Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:55:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sự nghiệp cả cuộc đời  (Đọc 118910 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #110 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2010, 07:36:32 pm »

Trong những ngày bộ đội Liên Xô đang tác chiến thắng lợi ở vùng trung lưu sông Đôn và trên hướng Cô-ten-ni-cô-vô thì theo lệnh của Đại bản doanh, chúng tôi cùng với bộ tư lệnh Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ đã bắt tay vào chuẩn bị chiến dịch tiến công nhằm bao vây và tiêu diệt quân địch trong khu vực Ô-xtơ-rô-gô-giơ-xcơ và Rốt-xô-sơ. Đại bản doanh dự tính mở chiến dịch này để trước tiên giải phóng được con đường sắt Li-xki - Can-tê-mi-rốp-ca, nhằm tạo thuận lợi cho các Phương diện quân Tây - Nam và Xta-lin-grát.

Như vậy, cuộc tiến công của các phương diện quân đó vào Rô-xtốp từ Bắc Cáp-ca-dơ sẽ được dễ dàng hơn; ngoài ra còn làm cho bộ đội Liên Xô tiến đến gần các khu vực mỏ than của tỉnh Vô-rô-si-lốp-grát. Bộ đội Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ phải giáng một đòn chủ yếu vào chính giữa tập đoàn quân Hung-ga-ri để tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục đánh tập đoàn quân Đức đang phòng ngự ngay trên hướng Vô-rô-ne-giơ.

Nhằm mục đích này, Đại bản doanh đã điều từ lực lượng dự bị của mình cho tư lệnh Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ Ph. I. Gô-li-cốp tập đoàn quân xe tăng 3, một số binh đoàn bộ đội hợp thành và phương tiện tăng cường. Khi mở đầu chiến dịch, so với quân địch ở đây, bộ đội Liên Xô chỉ trội hơn về xe tăng và pháo, còn về số quân và máy bay thì so sánh lực lượng không có lợi cho ta.

Đại bản doanh cho rằng chiến dịch này có ý nghĩa rất to lớn. Vì vậy, vào đầu tháng Giêng năm 1943, Đại bản doanh đã cử thêm một đại diện nữa về Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ. Gh. C. Giu-cốp đến với chúng tôi, tới bộ tham mưu phương diện quân đóng tại làng An-na. Tôi từ Xta-lin-grát tới đây ngày 2 tháng Giêng. Sau đó, tất cả chúng tôi chuyển vào thành phố Bô-brốp đã có thời nổi tiếng về các trại nuôi ngựa giống.

Thành phố này nằm trên bờ sông Bi-ti-úc; tên con sông này đã được dùng để đặt tên cho một giống ngựa kéo rất khỏe, mà trước chiến tranh, bộ đội pháo binh của ta đã dùng để giải quyết một phần rất lớn sức kéo. Mặc dầu gặp những khó khăn lớn trong thời chiến, ta vẫn giữ được giống ngựa Vô-rô-ne-giơ, tuy số lượng có giảm đi rất nhiều.

Cùng với bộ tư lệnh phương diện quân, chúng tôi đã vạch ra kế hoạch chiến dịch Ô-xtơ-rô-gô-giơ-xcơ - Rốt-xô-sơ và đã được Đại bản doanh chuẩn y.

Theo kế hoạch, mũi tiến công chủ yếu nhằm vào khâu yếu nhất là đoạn giữa cụm tập đoàn quân “B”. Dự kiến thành lập ba cánh quân xung kích. Cánh quân phía Bắc, bằng lực lượng chủ yếu của tập đoàn quân 40, sẽ từ bàn đạp Xtô-rô-giê-vôi 1 - U-rư-vơ tiến công theo vòng cung vào Bôn-dư-rép-ca, Cra-xnôi-ê và A-lếch-xê-ép-ca, rồi đánh ngoặt từ hướng Tây sang hướng Nam để nối liền ở A-lếch-xê-ép-ca với cánh quân phía Nam của phương diện quân và hoàn thành việc bao vây quân địch ở Ô-xtơ-rô-gô-giơ-xcơ - Rôt-xô-sơ.

Một bộ phận lực lượng của tập đoàn quân 40, sau khi chọc thủng tuyến phòng ngự của địch, sẽ công kích vào Ô-xtơ-rô-gô-giơ-xcơ và nối liền với sườn phải của quân đoàn bộ binh 18. Cuộc tiến công của các lực lượng chủ yếu được đảm bảo bằng các hoạt động trên hướng Bôn-dư-rép-ca, Rê-pi-ép-ca của quân đoàn xe tăng 4; quân đoàn này phải tới đây khi sắp bắt đầu chiến dịch.

Cánh quân phía Nam gồm tập đoàn quân xe tăng 3 và quân đoàn kỵ binh 7 sẽ đánh một đòn vu hồi thật sâu từ Can-tê-mi-rốp-ca về hướng Tây - Bắc bằng các đơn vị xe tăng, còn một bộ phận lực lượng nữa thì đánh về hướng Bắc, để tiến tới gặp nhau với tập đoàn quân 40. Trong lúc đó, bộ đội kỵ binh tiến công về phía Va-lui-ki sẽ đảm bảo phía Nam cho chiến dịch của phương diện quân.

Cánh quân ở giữa quân đoàn bộ binh độc lập 18 hoạt động từ bàn đạp Su-tsi-ê sẽ mở hai mũi tiến công tóa ra hai hướng về phía các cánh quân phía Bắc và phía Nam và sẽ nối liền với các cánh đó ở Ô-xtơ-rô-gô-giơ-xcơ và Các-pen-cô-vô. Trong kế hoạch có dự định là tập đoàn quân không quân 2 sẽ yểm trợ cho các hoạt động của bộ đội Liên Xô.

Như chúng ta thấy, các cánh quân phía Bắc và phía Nam phải đảm đương nhiệm vụ chủ yếu, còn cánh quân ở giữa thì phải kìm chân địch bằng cách thu hút lực lượng dự bị tác chiến của chúng và, do đó, tạo điều kiện cho các cánh quân ở hai bên sườn của mặt trận hoàn thành việc bao vây địch. Tiếp đó, cánh quân ở giữa phải tham gia vào việc chia cắt và tiêu diệt gọn quân địch bị vây hãm.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #111 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2010, 07:37:46 pm »

Tập đoàn quân 6 thuộc sườn phải của Phương diện quân Tây - Nam được giao nhiệm vụ từ khu vực phía Nam Can-tê-mi-rốp-ca tiến công vào Ca-men-ca và Pô-crốp-xcôi-ê để hiệp đồng với các đơn vị của Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và bảo đảm cánh trái của phương diện quân này. Dự kiến là với những đòn công kích nhiều vòng đồng tâm như vậy sẽ có thể bao vây và tiêu diệt tới 15 sư đoàn quân phát-xít.

Trong thượng tuần tháng Giêng, bộ tư lệnh Liên Xô cùng với các đại diện của Đại bản doanh đã làm rất nhiều việc để chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch. Để thành lập các cánh quân xung kích cũng cần phải mạo hiểm như đã từng làm ở Xta-lin-grát, và phải điều động khá nhiều bộ đội và phương tiện tăng cường từ các khu vực thứ yếu của mặt trận. Chúng tôi nghiên cứu và thực hiện cả một hệ thống biện pháp để ngụy trang và giữ bí mật tất cả mọi sự điều động quân và mọt công việc chuẩn bị. Chúng tôi cũng rất chú ý đến những biện pháp tung tin đánh lạc hướng địch.

Việc nghiên cứu cách điều khiển và hiệp đồng các đơn vị được coi là có tầm quan trọng lớn. Phương pháp điều khiển chủ yếu, ngay cả của các đại diện Đại bản doanh và tư lệnh phương diện quân, vẫn là cách đích thân tiếp xúc với cấp dưới. Theo sự thỏa thuận với Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao, ngày 14 tháng Giêng được quyết định lấy làm ngày bắt đầu chiến dịch.

Việc kiểm tra tỉ mỉ trước khi tấn công xác nhận rằng nhờ tất cả mọi biện pháp và nhờ công tác đảng và công tác chính trị to lớn mà các cán bộ chỉ huy, các cơ quan chính trị các Tổ chức Đảng và Đoàn thanh niên đã tiến hành, bộ đội của Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ đã sẵn sàng thực hiện mệnh lệnh của Tổ quốc. Chúng tôi đã báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao như vậy.

Gh. C. Giu-cốp và tôi hàng ngày đều báo cáo cho I. V. Xta-lin biết những công việc chúng tôi đã làm trong ngày. Các báo cáo hàng ngày mà chúng tôi trình tổng tư lệnh tối cao trong nhiều tháng ròng rã, còn được cất giữ tại cơ quan lưu trữ. Căn cứ vào các báo cáo đó, có thể dễ dàng theo dõi công việc làm của các đại diện Đại bản doanh tại phương diện quân, những sự thay đổi tình hình và những biện pháp xử lý, và thậm chí có cả những nhận xét ngắn gọn về con người. Ví dụ, ngày 6 tháng Giêng năm 1943, tôi và Gh. C. Giu-cốp đã đánh bức điện sau đây:

“1. Chúng tôi đã trực tiếp nghiên cứu và giải quyết tất cả các vấn đề chiến dịch-chiến thuật của tập đoàn quân Mô-xca-len-cô với tư lệnh tập đoàn quân và các tư lệnh sư đoàn và lữ đoàn. Hiện giờ, chúng tôi đang ở chỗ Rư-ban-cô. Ngày 6. 1. 1943 đã họp hội nghị và chỉ thị cho cán bộ chỉ huy binh đoàn.

Ở tập đoàn quân Rư-ban-cô và cánh quân kỵ binh, tình hình vận chuyển đạn dược, chất đốt bằng đường sắt và cả việc di chuyển bộ đội không được tốt. Sau khi xuống tàu, bộ đội phải hành quân từ bốn đến sáu ngày đêm. Chúng tôi sợ rằng đường sắt không thể đáp ứng được yêu cầu. Về cá nhân Rư-ban-cô, có thể phát biểu như sau: “Đó là một con người có năng lực và xử lý tình huống giỏi.

“2. Hiện giờ, chúng tôi đang trực tiếp cùng với các đồng chí Kha-ri-tô nốp. Rư-ban-cô, Phi-ô-đô-rốp (Va-tu-tin. - Tác giả) Và Phi-líp-pốp (Gô-li-cốp - Tác giả) nghiên cứu kế hoạch hiệp đồng tác chiến của các phương diện quân và tập đoàn quân ở những nơi tiếp giáp. Phi-ô-đô-rốp hiện giờ đang ở chỗ chúng tôi, sau hai giờ nữa sẽ về bộ tham mưu phương diện quân. Hôm nay, chúng tôi và Phi-líp-pốp đi đến cánh quân ở giữa.

Côn-xtan-ti-nốp (Giu-cốp - Tác giả); Mi-khai-lốp (Va-xi-lép-xki. Tác giả). 6. 1. 43. 20h.”.


Trong bức điện ngày 9 tháng Giêng năm 1943, tôi báo cáo:

“Ngày 9 tháng Giêng, tôi làm việc ở tập đoàn quân Mô-xca-len-cô. Tôi đã kiểm tra tình hình chuẩn bị tiến công ở các sư đoàn, nghiên cứu tình hình địch tại chỗ. Công việc chuẩn bị tiền hành bình thường. Đến thời hạn quy định, các đơn vị của tập đoàn quân sẽ sẵn sàng.

Ngày 11 tháng Giêng, Mô-xca-len-cô sẽ tiến hành một trận đánh trinh sát mạnh để kiểm tra lần cuối cùng những tin túc về tình hình địch. Trong trường hợp thắng lợi, nó có thể trở thành sự mở đầu cho cuộc tiến công lớn trên khu vực này. Ngày 10 tháng Giêng, tôi sẽ cùng với Phi-líp-pốp tới đơn vị của Dư-cốp để kiểm tra và giúp đỡ

Công việc chuẩn bị ở tập đoàn quân xe tăng 3 của Rư-ban-cô tiến hành bình thường. Việc chuyển vận bộ đội điều từ lực lượng dự bị của Đại bản doanh đến mặt trận bằng đường sắt trong những ngày gần đây đã tốt hơn nhiều. Chỉ có quân đoàn xe tăng 4, các lữ đoàn trượt tuyết và sư đoàn cao xạ là sẽ không tới nơi kịp vào lúc bắt đầu chiến dịch. Khó khăn là do việc vận chuyển đạn dược và chất đốt gây nên. Tôi đang thi hành một số biện pháp, theo tôi nghĩ, có thể thực hiện được. Ngày 11 tháng Giêng, tôi sẽ báo cáo về tình hình sẵn sàng dứt khoát. Mi-khai-lốp”.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #112 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2010, 07:38:24 pm »

Sau khi hoàn thành công việc chuẩn bị, Gh. C. Giu-cốp ra về, còn tôi ở lại với bộ đội Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ cho tới cuối tháng Hai.

Cuộc tiến công của chủ lực cánh quân phía Bắc từ bàn đạp Xtô-rô-giê-vôi bắt đầu ngày 13 tháng Giêng, sớm hơn một ngày đêm so với thời hạn quy định, vì các đơn vị đi đầu tác chiến thắng lợi đã phát hiện ra những điểm yếu của địch. Để phát huy chiến quả của các đơn vị đó, chủ lực của tập đoàn quân 40 bắt đầu tiến công, sau khi pháo binh đã bắn chuẩn bị rất mạnh.

Cuối ngày thứ hai của chiến dịch, bọn phát-xít đã ném thêm viện binh vào khu vực của cánh quân phía Bắc của ta. Đến lúc này, tuyến phòng ngự của chúng đã bị phá vỡ một đoạn dài 50 ki-lô-mét và sâu 17 ki-lô-mét. Tập đoàn quân 40 có nhiệm vụ không những thực hiện việc đột phá chiều sâu chiến thuật tuyến phòng ngự của địch, mà còn phải nhanh chóng chặn đường rút lui của chúng, để cùng với cánh quân phía Nam tạo nên trận tuyến bên trong của vòng vây xung quanh đại bộ phận lực lượng địch như kế hoạch đã dự kiến. Nhưng muốn vậy thì phải đẩy nhanh nhịp độ tiến công.

Kết quả là đến 15 tháng Giêng, ta đã giải quyết được phần thứ nhất của nhiệm vụ: chính diện đột phá đã mở rộng thêm thành 100 ki-lô-mét, chiều sâu đã đạt khoảng 20 ki-lô-mét bên sườn phải, gần 35 ki-lô-mét ở giữa và 16 ki-lô- mét ở sườn trái.

Cánh quân phía Nam bắt đầu tiến công ngày 14 tháng Giêng và sau ba giờ chiến đấu ác liệt chỉ mới thọc vào tuyến phòng ngự của địch được 1 - 3 ki-lô-mét. Để đột phá cho nhanh hơn, chúng ta đã đưa hai quân đoàn xe tăng 12 và 15 vào chiến đấu. Nhờ đó, tình hình đã nhanh chóng thay đổi có lợi cho ta. Đến cuối ngày, các chiến sĩ xe tăng đã tiến được 12 - 23 ki-lô-mét, tiêu diệt tại khu vực Gi-lin bộ tham mưu quân đoàn xe tăng 24 của Đức và từ sáng sớm ngày 15 tháng Giêng đã phát triển tiến công về hướng Bắc và hướng Tây - Bắc. Trong lúc đó, quân đoàn kỵ binh 7 từ phía Nam yểm hộ chắc chắn cho cuộc tiến công.

Từ ngày 14 tháng Giêng, cánh quân ở giữa cũng bắt đầu tiến công. Trước khi bắt đầu chiến dịch mấy ngày, tôi đã quyết định cử trung tướng A. I. An-tô-nốp đến giúp đỡ bộ tư lệnh quân đoàn bộ binh độc lập 18. Tháng Chạp năm 1942, theo đề nghị của tôi, An-tô-nốp được bổ nhiệm làm cục trưởng Cục tác chiến và phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất. Lúc đó, tôi còn ở trên hướng Xta-lin-grát, do đó không thể giới thiệu An-tô-nốp với Xta-lin được.

Đầu tháng Giêng, A. I. An-tô-nốp báo tin đến Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ cho tôi biết là đã bắt đầu công tác ở Cục tác chiến. Nhưng xem chừng đồng chí không hài lòng về công tác đó. Đồng chí không được tới Đại bản doanh, vì tất cả mọi công việc của Bộ Tổng tham mưu đều do tổng tham mưu phó, phụ trách tổ chức là Ph. E. Bô-cốp báo cáo ở Đại bản doanh. Tất nhiên, trong tình hình như vậy, A. I. An-tô-nốp cảm thấy băn khoăn và đề nghị tôi cố tìm mọi cách đưa đồng chí ấy trở lại mặt trận.

Tôi gọi điện cho I. V. Xta-lin, một lần nữa khẳng định rằng A. I. An-tô-nốp là một cán bộ hết sức quý cho Bộ Tổng tham mưu và Đại bản doanh, và đề nghị cho đồng chí đó được làm công tác có liên quan trực tiếp tới việc phục vụ Đại bản doanh về phương diện tác chiến.

Vốn là một con người có tính rất đa nghi và thận trọng, nhất là đối với những người mới, chưa quen biết, I. V. Xta-lin không hứa gì với tôi cả và khuyên tôi nên sử dụng An-tô-nốp làm phó của tôi tại Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ.

- Căn cứ vào những nhận định của đồng chí, - Xta-lin nói, - trong thời gian này, An-tô-nốp ở mặt trận có ích hơn là ở đây làm công việc bàn giấy của chúng tôi.

Như vậy là A. I. An-tô-nốp đến Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và ở lại đây cho tới cuối tháng Ba năm 1943, giúp ích cho công tác rất nhiều. Còn ở Bộ Tổng tham mưu, người ta lại thấy rất thiếu đồng chí đó.

Nhờ có sự yểm trợ tốt của hoả lực pháo binh và các đòn công kích của không quân, quân đoàn bộ binh độc lập 18 đã đập tan sức kháng cự của địch và đến cuối ngày 15 tháng Giêng, sau một trận chiến đấu ban đêm trong giá rét 25 độ dưới không, đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #113 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2010, 07:38:57 pm »

Trong khi tập đoàn quân 40 và tập đoàn quân xe tăng 3 phát triển tiến công, đánh vu hồi cánh quân địch ở Ô-xtơ-rô-gô-giơ-xcơ - Rôt-xô-sơ từ phía Bắc và phía Nam, thì quân đoàn bộ binh độc lập 18 đánh chia cắt nó ra thành những bộ phận lẻ tẻ. Đến ngày 16 tháng Giêng, ở hai bên sườn ngoài cùng của Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ, bộ đội Liên Xô đã hoàn toàn chế ngự được chiều sâu chiến thuật của trận địa phòng ngự của địch. Bây giờ lại bắt đầu một nhiệm vụ mới: ồ ạt cơ động để bao vây và chia cắt cánh quân địch ở Ô-xtơ-rô-gô-giơ-xcơ - Rôt-xô-sơ, tách rời nó ra khỏi các cánh quân khác của bọn phát-xít.

Quân đoàn bộ binh độc lập 18 đã phát triển đột phá vào chiều sâu và sang hai bên bằng những hành động quyết liệt, không cho các đơn vị địch nằm giữa Ô-xtơ-rô-gô-giơ-xcơ và Xa-gu-nư thoát khỏi vòng vây. Bộ đội Liên Xô đã mất ba ngày đêm để tạo thành hai trận tuyến bao vây bên trong và bên ngoài. Ở Ô-xtơ-rô-gô-giơ-xcơ, ba sư đoàn địch đã lọt vào vòng vây. Bọn địch thoát khỏi vòng vây rút về phía Các pen-cô-vô. Còn ở các thị trấn I-lốp-xki và A-lếch-xê-ép-ca, các đơn vị cánh quân Bắc và cánh quân Nam đã phối hợp được hỏa lực với nhau, tức là các tập đoàn quân của Mô-xca-len-cô và Rư-ban-cô đã đánh địch từ hai phía, càng ngày càng thu hẹp hành lang 10 ki-lô-mét của quân Đức lại.

Cánh quân phía Nam đã gây cho địch những thiệt hại nặng nề ngay từ khi đột phá dải phòng ngự chủ yếu của chúng, do đó đã có thể tiến vào sau lưng địch ở Ô-xtơ-rô-giơ-xcơ - Rốt-xô-sơ mà hầu như không có gì trở ngại. Ngay từ sáng sớm ngày 16 tháng Giêng, quân đoàn xe tăng 12 đã chiến đấu trên các đường phố ở Rôt-xô-sơ, và khi các sư đoàn bộ binh của tập đoàn quân xe tăng 3 tiến vào thì cờ đỏ đã phấp phới trên thành phố Rốt-xô-sơ. Quân đoàn xe tăng 12 đã có điều kiện tự do cơ động, liền tiến sâu vào sau lưng của quân đoàn miền núi của I-ta-li-a và tàn quân của các sư đoàn Đức đang rút chạy sang bên kia sông Tsi-oóc-nai-a Ca-lít-va.

Quân đoàn xe tăng 15 đã vọt lên đánh chiếm Ôn-khô-vát-ca và đến 18 tháng Giêng thì tiến đến gần A-lếch-xê-ép-ca từ phía Nam. Cuối cùng, quân đoàn kỵ binh 7 tiến công thắng lợi bên cánh trái của phương diện quân đã chiếm Va-lui-ki ngày 19 tháng Giêng, bắt sống trên 3.000 tù binh Đức và I-ta-li-a, thu được nhiều kho lương thực lớn và nhiều chiến lợi phẩm khác. Quân du kích địa phương đã góp phần to lớn vào việc giải phóng Va-lui-ki. Theo nhiệm vụ mà quân đoàn trưởng quân đoàn kỵ binh giao cho, họ đã làm nổ tung nền đường sắt ở các đoạn Va-lui-ki - U-ra-dô-vô và Va-lui-ki - Vô-lô-cô- nốp-ca. Bọn phát-xít không chở được gì ra khỏi thành phố.

Như vậy, ngày 18 tháng Giêng, bộ đội Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ đã hoàn thành nhiệm vụ bao vây và chia cắt cánh quân địch ở Ô-xtơ-rô-gô-giơ-xcơ - Rốt-xô-sơ. Toàn bộ diện tích khu vực bị vây vào khoảng 2.500 ki-lô-mét vuông, trên đó có chừng 13 sư đoàn Đức, Hung và I-ta-li-a. Sau đó, những đòn công kích của quân đoàn bộ binh độc lập 18 đánh vào Ca-men-ca và của quân đoàn xe tăng 12 đánh vào Các-pen-cô-vô lại chia cắt bọn địch bị vây ra làm hai.

Cho tới lúc này, Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ đã bắt sống được 52.000 binh lính và sĩ quan địch. Số chiến lợi phẩm gồm có 170 xe tăng. 1.700 pháo, 2.800 súng máy, 4.000 cối, 6.000 súng tự động, 1.500 ngựa, 55.000 súng trường, 600.000 đạn đại bác và trên 150 kho các loại.

Từ ngày 19 đến ngày 24 tháng Giêng, các trận đánh đã diễn ra bên trong vòng vây. Và để bảo đảm cánh trái của quân đoàn kỵ binh và tập đoàn quân xe tăng 3, tối 19 tháng Giêng, tôi đánh điện cho tư lệnh Phương diện quân Tây - Nam N. Ph. Va-tu-tin, yêu cầu hết sức nhanh chóng điều tập đoàn quân 6 của Ph. M. Kha-ri-tô-nốp tới tuyến Pô-crốp-xcôi-e và xa hơn nữa về phía Nam, như đã dự kiến trong kế hoạch trước đây.

Lúc đầu, ta đã cắt đứt cánh quân địch bị vây ở Rốt-xô-sơ khỏi bộ phận phía Nam của nó gồm gần 4 sư đoàn. Đến ngày 20 tháng Giêng, bộ phận này đã bị tiêu diệt về căn bản ở vùng Pôt-goóc-nai-a. Đến ngày 23 tháng Giêng, ta đã tiêu diệt hết tàn binh của cánh quân địch này, và đến ngày 27 thì tiêu diệt xong bọn tàn binh của cánh quân địch ở Rốt-xô-sơ đã bỏ trốn khỏi “cái chảo” chạy về phía Đông Va-lui-ki.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #114 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2010, 07:39:33 pm »

Ác liệt nhất là trận đánh chiếm Ô-xtơ-rô-gô-giơ-xcơ. Sau khi đã kịch liệt chống cự trong các trận chiến đấu trên đường phố, phần lớn quân địch đóng tại đây đã bị bắt làm tù binh hoặc bị chết. Bọn địch bị vây ở A-lếch-xê-ép-ca cũng đã kháng cự lại rất mãnh liệt. Tuy vậy, đến ngày 24 tháng Giêng thì trận chiến đấu cũng kết thúc. Gần 9.000 quân lính và sĩ quan địch bị bắt làm tù binh.

Chúng ta đã bắt đầu tháng đầu tiên của năm 1943 như vậy đó. Sở dĩ chúng ta thu được thắng lợi là nhờ sự ủng hộ hết lòng của nhân dân các vùng có chiến sự. Nhân dân không tiếc chúng ta một thứ gì cả: nào là lương thực, quần áo ấm, nào là chăm nom, săn sóc. Nhân dân các thành thị và làng mạc đã tham gia vào việc củng cố các tuyến phòng ngự và sửa chữa đường sá, chăm sóc thương binh, quyên góp vào quỹ quốc phòng.

Về phần mình, sau khi giải phóng các thành thị và làng mạc, các chiến sĩ đã giúp dân phục hồi nền kinh tế bị phá hoại, rộng lòng chia sẻ chiến lợi phẩm với các nông trường quốc doanh, nông trang tập thể, các trạm máy kéo và máy móc nông nghiệp và các xí nghiệp công nghiệp, sửa chữa lại các trường học, cơ quan văn hóa, bệnh viện.

Nói tóm lại, chiến dịch Ô-xtơ-rô-gô-giơ-xcơ - Rốt-xô-sơ đã thu được những thắng lợi gì? Chiến dịch kéo dài tất cả 15 ngày. Trong 15 ngày đó, bộ đội đã chọc thủng được tuyến phòng ngự của địch trên một đoạn dài 250 ki-lô-mét. Bộ đội Liên Xô đã tiến sâu đến 140 ki-lô-mét, giải phóng một vùng đất rộng 22.500 ki-lô-mét vuông với những thành phố và đầu mối đường sắt như Ô-xtơ-rô-gô-giơ-xcơ, Rốt-xô-sơ, Cô-rô-tô-i-ác, A-lếch-xê-ép-ca, Va-lui-ki. v.v.; tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn quân 2 của Hung-ga-ri, quân đoàn miền núi của I-ta-li-a, quân đoàn xe tăng 24 và phần lớn quân đoàn đặc nhiệm của Đức. Tổng cộng hơn 15 sư đoàn địch bị tiêu diệt và còn có 6 sư đoàn bị thiệt hại nặng; ta đã bắt làm tù binh trên 86.000 binh lính và sĩ quan địch, thu nhiều vũ khí và khí tài quân sự, một số lượng rất lớn lương thực và quân trang, quân dụng.

Chiến dịch thắng lợi này đã tạo điều kiện thuận lợi để tiến công vào sườn và sau lưng tập đoàn quân 2 của Đức hiện đang phòng ngự ở phía Bắc, trong vùng Vô-rô-ne-giơ. Tập đoàn quân này ở trên mỏm đất nhô sâu vào khu vực của bộ đội Liên Xô. Tình hình đó trước kia có vẻ thuận lợi thì bây giờ đã khác hẳn: bọn phát-xít lo sợ bị bao vây. Đinh mỏm đất nhô đó chạm vào sông Đôn, ở ngay Vô-rô-ne-giơ. Ở đây có tất cả 10 sư đoàn Đức và 2 sư đoàn Hung-ga-ri, tổng cộng 125.000 người cùng một số lượng rất lớn pháo binh và xe tăng. Thế nhưng, bộ chỉ huy Đức không có lực lượng dự bị nào đáng kể.

Trên các mặt Bắc và Đông - Bắc của mỏm đất Vô rô-ne-giơ, đại diện với chính diện tập đoàn quân 13 của Phương diện quân Bri-an-xcơ và các tập đoàn quân 38 và 60 của Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ, bọn địch đã xây dựng trận địa phòng ngự rất mạnh; còn ở mặt phía Nam mới hình thành của mỏm đất thì công sự phòng ngự yếu hơn nhiều.

Ngay tối 18 tháng Giêng, tôi và bộ tư lệnh Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ đã gửi cho Tổng tư lệnh tối cao bản kế hoạch chiến dịch mới, chiến dịch Vô-rô-ne-giơ - Ca-xtô-rơ-nôi-ê. Kế hoạch này dự kiến từ hướng Bắc và hướng Nam đánh ập vào hai bên sườn của tập đoàn quân 2 của Đức nhằm bao vây và tiêu diệt đại bộ phận lực lượng của nó, giải phóng vùng Vô-rô-ne-giơ, Ca-xtô-rơ-nôi-ê và mở thông các đoạn đường sắt quan trọng Vô-rô-ne-giơ - Ca-xtô-rơ-nôi-ê và Ê-lê-txơ - Ca-xtô-rơ-nôi-ê.

Những đòn công kích chủ yếu sẽ đánh vào Ca-xtô-rơ-nôi-ê từ phía Nam, tập đoàn quân 40 của Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ được tăng cường quân đoàn xe tăng 4; từ phía bắc, tập đoàn quân 13 của Phương diện quân Bri-an-xcơ. Hai tập đoàn quân, sau khi gặp nhau ở Ca-xtô-rơ-nôi-ê, sẽ hoàn thành việc bao vây tập đoàn quân 2 của Đức, thanh toán mỏm đất nhô Vô-rô-ne-giơ và đồng thời đưa một bộ phận lực lượng đến sông Tim để từ phía Tây đảm bảo cho thắng lợi của chiến dịch.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #115 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2010, 07:40:18 pm »

Các tập đoàn quân 38 và 60 của Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ án ngữ ở chính diện sẽ chia cắt cánh quân địch bị vây thành những bộ phận riêng lẻ bằng cách mở đòn đột kích từ phía Đông. Chiến dịch này tiến hành thắng lợi sẽ cho phép sau này mở đòn đột kích trên hướng Cuốc-xcơ vào khu vực tiếp giáp giữa hai cánh quân chiến lược của địch ở trung tâm và ở phía Nam, và đòn đột kích trên hướng Khác-cốp trước khi bọn Hít-le có thể tập trung lực lượng dự bị ở vùng này.

Trong số lực lượng dành để tiến hành chiến dịch Ô-xtơ-rô-giơ-xcơ - Rốt-xô-sơ, chúng ta còn có ba sư đoàn bộ binh, ba lữ đoàn trượt tuyết và quân đoàn xe tăng 4 chưa sử dụng. Để tiền hành chiến dịch Vô-rô-ne-giơ - Ca-xtô-rơ-nôi-ê, chúng tôi yêu cầu Đại bản doanh tăng cường cho Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ một sư đoàn pháo binh, hai trung đoàn M-13, hai trung đoàn xe tăng CV cho tập đoàn quân 38 và 90 xe tăng (trong số đó có 40 chiếc T-34) để phục hồi lại các lữ đoàn xe tăng.

Chúng tôi báo cáo với Tổng tư lệnh tối cao là chúng tôi đã bắt tay vào chuẩn bị chiến dịch và dự định đến ngày 23 tháng Giêng sẽ bắt đầu. Ngày 19 tháng Giêng, Đại bản doanh chuẩn y kế hoạch của chúng tôi.

Ngày 20 tháng Giêng, tại bộ tham mưu Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ ở Bô-brốp, Chúng tôi bàn bạc kỹ càng mọi việc với tư lệnh Phương diện quân Bri-an-xcơ và với tư lệnh tập đoàn quân 13.

Tôi đã giao nhiệm vụ cho M. A. Rây-te và N. P. Pu-khốp về cách tham gia của các đơn vị của họ vào chiến dịch Vô-rô-ne-giơ - Ca-xtô-rơ-nôi-ê. Ngày 21 tháng Giêng, chúng tôi báo cáo lên Đại bản doanh những chi tiết cuối cùng về chiến dịch.

Trong báo cáo, chúng tôi dự kiến, khi chiến dịch kết thúc vào ngày 30 tháng Giêng, sẽ triển khai trên sông Ô-xcôn, từ Xta-rưi Ô-xcôn đến U-ra-dô-vô, các lực lượng chủ yếu của phương diện quân, và giáng cho địch ba đòn công kích từ ba hướng dồn vào Khác-cốp. Các tập đoàn quân thuộc cánh phải của phương diện quân sẽ từ sông Tim đánh vào Cuốc xcơ để từ phía Bắc bảo đảm cho chiến dịch Khác-cốp. Đại bản doanh đồng ý với chúng tôi.

Từ ngày 21 tháng Giêng, tập đoàn quân 40 vừa đánh tiêu diệt bọn địch bị vây trong vùng Ô-xtơ-rô-gô-giơ-xcơ và A-lếch-xê-ép-ca, vừa bắt đầu chấn chỉnh lại đội hình để tiến hành chiến dịch mới. Tập đoàn quân xe tăng 3 lúc đó đang bận tiêu diệt cánh quân địch ở Rốt-xô-sơ, cũng đã bắt tay bố trí lại đội hình.

Chiến dịch Vô-rô-ne-giơ - Ca-xtô-rơ-nôi-ê bắt đầu ngày 24 tháng Giêng với việc tập đoàn quân 40 chuyển sang tiến công. Ngày hôm sau, tập đoàn quân 60 đã đánh bật địch ra khỏi những khu phố bên hữu ngạn Vô-rô-ne-giơ và hoàn toàn giải phóng thành phố.

Ngày 26 tháng Giêng, các tập đoàn quân 38 và 13 bước vào tiến công. Bất chấp băng giá và bão tuyết, bộ đội Liên Xô tuy có phần nào bị chậm trễ, song đã tiến lên nhanh.

Tối 26 tháng Giêng, trong cuộc nói chuyện thường kỳ bằng điện thoại với Tổng tư lệnh tối cao, nhân sự phát triển thắng lợi của chiến dịch, chúng tôi đã quyết định về bước tiến công sau khi chiếm được Ca-xtô-rơ-nôi-ê : bằng những đòn công kích vào Côn-pơ-nư, Ma-lô-ác-khan-ghen-xcơ và xa hơn nữa vào Pha-tê-giơ, cánh trái của Phương diện quân Bri-an- xcơ sẽ ngăn chặn không cho địch trụ lại trên sông Tim, và như vậy, từ phía Bắc bảo đảm cho Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Cánh phải của Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ, sau khi lấy Ca-xtô-rơ-nôi-ê, sẽ phát triển tiến công vào Cuốc-xcơ và đánh chiếm thành phố.

Trong cuộc nói chuyện, chúng tôi cũng trao đổi ý kiến về tình hình chung. Do thắng lợi của các chiến dịch mùa đông ở phía Nam mặt trận Xô - Đức, nên tình hình lúc này đã thuận lợi cho ta và cho phép chúng ta đi tới giải phóng vùng Đôn-bát và nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết U-crai-na. Vấn đề là sắp tới phải sử dụng các tập đoàn quân của các Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ, Tây - Nam và Nam như thế nào cho có lợi nhất.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #116 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2010, 07:40:59 pm »

Chúng tôi đã dự tính là trong khi phát huy thắng lợi ở vùng thượng lưu sông Đôn, thì đồng thời chúng tôi cũng sẽ chuẩn bị cho Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ giải phóng khu công nghiệp Khác-cốp. Sự đánh giá tình hình chiến lược ở cánh phía Nam mặt trận Xô - Đức của Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô được thể hiện rất rõ trong chỉ thị sau đây của Đại bản doanh gửi cho tư lệnh Phương diện quân Nam A. I. Ê-ri-ô-men-cô trong những ngày đó:

"Sự kháng cự của địch đã bị bẻ gãy do những hành động thành công của bộ đội ta ở Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ. Ở cánh phải Phương diện quân Tây-nam, ở Phương diện quân sông Đôn và Bắc Cáp-ca-dơ. Trận tuyến phòng ngự của địch bị phá vỡ trên một chính diện rộng lớn. Vì thiếu lực lượng dự bị ở chiều sâu, địch buộc phải đưa vào chiến đấu một cách lẻ tẻ những binh đoàn mới đến và chưa kịp đứng chân. Do đó đã tạo nên những chỗ trống và những khu vực chỉ có nhũng đội quân nhỏ lẻ tẻ chống giĩr. Cánh phải của Phương diện quân Tây-nam đã uy hiếp vùng Đôn-bát, và việc đánh chiếm Ba-tai-xcơ sẽ cô lập cánh quân địch ở Da-cáp-ca-dơ. Tình hình đã trở nên thuận lợi cho quân ta bao vây và tiêu diệt từng bộ phận các cánh quân địch ở Đôn-bát, Da-cáp-ca-dơ và Biển Đen”.

Đại bản doanh lại thúc giục, không biết đây là lần thứ mấy, bộ tư lệnh Phương diện quân Nam hãy hoạt động cương quyết hơn, và giao việc điều khiển ba quân đoàn xe tăng và quân đoàn cơ giới ở phương diện quân cho tư lệnh tập đoàn quân R. I-a. Ma-li-nốp-xki trực tiếp phụ trách; từ ngày 2 tháng Hai, Ma-li-nốp-xki đã nhận trách nhiệm chỉ huy phương diện quân này.

Khi thảo luận tình hình ở phía Nam và nhận định rằng trong những ngày sắp tới, quân ta sẽ hoàn toàn tiêu diệt cánh quân của Pao-lút. Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao đã nghĩ tới việc tiếp tục sử dụng các đơn vị đã được rảnh tay ở Xta-lin-grát của Phương diện quân sông Đôn.

Vào cuối tháng Giêng và đầu tháng Hai, sau nhiều cuộc bàn luận với cán bộ lãnh đạo ở trung ương và tại các phương diện quân, Tổng tư lệnh tối cao đã đi tới quyết định: ngoài các chiến dịch ở phía Nam, cần phải tiến hành một loạt chiến dịch tiến công lớn nằm trong một ý đồ chiến lược và kế hoạch thống nhất, nhằm mục đích tiêu diệt lực lượng chủ yếu của cụm tập đoàn quân “Trung tâm” của Đức.
Ý đồ dự kiến là trước hết Phương diện quân Bri-an-xcơ và cánh trái của Phương diện quân Tây sẽ tiêu diệt tập đoàn quân xe tăng 2 của Đức ở vùng Ô-ri-ôn. sau đó điều thêm tới đây bộ đội của Phương diện quân sông Đôn cũ, nay đổi tên thành Phương diện quân Trung tâm, đánh qua Bri-an-xcơ tới Xmô-len-xcơ để phát triển tiến công và thọc vào sau lưng cánh quân địch ở Rơ-giép - Vi-a-dơ-ma, phối hợp với các Phương diện quân Ca-li-nin và Tây để giải quyết nhiệm vụ đặt ra. Kế hoạch cụ thể đã được vạch ra, và trong những ngày đầu tháng Hai, Đại bản doanh đã ra những chỉ thị cho từng phương diện quân có liên quan.

Ngày 28 tháng Giêng, sau một trận xung phong quyết liệt bộ đội Liên Xô đã chiếm được đầu mối đường sắt và thành phốa Ca-xtô-rơ-nôi-ê, cắt đứt đường rút lui của cánh quân phát-xít Đức đóng ở phía Đông. Đến lúc quân ta tiến vào vùng Ca-xtô-rơ-nôi-ê, tình hình chiến dịch trở nên khá thuận lợi cho ta, vì trong phòng tuyến của địch trên khu vực từ đường sắt Ca-xtô-rơ-nôi-ê - Cuốc-xcơ đến Cu-pi-an-xcơ đã hình thành một đột phá khẩu rộng tới 300 ki-lô-mét với lực lượng rất mỏng.

Thật ra, chúng ta đã biết là địch vội vàng ném vào đó những lực lượng đáng kể. Cụ thể là từ Tây Âu, quân đoàn xe tăng SS 2 (các sư đoàn xe tăng “Rai-khơ”, “A-đôn-phơ Hít-le” và “Đầu lâu”) đã tới vùng Khác-cốp. Các bộ phận đi đầu của quân đoàn này đã trụ lại bên sông Ô-xcôn. Tình hình đó nhất thiết bắt buộc chúng ta nhanh chóng phát triển tiến công vào Cuốc-xcơ và Khác-cốp. Nhưng do điều kiện mùa đông vô cùng khó khăn, cho nên chiến dịch Vô-rô-ne-giơ - Ca-xtô-rơ-nôi-ê phải kéo dài một ít.

Trong khi truy kích và tiêu diệt tàn binh của cụm quân “Di-béc-lơ” của địch, trong 15 ngày tiến công, bộ đội Liên Xô vừa đánh vừa tiến được thêm 130 ki-lô-mét. Trong quá trình chiến dịch, ta đã tiêu diệt được các lực lượng chủ yếu của tập đoàn quân 2 của Đức và quân đoàn 3 thuộc tập đoàn quân 2 của Hung-ga-ri .

Ngày 2 tháng Hai, Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ bắt đầu tiến hành chiến dịch tiến công Khác-cốp trong điều kiện cánh phải của nó vẫn còn tiếp tục chiến đấu để tiêu diệt tàn binh của cánh quân phát-xít ở vùng giữa thượng lưu các con sông Xây-mơ, Pxi-ôn và Ô-xcôn; bọn này đang cố chạy qua Ô-bô-i-an về phía Tây đến thành phố Xu-mư.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #117 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2010, 07:41:39 pm »

Trong khi chuẩn bị và tiến hành chiến dịch này, tôi đặc biệt chú ý giúp đỡ bộ chỉ huy và bộ đội trên hướng Khác-cốp, còn A. I. An-tô-nốp thì chú ý hướng Cuốc-xcơ, nhất là tập đoàn quân 60 có nhiệm vụ đánh đòn chủ yếu từ phía Đông vào Cuốc-xcơ, qua Si-grư. Mặc dầu gặp phải những khó khăn đặc biệt, bằng những cố gắng chung, ngay từ những ngày đầu của chiến dịch, chúng tôi đã có thể huy động tất cả những lực lượng chủ yếu đã định tham gia vào chiến dịch.

Trên các hướng Cuốc-xcơ và Khác-cốp, bọn Hít-le không có đủ lực lượng để chống cự mãnh hệt với ta và chúng chỉ có những biện pháp nhằm trước hết chặn thật chắc con đường tiến vào Khác-cốp và Bê-lơ-gô-rốt từ phía Đông, từ Va-lui-ki; còn hướng phía Bắc, từ phía Xta-rưi Ô-xcôn và xa hơn nữa đến Bê-lơ-gô-rot và Xu-mư thì chúng báo đảm yếu ớt hơn.

Theo ý đồ của bộ chỉ huy Liên Xô thì cơ số cho chiến dịch này là một cánh quân gồm có tập đoàn quân xe tăng 3 được tăng cường thêm quân đoàn kỵ binh cận vệ 6, từ Va-lui-ki sẽ đánh vu hồi Khác-cốp từ phía Nam và Tây - Nam. Các binh đoàn xe tăng phải đánh chiếm thành phần trong hành tiến. Một cánh quân khác gồm có tập đoàn quân 40 được tăng cường thì tiến công từ Xta-rưi Ô-xcôn qua Bê-lơ-gô-rốt, tức là đánh vu hồi Khác-cốp từ phía Bắc và Tây - Bắc.

Cả hai mũi đột kích đó, sau khi vòng qua tất cả các đơn vị quân địch nằm ở Khác-cốp và phía Tây Khác-cốp, sẽ tạo điều kiện hình thành một vành đai, và lúc đó trận tuyến bao vây bên trong sẽ khép lại ở vùng Bô-gô-đu-khốp và Liu-bô-tin. Cánh quân bao gồm bộ đội của tập đoàn quân 69, hình thành trên cơ sở quân đoàn bộ binh độc lập 18, thì dự định triển khai ở giữa tập đoàn quân 40 và tập đoàn quân xe tăng 3. Mục tiêu của cánh quân này là tiến công thẳng vào Khác-cốp qua Vôn-tsan-xcơ từ Đông - Bắc, và khi tiến gần Khác-cốp thì giúp cho tập đoàn quân xe tăng 3 đánh chiếm thành phố.

Theo kế hoạch, tập đoàn quân 60 sẽ đánh đòn chủ yếu vào Cuốc xcơ Tập đoàn quân 38 thì hoạt động ở khoảng giữa các tập đoàn quân 60 và 40 trên hướng Ô-bô-i-an; còn về phía Bắc tập đoàn quân 60, trên hướng chung đi về phía Pha-tê-giơ và xa hơn nữa về phía Đơ-mi-tơ-ri-ép - Lơ-gốp-xki, thì có tập đoàn quân 13 (Phương diện quân Bri-an-xcơ) tác chiến hiệp đồng chặt chẽ với Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ.

Chiến dịch Khác-cốp mở màn ngày 2 tháng Hai bằng những hành động của tập đoàn quân xe tăng 3 và tập đoàn quân 69. Cùng trong ngày đó, tập đoàn quân 6 (Phương diện quân Tây - Nam) cũng chuyển sang tiến công với nhiệm vụ đánh vào Cu-pi-an-xcơ, Ba-lác-lây-a, Dơ-mi-ép để bảo đảm cánh trái của Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ. Các tập đoàn quân 40 và 60 bước vào chiến dịch ngày 3 tháng Hai.

Cuộc tiến công đã phát triển thắng lợi. Ngày 7 tháng Hai, tập đoàn quân 40 chiếm được Cô-rô-sa và đến ngày 9 tháng Hai thì giải phóng Bê-lơ-gô-rôt. Hoạt động của Rư-ban-cô cũng phát triển có kết quả. Ngày 5 tháng Hai, bộ đội của Rư-ban-cô đã tiến sát tuyến sông Bắc Đô-ne-txơ và bắt đầu vượt sông, và đến ngày 13 tháng Hai đã chiến đấu ác liệt ở ngoại ô phía Nam Khác-cốp. Ngày 8 tháng Hai, tập đoàn quân 60 của Tséc-ni-a-khốp-xki đánh chiếm Cuốc-xcơ, và ngày 7 tháng Hai, tập đoàn quân 13 đã lấy Pha-tê-giơ.

Sáng sớm ngày 10 tháng Hai, tại thành phố Cuôc-xcơ mới giải phóng, tôi đã gặp I. Đ. Tséc-ni-a-khốp-xki và A. I. An-tô-nốp. Hai đồng chí này kể tỉ mỉ về những trận chiến đấu ác liệt diễn ra ngày 7 - 8 tháng Hai ở ngoại ô và ở ngay trong thành phố. Lúc này, tập đoàn quân 60 đang chiến đấu cách phía Tây Cuốc-xcơ khoảng 20 ki-lô-mét, cố gắng tiến đến Lơ-gốp.

Ngày 16 tháng Hai, bộ đội Liên Xô đã chiếm Khác-cốp bằng lực lượng của tập đoàn quân 40 từ phía Bắc, tập đoàn quân xe tăng 3 từ phía Nam và tập đoàn quân 69 từ phía Đông.

Trong khi tôi báo cáo với Tổng tư lệnh tối cao bằng điện thoại về chiến thắng này, chúng tôi đã thỏa thuận là Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ sẽ tiếp lục tiến công để đến ngày 21 tháng Hai thì tiến đến tuyến Rưn-xcơ (tập đoàn quân 60) - Lê-bê-đin (tập đoàn quân 38 qua Xu-mư) - Den-cốp (tập đoàn quân 40 qua Ác-tư-rơ-ca) - Pôn-ta-va (tập đoàn quân 69 và tập đoàn quân xe tăng 3 qua Ác-ti-ô-mốp-ca và Các-lốp-ca.

Các đơn vị của phương diện quân tiến ra tuyến đó là cốt đảm bảo ổn định cho cánh trái của Phương diện quân Trung tâm (trước kia gọi là Phương diện quân sông Đôn) đang triển khai ở phía Tây - Bắc Cuốc-xcơ và đã rảnh tay ở Xta-lin-grát, trong cuộc tiến công sắp tới của phương diện quân này vào Xmô-len-xcơ qua Bri-an-xcơ, và cho cả cánh phải của Phương diện quân Tây - Nam tiến công từ phía Bấc vào Đôn-bát.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #118 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2010, 07:42:24 pm »

I. V. Xta-lin cho tôi biết rằng, trong ngày đó, đồng chí đã thay mặt Chính phủ Liên Xô gửi thông điệp cho Tổng thống Hoa Kỳ Ph. Ru-dơ-ven và Thủ tướng Anh U. Sớc-sin. Thông điệp nêu rõ rằng đáng lẽ giúp đỡ Liên Xô bằng cách thu hút lực lượng của Đức ra khỏi mặt trận Xô - Đức đúng theo lời hứa của họ, thì ngược lại, do quân Anh - Mỹ hoạt động không tích cực ở Tuy-ni-di, cho nên Hít-le đã có điều kiện dốc thêm lực lượng sang mặt trận phía Đông.

Trong thông điệp cũng nêu rõ, theo những nguồn tin đáng tin cậy, từ cuối tháng Chạp năm 1942 đến cuối tháng Giêng năm 1943, bọn Đức đã ném vào mặt trận Xô - Đức 27 sư đoàn rút từ Pháp, Bỉ, Hà Lan và từ chính nước Đức, trong đó có năm sư đoàn xe tăng. Vì vậy, Chính phủ Liên Xô đòi hỏi không được trì hoãn việc mở mặt trận thứ hai ở châu Âu, cụ thể là ở Pháp, đến nửa cuối năm 1943, mà phải thực hiện ngay trong mùa xuân hoặc đầu mùa hè.

Ngày 18 tháng Giêng, Gh. C. Giu-cốp được phong quân hàm Nguyên soái Liên Xô. Và ngày 16 tháng Hai năm 1943, sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô cũng ra Sắc lệnh phong cho tôi quân hàm Nguyên soái Liên Xô. Ngày 17 tháng Hai, tôi đến thăm Khác-cốp và gặp phó tư lệnh phương diện quân Đ. T. Cô-dơ-lốp, Sau đó, tôi đến tập đoàn quân xe tăng 3.

Ngày hôm sau, V. I. Xta-lin gọi điện lệnh cho tôi đáp máy bay ngay về Mát-xcơ-va, tạm thời để A. I. An-tô-nốp ở lại Cuốc-xcơ làm đại diện của Đại bản doanh, giao nhiệm vụ chính cho A. I. An-tô-nốp là giúp đỡ vào việc phục hồi thật nhanh con đường sắt trên địa phận các tỉnh Vô-rô-ne-giơ, Cuốc-xcơ và Khác-cốp mới giải phóng và cho phép đồng chí đó được quyền trực tiếp liên hệ với Đại bản doanh.

Ngày 19 tháng Hai, tôi đến Mát-xcơ-va. Khi gặp Tổng tư lệnh tối cao, đồng chí báo cho tôi biết Đại bản doanh đã quyết định giao trách nhiệm cho tôi phối hợp các hoạt động chiến đấu của cánh trái Phương diện quân Tây và cả của các Phương diện quân Bri-an-xcơ, Trung tâm và Vô-rô-ne-giơ trong khi tiến hành các chiến dịch nhằm tiêu diệt các lực lượng chủ yếu của cụm tập đoàn quân “Trung tâm” của địch. Ngày 22 tháng Hai, quyết định đó đã được thông báo cho các phương diện quân nói trên.

Kế hoạch đã đề ra như thế nào? Ngay ngày 3 tháng Hai lúc 2 giờ 20 phút, tức là ngay sau khi tiêu diệt cánh quân của Pao-lút ở Xta-lin-grát, bộ tư lệnh Phương diện quân sông Đôn đã nhận được chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu là từ 18 giờ ngày 4 tháng Hai, cơ quan chỉ huy của phương diện quân phải lên tàu hỏa để chuyển đến khu vực của Phương diện quân Bri-an-xcơ và xuống tàu ở vùng Ê-tê-txơ - ga I-dơ-man-cô-vô. Các tập đoàn quân 24, 57, 21 và 65 có nhiệm vụ di chuyển tới đó.

Ngày 5 tháng Hai năm 1943, Đại bản doanh gửi đến tư lệnh Phương diện quân sông Đôn chỉ thị như sau:

“1. Đến ngày 15 tháng Hai năm 1943 thành lập Phương diện quân Trung tâm.

2. Bộ chỉ huy dã chiến của Phương diện quân sông Đôn đổi tên thành bộ chỉ huy dã chiến Phương diện quân Trung tâm. Bộ tham mưu của phương diện quân đóng ở vùng Ôn-sa-nét-xơ, cách Ê-lê-txơ 10 ki-lô-mét về phía Đông.

3. Chỉ định: thượng tưởng C. C. Rô-cô-xốp-xki làm tư lệnh Phương diện quân Trung tâm, thiếu tưởng C. Ph. Tê-lê-ghin làm ủy viên hội đồng quân sự, trung tướng M. X. Ma-li-nin làm tham mưu trưởng.

4. Đưa các bộ chỉ huy dã chiến của các tập đoàn quân 21, 65 và 70, tập đoàn quân không quân 16, tập đoàn quân xe tăng 2, quân đoàn kỵ binh cận vệ 2 và các sư đoàn... vào thành phần của Phương diện quân Trung tâm…

7. Để người phó là trung tướng C. P. Tơ-rúp-ni-cốp với một nhóm cán bộ chỉ huy ở lại vùng Xta-lin-grát.

I. V. Xta-lin
Gh. Giu-cốp".

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #119 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2010, 07:43:28 pm »

Sau đó, theo các chỉ thị ngày 6 tháng Hai, các tư lệnh Phương diện quân Tây, Bri-an-xcơ và Trung tâm đã được giao nhiệm vụ cụ thể về các chiến dịch tiến công sắp tới. I. X. Cô-nép, tư lệnh Phương diện quân Tây, phải chuyển giao tập đoàn quân 61 thuộc cánh trái của mình cho Phương diện quân Bri-an-xcơ, và đến ngày 12 tháng Hai năm 1943, cùng với Phương diện quân Bri-an-xcơ, chuẩn bị cuộc tiến công của tập đoàn quân 16 được tăng cường thêm quân đoàn xe tăng 9 đánh vào Bri-an-xcơ trên hướng chung qua Gi-dơ-đra. Ngoài ra, đến ngày 25 tháng Hai, Cô-nép còn phải chuẩn bị cho cuộc tiến công của các tập đoàn quân 50 và 10 được tăng cường thêm hai quân đoàn xe tăng theo hướng chung đến Rô-xláp, còn một bộ phận của các lực lượng đó thì tiến công về phía Ên-ni-a.

Tư lệnh Phương diện quân Bri-an-xcơ được lệnh nhằm mục đích bao vây và tiêu diệt thật nhanh cánh quân địch ở Ô-ri-ôn - Bri-an-xcơ, sau khi hai tập đoàn quân 48 và 13 tiến đến tuyến Đrô-xcô-vô - Ma-lô-ác-khan-ghen-xcơ - Pha-tê-giơ, phải tiến công bằng tập đoàn quân 48 vào Ô-ri-ôn, đánh vu hồi thành phố từ phía Tây - Nam.

Đồng thời, từ vùng Bê-li-ốp, phương diện quân này phải chuẩn bị cuộc tiến công của tập đoàn quân 61 qua Bôn-khốp cũng vào Ô-ri-ôn, nhưng từ phía Bắc, đối diện với tập đoàn quân 48. Khi tập đoàn quân 48 tiên đến Dơ-mi-ép-ca thì tập đoàn quân 3 cũng phải chuyển sang tiến công, cũng đánh vào Ô-ri-ôn, nhưng từ phía Đông, Tập đoàn quân 13 tiếp lục tiến công vào Ca-ra-tsép và Bri-an-xcơ.

Theo kế hoạch, khoảng 15 - 17 tháng Hai phải hoàn thành việc bao vây và tiêu diệt gọn cánh quân địch ở Ô-ri-ôn. Tập đoàn quân 13 với sự hiệp đồng của tập đoàn quân 16 thuộc Phương diện quân Tây, khoảng 23 - 25 tháng Hai phải đánh chiếm được Bri-an-xcơ.
Cũng trong đêm 6 tháng Hai năm 1943, lúc 1 giờ 40 phút, Đại bản doanh đã gửi chỉ thị sau đây đến tư lệnh Phương diện quân Trung tâm:

“Nhằm mục đích tiếp tục phát huy thắng lợi của các Phương diện quân Bri-an-xcơ và Vô-rô-ne-giơ và tiến vào sau lưng cánh quân địch ở Rơ-giép - Vi-a-dơ-ma - Bri-an-xcơ. Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao ra lệnh:

1. Đến ngày 12. 2. 1943 tập trung:

a) tập đoàn quân xe tăng 2 ở vùng Đôn-gô-ê;

b) quân đoàn kỵ binh 2 với ba lữ đoàn trượt tuyết, hai trung đoàn xe tăng ở vùng Tse-re-mi-xi-nô-vô;

c) tập đoàn quân 65 ở vùng phía Bắc Đôn-gô-e, phía Nam Li-vơ-nu.

Vào cuối ngày 14. 2. 1943, tập đoàn quân xe tăng 2, tập đoàn quân 65, quân đoàn kỵ binh 2 từ vùng tập trung đến tuyến triển khai Pha-tê-giơ, Cuốc-xcơ Các đơn vị còn lại của hai tập đoàn quân 21 và 70 chừng nào họ đến thì tập trung ở vùng Vô-lô-vô, Đôn-gô-ru-cô-vô, Li-vơ-nư và hướng họ tiến theo các đơn vị đang tiến công của thê đội một của phương diện quân.

2. Từ sáng ngày 15. 2. 1943, tập đoàn quân xe tăng 2, tập đoàn quân 65, tập đoàn quân không quân 16 chuyển sang tiến công theo hướng chung Xép-xcơ, ga U-nê-tsa với nhiệm vụ trước mắt là cắt con đường sắt Bri-an-xcơ - Gô-men.

Cụm kỵ, bộ binh của Cri-u-cốp triển khai sang cánh trái và tiến qua Nốp-gô-rôt - Xe-véc-xki, Xta-ru - Bư-khốp, Vô-ghi-li-ốp, đến đây thì vượt qua bờ Tây sông Đni-ép-rơ và đảm bảo chỗ vượt qua sông và tiến vào vùng Oóc-sa.

Nên biết rằng ở phía phải của các đồng chí, tập đoàn quân 13 của Phương diện quân Bri-an-xcơ sẽ tiến công và tập đoàn quân 16 của Phương diện quân Tây.sẽ chuyển sang tiến công qua Gi-dư-đra vào Bri-an-xcơ.

3. Khi các tập đoàn quân của phương diện quân đến tuyến Bri-an-xcơ - Gô-men thì mở mũi đột kích chủ yếu qua Cli-mô-vi-tsi, Khi-xlô-vi-tsi vào Xmô-len-xcơ với nhiệm vụ chiếm vùng Xmô-len-xcơ và cắt đứt đường rút lui của cánh quân địch ở Vi-a-dơ-ma - Rơ-giép. Khi chủ lực tiến đến vùng ga U-nê-tsa thì dùng lực lượng của hai sư đoàn bộ binh chiếm Go-men và bờ Tây sông Đni-ép-rơ ở khu vực Rê-tsi-txa, Giơ-lô-bin.

Đồng thời với việc chuyển sang tiến công của bộ đội ta từ tuyến Bri-an-xcơ - Gô-men vào Xmô-len-xcơ, sẽ chuyển sang tiến công: Phương diện quân Tây đánh vào Rô-xlốp và sau đó vào Xmô-len-xcơ; Phương diện quân Ca-li-nin đánh vào Vi-tép-xcơ, Oóc-sa, một bộ phận lực lượng đánh vào Xmô-len-xcơ, gặp mũi đột kích chủ yếu của các đồng chí.

4. Đường ranh giới của phương diện quân sẽ được chỉ rõ thêm.

Cần biết rằng ở phía trái của phương diện quân thì tập đoàn quân 60 của Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ sẽ tiến công theo hướng chung Lơ-gốp Glu-khốp, Tséc-ni-gốp.

Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao.
I. V. Xta-lin
Gh. Giu-cốp".

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM