Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 06:48:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hình ảnh & Tiểu sử Lãnh đạo, Tướng lĩnh, Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam  (Đọc 826568 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #450 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2011, 05:12:46 am »


Thiếu tướng Nguyễn Tức (1932) từng giữ các chức vụ : Chủ nhiệm Trinh sát Mặt trận B3 (Tây Nguyên), Chủ nhiệm Trinh sát Quân đoàn 3, Trưởng Khoa Trinh sát – Quân sự nước ngoài, Học viện Quân sự cấp cao rồi Học viện Quốc phòng.

Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (Nhất, Nhì, Ba), Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng,…, Huân chương Ít-xa-la do Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trao tặng.

Đại tá (1983), Thiếu tướng (1994).


Ông sinh tại làng Phú Mại, xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Làng Phú Mại quê ông nằm trên dải đất ven đê sông Cầu, cách dòng Lục Đầu Giang và đến Kiếp Bạc không xa, bên kia sông là làng gốm Phù Lãng, Bắc Ninh, nổi tiếng.

Năm 1947, ông gia nhập đội du kích bảo vệ làng, xã, và được kết nạp vào Đảng năm 1949 khi mới 17 tuổi. Năm 1952, ông nhập ngũ, rồi được biên chế vào tiểu đoàn pháo lựu pháo 105 ly sang thành phố Liễu Châu, Trung Quốc, tập huấn. Đầu năm 1954, ông cùng tiểu đoàn về nước tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông được cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân và tốt nghiệp vào tháng 8 năm 1958. Đầu năm 1962, sau khi kết thúc khóa huấn luyện quân báo, ông lên đường vào Nam chiến đấu, gắn bó hơn 10 năm với Chiến trường B3 (Tây Nguyên) trên cương vị chỉ huy trinh sát của Chiến trường, tham gia đầy đủ các trận đánh lớn ở đây. Ông tham gia Chiến dịch Tây Nguyên, rồi trong đội hình Quân đoàn 3 tiến vào giải phóng Sài Gòn – Gia Định (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), tham gia bảo vệ Biên giới Tây Nam rồi phía Bắc.

Cuối năm 1982, sau khi kết thúc khóa học về lý luận, nghệ thuật quân sự, công tác tham mưu chỉ huy, ông được giữ lại làm giảng viên tại Học viện Quân sự cấp cao (từ năm 1994 là Học viện Quốc phòng). Năm 1984, ông được bổ nhiệm làm Trưởng Bộ môn Trinh sát thuộc Khoa Trinh sát – Quân sự nước ngoài. Năm 1987, ông được bổ nhiệm làm Phó khoa Trinh sát – Quân sự nước ngoài, rồi Trưởng khoa năm 1993 cho đến khi về hưu năm 2000 khi ở tuổi 67.

Trong thời gian công tác tại Học viện Quân sự cấp cao và sau này là Học viện Quốc phòng, Thiếu tướng Nguyễn Tức tham gia viết và chủ biên nhiều tài liệu về quân báo, trinh sát, nắm địch cho các học viên cũng như các trường trong Quân đội, và tài liệu chống chiến lược diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ. Nhiều lần ông đi giảng dạy trực tiếp tại các quân binh chủng, quân khu, quân đoàn, và được mời đi giảng dạy tại nước ngoài. Ông là người có sáng kiến đề nghị cấp trên tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn tại Học viện cho cán bộ cao cấp trong toàn quân nhằm nâng cao sự hiểu biết về tư tưởng chiến lược quân sự Việt Nam, nguyên tắc tổ chức chiến dịch, chiến đấu tấn công, phòng ngự cấp sư đoàn, quân đoàn và quân khu trong công tác quân báo trinh sát. Từ đó, vị thế của Khoa Trinh sát không những chỉ nâng tầm trong Học viện mà còn đối với Tổng Cục II (tức Tổng Cục Tình báo Quốc phòng).

Theo Báo Bắc Giang.
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #451 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2011, 11:00:36 pm »

Anh Ba Kiên – Vị tướng của lính, của dân


Là người đã có ít năm ở chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi hiểu một ngày, một đêm ở chiến trường là thế nào. Một ngày một đêm ở chiến trường là bom rơi, đạn nổ, là đói khát, là máu chảy, là đau đớn và chết chóc, là nỗi sợ hãi và lòng kiêu hãnh… và tôi thật sự khâm phục những người đã có gần nửa đời người tham gia trận mạc ở chiến trường. Anh Ba Kiên là một trong những con người đó.

Anh Ba Kiên - tên gọi thân thiện của Anh hùng LLVTND - Thượng tướng Phan Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quả thật, nếu không có hai sự tình cờ, thì tôi - mặc dù khi đó tôi là Đại tá, Tổng Biên tập Báo CAND và ANTG - hai tờ báo có thương hiệu của làng báo chí Việt Nam - vẫn chỉ đứng xa để chiêm ngưỡng anh Ba Kiên.

Lần tình cờ thứ nhất là tôi nhận được một cú điện thoại của anh Ba Kiên. Anh gọi từ Bình Dương. Anh bảo, anh đang ở xóm mồ côi tại ấp 4, xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát. Xóm mồ côi này có 14 gia đình với 50 nhân khẩu, là những người nghèo khó lang bạt tứ xứ các nơi về tá túc tại đây đã 16 năm vẫn chưa được cấp hộ khẩu, cấp chứng minh và điều đau lòng nhất là các cháu nhỏ không được học hành. Anh buồn và chợt nhớ đến tôi - một người mà anh nghe đâu đó nói rằng, tờ báo mà tôi làm Tổng Biên tập không bao giờ bỏ rơi những mảnh đời bất hạnh, vì thế mà anh tìm điện thoại gọi cho tôi.

Lẽ đương nhiên khi một vị tướng như anh Ba Kiên ra tay cùng với Báo CAND và ANTG của chúng tôi thì "xóm mồ côi" đã không còn "mồ côi" nữa. Hộ khẩu của 14 gia đình nghèo khó đã được cấp và các cháu nhỏ của xóm mồ côi đã được học hành, và anh Ba Kiên đã trở thành ông nội của gần 30 cháu của "xóm ông Ba Kiên" - tên gọi mới của "xóm mồ côi".

Và lần tình cờ thứ hai. Một lần, khi đến nhà người bạn thân của tôi - Giáo sư, Tiến sĩ, thi sĩ Hoàng Quang Thuận - trong tủ sách ngồn ngộn những sách, tôi chợt nhìn thấy gáy bìa một cuốn sách có tên "Lẽ sống" và hình anh Ba Kiên đeo quân hàm Thượng tướng với khuôn mặt đôn hậu, ánh mắt vui và đôi bàn tay ấm áp ôm chặt một người mẹ có mái đầu bạc trắng như cước. Tôi không biết bức ảnh đó được chụp trong hoàn cảnh nào. Nhưng tôi thầm phục nghệ sĩ nhiếp ảnh nào đó đã chụp ra con người anh Ba Kiên. Vì thế, tôi hỏi mượn bạn tôi cuốn sách "Lẽ sống" viết về anh Ba Kiên.

Cả đêm đọc sách viết về anh Ba Kiên, tôi thổn thức và có những trang nước mắt cứ chực trào theo con chữ. Mồ côi từ khi tròn 10 tuổi và đi theo cách mạng chỉ vì lòng căm thù giặc. Giặc ác quá. Giặc bắn giết người thân, làng xóm của anh. Và thế là anh phải đánh giặc. Vậy thôi. Với 20 năm đánh giặc ở vùng đất thép Củ Chi, với một tập sách và một tập ảnh, thật khó liệt kê được hết cuộc sống và chiến đấu của anh Ba Kiên cùng đồng đội và nhân dân của anh.

Nhưng một ví dụ mà tôi, một người lính, sẽ mãi mãi không bao giờ quên. Đó là hình ảnh anh Ba Kiên - một Đại đội trưởng với 60 người lính giải phóng đã mưu lược thuyết phục được chiến đoàn 46 với 1.860 sĩ quan và binh sĩ của quân đội ngụy - Sài Gòn đầu hàng, tránh được cuộc chiến đẫm máu trong trận đánh cuối cùng ở cửa ngõ Sài Gòn trước giờ lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam kiêu hãnh tung bay trên nóc Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975.

Để làm được việc này, không chỉ đòi hỏi ở Ba Kiên lòng dũng cảm, ở ý chí quyết chiến, quyết thắng của người lính cách mạng mà cái chính ở anh Ba Kiên là lòng vị tha, nhân văn, ở lòng tin và tình thương yêu con người. Chắc hẳn, khi quyết định một vấn đề trọng đại liên quan tới sự sống và cái chết của hàng nghìn sinh mạng cả phía địch và phía ta, anh Ba Kiên là người hiểu hơn ai hết nỗi mất mát của những người thân khi có cha, chồng, anh hoặc em chết ở nơi sa trường…

Vì thế, với tôi, anh Ba Kiên luôn là một vị tướng của lính và của dân.

Nguồn: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/tulieu/2011/1/74441.cand
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #452 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 12:31:20 am »

Vị Tư lệnh và con đường dài nhất thế giới


Dài nhất thế giới? Thú thực có lẽ không ít người từng ngan ngán lẫn sợ cùng dị ứng với những cái to nhất, lớn nhất, dài nhất, những ghinet Việt này khác mà người ta đã tri hô lên một cách vội vã...


Thiếu tướng Hoàng Kiền.

Nhưng với trường hợp này thì đành “bó tay chấm com” bởi đành phải gọi sự vật bằng cái tên của nó! Quả là dài nhất thế giới bởi con đường bê tông với chiều rộng 3,5m, nền đường 5,5m vắt qua 25 tỉnh, thành từ Quảng Ninh đến Kiên Giang với chiều dài 10.000km! Con đường ấy theo tiến độ, đến năm 2015 sẽ hoàn thành.

Đương cai quản con đường bê tông dài nhất thế giới ấy là một vị tướng. Thiếu tướng Hoàng Kiền. Tướng Hoàng Kiền, ông là ai?

Người quen, đường lạ?

Đó là con đường tuần tra biên giới (ĐTTBG) đất liền viền quanh dải đất thiêng hình S của Tổ quốc từ Móng Cái đến Hà Tiên. Con đường đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, một tuyến đường lịch sử đang dần được hình thành. 5 năm qua, hơn 1.500km đường như thế đã được hoàn thành.

Kế hoạch từ năm 2011 đến 2015, con đường lại tiếp tục vươn tiếp. Đang phải dằng dặc 8.500km nữa. Những khúc đường kết tinh bao gian nan gắng gỏi của những người lính!

Những người lính? Tại sao không? Chủ trương lớn mang tầm chiến lược của đất nước, bảo vệ giữ gìn cương vực chủ quyền quốc gia, công việc khó khăn gian nan ấy, ngày 14/3/2007 đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trao cho Bộ Quốc phòng đảm nhiệm. Tôi cứ lẩn thẩn rằng, Bộ Giao thông Vận tải,  Bộ Xây dựng và  không ít bộ ngành khác thiếu chi những đơn vị làm đường thiện chiến nhưng Chính phủ đã chọn Bộ Quốc phòng hẳn là có lý do?  Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, có lẽ làm cái việc chọn mặt gửi... đường đã trực tiếp giao cho Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam mà cụ thể là  tướng Hoàng  Kiền làm chủ đầu tư Ban quản lý Dự án Đường tuần tra biên giới gọi tắt là Ban Quản lý dự án (QLDA) 47.

Những người lính làm đường! Có lẽ thiên hạ đã quá quen với việc ấy... Nhưng ĐTTBG do Thiếu tướng Hoàng Kiền (một nhân vật hơi bị lạ, có vẻ như đang còn chìm khuất trong mặt bằng tướng lĩnh, chuyện đó xin được nói sau) đảm trách thì lại gây nhiều điều bất ngờ?

Bởi  đường chi mà lạ? Địa hình phức tạp, khó khăn thì phải tránh ra chứ? Nhưng những người lính làm đường lại cứ nhắm tuyến vào những địa hình gian nan bất lợi nhất về mặt kinh tế lẫn kỹ thuật thì cũng hơi bị lạ? Nhưng đấy cũng là điểm khác biệt lớn nhất là đặc thù và cũng là khó khăn nhất của việc thi công ĐTTBG. Yêu cầu số 1 khi xây dựng là phải bám sát biên giới quốc gia, trung bình cách đường biên 100m. Trường hợp đặc đặc biệt được cách tối đa 1.000m, nhiều đoạn chạy chính trên đường biên giới. ĐTTBG thường phải bám theo đỉnh núi, hoặc xuống khe suối rất sâu. Nếu ở chỗ khác thì người ta có thể tránh những đèo cao vực sâu, làm đường ở chân núi. Nhưng ĐTTBG thì không thể tránh được, đơn giản tránh thì sẽ cách xa đường biên và không còn đáp ứng được tiêu chí đặc thù của đường biên giới.

Theo quy hoạch, chúng ta phải làm mới khoảng 10.000 km. Cứ tưởng tượng, nếu chúng ta đi đường ôtô từ Hà Nội vào TP HCM là khoảng 1.600km, nhưng độ dài của ĐTTBG gấp 7 lần và tất nhiên, khi thi công sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc làm tuyến đường số 1. Làm xong thì nó sẽ là con đường bê tông xi măng dài nhất Việt Nam và có lẽ cũng là một trong những con đường bê tông xi măng dài nhất  thế giới!

Đó là thông tin ghi nhận qua một lần ngồi vội nhân  buổi chia vui với Ban QLDA 47 đã hoàn thành bước đầu 1.500km ĐTTBG. Không thể không biên ra đây những thông tin mang tầm cấp chiến lược.

 ĐTTBG được xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ đội Biên phòng tuần tra, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, chống vượt biên, chống xâm nhập trái phép, chống buôn lậu vận chuyển ma túy qua đường biên giới. Tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ đội Biên phòng di chuyển, thành lập mới các đồn, trạm biên phòng, góp phần củng cố các khu vực ở tuyến phòng thủ biên giới. Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phân giới cắm mốc biên giới, ổn định tình hình an ninh ở nhiều khu vực nhạy cảm.

Ấn tượng không chỉ có vậy... Một lần (cũng là gặp vội) với tướng Hoàng Kiền, chúng tôi đã nghe ông bật mí rằng, với hơn 1.500km ĐTTBG đã hoàn thành, theo đơn giá năm 2009, đơn giá bình quân là 7 tỉ đồng Việt Nam/1km so với định mức 8,18 tỉ VND/1km so với suất đầu tư của Bộ Xây dựng!

Nghe mà hơi gai gai?! Bởi những người anh em làm đường của ngành xây dựng khéo mà... tự ái khi nghe công bố đơn giá ấy? Lại nữa, từng nghe thiên hạ đang rầm lên những là thất thoát này khác trong xây dựng cơ bản, nhất là trong lĩnh vực làm đường, Ban QLDA 47 của Bộ tổng Tham mưu có phép mầu, bí quyết gì chăng?

Góp phần giải đáp những băn khoăn hoặc lẫn tò mò ấy, rất nhanh, những người lính ở Bộ Tổng tham mưu đã giúp chúng tôi có một chuyến cơ động mới đây. Chúng tôi đã không chọn Dự án ĐTTBG khu vực Tây Bắc giai đoạn 2006-2010  đã thông tuyến (226/228km đã xong nền đường) và đang đẩy nhanh tiến độ đổ bêtông mặt đường. Chúng tôi ngược về miền Tây Thanh Hóa, nơi đó đơn vị 319 đang mở những mét đường đầu tiên của tuyến ĐTTBG Việt - Lào.

Mùa xuân biên giới thơ mộng ở đâu nhưng tại nơi đóng quân cùng địa bàn thi công của những người lính mở ĐTTBG là mây mù giăng đặc. Không khí ẩm có cảm giác vo được từng vốc nước. Mọi thứ ẩm xì, nhão nhoét. Và vắt lăm le chực búng vào cổ cùng chỗ kín...

Gặp chủ đầu tư công trình. Đã đành. Ngồi chuyện với các kỹ sư, những người lính thợ và công nhân, tất nhiên dễ thôi. Nhưng phải gặp cả bên cung cấp vật liệu thi công và bên tư vấn giám sát để họ cởi mở, bộc bạch ra điều này nhẽ khác thì chả dễ chút nào! Đành phải có cách này cách khác...

Ghi nhận đầu tiên. Những đơn vị tham gia thi công ĐTTBG là những lực lượng thi công chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp từ khâu thiết kế, cấp phối bê tông, kiểm tra vật liệu đầu vào, giám sát thi công, kiểm tra bê tông sau thi công, đảm bảo chất lượng nền đường mặt đường bê tông xi măng v.v... Phải chăng đây là bí quyết (bí quyết là cách gọi cho sang thôi! Bởi cứ răm rắp, cứ nghiệt ngã theo quy trình, quy định thi công cộng với thứ quân lệnh như sơn mà không ít đơn vị mần đường hoặc vô tình hoặc cố ý sao nhãng để kiếm chác?) để làm nên kỳ tích (mà có thể gọi là huyền thoại?) để Ban QLDA 47 đạt được đơn giá 7 tỉ/km  ĐTTBG? Chợt nghĩ đến câu thành ngữ một thời nước sông công lính nhất là lính làm đường.

Một lần phóng viên ảnh Xuân Gụ của Báo Quân đội nhân dân sau chuyến đi với những đơn vị thi công ĐTTBG về thảy cho bộ phận Thư ký tòa soạn một xấp ảnh. Bên Thư ký tòa soạn cứ nằng nặc phải tìm bằng được một tấm ảnh có cảnh những người lính giăng hàng đang làm đường cho có khí thế (!?) Xuân Gụ cáu, các bố xưa rồi, bây giờ quân đội làm đường không phải như trước nữa!

Không phải như trước, tất nhiên không phải 100% cơ giới là máy móc, nhưng hầu như tất cả những đơn vị thi công đều mua sắm hoặc thuê những thiết bị thi công đường hiện đại tiên tiến. Tất nhiên tiến độ chất lượng nhanh hơn, tốt hơn. Và tất nhiên khâu đưa các loại thiết bị phương tiện thi công lên những địa hình phức tạp, công sức người lính cũng gian nan hơn nhiều lắm!

Xuống bể lên rừng vì chủ quyền an ninh quốc gia

Không biết có kilômét ĐTTBG nào tướng Hoàng Kiền gặp lại những khúc cua cheo leo thuở là anh lính Trường Sơn mở đường vào các chiến trường? Bây giờ trên chiếc Uoát lắc lư oặt người qua những khúc ngoặt chóng mặt của tuyến ĐTTBG mới mở, tôi mơ màng nghĩ tới thời điểm năm 2015, 10 ngàn cây số ĐTTBG sẽ vo vo bánh xe du lịch của các con dân nước Việt lần lượt thẩm định lại cảm giác chủ quyền cương vực lãnh thổ quốc gia qua 25 tỉnh, thành!

Động thái nhồi lắc ấy chợt cho cảm giác những lần ra Bạch Long Vĩ và Trường Sa.

Rân rân cảm giác phục lẫn ngại. Bởi leo Trường Sơn hay ra Bạch Long Vĩ, Trường Sa thì cũng chỉ dẫm lại, dẫm lên theo những vệt chân của người lính Hoàng Kiền.

 Yên hàn. Người lính công binh mở đường Trường Sơn Hoàng Kiền không trở về quê hương Giao Thủy. Học viện Kỹ thuật quân sự đã cung cấp cho Quân chủng Hải quân một sĩ quan công binh có hạng. Từng nằm nghe sóng ở Bạch Long Vĩ và không dám thuật ra đây những công trình quân sự lẫn dân sự được gọi mật danh là công trình xa trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Những công trình ấy không ghi trên biển đồng bia đá tên người chỉ huy lẫn phiên hiệu những đơn vị thi công. Nhưng chắc chắn trong những hồ sơ lưu trữ có những dòng đại loại, sĩ quan cấp tá Hoàng Kiền từng ròng rã 3 năm làm nhiệm vụ tại hòn đảo này...

Sâu đậm trong tâm trí vị tướng từng là Tư lệnh Quân chủng Công binh là những năm xa khi còn đang phụ trách Đoàn 83 Hải quân. Hơn một tháng trời ròng rã được tháp tùng chuyến công tác đặc biệt của Đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Hải quân vào những năm tháng cam go nhạy cảm của chủ quyền cương vực quốc gia về lãnh hải... Tầm nhìn nhạy cảm chiến lược nhưng thiết thực hiệu quả của vị đô đốc ấy đã tìm thấy hiệu ứng tức thì ở viên sĩ quan phụ tá! Làm được không cậu? Báo cáo thủ trưởng, khó nhưng phải cố...

Việc phải làm phải cố ấy là xây dựng gấp những công trình phòng thủ và sinh hoạt trên những hòn đảo nổi, đảo chìm ở quần đảo Trường Sa. Đưa những loại vật liệu thông dụng như sắt thép, xi măng, bê tông trên lộ hải dằng dặc mấy trăm hải lý bây giờ còn đương là gian nan nữa là những năm cuối 80 của thế kỷ trước! Đơn giản cái máy cắt sắt khi ấy không kiếm đâu ra, chả lẽ giữa muôn trùng sóng gió như thế giăng trần sức lính ra để chặt để đục và làm mồi cho nước mặn? Hoàng Kiền phải xoay xỏa nhờ ông bạn làm ở tàu viễn dương sang Nhật mua mấy chục cái cả máy đầm lẫn máy trộn bê tông.

Đo đạc tính toán kỹ càng, những thiết bị chuyên dụng ấy từ trong đất liền đã làm vơi biết bao khó nhọc của người lính công binh hải quân và làm bền chắc thêm, chất lượng thêm những công trình phòng thủ tại nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Từng được ngắm ngó rờ rẫm bởi tò mò và thán phục những khối bê tông cốt thép chắc khừ lẫn khéo léo che chở  vũ khí, khí tài và nơi ăn ngủ, nơi chứa nước ngọt của những người lính đảo tại đảo chìm X., đảo chìm B., đảo H.,  đảo M. v.v... bây giờ ngồi hầu chuyện vị tư lệnh đang lo xây hơn 10 ngàn cây số đường chủ quyền cương vực cứ rân rân nhiều thêm cảm giác tự hào thán phục.

Ròng rã 10 năm, từ năm 1989 đến 1998, Đoàn trưởng Công binh 83 Hải quân Hoàng Kiền, tính sao hết những lần ra Trường Sa, cùng lính phơi mặt với sóng gió với biển mặn trên  hàng chục đảo lớn nhỏ chủ quyền. Tổ quốc ơi, tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống. Câu thơ Trần Đăng Khoa có vẻ đúng hơn cả với những người lính công binh Hải quân từng xây dựng công trình trên những đảo chìm Trường Sa. Phải nhìn xuống để mà lo việc, làm việc cho kỹ, cho chất lượng! Ròng rã 10  năm, những người lính có thể thay, nhưng khung cán bộ thì phải giữ phải trụ lại với công trình trên đảo đá.

Có hai thứ ở Trường Sa mà giờ nghĩ lại vẫn sợ lẫn ngạc nhiên nên phải hỏi thêm tướng Hoàng Kiền. Ấy là công trình trên một số đảo chìm. Đầu tiên là khung gỗ là nơi tập kết vật liệu. Kể ra thì vô số sáng kiến của lính ta để giữa ngầu ngầu bọt sóng ấy (thơ Trần Đăng Khoa) dần dà sinh thành giọt máu thiêng - mọc lên một công trình chắc khừ như một thứ cột mốc chủ quyền khổng lồ! Thứ nữa là con kênh để cho tàu vào trên đảo Đ.

Bạn thử tưởng tượng dưới mức nước chỉ hơn 1m lại có một vùng đá nhiều ha. Tạo một con kênh để tàu vào ra, nói thì dễ nhưng gian nan thay. Phương tiện thi công có thể bây chừ có nhưng thử lùi lại những năm cuối 80 ấy? Vậy mà chỉ bằng thuốc nổ và cung cách làm việc sáng tạo khoa học, đơn vị của Hoàng Kiền  suốt 4 tháng trời đã bền bỉ khéo léo đào ngầm tạo ra một con kênh rộng 50m, sâu 5m, dài 750m. Con kênh ấy không những bây giờ vẫn hữu dụng mà vẫn tiếp tục giá trị trong  rất nhiều năm nữa... Đô đốc Giáp Văn Cương khi trực tiếp chứng kiến công trình hoàn thành, nhìn tàu ta vào ra đảo đã ôm lấy Hoàng Kiền và những người lính công binh của mình mà khóc!

Lặng lẽ những lên rừng rồi lặng lẽ mười mấy năm xuống bể và bây giờ lại... lên rừng. Tướng Hoàng Kiền là thế! Có lẽ khó mà tính đếm những gian nan của người vợ là cô giáo cấp 2 Giao Thủy -  Nam Định từng biền biệt xa chồng. Cũng như khó tính đếm những gian nan, những chiến công  mà người chiến binh Hoàng Kiền vun đắp cho cương vực chủ quyền quốc gia trong những ngày xanh hòa bình nhưng lặng lẽ còn ít người biết đến ấy...

Nguồn: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/tulieu/2011/3/74765.cand
Logged
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #453 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2011, 07:55:41 am »


Đại tá Liệt sỹ Đặng Tính (1920 - 4.4.1973) từng giữ các chức vụ : Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Hải Dương, Chính ủy Mặt trận Đường 5, Mặt trận tả ngạn sông Hồng, Chính ủy Liên khu 3, Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Phó Cục trưởng Cục Dân quân, phụ trách Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu, Thành viên Đoàn Đại biểu Quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ đội Pathet Lào trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến tại Lào, Cục trưởng (đầu tiên) Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, Cục trưởng Cục Không quân, Chính ủy Quân chủng Phòng không Không quân, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, Chính ủy Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn.

Ngoài ra, ông còn từng là : Bí thư Huyện ủy huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, Liên khu Ủy viên Liên khu 3, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Thái Bình, Đại biểu Quốc hội Khóa 3 và 4.

Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (hạng Nhất, Ba), Huân chương Chiến thắng (chống Pháp) hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba)…

Đại tá (1958).


Đại tá Đặng Tính tên thật là Đặng Văn Ty, sinh tại thị trấn Phả Lại, nay là phường Phả Lại, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tổ tiên ông vốn gốc tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội, đến đời cụ ông thì chuyển về Phả Lại sinh sống.

Ông tham gia Cách mạng từ rất sớm. Cuối năm 1944, là tổ trưởng Việt Minh, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng thị trấn Phả Lại ; 5.1945, Đội trưởng Đội Vũ trang, Tuyên truyền và Tự vệ Chiến đấu huyện Chí Linh ; 8.1945, Bí thư Việt Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng, kiêm Bí thư Huyện ủy huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

3.1946, Tỉnh ủy viên tỉnh Hải Dương phụ trách các huyện Nam Sách, Chí Linh, Đông Triều, Kinh Môn ; 10.1946, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ tỉnh Hải Dương ; 1947, Chính trị viên Chi đội Tự vệ Chiến đấu, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Hải Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Khu ủy viên Liên khu 3.

4.1950, Chính ủy Mặt trận Đường 5, Mặt trận tả ngạn sông Hồng kiêm Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Thái Bình ; 4.1951, Chính ủy Liên khu 3, Tư lệnh Khu Tả Ngạn ; 10.1953, Cục phó Cục Dân quân, phụ trách Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu, thành viên Đoàn  Đại biểu Quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Giơ-ne-vơ (1954) ; 8.1954, Trưởng Đoàn Đại biểu Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ đội Pathet Lào trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến tại lào ; 3.1955, thành viên Ủy ban chống ép di cư tại Thanh Hóa.

5.1955, Cục trưởng đầu tiên Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam ; 1.1959, Cục trưởng Cục Không quân ; 1961, học tại Học viện Không quân Trung Quốc ; 10.1963, Chính ủy Quân chủng Phòng không Không quân ; 6.1967, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân ; 10.1969, Chính ủy Quân chủng Phòng không Không quân ; 10.1971, Chính ủy Đoàn 559 theo đề nghị trực tiếp của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên khi ông được quyền chọn chính ủy Trường Sơn từ trong số các Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chính ủy Quân khu, Quân Binh chủng.

Trong thời gian chiến đấu tại Đường Trường Sơn, với tác phong sâu sát, chịu khó tìm hiểu, qua một thời gian ngắn làm việc với các cơ quan, trao đổi với Tư lệnh, ông đã nắm bắt được tình hình, nhiệm vụ của Bộ tư lệnh trong kế hoạch 1971-1972 và những bước tiếp theo. Rất tâm đắc với những tổng kết có giá trị từ kinh nghiệm xương máu của đồng đội qua 13 năm chiến đấu trên đường Trường Sơn, ông đã tóm tắt thành những câu thơ và ghi chép lại trong nhật ký của mình để truyền đạt cho bộ đội dễ nhớ. Trong phiên họp Đảng ủy đầu tiên trên cương vị mới, cũng là phiên họp thông qua quyết tâm Chiến dịch vận chuyển mùa khô 1971-1972 mang tên “Chiến dịch Đồng Xoài”, ông đã đề nghị với Đảng ủy và Bộ tư lệnh được cùng Phó chính ủy Lê Xy - người có kinh nghiệm về lãnh đạo chỉ huy vận tải trên tuyến - phụ trách chỉ huy tiền phương “Chiến dịch Đồng Xoài” để được thâm nhập thực tế. Ông đã xuống các đơn vị cơ sở, các điểm chốt công binh, trạm giao liên, trạm phẫu thuật... để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của anh em chiến sĩ. Bộ đội Trường Sơn rất ấn tượng với hình ảnh người Chính ủy từng cầm kéo cắt tóc cho chiến sĩ, từng lợp lán cùng bộ đội, nói chuyện thời sự, làm thơ và đọc thơ cho chiến sĩ nghe...

Đại tá Đặng Tính hy sinh ngày 4 tháng 4 năm 1973 trong lần đi kiểm tra lần cuối trước khi ra Bắc nhận quyết định làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Và nếu không hy sinh, năm 1974, ông sẽ được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng bảo rằng việc Chính ủy Đặng Tính hy sinh là một tổn thất rất nặng nề, bởi sau chuyến thị sát, Tư lệnh và Chính ủy sẽ dự tính thực hiện những kế hoạch có tính chiến lược. Mọi ý định vẫn còn đang dang dở thì ông đã mãi mãi đi xa… Trước khi kết thúc bài viết, xin ghi lại đây một số nhận xét về Đại tá Đặng Tính của cấp trên, đồng cấp, cũng như cấp dưới, những người đã từng sống và chiến đấu với ông.

“Có thể nói, đồng chí Đặng Tính như một “con dao pha”, từ Tư lệnh Khu Tả ngạn chuyển lên Cục Dân quân, từ Cục Dân quân chuyển sang Cục Tác chiến rồi sau đó lại phụ trách một công việc hoàn toàn mới mẻ là xây dựng không quân non trẻ của Quân đội ta… Trong các lĩnh vực, “con dao pha” ấy đều tỏ ra sắc bén” (Đại tướng Văn Tiến Dũng).

“Tôi đã biết anh từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, anh là một con người dày dạn kinh nghiệm chỉ đạo xây dựng Đảng và công tác chính trị, dày dạn kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu, xây dựng tổ chức…” (Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên)

“Tôi biết Đại tá Đặng Tính từ khi anh làm Cục trưởng Cục Không quân vào những năm đầu hòa bình trên miền Bắc. Khi tôi đang là cán bộ Cục Tổ chức, đã có nhiều lần được làm việc với anh và được biết anh là một cán bộ chính trị tiêu biểu cho hàng ngũ cán bộ chính ủy cấp quân khu, quân - binh chủng…Người mà hầu hết chiến sĩ trong Quân chủng đều biết mặt; người hiền lành, điềm đạm, dễ gần và hết sức khiêm tốn; người lãnh đạo rất dân chủ, hết lòng yêu thương và giúp đỡ cán bộ cấp dưới... Làm công tác Đảng, công tác chính trị ở chiến trường Trường Sơn, có được sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của một cán bộ chủ trì mẫu mực về phong cách, tầm nhìn như anh Đặng Tính, tôi thấy mình có một may mắn, hạnh phúc lớn” (Thiếu tướng Võ Sở)


Tham khảo: Báo Quân đội Nhân dân.
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #454 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2011, 03:10:29 am »


Thiếu tướng Phó Giáo sư Lê Văn Chiểu (15.5.1926) từng giữ các chức vụ : Phó Phòng Kỹ thuật Tổng cục Hậu cần, Trưởng Phòng Nghiên cứu Vũ khí – Viện Nghiên cứu Kỹ thuật, Hiệu phó Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự), Phó Tư lệnh Kỹ thuật Đặc khu Quảng Ninh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, Huân chương Vì sự nghiệp Khoa học Công nghệ… Đặc biệt, ông đã được Nhà nước trao tặng 2 Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ.

Thiếu tướng (1984).


Ông vốn nguyên quán tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, sinh ra và lớn lên tại Phú Nhân thuộc thành nội Huế, lúc còn nhỏ học tiểu học tại Trường Paul Bert, rồi trung học tại Trường Tư thục Thuận Hóa. Năm 1946, sau khi đỗ tú tài tại Trường Quốc học Huế, ông ra Hà Nội theo học Ngành Toán đại cương. Mùa Đông năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến của Hồ Chủ tịch, ông « xếp bút nghiên », xung phong vào lực lượng công binh, tham gia vào 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô.

Khi Trung đoàn Thủ đô rút lên Việt Bắc, đầu năm 1947, Lê Văn Chiểu được cử làm thư ký cho ông Hoàng Đạo Thúy - Hiệu trưởng Trường Lục quân. Vũ khí của bộ đội đầu Kháng chiến chống Pháp rất thiếu thốn và còn thô sơ, chủ yếu là gậy gộc, giáo mác… trong khi phải đương đầu với cả một cỗ máy chiến tranh hiện đại của Pháp. Ngành Quân giới non trẻ đứng trước yêu cầu phải tập hợp những trí thức yêu nước để tự nghiên cứu, chế tạo vũ khí. Lúc ấy, những ai giỏi Toán đều được gọi vào đây. Những sinh viên còn chưa rời ghế nhà trường, chưa trải qua đào tạo cơ bản về vũ khí như Lê Văn Chiểu, chiếm đa số.

Về Cục Quân giới, ông được phân công về Phòng Xạ thuật (hay còn gọi Thuật phóng) của Nha Nghiên cứu Kỹ thuật - cơ quan nghiên cứu, chế tạo vũ khí, hàng quân dụng đầu tiên của Quân đội. Cuối năm 1948, yêu cầu đặt ra là phải có súng lớn để xuyên phá được hệ thống công sự bê tông của Pháp, Nha Nghiên cứu Kỹ thuật triển khai nghiên cứu súng không giật SKZ 60. Ban nghiên cứu gồm 5 người do ông Nguyễn Trinh Tiếp - Trưởng phòng Xạ thuật - là trưởng ban, chủ trì đề tài. Lê Văn Chiểu được phân công phụ trách tiến hành các bước thử nghiệm và phụ trách sản xuất loạt « 0 » tức loạt súng thử nghiệm. Với những thành tích của mình, năm 1949, ông được kết nạp Đảng.

Năm 1951, mặc dù vẫn còn đang trong thời kì kháng chiến, Chính phủ bắt đầu gửi lớp học sinh đầu tiên sang Liên Xô, với kỳ vọng họ sẽ là những viên gạch hồng xây dựng Cách mạng trong tương lai. Lê Văn Chiểu có vinh dự và may mắn được nằm trong lớp du học sinh đầu tiên ấy. Họ gồm có 21 người, trong đó có 4 người theo học đại học gồm ông (trẻ nhất) và 3 người khác là : Phạm Đồng Điện (sau này là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), Nguyễn Đức Thừa (sau này là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), Hoàng Bình (sau này là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp). Trước khi lên đường, ông và Đoàn đã được Hồ Chủ tịch đến thăm và trực tiếp dặn dò (18.7.1951).

Lê Văn Chiểu là người duy nhất học về vũ khí. Ông học ở Trường Đại học Tổng hợp Bauman, Khoa Cơ khí Quốc phòng, Ngành Vũ khí Tự động trong năm năm rưỡi (từ 9.1951 đến 3.1957). Ngành này đào tạo kỹ sư để có thể thiết kế các loại súng từ đại liên cho tới đại bác 30mm (cho máy bay). Để bồi dưỡng kiến thức cơ bản, ông được gửi học từng thầy riêng, một thầy kèm một trò, học các môn khoa học cơ bản và kỹ thuật cơ sở chung. Có lẽ đây là trường hợp đặc biệt nhất của các du học sinh ở Liên Xô lúc đó. Trong 3 năm cuối cùng, ông được học và thực tập cùng với sinh viên Liên Xô.

Sau khi tốt nghiệp với bằng đỏ, về nước, ông được bổ nhiệm Phó Phòng Kỹ thuật thuộc Tổng cục Hậu cần (1957-1960), rồi Trưởng Phòng Nghiên cứu Vũ khí – Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Quân sự (1960-1966).

Năm 1962, trên chiến trường Mỹ-ngụy dùng mìn Cờ-lây-mo để phục kích bộ đội. Đó là loại mìn vỏ nhẹ, dùng thuốc nổ để phóng mảnh về phía trước. Lê Văn Chiểu nghe nói Liên Xô cũng có mìn định hướng, nhưng lại chưa có trong danh mục vũ khí viện trợ. Năm 1963, ông và các cộng sự bắt tay nghiên cứu loại mìn này. Ông tìm thấy trong nội dung một báo cáo khoa học đăng trong tạp chí Vật lý Ứng dụng của Liên Xô mô tả toán học hiện tượng nổ của một tấm phẳng thuốc nổ ghép sát với một tấm vật liệu rắn. Kết quả này cho phép tính tốc độ văng của tấm vật liệu rắn và những yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ của nó. Một điều đáng nói là không biết vô tình hay cố ý mà Tạp chí trên đã in sai công thức tính toán mà không đính chính. Ông cùng đồng nghiệp đã tính toán, chứng minh, xác định được lỗi in sai của công thức trong phần tóm tắt tổng kết công trình.

Từ các cơ sở ấy, Lê Văn Chiểu đã xây dựng được lý luận tính toán thiết kế mìn phóng mảnh định hướng. Sau đó đã làm các mẫu thử với nhiều hình dạng, kể cả dùng bánh thuốc TNT 200g có sẵn gọt mặt 100 × 200 hình máng chữ V và dán mảnh vào đó. Các cuộc thử nghiệm ở bãi thử công binh tại Đáp Cầu cho kết quả tốt. Nhằm đưa nhanh kết quả phục vụ cho chiến trường miền Nam, vì nhận thấy mìn định hướng cấu tạo rất đơn giản, có thể làm được tại chỗ nên ông và đồng nghiệp đã viết tài liệu hướng dẫn thiết kế và chế tạo, in rô-nê-ô trình lên Bộ Quốc phòng gửi vào Nam qua đường liên lạc.

Sau khi nhận được bản thiết kế, Quân giới Miền đã làm thử 8 quả định hướng cỡ 300mm nặng 11kg. Thấy uy lực của loại mìn này, Quân Giải phóng đã sản xuất hàng loạt và phát triển thêm một số loại hình thù như hình tròn, hình chữ nhật, với các kích cỡ khác nhau. Mìn định hướng trở thành vũ khí lợi hại, giúp quân và dân miền Nam đánh trực thăng, chống địch càn quét, đánh ca-nô trên sông, đánh xe tăng, mở cửa đột phá qua rào dây thép gai nhiều lớp của Mỹ ngụy một cách gọn ghẽ…

Năm 1965, Mỹ ngày càng leo thang chiến tranh, có ưu thế trên chiến trường nhờ hỏa lực mạnh. Từ yêu cầu chiến trường lúc đó, bộ đội cần có vũ khí gọn nhẹ nhưng uy lực mạnh, bắn đồng loạt từ xa, tiêu diệt trên diện rộng, tầm bắn chính xác. Lúc bấy giờ, Quân đội đã được Liên Xô viện trợ tên lửa BM 14-17, giàn phóng 17 ống dày 2,6mm, cỡ nòng 140mm, đặt trên ô tô, toàn bộ nặng khoảng 2,5 tấn. Tuy nhiên, giàn phóng này chỉ bắn từng phát liên tiếp, không thể bắn đồng thời một loạt. Đạn nặng khoảng 40kg, có mấu hãm giữ trên bệ với lực 200kg. Giàn phóng ấy tuy hiện đại nhưng rất cồng kềnh, nặng nề, bất tiện cho tác chiến. Bộ tư lệnh Binh chủng Pháo binh đặt vấn đề xem có cách nào để cải tiến cho dễ cơ động hơn không. Nhiệm vụ ấy được giao cho Cục Nghiên cứu kỹ thuật (Bộ Quốc phòng).

Quá trình nghiên cứu được tiến hành trong năm 1965, do Lê Văn Chiểu là chủ nhiệm đề tài. Sau thời gian nghiên cứu, ông quyết định mẫu thực nghiệm như sau: Bệ phóng gồm ống phóng bắt vào bệ gỗ. Ống phóng làm bằng tôn thép mỏng cuộn lại, dài 1140mm, ghép mép và hàn có đánh 4 đường sống dọc lồi vào bên trong, tiếp tuyến với mặt hình trụ của đạn. Tấm gỗ của bệ làm bằng ván dày 2cm bản rộng 25cm, dài 120cm. Tiện lợi ở chỗ, bệ tên lửa làm bằng gỗ này không cần vận tải vào Nam mà có thể dễ dàng làm tại chỗ dựa theo bản thiết kế. Toàn bộ bệ chỉ nặng khoảng 10,5kg. Khi thử nghiệm, bệ phóng được kê đầu trên túi đất, chèn thêm các túi đất lên trên và quanh tấm gỗ để cố định bệ. Góc bắn được lấy 45 độ, điểm hỏa bằng 6 quả pin 1,5V. Thử nghiệm cho thấy luồng phụt không làm hư hại bệ phóng, có thể dùng lại được. Tầm bắn của giàn tên lửa mới này khoảng 8km, so với tầm bắn của BM 14-17 là 10km. Tuy nhiên, độ chính xác của giàn tên lửa mới lại khá cao. Giàn phóng ứng dụng có 12 ống, bắn đồng loạt. Theo biên chế mẫu, mỗi tiểu đội sẽ được tổ chức thành hai cụm, mỗi cụm 6 khẩu. Vũ khí mới này được mang tên là A12. Ống phóng tên lửa A12 rất gọn nhẹ, sức người vác được.

Ứng dụng thực tiễn đầu tiên của A12 là khi nó được quyết định sử dụng để tấn công Sân bay Đà Nẵng vào rạng sáng ngày 27 tháng 2 năm 1967. Trận tập kích thành công và đã phá hủy, làm hư hỏng 94 máy bay, 200 xe quân sự, tiêu diệt và làm bị thương nhiều lính Mỹ-ngụy. Trận này được đánh giá là một trong những trận đánh lớn của Quân Giải phóng nói chung và Pháo binh Miền nói riêng tại thời điểm đó, là cột mốc đánh dấu sự thay đổi trong tương quan hỏa lực của hai bên trên chiến trường. Ngay sáng hôm sau, các hãng tin của nước ngoài đồng loạt đưa tin về trận đánh này.

Năm 1966, khi đang say mê với công việc nghiên cứu vũ khí, ông bất ngờ được cấp trên giao cho nhiệm vụ mới đó là Nghiên cứu lập phương án xây dựng cơ sở đào tạo kỹ sư quân sự trong nước. Ngày 28 tháng 10 năm 1966, Phân hiệu II Đại học Bách khoa (tên gọi của Đại học Kỹ thuật Quân sự lúc đó) đã được thành lập. Lê Văn Chiểu được bổ nhiệm là Phó hiệu trưởng, phụ trách công tác huấn luyện và nghiên cứu. Trong khoảng 14 năm (1966- 1979), ông góp phần xây dựng nền móng vững chắc của Trường.

Chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra, Lê Văn Chiểu rời mái trường Đại học Kỹ thuật Quân sự ra khu vực biên giới giữ chức vụ Phó tư lệnh Đặc khu Quảng Ninh (1979-1981), rồi sau đó ông lần lượt giữ các chức vụ Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (1981-1988) và Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cho đến khi về hưu (1995).

Với những đóng góp to lớn của mình cho sự phát triển của Ngành Khoa học Kỹ thuật Quốc phòng, Thiếu tướng Lê Văn Chiểu đã được nhận hai Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 ngày 18 tháng 8 năm 1997 vì đã tham gia nghiên cứu, chế tạo ra hai vũ khí nổi tiếng, đó là súng không giật SKZ (nằm trong giải thưởng cho nhóm tác giả chế tạo ra “Một số vũ khí đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp như súng không giật SKZ và SS trong thời gian 1945-1954”) và tên lửa A12 (nằm trong giải thưởng cho nhóm tác giả chế tạo ra “Một số vũ khí đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ: Như A12, DKB nối tầng, các loại vũ khí phá chướng ngại FR, thủy lôi APS trong thời gian 1960-1972”). Trong số những người được giải thưởng cùng ông, có nhiều người đã từng là học trò của ông, từng được ông hướng dẫn từ những bài vỡ lòng về chế tạo vũ khí. Năm 2002, Thiếu tướng Lê Văn Chiểu tiếp tục nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ vì đã tham gia nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại mìn, lựu đạn, thủ pháo và thiết bị điều khiển nổ có tính năng đặc biệt trong kháng chiến, với cương vị là cán bộ chủ trì và tham gia chính.

Thiếu tướng Lê Văn Chiểu là người đầu tiên được Liên Xô đào tạo bài bản về chế tạo và thiết kế vũ khí. Có thể nói rằng ông cũng là người cuối cùng được Liên Xô đào tạo bài bản về vấn đề này, vì sau ông, Liên Xô biên soạn giáo án riêng cho sinh viên nước ngoài, với chương trình dạy rất hạn chế, và chỉ dạy về cơ khí cơ bản, hoặc là đào tạo về khai thác vũ khí, chứ không dạy về thiết kế vũ khí nữa.


Tham khảo : Báo Quân đội Nhân dân, Di sản các nhà khoa học VN.
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
dinhba
Thành viên
*
Bài viết: 9


« Trả lời #455 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2011, 09:11:45 pm »

Có bác nào quê Quảng Ngãi biết về hai Tướng Cơ yếu thì thông tin cho em biết với nhỉ.
Em xin cảm ơn!

Một cụ là Nguyễn Duy Phê - nguyên Phó ban Cơ yếu Trung ương
Một cụ là Nguyễn Chánh Cân - nguyên Cục trưởng Cục Cơ yếu BTTM

Cả hai cụ trước đây đều là Hiệu trưởng trường trung cấp mật mã BTTM.

Không biết các cụ bây giờ có còn mạnh khỏe.
Logged
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #456 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 03:45:58 am »


Thiếu tướng Phạm Như Vưu (bí danh : Như Vũ, 10.9.1920) từng giữ các chức vụ : Trưởng Ban Vũ khí - Ủy ban Kháng chiến tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban Vũ khí Phòng Dân quân Liên khu 10, Trưởng ban Chế tạo Vũ khí – Nha Giám đốc Công binh xưởng – Cục Quân giới, Chủ nhiệm Môn Quân giới – Trường Sĩ quan Hậu cần (nay là Học viện Hậu cần), Trưởng Phòng Huấn luyện, Cục phó rồi Cục trưởng Cục Quân giới, Phó Tư lệnh Quân khu 1, Tham mưu trưởng rồi Phó Chủ nhiệm thứ Nhất Tổng cục Kỹ thuật, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, Huân chương Quân công (hạng Nhì, Ba), Huy chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba)…

Thiếu tướng (1983 ?)


Ông sinh tại xã Đông Hoàng, huyện Thái Ninh (nay thuộc huyện Đông Hưng), tỉnh Thái Bình. Sau khi học xong sơ cấp (1936), ông lần lượt làm việc tại Nhà máy Chế tạo Cơ khí Hải Phòng, rồi Nhà máy đạn Phú Thọ của chính quyền thực dân Pháp. Trong thời kì làm công nhân tại Phú Thọ, ông giác ngộ và tham gia Việt Minh tại đây từ trước Cách mạng tháng 8 cho đến trước ngày Toàn quốc Kháng chiến (3.1945-6.1946). Trước khi Toàn quốc Kháng chiến nổ ra, ông còn làm công tác dân vận tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ từ tháng 7 năm 1946.

Kháng chiến Toàn quốc bùng nổ, 12.1946, ông được bầu vào Ủy ban Kháng chiến tỉnh Phú Thọ, là Ủy viên phụ trách Ban Vũ khí của tỉnh. Một năm sau, 12.1947, ông được điều lên Phòng Dân quân của Liên khu 10 giữ chức vụ Trưởng Ban Vũ khí. Tháng 12 năm 1949, bước vào thời kì mới của công cuộc Kháng chiến, Phạm Như Vưu được điều sang công tác bên Quân đội, là Trưởng Ban Chế tạo Vũ khí của Nha Giám đốc Công binh xưởng trực thuộc Cục Quân giới. Tháng 7 năm 1951, ông nằm trong số 21 du học sinh đầu tiên được Chính phủ cử sang Liên Xô học tập để phục vụ cho công cuộc xây dựng và kiến quốc sau này, cũng như xây dựng Quân đội.

Tháng 5 năm 1956, sau 5 năm theo học tại Trường Cao đẳng Quân khí Tula của Liên Xô, Phạm Văn Vưu về nước và được phân công về phụ trách công tác giảng dạy tại Trường Sĩ quan Hậu cần (nay là Học viện Hậu cần) trên cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Quân giới. Từ tháng 11 năm 1958, ông chuyển về công tác tại Cục Quân giới, lần lượt giữ các chức vụ : Trưởng Phòng Huấn luyện (11.1958), Cục phó (10.1960), rồi Cục trưởng (8.1964).

Chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra, 2.1979, ông được cử lên làm Phó Tư lệnh phụ trách Kỹ thuật của Quân khu 1, rồi lại được rút về làm Tham mưu trưởng Tổng cục Kỹ thuật. Từ tháng 10 năm 1983 cho đến khi về hưu (1993), ông tiếp tục giữ các chức vụ : Phó Chủ nhiệm thứ Nhất Tổng cục Kỹ thuật, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

Tham khảo : Di sản Các nhà Khoa học VN.
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #457 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2011, 04:48:49 am »


Thiếu tướng Giáo sư Nguyễn Quỳ (28.12.1930) từng giữ các chức vụ : Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Quân sự, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật.

Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến công (hạng Nhất, 2 Nhì), Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba),…, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ dành cho tập thể.

Tiến sĩ (1962), Phó Giáo sư (1980), Giáo sư (1984) Chuyên ngành Hóa Lý.

Thiếu tướng (1989 ?)


Ông sinh tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Thời kì Kháng chiến chống Pháp, ông theo học cấp 2 tại vùng kháng chiến, rồi làm giáo viên cấp 2, Bí thư Chi bộ tại Trường cấp Trung học An Nhơn, Bình Định.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), ông tập kết ra Bắc trong khi ra đình vẫn ở trong vùng chiếm đóng, rồi được cử sang Trung Quốc học Sư phạm cao cấp. Năm 1955, ông tiếp tục được chọn sang Cộng hòa Dân chủ Đức học về kỹ thuât hóa. Năm 1960, sau 5 năm 3 tháng, ông tốt nghiệp kỹ sư và đứng hạng Hai, được Bộ Quốc phòng gửi công văn xin biệt phái vào Quân đội, rồi được lựa chọn cho ông chuyển tiếp nghiên cứu sinh về đồng vị phóng xạ, và nước.

Năm 1962, về nước, Bộ Giáo dục cũng có ý muốn ông về Bộ công tác, tuy nhiên ông vẫn lựa chọn ở lại công tác trong Quân đội, và được điều về Viện Kỹ thuật Quân sự công tác tại Phòng Hóa học, một thời gian sau thì được cử làm Phó phòng. Thời gian đầu, ông tham gia nghiên cứu bảo quản vũ khí và trang thiết bị quân sự, nhất là chống ăn mòn, chống ẩm và han gỉ khí tài điện tử, bảo quản khí tài quang học…

Năm 1965, Không quân Mỹ bắt đầu leo thang ra bắn phá miền Bắc. nhiều hoạt động chiến đấu, lao động phải thực hiện ban đêm. Nhưng thắp đèn, đốt lửa lại dễ bị Không quân Mỹ dùng thiết bị hồng ngoại phát hiện, bắn phá. Nguyễn Quỳ lại được Viện Kỹ thuật Quân sự giao tìm cách chế tạo các thiết bị có tính năng phát sáng mạng phục vụ cho chiến đấu và sản xuất. Đến năm 1970, những miếng hợp chất phát sáng do nhóm của ông phát triển và nghiên cứu đã có mặt khắp chiến trường.

Ngoài chất phát sáng, ông còn tham gia nghiên cứu nhiều hóa chất cực kỳ hữu dụng cho bộ đội đặc công như thuốc nổ lỏng. Chất nổ lỏng giúp khi đánh phá hầm ngầm, chất nổ bốc hơi, “luồn lách” vào cả những ngõ ngách, công phá mạnh gây khiếp vía quân thù; lại có thể ngụy trang mang vào thành phố tiện lợi. Ông còn tham gia và chỉ đạo sản xuất sơn, bột ngụy trang, ngòi điện hóa… rất cần cho bộ đội đặc công.

Giáo sư Nguyễn Quỳ đã chủ trì biên sọan 2 cuốn sách: Ăn mòn kim lọai trong công tác bảo quản (1965), Sổ tay bảo quản (1970). Đặc biệt, là một chuyên gia về ăn mòn, bảo quản năm 1969, khi Bác Hồ mất, ông đã vinh dự được tham gia nhóm nghiên cứu, bảo quản Nhà sàn và các di vật của Người …

Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1977 ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Viện phó Viện Kỹ thuật Quân sự cho đến năm 1980 thì được điều sang làm Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự. Từ năm 1989 cho đến khi về hưu 1998, trong vòng 10 năm liền, ông giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật.

Tham khảo: Báo Quân đội Nhân dân, Báo Bình Định, Nhân tài Đất Việt.
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #458 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2012, 04:49:32 am »


Nguyễn Văn Xuân (1902 - 1981) từng giữ các chức vụ : Trưởng phòng Quân giới đầu tiên, Cục phó Cục Quân giới kiêm Bí thư Đảng ủy Cục, Cục trưởng Cục Quân giới. Ngoài ra, ông cũng từng là : Đại biểu Quốc hội Khóa 1 tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng Không bộ trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, Trưởng Ban Thanh tra Bộ Công nghiệp.

Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất…


Ông tên thật là Nguyễn Ngọc Xuân, sinh ra và lớn lên tại thôn Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình giàu truyền thống Nho học, yêu nước. Ông là con cháu hàng điệt của chí sĩ Cần vương Đỗ Uẩn, từng đỗ cử nhân và giữ chức tri phủ Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Phó sứ Sơn phòng Nghệ An ; cháu của các nhà yêu nước Đỗ Cơ Quang (1878 - 1914)  và Đỗ Thị Tâm ( ? - 1930) ; anh em họ với các ông Đỗ Chu Tuấn (1919), Đại biểu Quốc hội Khóa 1, Trần Xuân Độ (1894 - 1997), Chính ủy đầu tiên Quân khu 7 thời tướng Nguyễn Bình rồi Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên.

Năm 1924, ông ra Hà Nội theo học tại Trường Kỹ nghệ Hà Nội, rồi làm thợ tại các xưởng Trường Thi, La Phù, và Phòng Thí nghiệm Khoáng chất Hóa học của Chính quyền thực dân Pháp tại Hà Nội. Năm 1929, Nguyễn Ngọc Xuân ra nhập Việt Nam Quốc dân Đảng, được giao phụ trách việc in báo « Đường Cách mạng », và đảm nhiệm việc liên lạc và vận chuyển vũ khí mua được từ Hải Phòng lên.

Trước Cách mạng, ông đã từng bị thực dân Pháp bắt, xử tù chung thân và bị đày đi nhiều nhà tù khét tiếng như Côn Đảo, Hỏa Lò, căng Vụ Bản (Hòa Bình). Thời gian ở trong tù, ông nhận thấy Quốc dân đảng đã dần bước đi chệch hướng so với lí tưởng ban đâu, thêm vào đó thời gian ở Côn Đảo được gần gũi với những người cộng sản, ông có cảm tình rồi dần giác ngộ lý tưởng cộng sản.

Năm 1936 được thả, nhưng vẫn bị quản thúc, theo dõi ở quê, ông đã tìm mọi cách để bắt liên lạc với Đảng. Lúc bấy giờ, tình hình Cách mạng trong nước phát triển mạnh, do có kiến thức về công nghiệp và hóa chất, ông được tổ chức giao nhiệm vụ chế tạo một số vũ khí và lựu đạn. Ngoài vốn kiến thức đã được học, ông không ngừng tự học để có thêm những hiểu biết về thuốc nổ và mày mò chế thử được thuốc đen và phuy-mi-nát thủy ngân, một loại thuốc gợi nổ rất cần trong sản xuất vũ khí.

Năm 1944, Cách mạng đã thành lập căn cứ ở Cao-Bắc-Lạng. Lực lượng vũ trang tập trung đã hình thành và phát triển, nhu cầu về vũ khí có những đòi hỏi mới. Ngoài chiến lợi phẩm thu được trong chiến đấu, cần phải tổ chức sản xuất để phục vụ chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Xứ ủy Bắc Kỳ khẩn trương chỉ đạo xây dựng xưởng sản xuất vũ khí bí mật ở thị xã Bắc Ninh và giao nhiệm vụ cho ông cùng ông Ngô Gia Khảm thành lập xưởng.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nguyễn Ngọc Xuân được bầu vào danh sách Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên tiến hành vào ngày 6 tháng 1 năm 1946, ông vinh dự được bầu làm đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, và giữ ghế Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ.

Ngày 15 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngành quân giới, ông được giao nhiệm vụ làm Chánh Phòng quân giới, tiền thân của Cục Quân giới sau này, phụ trách việc thu mua vũ khí và tổ chức các cơ sở sản xuất vũ khí. Tháng 3 năm 1946, khi Cục Quân giới được thành lập theo Sắc lệnh 34/SL của Chính Phủ, ông là Phó cục trưởng Cục Quân giới kiêm Bí thư Đảng ủy Cục quân giới.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12.1946), ông cùng cán bộ và công nhân của ngành quân giới vận chuyển máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu ra khu căn cứ, vượt qua khó khăn, gian khổ, vừa di chuyển, vừa ổn định tổ chức, triển khai sản xuất rồi trực tiếp tham gia chiến đấu. Khi Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, cách cơ quan có 500m, ông đã cùng đồng đội cất giấu tiền bạc, tài liệu, máy móc để khỏi lọt vào tay địch, rồi hướng dẫn cả đoàn cán bộ và công nhân về Thái Nguyên. Địch lại nhảy dù ở Làng Ngò và Vũ Nhai, ông lại cùng anh em bám máy, bám xưởng, tiếp tục sản xuất, chiến đấu.

Hòa bình lập lại trên miền Bắc, năm 1955 ông được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Quân giới cho đến năm 1958 thì được điều về Bộ Công nghiệp làm Trưởng ban thanh tra của Bộ. Năm 1962, vì lí do sức khỏe, ông được Nhà nước cho nghỉ hưu. Một tháng sau ông bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, 19 năm sau (1981), thì qua đời.

Tham khảo : Báo Quân đội Nhân dân.
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #459 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2012, 08:12:43 pm »


Trần Xuân Độ (1894 – 1997) từng giữ chức vụ Chủ nhiệm Chính trị Bộ (Chính ủy đầu tiên) Khu 7. Ngoài ra, ông còn từng là Phụ trách Công tác Đảng (Bí thư Tỉnh ủy) Bà Rịa – Vũng Tàu, Thư ký Công đoàn miền Tây Nam Bộ, Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên.

Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng (chống Pháp) hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng (chống Pháp) hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Ngoại giao, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…


Trần Xuân Độ, tên thật là Trần Hữu Tộ, sinh tại xã Bồ Đề, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông là con cháu hàng điệt của chí sĩ Cần vương Đỗ Uẩn, từng đỗ cử nhân và giữ chức tri phủ Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Phó sứ Sơn phòng Nghệ An ; cháu của các nhà yêu nước Đỗ Cơ Quang (1878 - 1914)  và Đỗ Thị Tâm ( ? - 1930) ; anh em họ với các ông Đỗ Chu Tuấn (1919) và Nguyễn Văn Xuân (1902 - 1981) đều là Đại biểu Quốc hội Khóa 1.

Mồ côi cả cha lẫn mẹ ngay từ lúc lên 7, tuổi thơ lam lũ nghèo khổ tại quê nhà khiến ông sớm phải thoát li làm thợ ở Hải Phòng. 12 tuổi, ông may mắn gặp được người cai tốt bụng, xin cho học nghề tiện ở Nhà máy Nguyễn Hữu Thu. Nhờ học hành chăm chỉ, ông nhanh chóng trở thành thợ giỏi, tay nghề cao. Tuy nhiên, vì tính tình cương trực, không can tâm chịu sự đè nén, bóc lột của chủ và cai, ông đã phải chuyển hết nhà máy này đến nhà máy khác. Thời gian làm công nhân ở Hải Phòng, ông gặp gỡ nhiều thợ tâm huyết, có lí tưởng đánh Pháp giành độc lập dân tộc, đặc biệt có nhà Cách mạng nổi tiếng Hạ Bá Cang tức Hoàng Quốc Việt (1905-1992), sau là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Những năm 1924 - 1925, phong trào yêu nước tại Hải Phòng phát triển rất cao với nhiều khuynh hướng khác nhau. Có thể kể ra đây cuộc tranh luận giữa hai người bạn thân Trần Xuân Độ - Hạ Bá Cang. Mặc dù xu hướng yêu nước khác nhau, nhưng vì là bạn bè chung ý chí, tinh thần yêu nước nên các ông đều không tuyệt giao, mà thoả thuận sẽ gặp nhau, hiểu nhau sau. Chính ông Hạ Bá Cang sau này đã nhận xét 'Sau nhiều lần tranh cãi rất gay go, anh Độ và tôi đều nhận thấy rằng, mặc dầu lập trường hai bên có khác nhau, song dù theo chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa  quốc tế, chúng ta cần phải cùng nhau thống nhất hành động chống bọn cướp nước'.

Khoảng giữa năm 1926, khi đang làm công nhân tại Nhà máy Cơ khí Cô-rông, vì tham gia tích cực vào phong trào phản đối chính quyền thực dân phong kiến kết án tử hình cụ Phan Bội Châu rồi phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh, Trần Xuân Độ bị đuổi ra khỏi nhà máy cùng với người bạn Hạ Bá Cang, để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp, ông tạm lánh qua Lào làm thợ mỏ cho hãng Các-rích, rồi tiếp tục phải lánh qua Thái Lan. Tại Thái Lan, ông gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, và là một trong những hội viên nòng cốt đầu tiên ở đây.

Ngày 25 tháng 12 năm 1927, Việt Nam Quốc dân Đảng được thành lập, với mục tiêu ‘Làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam Độc lập Cộng hòa. Đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu giành độc lập của họ, đặc biệt là các lân quốc: Ai Lao (Lào), Cao Miên (Cam-pu-chia)’. Việt Nam Quốc Dân Đảng cử người liên lạc với nhiều đảng phái, hội yêu nước trong đó có Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội để bàn thảo việc thống nhất về tổ chức, hoạt động trong công cuộc giải phóng dân tộc, nhưng việc bất thành do những bất đồng trong quan điểm.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thời gian này Trần Xuân Độ có xu hướng khác với phong trào do những người cộng sản lãnh đạo. Ông ủng hộ phương hướng hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng, nên hăng hái lên đường băng rừng về nước và ra nhập Đảng này vào tháng 10 năm 1928. Ngày 10 tháng 2 năm 1930, Khởi nghĩa nổ ra một cách bị động rồi nhanh chóng bị dập tắt và đàn áp dã man, đảng viên Quốc dân Đảng bị truy nã gắt gao trong cả nước. Để bảo vệ đảng đồng thời trấn an tinh thần của đảng viên, ông xung phong vào Ám sát Đoàn và được lãnh tụ Nguyễn Thái Học (1902 - 1930) cử làm Trưởng Ban đóng tại Hàng Bột.

Ngày 2 tháng 3 năm 1930, mật thám Pháp bao vây trụ sở của Ám sát Đoàn, Trần Xuân Độ bị bắt cùng 4 đồng chí khác của ông trong đó có 2 nữ. Lúc đầu, thực dân Pháp giam ông ở Hỏa Lò. Mặc dù bị đánh chết đi sống lại, nhưng ông không khai nửa lời, kể cả tên thật. Đem ông ra đối chất với các tù chính trị, không ai chịu nhận là quen ông, thực dân Pháp hỏi sang những người tù thường trước ở Hải Phòng. Những người tù thường chỉ nhớ mang máng tên và họ của ông, và thực dân Pháp cần có một cái tên để hoàn thành hồ sơ của ông cho nên ghi bừa là Trần Xuân Độ. Đấy là nguyên nhân xuất xứ cái tên của ông sử dụng khi tham gia Cách mạng.

Bị kết án chung thân cầm cố, ông bị phát vãng lên nhà tù Sơn La, rồi bị đày ra Côn Đảo cùng nhiều đảng viên Quốc dân Đảng khác. Trong 15 năm bị giam cầm ở Côn Đảo, ông lúc nào cũng tỏ ra là một ‘Chiến đấu viên’ trung kiên, bất khuất. Điển hình là việc ông nhịn đói 22 ngày (?) để phản đối chính sách đối đãi với tù chính trị của thực dân Pháp. Tại đây, ông đã gặp gỡ với 2 đảng viên Quốc dân Đảng ở trong Nam là các ông Trần Huy Liệu (1901 - 1969), sau là Viện trưởng Viện Sử học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Nguyễn Phương Thảo (1906 - 1951), sau là Trung tướng Nguyễn Bình, Tư lệnh Nam Bộ, và kết thành bộ ba thân thiết.

Ở Côn Đảo, Trần Xuân Độ còn gắn bó với nhiều người tù Cộng sản, những nhà Cách mạng nổi tiếng như : Tôn Đức Thắng (1888 - 1980), sau là Chủ tịch nước ; Phạm Văn Đồng (1906 - 2000), sau là Thủ tướng ; Hà Huy Giáp (1908 - 1995), sau là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ Văn hóa, Ủy viên Trung ương Đảng ; Ung Văn Khiêm (1910 - 1991), sau là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Ủy viên Trung ương Đảng ; Lê Duẩn (1907 - 1986), sau là Tổng Bí thư ; TrầnTử Bình (1907 - 1967), sau là Thiếu tướng Tổng Thanh tra Quân đội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc ; Ngô Gia Tự (1908 - 1935), Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ năm 1930 ; Phạm Hùng (1912 - 1988), sau là Chủ địch Hội đồng Bộ trưởng ; Nguyễn Thanh Sơn (1910 - 1996), Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ sau là Đại biểu Quốc hội Khóa 1, Đại tá, Thứ trưởng Bộ Tài chính ; Nguyễn Kim Cương (1906 - 1994), sau là Thứ trưởng Phủ Thủ tướng ; Lương Khánh Thiện (1903 - 1941), sau là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thảnh ủy Hà Nội rồi Hải Phòng ; Tống Văn Trân (1905 - 1935), sau là Xứ ủy viên Nam Kỳ phụ trách Sài Gòn - Gia Định ; Lê Văn Lương (1912 - 1995), sau là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội ; Nguyễn Văn Linh (1915 - 1998), sau là Tổng Bí thư... Tại Côn Đảo, ông gặp lại người bạn thời còn hoạt động trong phong trào công nhân, học sinh, sinh viên ở Hải Phòng – Hạ Bá Cang tức Hoàng Quốc Việt.

Thời gian ở Côn Đảo đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong tư tưởng cũng như nhận thức về con đường Cách mạng giải phóng dân tộc của bộ ba Trần Xuân Độ, Trần Huy Liệu và Nguyễn Phương Thảo. Suy nghĩ về nguyên nhân thất bại nhanh chóng của phong trào do Quốc dân Đảng lãnh đạo, Trần Xuân Độ nhận thấy sự bất hợp lý trong đường lối, chủ trương cũng như biện pháp đấu tranh, tập hợp lực lượng. Hơn nữa, ông cũng nhận thấy nhiều đảng viên Quốc dân Đảng không còn lí tưởng như lúc mới ra đời nữa. Hành động chọc mù mắt người bạn Nguyễn Phương Thảo là một trong những sự kiện trực tiếp khiến ông đoạn tuyệt với đảng này. Quá trình tiếp xúc với những người tù Cộng sản, được trao đổi và trước tấm gương của họ, ông cùng hai người bạn là Trần Huy Liệu và Nguyễn Phương Thảo có cảm tình, và dần quay sang ủng hộ lập trưởng Chủ nghĩa Quốc tế Vô sản trong việc đánh đuổi thực dân, giành độc lập cho dân tộc.

(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Giêng, 2012, 08:40:09 pm gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM