Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:22:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Biệt động Sài Gòn - Những chuyện bây giờ mới kể  (Đọc 107992 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #20 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2010, 03:39:06 pm »

Chỉ huy phó trận đánh được giao cho Lê Văn Việt (Tư Việt), một chiến sĩ gan dạ từng chiến đấu trong các đội du kích vùng ven Bưng Sáu Xã - Thủ Đức. Tư Việt rất giỏi võ lại nhanh nhẹn, tháo vát và thông thạo đường phố Sài Gòn.

Ba tổ viên còn lại là Trần Thị Minh Nguyệt (người đã thủ vai tình nhân đại tá Mỹ trong trận tấn công khách sạn Caravelle, tháng 10 năm 1964). Cô là một thiếu nữ dịu dàng, thông minh (con một gia đình cơ sở cách mạng nội thành) được Bảy Bê dìu dắt, hướng dẫn hoạt động nhiều năm nay. Năm Bắc (Nguyễn Văn Nông) một cán bộ kháng chiến chống Pháp, trụ lại ở Sài Gòn sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (7 - l954). Anh là một đầu bếp có hạng, chuyên nấu ăn các món Âu, Á nên được tổ chức bố trí làm trong khách sạn lớn ở Sài Gòn nơi có nhiều cố vấn nước ngoài trú ngụ ăn chơi. Người thứ ba là chiến sĩ Trần Văn Thế mới gia nhập lực lượng vũ trang, được trên điều vào thành phố tăng cường cho tổ biệt động của Bảy Bê. 

Đây là một tổ chức chiến đấu được lựa chọn gồm những chiến sĩ thông mi, gan dạ,dũng cảm và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu,có khả năng hoàn thành trọng trách đánh vào Sứ quán Mỹ, cơ quan trọng yếu hàng đầu của Mỹ ở Sài Gòn. 

Phương án chiến đấu được vạch ra là dùng xe hơi trở một khối thuốc nổ lớn, có xe dẫn đường và hộ tống, lao thẳng vào tòa đại sứ. Các chiến đấu viên đều thoát ra khỏi mục tiêu sau khi mìn nổ phá hủy tòa nhà.

Qua liên lạc với cơ sở mật trong sứ quán và cơ sở Năm Bắc ở bên ngoài, F21 đã nắm được cấu trúc của mục tiêu đặc biệt phía đường Võ Di Nguy là mặt hông sứ quán có chính diện dài hơn mặt tiền và các ô cửa kính nằm hết ở mặt này. Bên trong là phòng làm việc của các quan chức và nhân viên. Mặt này có hàng rào chắn bằng gỗ, xe chở thiết bị nổ có thể lao qua để áp sát vào tường nhà.

Đội trưởng Bảy Bê trong lốt "tay chơi” đến nhà hàng thuốc tây Dương Thị Liễu ở đường Võ Di Nguy nhìn sang tòa đại sứ, nghiên cứu cách đánh. Anh lân la đến quán cà phê góc đường Nguyễn Công Trứ - Võ Duy Nguy và nhận thấy đây là hướng đánh tốt nhất, gây hiệu quả công phá tối đa của khối nổ. Nhưng nếu đánh ở vị trí này phải có bộ phận xung lực diệt cụm lính ở góc đường Nguyễn Công Trứ thì mới cho xe áp sát được hông tòa đại sứ 

Trong lúc Bảy Bê điều nghiên mục tiêu thì Năm Bắc và Minh Nguyệt được phân công theo dõi quy luật hoạt động của địch trên tuyến đường đơn vị sẽ hành quân và khu vực liên quan đến sự đột phá và rút lui như đường Trần Quang Khải, Đinh Tiên Hoàng, Phan Thạnh Giản (nay là Điện Biên Phủ), Hai Bà Trưng, Võ Di Nguy, Nguyễn Công Trứ, Hàm Nghi, chợ Bến Thành.

Bộ phận công tác bảo đảm cũng ráo riết chuẩn bị theo kế hoạch: Hàng trăm ki-lô-gam thuốc nổ TNT, thuốc mồi C4, kíp nổ... được chuyển vào nội thành theo đường dây bí mật, vô cùng nguy hiểm, công phu, vượt qua hàng loạt chốt kiểm soát vòng ngoài, vòng trong của địch. Sự ngụy trang khéo léo, tài tình của các cơ sở bên ngoài đã biến bọn công an, cảnh sát thành một bọn mù lòa, dù chúng có những phương tiện kiểm tra hiện đại. Chúng nằm trong các bánh mủ cao su chất lên xe tải với vật dụng lỉnh kỉnh. Bảy Bê, Tư Việt đích thân đi yểm trợ những chuyến xe chở vũ khí này.

Về tới nội thành, số vũ khí này được phân tán trên các xe lam chở về các cơ sở cất giấu. Thuốc nổ được cho vào bọc ni lông mấy lớp buộc kỹ dìm xuống kênh rạch vùng Bà Chiểu và những nơi không ai ngờ. Đó là chuyện hết sức gian khổ, làm sao khi lấy lên vũ khí không ẩm ướt, vẫn khô ráo, bảo đảm nổ tốt, không thì công sức coi như đổ sông đổ biển.

Nhiều khi lựu đạn và súng ngắn trang bị cho cá nhân cũng bôn ba theo các chiến sĩ vào nội thành. Riêng 3 khẩu súng ngắn thì Bảy Bê dắt vào bụng một khẩu, một khẩu nữ giao liên Minh Nguyệt giấu dưới túi xách, bên trên ngụy trang đồ lót phụ nữ; một khẩu nữa giấu trong cốp xe máy Bảy Bê chở Minh Nguyệt.

Trên đường từ Củ Chi về Hóc Môn, tới ấp Đồn (trên quốc lộ 1 - nay là quốc lộ 22), Bảy Bê bị cảnh sát gọi lại kiểm tra. Sau khi xem giấy tờ (dấu giả) hợp pháp của hai người, chúng vẫn chưa tin. Một tên cho tay vào túi định lục lọi "kiếm ăn" bỗng thấy quần áo lót phụ nữ nên rụt tay lại, mặt sượng cứng; nói lí nhí: "Toàn khô mực, cá tra". Cả bọn hiểu ý, liền bỏ đi. Bảy Bê và Minh Nguyệt qua cơn "thót tim”, lên xe phóng như bay về thành phố.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #21 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2010, 03:40:22 pm »

Tổ chức cũng đã bỏ ra 270.000 đồng mua chiếc xe du lịch hiệu Frégate màu đen. Bảy Bê đưa Trần Văn Thế đến sa lon Văn Hoa (Tân Định) làm giấy đứng tên chủ quyền chiếc xe. Thế có tên trong hộ tịch quận 1. Anh cũng là công nhân hợp pháp của hãng rượu Bình Tây nên có đủ điều kiện mua xe, đứng tên, chính quyền địch không làm khó dễ. Có đầy đủ giấy tờ, Bảy Bê lái chiếc xe Frégate đến gara đường Phan Văn Trị (Gia Định) vừa chỉnh trang lại vừa gửi tại đó, khi cần thì đến lái đi.

Về cơ sở đứng chân, Bảy Bê vẽ mẫu thiết kế một thùng sắt bốn ngăn để khít trong cốp xe (đã đo đạc sẵn) rồi đem đặt một cơ sở hàn gò tại Cầu Muối làm. Sau đó, anh đến gara lấy xe chạy lên một cơ sở ở Tăng Nhơn Phú - Thủ Đức để ráp chiếc thùng sắt 4 ngăn chứa thuốc nổ TNT vào cốp xe, tuy vừa khít, nhưng các bản lề lại chênh nhau. Vậy là phải đưa xe trở lại một cơ sở ở Hàng Xanh để thay bộ bản lề mới. Sau nhiều trục trặc, khâu chuẩn bị quan trọng nhất cũng đã hoàn tất một cách tốt đẹp, giữ được bí mật tuyệt đối và đúng thời gian. Anh em trong tổ chiến đấu hết sức phấn khởi, chờ ngày xung trận. 

Bảy Bê ra căn cứ báo cáo tình hình chuẩn bị trận đánh với Quân khu. Tư lệnh Trần Hải Phụng (còn gọi là Hai Phụng) và Tham mưu trưởng Tư Chu đều tỏ vẻ hài lòng. Hai anh xem xét lại kế hoạch phương án lần nữa và kiểm tra kế hoạch hiệp đồng cụ thể, giờ quy định lấy xe, vô xăng, sạc bình ác quy, giờ đến cơ sở lấy thuốc nổ, giờ đưa xe đến địa điểm tập kết, giờ điểm hoả cuối cùng, điều chỉnh hệ thống tự động bằng kíp axít và gây nổ trực tiếp. Anh Hai Phụng còn dặn thêm:

- Trận đánh này phức tạp hơn những trận đánh đã qua, các đồng chí càn hết sức thận trọng, bí mật cho đến giờ hành động và tránh thương vong cho ta. 

Ngày N trận đánh Đại sứ quán Mỹ được quy định: 30 tháng 5 năm 1965, giờ G từ 10 đến 11 giờ là lúc đại sứ quán Mỹ họp với quan chức cao cấp của “Việt Nam cộng hòa" và các nước chư hầu. Ngày giờ này cũng trùng với dịp đập lại luận điệu khoác lác của Taylor vừa tuyên bố với phóng viện phương Tây ngày 27 tháng 3 năm 1965 rằng “tình hình Nam Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt. Liên quân Việt - Mỹ đã bình định được 320 ấp quanh Sài Gòn".

Những giờ phút hệ trọng nhất đã tới: 9 giờ 30 phút sáng 30 tháng 5, nhóm biệt động F21 xuất phát tấn công mục tiêu Sứ quán Mỹ. Anh em đã có mặt tại cơ sở Trần Quang Khải, quận 1. Trong đó Tư Việt, người hỗ trợ trực tiếp cho Bảy Bê bị sốt nặng nhưng ráng dậy đi với anh em.

Đội hình hành quân chuyển bánh. Đội trưởng Bảy Bê đi đầu lái chiếc Frégate chứa 150 ki-lô-gam thuốc nổ vừa chỉ huy đồng đội. Trên xe có Trần Văn Thế bảo vệ. Năm Bắc và Tư Việt chạy xe gắn máy yểm trợ phía sau. Sau cùng là Trần Thị Minh Nguyệt chạy xe gắn máy. Mọi người đều thủ súng ngắn và lựu đạn.

Bảy Bê cho xe chạy ra đường Đinh Tiên Hoàng hướng về tòa đại sứ Mỹ. Đến ngã ba Nguyễn Huệ - Phú Kiệt, anh cúi xuống điều chỉnh thiết bị nổ với thời gian 15 phút. Tới chỗ ngoặt Phú Kiệt - Võ Di Nguy, đèn đỏ bật lên. Bảy Bê thắng xe lại, riêng Nguyệt đã nhanh hơn vọt qua ngã tư. Tình huống ngoài dự kiến. Bảy Bê phải điều chỉnh giờ nổ lùi lại một ít phút cho an toàn. Khi đèn xanh vừa bật lên thì đội hình tổ chiến đấu cũng đã áp sát khu vực mục tiêu.

Tư Việt vọt lên đầu quán hủ tiếu, cà phê đường Nguyễn Công Trứ, giả bộ dừng lại mua thuốc, châm lửa hút, đồng thời khống chế 4 tên cảnh sát và quân cảnh đứng gác bên hông tòa đại sứ. Nhìn thấy xe Bảy Bê lao tới, Tư Việt rút nhanh súng hạ gục hai tên cảnh sát. Xe thuốc nổ đã tới mí hàng rào chắn bằng gỗ bên hông tòa nhà. Bảy Bê điều chỉnh kíp nổ còn 30 giây rồi giật nụ xòe, gây nổ trực tiếp. Cả Bảy Bê và Thế nhảy ra khỏi xe, chạy nhanh về phía Tư Việt, bắn yểm trợ để giải vây cho anh. Tư Việt đang bị số đông mật vụ và công an bao vây.

Liền sau đó, nhằm đánh lạc hướng địch, Bảy Bê lao nhanh ra đường Tôn Thất Đạm đón chiếc taxi đợi sẵn chạy về hướng chợ Bến Thành. Vừa lúc ấy, một tiếng nổ long trời làm rung chuyển phố xá. Cửa kính trên các nhà cao tầng vỡ tung. Thời khắc đó, đồng hồ chỉ 9 giờ 55 phút.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #22 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2010, 03:40:38 pm »

Tiếng nổ lớn cùng khói lửa mù mịt cuộn lên bao trùm một góc trời khiến bọn địch nhốn nháo hỗn loạn. Bọn cảnh sát đang bao vây Tư Việt hoảng sợ, nằm rạp cả xuống. Lúc đó Tư Việt bắn chết hai tên rồi lên chiếc Mobilét phóng về phía đường Phó Đức Chính để ra chợ Bến Thành, nhưng bọn địch hoàn hồn lên ô tô quân cảnh đuổi theo. Tới đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) xe chúng bị nghẽn lại do một xe du lịch màu trắng cố ý chắn ngang. Chúng bắn ào ào về phía Tư Việt.

Một tên cảnh sát chìm đứng gần đó thấy có người phóng xe nhanh nên nhắm vào bắn liền bốn phát súng ngắn. Khi tới gần rạp Kim Châu, Việt bị một phát đạn trúng từ phía sau trổ ra bụng, anh ngã xuống, ruột đổ ra. Bọn địch cũng vừa bủa tới. Súng chỉ còn hai viên đạn, Tư Việt một tay nhét ruột vào bụng giữ chặt, một tay nhằm vào tên gần nhất nã luôn hai phát đạn cuối cùng. Bọn còn lại xông tới, Tư Việt móc trái lựu đạn ném vào chúng nhưng rủi thay, nó bị lép. Bọn địch nhào vô, anh ôm chúng vật lộn cho đến khi kiệt sức mới chịu để chúng bắt.

Trong khi ấy, địch vẫn chưa hết hoảng loạn bắn cả vào dân chúng. Khối thuốc nổ 150 ki-lô-gam cấu trúc hình lõm hướng vào tòa nhà đã thổi rỗng và làm sập từ tầng 1 đến tầng 3. Các cửa song sắt vặn đi biến dạng, mảnh kính cùng gạch đá, tài liệu tung tóe khắp nơi. Bốn mươi chiếc xe hơi sang trọng đậu trong sân cháy rụi, xe cứu hỏa chạy tới không còn việc gì để làm.

Khi nghe có tiếng súng bắn nhau dưới đường, các quan chức và nhân viên tranh nhau xuống tầng trệt là lúc khối nổ công phá nên thương vong rất lớn. Có tới 195 tên chết và bị thương trong tòa nhà. Phó đại sứ Mỹ A. Johonson được đồng bọn dìu ra từ đống gạch vụn, mặt bê bết máu. Lá cờ sao và gạch bứt tung rơi xuống.

Cảnh sát phong tỏa các ngả đường vào sứ quán nhưng không ngăn được dân chúng mục kích cảnh tượng tan hoang chưa từng thấy ở Sài Gòn.

Tổng trưởng thông tin ngụy vội vã họp báo trấn an dư luận và Bộ tổng tham mưu công bố thiết quân luật Sài Gòn.

Lúc đó, tại Nhà trắng ở Washington, tổng thống Johonson sửng sốt khi nghe tin đại sứ quán Mỹ - Sài Gòn bị tấn công, đành bỏ giờ cuộc đón tiếp tổng thống Thượng Vonta (Châu Phi). Bọn ngụy Sài Gòn hoang mang dao động, ra lệnh kiếm soát gắt gao thành phố, còn dân chúng không ngớt lời bàn tán thán phục tài “xuất quỷ nhập thần" của Biệt động Sài Gòn. Báo chí đồng loạt đưa tin vụ tấn công Sứ quán Hoa Kỳ. Báo Trắng Đen chạy hàng tít lớn trên trang nhất “Việt cộng chơi Mỹ". Tựa bài báo ngắn gọn nhưng đầy ấn tượng hàm chứa sự mỉa mai cao nhất

Sau chiến cóng vang dội này, Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê) được tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba. Các chiến sĩ tham gia trận đánh được tặng thưởng Huân chương Chiến công. Các cơ sở đều được tặng công lao xứng đáng phục vụ cho trận đánh thành công mỹ mãn này.

Trở lại trường hợp của Lê Văn Việt. Sau khi bị bắt, địch đưa anh vào nhà thương chữa trị vết thương và khai thác nhưng không mảy may moi được tin tức gì về chỉ huy, cơ sơ tổ chức trận đánh, nơi ở của đơn vị... anh trả lời với chúng: “chúng tôi đánh đại sứ quán Mỹ là để tiêu diệt bọn xâm lược; giờ đây nằm trong tay các ông, các ông muốn làm gì thì làm, chớ đừng mất công vô ích bắt tôi phải khai báo”.

Tám ngày sau trận đánh, địch đưa Tư Việt ra tòa án binh xét xử và kết án tử hình. Nhưng chúng không giám thi hành bản án vì phía Mặt trận giải phóng miền Nam tuyên bố nếu chính quyền Sài Gòn xử tử Lê Văn Việt thì phía Cách mạng sẽ xử bắn trung tá Mỹ Hertz, tình báo CIA, y là anh vợ Kennedy.

Vụ trao đổi tù binh không thành do Hertz bị bệnh chết. Địch đày Tư Việt ra Côn Đảo. Tại đây, anh tổ chức vượt ngục hai lần đều bị địch bắt trở lại. Không lùi bước. Tư Việt tổ chức đánh du kích trên đảo. Anh bị địch bắt tra tấn, đày ải nơi chốn địa ngục trần gian. Sức con người có hạn, Tư Việt đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay đồng đội ngày 4 tháng 10 năm 1966.

Không ai bị lãng quên, không người nào chìm vào quá khứ, sau nhiều lần đề nghị, Lê Văn Việt, con người trong vòng từ năm 1960 – 1965, tham gia đánh 45 trận, cùng đơn vị diệt 389 tên địch, được tặng một Huân chương Quân công hạng Ba, một Huân chương Chiến công hạng Nhì, đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 90 tháng 12 năm 1994.

Trận tấn công Đại sứ quán Mỹ, ngoài kỳ tích lẫy lừng còn để lại huyền thoại về một chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #23 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2010, 12:47:20 pm »

BUỔI SÁNG Ở TỔNG NHA

Sau Caravelle, Brink, Sứ quán Mỹ, sẽ là gì đây? Bọn Mẽo và chư hầu đã ăn đòn nặng ở ba mục tiêu trên, hẳn chúng còn chưa hết kinh hoàng. Phải rồi, bọn đầu sỏ Tổng nha chưa nếm đòn biệt động phải cho chúng biết rằng ngay giữa trung tâm Sài Gòn không phải là nơi “bất khả xâm phạm". Ý nghĩ đó lóe lên trong đầu Tham mưu trưởng Quân khu, Chỉ huy trưởng F100 biệt động Tư Chu và anh khẳng định: phải đánh bọn Tổng nha cảnh sát ngụy - trung ương đầu não của lực lượng kìm kẹp ở Sài Gòn cũng là của miền Nam. Tội ác chúng ngày càng chồng chất, không giấy bút nào ghi hết

Tư Chu báo ý đồ tác chiến tiến công Tổng nha cảnh sát lên Bộ Chỉ huy Quân khu, được chấp thuận và lần này đơn vị thực hiện vẫn là Đội 5, một phiên hiệu khét tiếng đối với bọn Mỹ và tay sai - tác giả của kịch bản Caravelle, Brink, Sứ quán Mỹ - Sài Gòn. 

Tổng nha cảnh sát ngụy nằm trên địa bàn quận 1, tiếp giáp với quận 5, quận 10 và quận 3, được bao bọc một vòng thành nối dài theo các đường Cộng Hòa (Nguyễn Văn Cừ), Võ Tánh (Nguyễn Trãi), Cống Quỳnh và Phạm Viết Chánh. Dọc theo tường thành, địch bố trí 15 lô cốt, cổng chính ở đường Cộng Hòa. Bên trong chu vi có 21 tòa nhà. Gần khu vực cổng chính có một hội trường lớn và sân chào cờ. Đây chính là mục tiêu tấn công của Đội 5. Phía bắc hội trường là nhà của giám đốc Tổng nha, tướng Phạm Văn Liễu.

Sau những trận tiến công dữ dội của biệt động từ đầu năm 1964, địch ở Tổng nha sợ hãi, tăng cường bố phòng và canh gác gắt gao hơn. Bọn công an, cảnh sát được tung ra các giao lộ truy xét, bắt giam mọi trường hợp khả nghi. Mặc dù vậy, kế hoạch tác chiến mục tiêu này không ảnh hưởng.

Đầu tháng 5 năm 1965, đang ở ngoài căn cứ, Đội trưởng Bảy Bê được lệnh vào nội thành điều nghiên khu vực Tổng nha cảnh sát. Mới đầu, Bảy Bê nghĩ đánh ngay vào bọn công an, cảnh sát hằng ngày đi làm nhiệm vụ về qua đường Võ Tánh, diệt được nhiều sinh lực mà dễ hơn là đột nhập vào Tổng nha, nhưng sau thấy không ổn, vì khó đảm bảo an toàn cho chiến đấu viên và đồng bào đi lại.

Anh điều tra sâu vào mục tiêu và phát hiện từ cổng Tổng nha ở đường Cộng Hòa vào sâu chừng 15 mét có một bức tường chắn ngang và từ bức tường vào tới khu nhà làm việc của chúng còn cách khoảng 4 mét. Nếu đặt khối nổ bên ngoài đánh vào thì hiệu quả không cao. Anh nghĩ dùng xe chở chất nổ và xung lực chạy thẳng vào trong đánh rồi thoát ra bằng xe là tối ưu, sẽ diệt được nhiều địch, nhất là khi chúng tập trung hội họp hoặc chào cờ.

Phương án này được Tham mưu trưởng Tư Chu nhất trí và Quân khu gợi ý thêm một số điểm, đặc biệt là phải có cách đánh táo bạo, tạo ra yếu tố bất ngờ khiến địch khó bề đối phó, ta mới bảo toàn được lực lượng.

Bảy Bê cùng một điều viên tiếp tục điều nghiên tỉ mỉ hơn và nhận thấy ngã tư Võ Tánh - Cộng Hòa đến gần ngã Sáu không có dân lao động và là tuyến phòng thủ có lợi thế của địch với nhiều vọng gác bê tông cốt thép. Cửa ra vào là hai tấm sắt lớn, khi mở có sợi dây xích to bằng ngón chân cái móc vào hai cánh cửa. Đây là một chi tiết đáng lưu ý khi dùng xe đột phá cửa chính. Tại cổng có lính gác thường xuyên. Đối diện với cổng là một ngôi nhà lầu do bọn cảnh sát dã chiến túc trực. 

Theo quy luật, vào sáng thứ hai, khoảng 9 đến 10 giờ, bọn công an, cảnh sát trong Tổng nha và các nơi tập trung về đây chào cờ, hội họp, báo cáo tình hình.

Từ công tác điều nghiên nắm địch, Đội 5 lên phương án tác chiến và F100 quyết định thủ đoạn chiến đấu: sử dụng chiến thuật hoạt động hóa trang với lực lượng nhỏ nhưng có sức đột phá mạnh áp đảo từ bên ngoài, nhanh chóng đưa lượng nổ lớn vào vị trí và cho nổ đúng thời điểm để diệt sinh lực địch tối đa. Thời gian thực hiện trận đánh vào sáng ngày 16 tháng 8 năm 1965. Bảy Bê chỉ huy trưởng phụ trách chung, Năm Hòa (Đội trưởng Đội 7 phối hợp với Đội) làm chỉ huy phó.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #24 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2010, 12:48:06 pm »

Trong lúc Ban chỉ huy F100 lo chỉ đạo các đầu mối vận chuyển chất nổ và thiết bị vũ khí về căn cứ “bàn đạp" thì Bảy Bê và Năm Hòa đi mua xe chở chiến đấu viên và khối nổ. Bốn giao liên có nhiệm vụ móc nối chở vũ khí, 12 cơ sở khác bảo đảm nuôi dưỡng, trú ém các chiến đấu viên.

Lực lượng chiến đấu được bố trí như sau:

Xe chở thuốc nổ do chỉ huy phó Năm Hòa trực tiếp lái trang bị 1 súng ngắn, 3 lựu đạn. Bí số 503 thủ một tiểu liên, 1 súng ngắn, 2 lựu đạn. Tư Chương 1 súng ngắn, 3 lựu đạn, ngoài ra trang bị thêm mỗi người 1 lựu đạn khói để phá vòng vây. Trên xe chở khối thuốc nổ 150 ki-lô-gam, thiết bị lõm nhằm san bằng trụ sở hoạt vụ.  

Xe "xung lực” do Bảy Bê lái, Trần Xuân Minh bảo vệ, trang bị cá nhân tiểu liên, súng ngắn, lựu đạn, ngoài ra còn 12 quả lựu đạn nổ và lựu đạn khói, đề phòng phải đánh phá vây Bảy Bê và Minh có nhiệm vụ ngay từ đầu diệt bọn gác cổng và yểm trợ cho xe chở khối nổ lao vào mục tiêu

Ngoài ra, 3 chiến sĩ chạy xe gắn máy ra quán nước cách mục tiêu khoảng 1,5 ki-lô-mét để đón hai đồng chí trên xe xung lực, đề phòng xe Bảy Bê bị sự cố... Đơn vị còn dự định thêm một xe taxi để đón các chiến đấu viên sau khi thoát ra khỏi mục tiêu.

Đội hình hành quân thứ tự đi đầu là xe chở đội xung kích. tiếp sau là xe chở khối nổ. Các xe gắn máy đi sau làm nhiệm vụ hộ tống. Khi gần tới mục tiêu, xe xung kích vượt lên trước mở đường và yểm trợ cho xe chở khối nổ lao vào Tổng nha. Theo hiệp đồng hai xe của tổ 1 và tổ 2 di chuyển từ ấp Phong Phú xã Tăng Nhơn Phú - Thủ Đức đến cầu xa lộ thì dừng lại kiểm tra lần chót và canh giờ xuất phát.

Sáng ngày 16 tháng 8 năm 1965, trời thu trong xanh, không gian ngoài thành yên tĩnh. Phân đội chiến đấu lên xe, cải trang thành những người đi dự dám cưới. Ai cũng ăn mặc chỉnh tề láng cóng. Người đi đường còn thưa thớt ngó qua không lưu tâm. Bọn lính gác dọc các chốt ngơ ngáo trông những thanh niên lịch sự, vui vẻ.

Bỗng chiếc xe đi sau trở chứng rồi phực lửa lên bốc cháy. Anh em hoảng quá liền xuống xe dập lửa. Nhưng “họa vô đơn chí”, lửa tắt thì máy lại không nổ. Chiếc xe nằm ì ra như ăn vạ. Tài xế Bẩy Bê lúng túng. Chiếc xe đi đầu thấy "đứt đuôi" nên quay lại hỗ trợ. Năm Hòa tài xế taxi lâu năm được dịp trổ tài. Chỉ một lát, chiếc xe hự lên lăn bánh khiến ai nấy thở phào nhẹ nhõm. Cả xe hơi và xe máy đều tăng tốc cho bảo đảm thời gian nổ súng.

Lúc chờ sửa xe, Bảy Bê tranh thủ kiểm tra chiến sĩ:

- Này nếu bọn địch đổ ra đông ngăn chặn ta thì tính sao?  

- Chẳng sao, có bao nhiêu đánh bấy nhiêu, chơi sát ván với chúng - Anh chiến sĩ nhanh nhảu trả lời.

9 giờ 30 phút, phân đội biệt động theo đường Nguyễn Trãi đã tiến đến gần mục tiêu. Dọc đường các đồng chí trên xe đã nhận được ám hiệu "bình thường" từ các tổ chốt yểm trợ. Chiếc xe xung kích vượt lên trước chạy thẳng vào Tổng nha. Bọn lính ngạc nhiên bất động. Bảy Bê thấy sợi xích sắt căng ngang, mừng thầm trong bụng “chắc ăn rồi", như thế là cổng mở chứ không khóa. Anh và Minh lia hai loạt tiểu liên. Bọn lính gác và cảnh sát thoát được làn đạn, chạy bổ vào sở hoạt vụ và nhà tướng Phạm Văn Liễu. Bảy Bê bắn theo khiến mấy tên ngã nhào.

Đến lượt Năm Hòa lao xe chất nổ vào trong, nhưng ác thay, sợi dây xích cản lại. Anh bình tĩnh gài số cho xe lùi lại, rú ga lách vào phía đầu dây bên phải ủi mạnh làm bật móc dây xích khỏi tường. Xe bị móp nhưng máy vẫn nổ. Anh liền lao xe vào bên trong. Trong khi đó, trên xe xung lực các chiến sĩ vẫn liên tục nhả đạn để dọn đường. Chiếc xe chở chất nổ dừng ngay lối ra vào hội trường, mặt lõm khối nổ quay về phía khu vực bọn cảnh sát đang tụ tập chuẩn bị chào cờ.

Cả lũ chẳng hiểu chuyện gì, vả lại chúng không mang súng nên thấy có chiếc xe lạ thì đứng nhìn. Khoảnh khắc đó đủ cho Năm Hòa rút nụ xòe gây nổ, đồng thời nổ súng và chạy ra phía cổng. Tổ 1 đang chiến đấu chặn địch thì khối mìn 150 ki-lô-gam gầm lên thổi mạnh vào phía hội trường. Tiếng nổ quá lớn làm rung chuyển nhà cửa, cây cối, khói bụi cuộn lên mù mịt. Bọn địch đổ xuống la liệt; giãy giụa, kêu rên khủng khiếp.

Tuy thế bọn bảo vệ khu vực nhà giám đốc Tổng nha sực tỉnh phản ứng. Chúng quét đạn AR15 về phía chiếc xe hộ tống của Bảy Bê. Anh em bắn trả. Cuộc đấu súng diễn ra quyết liệt. Các chiến sĩ biệt động ném cả lựu đạn miếng, lựu đạn khói vào chúng rồi nhanh chóng thoát ra khỏi mục tiêu. Một thiếu tá cảnh sát trong nhà tướng Liễu chạy lên tầng cao quan sát để chỉ huy cuộc chống trả và truy đuổi nhưng hắn chưa kịp làm gì thì ngã gục bởi một phát đạn AK chính xác của Xuân Minh bắn lên.

Chiếc xe của Năm Hòa vừa ra ngoài cổng thì các chiến sĩ xung kích cũng nhảy lên phóng nhanh trên đường Cộng Hòa rẽ vào đường Thành Thái (nay là Trần Phú) mất dạng... dường như bọn địch ở phía ngoài chưa kịp phản ứng gì.

Trên đường rút lui, một chiến đấu viên chạy xe hon đa va quẹt vào một chiếc xe gắn máy của một tên lính thủy quân lục chiến bị té, xe đổ, một quả lựu đạn trong người văng ra, rất may là tên lính không thấy. Người chiến đấu viên phải dừng lại cùng tên lính giải quyết hậu quả. Anh bằng lòng bồi thường để thoát nhanh nhưng hắn không chịu. Trong lúc giằng co, quần chúng đến hòa giải mới êm chuyện và anh chiến sĩ nhanh chóng thoát đi. Thế là toàn bộ lực lượng Đội 5 và Đội 7 biệt động trở về cơ sở không thiếu một ai.

Trận đánh diễn ra chớp nhoáng trong vòng chưa đầy 2 phút, nhóm biệt động của Bảy Bê và Năm Hòa đã giải quyết gọn mục tiêu Tổng nha cảnh sát ngụy, giáng cho chúng một cú đấm chí mạng vào lực lượng kìm kẹp, ác ôn khét tiếng nhất miền Nam. Một góc nhà giám đốc Tổng nha bị sập, 6 cố vấn Mỹ cùng 150 cảnh sát ngụy bị diệt, trong đó có 1 thiếu tá và nhiều sĩ quan cấp úy. Một thất bại cay đắng đối với chính quyền ngụy Sài Gòn. Chúng tức tối ra lệnh bắt bớ, tảo thanh điên cuồng, nhưng làm sao xóa được trận đòn đau đớn nhớ đời.

Sau này, chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan chỉ huy lực lượng cảnh sát miền Nam cũng phải đền tội vì sự trừng phạt của ta.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #25 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2010, 12:52:53 pm »

TẤN CÔNG KHÁCH SẠN METROPOL

Được hỏi về vị trí của Metropol bây giờ, thiếu tá Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê) suy nghĩ một lát rồi khẳng định: khách sạn vẫn nằm y xì ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1 nhưng đã rất khác so với gần 40 năm trước. Nó được tân trang, "tút" lại bằng những vật liệu kiến trúc mới đắt tiền. Nói chung nó đồ sộ, sang trong hơn gấp nhiều lần khi những người chủ mới đổ tiền ra kinh doanh với phương thức hiện đại trong thời cơ chế thị trường, chứ không phải là nơi chứa chấp bọn giặc xâm lược như trong thập niên 60 thế kỷ XX này. 

- Vâng, đó là sự đổi mới chóng mặt ngày nay - tôi nói - nhưng nó vẫn là một chứng tích lịch sử mà anh Bảy và những đồng đội không thể quên. 

Bảy Bê cười: 

- Quên sao được, trông vậy nhưng tụi tôi sống chết ở đó và chiến tích Metropol cũng chỉ xảy ra trong khoảnh khắc, có thể ví như châm điếu thuốc hút được vài hơi là xong trận đánh vang dội cả thế giôi.

Trận tập kích khách sạn Metropol được tái hiện qua lời kể của nhân chứng số một, đang mang chiếc Huân chương Chiến công từ trận đánh kỳ diệu này.

Dạo đó, Đoàn biệt động F100 mới thành lập để chuẩn bị cho "Kế hoạch X” giải phóng Sài Gòn, với lực lượng rất mạnh, quy tụ 12 đội biệt động; từng gây bao nỗi kinh hoàng cho Mỹ, ngụy trên mảnh đất Sài Gòn. F100 có nhiệm vụ tấn công vào các mục tiêu đầu não địch, đồng thời là "quả đấm" chiến lược khi thời cơ xuất hiện. 

Vào đầu quý 3 năm 1965, Tham mưu trưởng Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) gọi Bảy Bê từ Sài Gòn ra căn cứ giao nhiệm vụ, ông nói giọng cởi mở:

- Quân khu giao cho F100 tập kích khách sạn Metropol là mục tiêu lớn rất quan trọng, vì đây là nơi trú đóng của sĩ quan phi công Mỹ và nhân viên kỹ thuật. Đội 5 có truyền thống, từng đánh sập Sứ quán Mỹ, cho bọn Tổng nha cảnh sát ăn đòn. Lần này chắc các cậu lại đảm nhiệm mục tiêu Metropol. 

Bảy Bê đáp lời ngay: 

- Đội 5 sẵn sàng. Khó như Brink, Caravelle, Sứ quán Mỹ... tụi tôi vẫn chơi tới ổ. Metropol cũng vậy thôi. Cấp trên tin tưởng giao cho Đội 5 đó là điều vinh dự. Chúng tôi ráng hết sức hoàn thành nhiệm vụ - Bảy Bê đột nhiên hỏi - Vậy anh Tư có nghe Quân khu nói đánh mục tiêu này bằng phương án nào không? 

Tư Chu nói nghiêm túc: 

- Phải tổ chức điều nghiên trước đã, từ đó mới chọn ra phương án tối ưu. Chắc chắn khi đơn vị trình lên, Quân khu sẽ góp ý bổ sung.

Bảy Bê khăn gói vào Sài Gòn. Vẫn cái dáng đi chắc nịch pha lẫn nét hào nhoáng làm đỏm của một thanh niên thành phố sành điệu, ăn bận chải chuốt lịch sự, nhưng không giấu nổi nước da ngăm ngăm của anh dân quê. Sau khi quan sát Metropol khá kỹ lưỡng, đơn vị đã có những thông tin đầu tiên về mục tiêu này.

Đó là một cư xá hay gọi là một khách sạn cũng được, cao 7 tầng, cấu trúc kiên cố, tọa lạc ở cua khuỷu tay Trần Hưng Đạo - Nguyễn Cư Trinh. Mặt tiền quay ra đại lộ Trần Hưng Đạo, phía sau là cư xá Nguyễn Cư Trinh. Bên hông tòa nhà hướng bắc là bãi trống (bãi đậu xe).

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #26 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2010, 12:53:00 pm »

Trong khách sạn thường xuyên có từ 170 đến 200 sĩ quan phi công và nhân viên kỹ thuật trú đóng. Chúng được bảo vệ khá chu đáo, gồm 2 đại liên 30 đặt trên sân thượng, 2 chiếc xe Jeep trang bị trung liên và tiểu liên cực nhanh AR15. 4 xe mô tô Aclây thường trực cơ động bảo vệ và ứng chiến khi có tình huống xảy ra. Một toán cảnh vệ canh gác phía trước, cùng với một hàng thùng phuy cát làm vật chắn.

Cửa sau khách sạn thông ra bến xe Nguyễn Cư Trinh. Tại đây có 2 quân cảnh Mỹ canh gác. Bảo vệ vòng ngoài Metropol hằng ngày có các tốp quân cảnh đứng chốt ở ngã ba, ngã tư Trần Hưng Đạo. Từ đường Nguyễn Cư Trinh đến đường Cống Quỳnh, có nhiều khu nhà ở của Mỹ. Chung quanh khu vực khách sạn có nhiều quán bar, bọn mật vụ nổi, chìm trà trộn hoạt động

Qua hồ sơ cơ bản của Metropol phơi bày trên mặt giấy kết hợp với số liệu của quân báo về Quân khu, sắc lính và quy luật hoạt động, đơn vị đã có những kết luận về địch: quân Mỹ ở trong mục tiêu kiên cố, được lực lượng đặc trách bảo vệ thường xuyên và có khả năng ứng chiến nhanh. Mặt khác, khách sạn này dành riêng cho người Mỹ nên ta rất khó xâm nhập vào điều nghiên bên trong hoặc bí mật gài chất nổ. Khu vực này có nhiều đơn vị quân Mỹ, địch chú ý tăng cường biện pháp an ninh để phát hiện đối phương; khi bị tấn công, chúng dễ dàng cơ động phong tỏa mục tiêu.

Tuy nhiên, do có đông lực lượng, địch có tâm lý chủ quan, để lộ những sơ hở mà ta có thể lợi dụng như hai bên hông và phía sau ba bề trống trải, khi tập kích xong đều có lối thoát bằng đường lớn cơ động ô tô và xe máy. Trong mục tiêu, quân số đông, khi bị ta tấn công dễ bị rối loạn, dẫn đến tiêu hao nặng

Như vậy, những khó khăn và thuận lợi của trận đánh đã hiện ra khá rõ ràng, bây giờ chỉ cần xác định phương thức tấn công mục tiêu là có thể hạ quyết tâm trận đánh.

Qua phân tích tình hình, tập thể đơn vị thấy rõ tử huyệt của Metropol: phía trước (đường Trần Hưng Đạo) có mạng lưới địch bảo vệ nghiêm ngặt, lúc nào cũng có bọn lính đi lại, đã thế, chúng lại đặt dãy thùng phuy cát làm chướng ngại, đồng thời tập trung hỏa lực đại liên, trung liên về phía trước; do đó loại trừ hướng tấn công chính diện, vậy chỉ còn phương án đột kích phía sau tòa nhà vì ở đây tuy có lính gác, nhưng địa hình thuận lợi cho việc khống chế địch và rộng đường lui quân.

Phương án tác chiến của Đội 5 hình thành: sử dụng hỏa lực và xung lực công khai tập kích khách sạn Metropol, thủ đoạn chiến thuật là dùng phương tiện ô tô chở chất nổ và chiến đấu viên đánh trực tiếp vào tòa nhà bằng đường tiếp cận phía sau.

Theo yêu cầu của phương án thì phải dùng một lượng nổ tới 400 ki-lô-gam mới đủ sức phá hủy tòa nhà 7 tầng, tức là gấp đôi lượng nổ đánh vào cư xá Brink đêm Noel 1964. Để đưa khối nổ lớn này tới mục tiêu, phải sử dụng 2 xe hơi, một xe chở thiết bị chất nổ và một xe chở xung lực đi theo bảo vệ, yểm trợ cho chiến sĩ xung kích cảm tử lao chiếc xe hơi chở khối nổ vào tòa nhà, điểm hỏa phá hủy mục tiêu.

Như vậy trận đánh lớn này đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là khâu đảm bảo cơ sở vật chất. Việc này, phân đội chiến đấu hoàn toàn yên tâm do đã có một đường dây bí mật vận chuyển vũ khí tới bàn đạp vùng ven Thủ Đức và thiết bị kỹ thuật cho khối nổ được coi là lớn nhất từ trước đến nay. Bộ phận đi mua sắm xe hơi cũng đã khẩn trương lo liệu song song với bộ phận đảm bảo khối nổ. Đến cuối tháng 11 năm 1965, công tác chuẩn bị mọi mặt cho trận đánh cơ bản hoàn thành. 

Ban chỉ huy F100 chấp thuận cho Đội 5 biệt động bước vào trận tập kích khách sạn Metropol, được ấn định vào ngày 4 tháng 12 năm 1965, đây là thời điểm Mỹ tăng quân vào miền Nam ồ ạt. Ở Sài Gòn lính Mỹ đầy ngập các khách sạn, vũ trường và những tụ điểm ăn chơi xả lâng của đám kiêu binh “nước lớn".

Chỉ huy trưởng Tư Chu nói với Bảy Bê

- Trận này đánh nhằm vào tiêu diệt sinh lực Mỹ và cảnh cáo cho chúng biết rằng miền Nam Việt Nam không phải là một bang của Hoa Kỳ. 

Bảy Bê cũng vui vẻ phụ theo:

- Đòn Brink, Sứ quán Mỹ đã quá đau với bọn Mẽo, nhưng chắc là chưa đủ đô. Kỳ này dành bọn phi công là lực lượng cao cấp của chúng, cũng là trừng trị bọn xâm lược hằng ngày đi gây tội ác với nhân dân ta trên hai miền Nam Bắc.

 - Đúng thế, nhưng để trận đánh đạt hiệu suất cao, cần có nhiều yếu tố, trong đó con người là quan trọng nhất. 

Bảy Bê có vẻ tâm đắc:

- Tôi hiểu cấp trên tin tưởng vào kinh nghiệm dày dạn của anh em Đội 5. 

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #27 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2010, 12:53:29 pm »

Bảy Bê được F100 giao nhiệm vụ chỉ huy trận tiến công Metropol. Anh trực tiếp phân công:

- Tổ 1 gồm 5 đồng chí làm nhiệm vụ xung kích. Trong đó Bảy Bê chỉ huy trực tiếp kiêm tài xế, trang bị một tiểu liên K50 và một súng ngắn K54. Tư Châu sử dụng một súng ngắn và hai quả lựu đạn, có trách nhiệm đánh bồi quả mìn định hướng ĐH10 sau khi khối nổ 400 ki-lô-gam phá tung tòa nhà, bọn lính nhốn nháo trên hiện trường. Ba Minh và Tư Chưởng, mỗi người thủ một K50, một K54, hai lựu đạn làm nhiệm vụ yểm trợ cho xe chở chất nổ tấn công khách sạn và rút lui. Ngoài ra trên xe còn có 30 quả lựu đạn đề phòng trường hợp xấu nhất phải "tử chiến” với địch trong vòng vây.

- Tổ 2 gồm hai chiến đấu viên chở xe thiết bị khối nổ đánh trực tiếp vào khách sạn do Lý Cảnh Nè, một chiến sĩ biệt động khét tiếng với địch lái xe. Anh thủ súng ngắn và lựu đạn. Ngồi trên xe hỗ trợ cho Lý Cảnh Nè là bí số 503, kiêm chỉ huy phó trận đánh, trang bị một tiểu liên K50, một súng ngắn và hai lựu đạn. Chiến đấu viên Triệu Tử Long, người từng gây kinh hoàng cho bọn Mỹ trong thành phố, chạy xe máy theo xe Lý Cảnh Nè, làm nhiệm vụ bảo vệ và phụ xế và chở tài xế Nè rút lui khi đã lao xe chất nổ vào mục tiêu và điểm hỏa xong. Anh trang bị một súng K54 và nhiều lựu đạn. Riêng xe chở 400 ki-lô-gam thuốc nổ TNT (có thuốc nổ mạnh C4 làm mồi) thiết bị trong thùng phuy được gây nổ với 3 khả năng: kíp axít hẹn giờ, kíp nổ chậm gắn đồng hồ hẹn giờ, kíp nổ gắn nụ xòe có thời gian và nổ tức thì. 

- Tổ 3 gồm bốn chiến đấu viên có nhiệm vụ khống chế các bãi xe, do Sáu Rồi chỉ huy, trang bị súng ngắn và nhiều lựu đạn. Các chiến đấu viên sử dụng xe gắn máy hành quân cùng xe hơi.

Ngoài ra chiến đấu viên Bảy Long, chạy xe gắn máy, trang bị một khẩu K54, ba quả lựu đạn, chốt lại ngã ba Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh. sẵn sàng chặn địch đổ về phía mục tiêu khi mìn nổ ở Metropol. 

Các tình huống dự kiến được đặt ra cụ thể: Đơn vị xuất phát từ xã Phước Long (Thủ Đức) bằng xe hơi và xe gắn máy, nếu đụng địch ở thị trấn Thủ Đức, xe trinh sát sẽ nổ súng ngăn chặn cho các xe khác vượt lên. Nếu qua khỏi cầu Sài Gòn mà đơn vị tiếp tục đụng địch thì xe bảo vệ vượt lên đánh tiếp, còn xe chở thiết bị nổ và xe chở xung kích tiếp tục hành quân đến mục tiêu Metropol.

Nếu đụng địch ở cầu Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ) thì quay qua đánh Đài phát thanh Sài Gòn (lúc này đường Điện Biên Phủ còn chạy hai chiều). Tình huống 4 nếu bị trở ngại, không đến được đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng tháng Tám) thì ngoặt sang đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai), quẹo trái sang đường Bùi Chu (Tôn Thất Tùng) qua Võ Tánh (Nguyễn Trãi) tới rạp Khải Hoàn rẽ sang Cống Quỳnh... kiên quyết đánh địch dọc đường cho xe chất nổ tới khách sạn Metropol.

Bốn tình huống cụ thể đặt ra cho thấy quyết tâm của chỉ huy F100 và Đội 5 rất cao, giá nào cũng tiêu diệt cho được mục tiêu, hoàn thành sứ mệnh trận đánh theo ý đồ của cấp trên.

Tới đây công tác bảo đảm cũng rất rõ ràng: tổ quân báo F21 không những phụ trách toàn bộ công tác điều nghiên mục tiêu, mà còn điều nghiên cả đường tiếp cận mục tiêu và đường rút lui của toàn phân đội biệt động. Toàn bộ vũ khí cho cánh nam Thủ Đức vận chuyển và xã Phước Long chuẩn bị, đưa đến điểm quy định đúng thời gian.

Sau khi đánh xong, tổ cất giấu phương tiện vận chuyển vũ khí nhanh chóng đưa xe lên Củ Chi bàn giao cho cơ sở đúng theo nguyên tắc biệt động. Các cơ sở nội thành được phân công sẵn sàng đón các chiến đấu viên trên các hướng rút lui và bảo vệ an toàn, không để tổn thất lực lượng.

Quân ra cho trận đánh được giàn khá công phu. Anh em chiến đấu viên có mặt nghe phổ biến nhiệm vụ tràn đầy khí thế lập công. Trong trạng thái hưng phấn chuẩn bị vào trận, mọi người bất ngờ được đón tiếp các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Quân khu. Tư lệnh Quân khu Trần Hải Phụng, Chính ủy Nguyễn Ngọc Lộc (Tư Quỳ), Chủ nhiệm chính trị Đặng Quang Long và Ban chỉ huy F100 tới gặp từng nhóm chiến đấu cổ vũ, khích lệ và kiểm tra phương án tác chiến cũng như công tác chuẩn bị cho trận đánh.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #28 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2010, 12:53:44 pm »

Anh em cảm thấy rất vinh dự vì được các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Quân khu quan tâm. Ai cũng nghĩ rằng mình phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa, nhất là trong trận đánh này phải giành được chiến thắng giòn giã. Khi gặp chiến sĩ có nhiệm vụ chặn viện, Tư lệnh Trần Hải Phụng hỏi:

- Nếu đồng chí vừa dừng xe lại để ném lựu đạn mà đột nhiên có người chạy đến giựt xe, trong trường hợp ấy đồng chí xử lý như thế nào?.

Vốn đã được rèn luyện thử thách qua chiến đấu, người chiến sĩ bình tĩnh trả lời: 

- Thưa thủ trưởng, khi người chiến đấu viên dừng xe lại là phải lập tức quan sát. Kẻ nào đến giựt lẹ như vậy là địch, mình bắn ngay hoặc ném lựu đạn rồi tẩu thoát.

Đồng chí Tư lệnh gật đầu hỏi tiếp: 

- Nếu đang chạy trong tư thế rút lui, địch rượt theo, mà rủi hư xe thì sao? 

Ngưòi chiến sĩ suy nghĩ một lát rồi trả lời dứt khoát:

- Thưa thủ trưởng, đã hư xe thì không thể nào chạy được, lúc đó phải nhanh chóng tấp vào bến xe hoặc nơi đông người, địch bị cản và dễ lạc hướng, từ đó mình lẩn đi xa nơi khác. Trường hợp biết đích thực là Quân giải phóng, quần chúng thường che chở, cản địch cho ta chạy thoát.

Đồng chí Tư lệnh có vẻ hài lòng về cách xử lý thông minh và quyết đoán của người chiến sĩ. Đồng chí chính ủy trắc nghiệm một chiến sĩ trong tổ xung kích:

- Khi đang chạy xe mà có người chồm ra, cản lại, đồng chí giải quyết ra sao? 

- Chúng em đã được huấn luyện kỹ tình huống này - người chiến sĩ rắn rỏi trả lời - lúc đó phải bình tĩnh một tay lái xe, một tay sử dụng vũ khí. Nếu địch đến bao vây, phải vật lộn với chúng thì lựa thế luồn súng vào bụng hắn mà bắn và cũng có thể dùng lựu đạn đối phó để thoát vây. 

Chính ủy vui vẻ bắt tay người chiến sĩ:

- Vậy là 90 phần trăm chắc thắng?...

Buổi gặp gỡ các đồng chí chỉ huy chiến trường Sài Gòn - Gia Định làm tăng thêm chí khí của các chiến sĩ biệt động sắp tới giờ xuất trận. Nó như liều thuốc kích thích tinh thần của những con người ham muốn lập công, sẵn sàng cảm tử vì lợi ích của cách mạng.

4 giờ sáng ngày 4 tháng 12 năm 1965, trời còn lòa nhòa trong màn sương, từ căn cứ du kích xã Phước Long, các chiến sĩ Đội 5 biệt dộng xuất phát hành quán. Cả đoàn xe nổ máy dần dần lăn bánh tiến về phía Sài Gòn. Chiến xe gắn máy của Bảy Long vượt lên trước dẫn đường (tới đích anh còn phải làm nhiệm vụ chặn viện). Tiếp đó là xe máy của Lý Cảnh Nè chở thùng phuy thuốc nổ, chạy sau là xe chở xung lực do Đội trưởng Bảy Bê chỉ huy. Sau này là 3 xe máy bao đuôi (hộ tống). Đội hình giữ cự ly gián tách quy định để sẵn sàng hỗ trợ cho nhau. 

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #29 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2010, 12:53:50 pm »

Trời vẫn còn rất sớm, sinh hoạt của người dân còn lẻ tẻ. Rải rác có những người qua lại trên đường. Những căn nhà đã bật đèn thức giấc. Dọc đường, bọn lính gác bót, gác cầu có vẻ uể oải. Chúng lờ ngơ trông đoàn xe của Bảy Bê đi qua, chắc là đám cưới này có việc gì ở Sài Gòn mà mặc đồ sơ vin nghiêm chỉnh, trông vừa se sua lại có vẻ dữ dằn.

5 giờ sáng, đội hình chiến đấu của phân đội biệt động đã đến trước mục tiêu khách sạn Metropol. Chiếc xe chở bộ phận xung kích tự nhiên trở chứng không trả số được. Bảy Bê lo lắng, nhưng anh liền hãm ga, quanh cua một lát thì khắc phục được sự cố và cho vọt lên trước xe chở chất nổ, tiến sát hông tòa nhà, anh liếc thấy trên sân trống có khoảng trên một chục chiếc xe GMC đang đậu.

Mấy tên quân cảnh thấy lạ, đưa súng lên, Bảy Bê liền ra lệnh nổ súng. Chưởng và Minh lập tức nhả đạn. Hai tên quân cảnh gác cửa chết ngay tại chỗ. Tổ xung kích nhảy xuống xe khống chế địch từ bãi xe đến sát tòa nhà bằng các loạt tiểu liên, yểm trợ cho Lý Cảnh Nè phóng chiếc xe chở chất nổ lao vào khách sạn. Sau khi giật nụ xòe điểm hỏa, Nè và bí số 503 thoát nhanh ra ngoài, các chiến sĩ đánh lựu đạn và quét tiểu liên đẩy bọn cảnh sát vào thế bất lực, không thể xông ra chống trả toán biệt động của ta.

Bị tấn công bất ngờ, bọn địch trong khách sạn hoảng loạn, chưa kịp phản ứng thì một tiếng nổ xé trời làm tòa nhà cao tầng rệu xuống ngập trong khói lửa. Toàn bộ trận đánh kể từ lúc nổ súng, diễn ra không đầy 4 phút. 

Lợi dụng màn khói mù bao phủ không gian, các chiến sĩ biệt động nhảy lên chiếc xe do Bảy Bê lái, lao vút khỏi trận địa, anh em không quên rút những tờ truyền đơn kêu gọi lính Mỹ phản chiến, tung xuống đường. Số chiến sĩ hộ tống và bảo vệ xe chở khối nổ cũng đã nhanh lóng rút đi theo các hướng.

Mới mờ sáng, đường còn thưa vắng, Bảy Bê cho xe chạy theo đường Nguyễn Cư Trinh ra Cống Quỳnh - Bùi Thị Xuân - Lê Văn Duyệt - Yên Đỗ (Lý Chính Thắng). Trên đường rút lui, Sáu Rồi bị một tên cảnh sát đuổi theo. Biết là hắn “ham ruồi” hòng bắt sống, anh vừa chạy xe vừa rút súng bắn trả. Tên cảnh sát sợ quá phải bỏ xe, chạy trốn. Sáu Rồi ung dung thoát đi.

Bảy Bê chạy đến một điểm trên đường Trần Quang Khải thì dừng lại. Anh em xuống xe đi vào nhà cơ sở biệt động, trút bỏ vũ khí cho người nhà đi cất giấu. Lúc này dường như đường phố còn chưa tỉnh ngủ. Người nhà cơ sở chưa hiểu ra lẽ gì nhưng tại khách sạn Metropol là một hình tượng kinh hoàng đối với Mỹ, ngụy.

Tòa nhà 7 tầng bị phá tung từ tầng trệt trở lên, chỉ còn những miếng bê tông sắt thép dính vào nhau lơ lửng. Gạch đá bay tứ tung, bọn cảnh sát cứu hộ và lính cứu hỏa đang lôi trong đống đổ nát ra những xác chết rách mướp, tưa tải dính đầy máu. Đó là số phận của 160 tên sĩ quan phi công lái “thần sấm", “con ma”, “thanh bảo kiếm", "phượng hoàng” ... bị thương vong trong khoảnh khắc 30 giây đồng hồ điểm hỏa của khối mìn “sư tổ” nặng 400 ki-lô-gam.
Đoạn đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Cư Trinh đầy rẫy cảnh sát, nhưng chúng chỉ còn biết đứng nhìn tòa nhà Metropol với vẻ lo sợ kinh hoàng. Một tổn thất hiếm có. Còn các quan chức Mỹ và Thiệu thì thấy rõ ràng cuộc chiến ở trong lòng Sài Gòn là có thật, cộng sản đã đưa chiến tranh vào thành phố. Kế hoạch hai giọng kìm “tìm diệt” và “bình định” đang có nguy cơ bị phá sản trong mùa khô thứ nhất.

Về phía Đội 5 biệt động, 12 chiến đấu viên tham gia trận đánh an toàn 100 phần trăm. Nhưng dù sao Bảy Bê và đồng đội của anh vẫn còn có chỗ để tiếc rẻ trước một chiến quả vang dội, là do lúng túng khi xâm nhập mục tiêu nên không thực hiện được cú đánh bồi như trong kế hoạch: để chúng lấy mất quả mìn ĐH10. Thứ hai, canh độ lệch của khối nổ không đúng nên không phát huy, hết sức công phá của nó để phá hủy các tầng lầu phía trên. mà đào xuống đất một phần.

Trận đánh được thưởng Huân chương Quân công cho tập thể và nhiều Huân chương Chiến công cho cá nhân, một lần nữa góp phần tôn vinh Đội 5 biệt động lên vị trí cao quý: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.

Những chứng tích năm xưa, ngày nay có thể đổi thay, thậm chí biến mất trên thành phố như Đại sứ quán Mỹ tại 4A đường Lê Duẩn, nhưng những chiến tích vinh quang của Đội 5 biệt động Sài Gòn thì mãi mãi đi vào bất tử.A
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM