Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:04:39 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hình ảnh & Tiểu sử Lãnh đạo, Tướng lĩnh, Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam  (Đọc 826505 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #70 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 05:23:44 am »


Đại tướng Nguyễn Quyết (1922), nguyên: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam-Ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chính ủy-Tư lệnh-Bí thư Đảng ủy Quân khu 3, Chính ủy-Bí thư Quân khu Tả Ngạn, Phó Chính ủy Quân khu Trị Thiên-Chính ủy Mặt trận B8 (Quân khu Trị Thiên), Chủ nhiệm Chính trị Liên khu 5, Chính ủy Mặt trận Quảng Nam Đà Nẵng.

Ngoài ra ông từng là: Đại biểu Quốc hội (khóa 4, 7, 8 ), Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa 4, khóa 6)-Ủy viên Ban bí thư (khóa 6), Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó Chủ tịch nước), Bí thư thành ủy Hà Nội trong Cách mạng tháng 8.

Huân chương Sao Vàng (2007), Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (hạng Nhất, Ba), Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng...

Đại tá (1958), Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1980), Thượng tướng (1986), Đại tướng (1990)


Quê ông ở thôn Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động. Là con út trong gia đình 10 anh em, ông may mắn hơn cả, được bố mẹ dành dụm từng xu nuôi ăn học hết tiểu học. Nguyễn Tiến Văn là tên cúng cơm bố mẹ đặt cho ông để gửi gắm kỳ vọng muốn ông cố gắng vượt lên đói nghèo bằng con đường kẻ sỹ. Vừa mới biết nhận thức, ông đã phải chứng kiến cảnh "nhìn thấy gia đình lúc nào cũng khóc", đã phải chứng kiến cái cảnh tử biệt sinh ly cũng bởi do cảnh nghèo. Người chị cả lấy chồng, cũng vì nghèo mà 2 vợ chồng phải đi phu cao su ở Tân Thế Giới. Người chị thứ hai trong cái năm 45 khủng khiếp vì đói đã phải lang thang khắp chốn rồi cũng không biết qua đời ở đâu, lúc nào. Những người anh lớn lên, người thì mất vì bạo bệnh, người thì theo nghề phu phen đi culi cao su ở Campuchia. Hai người chị trên ông, một người cũng vì cảnh nghèo mà bố mẹ phải ép gả cho người khác, vì không chịu mà bỏ trốn đi tu, sau cũng biệt tích đến giờ chưa tìm được mộ, người còn lại cũng phải đi ở cho nhà địa chủ...

Là một họ nhỏ trong làng, lại là dân ngụ cư, tuổi thơ của ông cũng là những tháng ngày sống trong cảnh hà hiếp của đám lý dịch trong làng, chỉ chờ có cơ hội là ném rượu lậu vào nhà dân để báo quan Tây bắt, cho dù những người bần cùng ấy chỉ lần hồi sống qua ngày bằng một gánh hàng xáo, bằng những bát cháo được nấu từ thứ gạo đi mót... Hồi nhỏ có lần ông chứng kiến bố ông không chịu được bất công đã cãi lại một tên cường hào. Bị đánh đập, còn trả thù đem rượu lậu bỏ vào nhà rồi lên báo tri huyện cho người về khám xét, bắt bớ…

Trong cái cảnh mờ mịt lúc nào cũng thấy đói thấy khổ ấy, mẹ ông đặt hết hy vọng vào cậu con út Nguyễn Tiến Văn bằng cách khó mấy cũng cho ông đi học. Hết lớp nhất, đến khi phải đi trọ học thì gia đình cũng không thể nuôi ông được nữa. Hết cách, bà cô ruột gửi ông lên chùa Quán Sứ nhờ một vị sư tìm cho chân giúp việc với ý định dần dần sẽ gửi hẳn ông nương nhờ vào cửa Phật (năm 1937). Nhưng trong những ngày làm chân loong toong chạy phát hành cho tờ "Đuốc Tuệ", ông may mắn được tiếp xúc với giới công nhân và giới báo chí văn nghệ sĩ đang chịu ảnh hưởng mạnh của phong trào “dân sinh dân chủ”.

Cũng từ những mối quan hệ ấy, ông được tiếp cận với sách báo của Đảng, được giác ngộ về báo chí cách mạng. Quãng thời gian ấy đủ để ông lần đầu tiên đưa ra một quyết định quan trọng trong đời mình: bỏ con đường tu hành để theo cách mạng. Hai lần ông được điều về Hưng Yên hoạt động xây dựng phong trào. Lần thứ nhất là năm 1939. Nhiệm vụ đầu tiên ông được giao là xây dựng phong trào phản đế ở huyện Kim Động. Ông nhằm vào thanh niên vì đây là đối tượng hăng hái và nhạy bén. Dưới danh nghĩa là phóng viên báo Đuốc Tuệ, ông đi lại nhiều nơi, bắt mối kết nạp thêm được nhiều hội viên. Phong trào phát triển mạnh. Đây là cơ sở để ông thành lập Ban chấp hành thanh niên phản đế huyện Kim Động. Đây cũng là thời kỳ ông bắt đầu xây dựng cơ sở cách mạng ở Dưỡng Phú để làm chỗ đứng chân rồi phát triển ra nơi khác...

Năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng Cộng sản Việt Nam). Cuối năm 1941, phong trào ở Hưng Yên bị địch khủng bố ác liệt. Nhiều cơ sở tan vỡ. Trước tình hình đó, ông được điều về củng cố xây dựng lại phong trào, trực tiếp phụ trách địa bàn nam Hưng Yên. Gặp ông trở về, những cơ sở chưa bị lộ phấn khởi bảo “Cách mạng còn”. Đặc biệt là thôn Dưỡng Phú, quê ông, nơi có số đảng viên cũng như hội viên cứu quốc và quần chúng có cảm tình với cách mạng đông nhất, tất cả đều vững vàng kiên định, an toàn trong lúc địch khủng bố ác liệt nhất. Đến năm 1943, ông phát triển được hai chi bộ Dưỡng Phú và Tiên Cầu và được bầu vào Tỉnh ủy Hưng Yên. Hai chi bộ này trở thành trung tâm cách mạng, chỗ dựa vững chắc để phát triển phong trào ở phía nam tỉnh Hưng Yên.

Với những kinh nghiệm trong xây dựng cơ sở, chống địch khủng bố ở Hưng Yên, cuối năm 1943 ông được ông Hoàng Quốc Việt điều về ban cán sự của Hà Nội; là Thành ủy viên phụ trách xây dựng khu căn cứ ở ngoại thành và phong trào công nhân rồi Bí thư Thành ủy. Lúc này, ông Hoàng Văn Thụ, trực tiếp phụ trách Hà Nội bị địch bắt (sau đó bị địch xử bắn). Các tổ chức đảng của Hà Nội bị vỡ, không còn chi bộ, cơ sở trong phong trào công nhân cũng bị vỡ, các ông bí thư đều bị bắt hay bị lộ phải chuyển đi nơi khác… Tuân thủ nghiêm nguyên tắc hoạt động bí mật của Đảng trên cơ sở sáng tạo, linh hoạt, ông gây dựng được vùng ngoại thành rộng lớn trở thành khu căn cứ an toàn đến khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi. Mọi hoạt động của ban cán sự, đoàn thể, lực lượng tự vệ đều phải dựa vào khu căn cứ ngoại thành, do nội thành mật thám dày đặc. Phong trào công nhân dần dần phục hồi phát triển…

Ngày 15.8.1945 khi phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Trước cao trào mạnh mẽ của quần chúng, địch khủng hoảng đến cao độ. Căn cứ vào chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Thành uỷ nhận định: Thời cơ khởi nghĩa đã đến! Nhưng làm sao khởi nghĩa nhanh, bằng lực lượng nào, bằng phương thức gì trong khi chưa có lệnh của Trung ương? Điều gay cấn nhất là làm sao thắng được 1 vạn quân Nhật và hơn một nghìn lính bảo an và cảnh sát với đầy đủ vũ khí trong tay. Nếu thẳng thừng chiến đấu bằng vũ trang thì cho dù kẻ địch đã mất tinh thần, lực lượng non trẻ của cách mạng cũng rất khó giành chính quyền. Lúc này, toàn thành phố có 3 chi đội tự vệ chiến đấu, vũ khí thô sơ… Nếu Hà Nội chủ trương đánh Nhật thì buộc chúng phải đối phó, ta nhất định sẽ bị thiệt hại và tình hình có thể giằng co kéo dài chưa biết đến bao lâu, trong khi bọn Việt gian gấp rút chuẩn bị thành lập chính phủ nhằm làm đại diện hợp pháp cho Việt Nam để đón quân Đồng Minh (Anh- Tưởng) đang khẩn trương kéo vào để giải giáp quân đội Nhật...

Tối ngày 17.8, với trách nhiệm là Bí thư Thành uỷ, kiêm uỷ viên quân sự của Uỷ ban khởi nghĩa ông cấp tốc triệu tập hội nghị Thành uỷ mở rộng. Lúc đầu, tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng, lực lượng quân sự của ta còn yếu nên chờ sự hỗ trợ của Trung ương. Nhưng phân tích kỹ lưỡng, Thành uỷ quyết định khởi nghĩa! Chậm là mất thời cơ… Và quyết định khởi nghĩa gấp vào ngày 19.8. Ngày 19.8, cở đỏ rợp trời Hà Nội theo các đoàn người từ mọi cửa ô rầm rập tiến về nội thành. Cuộc mít -tinh lớn diễn ra lúc 11 giờ tại Nhà hát Lớn với khoảng 20 vạn người và nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình thị uy vang dội. Như kế hoạch đã định, quần chúng sau khi mít -tinh sẽ chia làm hai khối, dưới sự chỉ huy của các ông trong Uỷ ban quân sự, cùng tự vệ chiến đấu sẽ lần lượt chiếm những vị trí quan trọng. Đoàn đánh chiếm Phủ Khâm sai, Toà Thị chính, Sở Cảnh sát Hàng Trống do ông Nguyễn Khang phụ trách. Ông Nguyễn Quyết phụ trách đoàn chiếm trại Bảo An binh (nay là 43 Hàng Bài). Việc chiếm trại Bảo An binh tuy lúc đầu có gặp khó khăn nhưng sau đó cũng đã giành thắng lợi. Đến chiều tối thì hầu hết các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn thân Nhật đã lọt vào tay quần chúng cách mạng...

Tháng 9 năm 1945, ông là Ủy viên Chính trị Ủy ban Quân sự Hà Nội. Sau khi nước nhà giành được độc lập không lâu, một tuần sau, quân Pháp núp bóng quân Anh đổ quân vào miền Nam hòng chiếm nước ta một lần nữa. Nhân dân Nam Bộ đã anh dũng đứng lên chiến đấu. Rời bỏ cương vị Bí thư thành ủy Hà Nội ông lên đường Nam tiến chi viện cho chiến trường Nam Trung Bộ (1.1946). Từ tháng 1 năm 1946 đến tháng 1 năm 1947, ông lần lượt giữ các chức vụ: Chính trị viên Chi đội 2, Chi đội 1 rồi Đại đoàn 31 - Chủ lực của Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam. Từ tháng 1 năm 1947 đến tháng 5 năm 1948, ông là: Liên khu Ủy viên Liên khu 5, Chính ủy Mặt trận Quảng Nam Đà Nẵng, Ủy viên Quân sự trong Ủy ban Kháng chiến Liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ tháng 6 năm 1948 đến tháng 5 năm 1951, ông là Chính uỷ Trung đoàn 108, Trung đoàn 803. Từ tháng 6 năm 1951 đến tháng 6 năm 1952, ông ra Bắc, lên Chiến khu Việt Bắc theo học lớp nghiên cứu ở Tổng cục Chính trị. Từ năm 1953 đến năm 1954, trở về chiến trường, ông tiếp tục là Quân khu uỷ viên, là Trưởng phòng Chính trị Quân khu 5 rồi Liên khu uỷ viên dự khuyết Liên khu 5.

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, ông tập kết ra Bắc, lần lượt là Chính uỷ Sư đoàn 305 (12.1954), quyền Chính uỷ, Chính uỷ Quân khu Tả Ngạn, Bí thư Quân khu uỷ (11.1953 - 1963); Phó Chính ủy rồi Chính ủy kiêm Phó Bí thư Quân khu ủy Quân khu 3 (1964 - 1967); Chính uỷ B8, Bí thư Đảng uỷ B8, Phó chính uỷ Quân khu Trị Thiên, Uỷ viên thường vụ Khu uỷ Trị Thiên (1968); Chính uỷ Quân khu Tả Ngạn, Bí thư Quân khu uỷ, Chính uỷ Học viện Quân sự, Bí thư Đảng uỷ Học viện (1969 - 1976).

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, từ năm 1976 đến năm 1986, ông được cử giữ chức vụ Tư lệnh, Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Quân khu 3. Thời kì này, quân khu 3 nổi tiếng toàn quốc bởi phong trào ''làm giàu đánh thắng'' được đề xướng bởi ông. Khi ấy, đất nước ta vừa ra khỏi chiến tranh, bị tàn phá nặng nề, cuộc sống của người dân còn muôn vàn khó khăn. Quân khu 3 (gồm 10 tỉnh, thành phố) lúc ấy vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương. Một mặt phải chuẩn bị một thế trận vững chắc sẵn sàng đánh bại mọi cuộc xâm lược của kẻ địch. Mặt khác phải tích cực làm kinh tế, tạo cơ sở vật chất kỹ thuật cho quân khu.

Trên cơ sở phán đoán tình hình, với cương vị Tư lệnh quân khu, ông đề nghị phát động phong trào lấy tên là “Làm giàu đánh thắng” đồng thời làm 2 nhiệm vụ trọng tâm: sẵn sàng chiến đấu, chi viện, vừa đưa bộ đội tham gia lao động sản xuất, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, nhằm tháo gỡ khó khăn cho mình góp phần lo cái lo chung của đất nước, được Bộ tư lệnh quân khu thông qua, ra nghị quyết. Đây vừa là khẩu hiệu vừa là phương châm hành động của toàn quân khu. Chẳng hạn, để cải thiện thế trận phong thủ của quân khu tại các tỉnh ven biển, bộ đội đã cùng nhân dân lấn biển, hình thành nhiều điểm dân cư mới, nhiều cơ sở sản xuất mới. Điều này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa không nhỏ về quốc phòng. Đưa bộ đội tham gia xây dựng công trình trọng điểm cả nước lúc ấy là nhà máy nhiệt điện Phả Lại… Kinh nghiệm ở quân khu 3, cũng được vận dụng vào các đảo nổi, đảo chìm. Ví như ở các tuyến đảo hầu như quanh năm không có rau ăn, rau từ đất liền khan hiếm. Từ khi thực hiện hình thức làm kinh tế đơn vị, ta đưa đất từ đất liền cho vào hộp gỗ để trồng các loại rau. Nhờ đó, bộ đội trên đảo bữa cơm có thêm rau xanh đỡ xót ruột…

Phong trào “Làm giàu đánh thắng” đã được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, được cấp uỷ và chính quyền các địa phương trong quân khu đồng tình và phối hợp chỉ đạo, mang lại kết quả thiết thực và toàn diện về mọi mặt. Ông Trịnh Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Ninh khẳng định trong hội nghị Quân khu uỷ năm 1983: “Tỉnh chúng tôi cũng như các tỉnh bạn trong quân khu đều tổ chức và thực hiện nghị quyết nổi tiếng “Làm giàu đánh thắng” để phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng”.

Rời quân khu 3, ông lần lượt được giao phó các chức vụ: Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (4.1986 - 11.1987); Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Uỷ viên Đảng uỷ Quân sự Trung ương (1987 - 1991); Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương (1977 - 1991). Đại tướng Nguyễn Quyết là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 4, 5, 6; Uỷ viên Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá 6; Đại biểu Quốc hội khoá 4, 5, 6; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khoá 6.

Tham khảo : Báo Hưng Yên, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Trang tin Điện tử Quốc hội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Mười Hai, 2011, 04:26:41 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #71 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 05:25:22 am »


Thượng tướng Song Hào (20/08/1917-1h22' 09/01/2004), nguyên: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Trưởng Ban kiểm tra của Quân ủy Trung ương, Ủy viên Tổng Quân ủy, Chính ủy Khu Tây Bắc, Chính ủy Liên khu 10.

Ngoài ra ông từng là: Đại biểu Quốc hội (khóa 4, 5, 6), Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1960-1986), Bí thư Trung ương ĐCSVN (1976-1982), Chủ tịch lâm thời Hội cựu chiến binh Việt Nam, Trưởng ban kiểm tra Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Huân chương Sao Vàng (truy tặng 2007), Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương chiến công hạng Nhất, Huân chương chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng.

Trung tướng (1959), Thượng tướng (1974)


Thượng tướng Song Hào, tên khai sinh là Nguyễn Văn Khương, sinh ngày 20 tháng 8 năm 1917 tại xã Hào Kiệt (nay là xã Liên Minh), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936, trong Phong trào Mặt trận bình dân. Năm 1937, ông phụ trách tổ chức Ái hữu thợ thêu, Thanh niên dân chủ (sau này là Mặt trận phản đế) tại quê hương. Tháng 4 năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; được cử làm Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội và tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Đầu năm 1940, ông bị đế quốc Pháp bắt, kết án 7 năm tù và bị giam ở các nhà tù: Nam Định, Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, Chợ Chu. Ở trong tù, ông luôn giữ vững khí tiết cách mạng, tích cực tham gia các cuộc đấu tranh. Năm 1943, ông được chỉ định làm Bí thư chi bộ tại nhà tù Chợ Chu, đã cùng các ông đảng viên trong chi bộ liên lạc với các đảng bộ ngoài nhà tù để hoạt động. Tháng 8 năm 1944, ông đã vượt ngục khỏi nhà tù Chợ Chu về vùng Tuyên Quang, Thái Nguyên hoạt động, được chỉ định làm Chính trị viên Đội tuyên truyền cứu quốc quân hoạt động ở các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Tháng 12 năm 1944, ông được chỉ định làm Bí thư Khu căn cứ Nguyễn Huệ.

Tháng 8 năm 1945, ông được cử làm đại biểu đi dự Đại hội Quốc dân tại Tân Trào. Sau đó ông phụ trách cứu quốc quân cướp chính quyền tại hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Cuối năm 1945, ông là Xứ ủy viên Bắc Kỳ phụ trách liên tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Tháng 12/1947, ông là Chính ủy Liên khu 10, Khu ủy viên, Bí thư Quân khu ủy. Đến năm 1950, ông là Chính ủy khu Tây Bắc, Bí thư Ban cán sự bộ đội tình nguyện vùng Thượng Lào. Năm 1951, ông là Chính ủy Đại đoàn 308, Bí thư Đại đoàn ủy. Đến tháng 5 năm 1955, ông được cử làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tổng Quân ủy viên.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (năm 1960), lần thứ IV (năm 1976) và lần thứ V (tháng 3/1982) của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông được cử giữ chức Ủy viên Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng, Trưởng ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương (khóa III). Được Ban Chấp hành Trung ương cử vào Ban Bí thư (khóa IV), phân công làm Trưởng ban Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tháng 3 năm 1961, ông được cử giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương.

Tháng 4 năm 1982 đến tháng 02 năm 1987, ông được phân công giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội. Tháng 02 năm 1990 đến tháng 12 năm 1992, ông được chỉ định làm Chủ tịch lâm thời Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Tham khảo : Thông tấn xã Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Mười Hai, 2011, 04:31:13 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #72 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 05:26:55 am »


Trung tướng Lê Văn Tri (13/09/1920-29/05/2006), nguyên: Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật-Bí thư Đảng ủy Tổng cục Kỹ thuật, Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân-Ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân chủng. Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không diễn ra trong thời gian ông là Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân. Ông là một trong những vị tướng nối tiếng đất Quảng Bình. Ngoài ra ông còn từng là: Đại biểu Quốc hội khóa 7, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 4.

Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng.

Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1982).


Trung tướng Lê Văn Tri tên thật là Lê Văn Nghi. Theo tác giả Phan Hoàng trong cuốn Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam thì ông sinh năm 1921 nhưng giấy khai sinh đi học thì đề ngày 13 tháng 9 năm 1922, tuy nhiên theo cuốn giới thiệu tướng lĩnh của Quân chủng Phòng không Không quân thì ông lại sinh vào năm 1920. Quê ông ở xã Hà Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là nơi sinh ra hai vị đại khoa thời Nguyễn, nhà thơ Lưu Trọng Lư, và cũng là quê hương của võ tướng Lê Mô Khởi trong phong trào Cần Vương cùng hai vị tướng nổi tiếng của Quân đội Nhân dân Việt Nam là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên.

Bố ông mất năm ông lên 3 tuổi. Một ông anh của ông làm thuê ở đồn điền B’lao, Lâm Đồng. Một ông anh khác làm thuê ở Sài Gòn (trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Người anh còn lại ở nhà mất sớm, từ đó ông phải nghỉ học, sau khi đậu bằng yếu lược, ở nhà cùng cô em gái theo mẹ đi buôn bán kiếm sống. Rồi sau đó ông vào Sài Gòn với người anh thứ hai cùng đi làm thuê. Năm 1939, hai anh em ông trở lại quê, ông vào Đồng Hới vừa đi dậy thêm vừa học. Đúng ra là ba năm, nhưng chỉ sau một năm học ông thi đậu bằng primaire và thi vào Trường Kỹ nghệ Huế học cùng lớp các ông Hoàng Văn Thái (Trung tướng), Trần Văn Trà (Thượng tướng), Trần Sâm (Thượng tướng)…

Ông rất mê thể thao, chơi bóng rổ giỏi, nên học ba năm Trường Kỹ nghệ xong, ông học tiếp thể thao một năm rồi về làm huấn luyện viên thể thao ở thị xã Đồng Hới. Một thời gian sau do có mâu thuẫn dẫn đến xô xát với con trai của quan tuần vũ, án sát nên ông bị cách chức huấn luyện viên và phạt sáu tháng tù. Ông liền trốn vào Biên Hòa làm công nhật ở Sở Công chính.

Tháng 6 năm 1945, ông gia nhập Thanh niên Tiền phong ở Biên Hòa, mà thủ lĩnh là ông Huỳnh Văn Nghệ. Tháng 8 năm 1945, cùng lực lượng của Thanh niên Tiền phong ông tham gia giành chính quyền ở Sài Gòn, Biên Hòa. Khi cuộc kháng chiến ở Nam Bộ bùng nổ, ông quay về Quảng Bình, tham gia Giải phóng quân thuộc Chi đội Lê Trực của tỉnh (15/9/1945).

Từ chiến sĩ trưởng thành lên, ông lần lượt giữ các chức vụ : Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội phó, Đại đội trưởng Đại đội 12 Phú Quý thuộc Giải phóng quân Quảng Bình. Năm 1946, ông là Đại đội trưởng, Chi ủy viên Đại đội 6 Ba-na Lào (Mặt trận đường 12). Năm 1948, ông lần lượt giữ các chức vụ : Tiểu đoàn phó, Tỉnh đội phó Tỉnh đội Quảng Bình rồi Chỉ huy trưởng Mặt trận đường 12 trực thuộc Liên khu 4. Năm 1948, trước tình hình nguy ngập của chiến trường, để ngăn chặn bước tiển của quân Pháp từ Lào xuống Quảng Bình, ông đã chủ động ra lệnh cho bộ đội đánh phá tuyến đường này ở vùng biên giới Cha-lo (Cổng trời). Đó cũng là trận đánh đầu tiên của ông trên cương vị chỉ huy. Tuy nhiên, khi trận đánh vừa kết thúc thì có lệnh của Tư lệnh Liên khu Thiếu tướng Lê Thiết Hùng bắt đưa ông về Bộ Tư lệnh vì tự ý chỉ huy bộ đội đánh phá đường 12 mà không được phép của Bộ Tư lệnh. Lúc ông đang trên đường về Bộ tư lệnh, thì tướng Lê Thiết Hùng nhận được điện khẩn của Bộ tổng Tư lệnh nhanh chóng đưa một tiểu đoàn công binh lên phá đường 12. Cầm bức điện trên tay, tướng Lê Thiết Hùng biết cấp dưới của mình đã làm đúng và ra lệnh cho ông trở về đơn vị tiếp tục chỉ huy đánh giặc.

Năm 1949, ông là Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình kiêm Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 274 trực thuộc Trung đoàn 18. Năm 1950, ông là Trung đoàn phó Trung đoàn 161 kiêm Tham mưu phó Phân khu Trị Thiên. Đến năm 1952, ông giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95 thuộc Đại đoàn 325 Trị Thiên, Trung đoàn 101 Trần Cao Vân. Đảng ủy viên, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 95. Tháng 3 năm 1953, ông được điều rời chiến trường Bình Trị Thiên về tổ chức xây dựng Trung đoàn pháo cao xạ 367 (Pháo phòng không 37mm, đây là Trung đoàn Pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội ta), tham gia chiến đấu trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (Đông Xuân 1953-1954).

Đầu tháng 3-1954, Trung đoàn pháo cao xạ phòng không 367 được cấp trên quyết định đưa đi trực tiếp tham gia chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954. Thực hiện lệnh hành quân lên Tây Bắc, sau bao ngày vất vả, gian khổ, Trung đoàn 367 đã kịp thời chuẩn bị xong trận địa pháo để đúng ngày 13-3-1954, mở màn chiến dịch. Liên tiếp những trận đánh diễn ra. Quân Pháp không ngờ là ta lại có pháo cao xạ phòng không và càng không ngờ là mới lần đầu tham gia chiến trường, các đơn vị pháo phòng không của ta lại vững vàng làm chủ kỹ thuật, phát huy mạnh mẽ hỏa lực xung quanh trận địa chiếm đồ tiếp tế của Pháp từ trên không thả dù xuống. Đồ tiếp tế không rơi trúng mục tiêu và đã bị bộ đội ta tịch thu rất nhiều, càng đẩy quân Pháp vào tình thế hoang mang dao động, khốn cùng và tuyệt vọng. Tổng cộng 55 ngày đêm chiến dịch Trung đoàn bắn rơi 52 máy bay trong tổng số 62 máy bay bị bắn rơi trong Chiến dịch.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, một nửa đất nước được giải phóng. Trung ương quyết định từng bước chính quy hóa, hiện đại hóa Quân đội. Quân ủy Trung ương đặc biệt quan tâm xây dựng các quân binh chủng mới như hải quân, phòng không, không quân, xe tăng, pháo binh, thông tin…Riêng phòng không thì xây dựng phòng không dã chiến, phòng khi bảo vệ các yếu điểm chiến lược quốc gia. Trung đoàn 367 do ông làm Trung đoàn trưởng được nâng thành Đại đoàn 367 trực thuộc Bộ Tư lệnh Binh chủng pháo binh, sau trực thuộc Bộ Quốc phòng, do ông Hoàng Kiện (Trung tướng) làm Đại đoàn trưởng, Đoàn Phùng làm Chính ủy, ông làm Đại đoàn phó-Đảng ủy viên (9/1954).

Sau khi ông Hoàng Kiện cùng một số cán bộ đại đoàn đi học, ông được lệnh chuyển binh chủng pháo 40, 88 và 90 ly thành lập các trung đoàn bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và Vinh. Nhờ các ông Đào Sơn Tây (Thiếu tướng), Nguyễn Quang Tuyến, Dương Hán (Thiếu tướng), Nguyễn Cận đi học các loại súng pháo trên trở về, nên việc chuyển binh chủng diễn ra nhanh. Cuộc bắn đạn thật đầu tiên ở Vai Cầy cũng đạt kết quả tốt, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Lê Thiết Hùng đến dự khen ngợi.

Khi Đại đoàn trưởng Hoàng Kiện đi học trở về. Ông Đào Sơn Tây lên làm Đại đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng. Ông rời Đại đoàn xuống Kiến An, Hải Phòng học văn hóa, học tiếng Trung Quốc cho tới đầu tháng 8 năm 1956 thì được lệnh về Hà Nội chuẩn bị sang Liên Xô học tập ở Học viện Pháo binh Leningrad. Đoàn học viên gồm năm mươi người sang học tại nhiều học viện quân sự khác nhau, do ông Đàm Quang Trung làm đoàn trưởng, ông Lê Tự Đồng phụ trách chính trị, ông làm Đoàn phó Hậu cần. Ngày 20 tháng 8 năm 1956, đoàn rời Hà Nội đi xe lửa qua Bắc Kinh, Mãn Châu Lý rồi sang Matxcova, rồi tiếp sau đó ông về Học viện ở Leningrad học tập ở đây 4 năm.

Năm 1961, sau khi học tập ở Liên Xô trở về, ông làm Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Pháo binh phụ trách về pháo phòng không (12/1961) cho đến tháng 12 năm 1963 ông được cử giữ chức Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân-Ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân chủng. Tháng 9 năm 1964, ông được đề bạt lên làm Cục phó Cục tác chiến rồi Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân-Tham mưu trưởng mà ông Phùng Thế Tài (Thượng tướng) làm Tư lệnh, ông Đặng Tính (Đại tá, Liệt sĩ) làm Chính ủy. Khi ông Phùng Thế Tài chuyển lên làm Phó Tổng tham mưu trưởng, ông Đặng Tính kiêm Tư lệnh. Sau khi ông Đặng Tính vào làm Chính ủy đường Trường Sơn, ông được cử giữ chức Tư lệnh còn ông Hoàng Phương (Trung tướng) làm Chính ủy (1971).

Năm 1972, sau khi dùng đủ mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất nhưng vẫn chuốc lấy thất bại, quân Mỹ đã dùng đến lực lượng máy bay chiến lược B52 ném bon trải thảm vùng giải phóng miền Nam rồi miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương đối với tiền tuyến. Trận Điện Biên Phủ là diễn biến tất yếu của tình hình đó. Lúc đó có rất nhiều ý kiến khác nhau về khả năng đánh trả và đánh thắng B52. Bộ Tư lệnh Quân chủng Không quân khi đó đã đề xuất kế hoạch kiên quyết đánh trả B52 trước Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, kế hoạch này đã được hoàn thành vào tháng 9 năm 1972 và được Quân ủy Trung ương chính thức phê chuẩn. Trên cương vị là Tư lệnh, ông là người trực tiếp chỉ huy thực thi bản kế hoạch công phu này, bản kế hoạch sáng tạo, biết kế thừa những kinh nghiệm đụng độ B52 trước đó cũng như áp dụng của khoa học kĩ thuật. Kết quả: Mỹ đã huy động 193 máy bay B52 chiếm 48% lực lượng B52 của Mỹ. Máy bay chiến thuật của không quân và hải quân được huy động đến gần ngàn chiếc từ các căn cứ Thái Lan và sáu tầu sân bay ngoài biển Đông. Sau 10 ngày đêm, có 81 máy bay các loại trong đó có 31 máy bay B52 và 5 chiếc F111 bị bắn rơi. Lực lượng phi công Mỹ bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Nhân dân Mỹ, nhân dân tiến bộ trên thế giới xuống đường dòi chấm dứt chiến tranh.

Năm 1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông trực tiếp nhận lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Ngyên Giáp vào Phan Rang trực tiếp chỉ huy trận không kích sân bay Tân Sơn Nhất bằng phi đôi máy bay A37 thu được của quân Ngụ, phát tín hiệu tổng tiến công giải phóng Sài Gòn.

Đất nước hoàn toàn thống nhất, ngày 10 tháng 3 năm 1977, ông được cử giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật kiêm Bí thư Đảng ủy Tổng cục cho đến khi về hưu (1988).

Trước năm 1945, chàng trai trẻ Lê Văn Tri vào Sài Gòn để sinh sống rồi tham gia cách mạng. Mùa xuân 1975, Thiếu tướng Tư lệnh Lê Văn Tri là người chỉ huy phi đội Quyết thắng tấn công Tân Sơn Nhất phát tín hiệu cho cuộc tấn công vào Trung tâm Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuối đời, về hưu ông lại chọn thành phố Hồ Chí Minh là nơi nghỉ ngơi cuối cùng (chợ Hạnh Thông Tây, Tân Bình) Có thể nói, cuộc đời ông là một điển hình cho người lính Việt Nam thế kỉ 20: đi từ tầm vông vạt nhọn của những ngày Cách mạng tháng 8 đến máy bay tên lửa, từ người lính binh nhất binh nhì trở thành sĩ quan cao cấp và đồng thời vừa là bộ đội chủ lực vừa là dân quân.

Tham khảo : Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam (Phan Hoàng), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Mười Hai, 2011, 04:49:05 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #73 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 05:29:09 am »


Huỳnh Văn Nghệ (2/1/1914-5/3/1977), nguyên: Cục phó Cục Quân huấn Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Thủ Biên (Thủ Dầu Một và Biên Hòa sát nhập), Khu trưởng Khu 7, Cố vấn quân sự của Ủy ban kháng chiến miền Đông Nam Bộ. Ngoài ra, ông còn từng là: Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp miền Nam, Trưởng ban Lâm nghiệp Trung ương cục miền Nam, Phó Ban Kinh tài (Kinh tế Tài chính) TƯCMN, Phó Bí thư Đảng ủy căn cứ-Trưởng Ban căn cứ TƯCMN).

Ông không những là một nhà chỉ huy quân sự tài ba mà còn là một nhà báo, nhà thơ với nhiều tác phẩm khá nổi tiếng. Nhiều người dân Nam Bộ yêu kính và trìu mến gọi ông là "Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ". Tên tuổi ông được ghi trong sách Trí thức Sài Gòn - Gia Định, được đưa vào Từ điển danh nhân Việt Nam, Từ điển thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, được đặt tên cho trường học ở Tân Uyên, nơi vùng đất chiến khu Đ năm xưa và một số đường phố ở Bình Dương, Biên Hòa, TP Hồ Chí Minh.

Quân hàm cao nhất của Huỳnh Văn Nghệ trong Quân đội tuy mới chỉ là Thượng tá, nhưng ông vẫn được đồng bào, đồng chí đặc biệt là những ai từng chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, Chiến khu Đ thời Kháng chiến chống Pháp, trìu mến và trân trọng gọi là tướng quân. Điều đó hoàn toàn xứng đáng với tài năng và công lao của ông, bởi như theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì tiêu chí phong quân hàm là ''Thắng được tá phong tá, thắng được tướng phong tướng'' trong khi ông đã làm thất điên bát đảo, khiến cho điêu đứng bao nhiêu tướng Pháp.


Huỳnh Văn Nghệ (bí danh Hoàng Hồ, Tám Nghệ) sinh ngày 2/1/1914 tại làng Tân Tịch, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), một vùng quê nghèo nhưng giàu truyền thống chống giặc ngoại xâm. Cha ông là thầy dạy võ can trường, tuy bị quan lại ngăn cấm nhưng vẫn bí mật dạy võ cho thanh niên, bảo vệ người nghèo, chống áp bức bất công.

Là người thông minh học giỏi nên Huỳnh Văn Nghệ được nhận học bổng tại Trường trung học Petrus Ký Sài Gòn (nay là Trường THPT Lê Hồng Phong) và sớm giác ngộ, tham gia các hoạt động cách mạng. Từ năm 1932, ông luôn tìm cách giúp đỡ, bênh vực người nghèo, chống Pháp xâm lược và tay sai. Huỳnh Văn Nghệ tích cực tìm đến với cách mạng và đã được tuyên truyền về Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi giác ngộ và tham gia vào các hoạt động do Đảng lãnh đạo. Những năm 1936-1939, ông tham gia phong trào Đông Dương đại hội ở Sở Xe lửa Sài Gòn. Năm 1940, tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ. Cuộc khởi nghĩa thất bại, Pháp điên cuồng đàn áp những người cộng sản, một số phải rút về rừng Tân Uyên hoạt động, ông lo việc tiếp tế đạn dược, thuốc men cho số ông này.

Năm 1942, bị lộ, ông phải trốn sang Thái Lan và hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước. Tại đây, ông tổ chức xuất bản tờ báo Hồn cố hương, kêu gọi kiều bào hướng về Tổ quốc, ủng hộ cách mạng. Năm 1944, Huỳnh Văn Nghệ về nước, bắt liên lạc với cách mạng và được ông Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ phân công lập căn cứ Đất Cuốc tại Tân Uyên, Biên Hòa, được kết nạp Đảng, lập Đoàn Cựu binh sĩ và tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, trực tiếp tham gia chỉ huy giành chính quyền ở Biên Hòa. Tự tay ông đã bắt tên cò Phước, tỉnh trưởng Quý, tòa Nhan ở Biên Hòa rồi Dương Văn Giáo phá vợ âm mưu của thực dân Pháp muốn lập chính phủ bù nhìn Nam kỳ quốc, giải phóng tù chính trị bị chính quyền Nhật giam giữ.

Tại hội nghị Chợ Đệm, Ủy ban nhân dân Nam Bộ bổ nhiệm Huỳnh Văn Nghệ làm cố vấn Ủy ban kháng chiến miền Đông. Mặc dù Ủy ban này đã rút lui trước về Biên Hòa, Xuân Lộc cùng với nhiều đơn vị như Đệ nhị sư đoàn, Cộng hòa vệ binh, bộ đội Nam Long, nhưng khi giặc Pháp lấn chiếm ra các vùng ngoại vi Sài Gòn - Gia Định, ông đã ở lại tham gia chiến đấu tại các mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn, Thị Nghè, đường số 1 (từ Sài Gòn đi Biên Hòa), Băng Ky, Bình Lợi, Thủ Đức... chặn bước tiến của giặc về miền Đông Nam Bộ. Sau đó, ông tổ chức đốt Tòa bố, Sở cò, Bưu điện Biên Hòa, thu 23 khẩu súng trường, đem về Tân Uyên xây dựng lực lượng.

Tại đây, Huỳnh Văn Nghệ tổ chức xây dựng giải phóng quân Biên Hòa và trực tiếp làm chỉ huy trưởng. Căn cứ Tân Uyên được ông bố trí phòng ngự vững chắc, đã đảm nhiệm vai trò bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang của tỉnh và các tỉnh bạn theo lệnh của Khu trưởng Nguyễn Bình, đồng thời làm nhiệm vụ bảo vệ Khu bộ, tiếp liệu cho các công binh xưởng của Khu, tích cực tham gia xây dựng các cơ quan quân, dân, chính của tỉnh. Dưới sự chỉ huy của Huỳnh Văn Nghệ, không bao lâu sau, Tân Uyên trở thành một trong những căn cứ kháng chiến vững mạnh nhất ở Nam Bộ.

Đầu năm 1946, quân Pháp liên tiếp mở các trận tiến công lớn vào chiến khu Tân Uyên - Lạc An (Chiến khu Đ). Ngày 2/1/1946, Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy lực lượng chủ công tham gia trận phản công lớn đầu tiên của Nam Bộ do Khu tổ chức đánh vào thị xã Biên Hòa. Sau khi tham gia trận Tân Uyên và chỉ huy mặt trận Tân Tịch - Lạc An (2/1946) giành thắng lợi, Huỳnh Văn Nghệ được Khu trưởng Nguyễn Bình chỉ định làm Chi đội trưởng Chi đội 10. Trên cương vị mới trong thời gian 1946-1947, ông đã chỉ huy các đơn vị chiến đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ Khu bộ, các công binh xưởng, phát động chiến tranh du kích, địch vận... góp phần tiêu hao sinh lực địch, mở đầu cho phong trào giao thông chiến ở Nam Bộ, phổ biến kỹ thuật đánh địa lôi điện.

Tháng 3/1948, Huỳnh Văn Nghệ nhận nhiệm vụ Khu bộ phó Khu 7, kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 310. Ngày 1/3/1948, với cương vị chỉ huy trưởng, ông tham gia trận La Ngà - trận giao thông chiến lớn nhất ở Nam Bộ kể từ ngày giặc Pháp tái chiếm nước ta. Sau trận này, Trung đoàn 310 được Bác Hồ khen thưởng Huân chương Chiến công hạng 2, Trung đoàn trưởng Huỳnh Văn Nghệ được Bác Hồ tặng thưởng một chiếc áo trấn thủ.

Tháng 7/1948, thi hành lệnh của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, trong hoàn cảnh hết sức nguy hiểm, Huỳnh Văn Nghệ một mình đến căn cứ Bình Xuyên, dùng lý lẽ và tình cảm thuyết phục được thủ lĩnh Bình Xuyên lúc bấy giờ là Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) về dự hội nghị, giúp Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ giải quyết được “vấn đề Bình Xuyên”, rất gay go lúc bấy giờ. Cùng thời gian này, ông được bổ nhiệm làm Khu trưởng Khu 7. Trên cương vị mới, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng căn cứ mới của Khu, thành lập bộ đội chủ lực Khu 7 (Bộ đội 303). Đặc biệt, ông nghiên cứu, tìm ra cách đánh tháp canh, giải quyết được sự bế tắc về chiến thuật ở Khu 7 lúc bấy giờ.

Năm 1950, sau khi sáp nhập Sài Gòn - Chợ Lớn vào Khu 7, ông giữ chức Phó tư lệnh Khu 7. Năm 1951, khi hai tỉnh Thủ Dầu Một - Biên Hòa sáp nhập, ông là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, kiêm Tỉnh đội trưởng Thủ Biên, chỉ huy nhiều trận đánh lớn bảo vệ Bộ Tư lệnh Nam Bộ đóng ở Chiến khu Đ. Năm 1952, trong trận lụt “thế kỷ”, ông xông pha chỉ huy chống lụt ở Thủ Biên, bảo vệ được bộ đội và dân. Sau thảm họa thiên tai đó, lợi dụng tình thế khó khăn của quân dân ta, địch huy động 11 tiểu đoàn tiến công vào Chiến khu Đ. Lực lượng của tỉnh chỉ có một tiểu đoàn nhưng dưới sự chỉ huy tài tình của Huỳnh Văn Nghệ đã anh dũng chiến đấu suốt 52 ngày đêm, tiêu diệt gần một tiểu đoàn địch, phá tan âm mưu của chúng gom dân và tiêu diệt lực lượng ta.

Tháng 5-1953, ông được cử ra miền Bắc học và ở lại công tác gần 12 năm, trải qua các chức vụ: Trưởng phòng Thể dục thể thao, Cục phó Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp. Năm 1965, ông được điều động trở về Nam Bộ, lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng ban căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Phó bí thư Đảng ủy căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Phó ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam, Trưởng ban Lâm nghiệp Trung ương Cục miền Nam. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông là Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp miền Nam, Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Ngày 5/3/1977, ông mất tại Bệnh viện Thống Nhất sau thời gian lâm bệnh nặng, thọ 63 tuổi.

Huỳnh Văn Nghệ không chỉ là một nhà chỉ huy quân sự tài năng, kiên cường với cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt, vẻ vang mà còn là một cây bút tràn đầy nhiệt huyết trong các hoạt động báo chí, văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là ở lĩnh vực thơ ca. Qua các tác phẩm của ông, người đọc có thể hiểu thêm về quê hương, gia đình, cuộc đời binh nghiệp, văn nghiệp của ông, về cuộc chiến đấu gian khổ, trường kỳ, oanh liệt của nhân dân miền Đông Nam Bộ.

Có thể thấy từng bước đi, mỗi dấu ấn tâm hồn chân thực, xúc động của cuộc đời một nhà thơ - chiến sĩ qua những tác phẩm như: Quê hương rừng thẳm sông dài, Những ngày sóng gió, Anh chín Quỳ, Trận Mãng Xà, Sấu đỏ mũi, Tiếng hát trên sông Đồng Nai, Mất đồn Mỹ Lộc (văn), Mộng làm thơ, Đám ma nghèo, Trốn học, Tết quê người, Bốn mùa, Trả lời thư Lan, Bến cũ, Bà bán cau, Thú tội, Mộ bia, Lời chim, sông Đồng Nai, Bên bờ sông xanh, Mất Tân Uyên, Xuân chiến khu, Mẹ Nam con Bắc, Tiếng hát giữa rừng, Nhớ Bắc, Bà mẹ Việt Nam, Rừng nhớ người đi, Em bé liên lạc, Cái chết của anh Xiễng, Tình súng, Chiến khu Đ chống bão, Giữ bí mật, Hình ảnh Bác Hồ trong lòng Nam Bộ, Trở về, Rừng đẹp, Một trận chống càn... và những hồi ký đăng trên các báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Văn nghệ quân đội, các bài viết cho Đài Tiếng nói Việt Nam,...

Các tác phẩm của ông, bên cạnh đề tài chiến đấu, là đề tài tình cảm Nam Bắc ruột thịt rất sâu nặng. Từ năm 1937, anh thanh niên Huỳnh Văn Nghệ đã có những bài thơ sâu lắng tình cảm và nói lên chí hướng: "...Đưa tay lên chỉ trời cao trong vắt / Hai ngôi sao trong chòm sao Nam, Bắc / ... Muốn làm sao ta có sợi dây đàn / Đem giăng thẳng nối Nam Bắc / Chờ tiếng xôn xao trong ngày đã tắt / Ta trỗi lên khúc "hận ngàn thu”. (Trăng lên)

Khi phác họa lại lịch sử quê hương mình, ông viết: "...Có con sông cũng từ hướng bắc / Vượt núi rừng ghềnh thác / Tràn vào Nam cuộn cả bóng mây cao..." (Sông Đồng Nai).

Đó còn là bài thơ "Mẹ Nam con Bắc" (1953) kể về tình mẫu tử sâu nặng của một bà má miền Nam đã hành động dũng cảm, mưu trí để kẻ thù phải thả người con nuôi là anh lính miền Bắc: "Mẹ bắt được lá thăm / Cầm lo le, bối rối / Nhờ cán bộ đọc giùm / Tên đứa con bộ đội. / "Anh tên Nguyễn Văn Đối / Quê quán ở Hưng Yên / Sở cao su Thuận Lợi / Nhập ngũ cướp chính quyền". / Mẹ mừng rơi nước mắt, / Khoe khắp cả xóm làng: / Được đứa con người Bắc / Chiến sĩ của trung đoàn. /… / "Má có gì ăn nấy / Mới là tình mẹ con / Ăn xong tao vá áo / Mới cho về trung đoàn". / Một hôm đi công tác / Đối bị bắt vào đồn. / Mẹ thương con đứt ruột  / Chạy sứt cả da chơn. (Mẹ Nam con Bắc).

Bài thơ "Hình ảnh Bác Hồ trong lòng Nam Bộ" (1960) nhắc lại những ký ức của nhà thơ về Bác Hồ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, kể về một anh chiến sĩ bị thương đã lấy máu mình viết lên tường 5 chữ: “Thành phố Hồ Chí Minh”. Hình ảnh Bác Hồ gần gũi, với mỗi con người, được ông thể hiện sâu đậm trong thơ: "...Trong ba lô chiến sĩ / Trong cặp vở học trò / Trong bức tranh họa sĩ / Trong vần điệu nhà thơ."

Trước sự quả cảm, kiên cường chịu khó khăn của chiến sĩ trong hoàn cảnh kháng chiến còn nhiều gian khổ, khi phải cưa bỏ cái chân bị thương bằng cưa thợ mộc, ông đã viết: "...Trở lên mình ngựa đi từng bước / Cúi đầu nén nỗi đau thương / Nhưng lửa căm hờn / Bỗng dựng cao đầu ngựa dậy / Vang trời ngựa hí / Chí phục thù cháy bỏng tay cương..." (Tiếng hát giữa rừng).

Đặc biệt, bài thơ "Nhớ Bắc" ông viết năm 1940 tại sân ga Sài Gòn với những câu thơ hào sảng chí khí, thấm đậm tình cảm của đồng bào, chiến sĩ miền Nam hướng về thủ đô Hà Nội trong những năm dài kháng chiến gian nan, một bài thơ còn đọng lại mãi trong tâm hồn nhiều thế hệ người dân, chiến sĩ, thi sĩ Việt Nam với những câu: "...Ai về Bắc ta đi với / Thăm lại non sông giống Lạc Hồng / Từ độ mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long." (Nhớ Bắc).

Một Huỳnh Văn Nghệ mưu lược, văn võ song toàn, xông pha trận mạc làm quân thù nghe danh bạt vía kinh hồn nhưng ông, đồng bào, đồng đội luôn hướng về ông với sự ngưỡng mộ, cảm phục, và trìu mến gọi ông với cái tên thân thiết: anh Tám Nghệ. Cuộc đời Huỳnh Văn Nghệ đã khắc họa trong lòng nhân dân Nam Bộ một hình ảnh tuyệt đẹp của - Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.


Tham khảo: Báo Công an Nhân dân.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Hai, 2012, 09:52:28 pm gửi bởi daibangden » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #74 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 05:33:27 am »


Đại tá Họa sĩ Lê Huy Toàn (10/10/1930-19h24' 22/9/2007), nguyên Bí thư Đảng ủy Xưởng Mỹ thuật Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông từng là họa sĩ của Tổng cục Chính trị rồi Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam...


Đại tá Lê Huy Toàn quê tại xã Kiêu Kị, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội nhưng ông sinh ra và lớn lên tại thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Được thừa hưởng tài hoa nghệ thuật từ người cha, vốn là một họa sĩ vẽ truyền thần, ông sớm bộc lộ tài năng hội họa và âm nhạc từ rất nhỏ. Nếu chiến tranh không xảy ra, ông đã được cha mẹ cho theo học ở trưởng Cao đảng nhạc họa Đông Dương.

Năm 1945, khi ông mới 15 tuổi, cách mạng tháng Tám thành công đánh giấu một bước ngoặt trong cuộc đời của ông. Với lòng yêu nước của người thanh niên mới lớn ông tham gia ngay vào cuộc kháng chiến vệ quốc bảo vệ nền độc lập còn non trẻ của nước nhà, cống hiến hết tài năng và sức lực của mình cho cách mạng. Với giọng nam cao trầm ấm và tay đàn ngọt đã được tôi luyện từ nhỏ, ông xung phong vào đội lưu động bình dân học vụ của tỉnh. Tham gia đủ các vai : ca, múa, nhạc, kịch. Lúc không diễn thì tham gia vẽ tranh cổ động, viết khẩu hiệu kháng chiến và địch vận.

Tháng 9 năm 1947, ông gia nhập Quân đội và được biên chế vào đội hình Trung đoàn 87 cùng đơn vị với Nhạc sĩ Văn Cao, ở tiểu đội vũ trang tuyên truyền độc lập. Sau những chiến công lẫy lững trên dòng sông Lô, đặc biệt là trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông (cuối 1947), đơn vị ông được vinh dự mang tên Trung đoàn Sông Lô (E209). Nếu nhạc sĩ Văn Cao cho ra đời Trường ca sông Lô thì ông cho ra đời một loạt tác phẩm bằng tranh ca ngợi những chiến thắng của Trung đoàn.

Năm 1951, Đại đoàn Chiến thắng (F312) được thành lập, ông trở thành họa sĩ của sư đoàn. Trên cương vị là họa sĩ tờ báo Chiến thăng, cơ quan tuyên truyền ngôn luận của Đại đoàn, ông đã cùng đồng đội ra báo nhanh chóng và kịp thời, góp phần cổ vũ, động viên bộ đội và dân công tại mặt trận. Bước chân của ông đã đi khắp miền Tây Bắc, Đông Bắc tham gia các chiến dịch Việt Bắc, Biên Giới, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào rồi Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Tháng 8/1954, ông được điều về làm họa sĩ ở phòng Văn nghệ thuộc Cục tuyên huấn Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khi tạp chí Văn nghệ Quân đội ra đời, ông là một trong những họa sĩ đầu tiên (6/1958). Tháng 2/1973, ông là Bí thư đảng ủy Xưởng Mỹ thuật Quân đội cho đến tháng 12/1989 là họa sĩ Viện Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) cho đến khi nghỉ hưu năm 1992.

Lần đầu tiên được thấy những bức vẽ của ông, người xem cảm nhận có điều gì đó thật cuốn hút. Đó không đơn thuần là hội hoạ, mà chứa đựng tất cả những rung cảm, suy tư và tài năng của một hoạ sĩ- người lính trong suốt trải nghiệm 45 năm tham gia quân ngũ. Đại tá-Họa sĩ Lê Huy Toàn là tấm gương tiêu biểu của một người lính Cụ Hồ, một họa sĩ bậc thầy của nền hội họa cách mạng Việt Nam. Mặc dù không qua bất kì một trường lớp đào tạo bài bản nào, nhưng với một tài năng bẩm sinh cộng với niềm say mê học tập, nghiên cứu và sáng tạo ông đã để lại cho nền mỹ thuật Việt Nam nhiều tác phẩm nổi tiềng và hiện đang được lưu giữ tại nhiều bảo tàng quốc gia và quốc tế như : tranh sơn dầu Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, tranh sơn dầu hoành tráng Chiến dịch Điện Biên Phủ, tranh sơn dầu Tọa độ lửa khắc họa chiến thắng 5/8/1964, tranh sơn dầu Bác Hồ thăm bộ đội cao xạ năm 1965, tranh sơn mài hoành tráng Việt Nam bản anh hùng ca…Đối với ông “45 năm trong quân ngũ cứ mải miết phục vụ quân đội đấy là một vinh dự”.

Đại tá Họa sĩ Lê Huy Toàn có mặt hầu hết ở những địa điểm, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước nói chung và quân đội nói riêng từ Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc bằng chiến thắng mùa Xuân (1975)…Là một họa sĩ sâu sát với thực tế bàn chân ông đã đi qua khắp miền Tây Bắc, Đông Bắc tham gia các chiến dịch Việt Bắc, Biên Giới, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào rồi Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử trong kháng chiến chống Pháp rồi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc với cây súng, cuốn sổ và cây bút, ông miệït mài đi, miệt mài vẽ, đói cũng vẽ, xung quanh bom rơi đạn nổ cũng vẽ, có lần đạp xe từ Hà Nội vào Vĩnh Linh để vẽ. Những cuốn “nhật ký” bằng tranh ghi lại những gì mà ông đã trải qua hoặc chứng kiến đồng bào, đồng chí nếm trải qua những năm tháng chiến tranh thực sự là có một không hai.Kết quả của những tháng ngày này là hàng chục nghìn bức kí họa về những khoảnh khắc, những hình ảnh sống, chiến đấu của quân và dân ta trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Từ những bức kí họa đó, ông đã dựng nên những tác phẩm hội họa hoành tráng.Như “Lịch sử Điện Biên Phủ”, “Hà Nội tháng 12 năm 1972”, bức “Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam”, đặc biệt là bộ tác phẩm nổi tiếng “Việt Nam anh hùng ca” gồm 4 chương: Tổ quốc; Cách mạng; Thắng hai đế quốc to (bức này dài tới 8 m) và Xây dựng - bảo vệ Tổ quốc.Nhân dịp kỉ niệm 31 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông hoàn thành bức vẽ hoành tránh về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bản ‘’trường ca’’ bằng hình này dài tới 40m, chia làm 3 phần : Chuẩn bị chiến dịch, Chiến đầu thần tốc và Chiến thắng. Bức vẽ tái hiện lại những hình ảnh ông ghi lại trong những ngày lăn lội khắp các chiến trường máu lửa, từ vĩ tuyến 17 qua mảnh đất Vĩnh Linh nóng bỏng bom đạn, vào Huế, Đà Nẵng anh hùng đến Tây Nguyên bất khuất qua cửa ngõ Xuân Lộc, vào đô thị Sài Gòn giải phóng.

Dù rất thành công với các bức vẽ về đề tài chiến tranh, nhưng ông vẫn hồn hậu một tình yêu cuộc sống thanh bình. Ngay trong những tháng ngày bom đạn cùng đồng đội đi khắp các chiến trường, cây bút của ông vẫn không quên ghi lại những hình ảnh bình dị của cuộc sống, đó là các em bé Nha Trang ra bờ biển học bài sau khi bom đạn vừa dứt, là phiên chợ Đầm (Nha Trang) họp vội...’’Tranh của tôi tôn vinh cái đẹp vĩnh hằng, tôn vinh ước mơ của loài người là được sống trong hoà bình, tôn vinh đất nước và con người Việt Nam. Thiên nhiên và lịch sử đã dạy cho tôi biết yêu cái đẹp ! Cuộc đời tôi vẽ đất nước, con người Việt Nam, trước hết cho các cháu thiếu nhi, thanh niên, các cụ già, cho đồng bào mình xem, hiểu được là tôi thấy hạnh phúc. Đó là cái mơ ước cao nhất tôi đã thực hiện được’’ (ông tâm sự)
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Mười Hai, 2011, 05:18:20 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #75 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 11:18:20 pm »


Trung tướng Phó Giáo sư Nguyễn Năng (1927-19h16’ 30/6/2007),  nguyên Phó Viện trưởng - Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng), nguyên Tư lệnh Phó mặt trận Tây Nguyên.

Huân chương Ðộc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Ba, Huân chương Chiến công (hạng Nhì, hạng Ba), Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ giải phóng (hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba), Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba), Huân chương của Nhà nước Lào, Huy chương Quân kỳ quyết thắng.

Thiếu tướng (4/1980), Trung tướng (4/1989).


Trung tướng, Phó Giáo sư Nguyễn Năng sinh tại xã Hà lâm, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ông tham gia hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945. Tháng 4-1948, ông được đứng trong hàng ngũ của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 10-1960 đến tháng 9-1963 ông là Tham mưu phó Ðoàn 959 chiến đấu ở Thượng Lào;  tháng  10-1963 đến 6-1964 học văn hóa ở Lạng Sơn và Liên Xô (trước đây); tháng 6-1965 đến tháng 11-1967 là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, Quân khu 5; tháng 12-1967 đến tháng 2-1972 ông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Cục trưởng Cục Quân sự Học viện Quân sự; tháng 3-1972 đến tháng 6-1974 là Tham mưu phó Quân khu 5; tháng 7-1974 đến tháng 2-1975 là Tư lệnh phó Mặt trận B3 Pháp Nguyên; tháng 3-1975 là Tư lệnh phó Quân đoàn 3.

Tháng 6-1976 là Trưởng khoa Chiến dịch Học viện Quân sự cấp cao; tháng 8-1978 là Phó Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao; tháng 2-1979 đến tháng 9-1980 là Phó Tư lệnh Quân khu 2 kiêm Tư lệnh Quân đoàn 6; tháng 10-1980 đến tháng 8-1996 ông là Phó viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao, nay là Học viện Quốc phòng; tháng 9-1996 ông được về hưu.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 10:48:23 pm gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #76 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 11:29:41 pm »


Trung tướng Giáo sư Đỗ Trình (1922-21/2/2008), nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược Quân sự, Viện trưởng Học viện quốc phòng, quyền Tư lệnh Quân khu 2, Cục trưởng Cục quân huấn, Chánh văn phòng Bộ quốc phòng.

Huân chương Quân công hạng nhất, ba; Huân chương Chiến thắng hạng nhất; Huân chương Chiến công hạng nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huy chương Vì sự nghiệp khoa học; Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục; Huy hiệu 60 năm tuổi Ðảng.

Thượng tá (1958); Ðại tá (1966); Thiếu tướng (1974) và Trung tướng (1982).


Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Ðỗ Trình (tức Phạm Văn Trị), sinh năm 1922 tại xã Ðô Lương, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (nay là xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An). Nguyên quán xã Quảng Thái,   huyện   Quảng   Ðiền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ tháng 3-1945, ông tham gia Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu (Hà Nội) cho đến tháng 9-1945 thì nhập ngũ.

Từ tháng 9-1945 đến tháng 9-1947 làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Hà Nội, trưởng thành từ chiến sĩ, tham gia Ban chỉ huy Tự vệ chiến đấu Hà Nội rồi Phó Chủ tịch, Chủ tịch Ban bảo vệ Liên khu 3 Hà Nội; Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính khu ba Hà Nội.

Tháng 10-1947 đến tháng 12-1949 ông lần lượt giữ các chức vụ: Phó phòng Tuyên truyền Cục Chính trị, rồi Chính trị viên Trung đoàn 132, Trung đoàn 59, Trung đoàn 95; quyền Chính trị viên Mặt trận duyên hải Ðông Bắc, Chính ủy Chi đội 6 Viễn chinh Thập vạn Ðại Sơn (Trung Quốc). Từ năm 1950 đến năm 1954, ông giữ các cương vị Chủ nhiệm Chính trị; Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Phòng Huấn luyện Trường Lục quân. Từ năm 1955 đến 1957 là Cục phó Cục Quân huấn.

Từ năm 1958 đến 1964 ông được cử đi học tại Liên Xô, về nước được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Nghiên cứu khoa học quân sự. Năm 1965 đến năm 1967 đồng chí là Phó Giám đốc Học viện Quân sự; năm 1968, ông là Cục trưởng Cục Quân huấn.

Từ năm 1969 đến năm 1978, ông lần lượt giữ các chức vụ: Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, Văn phòng Quân ủy Trung ương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Quân sự. Từ năm 1979 đến năm 1984, ông là Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng; quyền Tư lệnh Quân khu 2. Từ năm 1985 đến tháng 11-1991 là Phó Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao rồi Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng). Tháng 12-1991 đến tháng 9-1994 ông được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự Bộ Quốc phòng; tháng 10 năm 1994, ông được Nhà nước cho nghỉ hưu.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 10:51:19 pm gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #77 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 11:42:27 pm »



Thiếu tướng Lê Chưởng (Trường Sinh, 1914-1973), từng giữ các chức vụ: Chính ủy - Thường vụ Liên khu ủy Liên khu 4, Chính ủy Đại đoàn 304, Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị, Chính ủy Đoàn 959, Chính ủy Học viện Quân chính, Chính ủy Quân khu Trị Thiên - Phó Bí thư Quân khu ủy. Ngoài ra ông còn là Đại biểu Quốc hội khóa 3, Thứ trưởng Bộ giáo dục.

Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Thiếu tướng (1959)


Thiếu tướng Lê Chưởng quê xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, năm 1931 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương nay là Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 1940-1945, ông bị thực dân Pháp bắt giam 5 lần, có lần bị kết án 20 năm tù và đày đi Buôn Mê Thuột. Tháng 5 năm 1945, ông được trả tự do, về xây dựng cơ sở cách mạng và lãnh đạo giành chính quyền ở tỉnh Bình Thuận, chủ bút báo “Quyết thắng” của Việt Minh Trung Bộ.

Tháng 3 năm 1946, ông làm Chủ nhiệm Việt Minh Thuận Hóa, Bí thư Thị ủy. Năm 1947-1948, ông nhập ngũ, làm Chính ủy: Mặt trận Đường 9, Trung đoàn 95; tham gia Khu ủy Khu 4 trực tiếp làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị. Năm 1949, ông làm Chính ủy, Thường vụ Liên khu ủy Liên khu 4. Năm 1951, ông làm Chính ủy Đại đoàn 304.

Năm 1955, ông làm Cục trưởng Cục Tuyên huấn trực thuộc Tổng cục Chính trị. Năm 1959-1961, ông làm Chính ủy: Đoàn 959, Học viện Quân chính. Năm 1966-1971, ông làm Chính ủy, Phó Bí thư Quân khu ủy Quân khu Trị - Thiên. Năm 1971, ông chuyển ngành làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Ông mất vì tai nạn giao thông khi đang trên đường đi công tác.

Lúc sinh thời, Thiếu tướng Lê Chưởng nổi tiếng toàn quân là một "cây thời sự" lôi cuốn và "cây lí luận" sắc sảo. Các đơn vị trong toàn quân đều muốn mời ông đến nói chuyện cho bằng được. Nơi nào ông nói chuyện về thời sự, nơi đó cán bộ và chiến sĩ đến nghe chật ních, đến tận nửa đêm, bất chấp việc không có điện, mi-cờ-rô. Thời ông công tác ở Cục Quân huấn, dưới bút danh Trường Sinh, ông viết 2 tác phẩm đó là “Học tập, xây dựng nhân sinh quan cộng sản” và “Con người và vũ khí trong chiến tranh hiện đại”. Hiện, nhiều nhà trường, đơn vị vẫn lưu giữ 2 tác phẩm này để phục vụ cho công việc nghiên cứu, giảng dạy...  Ngoài ra, Thiếu tướng Lê Chưởng lại có tài văn chương, viết tiểu thuyết, làm thơ, và là một cây bút viết báo trứ danh.  

Tham khảo: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Mười Hai, 2011, 05:41:29 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #78 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 11:52:56 pm »


Thượng tướng Vũ Lập (1924-1987), từng giữ các chức vụ: Tư lệnh Quân khu Tây Bắc, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Tư lệnh - Chính ủy Quân khu 2. Ông là một trong 34 chiến sĩ thuộc Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngoài ra ông còn từng là: Trưởng Ban dân tộc Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Chính phủ.Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ khóa IV đến khóa VI, đại biểu Quốc hội Việt Nam từ khóa VI đến khóa VIII.

Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1980), Thượng tướng (1984)


Thượng tướng Vũ Lập tên thật là Nông Văn Phách người dân tộc Tày quê tại xã Vĩnh Quang, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Ông tham gia cách mạng năm 1941, được kết nạp Đảng năm 1945. Tháng 12 năm 1944, ông là chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Tháng 8 năm 1945, ông là Ủy viên Quân sự tỉnh Thái Nguyên.

Từ năm 1946 đến năm 1954, ông làm Trung đoàn phó rồi Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Đại đoàn 316. Từ năm 1955 đến năm 1964, ông làm Khu phó Khu Tây Bắc, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng rồi Tư lệnh Quân khu Tây Bắc. Tháng 4 năm 1970, ông làm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào. Từ năm 1970 đến năm 1974, ông làm Tư lệnh các mặt trận: 316 và 31 (Thượng Lào).

Từ tháng 6 năm 1974 đến năm 1976, ông làm Tư lệnh Quân khu Tây Bắc. Năm 1977, ông làm Trưởng ban Ban Dân tộc Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ. Từ năm 1978 đến năm 1987, ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 2 (thôi kiêm nhiệm năm 1978). Thượng tướng Vũ Lập liên tục là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt từ khoá IV đến khoá VI, đại biểu Quốc hội từ khoá VI đến khoá VIII.

Tham khảo: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Mười Hai, 2011, 06:01:48 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #79 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2008, 07:02:59 am »


Trung tướng Doãn Tuế (1917-13/1/1995), từng giữ các chức vụ: Tư lệnh Pháo binh B5, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh, Phó Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào, Phó Tổng Tham mưu trưởng. 

Huân chương Độc lập hạng nhất, 02 Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Chiến thắng hạng nhất, huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang nhất nhì, ba, Huân chương Chiến sỹ giải phóng nhất, nhì, ba, Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.Huân chương It-xa-la hạng nhất của Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1984).


Trung tướng Doãn Tuế tên thật là Nguyễn Trung, ngoài ra ông còn có biệt danh là Voi Gầm gắn liền với chiến thắng đầu tiên của bộ đội pháo binh Việt Nam trên sông Lô do ông chỉ huy. Quê ở xã Văn Tư, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, sớm thoát li gia đình (khi mới 14 tuổi). Trước cách mạng tháng 8/1945, có thời gian ông đi lính khố xanh phục vụ trong pháo binh Pháp. Cách mạng tháng Tám thành công, được vận động, ông tham gia Quân đội.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12/1946), ông tham gia chiến đấu ở mặt trận Hà Nội rồi sông Lô với các chức vụ: Chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn. Tháng 4 năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1952 đến năm 1954, ông là Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn pháo binh 351, Đảng uỷ viên Sư đoàn, tham gia nhiều chiến dịch lớn như chiến dịch sông Lô năm 1947, Điện Biên Phủ năm 1954.
 
Tháng 3 năm 1955, ông  là Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 675 Pháo binh. Từ tháng 4 năm 1955 đến năm 1957, ông là Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Pháo binh. Năm 1958, ông được cử đi học ở Học viện Pháo binh Trung Quốc. Từ năm 1963 đến năm 1964, ông là Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh, Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ Bộ tư lệnh Pháo binh. Tháng 9 năm 1964, đồng chí là Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Pháo binh. Năm 1967, ông vào chiến trường B5 làm Tư lệnh Pháo binh Miền. Từ tháng 9 năm 1968 đến năm 1977, ông là Tư lệnh Binh chủng Pháo binh. Năm 1971, ông là Phó Tư lệnh Mặt trận đường 9 Nam Lào.
 
Qua nhiều cương vị, trọng trách ông đã tham gia chỉ đạo, chỉ huy bộ đội pháo binh, tham gia nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh trong đoàn cán bộ A75 của Bộ Tổng Tư lệnh tăng cường cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch. Từ năm 1978 đến năm 1988, ông được bổ nhiệm và giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1988 ông được Nhà nước cho nghỉ chữa bệnh đến 1995 thì mất.

Tham khảo: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Mười Hai, 2011, 06:09:41 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM