Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 10:38:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hình ảnh & Tiểu sử Lãnh đạo, Tướng lĩnh, Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam  (Đọc 826375 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #290 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2009, 03:50:28 am »


Thiếu tướng Đặng Kim Giang (Đặng Rao, 1910-1983), từng giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Ngoài ra, ông còn từng là: Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Khu 2, Phó Bí thư Khu ủy Khu 2 - Thường vụ Khu ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hành chính Kháng chiến Khu 3, Bí thư Đảng đoàn kiêm Thứ trưởng Bộ Nông trường Quốc doanh. Thiếu tướng Đặng Kim Giang là Đại biểu Quốc hội Khóa 1 và 2.

Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.

Thiếu tướng (1958).


Ông quê tại xã Minh Hưng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, tham gia Cách mạng từ năm 1928, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) năm 1930. Là bí thư chi bộ xã, tổng, tỉnh ủy viên rồi xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ hoạt động tại Thái Bình. Từng bị thực dân Pháp bắt giam, giam tại các nhà lao Hỏa Lò, Hòa Bình, Sơn La. Tại Sơn La, ông vượt ngục trở về tiếp tục hoạt động tại Bắc Ninh, Hà Đông. Trong Cách mạng tháng 8, ông lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Hà Đông (thuộc Hà Nội ngày nay), là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân kiêm Phó Bí thư tỉnh ủy. Trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,  ông trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa 1.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông lần lượt giữ các chức vụ : Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Khu 2 ; Phó Bí thư Khu ủy Khu 2, Thường vụ Khu ủy ; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hành chính Kháng chiến Khu 3. Năm 1951, ông được điều động vào công tác trong Quân đội là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (Tổng cục Hậu cần), tham gia chỉ đạo hậu cần trong các Chiến dịch : Biên Giới, Hà Nam Ninh, Thượng Lào, Hòa Bình, Tây Bắc. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông thay ông Trần Đăng Ninh (khi đó là Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp) bị ốm phụ trách công tác hậu cần của chiến dịch.

Sau Hiệp địch Giơ-ne-vơ, ông tiếp tục giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp rồi sau đó là Tổng cục Hậu cần. Trong đợt trao quân hàm đầu tiên của Quân đội, ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1962, ông chuyển ngành làm Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ Nông trường Quốc doanh. Vì những liên quan trong vụ án chính trị giữa thập niên 1960, ông bị tước mọi chức vụ, đảng tịch, quân tịch và bị quản thúc nhiều năm (1967).
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 03:24:45 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
SukhoiSu-47Berkut
Thành viên
*
Bài viết: 354


Vọng mãi đến ngàn năm, vần thơ Nam quốc sơn hà!


« Trả lời #291 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2009, 08:37:53 am »

@ Đồng chí Panphilpov:
Chuyên mục thật hay về tướng lĩnh, nhưng nếu chủ đề vậy thì có nên đưa cấp Đại tá vào không? và nữa, tôi nghĩ chỉ nên đưa những ai có hàm cấp chính thức, tính đến thời điểm này. Nếu đã bị tước quân tịch thì đương nhiên không đưa vào.
Logged

Bóng ai như tôi đi qua cánh đồng...
Bóng ai như tôi đi qua cuộc đời....!
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #292 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2009, 12:10:18 am »

@ Đồng chí Panphilpov:
Chuyên mục thật hay về tướng lĩnh, nhưng nếu chủ đề vậy thì có nên đưa cấp Đại tá vào không? và nữa, tôi nghĩ chỉ nên đưa những ai có hàm cấp chính thức, tính đến thời điểm này. Nếu đã bị tước quân tịch thì đương nhiên không đưa vào.

Nếu không đưa cấp Đại tá vào, em thấy thiệt thòi cho nhiều người quá. Lại càng thiệt thòi hơn cho những người còn không có cả quân hàm như các cụ Trần Đăng Ninh, Nguyễn Chánh, Hoàng Đình Giong... chẳng hạn. Cho nên em đưa vào đây theo chức vụ và cả căn cứ vào thời điểm nữa.
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #293 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2009, 02:00:49 am »


Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh (1918-1978) từng giữ các chức vụ : Chính ủy Bộ Tư lệnh Khu 8, Chính ủy Bộ Tư lệnh Phân khu miền Tây Nam Bộ, Phó Tư lệnh Phân khu miền Đông Nam Bộ, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ Bộ Quốc phòng Ủy viên Tổng quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ngoài ra ông từng giữ các chức vụ : Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất Trung ương (hàm Bộ trưởng), Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa 3.

Trung tướng (1959).

Huân chương Độc lập hạng Nhất (truy tặng), Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến thắng (chống Pháp) hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc.


Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh quê ở làng Đô Quan, xã Nam Vang, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định. Cùng quê, cùng hoàn cảnh gia đình, cùng mồ côi cha từ nhỏ, sống nhờ vào sự tần tảo của mẹ, ông cùng với nhà thơ Nguyễn Văn Cừ là đôi bạn chí thân từ nhỏ.

Năm 1936, ông tham gia phong trào học sinh yêu nước ở huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định, bị thực dân Pháp bắt giam năm 1937. Sau khi ra tù, năm 1940 ông xuống Hải Phòng rồi năm 1941 vào Nam rồi sau đó đăng lính làm đến chức đội. Là một người có tư tưởng yêu nước, tiến bộ, thích thơ văn, ông được các ông Hoàng Văn Thụ (khi đó là trưởng ban binh vận) và ông Trường Chinh trực tiếp tổ chức tuyên truyền và giác ngộ tham gia Hội quân nhân cứu quốc. Năm 1943, ông bị thực dân Pháp bắt giam lần thứ hai kết án 20 năm tù khổ sai và đày ra Côn Đảo. Cách mạng tháng 8 thành công, ông được đón về đất liền tiếp tục hoạt động tại chiến trường Nam Bộ.

Năm 1946, ông là Tỉnh ủy viên kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Mỹ Tho, chỉ huy đội du kích rồi được bầu làm chính trị viên; Từ năm 1946 đến 1950, Chính ủy Bộ Tư lệnh Khu 8, Bí thư Khu ủy, Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Bộ chỉ đạo xây dựng căn cứ (trong đó có chiến khu Đồng Tháp Mười), các cơ sở cách mạng, các đội du kích, các trạm quân uy, tổ chức hậu cần và hoạch địch chiến lược chiến thuật. Ông là một trong những người đỡ đầu góp phần khai sinh ra nền điện ảnh khu 8, cội nguồn của điện ảnh cách mạng Việt Nam; Từ năm 1950 đến 1952, Chính ủy Bộ Tư lệnh Phân khu Miền Tây Nam Bộ ; Từ năm 1952 đến 1954, Phó Tư lệnh Phân khu Miền Đông Nam Bộ ; Năm 1954, ông tập kết ra Bắc theo tinh thần Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Trong hai năm 1955 và 1956, ông là Trưởng Phái đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ tại Sài Gòn ; Năm 1957, ông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước ; tháng 6 năm 1957, ông được cử giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ Bộ Quốc phòng, Ủy viên Quân ủy Trung ương ; Sau khi ông Nguyễn Chánh (Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ mất), ông giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ vào năm 1958 ; Tháng 8 năm 1959, ông được phong quân hàm Trung tướng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Từ năm 1960 đến 1969, ông chuyển sang làm Trưởng Ban Thống nhất Trung ương, hàm bộ trưởng. Do bảo vệ một số người trong vụ án chính trị giữa thập niên 1960, ông bị liên can và thôi giữ các chức vụ, bị hạ quân hàm xuống Thiếu tướng. Tuy nhiên, ông vẫn vững tin vào Đảng, vào Cách mạng đặt lợi ích toàn cục lên trên hết động viên đồng chí của mình yên tâm công tác, chiến đấu nhanh chóng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những năm tháng cuối đời, ông bị bệnh hiểm nghèo và được Đảng và Nhà nước đưa sang Cộng hòa Dân chủ Đức chữa bệnh và mất tại đây vào năm 1978.

Ông là một trong những người đầu tiên đề xuất và chỉ đạo xây dựng đường Trường Sơn trên bộ và trên biển để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam; chỉ đạo xây dựng công tác binh, địch vận từ 1960; đề xuất phát động du kích chiến tranh, nhân dân chiến tranh toàn diện và trường kỳ từ 1961; đề xuất chủ trương vừa đánh vừa đàm từ 1965…

Ông đã được khôi phục danh dự, khởi đầu với việc xuất bản tập hồi ký chung của nhiều tác giả ‘’Nguyễn Văn Vịnh – như anh còn sống mãi’’ rồi được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tuy nhiên, hiện nay ông vẫn chưa được khôi phục quân hàm trung tướng.




« Sửa lần cuối: 29 Tháng Tám, 2009, 07:44:11 pm gửi bởi DepTraiDeu » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
GiangNH
Thành viên
*
Bài viết: 1146


« Trả lời #294 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2009, 01:25:27 am »

     *Với diễn đàn QSVN bọn em chỉ là "thảo dân" thôi,không biết thì mới hỏi(mà hỏi không cẩn thận thì cũng vào Quân lao đấy),biết đóng góp thế nào hả các "cao thủ chuyên nghiệp".Vào QSVN để biết thêm kiến thức mà dạy dỗ con cháu chứ,biết đâu 1 ngày nào đó chúng nó quên hết Lịch sử dân tộc đã sinh ra nó(lo xa thế là vừa đấy các bác ạ!).
     *Thế cụ Giáp nhà mình sao không thấy đâu nhỉ(em cũng vừa hỏi bên tướng lĩnh Liên xô với cụ Stalin-chắc là chẳng ai ngồi giờ này mà trả lời giúp em).Còn mấy ông tướng tình báo nhà mình mà Phương Tây nó phải "nghiêng mình kính cẩn" đâu rồi-các bác biết thừa đó là ai?
     
Logged
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #295 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2009, 03:50:17 am »

     *Với diễn đàn QSVN bọn em chỉ là "thảo dân" thôi,không biết thì mới hỏi(mà hỏi không cẩn thận thì cũng vào Quân lao đấy),biết đóng góp thế nào hả các "cao thủ chuyên nghiệp".Vào QSVN để biết thêm kiến thức mà dạy dỗ con cháu chứ,biết đâu 1 ngày nào đó chúng nó quên hết Lịch sử dân tộc đã sinh ra nó(lo xa thế là vừa đấy các bác ạ!).
     *Thế cụ Giáp nhà mình sao không thấy đâu nhỉ(em cũng vừa hỏi bên tướng lĩnh Liên xô với cụ Stalin-chắc là chẳng ai ngồi giờ này mà trả lời giúp em).Còn mấy ông tướng tình báo nhà mình mà Phương Tây nó phải "nghiêng mình kính cẩn" đâu rồi-các bác biết thừa đó là ai?
     

Về việc cụ Giáp, thì cũng đã có một bác hỏi rồi. Em xin nhắc lại câu trả lời là em cũng đã viết, nhưng thấy không đạt cho nên đề nghị mọi người cùng nhau thảo luận, trao đổi để viết tiểu sử về cụ.

Còn những người làm công tác tình báo em cũng đã, đang đưa lên rồi đấy chứ. Như các cụ Hoàng Minh Đạo, Đinh Thị Vân, Trần Hiệu, Nguyễn Như Văn, Phạm Ngọc Thảo.

Cũng cần phải nói luôn, là trong đây em mới chỉ đưa những vị tướng mà tham gia quân đội từ thời kháng chiến chống Pháp trở về trước. Những vị tướng tham gia quân đội sau kháng chiến chống Pháp và đặc biệt còn đang giữ chức vị là em không có đưa lên.




Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
GiangNH
Thành viên
*
Bài viết: 1146


« Trả lời #296 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2009, 06:36:57 pm »

-Bác nên chia kiểu như sau:Chương 1 các tướng lĩnh trước 1954,chương 2 các tướng lĩnh từ 1954 đến nay.Phần đầu của mỗi chương liệt kê hết danh sách ,sau đó là kể tiểu sử từng tướng lĩnh.Em đảm bảo mọi người hết thắc mắc kiểu như em:Ông Nhạ đâu,ông Ẩn đâu...
 -Góp ý ít thôi kẻo các bác "lòng trắng trìu mến nhìn em",xin phép,em đang nghe Bộ đội về làng(Lê Yên-Hoàng trung Thông)hay quá!
Logged
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #297 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2009, 04:50:13 am »


Thiếu tướng Trần Tiến Cung (bí danh : Trần Phong, 1928) từng giữ các chức vụ : Cục trưởng Cục 11 (Tình báo Quân sự miền Trung), Tổng cục phó Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng (Tổng cục II). Ông là cụm trưởng Cụm tình báo H32 (hoạt động suốt từ Huế đến Quảng Ngãi) trong suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thiếu tướng Trần Tiến Cung hiện là Chủ tịch Hội cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng, Ủy viên thường vụ Hội cựu chiến binh Việt Nam.


Thiếu tướng Trần Tiến Cung quê tại xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1945, khi đang học lớp nhị niên (tương đương lớp 7 ngày nay), ông giác ngộ lý tưởng Cách mạng, giải phóng dân tộc và hăng hái tham gia tổng khới nghĩa giành chính quyền tại địa phương (tháng 8 năm 1945).

Đầu năm 1946, Tiểu đoàn Lương Ngọc Quyến Trung đoàn 69 Quảng Ngãi từ Ba Tơ về đóng quân tại quê hương tại Nghĩa Hòa, ông tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ và trở thành người chiến sĩ Vệ quốc đoàn từ đó. Vốn nhanh nhẹn, hoạt bát, ông được phân công làm nhiệm vụ trinh sát. Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu hàng chục trận lớn nhỏ trên chiến trường Khu 5. Năm 1948, sau trận Tú Thủy, ông bị thương nặng ở cổ, tay, chân trái và bị quân Pháp bắt. Đơn vị cứ ngỡ ông hy sinh đã gửi giấy báo tử về cho gia đình. Nhờ lòng dũng cảm và mưu trí, ông cùng một số đồng chí khác đã vượt ngục thành công trở về tiếp tục kháng chiến rồi trở thành đại đội trưởng trinh sát nổi tiếng.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông tập kết ra Bắc và được biên chế vào Sư đoàn 324 đóng quân tại Nghệ An và là Trưởng ban 2 (Quân báo) của Sư đoàn. Năm 1958, ông được phong quân hàm Đại úy. Năm 1960, ông được điều về công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Sau đó, từ Phó Phòng Điều tra Thẩm cứu chuyên thụ án những vụ án lớn, trọng điểm, ông được điều lên làm thư ký riêng cho Viện trưởng Hoàng Quốc Việt bởi sự sắc sảo và mẫn cán trong giải quyết công việc.

Tháng 5 năm 1965, ông được ông Hoàng Quốc Việt gọi lên thông báo Bộ Quốc phòng đề nghị xin ông về lại bên quân đội để vào Nam chiến đấu tại chiến trường khu 5 vì ông am hiểu tình hình Huế, Đà Nẵng cũng như miền Trung đặt biệt là tầng lớp tư sản, trí thức.

Năm 1954, sau khi chuyển quân tập kết, Ban Tình báo Liên khu 5 ở lại miền Nam hoạt động bí mật. Năm 1959-1960, do bị khủng bố gắt gao, nhiều cơ sở của ta bị vỡ, nhiều chiến sĩ tình báo, trong đó có Trưởng ban Tình báo Liên khu 5 Lê Cầu bị địch bắt và đưa đi đày. Trước tình hình đó, tình báo miền Trung được thành lập lại và tổ chức thành hai đơn vị: H.32 và B.54. H.32 gắn bó với chính quyền địa phương, vừa phục vụ cho Trung ương, còn B.54 tuy là tình báo miền Trung nhưng do Trung ương quản lý trực tiếp. Đến năm 1966, hai đơn vị này sáp nhập lại nhưng nhiệm vụ cơ bản vẫn không thay đổi.Khó nhất của tình báo miền Trung là phụ trách, theo dõi địch từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, ngoài ra tùy tình hình cụ thể, trên có thể giao thêm nhiệm vụ ở Sài Gòn hoặc Tây Nam Bộ. Trong khi đó, thế bố trí Mỹ ngụy ở miền Trung đã chặt chẽ, lực lượng, nhất là ở Đà Nẵng và Quảng Trị được tăng cường tối đa. Đó là chưa kể mật thám trà trộn vào hàng ngũ để chỉ điểm bắt bớ cán bộ và chống phá cơ sở cách mạng.

Trước tình hình kể trên, sau khi được tuyển chọn về Bộ Quốc phòng, ông được tuyển chọn cử đi học 5 tháng ở Cục nghiên cứu (tên gọi bí mật của Cục Tình báo khi đó). Sau khi kết thúc khóa học, ông vượt Trường Sơn trở về quê hương chiến đấu với nhiệm vụ xây dựng và phát triển mạng lưới tình báo ở khu 5.

Sau khi về lại chiến trường, để bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao cho, ông chọn Gò Nổi cách Đà Nẵng 30 km làm căn cứ tiền phương của Cụm. Gò Nổi đối với các bên đều rất quan trọng. Ta thì muốn dùng Gò Nổi làm bàn đạp tấn công cơ quan đầu não khu vực miền Trung, còn Mỹ ngụy thì muốn nơi đây thành “mảnh đất trắng” để bảo vệ Đà Nẵng. Cho nên trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, Gò Nổi là nơi giành giật quyết liệt, khiến cho vùng đất này là nơi ác liệt bậc nhất chiến trường miền Nam hồi bấy giờ, thậm chí được ví ngang với Củ Chi (Nhất Củ Chi nhì Gò Nổi). Đó là địa thế hiểm yếu, gần thành phố Đà Nẵng, trong thành ra hoặc từ Gò Nổi vào chỉ qua một trạm kiểm soát ở đường quốc lộ số 1. Nhưng trên tất cả, là người dân nơi đây một lòng một dạ theo cách mạng, chấp nhận hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ. Đây cũng là nơi đặt căn cứ của tỉnh ủy Quảng Đà và thành ủy Đà Nẵng.

Dưới sự chỉ huy mưu lược của Cụm trưởng Trần Tiến Cung, Cụm điệp báo đã gây dựng, phát triển mạng lưới tình báo rộng khắp với đủ thành phần nam, phụ, lão, ấu, sĩ, nông, công, binh... trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi. Tiêu biểu là gia đình ông Huỳnh Kim Vạn có 6 người tham gia hoạt động; cụ Phạm Phú Hoàng (xã Điện Trung, cháu nội quan Thượng thư Phạm Phú Thứ, em trai Tổng đốc Phạm Phú Tiết thời Pháp thuộc), bà Nguyễn Thị Bảy (nông dân xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn) - những giao thông viên đắc lực... Đặc biệt, tham gia cụm điệp báo còn có cả tầng lớp tư sản. Ông Phan Kỳ là chủ 2 tiệm vàng gần chợ Hàn và nhiều bất động sản lớn ở Đà Nẵng, sau khi được Cụm trưởng trực tiếp gặp gỡ, cảm hóa, đã xúc động phát biểu: “Tôi biết tham gia cách mạng là gươm kề cổ súng kề tai, nhưng được các anh tin tưởng thì dù hy sinh tôi cũng quyết không từ nan”. Gia đình ông Kỳ nhận nuôi giấu một tổ trưởng tình báo ngay tại tiệm vàng Tâm Thành. Khi cán bộ này chuyển công tác vào Sài Gòn, ông mua nhà trong đó tiếp tục che chở anh hoạt động. Ba năm sau, do đường dây liên lạc bị vỡ, ông Kỳ địch bắt, đày ra Côn Đảo. Vượt lên mọi đòn thù tàn bạo, ông vẫn giữ tròn khí tiết của người làm cách mạng. Cụm cũng đã gây được cảm tình và nhận được nhiều thông tin quý giá từ bộ tư lệnh Quân khu 1 cũng như Quân đoàn 1 Ngụy thông qua Trung tá Nguyễn Văn Lý trợ lý của Hoàng Xuân Lãm (sau này là Đại tá thanh tra Vùng 3 chiến thuật) rồi mạo hiểm đưa điện đài vào giữa thành phố Đà Nẵng để thông tin tình báo trong đó có thể chuyền trực tiếp ra Hà Nội hoặc vào Sài Gòn mà không phải mất thời gian qua Gò Nổi.

Chiến dịch Mậu Thân 1968, Tình báo Liên khu 5 đã nắm chắc được Hội nghị Bộ Tổng tham mưu ngụy và kế hoạch quân sự Vùng 1 chiến thuật, nắm được kế hoạch quân sự và ý đồ tác chiến của địch trong chiến dịch đường 9-Nam Lào. Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Tình báo Liên khu 5 đã triển khai kế hoạch phục vụ, củng cố nâng cao hiệu quả các lưới điệp báo, điều chỉnh lực lượng vào các mục tiêu quan trọng ở Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế…

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ông lần lượt giữ các chức vụ Cục trưởng Cục 11 rồi Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng dù bận trăm công nghìn việc nhưng Thiếu tướng Trần Tiến Cung vẫn dành thời gian về lại Gò Nổi - chiến trường xưa, thăm hỏi, giúp những đồng chí cũ làm các chế độ chính sách, thắp hương cho người đã khuất, tham gia tìm kiếm 6 hài cốt liệt sĩ... Và ra sức bảo vệ các nhà tư sản có công đối với Cụm trong thời kỳ cải tạo tư bản ở miền Nam, động viên họ kiên trì, không bất mãn, tiếp tục động viên con cháu tham gia xây dựng đất nước.

Theo Báo Quân đội Nhân dân, Báo Quảng Nam Đà Nẵng



« Sửa lần cuối: 06 Tháng Chín, 2009, 05:03:47 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #298 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2009, 10:07:59 pm »


Thiếu tướng Vũ Thắng (tên thật : Đào Xuân Thu, 1927) từng giữ các chức vụ : Trưởng phòng Điệp báo Cục Quân báo, Hiệu trưởng Trường huyấn luyện cán bộ tình báo, Trường phòng điệp báo nước ngoài, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng.

Thiếu tướng Vũ Thắng quê tại xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Sớm hoạt động trong phong trào Việt Minh, sau Cách mạng tháng 8 thành công ông được bầu vào Huyện ủy Hải Lăng. Năm 1950, ông được bầu làm Bí thư Huyện ủy Hải Lăng và là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Trị.

Đầu năm 1951, Trung ương điều động 2 tỉnh ủy viên Quảng Trị bổ sung vào quân đội. Tuổi trẻ lại nhiệt huyết, Đào Xuân Thu và Trần Trọng Tân (sau này là Phó bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh) hăng hái xung phong. Trên đường ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ, khi nghỉ chân ở Ninh Bình, Đào Xuân Thu được gặp ông Nguyễn Chí Thanh đang chỉ đạo chiến dịch Quang Trung. Tại đây, rất bất ngờ, Đào Xuân Thu được Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho biết ông được bổ nhiệm chức Trưởng phòng điệp báo của Cục Quân báo.

Làm Trưởng phòng điệp báo, để giữ bí mật Đào Xuân Thu đổi tên thành Vũ Thắng. Hồi đó, tình báo cách mạng Việt Nam có hai cơ quan: Cục quân báo và Nha liên lạc, cơ quan tình báo của Trung ương  (tháng 6-1967, hai cơ quan hợp nhất lại gọi là Cục tình báo Bộ Quốc phòng, tên đối ngoại là Cục nghiên cứu). Nhiệm vụ chủ yếu của Cục Quân báo trong kháng chiến chống Pháp là thu thập tin tức quân sự để phục vụ cho các chiến dịch.

Thiếu cán bộ, ông về Liên khu Ba gặp Bí thư Lê Thanh Nghị, vào Liên khu Bốn gặp Bí thư Chu Văn Biên để xin người. Từ đó, Phòng điệp báo có vốn liếng ban đầu để xây dựng các cơ sở tình báo cách mạng, trong đó có nhiều người là cán bộ cấp huyện, thị xã như Phó bí thư Thị ủy Hà Đông, Thường vụ huyện ủy một huyện ở tỉnh Nam Định, Thị ủy Ninh Bình, Hà Nam… Những người được ông chọn sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ta đưa vào Nam, trở thành những cán bộ tình báo cài vào các cơ quan của Mỹ ngụy từ miền Trung đến Nam Bộ… Có người làm ở Phủ Tổng thống, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Ngoại giao ngụy, cơ quan Viện trợ quân sự Mỹ (MAAG); Có người ở các quân khu, quân đoàn ngụy… Tất cả đã trở thành một lực lượng tổng hợp của tình báo chiến lược trong giai đoạn đánh Mỹ. Ví dụ : Tổ quân báo ở Hải Dương do Nguyễn Trọng Lượng phụ trách thường xuyên nắm địch ở đường số 5, báo cáo tình hình hoạt động của các binh đoàn cơ động Pháp hoạt động trên tuyến này. Sau này, tổ của Trọng Lượng đã được cài vào Cơ quan Viện trợ quân sự Mỹ  đã phát huy tác dụng, cung cấp cho ta nhiều tin tức có giá trị. Tổ quân báo ở Hà Nội đã đưa được nhiều người vào Bộ Tư lệnh Bảo an đoàn của ngụy, cài người vào sở chỉ huy, các binh đoàn cơ động của Pháp, nắm và báo cáo tình hình các phi trường Gia Lâm, Bạch Mai, Cát Bi cho Bộ tổng Tư lệnh. Tổ trưởng cụm này là một người phụ nữ sau này trở thành Anh hùng LLVT nhân dân: Đinh Thị Vân.

Cuối năm 1954, ông được điều vào Nam làm Trưởng ban cán sự tình báo Liên khu 5. Sau đó ông ra Bắc nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường huấn luyện cán bộ tình báo. Năm 1966, ông được điều động làm Trưởng phòng điệp báo ngoài nước cho đến khi đất nước thống nhất. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông được cử giữ chức vụ phó Cục trưởng Cục tình báo Bộ quốc phòng rồi là tổng Cục phó Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng.

Theo Báo Quân đội Nhân dân






« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười, 2009, 10:07:55 pm gửi bởi OldBuff » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #299 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2009, 04:53:11 pm »


Thiếu tướng Giáo sư Hoàng Điền (1924-1999),  từng giữ các chức vụ: Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; Giám đốc Học viện Hậu cần.

Thiếu tướng (1983), Giáo sư (1986).


Thiếu tướng Hoàng Điền quê tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Năm 1945, ông tham gia du kích địa phương tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Từ năm 1946 đến 1950, ông là cán bộ dân vận huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Từ năm 1951 đến năm 1976, ông được điều động vào Quân đội là Cục phó Cục Quân nhu rồi Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần.

Từ năm 1977 đến 1982, ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Năm 1983, ông được phong quân hàm Thiếu tướng và giữ chức vụ Giám đốc Học viện Hậu cần Bộ Quốc phòng. Năm 1986, trong đợt phong học hàm đầu tiên của Quân đội, ông được phong Giáo sư Hậu cần chuyên về nghiên cứu công tác hậu cần trong chiến tranh. Cùng đợt này có các Giáo sư: Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Trung tướng Đỗ Trình, Trung tướng Phạm Hồng Sơn, Thượng tướng Vũ Lăng, Thiếu tướng Đoàn Huyên. Thiếu tướng Hoàng Điền mất năm 1999 tại Hà Nội.



Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM