Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:20:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ đội Bình Xuyên  (Đọc 53414 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #20 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2008, 11:50:38 pm »

Ngày N nhích gần lại. Thêm một tình huống xảy ra ngoài dự liệu: Ở hướng nghi binh, bộ đội Huỳnh Văn Nghệ vẫn chưa hoàn thành công tác chuẩn bị, đồng thời, việc chuyển tải đạn từ Khu về bổ sung cho các hướng bị chậm trễ. Nhiều người đề nghị hoãn ngày giờ nổ súng. Chần chừ lúc này sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả trận đánh. Chấp thuận lùi cuộc tiến công có nghĩa là bỏ mất yếu tố bất ngờ, rất khó giữ bí mật trận đánh và làm nhụt chí của bộ đội; trong khi đó, địch sẽ đủ thời gian để tăng cường lực lượng phá việc chuẩn bị tiến công của ta. Cân nhắc mọi phương án, ban chỉ huy trận đánh lệnh cho các đơn vị vẫn nổ súng tiến công theo đúng thời gian đã được quy định.

Ngày N đã đến. Đêm xuống gió thổi se lạnh, 20 giờ các cánh được lệnh hành quân chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công. Ngay lúc đó, ban chỉ huy nhận được thư của bộ đội Biên Hòa do liên lạc mang tới báo rằng: toàn thể trung đội Biên Hoà quyết nghị sẽ không nổ súng tiến công đêm nay. Phan Đình Công trong ban chỉ huy trận đánh, là chính trị viên bộ đội Biên Hoà, viết lệnh: "Phải thi hành đúng lệnh! Nếu thoái thác sẽ bị tử hình". Liên lạc cầm lệnh đi rồi, nhiều người trong ban chỉ huy lòng không khỏi lo âu!

Đoàn quân đã triển khai xong đội hình xuất phát tiến công. Không gian ắng lặng. Ai nếu đều hồi hộp đợi giờ nổ súng.

24 giờ, súng lệnh ở hướng chính diện phát hoả truyền hiệu lệnh tiến công. Phía nam thị xã, tiếng tù và vang động, lửa khói cháy ngút, toả sáng một góc trời. Sau phút choáng váng địch bắt đầu phản ứng mạnh. Từng tràng súng máy rồ lên không dứt ở hướng nghi binh.
Ngay lập tức, ở các hướng tiến công chính diện, quân ta tiến công mãnh liệt vào các mục tiêu đã định: các công sở, trạm gác, nhà lao, các vị trí đóng quân của địch... Súng nổ chát chúa. Khu chợ bốc cháy, lửa khói hừng lên.

Quân địch cố thủ trong các thành xăng đá và công sự phòng ngự dùng hoả lực mạnh bắn chế áp quân ta. Sức tiến công của quân ta yếu dần. Dưới làn mưa đạn, ban chỉ huy trận đánh nhận định rằng, lực lượng ta đang lâm vào thế bất lợi. Yếu tố bất ngờ không còn nữa. Hướng phối hợp không phát huy được hiệu quả chiến đấu. Hướng nghi binh, sau náo động ban đầu, tình hình cũng tương tự. Bởi thế, địch có điều kiện chống đỡ và nhanh chóng tổ chức lực lượng, thực hành phản kích quyết liệt. Cần nhanh chóng rút khỏi nội đô để bảo toàn lực lượng. Lệnh lui quân của ban chỉ huy được lập tức truyền tới các đơn vị đang chiến đấu. Phải mất một giờ sau, bộ đội ta mới bắt đầu rút. 2 giờ sáng ngày 2 tháng 1 năm 1946, toàn bộ lực lượng tiến công đã ra khỏi thị xã. Địch không dám mạo hiểm bung quân truy kích. Ngớt dần tiếng súng.

Trận đánh kết thúc. Tuy không diệt được nhiều địch nhưng trận đánh đã gây nên sự thối động mạnh về tâm lý. Ngay đêm đó, ở Sài Gòn và nhiều tỉnh khác, quân Pháp phải báo động chiến đấu. Niềm tin của nhân dân miền Đông Nam Bộ vào kháng chiến, vào cách mạng được củng cố hơn... Tuy nhiên, do sự phối hợp thiếu chặt chẽ, một số bộ đội không phát huy được hiệu quả chiến đấu nên sức tiến công của ta bị hạn chế kết quả còn thấp so với yêu cầu. Thành phố vẫn trong tay địch, 20 chiến sĩ Bình Xuyên đã anh dũng hy sinh; một trung đội trưởng trong đoàn quân Nam tiến ngã xuống trên đường tiến vào thị xã trên đất Biên Hoà.

Với bộ đội liên chi 2-3, trận chiến đấu tiến công thị xã Biên Hoà là một thử thách mới sau thời gian dừng chân ở đất Phước An để củng cố và tăng cường lực lượng. Cán bộ, chiến sĩ Bình Xuyên thêm một lần dạn dày trận mạc, thêm tự tin vào sức của mình để vững bước trên chặng đường dài kháng chiến.

Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #21 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 12:15:14 am »

Chương IV

CUỘC HÀNH QUÂN VỀ MIỀN TÂY

Mặc dù vấp phải sự chống trả mạnh mẽ và rộng khắp của quân và dân ta, thực dân Pháp vẫn phá vỡ vòng vây quanh Sài Gòn, nới rộng vùng kiểm soát. Với lực lượng được tăng cường về số lượng và trang bị vũ khí hiện đại, chúng bắt đầu mở rộng địa bàn đánh chiếm.

Những ngày cuối cùng năm 1945 sắp qua, cuộc kháng chiến của quân dân ta vẫn trong tình thế cực kỳ khó khăn. Các trục lộ giao thông huyết mạch và các đô thị ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ lần lượt bị địch mở thông và thiết lập quyền kiểm soát.

Bước vào năm 1946, tình hình vẫn không mấy sáng sủa. Ở Đông Nam Bộ, tháng 2 năm 1946, Bà Rịa, tỉnh độc lập cuối cùng của ta bị địch đánh chiếm. Ở Trung Nam Bộ, sau khi đã kiểm soát hầu hết các tỉnh lỵ, các vùng đông dân, nhiều của và các đường giao thông thủy bộ quan trọng, địch với tới Bến Tre - tỉnh cuối cùng mà chúng tiến chiếm. Cuối tháng 12, tình hình ở đây đã vô cùng căng thẳng. Tàu chiến địch ngày đêm dập dình xuôi ngược trên sông Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông... Nhiều nẻo đường về thị xã đã bị cắt đứt. Mặt trận An Hóa - Gia Hòa - một trong các mặt trận bảo vệ tỉnh lỵ do Trương Văn Giàu chỉ huy, đang bị uy hiếp.

Trong tình thế ấy, thể theo yêu cầu của Trương Văn Giàu, trên cơ sở soát xét khả năng của các đơn vị, Nguyễn Bình và bộ tham mưu của ông quyết định cử bộ đội Ba Dương xuống chi viện cho chiến trường Bến Tre. Dưới sự tổ chức, chỉ huy trực tiếp của Khu bộ phó Dương Văn Dương, bộ đội Bình Xuyên sẽ lựa ra một bộ phận lực lượng được trang bị vũ khí gọn nhẹ nhanh chóng lên đường. Bộ đội Tám Mạnh do Hai Vĩnh chỉ huy bộ phận ở lại hoạt động ở vùng Bà Trau, Núi Nứa.
 
Tại tổng hành dinh Phước An, phái viên Lương Văn Trọng truyền đạt quyết định của Nguyễn Bình và sau đó lưu lại hai ngày. Trong hai ngày, ông đã cùng Dương Văn Dương trao đổi, bàn bạc các vấn đề quan trọng liên quan đến nhiệm vụ mà bộ đội Bình Xuyên được giao.
 
Về đánh giá tình hình miền Đông, hai ông cho rằng, hiện thời khắp nơi quân Pháp đang ráo rết tăng cường các hoạt động quân sự và bình định. Tại những vùng chiếm đóng, chúng tiến hành các biện pháp nhằm quét sạch các nhóm võ trang còn lại của ta, thiết lập quyền kiểm soát, tạo dựng bộ máy thống trị. Đồng thời với quá trình này, chúng đang nỗ lực hòng chặn cắt cách mạch lối giao thông liên lạc giữa các địa phương với khu bộ nhằm phá vỡ sự chỉ đạo thống nhất của ta; tập trung một lực lượng lớn quân tại ven thành chuẩn  bị tấn công bộ đội Bình Xuyên để mở đường đánh chiếm Bà Rịa.

Trong khi đó, ở miền Trung Nam Bộ, quân Pháp cũng đang hoành hành, duy nhất chỉ còn Bến Tre đang khả thủ nhưng tình thế đang bị uy hiếp. Một số bộ đội tan rã và phân hoá. Lực lượng của Nguyễn Hoà Hiệp từ miền Đông kéo về cũng bị đánh gắt phải tiếp tục bỏ chạy, một số bộ phận của lực lượng này đã quay súng đầu hàng, làm tay sai cho địch.

Trên cơ sở đánh giá tình hình và lực lượng so sánh địch, ta hai ông đề ra kế hoạch chung:

1. Chia quân chặn giữ những hiểm địa quanh khu vực đóng quân của bộ đội Bình Xuyên ở rừng Sác.

2. Tiến hành lựa chọn "tinh binh" trong các đơn vị bộ đội Bình Xuyên, hành quân cấp tốc về Bến Tre tới mặt trận An Hoá - Gia Hoà trước khi địch tới, tạo nên thế bất ngờ đánh địch khi chúng đang khinh thường sức đánh trả của đối phương, củng cố niềm tin của dân chúng vào kháng chiến.

3. Trước sự thắng thế tạm thời của địch, tổ chức cho bộ đội tránh mũi nhọn tấn công ban đầu, đánh lạc hướng sự chú ý của chúng, đợi khi chúng ta chiếm Bà Rịa, toàn bộ lực lượng sẽ quay về hoạt động du kích ở vùng này, tiêu hao sinh lực chúng ở Long Thành và Bà Rịa.

4. Trừ bộ phận đi Bến Tre, lực lượng còn lại có nhiệm vụ phòng giữ các cơ quan, binh công xưởng và bảo vệ nhân dân.

5. Buổi lên đường, sẽ đồng loạt tập kích các bót đồn địch tại vùng Cần Giuộc, Cần Đước trong một đêm để tạ công ơn cưu mang, đùm bọc của nhân dân.
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #22 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 09:43:48 pm »

Sau khi quyết định những vấn đề trên, bộ chỉ huy bộ đội Liên chi khẩn trương họp bàn kế hoạch hành động cụ thể. Bộ chỉ huy cho rằng, trong bối cảnh địch đã kiểm soát đại bộ phận các tỉnh Nam Bộ, từ rừng Sác (miền Đông Nam Bộ) tới Bến Tre (Trung Nam Bộ) chỉ còn lại hai lối có thể chọn để đưa quân đi. Xuất phát từ cửa sông Đồng Tranh (liền kề sông Soài Rạp ở phía tây nam rừng Sác), sẽ dùng loại ghe hạng trung (ghe cửa) ba buồm hướng ra biển, cắt đường về hướng tây nam, khoảng chừng qua đêm đã có thể cập Bình Đại một huyện của tỉnh Bến Tre. Đây là lối nhanh nhất và cũng là nguy hiểm nhất, bởi vì mặt biển, cửa sông đều trong tầm kiểm soát của địch. Ngoài con đường thuỷ này ra còn có lối đi trên bộ xuyên qua vùng đất thấp bị nhiều dòng sông rộng cắt chia của bốn tỉnh Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công tới Bình Đại. Từ Bình Đại tiếp tục vượt sông Ba Lai đến huyện Giồng Trôm rồi đi về hướng tây bắc khoảng 15 km là đã đặt chân trên đất huyện Châu Thành, nơi lực lượng của mặt trận An Hoá - Gia Hoà bảo vệ thị xã Trúc Giang (thị xã Bến Tre) đang bố trí. Bấy giờ, các vùng mà con đường bộ này đi qua đều đang bị địch kiểm soát, đồn bốt dựng khắp nơi nên đây cũng là một lối đường ngáng trở; hơn nữa, các sông lớn đều có tàu thuyền của chúng ngược xuôi tuần tiễu... đặc biệt hệ thống phòng tuyến dài hơn 3 km ở bờ tây sông Soài Rạp được xây dựng kiên cố với hàng ngàn đồn bót, tháp canh và các căn cứ liên hợp là một trở lực khó bề vượt qua trót lọt. Đi đường nào để vừa bảo toàn lực lượng vừa tới đích nhanh? Đó quả là sự lựa chọn khó khăn, là bài toán đặt ra cho bộ chỉ huy Liên chi. So sánh và cân nhắc mọi yếu tố liên quan tới khả năng có thể gặp trên các chặng đường hành quân, bộ chỉ huy cho rằng, đường biển tuy nhanh hơn nhưng phiêu lưu, nguy hiểm; trong khi đó đường bộ dù dài xa hơn, phải khắc phục nhiều trở ngại dọc đường, tốc độ hành quân sẽ chậm nhưng đây là lối đảm bảo an toàn hơn. Trở ngại về địa hình có thể vượt qua bằng nhiều cách. Địch nếu phát hiện và chặn đánh thì ta nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu, đánh địch mà đi.

Trước đây, Ba Dương đã cùng đàn em chăn thả vịt trên đồng nước của các huyện Cần Giuộc. Cần Đước, Bình Phước (Chợ Lớn), Hòa Tân, Hòa Đồng, Hòa Lạc (Gò Công), Chợ Gạo (Mỹ Tho)... nên đường đất các huyện này ông từng quen, ông cũng từng kết bạn tâm giao với nhiều “võ hiệp giang hồ", với nhân dân địa phương. Đó là một thuận lợi. Rồi nữa, trên đường hướng tới Bến Tre, đoàn quân sẽ đi qua những làng mạc, thôn ấp của những đồng bào vốn có truyền thống cách mạng. Họ sẽ cưu mang, đùm bọc, chỉ lối đưa đường giúp bộ đội vượt qua mọi khó khăn dọc đường hành quân. Trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ được giao, đồng thời căn cứ vào ý định đã thống nhất với cấp trên, bộ chỉ huy quyết định xây dựng lực lượng hành quân đi Bến Tre gồm những cán bộ, chiến sĩ từng kinh qua thử thách trận mạc; số này được chọn lựa trong sáu đơn vị chiến đấu và ba ban là: tình báo, trinh sát, liên lạc. Mỗi đơn vị cử 4 đến 6 tiểu đội, mỗi ban cử hai tiểu đội. Cùng với 7 tiểu đội của bộ đội Cần Đước, toàn bộ lực lượng đi Bến Tre sẽ gồm 40 tiểu đội, tương đương 5 đại đội, tổng số trên dưới 500 người. Số quân còn lại của bộ đội Ba Dương sẽ chia thành hai bộ phận ở lại căn cứ. Bộ phận thứ nhất bao gồm bộ đội Mười Đen và 2/3 lực lượng của 6 đơn vị chiến đấu, sẽ chia quân bố trí trên khu vực rừng Giồng (nằm giữa lòng chảo Nhơn Trạch), do Đinh Văn Nhị chỉ huy. Bản doanh đặt tại sở cao su Nguyễn Văn Dưỡng cạnh miếu Bà Trường. Bộ phận thứ hai do Dương Văn Hà quản lãnh, sẽ khoanh vùng đóng quân dưới rừng Sác. Bộ phận này có binh công xưởng (đặt tại rạch Su, rạch Vàm Tượng), tàu kéo, ghe thuyền, trọng pháo, các ban ngành (tác chiến, liên lạc, trinh sát, tình báo, bệnh viện, quân nhu...) và đại đội vệ binh. Toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến đấu cùng tài sản được soát xét, ghi vào văn bản, trao lại cho Dương Văn Hà chịu trách nhiệm bảo vệ.

Về vũ khí và trang bị cho lực lượng ra đi, bộ chỉ huy chỉ thị cho các đơn vị phải chọn lựa các loại súng tốt, đủ cơ số đạn quy định, không mang theo loại súng trường dài (của Pháp, Nhật, Nga) và tiểu liên Mỹ (Thomson) vì ít đạn. Tổng số vũ khí trang bị cho lực lượng ra đi là 3 khẩu trọng liên 13,2 ly (của bộ đội Chín Hiệp, bộ đội Thủ Thiêm và bộ đội Phú Xuân), hơn 10 khẩu trung liên, 20 khẩu tiểu liên Anh (sten), 250 súng trường và hai khẩu phóng lựu.

Toàn bộ lực lượng hành quân được đặt dưới quyền chỉ huy của một bộ chỉ huy do Dương Văn Dương làm chỉ huy trưởng, Trần Văn Đối chỉ huy phó và Từ Văn Ri tham mưu trưởng. Giúp việc cho bộ chỉ huy là một bộ phận gồm 15 cán bộ trưởng, phó ban tác chiến, liên lạc, trinh sát, tình báo, quân nhu và một bộ phận bảo vệ. Ở các đơn vị, Trần Văn Đối kiêm chỉ huy bộ đội Tân Thuận, Nguyễn Văn Soái chỉ huy bộ đội Phú Xuân, Quách Văn Phải chỉ huy bộ đội Tân Quy, Nguyễn Văn Hiệp chỉ huy bộ đội Chín Hiệp, Nguyễn Văn Huỳnh chỉ huy bộ đội Phú Nhuận, Nguyễn Văn Hoe chỉ huy bộ đội Thủ Thiêm và Nguyễn Văn Khoắn chỉ huy bộ đội Cần Đước.

Mặc dù có kinh qua một số trận chiến đấu nhưng kinh nghiệm hành quân đường dài, xuyên qua nhiều vùng địch chiếm, trên những khu vực địa hình phức tạp, phải tổ chức vượt sông, đánh địch mở đường, đảm bảo đủ lực lượng đến khu vực tập kết trước khi địch kịp đánh chiếm, quả là mới mẻ. Để hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện đó, bộ chỉ huy động viên cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, khắc phục mọi trở ngại, giữ vững tốc độ hành quân, đảm bảo thời gian quy định. Suốt hành trình phải bí mật, cố tránh chạm trán với địch, trong tình huống hết sức cần thiết mới được nổ súng. Đồng thời, do điều kiện chiến đấu xa căn cứ, nguồn tiếp tế vũ khí đạn dược không có, đơn vị phải có kế hoạch và biện pháp giữ gìn, bảo quản và sử dụng tốt vũ khí, đạn dược bảo đảm cho cả lượt hành quân chiến đấu từ Bến Tre trở về căn cứ. Mọi cán bộ chiến sĩ, đặc biệt đối với các cán bộ tiền trạm, phải chấp hành nghiêm kỷ luật dân vận. Khi tiếp xúc với chính quyền, đoàn thể cách mạng (nếu ở đó vẫn là vùng độc lập) hoặc với quần chúng nhân dân ở vùng địch chiếm đóng phải luôn luôn chứng tỏ được mình là quân nhân của Chính phủ kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, vì nhân dân mà chiến đấu. Mọi hành vi vô kỷ luật, làm tổn hại đến uy tín của bộ đội Bình Xuyên trong dân chúng đều phải bị nghiêm trị.
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #23 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 09:49:08 pm »

Phương châm hành quân là "lai vô ảnh, khứ vô tung", ngày ém quân, đêm lên đường. Công tác tìm chọn nơi trú quân tổ chức cho bộ đội nghỉ ngơi và sẵn sàng chiến đấu phải xong trước 4 giờ sáng mỗi ngày.

Trong khi các đơn vị, ban ngành bộ phận đang khẩn trương chuẩn bị cho ngày lên đường, tết cũng gần kề. Ngày 26 tháng 12 âm lịch, bộ chỉ huy quyết định lệnh cho các đơn vị tập kết lực lượng về xóm Nhà Tròn xã An Thới Đông. Ngày 27 các đơn vị đã tập trung đông đủ. Thuyền ghe san sát trên các sông rạch. Tại đây, bộ đội được tổ chức ăn Tết Nguyên Đán trước 2 ngày. Trong khi mọi người đang vui tết sớm giữa lòng chiến khu rừng Sác, tại ngôi nhà ba gian một chái, mái lợp lá dừa của một lão nông, cuộc họp cán bộ chỉ huy các đơn vị, ban ngành được triệu tập.

Thông báo về tình hình địch, thay mặt bộ chỉ huy, tham mưu trường Từ Văn Ri cho biết: theo nguồn tin của tình báo quân sự và của các cơ sở trong vùng địch chiếm, trong hai tháng qua, dọc theo hành lang mà bộ đội sắp đi qua, địch đã thiết lập được bộ máy kiểm soát của chúng. Tại những nơi đó bọn tề điệp ngóc dậy ráo riết hoạt động. Ở các khu vực dân cư đông đúc (thị xã, thị trấn, dọc các đường giao thông quan trọng), chúng đều xây dựng chốt canh, bót gác. Bên tây sông Soài Rạp, hệ thống phòng ngự của chúng dày đặc gồm hàng rào, đồn bót trên bộ và tàu chiến, ca nô rình rập trên sông.

Hội nghị thảo luận sôi nổi những vấn đề cụ thể: chọn bến vượt ở đoạn sông nào, ngày giờ bắt đầu, đội hình qua song, hoả lực yểm trợ, hướng hành quân sau khi đã sang bờ, địa điểm trú quân trước khi trời sáng. Và cuối cùng bộ chỉ huy quyết định:

1. Quãng sông Soài Rạp chảy ngang qua xóm Rạch Rào (xã Lý Nhơn), nơi có con rạch Rào Lớn ăn thông, sẽ là bến vượt. Bởi vì bờ bên kia, cây chưa bị đốn hết, có thể lợi dụng làm vật che khuất. Vả lại có căn cứ thuỷ bộ Rạch Cốc án ngữ nên đồn bót địch nơi ấy không dày, địch canh phòng không chặt.

2. Nơi tập kết lực lượng chuẩn bị vượt sông: xóm Rạch Rào (phía đông dòng Soài Rạp) kẹp giữa cửa sông Vàm Sát (phía bắc) và xóm Đồng Tròn (phía nam), bên kia bờ Soài Rạp là xã Tân Tập huyện Cần Giuộc.

3. Thời điểm vượt: 22 giờ đêm 30 tết (tức ngày 2 tháng 2 năm 1946 dương lịch ).

4. Sau khi sang được bên bờ tây sông Soài Rạp, lợi dụng bóng khuất của bờ đất và cây cối, nhanh chóng di chuyển về phía nam, tới cách căn cứ Rạch Cốc gần 500 mét thì rẽ vào cửa sông Rạch Cát. Theo dòng sông Rạch Cát đi độ 10 km tới ngã ba sông - Rạch Cát và Rạch Cần Đước - Tại đây sẽ có bộ phận tiền trạm dẫn đến nơi tập kết. Đoàn ghe phải nhanh chóng và bí mật trở về.

5. Hoả lực yểm trợ vượt sông: ba phân đội thuộc bộ đội Phú Xuân, bộ đội Chín Hiệp và bộ đội vệ binh đảm trách (bộ phận được bố trí ở lại rừng Sác).

6. Ban trinh sát và ban tình báo tiếp tục nắm chắc tình hình, đặc biệt khu vực vượt sông, hai bên dòng Rạch Cát. Nếu phát hiện địch phục kích phải kịp thời báo về cho ban chỉ huy theo ám hiệu quy định.

7. Tại nơi tập kết vượt sông và suốt quá trình đến nơi trú ém lực lượng, mọi cán bộ chiến sĩ phải tuyệt đối giữ nghiêm kỷ luật hành quân, im lặng, không được hút thuốc.

8. Toàn bộ lực lượng vượt sông có mặt tại địa điểm tập kết lúc 20 giờ đêm 30 tết.

Kết thúc cuộc họp, mọi người cùng dự bữa cơm tất niên. Năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến với bao nhiêu thử thách đang chờ đợi. Ai cũng thầm mong mọi việc tiến hành suôn sẻ.

Sắp tới thời điểm đưa quân qua sông, bộ chỉ huy nhận được cấp báo: suốt ngày 30 tết (tức 2-2-1946) tàu chiến. Ca nô võ trang, xà lúp chở lính tăng cường độ hoạt động trên dòng Soài Rạp. Chưa có gì chứng tỏ đêm nay địch sẽ giảm hoạt động.
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #24 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 09:53:12 pm »

Cũng có thể là sự phản ứng bình thường của địch trong thời điểm dễ bị đối phương lợi dụng. Nhưng đảm bảo tuyệt đối bí mật, bộ chỉ huy quyết định không vượt sông theo ngày giờ đã quy định.

Gần đúng như dự đoán của ta, đêm mùng 2 tháng 2, địch cho tàu chiến, ca nô tắt máy, rình mò phục kích ở một số địa điểm bờ đông sông Soài Rạp. Hôm sau nữa, 4 tháng 2, từ 8 giờ sáng, trên sông lần lượt xuất hiện các đoàn công voa chở lương thực, thực phẩm về Sài Gòn. Đến 13 giờ chiều hôm đó hoạt động trên sông của địch giảm hẳn.

Theo dõi chặt chẽ hoạt động của địch, bộ chỉ huy quyết định: tổ chức cho bộ đội vượt sông vào lúc 22 giờ ngày 5 tháng 2 năm 1946 (tức ngày 3 tháng giêng âm lịch). Các đơn vị khẩn trương tập kết về địa điểm quy định. Bộ phận phụ trách hoả lực yểm trợ dàn xong đội hình chiến đấu. Phân đội của bộ đội Phú Xuân được tăng cường 1 tiểu đội trọng liên 13.2 ly bố trí trận địa trên doi đất cửa sông Vàm Sát đổ ra sông Soài Rạp, cách cửa Rạch Rào gần 2 km về phía bắc. Phân đội của bộ đội Chín Hiệp được trang bị súng trường và trọng liên 13,2 ly xây dựng trận địa trong những lùm bụi của xóm Đồng Tròn (xã Lý Nhơn), cách bến vượt 3 km về phía nam. Phân đội của đại đội vệ binh được tăng cường 1 tiểu đội trọng liên 13.2 ly bí mật bố trí lực lượng trong những công sự vững chắc trên bờ đối diện với căn cứ liên hợp Rạch Cốc.

22 giờ, từ trận địa chuẩn bị sẵn, lực lượng yểm trợ đồng loạt bắn vào các tàu thuyền, ca nô trên sông Soài Rạp và sử dụng hoả lực bắn thẳng đánh sang căn cứ Rạch Cốc phía bên kia bờ.

Lập tức, ghe thuyền ta nhanh chóng vượt sông, đưa toàn bộ lực lượng tới bờ tây một cách an toàn.

Tất cả các bước tiếp theo đều tiến hành đúng như dự định. Trước khi trời hửng sáng, toàn bộ lực lượng ta đã có mặt tại xã Tân Lân, huyện Cần Đước.

Cần Đước, một huyện cách trung tâm thành phố Sài Gòn khoảng 20 km đường chim bay ở mạn tây nam, là nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất. Tháng 11 năm 1945, toàn huyện rơi vào tay địch. Giờ đây, Cần Đước đã là vùng địch hậu. Tân Lân - một xã nằm sát huyện lỵ, cách trung tâm thị trấn hơn 1 km về phía đông bắc lại là một nơi ba bề bốn bên đều xáp mặt với bót đồn và tàu chiến địch. Bởi lẽ bao quanh nó là các đường giao thông thuỷ bộ có tầm quan trọng trong vùng. Trên đường 226 - từ thị trấn Rạch Kiến tới bờ Soài Rạp - chạy ngang qua phía bắc Tân Tập, cách hơn 1 km là 1 tháp canh. Phía nam Tân Tập là hạ lưu của hai dòng Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây có chiều rộng 900 m. Trên đoạn sông này, ngày đêm tàu thuyền địch thường tuần tra, kiểm soát sông Rạch Cát và con kinh Nước Mặn chạy qua phía đông, tạo thành địa giới giữa Tân Lân và huyện Cần Giuộc. Nơi đây ít khi vắng bóng chiến thuyền địch tuần tiễu. Dọc theo địa giới phía tây tây nam là liên tỉnh lộ 5A - con đường chiến lược của vùng ven biển phía nam Sài Gòn với huyện lỵ Cần Giuộc, Cần Đước. Suốt chiều dài hơn 40 km đó, tháp canh và đồn bót địch dăng dài.

Ngoài ra, quanh các xóm ấp của Tân Lân, một số tháp canh được địch dựng lên nhằm kiểm soát, theo dõi tình hình.

Đơn thuần về quân sự, đây không phải là chỗ an toàn để ém dấu quân. Nhưng để ém dấu quân an toàn, điều trước hết mà bộ chỉ huy hành quân tính đến lại là lòng dân nơi đó. Mảnh đất này thuở trước từng là nơi diễn ra cuộc chiến đấu của nghĩa quân Trương Định, từng là nơi, bao nhiêu người nông dân suốt một đời cắm cúi làm ăn, đã đổ máu để giành giữ khỏi sự đoạt cướp của bọn cường hào địa chủ, bọn đế quốc thực dân. Đây cũng là nơi sản sinh và đùm bọc bộ đội Cần Đước, một bộ phận đang đứng trong đội ngũ Bình Xuyên. Từng lặn lội làm ăn trên đồng đất vùng này. Dương Văn Dương cùng nhiều đồng chí của ông khá thông thuộc đường qua lối lại cũng như tâm tính của người dân Tân Lân nói riêng và Cần Đước nói chung. Với lại, đồn trú ở đây là binh lính Việt nên việc tuần phòng, canh gác dễ bề chểnh mảng trong khung cảnh ngày Tết cổ truyền.
 
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #25 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 10:21:05 pm »

Xuất phát từ nhận định trên, Bộ chỉ huy quyết định chọn Tân Lân làm chỗ trú quân sau đêm vượt sông Soài Rạp. Bộ đội được bố trí trong một số xóm ấp liền nhau. Sở chỉ huy đặt tại ngôi nhà ba gian hai chái của ông Bộ Cơ ở ấp Bình Hoà - một ấp hẻo lánh phía đông nam của xã. 8 giờ sáng ngày 6 tháng 2 năm 1946, tại sở chỉ huy dã chiến hộ chỉ huy tiến hành hội ý với chỉ huy các đơn vị.

Sau khi sơ bộ nhận xét về tình hình địch và kết quả thực hiện nhiệm vụ ngày đầu, tham mưu trưởng Từ Văn Ri thay mặt bộ chỉ huy phổ biến quyết định: trước khi tiếp tục hành quân sẽ đồng loạt tấn công các bót đồn của địch trong một đêm, ngay giữa vùng địch chiếm, nhằm tiêu hao, tiêu diệt một phần sinh lực địch, hạ uy thế của chúng, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân. Sau khi tập kích chớp nhoáng, do không thể quay về ém quân ở Tân Lân được nữa, nên cần lập tức tổ chức cho bộ đội tới nơi tập kết mới.

Quãng đường hành quân dài, thời gian cập rập, bộ đội lại vừa chiến đấu xong, do vậy, bộ chỉ huy nhắc nhở các cán bộ chỉ huy chuẩn bị chu đáo cho bộ đội, nhất là về tinh thần, tâm lý để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

Căn cứ vào tư liệu điều tra thực địa của các ban trinh sát, tình báo, tác chiến, bộ chỉ huy chia các mục tiêu thành 6 cụm:

1. Hai trung đội địch đóng trong hai đồn ở khu vực ngã ba liên tỉnh lộ 5A và tỉnh lộ 18 cách huyện lỵ Cần Giuộc 500 mét về phía tây nam (ấp Hoà Thuận xã Trường Bình).

2. Hai trung đội địch (trong đó có một trung đội lính Pháp) đóng ở phía bắc thị trấn Rạch Kiến (thuộc xã Long Hoà) cách huyện lỵ Cần Đước 9 km về phía bắc.

3. Một trung đội lính ngụy đóng cạnh chợ Trạm - cách thị trấn Cần Đước 5 km về phía đông bắc.

4. Một trung đội ngụy (do viên đội Pháp chỉ huy) đóng ở chợ Cũ (xóm Đái, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước), cạnh bờ sông Vàm Cỏ, cách lộ 225 khoảng 1 km về phía đông nam.

5. Khoảng một đại đội ngụy (do tên trung uý Pháp chỉ huy) đóng ở bờ nam rạch Bến Ba - nơi uốn khúc hình chữ U của rạch, và rìa phía nam thị trấn Cần Đước.

6. Một trung đội địch đóng ở cầu Tràm (thuộc xóm Rạch Chùa, xã Long Trạch) cách huyện lỵ Cần Giuộc 9 km về phía tây bấc.

Về sử dụng lực lượng, bộ chỉ huy quyết định:

1. Bộ đội Phú Xuân được phối thuộc 3 tiểu đội của bộ đội Tân Quy, do Hai Soái chỉ huy sẽ tiến công mục tiêu 1 .

2. Bộ đội Chín Hiệp tiến công mục tiêu 2.

3.  Bộ đội Thủ Thiêm do Tám Hoe chỉ huy, tiến công mục tiêu 3.

4. Lực lượng còn lại của bộ đội Tân Quy được tăng cường thêm hai tiểu đội  (1 tiểu đội trọng liên) do Chín Phải chỉ huy, tiến công mục tiêu 4.

5.  Bộ đội Cần Được do Năm Khoắn chỉ huy, tiến công đồn địch ở rìa phía nam thị trấn Cần Đước. Bộ đội Tân Thuận do Hai Giàu chỉ huy, từ bờ bắc, dùng hoả lực trung liên Mác xim đánh đồn bờ nam rạch Bến Ba.

6.  Bộ đội Phú Xuân – Thị Nghè do Tư Huỳnh chỉ huy, sẽ tập kích mục tiêu 6, đồng thời gây tiếng động và đám cháy nhằm hỗ trợ cho các đơn vị bạn.

Để giúp các bộ phận lực lượng trên đây đến đúng vị trí xuất phát tiến công, mỗi ban chỉ huy sẽ được tăng cường hai liên lạc người địa phương, hai trinh sát và một cán bộ tác chiến.  Bộ chỉ huy bố trí chỉ huy sở ngay trên khu vực trận địa của bộ đội Chín Hiệp. Tại đây hiệu lệnh tiến công sẽ được phát ra.
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #26 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 10:25:56 pm »

Trời khuya, mọi vật chìm im trong bóng tối. Không gian lặng ngắt, chỉ nghe tiếng côn trùng xao xác, thỉnh thoảng có tiếng nổ vu vơ. Phía Sài Gòn hừng lên một quầng sáng nhạt. 

Bộ đội lặng lẽ hành quân tiếp cận mục tiêu. 22 giờ 30 phút, một loạt trọng liên 13,2 ly vang lên từ phía bắc thị trấn Rạch Kiến, xé tan bầu không khí tĩnh mịch. Hiệu lệnh nổ súng tiến công đã điểm.

Lập tức, ở các khu vực được phân công, bộ đội ta đồng loạt nổ súng, đánh trúng mục tiêu quy định.

Bị tấn công bất ngờ, địch bàng hoàng, chống trả yếu ớt. Ở cụm mục tiêu 1, quân ta đánh thiệt hại nặng lực lượng tại chỗ và lực lượng ứng cứu của địch từ thị trấn Cần Giuộc kéo ra. Trong khi chỉ huy bộ đội xung phong, Tám Mao, chỉ huy phó trận đánh bị trúng đạn. Anh ngã xuống trên mảnh đất quê hương. Tại cụm mục tiêu 5, ngay từ những loạt đạn đầu, ta đã tiêu diệt và làm bị thương một số tên, khiến những tên sống sót phải nhảy xuống rạch Bến Ba ẩn nấp. Dãy nhà binh lính và khu chứa nhiên liệu ở Cầu Tràm bốc cháy, lửa rực một góc trời. Quân địch trong các đồn bót ở thị trấn Rạch Kiến, chợ Trạm, chợ Cũ cũng bị đánh thiệt hại nặng. Theo báo cáo của cơ sở, số địch bị chết ở chợ Trạm, chợ Cũ và thị trấn Rạch Kiến là gần 100, số bị thương khoảng 40 tên.

Kết thúc cuộc tấn công, các mục tiêu đề ra đã được thực hiện. Ta loại khỏi vòng chiến đấu một số đáng kể sinh lực địch, đánh sập và phá hỏng nhiều đồn bót của chúng. Thắng lợi đó là một đòn giáng vào những nỗ lực bình định của địch, tạo nên tiếng vang rộng rãi trong dư luận ở vùng phụ cận. Lòng tin yêu của quần chúng nhân dân vào quân đội cách mạng thêm một lần được củng cố. Nỗi canh cánh mà cán bộ chiến sĩ Bình Xuyên từng đeo đẳng sau những trận chiến đấu không thành trong nội ô thành phố, ở Gò Công, ở thị xã Biên Hoà vừa qua bây giờ cơ chừng nhẹ bớt.

Với niềm vui thắng trận, bốn bộ phận đánh các cụm mục tiêu chợ Trạm, Rạch Kiến, chợ Cũ và thị trấn Cần Đước vừa hoàn thành nhiệm vụ đi khẩn trương cơ động lực lượng về xóm Mường Ban (xã Tân Chánh), cách thị trấn Cần Đước hơn 3 km về phía nam. Hai bộ phận đánh vào các cụm mục tiêu ở Cầu Tràm và thị trấn Cần Giuộc sau khi hoàn thành nhiệm vụ cũng nhanh chóng men theo dòng Vàm Cỏ, kịp nhập với đoàn quân tới xóm Mường Ban. Bấy giờ đã quá nửa đêm. Bóng tối phủ trùm mọi vật. Ghe thuyền do bộ phận tiền trạm chuẩn bị đã chờ sẵn dưới con rạch Phong Lưu. Các bộ phận khẩn trương xuống bến theo sự phân công của cán bộ tiềm trạm. Đoàn ghe thuyền nối nhau rời bến đậu xuôi theo con nước đưa đoàn quân tới mặt sông Vàm Cỏ rẽ vào sông Tra. Ngược xuống phía nam, quặt vào chi lưu sông Tra, đoàn ghe thuyền đã đưa đoàn quân cặp bờ sông Rạch Kiến. Từ đây, đoàn quân hành quân bộ xuyên dọc các ấp Đồng Thới. Đồng Bình, Đồng Trinh, Hoà Long, thuộc xã Đông Sơn quận Hoà Đồng, tỉnh Gò Công; rồi theo hướng tây nam tiến vào địa bàn huyện Chợ Gạo của tỉnh Mỹ Tho. Các đơn vị nhanh chóng theo sự hướng dẫn của liên lạc và cán bộ tiền trạm về chỗ trú quân dọc đôi bờ Rạch Kiến. Toàn bộ lực lượng được bố trí trong những ngôi nhà ẩn mình dưới tán lá của cây rừng ngập mặn thuộc ba ấp Bình Ninh, Bình Quới, Bình Trị, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, cách huyện lỵ chừng 12 km. Ở đây có thể nghe rõ tiếng động cơ ca nô xuôi ngược trên dòng kinh Chợ Gạo, tiếng ầm  của các loại xe máy trên liên tỉnh lộ 21 và 24. Bốn phía khu vực trú quân xa gần đều có đồn bót và cứ điểm địch dọc tỉnh lộ 21, trên tỉnh lộ 24 và ở huyện lỵ Bình Phước.

Dù vậy, được nhân dân và giới giang hồ địa phương do ông Tư Phương - bạn cũ của Dương Văn Dương - đứng đầu hết lòng giúp đỡ, đoàn quân vẫn giữ kín được hình tích của mình, không bị địch phát hiện.

Đêm xuống, đoàn quân lại lặng lẽ lên đường tới xã Bình Ninh còn được gọi là Hoà Ninh thuộc huyện Chợ Gạo cách nơi tập kết cũ hơn 10 km về phía nam. Nơi đây, bần, mắm, sú vẹt, dừa nước ken dày, tạo thành dải rừng ngập mặn phủ kín đôi bờ kinh Gò Công - con kinh tạo thành địa giới phía đông của xã Hoà Ninh và Vĩnh Hựu. Bộ đội trú quân trong nhà dân, thuộc bốn ấp Hoà Phú 1 , Hoà Phú 2, Hoà Mỹ 1 và Hoà Mỹ 2, theo đội hình có thể nhanh chóng triển khai chiến đấu.

Tin bộ đội tập kết ở Bình Ninh bị một số tên tay sai phản động địa phương báo với chỉ huy quân sự của địch ở thị trấn Chợ Gạo. Lập tức, một đại đội bộ binh do trung úy Pháp chỉ huy được điều động tới khu vực xã Bình Ninh nhằm bao vây truy diệt lực lượng ta, trừng phạt nhân dân vùng sở tại.

Rạng sáng ngày 8 tháng 2 năm 1946 từ mạn tây bắc hướng huyện Chợ Gạo có tiếng động cơ vọng lại. Tiếng động cơ rõ dần. Được nhân dân cho biết đó là cơ giới của địch đang tiến đến, bộ chỉ huy phát lệnh báo động.

Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #27 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 11:09:18 pm »

Qua ống nhòm, ta quan sát thấy đoàn xe địch gồm 6 chiếc đang trên đường tiến tới. Đi đầu là xe thiết giáp mở đường, lăn bánh theo sau là 5 xe chở đầy lính. Tới gần Hoà Ninh, địch đổ quân thành hai cánh cùng tiến. Cánh thứ nhất khoảng 2 trung đội, lợi dụng ruộng khô, cắt đường vượt xóm Giồng ông Tân (phía tây Hoà Ninh) và khi đến ngang ấp Hòa Mỹ 1 , chúng đột ngột ngoặt sang bên trái. Từ đội hình hàng dọc, chúng chuyển sang đội hình hàng ngang tiến vào khu vực bố trí trận địa của bộ đội Phú Xuân. Trong khi đó, cánh thứ hai khoảng 1 trung đội lính Việt do 1 hạ sĩ quan Pháp chỉ huy, tiến vào ấp Hoà Mỹ 2.

Yểm trợ cho hai cánh quân, địch tập trung hoả lực bắn dọn đường. Đạn cối 81 rơi phía sau trận địa của ta. Đại liên địch đặt ở bãi đổ quân chĩa nòng quét từng loạt vào khu vực bên sườn đội hình tiến công của chúng.

Khi gần sát vào rìa ấp, các khẩu trọng liên của hai cánh thay nhau nhả đạn hòng chế áp đối phương. Phía trong ấp vẫn không động tĩnh.
Sau nhưng gốc cây, các lùm bụi, các mô đất và dưới các mương dừa..., bộ đội ta hồi hộp chờ hiệu lệnh.

Khi địch đã vào tầm bắn có hiệu lực, các cỡ súng của ta bất thần nhả đạn, quất thẳng vào đội hình tiến quân của địch. Đồng thời, ta dùng hoả lực đánh vào bãi đậu xe, sở chỉ huy của chúng.

Với đòn đánh vỗ mặt bất ngờ, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu cả hai cánh quân, đánh thiệt hại nặng trận địa cối 81 ly và đại liên cùng đoàn xe chở quân của chúng, bắt sống 33 tên, trong đó có 30 tên bị thương.

Trận địa còn khét mùi thuốc súng, nhiều bà con, cô bác đã ra chiến hào tiếp tế cho bộ đội. Một số bà con hối hả cất dấu của cải, tiếp tục gồng gánh tản cư.

Xế chiều, khoảng 13 giờ 30 phút, lại có tiếng động cơ từ xa vọng tới. Hai giờ, địch đã tới khu vực phía bắc cầu Rạch Trâu. Từ các lùm bụi, địch dùng hoả lực đánh vào khu vực bố trí trận địa của ta. Đồng thời, bộ binh chia làm ba cánh, mỗi cánh cách nhau khoảng 300 mét; bắt đầu tiên công theo con đường ban sáng nhưng chếch về phía tây. Hai cánh vòng xuống hai ấp Hoà Mỹ 1, Hoà Phú 2 ở phía nam rồi ngoặt trái về phía đông. Cánh thứ nhất khoảng 2 trung đội tấn công vào trận địa của ta ở Hoà Mỹ 1. Cánh thứ hai khoảng 1 trung đội tấn công vào ấp Hoà Phú 2. Trong khi đó cánh quân thứ ba khoảng 1 trung đội vòng theo hướng tây bắc địch tập kích vào sườn đội hình quân ta. Khi hai cánh vào cách tiền duyên trận địa bố trí sẵn của ta chừng 200 mét, địch bắt đầu sử dụng hoả lực yểm trợ tấn công. Cối 81 ly, 60 ly và đại liên của chúng đánh vào cả ba ấp, sát trận địa của ta.

Chờ chúng cách tiền duyên chừng 60 mét, ta nổ súng đánh vào đội hình tiến công của cả hai cánh quân, vào trận địa súng cối 60 ly, ghìm địch lại. Trong khi chúng đang lúng túng chống đỡ thì hai tiểu đội của bộ đội Hai Soái xuất kích, dùng lựu đạn đánh thẳng vào đội hình cánh thứ nhất, tiêu diệt nhiều tên, trong đó có tên đại uý chỉ huy cuộc tấn công và một số phụ tá. Những tên sống sót quay đầu bỏ chạy. Cánh thứ hai cũng phải tháo lui, bỏ lại một số xác chết và một số tên bị thương đang la hét. Tại trận địa ta ở khu vực ngã ba phía tây bắc Hoà Mỹ 2, mũi tiến công thứ 3 của địch bị chặn đánh quyết liệt.

Cùng lúc, hai tiểu đội của bộ đội Phú Nhuận - Thị Nghè do Tư Huỳnh phụ trách từ phía bắc ấp Hoà Mỹ 1 nhanh chóng cơ động lực lượng về phía tây đánh vào sườn đội hình.

Bị tấn công bất ngờ, đội hình địch lập tức rối loạn. Nhận thấy địch đã núng thế và tỏ ra hoang mang, chớp thời cơ bộ đội ta bung ra truy kích. Hơn hai tiểu đội địch bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Chiều xuống, khắp thôn ấp ngưng tiếng súng. Suốt một ngày chiến đấu, bộ đội Bình Xuyên đã đánh bại hai cuộc tấn công của địch ngay trong vùng kiểm soát của chúng tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng hai đơn vị chủ lực cơ động với quân số gần 1 tiểu đoàn (trong đó 1 trung đội lê dương, 1 đại uý 1 trung uý và 1 thiếu uý người Pháp), thu nhiều vũ khí súng đạn.

Chiến thắng Hoà Ninh một lần nữa kích thích lòng hăng hái của cán bộ, chiến sĩ Bình Xuyên trên con đường tiếp bước xuống miền Tây.

Tuy nhiên, các sự kiện liên tiếp kể trên đã làm cho đội hình hành quân không còn giữ được bí mật nữa. Trước mắt là ba con sông rộng, tàu chiến địch tuần tra ngày đêm. Bên phải (đông bắc) là huyện lỵ Vĩnh Bình (Gò Công), bên trái (tây bắc) là huyện lỵ Chợ Gạo (Mỹ Tho) - cả hai nơi đều có lực lượng địch chiếm đóng và hệ thống đồn bót của chúng án ngữ.
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #28 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 11:15:21 pm »

16 giờ chiều tại Hoà Ninh, khi tiếng súng vừa ngớt, bộ chỉ huy đã họp bàn về khu vực tập kết tối hôm đó với Ba Đạt (cầm đầu nhóm người tâm phúc của ông Tư Phương đi theo giúp đỡ bộ đội Bình Xuyên) và các trưởng ban liên lạc, trinh sát, tình báo, quân nhu. Nhiều phán đoán, nhiều nhận định về âm mưu và phản ứng của địch; về điều kiện địa hình các khu vực dự định trú quân, về phương tiện vượt sông... được đưa ra thảo luận. Theo ý kiến Ba Đạt, quy chế của địch là chính quyền, binh lính và cảnh sát của địa phương nào chỉ được phép thực thi quyền hạn trong khu vực hành chính của địa phương đó. Đây là kẽ hở ta có thể lợi dụng. Ví như nay đang ở Mỹ Tho nếu ta đưa quân sang một vùng nào của Gò Công hoặc Bến Tre thì chỉ huy quân sự tỉnh Mỹ Tho phải được lệnh của cấp trên về quân sự của cả ba tỉnh cho phép mới dám đưa quân ra ngoài địa giới tỉnh để truy lùng. Mọi người trong cuộc họp chú ý chi tiết này. Thấy vậy Ba Đạt mạnh dạn trình bày tỉ mỉ kế hoạch đưa bộ đội qua ba con sông bằng hai giai đoạn trong vòng hai đêm. Phương án được chấp thuận.

Trời ụp tối, từ vị trí chiến đấu, các bộ đội nhanh chóng vận động về phía nam ấp Hoà Phú 2, tập kết tại bờ bắc, lần lượt xuồng ghe thuyền, vượt sang bờ nam sông Cửa Tiểu.

Bên kia bờ đã là Tân Thới, một trong hai làng trên cù lao Lợi Quan (hay còn gọi là cù lao Tân Thới )[10] thuộc tổng Hoà Đồng Hạ, huyện Hoà Bình, tỉnh Gò Công. Phủ xanh cù lao là đước, dà hôi, bần sú, dừa nước - loài cây ưa mặn. Rời ghe thuyền, nhắm hướng tây bắc - đông nam, đoàn quân mải miết đi, bốn bề yên tĩnh. Vượt qua quãng đường chừng hơn 10 km, bộ đội được lệnh dừng chân, tạm trú trong nhà những người nông dân. Đây là xóm nghèo, hẻo lánh, thưa thớt dân cư đất đai phần nhiều còn hoang hoá . Trên cù lao, bộ máy tề ngụy vừa mới lập. Bọn làng lính còn mặc cảm, ngán sợ chưa dám với xuống vùng này. Bộ đội ta an toàn nghỉ qua đêm và cả hôm sau, ngày 9 tháng 2 năm 1946. Nhưng sáng hôm đó ở Hoà Ninh, một lực lượng khá đông quân địch kéo tới dè dặt tiến vào làng. Vồ hụt quân ta, địch doạ dẫm đe nẹt dân chúng địa phương. Bà con đã khéo léo đối thoại, không để địch biết được hướng di chuyển của bộ đội. Địch rút khỏi, bà con bí mật cho bộ đội mượn ghe cửa - loại ghe lớn vượt sông khi sóng to - và cả người chèo lái.

Đêm 9 tháng 2 năm 1946, từ các ấp Tân Định, Tân Thạnh, Tân An xã Tân Thới, bộ đội ta men theo đường rừng vòng lại bến con sông Cửa Đại Nhỏ. Đoàn ghe cửa lẹ làng rẽ nước đưa nhanh quân qua sông Cửa Đại Nhỏ, tiếp đến sông Cửa Đại Lớn. Với sự giúp đỡ của bè bạn ông Tư Phương và du kích hai ấp Vĩnh Hội, Vĩnh Huê, làng Vang Quới, bộ đội ta nhằm hướng đông nam, vượt tỉnh lộ 17, tới đóng ở các ấp Kiến Vàng, ấp Ao Vuông... phía nam và tây bắc xã Tân Phú Trung, một xã thuộc cù lao Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Sáng hôm sau, ngày 10 tháng 2 năm 1946, bộ chỉ huy nhận được tin báo trận địa phía nam cầu Ba Lai và mặt trận An Hoá - Gia Hoà đã vỡ. Thị xã Bến Tre đã bị địch chiếm ngày 7 tháng 2 năm 1946. Huyện lỵ Giồng Trôm cũng đã rơi vào tay giặc.

Đêm 10 tháng 2, quân ta lại lên đường. Vượt sông Ba Lai, bộ đội tới đóng ở các xóm xen kẽ giữa những đám rừng thưa Châu Phú huyện Giồng Trôm. Đang mùa khô, đất se cứng, việc đi lại của bộ đội dễ dàng.

Trong khi đó, ở Bến Tre, địch triển khai lập hệ thống đồn bót, tổ chức tuần tra, canh gác trong nội đô và xung quanh thị xã, tập trung lực lượng mạnh gồm bộ binh và tàu chiến đánh chiếm và kiểm soát các trục lộ quan trọng 17, 26, 27, 6... nhằm mở đường tiến chiếm các huyện lỵ còn lại trong tỉnh như Hàm Long, Hương Mỹ, Ba Tri, Mỏ Cày, Thạnh Phú... Do vậy, công cuộc "bình định" còn lại buông lơi hoặc chưa được triển khai thực hiện ở các vùng nông thôn Bến Tre. Khu vực mà bộ đội Bình Xuyên bấy giờ đang trú đóng vẫn còn là vùng độc lập. Tại đây, bộ đội ta đỡ căng thẳng hơn. Những ngày ở Châu Phú, bộ chỉ huy được tin, lực lượng võ trang của Mỹ Tho, Gò Công và Bến Tre đã sát hợp thành Giải phóng quân liên tỉnh Mỹ Tho - Gò Công - Bến Tre về mặt tổ chức. Trên thực tế, ba bộ phận hợp thành này vẫn hoạt động tương đối độc lập dưới các tên gọi: bộ đội Gò Công, bộ đội Mỹ Tho, bộ đội Trương Văn Giàu - tức bộ đội Bến Tre... Đại diện các bộ phận đó đã có một số cuộc tiếp xúc với bộ chỉ huy bộ đội Bình Xuyên nhằm bàn bạc một số vấn đề về tổ chức lực lượng xây dựng địa bàn đứng chân của đơn vị mình trong tình hình mới. Những người dự họp đã thảo luận và thống nhất rằng, giờ đây, địch đã chiếm đóng hầu hết các tỉnh lỵ, huyện lỵ, các khu vực đông dân cư; đã kiểm soát các trục lộ giao thông thuỷ bộ huyết mạch trên địa bàn ba tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre. Việc lực lượng võ trang ta trụ bám và chiến đấu trên một địa hình bị chia cắt mạnh bởi trăm ngàn rạch kinh chằng chịt thì việc xây dựng các căn cứ kháng chiến lâu dài là điều kiện khó khăn, phức tạp. Dọc theo các huyện ven biển như Bình Đại, Ba Tri..., hoặc vẫn còn dăm ba cánh rừng ngập mặn có thể dựa vào để lập các bàn đạp, các căn cứ nhỏ cho một lực lượng cỡ đại đội trú ém ngắn ngày mà thôi, còn không hội đủ điều kiện cho các đơn vị võ trang tập trung hoạt động lâu dài. Đại diện các bộ đội Gò Công, Mỹ Tho, Trương Văn Giàu đề nghị cùng với bộ đội Bình Xuyên chuyển về rừng Sác miền Đông, chung sức đánh giặc. Sáng sớm ngày 14 tháng 1 năm 1946, một đoàn công voa của địch gồm 10 ghe chất nặng các hàng hoá quân sự theo sông Bến Tre, rẽ vào kinh Chẹt Sậy. Theo nguồn tin trinh sát đoàn công voa được hai tàu kéo (một tàu kéo 5 ghe, mỗi ghe trọng tải từ 2 đến 3 tấn), lực lượng hộ tống gồm hai trung đội Âu Phi và hai ca nô võ trang làm nhiệm vụ trinh sát mở đường. Đoàn công voa sẽ vào sông Ba Lai để xuôi ra biển. Căn cứ vào độ đường sông nước và tốc độ đoàn công voa, bộ phận trinh sát nhận định, khoảng 13, 14 giờ chiều, địch sẽ ngang qua khu vực mà quân ta đang trú đóng.

10. Nằm kẹp giữa cửa sông Cửa Tiểu (bắc) cửa sông Cửa Đại Nhỏ (nam), cù lao có chiều rộng trung bình 4 km chiều dài 37 km.
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #29 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2008, 11:35:05 pm »

Bộ chỉ huy quyết định tổ chức phục kích đánh đoàn tàu chở hàng nhằm tiêu diệt một bộ phận địch, củng cố lòng tin của nhân dân, hỗ trợ cho chính quyền, đoàn thể địa phương, góp phần giải quyết một phần khó khăn về lương thực, thực phẩm của nhân dân và bộ đội. Trận địa đón địch được bố trí trên sông Ba Lai, thuộc khu vực trên sông Phong Mỹ, cách ngã ba Chẹt Sậy - Ba Lai 1,5 km về phía đông nam. Hai ven bờ cây cối um tùm che phủ. Nơi đây, mặt sông Ba Lai trải rộng trên 200 mét. Công sự, trận địa phục kích kéo dài hơn 1 km về phía hạ lưu.

Chiều oi ả. Con nước đang ròng. Những con kền kền có bộ lông màu nâu đập cánh tìm mồi trên dòng sông lờ lững. Trong cái vắng lặng của không gian, các chiến sĩ đã nghe rõ dần tiếng động cơ vọng lại. Lệnh sẵn sàng chiến đấu được phát ra. Các bộ phận lực lượng nhanh chóng vào vị trí chiến đấu.

2 giờ chiều, đoàn công voa lừ lừ tiến tới. Gần vào khu vực trận địa của ta, chiếc ca nô đi đầu bỗng tăng tốc xé nước, chồm lên, bắn mấy loạt đại liên vào hai bờ sông Ba Lai rồi ngoái lại, giữ nguyên cự ly giãn cách ban đầu.

Chờ cho đoàn công voa lọt hẳn vào trận địa, bộ chỉ huy quyết định nổ súng tiến công.

Lập tức, các loại súng của ta tới tấp nhả đạn vào các mục tiêu. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng. Gần 3 trung đội của địch bị tiêu diệt và bắt sống, một số tàu ghe bị bắn hỏng, toàn bộ hàng hoá về tay quân ta.

Sau khi trao đổi với Trương Văn Giàu, bộ chỉ huy tiến hành bàn giao chiến lợi phẩm cho chính quyền, đoàn thể cách mạng và nhân dân địa phương.

Đêm buông xuống. Đoàn quân rời Phong Mỹ cắt rừng qua xã Châu Phú và Châu Thới, đến đóng tại kinh Rạch Rợp ở mạn đông nam của xã Châu Bình.

Quân về, xóm ấp trở nên sôi động. Mọi người rối rít dọn dẹp, chuẩn bị chỗ nghỉ cho bộ đội. Đồng chua nước mặn, mỗi năm chỉ trồng cấy một vụ lúa năng suất thấp nên cuộc sống của người dân nơi đây còn rất nghèo. Tuy vậy, ai nấy đều lo cơm ăn, nước uống cho bộ đội. Nước uống, mùa khô ở miệt biển, triền sông nước mặn trở nên hiếm hoi. Mọi người trong xóm thức khuya dậy sớm gạn lọc từng nồi cho cán bộ, chiến sĩ đủ dùng.

Chiều ngày 15 tháng 2, trời lặng gió. Bộ đội đang nghỉ trưa thì nhận được lệnh khẩn trương triển khai đội hình sẵn sàng chiến đấu theo phương án tác chiến đã phổ biến.

Từ huyện lỵ Giồng Trôm, một đơn vị bộ binh địch vận động theo tỉnh lộ 174 về phía Châu Bình. Qua ống nhòm, ta quan sát thấy toàn bộ địch có khoảng gần 2 đại đội. Tới ngã ba đi Giồng Trộm (ngã ba tại ấp Hoà Bình, Mỹ Chánh, Ba Tri) phía đông nam xã Châu Bình chúng bắt đầu triển khai đội hình. Tại ngã ba này, chúng đặt sở chỉ huy, trận địa hoả lực và một trung đội làm lực lượng dự bị và giữ mặt sau của một đội hình tiến công. Được hoả lực yểm trợ, hai đại đội xuồng cao su vượt qua rạch Bà Tri Rôm (nhánh tẽ của con rạch Hiền Nhân, vòng từ tây bắc xuống đông nam và nam xã Châu Bình). Vừa đổ bộ lên bờ bắc rạch, địch để lại một bộ phận nhằm bảo vệ khu vực đầu cầu bến vượt, còn lại hình thành hai mũi tiến dọc theo bờ bắc và nam con kinh Bình Khương-một nhánh của rạch Bà Tri Rôm, dài 4 km, tạo thành địa giới giữa Châu Bình (phía bắc) với xã Mỹ Chánh Hoà huyện Ba Tri phía nam ) và xã Tân Phú Trung huyện Bình Đại (phía đông), đồng thời sở chỉ huy dời đến đóng tại đầu cầu bến vượt.

Đây là cuộc hành quân càn quét nhằm phát hiện và tiêu diệt lực lượng đã tổ chức trận phục kích đoàn công voa của địch hôm qua. Nón dạ vành to, quần áo màu vàng, súng lăm lăm trong tay, địch lố nhố tiến vào trận địa phục kích của ta .

Bình tĩnh chờ cho địch vào sâu trong tầm sát thương của hoả lực, bộ đội ta đồng loạt nổ súng vào đội hình tấn công của chúng. Cùng lúc, sở chỉ huy, trận địa hoả lực của chúng cũng bị hoả lực trọng liên 13.2 ly và những khẩu VB tập kích.

Mũi thứ nhất gồm ba trung đội bị tiêu hao nặng và bị loại khỏi vòng chiến đấu từ những loạt đạn đầu. Một số ít thoát chết, nhoài vội xuống sông.

Mũi thứ hai gần hai trung đội cũng nhanh chóng bị đánh tan. Nhiều tên vứt súng, lội qua rạch Bến Thắng (thuộc Mỹ Chánh Hoà, Ba Tri ) theo lộ 173 chạy tới ngã ba Giồng Trôm hợp cùng lực lượng dự bị tháo lui về huyện lỵ Giồng Trôm.

Trận đánh kết thúc vào quãng 15 giờ 30 phút. Bộ đội Tân Thuận được lệnh bí mật vận động tới khu vực ngã ba Giồng Trôm nơi địch tập kết vượt rạch vào càn quét lúc xế chiều, xây dựng công sự, bố trí lực lượng, sẵn sàng chặn địch.
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM