Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:22:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ đội Bình Xuyên  (Đọc 53408 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #10 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 09:44:01 pm »

Quân địch ngày càng mở rộng phạm vi tiến công ra xung quanh thành phố. Ở hướng nam, dựa vào cơ giới quân Anh mở đường và chặn hậu, một bộ phận lính Pháp vượt cầu Tân Thuận xuống liên tỉnh lộ 15. Do khi thấy trên các xe thiết giáp lẫn xe chở quân đều có cắm cờ Anh, trong đội hình quân lính địch, có binh sĩ, sĩ quan Anh bộ đội Tân Thuận chốt chặt cầu Tân Thuận đã không nổ súng. Thế là quân địch vượt qua được cầu. Chừng thấy liên tỉnh lộ 15 đã bị ta cất đứt không thể tiến thẳng xuống phía nam để kiểm soát quân cảng và các kho dầu Nhà Bè, chúng liền theo vòng xoáy của ngã ba phía nam dốc cầu Tân Thuận, tiến lên con đường dọc bờ kinh Tẻ rồi chui dưới gầm cầu Tân Thuận, đến bến đò Tân Quy. Từ đó, bám theo hương lộ 34, chúng tiến xuống phía nam, đến kiểm soát các xã Long Kiểng, Nhơn Đức.

Tới cầu Đồn, cầu Gạch, đội hình địch chững lại vì đường đã bị cắt, cầu đã bị phá. Tại đây, chúng dùng súng trường Anh có gắn ống phóng lựu ở đầu, nã lựu đạn OF xuống khu vực cầu Rạch Đỉa, nơi đặt tổ chỉ huy của bộ đội Ba Dương.

Một bộ phận bộ đội Tân Thuận, do Hai Giàu chỉ huy, từ ấp I xã Tân Thuận cơ động lực lượng bí mật tiếp cận trận địa hỏa lực nổ súng tiến công. Bị tập kích bất ngờ, đội hình địch rối loạn. Nhiều tên bị loại khỏi vòng chiến đấu. Chúng rút chạy bỏ dở ý định tiến công. Trong cuộc chiến đấu này, chiến sĩ Trang Văn Thi đã anh dũng hy sinh. Anh là liệt sĩ Bình Xuyên đầu tiên ngã xuống trên mảnh đất Nhà Bè.

Bị vây chặt trong thành phố, viện binh chưa sang kịp, quân địch gặp khó khăn về lương thực thực phẩm. Chúng móc nối với bọn tay sai ở đồng bằng sông Cửu Long thu gom thóc gạo, thực phẩm, rồi tổ chức đoàn công voa chuyển vận về Sài Gòn. Trong mỗi đoàn vận tải, địch sử dụng một lực lượng được trang bị mạnh làm nhiệm vụ hộ tống. Thám sát tình hình, mở đường và đảm bảo thông tin liên lạc là bộ phận gồm 6 tên có võ trang trên 1 ca nô chiến đấu có tốc độ lớn. Chiếc ca nô này thường xuyên tiến lên phía trước đoàn tàu vòng về phía sau, phát hiện một dấu hiệu khả nghi và kịp thời thông báo cho lực lượng chiến đấu. Trên boong của chiếc tàu kéo vỏ sắt, hơn một tiểu đội trang bị bằng trung lien, tiểu liên và súng trường, bố trí trong những ụ súng bằng những bao cát. Ở trên xà lan vỏ sắt của đoàn công voa, có công sự, hầm cố thủ... với lực lượng mạnh gồm 2 tiểu đội lính Lê Dương.

Nắm được tình hình địch do bộ phận trinh sát cung cấp. Dương Văn Dương, Đinh Văn Nhị và Từ Văn Ri thống nhất kế hoạch tổ chức trận phục kích tàu địch trên sông. Trận địa chính được xác định dọc tuyến kinh Cây Khô, dài hơn 3 km, trên xã Phước Lộc - Nhà Bè. Làm nhiệm vụ chặn đầu đoàn công voa có hai chốt chặn. Chốt chính diện đặt ở cuối của kinh Cây Khô, trước khi đổ vào ngã tư, nơi nối thông giữa tắt Bến Đò, rạch ông Lớn và sông Cây Khô thuộc xã Long Kiểng. Chốt dự bị kế cận, đặt tại ngã tư rạch ông Nhỏ, rạch Đỉa, sông Cây Khô và rạch ông Lớn, cách chốt chính diện từ xa, chặn tàu thuyền chiến của địch từ Sài Gòn đến cứu nguy cho đoàn công voa bị phục kích đặt trên cầu Rạch ông và xã Tân Quy. Làm nhiệm vụ khoá đuôi đoàn công voa có hai chốt: chốt chính diện được xây dựng tại ngã ba của hai rạch Ba Lao và kinh Cây Khô, chốt dự bị đặt tại ngã ba của rạch Dơi ăn thông với rạch Ba Lao cạnh bến đò Tân Thanh trên xã Nhơn Đức.

Lực lượng chính diện công kích trên tuyến trận địa chính, được giao cho bộ đội Chín Hiệp, có tăng cường thêm 2 trung đội võ trang và 2 trọng liên 13,2 ly, do Chín Hiệp phụ trách chung.

Lực lượng chốt chặn chủ yếu và dự bị gần được giao cho đại đội vệ binh có tăng cường hoả lực trọng liên 13,2 ly và 1 khẩu tromblon VB. do Đoàn Văn Ngọc chỉ huy. Lực lượng chốt chặn từ xa kiêm nhiệm chống quân tiếp viện được giao cho bộ đội Tân Quy, do Quách Văn Phải chỉ huy.

Lực lượng ở hai chốt khoá đuôi được giao cho bộ phận án ngữ bến đò Tân Thanh có tăng cường thêm một trung đội của bộ đội Tư Huỳnh và một trọng liên 13,2 ly.

Bộ đội Tám Mạnh do Hai Vĩnh chỉ huy, hợp đồng án ngữ, đón lõng ở một số nơi xung yếu dọc theo bờ tây ngạn của sông Cây Khô và rạch ông Lớn bên địa phận Quận Cần Giuộc nhằm hỗ trợ cho trận địa phục kích. chặn bắt tàn binh địch từ đoàn công voa chạy tạt qua.
Mọi công tác chuẩn bị cho trận đánh được xúc tiến khẩn trương.

Công sự trận địa vừa xây dựng xong và các bộ phận lực lượng đã triển khai theo phương án tác chiến thì đoàn công voa của địch cũng vừa tiến đến. Lúc toàn bộ quân địch đã lọt vào trận địa phục kích, các tay súng bộ đội Bình Xuyên đồng loạt nổ súng. Nhiều loạt đạn nhằm trúng vào tàu kéo, xà lan và ca nô địch. Ngay từ đầu, đội hình của chúng đã bị rối loạn. Sau khi nổ mấy loạt đạn nghi binh, quân địch trên tàu kéo bí mật chặt dây, bỏ lại đoàn ghe chở nặng, hòng tháo chạy thoát thân về hướng bắc.

Liền sau đó, tàu địch bị trục trặc. Kịp thời phát hiện âm mưu và sự cố của chúng, chỉ huy trưởng bộ đội Chín Hiệp quyết định sử dụng một bộ phận lực lượng dùng ghe thuyền truy kích, đồng thời một bộ phận khác nhanh chóng cơ động dọc theo triền bờ đuổi đánh. Khi đã áp sát tàu địch, các chiến sĩ tới tấp tung lựu đạn lên boong. Lập tức Chín Hiệp và một số chiến sĩ lợi dụng địch chúi đầu ẩn nấp, bám nhảy lên boong, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ lực lượng trên chiếc tàu này.

Trong khi đó, ở trận địa chặn đầu, chiếc ca nô võ trang đương kéo xà lan tự hành hỏng máy, đã bị các chiến sĩ đại đội vệ binh bắn chìm tại ngã tư Rạch ông - Rạch Đỉa. Dù vậy trên xà lan vẫn còn quân địch. Thuỷ triều đang rút. Theo con nước ròng trên dòng Rạch Đỉa, chiếc xà lan xuôi về phía hương lộ 34, tới cách căn cứ bộ đội Bình Xuyên quãng chừng 700 mét thì bị vướng và dừng tại đấy. Triều dâng, nó tấp sang bờ bắc Rạch Đỉa. Nước rút, nó lại dạt về bờ nam. Một ngày đi qua. Địch vẫn ngoan cố không chịu đầu hàng. Trước tình hình đó, hộ chỉ huy quyết định tăng cường thêm lực lượng nhằm dứt điểm trận đánh. Một phân đội thuộc bộ đội Tân Thuận do Hai Giàu, Hai Hữu chỉ huy cùng 16 lính Nhật (bỏ ngũ theo bộ đội Bình Xuyên từ trước đó) được biên chế vào đơn vị trợ chiến được điều đến. Toàn hộ lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường bí mật dàn trận. Trận đánh diễn ra mau lẹ. Một lính Nhật được Ba Dương đặt tên là Đặng, bắn hạ liền 2 tên địch bằng một phát đạn, khi 2 tên này từ dưới hầm cố thủ ngóc đầu quan sát. Số địch còn lại gồm bảy tên phải kéo cờ trắng xin hàng.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Năm, 2008, 09:52:43 pm gửi bởi colorwind » Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #11 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 09:47:14 pm »

Vấn đề trung tâm thu hút sự chú ý của các đại biểu là việc xây dựng thế trận, bố trí lực lượng và xác định cách đánh. Trong điều kiện binh hỏa lực của ta buổi đầu còn hạn chế kinh nghiệm tổ chức chiến đấu còn ít, cán bộ, chiến sĩ chưa dạn dày trận mạc, kỷ luật còn lơi lỏng, tuỳ tiện, sự hỗ trợ, hiệp đồng tác chiến giữa từng bộ phận chưa cao, việc phải đảm trách trên một chính diện dài khoảng 12 km đặt ra cho tất thảy cán bộ chiến sĩ toàn Mặt trận thử thách nặng nề. Các đại biểu tranh luận sôi nổi và quyết định bố trí các vọng gác, sử dụng các tốp nhỏ tuần tra ở những khu vực xung yếu trên tiền duyên mặt trận nhằm phát hiện kịp thời và chặn địch từ xa. Ở các đầu cầu, tổ chức khu vực phòng thủ xung yếu của Mặt trận. Tại đây, sử dụng lực lượng mạnh, bố trí thành thế trận có chiều sâu và liên hoàn, các bộ phận vừa có thế độc lập tác chiến vừa có thể hỗ trợ, ứng cứu lẫn nhau. Để chủ động tiến công quân địch một bộ phận lực lượng sẽ được tổ chức thành các toán nhỏ, trang bị gọn nhẹ bằng súng ngắn và lựu đạn, bí mật đột nhập vào nội ô thành phố, tiến hành các hoạt động quấy rối, tiêu hao sinh lực địch.

Căn cứ vào thực lực và khả năng của các đơn vị, hội nghị đã chia giao khu vực đảm trách và nhiệm vụ cụ thể cho các bộ phận lực lượng. Bộ đội Nhà Bè chặn địch ở hướng đông bắc, đông đông nam, tây nam và tây bắc quận Nhà Bè. Bộ đội Cần Giuộc và bộ đội Tư Hoạnh chốt giữ khu vực đầu cầu Xóm Củi bố trí tác chiến. Ở các địa bàn quan trọng trên quận Cần Giuộc, đồng thời sử dụng một bộ phận đánh nhỏ lẻ ngay trong lòng địch. Phòng thủ khu vực đầu cầu chữ Y một trong ba khu vực xung yếu của Mặt trận là bộ đội Tám Mạnh và bộ đội Tân Quy. Ngay ở địa phương mình, bộ đội Tân Thuận chiến đấu phòng giữ khu vực đầu cầu Tân Thuận và dọc hải cảng.

Với khí thế mới, ngay từ những ngày đầu tháng 11 năm 1945, quân dân Mặt trận số 4 khẩn trương xây dựng công sự trận địa, tổ chức các trạm gác và các đội tuần tra, thành lập các nhóm luồn sâu vào lòng địch. Mỗi đêm, khi bóng tối buông trùm, đó đây trong thành phố vang len tiếng súng tiến công của ta đánh vào các vị trí quân sự của địch. Các chiến sĩ cảm tử đã tập kích đồn Cây Mai, trại lính Pháp sát ga xe điện, ga Pétruský trên đường Galiêni, bót Giếng Nước quận 1. Ở quận 6, bộ đội Tân Thuận tập kích địch tại nhà máy xay, kho chứa gạo Nguyễn Thanh Liêm (ở bờ bắc dòng kinh Tẻ, khu vực đối diện xã Tân Quy). Rồi phối hợp với các chiến sĩ nội thành, bộ đội Tân Thuận tiến công địch ở nhà máy điện Chợ Quán... Hoạt động đó đã gây cho địch thiệt hại đáng kể cả về sinh lực và hậu cần.

Sang tháng 11 năm 1945, giặc Pháp được tăng cường thêm viện binh.

Một ngày giữa tháng 11 chúng huy động lực lượng gồm bộ binh và thuỷ binh có xe tăng và tàu chiến yểm trợ tiến công theo 2 cánh vào thị trấn Cần Giuộc. Ở hướng thứ nhất, địch sử dụng xe tăng và hoả lực pháo binh phá vỡ trận địa chốt chặn của ta ở khu vực cầu Xóm Củi. Sức kháng cự của ta ở đây yếu. Trong khi đó, liên tỉnh lộ 5A vẫn chưa được cắt đứt. Bởi vậy, trên hướng này, địch đánh chiếm dễ dàng. Và nhanh chóng kiểm soát khu vực phía bắc Cần Giuộc. Đồng thời với cánh quân ở hướng thứ nhất, hàng chục ca nô, tàu xuồng chiến đấu của địch từ sông Soài Rạp rẽ nước, ngược dòng Rạch Cát, đánh thốc lên tây nam Cần Giuộc. Cả ở hướng này, địch không vấp phải sự chống trả nào đáng kể. Mũi tiến công thứ hai của quân Pháp nhanh chóng hợp vây với mũi thứ nhất theo kế hoạch dự định. Thị trấn Cần Giuộc rơi vào tay địch. Tại đây, với lực lượng tiến công gồm hơn một tiểu đoàn bộ binh, hải quân, địch nhanh chóng tổ chức phòng ngự tạm thời. Hai đại đội bộ binh đóng dã chiến ở khu vực đông bắc thị trấn, trên địa bàn thuộc ấp Trị Yên, xã Phước Lại. Hai trung đội khác bố trí ở phía tây bắc, địa phận ấp Thanh Cầu, xã Tân Kim. Trong khi đó, ở hướng đông nam, địch bố trí hai trung đội phòng ngự trên khu vực thuộc ấp Hoà Thuận, xã Trường Bình. Trong lòng thị trấn, có cụm pháo cối 81 ly và 60 ly. Dưới bến sông sát nội ô thị trấn là chỗ đậu của ca nô tàu xuồng chiến đấu...

Tình hình diễn biến mau lẹ và bất lợi cho ta. Sau khi nghe báo cáo về lực lượng và sự bố trí của địch, bộ chỉ huy Mặt trận số 4 đã có cuộc họp chớp nhoáng với các chỉ huy trưởng của các đơn vị và hạ quyết tâm: tập trung lực lượng, kiên quyết thực hành phản kích nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch ngay khi chúng chưa kịp tổ chức công sự, trận địa phòng ngự vững chắc. Bộ đội Chín Hiệp được tăng cường 2 trung đội với 3 khẩu trọng liên 13,2 ly có nhiệm vụ đánh tiêu diệt 2 đại đội địch ở đông bắc thị trấn. Nhằm ghìm giữ và phân tán lực lượng địch, hỗ trợ cho mũi tiến công chính, bộ đội Cần Giuộc sẽ tập kích 2 trung đội địch ở đông nam, bộ đội Tư Hoạnh tập kích 2 trung đội địch ở tây bắc thị trấn. Đề phòng quân tăng viện của địch, bộ đội Tám Mạnh có nhiệm vụ tổ chức phục kích ở một quãng xung yếu trên liên tỉnh lộ 5A, khu vực cách bót Bình Đăng độ 1 km về phía nam, sẵn sàng chặn đánh địch từ Sài Gòn kéo xuống. Để chế áp hoả lực pháo binh của địch, bộ phận trinh sát của tổng hành dinh được trang bị 3 khẩu Trom Blom VB đánh phá trận địa súng cối ở trong thị trấn. Chỉ huy thống nhất trận đánh là Dương Văn Dương.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Năm, 2008, 09:53:47 pm gửi bởi colorwind » Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #12 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2008, 09:49:54 pm »

Theo đúng kế hoạch, khi tràng súng trọng liên 13,2 ly ở hướng đông bắc dòn dã phát lệnh, các mũi của bộ đội Chín Hiệp và lực lượng vệ binh nhất loạt nổ súng tiến công dồn dập các mục tiêu đã được phân công.

Trong khi đó, ở hướng tây bắc và đông nam thị trấn, khu vực các mục tiêu của địch tiếng súng vẫn im lìm.

Mặc dù gây cho địch một số thương vong và làm chúng hốt hoảng, nhưng thiếu sự hiệp đồng của các cánh, lực lượng tiến công bị lâm vào tình thế bất lợi. Dương Văn Dương buộc phải ra lệnh rút nhanh khỏi khu vực thị trấn và rút về Nhà Bè đặng bảo toàn lực lượng.

Về tới nơi tập kết, thấu hiểu lý do bộ đội Cần Giuộc và bộ đội Tư Hoạnh đã không vào trận theo kế hoạch phân công, Dương Văn Dương cử đại đội vệ binh được tăng cường thêm một phân đội của bộ đội Chín Hiệp tìm bắt Ba Bang, tước toàn bộ khí giới, trang bị và thu con dấu, tiền bạc của bộ đội Cần Giuộc.

Lúc này, công văn mời họp hội nghị quân sự Nam Bộ tổ chức tại An Phú Xã do Nguyễn Bình ký đã đến tổng hành dinh Mặt trận số 4... Bộ chỉ huy Mặt trận số 4 quyết định cử Đinh Văn Nhị và Nguyễn Văn Hội thay mặt Dương Văn Dương đi dự hội nghị.

Tình hình biến chuyện hết sức mau lẹ. Mặt trận số 4 với hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đang lâm vào tình thế bất lợi. Cần Giuộc đã rơi vào tay giặc. Nhà Bè đang bị uy hiếp nặng nề. Sông Nhà Bè và sông Soài Rạp có thể bị địch phong toả nay mai. Nếu vậy, quân ta sẽ bị chặn mất đường rút, hoặc sẽ bị chặn mất đường về. Trong khi đó, việc nội bộ lủng củng càng làm cho sức mạnh của đội quân bị suy giảm thêm. Nhận rõ sự bức bách của hoàn cảnh. Dương Văn Dương thuận theo lời khuyên của Bí thư kiêm Chủ tịch ủy ban kháng chiến Cần Giuộc Bảy Trân, thả Ba Bang, trả lại vũ khí, tiền bạc cho bộ đội Cần Giuộc. Rồi bộ chỉ huy Mặt trận tiến hành hội ý. Phân tích tình hình chiến sự, dự đoán ý đồ của địch và các khả năng diễn biến tiếp theo, thấy rõ tình huống "ngàn cân treo sợi tóc" mà ta đang lâm phải, bộ chỉ huy quyết định: rút ngay toàn bộ lực lượng về rừng Sác trước khi địch tiến hành phong toả hai con sông Nhà Bè và Soài Rạp. Thời hạn cuối cùng là ngày 20 tháng 11 năm 1945, các đơn vị phải rời khỏi hai quận Nhà Bè và Cần Giuộc. Mệnh lệnh được khẩn kíp chấp hành trong ngày chủ nhật, 18 tháng 11 (tức 14 tháng 10 âm lịch).

Theo các lối bằng ghe thuyền, ba đơn vị đóng trên quận Cần Giuộc đã về nơi tập kết an toàn. Bộ đội Cần Giuộc đứng chân ở xóm Tiều trên bờ nam sông Vàm Sát thuộc xã Lý Nhơn. Bộ đội Tám Mạnh và bộ đội Tư Hoạnh dựng bản doanh trên cù lao núi Nứa, khu vực mà cư dân hầu hết theo đạo ông Trần - một biến thể của đạo Phật. Các đơn vị bộ đội Nhà sẽ hành quân đến tập kết ở Phước An - một xã thuộc huyện Long Thành tỉnh Biên Hòa. Cuộc hành quân dài hơn 20 km đường sông nước của các bộ đội được tiến hành xuôi lọt. Riêng chỉ huy của hộ đội Tân Thuận, sau khi tập kết lực lượng quanh chùa Phật, thuộc xóm Giồng Trầu xã Bình Trưng, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định để chuẩn bị xuất phát hành quân, đã quyết định giấu 15 thùng đạn súng trường và đạn tiểu liên Anh ở hầm phía sau chùa Phật[8]. Sau đó số đạn này đã rơi vào tay địch.

Đối với tổng hành dinh và các cơ quan, đơn vị trực thuộc, xưởng binh khí, việc cơ động gặp khó khăn hơn. Bộ chỉ huy quyết định tổ chức thành ba đoàn, mỗi đoàn gồm hàng chục ghe xuồng lớn nhỏ có lực lượng hộ tống.

Khi tất thảy lực lượng ta vừa ra khỏi khu vực Mặt trận số 4 độ nửa ngày thì tàu chiến, ca nô địch tiến hành phong toả kín trên mặt sông Nhà Bè, Soài Rạp, kiểm soát chặt sông Rạch ông - Cây Khô. Cùng lúc đó, bộ binh cơ giới địch có xe tăng pháo binh yểm trợ mở đường từ nội ô Sài Gòn đã ầm ầm vượt qua cầu chữ Y, cầu Tân Thuận, bám hương lộ 34 và liên tỉnh lộ 15. Lập tức, bộ binh địch triển khai đội hình chiến đấu, chiếm lĩnh các vị trí then chốt tung lực lượng kiểm tra, lùng sục khắp nơi, cả từng lùm cây bụi cỏ dọc triền mép các dòng kinh rạch... Tạm thời mất đất, nhưng ta không mất người và vũ khí, lại càng không mất đi quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù chung. Mọi thành bại, vui buồn mà đoàn quân vừa trải trong những ngày đầu khói lửa sớm trở thành kinh nghiệm quý báu, giúp cho cán bộ chiến sĩ ta nói chung, bộ đội Bình Xuyên nói riêng, tiếp tục lớn lên trong gian lao thử thách.

8. Lúc đó, Sáu Thơ thay Trần Văn Đối chỉ huy bộ đội Tân Thuận. Là tín đồ công giáo nhưng tin theo đạo Phật. Sáu Thơ chấp hành lệnh hành quân nhưng vì kiêng ngày 14 âm lịch nên đề xuất ý kiến để lại số đạn, sau sẽ quay lại lấy.

Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #13 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2008, 09:36:40 pm »

Chương III

TỔNG HÀNH DINH PHƯỚC AN VÀ VỤ BA NHỎ

Phước An - một xã của quận Long Thành, tỉnh Biên Hoà, nằm cách thành phố Sài Gòn khoảng 30 km đường chim bay về phía đông nam. Phân nửa nằm trên đất liền với rừng già phủ kín, phía đông nam của lòng chảo Nhơn Trạch, có liên tỉnh lộ 19 xuyên suốt thông sang tây. Phân nửa còn lại trải rộng dưới rừng sác hạt ngàn, sông rạch chi chít, với những điểm dân cư tập trung như xóm Man Hoa ở nam ấp Vũng Gấm, xóm Ba Gioi... thuộc vùng cực bắc của rừng Sác Đông Nam Bộ. Bộ chỉ huy Mặt trận số 4 quyết định chọn Phước An làm nơi tập kết của bộ đội Bình Xuyên. Thời gian không đợi. Trong khi khẩn trương chuẩn bị cho buổi lên đường. Dương Văn Đức trưởng ban trinh sát được cử đi tiền trạm.

Cuối tháng 11 năm 1945, các đơn vị lần lượt tới nơi tập kết.

Tại trung tâm ấp Bà Trường xã Phước An, ngôi nhà cũ của viên quận trưởng Long Thành được chọn làm nơi đặt tổng hành dinh. Các đơn vị chiến đấu được bố trí dọc hai bên liên tỉnh lộ 19  đoạn từ cột mốc km 13 đến cột mốc km 18 thuộc phạm vi ấp Bà Trường, Bàu Bông, Vũng Gấm.

Tại khu vực km 13, cách tổng hành dinh 1 km về phía đông bắc, bộ đội Tân Thuận lấy trụ sở và các dãy nhà công nhân của đồn điền cao su tư nhân Nguyễn Văn Dưỡng làm doanh trại, hướng tiếp địch là Phước Thọ. Ở bến Mương Điều, hướng tiếp địch từ Ba Gioi vào sông Đồng Kho bộ đội Mười Đen đóng, cách tổng hành dinh 1 km về phía đông nam.

Xóm Bến Rạch Mới là địa bàn đứng chân của bộ đội Chín Hiệp. Các bộ đội khác trụ bám ở Bàu Bông, Vũng Gấm... hướng tiếp địch từ kho đạn Thành Tuy Hạ, Phước Lai, Phú Hội, Long Tân... theo đường Piste trong rừng, đến Hang Nai, tới Vũng Gấm... Còn các cửa khẩu đổ vào rừng sác như rạch Tràm, rạch Lá, rạch Đồng Vàng, sông Ngã Ba... thuộc phía bắc sông Đồng Tranh, đoạn từ rạch ông Kèo (phía tây) đến sông Ba Gioi (phía đông) là các ban ngành các đơn vị súng lớn, nơi đậu thuyền và chỗ hạ trại của binh công xưởng, quân y viện.

Buổi đầu, bao nhiêu vấn đề đặt ra, đòi hỏi phải khẩn trương giải quyết để đưa sinh hoạt của bộ đội sớm đi vào ổn định. Chuyện trò với dân săn bất thú rừng, chim muông, hái lượm củi rừng, đốt than, chài cá ở địa phương, Đinh Văn Nhị, Từ Văn Ri chú tâm tới các địa danh Rạch Tràm ở phía nam ấp Bàu Bông, rạch Su, rạch Tượng ở phía nam Cù Lao Tượng... Đó sẽ là nơi đặt tổng hành dinh, nơi xây dựng 2 cơ sở sản xuất, sửa chữa vũ khí - tiền thân của binh công xưởng Nam Bộ sau này.

Điều đặt ra bấy giờ là phải nhanh chóng đưa bộ đội vào khuôn phép kỷ luật, đặc biệt kỷ luật dân vận. Đưa một đội quân vừa từ mặt trận rút ra, lại mang sẵn lề thói một thời giang hồ phóng túng vào con đường tự rèn luyện để trở thành những quân nhân cách mạng có ý thức tổ chức kỷ luật cao là điều không dễ. Bằng nhiều biện pháp, Dương Văn Dương và bộ chỉ huy từng bước dẫn dắt mọi người vào khuôn khổ . Khắp các xóm ấp của xã Phước An, dọc theo liên tỉnh lộ 19, ở các ngã tư đường và nhiều nơi công cộng khác ông cho treo những băng khẩu hiệu nhằm nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: "Hãy luôn luôn nhớ mình là bộ đội Bình Xuyên của Chánh phủ Trung ương do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu "Cấm cờ bạc say sưa", "Nổ súng làm bị thương, chết người phải chịu kỷ luật nhà binh và đền mạng"... Đồng thời, trên mọi nẻo đường, các đơn vị thuộc bộ phận cảnh sát quân sự của tổng hành dinh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát quân nhân, kịp thời ngăn chặn và xứ lý mọi hành vi vô kỷ luật... Với bản thân, Dương Văn Dương và các đồng chí của ông trong bộ chỉ huy luôn giữ mẫu mực để mọi người noi theo. Những người thân của Dương Văn Dương, dẫu có là anh em ruột nếu phạm phải kỷ luật răn cấm đã đề ra cho tất cả mọi người, anh kiên quyết xử lý nghiêm khắc.

Sinh hoạt của bộ đội dần đi vào ổn định, quy củ.
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #14 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2008, 09:43:05 pm »

Đồng bào Phước An và vùng phụ cận càng thêm tin yêu hết lòng nuôi dưỡng bộ đội. Dù cuộc sống còn nhiều lam lũ. thiếu thốn nhưng họ vẫn giành cho cán bộ, chiến sĩ Bình Xuyên sự giúp đỡ hết mình: nhường giường, ván chăn chiếu; thăm hỏi, uỷ lạo, chung góp lương thực, thực phẩm nuôi quân. Ở Vũng Cấm, Bàu Bông, Bà Trường, chính quyền, đoàn thể địa phương chọn những địa điểm thuận lợi tổ chức các bếp ăn cho bộ đội. Mọi công việc bếp núc ở đây đều do nhân dân địa phương đảm nhiệm. Ngày ngày, theo tiếng trống quy định, từng kíp bộ đội đến ăn tại những bếp này. Có kíp ăn khuya, đồng bào dùng đèn đất bằng dầu chai thắp sáng cho bộ đội ăn cơm, ánh đèn dầu chai lung linh trong tâm khảm mỗi cán bộ, chiến sĩ Bình Xuyên mãi đến sau này.

Ngày 20 tháng 1 1 năm 1945, tại An Phú Xã. Nguyễn Bình triệu tập hội nghị cán bộ quân sự Nam Bộ, ông phổ biến một loạt vấn đề nóng bỏng lúc bấy giờ về chủ trương kháng chiến và quyết định thành lập Giải phóng quân Nam Bộ, tổ chức lực lượng võ trang thành các chi đội, phân công trách nhiệm và địa bàn hoạt động của các tổ chức võ trang. Đồng thời phát động phong trào du kích chiến tranh trên toàn Nam Bộ. Nguyễn Bình tuyên bố giữ chức Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ và Vũ Đức ( Hoàng Đình Dong) giữ chức Chính uỷ.

Soát xét toàn bộ thực lực quân số trang bị của các đơn vị. Nguyễn Bình đặc biệt chú ý đến lực lượng Bình Xuyên. Theo đề xuất của Lương Văn Trọng, ông ngỏ ý sẽ xuống Phước An để tiếp xúc với bộ đội Dương Văn Dương.

Nguyễn Văn Hội và Đinh Văn Nhị vội rời An Phú Xã về Phước An. Mọi người bắt tay chuẩn bị công việc đón tiếp phái đoàn Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ. Một bộ phận được cử tới sở ngựa Bàu Lòng bí mật hắt 10 con ngựa của Pháp đem về. Nguyễn Văn Hội đưa đoàn ngựa thắng đủ yên cương quay trở lại đón Nguyễn Bình và đoàn tuỳ tùng của ông. Ở Phước An, bộ đội Tân Thuận, bộ đội Chín Hiệp bộ đội Tư Huỳnh và bộ đội Phú Xuân chọn 4 trung đội (tương đương 4 đại đội) do Nguyễn Văn Soái chỉ huy làm hàng rào danh dự.

Ngày 10 tháng 12 năm 1945, tại xã Bình Hoà Nam bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, hội nghị Xứ uỷ mở rộng toàn Nam Bộ được triệu tập. Hội nghị quyết định thành lập các khu 7, 8, 9 và đổi Giải phóng quân thành Vệ quốc đoàn. Khu 7 gồm thành phố Sài Gòn và các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hoà, Bà Rịa (cả Vũng Tàu), Thủ Dầu Một, Tây Ninh, do Nguyễn Bình làm khu bộ trưởng, Dương Văn Dương khu bộ phó và Trần Xuân Độ làm chủ nhiệm chính trị bộ.

Từ hội nghị Bình Hòa Nam trở về. Nguyễn Bình ra chỉ thị bãi bỏ nghị quyết hội nghị An Phú Xã để thực hiện nghị quyết mới của Xứ ủy. Sau đó. ông đi xuống Phước An.

Một ngày giữa tháng 1 năm 1945, trên quãng đường liên tỉnh lộ 19 cách chỉ huy sở Dương Văn Dương 1 km về phía đông bắc đã diễn ra cuộc tiệp đón long trọng. Dọc hai vệ đường ngã ba đi Đồng Mu Rùa, từ ông Trúc tới cầu Suối Dẹp, hai hàng quân danh dự quần áo tề chỉnh, bồng súng đứng trang nghiêm. Nguyễn Bình và tuỳ tùng đi tới. Đến cách hàng quân 100 mét ông xuống ngựa, trao giây cương cho người "giám mã" đứng sau rồi tiến vào giữa hàng quân. Cùng lúc, Dương Văn Dương và tuỳ tùng cùng tiến lên phía khách. Nguyễn Bình giang rộng cánh tay ôm choàng Dương Văn Dương trong tiếng vỗ tay vang dậy. Phút gặp gỡ thân tình và cảm động như chưa hề cách biệt. Dương Văn Dương mời Nguyễn Bình và các thành viên trong đoàn về chỉ huy sở ở Phước An. Đội danh dự chuyển thành lực lượng hộ tống. Tại tổng hành dinh, trước đông đảo các cấp chỉ huy bộ đội Bình Xuyên. Nguyễn Bình long trọng trao cho Bộ chỉ huy bộ đội Bình Xuyên quyết định bổ nhiệm Dương Văn Dương giữ chức khu bộ phó khu 7. Trong giờ phút trang nghiêm. Dương Văn Dương và đồng đội của anh hiểu rằng vinh dự này thuộc về mọi cán bộ, chiến sĩ Bình Xuyên, rằng là một trách nhiệm nặng nề mà cấp trên đã tin trao cho không chỉ anh mà cả đồng đội của anh, trong giai đoạn lịch sử phức tạp này.

Ngay sau khi phái đoàn cấp trên rời Phước An, Dương Văn Dương và bộ chỉ huy triệu tập hội nghị chỉ huy các đơn vị chiến đấu, các ban ngành trực thuộc để bàn biện pháp thực hiện nghị quyết của cấp trên, củng cố và tăng cường sức chiến đấu của bộ đội.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Năm, 2008, 09:44:52 pm gửi bởi colorwind » Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #15 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2008, 10:26:40 pm »

Theo quy tắc tổ chức đơn vị chiến đấu lúc đó, một chi đội gồm ba đại đội, mỗi trung đội gồm ba phân đội, mỗi phân đội gồm ba tiểu đội và mỗi tiểu đội có 12 chiến sĩ (tiểu đội súng máy phải 16 người). Theo chỉ thị của Nguyễn Bình, bộ đội Dương Văn Dương tổ chức thành 2 chi đội (mỗi chi đội còn thiếu 1 đại đội), lấy phân hiệu là chi đội 2 và chi đội 3 [9] . Thay cho bộ chỉ huy bộ đội Ba Dương, một bộ chỉ huy chung của hai chi đội được bầu ra, lấy tên là bộ chỉ huy liên chi đội 2 và 3 Bình Xuyên thuộc Vệ quốc đoàn Khu 7. Dương Văn Dương được cử làm chỉ huy trưởng bộ chỉ huy liên chi.

Hội nghị tiến hành bầu cử dân chủ chọn cán bộ phụ trách hai chi đội. Kết quả, Đinh Văn Nhị, nguyên uỷ viên chính trị bộ đội Ba Dương trúng cử làm chi đội trưởng chi đội 2 và Từ Văn Ri tham mưu trưởng bộ chỉ huy trước đây được bầu làm chi đội trưởng chi đội 3.

Trước yêu cầu của tình hình mới, hội nghị thấy rằng phải tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức về lập trường, tư tưởng cho bộ đội. Trong nỗ lực đó cần xúc tiến thiết lập hệ thống chính trị viên 4 cấp ở mỗi chi đội (chi đội, đại đội, trung đội và phân đội). Những cán bộ, chiến sĩ nào có trình độ giác ngộ chính trị khá, có thành tích trong chiến đấu và công tác, có văn hoá và do các đồng chí đảng viên đứng ra giới thiệu sẽ được xét chọn và đề bạt chức vụ chính trị viên các cấp.

Nhấn mạnh vai trò, tác dụng của công tác giáo dục chính trị, hội nghị đồng thời nêu rõ cần trang bị cho bộ đội có một trình độ kỹ, chiến thuật nhất định. Trước mắt, tận dụng điều kiện địa hình thuận lợi của Phước An và tranh thủ tiểu đội xạ thủ lính Nhật cùng những người vốn là lính tập, hạ sĩ quan trong quân đội Pháp trước đây để tổ chức huấn luyện cho chiến sĩ thành thục môn ngắm bắn, ném lựu đạn, nắm và thực hành các nhiệm vụ, các thao tác khi đứng gác, đổi gác tuần tra...

Bộ chỉ huy liên chi cũng kiện toàn lại các bộ phận tham mưu, giúp việc, thành lập các bộ phận trực thuộc: 1-văn phòng, 2-ban giao thông liên lạc, 3-ban tham mưu, 4-ban trinh sát, 5-ban tình báo, 6 - đơn vị cảnh sát quân sự, 7-ban quân nhu, 8-Tòa án hinh và trại giam, 9-ban y tế và nhà thương, 10-ban binh công xưởng và Ban tiếp liệu (quyên tiền, mua sắm máy móc, nguyên vật liệu và chiêu tập, tuyển dụng thợ lành nghề...). 11-ban ấn loát tài liệu quân -sự, 12-ban chỉ huy các loại súng lớn (trọng liên, pháo...), 13-đại đội vệ binh bảo vệ tổng hành dinh, 14-ban chính trị. Mỗi ban ngành trên được quy định chặt chẽ về số người, trang bị, vũ khí. Riêng bộ phận trinh sát, tình báo, binh công xưởng được cấp súng đạn gần tương đương với các đơn vị chiến đấu. Đại đội vệ binh được chọn bao gồm những cán bộ, chiến sĩ qua tuyển lựa chặt chẽ và được trang bị mạnh.

Trong điều kiện phương tiện chuyển tải và đường đi lối lại từ các tỉnh Nam Bộ. Khu 7 về rừng Sác gặp nhiều khó khăn, để đảm bảo đủ súng đạn cho bộ đội, hội nghị cho rằng, hai cơ sở sản xuất và sửa chữa vũ khí hiện có là hết sức quý cần tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ, tránh bị địch phá hoại và tránh để máy móc hư hỏng, tránh lãng phí nguyên liệu trong quá trình sản xuất, sửa chữa. Đồng thời, phải có biện pháp để không ngừng củng cố, mở rộng các cơ xưởng, tăng khả năng sản xuất và sửa chữa vũ khí. Hiện thời, cần nỗ lực tuyên truyền, vận động trong nhân dân nhằm quyên góp tiền bạc để mua sắm, khai thác, sưu tầm máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Tin tưởng vào sự lãnh đạo chỉ huy của cấp trên và của cán bộ chỉ huy liên chi trong không khí đầy phấn khởi, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Bình Xuyên bắt tay thực hiện nghị quyết của hội nghị. Các hộ phận lực lượng được phiên chế thành chi hội. Hệ thống chính trị viên từng bước được thành lập ở các cấp các đơn vị. Với sự tham mưu của các đảng viên và phụ tá tin cẩn. Dương Văn Dương có công văn gửi các đơn vị, trong đó quy định mọi công văn, chỉ thị, báo cáo của phân đội, trung đội, đại đội và chi đội đều do chỉ huy trưởng quân sự và chính trị viên cấp đó ký tên; trong trường hợp đặc biệt phải có thêm chữ ký của cả một hoặc hai cấp phó. Đến cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 1946 các đảng viên trong chi đội 2 và chi đội 3 đã liên hệ với nhau và với cấp uỷ địa phương, cấp uỷ cấp trên. Chi đội uỷ chi đội 2 được thành lập. Một thời gian sau, tổ chức đảng ở chi 3 cũng ra đời đánh dấu bước phát triển mới trong công tác đảng, công tác chính trị ở bộ đội Bình Xuyên. Qua huấn luyện, bộ đội nắm được những kiến thức cơ bản về tính năng tác dụng, cách sử dụng súng trường, tiểu liên, trung liên, đại liên và lựu đạn, chiến thuật tập kích, phục kích trong các điều kiện.

[9] Trước đó đội Thủ Dầu Một được thành lập lấy phiên hiệu chi đội 1. Sau chi đội 2, chi đội 3, bộ đội Huỳnh Văn Trí tổ chức thành chi đội 4. Sang năm 1946, các bộ đội khác tiếp tục thành lập các chi đội, trong đó bộ đội Tám Mạnh - Hai Vĩnh thành chi đội 7, bộ đội Bảy Viển thành chi đội 9, bộ đội Nguyễn Văn Hoạnh thành chi đội 21, bộ đội Tư Ty thành chi đội 25.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Năm, 2008, 10:40:45 pm gửi bởi colorwind » Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #16 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2008, 11:00:17 pm »

Trong lúc đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ Bình Xuyên nỗ lực rèn luyện dấn bước trên con đường kháng chiến thì một bộ phận lực lượng như Đệ nhị, Đệ tam, Đệ tứ sư đoàn bộ đội HT.29... diễn ra sự phân hoá sâu sắc trong hàng ngũ. Nhiều bộ phận không vượt thoát khỏi bản chất lưu manh cơ hội, "ngựa quen đường cũ”, hoặc trở thành tay sai cho Pháp hoặc chuyển thành các nhóm thổ phỉ trên con đường tan rã.

Ở Bà Rịa, nhóm Ba Nhỏ là một trong những trường hợp như vậy. Ba Nhỏ tên thật là Lê Văn Khôi. Trước tháng 8 năm 1945. Nhỏ đứng đầu một băng chuyên nghề đâm thuê, chém mướn ở nam, bắc cầu Xóm Củi. Sau đó, khi chuyển địa vực làm ăn sang vùng Cầu Bông - Tân Định - Đa Kao - Thị Nghè. Nhỏ nhanh chóng khẳng định quyền uy, trở thành thủ lĩnh của nhiều băng nhóm nơi này. Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Trong dòng thác cách mạng sôi sục, như nhiều băng nhóm khác, Ba Nhỏ đưa lực lượng của mình gia nhập với nhóm võ trang khác, cùng tiến công Nha khí tượng, đài phát thanh trong nội đô rồi tham gia mặt trận Thị Nghè - Bà Chiểu - Cầu Bông ( mặt trận số 1 ). Núp dưới danh xưng bộ đội cách mạng nhóm Ba Nhỏ tham gia tấn công khu Tân Định thảm sát gần 70 người mang quốc tịch Pháp, làm phức tạp thêm tình hình vốn đang rất phức tạp sau Cách mạng tháng Tám. Khi quân kháng chiến đang bao vây Sài Gòn, Ba Nhỏ đã không ngần ngại rút gươm hạ sát một người mẹ vô tội ở Cầu Bông chỉ vì nạn nhân mang trong giỏ 1 kg thịt đem vào cho con gái và đứa cháu ngoại đang kẹt trong thành phố. Mặt trận số 1 vỡ, có trong tay một đàn em hơn 3 tiểu đội và 15 khẩu súng, Ba Nhỏ rút về vùng Bưng Sáu Xã, không gia nhập bộ đội Thái Văn Lung mà liên kết với Tư Cò Đá - một phần tử lưu manh, chuyên sống bằng nghề bắt cóc con tin, đòi tiền chuộc, hiện có trong tay vài chục đàn em với hơn chục khẩu súng. Tại đây nhóm Ba Nhỏ và nhóm Tư Cò Đá tiếp tục quấy nhiễu nhân dân, đe doạ chính quyền cách mạng địa phương. Bộ đội Thái Văn Lung buộc phải điều một phân đội võ trang dưới quyền chỉ huy của hai cán bộ tên là Cam và Ô Phúc Thìn tới hỗ trợ chính quyền ở vùng xung quanh chiến khu C, lập lại an ninh, giữ gìn trật tự. Cùng thời gian đó, giặc Pháp lấn chiếm và kiểm soát hầu hết vùng cao của huyện Thủ Đức. Địa bàn đứng chân bị thu hẹp và bị uy hiếp cả từ hai phía, Ba Nhỏ và Tư Cò Đá kéo về Long Thành, rút ra tận miền nam Phan Thiết rồi tráo lại Bà Rịa. Đến đâu, họ gieo tai hoạ tới đó. Hành vi của nhóm Ba Nhỏ, Tư Cò Đá làm cho nhiều người hiểu sai về quân đội cách mạng.

Để giữ vững kỷ luật quân đội, lấy lại lòng tin của nhân dân đối với bộ đội cách mạng, với kháng chiến. Nguyễn Bình quyết định bắt Ba Nhỏ và mở phiên toà xét xử để làm gương cho ba quân. Long Thành được chọn làm nơi xét xử và bộ đội liên chi 2-3 sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên toà.

Được trao trách nhiệm, bộ chỉ huy liên chi họp bàn chuẩn bị. Tính đến những tình huống có thể xảy ra, bộ chỉ huy đề ra biện pháp nhằm bảo vệ hiệu quả phiên toà. Lực lượng bảo vệ sẽ gồm hai lớp. Lớp ngoài có bốn bộ phận. Một trung đội được tăng cường trọng liên 13,2 ly của bộ đội Phú Xuân sẽ chốt chặn ở ngã ba Phước Long, cách nơi xứ án 1.5 km về hướng đông nam. Dọc hai hên liên tỉnh lộ 19, đoạn chạy qua làng Phước Mỹ, cách khu vực mở phiên toà 1.5 km về phía Bắc, một trung đội của bộ đội Tư Huỳnh có tăng cường trọng liên 13,2 ly sẽ triển khai bố trí đội hình án ngữ. Về phía tây, cách khu vực xử án 1 km, một trung đội thuộc bộ đội Chín Hiệp sẽ triển khai lực lượng tại Bàu Chai. Cùng lúc một tiểu đội thuộc ban trinh sát sẽ tiến hành kiểm soát chặt con kinh Bà Ký, đoạn từ Phước Thiền (phía tây bắc) đến đồn điền Butier (phía đông nam) dài 4 km.

Ở vòng trong lực lượng bảo vệ sẽ gồm một trung đội vệ binh. Trung đội này tổ chức kiểm soát, tuần tra chặt khu vực xung quanh đình thần xã Phước Lai - nơi mở phiên toà. Một số cán bộ chỉ huy ban trinh sát và ban tình báo tập trung theo dõi và kịp thời có biện pháp ứng phó với bất kỳ diễn biến nào của tình hình xảy ra ngoài dự liệu.

Sự cẩn trọng của phương án bảo vệ phiên toà và số lực lượng được huy động đủ nói lên tình hình chung lúc đó thật phức tạp.

Địa điểm xét xử và nhiệm vụ bảo vệ phiên toà đã vậy, việc tiến hành bắt Ba Nhỏ lại càng không dễ dàng. Phương án vạch ra là: Cử một cán bộ có khả năng ứng xử linh hoạt cùng đi với một người vốn thân quen với Ba Nhỏ và được Ba Nhỏ nể trọng theo kiểu cách giang hồ. Khi gặp Ba Nhỏ người cán bộ đó, bằng mọi cách có thể, khéo léo đưa Ba Nhỏ tới một đơn vị bộ đội để thi hành lệnh bắt.

Mọi bước, kể cả ý định, cả người lập mưu, cả nhân sự thực thi phải được giữ kín. Nhiệm vụ khó khăn này được uỷ cho Nguyễn Văn Hội. Nguyễn Văn Hội bàn với Mai Văn Vĩnh thực hiện. Và mọi sự diễn ra xuôi xẻ. Mai Văn Vĩnh người được Ba Nhỏ tin nể đã trực tiếp xuống Bà Rịa, bắt êm Ba Nhỏ đang náu trong một thánh thất Cao Đài.
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #17 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2008, 11:25:00 pm »

Một buổi sáng, tại ngôi đình thần Phước Lai của xã Phước Lai - cách liên tỉnh lộ 19 độ 150 m về phía đông, phiên toà xử Ba Nhỏ bắt đầu. Từ tinh mơ, khi trời còn chạng vạng, theo kế hoạch, các bộ phận lực lượng bộ đội Bình Xuyên đã triển khai xong đội hình tại các khu vực đã quy định. Tại phiên toà, ngồi ghế chánh án là Nguyễn Bình - khu bộ trưởng Khu 7, Dương Văn Dương - khu bộ phó Khu 7 kiêm chỉ huy trưởng liên chi 2 và 3 và Nguyễn Văn Mạnh - chỉ huy bộ đội Chánh Hưng - ngồi ghế hội thẩm.

Tham dự phiên toà có đại diện khu bộ Khu 7, ủy ban kháng chiến tỉnh Biên Hoà, quận Thủ Đức, quận Long Thành, ủy ban kháng chiến và Ty Công an tỉnh Bà Rịa, cùng các nhân sĩ cao tuổi ở địa phương. Các chi đội trưởng và chỉ huy trưởng các bộ đội đóng trên các địa bàn phụ cận đều được mời tới dự. Biện hộ sư bào chữa cho bị can cũng có mặt tại phiên toà.

8 giờ sáng, phiên toà xử Ba Nhỏ bắt đầu. Các bước tuyên đọc cáo trạng, luật sư biện hộ đọc lời bào chữa... được tiến hành đúng thể thức. Sau khi nghị án, Nguyễn Bình thay mặt Toà đọc bản tuyên án, nêu rõ những tội danh mà Ba Nhỏ đã phạm:

1. Khủng bố đồng bào, làm suy giảm lòng tin của đồng bào đối với lực lượng võ trang kháng chiến, làm mất thanh danh của Vệ quốc đoàn.

2. Coi thường chủ trương, đường lối, chính sách và các nghị quyết của Chính phủ Trung ương, của thượng cấp. Dùng bạo lực uy hiếp, khủng bố chính quyền và các đoàn thể cách mạng ở địa phương.

3. Thoái thác nhiệm vụ chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

Xét trong lúc quốc gia lâm nguy, kháng chiến đang gặp nhiều khó khăn, phức tạp, để giữ vững niềm tin của nhân dân và cách mạng, đặng tăng cường khối đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh cuộc kháng chiến, toà tuyên án: Ba Nhỏ phải chịu tội tử hình.

Trước vành móng ngựa, nghe luận về tội trạng của mình và những tác hại do tội trạng đó gây ra, Ba Nhỏ đành thú nhận rằng con đường mà Nhỏ và đồng bọn đã đi là con đường lầm lạc. Nhỏ cúi đầu nhận lãnh hình phạt không một lời thanh minh, không một lời xin giảm án, nhưng xin Toà cho phép được tự xử lấy bản án của mình, bằng súng! Toà đồng ý. Và Ba Nhỏ hành động theo đúng luật của giới giang hồ: nói sao, làm vậy.

Vài ngày sau, bản án tử hình Ba Nhỏ được khu bộ Khu 7 in thành nhiều bản kèm theo ảnh của phạm nhân gửi tới các cấp chính quyền. Ở các nơi công cộng, bản án đó cũng được yết cáo để mọi người cùng biết.

Bấy giờ là vào cuối tháng 1 năm 1945. Cũng cuối năm đó một phái đoàn Chính phủ Trung ương do ông Lê Văn Hiến dẫn đầu đã rời Hà Nội vào Nam. Sau khi thăm vùng giải phóng các tỉnh cực Nam Trung Bộ, đoàn tới tỉnh Bà Rịa. Từ vùng tự do Bà Rịa, đoàn được Lương Văn Trọng (bấy giờ vừa được bổ nhiệm làm uỷ viên quân sự tỉnh Bà Rịa) hướng dẫn và hộ tống về thăm bộ đội Bình Xuyên ở Phước An. Đoàn đã được cán bộ, chiến sĩ Bình Xuyên tiếp đón long trọng và nồng nhiệt.
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #18 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2008, 11:30:08 pm »

Tại buổi lễ duyệt binh chào mừng đoàn tổ chức tại sân vận động Phước An (sân bóng) cách tổng hành dinh khoảng 600 mét về phía tây bắc, trưởng phái đoàn Chính phủ Lê Văn Hiến đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các chiến sĩ Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thư của Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm thứ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp gửi cán bộ chiến sĩ đang chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Mọi người lắng nghe từng lời của Bác với sự xúc động sâu xa:

"Từ ba tháng nay, các anh chị em đã đem xương máu ra để giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc.

“Tôi và tất cả đồng bảo ở Bắc Bộ và phía Bắc Trung Bộ, đã bao nhiêu lần tức giận khi bọn thực dân Pháp chà đạp lên lãnh thổ của ông cha ta, giết hại nòi giống ta.

"Đã bao nhiêu lần phấn khởi khi nghe những chiến công oanh liệt do những vị vô danh và hữu danh anh hùng dân tộc tạo nên, đã bao nhiêu lần hồi hộp cảm động trước những gương hy sinh vô cùng dũng cảm của những người con yêu Tổ quốc.

"Do đó, tôi càng tin chắc rằng: với một nước đã có những người con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không bị mất lại một lần nữa.

“Để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta còn phải chiến đấu nhiều. Chỉ có chiến đấu mới đưa lại vẻ vang cho Tổ quốc. Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có cả một khối toàn dân đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình, thắng lợi cuối cùng nhất định về ta".

Ở Hà Nội từng ngày từng giờ Bác và Chính phủ vẫn luôn luôn theo dõi cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi kiên cường của đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Trong giờ phút thiêng liêng này, ai cũng hướng về Hà Nội, nơi có Bác đang lãnh đạo cuộc đấu tranh của toàn dân tộc thầm hứa với Bác sẽ nỗ lực hơn để xứng đáng với lời khen ngợi và dặn dò của Bác. Nhân danh trưởng phái đoàn Chính phủ, ông Lê Văn Hiến biểu dương thành tích chiến đấu và rèn luyện của bộ đội Bình Xuyên trong thời gian qua, khẳng định đó là kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Thay mặt Chính phủ, phái đoàn chính thức công nhận bộ đội Bình Xuyên là một bộ phận của quân đội quốc gia Việt Nam, ông nhắc nhở toàn thể cán bộ, chiến sĩ cần tăng cường sự đoàn kết thương yêu lẫn nhau, ra sức rèn luyện, tu dưỡng về mọi mặt, không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi mệnh lệnh và nhiệm vụ mà cấp trên giao phó, đồng thời phải luôn nhớ mình là đội quân của cách mạng, gắn bó máu thịt với nhân dân, vì nhân dân mà hy sinh, chiến đấu. Ông Lê Văn Hiến đề nghị bộ chỉ huy liên chi đội 2 và 3 cần có kế hoạch chọn lựa những cán bộ, chiến sĩ ưu tú, cử đi đào tạo ở Trường Quân chính Trung ương hiện đặt tại Quảng Ngãi. Những người này, sau khi ra trường, sẽ là cán bộ nòng cốt để xây dựng Trường Quân chính của bản thân bộ đội Bình Xuyên. Cuộc kháng chiến có thể còn kéo dài, cần phải chuẩn bị mọi mặt để vừa chiến đấu, vừa xây dựng đơn vị, đảm bảo càng mạnh, càng trưởng thành vững chắc.

Thay mặt cán bộ, chiến sĩ, Dương Văn Dương cảm ơn sự quan tâm của đại diện Chính phủ Trung ương, hứa sẽ chấp hành nghiêm những lời huấn thị.

Sau buổi lễ, các bộ phận lực lượng đóng gần tổng hành dinh như bộ đội Chín Hiệp, bộ đội Phú Xuân... được vinh dự đón đoàn tới thăm. Ở rừng Sác, đoàn tận mắt chứng kiến điều kiện sinh hoạt của bộ đội ta khi thị sát đơn vị pháo 2 nòng cỡ 24 ly. Nơi đây, nền đất ẩm thấp, ướt át, việc di chuyển bị "bó rọ" dưới ghe, thuyền, nước ngọt cho bộ đội thiếu, muỗi, bù mắt, ba cánh nhiều vô kể trong khi anh em đều chẳng có mùng. Trước cuộc sống còn quá nhiều thiếu thốn gian khổ của cán bộ, chiến sĩ, đoàn hết sức xúc động.

Bấy giờ, quân Pháp đang tổ chức một lực lượng cơ động tương đối mạnh gồm bộ binh, xe tăng và pháo binh chuẩn bị đánh chiếm quận Long Thành, tạo thành bàn đạp tiến công Bà Rịa - tỉnh cuối cùng chưa bị chiếm ở miền Đông Nam Bộ. Nhận được tin do ban tình báo cung cấp, Dương Văn Dương cùng ban chỉ huy họp bàn và lệnh cho các đơn vị chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng chiến đấu.

Để bảo đảm an toàn cho phái đoàn Chính phủ hiện đang thăm các đơn vị bộ đội đứng chân ở rừng Sác, bộ chỉ huy quyết định sử dụng chiếc tàu kéo vỏ sắt có tốc độ lớn chiến lợi phẩm thu được của Pháp trên dòng Rạch ông - Cây Khô trước đây, đưa toàn bộ Phái đoàn rời khỏi rừng Sác.

Từ bến Rạch Mới cách tổng hành dinh khoảng 500 m về phía tây nam, chiếc xà lúp từ từ rẽ nước, tăng dần tốc độ, xuôi theo sông Ngã Ba rồi sông Đồng Kho, để vào dòng Thị Vải đưa phái đoàn trở lại Bà Rịa an toàn.
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
colorwind
Thành viên
*
Bài viết: 141


« Trả lời #19 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2008, 11:47:15 pm »

Phái đoàn Chính phủ đi rồi, tại tổng hành dinh, bộ chỉ huy liên chi đội 2 và 3 nhận được lệnh của khu bộ trưởng Nguyễn Bình, yêu cầu bộ đội khẩn trương tổ chức lực lượng, cùng một số đơn vị khác thực hành tấn công địch ở thị xã Biên Hoà - một tỉnh lớn ở miền Đông Nam Bộ, một đầu mối giao thông thuỷ, bộ quan trọng ở phía đông bắc thành phố Sài Gòn vừa bị rơi vào tay địch. Thay mặt Nguyễn Bình, người mang mệnh lệnh tới đã tóm tắt toàn bộ tình hình diễn biến chiến trường cảm nặng nề trong cán bộ, chiến sĩ bộ đội liên chi khiến nhiều người tỏ ra nghi ngại. Dương Văn Dương khẳng định quyết tâm của bộ chỉ huy liên chi đội 2 và 3: khẩn trương tổ chức lực lượng, chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên.

Nhằm thống nhất kế hoạch chuyển binh tới địa điểm tập kết để phối hợp cùng bộ đội tỉnh Biên Hoà do Huỳnh Văn Nghệ, Phan Đình Công chỉ huy, cuộc họp liên quân giữa bộ chỉ huy liên chi đội 2 và 3 với chỉ huy bộ đội Tám Mạnh và chỉ huy bộ đội Tư Hoạnh được triệu tập. Hội nghị thống nhất:

1 - Dương Văn Dương điều động 6 phân đội trang bị súng máy đầy đủ tham gia chiến đấu.
 
2 - Lực lượng chiến đấu của cả 3 bộ đội do Dương Văn Dương cung cấp đạn dược và Nguyễn Văn Mạnh cung cấp lựu đạn.

3 - Cả 3 đơn vị sẽ cùng xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến.

Là trận đánh giữ vị trí quan trọng trong ý đồ chung của Khu 7, Nguyễn Bình quan tâm chỉ đạo việc chuẩn bị cho trận đánh này, ông đích thân chủ trì hai cuộc họp giữa chỉ huy các bộ phận lực lượng, và quyết định cử Dương Văn Dương làm chỉ huy chung của trận đánh. Bộ đội Bình Xuyên và bộ đội Biên Hoà được phân công đánh ở hướng chính diện. Ngoài ra tham gia trận đánh còn có bộ đội Nguyễn Văn Thi, Huỳnh Kim Trương (chi đội 1 Thủ Dầu Một), bộ đội Tô Ký, Huỳnh Tấn Chùa, Nguyễn Văn Bứa (Gia Định), bộ đội Vũ Đức, Nam Long (Nam tiến).

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, trên cơ sở địa hình, địa vật và tương quan lực lượng giữa ta và địch. Ban tham mưu bộ đội Bình Xuyên xác định phương án tác chiến của trận đánh như sau:

1. Các hướng tấn công chính do bộ đội Dương Văn Dương phối hợp với bộ đội Huỳnh Văn Nghệ đảm nhiệm gồm hướng bắc, hướng đông và hướng tây thị xã Biên Hoà.

2. Hướng phối hợp:
đánh bót cầu Ghềnh đông nam thị xã Biên Hoà, do hộ đội Tám Mạnh và bộ đội Tư Hoạnh thực hiện.

3. Hướng nghi binh:
nằm dọc sông Đồng Nai, đoạn phía tây nam thị xã Biên Hoà. Dùng khói lửa, hò la và trống, tù và để thu hút sự chú ý của địch, tạo điều kiện cho các hướng khác tiến công. Sau đó, lực lượng ở hướng này cùng tham gia tiến công. Các bộ đội khác đều bố trí chiến đấu ở các hướng.

4. Ngày giờ nổ súng tiến công: 0 giờ đêm ngày 1 - 1 - 1946. Trong khi mọi mặt chuẩn bị đang được xúc tiến, trận đánh sắp bắt đầu, thì Dương Văn Dương bị đau nặng. Những đòn tra tấn của mật thám trước kia để lại di chứng trong cơ thể ông. Đinh Văn Nhị thay Dương Văn Dương làm chỉ huy trưởng trận đánh.
Logged

Ta đã trở lại lợi hại gấp trăm lần.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM