Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:18:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hình ảnh & Tiểu sử Lãnh đạo, Tướng lĩnh, Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam  (Đọc 825454 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #120 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2008, 07:40:04 am »


Thiếu tướng Trần Văn Trân (1927-1997), nguyên Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719, Phó Giám đốc Học viện Lục quân, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4.

Thiếu tướng (1985).

Huân chương Quân công (3 hạng Nhất, 2 hạng Nhì), 3 Huân chương Chiến công hạng nhất...


Thiếu tướng Trần Văn Trân quê tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cách mạng tháng 8 thành công, ông tham gia Vệ quốc đoàn, chiến đấu trong Trung đoàn Trần Cao Vân (E101). Năm 1946, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp ông chiến đấu ở chiến trường Liên khu 4, trưởng thành từ chiến sĩ đến Trung đoàn phó.

Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1963, ông lên đường vào Nam chiến đấu. Năm 1965, khi Sư đoàn 1-Chủ lực của Tây Nguyên được thành lập, ông được cử làm Sư đoàn phó.

Năm 1968, khi chiến trường miền Nam đang bước vào giai đoạn ác liệt, ông được triệu về Bộ chỉ huy miền ở Lộc Ninh để nhậm chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1 chuẩn bị tham gia Chiến dịch Mậu Thân.

Sau khi nhận chức vụ Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1, ông được lệnh cơ động xuống đồng bằng chiếm lại vùng Bẩy Núi- An Giang. Để chuẩn bị cho trận đánh, một bộ phận từ biên giới Cămpuchia vượt sông đi trước.Còn ông cùng mấy anh em trinh sát và một trung đội đi nghiên cứu chiến trường, chuẩn bị cho đánh lớn. Hôm đó, địch lùng sục rất dữ. Trên trời, máy bay rình ngó, dưới sông tàu bo bo kiểm tra gắt gao. Phía trước, dọc sông Vĩnh Tế cách 1 km có trạm gác của bọn bảo an, mật độ gác dày đặc. Chờ mãi, đến sẩm tối, nghe tiếng tàu bo bo thưa dần, Sư trưởng Trân quyết định vượt kênh Vĩnh Tế. Với chiếc quần xà lỏn, ông cùng một số anh em men ra phía bờ kênh. Không ngờ, một đại đội biệt kích Mỹ đã ém sẵn ở đó. Ông chỉ huy anh em đánh trả nhưng quân ta ít, lại phải đối mặt với lực lượng địch quá đông, nên hầu hết anh em hy sinh và bị thương. Ông cũng bị thương nặng. Sư trưởng Trân quờ tay sang bên cạnh, đồng chí y tá đi theo bị trúng đạn đã tắt thở. Ông với lấy túi thuốc của y tá quàng lên người. Bọn địch đến gần, rà soát thấy ông còn thở, chúng đưa ông về Cần Thơ. Chúng thu được trên người ông một khẩu CKC, một túi y tá có cao hổ cốt, cao khỉ với giấy tờ mang tên Nguyễn Văn Thương, Thượng sỹ đông y.

Ba năm bị bắt làm tù binh, hơn 1.000 ngày trong nhà tù của địch. Chúng hết tra tấn lại dụ dỗ nhưng không thể khuất phục. Tại nhà tù Cần Thơ, ông được đồng đội tin cậy giao trọng trách Bí thư chi bộ nhà tù. Ông được anh em tù nhân che giấu nên địch không hay biết.

Với sự mưu trí của vị Sư trưởng, bọn địch không phát hiện được ông là cán bộ cao cấp của quân đội. Cho đến ngày18 tháng 3 năm 1973, ông được địch trao trả tại sông Thạch Hãn, Quảng Trị.

Sau khi ra tù, ông được bố trí ra Hà Nội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và các lãnh đạo trong Quân uỷ Trung ương, được Ban tổ chức Trung ương cấp giấy chứng nhận toàn bộ tuổi Đảng trong tù. Nằm viện Quân y 108, ông được Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới thăm, động viên. Được 3 tháng, ông xin ra viện để gặp các tướng Song Hào, Lê Quang Đạo đề nghị cho ra đơn vị chiến đấu.

Tháng 11 năm 1973, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Sư đoàn 341, ông nhận quyết định Sư đoàn trưởng. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, ông đã chỉ huy đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tham gia quân quản thành phố.
 
Năm 1976, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó tư lệnh Quân đoàn 4. Năm 1979, ông giữ chức Phó viện trưởng Học viện Lục quân Đà Lạt. Năm 1985, ông là Tham mưu phó mặt trận 719, chỉ huy bộ đội chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn. Cũng năm này, ông được Nhà nước phong quân hàm thiếu tướng. Tháng 5 năm 1988, ông là thành viên Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam (Đoàn 890) giúp Bộ Quốc phòng Campuchia. Năm 1995, ông nghỉ hưu và qua đời năm 1997.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #121 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2008, 08:01:27 am »


Thiếu tướng Lê Quốc Sản (Tám Phương, 1920-2000), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, Tư lệnh Quân khu 8.

Thiếu tướng (1974).

Huân chương Độc lập hạng Nhất, 02 Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất...


Thiếu tướng Lê Quốc Sản quê ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông nhập ngũ tháng 4 năm 1945, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1945.

Tháng 8 năm 1945, ông chỉ huy Quân giải phóng của Việt kiều ở tỉnh Savanakhet của Lào. Tháng 5-1946, có lệnh tập hợp quân giải phóng chiến đấu ở Lào, ông Dương Tự Cẩm cùng các ông Nguyễn Chánh, Lê Quốc Sản, Ðỗ Huy Rừa được giao nhiệm vụ tổ chức, huấn luyện. Tại chiến khu Noọng-ke, trong vòng 10 ngày, đã lựa chọn và tập trung được hơn 400 chiến sĩ trong số những người tình nguyện từ các cơ sở Việt kiều, thành chi hội Trần Phú. Lê Quốc Sản làm Chi đội phó Chi đội Trần Phú cùng chi đội từ Thái Lan về Việt Nam tham gia kháng chiến. Sau khi về nước Chi đội Trần Phú lấy tên là Chi đội Hải ngoại 4.

Từ năm 1947 đến năm 1954, ông hoạt động ở chiến trường Nam Bộ; làm Trung đoàn phó, Trung đoàn trưởng, Liên trung đoàn trưởng rồi Tỉnh đội trưởng tỉnh Vĩnh Trà.

Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc, làm Trưởng phòng Phòng Bờ biển, Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 50 thuộc Quân khu Tả Ngạn.

Năm 1961, ông trở lại chiến trường Nam Bộ, làm Chỉ huy trưởng Quân khu 8. Từ năm 1972 đến năm 1975, ông làm Phó Tư lệnh rồi Tư lệnh Quân khu 8. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ông là Phó Tư lệnh cánh quân Tây Tây Nam tức đoàn 232-lực lượng tương đương một quân đoàn tăng cường.

Từ tháng 5 năm 1976 đến năm 1980, ông làm Phó Tư lệnh Quân khu 9. Từ năm 1980 đến năm 1987, ông chuyển sang làm công tác tổng kết chiến tranh.

Tuy là một người sinh ra trên đất Bắc nhưng Thiếu tướng Lê Quốc Sản sớm gắn bó với mảnh đất Nam Bộ từ thời trai trẻ, trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc trưởng thành đến cấp tướng. Ông được coi là một trong các tướng lính kì cựu của đất Nam Bộ: Trung tướng Đồng Văn Cống, Thiếu tướng Nguyễn Văn Bứa (Nguyễn Hồng Lâm), Thiếu tướng Lê Quốc Sản, Trung tướng Dương Cự Tẩm.
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #122 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2008, 12:08:41 am »


Trung tướng Hoàng Văn Thái (tên thật: Hoàng Đức Tuy, 1920-2000), nguyên quyển Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Tư lệnh (đầu tiên) của Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) Phó Chủ nhiệm Hậu cần, Phó Tư lệnh Quân khu Trị Thiên, Tư lệnh Đoàn 559-Trường Sơn.

Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1982).

Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Ba), Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất...


Ông quê ở xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tham gia cách mạng từ tháng 5 năm 1945 trong phong trào đấu tranh của công nhân hỏa xa tại ga Thuận Lý, tỉnh Quảng Bình. Cùng năm này, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Trong cách mạng tháng 8 năm 1945, ông lãnh đạo công nhân hỏa xa tham gia giành chính quyền tại Quảng Bình.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông ra nhập quân đội năm 1947. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp ông lần lượt giữ các chức vụ: cán bộ phụ trách hậu cần và văn phòng rồi Chính ủy Trung đoàn 101 (Trung đoàn Trần Cao Vân) tham gia chiến dịch Hạ Lào; Chủ nhiệm Chính trị rồi Chính ủy Đại đoàn 325 (Trị Thiên Huế).

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước: năm 1960, ông làm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Pháo binh. Tháng 12 năm 1962, ông làm Phó Chính ủy Quân khu 4. Tháng 1 năm 1965, ông làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Từ cuối năm 1965 đến năm 1967, ông làm Tư lệnh Đoàn 559. Năm 1969, ông làm Phó Tư lệnh, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu Trị - Thiên kiêm Phó Tư lệnh Đoàn 559. Từ năm 1972 đến năm 1974, ông làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên.

Ngày 17 tháng 5 năm 1974, Bộ Quốc phòng ký quyết định thành lập Quân đoàn 2. Ngày 1 tháng 6 năm 1974, tại Ba Nang-Ba Lòng Quảng Trị (trụ sở cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên), thượng tướng Song Hào Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng công bố quyết định thành lập Quân đoàn. Theo đó, Bộ tư lệnh Quân đoàn do ông làm Tư lệnh đầu tiên kiêm Phó Bí thư Đảng ủy.


Năm 1975, ông làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật. Từ năm 1986 đến năm 1989, ông làm quyền Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật.

Như vậy, Quân đội Nhân dân Việt Nam có 2 vị tướng đều mang tên Hoàng Văn Thái đó là: Đại tướng Hoàng Văn Thái (tức Hoàng Văn Xiêm, 1915-1986), Trung tướng Hoàng Văn Thái (tức Hoàng Đức Tuy, 1920-2000). Thế nên mới có chuyện như thế này: Sau năm 1954, Trung tướng Hoàng Văn Thái tập kết ra Bắc, khi gặp Phó Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái mới biết là tên mình trùng tên với Phó Tổng tham mưu, ông bèn đề nghị cho mình đổi lại tên. Nhưng Phó Tổng tham mưu trưởng bảo ông cứ giữ nguyên và nói đấy là điều thú vị của Cách mạng.


« Sửa lần cuối: 21 Tháng Sáu, 2008, 04:37:03 pm gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #123 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2008, 09:28:43 am »


Thiếu tướng Nguyễn Chuông (1926-2006), nguyên : Phó Tư lệnh Quân khu 2, Tư lệnh Mặt trận Vị Xuyên.

Thiếu tướng Nguyễn Chuông sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con ở xóm Tân Hưng, xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Tên cha mẹ đặt cho lúc nhỏ vốn là Nguyễn Văn Chuông, sau đổi lại thành Nguyễn Chuông. Năm 1945, nạn đói xảy ra ở các tỉnh Bắc Kỳ, theo lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh ông hăng hái tham gia phá kho thóc Nhật cứu đói cho đồng bào ở quê hương. Cách mạng tháng 8 thành công, ông ra nhập Vệ quốc đoàn khi mới 16 tuổi.

Từ năm 1945 đến năm 1954, 9 năm Kháng chiến chống Pháp, ông chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 165 (Thành đồng Biên giới)-một trung đoàn được thành lập sớm thuộc Đại đoàn 312 (Đại đoàn Chiến thắng). Trưởng thành từ chiến sĩ (cấp dưỡng, may vá quần áo, làm liên lạc, vệ binh, tổ trưởng…) cho đến Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Tiểu đoàn phó. Do những thành tích chiến đấu, tháng 5 năm 1948, ông được kết nạp Đảng khi đang là chiến sĩ thuộc Trung đội 1, Đại đội 27 giữa những đợt tấn công của quân Pháp lên đỉnh đồi Khau Co (giáp biên giới Lào Cai và Lai Châu).

Thu đông năm 1953, đại đoàn (nay gọi là sư đoàn) 312 mà ông Nguyễn Chuông là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165, đang đóng quân ở địa bàn tỉnh Phú Thọ, được lệnh hành quân, nhưng không phải ngược lên Tây Bắc mà là về xuôi, về vùng Vĩnh Yên, Lâm Thao,  Lập Thạch, Việt Trì, Hưng Hóa trong một kế hoạch nghi binh rồi bất thần ngược lên Tây Bắc. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Tiểu đoàn ông được giao nhiệm vụ bao vây chia cắt Sân bay Mường Thanh. Sau 3 ngày đêm đào hào vây lấn, Tiểu đoàn của ông và Tiểu đoàn 542 được lệnh tiền công tiêu diệt vị trí 105, một cứ điểm ở ngoại vi phía Bắc của Mường Thanh. Sau 40 phút nổ súng, ta đã làm chủ ¾ đồn và bắt sống 30 địch trong đó có viên quan ba chỉ huy cứ điểm. Quân Pháp cho 2 tiểu đoàn có xe tăng yểm trợ từ Mường Thanh 2 phản kích nhằm chiếm lại cứ điểm 105. Trong trận chống càn này ông bị thương ở chân trái, vai phải và ngực, máu ra nhiều bị ngất đi và bị bắt làm tù binh.

Trại trại tù binh dã chiến của Pháp ở Mường Thanh có khoảng 100 bộ đội ta trong đó có 10 người là Đảng viên. Nguyễn Chuông được mọi người tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ để lãnh đạo anh em đấu tranh đòi quân Pháp phải đối xử nhân đạo đồng thời giữ vững ý chí, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau…của chiến sĩ ta trong tình hình bị bắt làm tù binh. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông được đồng đội đưa về trạm Quân y tiền phương của Trung đoàn 165, Bệnh viện Nà Sản-Sơn La rồi Bệnh viện Yên Bái để chữa trị.

Hòa bình được lập lại trên miền Bắc, ông được cử đi học văn hóa rồi sau đó theo học ở Trường sĩ quan Pháo binh. Sau khi tốt nghiệp, ông được cữ giữ chức vụ Chủ nhiệm Pháo binh Sư đoàn 312, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 165. Cùng với Sư đoàn 312, ông đã 3 lần chỉ huy Trung đòan hành quân sang Lào giúp bạn, tham dự những chiến dịch lớn, quan trọng của Liên quân Lào Việt : trận Bản Na, Chiến dịch giải phóng cánh đồng Chum và Xảm Thông-Loọng Chẹt…Trong cách trận đánh, ông thể hiện là một chỉ huy trung đoàn có tài cầm quân với những cách đánh hầu như chưa được giảng dậy trong các trường lớp quân sự của ta hồi đó. Ông nổi tiếng với nối đánh sáng tạo: Đột kích-Đánh bồi-Truy quét mà theo cách nói dân dã của ông đó là : Đầu nhọn-Mình trắm-Đuôi công.

2 năm 1972 và 1973, Trung đoàn 165 cùng với Sư đoàn 312 được lệnh về nước tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, chốt giữ thành cổ, phòng thủ bờ Nam sông Thạch Hãn. Khi này, ông được cử giữ chức vụ Sư đoàn phó. Năm 1973, ông được cử giữ chức vụ Sư đòan trưởng Sư đoàn 312 hàm Đại tá. Cuối tháng 3 năm 1975, đang đóng quân ở Thanh Hóa, Sư đoàn của ông được lệnh cấp tốc hành quân bằng cơ giới vào Đông Nam Bộ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 12 tháng 4 năm 1975, Sư đoàn ông đã có mặt tại Đồng Xoài, Bình Dương là điểm tập kết cuối cùng sớm hơn dự kiến 12 ngày. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, sư đoàn ông có nhiệm vụ tiêu diện sư đoàn 5 ngụy, mở cửa Bình Dương để mũi thọc sâu của Quân đoàn 1 từ cánh Bắc tiến thẳng vào đánh chiếm Bộ Tông tham mưu ngụy.

Sau năm 1975, Sư đoàn ông được Nhà nứoc tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và quay trở lại miền Bắc xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện, sẵn sàng chiến đấu bao vệ biên giới phía Bắc. Năm 1977, trong Hội nghị Quân chính Quân đoàn I, Nguyễn Chuông đã thẳng thắn phê phán thực trạng của đội ngũ cán bộ, Đảng viên lúc đó. Sau đó, ông được điều về phụ trách khung huấn luyện tân binh ở Vĩnh Yên.

Giữa năm 1978, tình hình biên giới trở lên căng thẳng. Ông trực tiếp nhận lệnh của Đại tướng Lê Trọng Tấn trở về chỉ huy đơn vị chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ông lên Quân khu 2 đảm nhiệm chức vụ Sư đoàn trưởng Sư đoàn 345 rồi Quân đoàn phó Quân đoàn 29 (đã bị giải thể) tham gia chiến đấu bảo vệ Biên giới phía Bắc và mặt trận Lào Cai. Năm 1983, ông được điều về làm Phó Tư lệnh Quân khu 2 kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận Vị Xuyên.

Năm 1991, khi là Phó Tư lệnh Quân khu 2, ông về nghỉ hưu tại quê hương Phú Thọ nơi mà 45 năm trước ông bước chân vào đời quân ngũ. Trở về địa phương, ông tích cực vận động bà con đóng góp giúp đỡ các gia đình chính sách, xây dựng Đài liệt sĩ, rồi tham gia viết sử của địa phương.

Năm 1993, để tạo điều kiện cho ông chữa bệnh, Quân đội cấp cho gia đình ông một căn hộ ở quận Thanh Xuân rồi sau chuyển ra phường Mai Dịch. Là một vị tướng trận mạc về với đời thường, ông phải bươn trải nhiều công việc : chăn nuôi gà, vịt ; làm bánh quế đi bỏ mối và làm nghề phụ quét giấy ; trồng cây cảnh để bán ; trồng rau…Bên cạnh đó ông còn tích cực tham gia công tác cựu chiến binh và mặt trận Tổ quốc. Ông là Chủ tịch Hội cựu chiến binh và Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Mai Dịch.

Là một vị tướng nghĩa tình với đồng đội, lúc về hưu ông tích cực tham gia giúp đỡ các gia đình liệt sĩ tìm kiếm mộ thân nhân. Ngay trong căn nhà tập thể chất trội của mình ông dành ra một ít diện tích lập bàn thờ và lập hàng trăm danh sách liệt sĩ mà ông biết và nhớ để thờ. Ở quê ông trên Phú Thọ, ông đã dựng cả một đền thờ để hương khói cho các liệt sĩ.

Về hưu, ông bắt đầu đến với con đường văn chương. Ông dành thời gian để ghi lại những kỉ niệm về tháng năm chiến đấu, kỉ niệm về những anh em cùng xông pha trận mạc…Tập hồi ức ‘’Dặm dài trên đất nước Triệu Voi’’, Chuyện ‘’Sầm Nưa những kỉ niệm khó quên’’, các ghi chép ‘’Đập ta Cù Kiệt’’ và ‘’Nằm trong Cánh đồng Chum’’, tập tự sự ‘’Đường tới chân trời’’ đoạt giải nhì cuộc thi viết về người lính và chiến tranh cách mạgn,  và tập ký ‘’Tim tôi thắp lửa ‘’. Ngoài ra ông còn làm hàng trăm bài thơ in trong tập thơ chung ‘’Chúng tôi đánh giặc và làm thơ’’

Viết về ông, nhà văn chiến sĩ Hồ Khải Đại viết :
‘’Võ lược bạch binh đăng võ tướng
Văn chương đơn tự hóa văn nhân’’

Dựa theo: Trái tim thắp lửa của Đại tá Nhà báo NSUT Chi Phan.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 07:25:53 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
chienthanh
Thành viên

Bài viết: 4


« Trả lời #124 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2008, 01:31:20 pm »

cám ơn các bạn dày công sưu tầm và biên soạn đề tài này,đây đúng là các tinh hoa quân sự của dân tộc rất tốt trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ngày nay.
Logged
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #125 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2008, 04:56:32 pm »


Luật sư Phan Anh (1/3/1912-28/6/1990), nguyên: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đầu tiên) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).

Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương vàng Vận động hoà bình thế giới.


Quê ông ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, một địa danh nổi tiếng về truyền thống yêu nước, cách mạng và hiếu học. ông sinh năm 1911 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước. Cha là Phan Điện, một ông đồ nho không đỗ đạt, có tinh thần chống phong kiến, làm nhiều thơ. Thuở nhỏ, Phan Anh được học chữ nho của người cha. Cụ có bảy người con, Phan Anh là thứ sáu, trên Phan Mỹ ba tuổi (nguyên Bộ trưởng Phủ Thủ tướng).

Chính Đức Thọ từng là một trong những nơi phong trào Cần Vương phát triển mạnh mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa của Cụ Phan Đình Phùng. Cũng vì thế nên người dân ở đây liên tục khốn đốn vì sự đàn áp dã man của chính quyền thực dân, phong kiến. Thành ra cuộc sống đã nghèo lại càng nghèo thêm.

Chưa đầy 10 tuổi (năm 1921), hai anh em Phan Anh và Phan Mỹ đã mồ côi mẹ, phải theo người cha tài cao học rộng nhưng luôn u uất nỗi đau vong quốc và lạc thời đi tha phương cầu thực bằng nghề bán chữ cho thiên hạ theo đúng nghĩa của từ này. Nhà nghèo, năm 12-14 tuổi, ông đã phải đi ở cho nhà giàu, nấu cơm, giặt giũ... Đêm ngủ rét cắt ruột, chỉ có chiếc chiếu đắp người. Tối tối, cứ vào quãng 8, 9 giờ, chủ nhà bắt ông đọc Truyện Kiều cho nghe. Có lẽ Truyện Kiều và những vần thơ của người cha đã thấm vào ông từ thuở ấy.

Vượt qua những khó khăn về đời sống, ông được đi học và học giỏi. Năm 1925, tốt nghiệp tiểu học, 1926, học Trường Bưởi ở Hà Nội, 1933, sau khi thi đỗ ba bằng Tú tài, một thành tích hiếm có lúc đó, ông vào học và tốt nghiệp Cử nhân Luật khoa ở trường Đại học Đông Dương. Cuối năm 1937, được học bổng sang Pháp tiếp tục học lên với hai mục đích học lấy bằng thạc sỹ, tiến sỹ và tìm hiểu xã hội Pháp để sau về phụng sự Tổ quốc. Năm 1940, sau khi nhận ba bằng tiến sỹ về công pháp, tư pháp, lịch sử, ông đánh giá tình hình quan hệ giữa ta và Pháp và trong suy nghĩ từ bỏ con đường dập khuôn chính trị, chuyên tâm đi vào nghiên cứu pháp luật. Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, ông phải bỏ dở việc học (chưa kịp bảo vệ Tiến sĩ Luật học), trở về tổ quốc hành nghề luật sư.

Chính ông đã cùng ông Vũ Đình Hoè và ông Vũ Văn Hiền lập ra Tạp chí Thanh Nghị năm 1941, thoạt đầu ra hằng tháng rồi ra hằng tuần, để bộc bạch tâm nguyện kẻ sĩ chân chính của đất Việt: "Người ấy phải vì lợi ích dân chúng, là người quan sát không thiên vị và phải thường xuyên có liên hệ với nhân dân. Vì vậy, kẻ sĩ có thể ảnh hưởng đến nhân dân và góp phần làm biến đổi xã hội". Tạp chí Thanh Nghị tồn tại cho tới năm 1945, tập trung nhiều cây bút trí thức tâm huyết với dân, với nước lừng lẫy một thời.

Ông gia nhập đoàn luật sư Hà Nội, nhận làm luật sư cho các bị can ở toà đại hình quân sự, tham gia sáng lập và viết bài cho tờ báo Thanh Nghị của giới trí thức Việt Nam. Với tài hùng biện và lòng yêu nước, ông đã dũng cảm bảo vệ cho một số cán bộ cách mạng, có đảng viên cộng sản nhờ tài biện hộ của ông đã thoát khỏi án tử hình.

Năm 1945, quân đội Pháp ở Đông Dương bị quân Nhật giải giáp, Bảo Đại mời nhóm "Thanh Nghị" gồm 3 người là: Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hầu, Phan Anh vào Huế góp ý kiến cho chính phủ Trần Trọng Kim vừa thành lập và bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên. Ông đề ra chủ trương thành lập Trường "thanh niên tiền tuyến" tại Huế, có 47 học viên. Thực chất, đây là một tổ chức được Việt Minh hoá, có một vai trò tích cực trong sự phát triển phong trào cách mạng của Thừa Thiên Huế trong buổi đầu với tư cách là một lực lượng nòng cốt, tiên phong ở Huế trong Cách mạng tháng Tám năm 1945...

Cách mạng tháng Tám thành công, sau tuyên ngôn độc lập 2.9.1945 mấy ngày, ông và một số luật sư, nhân sĩ, trí thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến họp ở Bắc Bộ phủ để góp ý kiến về những công việc của đất nước; ít lâu sau ông lại giao cho ông nhiệm vụ thành lập và làm Chủ tịch "hội đồng kiến thiết quốc gia" gồm hầu hết trí thức Hà Nội.

Tháng 3 năm 1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập đến Bắc Bộ Phủ, gợi ý ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với nhiệm vụ tập trung vào vấn đề chính trị, đoàn kết trong ngoài, đối nội, đối ngoại. Ông là người đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành những sắc lệnh tổ chức quân đội quốc gia và bổ nhiệm những người phụ trách. Đó là Sắc lệnh số 33 ngày 22 tháng 3 năm 1946 quy định cấp bậc, phù hiệu; Sắc lênh số 34 ngày 25 tháng 3 năm 1946 về tổ chức Bộ Quốc phòng; Sắc lệnh số 35 ngày 25 tháng 3 năm 1946 bổ nhiệm các chức vụ trong Bộ Quốc phòng; Sắc lệnh 71 ngày 22 tháng 5 năm 1946 xác định vệ quốc đoàn là quân đội quốc gia.

Với Bộ trưởng Phan Anh, lực lượng vũ trang ta thời bình minh cách mạng đã lựa chọn được nhiều trí thức yêu nước, tuổi trẻ tài cao vào các vị trí quan trọng: Hoàng Đạo Thuý - Chính trị Cục trưởng; Phan Tử Lăng - Quân chính Cục trưởng; Vũ Văn Cẩn - Quân y Cục trưởng; Vũ Anh - Chế tạo Cục trưởng; Phan Văn Phúc - Quân huấn Cục trưởng; Lê Văn Chất - Quân pháp Cục trưởng… Tất cả những nhân vật này khi mới gia nhập quân đội đều chưa là đảng viên nhưng đã mang sẵn trong mình bầu máu nóng phụng sự chính nghĩa, vì độc lập, tự do của Tổ quốc…Chính ông, đã đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để ông làm Thứ trưởng làm nhiệm vụ hỗ trợ.

Tháng 5, ông tham gia phái đoàn Việt Nam đàm phán với chính phủ Pháp ở Fontainebleau. Từ tháng 3.1947 đến tháng 4.1977, được cử giữ các chức vụ: Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Bộ Công thương, Bộ Thương nghiệp, Bộ Ngoại thương. Không chỉ là một chính khách, Phan Anh còn là một nhà hoạt động xã hội lâu năm. Từ 1951 cho đến khi qua đời, ông tham gia Uỷ ban Liên Việt toàn quốc rồi Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam với cương vị Uỷ viên thường trực, ủy viên Đoàn chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban (khoá 3).

Năm 1955, ông và một số đồng nghiệp sáng lập ra Hội Luật gia Việt Nam và giữ cương vị Chủ tịch Hội suốt 35 năm cho đến khi ông qua đời (1955-1990). ông còn là Phó Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ quốc tế, Uỷ viên, Phó Chủ tịch Hội đồng hoà bình thế giới. ông tham dự nhiều hội nghị thế giới do Uỷ ban Đoàn kết các nước á - Phi tổ chức, nhiều đại Hội Luật gia Dân chủ quốc tế. Trên diễn đàn này, với tư thế đĩnh đạc, cách trình bày rõ ràng, mạch lạc, hùng biện, ông đã thuyết phục, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta. ông có uy tín với thế giới.

Có một điều còn ít người đề cập đến, luật sư Phan Anh còn là một nhà thơ ngoài Hội Nhà văn. Đề tài và nội dung thơ ông khá đa dạng, thể hiện lòng yêu nước thiết tha, mong đất nước độc lập, kháng chiến thành công: "Đoàn kết một lòng ta quyết thắng - Năm châu dân Việt tiếng tăm đồn" (Kỷ niệm một năm ngày toàn quốc kháng chiến) mong chủ nghĩa xã hội thắng lợi, một lòng tin tưởng ở Đảng, Bác Hồ.

Kiến thức của ông khá rộng, cổ học kết hợp với tân học, vốn cổ học giúp ông hiểu được cái thâm thuý của thơ Đường. ông rất thú vị với câu kết của một bài thơ Bác Hồ tặng: "Trăng xưa, hạc cũ với xuân này". Trăng xưa nguyên chữ Hán là chữ "nguyệt" với chữ "cổ" ghép lại thành chữ Hồ, còn "hạc cũ" là đất nước Việt Nam độc lập và thống nhất. Ngoài ra, ông còn làm một số bài thơ và câu đối chữ Hán tặng Bác và tự dịch ra tiếng Việt. Có thể nói, thời gian du học ở Pháp không làm mờ được cái cốt cách nho học Việt Nam của ông. Thơ ông, nhiều bài viết về đề tài chính thời sự, lại mang chất trữ tình nên đọc không khô khan, nhàm chán, rất dễ đi vào lòng người.

Luật sư Phan Anh đã có nhiều cống hiến cho nền kinh tế nước ta: đào tạo đội ngũ cán bộ kinh tế buổi ban đầu, dành nhiều công sức trong việc đấu tranh kinh tế với địch thắng lợi thời chống Pháp, góp phần quan trọng vào việc đánh bại âm mưu phong toả kinh tế thời chống Mỹ, xây dựng nền tảng chiến lược ngoại thương... ( 3). ông liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội từ khoá II (1960) đến khoá VIII (1989) và giữ cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội khoá 8.

Một vài nhận xét của bạn bè quốc tế về ông:

--Luật sư nổi tiếng người Pháp Joe Nordman, Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ quốc tế coi ông là người có "tư chất thông minh", "nhạy cảm khác thường", "có nghị lực", "dũng cảm", "một trái tim rộng mở"...

--Romesh Chandra, người ấn Độ, một nhà hoạt động xã hội quốc tế, Chủ tịch danh dự Hội đồng hoà bình thế giới xem ông là "một tấm gương sáng chói nhất", "khiêm tốn", "có lòng thật thà chống đế quốc", "một biểu tượng của nhân dân Việt Nam anh hùng"
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 07:27:46 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #126 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2008, 05:14:48 pm »


Giáo sư Tạ Quang Bửu (1910-1986), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).

Huân chương Độc lập hạng Nhất,Huân chương Kháng chiến hạng Nhất,Huân chương Chiến thắng hạng Nhất,Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất,Huân chương Chiến công hạng Nhất,Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba,Huy chương Quân kì quyết thắng.


Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh ngày 23/7/1910 trong một gia đình nhà giáo tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Trong tộc phả họ Tạ Quang có câu: "Phụ giáo tử đăng khoa, cử nhân tại quán" (cha dạy con đi thi, đỗ cử nhân không ra làm quan). Cho đến đời cha ông là Tạ Quang Diễm, dòng họ Tạ Quang đã 11 đời thực hiện lời căn dặn trên. Đó là thời kỳ suy vong của chế độ phong kiến, nhiều nhà nho có khí tiết không ra làm quan để phản đối triều đình thối nát. Nhưng đến đời Tạ Quang Bửu, ngay từ khi nước ta đang ở dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, ông đã đem hết lòng nhiệt huyết và kiến thức sâu rộng của mình ra phục vụ Tổ quốc và nhân dân.

Năm 1929, sau khi đỗ đầu tú tài bản xứ và đỗ đầu tú tài Tây ban Toán, ông nhận được học bổng của Hội Như Tây Du học Trung kì và sang Pháp học. Ông thi đỗ vào trường Centrale (A) Paris năm 1930, học Toán ở các trường Đại học Paris, Bordeaux (Pháp) và Oxford (Anh) từ 1930 đến 1934. Tại Pháp, ông theo học chương trình cử nhân khoa học ở Sorbonne. ở đây có hai giảng đường lớn: Hermite dàng cho cử nhân và Darboux dành cho những người học trên đại học. Ông đã đến nghe giảng ở Hermite và tham dự các buổi xê-mi-ne ở Darboux. Tại đây, ông đã tiếp xúc với nhiều nhà toán học trẻ của nước Pháp, bí mật tham gia nhóm Nicolas Bourbaki. Mục đích của nhóm N. Bourbaki là tổng kết toàn bộ thành tựu toán học của loài người, mọi thành viên khi in các công trình toán học dù dưới dạng báo hay sách đều kí một bút danh là N. Bourbaki. Nhóm đã công bố hơn 40 công trình đồ sộ, được đánh giá cao đến mức nhiều ý kiến cho rằng có thể chia lịch sử toán học thế giới ra 2 kỉ nguyên: tiền Bourbaki và Bourbaki.

Trong việc học, ông chỉ cốt sao thu nhận được nhiều kiến thức nhất chứ không quan tâm đến việc thi lấy bằng. Bên cạnh việc nghe giảng tại giảng đường đại học, ông dành phần lớn thời gian tự học. Ông thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, sử dụng được tiếng Đức, đọc hiểu tiếng Nga, Hán, Hi lạp cổ, Latinh. Tự cập nhật kiến thức, quan tâm rộng rãi, thường xuyên đến các ngành khoa học cơ bản nói chung và toán học nói riêng, là nét nổi trội nhất trong sự học của ông.

Trở về nước năm 1934, ông không ra làm quan mà chỉ nhận dạy Toán và tiếng Anh tại một trường tư, Trường Providence (Thiên Hựu) ở Huế.

Từ năm 1942 đến năm 1945, ông được cử giữ chức Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Hãng Điện-Nước Trung kì. Và trong thời gian này, ông cũng được bầu làm Huynh trưởng Hướng đạo sinh Trung kì. Đây là phương pháp giáo dục dành cho thanh thiếu niên, những người tham gia công khai nguyện "Trung thành với Tổ quốc", làm những việc có ích cho xã hội như đi lạc quyên cứu đói, hoạt động truyền bá quốc ngữ, giúp đỡ người nghèo... Vốn ghét thực dân, quan lại, Tạ Quang Bửu đã dần dần đưa phong trào hướng đạo thoát khỏi ảnh hưởng của Pháp và ngầm chống lại phong trào "vui vẻ, trẻ trung của Ducroy.

Tháng 8/1945, ông cùng luật sư Phan Anh ra Hà Nội tham gia cách mạng. Ngay trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã cho ra mắt bạn đọc mấy cuốn sách: "Thống kê thường thức", "Vật lý cương yếu", "Nguyên tử - hạt nhân - vũ trụ tuyến" và "Sống".  Những cuốn sách của Giáo sư Tạ Quang Bửu và những hoạt động hướng đạo sinh của ông trước đó đã gây được những ảnh hưởng sâu sắc đên tầng lớp thanh niên trí thức lúc bấy giờ. Trong thời kì kháng chiến, ông là nhà khoa học viết được nhiều nhất, do vậy, có thể ảnh hưởng nhiều nhất đến thế hệ đương thời.

Cũng trong thời kì này, ông đã đảm nhận những chức vụ quan trọng như Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời, phụ trách giao thiệp với Mỹ và Anh (9/1945-1/1946); Thứ trưởng Bộ Quốc phòng rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (8/1947-8/1948). Năm 1947, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu đã chỉ đạo và biên soạn cuốn sách "Bắn máy bay bằng súng trường tập trung" phổ biến rộng rãi khắp nơi và sau đó, góp phần chấm dứt thời kì máy bay Pháp làm mưa làm gió trên vùng trời Việt Nam.

Đến thời kì chống Mỹ, dù không còn làm việc ở Bộ Quốc phòng, Giáo sư Tạ Quang Bửu vẫn tham gia giải quyết những vấn đề gay cấn nhất trong khoa học kỹ thuật quân sự. Mùa hè năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh thả thuỷ lôi trên sông biển nước ta và phong toả cảng Hải Phòng. Giáo sư đã trực tiếp chỉ đạo một tổ nghiên cứu thiết kế, chế tạo khí tài phá thuỷ lôi (mật danh GK1), phá bom từ trường (mật danh GK2) do Tiến sĩ Vũ Đình Cự làm tổ trưởng.

Trong sự nghiệp của mình, Giáo sư Tạ Quang Bửu kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác nhau. Tuy vậy, ngay cả khi bận công việc chính sự, ông vẫn dành thời gian đem kiến thức uyên bác của mình truyền thụ lại cho các thế hệ học trò. Ngay trong những ngày Toàn quốc kháng chiến, ông vừa tham gia các công việc của Chính phủ vừa giảng dạy môn Vật lý tại Trường Đại học Hà Nội. Rồi ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, ông được cử làm Giám đốc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (1956-1961) đồng thời là Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư kí Uỷ ban Khoa học Nhà nước.

Thời nay, nếu có một nhà khoa học uyên bác trên nhiều lĩnh vực và gần như ai hỏi điều gì đều có thể giải đáp thì người ấy chính là Tạ Quang Bửu. Quả vậy, ông thông hiểu lịch sử Việt Nam và nhớ như thuộc lòng lịch sử của hai cuộc chiến tranh thế giới. Về cổ học, ông đọc được Luận ngữ, Đại học, Trung Dung, Mạnh Tử, Đạo đức kinh, Nam Hoa kinh... trong nguyên bản Hán ngữ. Là lãnh đạo Uỷ ban Khoa học Nhà nước, ông trực tiếp làm trưởng ban Sinh vật - Địa học. Các bài giảng của ông về sinh học hiện đại có các giáo sư đầu ngành đến dự. Khi ông thuyết trình tại các hội thảo toán học, người nghe vừa ngạc nhiên vừa khâm phục kiến thức uyên bác và cập nhật của ông...

Một trong những công lao to lớn của Giáo sư Tạ Quang Bửu là xây dựng nền đại học trong kháng chiến chống Mỹ, góp phần vào sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật nước ta. Ông là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (Bộ ĐH&THCN) từ năm 1965 đến năm 1976). Được thành lập trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, Bộ ĐH&THCN có trách nhiệm nặng nề : duy trì mọi hoạt động giáo dục và đào tạo, đảm bảo nhu cầu cán bộ khoa học cho tiền tuyến cũng như hậu phương; bảo vệ đội ngũ cán bộ giảng dạy và học sinh, sinh viên cũng như cơ sở vật chất hiện có; chuẩn bị cho sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) về khoa học công nghệ với tập hợp các công trình "Giới thiệu khoa học kĩ thuật hiện đại (sau 1945), chỉ đạo các nhiệm vụ quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những quan điểm xây dựng ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp nước nhà". Các công trình của ông được đánh giá là đã định hướng phát triển một số ngành khoa học cơ bản; chỉ đạo kỹ thuật việc rà phá bom mìn phong toả Vịnh Bắc Bộ, Hải Phòng và chỉ đạo những nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng khác trong kháng chiến chống Mỹ. Những ý tưởng chỉ đạo của ông về bồi dưỡng nhân tài, chú trọng phát triển các công trình khoa học trọng điểm, về hợp tác khoa học, kỹ thuật với nước ngoài cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ông là Đại biểu Quốc hội liên tục từ khoá I đến khoa VI.

Theo Bách khoa Hà Nội.
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #127 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2008, 06:20:20 pm »


Đại tướng Lê Đức Anh (1920), nguyên: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Tư lệnh kiêm Tư lệnh Cánh quân Tây Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trung tướng (1974), Thượng tướng (1980), Đại tướng (1984). Ông là một trong những vị tướng được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974.

Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, huân chương Quân công hạng nhất, huân chương Chiến thắng hạng nhất...


Ông quê tại làng Bàn Môn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Từ năm 1937 đến năm 1944 ông tham gia tổ chức và phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh, các đồn điền Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch. Tháng 8.1945, ông gia nhập lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thời kì 1945 - 54, ông từng giữ các chức vụ từ cấp trung đội, đại đội, tiểu đoàn, chi đội, trung đoàn, tham mưu trưởng Khu VII, Khu VIII, Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, tham mưu phó rồi quyền tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ.

Trong thời kì Kháng chiến chỗng Mỹ ông lần lượt là: 1964-1968, Cục phó Cục Tác chiến, cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng tham mưu, phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Quân giải phóng Miền Nam.

Tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch lớn như: chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Jansơn Xiti (Junction City)) của Mĩ vào căn cứ của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền ở Tây Ninh (1967), đánh vào khu vực Chợ Lớn trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968...

Sau chiến dịch Mậu Thân, trước tình hình lực lượng Cách mạng miền Nam Việt Nam bị thiệt hại nặng nề, các vùng giải phóng và kiểm soát bị thu hẹp đặc biệt là tại những vùng giáp ranh Sài Gòn như miền Tây Nam Bộ, ông được Bộ Chỉ huy miền điều về làm Tư lệnh Quân khu 9 từ năm 1969 đến năm 1974.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4.1975, ông Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm tư lệnh cánh quân Tây Nam (đoàn 232-tương đương với một Quân đoàn tăng cường) đánh vào Sài Gòn.

Đất nước hoàn toàn thống nhất, từ 5.1976 đến 1978, ông Tư lệnh Quân khu 9 rồi Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân khu 7. Thành viên của Ban Lãnh đạo chuyên gia và Quân tình nguyện Việt Nam tại Cămpuchia (2. 1979).

Tháng 12.1986, ông được cử giữ chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương. Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1992 - 1997). Uỷ viên Bộ Chính trị từ khoá 5 đến khóa 8. Bí thư Trung ương Đảng khoá 7, Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị từ tháng 6.1996 đến tháng 12.1997.

Ông là Đại biểu Quốc hội các khoá 6, 8, 9. Sau khi về hưu, ông Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12.1997 đến 4.2001.
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #128 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2008, 06:37:07 pm »


Thượng tướng Lê Khả Phiêu (27.12.1931), nguyên: Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng...và nhiều Huân chương của Nhà nước Lào, Căm-pu-chia.

Thiếu tướng (1984), Trung tướng (1988), Thượng tướng (1992).


Ông quê ở xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá, tham gia cách mạng ở địa phương năm 1945. Đảng viên Đảng Cộng sản 19.6.1949.

Ngày 1.5.1950, ông được điều vào công tác trong Quân đội. Trong Kháng chiến chống Pháp trưởng thành từ chiến sỹ đến Chính trị viên Đai đội thuộc Trung đoàn 66 Sư đoàn 304. Từ tháng 9 năm 1954 đến năm 1958, ông là Phó chính trị viên, Chính trị viên tiểu đoàn rồi Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 66.

Từ tháng 6 năm 1961 đến năm 1966, ông là Phó trưởng ban, Trưởng ban Cán bộ tổ chức Sư đoàn 304, sau đó là Phó chính uỷ, Chính uỷ kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Năm 1967, ông vào chiến đấu tại Chiến trường Trị Thiên Huế, là Chính uỷ Trung đoàn 9. Năm 1968, ông là Trưởng phòng Tổ chức Quân khu Trị Thiên tham gia tấn công Huế trong Chiến dịch Mậu Thân. Năm 1970, ông là Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu Trị Thiên. Tháng 5 năm 1974, ông là Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn 2.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, năm 1978, ông là Chủ nhiệm chính trị, Phó chính uỷ kiêm Chủ nhiệm Chính trị, rồi Phó tư lệnh về chính trị Quân khu 9. Từ tháng 4 năm 1984 đến năm 1988, ông là Chủ nhiệm chính trị, rồi Phó tư lệnh về chính trị Kiêm Chủ nhiệm chính trị, Phó Bí thư Ban Cán sự Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Cămpuchia. Tháng 8 năm 1988, ông là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Tháng 9 năm 1991, ông là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đôị nhân dân Việt Nam.

Tháng 7 năm 1992, ông là Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương, được bầu là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 7, 8. Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 7 (tháng 6/1992), ông được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tháng 1 năm 1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ, ông được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 8, bầu vào Bộ Chính trị. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc khoá 8 Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6/1996), ông được bầu là Uỷ viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị. Ông là đại biểu Quốc hội khoá 9, 10.
 
Từ tháng 12 năm 1997 đến tháng 4 năm 2001, ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Đảng uỷ Quân sự Trung ương.

Tham khảo: Bảo tàng Quân sự Việt Nam.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 02:11:24 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #129 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2008, 07:02:49 am »


Trung tướng Trần Hanh (19/11/1932), Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân nguyên: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Huân chương Quân công (1 hạng Nhất, 2 hạng Ba), Huân chương Chiến công (1 hạng Nhất, 3 hạng Ba), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, một Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Ðộc Lập hạng Nhì.


Ông tên thật là Trần Huy Hanh, quê tại làng Tức Mặc, xã Lộc Vượng, huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định. Nhập ngũ 9.1949, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức ngày 10.09.1950.

Trong Kháng chiến chống Pháp, từ tháng 12.1946 đến 8.1949, ông tham gia công tác thanh niên, thông tin ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Ðịnh. Từ tháng 9.1949 đến tháng 3.1950, được điều động vào Quân đội là học viên Trường Quân chính Liên khu 3. Từ tháng 4.1950 đến tháng 8.1956, ông lần lượt giữ các chức vụ Chính trị viên Ðại đội và Chính trị viên Tiểu đoàn 680, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320.

Sau khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc, từ tháng 9-1956 đến tháng 5-1964, ông được cử đi đào taoj phi công tiêm kích ở Trung Quóc với cấp bậc Ðại úy.

Trở về nước, ông là Phi đội trưởng Không quân. Từ tháng 6.1964 đến tháng 3.1972, ông lần lượt là Thiếu tá rồi Trung tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 921 Không quân. Từ tháng 4.1972 đến tháng 7.1976, là Thượng tá, Tư lệnh Binh chủng Không quân, Sư trưởng Sư đoàn 371 Không quân, Tham mưu phó Quân chủng Phòng không-Không quân. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 4.1975, ông tham gia chỉ huy Không quân và là một trong những người trực tiếp chỉ huy trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, từ năm 1976 đến năm 1980, ông được bầu là Ủy viên Trung ương Ðảng khóa 4. Từ tháng 8.1976 đến tháng 3.1989, là Ðại tá, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh, rồi Tư lệnh Quân chủng Không quân. Từ tháng 4.1989 đến tháng 12.2000, là Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ tháng 1.2001 đến 12.2007, ông là Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam. Từ tháng 12.2007 cho đến nay ông là Chủ tịch, Ủy viên thường trực Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam.

Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM