Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:27:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ đội Bình Xuyên  (Đọc 53413 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #30 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 11:42:24 pm »

Sắp sang canh, Bộ đội Tân Thuận được lệnh rút về Rạch Rợp. Lại ra đi, đoàn người băng qua cánh đồng, tiến về phía bắc. Trăng mười ba sắp tàn, phủ mờ trên nẻo đường mùa khô trong cánh rừng ngập mặn. Qua những vạt rừng trú đậu của vô số loài chim, tiếng thậm thịch của đoàn người làm cho bầy chim xao xác. Rồi ngưng lắng bốn bề. Thảng hoặc, trên trảng trống, dăm ba nóc nhà, chòi ruộng loi thoi hiện ra, im lìm trong sương đêm.

Gần 3 giờ sáng, đoàn người dừng lại, chia quân đóng trong xóm nhỏ. Đây là địa bàn  ấp Bình Khương nằm ở phía đông bắc của xã Châu Bình. Nhà cửa cất thành từng cụm dăm bảy nóc nép dưới tán lá. Đây đó, những vạt ruộng vừa được vỡ hoang, còn ngái mùi cỏ đắng.
Trời sang, có tiếng máy bay từ xa vọng lại. Ba chiếc Spitfire từ phía bắc lao tới, đảo mấy vòng trên khu vực đóng quân của bộ đội Bình Xuyên rồi chúi xuống, xả mấy loạt đạn vào xóm nhỏ.

Tại nơi đặt bản doanh của bộ chỉ huy, khi nghe tiếng máy bay, Dương Văn Dương và một số cán bộ. chiến sĩ vội ra sau lưng nhà, nấp cạnh cây rơm, theo dõi hoạt động của máy bay địch. Trong lúc ông đang quan sát. một loạt trọng liên từ máy bay địch bắn xuống khu vực bộ chỉ huy. Dương Văn Dương bị trúng đạn và hy sinh. Máu nhuộm đỏ những cọng rơm vàng và thấm vào lòng đất nơi ông vừa ngã xuống. Bấy giờ là 8 giờ 30 phút ngày 16 tháng 2 năm 1946 (tức ngày 14 tháng 1 âm lịch).

Trước tổn thất quá lớn và bất ngờ, hai người còn lại trong bộ chỉ huy quyết định khẩn cấp họp cán bộ chỉ huy các bộ đội. Hội nghị nhận định rằng, đức độ và tài năng của vị chỉ huy Dương Văn Dương là niềm tin của cán bộ và chiến sĩ Bình Xuyên. Tin anh không còn nữa, nếu lộ ra, chắc chắn sẽ gây bất lợi. Do vậy, hội nghị quyết định: tuyệt đối giữ kín việc Dương Văn Dương hy sinh; bí mật an táng anh, đồng thời thi hành biện pháp nghiêm ngặt để thực hiện quyết định này.

Hội nghị nhất trí cử Trần Văn Đối thay Dương Văn Dương làm chỉ huy trưởng đoàn quân. Ngoài ra, cơ cấu và sự hoạt động của bộ chỉ huy cần phải được giữ nguyên như cũ để phục vụ quyết định thứ nhất.

Hội nghị cho rằng, mục tiêu của cuộc hành binh về Bến Tre, tăng viện cho mặt trận An Hóa - Gia Hòa đã kết thúc. Địch đã thiết lập quyền kiểm soát ở hầu hết những khu vực xung yếu như thị xã. thị trấn, ven các trục đường giao thông và các vùng đông dân. Giờ đây, việc đảm bảo mọi mặt cơ động lực lượng, tiếp tế lương thực thực phẩm, bổ sung đạn dược, vũ khí cho một lực lượng tập trung hơn 500 người có thể trụ bám và chiến đấu dài ngày trên vùng địa hình hẹp, lầy thấp, bị hệ thống sông, kinh, rạch chia cắt như vùng độc lập còn lại của Giồng Trôm nói riêng, của Bến Tre, Mỹ Tho, Gò Công, Tân An... nói chung, đã là điều không thể. Hội nghị quyết định khẩn trương tổ chức cho bộ đội trở lại rừng Sác miền Đông.

Trở về theo đường cũ là điều cho đến thời điểm này, đã trở nên nguy hiểm. Chắc chắn địch đã có biện pháp chặn giữ ngặt nghèo hơn. Hội nghị nhất trí chọn giải pháp ông Ba Đạt đề xuất: lợi dụng mùa gió nồm đang đến, mượn ghe cửa, căng hết ba buồm, đưa bộ đội vượt biển. Đường đi chừng 40 km, tốc độ ghe cửa hơn 10 km một giờ. Tính ra nếu xuôi lọt thì sau 4 giờ trên sông nước, đoàn quân sẽ về tới rừng Sác miền Đông.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Năm, 2008, 11:23:13 am gửi bởi colorwind » Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #31 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 11:48:25 pm »

Ông Ba Đạt và nhóm lãnh nhiệm vụ đưa bộ đội đến chỗ tập kết mới, mượn ghe cửa của ngư dân và làm hoa tiêu cho đoàn ghe đi đúng hướng.

Trương Văn Giàu cũng đem lực lượng của mình tới kịp cùng về rừng Sác với bộ đội Bình Xuyên.

Đêm 16 tháng 2 năm 1946, giã biệt ấp Bình Khương - nơi yên nghỉ ngàn năm của người Anh cả, đoàn quân Bình Xuyên lại ra đi. Hai giờ sáng ngày 17 tháng 2, toàn bộ lực lượng đã tập kết đầy đủ các xóm ở đông nam thị tứ Thới Thuận, huyện Bình Đại.

Vào thời gian này, Thới Thuận, tương tự các xã Thừa Đức, Thanh Tân, Phước Thuận trên vùng rừng Sác, còn chưa bị địch chiếm. Chính quyền, đoàn thể cách mạng vẫn đang mạnh. Đa phần ngư dân sống bằng nghề hái củi, đánh cá trồng trọt trên các rẫy đất giồng... Một số là chủ các hiệu tạp hoá nhỏ, chủ vựa cá, vựa củi, sửa chữa và đóng ghe thuyền...

Trong lúc đoàn quân dừng lại nghỉ ngơi, bộ phận tiền trạm của nhóm ông Ba Đạt mượn đủ số ghe cần thiết. Khi tất cả đã sẵn sàng chờ xuất phát thì bộ chỉ huy nhận được nguồn tin do số bà con vừa đi đánh cá hoặc vừa bỏ hàng xong ở Sài Gòn trở về báo lại: liền mấy hôm nay, chiến thuyền địch xuất hiện nhiều, tăng cường soát xét trên các luồng đi lại của ghe thương hồ, thuyền đánh cá; có cả những chiếc neo đậu ngoài khơi rập rình. Lời mách của bà con khớp với tin tình báo của ta. Bộ chỉ huy họp bàn quyết định: bỏ đường biển, quay về theo lối cũ.

Tối 18 tháng 2 năm 1946, đoàn quân lên đường. Sáng hôm sau, ngày 19 tháng 2 năm 1946, đại diện bộ đội Gò Công, trong đó có Ba Vinh (Nguyễn Huỳnh Ngân) từ xã Thừa Đức đến thị trấn Thới Thuận liên hệ đưa lực lượng nhập với bộ đội Bình Xuyên về miền Đông xây dựng căn cứ. Nhưng đã muộn, bộ đội Bình Xuyên đã ra đi đêm trước. Đại diện bộ đội Gò Công vừa ra khỏi thị trấn thì ngay lập tức máy bay địch lao tới, ném bom, bắn phá khu vực mà bộ đội Bình Xuyên vừa rút.

Là con em nhân dân địa phương, thạo thuộc sông biển của tỉnh nhà, hai hôm sau, bộ đội Gò Công đã vượt sông Vàm Láng cửa sông Soài Rạp đến hạ trại trên xóm Cả Đại, xã Lý Nhơn, thuộc rừng Sác, Nhà Bè. Bấy giờ bộ đội Bình Xuyên vẫn chưa về tới. Từ đây, bộ đội Gò Công là một bộ phận khăng khít của bộ đội Bình Xuyên. Mấy hôm sau, bộ đội Bến Tre do Trương Văn Giàu chỉ huy cũng kéo tới đóng trên xã Lý Nhơn gần bộ đội Gò Công.

Cuối cùng, khuya đêm 4 rạng ngày 25 tháng 2 năm 1946, đoàn quân về đến rừng Sác. Bộ phận viễn chinh đi chiến đấu ở Bến Tre đã trở lại chính nơi mà cách đó gần một tháng họ lên đường. Quân số có đông hơn buổi ra đi nhưng giờ đây Dương Văn Dương cùng một số cán bộ, chiến sĩ không còn nữa ! Rồi ra, tên của Dương Văn Dương, Thiếu tướng Khu bộ phó Khu 7, chỉ huy trưởng Liên chi 2 - 3 Bình Xuyên sẽ còn được nhắc lại trong phiên hiệu một trung đoàn bộ đội hay một con kinh kháng chiến, hay trong tâm thức của mọi người. Dù sao, cuộc kháng chiến mới bắt đầu. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Bình Xuyên nén nỗi buồn mất mát, điềm tĩnh và từng trải hơn khi tiến bước trên chặng hành trình với bao cam go thử thách đang chờ đón họ ở chiến trường miền Đông Nam Bộ.

« Sửa lần cuối: 16 Tháng Năm, 2008, 10:10:49 am gửi bởi colorwind » Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #32 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 10:27:08 am »

Chương V

CHIẾN TRƯỜNG MIỀN ĐÔNG

Từ Thới Thuận, thị tứ duy nhất của Bến Tre còn chưa rơi vào tay địch, bộ đội Bình Xuyên bỏ đường biển, theo đường bộ, trở lại miền Đông. Ngày nghỉ đêm đi, được nhân dân giúp đỡ, đoàn quân qua cù lao Bình Đại, vượt sông Tiền Giang, qua Tân An, lại vượt dòng Vàm Cỏ, qua Cần Đước, về tới An Thới Đông, rồi dừng chân trên rừng Giồng Phệt ở phía nam ấp Bà Yên, xã Tân Thạnh, huyện Nhà Bè. Là giồng đất cao ở cực nam chiến khu rừng Sác, biệt lập với xóm ấp, lọt trong cánh rừng ngập mặn hoang dại trải ngút ngát phía bắc dòng Đồng Định - một con sông chảy về vịnh Gành Rái - cửa của dòng Thất Kỳ Giang (sông Ngã Bảy), phía trong cửa biển Cần Giờ, rừng Giồng Phệt đủ rộng và đảm bảo an toàn cho 500 người nghỉ ngơi vào sắp xếp đội hình sau những ngày gian truân trên dặm dài viễn chinh về miền Tây.

Ngày 6 tháng 3 năm 1946, Hiệp định sơ bộ giữa ta và Pháp được ký kết. Dù vậy, thực dân Pháp vẫn chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quân sự. Tại Nam Bộ và nam vĩ tuyến 16, đồng thời với các biện pháp quân sự nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta, bình định các vùng nông thôn, địch tiến hành các thủ đoạn chính trị khác hòng biến Nam Bộ thành "xứ tự trị" thuộc khối liên hiệp Pháp. Chúng lôi kéo tay sai lập "Hội đồng tư vấn", lập các đảng phái phản động như "Mặt trận quốc gia liên hiệp", "Việt Nam cách mạng dân chủ xã hội đảng". "Liên minh dân chủ đảng"... tung bọn phòng nhì, tay sai thâm nhập dần vào một số đơn vị võ trang của ta, hòng lũng đoạn, phá hoại ta từ bên trong, nắm các giáo phái, chia rẽ Việt Nam - Campuchia, dùng bọn tay sai để lập ra "Nam Kỳ quốc"...

Với bộ đội Bình Xuyên, từ trước, địch đã có ý định bằng mọi cách lôi kéo lực lượng này rời xa cuộc kháng chiến, biến thành một đội quân tay sai chống phá cách mạng. Sau khi Dương Vãn Dương hy sinh, chúng càng ráo riết xúc tiến kế hoạch này.

Bảy Viễn là con bài được chúng chọn để thực hiện mưu đồ nói trên. Những ngày cuối tháng 2, Bảy Viễn cùng "bộ đội Phú Thọ" của mình - gần một trung đội - kéo tới địa bàn rừng Sác thuộc xã Phước An, nơi có sở chỉ huy của Dương Văn Hà, Đinh Văn Nhị cùng bộ phận bộ đội Bình Xuyên được bố trí ở lại không đi Bến Tre. Bằng thủ đoạn khéo léo, y bắt đầu tiến hành các hoạt động lôi kéo, dụ dỗ cán bộ, chiến sĩ Bình Xuyên. Nội bộ liên chi 2 và 3 dần dần hình thành một nhóm người thuộc phe cánh Bảy Viễn.
 
Cuối tháng 2 năm 1946, cán bộ từ các ban chỉ huy đại đội chi đội của bộ đội Bình Xuyên từ Giồng Phệt vượt sông Lòng Tàu và Đồng Tranh về rừng Sác, xã Phước An dự lễ truy điệu Dương Văn Dương.

Nguyễn Bình, do có việc đột xuất không tới được, gửi công văn uỷ nhiệm cho tập thể cán bộ chỉ huy bộ đội Bình Xuyên cùng Lương Văn Trọng (từ Bà Rịa tới) đứng ta tổ chức lễ truy điệu.

Thay mặt Nguyễn Bình, Lương Văn Trọng đọc quyết định truy phong liệt sĩ Dương Vãn Dương cấp hàm Thiếu tướng của Quân đội quốc gia Việt Nam. Ghi nhớ công lao của ông, Uỷ ban kháng chiến - hành chính Nam Bộ quyết định lấy tên Dương Văn Dương đặt cho dòng kinh lớn ở trung tâm căn cứ Đồng Tháp Mười thay cho tên cũ là kinh Lagrange. Cán bộ chiến sĩ bộ đội Bình Xuyên đặc biệt xúc động khi nghe tin Hồ Chủ tịch gửi điện chia buồn với gia quyến người vừa khuất.

Sau lễ truy điệu, 41 cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị các ban ngành trực thuộc đã họp để bầu người thay thế Dương Văn Dương làm chỉ huy trưởng. Dự họp có cả Bảy Viễn. Không khí trong phòng và ngoài hành lang cuộc họp đầy căng thẳng.

Các thành viên trong hội nghị đề cử hai người: Dương Văn Hà (có năm người đề cử, trong đó có Từ Văn Ri, Đinh Văn Nhị) và Lê Văn Viễn (hai người đề cử là Trần Văn Đối và Nguyễn Văn Huỳnh). Thể thức bầu đơn giản, số phiếu từng ứng cử viên được căn cứ bằng số cánh tay của đại biểu giơ lên.

Kết quả, với số phiếu chỉ trội hơn hai cánh tay, Dương Văn Hà trúng cử chức chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy liên chi đội 2 và 3 Bình Xuyên. Tiếp đó, hội nghị đã biểu quyết cử Trần Văn Đối làm chỉ huy phó. Tham vọng nắm bộ đội Bình Xuyên của Bảy Viễn đã bị hội nghị bác bỏ.
 
Phần cuối của chương trình, hội nghị tiến hành bàn bạc, chọn lựa điểm đóng quân. Mọi người quyết định lấy vùng núi Bà Rịa nằm kẹp giữa quốc lộ 15 và liên tỉnh lộ 2 làm khu vực tập kết mới.
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #33 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 11:09:29 am »

Những ngày đầu tháng 3 năm 1946, trước khi rời Giồng Phệt, bộ đội Bình Xuyên đã tập kích đồng loạt vào các căn cứ quân sự, đồn bót địch trong thị trấn Cần Giờ, đánh thiệt hại nặng một trung đội ở ấp Nhì. Số còn lại gần hai trung đội đóng ở ấp Tuân và ấp Ba dạt ra mép nước của bãi biển Cần Giờ và được tàu tuẫn tiễu địch từ cửa Cần Giờ vào cấp cứu.

Thượng tuần tháng 3 năm 1946, các đơn vị chiến đấu và một bộ phận nhỏ ban ngành trực thuộc bộ đội huyện Châu Thành, vượt quốc lộ 15, tới hạ trại ở núi Hàm Rồng và Eo ông thuộc cụm núi Thị Vải - ông Trịnh - Tóc Tiên... Tư Huỳnh đưa lực lượng của mình (Đại đội 3, Chi đội 3) tới núi Hàm Rồng, một mình đóng cạnh con suối Mù Cua. Các đơn vị còn lại kéo cả tới núi Eo ông, chia quân trấn giữ. Bộ đội Thủ Thiêm và Đại đội 3, Chi đội 2 đóng dưới chân núi. Bộ đội Phú Thọ của Bảy Viễn nhè chóp đỉnh hạ trại. Giữa lưng chừng núi là khu vực đóng quân của các đơn vị khác thuộc chi đội 2 và 3. Sở chỉ huy chung đặt tại Rạch Nghệ, vùng rừng Sác thuộc xã Phước Hoà. huyện Châu Thành. phía tây quốc lộ 15. Binh công xưởng, pháo lớn (đại bác 75 ly và súng 24 ly ) cùng các tàu thuyền vẫn đặt nguyên chỗ cũ sâu trong rừng Sác.

Ổn định xong nơi ăn, chốn ở cho cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị. Bộ chỉ huy triển khai các mặt công tác nhằm từng bước củng cố, tăng cường sức chiến đấu của bộ đội. Thời kỳ này kéo dài đến hết tháng 5 năm 1946 và được tiếp tục cả một thời gian dài sau đó. Về cơ bản, sau khi chỉnh đốn lại lực lượng, cơ cấu chỉ huy hợp lý hơn, chất lượng bộ đội Bình Xuyên được nâng lên một bước,

1. Bộ chỉ huy chung: Dương Văn Hà (chỉ huy trưởng), Nguyễn Đức Huy [11] (chính trị viên).

2. Các ban, ngành trực thuộc:

- Văn phòng bộ chỉ huy: Lương Văn Trung (chánh văn phòng).

- Ban Tham mưu: Nguyễn Sơn Xuyên (tham mưu phó, quyền tham mưu trường).

- Ban tình báo: Dương Văn Thiệu (trưởng ban).

- Ban cơ yếu, điện đài: Hai Thiền (phó ban).

- Ban giao thông, liên lạc thuỷ bộ: Sáu Hằng, Tư Cao (phụ trách).

- Ban chính trị: Nguyễn Đức Huy (kiêm trường ban).

- Tập san Yêu nước: Nguyễn Đắc chủ bút).

- Ban quân nhu: Đặng Bá Lầu (trưởng ban).

- Ban quân y và bệnh viện: bác sĩ Nguyễn An Trạch (trường ban kiêm bệnh viện trưởng).

- Toà án binh: Hàm và Yên (phụ trách).

- Trại giáo hóa (trại giam): Nguyễn Văn Dậu ( trưởng trại ) .

- Binh công xưởng: gồm 2 bộ phận. Bộ phận đóng tại Rạch Su, giám đốc là Hanh. Bộ phận đặt tại Rạch Tượng do Lương Văn Chắc (Nhứt Lang) làm giám đốc.

- Ban sưu tầm vũ khí: Nguyễn Văn Đức trưởng ban.

11. Do Khu uỷ Khu 7 điều về tham gia kháng chiến ở chiến trường miền Đông đến hết cuộc kháng chiến chống Pháp, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó bí thư Khu uỷ Khu 7. Bí thư Đảng uỷ phân khu Duyên Hải. Sau tập kết 1954 bị phát hiện là tên phản bội cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám.
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #34 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 11:12:34 am »

- Ban tiếp liệu [12]: (khai thác và mua sắm nguyên liệu, hoá liệu phục vụ sửa chữa, sản xuất vũ khí): Nguyễn Văn Dại (trưởng ban).

- Đơn vị trợ chiến gồm trọng liên 13,2 ly, tốc xạ pháo 20 ly: Nguyễn Văn Hiệp (chỉ huy trưởng). Đơn vị trợ chiến gồm 2 khẩu pháo 24 ly: Thanh (chỉ huy trưởng).

- Đại đội vệ binh, trinh sát: Đoàn Văn Ngọc (đại đội trường ).

3. Chi đội 2

- Ban chỉ huy chi đội: Lê Văn Chàng (chi đội trưởng), Nguyễn Lộc (chính trị viên), Nguyễn Văn Soái (chi đội phó).

- Văn phòng: Lê Văn Bảy (chánh văn phòng).

- Cơ quan chính trị chi đội: Trần Văn Ơn (bí thư chi đội uỷ).

- Ban tình báo: Lê Thành Công (Lê Minh Thịnh tức Sáu Thịnh trưởng ban).

- Đại đội 1 : Huỳnh Văn Nên (Ba Bay, đại đội trưởng), Nguyễn Văn ích (Hoàng Bác Phong, chính trị viên).

- Đại đội 2: Quách Văn Phải (đại đội trường). Chưa có chính trị viên.

- Đại đội 3: Trần Văn Thơ (đại đội trưởng), Đỗ Văn Sáu Nhỏ (Đỗ Tầm Chương) chính trị viên.

4. Chi đội 3:

- Ban chỉ huy chi đội: Ngô Văn Lực (chi đội trưởng), Lâm Văn Hậu (Ba Hậu, chính trị viên).

- Đại đội 1 : Võ Văn Môn (đại đội trưởng), Nguyễn Đắc (chính trị viên).

- Đại đội 2: Trương Công Trứ (đại đội trường), Huỳnh Văn Được (chính trị viên).

- Đại đội 3: Nguyễn Văn Huỳnh (đại đội trường), Lê Sùng (chính trị viên).

Cùng với quá trình bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ các cấp tăng cường hệ thống lãnh đạo, chỉ huy trong các đơn vị, vấn đề xây dựng cơ sở đảng và phát triển đảng viên mới ở các khối của bộ đội Bình Xuyên bất đầu được tiến hành. Trước tháng 2 năm 1946, trong lực lượng võ trang Bình Xuyên, chỉ bộ đội Phú Xuân và bộ đội Cần Đước là có tổ chức đảng. Các đơn vị còn lại, cơ sở đảng chưa hình thành. Gặp nhau ở lòng yêu quê, yêu nước mà từ giã "kiếp giang hồ", cố kết vào một khối trong buổi Tổ quốc nguy nan, đa số cán bộ, chiến sĩ Bình Xuyên, khi xáp trận thì đánh hết mình, dũng mãnh, gan dạ nhưng vẫn còn nhiều biểu hiện tuỳ tiện - nết cũ một quãng đời chưa mấy xa. Giờ đây, trước đòi hỏi của thực tiễn cách mạng và để đảm bảo cho bộ đội Bình Xuyên phát triển lành mạnh hơn, vững chắc hơn, các đảng viên trong đơn vị đã liên hệ với cấp uỷ đảng địa phương huyện Long Thành, với Tỉnh uỷ Biên Hoà và Khu uỷ Khu 7, xúc tiến công việc hệ trọng này. Từ đầu tháng 3 năm 1946, một số tổ chức đảng được thành lập.

Ở Chi đội 2, tham gia cấp uỷ có Trần Văn Ơn (Năm Ơn) phụ trách bí thư, Nguyễn Văn Sáng. Nguyễn Văn Khoắn, Nguyễn Lộc là uỷ viên. Trong chi đội này, Đại đội 1, Đại đội 3 và Văn phòng Chi đội có chi bộ Đảng. Tháng 6 năm 1946, thêm một chi bộ - chi bộ Đại đội 2 - ra đời. Ở bộ phận các ban, ngành trực thuộc, các tổ chức cơ sở đảng có văn phòng ở bộ chỉ huy, ban chính trị, ban tình báo, binh công xưởng (bộ phận do Lương Văn Chắc làm giám đốc). Cuối năm 1946, bốn chi bộ nữa ở các ban ngành lần lượt hình thành. Do điều kiện nội tại, ở Chi đội 3, tổ chức đảng ra đời muộn hơn so với Chi đội 2 và các ban ngành trực thuộc. Tháng 7 năm 1946, chi đội uỷ Chi đội 3 được chỉ định: Nguyễn Đắc (gốc người miền Bắc, chính trị viên Đại đội 1 , Chi đội 3) làm bí thư. Ba đảng viên được Khu uỷ chỉ định tham gia Đảng uỷ liên chi: Trần Văn Ơn (bí thư chi đội uỷ Chi đội 2), Nguyễn Đắc (quyền bí thư chi đội uỷ Chi đội 3) và Lê Văn Phẩm (vừa lên thay Lương Văn Trung làm chánh Văn phòng).

12. Sau này là Ban liếp liệu của bộ đội 15 (xưởng quân giới Nam Bộ ở rừng Sác).
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #35 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2008, 11:22:52 am »

Cùng với quá trình hình thành các tổ chức đảng, vấn đề tăng cường số lượng đảng viên trong các đơn vị bộ đội Bình Xuyên cũng đặt ra. Bấy giờ, số lượng đảng viên còn ít, thiếu cân đối so với "khung" tổ chức đảng hiện có trong bộ đội Bình Xuyên. Con số mấy chục đảng viên trong tổng số hơn 2.500 cán bộ, chiến sĩ là một tỷ lệ khiêm tốn. Giờ đây, khi tình hình chung và điều kiện nội tại thuận hơn, Đảng bộ bộ đội Bình Xuyên chủ trương: bí mật mở cuộc vận động, tuyên truyền về mục tiêu, lý tưởng của Đảng, về lập trường giai cấp công nhân, về đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng. Chính phủ... trong tất thảy các đơn vị, thông qua việc giáo dục và tăng cường ý thức chính trị, đưa mọi người vào nếp sống có kỷ luật chặt chẽ, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức của chiến sĩ cách mạng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh. Từ đó lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ có đủ điều kiện đức và tài, tiến hành bồi dưỡng kết nạp Đảng. Chủ trương của Đảng bộ được triển khai thực hiện và đưa lại những kết quả tốt. Đại đa số cán bộ chiến sĩ bước đầu hiểu rõ mục tiêu, lý tưởng của Đảng ta, nắm được chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Trên cơ sở đó phong trào thi đua rèn luyện, phấn đấu để trở thành đảng viên trong các đơn vị đã hình thành và thu hút nhiều người tham gia. Một số gương chiến đấu, học tập và công tác xuất hiện, tiêu biểu là Trần Văn Hoàng. Mưu trí và táo bạo, anh tự trói mình giả bị bắt để cho các chiến sĩ của mình cải trang thành lính địch giải về đồn Phú Mỹ nằm sâu trong vùng địch hậu ở Nhà Bè. Khi đã lọt vào sào huyệt của địch, anh và đồng đội bất ngờ nổ súng vào giữa đội hình chúng, tiêu diệt nhiều tên, thu nhiều vũ khí súng đạn rồi nhanh chóng vượt sông Nhà Bè, trở lại căn cứ an toàn. Sau chiến công này, anh được vinh dự kết nạp vào Đảng. Cũng như anh, nhiều cán bộ, chiến sĩ khác đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng sau 3 tháng rèn luyện, thử thách kể từ ngày Đảng bộ ra nghị quyết phát triển đảng viên mới trong bộ đội Bình Xuyên.

Nhằm tăng cường hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đảm bảo cho các đơn vị nắm vững và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Chính phủ và nghị quyết của Đảng uỷ cấp trên, đi đôi với việc thiết lập và củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, vấn đề xây dựng và từng bước kiện toàn hệ thống chính trị viên các cấp trong các đơn vị thuộc bộ đội Bình Xuyên cũng được triển khai từ cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 1946. Với sự hướng dẫn, giúp đỡ của phái viên Phòng Chính trị Khu 7, các đơn vị đã sôi nổi thảo luận, quán triệt chỉ thị tổ chức hệ thống chính trị viên của Khu uỷ, Bộ Tư lệnh Khu 7. Cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị đã thẳng thắn tham gia góp ý kiến, bình chọn những người có đủ tiêu chuẩn cấp trên quy định, giới thiệu lên cấp có thẩm quyền xét, và bổ nhiệm chức vụ chính trị viên. Theo chỉ thị của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 7, chính trị viên trong bộ chỉ huy liên chi, chính trị viên ban chỉ huy chi đội và chính trị viên đại đội (cùng cấp tương đương) do cấp trên trực tiếp giới thiệu, đề nghị và cấp trên nữa ra quyết định bổ nhiệm. Còn lại, chính trị viên cấp trung đội, phân đội thì chi uỷ và ban chỉ huy đại đội được quyền quyết định.

Về cơ bản, đến cuối tháng 5 năm 1946, chính trị viên ở các phân đội, trung đội, đại đội, chi đội và liên chi đội (cùng cấp tương đương) đã được bổ nhiệm. Một số đại đội và cấp tương đương, do chưa chọn được nhân sự cán bộ quân sự hoặc chính trị viên dưới một cấp được chỉ định đảm trách thêm công tác đảng, công tác chính trị trong trường hợp cần thiết. Đề cao trách nhiệm đối với sự vững mạnh của đơn vị, mọi người, trong khi bình chọn đã không hẹp hòi, bè cánh, cục bộ, không mặc cảm đối với dĩ vãng của mỗi con người. Họ trân trọng và biết tin vào những phẩm chất, năng lực hiện có của đồng đội, đồng chí, bất kể đó là người Nam, người Bắc, là tứ chiếng giang hồ hay công nhân, đảng viên, bất kể mới nhập ngũ hay vào bộ đội đã lâu... Ví như, Nguyễn Lộc, gốc quê miền Bắc được chỉ định làm chính trị viên chi đội 2, Lâm Văn Hậu vốn dân Gò Công là chính trị viên chi đội 3; chính trị viên đại đội 1, chi đội 2 là Nguyễn Văn Ích nay là Hoàng Bác Phong, người miền Bắc. Tất cả cán bộ chính trị thuộc đại đội 3, chi đội 3 (tức bộ đội Tư Huỳnh) đều gốc miền Bắc và đều xuất thân từ công nhân, thợ thủ công, chỉ riêng Huỳnh Văn Lâm (Năm Bình). chính trị viên trung đội là người Nam Bộ. Là cán bộ phụ trách công tác đảng, công tác chính trị trong các đơn vị võ trang, người chính trị viên ở bất cứ cấp nào cũng phải là đảng viên Đảng cộng sản. Đó là yêu cầu căn bản đặt ra trong quá trình xét chọn. Thời kỳ đầu, đảng viên trong các đơn vị còn ít nên nhiều cán bộ chính trị chưa đứng trong hàng ngũ của Đảng; số cán bộ chính trị là đảng viên chiếm 8%. Sau khi kết thúc đợt phát triển đảng viên mới, tỷ lệ đó được tăng lên đạt 11%.
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #36 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2008, 10:03:01 pm »

Cùng với hệ thống chính trị viên, cơ quan chính trị trong các đơn vị bộ đội Bình Xuyên cũng được tổ chức. Theo quy chế bấy giờ, trong bộ đội Bình Xuyên, cơ quan chính trị được thành lập ở Bộ chỉ huy liên chi đội 2 và 3 (gọi là ban chính trị, trực thuộc bộ chỉ huy liên chi), ở các chi đội (ban chính trị trực thuộc ban chỉ huy chi đội) và ở cấp đại đội (các ban ngành trực thuộc tương đương), gọi là ban công tác chính trị. Các cơ quan chính trị đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ Đảng tương đương, đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị trong đơn vị, giúp chỉ huy đơn vị triển khai thực hiện công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức... Ở các ban công tác chính trị (tức cơ quan chính trị của cấp đại đội và các ban ngành tương đương) ngoài cán bộ chính trị viên kiêm trưởng ban, có thể cử thêm 1 hoặc 2 cán bộ chính trị cấp trung đội, phân đội kiêm nhiệm phó ban và một số uỷ viên chuyên trách (hoặc kiêm nhiệm) từng mặt công tác.

Buổi đầu, do kinh nghiệm thiếu, hoạt động của các cơ quan chính trị trong bộ đội Bình Xuyên còn bỡ ngỡ, sơ giản. Theo thời gian, những chập chững dần được khắc phục. Cán bộ chính trị vỡ vạc thêm ra trong công tác thực tiễn của mình. Hoạt động của cơ quan chính trị dần dần phong phú, thiết thực, có hiệu quả và từng bước đi vào thế ổn định hơn. Lúc đó, ở mỗi ban công tác chính trị (đại đội và cấp tương đương), có các tổ chuyên trách, mỗi tổ do một uỷ viên ban công tác chính trị đứng đầu. Tổ học tập có nhiệm vụ triển khai cho đơn vị học thuộc Quốcc ca, học 10 lời thề của chiến sĩ Vệ quốc đoàn, đồng thời tổ chức các lớp học văn hoá. Cấp uỷ Đảng chỉ đạo tập trung xoá nạn mù chữ trong các đơn vị. Đồng thời tổ câu lạc bộ thuộc ban công tác chính trị thường xuyên tổ chức liên hoan ca nhạc, diễn kịch, ngâm thơ, đêm lửa trại... Cùng với tổ học tập, tổ câu lạc bộ, tổ cải thiện sinh hoạt cũng triển khai các hoạt động của mình: vận động cán bộ, chiến sĩ góp công, góp sức, giúp đỡ bộ phận nhà bếp nâng cao chất lượng bữa ăn, tham gia các hoạt động nhằm cải thiện sinh hoạt thường ngày cho bộ đội; tổ chức chăm vá áo quần rách cho mỗi người, vận động anh em làm vệ sinh khu vực, đề phòng bệnh tật và chống muỗi rừng, bù mắt, ba cánh. Ngoài 3 tổ chuyên trách trên đây, một thời gian sau trong công tác chính trị đại đội (và cấp tương đương) xuất hiện thêm một số tổ chuyên trách khác: tổ vận động cán bộ chiến sĩ viết báo "liếp" báo "phên" (báo dán lên những tấm phên đan bằng tre), tổ kỷ luật (tiền thân của hội đồng khen thưởng, kỷ luật) và tổ "Hội đồng quân nhân cách mạng".

Quán triệt chỉ thị của Bộ Tư lệnh Khu 7 về công tác chính trị viên, Bộ chỉ huy liên chi đội 2 và 3 quy định:

- Mọi công văn báo cáo của đại đội (và ban ngành trực thuộc tương đương) gửi chi đội và của chi đội gửi lên Bộ chỉ huy liên chi đều phải thông qua sự bàn bạc, thảo luận nhất trí trong cán bộ, đặc biệt phải được sự thống nhất giữa cán bộ chỉ huy quân sự và chính trị viên thông qua chữ ký của hai người. Mọi công văn, giấy đi đường, giấy giới thiệu ra vào các sở chỉ huy, các văn bản liên hệ công tác với chính quyền, đoàn thể kháng chiến, với các đơn vị bạn... cũng đều phải được cán bộ quân sự và cán bộ chính trị trong ban chỉ huy cùng ký.

- Bộ chỉ huy liên chi đội 2 và 3 đã thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Bộ Tư lệnh Khu 7 và các quy định trên đây, do đó từ tháng 3 năm 1946 trở đi, vai trò chức năng, quyền hạn của cơ quan chính quyền và chính trị viên từng bước được hợp thức hoá, từng bước trở thành nguyên tắc trong hoạt động lãnh đạo chỉ huy của các cấp. Cùng thời gian này, tập san Yêu nước ra đời. Ngay từ những số đầu, tập san tập trung phản ánh cuộc sống chiến đấu, học tập và xây dựng đơn vị của bộ đội. Với thể loại phong phú, sinh động, phù hợp với khả năng và trình độ nhận thức của các đối tượng, tập san yêu nước đã góp phần bồi dưỡng, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, chí căm thù giặc cho cán bộ, chiến sĩ; xây dựng, củng cố khối đoàn kết đơn vị, mối quan hệ mật thiết giữa đơn vị với chính quyền, đoàn thể kháng chiến, với nhân dân và các đơn vị bạn; động viên tinh thần, khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, tập san còn góp phần đắc lực trong việc xây dựng ý thức chấp hành nghiêm kỷ luật, ý thức rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ Bình Xuyên. Trong 16 số đầu (mỗi tháng ra hai kỳ) với số lượng 300 bản/một kỳ và số trang 16/một số, tập san lưu hành nội bộ. Từ tháng 9 trở đi, trước nhu cầu ngày càng tăng của độc giả, tập san tăng lên 800 rồi 1000 bản/kỳ, phát hành tới cả các đơn vị bạn và chính quyền, đoàn thể kháng chiến địa phương. Tập san thực sự trở thành người bạn tinh thần trong mỗi nỗi vui buồn của cán bộ, chiến sĩ Bình Xuyên giữa tháng năm trụ bám và chiến đấu ở chiến khu rừng Sác.

Khắp nơi, giặc Pháp đang ra sức củng cố, bình định những vùng đã chiếm đồng thời ráo riết tiến hành bao vây, phong toả các căn cứ kháng chiến vừa hình thành của ta, thực hiện các thủ đoạn thâm độc như tổ chức các hoạt động gián điệp, gài lực lượng vào các tổ chức, các đơn vị lực lượng võ trang của ta... hòng phá ta từ bên trong.

Với rừng Sác, thực dân Pháp tiến hành kiểm soát chặt các đường giao thông thuỷ bộ dẫn qua, ngăn chặn nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm và những nhu yếu phẩm thiết yếu cho hàng vạn con người đang trụ bám giữa bạt ngàn rừng ngập mặn. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây đang phải chịu đựng biết hao thiếu thốn, khó khăn. Đối với một lực lượng tập trung có số quân đông như bộ đội Bình Xuyên, tình hình càng căng thẳng. Hàng tuần các đơn vị phải tổ chức lực lượng vượt lộ 15 đang bị địch kiểm soát tới bến ông Trịnh hoặc bến Phước Hoà để lấy gạo tiếp tế. Số lượng lương thực từ nguồn này rất hạn chế, không đủ đảm bảo khẩu phần ăn cho bộ đội. Trong những dịp này, nếu may gặp những đoàn ghe bầu chuyển tải nước mắm từ Phan Thiết lên Sài Gòn, anh em xin và đồng bào vui lòng ủng hộ mỗi ghe chừng vài mười trĩnh. Cơm không đủ ấm bụng, thức ăn càng đạm bạc, chỉ độc nước mắm, muối và đôi lúc có thêm ít cá khô. Trong khi đó, quần áo ngày một tả tơi. Giữa rừng, muỗi, bù mắt, ba cánh đối với cán bộ, chiến sĩ ta cũng là một loại kẻ thù, ít người có màn mùng, chăn chiếu...
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #37 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2008, 10:07:51 pm »

"Khó khăn khắc phục". Tổ cải thiện sinh hoạt thuộc ban công tác chính trị đã phân công các bộ phận hoặc bắt cua ốc hái các loại rau rừng ngành ngạnh, kim càng, lá giang, lá bứa hoặc tổ chức đánh cá, săn bắt thú và chim. Đêm lạnh thì gom lá rừng đốt lên xua muỗi và sưởi ấm.

Trong khi đa số cán bộ, chiến sĩ đang nỗ lực khắc phục khó khăn, ra sức rèn luyện, học tập và công tác thì Bảy Viễn lặng lẽ, đưa quân về đóng ở khu vực Rạch Giồng, phía nam xã An Thới Đông, tiếp giáp xã Lý Nhơn thuộc rừng Sác huyện Nhà Bè sau hơn 20 ngày chốt trên đỉnh Eo ông.

Cuối tháng 4 năm 1946, bộ đội Tân Thuận và bộ đội Phú Xuân cùng hợp quân xuống núi, nhằm hướng đông mà đi, vượt liên tỉnh lộ số 2, vào tới Long Phước - một xã đông đúc dân cư nằm dọc phía bắc đường liên tỉnh lộ 52 - hạ trại. Hôm sau khoảng 9 giờ sáng một đại đội ngụy do một sĩ quan Pháp chỉ huy từ phía thị xã Bà Rịa theo lộ 52 hành quân tới. Đến ngã tư Hoà Long, nơi giáp nối giữa liên tỉnh lộ 2 và tỉnh lộ 52, chúng bắt đầu khai triển đội hình, tiến hành càn quét. Kết thúc cuộc càn, chúng thu vét được nhiều lúa gạo, bắt 70 con trâu và dồn hơn 40 người dân Long Phước ra bãi tập kết ban đầu, ý định ép họ về đồn. Theo dõi sát các hành động, ban chỉ huy hai đơn vị quyết định tổ chức trận tập kích ngay tại khu vực tập kết lực lượng của địch nhằm tiêu diệt sinh lực địch, cứu đồng bào, thu lại những thứ mà chúng đã cướp của nhân dân. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng, ta hoàn toàn giữ thế chủ động. Bị bất ngờ, địch tỏ ra lúng túng, đối phó yếu ớt Gần hai trung đội địch mang theo vũ khí tháo chạy thoát thân. Ngay tối hôm đó, chính quyền, đoàn thể và nhân dân xã Long Phước tổ chức liên hoan khao thưởng ba quân.

Một ngày tháng Năm năm 1946, tại tổng hành dinh ở Rạch Nghệ, bộ chỉ huy liên chi đội 2 và 3 quyết định dời quân về đứng chân hoạt động trên chiến trường cũ - rừng Sác. Căn cứ vào khó khăn chung, trong điều kiện đảm bảo hậu cần của cấp trên còn nhiều hạn chế, bộ chỉ huy chủ trương khi trở lại rừng Sác, đơn vị, ban ngành nào vốn sinh ra ở đâu phải chủ động liên hệ với địa phương ở đó nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân, chính quyền đoàn thể hiện đang hoạt động bí mật giữa vùng địch chiếm, xây dựng và củng cố cơ sở cách mạng, tiến hành các hoạt động diệt tề trừ gian. Đồng thời tổ chức các trận phục kích, tập kích ngay trong lòng địch nhằm quấy rối. tiêu hao sinh lực địch, phá huỷ phương tiên chiến tranh của chúng, lấy súng đạn, vũ khí thu được trang bị cho bộ đội. Song song với nhiệm vụ trên đây, ban chỉ huy liên chi và chỉ huy các chi đội, đại đội bàn lạc thống nhất, tiến hành khảo sát thực địa khu vực dự định sẽ xây dựng thành căn cứ đứng chân lâu dài cho toàn bộ lực lượng, xác định rõ từng địa điểm cụ thể cho các đơn vị các cơ quan, ban ngành. Bộ chỉ huy nhắc nhở, trên cơ sở chủ động, tích cực liên hệ với quần chúng, giải quyết tốt việc tiếp tế giúp đỡ của nhân dân, xây dựng được hậu cứ  dừng chân lâu dài, các đơn vị kiên quyết, chủ động mở các hoạt động quân sự tiến công quân địch xung quanh khu vực rừng Sác nhằm cùng các đơn vị bạn bảo vệ vững chắc chiến khu.

Quyết định trở lại rừng Sác và những nhiệm vụ mà ban chỉ huy đề ra sau khi "xuống núi" đã được truyền đạt tới các đơn vị. Mọi công tác chuẩn bị được tiến hành gấp rút. Trong khi chuẩn bị, ban chỉ huy đại đội 1 và 3 (chi đội 2), đại đội 3 (chi đội 3 ) đã bàn bạc và quyết định phối hợp mở trận “giao thông chiến " trên quốc lộ 15 chặn đánh đoàn xe quân sự địch từ Vũng Tàu về Sài Gòn gây thanh thế cho bộ đội Bình Xuyên trước khi về lại chiến trường quen thuộc của mình.

Quốc lộ 15 bấy giờ còn lắm "cua", "cùi chỏ" với giăng giăng những cây rừng to cao, rậm rạp rải dọc ven đường. Căn cứ tình hình địch, ta và điều kiện địa hình, sau khi nắm chắc quy luật hoạt động của đoàn xe địch, chỉ huy ba đại đội chọn khu vực có "cùi chỏ" ngang bến ông Trịnh thuộc khu vực xã Phước Hoà làm nơi bố trí trận địa.

Để chặn đầu đoàn xe địch, ta bí mật bố trí mìn ngay giữa lòng đường. Hoả lực 13.2 ly sẽ làm nhiệm vụ khoá đuôi. Lợi dụng địa hình, địa vật mấp mô và những cây giá tỵ (gỗ tếch) mọc dày hai bên cùi chỏ, các đơn vị sẽ bố trí trận địa phục kích tại mé đông con đường, kéo dài ngót 500 mét và cách mặt đường chừng 15 mét - cự ly phát huy được uy lực tối đa của các loại vũ khí mà ta đang có trong tay. Một ban chỉ huy thống nhất trận đánh được cử ra, Nguyễn Văn Soái làm chỉ huy trường, Đỗ Văn Sáu Nhỏ làm chính trị viên, Nguyễn Văn Huỳnh, Nguyễn Văn Khoắn và Lương Văn Ngữ là chỉ huy phó. Theo mệnh lệnh của ban chỉ huy chung, các bộ phận khẩn trương xây dựng trận địa, triển khai bố trí lực lượng theo phương án tác chiến. Khi mọi công tác chuẩn bị cho trận đánh đã xong thì đoàn xe địch gồm 5 chiếc từ phía Vũng Tàu cũng vừa trờ tới, theo sau chiếc xe dẫn đầu chở hơn 1 tiểu đội lính Pháp đến xe gắn trung liên đang lăn bánh vào trận địa phục kích. Một ánh lửa loà nháng, theo sau là tiếng nổ xé tai, chiếc xe bị hất tung khỏi mặt đường và quay ngang, chặn mất lối đi. Lập tức, quân ta nổ súng tới tấp đánh vào 3 chiếc xe đi sau. Do duy trì cự ly trong khi hành quân, chiếc xe thứ 5 – chiếc đi sau cùng - kịp thời quay đầu chạy. Các chiến sĩ sử dụng trọng liên 13.2 ly rê nòng bắn đuổi nhưng không trúng. Chiếc xe tẩu thoát về Ô Cấp.

Trận phục kích diễn ra chớp nhoáng. Kết quả, ta tiêu diệt và bắt sống 50 sĩ quan, một trung đội lính bảo vệ, bắn cháy, bắn hỏng 4 xe quân sự, thu nhiều vũ khí; súng đạn. Đại đội 3, Chi đội 3 (bộ đội Tư Huỳnh) do phục kích ngay tại khu vực cụm xe 3 chiếc bị tiêu diệt nên thu được chiến lợi phẩm nhiều nhất, trong đó có 5 khẩu tiểu liên báng gỗ.

Thêm một lần, chiến thắng đường 15 của bộ đội Bình Xuyên làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ phía đông nam thành phố Sài Gòn. Sau trận đánh, các đơn vị rời núi Eo ông, Hàm Rồng trở lại rừng Sác.
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #38 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2008, 10:12:35 pm »

Đầu tháng 6 năm 1946, đoàn quân lần lượt về tới khu vực tập kết. Đại đội 1 chi đội 3 (bộ đội Thủ Thiêm) và các bộ phận công binh xưởng, đơn vị pháo lớn đóng ở rừng Sác tại xã Phước An, huyện Long Thành. Các đơn vị khác chia quân trấn giữ các khu vực trên vùng đất hai xã An Thới Đông và Bình Khánh thuộc địa bàn rừng Sác huyện Nhà Bè, cách bộ đội Phú Thọ của Bảy Viễn 10 km. Bộ chỉ huy đặt tại ngã tư Bưng Bòng, khu vực phía trên của sông Rạch Lá - dòng sông ăn thông với con kinh Tây Đen đổ ra sông Lòng Tàu.

Với địa hình lầy thụt, đất đai chua mặn, rừng Sác miền Đông Nam Bộ tự bao đời vốn là miệt đất nghèo, dân cư thưa vắng. Diện tích trồng được lúa không đáng kể, mỗi năm được một vụ với năng suất rất thấp nên thiếu đói thường xuyên. Người dân quanh năm phải lặn lội đầu ghềnh, cuối bãi, bòn hái sản vật của rừng, của sông nước để trang trải cho cuộc sống thường ngày.

Trong điều kiện đó, giờ lại phải bao chứa hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các cấp chính quyền, đoàn thể kháng chiến từ các huyện xung quanh đổ về, vấn đề cung cấp lương thực, thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu trở nên khó khăn. Tình hình càng căng thẳng hơn do địch tiến hành phong toả, bao vây kinh tế. Lương thực đã vậy, nước ngọt đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ cũng là vấn đề nan giải.
Từ khu vực đóng quân, bộ đội phải đi một quãng đường khá dài, vượt hai con sông lớn là Lòng Tàu, Đồng Tranh và nhiều tắt rạch khác mới đến được ấp ông Kèo, Vũng Gấm, Bàu Bông là nơi có nước ngọt. Ngoài cách đó, anh em còn tổ chức lấy nước ngọt giữa dòng sông Nhà Bè và sông Soài Rạp. Muốn vậy, phải phục chờ nước ròng. bơi thuyền ra, nhanh tay múc lấy thứ nước lợ từ sông Đồng Nai đổ xuống. Thời gian đó chỉ diễn ra trong chốc lát chừng nửa tiếng đồng hồ.

Qua một lần trót lọt, việc lấy nước ngọt gặp khó khăn hơn, địch dò biết và tổ chức phục kích. Nhiều lần, chúng bắn chìm ghe thuyền của ta, giết hại nhiều cán bộ chiến sĩ. Nước ngọt cho bộ đội phải đổi bằng mồ hôi và cả máu !

Tháng 6 năm 1946, ban chỉ huy liên chi 2-3 nhận được chỉ thị của Bộ Tư lệnh Khu 7, yêu cầu tổ chức một lực lượng gồm một tiểu đoàn trang bị vũ khí tốt tham gia Liên quân C, tới hoạt động trên địa bàn huyện Đức Hoà (Chợ Lớn) và Châu Thành (Tây Ninh) - khu vực thuộc Quân khu Đông Thành, nơi hiện đặt bản doanh Bộ Tư lệnh Khu 7. Nguyên địch đang triển khai kế hoạch mang mật danh Essaie Cao Daiste" nhằm lôi kéo kích động bọn phản động trong giáo phái Cao Đài gây rối loạn. Tháng 5 năm 1946, lợi dụng tên tuổi Trần Quang Vinh và Phạm Công Tắc bị đày ở Mađagascar vừa được thả về, chúng cho Vũ Tam Anh, một nhân viên phòng nhì của Pháp hiện làm chủ tịch “Liên hiệp quốc gia" theo sát Vinh, Tắc. Số người đội lốt lãnh tụ giáo phái Cao Đài này ráo riết tiến hành các hoạt động chống phá cách mạng. Họ tổ chức ra Bát Quái Đài - phụ trách quân sự, tiến hành thành lập lực lượng võ trang gồm các đội: Hắc y, Thành vệ y, Lưu Động, Lưu Thư... Lực lượng này do Pháp trang bị, huấn luyện dưới sự chỉ huy của một đại tá Pháp. Tất cả nằm trong kế hoạch lật đổ chính quyền cách mạng ở Tây Ninh, tiêu diệt lực lượng võ trang của ta.

Sau một thời gian dài kiên nhẫn thực hiện chủ trương mở rộng mặt trận đoàn kết dân tộc không thu được kết quả đáng kể, nhằm hạn chế khu vực hoạt động của quân đội Cao Đài phản động, tạo điều kiện cho bộ đội tác chiến đánh địch trên các chiến trường, tháng 2 năm 1947, Bộ Tư lệnh Khu 7 quyết định thành lập một số Liên quân đặc nhiệm:

1. Liên quân A: phụ trách mặt đông bắc Tây Ninh giáp với Campuchia, ngăn chặn sự liên hệ. móc nối của bọn phản động trong đạo Cao Đài với các sóc ở Công Pông Chàm, Soài Riêng.

2. Liên quân B: chặn mặt đông nam Tây Ninh, không cho chúng tràn về Gia Định. Chi đội 15 giữ chặt phía bắc tỉnh Chợ Lớn.

3. Liên quân C: chặn mặt nam tỉnh Tây Ninh, không cho chúng xuôi dòng Vàm Cỏ Đông tràn xuống Tân An.

Nhận rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ, Bộ chỉ huy Liên chi 2-3 điều gần phân nửa lực lượng đi chiến đấu trong Liên quân C, đồng thời cử hai chi đội phó có năng lực chỉ huy và kinh nghiệm chiến đấu là Nguyễn Văn Soái, Lê Văn Lung chỉ huy bộ phận này. Một số cán bộ như Lương Văn Ngữ, Nguyễn Văn Ích, Trần Ngọc Hoà, Fu-ta-ga-mi (hạ sĩ quan Nhật bỏ ngũ gia nhập bộ đội Tân Thuận). Phạm Văn Xướng cũng có mặt trong đội hình Liên quân C.

Từ trung tâm rừng Sác, bộ đội hành quân về khu vực ô trũng rìa Đồng Tháp Mười, mặt tây bắc, cách Sài Gòn 20 km. Sau gần 14 tháng chiến đấu ác liệt, hoàn thành nhiệm vụ, họ mới trở về đơn vị cũ.

Trong lúc đó ở Sài Gòn, ban lãnh đạo Liên hiệp Công đoàn thành phố bí mật tổ chức quyên góp trong các tầng lớp nhân dân, lấy tiền mua thực phẩm, thuốc men và các vật dụng sinh hoạt thiết yếu khác tiếp tế cho bộ đội còn ở căn cứ rừng Sác. Ban lãnh đạo giao cho một cán bộ công đoàn tên là Tiễn lo liệu chuyển tải các đồ tiếp tế từ Sài Gòn vào chiến khu. Trong suốt gần 3 tháng, đoàn ghe lớn nhỏ có mui trọng tải 4 tấn/chiếc đã ngụy trang thành các ghe từ đồng bằng sông Cửu Long tới Sài Gòn bỏ hàng rồi mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm, xuôi theo sông Sài Gòn, Nhà Bè, Soài Rạp, rẽ trái vào dòng Rạch Lá tiếp tế cho bộ đội. Trong vòng 3 tháng 6, 7, 8 sau khi chuyển trót lọt 6 chuyến cho bộ đội Bình Xuyên, việc tiếp tế này bị địch phát hiện, ngăn chặn. Hai ghe chở đầy hàng bị chúng bắn chìm.
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #39 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2008, 10:30:22 pm »

Một tháng hai kỳ, các đơn vị bộ đội Bình Xuyên nhận được một số lương thực thực phẩm và các vật dụng khác từ Sài Gòn bí mật chuyển tới. Trong số các đơn vị, Đại đội 3, Chi đội 2 (bộ đội Tân Thuận) có quân số đông nhất (trên 300 người) được lãnh mỗi kỳ một số hàng như sau: một thùng mỡ heo (loại thùng thiếc 20 lít), một thùng dầu thắp sáng, một ít thuốc rê, giấy bút và thuốc trị bệnh, kim chỉ, khoảng 100 trái bí rợ (bí ngô) và một số bí đao, một chục kg khô cá lóc, cá sặt.

Trung tuần tháng 6 năm 1946, tại Ba Giồng, Bảy Viễn mời đại diện chỉ huy quân sự các chi đội 2, 3, 4, 7, 9, 2 1 và 25 về hội nghị tuyên bố lập "Liên khu Bình Xuyên". Danh xưng của bộ đội Bình Xuyên từ đây bắt đầu bị lợi dụng. (Và đó là lý do để không ít người hiểu lầm, lấy danh từ Bình Xuyên gán cho một số đơn vị võ trang có thành phần hợp thành từ những tay anh chị giang hồ, như bộ đội Bảy Viễn...).

Tháng 9 năm 1946, bộ chỉ huy liên chi 2 và 3 hành quân về khu vực nam xã Phước An, huyện Long Thành, tỉnh Biên Hoà, vùng cực bắc chiến khu rừng Sác, nơi trước đây Dương Văn Dương, Từ Văn Ri đã chọn làm nơi đóng quân, xây dựng thành căn cứ đứng chân lâu dài. Địa điểm đóng quân cách xa các chi đội 9, 21, 25 và tổng hành dinh Lê Văn Viễn hơn 20 km đường rừng qua các dòng sông rộng như Lòng Tàu, Đồng Tranh. Bộ chỉ huy liên chi đóng ở Rạch Tràm, phía nam ấp Bàu Bông.

Đội hình của Chi đội 2 đóng ở xã Phước An (đại đội của Ba Bay, Chín Phải) và rạch Cá Nâu (đại đội của Sáu Thơ). Chi đội 3 đóng ở khu vực Bàu Bông (đại đội của Bảy Môn, Ba Trứ và Tư Huỳnh).

Các đơn vị súng lớn trực thuộc bộ chỉ huy liên chi nằm sâu trong rừng Sác, Phước An. Một bộ phận binh công xưởng do Lương Văn Chắc làm giám đốc đặt tại rạch Vàm Tượng. Bộ phận binh công xưởng khác đóng ở đông nam vùng Rạch Su sâu trong rừng Sác.

Trên con kênh thẳng băng, đoạn chắn ngang nằm giữa ấp Bàu Bông và vàm Rạch Tràm là nơi đặt bệnh viện - cách khu vực đất liền của ấp Bàu Bông ngót 3km đường chim bay. Sau khi ổn định nơi ăn, chốn ở toàn bộ lực lượng của bộ đội Bình Xuyên đã tiến hành các mặt công tác biến khu vực đóng quân ở cực bắc rừng Sác thành căn cứ đứng chân lâu dài.

Thực hiện chủ trương đề ra trước đây tại khu vực núi Eo ông, Hàm Rồng, các đơn vị lại móc nối, liên hệ với các cấp ủy chính quyền, đoàn thể kháng chiến và các cơ sở cách mạng hiện còn trụ bám và hoạt động bí mật ở Cần Giuộc, Cần Đước (tỉnh Chợ Lớn): vùng đất liền Nhà Bè, Thủ Thiêm, các xã An Khánh, Thạnh Mỹ Lợi (tỉnh Gia Định); Hoà Tân, Hoà Lạc... (tỉnh Gò Công); các vùng Phú Nhuận, Tân Định, Thị Nghè, Bà Chiểu (thành phố Sài Gòn)... Tùy điều kiện địa  phương, các đơn vị bộ đội Bình Xuyên phối hợp với chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh phong trào kháng chiến, xây dựng cơ sở cách mạng, tiến hành hoạt động võ trang, diệt ác, phá tề. Các vụ trừng trị tên Toàn mật thám ở thị trấn Cần Giuộc, tên Ách Thế ở Kiểng Phước, Gò Công, tên chỉ điểm Lầu gần nghĩa trang liệt sĩ Nhà Bè... có ảnh hưởng tốt trong nhân dân, làm cho bọn tay sai, tề điệp phải dè chừng.

Nhiều đơn vị tổ chức lực lượng nhỏ (tiểu đội, tổ, nhóm) bí mật vượt sông Nhà Bè, Soài Rạp, đột nhập sâu vào vùng địch chiếm đóng, tiến hành các trận phục kích nhỏ, các đoàn xe vận tải của địch, ca nô tuần tiễu, các đoàn ghe chở lính đi càn quét nhầm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, phá huỷ, phá hỏng các phương tiện chiến tranh của chúng. Ở khu vực đất liền Nhà Bè, bộ đội Tân Thuận từ Rạch Tràm vượt sông Nhà Bè rộng 2 km kỳ tập đồn Phú Mỹ giữa ban ngày, thu nhiều, súng đạn rồi nhanh chóng thu quân về căn cứ.

Công tác địch ngụy vận cũng được chú ý. Bộ đội Tân Thuận vận động 14 binh sĩ người Việt canh gác các kho chứa hàng xuất nhập khẩu trên bến cảng Tân Thuận. 14 người này đã mang theo súng xuống chiến khu rừng Sác gia nhập bộ đội Bình Xuyên.

Tại chiến trường Bà Rịa, từ mùa thu năm 1946, địch tăng cường đẩy mạnh hoạt động càn quét ruồng bố. Thực hiện mệnh lệnh của trên, chi đội 2 lập một đại đội bộ đội lưu động tới phối hợp với chi đội 16 hoạt động trên địa bàn Bà Rịa. Chỉ huy trưởng 3 đại đội (1, 2 và 3) của chi đội 2 luân phiên chỉ huy trường đại đội lưu động này.

Một ngày tháng 7 năm 1946, đội quân lưu động dời căn cứ hành quân đến khu vực rừng Sác Bà Rịa. Sau khi tập kết trên địa bàn mới, đơn vị lưu động liên tục có mặt ở chiến khu Minh Đạm, Xuyên Mộc, Phước Bửu, Cơ Trạch, Rừng Tre, Bàu Lâm, Châu Pha, Hắc Dịch... Trong các trận chiến đấu hàng chục cán bộ chiến sĩ chi đội 2 đã vĩnh viển nằm lại chiến trường Bà Rịa.
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM