Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:48:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hình ảnh & Tiểu sử Lãnh đạo, Tướng lĩnh, Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam  (Đọc 826522 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #480 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2012, 05:47:27 pm »


Thiếu tướng Nguyễn Nam Hưng (1930) từng giữ các chức vụ : Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 800 T1, Tham mưu phó rồi Sư đoàn phó Sư đoàn 5, Trưởng Phòng Tác chiến Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 303, Tham mưu phó – Trưởng Phòng Tác chiến Quân khu 7, Tư lệnh Mặt trận 779, Chỉ huy trưởng Quân sự Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo.

Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng (chống Pháp) hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến công Giải phóng (1 hạng Nhì, 3 hạng Ba), Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang (Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Chiến sĩ Giải phóng (Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Quân kỳ Quyết thắng,…, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Thiếu tướng (1988 ?)


Ông tên thật là Nguyễn Văn trịnh, sinh ra và lớn lên  tại ấp Tân Kiều, làng An Phú Tây, tổng Long Hưng Trung, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn ( nay là xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh) trong một gia đình nghèo, bần nông. Mồ côi mẹ từ khi mới lên 2 tuổi, năm 1944, lúc 14 tuổi, ông bà nội và cha ông bỏ nhà ra đi biền biệt, để lại ông cùng anh trai, Ba Trình, ở quê tự nuôi sống nhau. Năm 1945, anh trai ông tham gia lực lượng Thanh niên Tiền phong giành chính quyền, đi Kháng chiến để ông ở quê một mình, rồi bị quân Pháp chôn sống tại cầu Bà Tàng vào năm 1946.

Chịu ảnh hưởng của anh trai, năm 1946 ông nhập ngũ tham gia Kháng chiến và để trả thù cho anh trai, là chiến sĩ của Chi đội 25 rồi Trung đoàn 397 chiến đấu tại Mặt trận miền Đông Nam Bộ, được kết nạp vào Đảng năm 1949. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, năm 1954, ông tập kết ra Bắc, rồi được cử đi học Đại học ở trường Sĩ quan Lục quân tại Sơn Tây vào năm 1957. Tại đây, ông được gặp Bác Hồ lần thứ nhất khi tham dự diễn tập chuẩn bị cho lễ duyệt binh tại sân bay Bạch Mai.

Đầu năm 1961, trước yêu cầu mới của cách mạng miền Nam, ông vượt Trường Sơn trở về quê hương tham gia chiến đấu. Trước khi lên đường, ông được gặp Bác Hồ lần thứ hai khi Người đến thăm hỏi và động viên đoàn cán bộ đi B. Ông từng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 800 của T1 lập nhiều chiến công, trong đó có thành tích góp phần vào chiến thắng Bình Giã (12.1964). Sau đó, ông lần lượt giữ các chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 4, Tham mưu trưởng Trung đoàn 4, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4. Năm 1969, là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đồng Nai, rồi Tham mưu phó Sư đoàn 5.

Sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, trước yêu cầu mới của Cách mạng miền Nam, ông được cử ra Bắc tiếp tục học tập. Tháng 3 năm 1975, sau thắng lợi của chiến dịch Tây nguyên, ông xin Bộ Quốc phòng về Nam để kịp cùng với Sư đoàn 5 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng  hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước trên cương vị Sư đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng.

Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Tháng 10 năm 1975, ông được cấp trên điều lên làm Trưởng phòng tác chiến Bộ Tham mưu Quân khu 7. Ngày 20 tháng 8 năm 1978, ông về nhận nhiệm vụ Sư đoàn trưởng Sư đoàn 303 tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, rồi sang làm nghĩa vụ Quốc tế giúp nước bạn. Tháng 10 năm 1979, ông được lệnh tổ chức Sư đoàn 303 hành quân ra Hà Nam Ninh.

Tháng 4 năm 1983, ông quay về làm Tham mưu phó, Trưởng phòng tác chiến Quân khu 7. Từ năm 1986 đến 1989, ông lại được điều sang Chiến trường Campuchia làm Tư lệnh Mặt trận 779. Năm 1990, ông về Vũng Tàu làm Chỉ huy trưởng quân sự đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo cho đến khi về hưu tháng 6 năm 1996.

Tham khảo : Trang Thông tin Trường THCS Tân Kiên, Báo Bà Rịa – Vũng Tàu.  
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #481 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2012, 04:07:30 am »


Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (3.2.1926) từng giữ các chức vụ : Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên, Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên, Tư lệnh Quân đoàn 3 kiêm Bí thư Đảng ủy Quân đoàn, Tư lệnh Quân khu 4 kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Quân khu, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Ngoài ra, ông còn từng là : Đại biểu Quốc hội từ Khóa 8 đến Khóa 10, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa 6.

Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Quân công (hạng Nhì, Ba), Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến công (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Chiến sỹ giải phóng (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huy chương Vì Thế hệ trẻ, Huy chương Vì sự nghiệp nhân đạo, Huy chương Vì sự nghiệp phụ nữ, Huy chương Vì sự nghiệp công đoàn.

Thiếu tướng (1980), Trung tướng (1987).


Ông sinh ra và lớn lên tại xã Nghi Diễn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, tham gia Cách mạng từ tháng 4 năm 1945 trong phong trào Việt Minh tại địa phương, là cán bộ tiền khởi nghĩa, rồi nhập ngũ tháng 7 năm 1949, và được kết nạp vào Đảng ngày 1 tháng 7 năm 1947, chính thức ngày 1 tháng 12 năm 1947.

Từ 4.1945 đến 12.1945, ông hoạt động trong phong trào Việt Minh xã Nghi Diễn ; 1.1947, Bí thư huyện đoàn rồi nhân viên toà án huyện Nghi Lộc, tham gia phong trào bình dân học vụ ; 7.1949, nhập ngũ và được cử đi học tại Trường Sỹ quan Lục quân (nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn) ; 1.1952, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 123, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325.
 
Từ 1.1954 đến 12.1959, ông là Phó ban Tác huấn Sư đoàn 325 ; 1.1960, Trưởng ban Tác huấn Sư đoàn 325 ; 6.1965, đi B với bí danh Phương, là Phó ban Tác huấn Mặt trận Tây Nguyên ; 1968, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 rồi 28 (năm 1970) Mặt trận Tây Nguyên ; 1972, Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên rồi Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên ; 4.1975, Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đoàn 3, Đảng uỷ viên Quân đoàn, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, rồi được cử đi học tại Học viện Quân sự cấp cao.
 
Từ 7.1978 đến 12.1979, ông là Phó tư lệnh, quyền Tư lệnh Quân đoàn 3, Phó bí thư Đảng uỷ Quân đoàn ; 1.1980, học viên Học viên Học viện Quân sự cấp cao rồi Tư lệnh Quân đoàn 3 kiêm Bí thư Đảng uỷ Quân đoàn ; 1981, học viên Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ; Đầu năm 1983, đi học bổ túc tại Học viện Bộ Tổng Tham mưu Liên Xô mang tên Vô-rô-si-lốp ; 12.1983, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 4, Đảng uỷ viên, Thường vụ Đảng uỷ Quân khu.
 
Từ 4.1987 đến 12.1996, ông là Tư lệnh Quân khu 4 kiêm Phó bí thư Đảng uỷ Quân khu. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6, 12.1986, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Sau đó, 4.1987, tại cuộc bầu cử Quốc hội Khóa 8, ông trúng cử đại biểu Quốc hội, và liên tục là thành viên của Quốc hội các Khóa 9 và 10 ngay cả sau khi ông được Nhà nước cho nghỉ chờ hưu, 1.1997. Từ tháng 12 năm 1997 đến tháng 12 năm 2002, ông tham gia Ban lãnh đạo Hội Cựu chiến binh Việt Nam trên cương vị Phó chủ tịch Hội.

Lúc còn công tác trong Quân đội, trên chiến trường cũng như thời bình, rồi đến khi trở thành đại biểu của dân trong Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nổi tiếng là người thẳng thắn, cương trực, tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao. Là một vị tướng trên nghị trường, ông thường được nhắc đến và ca ngợi như người đứng đầu của bộ tứ “Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” dám phản ánh và đấu tranh với tệ quan liêu, tiêu cực và nạn tham ô, nhũng nhiễu của các cán bộ thoái hóa, biến chất, ngay cả cho đến bây giờ khi ông đã nghỉ hưu hẳn.

Tham khảo: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #482 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2012, 04:01:10 pm »

Tóm tắt tiểu sử cố thủ tướng Phạm Hùng

Ông tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11-6-1912 tại xã Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Ông là anh cả trong số 9 anh chị em gồm 5 trai và 4 gái. Ông đã từng được ông nội mời thầy dạy võ tại nhà để tự vệ.

Thưở nhỏ, ông học ở trường làng, rồi lên học trường tỉnh, thi đỗ vào trường Collège de My Tho, là một trong hai trường trung học ở lục tỉnh Nam Kì lúc ấy. Trong số bạn bè cùng học với ông có ông Trần Đại Nghĩa, sau sang Pháp học đến năm 1946 theo Bác Hồ về nước tham gia kháng chiến.

Năm 1928-1929, ông hoạt động trong phong trào thanh niên và học sinh, tham gia tổ chức “Nam Kì học sinh Liên hiệp hội” và “Thanh niên Cộng sản Đoàn”.

Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, hoạt động qua các cấp Chi ủy xã, Huyện ủy và Tỉnh ủy Mĩ Tho.

Năm 1931, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình vì vụ trừng trị hương quản Trâu tàn ác. Nhưng do phong trào đấu tranh của nhân dân ta trong nước cùng với Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp, thực dân Pháp phải giảm án xuống chung thân khổ sai và đày ông đi Côn Đảo.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, ông ra khỏi nhà tù đế quốc, được bầu vào Xứ ủy Nam Bộ.

Năm 1946, ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ. Ông đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ (ông Ba Diệp làm Giám đốc).



Đồng chí Phạm Hùng năm 1948

Năm 1949, ông ra Việt Bắc báo cáo và nhận chỉ thị từ Trung ương.

Năm 1950, tại Đại hội Công an toàn quốc tổ chức ở Việt Bắc, ông tham gia Chủ tịch đoàn và trình bày bản đề án “Công an nhân dân”.

Năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Năm 1952, khi thành lập Trung ương Cục miền Nam, ông được chỉ định làm Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, sau đó làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Phân liên khu miền Đông Nam Bộ. Cùng năm 1952, ông lập gia đình với bà Mai Khanh, một cán bộ kháng chiến.

Năm 1954, khi Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam được kí kết, ông làm Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ.


Đồng chí Phạm Hùng (người đi trước), Trưởng đoàn đoàn Đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam
trong Ban Liên hợp đình chiến Nam Bộ đi dự hội nghị (1954)

Năm 1955, ông làm trưởng phái đoàn liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam cạnh Ủy ban Quốc tế tại Sài Gòn.

Năm 1956, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Cùng năm này, ông làm Trưởng ban Thống nhất Trung ương.

Năm 1957, ông được cử làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng.

Năm 1958, tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), ông được bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Tháng 4 năm 1958, ông được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1960, đồng chí được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng bầu làm Ủy vên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp tục làm Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 10 năm 1967, ông được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam sau khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ trần. Ông đảm đương cương vị một người lãnh đạo cao nhất trên chiến trường miền Nam đến khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thời kì chiến đấu ở miền Nam, ông có bí danh là Bảy Cường.



Đồng chí Phạm Hùng, năm 1967



Đồng chí Phạm Hùng tại căn cứ Dương Minh Châu (1973)

Năm 1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông là Chính ủy Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy viên Bộ Chính trị, được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Năm 1980, kiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (3-1982) của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, tiếp tục làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986), ông được bầu vòa Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.

Quốc hội khóa VIII kì họp thứ nhất (6-1987) đã bầu ông làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ông là đai biểu Quốc hội các khóa II, III, VI, VII và VIII.

Hồi 13 giờ 35 phút ngày 10-3-1988, Thủ tướng Phạm Hùng qua đời đột ngột tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Do những cống hiến của mình đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và đối với sự nghiệp tăng cường đoàn kết quốc tế, ông đã được Đảng và Nhà nước ta truy tặng Huân chương Sao Vàng; Nhà nước Liên Xô trao tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười, Huy chương Vì sự nghiệp củng cố liên minh chiến đấu; Nhà nước Cộng hòa Cuba trao tặng Huân chương Che Guevara, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất và Huy chương vì anh em chiến đấu; Nhà nước Cộng hòa nhân dân Bulgaria trao tặng Huân chương G. Dimitrov.

Tổng hợp theo
- Nhân vật chí trên website của Đài truyền hình tỉnh Vĩnh Long
- Phạm Hùng, nhà lãnh đạo trung kiên, mẫu mực, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia năm 2003
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #483 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2012, 04:10:41 pm »

Thiếu tướng Đào Huy Vũ (13.10.1924 – 11.2.1986) từng giữ các chức vụ : (quyền) Tư lệnh đầu tiên Binh chủng tăng thiết giáp, Trung đoàn trưởng (đầu tiên) Trung đoàn xe tăng (đầu tiên) 202, Phó Tư lệnh rồi Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, Trưởng Khoa thiết giáp Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng).

Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Quân công (hạng Nhất, Hai), Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng (chống Pháp) hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng…

Thiếu tá (1958), Trung tá (1960), Thượng tá (1966), Đại tá (1973), Thiếu tướng (1979).


Thiếu tướng Đào Huy Vũ tên thật là Đào Hữu Vũ, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, là cán bộ tiền khởi nghĩa. Ông tham gia Cách mạng từ tháng 6 năm 1942, nhập ngũ tháng 8 năm 1945, được kết nạp Đảng tháng 4 năm 1946 (chính thức tháng 1 năm 1947).

Lúc còn nhỏ, mặc dù nhà nghèo, nhưng gia đình vẫn cố lo cho ông ăn học. Hiếu học, chăm chỉ học tập, cần cù lao động, ông đỗ bằng certificat của Pháp (tương đương cấp tiểu học bây giờ) và được bổ làm hương sư (thày giáo làng). Sớm giác ngộ Cách mạng, 18 tuổi, Đào Huy Vũ tham gia vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc tại địa phương từ tháng 6 năm 1942. Do hành cảnh gia đình, để có tiền nuôi sống bản thân, đồng thời tiếp tục dấn thân vào con đường giải phóng dân tộc, ông còn tranh thủ đi bán rượu do nhà tự nấu kết hợp với tuyên truyền Cách mạng. Trong một lần đi bán rượu và vận động quần chúng, ông bị nhà đoan (douane – tiếng Pháp : thuế) bắt.

Tháng 8 năm 1945, Đào Huy Vũ tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện nhà (huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội). Ngày 23 tháng 9 năm 1945, núp bóng quân Anh, trên danh nghĩa Đồng minh, thực dân Pháp nổ súng quay trở lại xâm lược Nam Bộ. Khắp các địa phương miền Bắc, phong trào tòng quân vào Nam chiến đấu phát triển sôi nổi, mạnh mẽ. Trong không khí đó, tháng 12 năm 1945, chi tay học trò trường làng, ông tình nguyện gia nhập Vệ quốc quân, xung phong Nam tiến, tham gia đánh Pháp ở Mặt trận Tây Nguyên.

Sau khi Mặt trận Tây Nguyên, rồi Nha Trang – Khánh Hòa bị vỡ, để chuẩn bị cho Toàn quốc Kháng chiến, nhiều đơn vị Nam tiến cùng chỉ huy quân sự được lệnh trở ra Bắc. Tầm tháng 11 năm 1946, Đào Huy Vũ đã có mặt tại Mặt trận Hà Nội, được điều về làm trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 5, Trung đoàn Vĩnh Phúc do ông Chu Huy Mân làm trung đoàn trưởng. Từ ngày Toàn quốc Kháng chiến, 19.12.1946, đến tháng 4 năm 1948, ông trưởng thành từ trung đội trưởng đến tiểu đoàn trưởng (của Trung đoàn 66, Đại đoàn 304). Tháng 10 năm 1953, ông được rút về Bộ Tổng Tham mưu làm trợ lý. Thời kì Kháng chiến chống Pháp, ông tham gia nhiều trận đánh và chiến dịch lớn trên Chiến trường Bắc Bộ như Hòa Bình, Quang Trung, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ…

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, khoảng giữa năm 1955, Đào Huy Vũ cùng nhiều cán bộ chiến sĩ được Bộ Tổng Tư lệnh lựa chọn, tập trung học tập bổ túc văn hóa tại Trường Văn hóa Quân đội nhằm tạo nguồn đưa đi đào tạo cán bộ chỉ huy, tham mưu, quân binh chủng kỹ thuật. Ngày 24 tháng 8 năm 1956, 2 đoàn cán bộ, chiến sĩ được cử sang Quế Lâm, Trung Quốc đào tạo về tăng thiết giáp. Ông là đoàn trưởng đoàn thứ nhất gồm 55 người  học về chỉ huy kỹ thuật và tăng thiết giáp.

Ngày 2 tháng 9 năm 1959, Thiếu tướng Trần Văn Quang, Phó Tổng Tham mưu trưởng, sang Trung Quốc thăm đoàn học viên, đồng thời thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng công bố Nghị định 449/NĐ về việc thành lập trung đoàn xe tăng đầu tiên mang phiên hiệu 202. Ngày 5 tháng 10, Bộ Quốc phòng kí quyết định thành lập Trung đoàn 202 (mật danh H02) do Đào Huy Vũ làm trung đoàn trưởng, ông Đặng Quang Long làm chính ủy. Từ khi thành lập cho đến ngày 13 tháng 7 năm 1960, dưới sự chỉ huy của ông, Trung đoàn lần lượt về nước huấn luyện trong tình hình cụ thể đất nước, làm nòng cốt trong việc phát triển các đơn vị tăng thiết giáp trong toàn quân.

Ngày 22 tháng 6 năm 1965, Trung đoàn xe tăng thứ 2 được thành lập trên cơ sở các học viên từ Liên Xô về, mang phiên hiệu 203. Cùng này, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 101/QĐ-QP thành lập Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp, Đào Huy Vũ được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh, Ủy viên Thường vụ kiêm quyền Tư lệnh trong một thời gian dài từ tháng 6 năm 1965 đến tháng 9 năm 1971.  Do trong thời gian này không có Tư lệnh, nên có thể coi ông là chỉ huy quân sự đầu tiên của Binh chủng. Tháng 9 năm 1971, Đại tá Nguyễn Thế Lâm (Thiếu tướng, 1974) được điều về làm Tư lệnh, Đào Huy Vũ thôi quyền Tư lệnh và chỉ giữ chức vụ Phó Tư lệnh.

Đào Huy Vũ là con người của hành động và thực tiễn. Chính ông là người, vào năm 1964, đã sáng suốt đề xuất phương châm nổi tiếng “xe chưa vào được thì người vào trước để lấy xe địch đánh địch”. Phương châm này đã được sử dụng đầy hiệu quả trong suốt thời kì Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ năm 1964 đến năm 1975, góp phần làm cho Bộ đội tăng thiết giáp càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành. Cũng chính Đào Huy Vũ là người đề xuất với Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp về việc đưa xe tăng vào chiến đấu tại Chiến trường miền Nam, tạo lên bất ngờ đối với Mỹ-ngụy ngay ở trận đầu xuất quân làm lên truyền thống “đã ra quân là chiến thắng” của Binh chủng.

Đầu năm 1967, sau khi được cấp trên thông báo chuẩn bị để đưa xe tăng vào chiến trường Đường 9 - Khe Sanh, lúc đó với cương vị Phó Tư lệnh Binh chủng ông đã đề xuất nhiều phương án có giá trị về nghệ thuật quân sự góp phần làm lên các Chiến thắng Tà Mây, Làng Vây, Đường 9... Từ 14 tháng 10 đến 3 tháng 12 năm 1967, Đào Huy Vũ trực tiếp dẫn đầu một nhóm cán bộ bí mật vào chiến trường nghiên cứu tình hình. Sau khi Thường vụ Đảng ủy Binh chủng quyết định phương án hành  quân bằng xích ông lại là người trực tiếp điều hành, chỉ huy toàn bộ cuộc hành quân. Từ ngày 10 đến 28 tháng 2, ông tiếp tục dẫn đầu đoàn cán bộ 5 người của Binh chủng trực tiếp chỉ đạo Đại đội 6 tăng thiết giáp hành quân chi viện cho Tiểu đoàn 198 tăng thiết giáp tại Đường 9. Hay trực tiếp chỉ đạo Đại đội 16 tăng thiết giáp hành quân vào Chiến trường Tây Nguyên (B3)…

Tháng 6 năm 1970, ông tham gia đoàn cán bộ sang Chiến trường nước bạn Lào thị sát, chuẩn bị phương án đưa xe tăng vào tác chiến trong Chiến dịch Cánh đồng chum – Xiêng Khoảng, và được cử ở lại tham gia Mặt trận Cánh đồng chum với tư cách phái viên Binh chủng.  Tại đây, do bị bom đánh vào khu vực hầm chỉ huy, ông bị bỏng và hỏng một mắt, phải đưa bằng trực thăng về hậu phương cấp cứu.

Tháng 12 năm 1974, Đại tá Đào Huy Vũ chính thức là Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông là phái viên Bộ Tổng Tham mưu tại Bộ Chỉ huy Chiến dịch phụ trách tác chiến của lực lượng tăng thiết giáp. Khi đội hình Cánh quân Duyên Hải chuẩn bị tiến công tuyến phòng thủ từ xa Phan Rang, ông đề nghị trực tiếp đi với Lữ đoàn 203 trên quan điểm “Đây là lần đầu sử dụng tập trung cả lữ đoàn lại vận dụng tác chiến theo hình thức “đánh trong hành tiến”, vì vậy sẽ có nhiều cái mới nảy sinh. . .” . Phương án này đã được Trung tướng Lê Trọng Tấn, chỉ huy cánh quân Duyên Hải phê chuẩn.

Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tháng 9 năm 1978 ông được cử đi học tại Trường Đảng Nguyễn Ái quốc. Sau khi kết thúc khóa học, tháng 9 năm 1980 ông được điều về làm công tác giảng dậy, nghiên cứu và tổng kết tại Học viện Quân sự cấp cao (nay là học viện Quốc phòng), là Trưởng khoa Thiết giáp. Ông mất ngày 11 tháng 12 năm 1986 tại Hà Nội vì bệnh ung thư phổi do di chứng chất độc màu da cam nhiễm phải trong những ngày ở Chiến trường Đường 9 – Khe Sanh.

Đào Huy Vũ là người say mê nghiên cứu khoa học quân sự. Học tập, nghiên cứu luôn là niềm say mê và hứng thú của ông. Vốn là một nhà giáo nên việc học của ông luôn có bài bản và theo đúng nguyên tắc chặt chẽ do mình tự đặt ra. Ông đã để lại cho Binh chủng nhiều tác phẩm tổng kết về chiến đấu của xe tăng trong thời kì Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mỗi lần ra nước ngoài công tác học tập ông đều bỏ tiền cá nhân mua sách mang về góp vào thư viện Binh chủng. Ông am hiểu sâu sắc về khoa học quân sự và là người có kinh nghiệm trong sử dụng bộ đội tăng - thiết giáp trên chiến trường. Có thể nói từ trận đầu ở Làng Vây cho đến việc sử dụng tăng - thiết giáp trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 đều có công lao đóng góp của ông.

Tham khảo : Theo vết xích xe tăng – Tập 1, Biên niên sự kiện Ngành Kỹ thuật Tăng Thiết giáp, Sách Họ Đào Việt Nam.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Ba, 2012, 12:05:16 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #484 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2012, 05:28:54 am »

Thiếu tướng Đào Đình Sung (1925 – 4.1.2001) từng giữ các chức vụ : Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36 (F308), Tham mưu phó rồi quyền Sư đoàn trưởng Sư đoàn 308, Trưởng Ban Tác chiến Mặt trận Quảng Đà, Phó Tư lệnh kiêm Chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn 1, Phó Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao.

Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Chiến công (hạng Nhất, Ba), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng…

Thiếu tướng (12.1985)


Ông quê tại xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, tham gia Cách mạng tháng 8 năm 1945, nhập ngũ tháng 3 năm 1947, được kết nạp Đảng tháng 12 năm 1948 (chính thức tháng 3 năm 1949).

Trong Kháng chiến chống Pháp, từ tháng 3 năm 1947 đến tháng 5 năm 1954, ông lần lượt trưởng thành từ chiến sĩ (Đại đội 1, Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308), đại đội phó rồi đại đội trưởng Đại đội 11 (Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308) (1.1952), tiểu đoàn phó rồi tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 89 (Trung đoàn 36, Đại đoàn 308), chỉ huy Tiểu đoàn tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt là đánh đồi Độc Lập.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tháng 8 năm 1954 ông được cử đi học tại trường Trung cao cấp Quân sự tại Bắc Sơn. Tháng 7 năm 196, ông tiếp tục được cử đi học tại Học viện Quân sự Nam Kinh Trung Quốc. Về nước, tháng 4 năm 1963, ông quay trở về công tác tại Sư đoàn 308 trên cương vị Tham mưu phó Sư đoàn. Tháng 5 năm 1964, ông thôi giữ chức Tham mưu phó và là trung đoàn trưởng Trung đoàn 36 của Sư đoàn.

Tháng 3 năm 1968, ông lên đường vào Nam chiến đấu tại Mặt trận Quảng Đà (Quảng Nam – Đà Nẵng) thuộc Quân khu 5 và lần lượt giữ các chức vụ trung đoàn trưởng Trung đoàn 36, Trưởng ban tác chiến Mặt trận. Tháng 2 năm 1969, ông là chỉ huy trưởng Khu Đông, Khu Trung Mặt trận. Tháng 9 năm 1971, ông ra Chiến trường Trị Thiên giữ chức vụ Sư đoàn phó Sư đoàn 308. Lúc này, Thượng tá Trương Đình Mậu vừa lên thay Đại tá Nguyễn Hữu An, vừa được điều sang Mặt trận Cánh đồng Chum, làm Sư đoàn trưởng. Tháng 6 năm 1972, trong đợt 2 của Chiến dịch Trị Thiên, ông Trương Đình Mậu chuyển công tác khác, ông tạm giữ quyền Tư lệnh Sư đoàn một thời gian cho đến khi ông Nguyễn Hữu An về nắm lại Sư đoàn vào cuối tháng 6 năm 1972. Cuối tháng 11 năm 1972, Đại tá Nguyễn Hữu An được cử giữ chức vụ Phó Tư lệnh Mặt trận B5 (Trị Thiên Huế), ông chính thức trở thành Sư đoàn trưởng Sư đoàn 308 chỉ huy Sư đoàn chiến đấu tại Đông Hà, Quảng Trị. Khi Quân đoàn 1 được thành lập, 24 tháng 10 năm 1973, ông được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng đầu tiên, cùng Quân đoàn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tháng 12 năm 1979 ông được điều về làm Phó Tư lệnh, kiêm Chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn 1. Tháng 7 năm 1986, ông về làm Phó giám đốc Học viện Quân sự cấp cao cho đến khi về hưu tháng 12 năm 1990. Thiếu tướng Đào Đình Sung mất tại Hà Nội ngày 4 tháng 1 năm 2001.

Tham khảo : Sách Họ Đào Việt Nam, Chiến trường mới (Thượng tướng Nguyễn Hữu An), Kỉ niệm những ngày bên Sư trưởng (Thiếu tướng Hoàng Kim).
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Ba, 2012, 04:50:09 pm gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #485 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2012, 01:57:04 pm »

Về tiểu sử thiếu tướng Đào Đình Sung:
Bổ sung một số chi tiết từ các hồi ký "Chiến trường mới" của thượng tướng Nguyễn Hữu An và bài "Kỷ niệm những ngày bên sư trưởng" của đại tá Hoàng Kim nguyên chính ủy sư đoàn 308 đăng trong tập "Nguyễn Hữu An vị tướng trận mạc":
- Tháng 1 năm 1969 cụ An về làm sư trưởng 308 thay cụ Vũ Yên. Trong bộ tư lệnh sư đoàn khi đó thượng tá Trương Đình Mậu làm sư đoàn phó, lúc đó cụ Đào Đình Sung đang ở Quảng Đà.
- Hết chiến dịch Đường Chín Nam Lào (khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1971) thì cụ An sang Cánh Đồng Chum, tư lệnh sư đoàn là thượng tá Trương Đình Mậu, khả năng lúc này cụ Đào Đình Sung về làm sư đoàn phó.
- Chiến dịch Quảng Trị 72 đợt đầu tháng 4 tư lệnh sư đoàn 308 vẫn là cụ Mậu. Chỉ từ đợt 2 tiếp tục chuẩn bị và tấn công Đông Hà khi đó cụ Mậu chuyển công tác, cụ Sung mới làm quyền tư lệnh.
- Cuối tháng 6 năm 72 cụ An được gọi từ Lào về đưa vào nắm lại 308, đến cuối tháng 11 cụ An lên Phó tư lệnh B5, khi đó cụ Sung chính thức làm sư trưởng 308.  
Bác panphilov kiểm tra lại xem có đúng không, tôi sợ các gia phả có thể có một số chi tiết không thật chuẩn?
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Ba, 2012, 02:32:41 pm gửi bởi qtdc » Logged
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #486 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2012, 04:47:33 pm »

Về tiểu sử thiếu tướng Đào Đình Sung:
Bổ sung một số chi tiết từ các hồi ký "Chiến trường mới" của thượng tướng Nguyễn Hữu An và bài "Kỷ niệm những ngày bên sư trưởng" của đại tá Hoàng Kim nguyên chính ủy sư đoàn 308 đăng trong tập "Nguyễn Hữu An vị tướng trận mạc":
...
Bác panphilov kiểm tra lại xem có đúng không, tôi sợ các gia phả có thể có một số chi tiết không thật chuẩn?

Cám ơn bác. Theo những thông tin bác đưa ra, em đã bổ sung trong bài viết ở trên. Bác xem như thế đã được chưa? Thông tin của dòng họ như vậy là chưa đủ, trong quá trình viết lại, em cũng đã phải thêm một số chi tiết.

Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #487 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2012, 05:13:32 am »

Đại tá Nguyễn Mạnh Quân (1923 – 1988) từng giữ các chức vụ : Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Nam Định, Tham mưu trưởng Liên khu 3, Phó chủ nhiệm Hệ giáo dục quân sự Học viện Quân chính, Hiệu phó Trường Sĩ quan Lục quân (nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn), Cục trưởng Cục Quân huấn, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên, Sư đoàn trưởng (đầu tiên) Sư đoàn 10, quyền Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 (nay là Trường Đại học Nguyễn Huệ).

Huân chương Quân công (hạng Nhất, Nhì), Huân chương Kháng chiến (hạng Nhất, Nhì), Huân chương chiến công (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huân chương chiến thắng (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huân chương chiến sỹ giải phóng (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huân chương chiến sỹ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy chương quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng…

Trung tá (1958), Thượng tá (1966 ?), Đại tá (1975).


Ông tên thật là Nguyễn Thế Minh sinh ra và lớn lên tại huyện Gia Khánh, phủ Trường An, nay thuộc xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, là cán bộ tiền khởi nghĩa. Được sự vận động của Mặt trận Việt Minh, ông tham gia phong trào cứu quốc trước năm 1945, rồi giành chính quyền tại địa phương trong Cách mạng tháng 8. Cách mạng thành công, ông được kết nạp Đảng, nhập ngũ, là trung đội trưởng Trung đội Giải phóng quân của huyện nhà.

Trong Kháng chiến chống Pháp, 1946 – 1954, ông trưởng thành từ cán bộ tiểu đoàn (1946), Trung đoàn 46 (1948), đến trung đoàn trưởng Trung đoàn 46 (cuối 1953), tham gia Tây Tiến, rồi chiến đấu tại khắp địa bàn Liên khu 3 như Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình... Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông chỉ huy Trung đoàn về tiếp quản Nam Định, được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố, rồi về Bộ Tư lệnh Liên khu 3 giữ chức vụ Tham mưu trưởng (10.1954). Khi Liên khu 3 giải thể để thành lập hai Quân khu Hữu Ngạn và Tả Ngạn, ông tiếp tục là Tham mưu trưởng Quân khu Hữu Ngạn.

Năm 1958, trong đợt phong quân hàm đầu tiên của Quân đội, ông được phong quân hàm Trung tá. Năm 1959, ông sang Liên Xô theo học tại Học viện Quân sự Frunze cho tới cuối năm 1962 thì về nước và được điều về công tác tại Học viện Quân chính ; 10.1963, Phó chủ nhiệm Hệ giáo dục quân sự Học viện Quân chính ; 3.1964, Hiệu phó Trường Sĩ quan Lục quân (Trường Sĩ quan Lục quân 1 nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn) .

Tháng 5 năm 1969, ông được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Quân huấn. Trong thời gian này, ông có các chuyến đi thực tế tại các Chiến trường miền Đông Nam Bộ, Lào phục vụ cho công tác huấn luyện. Tháng 4 năm 1970, ông được cử vào chiến trường Tây Nguyên, giữ chức Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng. Ông đã tham gia xây dựng các kế hoạch, cũng như trực tiếp chỉ huy bộ đội trong nhiều chiến dịch. Trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên, ông được phân công theo dõi và trực tiếp chỉ huy Trận Đắc Tô - Tân Cảnh, tiêu diệt cụm cứ điểm phòng ngự này, đồng thời tấn công Chỉ huy sở Sư đoàn 22 ngụy, khiến sư đoàn trưởng và sư đoàn phó bỏ mạng, toàn bộ Bộ tham mưu bị bắt sống, các Trung đoàn 42, 47 gần như bị xóa sổ.

Ngày 20 tháng 9 năm 1972, Sư đoàn 10, Đắc Tô, được thành lập, Thượng tá Nguyễn Mạnh Quân được giao nhiệm vụ kiêm Sư đoàn trưởng đầu tiên. Cuối tháng 5 năm 1973, ông được phân công kiêm quyền Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên một thời gian ngắn thay ông Hoàng Minh Thảo, trước khi ra Bắc tiếp tục giữ chức vụ Cục trưởng Cục Quân huấn (1974).

Đầu năm 1975, ông tham gia công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuối năm 1975, ông cùng một số cán bộ Cục Quân huấn được phân công tham gia tổng kết Chiến dịch tại Đà Lạt, rồi được giữ lại làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 (5.1976). Năm 1977, ông lâm bệnh nặng, phải ra Bắc, nghỉ dưỡng bệnh và mất tại Hà Nội vào năm 1988.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Tư, 2012, 08:15:26 am gửi bởi selene0802 » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #488 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2012, 04:08:29 am »


Kỹ sư Nguyễn Tường Lân (Mạc Quân, 1921) từng giữ các chức vụ Thành viên Bộ Tư lệnh Quân khu 4 phụ trách bảo đảm giao thông vận tải, Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn – Đoàn 559 phụ trách mở đường, bảo đảm giao thông chi viện cho miền Nam.

Ngoài ra, ông còn từng là Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Kiến Xương, Chánh Văn phòng rồi Bí thư Chi bộ Ủy ban Kháng chiến tỉnh Nam Định, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Hải Hậu, Viện trưởng Viện Thiết kế Đường sắt, Thứ trưởng thường trực - Thường vụ Đảng ủy Bộ Giao thông Vận tải kiêm Trưởng Ban B67 phụ trách đảm bảo thông tuyến đường Trường Sơn phía tây Quảng Bình, Đại diện Bộ Giao thông Vận tải ở Quân khu 4, Phó Tư lệnh trực chiến Bộ Tư lệnh Bảo đảm Giao thông Vận tải tại Khu 4, Tổng giám đốc (đầu tiên) Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long (tên lúc đó Xí nghiệp Liên hiệp cầu Thăng Long), Tổng cục trưởng Tổng cục Giao thông Vận tải Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ủy viên Ủy ban phân vùng kinh tế Trung ương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường biển, Trưởng đoàn Chuyên gia Giao thông Vận tải và Bưu điện tại Cam-pu-chia, Ủy viên danh dự Bam Chấp hành Hội Truyền thống Trường Sơn Việt Nam, và Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa 4.

Huân chương Độc lập (hạng Nhất, hạng Nhì), Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…


Ông sinh năm 1921, có tài liệu ghi 1923, tại xã Động Trung, phủ Kiến Xương, nay là xã Vũ Trung, huyện Kiến  Xương, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình có truyền thống Nho học, yêu nước và Cách mạng. Ông nội ông là nghĩa sĩ Văn thân, từng cầm quân đánh Pháp tại Nam Định (1883). Trong dòng họ ông có nhiều người tham gia các phong trào yêu nước, Cách mạng đầu thế kỉ 20 (Quang Phục Hội, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Phong trào do Đảng lãnh đạo…) tiêu biểu là chú họ ông, nhà Cách mạng Liệt sĩ Nguyễn Danh Đới (9.1905 – 8.1943), nguyên Bí thư Kỳ bộ Bắc Kỳ của Việt Nam Cách mạng Thanh niên trực tiếp phụ trách Hà Nội, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Thái Bình, tù Côn Đảo (1929-1934). Nhà Cách mạng Nguyễn Danh Đới chính là bố của Phó Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân (Nguyễn) Trung Kiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin.

Năm 1940, sau khi học xong Tú tài phần Nhất tại Hà Nội, do không có điều kiện học lên cao nhưng cũng không muốn làm việc cho chính quyền bảo hộ, ông ở lại Hà Nội dạy học tư, chuyên về tiếng Pháp cho con em các gia đình người Hoa, Ấn Độ. Nhờ người chú ruột có quen biết với ông chủ tờ báo Tin Mới, Mai Văn Hàm, giới thiệu, ông được nhận vào làm kí giả của báo. Sau đó, ông xin lên Cao Bằng, vừa viết báo, vừa dạy học. Năm 1942, ông bị trục xuất khỏi Cao Bằng đồng thời bị xa thải khỏi báo Tin Mới vì đã trực tiếp gặp viên quan năm (đại tá) Pháp, Chánh sứ Cao Bằng, để ‘phỏng vấn’ vụ lính Pháp tại đây ‘mua’ 20.000 cây tre của đồng bào Hòa Anh để làm doanh trại nhưng… không trả tiền.

Theo lời khuyên của người chú họ Nguyễn Danh Đới, ông trở về Thái Bình dạy chữ cho trẻ em trong họ, trong làng, và bắt đầu tham gia hoạt động Cách mạng từ năm 1943 trong Mặt trận Việt Minh với bí danh Mạc Quân. Năm 1944, ông gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc Động Trung (một tổ chức bán vũ trang do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo), rồi tham gia lãnh đạo giành chính quyền tại quê nhà trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia công tác chính quyền tại địa phương, là Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Động Trung. Năm 1946, ông được cử giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến huyện Kiến Xương do ông Phạm Kim Tôn (1914 – 1989) làm Chủ tịch, rồi được kết nạp Đảng vào tháng 10 năm 1946. Ông Phạm Kim Tôn là một trong 2 người mà vào năm 1929, nhân kỉ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, đã tham gia treo cờ đỏ lưỡi liềm trên cổng phủ Kiến Xương, dán truyền đơn lên tường nhà tri phủ. Trước khi về hưu, ông Phạm Kim Tôn là Cục phó Cục Vật tư Bộ Nông nghiệp, Huân chương Độc lập hạng Ba.

Năm 1947, ông được điều sang tỉnh Nam Định, lần lượt giữ các chức vụ : Chánh Văn phòng Uỷ ban Kháng chiến Tỉnh, thư ký Đảng đoàn Chính quyền Tỉnh, Bí thư Chi bộ Văn phòng Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Tỉnh, rồi chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Hải Hậu. Năm 1948, ông được điều động lên công tác tại Chiến khu Việt Bắc, rồi năm 1950 được cử sang Trung Quốc học đại học tại Học viện Giao thông Đường Sơn. Đầu năm 1954, về nước, là kỹ sư tập sự, ông được cử làm trợ lý Công trường 1B ở Lạng Sơn đang mở để phục vụ cho công việc kéo pháo từ Trung Quốc về Việt Nam tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính ông là người đã đề xuất, phụ trách kỹ thuật xây dựng cầu Khánh Khê lịch sử nối liền Cao Lộc và Văn Quan, đảm bảo đưa xe pháo vào chiến trường an toàn, đúng thời hạn theo yêu cầu của cấp trên.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ ‘lừng lẫy năm Châu, trấn động Địa cầu’ lịch sử, ông về Hà Nội và được điều sang công tác tại Tổng cục Đường sắt, là đội trưởng Đội Cầu phủ Lạng Thương (1955), khôi phục chiếc cầu bị phá hủy nặng nhất trên tuyến đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan nằm trên địa phận tỉnh Lạng Sơn. Có thể nói, Nguyễn Tường Lân là chỉ huy đầu tiên của đội ngũ những người công nhân xây dựng cầu đường sắt Việt Nam. Sau cầu Phủ Lạng Thương, ông tiếp tục là đội trưởng các đội cầu Phủ Lý (Hà Nam), 1955; Ninh Bình, Đò Lèn (Thanh Hóa), 1956; Làng Giàng (Lào Cai), 1957 ;… Năm 1958, ông được điều về làm Viện trưởng đầu tiên của Viện Thiết kế Đường sắt mới được thành lập.

Năm 1963, Kỹ sư Nguyễn Tường Lân được điều lên giữ chức vụ Thứ trưởng kiêm Thường trực Đảng ủy Bộ Giao thông Vận tải phụ trách Khoa học, Kỹ thuật và Xây dựng, trực tiếp giúp việc và cố vấn cho Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ (1917 – 1991). Ngày 5 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ cho máy bay ra miền Bắc đánh phá các thành phố, các khu công nghiệp, các đầu mối giao thông. Hệ thống cầu, cống trên Quốc lộ 1, từ Vĩnh Linh ra nam Thanh Hoá là mục tiêu đánh phá ác liệt. Để ứng phó với tình hình nhiệm vụ mới, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã phân công ông vào tăng cường cho Ban đảm bảo giao thông Khu 4, với tư cách là đại diện Bộ (gọi tắt là B4). Giữa năm 1965, tại Binh trạm 12, dưới chân đèo Mụ Giạ, ông được đích thân Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ, trên đường vào chiến trường, truyền đạt chỉ thị của Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho ông ‘Đảm bảo giao thông vận tải ở tuyến lửa Khu 4. Trong mọi tình huống phải giành thế chủ động, quyết thắng âm mưu địch ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam", và "Khu 4 phải lo chân hàng cho 559, là hậu phương trực tiếp của Bộ Tư lệnh 559 - Nơi trung chuyển, vận chuyển tiếp hàng vào phía trong, rồi vào các chiến trường. Lúc này, tình hình ‘chân hàng cho 559’ đang hết sức ‘bê bối’. Trong thời gian này, ông còn được cử tham gia Bộ Tư lệnh Quân khu tham gia chỉ huy bảo đảm giao thông vận tải trên các tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam, đồng thời là Trưởng Ban B67 của Bộ phụ trách đảm bảo thông tuyến đường Trường Sơn phía tây Quảng Bình.

(còn nữa)
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #489 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2012, 10:10:27 pm »

(tiếp theo và hết)

Vào một ngày tháng 12 năm 1965, Nguyễn Tường Lân nhận được điện của ông Phan Trọng Tuệ nội dung : ‘Quân ủy Trung ương đã thống nhất với đề nghị của Tổng cục Hậu cần và Bộ Giao thông Vận tải, biệt phái ông sang làm Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559’. Ngay lập tức, ông về Bộ, nhận quyết định điều động, rồi vào Đại diện Bộ ở Khu 4, bàn giao công việc cho ông Dương Bạch Liên, Thứ trưởng thường trực của Bộ. Hai ngày trước khi vào Đường Trường Sơn, ông có vinh dự hết sức to lớn là được Bác Hồ gọi lên gặp, trực tiếp giao nhiệm vụ và dặn dò ‘Thanh niên là những người chủ tương lai của đất nước. Hiện nay trên Trường sơn có nhiều thanh niên xung phong được điều lên cùng bộ đội, cán bộ, công nhân các ngành nghề khác. Ở nhà các cháu có cha mẹ, anh chị chăm sóc. Trên Trường Sơn các Lãnh đạo Đoàn phải thay cha mẹ chăm sóc các cháu, phải chăm sóc các cháu thật tỷ mỷ. Các cháu nữ phải có quả bồ kết để gội đầu, chiếc lược bí để chải tóc. Các cháu nam phải có quả bóng, cây đàn để vui chơi, giải trí khi rảnh rỗi. Phải tổ chức tốt việc học tập văn hoá cho các cháu, để mỗi năm các cháu có thể lên được một lớp’.

Bộ Tư lệnh Trường Sơn lúc bấy giờ do Đại tá Hoàng Văn Thái (1920 – 2000) (sau là Trung tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật) làm Tư lệnh, Đại tá Vũ Xuân Chiêm (1923) (sau là Trung tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) làm Chính ủy, ông là Phó Tư lệnh trực tiếp chỉ huy việc mở Đường 20 – Quyết Thắng từ tây Quảng Bình vào A Sầu, A Lưới, tây Thừa Thiên, và những con đường mới vào chiến trường đảm bảo giao thông vận tải chi viện chiến trường cả trong mùa mưa. Sáng ngày 21 tháng 1 năm 1966, mồng một Tết Bính Ngọ, tại Công trường Đường 20, thay mặt Bộ Tư lệnh 559, ông là người phát lệnh khởi công con đường lịch sử này. Trong thời gian này, ông đã chỉ huy hợp đồng 3 trung đoàn bộ đội, 8.000 Thanh niên xung phong, 2.000 cán bộ và công nhân kỹ thuật … chọc thủng trên 100km núi đá Trường Sơn mở thông đường 20 phá thế độc tuyến Đường 12, bắt đầu đảm bảo vận tải bằng cơ giới cả mùa mưa và mùa khô trên Trường Sơn chi viện cho chiến trường.

Năm 1968, Nguyễn Tường Lân lại được rút về làm Phó Tư lệnh trực chiến Bộ Tư lệnh Bảo đảm Giao thông Vận tải chi viện tiền tuyến đóng tại Quân khu 4. Năm 1972, khi khởi công xây dựng cầu Thăng Long, ông lại được điều về làm Thứ trưởng kiêm Tổng Chỉ huy công trình xây dựng lớn nhất cả nước thời đó. Ngày 6 tháng 7 năm 1973, Xí nghiệp Liên hiệp cầu Thăng Long, một tổ chức xây dựng chuyên ngành cầu lớn đầu tiên của Việt Nam tiền thân của Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, được thành lập, ông được cử làm Giám đốc đầu tiên, và giữ chức vụ này cho đến tháng 8 năm 1974. Tháng 3 năm 1972, khi chuẩn bị mở chiến dịch Quảng Trị, ông lại được điều động trở lại Khu 4, làm Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy chi viện tiền tuyến, trực tiếp chỉ huy việc bảo đảm giao thông vận tải phục vụ đưa pháo 130 ly cùng khí tài và đạn dược vào Vĩnh Linh.

Năm 1975, sau chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, thống nhất đất nước, Nguyễn Tường Lân được cử vào miền Nam, tham gia Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trực tiếp làm Tổng cục trưởng Tổng cục Giao thông Vận tải chỉ đạo tiếp quản, khôi phục và quản lý các hoạt động của ngành Giao thông – Vận tải phía Nam. Năm 1976, ông được cử kiêm Tổng cục phó Tổng cục Đường sắt - Phó ban Chỉ đạo khôi phục tuyến đường sắt Thống nhất, trực tiếp chỉ huy việc khôi phục tuyến đường sắt từ thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng. Trong năm này, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4, ông được bầu vào Ban Chấp hành, là Ủy viên dự khuyết, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giao thông Vận tải sau kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục đường Biển. Ngày 30 tháng 9 năm 1977, Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban phân vùng kinh tế trung ương để giúp Hội đồng Chính phủ tổng hợp và chỉ đạo công tác quy hoạch và phân vùng kinh tế, phân bố lực lượng sản xuất trong cả nước, do Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị làm Trưởng ban, ông được cử tham gia Ủy ban trên cương vị Ủy viên.

Năm 1980, cảng Hải Phòng được quân sự hóa, mọi công việc chỉ huy, bốc xếp hàng hóa tại cảng đều giao quân đội đảm nhận. Sau một thời gian, nhận thấy mô hình này hoạt động không hiệu quả, cảng Hải Phòng trở lại mô hình hoạt động của một thương cảng. Nguyễn Tường Lân lại được cử về kiêm chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc cảng Hải Phòng, trực tiếp lãnh đạo việc khôi phục hoạt động của cảng đúng với nghĩa là một thương cảng. Năm 1981, ông nhận nhiệm vụ Trưởng đoàn chuyên gia Giao thông - Bưu điện của Việt Nam sang giúp nước bạn Cam-pu-chia. Sau gần ba năm, trở về nước ông tiếp tục đảm nhận công việc Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, phụ trách phía Nam cho tới khi nghỉ hưu (1989).   

Sau khi về hưu, thời gian đầu, ông sống tại thành phố Hồ Chí Minh, vẫn tiếp tục làm cố vấn cho nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải. Năm 1995, ông cùng bạn bè góp vốn mở Công ty TNHH Tiến Phát do ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, chuyên về cầu cống, đường, điện… Tuy nhiên, công việc làm ăn không được như mong muốn. Cùng năm này, ông nhận lời Ban Quản lý dự án Đường 5 về làm tư vấn. Tuy nhiên, đến năm 1997, vì nhiều lí do, ông chủ động xin nghỉ, và từ đây chấm dứt các hoạt động liên quan đến cầu đường. Cũng trong năm 1997, với tâm nguyện đóng góp cho quê hương, tạo công ăn việc làm cho bà con ở quê nhà, vợ chồng ông quyết định đầu tư số tiền để dành được mở 2 trang trại tại các xã Vũ Trung, Vũ Quý (Kiến Xương, Thái Bình) trồng cây ăn quả, đào ao thả cá nuôi tôm, làm chuồng trại chăn nuôi (bò sữa, gà, ngan…)… Năm 2001, vợ chồng ông lại bán căn nhà tại thành phố Hồ Chí Minh, sống hẳn ở quê nhà. Tháng 7 năm 2011, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam được thành lập, ông được mời làm Ủy viên danh dự Ban Chấp hành Hội.

Là một trí thức, nhà báo trước năm 1945, cán bộ tiền Khởi nghĩa - tham gia Cách mạng từ năm 1943, một trong những du học sinh lớp đầu tiên được Nhà nước cử đi học ở nước ngoài, một trong số ít kỹ sư cầu đường đầu tiên được đào tạo bài bản của Việt Nam, với hơn 40 năm hoạt động trong ngành Giao thông Vận tải, gần 30 chục năm giữ chức vụ Thứ trưởng phụ trách Khoa học, Kỹ thuật và Xây dựng phải kiêm nhiệm nhiều thứ – một khoảng thời gian kỉ lục!, Nguyễn Tường Lân đã đảm nhận nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt khác nhau trên nhiều lĩnh vực khác nhau, lúc làm cầu, lúc làm đường, từ giao thông đến vận tải, từ đường sắt đến đường biển, đâu đâu cũng có mặt ông từ hậu phương ra tiền tuyến, từ Bắc vào Nam rồi sang nước bạn, từ rừng núi biên giới, trung du xuống đồng bằng… Lúc ông còn công tác, đồng nghiệp, cấp dưới rồi công nhân ngành Giao thông Vận tải vẫn thường gọi vui ông là ‘trùm vận tải’, ‘trùm cầu đường, ‘trùm bốc xếp’, và ‘trùm thủy thủ đường biển’ bởi công lao to lớn của ông trong vai trò ‘tư lệnh’ những ngành này. Có thể nói rằng, Nguyễn Tường Lân là người khai sinh ra ngành xây dựng cầu và đường sắt Việt Nam, từ cây cầu tạm đầu tiên cuối thời kì Kháng chiến chống Pháp (cầu Khánh Khê), phục vụ cho việc kéo pháo về nước góp phần quan trọng cho chiến thắng Điện Biên Phủ, đến những cây cầu trên khắp miền Bắc nửa cuối những năm 50 của Thế kỉ 20 (Phủ Lý, Ninh Bình, Đò Lèn, Làng Giàng…) và rồi cây cầu dài, hiện đại đầu tiên của Việt Nam (cầu Thăng Long), từ vai trò đội trưởng đầu tiên của những đội cầu đầu tiên đến Viện trưởng Viện Thiết kế Đường sắt, rồi Giám đốc đơn vị xây dựng cầu đầu tiên (tiền thân của Tổng Cty Xây dựng Thăng Long), và rồi lãnh đạo việc khôi phục tuyến Đường sắt Bắc Nam sau chiến tranh… Với ngót chục năm lăn lội và gắn bó với Tuyến lửa Khu 4 rồi Đường Trường Sơn, từ những ngày đầu giặc Mỹ leo thang ra bắn phá miền Bắc cho đến ngày toàn thắng, Nguyễn Tường Lân có đóng góp không nhỏ nếu không muốn nói là chủ chốt đối với việc đảm bảo giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam, cho sự phát triển và mở rộng của con đường lịch sử - Đường mòn Hồ Chí Minh. Nhắc đến Đường Trường Sơn, bên cạnh những tên tuổi như Võ Bẩm, Phan Trọng Tuệ, Đinh Đức Thiện, Đồng Sĩ Nguyên, Đặng Tính, không thể không nhắc tới cái tên Nguyễn Tường Lân, người chỉ đạo xây dựng Đường 20 Quyết thắng và hàng loạt những cung đường mới sau đó. Ông là Phó Tư lệnh một binh đoàn lớn, duy nhất cho đến thời điểm này, chưa từng đi bộ đội trước đó.

Tuy nhiên, cuộc đời của ông không phải không có những thăng trầm, đúng như câu thơ mà thi sĩ Vũ Hoàng Chương mến tặng ông trong lần thi sĩ về thăm huyện Kiến Xương cuối năm 1946 : "Lạ mà quen đấy, ơn ngòi bút/Thăng với trầm ư, mặc cánh diều". Trong quá trình công tác đã có những ngày tháng ông ăn không ngon, ngủ không yên vì bị quy trách nhiệm "oan" trong một số công việc, từng suýt bị cách chức. Không ít ý kiến đề xuất tâm huyết, xác đáng của ông lúc còn đương chức và cả sau này khi đã về hưu, như cơ cấu, tổ chức lại ngành Giao thông Vận tải hay xây dựng hẳn một đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tránh xa các khu dân cư thay cho việc mở rộng đường 5 như hiện nay… đã không được chấp thuận, đến nay vẫn còn là nỗi buồn trong lòng ông. Những nỗi buồn này còn có thể bù đắp, che lấp bởi những ‘chiến công’ ông đạt được trong gần nửa thế kỉ ‘dấn thân’. Thế nhưng, nỗi buồn về đời tư không trọn vẹn, những bất hạnh khi về già thì khó ai có thể tưởng tượng nổi. Vợ chồng ông không có con, nghe lời khuyên của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ, những năm ông ở Trường Sơn, ở nhà bà xin một đứa trẻ bị bỏ rơi trong bệnh viện về làm con nuôi với hi vọng làm chỗ dựa lúc tuổi già. Nhưng thật đáng buồn, người con nuôi này lại nghiện ngập, "phá gia chi tử", nay vào trại mai ra trại, ông vẫn phải dành một phần lương hưu gửi vào trại nuôi con. Việc làm trang trại ở Thái Bình của ông không thành công cũng một phần là do người con. Năm 2003, ông bị ngã, lệch đĩa đệm, phải đi mổ, rồi năm 2009 lại tiếp tục phải mổ mắt, thị lực kém, đi lại khó khăn. Năm 2008, tai họa tiếp tục ập xuống đầu ông khi vợ ông qua đời. Không chốn nương tựa, ông về Hà Nội nương tựa vợ chồng người em. Thế những, vượt lên tất cả, ông vẫn sống lạc quan, yêu đời, giống như lời ‘nhắn nhủ’ khi xưa của thi sĩ Vũ Hoàng Chương ‘Thăng với trầm ư, mặc cánh diều’, với thú vui nhất là xem bóng đá.


Tham khảo : Phan Trọng Tuệ - Vị Tư lệnh đầu tiên của Đường Trường Sơn huyền thoại, Từ điển Thái Bình, Báo Công an Nhân dân.
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM