Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:07:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Biệt động Sài Gòn - Những chuyện bây giờ mới kể  (Đọc 108003 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #50 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2010, 03:42:30 pm »

Oanh tụt xuống cái "rột", báo cáo với cụm trưởng vị trí hai khẩu đại liên địch. Ba Phong lệnh ngay cho phân đội của Ba Tâm thanh toán cụm hỏa lực. Sau ba tiếng nổ liên tiếp của B40, chúng im bặt .

Nhưng liền ngay đó, địch mở đợt phản kích dữ dội vào khu vực đơn vị vừa chiếm lĩnh bằng hai mũi từ cổng Phi Long, sân bay Tân Sơn Nhất và từ bãi xe Tân Bình. Sau lưng bộ binh có xe tăng hộ tống. Tiếng xích sắt khua loảng xoảng trong tiếng máy nổ ầm ầm như sấm. Cũng như những lần trước, chúng dàn hàng ngang hùng hổ càn tới. Không phải là chiến thuật “tinh thần" như bọn phát xít Đức trong đại chiến thứ hai mà là sự chủ quan không đánh giá đúng khả năng đối phương.

Cự ly giữa những tên lính Mỹ ngông nghênh với đội hình phòng ngự của cụm biệt động rút ngắn dần, năm mươi mét rồi ba mươi mét... Cho đến lúc sự căng thẳng ngột ngạt bị phá vỡ, khẩu tiêu liên trong tay Oanh giật nảy lên giữa tiếng súng nổ giòn của đồng dội.

Trên cả hai hướng, địch dội ngược chạy tháo thân. Đội hình chúng rối loạn bởi bị vỗ mặt ở cự ly quá gần. Trên mặt đường lở lói, xác những tên lính Mỹ bị bỏ lại, những tên bị thương không lết đi được đau đớn quằn quại. Một chiếc xe tăng bốc cháy khói đen cuộn lên mù mịt. Bên cạnh đó một chiến sĩ biệt động hy sinh.

Sau khi hạ chiếc xe tăng, xạ thủ B40 bị thương nặng. Lại một lần nữa Oanh được lệnh thay thế vào chỗ khuyết của đồng đội, tiếp tục giữ vị trí xung yếu của trận địa. Cô gái liên lạc luôn ở bên cán bộ chỉ huy, truyền đạt mọi mệnh lệnh nhưng vẫn xuất sắc trong vai trò một chiến đấu viên.

Cụm biệt động (6-7-9) nổ súng tấn công vào cổng số 4 Bộ tham mưu ngụy được một lúc thì Tiểu đoàn Quyết Thắng 2 cũng đã xuyên thủng cổng số 8 của mục tiêu này ở hướng ngã ba Chú ÍA (nay là ngã năm Nguyễn Thái Sơn). Đơn vị đã đánh được vào bên trong cổng gác bắt được tù binh và một bộ phận chiếm được trường Sinh Ngữ ở đường Võ Di Nguy (nay là Nguyễn Kiệm).

Tiếng súng nổ ran vọng lại mạnh mẽ hơn tất cả mọi lời động viên. Sự chia lửa gần gũi khiến Oanh có cảm tưởng như sắp nối liền đội hình chiến dịch. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam vẫn diễn tiến cực kỳ sôi động. Nơi đây, mặt trận Sài Gòn - Gia Định nóng bỏng quyết liệt nhất, tập trụng sự chú ý của cả nước và thế giới.

Tại trung tâm thành phố, các đơn vị biệt động dã thực hiện đúng kế hoạch giáng đòn bất ngờ khủng khiếp vào các mục tiêu đầu não số một của Mỹ, ngụy như Đại sứ quán Mỹ, dinh Độc Lập. Đài phát thanh, Bộ tư lệnh hải quân ngụy. Các đơn vị khác đã đánh vào khu vực cầu chữ Y, trường đua Phú Thọ, Phú Lâm, Khánh Hội.... sân bay Tân Sơn Nhất, căn cứ Cổ Loa, Phù Đổng....

Lực lượng quần chúng nội thành nhiều nơi nổi dậy diệt ác trừ gian, giành quyền làm chủ. Sài Gòn đang cùng với cả miền Nam thực hiên trận tập kích chiến lược kỳ diệu làm rung chuyển đến tận Lâu Năm Góc và Nhà Trắng nước Mỹ, một tràn Oatéclô làm choáng váng kinh hoàng tên trùm hiếu chiến Nixơn. Một mùa xuân hừng hực khí thế quyết chiến quyết thắng. Cả nước thực hiện lời thơ chúc Tết của Bác Hồ:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà .
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên. Toàn thắng ắt về ta.


Oanh nghe lòng mình náo nức, xốn xang như đang sống trong không khí của ngày hội của những người chiến thắng, nơi mặt trận đầy gay go ác liệt, mặt giáp mặt với quân thù từng giờ từng phút, lòng cô bừng lên niềm tự hào được chiến đấu giữa lòng thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Đó cũng là ước mơ của người chiến sĩ trải qua những tháng ngày chiến đấu gian khổ hy sinh. Trong bão táp làm ngả nghiêng thành trì của tớ thầy Mỹ, ngụy hôm nay có chiến công nhỏ bé của cô gái giao liên biệt động.

Chiếc máy bay chiêu hồi lại dẫn xác lên. Tiếng gọi loa lải nhải trên cao lặp lại cái giọng điệu chiêu hồi cũ rích nghe đến nhàm chán. Và dường như công việc vô vọng đó là phận sự. Không thấy một phản ứng nào của đối phương, nó lảng dần khỏi bầu trời trận địa. Khi những tiếng lải nhải còn vọng lại trên khoảng không thì tiếng pháo đã rú lên cấp tập dọn đường chuẩn bị cho một đợt xung phong. Bọn trực thăng võ trang cũng lạnh phạch bas lên phóng rốc kết vào những nơi chúng nghi ngờ đối phương ẩn nấp. Từng cụm khói trắng cuộn lên từ mặt đất trận địa.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #51 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2010, 03:43:21 pm »

Tạm yên ắng. Trước mắt Oanh vẫn là Sài Gòn với những ngôi nhà cao tầng đồ sộ và những con đường tráng nhựa in vạch trắng vạch vàng. Những con đường lặng yên căm giận trong náo loạn ồn ào của các loại xe tân kỳ và xe nhà binh mang nhãn hiệu USA. Những con đường đó nối dài qua các nút giao liên, các căn cứ bản lề, các cửa khẩu rồi xuyên suốt Củ Chi, Trảng Bàng, Gò Dầu, Tây Ninh lên tận biên giới Việt Nam - Campuchia.

Trên những con đường giao liên, được các gia đình cơ sở chở che đùm bọc, những cán bộ dày dạn chỉ bảo tận tình, Oanh đã bao lần đưa rước cán bộ từ ngoài chiến khu vào nội thành và từ nội thành trở ra chiến khu. Trong đó có những chuyến đi, Oanh đem được cả vũ khí vào thành phố dự trữ cho trận đánh hôm nay.

Từ những đầu mối đường giao liên công khai và bí mật, Oanh đã ra đi trên đường dây vô hình không cột mốc, không mang tên số hiệu, như một chiếc bóng lặng thầm. Không đếm được đã bao lần Oanh băng qua lưới kiểm soát nghiêm ngặt, gắt gao của địch với những đồn bót nhan nhản trên tuyến hành lang, Oanh đã nghĩ ra bao nhiêu mưu kế, những câu đối đáp linh hoạt, thông minh để qua mặt bọn cảnh sát, công an... Cũng có khi Oanh chuẩn bị cả phương án mạo hiểm, chấp nhận một mất một còn với kẻ thù để đem qua trót lọt một tài liệu chỉ thị, một ki-lô-gam thuốc nổ vào nội thành...

Đường dây công khai ngày càng trở nên ác liệt. Phần ngoại vi nằm trong địa bàn đánh phá, càn quét, chà đi xát lại hết đợt này đến đợt khác của các sắc lính trên vành đai phòng thủ hay những vùng giáp ranh với mật độ địch kiểm soát dày đặc. Những ngày ấy, Oanh thường đi qua những "tọa độ lửa" của các cụm pháo trong các chốt lớn và máy bay phản lực cắt “bom trộm", hằng đêm.

Đường giao liên cũng đầy rẫy bọn biệt kích, thám báo khắp bụi rậm, đường mòn... sự rủi ro và cả cái chết luôn rình lập làm căng thẳng thần kinh. Nhiệm vụ nặng nề như dồn lên đôi vai bé nhỏ của cô gái mười tám tuổi. Tuy nhiên, vất vả, lo toan đã thành thói quen chịu đựng của những chiến sĩ hoạt động kiểu như Oanh.

Có lần đồng chí chỉ huy “trắc nghiệm" tinh thần cô gái:

- Nhiệm vụ nguy hiểm thường xuyên như vậy, có khi nào cháu thấy ngán ngại không?

Oanh trả lời rắn rỏi:

- Là đảng viên, cháu luôn nghĩ mình phải làm tròn bất cứ việc gì tổ chức phân công. Vả lại hàng ngày các đồng chí ở trong thành nóng lòng chờ từng viên đạn, từng bánh thuốc nổ, từng trang nghị quyết. Ở ngoài cứ, các chú chỉ huy mong nhận được những hồ sơ đồn bốt, những mục tiêu chiến lược, những phương án quyết tâm của các đội biệt động... lẽ nào cháu lại ngại vất vả khó khăn.

Oanh trả lời và hiểu tất cả những cái đó đều chuẩn bị cho những ý đồ quan trọng của cấp trên trong từng chiến dịch hoặc các cao điểm hoạt động. Những tình huống hiểm nghèo mà bản thân trải qua đã cho cô những bài học quý. Do thế sự hy sinh có thể xảy ra, nhưng tuyệt nhiên không làm có sờn lòng.

Một loạt pháo dựng lên những cột khói phía trước. Oanh thầm nghĩ "dàn nhạc Tân Tây Lan" (tiếng lóng chỉ các dàn pháo binh của địch trong các căn cứ lớn) bắt đầu lên tiếng. Qua màn không gian mờ ảo, những ngày đi xây dựng cơ sở trong vùng địch hiện lên. Công việc bám trụ các đầu mối đường dây, nối liền mạch máu giao thông liên lạc gian khổ bao nhiêu thì công tác tìm “điểm” bắt mối quần chúng truân chuyên, phức tạp bấy nhiêu.

Trẻ tuổi đời, kinh nghiệm bản thân còn ít ỏi, lại hoạt động trong vòng vây lính tráng, đồn bót; đồng bào bị kìm kẹp, rún ép, đầu độc nặng nề... mỗi bước đi vào quần chúng là đi vào chông gai thử thách. Có những đêm Oanh suy nghĩ lao lung và băn khoăn, sức vóc mình không thể vượt qua những khó khăn nguy hiểm trong nhiệm vụ được giao. Lúc đó cô thấy mình như hạt muối giữa dại dương. Công việc thật mênh mông mà mình thì đơn độc quá. Giá như được có chị em đông vui như ở ngoài chiến khu! Nhưng rồi cô lại nghĩ quần chúng đang chờ cách mạng như ruộng hạn đợi mưa. Lòng yêu nước và lòng căm thù giặc đang nung nấu, âm ỉ trong lòng mỗi người dân, tại sao mình lại rụt rè, lo ngại? mình phải dấn bước đi lên như bao nhiêu đồng chí khác đã đi. Bài học dân vận vỡ lòng là làm cho dân tin và hiểu cách mạng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #52 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2010, 03:44:08 pm »

Tự vấn như thế, Oanh thấy lòng mình thêm can đảm và dồi dào nghị lực có thể vượt qua những trở lực phía trước. Cô nhớ lại cẩm nang của người chiến sĩ biệt động khi đi dân phải thực hành “ba hoá”: quần chúng hóa, nghề nghiệp hóa, hợp pháp hóa. Phải rồi, lòng dũng cảm và chí kiên nhẫn chưa đủ mà cần phải trang bị vững vàng “ba hóa”. Oanh soát lại và thấy khó khăn nhất vẫn là nghề nghiệp hóa. Cô tự dặn mình đi đến đâu cũng phải cố gắng học nghề của dân để nhanh chóng tạo bình phong ngụy trang các hoạt động. Trên thực tế, không biết nghề ngỗng gì thì khó mà xáp vào dân.

Lúc đầu Oanh sắm vai học trò đến ở trọ nhà anh Võ Văn Mậu ngụ tại Gò Vấp. Gia đình này là lao động nghèo nhưng nhiệt tình với cách mạng. Oanh cũng là “học trò nghèo”, tài sản chẳng có gì đáng kể. Điều đó làm cho cô mau hoà hợp với mọi người trong gia đình. Hàng ngày đi học về, Oanh tranh thủ thời gian giúp việc cho gia đình. Ai cũng cảm cũng mến tính cần mẫn, hiền lành của cô gái.

Thời gian dân vận đã chín mùi, Oanh mạnh dạn nhờ vợ chồng anh Mậu giúp những việc nhỏ đầu tiên. Oanh nhớ lúc đó anh Mậu tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên và sợ hãi: 

- Thế cô là người của cách mạng?

Oanh mỉm cười giây lát rồi nghiêm giọng nói:

- Gia đình hiểu em như vậy là đủ rồi. Em chỉ muốn một điều là anh chị an tâm trong thời gian em ngụ ở đây. Những việc gia đình giúp em là giúp cách mạng.

Từ e dè sợ sệt ban đầu, anh Mậu trở nên tự nguyện và can đảm trong việc cung cấp tin, nắm địch và mua sắm những hàng cần thiết cho tổ chức. Những điều Oanh tuyên truyền vận động đã có tác dụng cụ thể. Oanh càng tâm đắc bài học “quần chúng hóa" như một thứ vũ khí sắc bén không thể thiếu đối với những người độc lập tác chiến như cô.

Sự giáo dục, giác ngộ đã phát huy tối đa khả năng của một cơ sở bình thường. Gia đình anh Mậu đã bí mật đào hầm cất giấu 14 khẩu K54, 40 ki-lô-gam thuốc nổ mạnh và hai triệu đồng bạc ngụy ở trong nhà. Số vũ khí, ngân phí này chuẩn bị cho đơn vị thực hiện tác chiến một mục tiêu quan trọng nội thành.

Oanh được lệnh di chuyển đến chỗ ở mới với nhiệm vụ “cấy” thêm một “điểm” chiến lược. Đó là nhà bác sĩ Đính ở Tân Thới Nhất, Hóc Môn. Cô xin tạm nghỉ trong gia đình để "buôn bán". Sau tấm màn ngụy trang đó, suốt thời gian hoạt động, Oanh đã vận dộng gia đình bác Đính trở thành một cơ sở tốt của cách mạng. Bác Đính hoàn toàn không nghi ngờ gì về lòng tốt và việc làm đầy thiện chí của Oanh. Khác với cơ sở Gò Vấp, khu vực nhà bác Đính bọn công an chìm, nổi hoạt động mạnh hơn nên không thể khinh suất. Tuy thế, những hành vi của địch không ngăn được quyết tâm của Oanh.

Đối tượng đã được thử thách chu đáo, Oanh quyết định trao nhiệm vụ sau khi tiếp nhận một “chuyến hàng". Một hôm khi xóm làng đã im vắng về khuya. Oanh đem bọc lớn trong đó gồm súng AK và lựu đạn nhờ bác Đính cất dùm. Bác khẽ hỏi Oanh: 

- Biếu bác cái gì đó con? 

Oanh nghĩ bác lầm cũng đúng thôi bởi lâu nay gia đình hết lòng giúp đỡ cô. Nhưng không nên giấu giếm bác, cô nói giọng bộc trực tin cẩn:

- Con nhờ gia đình ta giấu dùm số vũ khí này để cách mạng trừng trị bọn ác ôn, phá thế kìm kẹp cho đồng bào.

Bác Đính trố mắt nhìn Oanh không nói được lời nào. Bất ngờ quá, bác ngẩn cả người. Đọc được ý nghĩ của bác, Oanh điềm tĩnh nói: 

- Cháu biết bác e ngại việc súng đạn, nhưng cũng như việc bác đã làm, đây cũng là việc của cách mạng. Hơn nữa khi đã tin tưởng trao trách nhiệm cho gia đình, cháu đã có cách bảo đảm an toàn.

Mấy tiếng "cách mạng", "diệt ác ôn" khiến bác Đính yên lòng. Trước nay, bác chưa bao giờ nhận một công việc hệ trọng như vậy. Việc này thật đột ngột, bác lượng sượng trong mình nhưng không từ chối khi cách mạng yêu cầu. Dẫu sao, trong sự lo lắng, bác cũng thấy niềm vinh dự tự hào.

Sau này, khi rời đến một cơ sở khác, Oanh được tin gia đình bác Đính bị lộ do một tên chiêu hồi chỉ điểm. Vợ chồng bác bị địch bắt, đánh đập dã man, nhưng không một ai khai báo điều gì. Số vũ khí vẫn nằm im trong hầm cbo đến ngày đơn vị lấy lên chiến đấu. Oanh cảm động và khâm phục bác vô cùng. Với Oanh, lòng kiên cường của bác Đính là tấm gương để cô soi mình trong những ngày bám trụ nội thành có nhiều cam go tai biến.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #53 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2010, 03:45:14 pm »

Những gia đình cơ sở cách mạng Oanh gầy dựng được ngày một nhiều thêm, đã "đóng đinh” vững chắc trong quần chúng. Đó là những đốm lửa nhỏ âm ỉ cháy suốt ngày đêm, chỉ chờ gặp ngọn gió thời cơ thổi tới là bắt bén bùng cháy, góp vào cơn bão lửa thiêu đốt quân thù từ trong hang ổ của chúng. Và hôm nay những đốm lửa đó đang hòa vào cơn bão táp của cách mạng.

Tiếng súng vẫn nổ đâu đó, lúc dồn dập lúc thưa thớt. Địch vẫn trong cơn bối rối co kéo lực lượng đối phó với quân giải phóng ở nhiều nơi trong thành phố. Từng tốp phi cơ đi ứng cứu các mặt trận ầm ầm lao vút qua. Ánh nắng chiều trải trên trận địa nham nhở, khét lẹt. Bóng những ngôi nhà méo mó đổ dài xuống mặt đất. Những chiến sĩ mặt hốc hác bám đầy cát bụi vẫn ôm ghì súng chờ đợi.

Từ 2 giờ sáng chiếm lĩnh trận địa, mọi người đều căng thẳng trong những tình huống chiến đấu gay cấn tột độ. Lực lượng tiếp viện chắc là không đến được. Đơn vị không được tiếp tế vũ khí, cơm nước. Oanh nghe cồn cào trong bụng. Đói, khát bị lãng quên trong lúc giao chiến, bây giờ có dịp hồi lại, Oanh bất giác cười thầm ở giữa Sài Gòn mà đói khát đến nhão người. Bỗng có người gọi: 

- Oanh, bánh mì!

Oanh chưa kịp nhìn ra ai thì chiếc bánh mì rơi dưới chân. Sau đó mọi người đều có ăn. Thật kỳ lạ. Oanh và đồng đội phát hiện thấy bánh mì, bánh chưng, bánh tét, bánh ít ở các ngạch cửa và lỗ thủng trên tường. Có khi còn kèm theo cả ly cà phê thơm phức. Hiểu ra sự việc, ai nấy đều cảm động trước tấm lòng cưu mang, ưu ái của bà con cô bác trong khu phố. Người Sài Gòn vẫn ở bên cạnh các chiến sĩ, kể cả những giờ phút gay go nhất.

Ăn những miếng bánh nghĩa tình, Oanh lại nhớ trận đánh đầu tiên trong đời mình. Trước khi đi trận, Oanh cũng ăn bánh mì của má Năm cho. Trận đánh hiện ra rõ ràng từng chi tiết mới đây thôi. Đó là một ngày mùa thu năm 1967, Oanh được đơn vị giao nhiệm vụ đánh trạm biến thế Hàng Xanh, cùng đi với Oanh còn có Dung, một nữ chiến sĩ có nhiều kinh nghiệm tác chiến ở nội thành.

Chưa bao giờ Oanh lại thấy mình hồi hộp như thế. Đánh thì được, nhưng tiếng nổ phát lên thì thoát đi bằng cách nào? Rủi để địch bắt là vô cùng tai hại. Trong chiến đấu, Oanh ngán nhất là để địch bắt. Đã có lúc Oanh tâm sự với bạn bè: thà chết còn hơn. Mặc dù vậy, một niềm vui thầm lặng bừng lên trong tâm trí, Đảng tin tưởng, tổ chức tín nhiệm mới giao nhiệm vụ cho mình. Những lúc khó khăn, người đảng viên phải thể hiện được lòng trung thành. Giặc Mỹ tàn bạo và bọn tay sai là nguyên nhân của mọi tội ác và đau thương trên mảnh đất này. Mình được trực tiếp trừng trị chúng, hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh giành quyền dân sinh, dân chủ như thế còn gì sung sướng bằng.

Oanh và Dung ngụy trang khối thuốc nổ kỹ lưỡng bên trong đã gắn kíp hẹn giờ, cho vào túi xách. Hai cô gái chưng diện lịch sự lần lượt đi qua các trạm kiểm soát, tiếp cận mục tiêu, đôi khi còn bông đùa vài câu với bọn lính, khiến chúng quên cả việc kiểm tra. Thế nhưng đằng sau vẻ điềm tĩnh đó, ruột gan Oanh như dâng lên, chân bước đi nghe sao nhẹ hẫng.

Qua khỏi một ngã ba, trạm biến thế điện hiện ra với những đường dây lằng nhằng in lên nền trời. Sự hiệp đồng ăn ý đã được vạch sẵn. Dung đứng phía ngoài cảnh giới, lựu đạn thủ trong tay sẵn sàng chi viện. Oanh lẹ làng đem khối thuốc nổ áp vào tường nhà. Tiếng máy chạy rù rù nghe gai gai trong mình. Nhưng chỉ sau một động tác nhanh và kín, Oanh đã rời khỏi khối mìn rồi cùng Dung ra khỏi khu vực mục tiêu.

Khi cả hai chị em đã lẫn vào giữa phố xá đông đúc thì một tiếng nổ vang rền. Oanh không nhớ rõ cảm giác của mình vì xe cộ trên đường như dồn cục lại. Người ta ngơ ngác hỏi nhau, hỏi cả cô và Dung nữa. Sau đó thì cô trông cho mau về đến nhà để được thảnh thơi vui sướng với chính mình.

Trạm biến thế điện Hàng Xanh bị hư hại nặng, các đầu mối dây điện bứt tung, một vùng rộng lớn mất điện, gây hoang mang bối rối cho địch ở khu vực này trong mấy ngày liền.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #54 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2010, 03:45:56 pm »

Tuy thế, trận đánh gây nhiều hứng thú nhất đối với Oanh trong thời kỳ này là trận pháo kích cối 82 ly vào tổng hành dinh tên tướng Mỹ bốn sao Westmoreland, mà cô được may mắn tham gia. Dạo đó đầu năm 1967, giặc Mỹ mở cuộc càn lớn vào vùng giải phóng Củ Chi với tham vọng "làm cỏ" các đơn vị bộ đội và du kích, những đối thủ chính đã làm chúng thất điên bát đảo trong các cuộc hành quân và cả khi rút về co cụm lại trong căn cứ.

Thế nhưng kẻ ăn đòn nhừ tử là những tên "lính cậu” được trang bị tận răng. Mấy ngàn tên chết và bị thương. Gần một ngàn xe tăng và thiết giáp, máy bay bỏ xác hoặc cẩu về đại tu hay bán ve chai đồng nát trong căn cứ Đồng Dù, Lai Khê... vậy mà tên cáo già xâm lược Westmoreland lại huênh hoang tuyên bố là đồng minh đã triệt hạ các mật khu của Việt cộng. Cuộc hành quân "bóc vỏ trái đất” thành công lớn. Luận diệu này làm bà con ở Sài Gòn có con em tham gia kháng chiến hoang mang.

Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định lập tức chỉ thị cho biệt động "xuất kỳ bất ý" từ một căn nhà ở đường Vườn Chuối, quận 3 vả ngay vào miệng tên tướng Mỹ khoác lác. Khẩu cối 82 ly được đưa từ dưới hầm bí mật lên sân thượng ngôi nhà cơ sở, bất thần cấp tập rót đạn trúng mục tiêu, khiến các vị khách tai to mặt lớn phải bỏ giở bàn tiệc chui xuống hầm ngầm. Nhiều trái đạn khác trúng vào đoàn xe đậu gần dinh Độc Lập khiến hàng chục tên Mỹ bỏ mạng và bị thương. Những cái loa chiến tranh tâm lý của địch sau đó tỏ ra biết điều hơn, bớt đưa tin lếu láo.

Kỷ niệm của những trận đánh đưa Oanh ngược về những quá khứ xa hơn. Đó là vùng Đức Lập, Đức Hòa trù phú, ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Nơi đó có ngôi nhà tranh nhỏ bé của gia đình Oanh suốt chín năm kháng chiến chống Pháp và cả bây giờ là chỗ nuôi giấu, bảo vệ nhiều cán bộ hoạt động cách mạng. Ngoài tình cảm ruột rà của người thân, Oanh còn lớn lên trong tình thương yêu của những người nằm gai nếm mật, nguyện cống hiến cả cuộc đời mình cho Tổ quốc, quê hương.

Những ngày ấy, cô bé hạt tiêu đã giúp các cô chú nhiều việc có ích như canh gác lúc hội họp, thông báo tin, đưa thư... Có chú Hai đêm nào cũng kể chuyện đánh giặc cho Oanh nghe. Những chuyện ấy không li kỳ nhưng Oanh nghe chẳng khi nào biết chán. Có khi Oanh ước mình trở thành người anh hùng như thế. Oanh cũng nghe ba má kể rằng Oanh còn có một quê hương xa lắm tận ngoài Thụy Anh, Thái Bình. Oanh chưa hình dung được miền quê thân yêu đó như thế nào nhưng chắc là đẹp lắm. Thái Bình nghĩa là không có súng bom, khói lửa, mọi người sống với nhau thân ái, thuận hòa. Cô ao ước một ngày nào đó, tất cả đất nước thái bình để được cùng ba má ra Bắc thăm quê cha đất tổ.

Mười bốn tuổi. Oanh đã thạo nghề cày cấy. Tuổi thơ của Oanh gắn liền với thửa ruộng, mảnh vườn và những công việc nghề nông vất vả. Oanh thương ba má, anh em nhưng vẫn khát khao một ngày nào đó được ra đi đánh giặc như các chú, các anh. Chỉ có chiến đấu giải phóng quê hương mới hết giặc giã, Oanh mới được về thăm quê Thái Bình.

Nhân dịp có mấy chú cán bộ ém trong nhà, Oanh xin đi theo. Chú Hai xoa đầu Oanh:

- Đi với các chú cực khổ lắm, con gái lại nhỏ con như cháu không chịu nổi đâu. 

Oanh năn nỉ: 

- Cháu theo học làm cách mạng thôi chớ có làm gì đâu mà cực khổ. 

Ai cũng bật cười cô bé ngây thơ. Ba Oanh, vốn chiều con nhưng vẫn khuyên can:

- Con đừng làm phiền các chú. Lớn thêm ít tuổi nữa, ba má cho đi.

Nhưng rồi tất cả phải chiều theo cô bé Oanh theo chú Hai ra vùng căn cứ ở lều, ăn cơm dưới đất, uống nước lóng phèn vậy mà quên cả chuyện nhớ nhà. Nhưng đi "học làm cách mạng” chưa nóng chỗ. Oanh đã vỡ mộng. Cô bị tổ chức trả về nhà vì còn "đẹt" quá. Ở vùng căn cứ ăn nghỉ vất vả đã đành, đi ra một bước là sông nước, sình lầy, chẳng ai muốn khi chạy giặc càn lại phải cõng thêm một đứa bé trên lưng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #55 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2010, 03:46:46 pm »

Oanh thất vọng buồn rầu nhưng chưa nguội chí. Một hôm có chú cán bộ về trú trong nhà, khi đi; Oanh “khăn gói" theo luôn, trong bụng chắc mẩm là lần này thì khó ai từ chối. Có người “bảo lãnh”, Oanh đủ lý do để gia nhập quân giải phóng. Và đúng như thế, lần thứ hai cô gái toại nguyện, được đơn vị địa phương nhận vào làm đội viên đội vận tải hậu cần của Quân khu. Thế cũng được, còn hơn phải trở về, người ta cười cho chua mặt.

Nhưng vận tải đâu phải chuyện dễ ăn? ở chiến trường này có khi còn gian nan hơn cầm súng chiến đấu. Con gái loắt choắt sức vóc chẳng là bao, chỉ một thời gian ngắn, các chú lại phải chuyển cô sang trạm tiếp nhận tân binh, một nhiệm vụ tĩnh tại hơn và xem chừng vừa sức với Oanh. Và từ cái đầu dây mối nhợ này, Oanh trở thành người chiến sĩ của một đơn vị biệt động Sài Gòn. Lòng ham mê chiến đấu đã đưa cô gái vào bước đường mới mẻ đầy gian khó, đạn bom.

Giờ đây Oanh đứng giữa Sài Gôn thân yêu, mảnh đất thiêng liêng nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, cô đang cùng đồng đội vào tận hang ổ tiêu diệt kẻ thù, thực hiện lời thề “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh". Oanh thầm cảm ơn những ngày sôi bỏng và dữ dội đã trui rèn cho tuổi thanh xuân thêm tươi đẹp và dẫn dắt cô vào trận đánh rung trời chuyển đất hôm nay.

*
*   *

Đợt phản kích của địch dằng dai non một tiếng đồng hồ khiến đơn vị lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn: đạn hầu như đã hết. Từ khi nổ súng chiến đấu, Ba Phong đã nghĩ tới chuyện này, nhưng không thể không tiêu hao vũ khí trong suốt thời gian bọn giặc như một lũ điên lăn xả vào trận địa, cố sống cố chết giải tỏa cổng 4. Đến bây giờ các chiến đấu viên đều báo cáo chỉ còn cơ số đạn cuối cùng trong khi địch đang chuẩn bị tổ chức những đợt xung phong quyết liệt hơn. Lúc này đạn là sinh mạng, là sự sống của đơn vị, là điều kiện quyết định để duy trì cuộc chiến đấu. Không có đạn coi như trận đánh đã đến hồi kết thúc, đơn vị phải tìm cách phân tán hoặc mở đường máu thoát ra khỏi nhiều lớp vòng vây của địch. Như thế có nghĩa cụm biệt động (6-7-9) không hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng

Tình hình căng thẳng tới đỉnh điểm. Ba Phong toát mồ hôi. Không tiếp đạn kể như vô phương! Một ý nghĩ bi đát, nhưng điều may mắn bỗng đến với đơn vị. Anh phát hiện có đạn tiếp tế của đơn vị bảo đảm ở phía ngoài, cách trận địa không xa lắm. Tuy nhiên không đơn giản mà đưa được đạn vào trận địa vì địch bắn rất dữ khó có thể vượt qua lưới lửa của chúng.

Tình huống hết sức ngặt nghèo. Địch có hiện tượng sắp mở đợt phản kích. Mọi người nhìn nhau lo lắng, chờ đợi sự xử trí quyết đoán của người chỉ huy cao nhất. Những phút giây nặng nề trôi qua. Bỗng Oanh nhẹ nhàng đến bên Ba Phong đề nghị: 

- Chú Ba, cháu xin được đi làm nhiệm vụ tiếp đạn!

Ba Phong có vẻ thảng thốt. Nhưng khi ngắm cô gái mặt mày hốc hác, anh phân vân: Oanh đi thì ai làm liên lạc trong lúc khẩn thiết này. Làm sao nó có thể băng qua tầm hỏa lực như mưa của địch. Rủi nó hy sinh thì thật là rối. Thấy Ba Phong trầm ngâm, Oanh nắm tay anh, giục:

- Sao chú, đạn hết rồi!

Ba Phong như sực tỉnh nhận ra sự hợp lý trong đề nghị của Oanh. Con số thương vong của các tổ chiến đấu trở thành gánh nặng. Song điều quan trọng hơn thế, sự sống còn của đơn vị để duy trì trận đánh đến cùng. Anh tin tưởng cô gái được "thử lửa" luôn biết nhận khó khăn ác hệt về mình, sẽ làm tròn trọng trách. Ba Phong gật đầu thay cho một câu hạ mệnh lệnh.

Không ngờ hỏa lực địch chùng xuống, Oanh lao đi lẹ như một con thoi. Lúc chạy, lúc bò tránh những luồng đạn bắn cầm chừng, phải vất vả lắm cô mới vượt ra được phía ngoài.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #56 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2010, 03:47:56 pm »

Bỗng "kình kình kình... chát chát chát... chiu chiu chiu... ". Địch đã phát hiện ra cô gái và trút hỏa lực vào mục tiêu. Những tiếng vi xi, vi xi lại nổi lên từ phía đám lính Mỹ. Đạn như đan lưới gào rít quanh mình khiến cô không làm sao nhích lên được.

Thoáng chốc, cô nghĩ ra cách đánh lừa bọn mắt đục. Cô nhắm hướng những thùng đạn, bật dậy, lao chồm lên. Một loạt đạn nổ cày mặt đất. Cô nằm ngay đó, bất động. Từ xa trông thấy thế, bọn Mỹ hạ súng tưởng đâu cô gái đã chết. Oanh liếc nhìn thấy những thùng đạn ở phía trước, chỉ cách cô một quãng ngắn. Chớp thời cơ, cô lại bật dậy lao vút tới. Cô rạp người xuống và nghe quanh mình ào rối không phân biệt rõ âm thanh gì. Đã có lúc cô nghĩ mình sẽ trúng đạn, hy sinh: Nhưng ý nghĩ đó không hề tác động tư tưởng. Cô tập trung tâm lực vào mấy thùng đạn.

Địch bị mắc lừa cô gái một lần. Lần này thì chúng quyết tiêu diệt cô bé “Việt cộng". Lũ trực thăng như nhặng cũng đã liên tiếp ứng bắn đại liên và hỏa tiễn ì xèo chung quanh khu vực trận địa. Không gian như bị băm vụn. Tuy thế, sự bức bách của đơn vị làm cô quên đi mọi sự nguy hiểm. Vì thắng lợi của trận đánh, cô có thể hy sinh nhưng không thể để đơn vị hết đạn, rời bỏ nhiệm vụ chiến đấu trong giờ phút này.

Hỏa lực đày đặc của địch không còn đe dọa được Oanh. Cô lao qua, lao lại chuyển vào cho các tổ chiến đấu được ba thùng đạn, dưới sự yểm trợ bắn kiềm chế địch của đồng đội. Các đồng chí chỉ huy sốt ruột từng giây chỉ sợ Oanh ngã xuống, còn Oanh nghe lòng mình nhẹ bớt, sự căng thẳng chùng lại khi chuyển trót lọt một thùng đạn.

Các chiến đấu viên được tiếp đạn, khí thế trận địa sôi nổi hẳn lên. Tiếng súng lại nổ giòn rã, đánh trả quyết liệt các đợt phản kích của địch.

Khi đã băng qua quãng trống khó khăn nhất, Oanh ráng hết sức leo nhấc được một thùng đạn AK lên thì nghe một tiếng nổ bưng óc. Một trái rốc két từ trên trực thăng phóng xuống. Lửa khói bốc lên ngùn ngụt lan ra bao trùm một góc trận địa. Cơ may đã đến. Oanh lao nhanh thùng đạn vào phía trong trận địa rồi quay trở lại chuyển thùng lựu đạn. Cô trông thấy những toán địch bị đánh bật trớ lại.

Khói tan bớt, trận địa quang hẳn, là lúc Oanh đã trở về với khẩu B40 của mình. Nắng đã nhạt từ khi nào nhưng bầu trời Sài Gòn vẫn sôi rạo tiếng động cơ máy bay và tiếng bom pháo rung dội. Bản hòa tấu hỗn loạn khởi xướng từ sáng mùng 1 tết như không hề dứt. Điều đó gây thêm niềm phấn chấn cho các chiến sĩ biệt động. Ai cũng thấy rằng Mỹ, ngụy tại Sài Gòn đang tiếp tục ăn đòn của quân giải phóng. Sinh lực chiến đấu của các lực lượng vũ trang vẫn đồi dào.

Riêng Oanh, cô cảm thấy kỳ lạ, không ngờ con người có thể sống còn sau giờ phút ác liệt như vừa rồi. Sự gay go của trận đánh mà Oanh hình dung trước khi nhập cuộc khác xa với thực tế biết chừng nào. Những viễn ảnh trong không khí hừng hực xuống đường với thời cơ “ngàn năm có một”, “vừa chạy vừa mặc áo"... đã không diễn ra. Thực tế mọi việc hầu như không còn suôn sẻ, ngoại trừ cuộc xâm nhập vào thành phố bằng các trục lộ hợp Pháp. Nhưng tinh thần và ý chí của mỗi cán bộ chiến sĩ đã chiến thắng sắt thép tàn bạo của quân thù. Sự dẻo dai, bền bỉ của các chiến đấu viên thật phi thường.

Trận địa trước cổng số 4 từ đổ nát đến hoang tàn sau những trận kịch chiến liên tiếp kéo dài trên mười giờ. Địch không chiếm lại được khu vực đã mất với lực lượng áp đảo đối phương. Chúng dồn lại từng cụm củng cố đội hình. Bọn chỉ huy đã nhận ra rằng dù có tăng cường binh hỏa lực cũng khó có thể đánh trốc đối phương ra khỏi một địa hình nhà cửa phức tạp, hơn nữa trời đã sắp tối.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #57 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2010, 03:48:04 pm »

Lúc này đơn vị chỉ còn hơn 10 tay súng, nhưng một số đã phân tán vào phố Trương Quốc Dung và mất liên lạc với đơn vị. Họ độc lập tác chiến, cầm cự với địch trong từng ngôi nhà, góc phố

Anh Ba Phong hội ý chớp nhoáng với một số cán bộ chủ chốt và đảng viên còn lại. Oanh thấy có cả Ba Tâm, Tám Cứ, Chính, Hợp... mà từ chiều đến giờ cô nghĩ là đã hy sinh. Không hề có cuộc bàn cãi rình rang. Ba Phong chấp nhận ý kiến của một vài cán bộ đề nghị anh rút ra bắt liên lạc với cấp trên xin chi viện và anh là người nắm nhiều bí mật giấu vũ khí và cơ sở nội thành thì tất cả biểu lộ quyết tâm hy sinh đến người cuối cùng để giữ vững trận địa. Ai nấy lại về vị trí chiến đấu sẵn sàng đánh trả các đợt xung phong cuối cùng của địch.

Vẫn đảm nhiệm một hướng chủ yếu, Oanh leo lên cao, nhắm khẩu B40 vào một cụm hỏa lực địch đang bắn cầm chừng. Cô nín thở, bóp cò. Một đám lửa phực lên từ khẩu đại liên, mấy tên xạ thủ lăn ra. Oanh lắp trái đạn thứ hai bắn thẳng vào căn nhà lầu lố nhố quân địch bên trong. Bọn Mỹ lại tru lên. Mười phút sau, một chiếc trực thăng mang dấu chữ thập đỏ đáp xuống đem bọn lính thương vong trong ngôi nhà ra khỏi vùng chiến sự. 

Đã đến lúc phải đưa số thương binh của đơn vị ra khỏi trận địa. Trong số đó có Oanh bị thương ở đầu, chân và tay, nhất là đôi tay rát bỏng do lửa cháy khi chuyển đạn, nhiều chỗ đã đen xám lại nhức buốt. Không cần đấu tranh tư tưởng, Oanh quyết định xin đồng chí chỉ huy trưởng ở lại chiến đấu. Ba Phong không đồng ý, Oanh khẩn khoản đề nghị:
 
- Báo cáo chú Ba, tuy bị thương nhưng cháu vẫn còn đi lại được cháu không thể rời trận địa khi anh chị em còn tiếp tục chiến đấu. Lúc này thêm một tay súng là bớt được một phần khó khăn cho đơn vị.

Lần này Ba Phong chấp nhận yêu cầu của người chiến sĩ với thái độ cảm phục. 

Ba Phong, rồi Oanh, Nhung rời khỏi trận địa. Số còn lại chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và sa vào tay giặc lúc 9 giờ ngày 3 Tết. Kết quả trận đánh: cụm biệt động 6-7-9 diệt gần 100 tên địch, bắn cháy 2 xe cơ giới, phá hủy 1 khẩu đại liên. Ta hy sinh 10, bị bắt 4 đồng chí.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chiến sĩ biệt động Phạm Thị Mỹ trở thành dũng sĩ ưu tú của lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định. Năm 1973, Oanh ra hậu cứ ở Củ Chi học tập và chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Trong những ngày đó. một bức điện từ trên R đánh xuống Thành đội Sài Gòn. Nội dung: Thành đội thu xếp cho đồng chí Phạm Thị Mỹ về R gấp để cùng với đoàn đại biểu phụ nữ Việt Nam đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa.

Như một giấc mơ Oanh bàng hoàng sung sướng. Bạn bè cũng vui lây với Oanh và chúc mừng chuyến di vinh quang của người chiến sĩ. Song trong niềm vui, Oanh bần thần nhìn xuống đôi tay loang lổ những vết sẹo do bị bỏng trong trận đánh Bộ tổng tham mưu ngụy. Làn da nhăn nhíu lại. Biết Oanh mặc cảm về đôi tay mình, đồng chí Phó chu nhiệm chính trị và một số anh em động viên cô không nên băn khoăn nhiều. Cứ để tự nhiên như thế. nó là bằng chứng tố cáo tội ác giặc Mỹ. Người thật việc thật càng thuyết phục bạn bè nhiều hơn.

Oanh phấn khởi lên đường thực hiện chuyến đi lịch sử rất khó lặp lại trong đời mình. Từ những bước chân lặng lẽ âm thầm xuyên qua lòng địch, bao lần đạp lên cái chết, Oanh đã tới Matxcơva, thủ đô hòa bình, tới Lahabana của Cu Ba, hòn đảo ngọc anh hùng từ nửa bên kia trái đất, để nói thay cho Sài Gòn, cho những chiến sĩ của thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cho những người con gái Việt Nam kiên cường, bất khuất…

Và ngày 6 thảng 11 năm 1978, từ mảnh đất anh hùng, nơi đã nuôi những chiến công của người chiến sĩ biệt động, Oanh vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #58 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2010, 04:54:01 pm »

TIỆM MAY QUỐC ANH VỚI TRẬN ĐÁNH ĐÀI PHÁT THANH SÀI GÒN

Khoảng còn một tháng nữa thì đến Tết Mậu Thân, Năm Mộc (tên thật là Trần Phú Cương) tự nhiên bỏ nghề thợ mộc, mua một chiếc xe hơi loại nhẹ đi làm nghề chở khách khiến vợ anh - Trần Thị Út ngạc nhiên. Thấy thế, Năm Mộc đi ngay vào vấn đề.

- Tổ chức yêu cầu mình đấy, có xe chở khách, đi công tác dễ dàng thuận tiện, tụi nó cũng khó theo dõi mình.

- Lại có chuyện gì đây? Út thấy lo lo trong mình. Lâu nay chuyển nhà đã đời nay lại chuyển nghề. Nhưng chị hiểu tính nết anh Năm, đã làm gì thì đừng ai cản nên không nói gì. 

Năm Mộc sinh năm 1929 trong một gia đình bần nông ở xã Nài Văn, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Nhà nghèo, năm 14 tuổi anh theo cha phiêu bạt vào Sài Gòn làm ăn. Anh giỏi nghề thợ mộc nên mới có tên là Năm Mộc. Anh vào lực lượng võ trang từ năm 1947, tham gia đánh Pháp trong lực lượng công an tỉnh Gia Định.

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, anh ở lại Sài Gòn hoạt động bí mật và được điều về Đội biệt động 159 làm công tác vận chuyển vũ khí, đưa rước cán bộ ra vào thành phố, đồng thời xây dựng cơ sở cho biệt động trong công đoàn thợ mộc, thợ hồ ở khu vực chợ Đũi, chợ Bến Thành, đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai). Trong thời gian hoạt động, Trần Phú Cường gặp Trần Thị Út một cô gái nghèo và hai người nên duyên vợ chồng. Anh chị rất thương yêu nhau và đã có mấy mặt con.

Năm 1964, được sự chỉ đạo của cấp trên, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, Năm Mộc "triển khai" xây dựng căn hầm bí mật ngay trong nhà mình, chuyển vũ khí về cất giấu. Chị Năm biết nhưng im lặng vì hiểu chồng mình đang "làm cách mạng".

Giờ đây, năm hết tết đến, anh Năm rục rịch chuyển nghề lái xe. Thật khó mà hiểu được chuyện gì. Và trí nhớ của Út bỗng quay về chuyện cũ. 

Vào cuối năm 1964, có một chị gánh đến nhà một gánh hàng, toàn là trứng vịt, đường sữa... Chị này cũng là người họ hàng nhưng không hề nói chuyện gì. Sau khi lấy hết các thứ ra cho vào giỏ, bảo là mang đi bán, còn hai cái thúng không thì gửi lại. Chị tự đẩy thúng sâu vào gầm giường. Hôm sau, lúc quét nhà, Út đưa tay kéo thúng sao thấy nặng kinh khủng. Thì ra đó là loại thúng hai đáy, đáy dưới đựng vật gì đó đáng nghi. Chị thắc mắc hỏi chồng thì anh Năm "suỵt” và bảo đừng nói to. 

Khuya hôm đó, hai vợ chồng Năm Mộc khui đáy thùng ra toàn lựu đạn và thuốc nổ. Út tá hỏa, còn anh Năm thì bảo chị may một cái túi vải thật chắc để chuyển số vũ khí này cho người khác. Anh nói vậy cho vợ yên tâm, nhưng đã có phương án cất giấu. Anh lẳng lặng chở vũ khí đến nhà bà ngoại giấu trong một cây cột đục rỗng. Ngặt thay, một trận mưa lớn, nhà dột, sợ hỏng chuyện, Năm Mộc đành phải mang cây cột cực nặng ấy trở về nhà.

Thấy chồng vất vả, Út càng thương. Chị vội đi mua mấy hộp sơn về, bảo anh Năm dựng "cây cột" lên rồi lấy cọ sơn tất cả các cây cột trong nhà cùng một màu. Thấy vợ "đồng tình", Năm Mộc mừng rơn trong bụng. Út còn lấy đinh đóng lên cây cột lạc loài ấy một cây móc áo. Tưởng thế là yên chuyện, nào ngờ lâu lâu anh Năm lại lấy các thứ trong đó mang đi đâu, làm chị xốn xang lo nghĩ.

Ít lâu sau, Năm Mộc bảo vợ phải chuyển nhà đi nơi khác đề tiện việc làm ăn. Út hết sức thất vọng về ngôi nhà mới vì có con đường chạy thẳng vào nhà, người ta rất kiêng kỵ; đã thế lại rất gần Đài phát thanh Sài Gòn là nơi lốc nhốc lính tráng canh gác bảo vệ. Đám công an chìm nổi như rươi. Tuy thế, chị phải nghe theo vì anh Năm nói ở dãy phố Nguyễn Bỉnh Khiêm này chỉ có ngôi nhà số 65 này là “ở được".

Năm Mộc nói vậy để “tránh chuyện" chứ thực ra đơn vị bảo đảm Biệt động đã chọn ngôi nhà trệt có gác xép này làm cơ sở ém vũ khí và lực lượng để tấn công đài phát thanh ngụy khi có lệnh. Ngôi nhà trương bảng hiệu Tiệm May Quốc Anh", do Ba Đen và Hai Trí, cán bộ đơn vị A30 đứng ra tổ chức từ năm 1965, chuẩn bị cho "kế hoạch X" tấn công Sài Gòn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #59 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2010, 04:55:01 pm »

Về nhà mới, Út thấy căn nhà đã được ngăn thành phòng hẳn hoi. Phòng ngoài là phòng khách, nhưng sát cửa có kê tủ kính và máy may, trước nhà đã treo sẵn tấm bảng “Tiệm May Quốc Anh". Phòng trong để ở giáp tường nhà khác, không có lối thoát. Có điều lạ là nền buồng cao lên một cách bất thường. Về sau thì chị mới hiểu ra dưới đó là căn hầm bí mật, đất đào dưới hầm lên không giấu vào đâu được đành phải bồi thành nền nhà nên mới cao như thế. Quả là việc bất khả kháng giữa phố xá đông đúc này. Chỉ cần một chút sơ sểnh là tai họa khôn lường cho cả gia đình. Trong phòng có một tủ kiểu lặn vào tường. Út kêu: "Tủ gì mà xấu vậy" thì anh Năm lờ đi, vì đó chính là cái cửa bí mật của căn hầm. 

Năm Mộc tiếp tục chuyển vũ khí về giấu dưới hầm bí mật và dặn vợ phải giữ kín "chuyện nhà” với bất cứ ai, kể cả những người thân thích trong họ hàng; thậm chí bảo đừng cho ai biết địa chỉ nhà mình. Có hôm tự dưng Năm Mộc bảo vợ đóng cửa tiệm, đưa con về nhà ngoại chơi còn anh ở nhà làm gì trời mới biết được. 

Mặc dù chỉ là tiệm may bình thường, có phần xoàng xĩnh hơn những tiệm may sang trọng khác, nhưng ngôi nhà 65 Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn không ngoài sự nhòm ngó, kiểm soát của bọn công an, cảnh sát, bởi nó nằm quá gần cơ quan thông tin đại chúng quan trọng số một của chính quyền ngụy Sài Gòn.

Thấy chị Năm cứ lo đứng lo ngồi, anh Năm nhỏ nhẹ động viên: “Mặc thây chúng nó, mình cứ cẩn thận, chu đáo thì cha con nó làm gì được?". Biết vậy nhưng Út vẫn nghĩ: “Rủi có bề gì vợ chồng bị bắt thì ai nuôi mấy đứa nhỏ. Lo nghĩ cho lắm thì cuối cùnlg chị cũng xác định: “Chồng làm cách mạng, mình phải ủng hộ. Tổ chức có tin tưởng mới giao công việc hệ trọng này cho gia đình mình.

Tết Mậu Thân đến với không khí chộn rộn khác thường. Người ta hối hả đi mua sắm theo một tâm lý thật cổ truyền. Duy chỉ có những người không lưu tâm đến chuyện tết nhất, đó là các chiến sĩ biệt động. Họ đang hướng tất cả tâm tư tình cảm vào những trận đánh quyết liệt sắp diễn ra. Nhiều nhóm chiến đấu viên xuất hiện trên xe đò, xe lam...

Ngồi trên một xe chất đầy mía là một nữ cán bộ giao liên. Chị có nhiệm vụ hướng dẫn các chiến sĩ biệt động đến một số điểm ém quân trong nội thành.

Chín mục tiêu mà biệt động sẽ tấn công toàn là những cơ quan trọng yếu của Mỹ, ngụy tại Sài Gòn. Năm Mộc được trên giao làm đội phó Đội 4 biệt động cùng với đội trưởng Nguyễn Gia Lộc (Năm Lộc) và chính trị viên Đặng Xuân Tẻo (Ba Tẻo) chỉ huy đơn vị đánh đài phát thanh.

Trong ba người này, Năm Lộc lớn tuổi nhất, đã ngoài 30, từng tham gia phong trào học sinh sinh viên ngày 9 tháng 1 năm 1950 tại Sài Gòn. Sau khi tập kết ra Bắc, anh trở về Nam chiến đấu trong lực lượng Biệt động Thành. Là con nhà pháo binh, anh đã nhiều lần ra vào Sài Gòn xác định mục tiêu cho các trận pháo kích của ta vào nội thành, đặc biệt là trận bắn phá tan tác lễ quốc khánh ngụy ngày 1 tháng 11 năm 1966.

Mọi việc triển khai hết sức khẩn trương, để đơn vị nổ súng đúng giờ G ngày N của cuộc tiến công và nổi dậy toàn miền Nam.

Năm Mộc tự nhiên cười và bảo vợ:

- Tết này có xe hơi, cả nhà mình sẽ đi Vũng Tàu chơi.

Út khấp khởi mừng thì một thanh niên vào nhà nói toàn tiếng lóng khiến chị sợ hãi. Khi người thanh niên đi khỏi, anh Năm nói nhỏ với vợ: .

- Tết này có đông anh em về nhà mình ăn Tết, khoảng trên một chục người. Em chuẩn bị đón tiếp và lo việc ăn uống cho chu đáo.

Út có vẻ bồn chồn:

- Vậy hôm nào mấy ảnh về?. 

Năm Mộc không còn úp mở nữa: 

- Họ sẽ về ngay hôm nay!

Coi bộ chồng có vẻ bận rộn lo lắng, Út vội quơ giỏ đi chợ. Vừa ra khỏi nhà, chị đã thấy một tên mật vụ theo sau.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM