chỉ thị gửi cho tư lệnh Phương diện quân Vô-rô-ne- giơ là N. Ph. Va-tu-tin:

“Tình hình trong những ngày gần đây chứng tỏ rằng đồng chí không chú ý đến kinh nghiệm quá khứ và tiếp tục phạm lại những sai lầm cũ, cả trong việc đặt kế hoạch cũng như trong việc tiến hành chiến dịch. Ham tiến công khắp nơi và cố chiếm thật nhiều đất, mà không củng cố thắng lợi và bảo đảm vững chắc hai bên sườn của các cánh quân xung kích, là một khuynh hướng tiến công có tính chất tràn lan.

Tấn công như vậy dẫn đến phân tán lực lượng và phương tiện, làm cho quân địch có thể đánh vào sườn và sau lưng các mũi của quân ta đã tiến lên quá xa mà không được bảo đảm hai bên sườn, và địch có thể chia cắt quân ta thành từng bộ phận mà đánh.

Trong tình thế như vậy, địch đã tiến được vào hậu phương của tập đoàn quân xe tăng 1 hiện đang ở trong khu vực A-lêch-xê-ép. Cô-vi-a-tsi, sau đó đánh thọc vào sườn dễ hở của các binh đoàn thuộc tập đoàn quân cận vệ 6 đang tiến đến tuyến Ô-tơ-ra-đa, Vi-a-dô-va-i-a, Pa-na-xốp-ca và cuối cùng, ngày 20 tháng Tám, chúng đã đánh một đòn từ khu vực Ác-tơ-rơ-ca sang Đông - Nam vào phía sau tập đoàn quân 27, các quân đoàn xe tăng cận vệ 4 và 5.

Do các hoạt động đó các địch, bộ đội ta đã bị những tổn thất to lớn và cũng mất nốt diễn biến thuận lợi để tiêu diệt cánh quân địch ở Khác-cốp. Một lần nữa, tôi bắt buộc phải vạch rõ cho đồng chí thấy những sai lầm không thể tha thứ được mà đồng chí đã nhiều lần phạm phải khi tiến hành các chiến dịch. và yêu cầu đồng chí trong những ngày tới phải hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nhất là tiêu diệt cho kỳ được cánh quân địch ở vùng Ác-tư-rơ-ca. Đồng chí có thể thực hiện được điều đó, vì đồng chí có đầy đủ phương tiện.

Tôi yêu cầu đừng phân tán, đừng lo lao vào nhiệm vụ bao vây bàn đạp Khác-cốp từ phía Pôn-ta-va, mà phải tập trung mọi chú ý vào nhiệm vụ thực tế và cụ thể là tiêu diệt cánh quân địch ở vùng Ác-tư-rơ-ca, vì nếu không tiêu diệt cánh quân địch này thì không thể nào giành được những thắng lợi quan trọng cho Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ.

I. V. Xta-lin”

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #143 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2010, 01:14:41 pm »

Tối hôm đó, tôi nhận được chỉ thị của Đại bàn doanh gửi cho Gh. C. Giu-cốp. Trong chỉ thị nói:

“Kế hoạch tiến công của Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ nhằm chiếm Ác-tư-rơ-ca vào ngày 20. VIII rõ ràng là không thành công. Chiến dịch tiêu diệt cánh quân địch ở vùng Khác-cốp cũng bị kéo dài.

Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao không hiểu bây giờ các Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và Thảo nguyên hoạt động theo kế hoạch nào.

Đại bản doanh yêu cầu đồng chí trình kế hoạch chiến dịch tiêu diệt cánh quân địch ở vùng Ác-tư-rơ-ca và đánh chiếm bàn đạp Ác-tư-rơ-ca, Cô-ten-va, Cô-lôn-ta-ép, Pác-khô-mốp-ca.

Muốn vậy, chỉ sử dụng lẻ tẻ các tập đoàn quân và các quân đoàn xe tăng thì chưa được. Phải tổ chức đột phá trận tuyến quân địch bằng các lực lượng chủ yếu của pháo binh và không quân, giồng như đã từng tổ chúc ở phía Bắc Bê-lơ-gô-rốt.

Chiến dịch này phải ăn khớp về thời gian với trận đột phá tuyến phòng ngự của địch ở chỗ tiếp giáp giữa Phương diện quân Thảo nguyên và Phương diện quân Tây - Nam. Việc chỉ đạo tổ chức đột phá ở cánh phải Phương diện quân Tây - Nam và việc hiệp đồng phương diện quân đó với Phương diện quân Thảo nguyên được giao cho đồng chí A-lech-xan-đrốp (Va-xi-lép- xki. - B. T.), đồng chí này phải giữ liên lạc chặt chẽ với đồng chí I-u-ri-ép (Giu-cốp. - B. T.).

Cánh phải cái Phương diện quân Tây - Nam có thể bắt đầu tiến công ngày 26 - 27. VIII.

Hãy trình kế hoạch chiến dịch vào cuối ngày 22. VIII, để có thể bắt đầu điều động các Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và Thảo nguyên muộn nhất là ngày 27. VIII. Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao...”


Tôi trở lại nói về chiến dịch Đôn-bát. Ngày 18 tháng Tám, tôi đến sở chỉ huy Phương diện quân Tây - Nam đặt sát bờ phía Tây sông Bắc Đô-ne-txơ. Sau khi bàn bạc tình hình với Ma-li-nốp-xki, chúng tôi quyết định chuẩn bị để ngày 19 tháng Tám mở lại một trận tấn công nữa, sau khi đã rút bớt lực lượng ở các khu vực thứ yếu để cố hết sức tăng cường cho cánh quân xung kích của phương diện quân và thu hẹp tới mức nhỏ nhất mũi đột phá vào trận địa phòng ngự của địch.

Nhưng trận tấn công này cũng không mang lại kết quả mong muốn. Chúng tôi được biết rằng phía địch cũng dồn tất cả vào khu vực bị tấn công đến nỗi để các khu vực bên cạnh bị sơ hở hết sức. Vì vậy, chúng tôi quyết định lợi dụng điều đó đình chỉ những trận tấn công vô ích tại đây và bí mật điều động những lực lượng cần thiết xuống quá phía Nam một chút. Thật ra, tại đây chúng tôi sẽ phải vượt sông Bắc Đô-ne-txơ. Chúng tôi giao cho tập đoàn quân cận vệ 8 giữ vai trò chủ yếu trong việc này.

Theo sự tính toán của chúng tôi, công việc điều động bộ đội và chuẩn bị trận đánh mới cần đến năm - sáu ngày đêm. Trong lúc báo cáo bằng điện thoại với I. V. Xta-lin về tình hình trước mắt, tôi trình bày luôn đề nghị đó của bản thân tôi và của cán bộ tư lệnh phương diện quân. Nhưng tình hình lại một lần nữa không lấy gì làm phấn khởi: Phương diện quân Thảo nguyên vẫn tiến hành những trận chiến đấu kéo dài để chiếm Khác-cốp, còn Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ hoạt động ở chếch phía Bắc thì không những không thu được thắng lợi, mà còn phải chịu đựng những trận phản kích lớn của địch ở vùng Ác-tư-rơ-ca.

Xta-lin không hài lòng, nói chuyện một cách lạnh lùng, quở trách tôi và bộ tư lệnh phương diện quân khá nhiều và xác đáng, nhưng cũng có đôi chỗ không hoàn toàn có căn cứ. Tuy vậy, đề nghị của chúng tôi đã được chấp nhận, và chúng tôi được phép bắt đầu chiến dịch trên khu vực mới vào ngày 27 tháng Tám.

Sau đó chuyển sang nói chuyện về tình hình ở Phương diện quân Nam. Ở đây, tình hình thuận lợi hơn nhiều. Sau cuộc bắn chuẩn bị mãnh liệt của pháo binh và không quân, tập đoàn quân xung kích 5 ngay ngày đầu tiến công đã đè bẹp sự chống cự của địch, chọc thủng trận địa phòng ngự của chúng và tiến được 10 ki-lô-mét.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #144 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2010, 01:15:16 pm »

Đêm 18 rạng ngày 19 tháng Tám, quân đoàn cơ giới cận vệ 4 được tung vào đột phá, một ngày đêm tiến được 20 ki-lô-mét, tiến đến sông Crưn-ca, chiếm bàn đạp ở đấy và uy hiếp con đường sắt Am-vrô-xi-ép-ca - Xta-li-nô. Trong hai ngày tiếp theo, cánh quân xung kích của phương diện quân không những đẩy lùi được nhiều đợt phản kích của bọn phát-xít, mà còn tiếp tục phát triển cuộc tiến công, mở rộng diện đột phá. Do đó, lực lượng địch chống chọi với Phương diện quân Nam ngay những ngày đầu chiến dịch đã bị chia cắt thành hai phần, bị hở sườn ở khu vực ta đột phá.

Tôi báo cáo với Xta-lin rằng, theo tôi, tình hình ở Phương diện quân Nam có nhiều hứa hẹn. Đồng chí đồng ý cho tôi quay lại chỗ Tôn-bu-khin, nhưng chỉ sau khi giải quyết thành công nhiệm vụ ở vùng Khác-cốp.

Ngày 22 tháng Tám, tôi đến thăm tư lệnh Phương diện quân Thảo nguyên là I. X. Cô-nép. Đến lúc này, bộ đội của Cô-nép đã đánh vu hồi Khác-cốp từ nhiều phía. Khi được tin địch đang có những cố gắng để rút khỏi Khác-cốp, Cô-nép đã ra những chỉ thị cuối cùng cho bộ đội xung phong đánh chiếm thành phố và cắt đứt hẳn những con đường rút lui còn nằm trong tay địch.

Sau khi nhất trí với Cô-nép và chủ yếu là với Gh. C. Giu-cốp về những vấn đề chung trong hoạt động tiếp theo của bộ đội và bàn bạc cụ thể hơn về các Phương diện quân Thảo nguyên và Tây - Nam, tôi trở lại chỗ Ma-li-nốp-xki. Và đêm 22 rạng ngày 23 tháng Tám, Khác-cốp đã được hoàn toàn giải phóng. Bây giờ, bộ đội của các Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và Thảo nguyên đang đe dọa cánh phía Nam tuyến phòng ngự của địch, uy hiếp mạnh các lực lượng địch ở Đôn-bát.

Mặc dầu vậy, trong những ngày tiếp theo, cuộc tiến công của cánh trái Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và của toàn bộ Phương diện quân Thảo nguyên ở vùng Khác-cốp và ở phía Đông - Nam Khác-cốp vẫn phát triển vô cùng chậm chạp. Quân địch cố cứu vãn lực lượng của chúng ở Đôn-bát khỏi bị đánh vào sườn, đã chống cự hết sức kịch liệt mặc dầu cũng đã bị những tổn thất nặng nề. Những sự không may này của ta đã được Phương diện quân Nam bù đắp một phần, vì trong ngày giải phóng Khác-cốp, các đơn vị cơ giới của phương diện quân này đã tiến vào vùng Am-vrô-xi-ép-ca và đánh chiếm thành phố này.

Ba ngày giao chiến ác liệt nữa trôi qua. Trong báo cáo gửi cho Tổng tư lệnh tối cao về tình hình ngày 26 tháng Tám, tôi nói rằng những cố gắng của tập đoàn quân 46 đánh từ phía Nam nhầm giúp tập đoàn quân 57 đập tan tuyến phòng ngự của địch, mặc dầu bộ đội hoạt động xuất sắc và điều thêm vào đây ba sư đoàn sung sức, đã không đạt được kết quả gì quan trọng cả ngoài việc chiếm được một vài khu dân cư lẻ tẻ.

Do cánh trái của Phương diện quân Thảo nguyên tiến công chậm, cho nên cánh phải của Phương diện quân Tây - Nam bị hở sườn trên bờ Bắc sông Mơ-gia. Vì vậy, ngày 27 tháng Tám, tập đoàn quân Gla-gô-lép một lần nữa lại phải chủ yếu dồn sức vào việc chi viện cho đơn vị bạn ở phía Bắc.

Tại Phương diện quân Nam, quân đoàn kỵ binh cận vệ 4 và quân đoàn cơ giới cận vệ 4 cùng với một bộ phận lực lượng của tập đoàn quân cận vệ 2 và của tập đoàn quân 28 đã bắt đầu công kích về phía Nam để đập tan trận tuyến phòng ngự của địch trước mặt tập đoàn quân 44 và chiếm Ta-gan-rốc. Đồng thời, tập đoàn quân xung kích 5 cũng bắt đầu hoạt động tích cực để phá hủy tuyến phòng ngự của địch trước mặt tập đoàn quân 51. Tất cả những điều đó tạo khả năng tổ chức trận đánh vào Xta-li-nô để kết hợp với các hành động tiếp sau của Phương diện quân Tây - Nam.

Đêm 27 rạng ngày 28 tháng Tám, tôi đến phương diện quân của Ph. I. Tôn-bu-khin. Về phía biển, phương diện quân của đồng chí đã được Phân hạm đội A-dốp yểm trợ rất tốt
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #145 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2010, 01:15:51 pm »

Bằng hoạt động phối hợp của tập đoàn quân 44 tiến công thẳng vào Ta-gan-rốc, với sự chi viện của quân đoàn cơ giới cận vệ 4 và quân đoàn kỵ binh cận vệ 4 đánh bọc thành phố từ phía Bắc và Tây - Bắc, và với sự tham gia của tập đoàn quân không quân 8 và các tàu chiến đổ bộ, ngày 30 tháng Tám, bộ đội Liên Xô đã chiếm được Ta-gan-rốc, bao vây ở Tây - Bắc Ta-gan-rốc bọn tàn quân địch đang cố thủ trên sông Mi-u-xơ và tiêu diệt chúng ngày 31 tháng Tám. Vào đầu tháng Chín, tập đoàn quân xung kích 5 lại tiến công, đánh trên hướng đi tới Đê-ban-txê-vô. Ngay cả ở đây bọn phát-xít cũng phải lùi. Nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là giải phóng các thành phố I-lô-vai-xcơ và Ma-ri-u-pôn.

Tình hình ở các Phương diện quân Tây - Nam và Thảo nguyên đã được cải thiện. Phương diện quân Tây - Nam đã giải phóng Li-xi-tsan-xcơ, còn Phương diện quân Thảo nguyên thì đã chiếm đầu mối đường sắt Liu-bô-tin và mở những trận chiến đấu ngoan cường để chiếm Mê-rê-pha. Ngày 2 tháng Chín, bộ đội của Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ đánh thọc vào Xu-mư.

Trong những ngày đó, Phương diện quân Trung tâm công kích trên hướng Nốp-gô-rốt – Xê-véc-xki. Nhưng khi nhận thấy rằng trên hướng phụ là hướng Cô-nô-tốp đã đạt được kết quả to lớn hơn cả, C. C. Rô-cô-xốp-xki liền bố trí lại lực lượng chủ yếu của phương diện quân và, bất chấp bùn lầy trên các bãi sông Clê-vê-nhơ, Xây-mơ, U-bếch và Đô-tsơ, kiên quyết cho các binh đoàn của mình tiến quân vào miền trung lưu sông Đê-xna, đánh vào Ba-khơ-ma-tsơ.

Trận đột phá tuyến phòng ngự của bọn phát-xít một lúc ở hai nơi là dọc sông Mi-u-xơ và ở Bắc U-crai-na đã làm cho tình hình của cụm tập đoàn quân “nam” của Đức trở nên vô cùng nguy khốn. Nhớ lại những trận chiến đấu ác liệt trong tháng Tám ở vùng Khác-cốp và ở Đôn-bát, Man-stai-nơ, nguyên tư lệnh cụm tập đoàn quân đó, đã viết:

“Tất nhiên, chúng tôi không ngờ rằng về phía Liên Xô lại có những khả năng tổ chức to lớn như vậy thể hiện trong trận này và cả trong việc phát triển nền công nghiệp quân sự. Quả là chúng ta đã gặp phải một con thủy túc nhiều đầu, cứ chặt đứt một cái đầu thì nó lại mọc ra hai cái đầu mới... Đến cuối tháng Tám, chỉ riêng cụm quân chúng tôi đã mất 7 sư đoàn trưởng, 38 trung đoàn trưởng và 252 tiểu đoàn trưởng... Nguồn dự trữ của chúng tôi đã cạn rồi...”

Tình hình chiến lược trở nên nguy khốn thảm hại tại khu vực của cụm lập đoàn quân “nam” vào cuối tháng Tám đã bắt buộc Hít-le phải rời miền Đông Phổ và ngày 27 tháng Tám tới Vin-ni-txa là tổng hành dinh dã chiến của hắn. Man-stai-nơ viết rằng ở đây, tại cuộc hội nghị cấp chỉ huy cụm quân của hắn, hắn “đã đề ra cho Hít-le một sự lựa chọn rõ ràng: hoặc là nhanh chóng điều cho chúng tôi những lực lượng mới, ít nhất là 12 sư đoàn, đồng thời thay thế những trung đoàn đã bị yếu của chúng tôi bằng những đơn vị từ những khu vực khác của mặt trận còn yên tĩnh; hoặc là bỏ Đôn-bát để giải thoát các lực lượng trên mật trận của cụm quân.

Hít-le... đã hứa sẽ điều cho chúng tôi, từ mặt trận của các cụm tập đoàn quân “bắc” và cụm tập đoàn quân “Trung tâm” tất cả những binh đoàn nào có thể rút ở đây ra. Ông ta cũng hứa trong những ngày tới sẽ cho biết rõ khả năng thay thế những sư đoàn đã bị kiệt quệ trong chiến đấu bằng những sư đoàn lấy từ các khu vực yên tĩnh hơn của mặt trận.

Ngay trong những ngày tiếp theo, chúng tôi đã thấy rõ rằng những lời hứa đó chỉ là những lời hứa suông. Quân xô viết đã tiến công sườn trái của cụm quân “Trung tâm" (tập đoàn quân 2) và đã chọc thủng được một bộ phận, làm cho tập đoàn quân này phải rút lui về phía Tây. Trên địa bàn của tập đoàn quân 4 của cụm quân đó, do đối phương tiến công thắng lợi, cho nên tình hình cũng trở nên nguy ngập.

Ngày 28 tháng Tám, thống chế Phôn Cơ-luy-gơ đến tổng hành dinh của quốc trưởng và báo cáo rằng không thể nào rút bớt lực lượng từ khu vực mặt trận của hắn. Cụm quân "Bắc" cũng không thể cho được một sư đoàn nào cả”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #146 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2010, 01:16:28 pm »

Trong lúc đó, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô tiếp tục tăng cường sức mạnh của các mũi tiến công quân địch. Ví dụ, ngày 2 tháng Chín, I. V. Xta-lin gọi điện báo cho tôi biết rằng, nhân thắng lợi to lớn của bộ đội Phương diện quân Nam, đồng chí đã ra chỉ thị điều tới đó các quân đoàn xe tăng 20 và 11. Chúng tôi nhất trí ý kiến là sử dụng xe tăng cùng với quân đoàn kỵ binh cận vệ 5, để qua Vôn-nô-va-kha đánh bọc thành phố Xta-li-nô từ phía Tây - Nam, đến gặp Phương diện quân Tây - Nam.

Trong những ngày đó, chúng tôi nóng lòng chờ đợi bộ đội Phương diện quân Tây - Nam xuất hiện trên sông Vôn-tsi-a, nhưng không được. Vì hỏa lực mạnh mẽ dày đặc của trận tuyến phòng ngự của địch và vì địch dùng cả xe tăng để phòng ngự, cho nên cuộc tiến công bắt đầu ngày 3 tháng Chín của các tập đoàn quân cân vệ 6 và 8 không đạt kết quả. Tôi cùng với R. I-a. Ma-li-nốp-xki trong suốt một ngày đã quan sát diễn biến các trận đánh trên khu vực mặt trận giữa I-di-um và Xla-vi-an-xcơ và đi đến kết luận là trong thời gian trước mắt không thể nào hy vọng thắng lợi tại đây được.

Trong khi đó thì tập đoàn quân cận vệ 3 của Đ. Đ. Lê-liu-xen-cô ở sườn trái của phương diện quân này lại giành được thắng lợi lớn, chỉ trong một ngày 3 tháng Chín đã tiến được 20 - 30 ki-lô-mét, chiếm Prô-lê-tác-xcơ, Ca-mư-sê-va-kha, Pô-pa-xnai-a, Péc-vô-mai-xcơ và vượt qua đầu nguồn sông Lu-ga-nhơ để tiến về phía Ác-ti-ô-mốp-xcơ.

Phương diện quân Nam cũng giành được thắng lợi lớn. Tập đoàn quân 51, tập đoàn quân xung kích 5 được sự phối hợp của tập đoàn quân cận vệ 2 của phương diện quân này, sau khi giải phóng Đê-ban-txê-vô, Oóc-giô-ni-kít-dê, đã tiến đến Khác-txi-dơ-xcơ và I-lô-vai-xcơ. Các tập đoàn quân 28 và 44, sau khi thọc vào trận địa phòng ngự của địch trên bờ Tây sông Ê-lan-tsích, đã mở rộng khu vực đột phá để cho quân đoàn kỵ binh cận vệ 4 và quân đoàn cơ giới cận vệ 4 tiền qua.

Theo quyết định của Ph. I. Tôn-bu-khin, sư đoàn pháo binh 26 vừa mới đến phương diện quân của đồng chí, cũng tiến quân tới đó. Để tránh những tổn thất vô ích, tôi và Ma-li-nốp-xki quyết định cho cánh quân giữa của Phương diện quân Tây - Nam thôi không tiến công tiếp, mà phát triển tiến công bằng cách phát huy thắng lợi của tập đoàn quân Lê-liu-sen-cô, sau khi đã điều cấp tốc cho nó quân đoàn cơ giới cận vệ 1, quân đoàn xe tăng 23 và quân đoàn bộ binh 33 rút từ tập đoàn quân 6. Chúng tôi cũng đề nghị rút tập đoàn quân của Tsui-cốp về lực lượng dự bị của phương diện quân để sử dụng sau, tùy theo tình hình.

Theo sự tính toán của chúng tôi, quân đoàn cơ giới cận vệ 1 và quân đoàn xe tăng 23 phải đến chỗ Lê-liu-sen-cô muộn nhất là ngày 6 tháng Chín, và chúng tôi dự kiến rằng mũi đột kích của các quân đoàn đó từ Ác-ti-ô-mốp-xcơ qua Côn-xtan-ti-nốp-ca, Cra-xnô-ác-mây-xcôi-ê đánh bọc thành phố Xta-li-nô từ Tây-bắc sẽ phối hợp về mặt tác chiến với hoạt động của các quân đoàn xe tăng 11 và 20 và quân đoàn kỵ binh cận vệ 5; ba quân đoàn này sẽ đồng thời tiến công từ Am-vrô-xi-ép-ca, cũng để đánh bọc Xta-li-nô, nhưng từ phía Tây - Nam.

Tổng tư lệnh tối cao tán thành những đề nghị của chúng tôi trừ việc rút tập đoàn quân cận vệ 8 của Tsui-cốp về lực lượng dự bị. Ngày 4 tháng Chín, tôi đi đến tập đoàn quân cận vệ 3. Hóa ra tham mưu trưởng tập đoàn quân đã một ngày một đêm nay không biết tư lệnh tập đoàn quân hiện đang ở đâu. Mãi đến đêm 4 rạng 5 tháng Chín, Lê-liu-sen-cô mới xuất hiện tại sở chỉ huy của mình ở Mi-rơ-nai-a Đô-li-na. Thì ra đồng chí đã thành lập một đội cơ động, sử dụng các xe ô tô chiến lợi phẩm, một số xe tăng của trung đoàn xe tăng 243 và trung đoàn bộ binh 293 thuộc sư đoàn bộ binh 259 đang tiến công có kết quả, và đích thân chỉ huy chiến đấu.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #147 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2010, 01:17:20 pm »

Với sự tham gia của các đơn vị đi trước của tập đoàn quân 51 thuộc Phương diện quân Nam bên cạnh, đội quân này đã tiêu diệt quân Hít-le gần Ni-ki-tốp-ca. Sau khi chiếm lĩnh thành phố, thu nhiều chiến lợi phẩm, Lê-liu-sen-cô lại chi viện cho các đơn vị của Phương diện quân Nam đánh chiếm Goóc-lốp-ca nằm xa ngoài phạm vi địa bàn phụ trách của tập đoàn quân mình, trong khi đó không làm thế thì rõ ràng là tập đoàn quân 51 cũng đánh chiếm được Goóc-lốp-ca. Còn nhiệm vụ của chính tập đoàn quân Lê-liu-sen-cô đánh chiếm Ác-ti-ô-map-xcơ vào ngày 4 tháng Chín thì phải đến ngày 5 mới giải quyết được. Thế là tôi phải chỉ cho Đ. Đ. Lê-liu-sen-cô thấy rằng chủ động sáng kiến là đáng khen nếu nó không phạm vào tính tôe chức trong việc thực hiện nhiệm vụ của chính mình.

Qua lời khai của bọn tù binh, chúng tôi biết rằng bộ chỉ huy phát-xít cố chặn cuộc tiến công của bộ đội Liên Xô lại trên tuyến Xla-vi-an-xcơ, Cra-ma-toóc-xcơ, Côn-xtan-ti-nốp-ca, rồi theo sông Can-mi-út, để bảo vệ những con đường dẫn tới trung tâm Đôn-bát. Nhưng ngay ngày 6 tháng Chín, các Phương diện quân Tây - Nam và Nam phát triển tiến công thắng lợi đã làm thất bại kế hoạch đó, giải phóng khỏi ách quân chiếm đóng trên 100 khu dân cư, trong đó có Ma-kê-ép-ka, Côn-xtan-ti-nốp-ca, Cra-ma-toóc-xcơ, Xla-vi-an-xcơ, Đru-giơ-rốp-ca.

Ngày 7 tháng Chín bắt đầu giai đoạn kết thúc những trận chiến đấu để giải phóng Đôn-bát, và sau đó một ngày thì tập đoàn quân xung kích 5 được sự phối hợp của tập đoàn quân cận vệ 2 đã chiếm được thành phố Xta-li-nô. Ngày 10 tháng Chín, bộ đội Phương diện quân Tây - Nam giải phóng đầu mối đường sắt Bác-ven-cô-vô, còn Phương diện quân Nam thì giải phóng Vôn-nô-va-kha, và hiệp đồng với quân đổ bộ của Phân hạm đội A-dốp, đã giải phóng trung tâm công nghiệp luyện kim quan trọng Ma-ri-u-pôn.

Bọn Hít-le không cam tâm chịu mất Đôn-bát. Ngày 11 và 12 tháng Chín, chúng nhiều lần mở những trận phản kích ác liệt và chiếm lại được một số khu dân cư trong một thời gian. Để đánh lùi các trận phản kích, R. I-a. Ma-li-nốp-xki buộc phải điều cho tập đoàn quân cận vệ 3 lực lượng dự bị cuối cùng của phương diện quân - quân đoàn bộ binh 33.

Ph. I. Tôn-bu-khin cũng đã sử dụng hết lực lượng dự bị của phương diện quân. Bây giờ bất đắc dĩ phải quay lại ý nghĩ tạm thời để tập đoàn quân cận vệ 8 và cả tập đoàn quân 44 làm lực lượng dự bị. Và mặc dầu vậy, đến ngày 15 tháng Chín, chúng ta đã tiến đến tuyến Lô-dô-va-i-a - Tsa-pli-nô - Gu-li-ai Pô-lê-uốc-dúp.

Chỉ sau đó, địch mới chịu tin là chúng không thể giữ Đôn-bát được nữa và bắt đầu rút quân về phía Mê-li-tô-pôn, Pô-lô-ghi và Xi-nen-ni-cô-vô. điều quan trọng là không cho địch tách rời khỏi bộ đội chúng ta. Và bây giờ các binh đoàn cơ động của chúng ta phải hoạt động.

Ngày 15 tháng Chín, tôi có mặt ở cụm quân của N. I-a. Ki-ri-tsen-cô, gồm ngoài quân đoàn kỵ binh cận vệ 4 của đồng chí đó, còn có quân đoàn cơ giới cận vệ 4. Cụm quân này phải đi qua Vê-khơ-nhê-tốc-mắc để tiến nhanh về phía Mê-li-tô-pôn tới sông Mô-lô-tsơ-nai-a.

Tôi gặp tướng Ki-ri-tsen-cô ở vùng ven phía Đông làng Quy-bư-sê-vô cách Pô-lô-ghi 30 ki-lô-mét về phía Đông - Nam. Ở đây, tôi được biết rằng các đơn vị của cụm quân đã dừng lại, và tuy rằng quân địch không có trận địa phòng ngự liên tục, họ vẫn tiến hành những trận đánh để chiếm lẻ tẻ từng địa điểm và điểm cao. Tôi ra lệnh đình chỉ những trận chiến đấu không cần thiết đó lại, bỏ qua những ổ kháng cự của địch bằng cách đi tránh để lao nhanh tới sông Mô-lô-tsơ-nai-a và nếu có thể thì trong hành tiến đánh chiếm Mê-li-tô-pôn.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #148 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 03:04:05 pm »

CUỘC CHIẾN ĐẤU GIÀNH SÔNG ĐNI-ÉP-RƠ

Sắp đến mùa thu năm 1943. Giai đoạn của bước ngoặt căn bản trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại đang kết thúc. Làn sóng chiến tranh tràn sang phía Tây. Những trận đánh lớn trên sông Vôn-ga, sông Đôn, trên hàng chục con sông mà bọn Hít-le đã biến thành bộ phận của các tuyến phòng ngự của chúng, đã qua rồi.

Bộ đội Liên Xô nắm chắc trong tay quyền chủ động chiến lược đã bước lên con đường đi thẳng tới toàn thắng. Con đường đó không phải là dễ dàng. Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng ta đã tạo được bước quyết định trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Các hoạt động của bộ đội Liên Xô, những kế hoạch và ý đồ chiến dịch - chiến lược của các tư lệnh phương diện quân đã vững vàng hơn trước nhiều. Các nhà chỉ huy quân sự Liên Xô ngày càng nắm chắc nghệ thuật phức tạp tiến hành các chiến dịch tiến công cơ động, đồng thời không quên sự cần thiết phải biết phòng ngự.

Rút lui về phía sông Đni-ép-rơ, bọn phát-xít cố chiếm trận địa phòng ngự trên bờ sông. Nhiệm vụ của bộ đội Liên Xô là không cho địch tổ chức phòng ngự trên các con đường dẫn đến sông Đni-ép-rơ, không cho chúng biến đất đai U-crai-na thành sa mạc hoang tàn, phải tiến càng nhanh càng tốt đến trung lưu và hạ lưu sông Đni-ép-rơ và chiếm các bàn đạp trên bờ sông bên kia. Tổng tư lệnh tầm cao nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vượt sông Đni-ép-rơ trong hành tiến.

Tối 18 tháng Chín, tôi được nói chuyện tỉ mỉ với Tổng tư lệnh tối cao về quá trình phát triển tiếp sau của các chiến dịch. Kết quả đi đến quyết định sau đây. Bộ đội của Phương diện quân Tây - Nam sẽ tiến lên giải phóng Đni-ép-rô-pê-tơ-rốp-xcơ và Da-pô-rô-gie để ngay trong thời gian sắp tới vượt qua bờ phía Tây sông Đni-ép-rơ và giữ vững bàn đạp tại đấy. Bộ đội Phương diện quân Nam có nhiệm vụ chọc thủng và thủ tiêu tuyến phòng ngự của địch dọc sông Mô-lô-tsơ-nai-a, rồi sau khi khóa chặt bọn phát-xít ở Crưm lại sẽ tiến đến hạ lưu sông Đni-ép-rơ và vượt sông tại dây. Các Phương diện quân Trung tâm và Vô-rô-ne-giơ thì tập trung cố gắng vào hướng Ki-ép, còn Phương diện quân Thảo nguyên thì vào hướng Pôn-ta-va - Crê-men-tsúc.

Bàn bạc với các tư lệnh Phương diện quân Tây - Nam và Nam về việc thực hiện các nhiệm vụ đã được vạch ra, chúng tôi đi đến kết luận là nên điều chỉnh lai đội hình một đôi chút. Kết quả là tại Phương diện quân Tây - Nam, thay tập đoàn quân 51 của Phương diện quân Nam đã hoạt động trên hướng Da-pô-rô-gie bằng tập đoàn quân cận vệ 3 và đưa nó về Ô-rê-phốp làm lực lượng dự bị của Phương diện quân Nam; cấp tốc điều tập đoàn quân cận vệ 8 vào khu vực phía Nam Pa-vlô-grát và sử dụng nó để tăng cường cho hướng Đni-ép-rô-pê-tơ-rốp-xcơ hoặc hướng Da-pô-rô-giê; chậm nhất là ngày 23 tháng Chín, triển khai tập đoàn quân 44, quân đoàn xe tăng 20 và sư đoàn pháo binh 26 thuộc Phương diện quân Nam trong khu vực tiếp giáp giữa tập đoàn quân xung kích 5 và tập đoàn quân cận vệ 2 để tăng cường cho mũi công kích về hướng Tây - Nam.

Không đợi tập đoàn quân 44 đến, cần phải làm tất cả những gì có thể làm được để chọc thủng trong hành tiến tuyến phòng ngự của địch dọc sông Mô-lô-tsơ-nai-a bằng các lực lượng và phương tiện hiện có. Trong những ngày sắp tới, chúng tôi cùng dự kiến đánh chiếm cả Mê-li-tô-pôn. Nhằm mục đích đó, chúng tôi có kế hoạch thành lập một cánh quân xung kích khi tập đoàn quân 28 tiến đến hồ Mô-lô-tsơ-nôi-ê và sau khi chiều rộng chính diện của nó bị thu hẹp một cách đáng kể. Chúng tôi dự kiến sử dụng quân đoàn xe tăng 19 đang đến cho cánh trái của Phương diện quân Nam.

Phát triển cuộc tiến công, cho đến ngày 22 tháng Chín, bộ đội Phương diện quân Tây - Nam đã đuổi quân địch sang bên kia sông Đni-ép-rơ trên khu vực từ Đni-ép-rô-pê-tơ-rốp-xcơ đến Da-pô-rô-gie, còn bộ đội Phương diện quân Nam thì tiến đến gần mặt phải của Lũy Phương Đông - một tuyến phòng ngự trên sông Mô-lô-tsơ-nai-a - và như thế là hoàn thành chiến dịch tiến công giải phóng Đôn-bát.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #149 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 03:04:53 pm »

Ngày 21 tháng Chín, bộ đội Phương diện quân Trung tâm đã giải phóng Tséc-ni-gốp, ngày 22 tháng Chín tiến đến sông Đni-ép-rơ, vượt sông trong hành tiến và chiếm bàn đạp trong khu vực giữa hai con sông Đni-ép-rơ và Pri-pi-át. Do đó, bộ chỉ huy Hít-le buộc phải chuyển về đấy một phần lực lượng của chúng từ hướng Gô-men và các hướng khác.

Lợi dụng thắng lợi của bộ đội Phương diện quân Trung tâm, Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ chuyển sang tiến công trên hướng Ki-ép. Ngày 22 tháng Chín, bộ đội của phương diện quân này tiến đến sông Đni-ép-rơ ở khúc cong Pê-rê-i-a-xláp- Khơ-men-nít-xki, vượt qua sông và chiếm bàn đạp ở đây. Bộ đội Phương diện quân Thảo nguyên hiệp đồng tác chiến với Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ, ngày 23 tháng Chín đã giải phóng Pôn-ta-va và tiến đến sông Đni-ép-rơ ở gần Tséc-ca-xư, rồi sau đó ở Đông - Nam Crê-men-tsúc.

Như vậy, bộ đội của bốn phương diện quân, trong những ngày cuối tháng Chín, đã tiến đến sông Đni-ép-rơ trên một khoảng dài gần 700 ki-lô- mét và chiếm một loạt bàn đạp quan trọng ở hữu ngạn. Cũng trong thời gian đó, bộ đội Phương diện quân Bắc Cáp-ca-dơ hiệp đồng tác chiến với Hạm đội Biển Đen, ngày 16 tháng Chín đã giải phóng Nô-vô-rô-xi-xcơ và sau đó đã tiêu diệt toàn bộ cánh quân địch ở Ta-man.

Bộ chỉ huy Hít-le đã áp dụng mọi biện pháp để bám trụ ở sông Đni-ép-rơ. Quân phát-xít Hít-le ngoan cố tìm cách đẩy bộ đội Liên Xô ra khỏi những bàn đạp đã chiếm được. Đại bản doanh yêu cầu các tư lệnh phương diện quân và chúng tôi, những đại diện của Đại bản doanh, phải mở rộng các bàn đạp đó và tập trung lực lượng vào đấy để tiến hành cuộc tiến công tiếp theo trên địa bàn Hữu ngạn U-crai-na.

Điều không kém phần quan trọng là phải phá tan trận địa phòng ngự của địch trên sông Mô-lô-tsơ-nai-a, tiến đến hạ lưu sông Đni-ép-rơ ở khu vực này và khóa chặt quân phát-xít ở Crưm, nếu trong hành tiến không đột nhập được vào trung tâm bán đảo này. Để nắm vững tình hình tại chỗ, ngày 23 tháng Chín, tôi cùng Ph. I. Tôn-bu-khin đến tập đoàn quân cận vệ 5 và tập đoàn quân cận vệ 2. Trong một ngày đêm vừa qua, hai tập đoàn quân này đã cố gắng tiêu diệt trong hành tiến tuyến phòng ngự của địch dọc bờ Tây sông Mô-lô-tsơ-nai-a, nhưng không đạt kết quả.

Dải phòng ngự chủ yếu của địch chạy theo dãy điểm cao trên hoành sơn phía Tây của cao nguyên ven biển A-dốp, đứng sừng sững trên thung lũng sông Mô-lô-tsơ-nai-a. Theo tin tức của tất cả các loại tình báo, các điểm cao đó được bố trí nhiều công sự, có một màng lưới hào chống tăng rất phát triển, hai - ba tuyến giao thông hào đi vào sâu từ 3 đến 6 ki-lô-mét với những chỗ ẩn nấp vững chắc cho quân phòng ngự.

Theo lời khai của tù binh, bọn Hít-le đã lùa dân địa phương đi xây dựng tuyến này. Tuyến này do sư đoàn bộ binh miền núi 4 của Đức phòng ngự, không kể những đơn vị Đức từ phía Đông rút về và đã bị đánh tả tơi. Các lực lượng sung sức tiếp tục tiến đến đây.
Theo tin tức tình báo và theo những tin vô tuyến điện bắt được bộ chỉ huy Đức ra lệnh chiến đấu trên tuyến đó đến tên lính cuối cùng.

Sau khi thảo luận tỉ mỉ với các tư lệnh tập đoàn quân về tình hình trước mắt, chúng tôi thấy rõ: các lực lượng của ta bị căng ra rất móng, bộ đội của tập đoàn quân xung kích 5, tập đoàn quân cận vệ 2 và các tập đoàn quân khác được cung cấp không đủ đạn dược và cần phải bổ sung thêm quân.

Tất cả những điều đó nói lên sự cần thiết phải tổ chức đột phá tuyến phòng ngự của địch bằng các lực lượng sườn trái của tập đoàn quân xung kích 5 (4 sư đoàn bộ binh), tập đoàn quân 44 (6 sư đoàn bộ binh) và sườn phải của tập đoàn quân cận vệ 2 (5 sư đoàn bộ binh) trên khu vực Ghen-đen-béc - An-tơ-mun-tan, cùng với các sư đoàn pháo binh 26 và 2, lữ đoàn cận vệ súng cối (M-31) 13, 8 trung đoàn cận vệ súng cối M-13 và tất cả lực lượng không quân của Phương diện quân Nam.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM