Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:32:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sư già chùa Thắm và ông Đại tá về hưu  (Đọc 12320 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2010, 11:06:35 am »

SƯ GIÀ CHÙA THẮM VÀ ÔNG ĐẠI TÁ VỀ HƯU

Tác giả: Nguyễn Khải
Nguồn: Cinet (Bộ VHTT)



Vài nét về tác giả:

Tên khai sinh: Nguyễn Mạnh Khải, sinh ngày 3 tháng 12 năm 1930, tại Hà Nội, chính quê phố Hàng Nâu, thành phố Nam Định. Mất 15 tháng 01 năm 2008 tại TP Hồ Chí Minh. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1957).

Nhà văn Nguyễn Khải học hết năm thứ ba bậc trung học thì toàn quốc kháng chiến bùng nổ; vào bộ đội khi mới 16 tuổi. Từng làm y tá, làm báo tỉnh đội Hưng Yên, thư ký tòa soạn báo Chiến sĩ Quân khu Ba (1951). Năm 1955 được điều đi trại viết anh hùng của Tổng cục Chính trị. Sau đó, ông là thành viên sáng lập, tham gia ban biên tập đầu tiên của Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, rồi làm cán bộ sáng tác. Năm 1988 chuyển ngành ra Hội Nhà văn Việt nam với quân hàm Đại tá; ông từng là ủy viên BCH Hội các khóa 2,3,4, có thời gian là Phó Tổng thư ký (khóa III), đại biểu Quốc hội (khóa VII).

Tác phẩm đã xuất bản: Xây dựng (tiểu thuyết, 1951); Người con gái quang vinh (truyện, 1956); Xung đột (tiểu thuyết, 2 tập, 1959), Mùa lạc (truyện, 1960); Một chặng đường (truyện 1962); Hãy đi xa hơn nữa (truyện, 1963); Người trở về (truyện, 1964); Họ sống và chiến đấu (bút ký, 1966); Hòa Vang (bút ký, 1967); Đường trong mây (truyện 1970); Ra đảo (truyện, 1970); Chủ tịch huyện (truyện, 1972); Chiến sĩ (truyện, 1973); Tháng Ba ở Tây Nguyên (bút ký 1976); Cha và con, và.. (tiểu thuyết, 1979); Cách mạng (kịch, 1978); Gặp gỡ cuối năm (tiểu thuyết, 1982); Điều tra về một cái chết (tiểu thuyết, 1994); Một người Hà Nội (truyện ngắn, 1989); Một giọt nắng nhạt (truyện, 1989); Một thời gió bụi (truyện ngắn, 1993); Ông đại tá và vị sư già (truyện ngắn, 1993), Truyện ngắn Nguyễn Khải (1996)..

Ông đã nhận giải thưởng Văn học Lê Thanh Nghị (Liên khu III, 1951); Giải thưởng Văn nghệ Việt Nam (1951-1952) với tiểu thuyết Xây dựng; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1982) với tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm. Năm 2000, ông được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về Văn học nghệ thuật.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Ba, 2021, 12:06:44 pm gửi bởi ptlinh » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2010, 11:09:54 am »

1

Khoảng năm 1980, một vị hòa thượng đang tu tại một chùa lớn ở thành phố Hồ Chí Minh bỗng nhiên trở ra Bắc về trông nom chùa Thắm, là một ngôi chùa vô danh thuộc một xã vô danh gần thị xã Hà Đông. Các cụ trong làng có cho đám con cháu làm việc ở ủy ban biết vị sư này là cháu gọi cụ tổ chùa Thắm là bác ruột, được sư tổ đem về nuôi từ năm mười tuổi, rồi làm tiểu chùa cho tới lúc lên sư bác mới vào Huế tu học ở chùa Bảo Quốc. Nghe nói sư già cũng là người tài giỏi, đã từng ở trong ban thư ký Hội Tăng già Việt Nam và Viện Tăng Thống, là một nhân vật cũng được nhắc nhở nhiều trong cuộc đấu tranh của giới phật giáo chống chính quyền Ngô Đình Diệm. ấy là chuyện trước đây, mà cũng là nghe nói thế, còn bây giờ nhà sư đã ngoài bảy chục tuổi, người gầy nhỏ, mặc bộ quần áo vải nâu, đi đôi guốc mộc, lúi húi ngày hai buổi giữa các luống rau ở sân trước và vườn sau chùa như một ông lão cả đời chưa từng bước ra khỏi làng. Chùa rất rộng nhưng chỉ có một già một trẻ, một sư cụ và một chú tiểu khoảng chừng mười bốn mười lăm tuổi gọi là chú Minh. Tuần rằm mồng một đã có các bà quy y cửa Phật tới quét dọn Tam Bảo, đồ xôi, đóng oản, hương hoa cùng với chú tiểu. Còn những lễ xin cầu phúc cho người sống, giải nghiệp cho người chết, là những dịp nhà chùa kiếm rất lắm tiền, thì sư già đều nhã nhặn từ chối. Thầy trò chỉ sống bằng tiền hoa lợi nửa sào vườn và vài chục gốc cây ăn quả. Sư cụ vẫn nói, nhà chùa chỉ ăn một ngày một bữa vào đúng ngọ, vẫn còn dư tiền để hoằng pháp độ sinh. Chùa làng đã vắng, lại không có đức ông thiêng, cũng không có con công đệ tử tới hầu bóng ở điện Mẫu nên càng vắng. Đi ngoài ngõ xóm không biết bên trong là chùa. Không có cổng tam quan, chỉ có một cái cổng gỗ hẹp mở giữa một lớp rào ô rô. Qua cổng ngoài là sân trước chùa lại có một lớp tường thấp bao trong nối liền với mặt tiền của năm gian chánh điện. Sân trong là một khu nhà xây đối nhau, mái thấp, hiên rộng, che ngoài bằng những tấm giại đan thưa, là nơi thờ Mẫu, thờ Tổ, thờ các Hậu, cũng là nơi tiếp khách và ăn ở của vị sư trụ trì cùng đệ tử.

Thời tiết lúc này là đầu đông, sư già đang thụ trai bữa chính ngọ. Mâm cơm đặt trên cái chõng tre kê sát tấm giại ở một đầu hiên. Mâm gỗ sơn, liễn đựng cơm cũng bằng gỗ sơn có nắp đậy, bát đĩa bằng thứ men xấu kẻ chỉ xanh, một bát canh, vài cọng rau bí luộc, một chén tương, một đĩa vừng. Nhà sư ngồi xếp chân bằng tròn, cái áo cánh bông mở khuy, đầu đội mũ len nâu, da thịt nhăn nheo khô héo. Trời nắng hanh, thứ nắng của mùa rét, quánh đượm như có mùi thơm và vị ngọt của mật. Trong bóng râm của mái hiên lối cửa ngách lên chánh điện, một con chó có bộ lông xù màu vàng bẩn nằm kê mõm lên hai chân trước, nửa ngủ nửa thức rình đuổi bầy chim sẻ xuống mổ thóc nếp phơi ở một góc sân. Đã nhiều năm su già phải tu ở miền đất chỉ có hai mùa mưa và nắng nên mỗi dịp cuối năm lại nôn nao nhớ đến cái rét hanh se, nhớ màn sương mù, nhớ cả những ngày mưa dầm, thục bàn chân trong bùn lạnh gánh rau ra chợ bán. Nhớ cả gắp rau su hào mềm ngọt kho tương, khoanh củ cải bổ tư luộc lên màu trắng như ngọc, cái mâm gỗ tróc sơn, cái bát ăn cơm men vàng nứt rạn. Nhớ bụi thanh trà ở một mé ao, nhớ cụm hoa mộc ở điện thờ đức ông, cái bể cao một đầu một với hứng nước mưa mùa hạ, tiếng gà gáy giữa trưa, tiếng chuông thu không mênh mang lúc chiều tối. Đã dăm năm nay nhà sư về tu ở chùa cũ mà niềm vui được trở lại đất tổ vẫn chưa phai. Những người quen biết cũ hầu như không còn ai nhưng chùa cũ vẫn còn, vườn xưa vẫn còn, bụi thanh trà, cụm hoa mộc, cây muỗm sau chùa vẫn còn. Một thời rất bình yên vẫn chưa mất hết mọi dấu vết. Đã đi tu là biết thân và cảnh, sống và chết, ta và người, tất cả chỉ là hoa trong gương, trăng dưới nước, không có gì là chắc "có" cả. Mà vẫn là có. Những kỷ niệm của một thời mới nhập đạo dầu đã bị năm tháng mài mòn vẫn giữ nguyên hương vị của ngày xưa mỗi lần chợt nhớ tới. Có lần nói chuyện với người quản sự của chùa vốn là con trai một người bạn thuở ấu thơ, sư già bảo: "Một đời tu tôi đã thoát khỏi mọi ràng buộc, mọi chấp trước, xem vạn sự chỉ là một tuồng huyễn hóa để giữa tâm luôn luôn an tịnh. Chỉ duy những năm được hầu tổ ở chùa này là không bao giờ có thể quên nổi. Đêm ngày chỉ lo lúc chuyển nghiệp vẫn không được trở lại chùa cũ. Cái sầu não ấy là tự tôi chuốc lấy, tự tôi không muốn rời bỏ". Thật ra cũng còn một lý do khác nữa khiến sư già năn nỉ với giáo hội xin được trở về tu ở chùa cũ. Cái lý do ấy nhà sư mới chỉ thổ lộ cho nó có một người được biết. Người ấy đã được cụ đối đãi như bạn tri kỷ.

Người bạn tri kỷ của sư già chùa Thắm là một đại tá về hưu. Ông ở với con gái và đứa cháu ngoại tại ngôi nhà cuối phố huyện từ năm 1982 do con gái ông mua lại của một gia đình rời vào Nam sinh sống. Nhà làm theo kiểu xưa nhưng vườn rộng, có nhiều cây ăn quả, có giếng, có bể xây, nhìn vào xanh ngắt, mát rợp. Năm đầu ông mua gỗ đã xẻ về đóng bàn, đóng tủ, đóng giường hì hụi từ sáng đến tối. Năm sau hết việc, buồn quá, ông mở cổng bán trà chén, bánh kẹo, thuốc lá từ mờ sớm tới quá trưa thì nghỉ. Vườn mát, người bán hàng lịch lãm vài vui chuyện nên rất đông khách, khách vãng lai có ít, còn hầu hết là khách quen, là anh em cán bộ, công nhân viên mấy cơ quan xí nghiệp quanh huyện. Một ông già đã sáu mươi hai tuổi, đã về hưu lại có sức hấp dẫn với đám thanh niên, là khách uống nước mỗi ngày cũng là chuyện lạ. Ông trở thành cố vấn cho họ nhiều chuyện rất riêng tư, theo ông thì việc dữ hóa lành, làm ngược lại mọi sự còn bê bối hơn trước. Ông chỉ khuyên những người đến vấn kế rằng họ cần nhẫn nại một chút, cần nhân nhượng một chút và không được xem một ai là xấu xa hoàn toàn. Người xấu nhất vẫn còn nhất điểm lương tâm, hãy bền bỉ tấn công vào đó, rồi thì anh sẽ được thêm một người bạn. Ông là một người rất cởi mở những vẫn có một chút gì bí mật, không thể hiểu nên đã tạo ra vẻ quyến rũ riêng đối với đám trẻ vốn thích được chiêm ngưỡng mọi sự bí mật. Nhưng có một lần cái thân phận hơi huyền bí của vị đại tá về hưu tình cờ bị tiết lộ, cũng chỉ là hé mở chút ít đủ để người phố huyện có chuyện rì rầm bàn tán thôi. Bữa đó vào khoảng xế trưa, đã gần tới giờ ông chủ quán dọn hàng đóng cửa nghỉ thì một chiếc xe con quân sự đỗ bên kia đường và một nhóm sĩ quan quân đội nhảy ào xuống đi thẳng vào quán nước. Người đi đầu là một đại tá còn trẻ đứng sững nhìn ông già đang rót nước ra chén mời khách, rồi kêu lên, giọng Sài Gòn:

- Anh Hai, bọn em đến thăm anh đây!

Ông Hai ngẩng mặt nhìn lên rồi đứng vụt dậy:

- Ủa, mày ra đây hồi nào?

Giọng ông khác hẳn ngày thường, nửa Nam nửa Bắc. Rồi ông lật đật kéo bàn kéo ghế mời khách, mắt vẫn nhìn chăm chú từng người một.

- Ồ, tụi bay hẹn nhau tới đây hết một lượt, hả?

Bốn người đã ngồi nhưng người mang quân hàm đại tá vẫn đứng, vẻ mặt cau có:

- Dân Sài Gòn mà lại ra đây ngồi bán quán, hả? Nghĩ sao mà anh làm thế, kỳ cục hết nói.

Ông Hai đưa nhanh ngón tay chấm vội một giọt nước đọng ở khóe mắt, rót nước ra các chén nhỏ, cười gượng gạo:

- Chỗ này không có đá nên không có trà đá, mấy em uống tạm trà nóng vậy.

Họ nói với nhau những gì đó rồi nghe ông Hai nói:

- Một đời mình sống vì đồng đội, bây giờ còn mấy năm cuối phải dành cho con nhỏ với thằng cháu ngoại thôi. Các cậu thông cảm đi.

Một người nào đó nói to:

- Bọn tôi mời anh vô trong ấy về hưu cùng với con anh, cháu anh để anh em cũ có điều kiện chăm sóc, giúp đỡ. Đó là quyết định của anh em biệt động Thành. Bây giờ anh tính sao?

Ông Hai vẫn nhăn nhó:

- Cám ơn anh em nhiều, nhưng cái Thoa đâu có chịu vô. Nó sợ gặp lại thằng chồng cũ đang sống với con vợ mới thì nó không chịu nổi. Tình cảm bọn nó bây giờ phức tạp lắm, mấy ông ơi.

Ngày hôm sau bọn họ lại đến những hai xe, khoảng mươi người, ăn chơi một ngày ở nhà ông Hai, gần tối mới ra về. Mấy người quen tới uống nước hỏi dò ông già:

- Nghe nói bác sắp vào ở trong Sài Gòn phải không?

Ông già cười mủm mỉm:

- Đến tuổi tôi chả còn muốn đi đâu nữa. Đây là chỗ ở sau cùng.

Một chàng trẻ tuổi nói đùa:

- Nếu con được là con trai của bố nhỉ. Con sẽ công bố đi bộ vào tận Sài Gòn ngay lập tức. Trong ấy là nước Mỹ nội địa đấy bố ạ.

Quả nhiên ông không đi đâu thật, vẫn ngày ngày bán nước trà chén cho đám khách quen thuộc của phố huyện. Nhưng khách hàng nói năng với ông có vẻ kính trọng hơn, dè dặt hơn và hay nhìn trộm ông như một nhân vật khác thường. Vì ông là dân Bắc nhưng lại đánh Mỹ bao nhiêu năm tận trong hang ổ của chúng là Sài Gòn, là người Sài Gòn, chỉ huy anh em biệt động của Sài Gòn, là thứ dữ đã rửa tay gác kiếm.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2010, 11:11:03 am »

Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu quen biết nhau cũng rất tình cờ. Cách đây đã hai năm ông Hai có việc phải đi thăm một người bạn cùng chiến đấu ở trong Nam rồi về nghỉ hưu ở Hải Phòng và ở lại chơi với bạn gần một tháng. ở nhà thằng cháu ngoại lại lên cơn sốt co giật. Nó vốn hay đau yếu từ lúc mới sinh, tây y gọi là suy dinh dưỡng, đông y gọi là bệnh mạn tỳ phong, ra vào bệnh viện đã nhiều lần mà bệnh vẫn không dứt. Bà hàng xóm ở kế cạnh liền bảo nên đến xin đơn thuốc của sư cụ chùa Thắm chắn chắn là khỏi hẳn. Bà vốn là cán bộ phụ nữ huyện, về hưu lại thành bà vãi chùa chuyên làm các việc công đức từ thiện. Tự bà đến chùa kể bệnh xin đơn về cân thuốc, sắc thuốc cho thằng bé. Nó uống có ba thang mọi chứng bệnh từ nhỏ coi như dứt hẳn. Lại uống thêm ba thang bổ nữa thằng bé đã thành một đứa trẻ khác, lên cân từng tuần, chạy nhảy nô đùa đúng với lứa tuổi. Ông Hai về nhìn thấy cháu lấy làm kinh ngạc, cây một cành, cành một quả nên mẹ con nó vui và khỏe là hạnh phúc lớn nhất của đời ông lúc đã già. Và lập tức ông nhảy ra Hà Nội mua trà, mua bánh đậu chay thuộc loại cực ngon rồi đạp xe tới chùa để có lời cảm ơn sư già đã đem lại bao nhiêu phúc đức cho gia đình ông. Nhà sư nhận quà biếu rất tự nhiên rồi tủm tỉm cười, hỏi: "Ông đem quà cho trò mà không biện lễ dâng thầy à?" Ông Hai ngồi ngẩn ra rồi nói lẩm bẩm: "Bạch cụ còn vị nào nữa ạ?". Nhà sư lại cười: "Tôi là đệ tử của Phật, đệ tử thì có trà có bánh còn hương hoa cúng Phật thì đâu?". Chết tôi rồi! Ông Hai không hề nghĩ một lần nào đã đến chùa thì phải mua nhang cúng Phật. Không thể bảo là quên mà là chưa nghĩ tới. Ông lên cúng Phật bằng nhang của nhà chùa rồi cứ cười mình mãi, nhà sư cũng cười và họ cảm thấy như đã rất thân nhau.

Cách mươi ngày sau, ông Hai có việc lên thị xã Hà Đông lúc trở về lại rẽ vào chùa thăm sư cụ. Các vãi đang bao tượng và quét dọn điện thờ Mẫu. Sư già cũng đứng ở đó gặp lại ông Hai có vẻ mừng rồi nói ngay: "Chùa này tuy không có tiếng tăm gì trong tỉnh nhưng bộ tượng gỗ sơn Tam Tòa Thánh Mẫu ở đây thì chắc là duy nhất". Sư già cho biết là pho tượng mẫu Liễu Hạnh, mẫu Thượng Ngàn, mẫu Thoải là do dòng họ Nguyễn Đức của tỉnh Hà Đông chạm khắc. Một nghệ nhân trong đám con cháu của họ ấy tên là Nguyễn Đức Thống đã chạm khắc một bộ ba tượng gỗ nổi tiếng khắp vùng Sài Gòn - Gia Định. Đó là tượng Bổn sư thuyết pháp, tượng Đại Tạng và tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt ở chùa Phước Hòa thuộc đường Bàn Cờ của thành phố Hồ Chí Minh. Ông Hai hỏi:

- Bạch cụ, cụ vào thăm các chùa trong miền Nam vào dịp nào?

Sư già cười:

- Tôi vào tu trong đó từ năm còn trẻ tới lúc đã già mới ra chùa ngoài này, tính ra vừa được bốn mươi lăm năm.

Ông Hai lại hỏi:

- Năm 1963 cụ tu ở chùa nào?

- Chùa Ấn Quang.

Ông Hai giương mắt nhìn trừng trừng sư già rồi kêu nhỏ:

- Bạch cụ, tôi nhớ ra rồi, tôi đã được gặp cụ một lần cùng với cụ Thiên Đạo trong buổi họp báo vào đầu tháng 8 năm 63 tại chùa Ấn Quang.

Đến lượt sư già nhìn chăm chú ông đại tá đã về hưu, ông ta là ai nhỉ mà có mặt ở Sài Gòn đúng cái năm 1963 không thể quên. Ông Hai nói:

- Tôi là cán bộ quân báo của Mặt trận vào hoạt động nội thành Sài Gòn - Gia Định từ năm 1962. Năm 1981 lại trở ra Bắc. Tôi sống ở trong ấy cũng được hai chục năm nhưng mới chỉ là non nửa thời gian so với cụ.

Nét mặt sư già bừng sáng, cụ chắp tay niệm:

- A di đà phật, tôi với ông vậy là cũng có chút nhân duyên, dẫu giả tạm nhưng vẫn vui mừng lắm.

Một nhà sư và một ông đại tá kết bạn với nhau đã được gần hai năm, càng trò chuyện càng thấy tiếc đã gặp nhau quá muộn, dẫu rằng họ rất khác nhau trong niềm tin, trong sự từng trải và cả trong nhiều sở thích riêng. Chắc hẳn họ đã tìm được ở nhau một sự đồng cảm khác thường có thể bỏ qua mọi cách biệt xét cho cùng cũng chỉ là tiểu tiết.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2010, 11:12:32 am »

2

Chỉ tới khi ấy sư già mới thuật lại cho ông đại tá nghe về những sự kiện đã làm thay đổi đời tu của mình, tức là cuộc đối đầu của giới phật giáo miền Nam với chính quyền Ngô Đình Diệm cùng những hệ quả sâu xa của nó. Sư già kể:

"Chính quyền Ngô Đình Diệm phạm nhiều sai lầm trong việc cai trị và một sai lầm hết sức ấu trĩ là xóa bỏ tự do tín ngưỡng, độc tôn một tôn giáo, độc tôn một niềm tin. Họ xem Thiên Chúa giáo là một giáo hội, còn Phật giáo chỉ là một hiệp hội. Họ nhầm to! Phật giáo là một église, một giáo hội, có thời còn là quốc giáo của dân tộc mình chứ không phải là một association privée, một hiệp hội tư nhân. Ông đừng ngạc nhiên khi tôi nói được tiếng Pháp. Lúc nhỏ tôi theo hầu tổ thì học Hán Nôm để đọc kinh Phật và sách thuốc, vào trong Nam thì học thêm văn hóa để có bằng tú tài rồi lại học Pháp ngữ và Anh ngữ. Thời thế nó đòi hỏi phải học để khỏi bị đồng đạo và phật tử khinh lờn. Đã đi tu còn để lòng gợn sóng là như thế, nhưng thôi, cái chuyện này ta sẽ nói sau. Vì tôi nói và viết thông thạo hai ngoại ngữ này nên tôi được chứng kiến nhiều chuyện bí mật của năm 63.

Cuộc đấu tranh của giới phật giáo bắt đầu từ ngày lễ Phật đản ở Huế do tỉnh trưởng Thừa Thiên ra lệnh cấm treo cờ phật giáo trong ngày đại lễ. Sáng ngày 8 tháng 5, tại chùa Từ Đàm, thầy Trí Quang kêu gọi phật tử đấu tranh cho quyền bình đẳng tôn giáo. Tối ngày 8 tháng 5 chính quyền Thừa Thiên cho xe tăng tới bao vây đài phát thanh Huế và cho lính ném lựu đạn vào đám thanh niên phật tử làm tám người bị thiệt mạng. Ngày 10 tháng 5 các vị lãnh đạo Phật giáo họp tại chùa Từ Đàm, ra tuyên bố 5 điểm. Giới phật giáo Sài Gòn cũng quyết định tổ chức rước linh cầu siêu những người tử nạn để biểu thị sự bất bình của toàn xã hội đối với hành động khủng bố của người cầm quyền.

Đêm trước ngày rước linh, ông Diệm có cử Quách Tòng Đức là đổng lý văn phòng phủ tổng thống và Nguyễn Phú Hải là đô trưởng Sài Gòn - Chợ Lớn tới gặp cụ viện chủ chùa Ấn Quang. Cụ viện chủ không tiếp mà cử thượng tọa Thiện Đạo và tôi ra thay mặt. Cuộc hội đàm kéo dài từ 5 giờ chiều tới 1 giờ đêm không đi đến một thỏa thuận nào. Chúng tôi vẫn quyết định rước linh từ chùa Ấn Quang là trụ sở trung ương của Giáo hội Tăng già Nam Việt đến chùa Xá Lợi là trụ sở trung ương của Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Trong vòng 49 ngày, cứ 7 ngày lại có một lần rước linh để cầu siêu khắp các chùa lớn trong thành phố. Đi bằng xe đò, xe tăng riêng, xe ni riêng, mỗi xe chở từ sáu mươi đến tám mươi vị. Mỗi lần đi là tám xe, mỗi xe đều có cắm một lá cờ phật giáo. Cũng trong dịp này đức hội chủ là hòa thượng Thích Tịnh Khiết từ Huế gửi thư cho tăng nin toàn quốc yêu cầu tuyện thực 48 giờ. Thư của ngài do các quân nhân phật tử trong quân đội chuyển đi khắp các chùa.

Ngay trong những ngày đấu tranh sôi nổi đó thầy Thiện Đạo và tôi đã tính nếu kéo dài các cuộc rước linh và tuyệt thực một cách nhàm chán thì phong trào đấu tranh tự nó cũng sẽ bị xẹp vì thiếu những hình thức mới mẻ, gây xúc động mạnh nuôi dưỡng. Trong ngày đầu tuyệt thực ở chùa Xá Lợi có một vị hòa thượng tu ở chùa Quan Âm bên Gia Định, pháp danh là Thích Quảng Đức, gặp thầy Thiện Đạo và tôi để trao một lá thư cho các vị lãnh đạo ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo. Trong thư cụ Thích Quảng Đức xin phát nguyện tự thiêu, làm ngọn đuốc sống để bảo vệ Phật Pháp.

Mười ngày sau, nhằm ngày 9 tháng 6, khi bàn tới những hình thức đấu tranh tiếp theo chúng tôi mới chợt nhớ tới lá thư nọ. Nhưng lời phát nguyện tự thiêu của cụ có thật không, có thay đổi gì không, vì chuyện sống chết cho một niềm tin nói thì dễ, hành động trong tức thời cũng dễ nhưng để chậm lại, có thời gian ngẫm nghĩ nhiều về cái chết có khi lại phân tâm. Nên thầy Thiện Đạo và tôi phải sang bên Gia Định gặp cụ. Đến chùa Quan Âm mới hay cụ đi vắng. Thầy Thích Thông Bửu là đệ tử có nó cụ xuống chùa Ấn Quang để tụng kinh Pháp Hoa. Lại trở về ấn Quang xin gặp cụ. Thầy Thiện Đạo bạch: "Bạch hòa thượng từ mẫn, trước kia hòa thượng có gửi thư phát nguyện xin được sử dụng nhục thân làm ngọn đuốc sáng rọi vào thế lực vô minh. Chúng con đại diện cho ủy ban liên phái xin cúi mình được nghe một lần nữa tâm nguyện của hòa thượng đấu tranh cho tiền độ của Phật Pháp". Cụ Quảng Đức đang ngồi kiết già trên giường, nghe thầy Thiện Đạo nói xong nét mặt cụ rạng rỡ đầy vẻ hoan hỉ, cụ chắp tay niệm: "Nam mô a di đà phật, vậy là con được toại nguyện rồi". Rồi cụ nói thêm: "Cho làm đi thôi. Xin thượng tọa cho tôi được gửi lời chào các vị lãnh đạo của ủy ban liên phái và xin cảm ơn chư vị". Nói rồi hòa thượng nhắm mắt lại, nét mặt thanh thản hầu như không còn để ý đến câu chuyện hệ trọng vừa rồi.

Từ lúc này là công việc của ban tổ chức, những công việc rất trần tục của những bộ óc minh mẫn, quỷ quái và thủ đoạn để giữ bí mật, để lường tính mọi việc trong mọi tình huống, để quyết một trận sống mái với kẻ thù. Ngồi nghe đồng đạo bàn tính, tự mình cũng tham gia bàn tính mà ghê sợ thay cho cái phần tăm tối còn lại của người xuất gia. Chỉ có một điều có thể biện minh: nếu không có chước ma làm sao trừ được ác quỉ, nếu quá trong sáng, quá thơ ngây, quá nhu thuận làm sao lay chuyển được một chính quyền tàn bạo, phi luân. Cái mục tiêu cao quý đã buộc chúng tôi phải dấn thân vào trọc thế. Đã dấn vào rồi liệu có tự kéo được mình ra không, cái điều đó tôi sẽ nói sau.

Theo lịch rước linh thì ngày 11 tháng 6 chư tăng ni sẽ tập trung làm lễ cầu siêu tại chùa Phật Bửu Tự ở đường Cao Thắng. Tức là sẽ có một quãng đường có thể đi bộ từ chùa Phật Bửu Tự đến chùa Xá Lợi. Trong khoảng ấy chúng tôi đã tìm ra một địa điểm tự thiêu rất xứng với công cuộc chuẩn bị. Đó là ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt ngay trước tòa đại sứ Cao Mên. Cách đi của hàng vạn tăng ni sẽ có một tổ chức riêng hướng dẫn. Sẽ có khối cầu nguyện, khối đọc to năm nguyện vọng của giới phật giáo, những khẩu hiệu cần trưng lên và cả lực lượng bảo vệ nếu xảy ra có sự đụng độ với cảnh sát dã chiến.

Cũng trong cuộc họp ấy chúng tôi đã thông qua lời hiệu triệu của hòa thượng hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, lời tuyên bố của ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, cách trả lời của các vị có trách nhiệm với các hãng thông tấn và báo chí trong và ngoài nước. Sau cuộc họp tôi chạy đi tìm đại đức quản lý nhà in Sen Vàng, yêu cầu đại đức phát tâm mua cho hai mươi lít xăng đổ xe để ngày mai rước các hòa thượng đi cầu siêu. Xe sẽ là chiếc Austin của ông Trần Quang Thuận, một phật tử hiện đi học lớp động viên sĩ quan ở Thủ Đức, gửi xe lại chùa ấn Quang, có người lái sẵn. Lại gặp người lái xe để dặn việc sáng sớm mai đưa xe rước mấy hòa thượng từ ấn Quang đến Phật Bửu Tự. Anh lái xe hỏi: "Mai vị nào đi?". Tôi trả lời: "Chưa rõ, vị nào già không đi bộ được mới ngồi xe". Lại dặn thêm: "Lúc lái xe cứ theo chư tăng, bảo dừng là dừng, bảo đi là đi, không vượt quá cũng không lùi sau". Thầy Thiện Đạo trong tối đó cũng điện thoại cho các hãng thông tấn AFP, UP, AP, REUTER, nói với những người phụ trách sáng mai cho phóng viên mang theo máy quay phim tới địa điểm đã chỉ định, sẽ có chuyện rất hay, chuyện không bình thường xảy ra.

Sau lễ cầu siêu ở Phật Bửu Tự, tôi nói trước máy phóng thanh: "Kính thỉnh chư tôn hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni hoan hỉ trở về chùa Xá Lợi để bàn phật sự cần gấp. Xin chư vị đi bộ, sẽ có người hướng dẫn". Tăng đi một hàng riêng, ni đi một hàng riêng, hai hàng song song chiếm một nửa đường, xe rước hòa thượng Thích Quảng Đức đi giữa. Ngồi sát cạnh cụ Quảng Đức là đại đức Chân Ngữ, đại đức Chân Minh thì ngồi cạnh người lái xe. Tới gần ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng thì xe dừng như bị hỏng máy, thầy Chân Ngữ mở bình xăng tưới lên người cụ Đức. Cụ vẫn ngồi yên lặng, mặt không biến sắc, miệng niệm phật, đợi xăng tẩm ướt toàn thân mới bước xuống xe cùng các thầy Chân Ngữ và Chân Minh. Ban tổ chức đã yêu cầu tăng ni ngồi thành một vòng tròn rộng, sắp xếp thành nhiều lớp đợi hòa thượng tiến vào. Cụ bước đi uy nghi, thanh thoát như bước trên tấm thảm trải sen vàng, rồi ngồi vào giữa vòng theo tư thế kiết già. Thầy Chân Ngữ lại xách bình xăng đổ cho hết phần xăng còn lại. Cụ Đức vẫn ngồi im như đã thành thạch tượng, miệng hơi mỉm cười, một bàn tay dựng thẳng trước ngực như một nửa búp sen, tay kia quẹt máy. Nhưng cái quẹt bị ngộp xăng nên không cháy, thầy Chân Minh vội chạy tới đưa cái quẹt khác. Hòa thượng vẫn ngồi thẳng, mắt mở to, nhưng cái nhìn đã thuộc về một thế giới xa xăm nào đó rồi cụ bật quẹt lần thứ hai. Ngay lập tức một khối lửa bùng lên, là một núi lửa bốc cao mãi, qua ánh lửa vàng hòa thượng vẫn trụ thiền kiên định, hai tay chắp trước ngực, hình ảnh sau cùng của vị phật sống trong tiếng niệm phật của hàng vạn tăng ni và phật tử. Có bài kệ rằng:

"Thập phương thế giới trung
Thiêu thân cúng dường Phật
Thành tựu đệ nhất Pháp
Duy hữu Việt Nam Tăng".
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2010, 02:02:04 pm »

3

Sư già kể tiếp:

"Kim thân bồ tát Quảng Đức được gói trong áo cà sa đặt lên ba lá cờ Phật giáo trải rộng rước về chùa Xá Lợi. Đi theo nắm tro thiêng liêng của bậc chân sư tôi đã nghĩ tới sự sống lại của Phật giáo như một quốc đạo trong toàn cõi Việt Nam bởi những tấm gương của nhiều tu sĩ dám xả thân cho sự trường tồn của dân tộc, của Phật Pháp. Vậy mà hóa ra không phải. Tháng 5 hy vọng bao nhiêu đến tháng 8 lại thất vọng bấy nhiêu.

Đêm 20 rạng sáng ngày 21 tháng 8, chính quyền Diệm mở cuộc tổng bố ráp khắp các chùa chiền trong phạm vi Sài Gòn - Gia Định. Các sư đều bị bắt giữ, kể cả hòa thượng hội chủ, các vị lãnh đạo trong ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo, các giám viện các chùa lớn, ai trốn được thì trốn còn đều bị tống lên xe cảnh sát. Hòa thượng hội chủ được đưa vào bệnh viện Grall. Một số vị khác vào trại Bạch Đằng là trụ sở cơ quan tình báo. Một số đến trại Lê Văn Duyệt của công an, số đông phải đi Rạch Cát.

Tôi xin nói thêm, chuyện bố ráp này tôi và thầy Thiện Đạo đã được Halberstam, một nhà báo Mỹ, cho biết từ lúc tối. Tôi đã bạch lại với các vị lãnh đạo ủy ban liên phái đang có mặt tại chùa Xá Lợi để tìm cách hóa giải. Thượng tọa Quảng Viên vừa từ ngoài Huế vào, là chiến lược gia của phong trào, bảo: "Chẳng phải chạy đâu hết, cứ cho họ đến bắt, bắt hết càng hay, giết cũng được. Họ có giỏi thì cứ làm". Lời nói quả quyết và bình thản ấy khiến chúng tôi vững tâm rất nhiều. Nhưng trong số các sư bị bắt ở Xá Lợi lại không có thượng tọa Quảng Viên. Ông ta đã trốn ở đâu? Mãi về sau mới được biết, ông Viên đã cạo lông mày, quấn y vàng như các sư Nam Tông, đứng lẫn trong đám tăng Nam Tông và được đưa về Rạch Cát là nơi tạm giam những kẻ vô danh. Ông ở lại đó vài ngày rồi được tha, liền về Sài Gòn vào tòa đại sứ Mỹ gặp Ingram là cố vấn chính trị xin được tá túc ở trong tòa đại sứ.

"Nắm tro của cụ Quảng Đức chưa kịp nguội, trái tim của cụ còn đỏ tươi nhưng lập trường của mấy người lãnh đạo giáo hội sau vụ bắt bớ đã thay đổi hoàn toàn để làm vừa lòng kẻ cầm quyền, để thoát thân, để không bị mất thêm những cái đã có.

Ngày 25 tháng 8, hòa thượng hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam kiêm lãnh đạo tối cao ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo ra lời hiệu triệu kêu gọi chư tăng ni, phật tử toàn quốc tin tưởng vào phương pháp hòa giải của giáo hội và sự lãnh đạo bao dung sáng suốt của tổng thống Việt Nam cộng hòa, gạt bỏ nghi nan hiểu lầm do sự kích động vượt ngoài phạm vi đạo đức. Tiếp đến kiến nghị của năm vị thượng tọa Phật giáo Trung phần, xác nhận trong chế độ cộng hòa nhân vị do tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo, Phật giáo được tùy duyên phát triển, được tự do tín ngưỡng và hành đạo. Lại xác nhận năm nguyện vọng của Phật giáo đã được tổng thống thực thi với tinh thần hòa giải tột bực. Rồi yêu cầu chính phủ nghiêm khắc đối với những người đã lợi dụng cuộc đấu tranh thuần túy phật giáo vào mục đích chính trị. Cuối cùng là cả năm vị đồng thanh ca ngợi Ngô Tổng thống là vị lãnh đạo anh minh, đầy đủ đức độ, chủ trương tự do tín ngưỡng. Rồi lại đến lời tuyên bố của vị phó chủ tịch ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo. Ông nói trong những ngày đầu của cuộc vận động cho năm nguyện vọng là nằm trong giáo lý nên ông đã tham gia ủy ban liên phái với chức phó chủ tịch thứ ba. Với ý chí ôn hòa tột bực của tổng thống và chính phủ, thông cáo chung đã được ký kết, những nguyện vọng chính đáng của Phật giáo đã được hoàn toàn thỏa mãn. Nhưng sau đó cuộc đấu tranh đã ngày càng đi xa phạm vi giáo lý và pháp lý và còn có tính cách quá khách. Vì vậy ông đã dự định rút khỏi ủy ban liên phái nhưng do sự khống chế của một số người trong ủy ban nên không thực hiện được. Ông tuyên bố: Nay tôi xin tuyên bố rút khỏi ủy ban liên phái để trở về với nhiệm vụ tu hành thuần túy theo chánh đạo.

Thượng tọa Thích Tâm Châu cũng ra tuyên bố lên án một số người trong ủy ban liên phái đã cùng với những phần tử, những tổ chức phản động trong nước và bọn phiêu lưu quốc tế âm mưu lợi dụng cuộc tranh đấu của phật giáo để lật đổ chính phủ Việt Nam cộng hòa. Và ông đã dõng dạc tuyên bố cùng quốc dân, kể từ ngày 20 tháng 8 ông tự coi đã hết nhiệm vụ của chức chủ tịch ủy ban liên phái bảo vệ phật giáo. Ông lại nói thêm tuy bị giam giữ nhưng ông vẫn bình yên và luôn luôn được chính phủ biệt đãi.

"Nhớ lại thế thôi chứ chẳng có gì làm lạ. Cái thân ngũ uẩn được thế gian nâng niu, chiều chuộng đã lâu làm sao nhất đán dám buông bỏ để hiến trọn vẹn cho Phật Pháp. Chúng ta đều là người của thế gian nên biết rất rõ những trói buộc của thế gian. Không phải ai ai cũng là cụ Thích Quảng Đức cả. Có điều những ông thầy chùa bạc nhược và háo danh ấy sau ngày 1 tháng 11 đều tự vỗ ngực hét to rằng chính họ là kẻ đã đào mồ chôn chế độ cũ, là ân nhân của chế độ mới, đều lànhững anh hùng cứu nước cứu đạo. Kiêu binh đã khó chịu, kiêu tăng vừa khó chịu vừa buồn cười. Thiên hạ họ cũng cười cả đấy, có điều họ không cười to thôi. Lúc này công thành thân thoái là đẹp nhất, việc đời cũng đẹp, việc đạo cũng đẹp. Khốn nỗi mấy ông thầy chùa đã từng được nếm thử cái hương vị ngây ngất của âm mưu và quyền lực nên bỏ không nổi. Huống hồ thắng lợi của đám quân nhân vừa giành được lại quá lớn, không nhảy vô cùng chia sớt thì uổng quá. Họ có phần họ, mình phải có phần mình, cái phần của mình là nhân cơ hội này đưa Giáo hội Phật giáo thành một quyền lực có thể chi phối mọi quyền lực. Các nhà sư một đời ăn chay niệm Phật chỉ biết có hoằng pháp độ sanh bỗng chốc thành những kiến trúc sư của một nhà nước Phật giáo, soạn Hiến chương Phật giáo, lập Viện Tăng thống, Viện Hóa đạo, củng cố hệ thống trường Bồ Đề, mở các nhà thương từ thiện, xây viện cô nhi, tổ chức các hội đoàn các cư sĩ, phật tử, có tham vọng từ đường lối chính trị của nhà cầm quyền đến các hoạt động xã hội của mọi tầng lớp dân chúng đều có bàn tay của giáo hội. Cái viễn cảnh phật giáo là quốc đạo, người cầm đầu Giáo hội là quốc sư, thiền trượng có uy lực như vương trượng, chứng điệp của nhà chùa có giá trị hơn mọi giấy thông hành xem ra cũng chẳng xa xôi gì. Thật là phúc đức!

Nào ngờ trong phúc vẫn có họa. Cái họa diệt thân lại từ lửa dục quyền lực mà sinh ra. Vì giành giật quyền lực mà khối phật giáo thống nhất bắt đầu nứt rạn, chia ra Việt Nam quốc tự và Phật giáo ấn Quang. Rồi trong mỗi khối lại chia làm nhiều bè nhóm để giành các chức vụ then chốt cho phe nhóm mình. Các phe nhóm lúc thì liên minh lúc thì đối đầu tùy theo sự bức bách của những quyền lợi. Trường hợp của thượng tọa Thông Trí là rất tiêu biểu. Tôi biết ông này rất rõ vì tôi với ông là huynh đệ đồng sư môn quen biết nhau đã mấy chục năm mà vẫn lấy làm kinh ngạc về những thay đổi rất khó hiểu trong những năm này.

Năm 63, ông Thông Trí từ Huế vô Sài Gòn tham gia ủy ban liên phái. Lúc ấy ông toàn tâm toàn ý đấu tranh cho năm nguyện vọng của giới phật giáo không chút nhân nhượng. Sau vụ bố ráp tháng 8 ông bị đưa đi giam giữ tại trại Lê Văn Duyệt. Ở trại về ông bảo, mình tiến lui không khéo dễ lâm vào cảnh trai cò mổ nhau ngư ông thủ lợi. Hỏi thêm ông về tình hình sắp tới, ông trả lời: "Chuyện gì phải xảy ra rồi sẽ xảy ra, chuyện gì phải đến rồi sẽ đến mình biết trước thế nào được". Đã bắt đầu khó hiểu rồi. Sau ngày chế độ Diệm đổ, giáo hội lập Viện Hóa đạo, ông Trí được bầu làm tổng thư ký liên minh với ông Tâm Châu hợp tác với chính quyền Nguyễn Khánh. Ít lâu sau vì quyền lợi bất đồng ông Trí lại ly khai ông Châu cùng ông Quảng Viên, ông Đức Thiện thành lập khối phật giáo ấn Quang đưa cụ Thiện Hoa làm Viện trưởng Viện Hóa đạo, ông Trí làm tổng thư ký.

Năm 66 sau vụ rước Phật xuống đường bị thất bại, ông Trí chửi ông Viên là thằng bán dạo, lẽ ra phải lấy thân che phật thì hắn lại lấy phật che thân. Rồi họ lại làm lành với nhau. Đến năm 73 phe ông Viên tố cáo ông Trí ông Thiện trên báo Sóng Thần về nhiều hành vi vô đạo đức như đã hủ hóa với nhiều nữ phật tử. Đã nghĩ hai người khó mà nhìn mặt nhau cho đến hết đời nào dè họ vẫn trở lại thân thiết, đi đâu cũng là hai người, ngồi ăn cơm vắng một người thì người kia chống đũa ngồi chờ. Chắc là lại có một ký kết mới nào đó. Kẻ đã mê say quyền lực chỉ biết có liên minh chứ không biết tình đồng đạo càng không biết nghĩa thầy trò. Ông Hoa viện trưởng Viện Hóa đạo bị chết đột ngột, ông Viên ông Thiện là hai viện phó nhưng lại đang đánh nhau kịch liệt nên cụ Thanh Tịnh là bậc trưởng thượng được bầu làm viện trưởng.

Năm 74 là năm bầu lại viện trưởng, ông Trí muốn được thay cụ Tịnh giữ chức ấy. Nên ông mới lập ra Tổng đoàn thanh niên Tăng Ni Phật tử làm chỗ dựa cho mình trong kỳ đại hội. Nhưng cụ Tịnh vẫn được tái đắc cử và ông Trí có thái độ rõ ràng là bất hợp tác. Sau ngày thống nhất đất nước sự bất đồng giữa hai người gần như công khai trước mắt tăng chúng. Thủ đoạn của ông Trí là, cô lập cụ viện trưởng ở cả hai phía. Với giáo hội thì ông tung tin cụ là tay sai của Việt cộng. Với chính quyền mới thì ông tạo ra những cơ hội khiến họ phải nghĩ rằng cụ là người chống đối ngầm.

Ông Trí là người to mập, đi đứng khệnh khạng, da mặt căng mỏng, lúc nào cũng cười, trò chuyện rất bỗ bã, dung tục cứ như anh hề nên tăng trẻ rất thích, các nữ phật tử cũng rất quyến luyến. Ông lại có tài ăn nói, tùy người tùy cảnh mà đổi thay. Nói chuyện với các cư sĩ thì ông khoe: "Mấy năm rồi tuy phật sự đa đoan, nhưng tôi vẫn đọc được nửa tạng kinh, dịch một văn phẩm phật giáo, lại làm cả thơ nữa". Rồi ông đọc một bài thơ ông mới làm, thơ rất hay, rõ ràng là của một thiền sư đã ngộ đạo: "Sanh tử là mộng - Niết bàn trong ta - Trần gian không vướng - Cực lạc đâu xa". Người như thế mà lại làm được những câu thơ như thế, cũng lạ. Nói chuyện với những người chưa tin vào chính sách tôn giáo của cách mạng thì ông bảo: "Từ năm tôi đi tu tới giờ chưa gặp được một chính quyền nào ủng hộ phật giáo cả. Nhưng phật giáo vẫn hiện hữu. Ví phỏng có phải đóng cửa giáo hội thì quý vị hãy về mở cửa giáo hội trong lòng quý vị". Nói chuyện với đám tăng ni trẻ thì ông tuyên bố: "Giáo hội Ấn Quang còn thì tôi còn hầu hạ tiếp. Giáo hội chết thì tôi cũng quạt mồ luôn". Gặp chuyện rắc rối mà bản thân ông có dính líu ít nhiều, để trả lời những câu chất vấn của phía này phía kia ông vừa cười vừa hất tay lên: "Thôi, good bye đời! Ai làm gì thì làm, ai tranh đua gì thì cứ việc tranh đua. Mình xin good bye!".

Có một lần, vào năm 78, 79 gì đó, nhân lúc ông Trí đau phải nằm bệnh viện, tôi có vào thăm. Ông gầy tọp hẳn, da mặt nhăn nhúm, ông ngồi dậy nói với tôi: "Xã hội bây giờ đảo ngược. Kẻ đang ăn trên ngồi trước như mình trước đây nay phải ở dưới ngồi sau. Việc thế gian phải chấp nhận chứ làm sao bây giờ". Kinh A Hàm đã dạy: "Sở dĩ cái này có là vì cái kia có, cái kia không thì cái này cũng không". Ở trường hợp này cái kia chính là những ảo ảnh về quyền lực. Quyền lực luôn luôn làm hư hỏng con người, kể cả các thầy tu. Những mưu mẹo thủ đoạn đôi khi quỉ quái khôn lường, tàn độc khôn lường nhưng nếu nhằm tiêu diệt một thế lực vô luân để bảo trì chính nghĩa thì vẫn tạo được ra ngọn lửa huyền vi bốc lên từ nhục thân đức bồ tát Quảng Đức. Còn cũng vẫn những mưu mẹo thủ đoạn ấy lại nhằm tiêu diệt lẫn nhau để giành một chỗ ăn chỗ ngồi trong giáo hội thì sẽ sinh ra lửa dục chập chờn bao nhiêu bóng quỉ hồn ma. Chính vì lẽ đó mà tôi đã nhiều lần viết thư lên các bậc trưởng thượng của giáo hội khẩn khoản xin được về tu ở chùa cũ để nắm xương khô một ngày kia được vùi dưới chân tháp tổ".
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2010, 02:07:48 pm »

4

Bữa cụ Thích Quảng Đức tự thiêu ông Hai đang ở vùng bưng sáu xã cách Sài Gòn khoảng hai chục cây số. Ngày hôm sau ông đã có hình và những tin tức rất chi tiết về cuộc tự thiêu, phản ứng của chính quyền Diệm, của các tầng lớp dân chúng qua báo chí đưa tin và qua báo cáo của nhiều cơ sở nội thành. Ông còn nhớ rất rõ cái cảm giác kiêu hãnh và tự hào khi nhìn tấm hình nhà sư ngồi niệm phật trong quầng lửa đỏ. Ông không chỉ nhìn tấm hình có một lần mà đã ngắm đi ngắm lại rất nhiều lần. Nhiều năm sau này trong lãnh vực hoạt động quân báo của mình ông đã chứng kiến hàng trăm người đón nhận sự hy sinh rất gan góc, rất thản nhiên, không hề nghĩ một chút nào tới danh lợi sau khi mình đã chết.

Xung quanh các cơ sở chính trị, quân sự, kinh tế quan trọng của Mỹ và ngụy quyền trong thành phố, ngay từ năm 64, ban quân báo của quân khu Sài Gòn - Gia Định đều đã ếm sẵn những kho vũ khí, nơi tập kết quân và các trạm trinh sát để chuẩn bị các trận đánh lớn nếu tình hình đòi hỏi. Cách đài phát thanh Sài Gòn khoảng hai cây số có một hầm vũ khí làm từ năm 65 do ông Hai-bong-bóng đảm trách. Hầm rộng phải đào tới 5 mét khối đất, lại phải đem đất đi đổ xa cách thành phố cả chục cây số. Mà chỉ được làm có một mình, làm ban đêm. Để giữ bí mật ông cho vợ con ra thăm quê nội ở Qui Nhơn hẳn hai tháng nhân các con được nghỉ học hè. Trước đó ông đã đi học nề mộc. Rồi ông còn phải học lái xe, nhận xe và hàng ở một địa điểm được báo trước rồi lái về nhà mình. Nhận giữ một hầm vũ khí người chủ phải lên một kế hoạch hành động tỉ mỉ từ nhiều tháng trước rồi làm dần dần từng chút một. Trước Tết Mậu Thân chừng nửa năm ông Hai trèo thang lợp lại mái nhà không may thang gãy ông bị thương nặng ở đầu. Trước khi chết ông gọi vợ lại trăng trối về cái hầm vũ khí dưới tầng sâu của lòng nhà, đưa vợ một nửa tờ giấy bạc, dặn người nào đưa nửa kia ghép lại thì giao vũ khí cho người ta. Nằm trên vũ khí là nằm trên bản án tử hình. Cuộc sống che giấu căng thẳng, những giây phút hồi hộp, lo âu không chỉ diễn ra trong một ngày, trong một tuần mà là trong nhiều năm. Trong đơn độc, trong thầm lặng ngọn lửa yêu nước của ông vẫn bền bỉ bốc cháy, bất chấp mưa to gió lớn, không cần một ai cổ vũ, tiếp tay, cũng không cần có ai biết, có thể mãi mãi không có một ai được biết ngoài cái người đã tới giao nhiệm vụ. Đã nhiều năm trôi qua ông Hai đôi lúc nhớ tới ông Hai-bong-bóng ở cuối đường Hồng Thập Tự, cũng chỉ được biết có thế. Còn vợ ông sau khi giao hầm vũ khí cho cách mạng đem con tới nơi khác sinh sống, nay ở đâu, cuộc sống dư đủ hay túng thiếu, liệu bà ấy có khai báo công tích của gia đình với chính quyền cách mạng? Chắc là không, mà nếu có khai chưa dễ đã ai tin, vì không có giấy chứng nhận, người có thể chứng nhận cũng đã hy sinh trong trận đánh Tết Mậu Thân rồi.

Lại một trường hợp khác cũng khiến ông Hai nghĩ ngợi nhiều. Đó là bà Mai Hương, hơn ông Hai chừng vài tuổi, là một trí thức công giáo cùng với chồng vào Sài Gòn từ năm 1940. Sau Tết Mậu Thân các cơ sở chắt chiu từ nhiều năm trong thành phố bị phá vỡ tan hoang cả. Bà liền đưa một tổ điện đài của Mặt trận lên lầu bốn của chính nhà mình. Cũng là đã dám coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Vì chuyện này vỡ lở thì tòa án quân sự của ngụy quyền có thể xử bắn và tịch biên gia sản người chủ không cần xét xử. Sau năm 75 vợ chồng bà hiến cả tòa nhà đó cho cách mạng, thuê một căn hộ nhỏ ở đường Điện Biên Phủ vốn là nhà của một Pháp kiều. Bà không buôn bán gì nữa, xin làm thủ quỹ của thành hội Phụ nữ thành phố. Một bữa ôm tiền ngồi trên xe xích lô bị cướp đuổi theo bắn bà lòi ruột để cướp tiền. Hồi cải tạo tư sản, vợ chồng bà bị đuổi ra khỏi nhà, tiền hết, chỗ ở không có, bà đến gặp ông Hai bảo: "Anh chị phải đi Pháp đây. Xa đất nước anh chị không muốn nhưng mình đã già rồi sang đó còn dựa cậy vào con cái". Nói thế là nhân nghĩa lắm, là không oán trách một ai cả nhưng mình thì phải nghĩ, càng nghĩ càng đau và ân hận vô cùng.

Rồi lại nhớ tới anh Năm Thông, bạn chiến đấu của nhiều thời kỳ. Mấy cơ sở Mỹ ta tấn công, như cư xá Brink của sĩ quan Mỹ, đều nhờ Năm Thông điều tra và chụp ảnh rất tỉ mỉ. Anh là người rất vui và chiều bạn, đã được bạn bè gọi là ông "toujours oui", "jamais non" (Luôn luôn có - không bao giờ không). Bà vợ có nghề phụ khoa kiêm thêm nghề xoa bóp bẻ chân bẻ tay cho các bà lớn, nuôi một bầy con năm đứa để ông chồng được tự do làm cách mạng. Sau Tết Mậu Thân anh Năm bị bắt giam ở trại Thủ Đức rồi bị đám an ninh đánh chết. Những đứa con mỗi đứa chạy một nơi. Còn bà mẹ dắt thằng cháu ngoại chạy về ngã ba Trung Lương sống ẩn dật trong một khu vườn bỏ hoang của người bà con. Khu vườn ấy cũng là nơi cất giấu vũ khí đưa từ Đồng Tháp về trước khi nhập Thành. Một đêm có mấy tên mặc đồ đen lén vào dùng gậy đập chết bà. Bà đã chết từ lâu mà đứa cháu vẫn còn kêu khóc và lay gọi ngoại nó. Mẹ thằng nhỏ nay là bác sĩ quân y, tóc đã chớm bạc, còn thằng nhỏ năm nào đã là một chàng trai tuấn tú, là kỹ sư hóa, đã có người yêu. Nó hỏi ông Hai: "Bác có quen biết ông bà ngoại con à?". Mẹ nó quát: "Mày phải kêu là ông, ông là cấp chỉ huy của ngoại mày". Nó cười: "Vậy coi ông còn trẻ quá hà!". Nhìn nó cười mà ông Hai muốn khóc, khóc vì hạnh phúc, khóc vì nhớ lại những người bạn gắn bó của một thời, cái thời ấy đã xa đến thế sao, mà ông vẫn còn sống đến tận hôm nay sao?

Lại nhớ tới đứa con gái của Bảy Lốp. Bảy Lốp là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc rồi trở về Nam năm 60, là đội trưởng đánh vào Bộ Tư lệnh hải quân ngụy hồi Tết Mậu Thân. Tấm hình Bảy Lốp mặc áo ca rô, một bên mắt hơi nheo lại chờ cái chết tức thì, đứng bên anh là Nguyễn Ngọc Loan tay giơ thẳng khẩu súng ngắn áp sát mang tai anh chuẩn bị bóp cò, đã được toàn thế giới biết đến. Ông Hai luôn luôn giữ tấm hình đó trong cặp của mình. Năm 79 khi đứa con gái Bảy Lốp gặp ông Hai, nó cứ nhìn ông tủm tỉm cười, còn ông nhìn nó vừa lạ vừa quen, như đã từng gặp ở đâu đó, nhất là nụ cười nhưng không thể nhớ tên. Nó còn rất trẻ, khoảng hai mươi tuổi, không thể là cơ sở của ông thời đánh Mỹ, chắc nó là con một đồng chí nào đó, con một chiến hữu, cháu là con ai thế? Nó nói: "Cháu tên Loan, trùng tên với thằng tướng ngụy đã giết ba cháu". Ông chồm dậy, chạy vòng qua bàn, nắm lấy tay nó: "Con bố Bảy Lốp hả, chao, bọn mày lớn mau quá!".

Trong mấy năm sau giải phóng Sài Gòn, chiều nào ông Hai cũng dành một giờ đạp xe dạo quanh những khu phố trước đây ông đã từng sống với bao nhiêu nỗi niềm yêu thương, đau xót. Tức là ông đã già rồi, mọi tình cảm luôn luôn dành cho kỷ niệm, cho quá khứ. Có nhiều ngày sáng nào ông cũng đạp xe tới tiệm phở Thái, gọi ăn một tô phở chín nạm. Đây là chỉ huy sở của một mũi tấn công trong đợt đánh Tết Mậu Thân. Ông Thái có người con rể là trung úy hải quân ngụy. Vợ chồng nó ở chung nhà nên được về nghỉ ăn Tết với gia đình. Mọi năm chiều ba mươi Tết nó thường đưa vợ con về nhà bố mẹ để tới sáng ngày mồng hai mới trở lại nhà ông. Năm nay nó định trưa ngày mồng một Tết mới về bên nội. Đêm ba mươi đã nổ súng mở màn cuộc tổng công kích. Ông bố vợ cầm dao dí vào tận mặt con rể, bảo: "Bắt đầu từ giờ phút này mày phải theo cách mạng, mày cãi lại là tao chém liền". Nó chạy ra nói với người chỉ huy mũi tấn công: "Em là sĩ quan hải quân nhưng em sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ các anh giao". Sau đợt 1, cả bố vợ lẫn chàng rể đều phải đi tù. Bây giờ ông bà đã mất cả rồi, gia đình người con rể cũng không còn ở trong thành phố. Những đứa trẻ lớn lên đã lập gia đình thành các ông chủ của nhiều chi nhánh phở Thái. Ông Hai tới ăn như một người khách lạ vì chỉ có bố mẹ chúng là biết ông. Ông ăn phở rồi trả tiền, hể hả, sung sướng vì đã có dịp được sống lại trong chốc lát với vong linh những người đã khuất.

Nhưng có những địa điểm ông không dám đi qua, không dám nhớ tới nữa vì nó gợi lại những đau đớn rất khó dứt bỏ trong nhiều ngày. Chẳng hạn ông không bao giờ dám đi qua đài phát thanh của thành phố, trước kia là đài phát thanh Sài Gòn, một mục tiêu tấn công trong Tết Mậu Thân. Đài có hai trung đội lính canh gác và tuần phòng, anh em biệt động chỉ có mười hai người, thêm một người lái xe là anh Năm Mộc. Chị Năm Mộc mở một tiệm may nhỏ cách đài có vài chục mét từ mấy năm trước để trinh sát. Anh Năm vừa tông xe vào cổng thì bị bắn chết ngay. Mười hai người nhảy ra khỏi xe nổ súng xông vào nhưng chỉ vào được có tám người còn bốn người bị kẹt ở ngoài. Mười lăm phút sau một tiểu đoàn an ninh quân đội tràn tới. Tám người vẫn bền bỉ chiến đấu từ 2 giờ sáng ngày mồng một cho tới lúc sáng hẳn. Họ đã hy sinh mất năm người trong trận đánh đêm đó. Còn lại ba người với hai chục ký thuốc nổ họ cho nổ đài phát và cùng hy sinh theo. Trong ba người chiến đấu đến phút cuối cùng có Khẩu là thằng con nuôi của ông Hai.

Khẩu mồ côi mẹ từ nhỏ, ở với chú, có nghề khắc gỗ cho các báo ở thủ đô. Năm 66 Khẩu tình nguyện vào Nam chiến đấu, ở một đơn vị trinh sát của ban quân báo. Đơn vị trinh sát toàn là học sinh, sinh viên quê ở Củ Chi chỉ lọt vào có Khẩu là người Hà Nội. Quê gốc của Khẩu là làng Hữu Từ thuộc Hà Đông. Quê của ông Hai là làng Tô cách làng Hữu có một con sông Nhuệ. Nên thầy trò dễ thân nhau. Lại nhân ông phải đi nằm bệnh viện vì bị sốt rét ác tính, Khẩu xin đi theo phục vụ suốt nửa tháng tận tụy, lo lắng như có tình máu mủ. Cả hai đã bàn tính nay mai giành được độc lập và thống nhất rồi họ sẽ cùng sống bên nhau mãi mãi ở Sài Gòn. Khẩu sẽ có một cô em gái tên là Thoa kém hắn bốn tuổi và thằng em trai tên là Thịnh kém hắn bảy tuổi. Khi có đông người hắn gọi ông Hai là thủ trưởng như anh em. Khi còn hai người hắn gọi ông Hai là bố, tiếng gọi âu yếm, nũng nịu. Trước khi lên đường làm nhiệm vụ Khẩu còn hỏi nhỏ ông Hai: "Bố vẫn bị trĩ đấy à?". Ông nhìn nó nước mắt đã muốn ứa ra: "Vẫn còn nhưng đã đỡ nhiều". Hắn lại nói: "Các chị bên quân y bảo bố phải ăn nhiều rau diếp cá thì mới khỏi ra máu. Bữa nào con về con sẽ đi kiếm cho bố ăn hàng ngày". Vậy là nó đã đi mãi. Như giấc chiêm bao. Bảy năm sau đứa con trai độc nhất của ông Hai hy sinh trong trận đánh Buôn Ma Thuột, mở đầu những trận đánh lớn kết thúc chiến tranh. Cả hai đứa đều hy sinh ở tuổi hai mươi. Hai năm sau nữa vợ ông cũng mất. Bây giờ chỉ còn lại có đứa con gái đầu và một thằng cháu ngoại. Và ông cũng không ở lại thành phố Hồ Chí Minh như đã dự tính mà về nghỉ hưu ở một vùng quê ông đã từ đó ra đi từ non nửa thế kỷ trước. Chuyện đời khó mà tính trước được tất cả. Hỏi ông có bằng lòng với cuộc sống hiện tại không? Ông sẽ trả lời với một chút ngậm ngùi: "Bằng lòng chứ, rất bằng lòng, tôi đâu có muốn sống khác với hôm nay". Nói thế cũng là rất thật, vì ông có những lý do riêng để bằng lòng với hiện tại.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2010, 02:13:03 pm »

5

Từ ngày lấy vợ tới ngày ông Hai nhận được tin đứa con trai độc nhất đã hy sinh, trong suốt hai mươi lăm năm ấy ông vẫn tự nhủ mình là người may mắn nên đã gặp được một người vợ rất hiền và có hai đứa con rất ngoan. Có gia đình đã mấy chục năm nhưng ông chỉ sống với gia đình nhiều lắm là năm năm, là thời kỳ ông làm việc ở Bộ Tổng tham mưu đưa vợ và hai con từ Thanh Hóa ra thủ đô, ở nhà tập thể của quân đội, sáng đi tối về như mọi viên chức của nhà nước. Lần đầu được sống trọn vẹn với vợ con, mọi việc tạp vặt trong cái tập thể bé nhỏ khiến ông vừa bực dọc vừa háo hức. Và phải học cách làm chủ một gia đình, học nhóm bếp lò và nấu cơm nếu vợ đi làm về muộn, học quấy bột cho chín và cho con ăn bột, học tắm rửa và thay quần áo cho các con, rồi học sửa điện, giọi mái nhà, đóng bàn học và kệ để sách, hàn vá nồi, mua và dùng các loại thuốc thông thường, cả trăm việc, việc nào cũng lạ, cũng đòi hỏi phải tỉ mỉ, kiên nhẫn. Tới lúc thành thạo thì ông nhận lệnh vào miền Nam công tác, vẫn là công tác quân báo, nghề ruột từ năm đánh Pháp.

Mười hai năm sau, tức là năm 73, ông ra Hà Nội họp được sống với gia đình hai tháng. Cái Thoa đã hăm mốt tuổi, vừa tốt nghiệp đại học sư phạm, đang đợi nhận công tác và đã có người yêu. Thằng Thịnh đã mười tám tuổi, thi trượt đại học, tình nguyện đi bộ đội theo nghiệp bố. Vẫn là gian nhà mười bốn mét vuông như năm mới nhận nhà, không cơi nới ra được một tấc nào nên hai ông bà già phải thu mình lại, phải nói nhỏ đi để nhường chỗ, nhường lối, nhường tiếng nói cho hai đứa trẻ con đã thành người lớn, đi đứng nguềnh ngoàng, nằm ngồi ngả ngốn và đầy ắp tiếng nói tiếng cười của chúng nó. Chúng nó dọn giường cho ông ngủ, đun nước cho ông tắm, giặt quần áo ông thay ra, nấu nướng các món ăn ông thích và nói chuyện chính trị, chuyện xã hội thông minh, ngổ ngáo. Ông chỉ cười, nhìn vợ con và cười cứ như không phải của mình, ông đâu có chút công lao nào trong việc kiến tạo một mái nhà ấm áp, hạnh phúc đến thế. Toàn là nhờ bà vợ cả. Bà vợ lúc mới lấy nhau to mập, da thịt mỡ màng, một đời ăn cơm cháy, húp canh cặn, nhai xương gà, nhai bì lợn để nhường tất cả phần ngon lành cho chồng và hai con mà vẫn khỏe, không thấy nằm ban ngày bao giờ, cũng không nghe kêu mệt bao giờ, luôn miệng: "Anh cứ để đó, chúng mày cứ để đó". Để đó rồi bà sẽ làm tất tật, làm lúc chồng con còn ngủ, lúc chồng con đi làm, đi học, đi xem chiếu bóng, đi chơi.

Nhưng bây giờ thì bà đã già lắm rồi, người thấp đi, nhỏ lại, tóc bạc nhiều và bàn tay gầy mỏng đen sạm như chân con gà ác. Bà chỉ ăn hai lưng cơm rồi chống đũa nhìn chồng nhìn con ăn, miệng như mỉm cười. Cái nụ cười nhẫn nhục, chịu đựng và xa cách như đã dự cảm những ngày vui này chỉ là thoáng chốc, là không thể bền. ở đời cái gì đẹp quá, mãn nguyện quá đều không thể bền. Quả là không bền thật. Bữa cơm liên hoan tiễn ông trở lại chiến trường cũng là bữa cơm cuối cùng của mâm cơm bốn người. Mãi mãi sẽ không có thằng con trai, ngồi đầu nồi xới cơm cho bố, còn người bố vừa ăn vừa ngắm nhìn nó lùa từng nửa bát cơm vào miệng và gần như không nhai, nó đã nuốt gọn ghẽ để lùa tiếp miếng sau.

Bốn năm sau nữa ông được về nhà một tháng để nuôi vợ ốm. Vợ nằm bệnh viện, mâm cơm ở nhà chỉ còn hai người, ông bố và đứa con gái đầu. Mà cũng chỉ được ngồi ăn vội vã với nhau vào bữa tối, nói năng với nhau cũng ngắn gọn và tránh né. Ông ăn vội còn đi nằm. Con gái cũng ăn vội vì còn bao nhiêu việc phải làm của một ngày dồn lại. Cuộc sống đã vất vả càng thêm ngột ngạt vì thiếu hẳn niềm vui. Chỉ có những lo âu, những ân hận. Đêm trước ngày bà mất, vợ ông cầm tay ông chỉ ao ước có một điều: nay mai bố ở đâu thì hai con phải ở liền đấy. Mỗi lần nghĩ đến chồng làm việc ở Sài Gòn, con trai nằm ở Tây Nguyên, con gái dạy học ở Hà Nội có chết cũng không nhắm được mắt. Sáng hôm sau khi ông mua bát phở lên nâng đầu bà bón ăn như mọi lần nhưng thìa phở vừa cho vào miệng lại trôi ra, hàm đã cứng rồi. Bà nằm thoi thóp tới nửa ngày, vẫn nhận ra chồng và con gái nhưng không thể nói được, đuôi mắt lúc nào cũng ướt đẫm. Chắc là còn tiếc lắm, còn nhớ lắm, còn cố níu vớt chút giây phút cuối gần gũi những người thân trước khi phải xa cách mãi mãi. Trong bữa cơm vừa là tuần cúng bảy ngày cho mẹ vừa để chia tay với bố người con gái nói: "Đầu năm tới chúng con làm lễ cưới, bố cố ra nhé". Ông nói: "Trong ngày vui của các con bố phải có mặt chứ". Nói vậy, đã định vậy mà không được vậy. Đầu năm sau mặt trận biên giới phía Tây Nam đã cuốn hút hết tâm trí, tình cảm của ông từ nhiều tháng trước.

Trước Tết ít ngày, con gái gửi thư vào báo tin chúng nó không làm lễ cưới vì bố không ra được, vả lại đang còn tang mẹ nên chỉ đến ủy ban đăng ký kết hôn rồi mời bạn bè tới ăn nhậu hẳn một ngày. Sau đó cả hai vợ chồng đi Thái Bình để trình diện bố mẹ và anh em bên chồng. Cuối năm ông được báo tin đã có cháu ngoại, cháu trai và giống cậu Thịnh nó y hệt, mẹ nó viết thế. Ông nhét thư vào túi áo, một ngày mở thư ra đọc tới mấy lượt, chóng thế, ông đã là ông ngoại, thằng cháu trai lại rất giống cậu nó. Hai chục năm nữa, nếu ông được sống đến năm đó, lại có một chàng trai hai mươi tuổi ngồi xới cơm cho ông ăn, nó vẫn là máu mủ của ông chứ đâu phải người lạ.

Cuối năm 80, ông Hai mới dứt được việc ra thăm con gái, con rể và cháu ngoại. Mâm cơm lại vẫn bốn người, ba người lớn và một thằng cháu nói năng ngọng nghịu thơ ngây. Ông ở lại nhà được một tháng. Mỗi sáng đưa cháu tới nhà trẻ rồi ông đi họp, mỗi chiều về đón cháu hai ông cháu dắt nhau đi chơi khắp mọi nhà trong khu tập thể cho tới giờ ăn cơm. Ra lần này ông bàn với vợ chồng con gái đưa cả nhà vào thành phố Hồ Chí Minh. Thằng chồng có nghề xây dựng là cái nghề mà thành phố đang rất cần. Con gái dạy toán cấp ba đã có trường sẵn sàng nhận vì hiệu trưởng là con trai lớn của một gia đình cơ sở thời đánh Mỹ. Phần người sống đã yên ổn rồi ông sẽ lên Daklak đưa nắm xương con trai về thành phố. Thu xếp xong công việc cuối đời như thế là xong, là đẹp, là hợp với nguyện vọng của người đã khuất. Vậy mà xem chừng lại chưa xong vì thằng con rể đang có nhiều mối làm ăn ngay ở Hà Nội. Chúng nó còn dự định mua nhà ở trên phố. Thôi, thì cũng mừng cho con cái, thời sau hơn thời trước, chúng nó ở đâu ông sẽ ở đó khi hưu nghỉ. Lúc trẻ cậy vợ về già cậy con như anh em thường nói.

Ông ở với con gái một tháng nhưng chỉ ngồi ăn cơm với chàng rể có vài bữa, hầu như nó không ngủ nhà, có lần vắng nhà cả tuần. Ông hỏi thì con gái trả lời dịp này chồng nó bận, phải ăn ngủ ở công trường. Nhưng mặt nó sao buồn thế, cái nhìn lấm lét, nhẫn nhục như con chó bị đánh. Thoạt đầu ông nghĩ rằng có lẽ vợ chồng nó làm ăn phạm pháp, kiếm tiền quá nhanh, quá dễ thì chỉ có ăn cắp thôi, nay hẳn công việc vỡ lở nên thằng chồng phải chạy đôn chạy đáo để thoát thân còn con vợ vốn phụ thuộc, hiền lành chỉ còn biết ngồi nhà trông đợi. ở thêm ít hôm thì hình như không phải thế, thằng con rể vẫn nguyên vẻ mặt mãn nguyện của thằng trọc phú, lại khinh vợ vì phải sống bám vào nó và nói năng với bố vợ như kẻ bằng vai phải lứa, còn tệ hơn thế, như người rất thông minh phải trò chuyện với một kẻ ngây ngô, chậm hiểu.

Là sao thế nhỉ? Có hai chi tiết khiến ông hết sức quan tâm. Trong một bữa cơm con vợ gỡ xương khúc cá rán rồi đặt miếng thịt cá lên bát cơm của chồng, lại quệt ngón tay dính mỡ lên cơm. Thằng chồng ngồi nhìn lừ lừ rồi hất hàm bảo vợ: "Xới bát cơm khác đi!" Vợ nó hỏi ngơ ngác: "Sao thế, anh?" Nó nói rin rít: "Miếng ăn cho vào mồm quệt chân quệt tay vào ghê bỏ mẹ!". Lại một lần ngồi vào mâm cơm thì thằng con từ ngoài chạy vào rồi nhảy tót lên lòng bố, bàn chân đi đất in hằn cái gót đen lên mặt vải quần màu xám nhạt. Thằng bố hất con xuống, quát: "Thằng quỷ, lần sau còn làm thế tao bẻ gãy chân". Rồi nó sai vợ lấy khăn ướt lau sạch vết bẩn. Suốt bữa ăn nó càu nhàu với vợ nó về mọi chuyện, lát lát lại nhìn xuống vế đùi, lấy tay xoa xoa lên vết bẩn đã được lau sạch.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2010, 02:18:35 pm »

Còn vài ngày nữa ông lại trở vào Sài Gòn, ông hỏi thật con gái: "Hình như vợ chồng mày có chuyện không vui phải không?". Con gái ông quay mặt đi: "Không có gì cả bố ạ, tính anh ấy vẫn thế". Ông cười nhạt: "Tao biết chứ, nó không yêu mày như mày đã yêu nó." Thế là con bé bưng mặt òa khóc. Mãi một lúc sau ông mới hỏi tiếp: "Chuyện thế nào?" Con gái ông không được đẹp nhưng ưa nhìn, chăm chỉ, tiết kiệm, thương chồng con hơn bản thân nó nhiều. Nó giống hệt mẹ nó, nhưng mẹ nó là người của thời trước, cái thời vợ chồng cùng đi làm, con cái ngoan ngoãn, ăn tiêu vừa đủ với đồng lương, không vay mượn ai, không có điều tiếng gì ở cơ quan cũng như ở phố xóm. Là một gia đình lương thiện, có cuộc sống trong sạch. Được như thế đã mãn nguyện. Nhưng bây giờ thì không thể đủ, hoàn toàn không đủ. Bây giờ người vợ phải biết ăn mặc, trang điểm, nấu ăn, tiếp khách, nếu có thể còn tham gia vào mọi sự làm ăn của chồng, tiếp tay cho chồng, làm vinh dự cho chồng. Con gái ông không được thế, nó giống như mẹ nó đã là không hợp thời, lại sống như một nhà giáo mô phạm lại càng không hợp thời.

Chồng nó đang say tiền, quyết chí làm giàu bằng mọi cách, nó lại khuyên chồng nó chỉ nên làm một kỹ sư xây dựng trong biên chế nhà nước, ăn lương và lĩnh tiền thưởng. Chồng nó muốn có nhiều bạn làm ăn bất kể lai lịch họ ra sao. Nó lại khuyên chồng nên xem xét người chánh kẻ tà trước khi kết bạn. Chồng nó muốn mời bạn bè ăn những bữa cơm gia đình ấm áp thân mật nhưng nó không biết làm món nhậu, nấu các món ăn cầu kỳ, không biết bày bàn, không biết cả cách đưa món nào trước món nào sau. Chồng nó muốn vợ phải bặt thiệp, phải biết chuyện trò, đùa cợt thông minh, duyên dáng để tình bạn thêm gắn bó nhưng con vợ lại chỉ hỏi người ta chuyện gia đình (cấm kỵ), chuyện công tác (rất cấm kỵ), chuyện cơ quan (không ích lợi gì) và khi hết cả mọi chuyện lại nói về đứa em đã hy sinh và một ông bố là đại tá quân báo đã từng chỉ huy nhiều trận đánh Mỹ rất lẫy lừng ngay tại giữa Sài Gòn.

Nói tới Sài Gòn, lập tức có nhiều người hỏi: ông già hiện có làm lớn không, có quen biết nhiều không, có biệt thự chưa và hỏi liền địa chỉ cùng số điện thoại của ông nếu có dịp sẽ lại chào. Con gái ông đại tá sợ quá vội nói rằng ông già nó rất "bôn", đừng có nói chuyện làm ăn phi pháp trước mặt ông mà bị tống ra khỏi cửa. Vậy chị nói chuyện đó để làm gì nhỉ, để khoe có một ông bố làm lớn à? Làm lớn mà không giúp gì cho con cháu và bạn bè của con cháu thì vứt đi. Vậy là hết chuyện. Thằng chồng nhìn con vợ bằng con mắt căm thù. Còn cô vợ thơ ngây chỉ biết khóc thầm vì cô vẫn rất yêu chồng. Yêu tới mức cô sẵn sàng tha thứ tất cả dầu cô đã biết từ nửa năm nay người chồng đã ăn ở với một người đàn bà khác lớn tuổi hơn cô, có vốn liếng riêng khá lớn và là người vẫn cung cấp vật tư cho ông chủ thầu mới phất, lại có cả nhà riêng nữa, cái nhà ấy hiện giờ là tổ ấm của bọn họ. Cô thua kém người đàn bà kia về mọi mặt, chỉ hơn là đã có một đứa con trai với chồng. Nhưng anh ấy đâu có yêu con, đời ai biết đời đó, bố mẹ mà làm gì, con cái mà làm gì, một đời người là rất ngắn, chỉ sống cho riêng mình vẫn còn rất thiếu, thời giờ đâu sống cho người khác, anh ta vẫn nói thế, chẳng ra đùa cợt chẳng ra nghiêm trang nhưng anh ấy đã sống đúng như vậy.

Ông bố bàn với con gái:

- Hai mẹ con mày vào sống với tao trong ấy ít lâu, tao lui lại một tuần cho mày chuẩn bị. Nếu nó biết nghĩ lại thì nó sẽ vào cùng sống với vợ con luôn. Còn nếu nó dứt tình hẳn ta sẽ tính tiếp. Còn có bố mà.

Đứa con gái lại khóc:

- Nếu con đi luôn với bố thì con sẽ mất anh ấy ngay lập tức. Mà con thì chưa muốn mất anh ấy sớm quá. Con vẫn còn thương anh ấy lắm.

Ông bố thở dài, cứ như bị ai đánh một búa vào đầu, mãi mới nói được:

- Nếu đã là thế thì tao chả dám khuyên bảo mày thêm điều gì. Nhưng đời mày rồi sẽ khổ con ạ.

Trước khi ra sân bay ông ôm hôn cháu còn đang nằm ngủ, và dặn mẹ nó chỉ một câu:

- Đời con còn dài, đừng làm điều gì dại dột khổ cả đứa trẻ, khổ cả ông già, con phải luôn nghĩ, dầu bề nào con vẫn còn có bố.


6

Sau khi li dị chồng, Thoa vẫn không đem con vào ở với bố trong thành phố Hồ Chí Minh vì người chồng cũ đã cùng cô vợ mới bán nhà ở Hà Nội để vào sống trong đó, miền đất hứa cho tất cả những ai quyết chí làm giàu. Cô không muốn lại gặp mặt họ trong một thành phố, cũng không thể sống chung với họ dưới một vòm trời. Coi như góa chồng, âm dương cách biệt, mãi mãi không thể nhìn lại mặt người đã chết. Vì nếu ở gần, sẽ có lúc không thể kìm giữ lòng mình, cô sẽ tới rình mò trước cửa nhà họ để được nhìn trộm trong chốc lát bóng dáng người đàn ông đã từng là chồng cô, là bố của đứa trẻ, là niềm vui và nỗi buồn suốt một thời con gái. Con gái không vào thì người bố phải ra, lần này ông ra hẳn, ông đã sáu mươi mốt tuổi, xin hưu nghỉ cũng là vừa. Trả lại biệt thự cho nhà nước nghĩ cũng tiếc nhưng không tiếc bằng buồn bằng phải chia tay với bạn bè, và buồn nhất, đau nhất vẫn là phải chia tay với một thành phố đã là tình yêu của ông trong nhiều chục năm. Gặp lại bố đứa con gái chỉ còn biết khóc: "Con rất khổ tâm đã để bố phải ra đây ở với mẹ con con. Một đời phục vụ cách mạng, cuối cùng chả được gì". Ông cười xòa: "Bố thì nghĩ khác, đã nhiều chục năm bố phục vụ cách mạng, phục vụ quân đội nay còn mấy năm cuối đời bố dành lại để phục vụ con gái và cháu ngoại của bố. Có gì là không phải đâu".

Con gái nói:

- Nhưng còn cuộc sống riêng của bố?

Ông nói:

- Bố sợ nhất là người khác không còn cần tới bố còn ngoài ra chả có gì làm bố quan tâm.

Con gái gục đầu vào vai người bố:

- Mẹ con con mãi mãi còn cần bố. Bố là chỗ dựa duy nhất và cuối cùng của con.

Ông cười:

- Vậy thì bố sẽ sống và ở với con với cháu tới lúc con cháu phải chán thì thôi.

Con gái cũng cười:

- Thôi thì bố đi đâu?

Ông gắt yêu:

- Con này hỏi lạ, thôi tức là tao sẽ chết chứ còn đi đâu nữa. Với tao muốn sống bao lâu cũng được, muốn chết lúc nào cũng được. Hoàn toàn tùy thuộc vào người khác cả.

Rồi ông dặn:

- Tao nói trước, còn tại ngũ tao luôn làm theo mệnh lệnh của cấp trên, không bàn cãi tranh luận gì cả. Nó đã thành thói quen. Bây giờ về ở với mẹ con mày thì mày là chỉ huy, tao sẽ làm theo mệnh lệnh của mày. Khi tính toán mày cứ tính cho được việc của mày thôi, đừng tính tới tao.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2010, 02:22:01 pm »

Và ông làm đúng như ông đã nói. Con gái ông không muốn ở nhà cũ vì nó gợi lại quá nhiều kỷ niệm về mẹ, về em, và những năm tháng đắm say trong mối tình đầu. Thì tìm nhà mới, không sao. Nó cũng không muốn sống ở Hà Nội. Hà Nội vắng thiếu chồng nó đã hóa ra nhợt nhạt, nghiêng ngả, sống không nổi. Nó muốn tới một nơi thật lạ, với những con người lạ, những bạn bè mới, không gặp bất cứ kỷ niệm nào, một người quen cũ nào. Thì đi! Đi đâu cũng được. Họ đã tìm được một trường cấp ba gần thị xã Hà Đông đang thiếu một cô giáo dạy toán. Hai tháng đầu họ thuê nhà ở trong làng. Sau đó họ mua lại một ngôi nhà gỗ năm gian gần phố huyện, có vườn bao quanh của một hộ đang thu xếp vào Sài Gòn sinh sống. Nhà bán quá rẻ, một cây rưỡi vàng, nhưng vẫn là một món tiền lớn với ông Hai. Con gái ông bằng lòng mua ngay, vì nó có trong tay những hai cây. Ông hỏi: "Vàng ở đâu thế?". Nó nói: "Của anh ấy đưa để nuôi con". Ông gắt: "Sao mày còn cầm tiền của nó?" Con gái trả lời lạnh tanh: "Con không xin nhưng anh ấy đưa con nhận ngay vì con muốn nuôi cháu bằng tiền của bố cháu". Ông cau mày lặng im. Không thể tranh cãi gì với những lý lẽ quái đản của tình yêu. Tội nghiệp con bé!

Sau hơn hai chục năm ông Hai lại được sống trọn vẹn với gia đình nhưng lần này hơi nghịch cảnh, một ông già đã nghỉ hưu, một đứa con gái lỡ dở vì chồng bỏ và một thằng cháu ngoại mới ở tuổi mẫu giáo. Chẳng có gì vui vẻ chờ đợi họ ở phía trước cả. Mỗi năm qua đi ông sẽ già yếu hơn, gây trở ngại cho những người cùng sống nhiều hơn, một nhà ba người mà có những hai đứa trẻ. Đứa con gái mỗi năm cũng sẽ khô héo đi, nó vốn không đẹp lại đã ngoài ba mươi, lại thêm một đứa con, có lấy ai cũng là rổ rá cạp lại, rồi con anh, con tôi, con chúng ta, ba thứ con trong một gia đình, chỉ dàn xếp cho chúng nó sống được thuận hòa cũng đã đủ bạc đầu. Lại thêm ông phải bỏ hết những thói quen cũ, những sở thích cũ để khuôn dần mình vào những đòi hỏi mới của cuộc sống hiện tại. Cuộc sống hiện tại là cuộc sống của người dân thường, của người đã nghỉ hưu, không phải kiếm tiền, không phải chịu trách nhiệm, ngủ không cần giấc, ăn không cần bữa, không hẹn ai, cũng chẳng có ai hẹn mình, ốm lúc nào cũng được, chết lúc nào cũng được, là người thừa, người bị khinh lờn, người được thương hại. Nếu ông chỉ sống cho riêng ông thì không còn gì để hy vọng thêm nữa, được thêm nữa; chết là được.

Nhưng ông đã hứa một cách nhẹ nhõm, thản nhiên là từ nay ông sẽ sống cho con gái và cháu ngoại, họ cũng rất cần ông thì lại rất nên sống. Sống cho người khác, vẫn có một người nào đó trên đời này cần sự hy sinh của mình thì cuộc sống còn dài lắm, vẫn còn vui lắm, có ý nghĩa lắm. Chưa nên vội vàng kết thúc. Vả lại ông không phải là người đầu tiên cũng chẳng phải là người cuối cùng sống vì lòng hy sinh. Nhưng tuổi già lại phải sống với đứa con gái bất hạnh, hai con người đơn độc dựa dẫm vào nhau cũng có những nỗi gian nan riêng. Phải thông cảm, phải nín nhịn, phải độ lượng trong từng việc làm, từng lời nói của mỗi ngày. Có nhiều ngày nó rất ngoan, rất thương bố, rất biết ơn sự hy sinh của bố. Nhưng cũng có ngày nó hành hạ ông như một tên đầy tớ già, như một người thừa, như một kẻ đã gây ra mọi tai họa cho mẹ con nó.

Nó bảo: "Con cái nên người là nhờ vào phúc đức của bố mẹ. Trong lá số của con cung phúc đức lại quá kém". Nó lại bảo: "Bố sống với con cháu cứ như người cực chẳng đã phải cùng sống. Mẹ sống với chúng con cả mấy chục năm, khổ hơn bây giờ nhiều, có bao giờ nghe mẹ thở dài đâu". Ông cười gắng gượng: "Mày thấy tao thở dài bao giờ?" Nó nói: "Nhìn mặt bố còn khổ tâm hơn cả nghe một tiếng thở dài". Nó chê ông ngủ ngáy to quá, ăn cơm và nuốt ồn ào quá, trò chuyện với thanh niên hay lên mặt dạy đời, nói chuyện với người bằng tuổi cứ y như là cấp chỉ huy cũ của người ta, nói gì thì nói cuộc sống lính tráng cũng thiếu tế nhị, thiếu mềm mại, bố nhỉ? Nó bị cảm cúm ông chạy lồng lộn khắp vườn trong ngõ ngoài kiếm đủ thứ lá lẩu nấu một nồi nước xông, vừa bưng lên, con gái đã gắt: "Mua thuốc cảm không mua lại đi nấu nước xông, sao mà lẩm cẩm thế!" Ông dỗ dành: "Xông lá khoan khoái hơn uống thuốc con ạ, rồi ăn một bát cháo hành nóng là coi như khỏi". Nó ho một tiếng ông lại hỏi một tiêng, ăn ít cũng hỏi, ngủ ít cũng hỏi, ngủ mà rên cũng hỏi, nó gầm lên: "Hỏi ít chứ, sao mà hỏi lắm thế!" Ông len lét ngồi một chỗ như người vừa phạm tội.

Đêm nằm nghĩ về sự đối xử của con ông vừa giận vừa tủi. Thì ra nó đâu có cần ông. Sau lại nghĩ ở trên đời này nó còn có ai để nũng nịu, để hờn dỗi, để quát gắt ngoài ông ra. Mọi sự không may của một gia đình chính nó phải gánh chịu bằng hết. Người đã chết thì yên phận rồi, ông tuy còn sống nhưng chỉ là sống thêm, sướng hay khổ cũng chả có gì quan hệ. Nhưng nó vẫn phải sống tiếp cái cuộc sống chả lấy gì làm vui trong vài chục năm nữa. Nó còn khổ nhiều, tội nghiệp con gái! Nghĩ thế lại thương con đến đau ruột, lại sẵn sàng tha thứ hết thảy. Sống vô công rồi nghề được nửa năm thì ông mở ngôi hàng nước. Con gái ông phản đối nhưng ông không nhân nhượng, ông quyết chí làm, không vì tiền, mà muốn có những vất vả nho nhỏ, những lo toan nho nhỏ, những niềm vui nho nhỏ làm cân bằng cảnh sống thắt buộc, căng thẳng mà ông đang phải chịu đựng. Thêm nữa được tiếp xúc hàng ngày với cuộc sống xã hội, với những con người vô danh ông sẽ sửa chữa được những tật xấu mà con gái đã chê trách. Ông có thể từ bỏ lòng kiêu hãnh để khỏi làm tổn thương những bạn bè mới quen biết. Ông có thể cười nói chậm rãi để biểu lộ sự nhún nhường và cũng hợp với tuổi tác. Nhưng ông phải ăn vội vã, nhai nuốt ồn ào mới khoái khẩu. Cũng như đã ngủ là phải ngáy giấc ngủ mới sâu. Vả lại ông đâu làm chủ được mình khi đã ngủ. Làm người thế mà khó, mỗi lứa tuổi đều có cách sống của nó, làm khác đi sẽ gây ngượng ngùng, gây khó chịu, gây buồn phiền cho rất nhiều người.

Lúc mới ra hàng ông chỉ bán có nước chè tươi và trà chén, thuốc lào và kẹo vừng, kẹo bột. Rồi ông bán cả bánh chưng, bánh rán làm quà sáng cho những người ít tiền, về sau ông thổi cả xôi, xôi đậu xanh và xôi lạc ăn với vừng. Đã bán xôi sáng, ông có quyền ngủ sớm để sáng hôm sau dậy thật sớm đồ xôi. Mỗi chiều dọn hàng ông đều mãn nguyện, mỗi sáng mở hàng lại thấy náo nức. Vì mỗi ngày đều có cái mới lạ của nó, cái bất ngờ của nó, những câu hỏi của nó. Dần dà quán nước của ông còn là đầu mối của mọi loại tin tức về kinh tế và xã hội trong vùng. Người ta đến đây để phát tin và nhận tin, để bình luận và tranh cãi, để thông báo cho nhau biết kết quả của những lời mách bảo hoặc cảm ơn ông bán quán đã có những lời khuyên rất thân tình. Ông Hai sống trong cái tâm trạng vui vẻ ấy được một năm thì gặp sư già chùa Thắm.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2010, 02:24:57 pm »

7

Hai người quen nhau đã hơn hai năm, ông Hai ra vào chùa đã nhiều lần nhưng sư già chỉ tới thăm ông có một lần. Cụ chống gậy đi bộ, ngồi chơi một nửa ngày gần chiều mới về chùa để khỏi thất hứa với bạn. Cụ ngồi ngay ở quán nước, uống trà với kẹo bột, mắt miệng như cười, lắng nghe mọi câu chuyện của khách hàng với ông chủ quán. Sư già bảo:

- Đạo Phật thường nói lấy từ bi làm gốc, phương tiện làm môn. Quán nước của ông cũng là một phương tiện cứu độ để ban vui trừ khổ cho đời. Nhiều thiện duyên lắm, nhiều phúc đức lắm.

Có một buổi sáng chủ nhật ông Hai lên chùa thăm sư già, định bụng chỉ ngồi chốc lát nào ngờ trò chuyện lan man tới gần trưa. Sư già nghiêng mặt nhìn qua tấm giại xem bóng nắng rồi bảo:

- Sắp chính ngọ rồi, mời ông ở lại cùng thụ trai với tôi, chiều dịu nắng hãy về.

Ông Hai cười ngượng nghịu rồi nói rất chân thành:

- Bạch cụ, mỗi lần đến thăm cụ dầu đã định bụng sẽ về sớm mà rồi vẫn không về nổi. Tôi chỉ lo không được ở gần cụ mãi mãi.

Sư già nhìn chăm chú ông đại tá bằng cặp mắt đã hơi đục bạc, miệng vẫn như hơi cười:

- Đã có lần tôi nói với ông, ông không cần tu mà vẫn có thể đạt quả vị bồ tát. Kinh kệ, tăng ni, chùa chiền chẳng qua là ngón tay chỉ cho chúng sinh thấy con đường giác ngộ. Đã thấy đường thì nên quên ngón tay chỉ. Ông là một chiến sĩ tung hoành trong máu lửa gần một đời người mà không mắc sát nghiệp. Ông ở trong bộ máy quyền lực cũng rất lâu mà vẫn vào ra cái nơi sâu hiểm ấy hết sức ung dung. Ông là người của công danh, xứng đáng được hưởng công danh nhưng ông vẫn rũ bỏ được nó như ta bỏ cái áo cũ. Ông nằm trong đáy sâu của mọi hệ lụy triển phược mà vẫn hồn nhiên, trinh trắng như trẻ thơ. Cái tâm xả của tôi không thể bằng được ông, ông Hai ạ. Tôi là người xuất gia, không vướng thê tử, không vướng công danh, không vướng quyền lực, sống trong một môi trường hoàn toàn thuận lợi cho một đời tu, vậy mà đã có những năm tháng để tâm mình khởi lên lúc tham dục, lúc sân hận, lúc si mê, dẫu đã được tận mắt nhìn ngọn lửa siêu thoát của bồ tát Quảng Đức. Tới lúc bức bối quá, tự mình bị vướng víu vào nhiều sầu não lâu quá thì lại tìm một cách thoát tiêu cực là lẩn tránh, là trốn chạy. Về tu ở đây, xét cho cùng là trốn chạy thế gian vì không đủ sức đối đầu với những vất vả, những cám dỗ của thế gian.

Năm 1986, ông Hai đã sáu mươi sáu tuổi, sư già đã bảy mươi tư, họ là bạn của nhau gần được ba năm thì sư già ngã bệnh. Một người làm thuốc giỏi nhưng mắc bệnh hiểm nghèo nên đành chịu bó tay. Cụ lên nằm trên bệnh viện tỉnh gần ba tháng, các bác sĩ khuyên cụ nên cho họ mổ cắt khối u trong phổi nhưng cụ từ chối. Cụ nói với ông Hai khi ông lên thăm: "Cỗ xe ngũ uẩn này đã hư nát quá rồi, chẳng còn cần cho ai nữa, nên vứt đi thôi, còn nuối tiếc làm gì". Rồi cụ xin được trở về chùa. Tháng đầu cụ còn đi lại được nhưng phải chống gậy. Sau đó đi đâu phải có tiểu dìu rồi không đi đâu nữa chỉ nửa ngồi nửa nằm trên cái chõng tre có trải nệm để thỉnh thoảng được ghé mắt qua tấm giại nhìn người ra kẻ vào, nghe tiếng chào và hỏi han đôi câu. Rồi cụ bắt đầu sợ lạnh, phải nằm trong phòng, nửa ngủ nửa thức nhưng bao giờ cũng tỉnh táo khi nghe nói có ông Hai đến. Hầu như ngày nào ông Hai cũng đến thăm, đến lúc chiều rồi ở cho đến tối mịt. Về sau khi biết sư già đã yếu nhiều thì ông thường ở lại qua đêm, trò chuyện với các sư là đệ tử của hòa thượng từ các chùa xa về hầu và lo việc hậu sự. Buổi chiều của ngày cuối cùng, sư già rất tỉnh, nuốt được lưng chén nước cháo, nằm nghỉ một lát rồi bảo ông Hai:

- Lúc nhân duyên sắp mãn phảng phất như không còn là mình nữa mà đã được trở lại cái tuổi ấu thơ. Trẻ thơ hồn nhiên, trinh trắng như hoa sen. Đẹp thay đóa sen!

Một lúc sau cụ lại hỏi:

- Ông có thường nghĩ đến cái chết không?

Ông Hai cúi đầu, nước mắt đã rưng rưng, nói nhỏ:

- Bạch cụ, tôi cũng chả mấy khi nghĩ đến. Còn có người cần tôi thì tôi ở, không ai cần nữa thì tôi đi. Nghĩ ngợi mà làm gì.

Ông già khẽ thở dài, nói lẩm bẩm:

- A di đà phật, đó mới thật là thiện căn, là tâm không chấp trước.

Sư già đã thiu thiu ngủ, cái đầu nhỏ xíu lởm chởm những chân tóc bạc như đã khô lắm, mỏng lắm, như bên trong là cái rỗng không. Và dưới cái sọ ấy là những hốc tối của mắt, của gò má, cánh mũi. Ông Quang, người quản sự của chùa, rón rén bước vào, cúi đầu nói nhỏ với ông Hai: "Các thầy con thỉnh cụ ra ngoài nghỉ". Ông Hai khẽ gật. Người kia lại nói: "Cụ con đã yếu lắm, không chừng khó qua được đêm nay". Ông Hai lại gật, nước mắt ứa ra. Tiểu Minh bưng ra một rá khoai sọ luộc, một bát muối vừng và một ấm nước chè tươi đặt lên vuông chiếu mộc trải ở thềm hè. Trăng mười sáu đã nhô lên khỏi cái mái ngói đen sẫm của gian thờ Hậu, vầng trăng rất tròn và trong, nền trời xanh lam cũng rất trong. Bóng trăng tãi lên nền sân in bóng mấy ngọn cau khẽ lay động. Mùi hương hoa mộc ngọt và ngái thoang thoảng đâu đó lẫn với mùi nhang ngát tưởng chừng là mùi thơm của ánh trăng, của mọi ngách tối, của mọi lối đi trong ngôi chùa có đấy mà như không có đấy trong những sinh hoạt thường ngày của một xã một làng. Ông Hai đã có bạn chiến đấu, bạn đồng học đồng hương, bạn cùng làm một cơ quan, cùng sống trong một khu tập thể. Mấy năm gần đây những người bạn của gần một đời người đã thưa vắng nhiều. Đến bây giờ ông lại sắp mất một người bạn của tuổi già để hiểu thêm một chân trời khác ngoài chân trời đã biết, để nhận ra từ cuộc sống có nhiều hệ lụy của mỗi ngày vẫn có thể phát sáng tới vô cùng. Ông đã uống lưng bát nước chè tươi nóng, lại ăn thêm mấy miếng khoai, vẫn thấy trong miệng nhạt thếch như không còn nước bọt. Ông thảng thốt đứng dậy, lòng dạ bồn chồn nói với ông Quang:

- Anh thưa với các thầy tôi vào ngồi hầu cụ tới nửa đêm sau đó các thầy sẽ lên thay tôi.

Rồi ông khẽ khàng mở cửa buồng nhưng hai đầu gối bỗng dưng mềm nhũn như không thể bước qua nổi ngưỡng cửa. Ông cứ đứng nguyên như thế nhìn vào ngọn đèn cháy leo lét ở đầu giường sư già, tin một cách chắc chắn rằng người bạn tri kỷ của ông đã không còn nằm ở đó nữa. Ông cụ đã lặng lẽ bỏ đi từ lâu rồi, đi đâu đó nào ai biết, có thể vẫn là tiếp tục cuộc tìm kiếm cái "CHÂN NHƯ" như cụ hằng khắc khoải.

2-93
Logged
Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM