Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:21:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng  (Đọc 39389 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2010, 08:29:12 am »

… Thế rồi giờ G. sắp tới. Tại chỉ huy sở nhẹ của đại đoàn tối hôm 10 tháng 12 năm 1951, chúng tôi chăm chú theo dõi cuộc tiến quân của Trung đoàn 8 với tất cả niềm tin tưởng và hi vọng.

… Lúc đó là 19 giờ 30 phút. Mặt trận vẫn còn im lặng… Đột nhiên, nghe thấy có một loạt đạn trọng pháo nổ phía xa xa ở Tu Vũ. Sau đó nổ tiếp luôn mấy loạt nữa, cứ thế tiếng pháo rầm rầm nổ mãi, và nhân mãi lên gấp bội.

Không ngoài dự kiến ủa ta, cuộc tiến quân của Trung đoàn 8 đã bị lộ. Chúng tôi đang suy nghĩ và chờ đợi thì quả nhiên có điện từ Trung đoàn 8 gọi về báo cáo những bộ phận đi đầu đã chạm địch tuần tiễu ngoài cứ điểm. Hiện nay pháo binh địch trên hai chục khẩu từ Đá Chông, Đan Thê và Chẹ đang tập trung bắn phá quanh đồn, nhưng dày đặc nhất là ở hướng đột phá chính mà trung đoàn đang triển khai đại bộ phận bình lực của mình. Trung đoàn đang tìm mọi cách để giúp các phân bộ binh, pháo binh tiếp tục tiến quân, vượt qua lưới lửa ác liệt của địch.

Tiếng trọng pháo địch vẫn dồn dập vọng về. Không còn phân biệt nổi từng quả mà chỉ thấy từng hồi kéo dài, hồi nọ trùm lên hồi kia như sấm ran. Đường dây điện thoại từ trung đoàn về sở chỉ huy đại đoàn đứt lung tung. Việc liên lạc mỗi lúc một thêm khó khăn. Các chiến sĩ, cán bộ thông tin được tung đi liên tiếp. Phần lớn công việc nám tình hình, liên lạc với Trung đoàn 8 phải dựa vào máy vô tuyến điện.

Đạn pháo địch vẫn nổ liên hồi ngoài Tu Vũ. Trung đoàn 8 báo cáo về. tình hình tiến quân vẫn rất khó khăn và mất liên lạc với mũi đánh ở khu cứ diểm. Bên cạnh chúng tôi, các máy điện thoại đổ chuông liên hồi. Các anh bộ tham mưu liên tục gọi về nói như thét lên trong ống nói, giục dưới phải báo cáo thêm điểm này, tiến quân phải chú ý thêm việc kia…

Qua dây nói, Bộ tư lệnh đã nghe báo cáo và đề nghị của đồng chí trung đoàn trưởng Thái Dũng và đồng chí chính ủy Quốc Bảo;

- Tình hình phát triển hơi phức tạp và có nhiều khó khăn. Pháp 75mm mới vào thêm được một khẩu, nhưng vẫn chưa liên lạc được với đơn vị bạn đánh khu C. Quân số thương vong tiếp tục tăng… Chúng tôi sắp hội ý Thường vụ đảng ủy trung đoàn để có chủ trương và đề nghị với đại đoàn.

 Chúng tôi trả lời rất hoan nghênh chủ trương của trung đoàn.

- Đại đoàn cũng đang muốn các đồng chí bàn việc ấy. Đảng ủy trung đoàn cần rất bình tĩnh, sáng suốt đánh giá cho thật đúng tình hình lúc này. Càn nhìn toàn diện, đứng nhìn vào một vài việc riêng lẻ. Các anh cần xem: trước hết về phía ta, tuy mất liên lạc với mũi đánh khu C, nhưng xem mũi chủ công đã vào được tới đâu rồi? Số thương vong của mũi này có đáng kể không? Pháo 75mm thì xem có thể gắng đưa vào thêm lấy một khẩu nữa không? Mũi diện đã bám sát được cứ điểm chưa? Còn về phía địch, tuy pháo binh bắn rất dữ, nhưng phải xem sự đối phó của chính lực lượng địch trong đồn ra sao? Chúng tỏ ra hoang mang hay tổ chức phòng ngự vẫn vững?... để có cơ sở đi tới hạ quyết tâm được hoàn toàn chính xác.

Đồng thời lúc đó bộ tư lệnh được các đồng chí quân báo mừng rỡ báo cho biết vừa bắt được điện của địch trong đồn gọi về Hà Nội báo tin: khu C bị mất. Như thế có nghĩa là phân đội của ta ở phía ấy đã tự động tấn công và đánh thắng rồi. Bộ tư lệnh bèn điện ngay cho Trung đoàn 8 biết. Đây là một thuận lợi không nhỏ. Bộ tư lệnh chỉ thị cho Trung đoàn 8, mặt khác cũng chuẩn bị kế hoạch để có thể chuyển sang tác chiến ban ngày, nếu đem nay không tiêu diệt xong Tu Vũ…

Đồng chí đại đoàn phó Cao Văn Khánh đã rời sở chỉ huy xuống tận nơi giúp đỡ Trung đoàn 8. Trong lúc này, Bộ tư lệnh nhận được báo cáo của đồng chí Quốc Bảo: thường vụ trung đoàn đã họp. Các đồng chí kiểm điểm lại thấy mũi chủ chông do dày dạn kinh nghiệm nên đã mau lẹ xốc tới, bám sát cứ điểm địch nên chỉ bị thương vong có vài đồng chí, đơn vị pháo 75mm đã gan góc khiêng từng tấm thép lớn vượt qua lưới lửa của địch, vào lắp thêm được một khẩu nữa. Mũi diện dã kiên cường triển khai xong đội hình, thương vong không nhiều lắm. Nay lại được tin đã chiếm được khu C của cứ điểm, trước tình hình đó, Thường vụ trung đoàn 8 đã hạ quyết tâm nhanh chóng nổ súng tấn công tiêu diệt địch…

“Xin hứa với đại đoàn, chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ… Hoàn thành tốt nhiệm vụ!”. Câu sau cùng của đồng chí Quốc Bảo trong ống nói đã hòa lẫn trong tiếng trọng pháo nổ rền…

Từ lúc đó đường dây liên lạc giữa đại đoàn và trung đoàn đã giữ vững được gần như liên tục. Chúng tôi có thể theo dõi khá sát tình hình cả Trung đoàn 8 từ lúc nổ súng tấn cônng trên toàn tuyến cho tới khi toàn thắng. Đã theo dõi được chi tiết từ giai đoạn nổ bộc phá phá hàng rào, bãi mìn cho tới lúc các phân đội xung kích xung phong và tiêu diệt được xe tăng địch định ra bịt “cửa mở”, sau đó là tiểu đội Vũ Đức Chư dũng mãnh thọc sâu, chia cắt, đánh trúng khu đầu não chỉ huy cứ điểm địch trong giây lát…

Cứ điểm Tu Vũ đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Chỉ có một vài tên địch sống sót bơi vượt sông Đà sang bến Chẹ, do bộ phận bao vây của ta ở mặt đó chưa được chặt chẽ, chu đáo. Thế là cái “cửa ải” kiên cố của quân thù trên tuyến sông Đà đã bị phá tan. Toàn đại đoàn xốc lại đội hình, tiếp tục tiến thẳng tới thị xã Hòa Bình…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2010, 07:34:43 am »

*
*   *

Trước khi bao vây tiến đánh quân địch ở thị xã, đại đoàn đã trao cho trung đoàn 6 bố trí một trận địa phục kích trên sông Đà, quãng Lạc Song, Đồng Việt nhằm tiêu diệt các đoàn tàu địch, tiến tới cắt đứt hoàn toàn con đường vận tải, tiếp tế trên sông, đẩy quân địch ở Hòa Bình lâm vào thế cô lập hơn nữa.

Trận địa phục kích của Trung đoàn 6 có một một lực lượng phòng không và pháo binh phối thuộc, chia làm 3 khu vực, kéo dài trên 6km, tạo thành một thế liên hoàn hiểm hóc…

Bấy giờ trời lạnh nhiều, bộ đội Trung đoàn 6 và pháo binh, phòng không bố trí bí mật trong những bãi lau rậm ben bờ sông phải nén từng cái ho, ngày đêm thay phiên nhau sẵn sàng chiến đấu, nằm hầm, ngủ lán, khá gian khổ. Nhưng cán bộ từ đại đoàn tới trung đoàn đều đã gắng làm cho anh em nắm vững yêu cầu: kiên trì, tỉnh táo, vượt mọi khó khăn, kiên quyết tiêu diệt địch. Một mặt, luôn chú ý động viên tư tưởng, tinh thần của anh em cán bộ chiến sĩ ngoài trận địa mặt khác đã tìm đủ cách làm cho đời sống của bộ đội trên hỏa tuyến bớt gian khổ, có cơm nóng, canh ngọt, sửa lại hầm hố, chống ẩm, chống muỗi.

Đã qua năm ngày vẫn không thấy tàu thuyền địch đi qua. Nhiều chiến sĩ đã nản long cho rằng địch sợ đường sông, chuyển qua đường số 6 hết rồi. Đại đoàn một lần nhữa khẳng định lại: địch sẽ qua sông vì chúng không thể nào bỏ đường thủy.

Đúng như vậy! Sáng ngày tháng sáu (22-12-1951) vừa đúng ngày kỉ niệm thành lập quân đội ta, một đoàn tàu địch gồm một tàu lớn (MONITO LCT) và năm ca-nô từ phía thị xã Hòa Bình xuôi dòng sông Đà để về Hà Nội, trên tàu chở khá nhiều binh lính, sĩ quan. Đài quan sát của đại đoàn đã kịp thời phát hiện địch từ xa và báo cho Trung đoàn 6 biết.

Khắp trận địa sôi nổi hẳn lên. Từ các vị trí giấu pháo ở phía sau, các chiến sĩ “voi gầm” rầm rập khiêng các bộ phận pháo tiến ra các công sự đã làm sẵn, ngụy trang kín ở bờ sông. Các chiến sĩ phòng không cũng nhanh nhẹn chuẩn bị các phần tử xạ kích để bắn máy bay địch. Các phân đội bộ binh thoăn thoắt triển khai, chiếm lĩnh các vị trí chiến đấu.

Trên không, một chiếc máy bay trinh sát của địch bay dọc sông nhòm ngó. Trung đoàn 6 đã tích cực nghi trang mọi đường tiến quân và các trận địa cho nên máy bay trinh sát địch dù bay rất thấp cũng không phát hiện được. Thế rồi, đoàn tàu địch đi vào trận địa phục kích cua ta và mọi việc đã diễn ra đúng như đã dự kiến.

Cả một khúc sông dài mù mịt khói lửa, dầu mỡ loang rộng trên mặt nước, đoàn tàu địch mới đây còn ầm ĩ kéo đi, nay không còn lấy một chiếc. Trước cảnh tượng ấy, chúng tôi lại liên tưởng tới những trận chiến thắng trên sông Gâm, sông Lô năm nào. Một lần nữa, chúng ta lại chiến thắng giòn giã trên sông nước. Nếu giặc Pháp còn tiếp tục chiến tranh xâm lược, chúng còn phải chịu những thất bại nặng nề. Con đường vận chuyển tiếp tế trên sông của địch đã hoàn toàn bị cắt đứt. Đại đoàn bắt đầu chuyển sang giai đoạn bao vây quân địch ở trong và chung quanh thị xã Hòa bình. Chiến dịch đã bước sang đợt hai…

Sau khi Trung đoàn 2 do chuẩn bị không chu đáo nên không hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt vị trí Pheo (một vị trí trong mạng án ngữ trên đường số 6 từ Xuân Mai tới Hòa Bình, tầm quan trọng tương tự như Tu Vũ), đại đoàn bèn trao cho Trung đoàn 6 nhiệm vụ mở một đợt tấn công mạnh vào khu ngoại vi và đánh sâu vào trung tâm thị xã.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của bộ chỉ huy mặt trận, của đại đoàn, Trung đoàn 6 đã hoàn thành vượt mức yêu cầu nhiệm vụ khá khó khăn, phức tạp của mình. Rất mưu trí và linh hoạt, các đơn vị của trung đoàn trong một đêm tiêu diệt ba vị trí địch ở ngoại vi thị xã, đã dùng một phân đội nhỏ, tinh nhuệ táo bạo, khéo léo luồn vào sâu trong trung tâm thị xã và tiêu diệt hoàn toàn cụm pháo binh của địch (đây cũng là lần đầu tiên quân ta thí nghiệm một chiến thuật mới: dùng phân đội nhỏ, tinh nhuệ, đánh thọc sâu vào trong một căn cứ địch).

Đêm ấy, những ai có mặt ở đài quan sát của đại đoàn, sở chỉ huy Trung đoàn 6 đều rất phấn khởi khi nhìn xuống thung lũng Hòa Bình sáng rực lửa công đồn, diệt pháo địch. Tin chiến thắng báo về dồn dập, tin Đại đội 41 đã bí mật thọc sâu, diệt gọn cụm pháo binh trong tung thâm, tiếp đó là tin Đại đội 61 đã đánh xong vị trí đồi Cháy. Sau đó lại có tin đại đội 42 đang làm nhiệm vụ kiềm chế địch ở vị trí Rậm cho Đại đội 41 diệt pháo binh; khi thấy địch ở Rậm hoang mang, dao động đã linh hoạt, quyết tâm nắm thời cơ chuyển từ kiềm chế sang tấn công và đã tiêu diệt xong vị tí này. Cuối cùng là những tin chiến thắng dồn dập của các đơn vị đánh các vị trí chung quanh thị xã…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2010, 07:35:11 am »

*
*   *

Sau những chiến thắng ở thung lũng Hòa Bình đêm ấy, Đại đoàn Quân tiên phong cùng các đơn vị bạn siết chặt vòng vây địch thêm một bước nữa. Một thời kì mới của chiến dịch đã mở ra thời kì bao vây tiêu hao, tiêu diệt địch, cầm chân đại bộ phận lực lượng cơ động tinh nhuệ của chúng ở chiến trường này, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị bạn tung hoành ở vùng sau lưng địch, trong đồng bằng tạm bị chiếm đóng.

Đây cũng là thời kì mà Đờ-lát - viên tướng kiêu căng đặc biệt được bọn thực dân Pháp ca tụng về “tài thao lược” đã đau đầu trước sự khốn quẫn của bọn chúng ở Hòa Bình và sự thiệt hại nặng nề ở vùng đồng bằng. Trong giai đoạn này bệnh cũ lại tái phát. Đờ-lát phải quay về Pháp và đã chết. “Ông ta chế như để trốn món nợ Hòa Bình”, như nhiều nhà báo Pháp đã mỉa mai bình luận.

Trong thời kì này, đại đoàn ra sức cùng các đơn vị bạn liên tục phục kích địch trên đường số 6 để cắt nốt đường tiếp tế duy nhất trên bộ của chúng; ra sức bắn phá, tiêu hao, bắn tỉa bọn địch trong khu vực thị xã, làm cho chúng điêu đứng, khống khổ trăm bề. Tất cả mọi sinh hoạt của địch đã phải chuyển xuống mặt đất, tất cả phải chui rúc dưới hầm hố như chuột. Người xuống hầm, pháo cũng xuống hầm. xe tăng cũng phải xuống hầm… (sau này, trước cảnh bị bao vây và tiến công, sống rất khổ cực của hơn một vạn quân Pháp ở Điện Biên Phủ, nhiều đồng chí ta đã nhớ lại cảnh tượng quân địch ở Hòa Bình cuối năm 1951 đầu năm 1952 và thấy rằng Hòa Bình 1951-1952 đã là “tiền thân” của Điện biên Phủ năm 1954, hoặc ít ra cũng là hình ảnh sơ khai của cái tập đoàn cứ điểm lịch sử ấy).

Cho tới những ngày cuối tháng 2 năm 1952, do không chịu nổi những đòn rất nặng của quân dân ta ở vùng đồng bằng, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Páp đã phải liều cho các binh đoàn cơ động chiến lược đang ở mặt trận Hòa Bình tháo chạy trở về để cứu nguy cho “đồng bằng giàu có” chúng đang tạm thời chiếm giữ.

Từ đêm 22 tháng 2 năm 1952, quân Pháp đã bí mật cho rút nhiều lực lượng sang hữu ngạn sông Đà, mặc dầu chúng tích cực nghi binh: đèn vẫn thắp sáng, xe tăng vẫn nổ máy thâu đêm, nhưng gần về sáng âm mưu của chúng đã bị ta phát hiện.

Lệnh tiến công truy kích được ban ra, truyền nhanh tới các phân đội. Tất cả đại đoàn sôi nổi hẳn lên. Có những đơn vị được lệnh nhânh chóng đánh thẳng vào thị xã nhằm tiêu diệt những bộ phận địch chưa kịp rút. Có những đơn vị được lệnh cấp tốc vượt sông Đà đuổi đánh những bộ phận địch đang cắm đầu tháo chạy trên đường số 6 dưới sự yểm trợ của máy bay và trong pháo.

Đúng 13 giờ ngày 23 tháng 2 năm 1952, thị xã Hòa Bình đã hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi tiến vào những đường phố đổ nát, ngổn ngang xác xe, xác pháo địch. Vỏ đạn đủ các cỡ ùn lên từng gò, từng đống. Quân trang, quân dụng của địch vương vãi khắp nơi. Trên các chiến hào, hầm hố, xác địch không kịp chôn cất còn nằm la liệt. Nhiều xác đã trương lên, có mùi hôi thối. Xen lẫn với những xác chết là những tên lính địch bị thương đan nằm rên rỉ, cả lính Âu - Phi, lính ngụy. Một tên lính Âu nom thấy chúng tôi, kêu to lên rồi ra hiệu xin nước uống. Chúng tôi dừng lại và rót một chút nước đưa cho nó (thấy nó bị thương quá nặng, e cho uống nhiều nguy hiểm tới tính mạng). Tên lính địch uống xong, chúng tôi nói với những đồng chí đi cùng khiêng nó về trạm cấp cứu. Tới một ngã ba có một ụ súng đã sập, chúng tôi lại gặp một tên lính ngụy bị thương. Nó đã gần như mê man, máu đỏ kín cả mặt, chỉ còn thoi thóp thở. Chúng tôi lại nới với anh em đưa ngay nó về trạm cấp cứu của ta… Lòng chúng tôi cháy lên một niềm căm giận. Lũ đế quốc không những đã đem quân đi bắn giết các dân tôc khác, chúng còn dã man bắt cả những ngươi cùng đất nước, cùng dân tọc bắn giết chính đồng bào mình, cuối cùng để cho chúng đặt ách thống trị lên đầu, lên cổ họ. Tội ác của bọn đế quốc quả là ghê tớm và quá lớn, không có lời nào có thể diễn tả nổi.

Chúng tôi đi thăm chiến trường, khi trở về ghé thăm một số phân đội của đại đoàn. Gặp gỡ anh em, lúc này chúng tôi lại càng thấy rõ thêm những vấn đề rất trọng yếu trong việc xây dựng đơn vị vững mạnh để chiến thắng. Cần phải làm sao xây dựng, rèn luyện cho các đơn vị có khả năng đánh tập trung thành thạo để phát huy nhiều nhất sức mạnh của tác chiến với binh lực lớn. Mặt khác phải xây dựng, rèn luyện cho đơn vị không những biết đánh tập trung lớn mà có khả năng khi cần có thể tác chiến phân tán, độc lập từng phân đội mà vẫn có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phải xây dựng, rèn luyện cho đơn vị có thể tác chiến dưới mọi điều kiện thời tiết, đêm, ngày, mưa, nắng, đánh nhanh được, đánh kéo dài cũng được, có thể đánh theo nhiều phương thức khác nhau: từ cách đánh của phân đội nhỏ tinh nhuệ tới các chiến thuật khác như bao vây, phục kích trên bộ, trên sông và cả cách quấy rối, tiêu hao quân địch. Phải xây dựng, rèn luyện cho đơn vị có đầy đủ tính linh hoạt, cơ động; khi có điều kiện thì chuẩn bị kĩ rồi mới đánh, nhưng khi không có thời gian để chuẩn bị kĩ thì vẫn có khả năng bước vào tác chiến thật nhanh… Tuy nhiên trên tất cả những vấn đề ấy, vấn đề cơ bản mà kinh qua thực tế đã được xác minh là vô cùng trọng yếu là việc xây dựng Đảng bộ vững mạnh, rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ vững vàng về tư tưởng và già dặn vê kinh nghiệm chiến đấu. Xây dựng và củng cố tốt sự đoàn kết nhất trí trong đơn vị từ trên xuống dưới, làm sao cho hàng vạn con người mà chí như một. đấy là những điều kiện để chiến thắng của đơn vị.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2010, 07:36:44 am »

X

Sau chiến thắng ở Hòa Bình, đại đoàn cùng với nhiều đơn vị khác trong toàn quân lại bước vào một đợt chỉnh huấn mới. Khác với lần trước, kì này các đơn vị được học tập một cách cơ bản và có hệ thống hơn về đường lối cách mạng Việt Nam, về bản chất và nhiệm vụ của quân đội nhân dân… Có thể nói đây là một cuộc chỉnh huấn rất cơ bản, có tác dụng lớn trong việc nâng cao chất lượng chính trị, tư tưởng của bộ đội lên một bước rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng và kháng chiến lâu dài đang ngày càng phát triển.

Cho tới tận bây giờ tôi vẫn không sao quên được những ngày học chỉnh huấn quan trọng ấy trong những khu rừng cọ, rừng trám ở đất Phú Thọ… Những ngày chuẩn bị tổ chức lớp học cũng khẩn trương, nhộn nhịp như chuẩn bị một chiến dịch, một trận chiến đấu. toàn thể Bộ tư lệnh đại đoàn đã trực tiếp lên lớp, giới thiệu từng bài cho anh em cán bộ từ sơ cấp trở lên. Vì quý trọng anh em đã đành và cũng vì bản thân mình rất say sưa với những nội dung học tập cho nên chúng tôi rất vui và sung sướng. chúng tôi đã hoạt động sôi nổi và khẩn trương như trong chiến đấu. Tôi nhớ mãi những đêm khuya trên bên ngọn đèn dầu trấu, dưới các mái lán trong rừng, cúng tôi ngồi trò chuyện với từng người, khêu gợi, giúp đỡ anh em thấy được những điều đúng, nhận rõ những điều sai… do đó lại càng thêm tin tưởng hơn và hiểu nhau hơn.

Sau cuộc chỉnh huấn đã có sự chuyển biến trông thấy. Về phía các đồng chí cán bộ, tư tưởng tiểu tư sản và tư tưởng không vô sản khác đã bị phê phán. Tác phong quan liêu, quân phiệt, đại khái, qua loa… đã bị chỉ trích thẳng thắng. Mặt khác, ý thức trách nhiệm, lập trường, quan điểm cách mạng đã được nâng lên rất rõ rệt.

Về phía anh em chiến sĩ cũng có những chuyển biến tốt. Ý chí tiêu diệt địch tăng lên. Đoàn kết cũng tốt hơn. Tất cả những điều ấy đã làm cơ sở giúp cho việc học tập quân sự thắng lợi tốt đẹp.

Lại giống như những năm trước, khi cuộc chỉnh huấn vừa kết thúc thì đại đoàn được lệnh chuẩn bị cùng các đơn vị bạn lên đường đi chiến dịch. Bấy giờ là thu đông năm 1952, mùa thu đông đáng ghi nhớ trong lịch sử nước nhà với sự chuyển hướng chỉ dạo chiến lược tuyệt với của Đảng ta. Do sự chuyển hướng chỉ đạo ấy mà quân dân ta tiếp tục giành được thắng lợi và thắng lợi ngày càng to lớn hơn, đẩy quân xâm lược lún sâu vào thế bị động chiến lược cho tới khi chúng bị thua hẳn. Sự chuyển hướng chiến lược của Đảng ta đã thể hiện nổi bật nhất ở việc chọn chiến trường để đánh địch. Lúc bấy giờ có nhiều hướng được đặt ra như hướng đông bắc hay trung du hoặc đồng bằng?... Bọn Pháp sau khi tính toán, thăm dò đủ nước, đã phá đoán ràng có rất nhiều khả năng “Quân Việt” sẽ đánh xuống đồng bằng…

Nhưng không! Hết sức sáng suốt, Trung ương và Bác Hồ đã chỉ cho chúng ta hướng đánh dịch là Tây Bắc! Tây Bắc là chiến trường quan trọng, là nơi quân địch nếu bị tấn công mạnh và bị cắt đường đường giao thông sẽ dễ dàng bị co lập. Tây Bắc là chiến trường rừng núi mà quân ta có thể phát huy được sở trường tác chiến của mình và hạn chế tác dụng của phi pháo địch. Tây Bắc cũng là nơi quân địch tương đối còn chủ quan và sở hở. Ngoài ra, còn những lí do khác về địa thế, vị trí chiến lược quan trọng của Tây Bắc đối với không những Việt Bắc mà cả Việt Nam và chiến trường Đông Dương… Chính vì những lẽ đó, Bác Hồ và Trung ương đã quyết tâm phái bộ đội ta vượt núi băng ngàn, mạnh mẽ tiến vào Tây Bắc diệt địch, giải phóng đồng bào, giải phóng một khu vực chiến lược trọng yếu.

Hội nghị chiến dịch mở ở Bộ, Bác đã đến thăm, mặc dầu trời mưa, suối lũ. Bác đã đem tới cho cán bộ, chiến sĩ đi tham dự chiến dịch không những một nguồn cổ vũ rất lớn mà Bác còn đem cho chúng tôi một bài học Quyết tâm rất sâu sắc qua câu chuyện quyết tâm vượt qua suối lũ của Bác để tới Hội nghị đúng hẹn… “Có quyết tâm thì việc kho đến mấy cũng làm được. Nhưng không có quyết tâm thì dễ như ngắt một cái lá cũng không xong…”. Lời bác còn vang mãi trong tâm trí chúng tôi và nội dung công tác tư tưởng trọng yếu, nội bật nhất của quân dân ta trong chiến dịch Tây Bắc to lớn năm ấy cũng không ngoài vấn đề xây dựng quyết tâm theo lời Bác dạy.

Bài học Quyết tâm đã làm cho bản thân tôi cũng như tất cả các chiến sĩ, cán bộ trong đại đoàn đều rất phấn chấn, tin tưởng. Mặt khác, Tây Bắc đối với riêng tôi không phải là nơi xa lạ. Không ngờ mới xa Tây Bắc có ngót hai năm, tôi đã có dịp được trở lại chiến trường quá đỗi thân thuôc này. Nhưng lần này tôi được trở lại Tây Bắc đau thương và anh dũng cùng với một binh đoàn lớn mạnh, trong một chiến dịch quy mô có nhiều binh đoàn cùng tham gia tác chiến, quyết giành lấy thắng lợi giòn giã.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2010, 07:38:16 am »

*
*   *

Toàn đại đoàn Quân tiên phong ngày nghỉ đêm đi, chẳng mấy chốc đã tới bờ sông Hồng. Trời đột ngột đổ mưa lớn. Nước sông dâng cao cuồn cuộn chảy, sôi réo ầm ĩ trong đêm. Tuy vậy do toàn đại đoàn chuẩn bị tốt các bến và được đồng bào địa phương hết lòng giúp đỡ chèo chở nên đã đội mưa, vượt sông gọn trong một đêm.

Sang bên kia sông đã coi như đất Tây Bắc rồi. Rừng núi ngút ngàn hiểm trở. Trận mưa đêm trước làm cho mặt đất lầy bùn, quân đông, kéo đi, bùn càng sục lên kinh khủng, ngập sâu tới ngang ống chân. Cả binh đoàn chia thành hai cánh quân lớn như bị chôn trong bùn non. Có giờ chỉ nhích đi được 500m. Đồng chí đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ cùng với tôi phải xắn quần cao ngang đùi mà đi. Trước tình hình tiến quân rất gian nan ấy, chúng tôi đã kịp thời tổ chức hội ý, tổ chức lại đội hình cho thích hợp hơn. Những đơn vị có nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên được phép vượt lên trước. các đơn vị khác phải tạm dẹp sang hai bên nhường đường…

Sau khi vượt qua chặng đường lầy bùn ghê gớm ở vùng bên sông, các đơn vị của đại đoàn bắt đầu vượt qua một ngọn đèo rất cao và hiểm trở, quanh năm gần như phủ đầy mây mù, gió lạnh. Đó là đèo Khâu Vác. Tuy vậy, các đơn vị của đại đoàn đã nối tiếp nhau vượt qua “ải mây” này khá mau lẹ. Một phần do quyết tâm của anh em rất lớn, một phần do công tác tổ chức của đại đoàn đã làm khá chu đáo, những đoạn quá hiểm trở đã được công binh sửa chữa lại, đánh thành bậc và có dây song chằng dọc hai bên làm tay vịn. Ở những đoạn có độ dốc lớn và những đoạn tương đối bằng phẳng bộ đội có thể ngồi nghỉ chân có treo sẵn những biểu ngữ (do cơ quan chính trị đại đoàn làm) nhắc nhủ quyết tâm và cổ vũ tinh thần hăng hái vượt đèo để tiến vào Tây Bắc diệt địch, giải phóng cho đồng bào theo lệnh của Bác.

Đơn vị tiền vệ của đại đoàn vừa vượt qua dốc, đổ xuống sườn bên kia, quãng Nậm Mười thì gặp một đại đội Âu - Phi của địch ở Nghĩa Lộ đi tuần tiễu nhằm phát hiện ta từ xa.Trong khoảnh khắc, với quyết tâm lớn và trình độ tác chiến sắc bén, mãnh liệt, đơn vị tiền vệ của ta đã tiêu diệt gọn toàn bộ đại đội Âu - Phi, làm cho quân địch trong phân khu Nghĩa Lộ hoàn toàn mù mịt, không biết tin tức về ta. Chiến thắng Nậm Mười tuy nhỏ nhưng có một tác dụng khá quan trọng đối với toàn bộ chiến dịch và đã làm cho toàn đại đoàn hết sức phấn khởi, tin tuổng ở chiến thắng. Niềm phấn khởi và tin tưởng ấy càng được nhân lên khi được tin cùng ngày đơn vị bạn (Đại đoàn Chiến thắng) đã tiêu diệt vị trí Sài Lương và Ca Vịnh la hai tiền đồn của phân khu nghĩa lộ từ phái thị xã Yên Bái tiến sang.

Mệnh lệnh của Bộ tư lệnh đại đoàn được phát ra: cấp tốc tiến xuống cánh đồng Nghĩa Lộ, càng nhanh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Tuy nhiên, vẫn phải triệt để giữ bí mật đến phút cuối cùng. Nhiệm vụ cụ thể của đại đoàn trong đợt đầu chiến dịch là tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở khu vực cánh đồng Nghĩa Lộ (gồm 2 vị trí: một trên cao điểm Pú Chạng, một ở cạnh phố Nghĩa Lộ cũ, là khu vực chỉ huy toàn phân khu). Ngoài hai vị trí đầu não này, đại đoàn còn có nhiệm vụ tiêu diệt vị trí Cửa Nhì nằm án ngữ trên con đường từ Yên Bái đi vào cánh đồng Nghĩa Lộ. Bộ chỉ thị cho đại đoàn phải hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cả ba vị trí trên trong thời gian một tuần lễ.

… Các trận chiến đấu và chiến thắng ở khu vực Nghĩa Lộ đã diễn ra như thế nào, báo chí và lịch sử của đại đoàn đã ghi lại tỉ mỉ. Ở đây tôi chỉ ghi lại những điều gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với Đại đoàn Quân tiên phong.

Trong trận Pú Chạng mở màn cho chiến dịch, các sự kiện và diễn biến chiến đấu đã gây nên những xúc động mạnh mẽ hơn cả là giai đoạn tiến quân và bao vây, triển khai đội hình đột phá cứ điểm. Đây là giai đoạn xiết bao khó khăn và phức tạp. nếu không có truyền thống chiến đấu tốt đẹp từ xưa và nếu không được rèn luyện, giáo dục và tổ chức lãnh đạo chặt chẽ thì có lẽ bộ đội không vượt qua nổi những khó khăn từ đầu…

Tôi còn nhớ sau khi đổ dốc xuống cánh đồng Nghĩa Lộ một cách khá mau lẹ, gọn gàng, các đơn vị của đại đoàn đã tiến hành bao vây Pú Chạng (sở chỉ huy địch) từ rộng tới hẹp dần, rồi nhanh chóng triển khai đội hình chiếm lĩnh trận địa để sẵn sàng bước vào tấn công tiêu diệt địch. Việc chiếm lĩnh trận địa của Trung đoàn 2 trên dãy đồi Pú Chạng thật là khó khăn, vất vả và cũng táo bạo, mưu trí. Mũi chủ công của trung đoàn đã bí mật lên chiếm lĩnh trận địa ở ngay một mỏm đồi hơi thấp hơn mỏm mà địch xây đồn, cách nhau chỉ có một “yên ngựa” không quá hai trăm mét. Chọn hướng đột kích chủ yếu ở chỗ này, Trung đoàn 2 đã quyết giành lấy yếu tố bất ngờ để có thể nhanh chóng đột phá và thọc sâu mau lẹ vào giữa vị trí địch. Tuy nhiên, cũng vì thế mà việc giữ bí mật ở trên mỏm đồi chỉ cách địch trong “gang tấc” đã trở thành một vấn đề rất trọng yếu… các chiến sĩ Trung đoàn 2 và pháo binh phối thuộc đã phải thận trọng xắn nhẹ từng nhát xẻng, dùng tay moi từng viên sỏi để làm công sự và ụ pháo. Phải nén từng cơn ho, phải trao đổi ý kiến với nhăng bằng cử chỉ nhiều hơn là nói, đã nói là phải ghé sát miệng vào tai nhau thì thào rõ nhỏ… Từ chân đồi ngược lên, dốc tới trên 45 độ. Bộ binh leo trèo đã vất vả, các chiến sĩ pháo binh còn vất vả gấp bội. Tuy vậy, cuối cùng với một nghị lực phi thường cùng với mưu trí, kinh nghiệm sẵn có, anh em đã đưa được những cỗ sơn pháo lên tới mỏm đối diện với đồn địch để sẵn sàng trực tiếp yểm trợ cho xung kích đột phá cứ điểm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2010, 07:38:44 am »

… Sau khi Trung đoàn 2 đã chiếm lĩnh trận địa thắng lợi, Trung đoàn 8 cũng báo cáo đã triển khai đội hình bao vây đồn phố Nghĩa Lộ xong xuôi.

Có lẽ chưa một chiến dịch nào các đồng chí trong Bộ tư lệnh đại đoàn lại cảm thấy rất phấn chấn và tin chắc ở thắng lợi như lần này. Cuộc chiếm lĩnh trận địa rất khó khăn, phức tạp, quân đông, hàng vạn, vũ khí, khí tài không ít, lại mới từ xa đột ngột kéo tới và phải gấp rút triển khai đội hình ban ngày; có nơi đã táo bạo, bất ngờ tiến hẳn vào bố trí pháo và đội chủ công ở ngay trước mũi quân dịch…. Vậy mà anh em đã hoàn thành gọn gàng, mau lẹ và vẫn giữ được hoàn toàn bí mật; vượt mức thời gian yêu cầu khá nhiều. Rõ ràng đây là kết quả cụ thể của cuộc chỉnh huấn cơ bản vừa qua.

Còn sáu giờ nữa mới tới giờ nổ súng theo kế hoạch cũ. Chúng tôi trong Thường vụ Đản ủy và Bộ tư lệnh đại đoàn trao đổi ý kiến và cũng nhất trí với nhau: trước thắng lợi của việc chiếm lĩnh trận địa, tình hình càng trở nên rất thuận lợi và quyết định thay đổi một phần kế hoạch cũ, cho bộ đội nổ súng tấn công sớm hơn giờ quy định, tranh thủ lúc trời còn sáng. Mặt khác, lệnh cho Trung đoàn 8 chuẩn bị để tiến đánh đồn phố Nghĩa Lộ cùng đêm, khi ở trên Pú Chạng Trung đoàn 2 đã nắm chắc phân thắng lợi.

Chúng tôi vừa trao đổi ý kiến xong thì Trung đoàn 2 cũng điện về báo cáo xin đánh sớm hơn giờ quy định. Trung đoàn 8 cũng xin được đánh đồn phố Nghĩa Lộ cùng đêm khi Trung đoàn 2 về cơ bản đã làm chủ được Pú Chạng…

Trên, dưới thật kéo gặp nhau! Chúng tôi càng thêm phấn chấn và tin chắc ở thắng lợi.

Đồng chí đại đoàn trưởng gọi điện về Bộ chỉ huy mặt trận xin chỉ thị. Bộ chỉ huy trả lời: đồng ý!

Thế là trận đánh trên Pú Chạng bắt đầu. Cối 120mm của ta lần đầu xuất trận, gầm vang. Tiếp đó là các khẩu sơn pháo cũng tham gia đợt bắn phá. Trên Pú Chạng, địch có pháo 105mm. Chúng bắn trả về phía trận địa cối, pháo của ta. Nhưng chúng chỉ mới bắn được hai ba phát đã bị tiêu diệt tức khắc. Lửa cháy đỏ, lan rộng dần trên cứ điểm địch.

Xung kích của Trung đoàn 2 bắt đầu tiêế ra “yên ngựa” để sẵn sàng đột phá các bãi mìn, dây thép gai, mở cửa tiến vào diệt địch trong đồn. Từ trên đài quan sát của đại đoàn, trung đoàn nom rất rõ những cán bộ, chiến sĩ thân yêu của đại đoàn đang tiến với đội hình tuyệt đẹp, một tốc độ nhịp nhàng và một khí thế dũng mãmh lạ thường. Cũng lúc đó máy bay địch từ Hà Nội ầm ầm bay lên, gồm máy bay Hen-cát, phóng pháo kiểu B.26. Chúng lập một vòng lượn trên bầu trời Nghĩa Lộ khi còn vàng rực ánh hoàng hôn. Sau đó, chúng lao xuống nhằm đúng khu “yên ngựa” - nơi mà chúng đã kịp phát hiện là bị tán công mạnh và nguy hiểm nhất. Những quả bom na-pan vàng ệch nối tiếp nhau rơi xuống. Từng đám lửa lớn bùng lên... Lòng chúng tôi không khỏi thắt lại. Nhưng không. Bình tĩnh và mau lẹ, dũng cảm, các chiến sĩ của đại đội đột kích chủ công đã cùng lao lên bám lấy hàng rào địch. Những quả bom lửa rơi hầu hết ở phía sau đội hình của đại đội. Chỉ có một số cán bộ, chiến sĩ thuộc trung đội cuối cùng bị dính lửa. hết sức bình tĩnh và tỉnh táo, anh em ôm lấy súng lăn tròn trên mặt nước để dập lửa trên lưng áo; có những đồng chí vừa lăn vừa bốc đất dập vào những đám lửa cháy bùng bùng trên đầu, trên cổ mình. Trung đoàn phó Hung Sinh - người cán bộ kiên cường, anh dũng tuyện vời của đại đoàn cũng đã có mặt tự lúc nào với các chiến sĩ xung kích. Anh cũng bị một mảng lửa bám cháy ở bên mang tai và một bên má. Anh cũng bốc đất tự dập lửa cho mình, đoạn tiếp tục xông lên cổ vũ các chiến sĩ bình tĩnh, gan góc bám chắc trận địa, mặt khác lệnh cho đại đội xung kích thứ hai tạm lui lại phía sau để tránh bom lửa địch, sau đó tiếp tục tiến lên chiếm lĩnh vị trí cũ.

Quang cảnh ở trước cửa mở cứ điểm Pú Chạng lúc đó thật là hùng vĩ. Bom lử cứ tiếp tục bùng lên. Các chiến sĩ vẫn vẫn bám chặt lấy đồn địch và xuyên qua các màn khói, các đám cháy tiếp tục tiến lên. Trong lúc ấy, các chiến sĩ phòng không của đại đoàn nổ súng mãnh liệt để bảo vệ đơn vị. Đạn bắn lên như xé trời. Một chiếc Hen-cát như một con quạ sắt đen bị bắn xuyên họng, rơi xúng vun vút. Một chiếc khu trục nữa bị thương, khói đen kéo dài vắt ngang bầu trời Nghĩa Lộ vừa tắt nắng, bóng tối bắt đầu tràn ngập trong thung lũng. Những chiếc máy bay còn lại phải quay về Hà Nội. Thời cơ đột phá “cửa mở” đã tới. Với sức tấn công vẫn còn gần như hoàn toàn nguyên vẹn, với một khí thế manh liệt và kinh nghiệm công kiên dồi dào, các đơn vị của Trung đoàn 2 đã từ ba hướng nhất tề xông lên. Chỉ trong khoảnh khắc, chúng tôi dã nhận được báo cáo: các chiến sĩ ta đã làm chủ hoàn toàn trên mặt đồn Pú Chạng. Chỉ còn lại một hầm ngầm cố thủ. “Phải mưu trí và nhanh chóng tìm ra hầm ngầm để tiêu diệt!” - Chúng tôi ở sở chỉ huy đại đoàn diện ngay cho Trung đoàn 2.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2010, 07:39:20 am »

Nếu như đặc điểm nổi bật thứ nhất của trận tiêu diệt đồn Pú Chạng là quân ta đã anh dũng, ngoan cường chiếm lĩnh trận địa dưới bom lửa của địch thì đặc điểm nổi bật thứ hai là nhanh chóng phát hiện được hầm ngầm và tiêu diệt hầm ngầm cố thủ của chúng.

Các chiến sĩ, cán bộ của Trung đoàn 2 đã dũng cảm và mưu trí nhử dịch, lừa địch, đi tìm được hầm cố thủ và đặt bộc phá đánh từ khối lượng nhỏ tới khối lượng to hơn. Vừa đánh bộc phá vừa kêu gọi địch ra hàng. Cuối cùng, không chịu nổi sức tấn công và sự uy hiếp dữ dội của ta, quân địch trong hầm (gồm 82 tên) đã phải lốc nhốc giơ tay lên ra hàng (trong đó có toàn thể bộ chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ, từ chỉ huy trưởng tới chỉ huy phó và tham mưu trưởng, tham mưu phó).

Chiến thắng giòn giã của Trung đoàn 2 trên Pú Chạng đã làm nức lòng Trung đoàn 8. Khi được lệnh tấn công, Trung đoàn 8 đã tiến đánh quân địch ở vị trí Nghĩa Lộ cũng không kém phần mạnh mẽ và cuối cùng đã hoàn thành nhiệm vụ tròng thời gian không quá hai giờ.

Chỉ trong một đêm, cả hai vị trí đầu não, then chốt của phân khu Nghĩa Lộ đã bị hoàn toàn tiêu diệt. Quân địch bị giết và bắt sống toàn bộ. Cuối trận đánh, máy bay địch lên thả pháo sáng và ném bom để hòng tiêu diệt quân ta và phá hủy các kho tàng của chúng. Nhưng đấy chỉ là những hành động tuyệt vọng.

Đêm sau, đến lượt Trung đoàn 6 tấn công tiêu diệt quân địch ở vị trí Cửa Nhì. Trung đoàn 6 đã kịp thời phát hiện quân địch ở vị trí này đang hoang mang tới cực độ, chuẩn bị tháo chạy. Trung đoàn đã nắm thời cơ, trách nhiệm thủ nổ súng đúng lúc quân địch bắt đầu đeo ba lô lên vai để rút ra khỏi đồn. Trận chiến đấu đã diễn ra chớp nhoáng. Trung đoàn 6 đã chiến thắng giòn giã, góp phần cùng các đơn vị trong đại đoàn và tất cả các đơn vị bạn quét sạch quân thù, giải phóng hoàn toàn khu vực Nghĩa Lộ với hàng vạn dân và cả một cánh đồng phì nhiêu rộng lớn đứng vào háng thứ hai ở Tây Bắc (sau Điện Biên).

Đợt một chiến dịch kết thúc, Đại đoàn đã được Bộ chỉ huy mặt trận ngợi khen vì chỉ sau có 36 giờ chiến đấu đã hoàn thành nhiệm vụ nặng nề và to lớn mà bộ giao cho phải hoàn thành trong một tuần lễ.

Một buổi sáng, tôi cùng đồng chí Vương Thừa Vũ vào phố Nghĩa Lộ đã được giải phóng. Khó nói cho hết niềm vui của chúng tôi và anh em cán bộ, chiến sĩ khi ấy. Đồng chí Vũ ngày trước vì hoạt động cách mạng đã bị giặc Pháp bắt giam an trí ở đây một thời gian. Nay đồng chí đã trở lại với tư cách của một người chỉ huy chiến thắng. Còn đối với riêng tôi, Nghĩa Lộ đã là một cái gì mang nặng trong lòng từ những ngày ở Tây Bắc… Đã bao lần, từ bên kia dòng sông Hồng, đỏ mắt nhìn sang Nghĩa Lộ đau thương dưới gót giặc, mà lòng những ước mong và thề nguyền sẽ có ngày được tiến vào giải phóng vùng đất giàu đẹp này của Tổ quốc…

… Phân khu Nghĩa Lộ đã bị tiêu diệt. bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp rất lo ngại vì thấy rõ hướng tấn công chiến lược trong thu đông 1952 của quân ta. Chúng vội vã đưa hai binh đoàn cơ động chiến lược (GM7 và GM1) đánh lên vùng Phú Thọ nhằm cắt đứt tiếp tế từ hậu phương của ta ra tiền tuyến, kéo chủ lực của ta từ Tây Bắc trở về.

Nhưng âm mưu của chúng hoàn toàn bị thất bại. Đảng ta vẫn kiên trì chủ trương tiêu diệt sinh lực địch ở Tây Bắc và giải phóng một phần đồng bào, đất đai Tây Bắc. Theo mệnh lệnh của Bộ, đại đoàn chỉ cần phái một trung đoàn trở về Phú Thọ để phối hợp cùng quân dân địa phương đánh địch; còn đại bộ phận vẫn tiếp tục tiến sâu vào Tây Bắc cùng các đơn vị khác thực hiện nhiệm vụ chiến dịch.

Trung đoàn 6 được phái trở lại Phú Thọ. Chúng tôi đã căn dặn anh em mọi điều, mọi mặt. Chúng tôi bắt tay các đồng chí chỉ huy và gửi gắm ở anh em một niềm tin tưởng và hi vọng không nhỏ. Cũng từ đó, đại đoàn chỉ thị cho cơ quan tham mưu, chính trị cố gắng theo dõi chặt chẽ mọi bước tiến của Trung đoàn 6; mặc dầu về Phú Thọ, Trung đoàn 6 sẽ nằm dưới quyền chỉ huy của một Bộ chỉ huy mặt trận mới được thành lập.

Về Phú Thọ, được nhân dân địa phương hết lòng giúp đỡ dẫn đường, tiếp tế, thông báo tin tức địch… và được các đơn vị bạn tích cực phối hợp, hỗ trợ, Trung đoàn 6 đã đánh một trận phục kích lớn và nổi tiếng trên đường số 2. Trong trận này, các chiến sĩ Trung đoàn 6 đã tiêu diệt 400 tên địch, phá hủy ngót 50 xe cơ giới, trong đó có cả xe tăng 18 tấn và xe bọc thép. Trận vận động phục kích khá mưu trí và rất quyết tâm như một trùy nặng có tính chất quyết định cuuả quân dân Phú Thọ giáng vào âm mưu địch, phá tan kế hoạch phá giao thông, ngăn tiếp tế từ hậu phương và kéo chủ lực ta trở về, cứu nguy cho đồng bọn chúng ở Tây Bắc. Một lần nữa, Trung đoàn 6 đã cùng các đơn vị bạn viết thêm những trang sử vẻ vang của đại đoàn, làm giàu thêm truyền thống Quân tiên phong đã được xây đắp từ trước.

Trong khi Trung đoàn 6 chiến thắng ở Phú Thọ, trên Tây Bắc, các trung đoàn (Trung đoàn 2, Trung đoàn Cool cùng bộ đội phòng không, pháo binh, công binh của đại đoàn đã tiến sát tới bờ sông Đà để chuẩn bị bước vào giai đoạn 2 của chiến dịch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #67 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2010, 07:40:25 am »

*
*   *

Sông Đà! Dòng sông xanh đen chảy len lởi giữa những triền núi hiểm trở, hùng vĩ. Sông Đà! Dòng sông quá đỗi quen thuộc, nưm nay tôi lại có dịp trở lại với nó…

Đêm ấy, sau khi tiểu đoàn 79 của đại đoàn đã dũng cảm dùng tre, bương làm phao bơi vượt dòng sông lạnh buốt sang bờ bên kia tiêu diệt quân địch ở đồn Hát Tiếu, thì đơn vị công binh của đại đoàn được lệnh cấp tốc làm một cầu phao dã chiến cho đại đoàn tiến sang đất Sơn La.

Đêm ấy, trong ánh đuốc bập bùng, một cảnh tượng vượt sông hùng tráng, đẹp đẽ đã diễn ra. Quan kéo đi nườm nượp trên chiếc cầu nổi khá chắc chắn. Trước cảnh tượng này, tôi không khỏi nhớ lại những đội võ trang tuyên truyền khi bước vào Tây Bắc. Trong những năm còn nhiêu khó khăn, gian khổ ấy, anh em đã bao lần thầm lặng vượt dòng sông lạnh gió này để đi sâu vào lòng địch, giác ngộ nhân dân, gây dựng lại các cơ sở cách mạng, kháng chiến. Tôi biết có không ít anh em khi qua dòng sông này đã không còn bao giờ trở về nữa. Có anh em đã bị quân thù sát hại ngay giữa dòng sông, máu hòa cùng với nước sông Đà chảy mãi về xuôi.. Nay tình hình đã khác trước…; nếu như anh em được trông thấy cảnh tượng đoàn quân lớn, vượt sông rầm rộ, khí thế như dời non, lấp biển đêm nay, hẳn thấy rằng công lao, xương máu của mình không uổng.

Vượt qua sông Đà, Trung đoàn 8 được lệnh tiêu diệt một cứ điểm mạnh của địch - cứ điểm Mường Lum để nhanh chóng tiến ra con đường chiến lược 41. Được một đơn vị của Trung đoàn 2 phối hợp, Tiểu đoàn 29 (của Trung đoàn 8) đã tấn công Mườn Lum và tiêu diệt đồn này khá mau lẹ, đặc biệt đây là một trận đánh đồn có công sự vững chăc trong tiến quân, không có thời gian chuẩn bị kĩ.

Cũng trong thời gian này các đơn vị bạn ở phía Mộc Châu đã anh dũng tiêu diệt các cứ điểm Bản Hoa, Ba Lay, đánh tan một chi đoàn ứng cứu của địch. Chiến thắng Bản Hoa, Ba Lay và Mường Lum, Hát Tếu đã góp phần quan trọng phá tan phòng tuyến của địch trên sông Đà. Đường chiến lược số 41 đã phơi mình trước mũi súng của các chiến sĩ Quân tiên phong cùng các đơn vị chủ lực khác của ta. Thường vụ Đảng ủy đại đoàn cấp tốc hội ý và nhận định: phòng tuyến sông Đà của địch đã hoàn toàn tan vỡ, như vậy quân địch trên tuyến đường 41 nhật định sẽ hoang mang. Nếu phía dưới, đơn vị bạn tiêu diệt nốt quan địch ở Mộc Châu thì đường số 41 nhất định càng rung chuyển mạnh, tinh thần quân địch sẽ còn tan rã nhanh hơn nữa. Như vậy có khả năng quân địch sẽ rút chạy phần lớn các vị trí trên dọc đường để về Sơn La hoặc Nà Sản. Do đó, đại đoàn cần nhanh chóng hơn mữa, tiến ra đường 41 để đánh địch…

Nhận định và chủ trương ấy được phổ biến tức khắc xuống các đơn vị và đã có tác dụng quyết định đối với những chiến thắng của đại đoàn trong thời gian đó.

Trung đoàn 8 đang tiếp tục dẫn đầu đội hình của đại đoàn thì được tin cấp báo: địch sẽ đốt đồn Sông Con, tháo chạy về cứ điểm Yên Châu. Lệnh truy kích được phát ra. Thế là quân ta như gió lốc băng rừng tiến ra đường chiến lược. Vẫn còn thấy lửa cháy đỏ rực một góc trời phía đồn Sông Con. Một bộ phận của trung đoàn bứt lên phía trước. đến cầu Tà Vài, bộ phận này bắt được “cái đuôi” của chúng. Địch chiếm hai đồi cao bên kia cầu, bắn trả lại rất dữ. Trong khi đó, các chiến sĩ ta chỉ có súng cá nhân và súng máy nhẹ. Cối và đại liên chưa có khẩu đội nào lên dược. tuy vậy với một ý chí kiên cường, lòng dũng cảm cao độ, các chiến sĩ ta vẫn đánh mở đường qua cầu xông lên, quyết không cho quân thù chạy thoát. Trận chiến đấu đã diễn ra khá ác liệt. Đạn địch bắn tóe lửa chi chít trên thành cầu; một số chiến sĩ ta hi sinh. Nhưng cuối cùng quân ta đã hoàn toàn chiếm được cầu sắt, tiêu diệt bọn địch có đại liên ở hai quả đồi đầu cầu. Đại bộ phận quân thù ở phía trên biết không thể chạy nổi về Yên Châu, chúng vứt hết ba lô, điện đài, chạy tản sang hai bên đường và tan rã hết. Để lại một bộ phận vây quét bọn này, đại bộ phận Trung đoàn 8 tiếp tục rầm rập tiến về Yên Châu.

Một bộ phận nhỏ trang bị nhẹ của trung đoàn lại được phái đi trước, có nhiệm vụ vạch đường, đi vòng núi vượt qua Yên Châu, đóng một cái chốt để đề phòng bọn đich ở Yên Châu có thể sẽ hoảng hồn rút chạy trước.

Phán đoán đó không sai và chủ trương ấy rất đúng. Khi bộ phận nhẹ của ta vòng núi vừa tiến ra, đặt chân lên đường 41 thì đã chạm quân địch ở Yên Châu rút chạy. Đại bộ phận Trung đoàn 8 vẫn còn ở phía dưới Yên Châu. Máy bay địch đang thả bom phá hủy kho tàng ở trong thị trấn. Trươc tình hình ấy, phân đội đóng chốt của quân ta van ngoan cường nổ súng xông vào đánh địch mặc dầu chúng đông gấp bội. Quân địch bị tiêu diệt một số, một số tháo chạy vào rừng. Chỉ riêng bộ phận đi đầu của chúng là chạy thoát về Cò Nòi, rồi Chiềng Đông…

Cuộc truy kích địch của Trung đoàn 8, Trung đoàn 2 tiếp tục diễn ra mỗi lúc một mãnh liệt. Tới giờ phút này, đại đoàn lệnh cho các đơn vị; “Ai khỏe cứ tiến lên phía trước mà đánh địch. Không cần phân biệt đơn vị này với đơn vị khác. Tự động phối hợp với nhau mà tác chiến. Linh hoạt và dũng cảm. Kiên trì và quyết tâm. Táo bạo và mưu trí…”.

Sở chỉ huy của đại đoàn đã ra tới đường 41 dể bám sát các đơn vị nắm chắc tình hình, chỉ đạo tình hình cho sát và kịp thời.

Trước cảnh tượng đuổi địch dữ dồi ấy, tôi không khỏi nhớ tới năm 1941; cũng trên con đường này, rất vắng vẻ, bọn Pháp đã giải đi từng đoàn tù chính trị để đưa lên đày ải ở nhà ngục Sơn la. Hai tay bị xích chặt, lê từng bước lòng không khỏi có lúc buồn rầu, nhưng khi ấy tôi vẫn luôn luôn nghĩ tới một ngày mai thắng lợi, tươi sáng… Tuy nhiên, khi ấy không thể nào hình dung ra cảnh tượng quân ta đánh đuổi địch như hôm nay với cái khí thế như chẻ tre, tiến tới đâu quân thù tan vỡ, tháo chạy tới đó.

Yên Châu địch chạy rồi. Rồi Cò Nòi, rồi Chiềng Đông, rồi Hát Lót… địch cũng đều chạy nốt. chạy đến nỗi không còn kịp phá hủy kho tàng, hầm hố. Họa chăng chúng chỉ còn kịp gọi máy bay từ Hà Nội lên ném bom lên đèo Cò Nòi, trong đó có khá nhiều bom bươm bướm, hòng ngăn bước tiến của quân ta. Nhưng ngăn sao nổi! Các chiến sĩ ta vẫn người tiếp người, đoàn tiếp đoàn, xông lên. Mặt khác. Đại đoàn cũng đã kip thời điều công binh lên dể gỡ, phá bom bảo đảm đường tiến quân cho đơn vị.

Hàng trăm, hàng trăm tàn binh dịch bị vây bắt ở các khu rừng ven đường. Súng, đạn, đồ dùng quân sự địch vứt bỏ đầy đường. Xác địch chết nằm rải rác suốt từ cầu Tà Vài lên tới tận Nà Sản. Ở thung lũng này có một sân bay. Cũng ở đây tàn quân địch các nơi sống sót chạy về cùng những đơn vị ứng cứu từ Sơn La kéo xuống đã vón cục lại thành một tập đoàn cứ điểm.

Tập đoàn cứ điểm! Một hình thái phòng ngự mới của địch, có màng lưới hỏa lực dày dặc, có công sự vững chắc đã hình thành rõ rệt. Quân ta cần phải được chuẩn bị tốt hơn nưa mới có thể tấn công chắc thắng. Mặt khác lúc đó không những đại đoàn Quân tiên phong mà tất cả các đơn vị khác đều đã hoàn thành nhiệm vụ vượt mức, yêu cầu của chiến dịch cũng đã đạt được rất cao so với chỉ tiều đề ra, bởi vậy Bộ chỉ huy đã cho kết thúc chiến dịch.

Đại đoàn Quân tiên phong cùng với các đơn vị bạn chỉ để lại một bộ phận nhỏ ở chiến trường, còn đại bộ phận ca khúc khải hoàn, tưng bừng kéo trở về khu căn cứ Việt Bắc! ở Phú Thọ, lúc đó Trung đoàn 6 của đại đoàn đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ, đang chờ đại đoàn quay trở về cùng mở đại hôi mừng công, bình bầu chiến sĩ thi đua về dự Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #68 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2010, 07:42:52 am »

Trải qua mấy chiến dịch nữa, Đại đoàn Quân tiên phong đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Rồi cuối năm ấy, năm 1954, đại đoàn hết sức vinh dự được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh trao cho nhiệm vụ tiến về tiếp quản thủ đô Hà Nội.

Nói sao cho hết niềm vui sướng, cảm động của các cán bộ, chiến sĩ trong đại đoàn khi nhận được nhiệm vụ vẻ vang ấy. Có lẽ vui sướng, cảm động hơn hết là các cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn Thủ đô. Sinh trưởng trong lòng Hà Nội khói lửa, trung đoàn chiến đấu rất oanh liệt rồi ra đi tham gia cuộc kháng chiến lâu dài, nay chiến thắng trở về, thực hiện đúng lời thề khi xưa: “Thề sẽ quay về giải phóng Thủ đô!”. Tuy nhiên, không phải chỉ riêng có các cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn Thủ đô là có những kỉ niệm thiêng liêng, những mối ràng buộc ruột thịt, máu xướng với Hà Nội. Trong Trung đoàn 8 cũng có nhiều đại đội vốn là những đại đội Vệ quốc đoàn khi trước đã từng đóng trong nội thành làm nhiệm vụ bảo vệ nơi Bác ở và các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Trung đoàn 6 cũng vậy, tuy trước đây gọi là trung đoàn của Bắc Ninh - Bắc Giang (Bắc - Bắc) nhưng hầu hết các phân đội của trung đoàn đều đã tham gia những trận chiến đấu ở vùng chung quanh Hà Nội (năm 1946, 1947) như Gia Lâm, Yên Viên, Đông Anh…

Bởi vậy, nay cùng được trở về tiếp quản Thủ đô, tất cả các chiến sĩ, cán bộ trong đại đoàn đều rất phấn khởi, sung sướng. Anh em đều ý thức được rằng việc Đại đoàn Quân tiên phong quay trở về tiếp quản Hà Nội có một ý nghĩa tượng trưng vô cùng đẹp đẽ và sinh động cho sự chiến thắng của Đảng ta, cho nhân dân ta, có sự lớn mạnh của quân đội ta.

Từ tháng 8 năm 1945, đại đoàn đã rời Việt Bắc, tiến qua trung du, về đồng bằng để chuẩn bị vào tiếp quản giải phóng Hà Nội. Bấy giờ đang mùa nước lũ, dòng sông Hồng dỏ khé phù sa, rộng mênh mông, nhiều quãng đường như nom không rõ bờ bên kia. Nhân dân các đơn vị đã nô nức đem hàng trăm chiếc thuyền bè để chở đại đoàn qua sông. Đi tới đâu, qua làng này, xóm khác, các chiến sĩ đều gặp những cảnh rất cảm động, đồng bào già trẻ, trai gái đổ ra, tay bắt mặt mừng, mừng mừng tủi tủi.

Tới ngày 10 tháng 10 năm 1954, toàn Đại đoàn Quân tiên phong chia làm hai mũi; đội hình tề chỉnh, trong rừng hoa, tiến vào giữa biển người tràn ngập khắp các quảng trường, các đường phố; cổng chào, khẩu hiệu, biểu ngữ gắn như rợp trời Hà Nội:

- Hồ Chủ tịch muôn năm!

- Hoan hô Hồ Chủ tịch, Chính phủ và Quân đội ta về giải phóng Hà Nội!

… Đi trong hàng ngũ của đơn vị cao xạ, chúng tôi ngắm nhìn quang cảnh kì diệu của ngày giải phóng này! Lòng tràn ngập những niềm hân hoan, vui sướng, xúc động. chúng tôi ngắm nhìn những đồng chí cán bộ, chiến sĩ thân yêu cả đại đoàn đang người tiếp người, đoàn nối đoàn hùng dũng tiến trên đường phố, trên đầu mỗi đồng chí đều như đang tỏa ánh hào quang của Chiến thắngVinh quang. Những đồng chí thân yêu ấy đã 8 năm nay chịu đựng biết bao gian khổ, đã bao lần vào sống ra chết mà không hề nao núng, sờn gan; trước sau chỉ quyết một lòng tin theo Đảng, căm thù đế quốc, phong kiến tới xương tủy, chiến đấu bền gan vững chí cho tới ngày hôm nay… Chúng tôi ngắm nhìn đồng bào Thủ đô đang cực kì hân hoan, súng sướng. Rõ ràng đây là những con người mất nước nay đã thấy Tổ quốc trở lại với mình. Đồng bào càng hoan hô, càng hân hoan, long trọng đón mừng các chiến sĩ ta bao nhiêu thì lòng yêu nước, tin Đảng, tin Bác hồ của đồng bào càng được bày tỏ ra nồng nhiệt bấy nhiêu.

Sau ngày tiếp quản ít lâu, tôi có dịp đi xem xét lại nhiều nơi trong nội, ngoại thành. Khi đi ngang qua nhà giam tù nhân mà nhân dân vãn quen gọi là “nhà Hỏa Lò”, tôi chầm chậm bước chân và hổi tưởng lại ngày nào cách đây gần tròn 15 năm, tôi và nhiều đồng chí hãy còn bị giam giữ trong những bức tường đá cao vút, lạnh lùng kia.

Mười lăm năm! Kể cũng là một thời gian khá lâu, nhưng đối với cuộc đời hoạt động, chiến đấu của một người thì cũng có thể nói là không dài cho lắm. Mười lăm năm đã qua đi, hôm nay tôi đã trở lại chốn này cùng với bao nhiêu đồng chí thân yêu. Nhưng sau mười lăn năm, tôi trở về Hà Nội tay không còn bị xiềng, áo không còn phải in số tù như trước nữa… Mười lăm năm! Tôi đã cùng biết bao đồng chí thân yêu trở về Thủ đô giữa muôn vàn tình yêu thương, quý mến của đồng bào, trong hào quang chiến thắng, trong niềm vinh dự của những chiến sĩ vẻ vang của Bác Hồ, của Đảng.

Một lần nữa, chân lí càng được lịch sử, thực tiễn cách mạng khẳng định: chỉ có đi theo con đường của Đảng, tự nguyện bền gan chiến đấu dưới ngọn cờ vinh quanh của Đảng thì ta mới có thể chiến thắng, mới giải phóng được ta, giải phóng được dân tộc, bảo vệ được đất nước, quê hương. Chỉ có đứng vững dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, ta mới có thể giành lấy được tương lai tươi sáng cho Tổ quốc, một tương lai huy hoàng trong chủ nghĩa xã hội hôm nay và chủ nghĩa cộng sản mai đây.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Bảy, 2012, 09:28:46 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM