Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:03:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hình ảnh & Tiểu sử Lãnh đạo, Tướng lĩnh, Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam  (Đọc 825449 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #30 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 03:59:56 am »


Thượng tướng - Đô đốc Giáp Văn Cương (1921-1990), từng giữ các chức vụ: Tham mưu trưởng Quân khu 5, Phó Tư lệnh Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, Phó Tư lệnh Quân khu 4, Phó Tư lệnh Mặt trận B5, Phó Tổng tham mưu trưởng, Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng (2 Nhất, 1 Nhì, 1 Ba), Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến (hạng Nhất, Nhì), Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Chiến sĩ Giải phóng (Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng,…

Đại tá (1958), Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1981). Ông được phong Đô đốc Hải quân năm 1988, và là người mang cấp bậc này duy nhất (cho đến thời điểm hiện nay) trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.


Đô đốc Giáp Văn Cương quê ở xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang cùng quê với Trung tướng Lư Giang nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô. Trước cách mạng tháng 8, ông là công chức của ngành hỏa xa Đông Dương và làm đến chức Trưởng ga Diêu Trì, một ga lớn của miền Trung thuộc tỉnh Bình Định. Ngày Nhật đảo chính Pháp, ông được nhóm trí thức yêu nước Nguyễn Minh Vĩ giác ngộ. Ông bắt đầu cuộc đời cách mạng từ đây.

Ngày 13/8/1945, nghe tin phát-xít Nhật đầu hàng đồng minh. Tại ga Diêu Trì, Ủy ban vận động Việt Minh họp và quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa gồm các ông Võ Xán, Lê Văn Nhiều, Nguyễn Chơn (sau này là Thượng tướng) và ông do ông Võ Xán làm trưởng ban. Ngày 20/8/1945, ông cùng với ông Lê Văn Nhiễu là hai thành viên của Ủy ban khởi nghĩa của Ủy ban vận động Việt Minh đi gặp ông Trần Lung là Ủy viên của Uỷ ban khởi nghĩa của Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh để bàn kế hoạch thống nhất hành động. Tuy nhiên do những nhận định và chủ trương khác nhau cho nên kế hoạch thống nhất không thành.

Sau khi cuộc thảo luận với Ủy ban Vận động Cứu quốc tỉnh không đạt được kết quả, Ủy ban Vận động Việt Minh quyết định tổ chức cuộc mít tinh tại bến ô tô thành phố vào chiều ngày 21.8.1945, vừa để thăm dò phản ứng của quân Nhật và chính quyền tay sai địa phương, vừa để phát động, tập dượt quần chúng và rút kinh nghiệm cho cuộc khởi nghĩa sắp tới. Cuộc mít tinh đã huy động được 1.000 quần chúng tham gia. Quân Nhật và chính quyền tay sai hoàn toàn không có một phản ứng nào đối với cuộc biểu dương lực lượng này.

Tối ngày 21.8.1945, Ủy ban Khởi nghĩa khẩn trương họp tại ga Quy Nhơn. Hội nghị quyết định: Thời điểm khởi nghĩa vào ngày 23.8.1945, lực lượng khởi nghĩa là các tầng lớp nhân dân yêu nước thành phố Quy Nhơn cũng như lực lượng công nhân xưởng Delignon, ga Diêu Trì, Bình Định và nông dân các huyện. Sáng ngày 23.8.1945, hàng ngàn công nhân, nhân dân lao động thành phố giương cao cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu, biểu ngữ rầm rộ tiến về sân ga Quy Nhơn. Công nhân Delignon và các ga Bình Định, Diêu Trì, Mục Thịnh (Vân Canh) cùng thanh niên học sinh, nhân dân thị trấn Bình Định và nông dân các làng xã mang theo giáo mác, gậy gộc, cờ đỏ sao vàng phấn khởi kéo về Quy Nhơn. Trước hơn 10.000 quần chúng, đại diện của Ủy ban Khởi nghĩa đứng lên hiệu triệu quần chúng vùng lên khởi nghĩa lật đổ chính quyền tay sai của Nhật tại thành phố Quy Nhơn, thiết lập chính quyền nhân dân.

Cách mạng tháng 8 thành công, với những hiểu biết của mình về cơ khí, ông được khuyên đi học ở một trường kĩ nghệ để sau này phục vụ cho ngành quân giới còn non trẻ đang có nhu cầu cao về chế tạo và cải tiến vũ khí. Là Ủy viên Quân sự tỉnh Bình Định, ông được giao phụ trách Công binh xưởng Hoàng Hoa Thám.

Năm 1946, ông Nguyễn Chánh (xem bài viết Tướng Nguyễn Chánh, hồn nghệ sĩ trong vị tướng chiến lược), khi đó là Ủy viên trưởng quân sự của Ủy ban hành chính kháng chiến Trung Bộ khi về các tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi đã phát hiện ra khả năng quân sự của ông và quyết định điều ông từ quân giới sang Vệ quốc quân. Ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 19-Ba Tơ, thuộc Trung đoàn 108-Trung đoàn chủ lực của Liên khu 5. Tháng 10/1946, khi quan hệ với quân Pháp vào thay thế quân Tưởng trở lên căng thẳng, tiểu đoàn của ông đã kịp thời có mặt tại Đà Nẵng bổ sung cho Trung đoàn 96.

Sáng ngày 20/12/1946, quân Pháp nổ sung tiến công Đà Nẵng. Tiểu đoàn 19 cùng các tiểu đoàn 17 và 18 của Trung đòan 96 cùng với quân và dân Đà Nẵng chiến đấu ngoan cường, kìm chân quân Pháp không cho quân Pháp phát triển nhanh ra các vùng lân cận. Ngày 19/5/1947, nhân kỉ niệm 57 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu đoàn của ông được giao nhiệm vụ đánh địch trên đèo Hải Vân. Kết quả trận đánh, tiểu đoàn bắn cháy và phá hủy 7 xe cơ giới trở quân từ Huế vào Đà Nẵng thu nhiều vũ khí, diệt 113 lính Âu Phi trong đó có viên Đại tá Rô-gơ chỉ huy phân khu Đà Nẵng, 4 đại úy, 3 Trung úy, 5 thiếu úy. Đây là chiến thắng lớn nhất năm 1947 trên chiến trường Liên khu 5 và cũng là chiến công vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam thời kì đó. Do thành tích chỉ huy trận đánh, ông được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì.

Mấy năm sau ông là Trung đoàn phó Trung đoàn 84, Trung đoàn trưởng  Trung đoàn 108, Ủy viên Ban Cán sự tỉnh Đắc Lắc, rồi tháng 11 năm 1954 là Phó tham mưu trưởng Liên khu 5 kiêm Chỉ huy trưởng Quân cảng Quy Nhơn, Bí thư Ban cán sự. Sau khi tập kết ra Bắc, tháng 10 năm 1955, ông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324.

Năm 1963, ông trở lại chiến trường khu 5 làm phái viên của Bộ tư lệnh Quân khu trong nhiều trận đánh. Năm 1964, Sư đoàn Sao Vàng được thành lập, ông được cử giữ chức Sư đoàn trưởng đầu tiên với cái tên mới ‘’thủ trưởng Trực’’. Từ đó cho đến năm 1967, ông còn giữ them chức vụ Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2- là sư đoàn hoạt động ở Quảng Ngãi.

Từ năm 1968 đến năm 1970, sau Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Thường vụ Đặc khu ủy đã họp và đề ra nhiệm vụ sắp tới phải ra sức chỉnh đốn lại lực lượng, tăng cường chỉ đạo, tiếp tục phát động tư tưởng quần chúng, chuẩn bị tấn công những đợt tiếp theo. Ông được Khu ủy Khu 5 bổ sung và là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng mặt trận Quảng Đà. Tháng 10 năm 1970, ông được điều ra giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân khu 4 kiêm Phó Tư lệnh Mặt trận B5. Tháng 4 năm 1974, ông ra Bắc giữ chức vụ Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày 26/3/1975, Bộ Tổng Tư lệnh cử ông làm phái viên của Bộ vào để chỉ đạo công tác chuẩn bị tiến công Đà Nẵng.

Đất nước thống nhất, tháng 5 năm 1976, ông được điều vào giữ chức Tư lệnh Quân khu 4, Ủy viên thường vụ Quân khu ủy. Trong các năm 1977 đến 1980 rồi 1984 đến 1990, ông là Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Bí thư Đảng ủy Quân chủng. Là vị đô đốc duy nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam tính đến thời điểm này, đồng thời là Tư lệnh Hải quân trong thời kỳ xung đột Việt - Trung, ông được đánh giá là người có công lao lớn trong việc giữ gìn và bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Như vậy từ một viên chức hỏa xa trong chế độ cũ, sau hơn 30 năm tôi luyện và trưởng thành trong quân đội và chiến tranh giải phóng dân tộc, ông đã trở thành Đô đốc Hải quân-một tài năng quân sự của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà không hề trải qua trường lớp huấn luyện nào.

Tham khảo: Báo Quân đội Nhân dân, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 09:26:55 pm gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #31 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 04:01:55 am »


Thiếu tướng Bùi Cát Vũ (1924), Tiến sĩ khoa học quân sự chuyên ngành pháo binh, nguyên Chỉ huy trưởng pháo binh kiêm Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 7.

Ngoài ra ông cũng từng giữ các chức vụ Tỉnh đội phó Tỉnh đội Biên Hòa, Giám đốc Công binh xưởng Quân khu 7, Chủ nhiệm Khoa pháo binh Học viện lục quân 1.


Thiếu tướng Bùi Cát Vũ (tên thật là Bùi Văn Bê, ông còn có các biệt danh ‘’Trùm đại bác Đông Dương’’ hay ‘’Võ Tòng chiến khu Đ’’) sinh tại xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Tuy vậy, Bùi Cát Vũ rất hiếu học, ông thi tiểu học đậu đầu tỉnh và được học bổng. Khi thi vào trường trung học Mỹ Tho lại được học bổng toàn phần. Nhưng do nhà quá nghèo nên ông phải bỏ lên Sài Gòn để tìm phương kế sinh nhai phụ giúp mẹ nuôi em. Ông làm nhiều nghề: phụ hồ, bán báo rồi chuyển sang làm báo. Chính trong giai đoạn tập tành viết báo dưới sự dẫn dắt của Nguyễn Văn Nguyễn, Trần Thanh Mai…

Cuối năm 1938, ở tuổi 14, ông được nhận vào giữ chân chạy việc cho báo Dân Chúng. Lúc đầu, ông vác báo từ nhà in về xếp lại, rồi mang đi giao cho các mối bán lẻ. Dần dần thấy ông chăm chỉ, nhanh lẹ, tháo vát và chữ nghĩa cũng kha khá, lãnh đạo cơ quan báo giao cho công việc “thầy cò” (sửa chính tả bản in). Cái tên “Cò Bê” có từ dạo đó. Thấy mấy chú, mấy anh làm báo cực mà vui, ông thử viết về chính cuộc sống lang thang của mình và đám bạn bè cùng cảnh ngộ trước đây. Không ngờ chính từ thiên phóng sự “Sau ánh đèn điện Sài Gòn” ấy, ông gắn cuộc đời mình vào nghiệp báo, nghiệp văn. Càng không ngờ, chính từ thiên phóng sự ấy, ông chính thức trở thành người hoạt động cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng (Dân Chúng là cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng cộng sản Việt Nam).

Tháng 9-1939, Thế chiến thứ II nổ ra, thực dân Pháp đặt cộng sản và các hoạt động yêu nước ra ngoài vòng pháp luật. Tờ Dân Chúng ngưng xuất bản, rút vào hoạt động bí mật. Một số cây bút tiêu biểu của Dân Chúng bị thực dân Pháp bắt, ra tòa. ông – ở tuổi 15 – “vinh dự” trở thành “đồng phạm” của các tên tuổi lẫy lừng đương thời như các nhà cách mạng Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh... Nhờ sự bào chữa miễn phí nhiệt thành của Luật sư Trịnh Đình Thảo, thực dân Pháp buộc phải tha bổng ông, do còn “ở tuổi vị thành niên, chưa lập thành tội phạm”.

Ra tù, trở về quê hương, ông được Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Dương Quang Đông trực tiếp tìm đến bắt liên lạc, theo sự giới thiệu của Xứ ủy Nam kỳ. Ông hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong, tham gia giành chính quyền trong cuộc khởi nghĩa tháng 8-1945 tại Trà Vinh và trở thành cán bộ chỉ huy quân sự tại mặt trận vàm Trà Vinh trên cương vị Giám đốc Vệ binh cộng hòa (12-12-1945) khi thực dân Pháp nổ súng tái chiếm vùng đất này.

Sau đó, theo yêu cầu của Xứ ủy, ông lên đường “Xuyên Đông” lên chiến khu Đ bắt liên lạc với bộ đội Huỳnh Văn Nghệ tham gia xây dựng lực lượng vũ trang kháng Pháp, với cương vị Tỉnh đội phó Biên Hòa, rồi Giám đốc Công binh xưởng Khu 7. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, ông đã sát cánh cùng với ông Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy những trận đánh nổi tiếng, khiến cho quân Pháp phải khiếp sợ ví dụ trận La Ngà lịch sử, trận Bàu Cá...

Trận La Ngà, đây là trận chiến đấu phục kích giao thông tại La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai, tây nam Đà Lạt 200 km (trên đường Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt). Chi đội 10 Vệ quốc đoàn Biên Hoà và lực lượng vũ trang địa phương phục kích đoàn xe quân sự 70 chiếc chở nhiều sĩ quan cao cấp và yếu nhân chính trị Pháp, xuất phát từ Sài Gòn lên Đà Lạt, được máy bay hộ tống. Để cho đoàn xe Pháp lọt vào trận địa phục kích (dài khoảng 9 km), đúng giờ dự kiến (15 giờ ngày 1.3 là giờ bắt đầu có sương mù), bộ đội Việt Nam đã dùng lối tác chiến trì hoãn bằng các hoạt động phục kích, tập kích nhỏ, quấy rối, bắn tỉa, đánh mìn, vv. Sau gần 1 giờ chiến đấu, bộ đội Việt Nam đã diệt 59 xe, bắt sống gần 300 tên, diệt hàng trăm địch. Phía bộ đội Việt Nam, hi sinh 2, bị thương 2. Trận La Ngà đánh dấu sự trưởng thành trong tác chiến của bộ đội Nam Bộ; có ảnh hưởng chính trị và quân sự vang dội ở Đông Dương và Pháp. Chính sách nhân đạo đối với tù binh, hàng binh của bộ đội Việt Nam sau trận La Ngà đã góp phần quan trọng cảm hoá nhiều nhân vật trong chính giới Pháp và dư luận báo chí Pháp.

Năm 1947, ông gặp và kết hôn với bà Trần Thị An ngay tại Chiến khu Đ. Bà vốn là một tiểu thư học trường Pháp ở Sài Gòn khi đó, trốn gia đình lên chiến khu làm Y tá tham gia kháng chiến. Ba người con của ông đều sinh ra tại Chiến khu Đ.

Sau trận La Ngà, trên địa bàn Chiến khu Đ xuất hiện một con cọp ba móng, tinh quái và liều lĩnh. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn nó đã ăn thịt mất khoảng 106 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong vùng khiến dư luận quân dân Chiến khu Đ khi đó rất hoang mang. Trước tình hình đó, ông được tư lệnh Trần Văn Lung giao cho trừ khử con cọp. Từ đó, ông mang biệt hiệu ‘’Võ Tòng chiến khu Đ’’. Ông còn được coi là người khai sinh ra phương pháp đánh tháp canh của đặc công Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ bằng ba yếu tố : Nghiên cứu kỹ trận địa, sự chiến đấu gan dạ, yếu tố bất ngờ đối với địch.

Năm 1950, với quyết tâm cao nhằm đánh bại chiến thuật tháp canh Đờ La-Tua, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 giao cho Tỉnh đội Biên Hòa nghiên cứu cách đánh tháp canh. Ông, khi đó là tỉnh đội trưởng, đã cũng ông Trần Công An (sau này là Đại tá Anh hùng lực lượng vũ trang đặc công) phụ trách nghiên cứu cách đánh và tuyển chọn 300 du kích huẩn luyện suốt 3 tháng tại khu vực suối Đá một cách bí mật. Đêm 21 rạng sáng 22 tháng 3 năm 1950, trên chiến trường Biên Hòa, các tổ du kích đồng loạt đánh vào 50 tháp canh dọc lộ 16, 15 và quốc lộ 1. Tường tháp canh bị thủng một lỗ với đường kính từ 0,6 mét đến 1,5 mét, song tháp canh không cái nào bị sập. Bọn lính giữ tháp ngủ trên sàn cao 7m đều bị chết; nhưng tên lính gác ở nóc tháp vẫn sống và dùng súng trường, lựu đạn đối phó với ta. Tình huống này không được dự kiến trước; các tổ du kích bất ngờ, lúng túng và kéo nhau về. Tuy chưa giành được thắng lợi nhưng trận đánh đã gây một tác động mạnh đối với địch. Tướng Pháp Săng-xông phải đến Biên Hòa trấn an tinh thần quân ngụy. Sáng ngày 22 tháng 3 năm 1950, Sở thông tin quân đội Pháp đã ra thông báo thú nhận: “ đêm 21 rạng 22 tháng 3 du kích quân khởi cuộc tiến công thình lình các tháp canh dài theo các đường lộ ở Biên Hòa. Trên 30 tháp canh đồng bộ bị tấn công và nhiều chỗ bị tấn công mãnh liệt”

Sau trận chiến trên, Tỉnh đội phó Bùi Cát Vũ kiêm Giám đốc công binh xưởng Quân khu 7 được giao nhiệm vụ cùng ông Nguyễn Sỹ Hùng nghiên cứu chế tạo loại mìn đặc chủng ‘’mìn lõm’’ mìn FT-phá tường và Pêta. Đêm 18 tháng 4 năm 1950 do tổ du kích Tân Uyên dưới sự chỉ huy của ông Trần Công An và sự chỉ đạo của ông đã đột nhập và đánh sập tường tháp canh mẹ tại cầu Bà Kiên lần thứ hai nằm trên đường 16, ta diệt 16 lính trong tháp canh và thu toàn bộ vũ khí, đạn dược. Trận diệt tháp canh cầu Bà Kiêm mở ra một phong trào diệt tháp canh khá rộng rãi. Từ Tân Uyên, phong trào lan ra Vĩnh Cửu, Long Thành, Xuân Lộc, Sông Bé và các tỉnh khác trong toàn khu.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông còn là người sáng lập và là ngòi bút chủ lực của các tờ báo Tiếng Rừng, Sứ Mệnh của Khu bộ 7. Đây là những tờ báo có mặt ngay tại chiến trường, kịp thời vận động, biểu dương quân dân, góp phần vào chiến thắng chung của “miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Khi đi bộ đội ông mới là học sinh trường Bách Nghệ (hết cấp 2), những năm hòa bình đầu tiên trên miền Bắc ông tự học tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, học hết cấp 3, rồi Đại học Tổng hợp Tóan.

Để chuẩn bị cho sự nghiệp chống Mỹ giải phóng miền Nam, ông được cử sang Liên Xô học tập và ông đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (bây giờ là Tiến sĩ) chuyên ngành Khoa học quân sự pháo binh. Nhiều bài viết, nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được các tạp chí khoa học quân sự của các nước Xã hội Chủ nghĩa đăng tải và đánh giá cao.

Giữa năm 1964, chiến tranh cách mạng ở miền Nam phát triển tới đỉnh cao và giành được những thắng lợi to lớn. Ðể cứu vãn sự thất bại ở miền Nam, đế quốc Mỹ đã mở rộng chiến tranh, dùng không quân và hải quân ném bom, bắn phá miền Bắc. Tháng 9/1964, ông, khi đó là Trưởng khoa pháo binh Học viện lục quân 1, cùng một số cán bộ cấp phó trưởng khoa của trường được điều động vào Nam chi viện. Một đêm cuối tháng 9/1964, con tàu "Phương Ðông 2" của Bộ Tư lệnh Hải quân rời cảng Hải Phòng đưa các đồng chí ra biển Ðông, vượt trùng dương đổ bộ lên một địa điểm thuộc tỉnh Cà Mau.

Tại Bộ Tư lệnh Quân giải phóng, ông được cử làm Tư lệnh pháo binh miền, Tham mưu phó Bộ tham mưu. Các trung đoàn pháo binh miền Đông, miền Trung Trung bộ được thành lập, góp phần xứng đáng vào các chiến thắng Khe Sanh, Đường Chín Nam Lào... Đặc biệt, chiến thắng sân bay Biên Hòa của lực lượng pháo binh quân giải phóng dưới sự chỉ huy của ông đánh vào căn cứ hậu cần không quân Mỹ mùa hè 1972 đã khiến cho giới quân sự phương Tây hết sức nể vì. Từ đó, ông còn có biệt danh khác là ‘’Trùm đại bác Đông dương’’. Khi Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) được thành lập, Bùi Cát Vũ là Phó Tư lệnh. Trên cương vị Phó Tư lệnh Quân đoàn, ông là một trong những vị chỉ huy có mặt tại Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975.

Sau giải phóng, Bùi Cát Vũ được phong hàm Thiếu tướng, giữ nhiệm vụ Phó Tư lệnh Quân khu 7, trực tiếp phụ trách Mặt trận 479 và 779 khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Trên cương vị đó, ông là một trong những tướng lĩnh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam có mặt tại Phnom Penh ngay ngày 7-1-1979.

Trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam có không ít những vị tướng đồng thời là nhà văn nhà thơ nổi tiếng. Riêng Nam Bộ, nếu như miền Đông có Huỳnh Văn Nghệ thì miền Tây lại có Bùi Cát Vũ. Cho đến bây giờ, ông là vị tướng chiến trường duy nhất của Việt Nam xin về hưu để…viết văn. Đối với ông, mỗi tác phẩm đến được với độc giả như một tấm huy chương công trạng.

Là nhà chỉ huy cao cấp trực tiếp cầm quân tại những điểm nóng nhất của chiến trường trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, lại là nhà khoa học quân sự có nhiều đóng góp vào kho tàng lý luận và thực tiễn của ngành pháo binh Việt Nam nhưng không lúc nào tướng Bùi Cát Vũ rời tay bút. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là người sáng lập và là ngòi bút chủ lực của các tờ báo Tiếng Rừng, Sứ Mệnh của Khu bộ 7. Đây là những tờ báo có mặt ngay tại chiến trường, kịp thời vận động, biểu dương quân dân, góp phần vào chiến thắng chung của “miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Sau ngày tập kết ra Bắc, sang Liên Xô học rồi trở về miền Nam chiến đấu, Bùi Cát Vũ vẫn đều đặn gởi bài cộng tác với tạp chí Khoa Học Quân Sự, báo Quân Đội Nhân Dân, báo Quân Giải Phóng... Nhiều công trình nghiên cứu, nhiều bài viết của ông đã được các tạp chí chuyên ngành khoa học quân sự các nước xã hội chủ nghĩa đăng tải và được giới nghiên cứu khoa học quân sự các nước đánh giá cao. Sau ngày giải phóng, Bùi Cát Vũ vẫn là cây bút bình luận, ký sự sắc sảo trên báo Quân Đội Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ... được độc giả yêu thích.

Là người lính làm báo và trưởng thành chính từ báo chí, tướng Bùi Cát Vũ có một thế mạnh ít ai sánh được là luôn có mặt tại những điểm nóng nhất của chiến trường trong suốt hơn 30 năm dài. Bước chân ông đã qua “Cửu Long dậy sóng”, “Trường Sơn vinh quang”, đến với những Khe Sanh, Đường Chín, Biên Hòa, Sài Gòn, Phnom Penh... Nguồn tư liệu ngồn ngộn ấy đã đi vào những tập ký sự dài hơi viết về người lính trước những chiến thắng quan trọng của dân tộc, của thời đại. Không những vậy, với sự uyên thâm của nhà khoa học quân sự, thông thạo nhiều ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Khmer... đã giúp Bùi Cát Vũ có được cái nhìn khách quan từ nhiều phía, nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Ký sự “Đường tới thành phố” của Bùi Cát Vũ hoàn thành năm 1975, được trao giải cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam năm đó, qua hơn 30 năm vẫn còn tươi nguyên giá trị dưới góc nhìn của người trong cuộc về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ký sự “Đường vào Phnom Penh”, Bùi Cát Vũ hoàn thành vào năm 1979, đã tạo sự xúc động mạnh mẽ nơi người đọc về tội ác diệt chủng của bọn Khmer đỏ và sự hồi sinh mãnh liệt của nhân dân Campuchia, dưới sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam. Năm 1988, ông hoàn thành tập ký sự “Buổi đầu chập chững”, ghi lại bức tranh toàn cảnh Chiến khu Đ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Những ký sự ấy đã đưa tên tuổi Bùi Cát Vũ vào hàng ngũ không nhiều những nhà văn Việt Nam thành công với mảng đề tài chiến tranh cách mạng.

Từ lĩnh vực báo chí, văn học, tướng Bùi Cát Vũ bước luôn vào thế giới điện ảnh và, thật đáng nể, trên lĩnh vực này ông cũng có những thành công đáng ghi nhận. Phim tài liệu lịch sử “Thành phố không có người” (đạo diễn Huy Thành) và phim truyện “Cơn lốc đen” (đạo diễn Thùy Vân) dàn dựng từ kịch bản văn học của ông đã giành giải thưởng chính thức tại Liên hoan Phim toàn quốc 1987 diễn ra tại thành phố Huế. Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Sư đoàn 9 – Sư đoàn chủ lực đầu tiên trên chiến trường miền Đông Nam bộ, kịch bản phim tài liệu lịch sử “Sư đoàn 9 anh hùng” của ông được Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành vào tháng 8-1990. Bộ phim này được giới điện ảnh quân sự Việt Nam xem là phim tài liệu lịch sử quân sự kinh điển.

Như những người dân bình thường khác được sinh ra và lớn lên tại vùng sông nước miền Tây, Bùi Cát Vũ rất ham thích, say mê loại hình nghệ thuật ca cổ – cải lương. Tuy chỉ là “thuận tay làm chơi” – như chính cách nói của ông – nhưng một số bài ca cổ của tác giả Bùi Cát Vũ như “Bác Hồ của chúng con ơi!”, “Về lại quê hương”... cũng có sức phổ biến khá sâu rộng bởi chính chất tự sự và tình cảm chân thật mà ông gởi gắm trong đó.

Xuất thân và trưởng thành từ mặt trận báo chí của Đảng giai đoạn 1936 - 1939, Bùi Cát Vũ trở thành một nhân vật có nhiều cống hiến cho đất nước, cho dân tộc cả trên lĩnh vực chính trị – quân sự lẫn báo chí – văn học nghệ thuật.

Tham khảo : Báo Điện tử Đồng Nai, Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam (Phan Hoàng).
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 09:27:45 pm gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #32 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 04:07:18 am »


Thượng tướng Nguyễn Minh Châu (20/8/1921-5h 23/10/1999), nguyên Tư lệnh Quân khu 6, nguyên Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Tư lệnh Đoàn 232 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, nguyên Tư lệnh Quân khu VII, nguyên Phó Tổng thanh tra Quân đội, nguyên Trưởng đại diện Bộ quốc phòng tại phía Nam. Ông là một trong 10 Thượng tướng được đề bạt Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phong quân hàm Đại tướng.

Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (3 hạng Nhất, 2 hạng Ba), Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba, Huân chương Chiến công (3 hạng Nhất, 1 Nhì, 1 Ba), Huân chương Chiến công giải phóng (Nhì, Ba), Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Chiến sĩ giải phóng (Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Thượng tá (1958), Đại tá (1965), Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1981), Thượng tướng (1986).


“ Đồng chí Năm Ngà, một con người cần cù và dũng cảm, xem trọng nghĩa tình, đã có nhiều kinh nghiệm về chỉ huy chiến đấu của chủ lực từ cuộc kháng chiến chống Pháp ở cực Nam Trung bộ...” (Thượng tướng Trần Văn Trà)

“Cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang Quân khu 6 trìu mến gọi Thượng tướng Nguyễn Minh Châu, vị tư lệnh yêu quí của mình là: Anh Năm Ngà! Cái tên đã gắn bó với bao nhiêu chiến công oanh liệt trên chiến trường Khu 6 đầy gian lao và anh dũng. Họ kính trọng và tôn vinh anh là người anh cả của mình bởi đức độ, tài năng và sự đóng góp to lớn của anh đối với trang sử vẻ vang của các lực lượng vũ trang Quân khu 6” (Thiếu tướng Phùng Đình Ấm)


Thượng tướng Nguyễn Minh Châu (bí danh Năm Ngà), sinh tại xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Tuổi thơ ông gặp rất cơ cực và khó khăn. Mới được mấy tháng tuổi thì mẹ mất; lên sáu tuổi, bắt đầu cắp sách đến trường làng, nhưng học được vài năm thì nạn đói hoành hành khắp nơi, Nguyễn Minh Châu cùng hai người anh phải nghỉ học, phụ cha làm lụng kiếm sống. Trước cảnh túng bấn, côi cút của gia đình, cha ông quyết định đi bước nữa. Người mẹ kế trông nom nhà cửa, ruộng vườn. Cha con ông đi làm xa, chạy ăn từng bữa. Nhưng cơm vẫn không đủ ăn, có lúc phải ăn củ nần cả tháng.

Năm mười sáu tuổi (1937), ông liều lĩnh trốn nhà ra đi, với hy vọng tìm một việc làm tốt hơn nghề nông, có thể thay đổi phần nào cuộc sống của mình và gia đình! Không có chỗ dựa quen biết, không tiền bạc và nhất là chưa có giấy thuế thân, Nguyễn Minh Châu chỉ quanh quẩn làm lụng ở Tây Ninh, nên nửa năm sau người nhà kiếm bắt về... Đến năm mười tám tuổi (1939), ông kiếm đủ tiền đóng lấy giấy thuế thân, lại âm thầm chuẩn bị... trốn nhà lên Sài Gòn xin vào Hãng Delagat vừa học vừa làm công thợ điện. Nhưng mới gần một năm, thấy mình chẳng học được gì, ngoài việc chỉ biết quay cho máy nổ và bị sai vặt: xúc than, gánh nước đổ lò..., Nguyễn Minh Châu bèn xin nghỉ.

Cuối năm 1940, quân phiệt Nhật ồ ạt xua quân vào nước ta, tuyên truyền đánh đổ thực dân Pháp, giành độc lập cho Việt Nam. Sau khi dựng lên Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, quân phiệt Nhật tiến hành thành lập các trường thanh niên tiền tuyến đào tạo lính đánh thuê bản xứ. Tưởng quân Nhật thực lòng giúp Việt Nam giành độc lập, ông đăng kí 3 tháng quân trường, rồi xin chuyển sang học nghề. Nhưng làm mới được một tháng, nghe ngóng tình hình, biết là quân phiệt Nhật giả dối, nên ông rủ một người bạn làm chung bỏ trốn. Được bốn ngày thì quân Nhật tình cờ bắt gặp, đưa ông cùng bạn học về xí nghiệp súng đạn ở Xóm Chiếu làm lại. Khoảng bốn tháng sau ông tìm cách trốn một lần nữa. Sau đó, ông xuống Sáu Kho ở Tân Thuận, Nhà Bè xin việc. Từ đây ông bắt đầu được giác ngộ hoạt động bí mật.

Cuối năm 1943, ông cùng một người bạn tên Đức quê ở Bình Định tham gia dán truyền đơn, khẩu hiệu cho Việt Minh. Rồi được tổ chức giao thêm nhiệm vụ quan sát kho tàng súng đạn của quân Nhật tại kho Xóm Chiều, bến tàu Lăng Cô, lấy và mang về cất giấu. Tháng 8 năm 1945, ông tham gia giành chính quyền ở Sài Gòn trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng, rồi sau đó tham gia Quân đội.

Ngày 23/9/1945, quân Pháp núp bóng quân Anh quay trở lại xâm lược Nam Bộ. Ông từ trinh sát viên trở thành chỉ huy tiểu đội, trung đội đánh nhau với quân Pháp giữ cầu Thị Nghè, cầu Bông. Nhưng trước sức mạnh áp đảo của đối phương, theo lệnh của Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Đông Nam bộ, các đơn vị bộ đội tạm thời rút lui khỏi thành phố. Chuyển quân về Xuân Lộc, rồi Phan Thiết, ông được lệnh giao bộ đội tiếp viện cho mặt trận Nha Trang tỉnh Khánh Hòa. Xong nhiệm vụ, ông từ Phan Thiết quay về Biên Hòa tập hợp những người ốm đau còn lại, tự trang bị vũ khí để chiến đấu. Đơn vị khoảng năm mươi người, bầu ông làm trung đội trưởng, hoạt động độc lập. Tình hình hết sức phức tạp. Súng đạn thiếu thốn. Không có sự chỉ đạo thống nhất. Trung đội của ông thường bị quân Bình Xuyên tước vũ khí. Cuối cùng, ông đưa đơn vị gia nhập đoàn quân Nam tiến. Ông trở thành đại đội trưởng Đại đội Hoàng Hoa Thám làm chủ vùng Hàm Thuận tỉnh Bình Thuận. Nhưng trước sự lấn chiếm của quân Pháp, tri thức quân sự còn yếu, bộ đội rơi vào tình trạng đói khát và bị bế tắc về chiến thuật. Trước tình hình đó, ông nghĩ đến cách đánh lấy đồn mà ít tiêu hao về lực lượng và vật chất kỹ thuật nhất. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, ông cho đánh đồn Phú Hài ở Lầu Ông Hoàng, Phan Thiết. Đây là trận đánh rất có ý nghĩa về mặt chiến thuật, làm thay đổi cả tình hình quân sự trong tỉnh lúc ấy. Đồn Phú Hài là đồn bị quân ta lấy đầu tiên trong chống Pháp ở Bình Thuận. Sau này các nhà nghiên cứu khoa học quân sự gọi cách đánh đó là chiến thuật kỳ tập.

Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông lần lượt trưởng thành từ Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 186, Trung đoàn 82, Trung đoàn phó Trung đoàn 812 (4.1948), Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Bình Thuận kiêm Tỉnh ủy viên dự khuyết, ông tham gia chỉ huy và chiến đấu tại chiến trường khu 6. Năm 1953, Binh đoàn 100 là lực lượng cơ động mạnh của quân đội Pháp vừa tham chiến ở Triều Tiên trong lực lượng Liên Hiệp Quốc, được tăng cường cho Đông Dương vào cuộc chiến cuối cùng của kế hoạch Navarre. Tư lệnh Binh đoàn 100 là viên Quan năm Baroux được đề bạt xét thăng quân hàm cấp tướng. Lúc ấy, quân ta tổ chức phản công liên tục trên chiến trường Tây Nguyên và Nam Trung bộ để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ. Chiến dịch Atlante bị ta bẻ gãy. Navarre lên kế hoạch rút bớt quân khỏi Tây Nguyên để chi viện cho các hướng và co cụm lực lượng hình thành các khu vực phòng ngự mạnh. Tinh thần quân Pháp suy sụp.

Đầu năm 1954, ông từ Trung đoàn 108 được điều về khôi phục củng cố lại Trung đoàn 96 trên cương vị trung đoàn trưởng, hoạt động liên tục trên Đường 19, đánh thắng nhiều trận ở Hà Tam, Măng Giang. Trung đoàn 96 được giao nhiệm vụ sẵn sàng đánh phá tiểu khu An Khê và tiêu diệt địch rút chạy trên Đường 19. Trung đoàn đã đánh nhiều trận trên đoạn Măng Giang - An Khê, nhưng đoạn suối Dăkpơ thì chưa đánh trận nào. Tuy hiểm trở, nhưng đoạn đường cầu Dăkpơ lại nằm giữa hai cứ điểm của địch. Quân Pháp luôn tăng cường trinh sát bằng không quân, biệt kích thám báo. Từ quan sát hiện trường, ông đã chọn đoạn suối Dăkpơ về phía đông để làm yếu điểm phục kích chờ địch. Đoạn này dài tám trăm mét do Tiểu đoàn 79 phụ trách. Còn đoạn phía Tây suối Dăkpơ do Tiểu đoàn 40 phụ trách. Những đơn vị khác cũng được bố trí ở những điểm có thể phát huy tối đa khả năng tác chiến.

Sáng ngày 24-6-1954, khi nghe tin đoàn xe hơn hai trăm chiếc của Binh đoàn 100 đã rời An Khê đến Kà Tung, cách Dăkpơ khoảng bảy cây số, ông liền mở cuộc họp chớp nhoáng với ban tham mưu và ra quyết định cụ thể cho từng đơn vị. Trận đánh bắt đầu vào lúc 12 giờ 30 ngày 24-6 và kết thúc vào 12 giờ trưa ngày hôm sau. Chiến sự hết sức ác liệt. Dù bị đánh bất ngờ, đội hình rối loạn, nhưng nhờ có kinh nghiệm trận mạc và hỏa lực mạnh nên địch chống trả quyết liệt, gây cho ta nhiều khó khăn, trước khi chúng hoàn toàn bất lực chấp nhận đầu hàng.

Sau khi địch buông vũ khí, ông đích thân cùng ban chỉ huy trung đoàn đi quan sát trận địa. Trên 900 quân Pháp bị tiêu diệt, gần 600 bị thương nằm rải rác. Quan năm sắp được thăng tướng Baroux và Bộ chỉ huy Binh đoàn 100 cùng 1.280 quân bị bắt sống; 375 xe các loại bị cháy, bị hư hỏng; 229 xe còn nguyên hoặc hư hỏng ít... Trung đoàn 96 tiêu diệt hoàn toàn cánh quân địch rút chạy và giải phóng tiểu khu An Khê. Trong khi đó, Binh đoàn cơ động 42 của địch do Quan năm Sockel chỉ huy từ Pleiku xuống đón Binh đoàn 100 đã bị Trung đoàn 108 của ta do Trung đoàn trưởng Đoàn Khuê (sau là Đại tướng Bộ trưởng Bộ quốc phòng) chỉ huy chặn đánh tơi bời, phải tháo chạy thoát thân.

Trận phục kích Dăkpơ gây chấn động không chỉ ở Đông Dương mà lan sang cả nước Pháp, góp phần làm suy sụp tinh thần quân đội viễn chinh. Đây là trận đánh được giới chuyên gia quân sự xem là lớn nhất, oanh liệt nhất ở Trung và Nam bộ trong kháng chiến chín năm chống Pháp. Sau khi trận đánh kết thúc, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã điện khen ngợi và Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định trao Huân chương kháng chiến hạng nhất cho Trung đoàn 96.

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, ông chuyển quân tập kết ra Bắc, khi đó ông là Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Bình Thuận. Từ tháng 6 năm 1955 đến tháng 3 năm 1957, ông là Trung đoàn trưởng, Ủy viên thường vụ Đảng ủy Trung đoàn 108 rồi 96. Năm 1958, sau một thời gian ra Bắc làm sư đoàn phó Sư đoàn 305, Nguyễn Minh Châu được phong quân hàm thượng tá.

Tháng 4-1963, ông trở về Nam nhận nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu 6, là Ủy viên thường vụ Khu ủy Khu 6, và đến tháng 5-1965 được thăng quân hàm đại tá. Tháng 7 năm 1970, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Tham mưu phó Bộ Chỉ huy Miền, rồi Tham mưu trưởng (9.1972).

Đầu năm 1975, Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam quyết định thành lập Đoàn 232 tương đương một quân đoàn, trên cơ sở Sư đoàn 5 và Sư đoàn 302 cùng các binh chủng phối thuộc, nhằm chuẩn bị lực lượng cho hướng tấn công phía Tây vào Sài Gòn khi thời cơ đến. Thượng tướng Tư lệnh Miền Trần Văn Trà giao cho ông làm tư lệnh Đoàn 232, Thiếu tướng Trần Văn Phác làm chính ủy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nghiêm làm phó tư lệnh. Khi tiếng súng Chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra, Đoàn 232 là một trong năm cánh quân từ hướng Tây tấn công vào Sài Gòn. Lực lượng Đoàn 232 lúc này còn được bổ sung thêm Sư đoàn 9 của Quân đoàn 4 cùng một số trung đoàn phối thuộc và bộ đội địa phương.

Trên đường tiến về Sài Gòn, đầu tiên Đoàn 232 đột phá tuyến phòng thủ thứ nhất từ dòng sông Vàm Cỏ Đông tới biên giới Campuchia với các tiểu khu, chi khu dày đặc như Long An, Hậu Nghĩa, Bến Lức, Đức Hòa, Thủ Thừa,... Tiếp theo là đập tan tuyến phòng thủ thứ hai của địch gồm các chiến đoàn ngụy phòng ngự hướng Tây Nam, cắt đứt Đường 4 (nay là Quốc lộ 1) giải phóng dân, hỗ trợ nhân dân nổi dậy. Cuối cùng, tiêu diệt hệ thống phòng thủ ven đô kiên cố của địch.

Cuộc chiến đấu tại vùng ven thành phố diễn ra hết sức gay go ác liệt. Địch cố chặn bước tiến của đại quân, hòng bảo vệ bằng được Sài Gòn. Nhưng đã muộn. Sư đoàn 9 làm nhiệm vụ mũi nhọn, thần tốc đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, phối hợp với Quân đoàn 3 đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Sư đoàn thiếu của Quân khu 8 từ hướng Nam đánh lên Chợ Gạo, chiếm hai chi khu Cần Giuộc và Cần Đước, vượt cầu Nhị Thiên Đường, cầu chữ Y đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát và Tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Sau khi đã hoàn thành các mục tiêu, Sư đoàn 302 tiếp tục truy quét tàn quân ngụy phản kích. Sư đoàn 5 thì chặn đánh địch từ Sài Gòn chạy về miền Tây và từ miền Tây kéo lên Sài Gòn. Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Khoảng hơn 12 giờ ngày 30-4-1975, ông có mặt ở Dinh Độc Lập. Sau đó ông nhận công tác quân quản, truy quét tàn quân địch, ổn định an ninh trật tự ở ngoại ô Sài Gòn.

Tháng 5 năm 1976, ông là Phó Tư lệnh Quân khu 7. Tháng 6-1981, sau khi hoàn thành nhiệm vụ từ chiến trường Campuchia trở về, ông được thăng Trung tướng - Tư lệnh Quân khu 7. Đến tháng 1-1986, ông được thăng Thượng tướng - Tư lệnh Quân khu 7, rồi Phó Tổng thanh tra Quân đội (1.1988). Tháng 5-1988, ông được cử làm Trưởng đại diện Bộ Quốc phòng tại phía Nam và là một trong mười Thượng tướng được đề bạt Nhà nước thăng quân hàm Đại tướng.

Thượng tướng Nguyễn Minh Châu được coi là một trong những vị tướng thuộc hàng ngũ ‘’khai quốc công thần’’. Không những với đồng cấp hoặc cấp trên, mà đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, tướng Năm Ngà cũng là con người luôn “xem trọng nghĩa tình”. Từ một người lính trải qua máu lửa chiến trường trở thành một tướng lĩnh cao cấp, ông rất am hiểu tâm thế của người lính. Vị tướng này từng nói: “Không có ông tướng nào đem lại cho tôi sự khâm phục bằng hình ảnh người lính. Họ hồn nhiên, trong sáng, quả cảm, không hề biết run sợ trước cái chết. Và chính nhờ sự hy sinh to lớn của hàng vạn người lính mới sản sinh ra được những vị tướng”! Yêu thương lính, nên tướng Năm Ngà cũng được lính hết sức thương yêu kính trọng.

Tham khảo : Báo điện tử Cần Thơ, Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam (Phạm Hoàng), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 04:36:44 pm gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #33 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 04:09:31 am »


Trung tướng Phạm Kiệt (1910-13h ngày 23/1/1975), nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Lực lượng công an vũ trang, nguyên Cục phó Cục bảo vệ Tổng cục chính trị. Ông là chỉ huy đầu tiên của Đội du kích Ba Tơ. Ngoài ra ông cũng từng là Thứ trưởng Bộ công an, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa 3 và 4.

Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương chiến công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất...

Thiếu tướng (1961), Trung tướng (1974).


Trung tướng Phạm Kiệt tên thật là Phạm Quang Khanh sinh ra trong một gia đình lao động nghèo nhưng rất giàu nghĩa khí anh hùng cách mạng tại xã An Phú, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Mẹ ông tham gia phong trào văn thân chống Pháp. Bốn anh em đều hoạt động bí mật cho Đảng, đều bị tù đầy, tra tấn dã man nhưng không ai khuất phục kẻ thù. Riêng ông, năm 15 tuổi (1925) đã tham gia các hoạt động yêu nước ở quê hương.

Năm 1929, 19 tuổi, ông vào tổ chức Việt Nam Cách mạng thanh niên (Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội). Ngày 17/1/1931, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, là Huyện ủy viên phụ trách Công hội đỏ và chỉ huy Đội xích vệ xã. Do tuyên truyền, cổ động nhân dân huyện nhà sôi nổi ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông bị thực dân Pháp bắt giam qua các nhà lao ở Quảng Ngãi và đày đi Buôn Ma Thuột, bị án tử hình sau giảm xuống tù chung thân.

Tại nhà lao Buôn Ma Thuột, ông là người dám vung xẻng phang một đòn chí mạng vào vai tên cai ngục đang đánh đập tàn nhẫn đồng chí mình làm xâu, khiến hắn vô cùng khiếp đảm, từ đó về sau chùn tay và hễ thấy ông là vội lảng tránh đi nơi khác. Ông cũng là người đã lập kế hoạch cho các ông Nguyễn Chí Thanh và Lê Tất Đắc trốn khỏi nhà lao Buôn Ma Thuột. Về sau, khi phát hiện ông là kẻ chủ trò, địch đã tra tấn, đánh đập anh một trận thập tử nhất sinh, nhưng khi tỉnh dậy vẫn bình thản nói với đồng chí: "Thà mình chết, đừng để cho Đảng bị thiệt hại".

Năm 1943, mãn hạn tù, thực dân Pháp đưa ông về quản thúc ở căng an trí Ba Tơ, nhằm cô lập, cách ly người cộng sản với quần chúng nhân dân, giết dần giết mòn trong lao động khổ sai và bệnh tật. Ông nuôi vịt đồng để dễ bắt liên lạc với đồng chí. "Anh chăn vịt" này đã đem những điều tâm đắc học hỏi được ở các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Bùi San, Lê Chưởng, Trương Quang Lệnh, Trần Mạnh Quỳ trong nhà lao Buôn Ma Thuột, truyền đạt lại cho đồng chí mình rằng : ‘’Thời cơ lớn đã đến. Phát xít Đức, Ý, Nhật nhất định thất bại hoàn toàn. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chưa chết như địch tung tin vịt, đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Phải gấp rút xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, sâu rộng trong nhân dân và trong binh lính địch. Lập căn cứ địa và xây dựng lực lượng vũ trang. Khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa…’’

Cũng chính ông, ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, theo sự phân công của Tỉnh ủy Quảng Ngãi lâm thời, đã trở thành người Chỉ huy trưởng làm nên thắng lợi lịch sử của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nổi tiếng (những người lãnh đạo khởi nghĩa Ba Tơ khi đó là ông, Trung tướng Nguyễn Đôn, Đại tá Nguyễn Khoách-cùng với Thiếu tướng Võ Bẩm là hai người tiên phong mở đường Trường Sơn sau này). Ðội du kích Ba Tơ và cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ. Từ sự phát triển của phong trào quần chúng cách mạng, sau khi bàn bạc, thống nhất kế hoạch đánh chiếm đồn địch, kế hoạch khởi nghĩa, ngày 11-3-1945, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi quyết định thành lập đội võ trang xung kích, gồm 17 người tuyển chọn từ các tù chính trị ở căng an trí Ba Tơ; đồng thời chỉ định ông làm chỉ huy trưởng, ông Nguyễn Ðôn làm chính trị viên. Vũ khí trang bị phần lớn là gươm, giáo và bảy khẩu súng.

Ngay buổi tối hôm đó, đội du kích đã đột nhập Nha Kiểm lý, nhanh chóng thu toàn bộ súng đạn, hồ sơ và bắt Bùi Danh Ngũ, Tri châu Ba Tơ và một số binh lính; rồi dùng vũ khí thu được, có sự hỗ trợ của đông đảo quần chúng, đội lập tức tiến công đồn Ba Tơ thắng lợi. Sáng 12-3-1945, trong không khí hào hứng và trang nghiêm của cuộc mít-tinh mừng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, Ðội du kích Ba Tơ chính thức ra mắt trước quần chúng nhân dân. Ðây là đội vũ trang tập trung đầu tiên của nhân dân Quảng Ngãi do Ðảng cộng sản Việt Nam trực tiếp tổ chức và lãnh đạo.

Giữa tháng 6-1945, Tỉnh ủy lâm thời quyết định thành lập Ban quân sự đồng thời là Ban chỉ huy Ðội du kích Ba Tơ. Ông Nguyễn Chánh được chỉ định làm Trưởng ban, ông và ông Nguyễn Ðôn làm Phó ban. Du kích Ba Tơ là đội vũ trang tập trung đầu tiên ở Nam Trung Bộ không chỉ kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng ở tỉnh Quảng Ngãi, mà còn có tác dụng mạnh mẽ, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phong trào đấu tranh chống phát-xít Nhật, cứu nước của nhân dân các tỉnh Nam Trung Bộ. Đội du kích Ba Tơ, là nòng cốt cho nhân dân Quảng Ngãi vùng lên tổng khởi nghĩa vào ngày 14/8/1945 - một trong số ít địa phương cướp được chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cả nước. Khi đó, ông là Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Quảng Ngãi.

Cuối tháng 9/1945, Xứ ủy và Uỷ ban Nhân dân Trung bộ thành lập Ủy ban Quân chính Nam Phần Trung bộ do ông, ông Nguyễn Đôn, ông Trần Quang Giao phụ trách bao gồm các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc và 4 tỉnh cực Nam Trung bộ: Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Viên và Đồng Nai Thượng nhằm bảo đảm hành lang và bàn đạp chuyển lực lượng Nam tiến và vũ khí của Trung ương và các tỉnh phía Bắc vào Nam bộ; đồng thời sẵn sàng đối phó với những cuộc tiến công của Pháp và chuẩn bị đưa lực lượng của mình vào tham chiến ở Nam bộ.

Năm 1946, ông là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 31 thuộc Liên khu V. Năm 1950, ông được triệu tập ra chiến khu Việt Bắc để đi nước ngoài bồi dưỡng quân sự. Ông gặp lại người bạn tù mà ông đã từng tổ chức vượt ngục cho đó là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh. Ông đề nghị anh Chủ nhiệm cho được phục vụ các chiến dịch để học hỏi thêm kinh nghiệm và sẽ đi học sau.

Từ 1952 - 1959, ông được bố trí làm Cục phó rồi Cục trưởng Cục Bảo vệ, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Chính trị. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía Đông Bắc. Ông đã đến tận trận địa pháo binh, phát hiện sự nguy hiểm khi bố trí trận địa pháo dã chiến tại một địa bàn tương đối bằng phẳng. Ông là người duy nhất lúc đó vì nghĩa lớn đã nói lên sự thật không ngần ngại, đã đề nghị Tổng tư lệnh xem xét lại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh.

Tháng 8/1960, ông được Bác Hồ và Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an. Tháng 4/1961, ông được thăng cấp Thiếu tướng và được giao làm Tư lệnh kiêm Chính ủy một tổ chức an ninh mới ra đời, còn non trẻ: Lực lượng Công an nhân dân vũ trang.

Trên cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an vũ trang, ông luôn khiêm tốn, chân tình đoàn kết chặt chẽ trong lãnh đạo Bộ Công an, điềm tĩnh, dân chủ, chịu khó lắng nghe ý kiến cấp dưới; tìm hiểu rất kỹ con người và sự việc; kiên trì sự thật và chân lý. Nhờ đó, ông đã góp phần cùng Công an nhân dân luôn hoàn thành xuất sắc công tác an ninh nội địa và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não và những chuyến công tác quan trọng của lãnh đạo Đảng, Chính phủ. Ông cũng đặc biệt tập trung sức xây dựng, củng cố vững mạnh hệ thống tổ chức an ninh biên giới, sông biển, hải đảo. Nhờ đó, gián điệp, thám báo, biệt kích, người nhái… do giặc Mỹ tung vào miền Bắc, hầu như bị xa lưới gần hết.

Ông còn chăm lo công tác an ninh cho miền Nam. Những năm 1963-1964, được trên chấp nhận, ông cho tuyển chọn con em miền Nam vào Công an nhân dân vũ trang, mở trường đào tạo và chi viện hàng trăm chiến sỹ an ninh cho chiến trường miền Nam. Ông hết lòng yêu thương chiến sỹ, ngày đêm lo toan cho cuộc sống của chiến sỹ. Ông luôn nhắc đồng chí Bí thư riêng cố gắng sắp xếp 1/3 thời gian trong năm để đi công tác cơ sở, đặc biệt là đi những đơn vị, những địa bàn xa xôi, gian khó nhất.

Năm 1967, bất kể đạn bom, ông đi thăm các đồn biên phòng phía Tây, thăm đội nữ pháo binh Ngư Thủy, Quảng Bình, tặng quà và động viên chiến đấu. Mùa đông năm 1968, ông đi hàng tháng liền trong tiết trời lạnh buốt; kiểm tra các đồn biên phòng suốt từ Lai Châu, Lào Cai đến Quảng Ninh. Đi đến đâu, ông cũng nhắc nhở chỉ huy đơn vị phải sắm đủ màn chống muỗi, chống sốt rét, làm nệm cỏ, tìm cách sưởi ấm, tăng gia sản xuất thêm.

Mùa hè năm 1973, dấu hiệu của căn bệnh ung thư đã rõ. Thế nhưng, ông vẫn trực tiếp tháp tùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Fidel Castro của Cuba đi thăm chiến trường Quảng Trị và đường Hồ Chí Minh. Trên đường về, Tê Đơ lại ghé thăm đơn vị nữ pháo binh Ngư Thủy, xem chị em sống ra sao, có đề đạt nguyện vọng gì...

Tháng 4/1974, ông được thăng cấp Trung tướng. Ông căn dặn các cán bộ làm công tác chế độ, chính sách nhất thiết không được mua sắm, trang bị vật dụng gì thêm cho ông, cho dù không phải là những tiện nghi sang trọng và đắt tiền.

13h ngày 23/1/1975, trái tim giàu chất sử thi anh hùng và nhân hậu của Trung tướng Phạm Kiệt ngừng đập! Trung tướng Phạm Kiệt là một người có công lớn đối với sự hình thành và phát triển của Đội du kích Ba Tơ, các nhà nghiên cứu sử học và quân sự đánh giá rất cao vai trò của ông. Ông cũng được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đánh giá rất cao vì là người góp phần quan trọng trong việc Đại tướng ra quyết định cuối cùng là chuyển phương châm từ ‘’đánh nhanh thắng nhanh’’ sang ‘’đánh chắc tiến chắc’’, một người có tư duy quân sự nhạy bén, cẩn trọng có tinh thần trách nhiệm cao, dám nói khi mà phần lớn bộ chỉ huy chiến dịch đã nhất trí kế hoạch ‘’đánh nhanh thắng nhanh’’. Ông cũng là người có công lao rất lớn đối với lực lượng Công an vũ trang từ khi mới được thành lập(tiền thân của Bộ đội biên phòng). Là người lãnh đạo lâu nhất của lực lượng này, ông đã lãnh đạo một lực lượng mới ra đời hoành thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, anh ninh của miền Bắc trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại. Ông còn là một vị tướng có tấm lòng nhân ái, hết mực yêu thương và quan tâm đến cấp dưới, một tác phong lãnh đạo sâu sát gắn bó với quần chúng. Một người luôn luôn cống hiến tâm huyết và trí tuệ cho sự nghiệp chung của tổ quốc. Ông xứng đáng được xếp vào hàng ngũ ‘’công thần’’ của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hiện tại quê hương ông, có nhà tưởng niệm ông, đường phố và trường học mang tên ông.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 04:46:55 pm gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #34 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 04:12:49 am »


Thiếu tướng Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu (1919-1989), từng giữ các chức vụ: Vụ trưởng Quân uy Khu 12 rồi Liên khu 1, Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Quân y, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Y học Quân sự, Phó Hiệu trưởng thứ Nhất kiêm Chủ nhiệm Khoa Tổ chức và Chỉ huy Quân y, Phó Trưởng phòng Quân y miền Nam, Giám đốc Học viện Quân y Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trưởng phòng huấn luyện Cục quân y. Tháng 10/1960, ông được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Quân y, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Y học Quân sự, Phó Hiệu trưởng thứ nhất Trường Đại học Quân y kiêm Chủ nhiệm Khoa Tổ chức và Chỉ huy Quân y. Từ tháng 10/1969 đến 4/1976, ông là Phó Trưởng phòng Quân y miền Nam.

Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất…

Thiếu tướng (1983).


Thiếu tướng Nguyễn Thúc Mậu sinh ngày 12 tháng 11 năm 1919 tại thôn Cao Bộ, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (sau này xã Thành Cao, thôn Cao Bộ và thôn Thanh Thần từ năm 1966 đến năm 1969 là nơi sơ tán của Viện quân Y 103). Năm 1939, ông đỗ tú tài và thi vào Trường Y Đông dương. Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi đó đang là sinh viên năm cuối trường Y, ông hăng hái tham gia các phong trào đoàn thể cũng như phong trào tình nguyện ‘’Diệt giặc đói, truyền bá quốc ngữ, diệt giặc dốt’’, vừa tích cực học tập hoàn thành khóa học.

Sau khi gia nhập vệ quốc đoàn, ngày 27/5/1946 ông được Giám đốc Ban y khoa đại học Giáo sư bác sĩ Hồ Đắc Di trực tiếp trao bằng bác sĩ. Từ đây, ông bắt đầu phục vụ cho sự nghiệp Quân y chiến trường trong kháng chiến chống Pháp rồi cho đến kháng chiến chống Mỹ và hai cuộc chiến tranh biên giới.

Tháng 6 năm 1946, ông được cử làm Trưởng ban Quân y Trung đoàn 28 Lạng Sơn, hành trang của ông trên chuyến tàu Hà Nội-Lạng Sơn đầu tháng 6/1946 không phải là quần áo, tư trang và các tiện nghi sinh hoạt, mà là bên túi sách nội khoa, ngoại khoa; bên túi trang bị y tế, thuốc men cần thiết do ông tìm mua, hoặc do bạn bè mua giúp trước lúc lên đường. Tháng 11/1946 ông là chỉ huy Quân y của Trung đoàn phục vụ trận chiến đấu đầu tiên, khi quân Pháp nổ súng chiếm Lạng Sơn. Ông là người chỉ huy quân y chiến trường đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ban Quân y trung đoàn lúc ấy chỉ có hơn chục người gồm 1 bác sĩ, 2 quân y sĩ và 12 y tá, hộ lý, đóng quân ở trong thành Lạng Sơn. Khó khăn buổi ban đầu nhiều, mà thời gian thì khẩn trương, phải chuẩn bị mọi mặt phục vụ chiến đấu. Ông đã đề xuất một kế hoạch trước mắt và được Ban chỉ huy trung đoàn đồng ý đó là phải bồi dưỡng những vấn đề chuyên môn cơ bản nhất cho từng cán bộ nhân viên. Ông trực tiếp hướng dẫn các thao tác sơ cứu, cấp cứu và xử trí các chấn thương cho các quân y sĩ và y tá; đồng thời giao cho 2 quân y sĩ là Nguyễn Sĩ Quốc và Đặng Văn Việt hướng dẫn cụ thể việc thực hiện băng bó từng loại vết thương, cách vận chuyển thương binh cũng như chăm sóc thương binh nặng, các vết thương phải cố định cho y tá và hộ lý. Ông còn tranh thủ tình hình còn ổn định, phân công một số cán bộ về Cục Quân y xin bổ sung trang bị, thuốc men, bàn phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương để tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ chiến đấu.

Từ cuối tháng 10, đầu tháng 11/1946, quân Pháp ngày càng có những hoạt động khiêu khích, lộ rõ ý đồ muốn đánh chiếm thị xã. Trung đoàn 28 trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao. Đêm 24 rạng ngày 25/11/1946, quân Pháp bất ngờ từ các điểm cao phía Tây Nam bắn pháo vào thị xã, đồng thời cho quân tiến dọc theo Quốc lộ 1A vào chiếm các vị trí vòng ngoài. Trung đoàn 28 đã chiến đấu kiên cường, đánh bật các mũi tiến công của quân Pháp. Ông lệnh cho quân y bám sát các mũi, đôn đốc các đội tải thương đưa hết thương binh và tử sĩ ra khỏi trận địa, đồng thời tổ chức sơ cứu kịp thời và đưa thương binh về bệnh xá trung đoàn nhanh nhất để xử lý các vết thương.

Quân Pháp quyết tâm chiếm thị xã Lạng Sơn nên tăng thêm viện binh, bắn cấp tập phi pháo vào thị xã và một số vị trí của bộ đội. Lệnh của Khu bộ chỉ để một số lực lượng chốt chặn không cho quân Pháp tự do tiến vào thị xã, còn đại bộ phận trung đoàn rút về hậu cứ bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài. Ban Quân y cũng được lệnh rút toàn bộ về Ba Xã, huyện Điềm He. Do số thương binh nhiều, nên bệnh xá không di chuyển được một số trang thiết bị y tế và thuốc men. Chiều tối 25/11, ông cho hội ý toàn Ban lấy tinh thần xung phong trở lại thành Lạng Sơn mang hết trang thiết bị y tế và thuốc men ra địa điểm sơ tán. Ông cùng 6 y tá nam khỏe mạnh vượt vòng vây vào thành di chuyển bằng hết trang bị y tế, bông băng, thuốc men qua tường thành; số y tá, hộ lý và thanh niên tình nguyện dùng quang gánh đón ở ngoài tường thành tiếp nhận chuyển đi.

Tháng 5/1947, ông được bổ nhiệm làm Quân y vụ trưởng Khu 12 rồi đến tháng 3/1949 ông là Quân y vụ trưởng Liên khu 1. Ngày 16/7/1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 12/1949, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng lưu động Cục Quân y. Trên cương vị công tác, ông đã được giao làm Phó trưởng ban Quân y các chiến dịch Biên Giới (1950). Trưởng ban Quân y chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1950), chiến dịch Hà Nam Ninh (5/1951), chiến dịch Hòa Bình và Trung du Bắc Bộ (11/1951), chiến dịch Tây Bắc (10/1952). Ông cũng là thành viên trong Ban Quân y trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Hòa bình lập lại trên miền Bắc, từ năm 1955 đến năm 1958, ông được Quân đội cử đi học ngành Tổ chức chuyên ngành Tổ chức chỉ huy Quân y ở Liên Xô. Tháng 8 năm 1958, ông về nước và được cử giữ chức vụ Trưởng phòng huấn luyện Cục quân y. Tháng 10/1960, ông được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Quân y, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Y học Quân sự, Phó Hiệu trưởng thứ nhất Trường Đại học Quân y kiêm Chủ nhiệm Khoa Tổ chức và Chỉ huy Quân y. Từ tháng 10/1969 đến 4/1976, ông là Phó Trưởng phòng Quân y miền Nam.

Từ 5/1976 đến 2/1979, ông là Phó Hiệu trưởng thứ nhất rồi tháng 3/1979 ông là Hiệu trưởng và Giám đốc Học viện Quân y (11/1981). Cũng trong năm 1981, ông được nhà nước phong hàm Giáo sư ngay trong đợt phong hàm đầu tiên của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Thiếu tướng Nguyễn Thúc Mậu là một cán bộ Quân y lão thành của ngành Quân y Việt Nam.Trong sự nghiệp xây dựng ngành Quân y Việt Nam, ông đã gắn bó chặt chẽ sự nghiệp xây dựng môn học tổ chức chiến thuật quân y do ông là người khởi đầu và là người chỉ đạo. Với sự nghiệp huấn luyện đào tạo đội ngũ cán bộ quân y tại chiến trường cũng như tại nhà trường (Trường sĩ quan quân y-Đại học quân y-Học viện quân y). Trong đời sống sinh hoạt giản dị gương mẫu, điềm đạm, luân quan tâm đến đồng đội, đồng chí, thân mật cởi mở của Thiếu tướng Nguyễn Thúc Mậu là tấm gương sáng cho cán bộ chiến sĩ ngành Quân y noi theo.

Là người tham giả đảm bảo quân y hầu hết các chiến dịch trong 2 cuộc kháng chiến, tuy sức khỏe của ông có hạn, nhưng ông vẫn giành nhiều công sức vào hoàn chỉnh các công trình nghiên cứu tổng kết quân y, trong đó có công trình trọng điểm của Bộ Quốc phòng như : Tổng kết công tác bảo đảm quân y ở chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ 1954-1975. Qua các công tác nghiên cứu tổng kết, ông cùng cộng sự đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý, nâng lên thành các phương châm, nguyên tắc chỉ đạo của Ngành, góp phần vào việc hình thành nghệ thuật chỉ huy quân y nói riêng và nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung. Tất cả những nội dung quan trọng này đã được biên soạn thành sách giáo khoa, giáo trình giảng dạy và tập huân cho cán bộ chi huy quân y các cấp. Vì vậy những đóng góp của ông về xây dựng chuyên ngành Tổ chức chỉ huy Quân y là to lớn và có giá trị.

Tham khảo : Thiếu tướng Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu (Thiếu tướng Giáo sư Bác sĩ Lê Thế Trung, Hoàng Ngọc Vân), Viện bỏng Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 05:02:07 pm gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #35 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 04:15:48 am »


Thiếu tướng Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (13/9/1913-16h20’ngày 9/8/1997), Anh hùng lao động (1/5/1952-Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua đầu tiên), Giải thưởng Hồ Chí Minh, nguyên Cục trưởng Cục quân giới (đầu tiên) (12/1946-5/1954), nguyên Cục trưởng Cục pháo binh (8/1949-11/1951), nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (8/1966-1/1977) Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng ngay trong đợt phong quân hàm tướng đầu tiên (năm 1948).

Ông còn giữ các chức vụ Thứ trưởng Bộ công nghiệp (9/1950-9/1960), Thứ trưởng Bộ công nghiệp nặng (9/1960-2/1963), Phó Chủ tịch ủy ban kiến thiết nhà nước (2/1963-3/1972), Chủ nhiệm Ủy ban khoa học nhà nước (10/1965-8/1966), Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam (nay là Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia (1/1977-1/1983), Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các hội khoa học kĩ thuật Việt Nam (1983-1988). Ông là Đại biểu Quốc hội khóa 2 và 3.

Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng ba và Huân chương Chiến công hạng nhất…

Thiếu tướng (1948 trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên)


‘"Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa là một đại trí thức, mang một lòng nhiệt thành về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến’’ (Chủ tịch Hồ Chí Minh)

‘’Ông Phật làm súng’’ (Đại tướng Tổng Tư lệnh, Võ Nguyên Giáp)


Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ), quê tại xã Chấn Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long nhưng sinh ra tại quê mẹ ấp 6, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Cha ông là thầy giáo nghèo yêu nước Phạm Quang Mùi (1882-1920), một người am hiểu Nho giáo, khi chuyển sang học tiếng Pháp đỗ Thành chung rồi về Vĩnh Long dạy học. Ở Vĩnh Long lúc bấy giờ ông được coi là người uyên thâm nho nhã, am hiểu thế sự, nhân uyên cuộc đời: “trên hiểu thiên văn,dưới tường địa lý, giữa biết lòng người”. Mẹ ông là cụ Lý Thị Diệu (1881-1941), một người phụ nữ tần tảo mộ đạo Phật. Ông có một chị gái là bà Phạm Thị Nhẫn.

Năm 1920, cha ông mất khi ông mới 7 tuổi. Chị gái ông phải xin nghỉ học ở nhà cùng với mẹ tần tảo tạo điều kiện cho ông học hành đến nơi đến chốn. Hè năm 1926, ông tốt nghiệp bậc tiểu học hạng ưu, rồi thi đỗ hạng ưu vào trường Trung học đệ nhất cấp Mỹ Tho, nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Ông được nhận học bổng trong 4 năm học tại đây, từ năm 1926 – 1930. Năm 1930, thi đỗ vào trường Trung học đệ nhị cấp, ông lên trường Petus Ký (nay là trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong –TP. HCM) và vẫn là học trò tuy nghèo nhưng học giỏi nhất lớp, đậu học bổng liên tục 3 năm liền. Đến 1933, ông đỗ đầu kì thi tú tài bản xứ, sau đó thi tú tài Pháp ban toán cũng đỗ đầu rồi tú tài Pháp ban triết đỗ hạng ưu. Tiếng học trò Lễ từ Vĩnh Long lên Sài Gòn học giỏi ai cũng biết.

Cũng trong thời kỳ ông học Trung học đệ nhị cấp Pê-trus Ký, có nhiều hoạt động chống thực dân Pháp nổ ra như hoạt động của nhà yêu nước Phan Bội Châu, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), các cuộc bãi công, bãi thị do Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức, khởi nghĩa Yên Bái… Các sự kiện đó khơi sâu lòng yêu nước trong giới học sinh. Tuy nhiên, hầu hết đều bị thực dân Pháp đàn áp dã man và bị thất bại. Một trong những nguyên nhân thất bại là vấn đề vũ khí: lực lượng cách mạng không có vũ khí trong khi quân đội thuộc địa được “trang bị đến tận răng”. Muốn thắng thực dân đế quốc, ngoài những người lo về chính trị, phải có người lo về quân sự, về khoa học, về vũ khí. Cho nên, ông đã sớm xác định hướng đi cho mình là học giỏi, nhất là các môn khoa học tự nhiên để sau này nghiên cứu về vũ khí giúp cho công cuộc giải phóng dân tộc.

Cùng học với ông tại trường nổi tiếng Petrus Ký còn có các học sinh Phạm Văn Thiện (tức ông Phạm Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), ông Huỳnh Tấn Phát, ông Nguyễn Tấn Ghi Trọng, ông Đặng Văn Chung…là những học trò xuất sắc của khoá học. Do nhà nghèo, không đủ tiền đi Hà Nội học tiếp, từ năm 1933 đến năm 1935, ông quyết định đi làm giúp mẹ giúp chị nuôi chí vươn lên, chờ thời cơ. Thời gian này, ông làm cho tòa sứ Mỹ Tho.

Năm 1935, ông gặp nhà báo Dương Quang Ngưu (1897-1938) một Việt kiều từ Pháp về vào làm việc ở tòa bố Mỹ Tho. Nhận thấy những tư chất thông minh hiếm có cùng quyết tâm đi xa hơn học hành để giúp đất nước của ông lại được biết ông là con của thầy giáo Mùi, nhà báo Dương Quang Ngưu đã vận động Hội ái hữu trường Chasseloup Laubat cấp cho ông một năm học bổng học tại Paris. Ngày 5/9/1935, ông xuống tàu tại Bến cảng Nhà Rồng để sang Pháp du học. Từ Sài Gòn sang cảng Marseille (Pháp) con tàu phải đi vòng qua nhiều nơi, mất hết 21 ngày, sau khi ghé nhiều nước châu Á, Phi, qua kênh đào Hồng Hải, kênh Suez, rồi vào Địa Trung Hải. Qua những nơi đó, ông thấy rõ hơn những bất công, sự tàn bạo của thực dân đế quốc, chủ nô, chúa đất và sự cùng khổ của người dân các nước ấy đều giống như ở Việt Nam.

Từ Marseille, ông lên Paris trên một chiếc tàu hoả tốc hành. Để có đủ tiền cho 2 năm học tại Paris, trong khi học bổng của Chasseloup Laubat chỉ cấp cho 1 năm, ông phải dồn sức làm 16 tiếng/ngày cho đủ tiền trang trải mọi thứ cuộc sống. Và thế là ông quyết chí học rút ngắn thời gian 2 năm học làm một, để chỉ 1 năm thôi là đủ điều kiện vào trường Đại học tại Paris. Suốt 11 năm ở Pháp (1935-1946) ông chỉ theo đuổi một mục tiêu duy nhất là học cho kỳ được cách chế tạo vũ khí của phương Tây. Nhưng thực dân Pháp đâu phải điên đến mức để cho người Việt Nam ta – kể cả những người đã mang quốc tịch Pháp – được vào học ở các trường dạy nghề về vũ khí hay vào làm việc ở các viện nghiên cứu, các nhà máy sản xuất vũ khí. Vì thế, trong suốt 11 năm, ông chỉ có thể mò mẫm tự học một cách âm thầm, đơn độc và bí mật hoàn toàn.

Từ năm 1936, ông đã được nghe biết đến tên tuổi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Từ thời điểm này, tư tưởng yêu nước của Nguyễn Ái Quốc đã định hướng về mặt chính trị cho người thanh niên ông. Muốn nắm vững kỹ thuật quân sự, trước hết, phải tinh thông kỹ thuật dân dụng, ông thi đỗ vào Trường đại học quốc gia Cầu – Đường, một “trường lớn” của nước Pháp. Vì thế, bộ thuộc địa phải cấp học bổng cho ông. Sau đó, ông còn theo học các trường Điện, Mỏ, Bách khoa, Học viện Kỹ thuật hàng không, Học viện Thống kê, Viện khí động học... Ông đỗ nhiều bằng kỹ sư, đồng thời, thi lấy nhiều chứng chỉ về khoa học cơ bản ở Trường đại học Tổng hợp Xoóc-bon. Sau giờ học, ông thường đến các thư viện để tra cứu sách liên quan đến chế tạo vũ khí. Ông cũng tìm đến những hiệu sách cũ để tìm những quyển sách về đề tài này. Ngoài ra, ông còn tham dự các buổi thực nghiệm, đi tham quan các nhà máy, các viện nghiên cứu... nhất là các viện bảo tàng vũ khí.

Trong lĩnh vực vũ khí quân sự, Đức là nước đạt nhiều thành tựu. Để đọc thẳng sách về vũ khí bằng tiếng Đức, ông đã tự học thứ tiếng này. Trong ba ngày, ông học hết những nguyên tắc cơ bản của văn phạm và bắt đầu đọc sách. Sau một tháng, ông học và nhớ được khoảng 4000 từ. Ngoài nghiên cứu về sản xuất vũ khí, ông còn tìm hiểu thêm môn khoa học quản lý. Ông cũng nhận thấy phải giữ bí mật cho những công việc của anh. Vì thế, ông đã tìm đọc những sách nói về công tác phản gián. Ông cần biết các điệp viên thường làm những gì khi điều tra đối tượng của họ, để ông giữ mình... Ông làm việc kín đáo đến mức: công việc ông làm trong mười một năm vẫn không ai hay, trừ một vài người bạn.

Sau khi tốt nghiệp các trường đại học, ông đã lần lượt làm việc tại ba công ty chế tạo máy bay của Pháp. Trong thời gian này, ông đã thu thập thêm kiến thức về pháo, súng máy và bom mìn đồng thời quan sát các ụ súng của quân đội Pháp chuẩn bị để ứng chiến với phát xít Đức. Qua mối quan hệ rộng rãi, ông lặng lẽ tìm kiếm các bí mật quân sự, các bản thiết kế vũ khí. Dần dà ông thu thập được hơn 30 nghìn trang tài liệu về vũ khí, hầu hết là tài liệu mật.

Năm 1946, ông có mặt trong đoàn đại biểu Việt kiều đến thăm chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp. Khi chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi ông ‘’Nguyện vọng của chú lúc này là gì ?’’. Cảm động trước sự quan tâm của chủ tịch đối với mọi người và bản thân ông, ông trả lời điều mà ông ôm ấp từ khi dời bến cảng Nhà Rồng sang Pháp "Kính thưa Cụ. Nguyện vọng cao nhất của cháu là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần". Sau đó, chủ tịch Hồ Chí Minh lại hỏi tiếp ông.

Câu thứ nhất: "ở nhà cực khổ lắm, chú về có chịu được không?" – Ông thưa: "Chịu nổi".
Câu thứ hai: "Bây giờ ở nhà kỹ sư, công nhân về vũ khí không có, máy móc thiếu, liệu chú có làm được việc không?" - Ông nói: "Thưa cụ, tôi đã chuẩn bị mười một năm rồi và tôi tin là làm được."

Và từ đó, từ bỏ chức vụ kỹ sư trưởng ở một hãng nghiên cứu - chế tạo máy bay với đồng lương tương đương 22 lạng vàng một tháng, ông quyết định theo chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số trí thức khác về nước (9/1946), chỉ mang theo duy nhất những tài liệu mà ông thu nhặt được trong suốt 11 năm (gần 1 tấn tài liệu).
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 09:00:15 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #36 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 04:16:37 am »

Bẩy ngày sau khi về nước (27/10/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông lên Thái Nguyên cùng cán bộ công nhân xưởng Giang Tiên tiến hành nghiên cứu chế tạo đạn badôca, một loại vũ khí mới chủ yếu đánh xe tăng thời đó. Tháng 11 năm 1946, ông đã chỉ đạo xưởng Giang Tiên sản xuất thành công một khẩu súng badoca 60 mm và 50 quả đạn. Khi bắn thử đạn nổ nhưng chưa xuyên.
Ngày 5/12/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh gặp trực tiếp giao trọng trách cho ông làm Cục trưởng Cục quân giới, đồng thời đặt tên cho ông là Trần Đại Nghĩa để nhắc nhở ông trách nhiệm vô cùng quan trọng của mình đồng thời cũng là bảo vệ gia đình ông ở miền Nam.

Cuối tháng 2 năm 1947, công binh xưởng dưới sự chỉ đạo của ông đã sản xuất thành công súng badôca với độ xuyên sâu 75cm trên tường thành gạch xây tương đương với sức nổ xuyên của đạn badôca do Mỹ chế tạo. Ngày 5 tháng 3 năm 1947, đạn badôca vừa xuất xưởng đã được sử dụng bắn cháy 2 xe tăng của quân Pháp tại vùng chùa Trầm (Hà Đông). Chiến công này góp phần bẻ gẫy cuộc tấn công của quân Pháp ra vùng Chương Mỹ, Quốc Oai (trích lịch sử ngành kĩ thuật QĐNDVN-tập1,NXB QĐND 1996, trang 60). Trong chiến dịch Thu Đông (1947), súng badôca còn bắn thủng cả tàu chiến Pháp ngược dòng sông Lô lên Việt Bắc. Vũ khí của Việt Nam lúc này rất hiếm, riêng badôca là loại vũ khí quí. Trong lịch sử chiến tranh badôca xuất hiện lần đầu tiên trên thể giới vào năm 1943, đối với một đất nước vừa thoát khỏi cảnh thuộc địa và nửa phong kiến đã chế tạo thành công loại vũ khí hiện đại này, quả là một huyền thoại (badôca cũng là một loại tên lửa, sau khi đạn bay ra khỏi nòng động cơ của quả đạn vãn tiếp tục hoạt động).

Đánh địch cố thủ trong lô-cốt bê-tông cốt thép, bộ đội Việt Nam cho nổ bộc lôi cỡ lớn hoặc mìn lõm cỡ lớn. Cách đánh đó nguy hiểm cho xung kích, bộ đội phải ém sát đối phương. Các nước, người ta dùng đại bác hạng trung và hạng nặng hoặc đạn bay. Lúc bấy giờ, bộ đội Việt Nam chưa có đạn bay. Còn đại bác, thì chỉ trong những chiến dịch lớn, mới lôi ra dùng, vì nó nặng quá. Ông nghĩ đến việc chế tạo một loại súng nhẹ, có thể vận chuyển dễ dàng trên đôi vai bộ đội, nhưng lại có sức công phá ngang một cỗ đại bác sáu tấn thép. Ông nghĩ tới súng không giật (SKZ). Đây là loại vũ khí hiện đại, mới xuất hiện lần đầu trong trận quân Mỹ đổ bộ lên đảo Ô-ki-na-oa (Nhật Bản) cuối chiến tranh thế giới thứ hai. Tất nhiên, mọi kết quả tìm tòi, nghiên cứu, thiết kế về thứ súng ấy đều được giữ bí mật hoàn toàn. Ông cùng các cộng sự gần gũi như Nguyễn Trinh Tiếp phải lặp lại các công việc của nhà sáng chế – phát minh, độc lập với người Mỹ. Cuối cùng, ông đã thành công. Chỉ sau SKZ của Mỹ mấy năm, SKZ Việt Nam xuất hiện lần đầu trong trận Phố Lu, đánh phá tan tành các lô-cốt của Pháp có tường bê-tông dày hơn một mét. Sau SKZ, ông tiếp tục nghiên cứu và chế tạo đạn bay. Và ông cũng đã thành công loại tên lửa nặng 30 ki-lô-gam có thể đánh phá các mục tiêu cách xa bốn ki-lô-mét.

Năm 35 tuổi, ông được phong quân hàm Thiếu tướng (một trong 10 vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được phong năm 1948). Năm 36 tuổi ông là Cục trưởng Cục quân giới kiêm chức vụ Cục trưởng Pháo binh (8/1949-11/1951). Ông đã góp phần quan trọng xây dựng lực lượng pháo binh để tham gia chiến dịch Biên giới năm 1950, và sau này là chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Tháng 9 năm 1950, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ công thương. (Ông giữ chức vụ này cho đến tháng 9 năm 1960). Ngày Quốc tế lao động năm 1952, ông được tuyên dương Anh hùng lao động trong số bảy Anh hùng của Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc được tổ chức tại Việt Bắc.

Hòa bình lập lại, ông được điều ra khỏi quân đội phụ trách công nghiệp và xây dựng. 15/10/1956, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được thành lập, ông được cử giữ chức vụ hiệu trưởng đầu tiên của trường. Miền Bắc bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và chuẩn bị cho kế hoạch giải phóng miền Nam, ông được cử giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng (9/1960-2/1963).

Từ tháng 2 năm 1963 đến tháng 3 năm 1972, ông là Phó Chủ nhiệm ủy ban kiến thiết nhà nước kiêm Phó Trưởng ban cơ khí Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ 10/1965 đến 8/1966, ông là Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước. Năm 1966, ông được bầu làm Viện sĩ nước ngoài Viện Hàn lâm khoa học Liên xô, danh vị cao nhất của những người làm công tác khoa học thời kì đó.

Đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, ông được điều trở lại quân đội giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần phụ trách kĩ thuật rồi sau đó kiêm chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục kĩ thuật Quân đội Nhân dân Việt Nam từ năm1972 đến năm 1977. Trong thời kì này, ông có những đóng góp không nhỏ trong việc cải tiến vũ khí, kĩ thuật nhằm chống lại chiến tranh phá hoại do Mỹ gây ra.

Đất nước thống nhất, tháng 3 năm 1977 ông chuyển ngành và được cử giữ chức Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam cho đến tháng 1 năm 1983. Đây chính là tiền thân của Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia ngày nay. Năm 1983, ông nhận nhiệm vụ vận động đội ngũ trí thức trong tất cả các ngành khoa học và công nghệ thành lập Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội). Giáo sư Trần Đại Nghĩa trở thành Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp hội, nhiệm kỳ 1983-1988. Đồng thời, ông còn là Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam.

Là một trí thức đi học ở Châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng nhiệt tình về phụng sự tổ quốc, phục vụ kháng chiến, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa đã có công to trong việc xây dựng quân giới, luôn luôn gần gũi, giúp đỡ, dạy bảo và học hỏi những người công nhân, đã thắt chặt lý luận với thực hành. Ông là một người sống rất giản dị, mẫu mực, hiền lành bao dung với mọi người được nhân dân cả nước và đồng nghiệp yêu quý, mến phục. Ông còn là người đại diện xuất sắc cho đội ngũ khoa học Việt Nam. Dù ở cương vị nào ông cũng qui tụ được đội ngũ trí thức, đoàn kết họ, hướng họ vào mục tiêu xây dựng một nền khoa học Việt nam hiện đại, đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra. Ông đã thu phục được nhiều người nhờ đức đọ, trí tuệ của mình. Các công trình nghiên cứu của ông còn được quốc tế đánh giá cao.

Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa là một nhà khoa học lớn rất yêu nước, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết và thiết tha với sự nghiệp khoa học. Cả cuộc đời, ông đã luôn chăm lo, bồi dưỡng và đặt nhiều kỳ vọng vào lớp trí thức trẻ góp sức làm vinh quang cho Tổ quốc.’’ Nhiệm vụ của Bác giao cho tôi và tập thể các nhà khoa học Việt nam là tham gia về mặt vũ khí và khoa học quân sự trong hai cuộc kháng chiến đã được hoàn thành. Từ nay đến hàng nghìn năm sau chúng tôi xin bàn giao lại nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc cho thế hệ ngày nay và thế hệ mai sau.’’ (Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa đã ghi những dòng này vào sổ tay ngày 30/4/1975).
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 07:14:08 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #37 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 04:19:39 am »


Thượng tướng Lê Ngọc Hiền (1928-18/4/2006), nguyên : Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (1974-1995), Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Căm-pu-chia-Mặt trận 719 (1986-1988), Tham mưu trưởng Chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975), Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1970-1974), Cục trưởng Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu (1964-1969), Cục trưởng Cục quân huấn (1960) Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngoài ra Thượng tướng Lê Ngọc Hiền còn giữ các chức vụ Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (dự khuyết khóa 4, chính thức khóa 5 và 6).

Huân chương Độc lập hạng Nhất, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương chiến công hạng Nhất, Huân chương chiến thắng hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất của Nhà nước Cam-pu-chia.

Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1980), Thượng tướng (1986).


Thượng tướng Lê Ngọc Hiền (tên thật là Nguyễn Ngọc Thiện) sinh tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. Tháng 10 năm 1944, ông tham gia công tác in ấn và phát hành báo Độc Lập tại thành phố Hà Nội. Sau đó, tháng 3 năm 1945, ông tham gia Hội thanh niên cứu quốc trên cương vị Bí thư thanh niên cứu quốc Thị xã Sơn Tây. Tháng 5 năm 1945, ông được cử đi học lớp Quân chính kháng Nhật, là đội viên của đội công tác xây dựng cơ sở giao thông từ chiến khu Việt Bắc về Hòa Bình. Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa ở khu vực thị xã Sơn Tây.

Từ tháng 8/1945 đến tháng 4/1947, ông tham gia bộ đội địa phương thuộc các tỉnh Sơn Tây, Ninh Bình, Nam Ðịnh. Từ tháng 5/1947 đến tháng 2/1955, ông lần lượt giữ các cương vị Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn phó, Trung đoàn trưởng các Trung đoàn 48, Trung đoàn 64 và Trung đoàn 66 thuộc Ðại đoàn 320, tháng 11/1953 là Tham mưu trưởng Ðại đoàn 320 cho đến đến tháng 2-1955.

Từ tháng 3 năm 1955 đến năm 1956, ông là Phó cục trưởng Cục Quân huấn. Từ năm 1957 đến năm 1959, ông được cử đi học tại Học viện Quân sự cấp cao Trung Quốc. Năm 1960, về nước, ông là Cục trưởng Cục Quân huấn. Năm 1961, ông lại được cử đi học tại Học viện Quân sự Phunde Liên Xô. Sau khi từ Liên Xô về, từ năm 1962 đến năm 1964, ông được cử giữ chức vụ Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Từ năm 1964 đến năm 1969, ông là Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu. Năm 1967,ông được cử là phái viên của Bộ Tổng Tham mưu tham gia chỉ huy tác chiến ở Khu Đông chiến dịch Đường 9 là chiến dịch Đường 9 Khe Sanh trên cương vị Phó Tư lệnh Mặt trận Trị Thiên (B5). Từ tháng 8 năm 1970 đến đầu năm 1974, ông làm Phái viên của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đi truyền đạt nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Trung ương Đảng cho Trung ương cục Miền. Sau đó ở lại chiến trường miền Nam, được cử giữ chức Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam.

Tháng 4 năm 1974, ông được Trung ương lệnh ra Bắc gấp. Sau 11 năm mang quân hàm Đại tá (1963-1974) ông được phong quân hàm Thiếu tướng, được bổ nhiệm giữ chưc Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đích thân Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã thông báo quyết định này đông thời giao nhiệm vụ cho ông trách nhiệm khó khăn là chủ trì Soạn thảo kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 và 1976 đệ trình Bộ chính trị và Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Bản kế hoạch giải phóng miền Nam do ông chủ trì được Bộ chính trì đánh giá cao và thông qua đặc biệt là việc chọn Tây Nguyên làm chiến trường trọng điểm có tính chất đột phá, và chỉ yêu cầu bổ sung thêm cho chi tiết.

Ngày 16 tháng 1 năm 1975, ông vào chiến trường Tây Nguyên tham gia thiết lập Sở chỉ huy phía trước của Bộ Tổng Tham mưu nhằm chuẩn bị chiến trường cho trận đánh có tính chất quyết định-cú đấm chiến lược làm thay đổi nhanh chóng cục diện chiến trường, triển khai kế hoạch giải phóng miền Nam do chính ông chủ trì. Sau chiến thắng Buôn Mê Thuột ông vào chiến trường miền Đông Nam Bộ và được cử làm Tham mưu trưởng chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, có nhiệm vụ vạch kế hoạch tác chiến cho trận đánh lịch sử này.

Từ năm 1977 đến năm 1986, ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng thường trực chỉ huy tác chiến tại Sở chỉ huy Bộ Tổng Tham mưu ở phía Nam. Năm 1980, ông được phong quân hàm Trung tướng. Từ cuối năm 1986, ông được chỉ định làm Tư lệnh Mặt trận 719 (Quân tình nguyện Việt Nam tại Căm Pu Chia). Từ tháng 8 năm 1988 đến ngày 30 tháng 10 năm 1995, ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phụ trách tổng kết, chỉ đạo chiến tranh. Năm 1996, ông được Nhà nước cho nghỉ hưu.

Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người rất yêu mến Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, bởi sự tận tụy của một người làm công tác tác chiến và sự kiên định của ông. Trong một bức thư tay gửi cho ông ngày 7/3/1975 , Đại tướng Tổng tư lệnh viết hết sức thân tình :

“Cậu Hiền-nhân dịp anh Sáu và cậu Võ Quang Hồ vào, viết thư Văn thăm chúng mày, chào mừng quân ta ra quân đại thắng trên hướng Tây Nguyên. Chúc mày và anh em khoẻ hăng, đánh giỏi sắp tới góp phần cống hiến xứng đáng vào cuộc quyết chiến chiến lược lịch sử giành lại thắng lợi. Mình vẫn khoẻ. Võ Quang Hồ đi ở nhà cũng vất vả thêm chút ít, mong nó về sớm. Có ý kiến gì Hồ sẽ nói lại”

Cái biệt danh ‘’Hiền tác chiến’’ bạn bè đặt cho ông là vì lí do, trong cuộc đời binh nghiệp 50 năm của mình thì có đến phân nửa thời gian ông làm công tác tác chiến.

Tham khảo : Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 09:28:36 pm gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #38 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 04:21:45 am »


Thượng tướng Trần Văn Trà (1919-1996), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ủy viên thường trực Quân ủy Trung ương (5/1978-1982), Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 (5/1976-1978), Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Hồ Chí Minh (5/1975), Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại Ủy ban liên hợp đình chiến bốn bên ở Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam Phó Bí thư Quân ủy miền Nam, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (1955-1962) kiêm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn (1958) kiêm Giám đốc Học viện Quân chính và Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương (3/1961), Phó Tư lệnh Nam Bộ kiêm Tư lệnh Phân khu miền Đông Nam Bộ (1951-1954), Tư lệnh kiêm Chính ủy khu Sài Gòn Chợ Lớn, Tư lệnh liên khu 7 (1949-1950), Chính trị viên Giải phóng quân Liên quân Hóc Môn-Đức Hòa-Bà Điểm (1945-1946), Khu trưởng khu 8 (3/1946-1948).

Ngoài ra ông cũng từng giữ các chức vụ Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam (1992-1996), Đại biểu Quốc hội Khóa 6, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (dự khuyết khóa 3, chính thức khóa 4), Ủy viên Trung ương cục miền Nam (1966-1972), xứ Ủy viên Nam Bộ (1946-1948), Ủy viên kì bộ Việt Minh Nam Bộ (1945-1946).

Trung tướng (1959), Thượng tướng (1974).

Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Ba), Huân chương Chiến thắng hạng Nhất ...


Thượng tướng Trần Văn Trà (tên thật : Nguyễn Chấn, bí danh : Tư Chi, Ba Trà, Tư Nguyễn), sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Long Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Đó là một vùng quê nghèo khó nhưng giàu tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau ở vùng duyên hải miềnn Trung, một vùng mà phong trào cách mạng rất cả kể cả thời Văn Thân cho đến phong trào do Đảng cộng sản lãnh đạo. Gia đình ông không có ruộng, cha ông làm thợ xây, còn mẹ ông mua gánh bán bưng nuôi anh em ông ăn học. Cha ông tham gia phong trào cách mạng 1930-1931. Thuở thiếu thời từng chứng kiến cảnh thực dân Pháp đàn áp, bắn giết những người tham gia biểu tình, những người yêu nước ở quê hương cùng ảnh hưởng của văn thơ yêu nước cho nên ông luôn mơ ước làm việc gì đỏ để giải phóng dân tộc.

Năm 1936, ông thi vào học Trường kỹ nghệ Huế và ông tham gia phong trào học sinh yêu nước đòi dân sih dân quyền khi đang học ở trường kỹ nghệ thực hành Huế. Năm 1938, ông được chi bộ trường kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Học xong, ông tham gia dậy học ở trường Kỹ nghệ. Năm 1939, ông vào Sài Gòn làm công nhân hỏa xa và tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 12 năm 1939 ông bị địch bắt tại Sài Gòn và bị đưa về giam tại nhà lao Huế và nhà lao Thừa Thiên, sau 5 tháng được trả lại tự do nhưng bị quản thúc vô thời hạn ở quê. Tháng 3 năm 1941, ông trốn lên Đà Lạt tiếp tục hoạt động rồi về Nha Trang, sau đó trở lại Sài Gòn thì bắt được liên lạc với Cách mạng. Ông được giao phụ trách Giải phóng và cơ quan ấn loát của Kỳ Bộ Việt Minh. Tháng 11 năm 1944 ông bị địch bắt lần thứ hai và bị giam tại Khám Lớn Sài Gòn.

Ngày 22 tháng 8 năm 1945, chỉnh phủ Trần Trọng Kim phóng thích tù chính trị, ra khỏi tù ông tham gia Tổng khởi nghĩa và là Uỷ viên Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ do ông Nguyễn Văn Nguyễn phụ trách. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp tái chiếm Nam Bộ, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ông trở thành người lính tham gia trận đánh đầu tiên giữ mặt trận Cầu Bông trong nội thành Sài Gòn. Mặt trận Sài Gòn vỡ, cơ quan lãnh đạo chuyển về My Tho. Ông xin ở lại Sài Gòn chiến đấu. Trung ương tăng cường cho Nam Bộ lực lượng Nam tiến. Ông Nguyễn Bình vào chỉ huy Khu 7, Đào Văn Trường chỉ huy khu 9, ông Vũ Đức (tức Hoàng Đình Giong) chỉ huy Khu 9. Với tư cách là chính trị viên ông đưa Giải phóng quân liên quận Hóc Môn Bà Điểm Đức Hòa về tăng cường chấn chính khu 8, lập Chi đội 14 do ông làm Chi đội trưởng và bắt đầu xây dựng căn cứ địa Đồng Tháp Mười.

Tháng 9 năm 1946, ông được Trung ương chỉ định làm Khu trưởng Khu 8, ông Trương Văn Giàu làm khu phó, ông Nguyễn Văn Vịnh làm Chính ủy. Cuối năm 1947, đơn vị chủ lực cơ động đầu tiên của Nam Bộ được thành lập, tiểu đoàn 307 thuộc khu 8. Giữa năm 1948, ông dẫn đầu đoàn đại biểu Quân dân chính Nam Bộ ra Việt Bắc báo cáo tình hình với Trung ương. Trước khi về Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân trao tặng ông thanh gươm và dặn: "Bác trao cho chú thanh gươm qúy này để đưa cho đồng bào miền Nam diệt thù. Các chú báo cáo với đồng bào rằng lòng Bác, lòng Đảng lúc nào cũng bên cạnh đồng bào. Chúng ta đồng lòng vì nước, nhất định chúng ta thắng".

Ngày 31 tháng 3 năm 1949 ông được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cử làm Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam Bộ do tướng Nguyễn Bình làm Tư lệnh. Tướng Nguyễn Bình hy sinh, khi đó Nam Bộ được chia ra làm hai phân liên khu: miền Đông, miền Tây. Ông là Tư lệnh miền Đông do ông Phạm Hùng làm Chính ủy, Nguyễn Văn Vịnh Phó Tư lệnh. Từ năm 1950 đến năm 1954 ông là Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam Bộ kiêm Tư lệnh và Chính uỷ Khu Sài Gòn - Chợ Lớn; Khu uỷ viên; Tư lệnh Phân liên khu miền Đông Nam Bộ; Phân liên Khu uỷ.

Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông chỉ huy lực lượng tập kết ra Bắc và được cử giữ chức vụ Phó Tổng tham mưu trưởng (1955). Từ năm 1956-1958, ông sang học ở Liên xô cùng các ông Nam Long, Vũ Lăng, Vũ Yên, Nguyễn Văn Minh, Đỗ Đức Kiên. Đây là đoàn cán bộ quân sự Việt Nam đầu tiên sang học ở Học viện Cao cấp Liên Xô, nhưng sau đó bị bệnh ông phải quay trở lại Việt Nam, mãi đến năm 1960-1961 ông mới qua học lại. Năm 1958, ông được phong quân hàm Trung tướng tháng 4 năm 1958 ông được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn. Từ năm 1959, nghị quyết 15, ông xin vào Nam chiến đấu nhưng do bệnh chưa lành cho nên không đi đuợc.

Năm 1959, việc tổ chức lực lượng cán bộ tập kết ra Bắc trở vào Nam được đặt ra. Ông và ông Nguyễn Văn Vịnh đề bạt với tổng bí thư và được chấp nhận. Ông đựoc Trung ương và Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ chọn, huấn luyện, đưa cán bộ tập kết trở về chiến đấu và tổ chức đường mòn Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc giao cho ông Võ Bẩm tìm cách mở đường Trường Sơn ông cũng giao cho ông Võ Bẩm tổ chức vận tải trên biển cho khu 5 lấy tên là 759, nhưng thất bại. Đến năm 1960-1961, một số ghe thuyền do Trung ương cục miền Nam phái ra xin vũ khí, ông nghiên cứu phương án khả thi và tổ chức đường 759 trên biển trở lại. Chuyến đầu tiên đi bằng tàu gỗ, khởi hành năm 1962, chở 28 tấn vũ khí, cập bến Rạch Gốc thuộc Cà Mau thành công. Sau ông chỉ đạo đóng tàu sắt chở 100 tấn. Ông mời ông Nguyễn văn Đảnh cục trưởng Cục đuờng biển tham gia đóng tàu. Ông trực tiếp lo tổ chức vẩn chuyển người và vũ khí cả hai đường 559 và 759 cho đến năm 1963 khi ông trở lại miền Nam trực tiếp chỉ huy chiến đấu mới giao lại cho Bộ Tổng Tham mưu phụ trách.

Năm 1962 ông là Giám đốc Học viện Quân chính và Chánh án Toà án Quân sự Trung ương. Năm 1963 ông được Trung ương cử vào miền Nam đảm nhiệm chức vụ: Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Bí thư Quân uỷ Quân giải phóng miền Nam, Uỷ viên Trung ương Cục miền Nam. Ngày 1 tháng 3 năm 1973 ông là Trưởng đoàn đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Ban Liên hợp Quân sự bốn bên ở Sài Gòn, Phó bí thư Quân uỷ Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tháng 11 năm 1974, ông và ông Phạm Hùng ra Bắc họp. Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng có lãnh đạo và chỉ huy các chiến trường tham dự vào tháng 12 năm 1974, đã hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976. Ta phải đánh mạnh vào năm 1975 mới kết thúc thắng lợi năm 1976, thời cơ nhằm vào năm 1975. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (4/1975) ông là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 5 tháng 12 năm 1975 ông là Chủ tịch Uỷ ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định.

Sau chiến tranh chống Mỹ cứu nước, từ năm 1976 đến năm 1978 ông là Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân khu 7. Từ năm 1978 đến năm 1982 ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 1982, ông được Nhà nước cho nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ông từng là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự khuyết khoá III (năm 1960), chính thức khoá IV (năm 1976) và là Đại biểu Quốc hội khoá VI. Từ năm 1993 đến năm 1996 ông là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi ông mất, gia đình ông đã giành một quỹ để giúp đỡ học sinh sinh viên, cựu chiến binh…có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Tham khảo: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 05:10:05 pm gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #39 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 04:23:35 am »


Tướng Phùng Chí Kiên (1901-22/8/1941), liệt sĩ, chỉ huy Chiến khu Bắc Sơn-Võ Nhai và Trung đội cứu quốc quân 1 (1941). Ông được coi là nhà lãnh đạo quân sự đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng từng giữ chứ vụ Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam)

Ông được truy phong quân hàm cấp tướng (không nói rõ cấp bậc cụ thể) năm 2003.


Tướng Phùng Chí Kiên (tên khai sinh là Nguyễn Vĩ, ông còn có tên khác là Mạch Văn Liễu) sinh tại làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tuy nhà nghèo, nhưng ông vẫn được cha mẹ cho đi học sớm. Lớn lên, là một thanh niên có học, ông sớm giác ngộ cách mạng và tích cực tham gia nhóm đọc sách báo tiến bộ ở quê nhà. Nhà ông là một cơ sở của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.

Năm 1925, ông ra làm thuê cho một thương nhân người Hoa ở ga Yên Lý, thuộc huyện Diễn Châu, nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội-Sài Gòn. Thời gian này, tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã cử cán bộ về Nghệ Tĩnh hoạt động. Nhiều thanh niên, học sinh ở đây được giác ngộ và đưa sang Quảng Châu học tập. Là một thanh niên có học, nhạy bén với thời cuộc, tháng 10/1926, ông cùng một số hội viên được giới thiệu sang Quảng Châu tham dự khóa huấn luyện đầu tiên của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc rồi sau đó được vào học tại trường võ bị Hoàng Phố của chính phủ Tôn Trung Sơn.

Năm sau, Tưởng Giới Thạch phản bội, nhà trường bị đóng cửa, ông cùng với cán bộ cách mạng Việt Nam đứng về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lại hành động phản cách mạng của bọn quân phiệt. Phùng Chí Kiên gia nhập quân cách mạng và tham gia khởi nghĩa Quảng Châu (12/12/1927) do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa thất bại, quân cách mạng rút về xây dựng khu Xô Viết ở hai huyện Hải Phong và Lục Phong. Với cương vị là đại đội trưởng quân cách mạng, ông đã cùng cán bộ Đảng cộng sản Trung Quốc chịu đựng gian khổ, kiên trì bảo vệ cách mạng.

Tháng 2 năm 1931, được sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, ông sang học tài trường đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Đến Mãn Châu, ông bị phát-xít Nhật bắt giam gần một năm. Ra tù, ông đổi tên là Can rồi tiếp tục lên đường sang Liên Xô học. Tại đây ông học tập chủ nghĩa Mác Lênin và nghiên cứu kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước của nhân dân Liên Xô để sau này áp dụng vào Việt Nam. Đầu năm 1934, ông về Hương Cảng (Trung Quốc) tham gia Ban lãnh đạo ở nước ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương do nhà cách mạng Lê Hồng Phong đứng đầu. Đến đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao (3/1935), ông được bầu vào ban chấp hành Trung ương Đảng, được cử làm Ủy viên thường vụ Đảng.

Tháng 8/1936, ông được cử về Sài Gòn cùng ông Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước theo tinh thần nghị quyết lần thứ 7 của Quốc tế cộng sản và Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 16/7/1936. Một năm sau, do yêu cầu mới, ông Lê Hồng Phong về Sài Gòn hoạt động còn ông lại sang Trung Quốc chỉ đạo công tác Đảng ở nước ngoài với tấm thẻ căn cước Phùng Ngươn Vĩnh. Đầu năm 1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Côn Minh, ông được cử đi báo cáo với lãnh tụ về tình hình hoạt động của Đảng ở nước ngoài. Trong thời gian này, ông nhiều lần đi cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi công tác ở các nơi nhu Mông Tự, Nghi Lương, Khai Viễn, Chi Thiện…thuộc tỉnh Vân Nam.

Tháng 6/1940, Pháp đầu hàng Đức, Nhật nhảy vào Đông Dương. Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ông họp Banh lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài bàn việc vận động thành lập Hội Việt Nam độc lập đồng minh, đồng thời khẩn trương chuẩn bị cho lãnh tụ về nước. Ông cùng với lãnh tụ chuyển tới Tĩnh Tây-một thị trấn thuộc tỉnh Quảng Tây giáp biên giới Việt Trung. Nhận được tin lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về đến Tĩnh Tây, Trung ương Đảng ở trong nước cử ông Hoàng Văn Thụ sang đón. Sau khi thống nhất kế hoạch với ông Hoàng Văn Thụ, ông đã tập hợp bốn mươi thanh niên để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc huấn luyện thành những cán bộ cốt cán, đưa về Cao Bằng xây dựng thí điểm các đoàn thể Việt Minh, lập căn cứ cách mạng. Dựa theo tài liệu huấn luyện của lãnh tụ, ông cùng với các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp biên soạn thành bài giảng nhằm làm tài liệu huấn luyện cho các bộ khi về nước. Những tài liệu này sau được in thành sách với nhan đề ‘’Con đường giải phóng’’.

Ngày 28/1/1941, ông theo lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi đó đã là Hồ Chí Minh về Pác Bó, tỉnh Cao Bằng. Ở đây, ông hoạt động cạnh Hồ Chí Minh và đóng góp phần quan trọng vào việc xây dựng, bảo vệ khu căn cứ.Ông đã tích cực tham gia vào việc tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn…và các tỉnh miền xuôi. Đến hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941), ông tiếp tục là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, được cử phụ trách quân sự, trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai và trung đội Việt Nam cứu quốc quân. Cuối tháng 6 năm 1941, quân Pháp mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ cách mạng nhằm bắt các lãnh đạo của Đảng, tiêu diện cơ quan đầu não của Việt Minh và lực lượng vu trang cách mạng mới hình thành. Pháp huy động tới 4000 quân gồm đủ sắc lính tổ chức thành ba mũi tấn công vào khu căn cứ. Cánh quân từ Lạng Sơn kéo xuống càn quét các xã Hưng Vũ, Tân Lập, Vũ Lăng thuộc Bắc Sơn. Cánh quân thứ hai từ Thái Nguyên qua Đình Cả càn vào xã Trưưong Xá, Phú Thượng, La Hiên, Lũng Mười thuộc Võ Nhai. Cánh quân thứ ba từ Bắc Giang lên khép vòng vây ở huyện Hữu Lũng và Yên Thế. Quân Pháp bịt chặt đường ra lối vào, đi đến đâu đốt sạch làng bản, giết sạch gia súc và phá vườn cây ăn quả. Chúng triệt hạ các bản lẻ và thi hành chính sách tát nước bắt cá dồn dân tập trung vào các trại Đình Cả…

Không khí khủng bố căng thẳng đến nghẹt thở, hàng trăm gia đình chạy vào rừng sâu, sống trong hang động vô cùng thiếu thốn. Các cơ sở bí mật của Trung ương và Cứu quốc quân bị uy hiếp nghiêm trọng. Trong cuộc họp khẩn cấp tại Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ), ban chỉ huy Cứu quốc quân quyết định cử một tổ bảo vệ và dẫn các lãnh đạo Trung ương qua Tràng Xá về xuôi an toàn. Còn toàn đội phối hợp với tự vệ chiến đấu hoạt động phân tán, bám dân, duy trì và bảo vệ cơ sở cách mạng. Ông Hoàng Quốc Việt, Ủy viên thường vụ Trung ương ở lại căn cứ đảng bộ Võ Nhai tổ chức lực lượng đối phó với quân Pháp. Phùng Chí Kiên chỉ huy đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chiến đấu anh dũng, phá một số trận càn lớn của Pháp, góp phần giữ vững tinh thần cách mạng của nhân dân trong vùng, tiêu biểu là trận chống càn ở Gia Huần (Vu Lễ). Cứu quốc quân tuy cố găng nhưng phải di chuyển luôn, tiếp tế khó khăn, sức lực giảm dần. Ban lãnh đạo căn cứ Bắc Sơn Võ Nhai quyết định để lại một tiểu đội chặn quân Pháp, còn hai tiểu đội phá vòng vây của Pháp rút lên Cao Bằng để bảo toàn lực lượng.

Ngày 19/8/1941, cánh quân của ông và ông Lương Văn Tri qua châu Na Rỳ, Bắc Kạn thì bị phục kích nhưng đơn vị thoát được. Ngày 21/8, đơn vị lại bị phục kích tại xã Bằng Đức. Châu phủ huy động lính dõng khép kín vòng vây. Ông Lương Văn Nho trúng đạn rồi hy sinh, mặc dù bị thương nặng ông vẫn giữ chặt khẩu súng, bắn chặn để cho đồng đội thoát khỏi vòng vây. Bắn hết đạn ông bị bắt. Châu phủ gán cho ông là tướng cướp và để cho quân lính mặc sức hành hung. Ông bình tĩnh giải thích :

- Chúng tôi là người yêu nước đi đánh Pháp đuổi Nhật để giải phóng đồng bào. Chúng ta là người Việt Nam, cần đoàn kết chống kẻ thù chung.

Lời giải thích của ông làm thức tính một số lính dõng. Ngay lập tức Châu phủ ra lệnh chặt đầu ông rồi đem cắm ở đầu cầu Ngân Sơn để uy hiếp tinh thần cán bộ, nhân dân địa phương.

Tướng Phùng Chí Kiên không những là nhà lãnh đạo quân sự đầu tiên của Đảng mà còn là người có công xây dựng, phát triển nền quân sự cách mạng Việt Nam cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự lớp đầu tiên của Cách mạng Việt Nam. Là một nhà chính trị đồng thời là nhà quân sự được đào tạo bài bản tại Trung Quốc và Liên Xô, ông được phát hiện và dìu dắt bởi Bác Hồ và là học trò thế hệ đầu tiên của Người. Để đánh giá tài năng và công lao của ông, người ta vẫn thường nói rằng nếu ông còn sống thì Việt Nam sẽ có hai Võ Nguyên Giáp.

Tham khảo : Báo Quân đội Nhân dân.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 09:29:31 pm gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM