Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:47:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Biệt động Sài Gòn - Những chuyện bây giờ mới kể  (Đọc 107998 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2010, 04:45:58 pm »



Tên sách: Biệt động Sài Gòn - Những chuyện bây giờ mới kể

Tác giả: Hồ Sĩ Thành
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2007
Số hoá: ptlinh, Sao Vàng

LỜI GIỚI THIỆU  


Biệt động Sài Gòn xuất hiện trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, như một sự tất yếu của lịch sử: Cần phải có một đặc chủng tinh nhuệ, với lối đánh độc đáo xuất thần mới tiến công được những mục tiêu trung ương đầu não của địch nằm sâu trong hang ổ cuối cùng của chúng, nhằm tiêu diệt sinh lực cao cấp, phá hủy phương tiện tối tân của địch và đặc biệt là gây tiếng vang chính trih, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân thành phố cũng như cả nước.

Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, nghệ thuật Biệt động phát triển đến đỉnh cao, đã giáng những đòn sấm sét xuống đầu thù, lập nên những chiến công vang dội làm chấn động trong nước và thế giới, nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, góp phần cùng cả nước đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh... dẫn tới thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ (30-4-1975.)

Những chiến sĩ biệt động bình thường, được nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng, đã trở thành những thiên thần xung trận, gieo bao nỗi kinh hoàng cho bọn xâm lược và tay sai của chúng. Lịch sử sẽ mãi mãi nhắc tới những cái tên: Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê), Nguyễn Văn Tăng, Bành Văn Trân, Nguyễn Văn Kịp, Lâm Sơn Náo, Trần Phú Cương (Năm Mộc), Lê Văn Việt, Trần Thị Mai, Đoàn Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Thu Trang... gắn liền với những chiến công: Majestic, tàu Card, Đại sứ quán Mỹ, Tổng nha cảnh sát, cư xá Brink, khách sạn Carallelle, Metropol, Victoria, nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, bar Kiện Liên ...

Thượng tá Hồ Sĩ Thành (nhà thơ Linh Giang Hội viên Hội nhà văn Việt Nam) từng chiến đấu nhiều năm trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định, đã chủ biên, cùng một số tác giả biên soạn cuốn "Lịch sử Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định 1945 - 1975" đã được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2003.

Sau công trình nghiên cứu lịch sử này, trên cơ sở nguồn sử liệu phong phú, vốn sống thực tế và cảm xúc của mình, tác giả đã dày công tái hiện hình ảnh những chiến sĩ biệt động với những trận đánh tiêu biểu của lực lượng biệt động từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, trong cuốn sách mang tên "Biệt động Sài Gòn - những chuyện bây giờ mới kể”.

Đây là tập sách viết theo thể loại truyện ký (người thật việc thật) khá sinh động, có sức cuốn hút người đọc.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

« Sửa lần cuối: 14 Tháng Ba, 2021, 12:57:01 pm gửi bởi ptlinh » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #1 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2010, 04:47:42 pm »

BIỆT ĐỘNG - NỖI KINH HOÀNG CỦA BỌN TAY SAI

Biệt động Sài Gòn xuất hiện rất sớm, ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp và phát triển nhanh theo đặc thù của một thành phố là trung ương đầu não địch. Cần phải có những trận đánh ngay hang ổ chúng, tiêu diệt sinh lực cao cấp, gây chấn động mạnh trong và ngoài nước.

Trong chuyến đột nhập táo bạo thị sát Sài Gòn của Khu trưởng Nguyễn Bình đã dẫn đến kết quả thành lập lực lượng Ban công tác thành ngày 6 tháng 1 năm 1946. Đây chính là tiền thân lực lượng biệt động nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Từ đây, những trận đánh không tiền khoáng hậu, xuất kỳ bất ý làm rung chuyển tận sào huyệt quân thù, trở thành nỗi kinh hoàng của bọn xâm lược và tay sai trong thành phố Sài Gòn.  

1. Lan Mê Linh thi hành bản án Hiền Sĩ

Trời đã xế trưa. Cô gái trẻ xinh đẹp. bận quần trắng, áo dài màu tím hoa cà, tay cầm bóp đầm sang trọng đến ngồi trên băng ghế đá trước toà soạn báo Phục hưng ở góc đường Bonnard (Lê Lợi ngày nay) kế chợ Bến Thành, vẻ bồn chồn như đang chờ ai. Tuy vậy trên khuôn mặt điềm tĩnh của cô hiện nét sắc lạnh của một người đang thực thi một nhiệm vụ hệ trọng.

Đã tới giờ tan sở, cô gái ngước lên phía toàn soạn, ở đó một người đàn ông tầm thước bước ra, đi xuống cầu thang, hai gã vệ sĩ đi sau đoán chừng cô gái là bồ ông chủ nên có vẻ lơ đãng.

Người đàn ông thắt caravát đến gần chiếc xe hơi đợi sẵn. Lập tức cô gái đứng dậy tiến lại chiếc xe, rút phắt khẩu súng ngắn 6.35ly nhắm vào đầu y bóp cò. Ba phát đạn nổ vang. Tên Việt gian đổ gục xuống, nhưng y lại nhoai lên. Cô gái bấm cò lần thứ tư nhưng súng bị kẹt đạn. Cô liền quay chuôi súng đập mạnh vào mặt hắn. Lúc này hai tên vệ sĩ mới định thần nhào tới như hổ chụp mồi, ghì chặt hai tay cô gái, đẩy lên xe. Tên Việt gian mặt bết máu, rên ư ử như bị chọc tiết.

Sự việc trưa ngày 12 tháng 2 năm 1946 xảy ra quá nhanh, nhưng dân chúng chợ Bến Thành đã kịp nhận ra cô gái trẻ măng ám sát chủ bút tờ báo Phục hưng - Hiền Sĩ, một tên Việt gian cỡ bự đang hô hào chủ trương chia cắt đất nước Việt Nam, lập nước Nam Kỳ tự trị cho thực dân Pháp.

Ta đã viết thư cảnh cáo nhiều lần nhưng Hiền Sĩ càng lún sâu vào âm mưu của Pháp chủ trương Nam Kỳ của người Nam Kỳ, một chính sách sực mùi phản động, chia rẽ dân tộc. Trưởng ban ám sát Nguyễn Đình Chính (sau này được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu trưởng Nguyễn Bình chỉ thị đội nữ trinh sát thi hành bản án tử hình đối với tên phản quốc Hiền Sĩ. Nhiệm vụ khó khăn và quan trọng này đã một lần tổ trinh sát thực hiện không trót lọt. Tâm và Lộc bị bắt, nên Lan Mê Linh xin trưởng ban Nguyễn Đình Chính đích thân thực hiện.

Đồng bào xôn xao đồn đãi không ngớt về Lan Mê Linh giết tên chủ bút Việt gian Hiền Sĩ, nhưng không hề biết hành tung người chiến sĩ bí mật này.

Lan Mê Linh sinh năm 1929 tại huyện Mê Linh, tỉnh Hải Dương bởi thế có mới có cái tên có vẻ lai tây đó. Lan theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống từ trước năm 1945, ngụ tại nhà cụ Nhì trong chợ Bến Thành ngay dưới tháp Chuông đồng hồ. Tại đây Lan làm quen và kết thân với cô bạn cùng trang lứa tên là Lộc, cũng là người tha hương như cô. Mùa thu năm 1945 hai chị em cùng bỏ nhà ra bưng biền đi theo kháng chiến và lại gặp nhau ở Trường Quân chính Khu 7 ở Vườn Thơm, Bình Chánh.

Trong một chuyến đi công tác, Lan bị địch bắt. Lúc đó đã bước sang tuổi 17. Lan trổ mã mượt mà duyên dáng. Tên sếp bót ngẩn ngơ trước sắc đẹp của Lan nên dụ dỗ cô làm vợ. Trong lòng ghét cay ghét đắng nhưng cô gái giả vờ đắn đo suy nghĩ ra chiều ưng thuận. Thực chất là để hắn nới lỏng sự ràng buộc của hắn đối với Lan. Quả nhiên tên sếp bót không trói cô mà còn ngọt ngào ve vãn. Trời chạng vạng tối, thời cơ được tự do, Lan chạy trốn và tìm cách vào rừng trở về đơn vị.

« Sửa lần cuối: 16 Tháng Sáu, 2010, 06:40:53 pm gửi bởi hoacuc » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #2 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2010, 04:47:49 pm »

Sau khóa học quân chính dành cho các nữ sinh Sài Gòn, năm chiến sĩ, trong đó có Lộc trở vào nội thành lót ổ xây dựng cơ sở trú ém để hoạt động. Năm chị em tá túc trong tiệm hớt tóc Văn Thủy 77 Mayer (Võ Thị Sáu). Chủ nhà, anh Văn Thủy cũng là người ở căn cứ kháng chiến trở lại nội thành, do có ngoại hình rất phù hợp, giống y tên tây lai mật thám, da trắng, mũi cao, mắt sâu... Văn Thủy tính hào phóng sẵn lòng "bao” các cô gái mê đánh giặc. Trong nhà có gì ăn nấy giữa thời buổi Sài Gòn cơm cao gạo kém.

Dạo đó, khi về thăm mẹ ở ngã năm Bình Hòa (Bình Thạnh), Lộc được mẹ cho một sợi dây chuyền vàng. Cô đem bán, chia cho mỗi người một ít “dằn túi", còn phần lớn giao cho Lan Mê Linh mua chanh đường, mở quán giải khát trước nhà Văn Thủy, vừa để kiếm tiền sinh sống vừa làm bình phong che mắt bọn mật thám.

Một hôm trưởng ban ám sát Chính xuất hiện tại tiệm hớt tóc Văn Thủy. Anh bí mật giao nhiệm vụ cho Bông và Lan ném lựu đạn vào quán ăn Coq d’or (Gà Vàng) tại góc đường Catinat - D'ormay (Đồng Khởi - Mạc Thị Bưởi) nơi bọn Pháp thường ăn uống. Lan và Bông đến quán Gà Vàng thấy bọn Pháp rất đông vừa ăn vừa cười nói ồn ào, đây là trận đánh đầu tiên nên Lan hồi hộp quá. Cả hai rút chốt liệng lựu đạn vào quán. Tiếng nổ đinh tai lẫn trong khói mù và tiếng la lối vô cùng hỗn loạn. Thời cơ đến, hai cô gái rút lui an toàn.  

Trận đầu thắng lợi, các nữ chiến sĩ lên tinh thần. Trưởng ban số 1 lại đến tiệm Văn Thủy giao tiếp nhiệm vụ diệt tên đô đốc D’Argenliêu Cao ủy Đông Dương. Y là một thầy tu nhưng có tham vọng chính trị, nặng đầu óc thực dân. Vài ngày y lại tới dinh thống soái thuyết trình cho đám quan chức cao cấp...

Ba người được vinh dự nhận nhiệm vụ trừng trị tên cao ủy là Bông, Lan và Lộc. Cả ba vào tới nơi nhưng không thể tiếp cận mục tiêu ở cự ly gần, ném lựu đạn tới nên đành phải mang về. Dọc đường ngang chợ Tân Định, thấy có một tiệm ăn, Lan định đánh nhưng hai bạn ngăn lại vì chưa có sự điều nghiên chuẩn bị.

Không giết chết được tên Hiền Sĩ (chỉ bị thương nặng) lại bị bắt giam, nhưng cô gái mặc áo dài màu tím hoa cà đã làm kinh thiên động địa khu vực chợ Bến Thành, khiến bọn tay sai cực kỳ lo sợ. Lan Mê Linh bình thản vào nhà giam bót Catinat, Lộc cũng bị bắt vào đây từ tuần trước, bị đánh dập tàn nhẫn, hai chân đập nát, nhấc không nổi nhưng hai chị em bảo nhau nhất định không khai báo, quyết liều chết để bảo vệ cơ sở.

Sáng hôm sau, địch đưa hai người ra đối chất nhưng Lan và Lộc đều không nhận có biết nhau. Chúng đưa hai chiếc áo dài cùng một thứ vải ra, cùng may một hiệu để làm "vật chứng”, nhưng cả hai “nhân chứng” một mực không thừa nhận. Thế là những trận đòn thù lại trút xuống thân thể trần trụi của hai cô gái trẻ.

Ba tuần sau địch đưa Lan Mê Linh ra tòa và kết án tử hình.

Luật sư Ngô Sách Vinh, một trí thức kháng chiến được tổ chức phân công biện hộ cho người nữ chiến sĩ dũng cảm, ông lập luận thật hùng hồn trước bọn quan tòa rằng đây là hành động yêu nước của một cô gái, chống lại sự chia cắt đất nước, được công chúng đồng tình cũng như người Pháp đã đứng lên kháng chiến chống bọn Đức quốc xã xâm lăng.

Lời bào chữa đầy thuyết phục của người luật sư yêu nước đã góp phần hạ bản án tử hình của Lan Mê Linh xuống còn 20 năm tù khố sai. Nhưng chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam chỉ tồn tại đến năm 1954, khi cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc kết thúc, Lan Mê Linh được trao trả tù binh theo Hiệp định Giơ-ne-vơ (20 - 7 - 1954)

Với chiến công diệt tên phản động hô hào chia cắt đất nước, Lan Mê Linh trở thành người nữ chiến sĩ biệt động đầu tiên mở màn phong trào diệt ác trừ gian giữa hang ổ giặc tại Sài Gòn.  

Từ khi được trả tự do, Lan Mê Linh trở về đội ngũ cách mạng tiếp tục hoạt động, sau đó nghỉ hưu và mất tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1 tháng 2 năm 1985.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Sáu, 2010, 06:41:24 pm gửi bởi hoacuc » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #3 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2010, 04:49:12 pm »

2. Cái chết của đại tá Imfelt.

Báo chí Sài Gòn bỗng rộ lên đưa cái tin chấn động: đại tá Imfelt, Uỷ viên cộng hòa Pháp bị hạ sát trong khách sạn Hotel des Nations, 68 Charner (Nguyễn Huệ). Thông tin này làm cho bọn Pháp và tay sai hết sức kinh hoàng lo sợ. Chúng cho rằng Việt Minh đã thực sự đột nhập nội đô Sài Gòn chứ không phải chuyện đồn đại, còn các chiến sĩ Ban Công tác thành thì vô cùng vui sướng và biết chắc đây là Võ Hồng Tâm, chiến sĩ khu Tây Hồ thi hành bản án “diệt ác trừ gian" theo lệnh của trưởng ban công tác số 1 Chính heo (tục danh của Nguyễn Đìn Chính).

Võ Hồng Tâm quê ở Quảng Nam vào Sài Gòn học ở trường Nguyễn Văn Khuê từ năm 1940. Anh trọ học trong một tiệm hớt tóc gần trường, nhờ thế mà học được cái nghề “đè đầu cạo cổ” thiên hạ. Nhờ một cơ duyên, nghề cắt tóc đã tạo điều kiện cho Võ Hồng Tâm tiếp cận các sĩ quan cao cấp của Pháp, bọn này rất sợ ăn lựu đạn trong các tiệm cắt tóc sang trọng nên cho bồi khách sạn mời thợ cắt tóc dạo tới cạo râu, hớt tóc, như thế an toàn hơn, do khách sạn thường có gác gian, lính xét hơi, nhất là những nơi quan chức Pháp, ngụy thường lui tới.

Vì có trình độ văn hóa và cả ngoại ngữ, Tâm được tổ chức phân công đọc các báo tiếng Việt và Pháp xuất bản tại Sài Gòn rồi tổng hợp báo cáo tình hình ra Khu. Anh đang theo dõi tướng Valbuy - Phó đô đốc hải quân ở Đông Dương thì làm quen được đại tá Imfelt, Cao ủy viên Cộng hòa Pháp ở Lào. Tên này thực chất là tình báo cao cấp của Mỹ OSS, tiền thán của CIA - (cơ quan trung ương tình báo Mỹ).

Sau nhiều lần hớt tóc, qua những câu chuyện đầu Ngô mình Sở của Imfelt, Tâm biết y đã từng tham gia chỉ huy các trận đánh lớn ở Việt Bắc và đang thảo thảo kế hoạch tấn công căn cứ Đồng Tháp Mười để tiêu diệt lực lượng kháng chiến Nam Bộ. Tâm báo cáo ra bưng và được lệnh giết tên lmfelt.

Mục tiêu sờ sờ trước mắt nhưng tiêu diệt bằng cách nào. Đó là một câu hỏi lớn đối với người đội viên nhỏ bé chỉ có bộ đồ nghề cắt tóc đơn giản. Tâm nghĩ ra nhiều phương án hạ thủ đối phương bằng độc dược, bằng súng ngắn nhưng thấy đều không khả thi. Cuối cùng Tâm nghĩ thượng sách nhất là dùng cái nghề của mình để tác chiến: vừa gọn lại không gây tiếng động.

Trong khi đó tên cáo già thực dân lại âm thầm điều tra anh thợ cắt tóc có cái tên Võ Văn Hưng. Tâm đã đọc được ý nghĩ của tên cao ủy khét tiếng nên luôn cảnh giác đề phòng và sắm vai một kẻ “có nợ máu” với Việt Minh do cả gia đình bị Việt Minh ra tay sát hại ở quê nhà Quảng Nam. Imfelt ra chiều cả tin, định dùng Tâm vào âm mưu thả điệp viên ra chiến khu bưng biền. Tương kế tựu kế, Tâm càng tranh thủ lấy lòng Imfelt, được y tin tưởng, cho tự do lên phòng riêng của mình ở khách sạn Manjestic và sau đó là Hotel des Nations.

Ngày 1 tháng 7 năm 1947 Tâm xách đồ nghề hớt tóc vào khách sạn, trong đó có giấu một con dao nhỏ (loại dao "con chó 8 cái xếp gọn) được mài bén như dao cạo. Ngoài ra,. Tâm còn mua thêm mấy trái ổi xá lị. Imfelt đang ngồi đọc báo, lơ đãng không để ý đến xung quanh. Tâm rút dao con chó giả vờ xắt ổi rồi bất ngờ đâm vào giữa chớn thủy Imfelt. Anh lấy hết sức ôm lấy cổ hắn ghịt con dao thọc sâu xuống dưới. Tên cao ủy thực dân bị trọng thương quằn quại vẫn cố ôm để vật Tâm xuống. Thấy nguy hiểm, Tâm vớ luôn con dao rọc giấy trên bàn đâm mạnh thấu tim hắn. Hắn đổ xuống ú ớ la lên trong cơn giãy chết. Anh bình tĩnh rút dao con chó ra xếp lại vứt xuống đường. 

Nghe tiếng kêu trong phòng, bọn cận vệ liền báo động. Chỉ vài phút sau, bọn cảnh sát đạp cửa xông vào phòng. Chúng kinh hoàng trước cảnh tượng ngài đại tá nằm bất động trên vũng máu. Chưa hiểu ra lẽ gì, nhưng chúng lôi Tâm ra xe đưa về bót quận 1.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #4 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2010, 04:49:20 pm »

Vụ trừng phạt đầy táo bạo nhưng được tiến hành có kế hoạch khiến bọn Pháp mất khá nhiều thời gian điều tra. Tên thẩm vấn rít lên:

- Mày là thủ phạm giết ngài Imfelt! Ai chỉ huy mày?

Tâm vẫn giữ nguyên lời khai ban đầu:

- Tôi làm không vừa lòng, đại tá nổi nóng chửi, đánh tôi. Tôi đánh không lại nên chụp con dao rọc giấy đâm ông ta.  

- Mày khai láo. Đại úy pháp y đã xác nhận vết đâm ở cổ không phải con dao rọc giấy mà phải là con dao bén ngót mới gây chết người được.

- Thì các ông thấy đó: con dao cạo của tôi còn nằm nguyên trong bao da.  

Ngay trong bọn thẩm vấn cũng nhận thấy có chi tiết hồ nghi: Imfelt to cao những 1,90 mét, nặng 80 ki-lô-gam, còn anh thợ hớt tóc nhỏ thó chỉ cao 1.45 mét, nặng 42 ki-lô-gam thì làm sao có thể thắng ông ta? Cận vệ và bồi phòng đều xác nhận trong phòng khi đó chỉ có hai người là Imfelt và anh thợ hớt tóc.  

Để trấn án dư luận về cái chết khiếp đảm của đại tá Imfelt, ngay đêm hôm đó, bọn Pháp đưa một tù nhân ra giết tại Phú Lâm, cắt mất đầu rồi loan tin đã xử tội hung thủ giết Uỷ viên Cộng hòa Pháp. Tin này làm cho các đồng chí trong Ban công tác thành lo lắng, vì nếu đúng thế thì Võ Hồng Tâm đã bị chúng thủ tiêu nên nhanh chóng đưa tin trên báo kháng chiến là “Võ Hồng Tâm đội viên tự vệ thành đã hoàn thành sứ mạng"

Được tin này, bọn mật thám vui mừng ra mặt. Chúng tra khảo 11 ngày mà Tâm vẫn khai mình là thợ hớt tóc Võ Văn Hưng, được đại tá Imfelt tin cẩn gọi tới khách sạn cắt tóc thường xuyên. Chuyện xảy ra án mạng nguyên do là cãi vã và đánh lộn mà thôi.

Đến đây, chúng không chịu nổi nữa: trưng ra tờ báo kháng chiến với dòng tin tuyên dương công trạng, Tâm mới miễn cưỡng nhận mình là tự vệ thành Sài Gòn: nhưng anh cương quyết không khai thêm về tổ chức và đồng đội. Anh nói với chúng: “tôi lấy cái chết để làm giá trong việc trừ gian diệt ác. Cái chết là sự trả giá cao nhất. Tất cả hình thức tra tấn của các ông đều không bằng cái chết. Tới đây kể như kết thúc rồi, nếu các ông cứ tiếp tục tra khảo thì kể như thất bại lần nữa thôi".

Địch đưa Võ Hồng Tâm ra tòa. Có tới năm luật sư bào chữa cho anh, nhưng họ cũng lựa ra một thứ lý lẽ nhàm chán: do phạm nhân trẻ người non dạ. bị Việt Minh dụ dỗ nên hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ. Lập tức Tâm tuyên bố:

- Tôi không cần sự giúp đỡ của các ông. Tôi tự bào chữa lấy. Chúng tói làm việc này cũng như người Pháp theo De Gaulle (Đờ Gôn) chống lại phát xít Đức xâm lược chính quốc các ông.

Tòa án thực dân tuyên bố tử hình Võ Hồng Tâm. Sau lần xử phúc thẩm, do áp lực của kháng chiến, chúng hạ mức án xuống 20 năm tù khổ sai và đày Tâm ra Côn Đảo.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (7-1954), Võ Hồng Tâm được trao trả về miền Bắc. Anh tiếp tục công tác qua nhiều cơ quan đơn vị và nghỉ hưu tại huyện Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Sáu, 2010, 06:41:54 pm gửi bởi hoacuc » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #5 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2010, 04:55:02 pm »

3. Majestic với bốn cô gái cảm tử

Quang cảnh sang trọng của khách sạn Cửu Long ở đầu đường Đồng Khởi ngày nay chính là phiên bản của rạp xi nê Majestic cách đây non nửa thế kỷ, nơi đã ghi lại chiến công vang dội của bốn cô gái cảm tử Sài Gòn thuộc Trung đội Minh Khai quyết tử quân Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong trận tập kích vô cùng táo bạo tại đây ngày 10 tháng 6 năm 1948, 50 sĩ quan và binh sĩ Pháp chết và bị thương. trong đó có hai quan năm và tên mật thám Albert.

Thời đó, rạp chiếu bóng này sang trọng vào bậc nhất Sài Gòn: có máy điều hòa nhiệt độ và được canh gác rất nghiêm ngặt bởi Majestic chủ yếu dành cho sĩ quan và thủy binh Pháp. Bọn này cũng là đối tượng tác chiến số 1 của Biệt động thành bởi diệt sinh lực cao cấp của thực dân Pháp ngay trong thành phố sẽ làm rung động quân địch và cổ vũ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ và đồng bào ta.

Nhiệm vụ quan trọng đó Ban Công tác thành giao cho Trung đội Minh Khai thực hiện, trực tiếp là bốn nữ chiến sĩ: Bùi Thị Huệ, Hoàng Thị Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung và Mạc Thị Lan. Trong số này, Huệ lớn tuổi nhất (27 tuổi) Dung nhỏ nhất (15 tuổi).

Được cơ sở mật báo bọn thủy quân Pháp sẽ đến rạp Majestic xem bộ phim “Vĩnh biệt người yêu”, Ban Công tác thành do anh Nguyễn Danh Khôi phụ trách quyết định phải đánh một trận lớn gây thiệt hại cho địch ngay nội thành. Kế hoạch trận đánh được cấp trên chấp thuận.

Theo kế hoạch, trận đánh được ấn định vào tối ngày 10 tháng 6 năm 1948. Vé đã mua sẵn, chính trị viên (Huệ lớn) bí mật trao cho các đội viên tại một tiệm may đường Mayer (Võ Thị Sáu) và một cơ sở đường Garcerie (Phạm Ngọc Thạch).

Tới giờ, bốn chị em y trang lộng lẫy, xức nước hoa thơm ngát lên xe tay từ các hướng tới Majestic xem phim. Huệ nhỏ không trực tiếp đánh chỉ làm nhiệm vụ trinh sát. Cô dắt theo một bé trai 10 tuổi để đánh lạc hướng sự chú ý của bọn lính gác. Xích lô ngừng gần rạp. Các cô vào tiệm Chà (Ấn Độ) mua kẹo vừa ăn vừa trò chuyện tự nhiên.

Bốn cô gái xinh đẹp lịch lãm lần lượt vào rạp, không quên mời lính gác ăn kẹo và mở bóp đầm cho chúng kiểm tra. Chúng chỉ thấy toàn đồ trang điểm, có biết đâu những trái lựu đạn bé xíu nằm dưới đáy bóp mà các nữ chiến sĩ đã khéo léo nắm chặt khi nâng chiếc bóp lên ngang mặt mấy tên lính gác kèm theo nụ cười tình tứ xã giao...

Vào rạp Dung và Huệ đi bên phải, Lan và Thanh đi bên trái ung dung vào đúng ghế ngồi ghi trên vé, những hàng ghế hạng sang phía sau, các sĩ quan và thủy binh Pháp được ưu tiên đã yên vị. Theo quy ước, 8 giờ tối là lúc chiếu phim phụ, ba cô gái lấy lựu đạn ra sẵn sàng rút chốt.

Đèn tắt, cuốn phim phụ trình chiếu vừa ngừng, không gian mờ tối. Giờ hành động đã kề cận. Khi màn ảnh vừa chuyển sang phim chính "Vĩnh biệt người yêu”, những hàng chữ Pháp hiện lên, Kim Dung tung quả lựu đạn vào quân Pháp ở phía sau. Tiếng nổ kinh hồn chưa dứt thì tiếp liền hai quả lựu đạn của Thanh và Lan làm rạp hát rung lên. Trong màn khói mù mịt và tiếng kêu la náo loạn, các cô gái lấy khăn tẩm sẵn nước hoa lau tay rồi chùi lên tóc xóa ngay mùi tanh của gang lựu đạn rồi nhanh chóng nhập vào đám người hỗn loạn.

Nhân lúc lộn xộn, Thanh làm bộ sợ hãi bám vào một phụ nữ thoát ra ngoài và gọi xích lô về nhà. Huệ nhỏ bị miếng lựu đạn trúng gần mắt cá chân giả vờ kêu khóc và lôi em bé ra luôn khỏi rạp, bọn cảnh sát không nghi ngờ gì. Kim Dung ra đến sát cửa thì cánh cửa sắt phía ngoài đóng chặt lại. Huệ cũng bị kẹt trong rạp. Cảnh sát được huy động đến vây chặt và mở cuộc điều tra tại chỗ. Trước lúc đi chiến đấu, các cô đã giao ước với nhau là sau khi vụ nổ xảy ra thì không ai được nhìn nhận nhau.

Sau khi xe cứu thương chở hết những người bị thương vong vào các bệnh viện Grall (Nhi Đồng 2), Chợ Rẫy, địch buộc mọi người ngồi đúng vào chỗ của mình trên vé và bắt đầu xét hỏi từng người . Kim Dung nhanh trí lượm được một chiếc vé và đổi ngay chỗ ngồi phía sau chỗ quả lựu đạn nổ. Chúng xét hỏi vài câu không thấy gì nghi vấn nên cho Dung ra về. Huệ ngay thật ngồi lại chỗ cũ bị bắt tại trận cùng mấy chục người bị tình nghi và đưa về bót Catinat.

Do có kẻ khai báo (có thể người chớ xích lô dưa Thạnh về nhà hôm đó là mật thám), ít lâu sau, số chị em trong đội nữ Minh Khai lần lượt bị địch “bắt nguội". Qua nhiều lần tra tấn cực hình tại bót Catinat, các cô vẫn giữ được khí tiết. Chúng giải các cô sang Khám Lớn, Sài Gòn để chờ ngày đưa ra tòa xét xử.

Sau nhiều lần lấy cung, tháng 6 năm 1949 địch đưa vụ Majestic ra xử và kết án:

- Bùi Thị Huệ tử hình.

- Nguyễn Thị Đào 20 năm tù khổ sai (Đào không đánh trận này nhưng Thanh còn có tên là Đào nên chúng bắt lầm).

- Nguyễn Thị Kim Dung 10 năm tù khổ sai.

Các can phạm đều chống án. Địch cũng chống án vì cho xử như thế là quá nhẹ đối với các phần tử Việt Minh vô cùng nguy hiểm đã gây thiệt hại trầm trọng cho quân đội Pháp quốc.

Ở Sài Gòn dậy lên một làn sóng phản đối tòa án Pháp xử ba phụ nữ Việt Nam quá nặng, trong đó Kim Dung còn tuổi vị thành niên. Uỷ ban kháng chiến hành chánh Sài Gòn - Chợ Lớn và Trung tướng Nguyễn Bình gửi lời khen ngợi và tuyên dương công trạng Trung đội Minh Khai.
Sau một năm bị biệt giam trong khám Lớn, ba cô được giảm án, nghĩa là không còn ai bị án tử hình.

Bốn cô gái cảm tử năm xưa: người trở về đời thường, người trở thành giảng viên đại học như chị Kim Dung, người trở thành dược sĩ cao cấp như chị Thanh. Nay các chị đã nghỉ hưu và trở thành bà nội bà ngoại của các cháu nhưng trận đánh Majestic vẫn ngời lên trong tâm tưởng như một dấu son trong lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân thành phố anh hùng.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Sáu, 2010, 06:42:28 pm gửi bởi hoacuc » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #6 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2010, 04:56:23 pm »

4. Săn mồi trên đường phố

Đờ leo-cheo không phải là tên hắn mà là do dân chúng và báo chí Sài Gòn gọi thế, hàm ý mỉa mai đả kích tên thực dân khét tiếng Henri Lachevrotière. Gọi như thế vừa ngắn gọn vừa dễ nhớ. Tên này là chủ bút tờ La-D’peche nhưng liên lạc chặt chẽ với mật thám lên những kế hoạch nguy hiểm chống phá cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Từ lâu, hắn đã nằm trong "tầm ngắm" của Ban Công tác số 9. Nhận nhiệm vụ chính được giao cho nhóm biệt động gồm ba chiến sĩ: Vũ Công Hạp, Nguyễn Văn Huê và Lê Văn Vinh thực hiện. Trong đó Vinh quê ở Sài Gòn là tài xế của hãng Denis Frènes, đã từng tổ chức cho 30 tài xế hưởng ứng chủ trương phá hoại kinh tế địch từ năm 1946.

Biết có bản án tử hình treo lơ lửng trên đầu nên Dờ-leo-cheo rất cảnh giác đề phòng đòn trừng phạt bất ngờ như một số tên tai to mặt lớn khác. Y luôn giữ gìn trong việc đi đứng ngoài đường, khi về nhà thì co lại trong cái vỏ bọc của tường rào và lính bảo vệ. Vì thế tiếp cận hắn đã là khó khăn chứ chưa nói chuyện hạ thủ hắn giữa thanh thiên bạch nhật.

Tổ ba người lo lắm. Việc điều tra nắm chắc đối tượng chiếm một phần quan trọng của trận đánh. Sau một thời gian vừa làm việc vừa kiên trì theo dõi, Vinh, Huê, Hạp đã bắt đầu nắm bắt được qui luật của Đờ-leo-cheo. Hắn thường đi trên chiếc xe hơi hiệu Hockiss mang biển số CM183, sơn màu đen. Xe mui vải có thể kéo lên sập xuống.

Đờ-leo-cheo làm việc tại tòa soạn báo La - D'epeche 25 - 27 Catinat (Đồng Khởi), nhưng xe của hắn sáng nào cũng đậu ở góc đường Frère - Catinat. Hắn làm việc từ 9 giờ đến 12 giờ 30 phút thì xuống lầu lái xe về nhà riêng.

Tổ chiến đấu đề ra nhiều phương án, sau cùng chọn phương án tối ưu là dùng xe hơi chạy theo xe Đờ-leo-cheo, ném lựu đạn để diệt gọn. Nhưng lấy đâu ra xe hơi? Câu hỏi hóc búa này anh em đã trả lời được sau hai tháng điều tra. Đó là hai chiếc xe đậu bên hông nhà hát Tây (nhà hát Thành phố) từ sáng tới 12 giờ, chủ nó mới lấy xe. Một chiếc Ford màu xanh biển số 444, một chiếc Jeep, biển số CD 0019 SG của nhân viên tòa đại sứ Mỹ làm việc tại phòng thông tin Mỹ trên lầu 1.

Mười Huê làm chìa khóa giả chiếc Ford, còn chiếc Jeep thì không cần chìa khóa giá. Anh xin được hai quả lựu đạn OF bỏ trong chiếc vớ len nhà binh Pháp (loại kéo dài lên gần đầu gối). Hạp có nhiệm vụ báo tin đúng lúc tên mật thám rời công sở lên xe về nhà để Vinh đoạt chiếc xe Ford hoặc Jeep đuổi theo. Công đoạn cuối cùng ném hai quả tạc đạn vào xe Đờ-leo-eheo do Ngô Văn Nam đảm nhiệm.

Trưa ngày 12 tháng 1 năm 1951, đúng 12 giờ, chiếc Hockis chạy tới ngừng trước nhà hàng Continental, Đờ-leo-cheo xuống xe nói chuyện với một tên Tây vài phút rồi lên xe chạy về phía nhà thờ Đức Bà. Lập tức Vinh lên chiếc Jeep đuổi theo với tốc độ chóng mặt, Nam ngồi bên phải, anh cho tay vào chốt lựu đạn sẵn sàng.

Tới ngã tư Richaud - Eriaud des Vergnes (Nguyễn Đình Chiểu - Trần Quốc Thảo), Vinh nhấn ga vượt qua chiếc Hoskis. Con mồi đã nằm trong tay, Nam liệng vút 2 quả OF vào khoang lái Đờ-leo-cheo, hai tiếng nổ vang rền trên đường phố kết liễu đời tên phản động chống phá kháng chiến. Chiếc xe bị xé nát, khói ùn lên đen đặc.

Chiếc xe màu đỏ chạy phía sau trông thấy Đờ-leo-cheo chết gục trên tay lái, lập tức tăng tốc vượt theo chiếc Jeep, Vinh cũng tăng tốc chạy tới ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Verdun (Cách mạng tháng Tám) gặp cảnh sát chặn đường cho đoàn xe từ ngã sáu Sài Gòn chạy lên. Anh bẻ vô lăng quẹo vào đường Verdun chạy về ngã sáu, rẽ vào đường Krand (Nguyễn Thị Nghĩa) quẹo phải theo đường Boudonnet (Lê Lai) ngoặt phải theo đường Alras (Cống Quỳnh) vào đường Leman (Cao Bá Nhạn).

Tới đây, thấy đã an toàn, anh bỏ xe, chia tay Nam, mỗi người rút theo một ngả. Vinh lên xích lô chạy một quãng, lại xuống đi bộ cắt cái đuôi của chiếc xe săn đuổi, vào tiệm ăn nghỉ trưa rồi lại đi làm buổi chiều như không có chuyện gì xảy ra.

Nhưng một sự không ngờ xảy ra khiến Vinh lo lắng. Số là địch chiều hôm đó “tóm" được chiếc Jeep màu gạch cua do anh chở thợ hàn và thợ mộc tới hãng, khi đi qua cầu Quay thì bị cảnh sát chặn bắt đưa về bót. Cảnh sát Sài Gòn có lệnh bắt tất cả xe Jeep đưa về bót ghi bằng lái xe rồi thả.

Vinh về đến hãng lúc 15 giờ thì được tin cảnh sát đã tìm ra chiếc Jeep CD 0019NG tại đường Cao Bá Nhạn. Lê Văn Vinh cười thầm: ông nội cha nó tìm cũng không ra tụi tao. Thằng De'peche đền tội là đáng đời. Dân Sài Gòn xem báo sáng ngày 13 thảng 1 năm 1951 chắc lại được một phen đàm đạo khoái khẩu về Việt Minh.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Sáu, 2010, 06:43:19 pm gửi bởi hoacuc » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #7 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2010, 04:59:53 pm »

TRẬN TẬP KÍCH CHỚP NHOÁNG

Buổi sáng đẹp trời. Một sĩ quan cao lớn, ngực đầy huân chương lấp lánh bước đi thong thả trong khuôn viên nhà văn hóa thiếu nhi thành phố tại số 4 đường Tú Xương quận 3. Sau lưng anh, đàn em nhỏ tíu tít kéo theo như sao chổi, các em la lớn:

- Chú bộ đội oai quá các bạn ơi!

- Kể chuyện cho chúng em nghe đi!

- Sao chú nhiều huân chương thế!

Chị phụ trách vãn hồi trật tự rồi nở nụ cười thật tươi:

- Các em có biết đây là ai không?.

Câu hỏi hóc búa quá. Tất cả im lặng. Những đôi mắt đen láy nhìn nhau chờ sự bất ngờ thích thú. Người sĩ quan mỉm cười trìu mến nhìn gương mặt thơ ngây đang bí rị đưa mắt sang chị phụ trách khích lệ. Chị đưa tay lên:

- Xin trân trọng giới thiệu với các em, đây là anh hùng Bùi Văn Ba. người đã lập những chiến công vang dội trên mảnh đất thành phố của chúng ta trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược vừa qua. Và chính nơi hiện tại chúng ta đang đứng, chú Ba đã tiêu diệt 60 tên sĩ quan không quân Pháp. Hôm nay, nhân ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, chú Ba sẽ kể cho các em nghe những câu chuyện chiến đấu hấp dẫn. Nào chúng ta hãy chào mừng chú Ba, anh bộ đội Cụ Hồ một tràng pháo tay thật to.

Tiếng reo hò nổi lên trong tiếng vỗ tay kéo dài như không muốn dứt.

- Trời! hết sảy con chuồn chuồn!

- Đây là nơi đánh nhau, ghê quá!.

Chị phụ trách vẫy tay:

- Thôi, được rồi, chúng ta yên lặng để chú Ba bắt đầu kể chuyện.

*
*   *

Thực ra thì không phải đến bây giờ trung tá Bùi Văn Ba mới đặt chân lên mảnh đất chính mình đã vào sinh ra tử mà ngay sau ngày giải phóng Sài Gòn, anh trở lại đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi nghĩa) xem lại dấu vết trận đánh xảy ra 23 năm về trước vào một câu lạc bộ sĩ quan của quân đội viễn chinh Pháp do chính anh cùng đồng đội thực hiện.

Hai mươi ba năm, một quãng thời gian dài với biết bao biến động của đất nước, của cuộc đời đã làm nờ đi những đường nét của nhiều kỷ niệm. Nhưng trận đánh đêm ấy - đêm 23 tháng 9 năm 1952 như vẫn còn nóng hổi đâu đây. Đó là trận tập kích chớp nhoáng đã làm chấn động Sài Gòn và cả nước trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm đầy gian khổ.

Trên sáu mươi sĩ quan không quân, một sinh lực rất quan trọng của giặc Pháp lúc bấy giờ đã bị tiêu diệt ngay trong ngôi biệt thự sang trọng này. Trận kỳ tập vang dội ghi vào trang sử đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn như một trong những chiến công đẹp nhất.

Bùi Văn Ba đi đi lại lại bao quát phong cảnh, đối chiếu địa hình địa vật trước kia và bây giờ, cuối cùng anh xác định: Câu lạc bộ sĩ quan Pháp bị tấn công năm xưa chính là ngôi biệt thự trong khu câu lạc bộ thiếu nhi thành phố bây giờ. Lúc đó con đường chắn ngang đường Tú Xương gọi là Mác Mahon chứ không phái là Nam Kỳ Khởi nghĩa như hiện tại.

Anh lẩm bẩm: “đúng là hiện trường trận đánh ở đây nhưng tất cả đều đã đổi khác. Ngày ấy, phố xá chưa đông đúc, sầm uất, đồ sộ như hôm nay. Những ngày điều nghiên mục tiêu, mình, Trơn và Cứng phải luồn lách qua những xóm nghèo lao động thưa thớt, các con kênh rạch sình lầy trống trải để tiếp cận mục tiêu địch rất dễ phát hiện.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Sáu, 2010, 06:43:39 pm gửi bởi hoacuc » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #8 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2010, 05:01:04 pm »

Những người lao động trong xóm Trương Minh Giảng, xóm cầu Công lý... đã đùm bọc, che chở các chiến sĩ từng nắm cơm hạt muối, xóa từng dấu chân qua dòng. Đêm hành quân tiến vào Câu lạc bộ sĩ quan Pháp, có những ngọn đèn ám hiệu an toàn: những đôi mắt lặng lẽ nhìn theo khích lệ những đứa con ngày đêm gian khổ chiến đấu. Những người dân chất phác, hiền lành đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ đặc công Quyết Tử

Mục tiêu trận đánh là một trong những tụ điểm ăn chơi của bọn xâm lược Pháp, được canh gác hết sức cẩn mật. Chung quanh ngôi biệt thự có hàng rào sắt nhọn hoắt cắm trên tường cao, bên trong là hàng rào dây thép gai. Các trụ đèn dọc theo bờ tường sáng choang, một con vật nhỏ chạy qua cũng thấy rõ. Bên trong và trước cổng, bọn lính Tây đen thay nhau ngày đêm canh gác.

Sự đề phòng tối đa đó nói lên tâm lý của bọn xâm lược: chúng rất tàn ác nhưng rất sợ bộ đội ta trừng trị. Hằng ngày tại sân bay Tân Sơn Nhất, đi bắn phá khắp nơi, chiều tối bọn sĩ quan không quân lại tụ tập về đây ăn nhậu, nhảy đầm... Những tên lính viễn chinh vẫn quen thói ngạo mạn, hống hách, ăn chơi trác táng sau một ngày đi gieo chết chóc, đau thương xuống những làng quê đồng ruộng Việt Nam.

Từ năm 1949 trở đi, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta ngày càng trở nên quyết liệt. Những chiến dịch lớn của ta dồn bọn xâm lược vào thế bị động trên các chiến trường. Nhằm gỡ những nước cờ nguy ngập, giặc Pháp thực hiện một chủ trương thâm độc đánh phá vùng tự do của ta nhằm.triệt hạ kinh tế. Chúng cho rằng không có lương thực, Việt Minh dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể kháng chiến trường kỳ.

Kinh tế của ta lâm vào tình trạng khó khăn thực sự. Mọi thứ lương thực, thực phẩm của quân đội đều phải ra thành thị mua trong khi địch phong toả gắt gao chợ búa, các ngả đường sông, đường bộ, cắt đứt các ngả đường tiếp tế. Khẩu hiệu của địch lúc đó là “giết một con trâu bằng ba nông dân vùng căn cứ, giết một nông dân bằng ba bộ đội Việt Minh".

Địch cho không quân điên cuồng thả bom xăng xuống đồng ruộng đốt cháy hoa màu, bắn giết trâu bò la liệt, nhiều nơi đồng bào ăn không hết phải đem chôn.

Kiên quyết phá vỡ âm mưu của địch. Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn chỉ đạo lực lượng võ trang tấn công vào lực lượng phi công, vào các cơ quan đầu não chỉ huy các kho tàng, sân bay của giặc Pháp.

Bùi Văn Ba và hai chiến sĩ nữa trong Đội đặc công 3721 của Tiểu đoàn Quyết Tử 950 được giao trọng trách đánh câu lạc bộ sĩ quan không quân Pháp ở đường Mác Mahong. Tổ chiến đấu ba người của đơn vị 3721 gồm Bùi Văn Ba, Nguyễn Văn Cứng và Trần Hùng do Cứng phụ trách là những cảm tử quân tử những năm đầu Sài Gòn chống Pháp dày dạn kinh nghiệm.

Trong đó Trần Hùng là thổ địa từng hoạt động công khai trong nội thành. rất thông thạo đường sá. Anh được đơn vị cài vào quân địch nên rất am hiểu tình hình và nắm chắc mọi quy luật hoạt động của chúng. Cứng là chiến sĩ liên lạc giữa vùng chiến khu và nội thành, ra vào Sài Gòn như cơm bữa lại rất dũng cảm, táo bạo. Anh đã từng nhiều lần đột nhập vào hang ổ địch giết chết bọn Việt gian và lính Pháp. Do vậy, bọn giặc đi đâu nghe tên Nguyễn Văn Cứng là chúng rất lo sợ.

Còn Bùi Văn Ba lớn con như một chàng hộ pháp, tính tình bộc trực, ăn to nói lớn nhưng đánh giặc không thua kém ai. Chính anh và anh Phạm Văn Hai sau này là hai nhân vật chủ chốt trong việc điều nghiên và tấn công kho bom đạn Phú Thọ Hòa vào loại lớn nhất ở miền Nam, thiêu hủy gần 10 tấn bom đạn, 2 triệu lít xăng dầu và tiêu hao nặng tiểu đoàn Âu - Phi đến cứu nguy. Một trận đánh làm đau đầu giới quân sự Pháp trong giai đoạn kết thúc cuộc chiến tranh.

Tại căn cứ, đại đội trưởng Nguyễn Văn Cự và chính trị viên Trần Văn Ý (Trần Thanh Đạt, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố từ năm 1984 - 1990) giao nhiệm vụ cho đội “cảm tử quân".
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Sáu, 2010, 06:44:00 pm gửi bởi hoacuc » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #9 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2010, 05:01:45 pm »

Sau khi phân tích tình hình trận đánh và động viên các chiến sĩ, các anh nhấn mạnh: “đây là trận đánh có tầm quan trọng đặc biệt nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực cao cấp của địch ngay giữa trung tâm sào huyệt đầu não của chúng. Ta đánh thắng sẽ gây một tiếng vang lớn, hiệp đồng với chiến trường chung của cả nước, đồng thời làm thôi động mạnh nội bộ địch, khiến cho chúng phải chùn tay trong việc đi gây tội ác với nhân dân và đánh phá lực lượng kháng chiến của ta. Làm được như vậy là chúng ta trực tiếp góp phần bẻ gãy âm mưu thâm độc tủa địch đánh phá vào vùng căn cứ của ta hiện nay. Trận đánh này sử dụng yếu tố bí mật, bất ngờ, táo bạo để diệt bọn địch, thu vũ khí, tài liệu... Đúng 23 tháng 9, kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến, ta sẽ nổ súng chiến đấu với tinh thần cảm tử, quyết tâm giành thắng lợi. Chúc các đồng chí xuất quân chiến thắng”.

Hai đồng chí chỉ huy xiết chặt tay các chiến sĩ với cái nhìn đầy tin tưởng.

Nhận nhiệm vụ chiến đấu một trán mang nhiều ý nghĩa nhưng lại rất khó khăn. Bùi Văn Ba không khỏi lo lắng hồi hộp trong lòng. Tuy nhiên với bản lĩnh vững vàng của người chiến sĩ đặc công, anh tin mình và đồng đội sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

Trong khi công binh đang chuẩn bị số vũ khí cần thiết theo yêu cầu của trận đánh thì đơn vị đặc công cũng cấu trúc xong sa bàn. Cứng gọi hai tổ viên lại chỉ vào trận địa giả:

- Đây là hàng rào biệt thự có những trụ đèn chiếu sáng, tôi sẽ đi dọc theo đường Mác Mahong giải quyết bọn lính gác cổng. Đồng chí Ba và đồng chí Hùng băng qua hàng rào, đột nhập khu nhà bếp, từ đó tấn công vào phòng chính, nơi bọn địch tập trung ăn chơi. Mục tiêu trận đánh khá đơn giản nhưng chúng ta không được chủ quan, địch rất đề phòng đối phương vì ở mục tiêu khác chúng đã nếm đòn của các đơn vị võ trang đặc công, biệt động.  

Hùng phấn chấn góp vào:

- Tôi và đồng chí Cứng thông thạo địa hình nội thành và nắm chắc các hoạt động thường xuyên của địch ở bên trong cũng như khu vực liên quan đến tòa biệt thự nên chắc chắn là thuận lợi trong việc đột nhập và tác chiến. Vấn đề là hiệp đồng thật ăn khớp và bảo đảm yếu tố bí mật bất ngờ vì lực lượng ta quá mỏng.

- Tôi thấy thế đủ rồi, bây giờ chúng ta phải tập thành thục trên sa bàn và ngoài thực địa để không bỡ ngỡ khi tác chiến mục tiêu - Bùi Văn Ba vừa nói vừa cởi áo, đi ra bãi tập.

Thế là đơn vị náo nức hẳn lên với những tiếng hô “đùng đoành, xung phong, diệt...". Chỉ một chốc các chiến đấu viên đã nhễ nhại mồ hôi. Những tình huống xấu có thể xảy ra trong thực hành chiến đấu cũng được linh hoạt xử lý ngay trên sa bàn. Ban đêm, ba người tập đến 9, 10 giờ, những khi ngả lưng nằm xuống là tòa nhà chứa chấp bọn xâm lược lại hiện lên nhức nhối, cái ung nhọt trên da thịt quê hương cần phải xóa bỏ.

Bùi Văn Ba nghe lòng mình phấn chấn: dù có hy sinh cũng phải tiêu diệt hết chúng nó, máu của đồng chí đồng bào đang đổ. Tiếng gọi của bao mẹ già, em thơ đang thôi thúc các chiến sĩ Quyết Tử 950 xông lên trả thù. Chàng thanh niên nhớ về vùng quê ngoại thành thân thương, nơi anh đã từ giã những kỷ niệm tuổi thiếu thời, đi theo quân cảm tử Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ đó, người chiến sĩ trải qua bao ngày tháng cam go, những trận đánh sống mái với quân thù trên vành đai đỏ ven Sài Gòn bao quanh thành phố.  

Đêm 23 tháng 9, ba chiến sĩ tiểu đoàn Quyết Tử hành quân tiến về Câu lạc bộ sĩ quan Pháp. Dây thắt lưng các anh nặng trĩu những thủ pháo tự tạo và mã tấu, những chiếc thắt lưng đã được xẻ thành hai đường theo chiều dọc để dắt mìn trái và khi lấy được vũ khí địch thì găm vào cho gọn, đây là một sáng kiến mới của các chiến sĩ công binh xưởng chiến khu.

Thủ pháo mang theo có hai loại: hơi ép và miếng. Loại thủ pháo hơi ép có sức công phá mạnh thì gò bằng vỏ hộp, chất nổ bên trong chủ yếu là thuốc nổ mạnh, loại thủ pháo miếng thì dùng trái cối 60 ly bỏ đuôi rồi tra kíp nổ và nụ xòe mới vào. Nguyễn Văn Cứng chỉ huy tổ đặc công, có nhiệm vụ diệt lính gác và yểm trợ bên ngoài nên được trang bị thêm một khẩu tiểu liên Mas.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Sáu, 2010, 06:44:25 pm gửi bởi hoacuc » Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM