Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 23 Tháng Tư, 2024, 02:43:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hình ảnh & Tiểu sử Lãnh đạo, Tướng lĩnh, Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam  (Đọc 826712 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #330 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 09:02:53 pm »

Thiếu tướng Ngô Hùng (tên thật : Bùi Vĩnh An, 1924 – 20/1/1994), từng giữ các chức vụ : Tham mưu trưởng Quân khu 5, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Tây, Tham mưu trưởng Cánh quân Đông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tham mưu trưởng Quân khu 3, Cục trưởng Cục Huấn luyện Chiến đấu (nay là Cục Quân huấn) Bộ Tổng Tham mưu.

Thiếu tá (1958), Trung tá (1961), Thượng tá (1966), Đại tá (1973), Thiếu tướng (1983).

Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công (Nhất, Nhì, Ba), Huy hiệu 40 năm tuổi đảng…


Ông sinh tại làng Cát Khê, tổng Trực Cát cũ, nay là phường Tràng Cát, quận Hải An, thành phố Hải Phòng trong một gia đình khá giả, đông con. Khi tới tuổi cắp sách đến trường, ông được theo học nhà giáo yêu nước Nguyễn Hồng, ngoài chương trình sơ học yếu lược, đã giáo dục cho ông lòng yêu nước qua các bài giảng. Đặc biệt, người thầy giáo già dưới mái trường làng đã nêu gương sáng về đạo đức liêm khiết, thương dân. Nhiều thế hệ học trò của cụ sau này đã sớm tham gia cách mạng như: Phạm Văn Duyệt, Phạm Công Khương, Phan Doãn Sầm...

Được tiếp thu mạch nguồn yêu nước từ khi ngồi trên ghế trường làng, khi học tiếp lên bậc tiểu học, được giác ngộ cách mạng. Trong cao trào khởi nghĩa, Ngô Hùng cùng một số thanh niên, học sinh hăng hái tham gia mặt trận Việt Minh cơ sở, chuẩn bị lực lượng, đón đợi thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền khu vực Trực Cát và Lương Xâm. Riêng tại Cát Khê quê hương, một trung đội xung kích sẵn sàng làm nhiệm vụ được tổ chức do chính ông chỉ huy. Ông còn tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình của cha chú quyên góp tiền của, vật liệu dùng may cờ đỏ, mua sắm vũ khí, đạn dược cho lực lượng Việt Minh, đồng thời cùng bạn bè trong tổ chức vận động con em một gia đình quan chức cũ ủng hộ cách mạng tiền bạc, hiến tặng vũ khí, đạn dược cho mặt trận Việt Minh.

Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng cùng với các tổ chức cứu quốc huyện Hải An thiết lập, Ngô Hùng được cử làm Chỉ huy trưởng lực lượng tự vệ chiến đấu huyện Hải An.

 Thành phố Cảng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhận lệnh của Ủy ban bảo vệ thành phố, ông đã trực tiếp chỉ huy cánh quân của tự vệ chiến đấu huyện Hải An tấn công vào sân bay Cát Bi ngày 23/11/1946, phá hủy một máy bay, đốt cháy một kho xăng, thu được 4 trung liên, 5 xe ô tô và nhiều quân trang, quân dụng.

Tháng 11/1946 ông tham gia Ban chỉ huy mặt trận B (Cầu Rào - Đồ Sơn) cùng các ông Vũ Hạnh, Đặng Kinh chỉ huy các đại đội tự vệ của Hải An, Kiến Thụy, Đồ Sơn phối hợp với Tiểu đoàn 90 Trung đoàn 42 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Bút chỉ huy. Tháng 12/1946 được vinh dự kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, phụ trách C17 Trung đoàn 42 Liên khu 3. Tháng 10/1948 là Đại đội trưởng Đại đội 1, hoạt động trong vùng địch hậu Hải Phòng Kiến An. Sau đó làm Tiểu đoàn phó D24, bộ đội Ký Con, hoạt động tại khu vực đường 39 Thái Bình.

Tháng 5/1950 đến tháng 7/1950 là Tiểu đoàn phó D500 phụ trách mặt trận Hải Dương, Trưởng ban tác chiến phòng Tham mưu Liên khu 3.

Tháng 3/1960 đến 1966 được giao nhiệm vụ Trưởng ban Quân huấn, Trưởng phòng tác chiến Quân khu 3. Từ tháng 7/1966 là Tham mưu phó quân khu 3 kiêm bí thư đảng ủy cơ quan tham mưu quân khu 3.

Từ tháng 10 /1970 đến tháng 11/1972 là tham mưu phó B5, tham mưu trưởng quân khu. Đầu năm 1974 được quân đội cử đi học tại Học viện Quân sự Liên Xô, khi về nước được cử làm Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh miền Tây. Tháng 4/1975 là Tham mưu trưởng mặt trận hướng Đông trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
               
Tháng 4/1976 là Tham mưu trưởng Quân khu 3, Bí thư đảng ủy Bộ tham mưu Quân khu 3. Tháng 2/1978 giữ chức Cục trưởng Cục huấn luyện chiến đấu Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến khi về hưu.

Theo Đất và Người Hải Phòng.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #331 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2010, 02:20:12 am »



Thiếu tướng Mai Thuận (1929), từng giữ chức vụ: Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 2, Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận IV Quảng Đà.

Ông quê tại Dư Hàng Kênh, Hải Phòng. Năm 1946, khi đang ở cùng bố ông, một công nhân "dây thép" (bưu điện), ông trốn nhà khai tăng tuổi nhập ngũ. Năm 1947, trong một trận chiến đấu tại khu vực cầu Đuống, ông bị một viên đạn xuyên qua cổ chạm vào thanh quản khiến ông mất tiếng. Một năm sau ông mới nói lại được, cho nên ông còn có biệt danh là "Thuận khàn".

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là đại đội trưởng thuộc Trung đoàn 36 Bắc Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang) do trung đoàn trưởng Hồng Sơn chỉ huy tham gia tiêu diệt các cứ điểm Bản Kéo, 106, 206, 311B, 316. Sau đó, ông được cử giữ chức vụ Phó Ban Tổ chức Đại đoàn quân tiên phong chuẩn bị tiếp quản Thủ đô.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1968 ông vào Nam chiến đấu lần lượt giữ các chức vụ: chính ủy Trung đoàn 36 Quảng Đà trực thuộc Sư đoàn 2 Quân khu V, Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận IV Quảng Đà rồi Chính ủy Sư đoàn 2 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Năm 1983, ông được phong quân hàm Thiếu tướng và là Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 2. Ông nghỉ hưu năm 1993 rồi được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Đống Đa, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và Hội nạn nhân chất độc da cam Hà Nội cho đến khi nghỉ hẳn năm 2008.

Theo báo Công an Nhân dân online

Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #332 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 05:37:12 am »


Ông (1921-5 giờ 55 ngày 30-5-2008), từng giữ các chức vụ: Tham mưu trưởng Khu 6, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Phó Tư lệnh Quân khu 8.

Ngoài ra ông còn từng giữ các chức vụ : Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương cục miền Nam. Ông là Đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, VI, VII.

Huân chương Độc lập hạng hai, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng hai, Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.


Ông quê ở Suối Đá, xã Phước Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Quê ông là một vùng rừng rậm trong tỉnh Tây Ninh, nằm giữa núi Bà và Núi Cậu. (Nay là huyện Dương Minh Châu).

Gia đình đủ ăn, ông được học bổng nhờ đậu cao lên trung học và đại học. Tốt nghiệp kỹ sư Canh nông của Trường Nông Lâm Hà Nội khóa 5, Ông được điều về Cần Thơ làm việc.

Đầu 1945, ông gặp các ông Thanh Sơn, Nguyễn Văn Tây và tiếp tục hoạt động cách mạng. Khi còn là sinh viên ở Hà Nội, Ông đã hoạt động trong Tổng hội sinh viên và sáng lập đảng Dân Chủ cùng các ông Huỳnh Văn Tiểng, Trần Bửu Kiếm, Vương Văn Lê, Nguyễn Việt Nam được bầu vào Ban chấp hành.

Nam Bộ kháng chiến, ông là một các chỉ huy quân sự trẻ. Khi mặt trận Cần Thơ vỡ sau ba tháng bao vây địch trong thành phố, ông Thanh Sơn được trung ương gọi ra Bắc đảm trách việc chi viện cho chiến trường miền Nam. Lúc đó Ông cũng đi ra Bắc để dự khoá họp đau tiên của Quốc Hội. Ông đắc cử đại biểu tinh Cần Thơ. Cùng một chuyến đi, ông Thanh Sơn chọn ông làm trợ lý. Ra tới Hà Nội thì tách ra, ai lo việc nấy.

Ở Hà Nội, ông được kỹ sư Ngô Tấn Nhơn, Bộ trưởng Bộ Canh nông tốt nghiệp khóa 1 Trường Nông Lâm giữ làm Phó Đổng lý sự (Thứ trưởng) Bộ Canh nông. Cũng trong thời gian này, trong Đại hội lần thứ nhất của Đảng Dân chủ, ông cùng với các ông Ca Văn Thỉnh, Vương Văn Lễ tham gia vào ban hòa giải giữa đảng này với Đảng Cộng sản.

Vì muốn trở lại chiến trường chiến đấu, ông điện cho Thanh Sơn bày tỏ nguyện vọng muốn đánh giặc hơn làm văn phòng. Ông Thanh Sơn lúc đó là phó chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Miền Nam Việt Nam đóng ở Quảng Ngãi. Ông Thanh Sơn liền can thiệp rút ông về giao nhiệm vụ đưa tiểu đoàn Ba Dương vào Nam Bộ.

Đúng ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, Pháp đánh Phú Yên. Đầu tháng 1-1947 Bộ Quốc Phòng điện vào bổ nhiệm ông làm tham mưu trưởng khu 6 gồm các tỉnh Nam Trung Bộ từ Phú Yên Darlac trở vào. Ông được giao nhiệm vụ phối hợp lực lượng của Khu 6 và tiểu đoàn Ba Dương chặn mũi tấn công của Pháp ra thị xã Tuy Hoà. Sau mấy trận chiến đấu ác liệt ngay trong những ngày Tết Đinh Hợi. Pháp bị thiệt hại đặng rút lui vào Núi Hiềm, gần Đèo Cả.

Tháng 4-1947, biết được một đoạn đường trong vùng núi từ Khánh Hoà vào Ninh Thuận còn bị tắc do địch khống chế, làm cho nhiều cán bộ lãnh đạo và nhiều tài liệu quý của Trung ương đưa vào Nam Bộ bị dồn đọng lại Phú Yên, Nguyễn Đăng đề nghị Uỷ ban kháng chiến Miền Nam giao cho mình nhiệm vụ mở thông đoạn đường này và sau đó cho được về luôn chiến trường Nam Bộ.

Rút kinh nghiệm thất bại của ba đoàn mở đường trước đây, ông Nguyễn Đăng nghĩ ra cách là vượt núi rừng Trường Sơn ở đoạn giáp biên giới Lào. Đoàn đã xuất phát từ dốc Chanh (Phú Yên), đi đến hòn Dữ (Khánh Hòa) và từ đây đi xuyên qua núi Ba Cụm, qua bản làng của người Thượng, đến Lý Điềm, từ Lý Điềm xuống dốc để đến trạm Mã Đà và sau đó đến trạm Đội Lào (Tà Lu). Đây là trạm cuối của đường dây liên lạc.

Được chấp thuận, Nguyễn Đăng bàn giao ngay nhiệm vụ Tham mưu trưởng Khu 6, nhận một trung đội đi mở đường. Sau hai tháng, đường thông. Đoàn cán bộ Trung ương do ông Thanh Sơn phụ trách hành quân vào Nam có Tiểu đoàn Ba Dương hộ tống. Nhưng vì đoàn đông, đến khu căn cứ tỉnh Khánh Hoà thì bị lộ. Pháp huy động lực lượng từ Nha Trang lên, từ Ban Mê Thuột xuống. Từ Đà Lạt ra bao vây chặn quân ta. Nguyễn Đăng đề xuất ý kiến chia đôi lực lượng vũ trang, một bộ phận lấy tên là bộ đội Ba Dương do Nguyễn Đăng và một số cán bộ trực tiếp chỉ huy, chủ động tấn công địch để thu hút địch vào mình, tạo điều kiện cho bộ phận còn lại lấy tên là bộ đội Hùng Phước mở đường đưa đoàn ông Thanh Sơn vào Nam an toàn. Trong hai tháng trời Nguyễn Đăng cùng đơn vị chiến đất liên tục, có ngày đụng địch ba trận. Sau cùng Tiểu đoàn Ba Dương về tới Bà Rịa, rồi Biên Hoà, Nguyễn Đăng lần lượt gặp các chỉ huy Miền Đông như Hứa Văn Yến, Nguyễn Thuận Thảo, Chi đội 16, Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Văn Lung, Chi đội 10 và tư lệnh Khu 7 Nguyễn Bình.

Ông là thư ký cho Tư lệnh Nguyễn Bình một thời gian. Sau đó, ông Lê Duẩn có ý muốn ông về làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh quê hương ông thay ông Dương Minh Châu vừa hy sinh. Tuy nhiên trước nguyện vọng được ở lại chiến trường chiến đấu của ông, sau khi Bộ Tư lệnh Nam Bộ được thành lập, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Tham mưu trưởng.

Sau hai tháng, ông được điều về Khu 8 giữ chức vụ Tư lệnh phó Khu 8, lúc đó do các ông Trần Văn Trà, Tư lệnh, Nguyễn Văn Vịnh, Chính ủy và Nguyễn Văn Quạn, Phó Tư lệnh.

Năm 1950, được sự trực tiếp giới thiệu của ông Lê Duẩn. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản khi đang là Ủy viên Trung ương Đảng Dân chủ. Buổi lễ kết nạp ông, ông Lê Duẩn trực tiếp đến tham dự.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông là Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội hơn 10 năm rồi được điều vào làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương cục miền Nam. Ông là Đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, VI, VII.



Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #333 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 05:52:10 pm »


Nguyễn Việt Châu (Sáu Tâm, 1927- hy sinh 6/12/1969) từng giữ chức vụ Chính ủy Quân khu VIII, Chính trị viên Tỉnh đội Gò Công.

Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân chương, Huy chương khác.


Ông sinh tại làng Sung Tích, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), trong một gia đình nông dân nghèo. Lúc nhỏ, Nguyễn Việt Châu vừa đi học vừa giúp mẹ.

Năm 1940, ông Nguyễn Chấn (Trần Văn Trà – anh ruột) mãn hạn tù, bị thực dân Pháp quản thúc vô thời hạn tại nhà. Chính trong thời gian này Nguyễn Việt Châu tham gia công tác cách mạng, được anh hướng dẫn và giao việc làm liên lạc giữa người anh với các đồng chí trong làng.

Năm 1942, ông Trần Văn Trà trốn khỏi làng hoạt động cách mạng, Nguyễn Việt Châu phải nghỉ học, thay anh làm mọi việc để nuôi mẹ già.

Năm 1943, mẹ qua đời, Nguyễn Việt Châu rời quê hương vào Sài Gòn tìm đến cơ quan của ông Trà (Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ đóng tại Tân Định, Sài Gòn), được phân công in tài liệu, truyền đơn và in báo giải phóng của Kỳ bộ.

Tháng 11/1944, cả cơ quan Kỳ bộ, Nguyễn Việt Châu cùng ông Trà sa vào tay thực dân Pháp. Nguyễn Việt Châu không khai lời nào. Pháp giam ông ở khám lớn Sài Gòn.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Nguyễn Việt Châu được thả tự do, tìm bắt liên lạc với Xứ ủy Nam Kỳ, gia nhập vào đội giải phóng liên quận Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa. Năm 1946, Nguyễn Việt Châu là cán bộ Việt Minh huyện Chợ Gạo, được kết nạp vào Đảng Cộng sảng Đông Dương. Năm 1947, thư ký Ban chấp hành Thanh niên tỉnh Gò Công. Năm 1948-1950 là Tỉnh ủy viên tỉnh Gò Công, chánh trị viên Tỉnh đội. Năm 1951, được điều về làm Bí thư huyện ủy Châu Thành (Sa Đéc) củng cố cơ sở cách mạng ở đây.

Hiệp định Genève được ký kết, Nguyễn Việt Châu được chỉ định ở lại miền Nam. Năm 1956, được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc. Năm 1957, tỉnh Sa Đéc sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Long, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long. Đến năm 1961 được điều lên Khu ủy Tây Nam Bộ.

Từ 1961 – 1967, ông kiêm qua các chức vụ: Khu ủy viên, Chánh trị viên Quân khu, Tuyên huấn Khu, Giám hiệu trường Đảng Hoàng Văn Thụ.

Cuối 1967, được Khu ủy chỉ định làm Bí thư Thành ủy Cần Thơ, trực tiếp lãnh đạo chiến trường trọng điểm của Khu trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968.

Ngày 6/12/1969, trong lúc nguyễn Việt Châu đang chủ trì cuộc họp Thành ủy Cần Thơ, tại xã Phú Hựu, huyện Phụng Hiệp, máy bay địch đến bắn phá, ông bị trọng thương và hy sinh.

Theo Nhân vật lịch sử - Con người Đồng Tháp.

Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #334 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 08:50:06 pm »


Nguyễn Văn Phối (Ba Bổn, 1916 - hy sinh 15/6/1966), từng giữ các chức vụ: Phó Chính ủy Quân khu VIII, Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 962 (Bến - Bến Tre).

Ông Nguyễn Văn Phối quê tại làng Mỹ Ngãi, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Mỹ Ngãi, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước, cách mạng. Bố là cụ Nguyễn Văn Huấn, chú ruột là cụ Nguyễn Minh Mẫn đều tham gia hoạt động cách mạng trong những năm 30, nên đều bị thức dân Pháp bắt đày đi Côn Đảo. Ngay từ lúc thiếu thời, còn đi học ở Cao Lãnh, ông đã tích cực tham gia phong trào học sinh đấu tranh đòi ân xá Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh, nên bị đuổi học. Về xã ông làm liên lạc cho Chi bộ Đảng.

Từ năm 1936 đến năm 1939, ông hăng hái tham gia phong trào Đông Dương Đại hội và được kết nạp vào Đảng Cộng sản năm 1939. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, ông bị đế quốc Pháp bắt giam ở nhà tù Bà Rá, đến tháng 3/1945. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động ở Chi bộ Mỹ Ngãi - Phong Mỹ. Tháng 4/1945, ông được Chi bộ cử làm Đại biểu đi dự Hội nghị Liên Tỉnh uỷ Long Xuyên - Sa Đéc để bầu Đại biểu đi dự hội nghị Tân Trào.

Tháng 6/1945, ông là Huyện uỷ viên Huyện uỷ Cao Lãnh, cuối năm 1946, được đề bạt vào Ban Thường vụ, đến tháng 3/1947, làm Bí thư Huyện uỷ. Tháng 8/1948, là Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ Sa Đéc, phụ trách Hội Nông dân tỉnh.

Từ năm 1951 đến năm 1952, ông làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, kiêm Trưởng ban Kinh tế - Tài chính. Cuối năm 1952, được cử làm Phó Bí thư/Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Long Châu Sa cho đến năm 1954.

Được chọn ở lại miền Nam (không đi tập kết), từ cuối năm 1954 đến đầu năm 1960, ông làm Bí thư Tỉnh uỷ các tỉnh Sa Đéc, Long An, Kiến Phong và là Uỷ viên Liên Tỉnh uỷ (Khu Uỷ viên Khu VIII).

Sau cuộc Đồng khởi năm 1960, ông được Khu uỷ Khu VIII rút lên, phân công phụ trách quân sự, được bổ sung vào Ban Thường vụ Khu uỷ. Khi Bộ tư lệnh Quân Khu VIII được thành lập, ông được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Chính trị Quân Khu VIII.

Cuối năm 1961, ông được Trung ương cục rút lên, phân công làm Chính uỷ Đoàn 962, nhiệm vụ chánh là tổ chức vận chuyển võ khí từ Bắc vào Nam bằng đường biển. A101 Đòan 962 (còn gọi là Bến – Bến Tre), một trong những đơn vị tổ chức tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường Nam bộ, được thành lập từ sau Ngày đồng khởi 1960. Năm 1966, ông Nguyễn Văn Phối là Thuờng vụ Khu ủy Khu 8, Phó Chính ủy Quân khu 8, đồng thời là Chính ủy kiêm Đoàn trưởng.

Ngày 15/6/1966, ông đi khảo sát tìm bến bãi mới tại huyện Thạnh Phú, trên con thuyền số 4 của Thuyền trưởng Lê Văn Diện. Thuyền rời bến A101 (Bến Tre) tới bến Trà Vinh (mật danh B2), lượt về có thêm 2 thuyền chở vũ khí của B2 đi cùng. Thuyền số 4 đi sau cùng, nhưng vừa qua khỏi sông Cung Hầu thì gặp tầu hải quân Vùng 4 chiến thuật ngụy. Chúng phát hiện và cắt ngang đội hình ta. Hai thuyền của B2 lọt được vào vàm Khâu Răng (xã Thạnh Phong), còn thuyền số 4 nổ súng đánh địch kết hợp với lực lượng bảo vệ trên bờ. Nhưng lực lượng không cân sức, ông Ba Bổn hạ lệnh thực hiện phương án cuối cùng cho nổ thuyền. Ông hy sinh cùng toàn bộ 9 người trên thuyền số 4. Sáng hôm sau, đơn vị bí mật cử người đi tìm xác những người hy sinh nhưng chỉ nhặt được ít phần thân thể còn lại trôi giạt vào bờ. Mọi người gói vào miếng mũ che mưa, đem chôn ở Cồn Lớn, xã Thạnh Phong.

Sau năm 1975, theo yêu cầu của gia đình ông, một phần xương cốt trong mộ được bốc lên đưa về quê ở Đồng Tháp, phần còn lại đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện Thạnh Phú chôn trong nấm mộ lấy tên tượng trưng của 1 trong 8 liệt sĩ: Thuyền trưởng Lê Văn Diện.

Theo: Nhân vật lịch sử - Con người Đồng Tháp
         Trỗi Việt Nam.



Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #335 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 09:13:42 pm »


Thiếu tướng Mai Tân (13/11/1923 - 7h30' ngày 4/2/2008) quê tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Trước năm 1945, ông vốn là một thầy giáo làng, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền rồi ra nhập Quân đội trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến. 9 năm kháng chiến chống Pháp ông tham gia chiến đầu tại quê hương Bình Định cho đến khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết.

Ông từng giữ các chức vụ: Chính ủy Sư đoàn 3 Sao Vàng, Chính ủy kiêm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghĩa Bình, Phó Tư lệnh Quân khu V, Chính ủy Mặt trận 579 ở chiến trường Campuchia.

Ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1985 và là Đại biểu Quốc hội khóa V. Thiếu tướng Mai Tân nghỉ hưu năm 1988, sau đó ông được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bình Định.

Thiếu tướng Mai Tân được tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huân Chương Quân công hạng nhì; Huân Chương Quyết thắng hạng nhì; Huân Chương Bảo vệ tổ quốc Campuchia hạng nhất;Huy hiệu 60 tuổi Đảng.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #336 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 09:40:03 pm »


Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị (Tám Vị, 1930) từng giữ các chức vụ: phó Tham mưu trưởng Quân khu 8, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre.

Thiếu tướng 21/12/1985.



Ông sinh tại xã nghèo Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre trong một gia đình nghèo, đói đông anh em. Ông thứ 8, người em sau ông không nuôi nổi phải cho đi ở nhà thương và lưu lạc từ đó.

Ông tham gia cách mạng từ năm 1946, được kết nạp Đảng năm 1949. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam Bộ.

Năm 1954, ông được phân công ở lại làm cán bộ giao - bảo (giao liên - bảo vệ) cho huyện Ba Tri. Bị chính quyền bắt giam từ năm 1956 tới năm 1959 và bị giam ở các nhà tù Bến Tre, Pleiku, Quy Nhơn, Phú Lợi. Năm 1960, ông trở lại đơn vị vũ trang với chức tiểu đội trưởng Bạch binh tuyên truyền, tham gia phong trào Đồng khởi.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sau này, ông lần lượt giữ các chức vụ: trung đoàn trưởng, quyền sư đoàn trưởng, phó tham mưu trưởng Quân khu 8 và chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre. Chính ông là người chỉ huy đánh bại, làm phá sản chiến thuật "hạm đội nhỏ trên sông" thâm độc của Mỹ ngụy áp dụng cho chiến trường sông nước miền Tây Nam Bộ, làm lên truyền thống "Cưỡi sóng Hàm Luông, nhấn chìm hạm Mỹ"

Tham khảo: Báo Tuổi trẻ.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 03:32:45 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #337 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2010, 07:32:40 pm »


Đại tá Nguyễn Thanh Sơn (tên thật: Nguyễn Văn Tây; thường gọi Nguyễn Thanh Sơn; các bí danh: Tư Hải, Oai, Lilakiri) (1910 - 9/1/1996), từng giữ các chức vụ: Uỷ viên phụ trách quân sự Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ, Tư lệnh kiêm Chính uỷ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Trưởng Phái đoàn đại diện Bộ tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Uỷ ban Liên hiệp đình chiến Việt Nam - Campuchia.

Ngoài ra ông còn từng giữ các chức vụ: Bí thư Xứ ủy Nam  Kỳ, Đại biểu Quốc hội khóa I, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, Bí thư Ban Cán sự Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại Campuchia, Trưởng Ban Lào Campuchia của Đảng, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tài chính.

Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều Huân chương, Huy chương khác.

Đại tá (1954)


Đại tá Thanh Sơn quê làng Trà Côn, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay là xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, 8 tuổi ông đến Cần Thơ học tiểu học, sau đó học tiếp trường Trung học Cần Thơ (Collège de Can Tho). Năm 1925, ông tham gia phong trào phản đối án tử hình Phan Bội Châu và năm 1926 tham gia bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh.

Đầu năm 1927, ông được bí mật đưa qua Quảng Châu dự lớp huấn luyện cách mạng do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và tháng 7/1927 được kết nạp vào tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Về nước, năm 1928, ông là Uỷ viên Tỉnh bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội tỉnh Long Xuyên.

Ngày 02/9/1929, ông được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng. Sau đó, ông là Bí thư Chi bộ đặc biệt vùng Cao Lãnh, Chợ Mới (gọi Chi bộ đặc biệt vì phạm vi hoạt động không chỉ ở Cao Lãnh mà rộng ra cả vùng Sa Đéc, Long Xuyên v.v.). Về Cao Lãnh, để hoạt động, ông làm người ở mướn nhà bà Sáu Ngài, làm thợ nhuộm vải, thợ sơn guốc để che mắt địch. Ông có công gầy dựng cơ sở cách mạng và trực tiếp lãnh đạo các cuộc biểu tình đấu tranh đòi hoản thuế thân, thả những người bị bắt vì thiếu thuế thân, bỏ phạt vô lý ở Bình Thành – Tân Phú (ngày 01/5/1930), ở dinh quận trưởng Cao Lãnh (ngày 03/5/1930) và sau đó ở Chợ Mới, Tân Dương, Cờ Đỏ, Ô Môn, La Ghi, Vĩnh Xuân, Cai Lậy, Ba Tri v.v.

Giữa năm 1930, ông về nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định và tháng 4/1931 là Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ. Ông bị Pháp bắt và kết án tù chung thân, đày đi Côn Đảo. Cuối năm 1936, Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp, ông được thả ra. Từ năm 1937 - 1939, ông hoạt động công khai ở Sài Gòn, tham gia làm báo L’Avant Garde rồi về Mỹ Tho phụ trách Đông Dương thư xã và Đông Dương tạp chí.

Từ năm 1940, ông rút vào hoạt động bí mật ở vùng Châu Đốc, Rạch Giá. Tháng 8/1945, ông là Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ liên tỉnh miền Tây, lãnh đạo giành chính quyền ở miền Tây Nam bộ. Sau đó, ông giữ chức Thanh tra chính trị Uỷ ban Hành chính lâm thời Nam bộ. Ông là đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Vĩnh Trà (Vĩnh Long - Trà Vinh), Phó Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam (năm 1946). Năm 1948, ông là Xứ uỷ viên Nam bộ, Uỷ viên phụ trách quân sự và ngoại vụ Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ.

Năm 1950, ông là Bí thư Ban Cán sự Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại Campuchia, Tư lệnh kiêm Chính uỷ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.

Năm 1954, ông là đại tá, thành viên Phái đoàn quân sự Việt Nam - Lào - Campuchia tại hội nghị Genève, Trưởng Phái đoàn đại diện Bộ tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Uỷ ban Liên hiệp đình chiến Việt Nam - Campuchia. Đến năm 1956, ông là Phó Trưởng ban Lào - Campuchia thuộc Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

Từ năm 1957 - 1975, ông là Bí thư Đảng đoàn, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tài chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Giải phóng Sài Gòn, ông tham gia tiếp quản Tổng Nha Tài chính nguỵ quyền Sài Gòn và tổ chức hệ thống quản lý tài chính các tỉnh miền Nam sau giải phóng. Tháng 9/1976, ông nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh và từ trần ngày 09/01/1996.

Theo: Nhân vật lịch sử - Con người Đồng Tháp




Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #338 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2010, 12:18:09 am »


Thiếu tướng Lương Soạn (tên thật Lương Ngoan, bí danh Lương Hùng, 2/1923 - 24/6/1987), từng giữ các chức vụ: Tư lệnh (đầu tiên) Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Đoàn 275), Trưởng phòng Công trình Bộ Tư lệnh Công binh.

Thiếu tướng Lương Soạn sinh ra tại làng Diêm Trường, phủ Tam Kỳ, nay thuộc thôn Hòa An, xã Tam Giang, huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam. Quê ông là một xã ven biển miền Trung có phong cảnh rất đẹp, người dân quê mình sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, đánh bắt gần bờ vì không có phương tiện đi xa, nên cuộc sống vô cùng lam lũ, khó khăn vất vả.

Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên ông chỉ được học hết lớp ba, rồi phải đi ở, làm thuê cho địa chủ để giảm bớt khó khăn cho cha mẹ, mặc dù rất chăm chỉ lao động, xong vẫn bị chủ nhà ngược đãi. Không chịu đựng được ông đã bỏ về nhà và không cần nhận lại tiền công (là một cái áo vỏ sui tính công của cả năm đi ở cho gia đình địa chủ).

Khi về nhà, tuy còn nhỏ nhưng ông rất tích cực tham gia phụ giúp gia đình những việc phù hợp, mà vẫn không hay biết cha mẹ và các anh, chị đang tham gia hoạt động cách mạng và nuôi giấu cán bộ cách mạng trong nhà. Bản thân chỉ cảm nhận và luôn thắc mắc là: “Tại sao hàng ngày cả nhà mình vẫn luôn ăn một món khoai luộc, trong khi đó cha mẹ vẫn nấu cơm và đem vào trong buồng kín cho ai đó?”. Tò mò trước việc chưa rõ, cùng cảm nhận những việc làm của cha mẹ và các anh, chị trong nhà, trực giác chủ quan về sự bất công của thực dân Pháp, sự bóc lột thậm tệ của tầng lớp địa chủ cường hào, nên ông đã có một hành động khá "liều". Hôm đó, ông đã bất ngờ chạy thẳng vào trong buồng và tận mắt nhìn thấy các cán bộ đang in ấn tài liệu, truyền đơn cách mạng, mọi thắc mắc được giải toả, ông chính thức biết được những việc làm của cha, mẹ, các anh, chị trong gia đình đang hoạt động và nuôi giấu cán bộ cách mạng. Trong số cán bộ mà gia đình ông che dấu, nuôi dưỡng có ông Võ Chí Công sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Cũng từ đó, tổ chức đã thử thách và giao cho ông một số công việc như: canh gác, phục vụ, làm liên lạc cho tổ chức. Sau thời gian giao việc, thử thách thấy đáp ứng được yêu cầu, đến năm 1942 tổ chức đã chính thức công nhận và giao nhiệm vụ cho làm bảo vệ, làm liên lạc cho các cán bộ và cơ quan Tỉnh uỷ Quảng Nam hoạt động bí mật, tham gia thu gom vật liệu, in ấn, chuyển tài liệu mật cho tổ chức cách mạng của tỉnh tại địa phương. 

Tháng 10 năm 1943 vừa tròn 20 tuổi, ông đã chính thức thoát ly gia đình tham gia hoạt động trong Đội du kích Vũ Hùng (tiền thân của lực lượng vũ trang Quảng Nam) trưởng thành lên Đội phó, chỉ huy Đội tham gia nhiều trận đánh. Tháng 8 năm 1945, ông trực tiếp chỉ huy Đội tham gia giành chính quyền tại huyện Quế Sơn - tỉnh Quảng Nam.

Đến tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp trở lại chiếm miền Nam, ông tình nguyện nhập ngũ và tháng 7 năm 1946, mình vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong suốt 9 năm kháng chiến, ông liên tục chiến đấu ở Chiến trường Trung Trung Bộ và Tây Nguyên, tham gia hầu hết những trận đánh, chiến dịch lớn ở đây.

Sau Hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc, công tác ở Bộ Tư lệnh Công binh, làm Trưởng phòng Công trình.

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời,trong phiên họp ngày 29-11-1969, Bộ Chính trị quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác Hồ và xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông được Bộ Tư lệnh Công binh phân công tham gia chuẩn bị xây dựng công trình ngay từ những ngày đầu và lần lượt đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong quá trình chuẩn bị và thi công công trình Lăng.

Ông là một trong 4 cán bộ quân đội tham gia phái đoàn của Việt Nam làm việc với phái đoàn của Liên Xô nhằm soạn thảo “Dự thảo nhiệm vụ thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” từ ngày 9 đến 23-1-1970 tại Hà Nội; làm Phó Trưởng ban Chỉ huy công trình xây dựng Lăng (lấy phiên hiệu công trường 75808)  do Phó Thủ tướng Đỗ Mười ký quyết định thành lập ngày 3-11-1971; Phó Trưởng đoàn của Việt Nam góp ý kiến bổ sung bản thiết kế kỹ thuật của Lăng do một phái đoàn của Liên Xô mang sang làm việc từ ngày 3-11 đến 3-12-1971.

Trong quá trình thi công Lăng, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Công binh làm nòng cốt tổ chức lực lượng thi công, phối hợp với các cơ quan Bộ tuyển chọn cán bộ chiến sĩ, công nhân kỹ thuật ưu tú ở các quân chủng, binh chủng trong toàn quân. Từ tháng 9-1973, mô hình tổ chức của lực lượng bộ đội lắp các thiết bị của Lăng đã ổn định và hoạt động có hiệu lực, ông được Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Công binh cử tham gia “Bộ chỉ huy lắp máy” đồng thời được cử phụ trách cơ quan đặc trách vừa giúp việc cho Bộ chỉ huy lắp máy, vừa giúp việc cho Ban Phụ trách và Ban chỉ huy công trường và tham gia Ban cán sự Đảng thay mặt cho Đảng ủy Bộ Tư lệnh lãnh đạo toàn diện các mặt công tác của bộ đội tại Lăng Bác.

Với những đóng góp trên, sau khi công trình Lăng được khánh thành, Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thành lập, ông  được điều động về Bộ Tư lệnh, một thời gian sau được đề bạt giữ chức Tư lệnh với quân hàm Đại tá rồi Thiếu tướng cho đến khi ngã bệnh và mất.

Theo: Trang Thông tin Điện tử Bộ Tư lệnh Lăng
         Trang Thông tin Điện tử tỉnh Quảng Nam






Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #339 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2010, 06:00:03 am »


Đại tá Thân Trọng Một (Thân Trọng Thoan, 1921-1993), từng giữ các chức vụ : Trưởng Phòng Dân quân, Tham mưu phó Quân khu Trị Thiên Huế, Thành đội trưởng Thành đội Huế.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (1986). Tên ông được đặt cho một con đường tại khu vực Thành Nội thuộc phường Tây Lộc thành phố Huế.


Ông sinh tại làng Dương Xuân Thượng, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy (nay thuộc thành phố Huế) trong một gia đình có 6 anh chị em, ông là con thứ 4. Bố ông là cụ Thân Trọng Du, mẹ ông là cụ Trương Thị Liệu.

Cụ tổ ông vốn người họ Giáp, quê ở Bắc Giang, di cư vào Huế sống tại làng An Lỗ, huyện Phong Điền khoảng giữa thế kỷ 18. Do có công lao với triều Nguyễn, dòng họ ông được vua ban cho một “cái mũ”, nét sổ trong chữ “giáp” được trồi lên khỏi bộ “điền” một chút, cải thành họ Thân rồi dời đến làng Dương Xuân Thượng, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy.

17 tuổi, ông cưới bà Phan Thị Cháu là con một gia đình nghèo ở Phá Tam Giang. Vợ vừa mang thai, ông đã bị gọi đi ở không công cho một chức sắc làng Dương Xuân Hạ, theo “lệ” cũ bắt buộc đối với những người ngụ cư. Không cam chịu kiếp tôi đòi, ông chia tay vợ, bỏ làng đi biệt xứ, vào tận Sài Gòn rồi sang Nam Vang, sống phiêu bạt giang hồ bằng nghề đánh móng ngựa và làm xe ngựa. Giới giang hồ Sài Gòn, Nam Vang lúc bấy giờ đặt cho ông biệt danh Nam Huế.
 
Nhật hất cẳng Pháp, không khí cách mạng sôi sục khắp nơi dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ông từ biệt bạn bè giang hồ, về Huế với mong ước « giải phóng gia đình, vợ con » hồ hởi tham gia cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân. Sau khi cách mạng thành công, trước tình hình quân Pháp núp bóng đồng minh quay trở lại, ông tình nguyện nhập ngũ trở thành người lính Vệ quốc đoàn của Trung đoàn Trần Cao Vân (E101). Đây là đơn vị vũ trang cách mạng đầu tiên của Huế.

Có lẽ cấp trên thấy ông trước làm nghề làm móng ngựa và xe ngựa cho nên đã phân công ông vào hậu cần, làm công tác vận tải bằng ngựa. Tuy nhiên, trước sựa gan dạ và mưu trí của ông, sau đó ông được chuyển sang bộ phận trực tiếp chiến đấu. Năm 1946, trong trận tấn công vào kháng sạnh Morin, ông bị thương nặng. Sau khi mặt trận Huế bị vỡ, ông phải nằm lại tại nhà dân tại Bình Điền trị thương.
Sau khi bình phục, ông trở về quê nhà tập hợp trai làng thành đơn vị chiến đấu. Trai làng nghe tiếng ông từ lâu nên ra nhập rất đông. Những chiến sĩ đầu tiên của đơn vị này được gọi tên là theo số thứ tự. Là người sáng lập và chỉ huy, Thân Trọng Thoan đã trở thành Thân Trọng Một.

Súng ống đạn dược không có, Thân Trọng Một nghĩ kế dùng gậy gộc, giáo mác phục kích giết giặc, cướp súng. Trận Lò Dầu, ông cho lính ngụy trang trong bụi, tấn công bất ngờ một toán lính khố đỏ khi chúng nghỉ ngơi, diệt nửa tiểu đội, thu 6 súng.

Trận Gò Sóng với những gậy tre vạt nhọn, những người lính bạch binh (lính tay trắng, không vũ khí) lại bất ngờ đánh thẳng vào đội hình một trung đội ngụy binh đi tuần đường sắt, diệt 18 tên, thu đủ 18 súng.

Theo lời của tù binh thì hay tin, một viên đại tá Pháp đang dẫn quân đi tuần gần khu vực đàn Nam Giao đã phải thốt lên “Thân Trọng Một là một thằng đáng gờm, cứ nhìn cái gậy vót nhọn đầu của hắn thì sẽ hiểu” và vội vã thu quân về Trường Quốc học để cố thủ, không dám hành quân tiếp ứng.

Ít lâu sau, dụng kế mỹ nhân, ông lại tổ chức dụ địch vào bãi mìn ở làng Võ Xá, diệt 8 tên. Sử dụng súng ống thu được, Thân Trọng Một đã táo bạo tổ chức đơn vị tấn công hạ đồn Đôn Bạc giữa ban ngày. Chỉ sau 15 phút, toàn bộ lính đồn Đôn Bạc đã bị tiêu diệt. Khi quân từ hai đồn kia chi viện đến nơi thì đơn vị của Thân Trọng Một đã rút hết an toàn.

Súng ống thu được ngày một nhiều, bộ đội các huyện mạnh dần lên nhập lại với nhau trở thành tiểu đoàn bộ đội địa phương vào năm 1947. Thân Trọng Một được cử làm Tiểu đoàn phó, ông Nguyễn Chi làm Tiểu đoàn trưởng. Cùng năm này ông được kết nạp vào Đảng.
Cay cú vì bị đánh nhiều trận đau, địch lần lượt bắt bố mẹ ông tra tấn cho đến chết. Vườn nhà ông, bị chặt trụi, mang cả xe vào ủi phẳng nhà cửa để “thằng Một không còn chỗ mà về”.

 Vợ ông phải ôm hai con về quê ngoại Phú Vang nương thân nhưng vẫn liên tục bị tên Đồn trưởng Đồn Nam Giao lần theo truy bức khủng bố. Bà phải đi bước nữa với một người đàn ông khác, nhằm có chỗ tử tế cho hai người con của ông nương thân. Nhiều năm sau, tại mặt trận Phú Lộc, ông mới chịu tái hôn với một cán bộ phụ nữ xã.

Tháng 12/1950, trong một trận đánh ác liệt, ông bị thương và bị địch bắt giam. Biết ông là người chỉ huy mưu trí dũng cảm, chúng tìm mọi cách dụ dỗ mua chuộc kể cả mỹ nhân kế, ông tương kế tựu kế để chúng sơ hở rồi nhanh trí tìm đường trốn thoát trở về chiến khu tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và vào học ở Trường Nguyễn ái Quốc. Sau khoá học, ông được điều vào Quân khu Bốn, chỉ huy tiểu đoàn. Cuối năm 1961, ông chuyển sang làm kinh tế ở Bộ Nông trường, đến tháng 7/1962 thì được lệnh trở lại quân đội vào Nam chiến đấu.

Ông từng trải qua các chức vụ: Tiểu đoàn trưởng, Trưởng ban dân quân, Phó tham mưu trưởng Phân khu Trị Thiên. Chiến dịch Mậu Thân 1968, ông là Chỉ huy trưởng Đoàn 5 (ông Nguyễn Vạn làm Chính ủy, sau này là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên) đánh vào nội thành Huế. Ông có nhiều năm là Thành ủy viên thành phố Huế, giữ chức Thành đội trưởng, được phong quân hàm Đại tá.

Sau năm 1977, ông chuyển sang làm kinh tế - giữ chức Chủ nhiệm Công ty Hải sản Bình Trị Thiên, năm 1983 thì nghỉ hưu tại quê nhà cho đến khi mất.

Thân Trọng Một là người nhiệt tình cách mạng, lúc vào quân đội chưa biết chữ, nói năng diễn đạt vụng về, song là người chỉ huy bình tĩnh, thông minh, sáng tạo và dũng cảm lấy phương châm "cướp súng giặc đánh giặc". Trên đường hành quân hay khi lao vào trận chiến ông luôn đi đầu. Ông nổi tiếng trong cách bày binh bố trận, vạch ra chiến thuật bí mật, bất ngờ, sờ vào tận ổ giặc mà đánh. Là người chỉ huy tài tình của chiến tranh du kích, Thân Trọng Một luôn bám sát thực địa, có khi theo trinh sát đi sâu vào lòng địch kiểm tra tình hình, đúng như lời nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng nhận xét về ông : "Đồng chí Thân Trọng Một là một cán bộ chỉ huy quân sự, Anh hùng lực lượng vũ trang, tiêu biểu cho việc tổ chức thực hiện xuất sắc đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta ở chiến trường Trị Thiên - Huế". Tài chỉ huy, cầm quân của ông khiến cho kẻ thù phải nể sợ. Hết Pháp rồi Mỹ ngụy tìm cách tiêu diệt, mua chuộc, dụ dỗ chiêu hồi ông nhưng tất cả đều thất bại. Người ta kể lại rằng trong những ngày ông ở căn cứ máy bay Mỹ ngụy bay trên trời gọi loa “Kính thưa ông Thân Trọng Một. Ông là một tướng tài. Quân đội quốc gia sẵn sàng chấp nhận mọi yêu cầu của ông”.

Thân Trọng Một là một người hết sức nóng tính, nghiêm khắc và có tính kỷ luật rất cao. Lính mà ăn nói không đúng mức, thiếu lễ độ với người trên, gặp ông không ăn bạt tai thì cũng bị ăn gậy. Tết Mậu Thân 1968, sau khi làm chủ nội thành Huế, sẵn thực phẩm, bia rượu chiến lợi phẩm, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 810 tổ chức một buổi liên hoan mừng chiến thắng tại Trường Đồng Khánh, mời Thân Trọng Một đến dự. Khi bước vào, mặt Thân Trọng Một đằng đằng sát khí, tay xách theo một... cây gậy. Bàn tiệc kê một dãy dài suốt hội trường. Ông chậm rãi đi từ đầu bàn đến cuối bàn, xách gậy đập, bia rượu vỡ chảy lênh láng, thức ăn văng tứ tung. Xong, ông gọi Tiểu đoàn trưởng đến phê bình vì tội chủ quan khinh địch.

Nóng nảy, nhưng ông lại là người rất tinh, suy nghĩ hết sức thấu đáo hết mực yêu thương bộ đội. Mùa đông, gặp một đơn vị bộ đội đang ém quân ở Đình Môn chuẩn bị vượt sông Hương đánh quận Nam Hòa, thấy một anh lính áo quần rách rưới, ông cởi chiếc áo bông đang mặc cho ngay, còn mình thì chịu rét. Gặp một tiểu đội phòng không đang trực chiến, nghe họ than buồn, nhớ nhà, ông không ngần ngại đem chiếc radio đang dùng tặng ngay cho họ. Ông nói : Cha mẹ chúng đẻ chúng ra, nuôi 18, 20 tuổi chưa nhờ cái chi, họ cho con đi kháng chiến, còn không tiếc, răng mình lại tiếc áo, tiếc đài với họ được. Một lần, dừng chân qua đêm bên sông A Rí, ông cùng người cận vệ thức dậy thì gùi hàng lương thực biến mất. Vừa sợ vừa bực, lại biết khu vực nghỉ chân là nơi đóng quân của đơn vị 439, anh Chiến, cần vụ của ông, xin phép vào báo với BCH Tiểu đoàn. Nghe anh cần vụ đề xuất, Thân Trọng Một đột nhiên úp mặt vào tay rưng rức khóc. Ông bảo: “Tao là thằng chỉ huy tồi. Lính có đói thì mới có thằng ăn cắp. Nó lấy gùi hàng là nó chửi tao, cảnh cáo tao đó!”. Thương bộ đội xung quanh thiếu thốn, có giai đoạn phải ăn toàn  tai nai, môn thục, tàu bay, hạt ghém thay cơm, ông ra lệnh đem những nhu yếu phẩm ưu tiên cho Thành đội trưởng, chia cho họ hết.

Đồng bào các dân tộc ở Thừa Thiên, những vùng có đợ vị ông chỉ huy đóng  đều tuyệt đối tin tưởng vào ông. Một lần rẫy mỳ chống đói của đồng bào đang xanh mướt thì bị địch thả chất độc da cam hủy diệt. Thân Trọng Một ra lệnh cho bộ đội đi chặt hết cây để cứu củ. Xót của, đồng bào chạy ra ngăn cản, bắt đền, không cho “bộ đội phá hoại của dân”. Khi nghe bộ đội trình bày “ông Một biểu chặt”, đồng bào đổi ngay thái độ, vì “ông Một nói chặt là phải chặt thôi”, dù không hiểu lý do. Mấy ngày sau bới mỳ lên, họ mới phục ông hiểu rộng. Cây mỳ nào chặt cây thì còn củ, cây nào để nguyên thì củ dưới đất đều bị thâm đen. Họ gọi bộ đội dưới quyền chỉ huy của ông là bộ đội ông Một, hết lòng che chở, bảo vệ. Trước uy tín của ông, không tiêu diệt cũng không chiêu hồi được, Mỹ ngụy tìm nhiều cách để bôi nhọ hòng làm giảm uy tín của ông, giảm sự ủng hộ của nhân dân với ông đặc biệt là sau đợt Mậu Thân. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những âm mưu đó đều thất bại, bộ đội ông Một vẫn chiến đấu vẫn được nhân dân ủng hộ. Sự gắn bó chặt chẽ giữa bộ đội ông Một với nhân dân còn thể hiện bởi rất nhiều câu chuyện được truyền tụng, được lưu truyền trong nhân dân về tài cầm quân xuất quỷ nhập thần, « đánh độn thổ, đánh vỗ mặt, đánh bất ngờ » của ông mà khi đọc ta cứ ngỡ là huyền thoại.








Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM