Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 11:47:19 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Biệt động Sài Gòn - Những chuyện bây giờ mới kể  (Đọc 108104 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #70 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2010, 09:39:58 pm »

Hai tháng sau khi gia nhập lực lượng vũ trang bí mật, cô nữ sinh lớp 8 trường Minh Đức, Trảng Bàng đề nghị tổ chức cho phép mình trừng trị hai tên cảnh sát ác ôn ở ấp Bình Tranh. 

Dạo đó, du kích mật trong thị trấn với lối đánh hóa trang theo kiểu biệt động liên tiếp cho bọn công an, mật vụ bình định những đòn “nốc ao" đích đáng. Cảnh sát Bình Tranh sợ xanh mặt. Duy hai tên trưởng và phó đều là chưa tỉnh ngộ, vẫn giở thói bạo ngược với đồng bào vẫn hung hăng đánh phá cơ sở... Trang vào công an xin cấp giấy tờ và “bỏ quên" chiếc túi xách dưới bàn làm việc của chúng. Trái mìn hẹn giờ cấu tạo bằng thuốc nổ TNT được hóa trang khéo léo, đã đưa hai tên cảnh sát có thành tích khát máu về chầu Diêm vương.
Tung tích hoàn toàn không bị lộ, Trang tiếp tục hoạt động ở quê nhà hai năm nữa mới xuống Sài Gòn theo học cấp III. Bên trong cái lốt thư sinh, chẳng ai ngờ cô gái trẻ là một chiến sĩ biệt động chính cống.

Vào những năm đầu thập niên 70 thế kỷ 20, Sài Gòn sống trong cảnh củi quế gạo châu, nhân dân lao động, nhất là người nghèo càng thêm khốn đốn. Trang ra đi chỉ mấy trăm đồng bạc trong mình, còn đôi bông tai má cho là kỷ vật sâu sắc không được quyền vào tay bất cứ ai.

Hằng ngày giữa biết bao thức ngon vật lạ nhưng Trang chẳng được nếm mùi. Tuy nhiên, cảnh sống khó khăn, tằn tiện khiến cô quen dần. “Điều đó có gì là quan trọng nhỉ?”, Trang tự hỏi mình. Với học lực lớp 10, cuộc sống bắt đầu là gì vậy? Tiến thân theo bằng cấp để mai này có thể mưu sinh nuôi thân hay rơi vào cảnh của những kẻ khốn cùng? Trước mắt cô là những dòng người xe tuôn chảy trên đường. Nếu tính chuyện làm ăn thì Trang là con chim giữa rừng người của Sài Gòn. Nhưng Trang là chiến sĩ...

Câu hỏi kéo cô về với thực tại của nhiệm vụ đầy khó khăn. Cô tự giao trách nhiệm cho mình: bắt đầu từ hôm nay phải biết đường sá lưu thông. Chú Hai dặn phải thuộc tên các con đường. Người chiến sĩ giao liên mà mù về đường sá là không thể chấp nhận. Biết đường rồi còn phải biết luật đi đường.

Hồi trống tan trường vừa dứt, Trang đi vội ra khỏi cổng rồi ghé vào sạp bán báo mua tấm bản đồ đô thành Sài gòn, giở ra xem, có người đứng bên cạnh hỏi: “Bộ cô ở dưới quê lên?". Trang giật mình nhưng liền trấn tĩnh lại trả lời: “Tôi mua cho ba tôi". Trang bỏ đi và trách thầm mình: Sao lại hớ hênh như vậy ở cái đất Sài Gòn này mật thám như trấu.

Về tới nhà Trang lật bản đồ ra xem kỹ các con đường. Cô lẩm nhẩm rồi gấp lại, đi ra phố đối chiếu với thực địa. Dọc đường cô phát hiên ra nhiều đường xe chỉ chạy một chiều và có đường có đến bốn luồng xe chạy. Trang ghi vào trí nhớ của mình rồi đưa mắt sang con đường khác...

Hai mươi ngày đầu trôi qua trên đất Sài Gòn, Trang đã rành khá nhiều đường phố. Trông những con đường rộng lớn từ bốn phía chạy vào thành phố, Trang để ý tới con đường nào là "lộ trình” liên quan đến đường đi nước bước của mình, liền đánh dấu vào trong óc. Từ một đại lộ Trang đi vào con hẻm thử xem nó trổ ra đâu. Con hẻm sâu hun hút và ngoằn ngèo làm cô lạnh mình. Ngoảnh đi ngoảnh lại. Trang thốt lên: “trời! sao tôi cô độc quá, cuộc chiến đấu này chỉ mình tôi ư? Nếu chẳng may tôi hy sinh hoặc bị bắt, ai sẽ là người thay thế. Đơn vị sẽ gặp khó khăn biết chừng nào!”.

Từ con hẻm, Trang lần đến một cơ sở. Đó là nhà bà Chín nằm sâu trong xóm lao động, một trong những đầu mối liên lạc của đội biệt động. Tại đây, Trang nhận được một thư ngắn gọn: Trong vòng từ đây đến tháng 5, đồng chí phải xây dựng cho được một tổ chiến đấu và nhận nhiệm vụ tác chiến mục tiêu trong nội thành.

Trang ra về trong trạng thái vừa hồi hộp vừa lo lắng, vui mừng. Hai nhiệm vụ mới: xây dựng lực lượng và chiến đấu sẽ phức tạp, khó khăn hơn làm liên lạc rất nhiều. Đôi mắt trong trẻo của cô gái nhíu lại rồi mở lớn tươi vui: Trời ơi sung sướng quá, cấp trên đã tin và chính thức giao nhiệm vụ cho mình! Mình phải cố gắng làm tròn trọng trách để khỏi phụ lòng của tổ chức, của cách mạng. Một lời hứa trong thầm lặng cô đơn, nhưng là lời hứa danh dự của người chiến sĩ. Trang nghe má mình nóng bừng lên như ngồi gần bếp lửa.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #71 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2010, 09:41:01 pm »

Trong lớp học của Trang có nhiều bạn gái mang tên của những loài hoa: Lan, Huệ, Tuyết, Hường... Dường như các cô gái sinh ra là để chọn những hương sắc ấy đặt tên cho mình. Dù sao, ở vùng quê Tây Ninh xuống đây có được nhiều bạn bè là diều tốt đẹp đối với Trang. Chả có lần Trang được huấn luyện bài "quần chúng hóa" như thế nào. Đây là một lợi thế cho “những chiến sĩ hoạt động hợp pháp" trong lòng địch.

Giờ giảng văn, thầy cô giáo giảng một bài về quê hương chung chung đầy những câu sáo mòn, hoài cổ như cố hương, chiều tím biên cương... nghe đến phát ngấy. Thầy giáo là một linh mục đeo kiếng, giọng đều đều như giảng đạo cho con chiên trong nhà thờ. Trang nhìn lên bảng nhưng đầu óc vẫn để hết vào những dự tính kế hoạch “gieo mầm" trong đám bạn bè. Qua những tưởng tượng đầy thi vị là sự lo âu, gương mặt Trang trở nên căng thẳng suy tư. Cô bạn tên là Lan ngoảnh lại nhìn Trang đăm đăm rồi huých vào tay Trang:

- Nghĩ gì dữ vậy bồ?

Trang hốt hoảng: 

- Không, chẳng có chuyện gì cả. mình đang nghe thầy giảng, hay quá.

Trang ngồi ngay ngắn lại và cảm thấy sợ hãi, một nét suy tư lạc lõng, một câu nói hớ hênh cũng đủ làm đổ nợ. Trong trường, bọn công an cũng cài người vào để phát hiện những kẻ “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản”. “Muốn bảo vệ được quê hương xứ sở thanh bình, chúng ta phải chống lại những âm mưu khuynh đảo của cộng sản... Bọn cộng sản nằm vùng luôn luôn tìm cách phá hoại công cuộc tái thiết quốc gia...”.

Trang buốt đầu với những câu lải nhải như thế của gã giáo sư nhưng chỉ giây lát bị hút vào cái ý nghĩ bỏ giở ban nãy: xây dựng lực lượng trong thành phố khó khăn nguy hiểm không kém điều nghiên và chiến đấu. Tôi làm sao có thể hiểu được tâm lý học sinh Sài Gòn. Mỗi người họ có một cuộc đời riêng, một khuôn mặt riêng, một tâm tư riêng. Bên trong diện mạo của họ là cái phần cốt lõi vô hình, làm sao tôi nắm được, lòng họ đục trong, thật giả sao đây?

Bao nhiêu câu hỏi ấy theo Trang về nhà, theo vào bữa ăn làm cô trằn trọc thâu canh. Và cuối cùng cô tìm ra cách kết bạn bè xích lại gần nhau. Một cuốn lưu bút thật đẹp trang nào cũng có hoa và chim, Trang đặt nhiều hy vọng vào nó. Trang đầu là lời tựa đầy cởi mở, thiết tha của Trang nhưng không kém phần thơ mộng, dưới có viền hoa văn. Lan giành lấy xem và ký thác tâm tư của mình vào cuốn sổ những lời thật hoa mỹ, song đượm một nét buồn. Dường như những tai ương trong cái xã hội bất công, dối trá khiến cô thấm nhiều nỗi đắng cay.

Cuốn lưu bút đến Thanh, cô bạn có nước da trắng, mái tóc thề thật dễ thương. Thanh ghi trọn cả một khổ thơ:

Áo trắng em chưa vướng bụi đời .
Chưa hề mơ tưởng chuyện xa xôi
Nhưng nay gặp cảnh thời chua xót
Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi
.

Khi ngồi yên tĩnh một mình trước ngọn đèn, mở cuốn lưu bút ra xem, Trang bàng hoàng cả người. Trang chưa thấy một bài thơ nào hay như thế xuất hiện ở cửa miệng học sinh. Câu thơ trong trắng mang đậm chất học trò, hàm chứa một điều gì xa sâu, nói lên một nỗi lòng, một tâm tư. 

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #72 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2010, 09:41:52 pm »

Đến lớp, Trang hỏi Thanh:

- Nhà bồ ở đâu, có đông anh em không?

Thanh hơi ngạc nhiên nhưng liền hồn nhiên, dí dỏm trả lời:

- Nhà Thanh ở xóm “hắc lem", anh em nửa tá, bởi thế cho nên nghèo rớt mùng tơi. Chỉ ngán cái nước mấy ông anh của Thanh lâu nay dính vô chuyện đấu tranh, xuống đường.

- Vậy Thanh đồng tình hay chống lại mấy ông anh?

- Má Thanh cấm cản nhiều lần nhưng dễ chừng mấy ảnh say lắm, không ai nói được đâu. Còn ba Thanh thì im lặng, ổng không quan tâm đến thời cuộc.

Ngập ngừng một lát Thanh tiếp

- Mà theo Thanh những chuyện ngang trái như hiện tại, bất luận ai có ý thức cũng thấy cần phải xóa bỏ. Ai đâu người ngoại bang lại can thiệp vô cả học đường. Rồi các vũ trường nhảy tuýt, nhảy đầm mọc lên như nấm. Con gái ăn mặc hở hang đi đứng tự tiện ngoài đường. Quốc gia lại chủ trương truyền bá cái thứ văn minh hủ lậu như thế.

Thanh chỉ trích với lời lẽ gay gắt khiến mặt cô đỏ dần lên. Trang chăm chú theo dõi thái độ bạn và nghe lòng mình xôn xao một niềm vui. Cô đã "bắt mạch” được một đối tượng không chỉ ở những dòng tâm tư trong sách mà cả những nét riêng của cuộc đời. 

Cuốn lưu bút của Trang ngày càng nhiều thêm những nỗi niềm sâu kín của bạn bè, phần lớn vô tư kiểu học trò nhưng đượm vẻ khí khái, muốn vươn lên khỏi cuộc sống tầm thường. Có người còn trích lời của Paven trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy". Trang rất đỗi ngạc nhiên làm sao một cuốn sách chứa đầy lý tưởng cộng sản như vậy lại lọt vào giữa đám học sinh.

Thì ra tất cả mọi người ở trong ngôi trường này không phải ai cũng hoàn toàn “chịu phép" dưới sự kềm tỏa của bọn an ninh đặc vụ quốc gia hoặc run sợ trước những lời đe đọa của chúng. Thanh niên Sài Gòn có lòng tự tôn dân tộc cao và dám nói lên chính kiến của mình. Rất nhiều những trái tim nhiệt tình hướng về lẽ phải ở chung quanh mình. Họ đã chán chường cái xã hội đầy những cấm đoán và nhiều ung nhọt này. Nhưng có những ai đó đang đón chờ cách mạng?

Trang tìm đến người bạn tên là Hà rất đam mê Paven Coocsaghin. Đó là một cô gái ngụ trong ngồi nhà ván nằm sâu trong hẻm, có đôi mắt to cương nghị. Quen nhau chưa lâu nhưng Trang và Hà đều tỏ ra thông cảm nhau. Hà bộc lộ tâm tư không mấy e dè. Cô nói ra những điều mình muốn nói, những ước mơ mình muốn thành đạt. Điều rất rõ là Hà không chấp nhận người Hoa Kỳ có mặt ở Việt Nam. Cô nói:

- Không có lý gì mấy ổng tận bên kia Thái Bình Dương lại đến đây bảo vệ tự do cho "Việt Nam cộng hòa". Người Việt Nam phải tự quyết lấy vận mệnh của mình. Theo Hà nghĩ, phụ thuộc vào ngoại bang ắt phải làm nô lệ cho họ. Mà đã nô lệ, làm gì có tự do.

Hà cởi mở không ngờ khiến Trang xúc động suýt reo lên, nhưng cô kìm lại được. Trang nhìn vào mắt bạn, mỉm cười: 

- Đó là ý nghĩa, từ ý nghĩa đến hành động bao giờ cũng có một khoảng cách.

Hà sôi nổi:

- Nhưng khoảng cách ngắn hay dài tùy theo từng người. Không hiểu sao Hà yêu Paven lạ lùng.

- Bởi vì Paven có lý tưởng.

- Đúng! “Đời người chỉ có một lần, phải sống làm sao để khỏi sót xa ân hận vì những tháng năm đã sống hoài sống phí, để khỏi phải hổ thẹn vì những dĩ vãng ti tiện và hèn đớn, đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói lên rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp trên đời, sự nghiệp giải phóng loài người”.

Cô bạn thuộc lòng đoạn văn hay nhất mang tính triết lý cao thượng của Nicôlai Ốttơrốpxki.

Trang chào bạn ra về và nghĩ cần phải phân hóa bọn con nhà giàu và sĩ quan ra khỏi số bạn bè thân thiết. Chúng là tai mắt của bọn an ninh, mật vụ rất nguy hiểm.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #73 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2010, 09:42:42 pm »

Trang lật từng trang sổ lưu bút. Những dòng chữ biết nói giúp cô thật đắc lực. Không ngờ kết quả của nó lại ngoạn mục đến thế. Cô sung sướng gọi thầm: Má ơi? đừng lo cho con cô đơn giữa chốn đất khách quê người. Nay thì con đã có rất nhiều bạn, nhất định con sẽ xây dựng cơ sở. Công việc lặng thầm vậy nhưng là chiến công của con đó. Rồi má sẽ thấy con hữu ích cho cách mạng như thế nào.

Màu đỏ đã tắt trên những hàng cây điệp trong sân trường. Mùa thi lại đến, rạo rực đấy nhưng cũng là mùa thổn thức, sụt sùi của tuổi học trò. Thời sự chung quanh mùa thi ở Sài Gòn luôn thu hút mọi người. Những chuyện lươn lẹo, ma giáo, phản trắc trong thi cử đã làm nản lòng biết bao nhiêu thí sinh. Cha mẹ của chúng cùng chung nỗi ưu tư dằn vặt.

Bước vào cổng trường, Trang đã nghe đám con trai chua chát đọc những câu thơ dân gian thời mới:

Anh đi quân dịch làm trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ, nuôi con
Tình anh chẳng thể vuông tròn
Ngày mai đăng lính biết còn... yêu em
.

Chúng còn viết những câu thơ bất mãn ấy lên tường. Cái không khí u ám, nặng nề kia làm Trang buồn lây nhưng cô cố dẹp sang một bên. Cô đi lại trong đám bạn gái xúm xít ngồi khoác tay nhau ra hàng hiên học bài. Tuyết láu lỉnh nhất xướng ngay lên:

- Học thầy không tày học bạn. .

Điều đó trúng với ý Trang. Chỉ trông có thế, Trang giở sách ra và từng cụm hai ba mái đầu chụm lại... Từ cuốn sổ lưu bút đến nhóm học ôn, Trang đã quy tụ được một đám bạn bè rất dễ thương.

Mỗi ngày đến trường, ngước lên nhìn những Hotel cao ngất rồi nhìn xuống hè phố. Trang thấy mình bé nhỏ quá. Những cao ốc xô bồ như có một áp lực vô hình đè nặng xuống cô, đè nặng xuống những cuộc đời nghèo khổ vất vưởng trên đường. Ở đó nổi lên hai cực tuyệt đối: tuyệt đối giàu và tuyệt đối nghèo. Một cảnh trái tai gai mắt của thế giới tự do.

Một cái gì nhức nhối trỗi dậy trong Trang. Tại sao, tại sao lại có cảnh trái ngược như vậy? Trang nghĩ là người dân Việt chân chính trông vào hình ảnh đó, trái tim ai cũng phải rung động, xót thương đồng bào mình. Bao nhiêu đau thương, tang tóc, bất công trên mảnh đất này đã minh chứng tội ác của Mỹ, ngụy. Những người bạn và Trang là những con người khác nhau về tính cách, chính kiến nhưng cũng có thể có điểm giống nhau. Ai có tinh thần dân tộc, ắt sẽ biểu lộ thái độ cua mình.

Trang gợi cho Lan, Thanh, Tuyết, Hạnh... những suy nghĩ của mình và bắt gặp ở bạn cái nhìn đồng cảm. Bằng những buổi trắc nghiệm như thế, kết hợp với điều tra “lý lịch" trực tiếp và gián tiếp của từng người, trong đầu Trang đã hiện ra một "bảng phân loại". Và từ cái bảng kỳ diệu đó, những người đồng chí mới đầu tiên đến với Trang.

Bốn đội viên biệt động mà Trang đã gieo hạt nay đã nảy mầm. Một thành công và cũng là một niềm vui trên bước đường chông gai của người chiến sĩ biệt động. Trang càng thấm thía hơn lời chỉ bảo của đồng chí chỉ huy: làm cách mạng không chỉ có một người mà cần có nhiều người, những con người có tinh thần cách mạng.

Sang thu, trời Sài Gòn dịu lại sau những cơn mưa. Những hàng cây ven đường như tỉnh giấc sau một mùa khô khát. Không khí chiến trận như cách xa miền đô thị. Một không khí thanh bình miễn cưỡng. Thực ra Sài Gòn đang ở trong “mắt bão" của những cuồng phong chiến dịch, Trang nhận nhiệm vụ điều nghiên mục tiêu chuẩn bị cho trận tác chiến đầu tiên sau một thời gian đơn vị gặp khó khăn.

Nỗi lo lắng hiện lên trong cô thật rõ ràng. Cái ý nghĩa đầy mặc cảm: con gái không đánh giặc được đã bị gạt bỏ từ lâu nhưng điều nghiên, tác chiến phải công phu thế nào, đâu là trò chơi trận giả của trẻ con. Đánh giặc không những cần súng đạn mà còn bao nhiêu thứ khác nữa: lòng dũng cảm, trí thông minh sáng tạo, nắm chắc địch, hành động đúng thời cơ... những khó khăn dàn ra trước mắt, nhất là khi Trang phải tự tìm ra mục tiêu, trực tiếp điều nghiên và tác chiến.

Mặc dù vậy, Trang cũng đã phác thảo được phương án điều nghiên. Qua nhiều đêm đắn đo suy tính, Trang mạnh dạn sử dụng Hà vào nhiệm vụ quan trọng này. Còn các bạn khác vẫn làm công tác thu thập tin tức và vận động phát triển đội viên mới dưới một danh nghĩa khác.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #74 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2010, 09:43:34 pm »

Trang và Hà đảo qua nhiều dãy phố lớn có những ngôi nhà cao rồi dừng lại trước nhà hàng mang bảng hiệu Kim Liên. Trang kéo Hà vào một quán nhỏ, gọi hai ly chanh đá.

Trang nói với Hà: 

- Bồ nhìn thấy không, có nhiều người ngoại quốc ra vào buynh đinh ngất nghểu kia .

Hà chép miệng:

- Tụi Mẽo chứ gì.

Trang bưng ly nước lên rồi đặt xuống, tỏ vẻ hoài nghi:

- Năm nay là năm bảy mốt, Mẽo về nước bớt rồi, không phải nơi nào cũng có chúng đâu. Mình trông như là bọn Úc Đại Lợi hay Philippin gì đó. Vả lại Hotel đó xoàng, Hoa Kỳ chơi sang hơn.

- Không, đúng Mẽo mà, Hà không lầm tụi nó đâu, phải cho chúng ăn trái, chị Trang ơi!

Lúc đó có một người khách buột miệng ca cẩm: 

- Chà, dạo này mấy ông Hoa Kỳ “hít” bar Kim Liên dữ quá.

Trang mở bóp lấy tiền trả chủ quán rồi cùng Hà đi ra. Lúc qua nhà hàng Kim Liên. cô kéo tay bạn đi chậm lại kín đáo quan sát: có cả nhiều sĩ quan ngụy nữa. Chúng ăn nghỉ trong các lầu kia.

Sau hai lần đích thân đến điều nghiên và nắm quy luật hoạt động của mục tiêu. Trang trở ra căn cứ bản lề báo cáo phương án tác chiến với cấp trên và xin chỉ thị mới. Cứ bản lề vẫn còn rất bí mật và liên lạc với các đơn tuyến,, ít khi có chuyện làm việc "tay ba". Đến nhà cơ sở, Trang lấy tấm khăn che mặt từ trong túi ra. Khi vào hẳn nhà, cô trùm mặt lại chỉ để hé đôi mắt qua mép khăn. Những người trong nhà biết ý, lảng đi nơi khác. Người thủ trưởng trực tiếp bắt tay Trang và tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Sao cô ốm vậy?

- Dạ thưa chú Hai, lâu nay cháu vẫn mạnh.

Trang cố làm ra vẻ tươi tỉnh để đồng chí chỉ huy khỏi ái ngại, băn khoăn. Thực ra, hơn nửa năm nay vừa tiêu hao tâm lực vào việc xây dựng lực lượng vừa cố sức đoạt mảnh bằng học lực trong kì thi vừa rồi cộng với ăn uống kham khổ, sức 'khỏe Trang bị giảm sút trông thấy. Có ngày cô cảm thấy mình bị kiệt sức.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #75 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2010, 09:44:22 pm »

Trang thôi phân trần để trình bày ngay vào kế hoạch tấn công bọn địch ở nhà hàng Kim Liên. Anh Hai chăm chú lắng nghe Trang nói: 

- Báo cáo chú Hai mục tiêu bar Kim Liên không lớn lắm, địch lại ít đề phòng. Hằng ngày đến giờ là chúng tụ tập ở đây ăn chơi, nghỉ ngơi và bàn công chuyện. Lúc 8 giờ thường là đông nhất. Khi đánh có thể đi vào cửa chính rồi lên các lầu, nhưng như thế dễ lộ và khi trái nổ, chiến đấu viên sẽ không an toàn. Vì thế có thể đặt trái ở cửa hông. Khi tiến hành trận đánh, cần một đội viên hỗ trợ ở phía ngoài, tốt nhất là ở bên kia đường, còn cháu bí mật đưa trái vào áp sát mục tiêu. Trái tối đa nặng 10 ki-lô-gam thuốc nổ mạnh, cấu trúc hình vuông và tra kíp hẹn giờ. Đó là phương án 1. Nếu vì quá khó khăn không thực hiện được phương án này, cháu sẽ dùng phương án 2, đơn giản nhưng mạo hiểm hơn: khi chạy xe qua, tung lựu đạn. Chúng tá hỏa tam tinh, mình tẩu thoát.

Anh Hai mỉm cười gật đầu, có nghĩa là nhất trí. Một lát anh nhắc thêm: 

- Thủ đoạn tác chiến như vậy là phù hợp. Khi thực hiện nó có thể thiên biến vạn hóa nhưng cần chú ý, nhất là phải đảm bảo an toàn tối đa. Phương án 2 không được an toàn lắm. Trong thành lực lượng ta rất mỏng. Mỗi sinh mạng chiến đấu viên, mỗi cơ sở đều hết sức quý giá. Đánh được địch nhưng lại để thương vong, kể như trận đánh hiệu suất thấp, những chỗ khuyết do bị thương vong, bị bắt có khi hàng tháng, hàng năm mới khôi phục được.

Thời gian ở đây quý như vàng. Trang xin mượn các tài liệu chỉ thị, nghị quyết tranh thủ học tập, nghiền ngẫm. Ở trong thành phố lâu ngày không được tiếp xúc với chủ trương chính sách, học tập chính trị, nghiệp vụ, Trang khao khát vô cùng. Trang nhớ có lần ra cứ, chị em ngồi học chung trong một căn nhà hầm nhưng chỉ nghe tiếng nói của nhau, người nào cũng cách ngăn bằng tấm che mặt. Điều đó lắm khi thiệt thòi nhưng ai cũng phải chấp hành kỷ luật và nguyên tắc nghiêm ngặt của những người hoạt động nội thành. Những lần như thế trở thành kỷ niệm khó quên.

Giờ đây, Trang mới nhìn thấy mặt những tài liệu đánh máy ố vàng, tưa mép. Cô học trò đọc ngấu nghiến hết trang nọ sang trang kia. Đến đoạn phương châm, phương thức, Trang tập trung tâm lực ghi nhớ. Tài liệu mới, có nhiều chi tiết làm cô say mê vì nó là "cẩm nang” của biệt động. Trang thốt thầm: "A, phải rồi, muốn phát huy tính chủ động, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ trong bất cứ tình huống nào thì phải học thêm ở những trang này".

Thú vị hơn cả là những trang nói về các loại vũ khí trang bị cho lực lượng chiến đấu nội thành, trong đó các loại hàng “quốc cấm: được ngụy trang cực kỳ tinh vi, khéo léo. Phần “ba hóa" cũng có những bổ sung quan trọng rất cần cho bản thân trong thời gian tới. Những giờ phút thế này, Trang thấy ấm áp, yên ổn hơn cả. Tuy nhiên, nhiệm vụ đang dở dang làm cô nóng lòng trở lại thành phố. 

Sau hai ngày làm việc và học tập ở căn cứ “bản lề”, Trang trở vào nội thành. Gặp lại bạn bè ai cũng vui mừng, duy chỉ có Lan, Thanh hơi lạnh lùng. Lan là đội viên được phát triển gần đây nhất có vẻ giận hờn rồi cất tiếng the thé:

- Sao chị Trang đi đâu hoài vậy?.

Trang đã chuẩn bị mọi câu trả lời, kể cả với ông thầy linh mục hay nhìn xoi mói qua đôi mắt kiếng trắng, bởi thế câu hỏi của Lan không gây một rắc rối nào. Trang mỉm cười và nói gạt là đi thăm người bà con. Ngoài cái vẻ cừu non vô tư của Lan, Trang chợt nhận ra nét suy tư trong ánh mắt những cô bạn thân quen.

Không thể chối cãi được rằng những đôi mắt ấy đang đặt câu hỏi: sao lâu nay Trang lại vắng mặt nhiều lần trong một học kỳ? Đến nay, chỉ có Hà, Thanh, Tuyết là biết rõ. Các cô cảm thông sâu sắc với Trang đang cáng đáng một trọng trách hết sức nặng nề. Với các cô, Trang là con người rất đáng khâm phục và không có điều gì để đàm tiếu, chê trách. Hà, Tuyết lại đưa những trái cóc, me chua ra kéo ê kíp bạn bè vào cái thú ăn vặt trước khi vào lớp để xóa đi những câu hỏi tò mò của Lan và có thể nhiều người khác nữa.

Tan học, Trang đến quán giải khát. Người chủ quán dường như đã quen khách nên hỏi ngay: 

- Cô dùng chanh đá?

Trang gật đầu ngồi xuống để nguyên kiếng râm trên mắt. Bar Kim Liên lộng lẫy sang trọng tấp nập xe cộ phía trước. Những sĩ quan Mỹ, ngụy vô ra. Một xe Pho, một xe Pơgiô dừng bánh ... Hơn hai chục người cao lớn bước xuống. Trang xem đồng hồ: 17 giờ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #76 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2010, 09:45:08 pm »

Vừa lúc đó một cô gái ăn bận thời trang đắt chiếc xe đạp mini vào quán, hai mắt kiếng mát màu nâu thẫm khá lớn che gần hết phía trên khuôn mặt. Cô gái vừa ngồi xuống ghế đã trông sang bar Kim Liên một cách chăm chú. Trang chột dạ, đeo kiếng vào, đứng dậy trả tiền đi ra.

Trang cuốc bộ về tới nhà Hà. Hà dẫn Trang vào sâu trong buồng, Trang nói trong hơi thở gấp:

- Cách đánh có thể thay đổi thuận lợi hơn. Hà chuẩn bị chu đáo đi. Trước khi xuất phát, ta sẽ bàn kỹ công tác hiệp đồng một lần nữa. Hình như có trinh sát của cấp trên xuống kiểm tra.

Đôi mắt tinh nghịch thường ngày của Hà trở nên nghiêm trang: 

- Sao Trang biết. 

- Không thể lầm. Trang rất quen với cung cách của những người phía đằng mình. Họ có cái gì khác thường, nhưng phải nghề nghiệp mới nhận ra.

Hai chị em tâm sự với nhau về chuyện học hành, chuyện thời cuộc... mãi 8 giờ tối Trang mới về đến nhà. Cơm canh u già để phần đã nguội lạnh.

Đêm hôm đó, chờ mọi người trong nhà đi ngủ, Trang vào trong buồng lấy thuốc nổ để chuẩn bị cho trận đánh. Gian buồng nằm trong cùng, đồ đạc lủng củng đủ thứ vật dụng phế thải. Những lần đi lấy vũ khí từ xa mang về, Trang đều giấu ở trong gian buồng này. Đó là kết quả của những chuyến đi đầy gian truân, tính mạng như trứng để đầu gậy. Đưa một gam chất nổ, một khẩu súng vào nội thành như thực hiện một kỳ công.

Gay go nhất là chuyến đi lấy vũ khí từ Trảng Bom về. Lần ấy, Trang bỏ mấy bánh TNT trong túi xách, mỗi bánh gói thành một phong bánh in mang nhãn hiệu sặc sỡ, bánh in đặc biệt Thanh Hương. Để làm việc đó, Trang đã phải đi mua về nhà cơ sở của chục phong bánh. Chờ đêm khuya, Trang lần từng tí gỡ giấy ra, làm sao không rách, không nhăn, xong lại chính tờ giấy ấy gói các bánh TNT thật vuông vắn như cũ. Đề phòng bất trắc, khi xếp thuốc nổ vào túi, Trang bỏ phía trên những phong bánh in thật, trên cùng là bộ quần áo nhỏ và chiếc khăn.

Sáng ra Trang lên xe Trảng Bàng đi Củ Chi nhưng đến gần Suối Sâu phải xuống xe đi vòng qua “ấp chiến lược” để bỏ trạm gác Suối Sâu vì ở đấy chúng kiểm tra rất kỹ, có thể không an toàn. Lội ra đến lộ 1 trời đã trưa, mồ hôi thấm ướt lưng áo. Trang vẫy xe Tây Nình đi Sài Gòn. Giữ "túi xách" trên tay mà Trang cứ phấp phỏng trong lòng, chỉ trông sao cho chóng về thành phố. Cô đoán ít lắm cũng phải qua dăm trạm kiểm soát của địch, trong đó căng nhất là trạm An Sương nằm tại giao điểm quốc lộ 1 và xa lộ Đại Hàn.

Bọn công an và thuế vụ thường bới tung đồ đạc của hành khách. Đám ruồi nhặng thuế vụ quen ăn bẩn bằng cách tịch thu, phạt vạ, ăn hối lộ. Còn đám mặt sắt áo vàng thì săm soi đánh hơi, cố tìm cho được những món hàng đặc biệt của “Việt cộng". Ở đó chúng hốt được món tiền thưởng hậu nhất lại còn liên quan đến việc lên lon, tiến chức. Chúng chẳng lạ gì "Việt cộng" có một ngàn lẻ một cách qua mặt chúng. Caravelle, Victoria, Metropol... nổ tung, giết chết hàng trăm đồng minh Hoa Kỳ, chư hầu và quốc gia là do chất nổ đi qua những trạm kiểm soát lọt vào thành phố.

Xe đến cầu Bông, bọn lính giơ súng lên ách lại. Hành khách tái mặt. Trang nhủ thầm: "Đám lính quèn này cũng bày đặt ăn chặn". Hai thằng nhảy lên xe nhâng nháo rồi hích chân, quơ tay xét đồ. Nhiều hành khách có hàng dưới gầm ghế, dúi tiền vào tay chúng. Đến lượt Trang, cô mở túi ra cho chúng xem. Tên lính thấy đồ lót phụ nữ, mắc cỡ xua tay, bỏ qua.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #77 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2010, 09:45:59 pm »

Về tới An Sương, tất cả hành khách phái xuống xe. Bọn thuế vụ, công an nhảy lên tung tác một lúc. Hai hành khách bị gọi vào bót. Bọn lâu la tranh thủ kiếm ăn. Một tên lăm lăm đến vô vào túi xách của Trang: 

- Bà nội, có giấu súng K54 trong này không?

Trang cười với hắn. 

- Thầy Hai đa nghi quá, tội nghiệp em. Đây, em xin biếu thầy cặp Thanh Hương chính hiệu. 

Trang lấy hai phong bánh in đưa cho tên công an, nó nhẹ tênh trên tay mà cứ ngỡ lấy nhầm. Hắn đón lấy phong bánh, nói nhăn nhở: 

- Cô em điệu quá. Lần sau nhớ anh nha. Hắn hãnh diện chỉ tay lên ngực - Sung, thiếu úy Sung!

Trang mang 4 bánh TNT về đến nhà, người mệt lả. Cô vào buồng giấu trong kẹt rồi chất mấy chiếc ghế hư lên. Bỗng “chít, chít...", cô vọt chạy ra ngoài. Sau lần đó, cô về Củ Chi lấy thuốc dẻo C4, dồn vào các lon sữa, đi vòng qua lộ 2, cắt lên lộ 1. Đến trạm gác Hóc Môn, Trang bỏ xe xuống đi bộ. Đến trạm gác An Sương, Trang đi xe ôm.

Xong chuyến đi lấy thuốc nổ. Trang ra cứ đầu cầu lấy kíp mìn. Thứ này gọn nhẹ và ngụy trang dễ dàng hơn nhưng đi đường vẫn lên ruột lên gan với bọn công an, cảnh sát nhan nhản trên trục lộ.

Những lần ra căn cứ chuyển vũ khí vào nội thành và nhận chỉ thị... đều gian nan như thế. Mỗi bước đi là mỗi bước thử thách của thần kinh và trí lực trước nanh vuốt của bầy dã thú. Khi qua khỏi một vọng gác, Trang lại thấy như có những đôi mắt cú vọ nhìn theo mình. Cô có cảm giác nhiều lần bị mất thăng bằng cơ thể bởi quá xúc động hoặc căng thẳng. May sao, các chuyến đi đều trót lọt êm xuôi.
Khi trở lại trường, Trang cũng không để lộ dấu vết gì trên gương mặt, trong giọng nói... Thế mới hay thực hiện một trận đánh trong nội thành, khâu chuẩn bị vũ khí, phương tiện, xây dựng cơ sở chiếm đến 80 phần trăm. Trận đánh xảy ra trong mấy phút, thậm chí chỉ mấy giây đồng hồ nhưng công tác đảm bảo cho nó tốn thời gian và công phu biết chừng nào.

Trang đi vào phòng tối, lần đến kẹt giấu thuốc nổ. Cô vừa nhấc chiếc ghế hư lên thì bỗng "rột”, một vật nhám chạm vào chân. Cô a lên: "ối" và té xuống sàn nhà. Người nhà hoảng hết choàng dậy, đèn bật sáng.

- Ai làm gì vậy?

- Chị Ba nằm mê.

Trang lồm cồm đứng dậy bước ra, mặt xanh mét. Rất may là ban đêm nên không ai nhận ra thần sắc của cô. Trang vội nói:

- Không có gì đâu u. Con lục mấy quyển sách.

Người nhà lại đi ngủ. Không gian trở lại lờ mở trong ánh đèn ngủ.

Trang ngồi một mình cho trống ngực đánh chậm lại mới trở vào buồng. Cô ngồi nhìn một lát cho quen với bóng tối và để tự trấn tĩnh mình. Trang đứng dậy. "Chít, chít...". Cô sững người muốn khóc. Từ lúc nhỏ tới giờ, Trang là người sợ chuột nhất nước. Không hiểu cái phản xạ khiếp hãi đó kiến lập từ lúc nào, nhưng hễ thấy chuột là Trang cuống lên, mặt mày tối lại. Có thể bỏ đói, đánh đòn thậm chí chết nhưng bắt Trang đụng vào con chuột là chuyện cực hình. Con vật gớm ghiếc, mồm nhọn, râu ria, hai mắt lồi cái đuôi nhọn đót đối với Trang khủng khiếp quá. Hồi nhỏ đã có lần Trang chết giấc vì đứa bạn nào dám lén bỏ chuột vào túi áo cô.

Trang định thần lại, cô quyết định đi vào góc nhà lấy thuốc nổ, vừa đi vừa độc thoại: “Chuột chỉ là con vật thôi, điều đáng sợ là nó dơ và hôi hám chứ nó cắn thì lằm sao chết người được, chỉ chảy máu một lúc... Còn giặc Mỹ, ngụy chúng đem bom đạn tàn phá đất nước, chúng sẽ giết chết mình, giết chết đồng bào, người thân..”. Ý nghĩ đó khiến cho Trang can đảm thêm. Cô bậm môi, đi vào kẹt nhà lấy thuốc nổ ra. Bọn chuột vẫn chít chít, rột rẹt qua lại trong tối nhưng Trang không còn kinh hoảng nữa.

Cấu trúc xong khối thuốc, ngụy trang cẩn thận thì trời đã sang canh. Trang lên giường ngủ thiếp một giấc đến sáng. Những hình ảnh trong chiêm bao lộn xộn, chắp nối, có cả con chuột khủng khiếp cắn vào chân dứt thịt ra từng mảnh... Khi tỉnh dậy, Trang còn sợ hãi nhưng hiểu mình đã ngủ được một giấc sâu, có thể lấy lại sức khỏe để bước vào giai đoạn quan trọng của trận đánh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #78 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2010, 09:48:39 pm »

Sáng ngày 31 tháng 7 năm 1971, hai cô gái ăn mặc lịch sự, đèo nhau đến trước nhà hàng Kim Liên. Hà tắt máy, tấp honda vào lề đường. Cả hai thong thả vào quán giải khát nằm chếch với mục tiêu một căn nhà. Hà lấy bóp mở ra soi mặt, sửa lại mái tóc trong khi Trang nhấp từng ngụm sinh tố. Trông thấy nhiều honda dựng trước mặt tiền, Trang nói với Hà:

- Hôm nay có cả bọn tình báo và công an chìm.

Hà tỏ vẻ sốt ruột: 


- Sao bọn Mẽo chưa đến?
Trang liếc nhìn đồng hồ thấy đã 8 giờ 55 phút, buông giọng trầm tĩnh:

- Chúng sắp tới đó.

Năm phút sau, ba chiếc xe Pho đỏ chói từ từ lăn lên lề đường. Trang rút tiền đặt lên bàn, nháy mắt cho Hà đi ra. Hà nổ máy xe honda, Trang nhẹ nhàng lên yên, bám một tay vào vai Hà. Hà giảm ga cho xe chạy chậm sát vào chiếc xe Pho. Nhanh như cắt, Trang rút các "lon bơ”, giật nụ xòe, liệng vào trong xe. Khi trái thứ ba lọt vào chiếc xe đậu cuối, Trang liệng trái cuối cùng vào đám người chùm nhúm bên cạnh mấy chiếc honda. Hà rú ga phóng vèo vèo trong tiếng nổ vang rền sau lưng. Đến ngã tư thứ nhất, Hà quặt ngang và chỉ một phút sau đã trộn vào dòng người xe chảy xiết trên đường.

Xe cảnh sát gầm rú lao về phía nhà hàng Kim Liên. Bộ dây thép gai "cự mã" được kéo ra chặn hai đấu đường. Phải vất vả lắm bọn cảnh sát mới giải tỏa được dân chúng xúm đen xúm đỏ xem người Mỹ và "quốc gia" chết ngổn ngang trên xe, dưới đường. Đoạn đường bị thiết quân luật để các nhà chức trách làm việc. Nhiều tay phó nháy của công an và một số phóng viên lọt vào được chụp lia lịa các cảnh tượng trên hiện trường được canh phòng nghiêm ngặt.

Vừa lọt vào nhà, Hà liền cởi áo ra và đề nghị với Trang thủ tiêu ngay. Trang bình tĩnh xua tay:

- Không cầ làm thế, đem cất kỹ đi, năm sau ta lại mặc để đánh trận khác.

Nghe thế Hà xếp lại vuông vắn, cho vào tủ. Cô hiểu Trang tiết kiệm tiền cho tổ chức. Theo nguyên tắc biệt động, xong một trận đánh, quần áo phải bỏ. Khi đánh trận khác sẽ mặc y phục mới. Mặc dù vậy, Trang nghĩ giữa cái đất Sài Gòn, quần áo đủ màu, đủ kiểu làm sao tránh khỏi sự trùng lặp. Vả lại năm sau hoặc nửa năm sau đem bộ quần áo đã sử đụng ra dùng thì địch chắc chắn không phát hiện được. Anh em ở ngoài căn cứ ăn uống kham khổ, sinh hoạt thiếu thốn mọi thứ, mình ở trong thành phố điều kiện khá hơn, nhưng phải tự giác tiết kiệm để đỡ phần nào khó khăn cho cách mạng. Người chiến sĩ biệt động phải thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, sống trong sạch và nhất là không được sa ngã giữa chốn phồn hoa đô hội.

Trang ra khỏi nhà Hà một quãng thì gặp Tuyết. Cô bé hổn hển: 

- Người ta đồn bar Kim Liên Mỹ chết dữ lắm. Cảnh sát đang ráo nết truy tìm thủ phạm là hai phụ nữ chạy hon đa.

Trang nhìn trước ngó sau rồi nói nhỏ với Tuyết:

- Tuyết đến bar Kim Liên ngay bây giờ, nắm cụ thể kết quả Mỹ chết bao nhiêu, bị thương bao nhiêu, bọn "quốc gia" cũng vậy. Xe cộ bị phá hủy mấy chiếc. Dân chúng dư luận thế nào.

Tuyết tròn xoe mắt nhìn Trang: 

- Vậy sáng nay Trang thảy lựu đạn

Trang cười: 

- Biệt động, Tuyết đi đi, ráng cẩn thận, chúng canh phòng gắt lắm đó.

Từ xế trưa trở đi, hình như cả Sài Gòn đã vỡ chuyện. Nơi các tiệm ăn, quán giải khát, phòng trà, chợ búa, bến xe... đâu đâu người ta cũng bàn kháo về việc biệt động tập kích trước nhà hàng Kim Liên. Có người nói chính mắt họ thấy Việt cộng đi một xe Jeep đến gần bên xe các ông Hoa Kỳ, đồng loạt tương cả rổ lựu đạn vào trong mấy chiếc xe pho. Có người kể nghe ly kì hơn: Hai cô đào là bồ của Mỹ đã bí mật gài mìn trong xe. Khi hai người vừa xuống khỏi xe thì có một tay lãng tử chở sẵn chiếc Masda bốc đi... Về con số địch thương vong thì sự đồn đại càng khác biệt nhau hơn. Người nói 200, người nói 100 hoặc trên 100... ít ai nói dưới 100.

Tuyết ra tới nơi, hiện trường trận đánh còn giữ nguyên, không ai được tới gần. Những tên chết và bị thương đã được đem đi, trơ lại xác ba chiếc xe Pho và năm chiếc hon đa. Căn cứ vào hiện trường, Tuyết xác định con số địch thương vong: Mỹ khoảng gần 60 tên, bọn ngụy, chủ yếu là tình báo, mật vụ khoảng 15 tên; tổng cộng 70 tên.

Tuyết trở về báo với Trang đầy vẻ phấn khởi pha chút "giật gân”. Trang.kịp thời ngăn lại:

- Còn phải điều tra xác minh lấy con số chính xác, báo về trên. Nay mai đài của ta loan tin, đồng bào mới chấp nhận. Tụi địch đưa tin láo hoài, dân hết thèm nghe... Nhưng có điều này, Tuyết thấy không, tiêu hao địch rất quan trọng, dẫu vậy, có khi ý nghĩa trận đánh lại cao hơn. Địch bị ăn đòn ngay tại Sài Gòn, nơi mà chúng vẫn huênh hoang là "bất khả xâm phạm”, Việt cộng nằm vùng đã bị quốc gia dẫy sạch. Trận đánh thành công này là một cái tát đau điếng vào miệng bọn chiến tranh tâm lý.

Trang nói đến đó và chợt nhớ lời của Tư lệnh Trần Hải Phụng, thủ trưởng Quân khu Sài Gòn - Gia Định: “Lúc này Mỹ xuống thang, diệt được một lính Mỹ có giá trị gấp mười lần trước đây, sẽ góp phần kết thúc nhanh cuộc chiến tranh...". Trang nghe lòng mình lâng lâng vui sướng và nghĩ tới ngày giải phóng Sài Gòn không xa.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #79 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2010, 09:49:28 pm »

Trang ngồi trước một chồng sách, trầm ngâm, trong đó nào toán, lý, hóa, giảng văn, Anh văn, địa lý... và cả những bài luận văn tẻ ngắt, vô duyên. Không phải chán đời học sinh nhưng lâu lâu một vài ông giáo sư lại pha vào những luận điệu sặc mùi tâm lý chiến. Với Trang, bằng cấp lúc này chỉ là "bình phong”, là "hỏa mờ” để hoạt động. Học hành là để sau này phụng sự cho Tổ quốc, nhưng đất nước còn chiến tranh mà nhiệm vụ của Trang thì chẳng nhẹ nhàng chút nào.

Trong sự bế tắc chung của đám học sinh, Trang hoàn toàn thanh thản ung dung, bởi mục đích học tập của cô đang phục tùng một mục tiêu lớn lao chứ không phải vì mảnh bằng để kiếm cơm sau khi rời ghế nhà trường. Cô có một niềm vui riêng, một tư chất riêng mà bao học sinh quanh cô không thể có. 

Trang kéo quyển toán học xuống, lật xem những con số xâu chuỗi, những công thức cồng kềnh... Đầu cô trống rỗng. Cô cúi xuống chống tay vào trán, cắn đuôi bút: gần khách sạn Caravelle của người Pháp có một nhà hàng gì nhỉ? Nhà hàng cao lớn ấy mà... A, đúng rồi, nhà hàng “Tự do”. Cái tên thiệt hay, tự do của chúng là nô lệ của bao nhiêu người. Những kẻ nhân danh tự do lại đi gieo nô lệ xuống những cuộc đời khao khát tự do.

- Có việc gì mà trầm tư vậy cô nàng?

Trang giật mình ngẩng lên. Lan, Thanh đã đứng trước mặt từ khi nào. Trang nói chữa: 

- Mình đang nghĩ cách giải bài đạo hàm. 

Thanh mỉm cười: 

- Làm toán hay nghĩ chuyện di nổ mìn vô các cha Đại Hàn như hôm trước. 

Trang cũng cười tự thú một cách vụng về nhưng vẫn cố chống chế. 

- Thế các bạn định thôi không học lớp 12? 

Lan nheo mắt: 

- Dễ ợt, đủ điểm cả rồi - chỉ lát sau, Lan quay ra làm mặt giận - Chị Trang chê Lan phải hôn, hai trận đánh vừa rồi không cho Lan hay...

Trang nói nghiêm chỉnh:

- Lan là tổ viên, vậy phải chấp hành sự phân công của tổ chứ. Mỗi trận đánh, số lượng người tham gia đều phải báo cấp trên. Thủ trưởng đồng ý ai người đó mới được làm nhiệm vụ. Lan thông cảm cho Trang chưa nào?

Lan nín thinh, Thanh cũng không đưa ra yêu sách nào bởi hiểu tính kiên quyết của người dội trưởng. Dù là bạn bè nhưng Thanh ngầm khâm phục bản lĩnh chiến đấu của Trang. Với Thanh, Trang vừa là người bạn bình dị, thân tình nhưng lại có cái gì đó kỳ diệu xa cách. Được thu nhận vào làm tổ viên của tổ biệt động, Thanh tự thấy mình vinh dự lắm rồi.

Trong trận đánh vào chung cư Đại Hàn, diệt 250 tên, Trang tự điều nghiên mục tiêu và lập phương án. Lúc đánh chỉ có Tuyết tham dự hỗ trợ bên ngoài. Trận này, Trang có chủ định thử thách một chiến đấu viên mới ở mức độ thấp hơn Hà. Tuy nhiên tấm huân chương Chiến công hạng Nhì cấp trên quyết định tặng cho cả tổ biệt động, còn Trang chỉ được tặng bằng khen, dù cô là người trực tiếp thực hiện khâu cuối cùng: đột nhập đặt trái vào chung cư.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM