Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:13:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Biệt động Sài Gòn - Những chuyện bây giờ mới kể  (Đọc 107997 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #40 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2010, 11:04:05 am »

Trân lớn lên cứng cáp và bước vào tuổi thanh niên sôi nối của mình bằng những cuộc tham gia đấu tranh chống giặc đuổi nhà, dồn dân mở rộng sân bay. Trong những ngày nước sôi lửa bỏng này, Trân đã bỏ công sức ra xây dựng đội vũ trang địa phương. Lòng quyết tâm sắt đá và chí căm thù giặc sâu sắc từ anh truyền sang từng chiến sĩ. Với lối đánh du kích rất hiểm hóc, đội võ trang của Bành Văn Trân đã giáng cho địch những đòn bất ngờ kinh khiếp. Bọn ác ôn trong vùng nơm nớp sợ hãi bị trừng trị, đêm đến phải chui vào các đồn bót, không dám ngủ ở nhà.

Trong khi mọi người chưa hết cảm giác bàng hoàng, choáng ngợp trước cảnh đồ sộ rộng lớn của sân bay thì một chiếc jeep đi tuần tra từ đâu lù lù chạy tới pha đèn thẳng vào đội hình mũi xung kích 1. Năm tên lính trên xe vô cùng sửng sốt khi phát hiện đám "lính rằn ri” lấm lem, nhếch nhác nằm phục trên đường băng.

Khẳng định là mình đã bị lộ, đội trưởng Đồng Đen ra lệnh cho đơn vị nổ súng chiến đấu. Khi những tên giặc như kẻ nằm mơ chẳng hiểu ra sao thì một trái B40 gầm lên, đám lửa màu da cam lập tức phủ lấy chiếc xe, hất chúng văng ra nằm bất động trên nền xi-măng, chiếc máy truyền tin không còn chủ vẫn ọ ẹ một mình, liền bị bồi thêm mấy phát đạn AK câm bặt.

Các mũi xung kích khác nổ súng dữ dội vào địch làm cho cả sân bay rối loạn, còi báo động thất thanh rú lên cấp cứu hòa với tiếng súng bộ binh, đạn cối 60 ly của phân đội hỏa lực cấp tập rót xuống đài chỉ huy sân bay, khu thông tin và trước nhà ở của bọn phi công, ngăn không cho chúng tiếp cận để lên máy bay tẩu thoát...

Phân đội xung kích vừa tấn công khu nhà ở của bọn sĩ quan vừa nhanh chóng triển khai về phía trại lính. Tại đây, chúng đang chụm lại từng tốp nhớn nhác chưa hiểu rõ cơ sự gì liền bị quân ta quật chết như rạ. Những tên bị thương rống lên ghê rợn trong đêm. 

Trong khi đó ở khu giữa sân bay thật sự xảy ra trận kịch chiến ác liệt. Đúng như dự kiến phương án, đấy là nơi tranh chấp quyết liệt nhất. Bộ binh Mỹ núp sau xe bọc thép liều chết xông tới. Các xạ thủ B40 bắn rát về phía địch, ghìm đầu chúng xuống để cho các chiến đấu viên gài lựu đạn vào cạnh các máy bay phản lực. Những chiếc máy bay vận tải cao lớn dềnh dàng, các chiến sĩ ta phải leo lên đập bể kính mới tung lựu đạn được vào bên trong. Tiếng nổ dội lên, mặt đất rung chuyển, khói lửa tràn ngập sân bay. Những pháo hiệu đỏ bọn địch bắn kêu cứu tua tủa vút lên bầu trời.

Bành Văn Trân, Đồng Đen vừa chiến đấu vừa bình tĩnh chỉ huy đơn vị diệt từng tốp máy bay và đánh trả bộ binh, xe tăng địch. Hình như lúc này không ai nghĩ đến sự nguy hiểm, hy sinh mà chỉ biết trút lửa căm thù vào quân địch. Có chiến sĩ phá hủy tới chiếc máy bay thứ 20 mà vẫn chưa hề thấm mệt, còn xông xáo đánh tiếp sang những chiếc khác. Có chiến sĩ bắn hết đạn lại lao lên lấy súng đạn của giặc, tiếp tục chiến đấu.

Trong cơn hoảng loạn, địch cố chết điều động xe bọc thép đến giải vây, tiếng động cơ hậm hự vang lên làm cho không gian thêm náo động. Các chiến đấu viên dùng xác máy bay địch làm công sự đánh trả chúng. Những chiếc xe bọc thép bị trúng đạn, cố dấn lên rồi khựng lại, bốc cháy rừng rực trên đường băng. 

Tình thế địch trong sân bay càng lúc càng náo loạn nguy ngập. Chúng tung một chiến đoàn xe bọc thép và một đại đội Mỹ ra hòng bít chặt cửa mở, gặp ngay mũi xung kích 4 của chúng ta nổ súng đánh quyết liệt. Thêm nhiều xe bọc thép địch trúng đạn, bốc cháy ngùn ngụt.  Trong khi đó, đại đội 1 chặn viện cũng đang quần nhau với địch ở phía ngoài.

Đã quá nửa đêm, một tổ của mũi xung kích 2 nghi binh phía mở cửa, bị địch phát hiện xua chó bẹc-giê xông vào đội hình cắn xé chiến sĩ ta khiến hai đồng chí hy sinh. Một chiến sĩ bị thương mình bê bết máu vẫn lăn lộn chiến đấu với quân khuyển. Quả là “bọn lính chó" có lì lợm hơn những tên lính chịu trách nhiệm bảo vệ sân bay, nhưng rồi cả chủ lẫn chó lần lượt bị quật ngã trước những loạt đạn chính xác của các chiến sĩ biệt động.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #41 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2010, 11:04:49 am »

Phân đội cối 60 ly, sau khi hoàn thành nhiệm vụ liền cấp tốc rút ra khỏi khu vực đường băng. Nhưng đến chiến hào thứ tư thì đụng lính Mỹ. Trận chiến đấu mới diễn ra vô cùng ác liệt. Các pháo thủ ném hết lựu đạn rồi xông vào đánh "xáp lá cà" với địch. Chiến đấu viên Tư Nông (còn có biệt hiệu là "Tư pháo thủ”) bê cả bàn đế súng cối nện xuống đầu những tên Mỹ cao lớn đang vật lộn với đồng đội của anh. Sau một lúc chiến đấu với tài nghệ đặc công, phân đội rút ra khỏi trận địa dưới làn đạn 12 ly 7 của địch trút ra như mưa bấc. Các đồng chí nữ du kích Tân Sơn Nhì đã đón gặp các chiến sĩ phân đội gần hãng dệt Vinatexco và đưa về căn cứ an toàn. 

Mũi xung kích 2 sau khi đánh xong bãi máy bay phản lực, liền phát triển hướng tấn cống vào nhà tướng Nguyễn Cao Kỳ. Hai quả B40 lao vút tới phá sập một góc nhà tên tư lệnh cao bồi sừng sỏ này. Chiếc trực thăng và cả chiếc xe hơi, phương tiện cứu mạng của hắn bị trúng đạn. Nguyễn Cao Ký hốt hoảng chui xuống đường hầm.

Trân trèo lên nóc nhà hầm quan sát thấy dường như các mục tiêu đã cơ bản giải quyết xong liền ra lệnh cho đơn vị rút ra. So với lúc đột nhập thì việc rút khỏi sân bay Tân Sơn Nhất rất khó khăn, phải bằng "con đường máu”, đánh thốc vào đội hình quân tiếp viện của địch mới mong ra khỏi sân bay. Trong tình huống phức tạp, Trân không hề nao núng. Anh nhắm hướng đưa đơn vị luồn tiếp qua các hàng rào thép gai, các hào sâu, các lộ lớn trong sân bay.

Hai chiếc AD6 của địch bay lên chiếm lĩnh khoảng không từ khi trận đánh mới nổ ra. Bây giờ chúng vẫn xoay tròn trên đầu, không ngớt tung từng chùm pháo sáng soi đường cho bọn dưới đất phản kích quân ta. Bầu không gian sáng rực lên như ban ngày, nhìn đâu cũng thấy lố nhố những lính Mỹ, xe bọc thép, xe GMC bủa vây. Chúng đã đổ quân để lấy xác đồng bọn và khép chặt vòng vây quân ta.

Tình hình rất căng thẳng. Trân và Đồng Đen mở máy thông tin liên lạc với đơn vị chặn viện ở khu vực cầu Tham Lương. Qua làn sóng của điện đài, các anh biết Đại đội 1 Tiểu đoàn 6 Bình Tân đang quần nhau với tiểu đoàn "Trâu diên" từ Gò Vấp qua, và đại đội "Hải thuyền sát cộng” ở hướng ngã tư Bảy Hiền lên. Đại đội 2 của tiểu đoàn cũng đang giao tranh với bọn viện binh ở yếu khu Ngã năm Chuồng Chó đến tiếp viên. Đại đội 1 báo cáo đã bắn rơi một máy bay khu trục ở quãng cầu Tham Lương và hãng Vinatexco.

Đơn vị đang tìm cách “dùi" ra thì bất ngờ một chi đội xe bọc thép từ sân bay thọc ra án ngự khu vực cửa mở. Đồng Đen liền tổ chức một tổ chiến đấu 3 người bám sát đánh kìm chân địch. Xạ thủ B40 liền bắn quỵ thêm một chiếc thiết giáp. Nó bốc cháy mù mịt với 5 xác xe bọc thép khác đang cuộn khói do mũi xung kích 4 tiêu diệt trong khi tấn công trước đó.

Đơn vị vẫn chưa qua khỏi cái hàng rào dày đặc lính và xe Mỹ đang trấn giữ cổng chính. Những lần tấn công mở đường đều không thành. Địch vẫn tập trung hỏa lực khống chế cố giữ đối phương lại, chờ cho đến khi trời sáng để tiêu diệt.

Tình hình cực kỳ căng thẳng. Thêm một số chiến đấu viên hy sinh, một số đã bị lạc, các tay súng còn lại thật ít ỏi. Đã 2 giờ rưỡi sáng, Trân và Đống Đen mở hướng khác dẫn đơn vị vượt ra, nhưng cũng như những lần trước, lần này các anh luồn lách dưới bầu trời pháo sáng, trực thăng địch rà sát mái nhà bắn rát. Ba đồng chí nữa ngã xuống, ba đồng chí khác lại đi lạc. Đơn vị phải luồn trở vào trong sân bay ổn định lại đội hình.

Cho đến lúc này trời sắp sáng, mũi xung kích chỉ còn 13 người. Đồng Đen và Trân cho anh em luồn trở lại sân bay, hội ý chi bộ chớp nhoáng, hạ quyết tâm vượt ra khỏi trận địa. Trong tình huống gay go này, hành động của người chỉ huy là quyết định, Trân hiểu tất cả anh em đang chờ đợi sự xử trí của anh.

Trân ra dấu cho mọi người nằm ép xuống cỏ, còn anh nhô lên quan sát mọi phía. Lát sau, anh dẫn anh em lách qua một tháp canh. Tên lính gác trông thấy mất cả thần hồn, chân ríu lại không sao chạy nổi. Hắn ngỡ đâu đoàn người từ dưới đất mọc lên cứ trố mắt nhìn, thụt lùi, lùi mãi rồi rơi tõm xuống cái giếng sau lưng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #42 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2010, 11:07:15 am »

Vừa qua khỏi cơn nguy hiểm, đơn vị vượt được một quãng đường chừng 200 mét thì phân đội đụng ngay cái lô cốt khác. Một tên lính từ trong boong-ke lọt ra, ngơ ngác hỏi:

- Đơn vị nào đó?

Trân quát vào mặt hắn:

- F10

- “Dê" nào?

- Con khỉ, đã bảo F10 còn hỏi “dê" nào! 

Thấy không ổn, tên lính nhảy xuống hầm, xả một loạt đạn carbine thay cho sự xét hỏi. Hắn bắn khá tồi nên đạn bay sượt trên chiếc mũ vải của Trân, anh vẫn bình tĩnh:

- Này, làm trò gì vậy?

Nói rồi anh khoát tay cho đơn vị vượt qua lô cốt, được mấy bước, Trân ngoái lại dằn mặt hắn:

- Liệu hồn, bắn tụi tao, tao cho thấy mẹ bây giờ! 

Tên lính lọt giếng lúc nãy bây giờ đã mò lên được, chạy vào trại báo động. Địch hốt hoảng xối đạn theo. Mặc thây chúng, Trân và Đồng Đen đưa đơn vị vượt qua hàng rào nữa và một bức tường cao rồi vượt luôn mấy hàng rào bùng nhùng kẽm gai khác, thoát ra ngoài chu vi sân bay, cắt về hướng trại Hoàng Hoa Thám.

Trời sáng rõ. Mọi người đã trông thấy những chiếc dù pháo sáng của địch rơi trắng đồng ruộng mùa khô của Gò Vấp, Hóc Môn. Đơn vị cắt tới một con lộ lớn khác, bỏ những đám khói còn nghi ngút trong sân bay lại khá xa. Ai cũng nghe lòng mình nhẹ nhõm và mong chóng trở về đến cơ sở trú ém.

Bất ngờ xuất hiện một tốp dân vệ bên cạnh nhà thờ Tân Phú. Đội trưởng Đồng Đen tay vẫn cầm khẩu côn 12 ly giả vờ ghé thăm hỏi chúng. Địch hoàn toàn không nghi ngờ và tra xét gì. Đơn vị tiếp tục hành quân về Lộc Hòa. Trên cánh đồng lác đác có người đi lượm dù pháo sáng, một tên lính dân vệ mang súng M16 từ đâu đi lại. Biết tâm lý bọn lính địa phương rất sợ bọn lính “biệt động quân", một chiến sĩ nhanh miệng:

- Trung úy xét bắt thằng đó đi.

Trân ra dáng sừng sộ, đi tới:

- Ê mày làm gì đó?

Tên lính run lập cập: 

- Dạ, con đi lượm dù trái sáng. 

- Lượm làm gì?

- Dạ, con đem về làm mùng.

Tên dân vệ vừa nói vừa cuộn mấy tấm vải dù trắng xóa bừa bộn lại. Sợ hắn giấu lựu đạn trong dù. Trân quát: 

- Bỏ xuống

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #43 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2010, 11:07:22 am »

Thấy tên dân vệ còn trù trừ, Trân lên đạn đánh rộp, hắn liền bỏ dù xuống, hai tay giơ lên trời. Trân hô:

- Bước.

Hắn ngoan ngoãn bước đi, chốc chốc lại quay lại vẻ lo lắng. Thấy đây là một cơ hội tốt. Trân lệnh cho hắn dừng lại hỏi: 

- Anh có biết chúng tôi là ai không?

Tên dân vệ có vẻ ngạc nhiên, hắn lập bập định nói điều gì thì Trân đã nói lớn: 

- Chúng tôi là quân giải phóng về đây trừng trị giặc Mỹ. Anh nghe súng nổ hồi đêm rồi chứ. Chúng tôi có thể trị tội anh. Nhưng nếu anh thấy rõ việc anh cầm súng cho giặc là có tội với nhân dân, từ bỏ con đường đánh thuê cho chúng, cách mạng sẽ khoan hồng.

Tên lính được Trân giác ngộ, vâng dạ luôn miệng và năn nỉ xin được tha chết. Sau đó hắn chỉ đường cẩn thận cho đội biệt động đi tiếp về hướng căn cứ.

Trận đánh đã chấm dứt mà dư âm vẫn còn lan rộng khắp Sài Gòn. Mỹ - ngụy vô cùng khiếp sợ bởi đòn "trời giáng" ngay căn cứ quan trọng bậc nhất của chúng, khiến Nhà Trắng và Lầu Năm Góc vô cùng đau đầu. Tướng Westmoreland đến thị sát hiện trường, trông cảnh sân bay tan hoang, phải ngán ngẩm kêu lên: "Đây là một trận đánh tệ hại nhất".

Chiến công vang dội đánh sân bay Tân Sơn Nhất của đơn vị biệt động F100 đả phá hủy 260 máy bay các loại, 1 kho bom 300 tấn, 13 xe quân sự, tiêu diệt 600 sĩ quan và lính Mỹ, ngụy, làm nức lòng đồng bào cả nước và bạn bè ta trên thế giới. Báo chí Sài Gòn cũng nháo nhác đưa tin với dòng tít lớn ở trang nhất về “biến cố Tân Sơn Nhất". Một phóng viên nước ngoài ghi lại được hình ảnh bại trận của tên tướng "bốn sao" Westmoreland với dáng thiểu não của hắn đang cúi đầu trước cảnh sân bay tan hoang, ngổn ngang những xác máy bay, xe bọc thép và những đám khói còn cuộn lên nghi ngút.

Trên đường phố ngoại ô buổi sáng, Bành Văn Trân gọi em bé bán báo mua một tờ mới nhất. Anh liếc xem những dòng tin chiến sự “giật gân” về Tân Sơn Nhất, mỉm cười rồi bình thản bước đi, mặc dù trong túi anh chỉ có "tấm bùa hộ mệnh" duy nhất là tờ căn cước giả. Anh đang mải miết ruổi theo những nhiệm vụ nặng nề sắp tới. Ánh nắng nhẹ nhàng trải xuống như mơn man, san sẻ nỗi lòng phấn chấn của người cán bộ biệt động vừa cùng đồng đội lập một kỳ tích vang dội.

*
*   *

Sau trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất, Bành Văn Trân và Nguyễn Văn Kịp (Đồng Đen) đều được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Bành Văn Trân sau đó bị địch bắt đày ra Côn Đảo và hy sinh trong tù. Ngày 17 tháng 9 năm 1967, anh được ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ký sắc lệnh tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.

Nguyễn Văn Kịp, trong trận đánh ngày 26 tháng 9 năm 1967, bị địch bao vây ở ấp Tân Hòa 2 xã Vĩnh Lộc, Bình Chánh, hai đồng đội cùng đi với anh hy sinh. Kịp bị thương, nhưng anh nhảy lên khỏi hầm bí mật dùng lựu đạn và súng ngắn chiến đấu rất quả cảm, diệt 11 tên địch, sau đó anh hy sinh.

Trong vòng 9 năm, Đồng Đen chiến đấu 83 trận, diệt được 153 tên, phá hủy 25 máy bay, 15 xe quân sự của địch. Anh được tặng thưởng 4 Huân chương Chiến công, 8 bằng Dũng sĩ diệt Mỹ, 3 năm được bầu là Chiến sĩ thi đua. Ngày 6 tháng 11 năm 1978, Nguyễn Văn Kịp được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #44 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2010, 03:37:06 pm »

NHÀ TRẮNG PHƯƠNG ĐÔNG TRONG TẾT MẬU THÂN

Hệt như trong chuyện cổ tích, tòa nhà cao 6 tầng nghênh ngang tọa lạc tại góc đường Thống Nhất (Lê Duẩn) - Mạc Đĩnh Chi bỗng nhiên “biến mất”, không còn dấu vết. Giờ đây đi ngang qua nơi này ta bỗng thấy trống trải. Trong khuôn viên được bao kín khu đất rộng trị giá hàng chục ngàn lượng vàng SJC. chỉ có mấy ngôi nhà triệt lợp ngói nhựa màu xanh thấp nhỏ mọc lên từ ngày khai trương Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ (16-8-1999), nơi làm việc của ông Chard Aray, Tổng lãnh sự đầu tiên của chính phủ Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Kể ra tòa nhà đồ sộ "không cánh mà bay" chẳng có gì lạ vì nó là “bất động sản" của chính phủ Mỹ theo định ước quốc tế. Do thế, trong phạm vi tường rào là “bất khả xâm phạm", họ đập bỏ, san bằng hay “cẩu” ngôi nhà đi đâu là quyền của họ. Có điều rắc rối cho cơ quan quản lý di tích lịch sử - văn hóa thành phố, vì di tích quân sự "Tòa đại sứ Mỹ" được bộ văn hóa cấp bằng công nhận theo quyết định số 77A/VHQĐ ngày 26 tháng 6 năm 1976. Theo nguyên tắc đã là di tích lịch sử thì phải có thực thể hình khối. Chứ cái bãi trống không thì làm sao gọi là di tích. Hay tạm liệt vào loại di tích văn hóa "phi vật thể"?

May thay chứng tích của một trận đánh lừng danh làm chấn động cả thế giới, còn lại tấm bia kỷ niệm, nhưng “bất khả xâm phạm” nên tấm bia trước đây gắn vào bức tường trước cổng “sứ quán Hoa Kỳ" từ năm 1976 được "di dời" ra ngoài lề đường, cách xa vị trí cũ khoảng 30 mét. Những dòng chữ trên “trang sử đá” nhắc nhở mọi người một sự kiện nổi tiếng với lời lẽ ngắn gọn súc tích: "Nơi đây vào lúc 3 giờ sáng ngày mùng 2 tết (tức ngày 31 tháng 1 năm 1968), trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân của quân và dân toàn miền Nam. 17 cán bộ và chiến sĩ lực lượng vũ trang biệt động thành phố Sài Gòn - Gia Định đã tấn công và chiếm lĩnh tòa đại sứ Mỹ trong nhiều giờ...".

Vâng, nơi đây đã xảy ra trận đánh mà lịch sử mãi nhắc tới. Nhưng trước hết phải "tái hiện lại hiện trường" để ta có thể hình dung được phần nào trận kịch chiến tại trung tâm đầu não cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, của đế quốc Mỹ.

Theo bình địa tòa đại sứ Mỹ thì tọa độ của nó là 863-922, quận 1, đông giáp sứ quán Anh, tây giáp sứ quán Pháp, nam giáp Tổng nha bưu điện, bắc giáp Ty cảnh sát quận 1. Tòa nhà nằm trong khuôn viên rộng 5000 m2, cao 6 tầng, dài 63 mét, rộng 15 mét, bức tường bao có chu vi 131 mét, cao 2,70 mét, dày 38 cen-ti-mét. Toàn bộ nền: 4.470m, chia thành 140 phòng. Tổn phí xây dựng 2,6 triệu đô la.

Bố trí binh lực: 1 đại đội quân cảnh Mỹ thuộc lữ đoàn 18 quân cảnh của liên đoàn 89. Nhân viên cơ quan trang bị súng M16 và M79. Thường xuyên có 1 đến 2 trực thăng túc trực trên sân thượng. Lực lượng ứng cứu: lữ đoàn 3 dù thuộc sư đoàn kỵ binh không vận 101, tiểu đoàn 1 trung đoàn thiết giáp số 11. Bốn góc tường có 4 lô cốt và bên trong có 4 lô cốt bằng xi măng cốt thép. Ngoài ra còn công sự bao cát, hàng rào thép gai bùng nhùng, thùng phuy cát.

Tính chất toà đại sứ: cơ quan tổng hợp tình báo của Mỹ và bộ mặt ngoại giao ở Việt Nam và Đông Nam Á.
T
rong quyển di tích lịch sử văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh lại có những chi tiết cập nhật hơn: Tòa đại sứ Mỹ trước đó ở 39 Hàm Nghi - quận 1, cao 5 tầng. Khoảng 10 giờ ngày 30 tháng 3 năm 1965, đã bị đội Biệt động F21 dùng 150 ki-lô-gam thuốc nổ tiến công làm sụp đổ từ tầng 5 trở xuống. Gần 200 quan chức Mỹ, chư hầu và nhân viên chết và bị thương. Phó đại sứ Mỹ Allexis Johnson mặt đầy máu chui ra từ đống gạch vụn

Tòa đại sứ mới (mệnh danh là “Nhà Trắng Phương Đông") được dời sang "long “ ở đại lộ Thống Nhất, khởi công.xây dựng năm 1965 và hoàn tất ngày 24 tháng 9 năm 1967. Vật liệu và máy móc thi công được chở từ Mỹ sang và người Mỹ đích thân chỉ huy việc xây cất.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #45 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2010, 03:37:47 pm »

Theo thiết kế, tòa nhà được bao bọc bởi 7.800 viên đá Taredo có khả năng chống được mìn và đạn pháo. Cửa chính làm bằng thép dày, các cửa khác có kính dày đặc biệt chống đạn, tất cả điều khiển tự động. Trong đại sứ quán có 200 nhân viên phục vụ ngày đêm. Đại sứ Mỹ Buker làm việc tầng dưới cùng với ê kíp nhưng ngụ tại nhà riêng ở đường Pasteur gần đó. Viên phó đại sứ làm việc ở lầu 5.

Ngoài ra còn có một dãy nhà phụ gọi là “khu Norodom" dành cho nhân viên tình báo CIA. Ngoài hệ thống phòng thủ kiên cố và 60 lính gác, còn có một hệ thống màn hình ra da kiểm soát mặt tiền.

“Nhà Trắng Phương Đông", nơi xuất phát những âm mưu thâm độc về chính trị và quân sự nhằm thôn tính Việt Nam, bị một đòn cảnh cáo nhớ đời trong giai đoạn cuối cuộc “chiến tranh đặc biệt" bởi đội trưởng Bảy Bê và đồng đội, nay đến lượt Ba Đen và các chiến đấu viên của anh đánh phá tan hoang vào cao điểm của “chiến tranh cục bộ".

Lẽ ra sứ quán Mỹ đã tránh được bi thảm trong Mậu Thân, nếu như vào giờ chót Phân khu 6 nội thành không nhận thêm mục tiêu với ý nghĩa ngắn gọn: Đánh Sài Gòn không thể không đánh Sứ quán Mỹ. Nó đã bị bỏ sót trong kế hoạch tấn công Sài Gòn. Đó là mệnh lệnh của Tổ quốc, chỉ có chấp hành.

Lúc này giờ G cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 đã gần kề. Các mục tiêu nội thành như dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Đài phát thanh, Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát... đã chuẩn bị hoàn tất về người và vũ khí sẵn sàng vào cuộc. Lực lượng tinh nhuệ nhất của biệt động xây dựng huấn luyện nhiều năm qua, hầu như sắp được tung hết vào trận quyết định Mậu Thân. Các hầm vũ khí có sẵn trong Sài Gòn đã phân phối xong cho các đội biệt động chuẩn bị đột nhập nội thành nay mai...

Vậy lấy đâu ra quân số vũ khí để tấn công tòa đại sứ Mỹ lúc này? Các đồng chí chỉ huy đau đầu thực sự. Cuối cùng thì cũng tìm ra được một “giải pháp tình thế” gom tất cả số cán bộ, chiến sĩ giao liên, phục vụ của đơn vị bảo đảm thành lập Đội biệt động mang số hiệu 11. Việc này chỉ có Ba Đen (tức Ngô Thành Vân) nguyên là chỉ huy đội Biệt động 159, sau là chỉ huy đơn vị A30 bảo đảm, một cán bộ dũng cảm, bản lĩnh, dày dạn kinh nghiệm tổ chức cơ sở nội thành kham được.

Ba Đen nhận mệnh lệnh trong cảnh “nước sôi lửa bỏng", tất bật ra công đi gom góp được tất cả 17 người tập trung ở Củ Chi chờ tổ chức đưa vào nội thành. Riêng anh sẽ là người trực tiếp chỉ huy trận đánh sứ quán Mỹ.

“Nhân sự” tạm xong nhưng vũ khí còn ở tận Trảng Bàng - Tât Ninh, phải chuyển ngay vào Sài Gòn. Lúc này chỉ còn hơn một ngày nữa là tới giờ nổ súng. Chiến sĩ lái xe Ba Báo, người thường xuyên dùng xe nhà chở vũ khí cho biệt động, nhận lãnh sứ mệnh quan trọng này.

Theo lệnh của đội trưởng Ba Đen và Chính trị viên Hai Trí, Ba Báo “đánh xe" lên Bàu Mây (An Tịnh, Trảng Bàng) vào sáng 30 tết bỏ cả việc cúng tất niên của gia đình. Khi anh lên Củ Chi, bọn lính đi càn, trực thăng quần đảo ầm ĩ làm dân sợ hãi, nhưng ông Năm Đây đã chở xe bò vũ khí gồm 12 khẩu AK, 3 khẩu B40, 2 khẩu súng ngắn, 100 quả lựu đạn, 200 ki-lô-gam thuốc nổ TNT và hàng ngàn viên đạn, ra điểm hẹn, ông đứng trên xe mình trần, râu bạc phơ lớn tiếng động viên bà con anh em cơ sở cách mạng: 

- Có chết tôi chết tại đây cùng mấy chú. Mau đưa hàng vô Sài Gòn!

Chừng đó vũ khí giấu trong các tấm cà tăng và cần xé chất toàn cà chua chuyển lên xe. Ba Bảo ngụy trang kỹ lưỡng, cấp tốc chạy về Sài Gòn. Lại gặp rắc rối: khi qua khỏi Bàu Mây một quãng, một nhà sư vẫy tay xin quá giang. Sau một lát lưỡng lự, Ba Bảo gật đầu, anh nghĩ, lúc này có một nhà sư trên xe chúng bớt nghi ngờ.

Nhưng gần tới trạm khét tiếng Hồng Châu của bọn cảnh sát thì “họa vô đơn chí”, xe anh đụng chiếc Vespas của một gã “anh chị" có khẩu côn ló chuôi ra khỏi túi quần, khiến con bồ của hắn văng xuống đường. Ba Bảo “xuống nước", năn nỉ mãi và bấm bụng bồi thường 3.000 đồng, hắn mới đá đít cho qua... Lẽ ra móp pô, hư bảng số, chỉ đền 2.000 đồng là cùng.

Hối lộ dọc đường vài lần nữa, Ba Bảo lái xe về trung tâm thành phố. đến điểm quy định “giao hàng", nhưng cơ sở của Ba Đen bị bể. Bí quá anh đành lái cả "kho vũ khí" đem đút vào ga ra người anh ở Phú Nhuận rồi bỏ đi, báo hại người chị dâu lục sờ phải súng, sợ hãi quên cả ăn Tết.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #46 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2010, 03:38:31 pm »

Quả là chuyến xe "nặng vía” không ai dám chứa, khi rời khỏi nhà anh vợ, nó chạy đôn đáo khắp phố mà vẫn chưa có chỗ trú chân. Khẩn cấp quá, lúc này Ba Đen và Hai Trí phải cầu cứu “Ba Trinh", một cán bộ lãnh đạo dân vận ra tay chạy vạy thương lượng, đến sát mùng 1 tết, chị Hai Phê mới đồng ý cho Ba Bảo de xe vào nhà.

Chưa hết, xe chở quân ở Củ Chi vào thành phố đến nhà cơ sở; do anh Xứng không báo cho gia đình biết nên vợ anh thấy các chiến sĩ biệt động, sợ quá tri hô "cướp cướp", khiến anh em phải lên xe “tẩu thoát".

Chiếc xe hàng vào nhà, dỡ càng tăng, cần xé “hàng bông" ra thấy toàn súng đạn, thuốc nổ, người nhà chị Hai Phê sợ hết hồn. Cả nhà chị như ngồi trên đống lửa, chỉ một sơ sẩy là tai họa ập đến tức khắc.

Từ lúc ấy, Ba Bảo trút được “gánh nặng ngàn cân", nhưng trong nhà 69 Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ), anh em đội Biệt động 11 đã tề tựu đông đủ ở đây và bắt đầu thao tác thiết bị chất nổ thành từng gói bộc phá và chuẩn bị phân phối súng đạn cho từng cá nhân, trong khi ngôi nhà chếch trước mặt là cơ quan của ngụy, bọn mật vụ và bọn cảnh sát đang đi lại và ngó ra đường.

Căn nhà gần như chật cứng người, một số phải chuyển lên gác xép. Một không khí rạo rực như dồn nén tại đây

Đến giờ chuẩn bị xuất phát, chị Hai Phê nhận ra người đến chúc Tết gia đình tối 30 mang hộp mứt nặng chịch (bên trong là thuốc nổ) là Ba Đen, một nhân vật mà chỉ nghe tiếng, chị đã hết lòng khâm phục.

1 giờ 30 phút ngày 31 tháng 1 năm 1968, hai chiếc xe, một du lịch, một vận tải nhẹ đến đậu êm trước nhà. Chị Hai mở cửa nhẹ cho xe vào sân, rồi cùng người nhà giúp anh em nhanh chóng đưa vũ khí lên xe. Đội trưởng Ba Đen hỏi lại đường đến Sứ quán Mỹ rồi dặn chị cho các cháu xuống ngủ dưới nhà, không nên ngủ trên cao. Chị Hai Phê hiểu trận đánh sắp xảy ra.

1 giờ 45 phút, hai chiếc Peugeot và Dauphin do Tư Hùng và Bảy Thuận điều khiển trực chỉ mục tiêu Sứ quán Mỹ lao vút đi trong đêm, lát sau rẽ vào đường Mạc Đĩnh Chi ra đường Thống Nhất. Trên chiếc xe du lịch Dauphin gồm có Ba Đen chỉ huy chung, Bảy Tuyền phái viên Sở chỉ huy Phân khu, út Nhỏ trực tiếp phụ trách đội, số anh em còn lại đi trên chiếc Peugeot. Tất cả có 17 cán bộ, chiến sĩ.

Thấy còn "trống" thời gian, Ba Đen cho xe chạy từ từ về phía nhà thờ Đức Bà rồi quay sứ quán Mỹ. Thành phố dường như còn mê ngủ... cả hai chiếc xe của Đại đội 11 bất chợt dừng lại trước tòa nhà cao lớn làm bọn lính gác giật mình. Nhưng chúng chưa kịp định thần thì hai chiến sĩ Văn và Chính đã nổ súng. Hai tên quân cảnh Mỹ gục xuống trước cổng thép khóa chặt.

Tường bao quá cao không thể leo vào được. Lập tức Tèo và Đực dùng bộc phá đánh thủng một lỗ lớn ở gần lô cốt góc đường Thống Nhất - Mạc Đĩnh Chi. Toàn đội chui qua tường lọt vào khuôn viên Đại sứ quán Mỹ. Mấy phát B40 liền chọc vỡ mặt tiền "tổ ong” của tòa nhà. Toàn đội chia làm 4 mũi, 2 mũi án ngự 2 cổng, 1 mũi đánh vào dãy nhà nhân viên sứ quán, một mũi do Ba Đen và út Nhỏ chỉ huy đánh thẳng vào tòa nhà . Trong 5 phút đầu đã diệt hết bọn lính bảo vệ, chiếm tầng trệt và phát triển lên lầu 1, bắt nhiều tù binh tống vào phòng giam lại.

Đoạn này, Don Oberdoifer mô tả: "Ngay sau một tiếng nổ dữ dội làm rung chuyển cả sứ quán, khối thuốc nổ 15 pao (6,759 ki-lô-gam) đã phá thủng một lỗ lớn của bức tường, nơi chiếc xe tôi đỗ”. 

Daniel, một trong hai người Mỹ hét to trên làn sóng vô tuyến: “chúng tôi đang tới, chúng tôi đang tới, cứu tôi với!”. Thế rồi điện đài bỗng ngưng bặt. Sau đó người ta tìm thấy xác Daniel với một vết đạn cắm vào đầu. Còn người Mỹ kia, Sabast, binh nhất thì bị một viên đạn xuyên thủng ngực".

Lúc 3 giờ 5 phút (giờ Sài Gòn), một chiếc xe đi tuần của quân cảnh Mỹ bắt được tín hiệu phát đi từ sứ quán, từ phía dinh Độc Lập vội chạy tới, 2 tên quân cảnh vừa từ trên xe nhảy xuống liền bị bắn gục tại chỗ.

Nhận thấy tiểu đoàn 716 quân cảnh Mỹ không đủ sức bảo vệ đại sứ quán Mỹ, Fred Weyand, tư lệnh lực lượng Mỹ vùng 3 chiến thuật điều một bộ phận của sư đoàn dù 101 ở miền Đông đổ quân bằng trực thăng xuống sân thượng tòa đại sứ, nhưng bị hỏa lực biệt động bắn lên quá mạnh phải bay đi. Trận đánh trở nên ác liệt, các mũi xung kích đều bị thương vong, phải chống đỡ phía trước và sau tòa nhà. Hỏa lực địch từ cao ốc bắn tới.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #47 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2010, 03:39:23 pm »

5 giờ sáng, địch đã bao vây phía ngoài. Trực thăng lại ồ ạt đến đổ quân, nhưng bị các chiến sĩ ta bắn hất ra xa. Đến lúc này vẫn không thấy bóng dáng 200 thanh niên và sinh viên đến tiếp ứng như trong kế hoạch hiệp đồng. Biết là phải chiến đấu đơn độc, nhưng anh em vẫn ngùn ngụt quyết tâm.

7 giờ sáng. quân cảnh Mỹ mang mặt nạ đầu heo xông vào cống chính. 20 phút sau đó, hãng AP Mỹ đưa tin do ký giả Peter Arnét từ Sài gòn điện về New York: “Việt cộng đã chiếm lĩnh bên trong tòa đại sứ".

Không còn ai canh giữ, một số tù binh tự chạy ngược lên lầu. Ba Đen chĩa súng lùa tất cả chúng vào một phòng rồi khóa cửa lại.

Tổ chiến đấu của Ba Đen đã lên được tầng 3. Lúc này bọn Mỹ đã đổ được quân xuống sân thượng, tổ chức đánh từ trên xuống. Tổ biệt động quét AK diệt một số tên, bọn còn lại lùi trở lên.

7 giờ 30 phút. lính Mỹ phản công, dùng cả hơi ngạt phun xuống làm các chiến sĩ sặc sụa, tức thở, nước mắt, nước mũi chảy ràn rụa. Anh em cố chịu đựng và tập trụng hỏa lực vào quân địch. Thấy một phòng đóng kín, nghi là có đại sứ Bunke bên trong, Ba Đen ra lệnh cho Vinh bắn phá cửa. Vinh phóng vào cửa một trái B40, giấy tờ trong phòng bốc cháy. Do mảng tường chắn phía sau quá gần, Vinh hy sinh ngay khi bóp cò súng. Phía trên, địch vẫn lao xuống. Mạng phóng vào chúng một quả B40. Nhiều tên Mỹ cháy rụi, nhưng anh cũng hy sinh do mảng tường chắn phía sau quá gần như trường hợp của Vinh.

Ba Đen bị hơi ngạt trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh lần mò trong khói đạn, theo cầu thang xuống tầng trệt. Tại đây chiến sĩ Đực hy sinh nằm bên cạnh út Nhỏ bị thương gần kiệt sức. Anh cùng út Nhỏ ráng sức phòng ngự, dùng tiểu liên và súng ngắn bắn vào đám lính từ phía trên cầu thang tràn xuống và ngăn chặn bọn ngoài sân cỏ tiến vào. Phía ngoài đường, bọn chiến tranh tâm lý dùng loa phóng thanh kêu gọi các chiến sĩ biệt động đầu hàng.

Địch ném xuống từng chùm lựu đạn tạo nên màn khói dày đặc, út Nhỏ quằn quại đau đớn rồi tắt thở. Nhờ có thùng phi cát phòng hỏa, Ba Đen chỉ bị trọng thương. Trong tình thế nguy kịch, anh kiên quyết sống mái với chúng, anh lượm được quả thủ pháo từ tay Đực buông ra, áp sát cửa chắn cầu thang chờ giặc.

Không còn nghe tiếng súng bắn trả, bọn Mỹ dò dẫm xuống chân cầu thang, đám ở ngoài sân cũng lần tới. Chút sức còn lại cộng với lòng căm thù, Ba Đen giật nụ xòe quả thủ pháo định ném vào chúng, nhưng không còn đủ lực ném ra xa. Anh ngất đi trong tiếng nổ chuyển dội khu nhà.

Don Oberdoifer viết: “Foray thận trọng chui qua lỗ tường, anh ta thấy một lính Việt cộng bị thương nặng đang cố gượng ngồi trên bãi cỏ và lăm lăm quả lựu đạn trong tay, sẵn sàng ném ra. Foray ngắm mục tiêu người lính trong đường ngắm của khẩu súng thì một tia chớp màu da cam lóe lên trước mặt anh ta. Người lính biệt động Cộng sản đã tháo chốt quả lựu đạn, nhưng không đủ sức để ném đi".

Đây có lẽ là một trường hợp khiến bọn Mỹ kinh hoàng nhất trong trận đánh.

9 giờ sáng, địch mới “tràn ngập" chiếm lại tòa nhà ngổn ngang xác chết.

Đội 11 biệt động được tổ chức gấp rút trong vòng 4 ngày, không có vũ khí ém sẵn trong thành phố, đã chiến đấu cực kỳ anh dũng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đánh chiếm tòa đại sứ Mỹ từ tầng 1 đến tầng 3, giữ trận địa được 6 giờ 30 phút, vượt chỉ tiêu cấp trên giao 4 tiếng rưỡi đồng hồ, diệt và làm bị thương nhiều địch, phá hủy nhiều phương tiện, tài liệu của chúng. Toàn đội 17 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, còn lại một người bị bắt là đội trưởng Ba Đen. Anh trở thành nhân chứng duy nhất còn lại của trận đánh Sứ quán Mỹ.

Phía địch đưa tin: 5 binh sĩ Mỹ tử thương và 22 người bị thương chết tại bệnh viện, số bị thương lên tới 124 người.

Trận tấn công của Biệt động vào Đại sứ quán Mỹ làm chấn động toàn nước Mỹ. Trong quyển sách “Tết" dày 380 trang xuất bản tại New York, nhà báo Mỹ Don Oberdoifer có mặt ở miền Nam vào dịp Tết Mậu Thân đã giành hẳn chương 1 nói về ảnh hưởng của trận đánh này, có đoạn viết:

“Tuy là một trận đánh nhỏ về số người tham gia, nhưng đã kích động mạnh mẽ công chúng Mỹ về chính trị và tâm lý. Sứ quán Mỹ, nơi ngọn cờ sao và vạch chính thức cắm trên lãnh thổ Việt Nam, là điểm tượng trưng cho cố gắng và quyền lực Mỹ! Làm cho người ta nghĩ rằng lực lượng Cộng sản mạnh hơn nhiều so với mức chính phủ Mỹ mô tả... Và như vậy chiến tranh còn lâu mới kết thúc...”.

Báo Washington bình luận: “dân chúng Mỹ choáng váng, không khí Washington ảm đạm. Tổng thống vừa đau tim vừa đau đầu. Sự sửng sốt ngày đầu chuyển sang rã rời tuyệt vọng...".

Tờ Daily News Washington đăng xã luận với tựa đề hoang mang: Chúng ta trước đây ở đâu? “chúng ta hiện nay ở đâu? Kèm theo là bức tranh biếm họa Westmoreland đụng đầu với một chiến sĩ giải phóng ở góc nhà đề chữ “sứ quán Mỹ - Sài Gòn". Những ngôi sao cấp tướng bật khỏi cầu vai, súng của Wes rơi xuống đất, còn súng của người chiến sĩ giải phóng thì cắm vào bụng Wes, phía dưới có dòng chữ phụ đề “chúng ta đi qua chỗ ngoặt. tướng Wes ạ...".

“NhàTrắng Phương Đông" không dừng lại ở sự kiện bi đát Tết Mậu Thân, mà một sự kiện khác không kém phần cay đắng nhục nhã là cảnh hỗn loạn tháo chạy xảy ra trong hai ngày 29 và 30 tháng 4 năm 1975 của giặc Mỹ và đồng bọn. Trước sức tấn công như vũ bão của quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tớ thầy Mỹ - ngụy, hàng ngàn tên chen lấn đạp nhau tranh giành một chỗ trên sân thượng để hòng được trực thăng cứu thoát.

Chiến tích trận đánh chiếm tòa đại sứ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã góp phần dẫn đến thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cuộc tháo chạy tán loạn của chúng đã hằn lại một vết đen lịch sử, mặc dù tòa nhà 6 tầng nghênh ngang mất dạng. Nơi đây chỉ còn lại một tấm bia với những dòng chữ giản dị nhưng Tổ quốc và nhân dân mãi mãi ghi công các chiến sĩ biệt động đã xả thân vì sự nghiệp chiến đấu giành độc lập tự do cho đất nước Việt Nam mãi mãi trường tồn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #48 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2010, 03:40:44 pm »

NGƯỜI NỮ ANH HÙNG
TRONG TRẬN ĐÁNH BỘ TỔNG THAM MƯU

Oanh nhớ rất rõ chỉ mấy giờ trước lúc vào trận, vẻ mặt cụm trưởng biệt động Đỗ Tấn Phong (Ba Phong) hết sức căng thẳng. Anh là chỉ huy trưởng trực tiếp chịu trách nhiệm trận đánh cực kỳ quan trọng này. Và bao giờ cũng thế, anh giữ Oanh nhất là trong lúc khó khăn. Oanh tên thật là Phạm Thị Mỹ, nhưng mọi người quen gọi cô bằng cái tên ngụy trang là "Oanh”. Oanh nhớ cả câu nói đầy vẻ trang nghiêm của Ba Phong: "Kế hoạch không có gì thay đổi: đúng giờ G của toàn Miền, ta bắt đầu nổ súng”.

Câu nói ngời lên trong đầu Oanh suốt trận đánh. Cô thấy tầm mức trận chiến đấu mà cô và đồng đội tham dự. Trong đó, trách nhiệm của người chiến đấu viên phải thể hiện cao nhất... Lúc ấy, màn đêm buông loáng ướt trên cành lá. Bầu trời Sài Gòn lắng đọng trong cơn trở mình của thành phố. Những ngọn gió thổi về lạnh trong đêm như muốn đánh thức cả thành phố bừng dậy chào đón phút giây lịch sử của một mùa xuân mới.

Trong vị trí ém quân, anh Ba Phong chốc chốc lại xem đồng hồ, vầng trán hằn lên nếp nhăn khác với ngày thường. Oanh ở bên cạnh cũng nôn nao chờ đợi khoảnh khắc nổ súng. Dường như ai cũng cảm thấy thời gian trôi quá chậm chạp. Những trái B40 mới xanh đã cắm vào nòng súng, những khẩu tiêu liên AK đạn đã lên nòng, chỉ chờ bật khóa an toàn là những làn đạn bóng căng vút bay về phía trước. Đối với Oanh, những giờ phút như thế này vừa hứng thú lại vừa căng thẳng. Sự dồn nén dường như quá cỡ sắp nổ tung cả bầu trời trận địa. Rồi giây khắc tràn đầy hồi hộp đó cũng đến.

Trận kịch chiến xảy ra ngay ở cổng số 4, gần ngã ba Trương Quốc Dung - Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) do Ba Phong, Ba Tâm, Tám Bền và Năm Đức chỉ huy. Đây là khu vực gần cổng chính trong 8 cổng của Bộ tổng tham mưu ngụy, một căn cứ trọng yếu của địch án ngự ở phía tây bắc thành phố. Tại đây đủ các cỡ súng thi nhau nổ trong khi những nơi khác tiếng súng dữ đội cũng đã dội lên. Hai mũi xung kích do Ba Phong và Ba Tâm chỉ huy đã đẩy lùi những đợt xung phong đầu tiên của địch. Hai chiến đấu viên xuất sắc là Việt và Hai đã hy sinh.

Trận chiến đấu càng lúc càng trở nên ác liệt bởi lực lượng đôi bên quá chênh lệch cả về binh lực lẫn hỏa lực. Cụm biệt động (6-7-9) do Ba Phong chỉ huy vỏn vẹn chỉ có 27 tay súng mới lấy từ dưới hầm bí mật lên hầu hết đã sét rỉ phải đương đầu với hàng trăm tên từ trong căn cứ tràn ra và từ các nơi khác kéo tới. Tình huống vô cùng ga cấn buộc các chiến sĩ biệt động phải trụ lại quyết tử chiến đấu bằng bất cứ giá nào trong lúc tiểu đoàn mũi nhọn của ta chưa kịp tới chi viện theo phương án hiệp đồng của Bộ Chỉ huy tiền phương.

Suốt từ hai giờ sáng ngày N của chiến dịch xuân Mậu Thân đến lúc này đã ngót mấy tiếng đồng hồ nhưng trận đánh vẫn dằng co dai dẳng ở khu vực cửa mở. Ý đồ tác chiến đột phá nhanh chóng đánh chiếm căn cứ Bộ tổng tham mưu ngụy khó thực hiện được. Các chiến sĩ biệt động phải trụ lại ven đường và khu phố, để chiến đấu giữ từng tấc trận địa. Tiếng nổ chát chúa, ầm ĩ của súng đạn xen lẫn trong tiếng bom rền, tiếng gầm rú của phản lực, trực thăng... tạo nên một hợp âm hỗn loạn bao trùm khoảng không gian chỉ trong chừng khoảng vài trăm mét vuông. Mặt đất khét nồng mùi bom đạn.

Đã mấy lần máy bay địch lên gọi loa chiêu hồi ra rả như bồi thêm đòn đánh “cân não" xuống cụm biệt động. Chúng gọi đích danh những đồng chí chỉ huy, trong đó có tên Đông là bí danh của Ba Phong hiện ở dưới vòng bay của chúng. Kẻ nào đó trong hàng ngũ đã phản bội cách mạng trước khi vào chiến dịch?

Những dãy nhà trong khu vực chiến sự sau nhiều đợt giao tranh quyết liệt đã trở nên đổ nát, tan hoang. Oanh vẫn như con thoi lao lách giữa bom đạn nối liền đường dây liên lạc giữa các tổ chiến dấu. Cô gái trẻ lúc này như một động mạch chuyến trong cơ thể đơn vị. Thật khó hình dung được làm sao cô có thể di chuyển lẹ làng khéo léo và kín đáo trước tầm quan sát của địch ở mọi phía. Sự bình tĩnh, can đảm xử trí tình huống của cô làm yên lòng các cán bộ chỉ huy và đồng đội.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #49 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2010, 03:41:39 pm »

Thêm một tình huống khó khăn xảy ra ở cửa mở. Một nữ chiến sĩ bị thương. Lập tức Oanh được lệnh thế vào chỗ trống của đội hình. Oanh vừa leo lên một tầng nhà thì một cánh quân khác của địch ào ạt mở đợt phản kích mới. Hoả lực của chúng như dồn cả vào trận địa của cụm biệt động. Đất đá, gạch ngói bắn tung tóe, nhiều mảnh văng vào mặt Oanh. Rõ ràng là địch đang tập trung nỗ lực cố xuyên thủng đội hình đối phương mà chúng biết chắc là lực lượng không lớn lắm. Oanh đã tìm được một địa hình tương đối thuận lợi, quay mũi súng về phía địch.

Ba Phong ra hiệu cho chỉ huy phó Ba Tâm phụ trách mũi xung kích 2 sẵn sàng ứng phó. Ở các gốc cây, bờ tường, đồng đội của Oanh cũng đang ráo riết chờ địch. Tốp lính Mỹ đi đầu xăm xăm tiến vào tầm súng của các chiến sĩ biệt động. Chắc hẳn chúng ỷ thế đông sẽ đè bẹp đối phương trong chốc lát.

Nhưng những tên lính viễn chinh quen thói kiêu ngạo đã lầm. Khi ở khoảng cách hiệu lực nhất, những loạt AK bất thần xé lên quật mạnh vào đội hình chúng. Chưa bao giờ Oanh thấy những thằng Mỹ gần đến thế. Không có đủ thời gian để hình dung chúng sẽ hành động như thế nào, ngón tay cô xiết chặt cò súng. Hai tên đi trước đổ xuống. Một tên đưa tay lên nhưng không làm kịp làm dấu thánh giá, tay kia rời khỏi khẩu tiểu liên cực nhanh chưa bắn được viên nào.

Oanh thấy tự tin hơn và lia mũi súng sang mấy tên đi kế, bóp cò. Cô liếc nhìn thấy ở những phía khác, bọn Mỹ đang la lối tháo lui... và cảm thấy mình không còn tâm lý lo sợ như những đợt chiến đấu đầu tiên, khi bọn Mỹ tiến vào trận địa.

Đây là đợt xung phong thứ bao nhiêu của địch, Oanh không nhớ nữa chỉ thấy trước đội hình của đơn vị xác những tên Mỹ nằm ngổn ngang cách cô vài ba chục mét.

Đợt phản kích vừa qua, bọn Mỹ và ngụy như húc vào tường, chúng buộc phải co lại trong khu nhà lớn, trong khi xe tăng và xe bọc thép đã được huy động hàn kín ở phía ngoài. Tình huống diễn biến mỗi lúc một phức tạp. Địch đã thấy hết sự nguy hiểm nếu như không làm chủ được tình hình và để căn cứ đầu não bị uy hiếp lâu. Chúng điều tới hai khẩu đại liên và tung hỏa lực kiềm chế mãnh liệt vào đội hình chiến đấu của Ba Phong và Ba Tâm.

Những trận mưa đạn xối tới. Cụm hỏa lực này của địch thật lợi hại. Chúng giăng được một hàng rào lửa ngăn chặn hướng phát triển của đơn vị. Anh Ba lau mồ hôi trán, suy nghĩ: nếu không diệt được hai khẩu đại liên này thì đơn vị không những không hoàn thành nhiệm vụ mà quân số thương vong càng tăng thêm. Nhìn Oanh bằng ánh mắt tin cậy, anh ra lệnh khẩn cấp:

- Đồng chí Oanh, tìm coi khẩu đại liên của địch ở đâu báo tôi ngay

Hai tiếng đồng chí thốt ra từ Ba Phong nghe khô khan kỳ lạ, bởi lúc thường quan hệ giữa anh và Oanh bao giờ cũng chú cháu thân mật. Không hề do dự, cô nhanh chóng chấp hành nhiệm vụ.

Oanh xách súng trườn đến một gốc cây khá lớn, trên cao những cành bị đạn chém đứt. Có cành còn dính lủng lẳng chực rơi xuống. Cô ngước lên ước tính phải leo tới chạng ba mới có thể quan sát được mục tiêu. Khi còn ở nhà, Oanh không những giỏi việc đồng áng mà còn thạo leo cây. Nhưng cây cao thế này cô chưa khi nào leo được. Oanh nghĩ nhất định mình sẽ leo lên ít nhất cũng khỏi mái nhà, điều quan trọng nhất là đừng có cho bọn giặc thấy để chúng hạ mình như một chú chim bất hạnh.

Những đôi mắt cú vọ của chúng đang tập trung hướng vào trận địa. Oanh quan sát địch một lần nữa rồi ôm thân cây thoăn thoắt leo lên. Cô nhìn xuống thấy đồng đội đang khuyến khích mình nên càng vững tâm hơn. “chíu chíu chíu...". Những luồng đạn bất thần rít qua đầu, qua vai, dưới chân... Oanh giật mình ghì chặt vào thân cây dừng lại trên không. Bọn lính ở phía nhà tầng bên kia đã phát hiện ra cô gái. Chúng la lên: 

- Vi xi, vi xi

Oanh chịu trận chờ cho ngớt chặp mưa đạn của chúng lại tiếp tục leo lên cao hơn, đảo mắt tìm kiếm mục tiêu. Toàn nhà cửa lô xô chen lẫn cây cối, xa hơn là những chiếc xe bọc thép, tháp canh đen trùi trũi trong nắng. Cô nén lại hơi thở dồn dập. Bỗng “bằm bằm bằm...". Kia rồi! Trên sân thượng, hai khẩu đại liên như hai con bọ ngựa sắt khổng lồ đang thi nhau khạc đạn, lửa tóe đầu nòng súng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM