Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 05:49:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Biệt động Sài Gòn - Những chuyện bây giờ mới kể  (Đọc 108107 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #60 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2010, 04:55:59 pm »

Đến trưa, đội trưởng Năm Lộc dẫn hai chiến đấu viên vào nhà Phú Cương. Anh gọi Út vào phòng trong nói với vẻ rất quan trọng: 

- Cô Năm chạy mua giùm tụi tôi 20 thước vải mùng và 3 ki-lô-gam dây thun, càng mau càng tốt.

Út thấy khó khăn vì lúc này các hàng quán đã dẹp để ăn Tết, làm sao mua được. Nghĩ thế nhưng Út cũng tong tả chạy ra hàng vải năn nỉ chủ tiệm bán cho. Chị vừa mua vải về, các anh liền đem vào buồng, đóng chặt cửa làm gì không rõ. Một lúc sau mùi xăng bốc ra nồng nặc. Út lo quá hỏi vọng vào:

- Xăng đâu mà mùi dữ quá vậy anh Năm?

Năm Mộc nói gạt đi:

- Nhà mình có xe thì phải có mùi xăng, việc gì mà sợ?

Chị Năm ngồi im lo lắng nhìn ra đường “cảnh giới" người qua lại. Chính lúc đó, Năm Lộc và mấy anh em đang bối rối vì số súng đạn khui hầm lấy lên bị sét gỉ quá nặng, không cật lực lau chùi khó có thể chiến đấu. Vũ khí giấu từ năm 1965 đến nay đã 3 năm nằm dưới đất chịu độ ẩm triền miên, mà không hư mới là chuyện lạ.

Trong nhà vợ chồng Năm Mộc còn có một cô gái tên là Thảo, em họ của Út. Cô nghiễm nhiên trở thành chiến sĩ của Đội 4 biệt động, nhưng cũng như chị chủ nhà, đến lúc này Thảo chưa hề biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cả hai chỉ láng máng hiểu rằng sẽ vô cùng nguy hiểm nếu để người ngoài biết chuyện trong căn nhà này. Năm Mộc lại nói nhỏ với vợ: 

- Em may cho mấy anh một ít bao vải. Xác bao cũ mục quá rồi, không thể xài được nữa, mà phải đi gấp lắm.

Chợt nghĩ đến xấp vải tốt của khách hàng. Út mừng rỡ lấy ra may, trong khi Thảo tất bật lo việc cơm nước.

Gần như một đêm trắng trôi qua với mọi người. Sáng mùng 1 Tết, người đến nhà càng đông hơn. Họ im lặng theo sự chỉ dẫn của một phụ nữ nhỏ con là giao liên của đơn vị bảo đảm. Chị ta bàn giao từng người cho Năm Mộc rồi nhanh chóng “biến” khỏi nhà. Út bàn với chồng là nên đưa các con về nhà ngoại chứ tình hình này trẻ nhỏ không còn ở đây được. Anh Năm đồng ý và cả nhà diện đồ mới lên xe như đi chúc Tết vậy.

Các chiến sĩ đến tiệm may Quốc Anh ăn bận khá bảnh bao nhưng tất cả đều giống nhau là đi thẳng vào buồng và ở luôn trong đó, không một ai ló dạng ra phòng ngoài. Thấy vậy Út lo quá vì bọn "cớm” hình như đánh hơi thấy điều gì nên cứ lảng vảng trước nhà. Chị không dằn được nữa: 

- Coi chừng nghe anh Năm, tụi nó có thể ập vô hốt tất cả đấy

Năm Mộc thản nhiên nói:

- Đến nước đó thì chỉ có nổ súng. Không lẽ chừng này người lại để chúng bắt hay sao?.

Chiều tối, cụm trưởng Tư Tăng rời cơ sở Năm Nông ở Hàng Xanh đến nhà Năm Mộc. Anh là nhân vật quan trọng phụ trách cả ba mục tiêu: dinh Độc Lập, Bộ tư lệnh hải quân ngụy, Đài phát thanh. Dĩ nhiên chỉ huy sở của cụm 3-4-5 là tiệm may Quốc Anh. Tư Tăng có vóc người cao lớn, nước da ngăm đen lại đeo kính râm, mặc đồ công an ngụy xăm xăm bước vào khiến Út phát hoảng nhưng Năm Mộc nhận ra, mời ngay vào nhà.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #61 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2010, 04:56:48 pm »

Thành phố lên đèn từ lúc nào không ai hay. Đài Sài Gòn vẫn oang oang phát đi những bản tin chiến sự đầy vẻ lừa mị. Rồi lệnh giới nghiêm 24/24 giờ được ban đi. Anh em biệt động làm xong mọi công việc chuẩn bị. quay ra tắm rửa, cơm nước.

Thấy có anh quần áo nhếch nhác dính dầu mỡ, Út toan vào buồng lấy đồ của chồng ra cho thay, nhưng vừa bước khỏi cửa phòng, mắt chị hoa lên: toàn súng với lựu đạn, thủ pháo, khối nổ... Thì ra lâu nay dưới cái nền nhà không giống ai là những thứ này. Nó im hơi lặng tiếng như chồng chị vậy.

Trời về khuya. Thành phố im ắng trong giấc ngủ đêm xuân. Cụm trưởng Tư Tăng lên chỉ huy sở tại tiệm Phở Bình 7 Yên Đỗ (Lý Chính Thắng) nhận lệnh chiến đấu về. Anh gọi tất cả mọi người quây quần lại phổ biến lệnh tấn công. Một không khí nghiêm trang như choán ngập căn phòng nhỏ bé.

Đội trưởng Năm Mộc mời Út và Thảo lại và nói: “Từ giờ phút này không còn bí mật với hai cô! Cô Út và Thảo coi như chiến sĩ của Đội 4 chúng tôi tham gia trận đánh lịch sử tấn công vào cơ quan đầu não địch tại Sài Gòn. Cả hai "nữ chiến sĩ” đều sửng sốt và xúc động.

Tư Tăng, con người từng vào sinh ra tử, gây kinh hoàng cho quân Mỹ tại khách sạn Victoria, diệt 280 tên phi công và nhân viên kỹ thuật; nhiều lần đánh địch giữa đường phố, thoát vây... giờ đây cất giọng, nói đĩnh đạc trước những đồng đội hăm hở sẵn sàng bước vào trận đánh: 

- Chính ủy Ba Thắng và Chỉ huy phó Tư Chu chính thức ra lệnh cho Đội 4 chúng ta đánh chiếm Đài phát thanh ngụy quyền Sài Gòn. Đúng giờ G, tức 2 giờ sáng (giờ Hà Nội) lực lượng biệt động sẽ nổ súng đồng loạt vào các mục tiêu đã định. Đồng chí Năm Lộc trực tiếp chỉ huy toàn đội. Trong 15 phút đầu tiên, ta chiếm bằng được Đài phát thanh, một giờ sau tiểu đoàn mũi nhọn Thủ Đức sẽ đến tiếp ứng. Ngoài ra còn có đơn vị thiết giáp địch ở thành Cổ Loa (Gò Vấp) binh biến đến tiếp viện. Về phía dân sự sẽ có chuyên viên của Đài phát thanh Giải phóng do đồng chí Thanh Nho phụ trách, đến đọc bản tuyên bố của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và lời kêu gọi ngụy quân ngụy quyền đầu hàng. Tín hiệu, băng đỏ đeo nơi cánh tay trái; ám hiệu: hỏi ai? Đáp quân cách mạng, ám hiệu đoàn xe thiết giáp binh biến: tất cả bật đèn pha tắt chớp.

Phổ biến mệnh lệnh xong, Tư Tăng giơ cao nắm tay rắn chắc nhìn mọi người với ánh mắt tràn đầy tin tưởng:

- Giờ lịch sử đã điểm, thời cơ ngàn năm có một, chúng ta thề cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam!

Một loạt cánh tay giơ cao biểu lộ quyết tâm cao độ giành thắng lợi cho cách mạng. Một không khí thiêng liêng, rao rực bốc lên chưa từng thấy. 

Từ sáng cho tới khuya túi bụi công việc giúp đội biệt động, Út thấm mệt, ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy thấy căn nhà trống không, biết là các anh đã đi chiến đấu.

Chiếc xe hơi của nhà do chính chồng chị lái chở Đội 4 biệt động chạy về hướng Đài phát thanh Sài Gòn. Trên xe là toàn bộ mũi xung kích gồm đội trưởng Năm Lộc, đội phó Bảy Rỗ, đội phó Năm Mộc và các chiến đấu viên: Hồng, Tỷ, Hưng, Chín, Hùng. Xe không pha đèn, chạy sang đường Phạm Đăng Hưng để đánh lạc hướng địch rồi tăng tốc lao về phía cổng Đài phát thanh số 3 Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu). Trong khi đó, mũi đánh hỗ trợ do chính trị viên Ba Tẻo chỉ huy gồm 3 người (Hai Còm và Hiệp) hành quân bộ tiến về phía bót an ninh ở góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Phan Đình Phùng.

Năm Mộc cho xe đâm vào cổng chính sau khi Bảy Rỗ bắn hạ bọn lính gác cổng. Tuy nhiên xe không thể vào trong đài được, do cổng khóa chặt. Một quả thủ pháo đánh bật tung cánh cổng. Các chiến sĩ lập tức lao vào Đài phát thanh. Lúc này là 1 giờ 59 phút. Tiếng súng tấn công đã nổ đều khắp trong thành phố. Một loạt đạn từ trên lầu quét xuống. Đội phó Năm Mộc vừa từ trên xe bước xuống liền bị trúng đạn. Anh loạng choạng ngã xuống, nhưng tay vẫn khoát về phía trước, động viên đồng đội xông lên chiếm lĩnh mục tiêu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #62 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2010, 04:57:35 pm »

Đội hình chính chỉ còn bảy đồng chí vừa đánh vừa phát triển vào trong đài. Trung đội bảo vệ đài một số chết và bị thương, số còn lại chạy tản về phía bót an ninh quân đội. Sau 5 phút nổ súng. Đội 4 đã chiếm được tầng trệt.

Trong lúc đó, ở phía ngoài, tổ chiến đấu của Ba Tẻo dũng cảm đánh lui nhiều toán địch, không cho chúng tiến lại gần để chi viện cho bọn địch bên trong đài

Đội trưởng Năm Lộc dẫn một đội xung kích lên chiếm tầng 2 là nơi đặt hệ thống đài phát thanh. Bọn nhân viên kỹ thuật đã bỏ chạy thất tán từ khi ta nổ súng, máy móc. giấy tờ vương vãi. Các chiến sĩ nhanh chóng thu gom súng đạn của chúng chuẩn bị đánh địch phản kích.

Bầu trời rực pháo sáng. Một chiếc trực thăng bay lên quần đảo kêu gọi đối phương đầu hàng. Các chiến sĩ không hề nao núng, bám chắc từng góc nhà, bờ tường, bắn mạnh vào quân địch cố xông vào Đài phát thanh. Trận chiến đấu càng lúc càng ác liệt. Hơn một giờ trôi qua vẫn không thấy tiểu đoàn mũi nhọn đến tiếp ứng theo hiệp đống, chỉ thấy xe thiết giáp nối nhau từ phía Đakao kéo tới pha đèn sáng trưng. Năm Mộc liền nói với anh em: 

- Không phải lực lượng của ta, các đồng chí chuẩn bị chiến đấu.

Tốp xe "nồi đồng” án ngự phía khu nhà an ninh quân đội cũng tiến qua, bắn dữ dội.

4 giờ sáng ngày 31 tháng 1 năm 1968 (tức mùng 2 Tết), tốp thiết giáp của địch đã đến bao vây quanh Đài phát thanh, bắn 12 ly 7 như mưa bấc, khống chế các trục đường vào. Trên trực thăng, bọn địch bắn phá và ném lựu đạn hơi ngạt xuống trận địa. Không gian mù mịt khói lửa và sặc sụa hơi ngạt.

Sau những đợt chiến đấu giằng co ác liệt, một xe thiết giáp bốc cháy cùng nhiều tên giặc chết và bị thương trong khuôn viên đài, nhưng bốn chiến sĩ biệt động đã anh dũng hi sinh (kể cả Năm Mộc đã ngã xuống ngay từ đầu trận đánh).

Trời sáng dần, bọn thủy quân lục chiến và lính dù được thiết giáp yểm trợ liều chết xông vào đài. Hết đạn AK, các chiến sĩ dùng cả vũ khí lấy được của địch đánh trả quyết liệt. Thêm một chiến sĩ nữa hy sinh. Chỉ còn chính trị viên Ba Tẻo men theo nhà phố rút được vào nhà Năm Mộc. Bọn địch trông thấy, bắn theo vỡ cả tủ kính, cửa sắt rung lên từng chặp. Chị Năm Mộc đưa ngay Ba Tẻo xuống hầm bí mật. Dưới đó Tư Tăng đã ém sẵn. Giờ đây chị và Thảo có trách nhiệm bảo vệ hai đồng chí cán bộ biệt động và tiếp tục theo dõi tình hình trận đánh để báo cho anh Tư Tăng.

Đứng trong nhà nhìn ra, Út thấy rõ mấy tên Mỹ ở bên kia đường chỉ xéo vào nhà mình, miệng xì xồ: "Vi xi, Vi xi...". Bọn công an, mật vụ đã sục vào từng nhà khám xét. Một tốp xăm xăm vào nhà Năm Mộc. Tên chỉ huy nhìn người phụ nữ dáng phờ phạc, hỏi lớn:

- Nhà có mấy người? 

- Thưa nhà tôi có hai vợ chồng và năm con. Chồng tôi đưa tụi nhỏ đi Thủ Đức ăn Tết từ hồi hôm. 

- Nhà có chứa Việt cộng không? 

- Các ông cứ việc khám xét, nói miệng làm sao các ông tin.

Cả bọn vào buồng. lên gác lục soát tanh bành một lúc không thấy gì, đành kéo nhau ra. Út mở toang cửa tủ nơi có nắp hầm bí mật, khiến chúng càng qua quít, không săm soi gì. Út thở phào nhẹ nhõm qua một cơn căng thẳng thì rơi vào tâm trạng lo lắng bồn chồn: sao im lặng quá, các anh ở đâu hết rồi?

Bỗng một tiếng nổ vang. rền. mặt đất rung chuyển rồi khói lửa cuộn lên nghi ngút bao trùm cả Đài phát thanh. Lúc đó là 6 giờ 30 phút sáng. Không ai nói với ai, nhưng Tư Tăng và Ba Tẻo hiểu rằng, trước áp lực nặng nề của địch, anh em không giữ được mục tiêu, đã dùng khối nổ phá hủy đài và tự hy sinh, giữ trọn lời hứa với Đảng. Như vậy, so với kế hoạch đề ra, Đội 4 biệt động đã đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn được 4 giờ 30 phút, vượt thời gian kế hoạch trên giao.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #63 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2010, 04:58:17 pm »

Trong quá trình chiến đấu, làm chủ trận địa, đơn vị làm tiêu hao nặng một trung đội dù và một trung đội bảo an, bắn cháy một xe thiết giáp và một xe chở quân GMC. Toàn đội hy sinh 10 đồng chí. Điều đáng tiếc là kế hoạch hiệp đồng chi viện hoàn toàn không thực hiện được nên Đội 4 phải đơn độc chiến đấu trong tình thế cực kỳ bất lợi và hy sinh gần như toàn bộ lực lượng.

Sau khi khống chế lại được Đài phát thanh trong cảnh tan hoang đổ nát, địch tiến hành giải quyết hậu quả. Chị Út trông thấy rõ chúng khiêng ra hai xác người. Người thứ nhất mặc bộ đồ xanh của anh Năm Mộc, chính chị cho mượn đêm qua. Người thứ hai khiến chị bàng hoàng, mắt hoa lên "đúng là ảnh rồi”. Chị suýt ngất xỉu và không còn tự chủ được nửa, nhưng may sao lại trấn tĩnh ngay được. Chị tự nói với mình: không hoang mang rối trí. Người chết thì đã chết rồi, giờ phải lo cho người sống. Phải bình tĩnh để bảo vệ hai anh dưới hầm bí mật.

Thời gian trôi đi thật nặng nề. Buổi chiều bọn chúng lại đến tung tác rồi lại đi với giọng hằm hè dọa dẫm. Út nghĩ, chúng quậy dữ thế nào cũng "hôi ổ”, nên bàn với Thảo đi khỏi nhà, để mình chị đối phó với địch, có gì cũng đỡ thiệt hại.

Thảo vừa đi xong thì ba tên mật vụ vào nhà lúc xẩm tối. Khác với những lần trước, chúng không lục lọi hạch sách mà cà kê rề rà đòi ăn uống. Biết thủ đoạn của chúng, Út bình thản đun nấu, lo cơm tối cho hai đồng chí ở dưới hầm. Bọn mật vụ ngồi lâu không ai tiếp, đành trơ trẽn đánh bài chuồn.

Căn nhà càng về đêm càng trống vắng đến mức Út nghe được những âm thanh lạ phát ra. Nghi là chúng gài máy ghi âm, chị mở vòi nước cho nước chảy mạnh vào xô. Chị vào buồng mở nắp hầm và nói với hai anh:

- Nhà này chắc bị lộ, anh Ba và anh Tư ở đây lâu e chúng khui ra thì bị bắt cả đám. 

Tư Tăng cũng không giấu được sự lo ngại   

- Cô Út nói có lý. Tôi và Ba Tẻo phải thoát khỏi đây càng sớm càng tốt. Mà cô Út này, tôi suy nghĩ kỹ rồi, nhân dịp này cô nên thoát ly theo cách mạng. Ra cứ, tổ chức sẽ bố trí công tác cho cô.

Ngày mùng 2, mùng 3 Tết trôi qua trong sự căng thẳng của cả ba người. Sang ngày mùng 4 Tết, chiến sự ở nội thành lắng xuống, đường phố ở khu vực quận 1 đã trở lại bình thường. Tiếng súng, tiếng bom từng lúc vọng lại, nhưng xa dần. Cảm thấy thời cơ đã đến, Út quyết định đưa hai anh thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Chị lấy quần áo anh Năm đưa cho hai người hóa trang để ra khỏi nhà. Ba Tẻo mặc vừa, còn Tư Tăng lớn con nên trông vừa ngắn vừa chật, khiến ba anh em bật cười.

Út nép mình quan sát, nghe ngóng động tĩnh một lát rồi cầm chổi ra quét sân. Trong nhà Tư Tăng và Ba Tẻo không rời hành động của Út. Bỗng Út giơ cao chổi, Tư Tăng liền đi thẳng ra ngõ. Chờ cho Tư Tăng đi được một quãng dài, Út đổ rác, tay vỗ mạnh vào thùng; Ba Tẻo tiếp tục ra khỏi nhà.

Lo “đại sự” cho hai đồng chí cán bộ biệt động xong xuôi Út toan bỏ nhà đi luôn, nhưng lại thấy bọn "cớm" lảng vảng ngoài đường, nên đành gượng lại ngồi một mình trong căn nhà trống trếnh, Út mới thấm thía sự cô đơn buồn tủi. Lúc này chị càng thương chồng, nhớ con da diết. Mới hôm trước còn đông vui đầy đủ, vậy mà hôm nay anh Năm và cả chục đồng chí đã vĩnh viễn ra đi. Một mất mát quá lớn đối với chị.

Nhưng việc không thể đặng đừng. Phải bỏ nhà mà đi thôi, không còn cách nào khác. Chờ đến đêm, Út sẽ “xuôi chèo mát mái". Nhưng ngặt nỗi làm sao có thể đi trong đêm giới nghiêm. Nghĩ lao lung, bỗng trong đầu sáng lên, phải rồi, mình giả bộ làm người đi sanh, như vậy không ai cản trở.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #64 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2010, 04:58:52 pm »

Út chuẩn bị khăn độn bụng và các vật dụng cần thiết cho phụ sản và trẻ sơ sinh để đến đêm cải trang đi khỏi nhà. Hình ảnh người chồng rũ rượi bết máu khi bọn giặc khiêng ra lại hiện lên khiến chị bủn rủn tay chân. Nỗi đau đớn cồn cào như muốn đẩy chị quỵ xuống. Nhưng rồi chị lại gượng dậy.

Chờ quá nửa đêm. Út tay cầm đèn, tay xách giỏ “nặng nhọc" ra đi. Rời khỏi nhà được một quãng, chị gặp ngay bọn lính đi tuần tra. Một tên hỏi trống không: 

- Đi đâu mà có một mình?.

- Tôi đi sanh. 

- Chồng con đâu? 

Đã chuẩn bị lời lẽ đối phó, Út trả lời gọn lỏn:

- Chồng tôi làm cảnh sát, cũng phải đi gác như mấy chú vậy. 

Một tên can gián: 

- Thôi, để người ta đi, nhũng nhẵng bả vỡ bầu ra đây thì mang họa. 

Thế là thoát, Út bước lẹ hơn nhưng chúng không để ý chỉ mong sao mau đến được nhà người thân. Tính đi tính lại sợ đụng bọn lính lần nữa, Út rẽ vào nhà bảo sanh Dương Ngân ở Tân Định. Vừa tới nơi, mấy cô mụ và hộ lý đòi khám thai và dọn phòng, nhưng Út kêu mệt ngồi nghỉ đã. Gần sáng, cô mụ lại đến đòi khám, Út từ chối khéo: "Tôi sanh mấy lần rồi nên biết rành, khỏi cần khám, đau bụng là tôi lên nằm, các chị vô đi".

Trời sáng hẳn, ở đây thế nào cũng lộ chuyện, Út dúi tiền cho cô mụ rồi ra lẹ khỏi nhà bảo sanh. Tới chỗ vắng, chị kín đáo rút khăn độn bụng bỏ vào giỏ xách. Vừa may, một chiếc xích lô trờ tới. Út ra hiệu dừng lại rồi bước phắt lên xe. Chị hối bác xích lô đạp gấp, chỉ mấy phút sau, đã dừng trước ngôi nhà phố Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần), một cơ sở tin cậy của biệt động.

Gần hai tháng sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Tư Tăng, Ba Tẻo và anh chị em trong căn cứ vui mừng khôn xiết gặp lại Trần Thị Út. Mọi người ôn lại trận đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn đêm mùng 1 rạng mùng 2 Tết với những chi tiết không thể nào quên. Ai cũng bùi ngùi nhắc tới những đồng đội đã dũng cảm ngã xuống giữa Sài Gòn khói lửa như Năm Mộc, Năm Lộc, Bảy Rỗ, Hùng, Hiệp, Tỷ... trong đó sự hy sinh thầm lặng của vợ chồng chị Năm Mộc khiến mọi người vô cùng cảm phục. Và giờ đây, cô chủ "Tiệm may Quốc Anh" đã trở thành người chiến sĩ Giải phóng quân, bước tiếp trên con đường vẻ vang của người chồng thân yêu vừa ngã xuống trong trận đánh lịch sử hôm qua.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #65 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2010, 09:35:37 pm »

CHIẾN CÔNG CỦA CÔ BIỆT ĐỘNG N10

Đầu năm 1970, sau khi đạt được một số kết quả trong các chương trình bình định, địch vội khoác lác tuyên bố đã “bình định 100 phần trăm vùng ven Sài Gòn và tảo thanh căn bản Việt cộng ở nội đô”. Chúng hí hửng “thừa thắng xông lên" tăng cường càn quét khốc liệt vùng ven và vùng giải phóng, đồng thời liên tục thực hiện các cuộc hành quân cảnh sát, bắt bớ, tra tấn, tù đày hòng "bứng gốc” Việt cộng nằm vùng. Tình hình vẫn vô cùng căng thẳng và ngột ngạt, dẫn đến những cuộc biểu tình của đồng bào chống Mỹ - Thiệu quyết liệt, nhất là ở nội thành.

Kể từ sau Mậu Thân, do tổn thất lớn về sinh lực và cơ sở nên biệt động chưa thể hồi phục. Dường như từ lâu im vắng tiếng nổ trong thành phố khiến địch càng chủ quan ngạo mạn.

Bộ Chỉ huy Phân khu 6 chắp nhặt lắp ráp củng cố lực lượng Biệt động thành hai cụm N10 và N13, đưa người xâm nhập trở lại nội thành và cố gắng thực hiện một số trận đánh theo chỉ đạo của Miền, vừa để lấy lại thanh thế của biệt động vừa trực tiếp hỗ trợ cho các giới quần chúng đấu tranh .

Trần Thị Mai (còn gọi là Ba Quăng) được biệt động N10 phân công đánh vào một số mục tiêu nội thành. Cô gái tuổi 22 quê ở Tân Sơn Nhì, Tân Bình dáng người mảnh khảnh nhưng khuôn mặt toát lên vẻ cương nghị. khiến các đồng chí chỉ huy tin tưởng cô hoàn thành trọng trách.

Từ nhỏ Mai đã sống cực nhục, vất vả, phải đi ở đợ để nuôi mẹ. Cha cô là cán bộ cách mạng đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Đến thời Mỹ, má lại bị xe chúng cán bị thương ở đầu nên mắc bệnh thần kinh mãn tính. Cái tuổi học hành của cô là gánh rau thuê đè nặng trên vai để lấy từng chục bạc nuôi mẹ và mình. Cũng nhờ thế mà Mai có sức dẻo dai, chịu đựng được gian khổ, bom pháo giặc. Mai thương bà con mình và căm ghét Mỹ, ngụy đã gây nên cảnh đau thương, bất công trong xã hội “mạnh được, yếu thua". Năm 1964. khi Mai 16 tuổi, có cán bộ về móc ráp, cô theo ra vùng giải phóng với các chú các anh chiến đấu chống lại quân thù.

Tháng 12 năm 1968, cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy nổ ra cuốn hút các lực lượng vào mặt trận Sài Gòn - Gia Định. Thành lũy địch rung chuyển trước sức tấn công của biệt động và nhiều đơn vị khác. Trong một lần vào móc nối cơ sở, Mai rơi vào ổ phục kích của địch mà không hề hay biết. Khi cô mở cửa gọi nhỏ chủ nhà, cánh cửa hé ra trong sự im lặng đáng ngờ. Bỗng những họng súng đen ngòm chĩa vào cô. Mai bị địch bắt về bót tra khảo suốt 7 ngày, thân hình rách mướp, tàn tạ nhưng chỉ một mực khai là đi tìm người quen. Tên cảnh sát hỏi cung gào lên: 

- Thế cái căn cước giả này là “quốc gia" cấp cho mày để đột nhập nội đô?

Vật chứng quá rõ ràng (cái thẻ căn cước này do bộ phận kỹ thuật của Phân khu làm giả cho Mai, nhìn sơ qua thì không thể phát hiện được gì, nhưng giám định bằng kỹ thuật hiện đại thì không thể đánh lừa được chúng) Biết là không “chạy” khỏi, Mai đành phải vờ vịt tránh đòn: 

- Cái giấy tùy thân này một người lạ đến giao cho tôi và dặn đi đến đâu thì tuyên truyền chiến thắng của cách mạng đến đó.

Sáu tháng trời khi nhốt trong “cô nét” (côngtennơ), khi phơi nắng, bỏ đói, và bị tra tấn chết đi sống lại, Mai chỉ khai có chừng ấy. Sự kiên trì chịu đựng của cô và lời khai "nhàm chán" khiến bọn địch nản lòng, buông bỏ con mồi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #66 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2010, 09:36:29 pm »

Trở về đội ngũ, năm 1969, Mai được đơn vị giao nhiệm vụ tác chiến độc lập nội thành. Tổ chiến đấu của Mai còn có Hoàng Thị Minh Khanh (bí danh Bê) vốn là chiến sĩ của B11. Mục tiêu tấn công của tổ biệt động N10 là một cư xá đành cho bọn Mỹ ở đường Trần Hưng Đạo. Lối ra vào cư xá chỉ có người Mỹ đi, không một người lạ nào có thể lọt qua. Đó là một bài toán khó cho tổ biệt động: làm sao để đột nhập vào cư xá tiêu diệt chúng?

Rất may dính liền với cư xá có rạp xinê Đại Nam khi nào cũng đông khách. Qua nhiều lần điều nghiên, Mai quyết định chọn phương án đánh chất nổ từ trong rạp xuyên qua tường sang phòng bọn Mỹ ở. Nhưng muốn thực hiện được trận đánh thắng giòn giã thì phải vào rạp điều tra cụ thể mới có thể hành động chính xác và hiệu quả. 

Một buổi tối, hai cô gái đến rạp Đại Nam xem phim, suất 8 giờ. Nhân viên soát vé xé vé từ tay Mai và Bê. Tên cảnh sát đứng kế bên săm soi nhìn hai cô gái từ đầu đến chân. Bỗng hắn hỏi giật giọng:

- Thứ gì trong gio xách vậy?

Mai ngước đôi mắt bướng bỉnh lên, miệng cười xã giao:

- Thầy kiểm tra?

Chiếc túi mô đen "híp pi" mở rộng. Tên cảnh sát khoắng tay vào lục lọi, lôi ra vài quyển tập và hộp đồ trang sức, cười nhăn nhở:

- Học trò cúp cua, thôi vô đi, sắp chiếu rồi 

Mai và Bê thở nhẹ người, líu ríu kéo nhau lên gác. Vừa quan sát được một lát thì đèn tắt. Luồng sáng từ máy chiếu phim phóng lên màn hình, nhìn cảnh nam nữ ôm nhau mùi mẫn đến gai người. Mai thường nghe nói Sài Gòn đầy rẫy những nơi ăn chơi sa đọa, trác táng thì giờ đây nó hiện lên lồ lộ trước mắt, không hiểu nội dung nói về chuyện gì. Mặc cho mọi người mải mê thưởng thức, Mai và Bê đưa tay sờ vách tường, ước lượng độ dày của nó và làm bằng vật liệu gì để khối nổ bao nhiêu ký có thể phá tung. Mai nghĩ không còn cách nào hay hơn là đánh mìn nổ chậm hẹn giờ. 

Trên đường về, cô gái nghe lòng rộn lên niềm vui và háo hức chờ ngày lập công.

Bốn ngay sau, Mai trở ra căn cứ bàn đạp là trạm giao liên vùng ven và báo cáo chi tiết kế hoạch tác chiến của tổ biệt động cho Ban chỉ huy N10. Anh Năm Cương tỏ vẻ lo lắng, cư xá Mỹ to cao như một buynh đinh, liệu khối thuốc nổ mấy ký có thể làm sập tường, gây sát thương cho bọn Mỹ được không? Việc kiểm soát của địch gắt gao từ ngoài vào nội thành, làm sao đưa chất nổ vô trót lọt...?

Nắm bắt được ý người chỉ huy, Mai nói hăm hở, tự tin:

- Anh Năm khỏi lo nhiều, tụi em đã tính kỹ, bề dày bước tường 10 hoặc 20 phân thì với khối nổ 4 ki-lô-gam C4 (thuốc nổ mạnh) là đủ sức phá banh. Chất nổ kích thích có thể làm sập nhà. Bọn Mỹ sẽ chết vì tường sập và sức ép của thuốc C4.

Năm Chương có vẻ dè dặt: .

- Nhưng chỗ này phải tính toán sao cho an toàn, làm cách nào để đưa đưa được 4 ki-lô-gam thuốc nổ vào rạp. Vì thấy túi nặng, chúng sinh nghi, kiểm tra thì bể chuyện

- Như đã báo cáo anh Năm tụi em sẽ chia thuốc nổ thành những túi nhỏ và ngụy trang thật khéo léo, thì tụi nó có thính đến mấy cũng chào thua. Thêm nữa, tụi em tập xách sao cho thật nhẹ nhàng như xách gói quà thì làm sao chúng nghi ngờ.

Năm Cương cảm thấy đủ lòng tin hai người nữ chiến sĩ chấp thuận phương án đánh rạp Đại Nam và chuyển lên Phân khu xin ý kiến phê duyệt. Các anh trong Bộ chỉ huy đồng ý với cách đánh của tổ biệt động và chỉ đạo thêm một số chi tiết cần thiết. Trong thâm tâm các anh cũng nóng lòng có tiếng nổ trong Sài Gòn lúc này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #67 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2010, 09:37:45 pm »

4 ki-lô-gam thuốc nổ C4 (loại chất dẻo) được ngụy trang thành 4 đòn bánh tét theo xe đò vào thành phố. Khi qua ngã tư Trung Chánh, bọn cảnh sát ách xe lại, nhảy lên kiểm tra. Một tên trông dáng "thân bần trí đoản", chỉ cao độ thước rưỡi hích mũi giày vào túi xách của Mai:

- Đồ này của ai? 

Cô gái nói rành rọt: 

- Của tui. 

- Mở ra coi.

- Đây! sếp coi cho kỹ đi. 

- Đi đâu mà bánh tét, nhang đèn dữ vậy?

- Thưa sếp, em đi đám giỗ người bà con ở trỏng. Chắc sếp biết dư - vừa trả lời, cô gái trẻ vừa hất về phía hắn nụ cười duyên.

Nét mặt đâm lê của tên cảnh sát chùng lại. Y nhảy xuống xe, phẩy tay cho tài xế được đi.

Đêm hôm đó, Mai bắt đầu tập dượt cho trận đánh. Kinh nghiệm của cô dù hoạt động trong lòng địch có thông thạo bao nhiêu cũng phải hết sức thận trọng trong mọi hành vi. Chuẩn bị tốt mọi mặt là thành công đến 80 phần trăm trận đánh. Giữa đêm khuya thanh vắng trong khu phố lao động, Mai tập xách chiếc giỏ nặng 4 ki-lô-gam đi lại nhẹ nhàng, bình thản như một nữ sinh xách chiếc túi nhỏ đựng dăm ba quyển vở và đồ trang điểm của phái đẹp; kèm theo là chuẩn bị những lời lẽ đối phó.

Cũng trong nhà cơ sở. Mai bí mật cấu trúc thuốc nổ. Chờ lúc mọi người đã ngon gíâc. dưới ngọn đèn ngủ vàng đục cô nhồi thuốc dẻo C4 vào hai chiếc lon guigoz và tra thử kíp nổ. Chỉ cần ấn nhẹ là chiếc kim loại màu vàng lún sâu vào khối thuốc, kíp nổ axít hẹn giờ thao tác tuy đơn giản nhưng cũng dễ xảy ra sự cố, phải hết sức tỉ mỉ, cẩn trọng, nếu không chiến đấu viên có thể hy sinh, tệ hại hơn là khi chưa diệt được địch mà mình đã bị tai nạn. Theo phương án đã định, trận đánh được thực hiện bằng mìn nổ chậm.

Ngày N đã đến. Mai vừa .háo hức lại vừa lo lắng nhưng không hề biểu hiện trên gương mặt. Cô tới rạp Đại Nam mua hai vé xem phim suất 20 giờ. số ghế cũng chọn vị trị thuận lợi đặt mìn và rút lui.

Theo hiệp đồng, 19 giờ. Bê tới gặp Mai để cùng đi làm nhiệm vụ. Mai xách túi dựng hai lon sữa guigoz nặng trịch nhảy lên yên honda ngồi sau Bê, phóng nhanh về phía quận 1. Cả hai cô đều trang điểm theo mốt nữ sinh trông rất duyên dáng. Đến ngã tư Hai Bà Trưng - Hiền Vương (Võ Thị Sáu), chiếc xe máy bỗng loạng choạng.

“Thôi chết, xe xẹp bánh trước" - Bê kêu lên thất thần nhìn Mai một lát rồi hai chị em đẩy xe vào lề đường nhờ thợ sửa. Lúc đó đã 7 giờ rưỡi tối, ông già chậm chạp rề rà cạo ruột rồi bôi nhựa vào đưa lên miệng thổi... Mai sốt ruột: 

- Bác ơi làm lẹ giùm tụi con.

Ông già thủng thẳng:

- Tôi làm cẩn thận cho các cố, có gì mà gấp dữ vậy?

- Tụi con đi thăm người bịnh, 8 giờ bệnh viện đóng cửa không vô được thì gay lắm.

Nghe thế, ông già không thổi nữa, đắp miếng vá lên ruột xe gõ gõ rồi nhét vào vỏ xe rồi vội vã đẩy bơm. Hai cô cảm thấy tội nghiệp cho ông già, moi bóp trả tiền rồi phóc lên xe phóng đi, tới rạp vừa đúng 20 giờ. Đi xem phim mà như vậy là quá trễ. Mai đi trước chìa vé ra. Bên cạnh người soát vé là gã cảnh sát vẻ hách dịch nhìn Mai:

- Coi phim, sao đi trễ vậy? 

Mai nhếch môi cười: 

- Tụi tôi hỏng xe, mấy anh thông cảm, với lại coi phím thì đi trễ chút xíu cũng chẳng sao. 

Tên cảnh sát ra giọng hù cô gái: 

- Túi đựng gì mà bự thế, mở ra coi!

Mai vừa mở túi vừa nói sởi lởi :

- Đây thầy coi có hai lon sữa mua cho bà già với thằng cháu.

Cô đưa cái túi nhẹ nhàng như để khiến hắn thôi hạch sách. Cô thở phào, bước nhanh vào rạp, Bê cũng đi theo bén gót. Cả hai đã tìm đúng số ghế của mình, trong khi cảnh vật trên màn ảnh loang loáng trôi qua, mọi người lặng phắc theo dõi. Mai đưa cho Bê một "lon guigoz" còn mình thì giả vờ vừa xem vừa kín đáo thao tác thiết bị nổ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #68 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2010, 09:38:22 pm »

Thuốc nổ được lèn chặt trong hộp guigoz nhưng phải dùng kíp nổ để kích thích công phá. Loại thuốc C4 này cực mạnh, mấy lạng có thể quật ngã một thân cây lớn. Mìn được giấu với kíp axít ăn mòn kim loại cho đứt để bật lò xo đập vào “mắt ngỗng" của kíp nổ.

Các loại mìn trang bị cho hoạt động đều do công binh nghiên cứu chế tạo và thiết kế ngòi nổ rất đa dạng tùy theo từng loại mục tiêu; đồng thời huấn luyện thành thục cho chiến đấu viên sử dụng. Quả mìn đánh dêm nay có thời gian axít ăn mòn là 15 phút, bảo đảm cho khán giả và chiến đấu viên rời xa mục tiêu an toàn trước khi phát nổ. Đối với Bê, Mai đã huấn luyện cặn kẽ nhiều lần.

Thời gian gắn kíp nổ sắp hết mà phim chắc cũng chỉ có ít phút nữa là vãn. Lác đác đã có người ra về. Không thể tra kíp nổ sớm hơn. Qua điều nghiên, Mai đã tính toán chính xác. Năm phút sau khi hết phim, khán giả ra hết khỏi rạp thì trái mới nổ để tránh thương vong cho dân.

Mai đấu kíp xong vào mìn và đẩy lon guigoz vào sát tường. Cô quay sang Bê, thấy bạn còn lúng túng với chiếc kíp trên tay. Có lẽ do hồi hộp lại thiếu bình tĩnh nên Bê không cắm vô nổi chiếc ống thủy tinh đựng axít, mà các băng ghế đã bật lên lịch kịch khắp rạp. Phim vào cảnh chót, chừng phút nữa là đèn bật sáng. Mai đã đoán được tâm trạng bất ổn của Bê lần đầu tham gia tác chiến vào hang ổ địch. Cô lấy chiếc kíp từ trên tay Bê, cắm vào lọ thủy tinh đựng axít, nối nhanh cái kíp ấn vào lon chất nổ rồi đặt vào gầm ghế sát tường.

Phim hết, đèn bật sáng thì mọi người cũng đã ra gần hết Mai vờ cúi xuống nhặt chiếc khăn để kiểm tra lần cuối các thiết bị, xong đứng dậy đi ra khỏi rạp. Tình huống bất ngờ nơi Bê khiến Mai căng thần kinh, nhưng cô vẫn giữ vẻ thản nhiên bước đi cùng khán giả.

Ra khỏi rạp, Bê vào bãi lấy xe dắt ra đường, hai cô định nổ máy phóng nhanh thì sự cố hiểm nghèo xảy ra, chiếc honda vá ẩu bục ra từ lúc nào không chạy được. Chỉ còn 3 phút nữa thì mìn nổ, nếu chùng chình ở đây sẽ bị địch phong tỏa hốt vào bót như chơi. Khi đó sẽ rất lôi thôi, nguy hiểm, không chừng lại ngồi tù lần nữa.

Chẳng còn cách nào hơn. Bê cầm lái, Mai đẩy xe, cả hai chạy hộc tốc như ma đuổi, khi sắp tới chợ Bến Thành, ra ngoài vòng nguy hiểm thì một tiếng nổ như sét vang lên, cuốn hút mọi sự hốt hoảng của mọi người về phía rạp Đại Nam. Tiếp đó là những tiếng còi cảnh sát, xe cứu hỏa, cứu thương hú lên ầm ĩ chạy bủa về đường Trần Hưng Đạo, gây nên cảnh náo loạn trên đường phố.

Sáng hôm sau ra phố, Mai thấy báo chí đăng nhan nhản tin “cư xá Mỹ bị Việt cộng tấn công". Mai mua tờ Chính Luận, lòng cô vô cùng hả hê khi thấy hình ảnh đổ nát của ngôi nhà và đọc những dòng ở trang nhất “vụ nổ chưa từng có sau Tết Mậu Thân làm nhiều cố vấn Mỹ và nhân viên thiệt mạng... thủ phạm đã chạy thoát...". Hầu hết các báo cố giấu đi con số thương vong theo chỉ đạo bắt buộc của nha chiến tranh tâm lý, mà chỉ nói là rạp hát và cư xá bị phá hủy, nhưng cơ sở của ta báo tương đối chính xác là 70 tên Mỹ chết và bị thương.

Đi trên dường phố, cô gái biệt động N10 thầm nghĩ: chắc giờ này các anh, các chú ở ngoài căn cứ đã hay tin, anh chị em mừng lắm.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #69 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2010, 09:39:21 pm »

THU TRANG TRONG LÒNG ĐỊCH

Tại đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua của lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định năm 1971, có một đại biểu khác thường, không ai trông thấy mặt, kể cả với đồng chí tư lệnh và chính ủy Quân khu. Có chăng, chỉ vài người có phận sự trong ban tổ chức đại hội được tỏ chân dung của người nữ chiến sĩ ấy, bởi hằng ngày cô phải đối diện với họ để thực tập báo cáo điển hình. Ngoài ra vài người liên lạc, đưa cơm có cơ hội thấy mặt con người bí ẩn ấy trong giây lát. 

Trong mấy ngày đại hội, cô gái lặng lẽ lên hội trường rồi lại trở về hầm với khuôn mặt giấu kín trong tấm khăn trông giống như một tín đồ đạo Hồi hay một nữ chân tu. Hầu như cô không hòa nhập gì vào không khí tưng bừng rạo rực của những ngày hội mừng công của trên năm trăm con người hiện diện trong khu rừng. Nhiều người thấy lạ lùng, tò mò tìm hiểu nhưng vô hiệu. Chẳng ai rõ tung tích cô gái trùm khăn kín mít, còn ban tổ chức thì chưa có quyền tiết lộ.

Đến ngày thứ tư của đại hội, cả hội trường xôn xao khi nghe đồng chí trưởng ban tổ chức giới thiệu:

- Chúng tôi xin mời đồng chí Nguyễn Thị Thu (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thu Trang), chiến sĩ biệt động thành lên báo cáo thành tích hoạt động và chiến đấu trong nội thành. Trước khi đồng chí Thu báo cáo, tôi xin được nói sơ vài nét: đồng chí Thu là chiến sĩ thi đua duy nhất của lực lượng biệt động thành tham dự đại hội hôm nay. Đồng chí đã lập nhũng chiến công xuất sắc ngay trong lòng địch với các trận đánh Hotel Kỳ Sơn, bar Kim Liên, nhà hàng Tự Do... Do điều kiện đồng chí còn trở vô nội thành nên chúng tôi không được phép công khai, cụ thể là chúng ta không thấy mặt đồng chí. Đó là một trong những nguyên tắc của biệt động, mong các đồng chí hết sức thông cảm.

Ai nấy háo hức dồn mắt lên phía sân khấu hội trường chờ đợi cô gái xuất hiện để “coi mắt" với niềm phấn hứng gấp mấy những bản báo cáo trước đó. Người nữ chiến sĩ biệt động bước ra nhưng như kẻ vô hình, không cách gì thấy được. Một tấm nilông được chuẩn bị sẵn đã chăng lên trước bục diễn giả. Tuy thế, tiếng vỗ tay vẫn trỗi lên như tràng pháo tết kéo dài. Chờ cho dứt tiếng vỗ tay, cô gái cất lên tiếng nói lanh lảnh dịu dàng, một giọng nói hoàn toàn mới lạ mang hơi thở của nội thành làm cả hội trường lặng im phăng phắc.

Thu Trang hồn nhiên, rắn rỏi kể chuyện chiến đấu của mình, hệt như cô mới vừa ra khỏi chốn nguy hiểm nơi sào huyệt kể thù.
Rời quê hương Trảng Bàng, Tây Ninh đến Sài Gòn trong dáng một nữ sinh có vẻ quê mùa, Trang thấy mình lạc lõng đến mức như đắm chìm vào trong cảnh phồn hoa đô hội của thành phố tiêu thụ ăn chơi. Những mốt quần áo, xe cộ với sắc màu lòe loẹt dị kỳ, những dãy phố nhan nhản biển quảng cáo bằng chữ nước ngoài, những âm thanh ồn ã rít róng hỗn tạp như trào lên không bao giờ dứt...
Tất cả những thứ đó tượng trưng cho cái gì? Trang chưa nghĩ hết và hầu như vô nghĩa đối với những người thích sống bình dị như cô. Những ai có tinh thần dân tộc. lòng yêu nước, thương dân đều thấy mình bị xúc phạm.

Ngày ngày bước đi giữa náo loạn, xô bồ, lòng Trang vẫn hướng về một điều hệ trọng, thiêng liêng. Đó là nhiệm vụ đội biệt động giao cho. Trang thấy nguy hiểm có thể xảy đến như một tai họa, dù công việc trước mắt chưa phải là chiến đấu mà làm liên lạc móc nối một số cơ sở nội ngoại thành. Nhưng nỗi lo lắng của cô nữ sinh được thay thế bằng niềm vui chiến đấu. Trang nhớ lại khi còn ở An Tịnh, Trảng Bàng có lần cô thủ thỉ với mẹ:

- Má ạ, nhà ta nghèo nhưng nếu được đi theo các chú đánh Mỹ thì thích quá. Giặc Mỹ ác, còn quân ngụy tay sai là bọn bán nước. Lâu nay bà con mình cực khổ, đạn bom chết chóc, làng xóm điêu tàn là cũng do bọn chúng. Bác Hồ kêu gọi nhân dân đánh Mỹ, diệt ngụy, đấu tranh cho nước nhà thống nhất, hòa bình. Con lớn rồi, má cho con đi giải phóng nghe má.

Người mẹ âu yếm vuốt lên mái tóc đen mượt của con như gửi gắm tất cả niềm thương yêu vào đứa con nết na, quen chịu thương chịu khó. Bà nói:

- Đi đánh Mỹ thì má không cản, nhưng con còn đi học, người ta thường nói “học hành là dành bạc” đó con.

Trang nắm lấy cánh tay gầy gò của mẹ phân bua: 

- Con vừa đi học vừa đánh Mỹ, má thấy có được không? 

Người mẹ qua giây phút ngạc nhiên hiểu rằng con cái của mình đã có sự chuẩn bị ra đi. Nó không muốn sống an phận trong vòng tay chiều chuộng của gia đình, khi rất nhiều nam nữ thanh niên thoát ly gia đình vào chiến khu tòng quân đánh giặc. Nó muốn đi làm cách mạng. Bà hôn lên mái tóc con một lần nữa.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM