Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:04:28 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đất miền Đông: Mùa xuân đến sớm  (Đọc 20993 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
trauxanh
Thành viên
*
Bài viết: 143


« Trả lời #10 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 08:28:18 pm »

- Trước mắt và cho đến hết năm 1973, Trung đoàn 65 vẫn phải bám giữ địa bàn hiện nay. Các đồng chí cần có ngay những cuộc họp với tỉnh ủy, tỉnh đội Bình Dương để thảo luận tình hình, phối hợp hoạt động. Đặt hậu cứ của Trung đoàn 65 ở nam sông Bé là đúng, đến một lúc nào khó khăn, Trung đoàn 65 sẽ phải rút về đứng chân ở đó. Dù vậy, nhiệm vụ của nó vẫn phải đánh phá con lộ. Cắm được một trung đoàn chủ lực ở vùng đường 16, là chúng ta tạo được sức ép thường xuyên với Lai Khê – Bến Cát – Tân Uyên, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng địa phương, đồng thời làm chỗ dựa cho pháo binh và đặc công, uy hiếp Biên Hòa. Vì vậy, khó mấy cũng phải khắc phục để bám trụ bằng được. Hướng lộ 13, hai sư đoàn của ta đã thiết lập trận địa vững chắc ở hai bên đường rồi, bọn địch không dám lao vào con đường chết đó – Hoàng Việt lại cúi xuống bản đồ, ngón tay lần tìm một đoạn đường khác – Đây, chúng sẽ tập kết quân ở căn cứ Phước Vĩnh để phản kích chiếm lại đoạn đường dài hai mươi lăm cây số: Phước Vĩnh – Đồng Xoài. Bọn địch đang tức tối và đau đớn vì chúng ta đã nhanh chóng đánh chiếm đoạn đường trọng yếu này, làm cho chúng không kịp trở tay. Cắt vĩnh viễn, làm chủ vĩnh viễn đoạn đường này, chúng ta đã làm cho Đồng Xoài và toàn bộ tỉnh Phước Long bị cô lập. Muốn tiếp tế cho tỉnh Phước Long, bọn địch, hoặc dùng đường không, hoặc từ Sài Gòn đi ra Buôn Ma Thuật rồi vòng xuống. Tốn kém lắm! Từ trước đến nay, đoạn đường duy nhất nối liền Phước Long với Sài Gòn này chưa hề bị cắt. Trong chiến dịch năm 1972 trên đoạn đường này không có chiến sự, bọn địch đã dùng nó tiếp tế cho Chơn Thành.  Bây giờ đột nhiên bị đối phương đánh chiếm và cắt đứt thì đau lắm. Chúng sẽ đánh chiếm lại. Không lâu đâu, những trận đánh lớn, nhỏ sẽ diễn ra ở bắc Phước Vĩnh. Trung đoàn 11 của các đồng chí đứng ở đấy là hay, là tốt rồi. Phải thiết lập trận địa chốt thật vững chắc ở cả hai phía: bắc Phước Vĩnh và nam Đồng Xoài. Nhưng cách đánh thì phải khác, không giống như Tàu Ô năm 1972. Phải chọn trước trận địa đánh vận động. Khi bọn địch hành quân giải tỏa đường là phải tiêu diệt gọn ghẽ, triệt để, đánh cho chúng phải sợ, phải gờm, phải bỏ quyết tâm thông đường. Các đồng chí cắt và chiếm vĩnh viễn đoạn đường trọng yếu này là tạo ra một trong những tiền đề cho trên nghĩ tới việc giải phóng toàn bộ tỉnh Phước Long khi có thời cơ – Ông nhìn Phan Nguyên rồi nhìn Đàm Lê – Các đồng chí có nắm được ý tôi nói không?
Đàm Lê đưa mắt hỏi Phan Nguyên rồi nói:
- Báo cáo đồng chí tư lệnh, đảng ủy sư đoàn cũng đã nghiên cứu và thảo luận những vấn đề về quân sự như đồng chí vừa nói. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí – Đàm Lê chỉ đầu bút chì vào vị trí đứng chân của Trung đoàn 29 rồi nói tiếp – Để đảm bảo đánh tiêu diệt triệt để quân lấn chiếm đoạn đường đó, lúc cần, chúng tôi đề nghị Bộ tư lệnh mặt trận cho cơ động một phần lực lượng của Trung đoàn 29 vượt sông Bé sang bên đó.
- Đồng ý – Hoàng Việt nói nhanh – Ngay từ bây giờ phải chuẩn bị sẵn các phương tiện vượt sông, đường hành quân, kế hoạch phối hợp chiến đấu,và cả trận địa tiến công nữa.
Hoàng Việt lại đứng dậy lấy khăn lau mồ hôi, những lúc tập trung tư tưởng cao độ, suy nghĩ căng thẳng, ra những mệnh lệnh quan trọng, mồ hôi thường vã ra, lau xong ông vừa như đi dạo vừa nói:
- Hiệp định Pari đã ký, trên danh nghĩa đã có hòa bình. Nhưng đối với chúng ta, những người lính ở chiến trường chưa có hòa bình đâu. Phải dứt khoát điều đó trong nhận thức từ người chỉ huy đến người chiến sĩ, để khi chiến sự có nổ ra – Ông nhấn mạnh – tôi tin sớm muộn cũng sẽ nổ ra – tất cả chúng ta đều không bỡ ngỡ, không dao động, không vấp váp.
Sực nhớ tới một việc quan trọng, ông hỏi ngay:
- Này, Trần Thơ và những cán bộ làm nhiệm vụ Liên hợp bốn bên đã đi chưa?
Phan Nguyên đáp:
- Báo cáo đồng chí tư lệnh, an hem đã đi trước ngày ký Hiệp định?
- Liên hợp bốn bên, rồi hai bên chưa biết diễn biến thế nào, trước mắt các đồng chí không có tham mưu trưởng.
Logged

Máu bất khuất nhuộm tươi màu cờ đỏ
Lòng trung kiên tô sáng sắc sao vàng
trauxanh
Thành viên
*
Bài viết: 143


« Trả lời #11 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 11:32:42 am »

Phan Nguyên tiếp ngay:
- Phòng tham mưu sư đoàn hiện có đồng chí Hữu Tư là tham mưu phó, nhưng một phần vì sức khỏe, một phần vì trình độ, khả năng, nên cả năm 1972 chúng tôi giao cho đồng chí Hữu Tư phụ trách phía sau. Bây giờ đồng chí Hữu Tư đang chỉ huy một bộ phận cán bộ và chiến sĩ trong sư đoàn làm nhiệm vụ trao trả tù binh ở Minh Hòa. Chúng tôi định đề nghị trên bổ nhiệm đồng chí Đoàn Vũ trung đoàn trưởng Trung đoàn 29 đảm nhiệm chức vụ đó.
- Đúng – Hoàng Việt gật đầu nói to – Rất đúng, Đoàn Vũ xứng đáng và đủ khả năng đảm nhiệm chức tham mưu phó sư đoàn. Tôi tin bộ chỉ huy chiến trường chấp nhận và có quyết định ngay khi chúng ta đề nghị. Nhưng còn Nguyễn Tính? Bên phòng chính trị của các đồng chí có thiếu người không? Đã nên bổ nhiệm Nguyễn Tính lên chức phó chủ nhiệm chính trị sư đoàn chưa? Ý kiến đảng ủy thế nào?
Phan Nguyên nhìn Tư lệnh Hoàng Việt với vẻ hơi ngạc nhiên, thứ ngạc nhiên do nỗi vui mừng và thông cảm tạo ra. Trước khi cắp xắc cốt cùng Đàm Lê lên làm việc với tư lệnh, ông cũng chưa hình dung được là công việc sẽ bắt đầu từ đâu và sẽ diễn biến như thế nào. Nhưng đến lúc này, những công việc quan trọng đều đã đi vào và diễn ra một cách tự nhiên. Trên dưới hoàn toàn nhất trí, ông uống cạn ly nước rồi tiếp tục trình bày ý kiến của đảng ủy:
- Báo cáo đồng chí, đảng ủy chúng tôi cũng đã cân nhắc và thảo luận về trường hợp Nguyễn Tính. Chúng tôi nhất trí để Nguyễn Tính ở cương vị cũ một thời gian nữa. Một là bên phòng chính trị còn đủ ba đồng chí, một chủ nhiệm, hai phó chủ nhiệm, điều lên là thừa, trong khi đó ở dưới thiếu người chủ trì. Người có thể thay Nguyễn Tính là chủ nhiệm chính trị Lê Hòa đã ra Bắc học dài hạn, đồng chí phó chủ nhiệm hiện nay chưa đủ sức. Với Trung đoàn 29 sau một trăm năm mươi ngày đêm ở Tàu Ô, cũng đã có những vấn đề nảy sinh cần quan tâm, một lúc điều cả hai người chủ trì đi, chúng tôi thấy không có lợi. Còn cá nhân đồng chí Nguyễn Tính cũng cần phải được tiếp tục rèn luyện trong thức tế. Hơn một năm qua, sự phát triển của đồng chí ấy không được đều, không được chắc.
Hoàng Việt đứng lại nhìn Phan Nguyên:
- Ai sẽ thay Đoàn Vũ làm Trung đoàn trưởng?
- Báo cáo tư lệnh, đồng chí Nhân trung đoàn phó. Sau trận đánh chiến đoàn 52 hồi đầu chiến dịch, đồng chí Nhân bị thương, cuối chiến dịch mới về. Nhân dũng cảm hăng hái, nhưng trình độ cũng có hạn.
- Tôi nhớ có lần các đồng chí định đưa Lê Nhu xuống làm trung đoàn trưởng phải không?
- Báo cáo đồng chí, chúng tôi có ý định đó – Đàm Lê trả lời ngay, vì ý kiến đưa Lê Nhu xuống làm trung đoàn trưởng là do Đmà Lê đề xuất, bây giờ ông thấy đây là trườn hợp tốt nhất giải bày những kinh nghiệm đã rút ra – Lê Nhu có khả năng và xứng đáng là một trung đoàn trưởng, nhưng chúng tôi nghiệm thấy trong chiến đâu, đối với một sư đoàn, do vị trí chức năng của nó, một trưởng ban tác chiến yếu kém về trình độ và khả năng thì thật là tai hại. Chúng tôi đã xét kỹ từng trung đoàn phó, từng tiểu đoàn trưởng và cả những trợ lý trong ban tác chiến, kết hợp với tình hình phức tạp trong giai đoạn giao thời này, nên chúng tôi chưa muốn đề nghị đưa Lê Nhu xuống làm trung đoàn trưởng. Chúng tôi đang tìm một đồng chí phó ban để kèm cặp dần – Ngừng một chút để nhớ lại công việc, Đàm Lê nói tiếp – Trên chỉ thị sư đoàn tiến hành tổng kết chiến dịch tiến công năm 1972, đặc biệt tổng kết chuyên đề chiến dịch chốt chặn trên đường 13. Lê Nhu xuống phụ trách đơn vị, chúng tôi gặp khó khăn trong tổng kết. Đảng ủy chúng tôi đã bàn về đề nghị trên đề bạt Lê Nhu lên chức tham mưu phó sư đoàn, trực tiếp làm trưởng ban tác chiến.
Logged

Máu bất khuất nhuộm tươi màu cờ đỏ
Lòng trung kiên tô sáng sắc sao vàng
trauxanh
Thành viên
*
Bài viết: 143


« Trả lời #12 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2010, 03:46:55 pm »

Hoàng Việt lắng nghe, ông lặng lẽ suy nghĩ. Cả Đàm Lê và Phan Nguyên đang suy nghĩ. Mõi người đều thấy mình đang đứng trước những vấn đề hệ trọng: xem xét, cân nhắc từng cán bộ để quyết định đề bạt, thuyên chuyển hay không đề bạt, thuyên chuyển cán bộ. Đây là một vấn đề then chốt trong việc xây dựng quân đội. Hiểu được, hiểu đúng cán bộ, đánh giá đúng lập trường, đạo đức, năng lực và khả năng phát triển của từng cán bộ, sắp xếp cán bộ cho đúng vị trí, để họ có điều kiện phát huy hết năng lực, là chuyện rất khó. Xưa nay con người là đối tượng khám phá của các ngành khoa học, của văn học nghệ thuật. Mỗi con người là một thế giới bí ẩn. Trong việc đánh giá con người, cân nhắc, đề bạt cán bộ, đã có thời gian, đã có lúc ở cấp này, cấp kia, phạm phải những sai lầm như thành kiến, hẹp hòi, bảo thủ, thành phần chủ nghĩa, địa phương cục bộ …. Bản thân ông, trong quyền hạn và chức trách, ông cũng đã từng cầm bút ký quyết định đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, thuyên chuyển cấp dưới. Ông cũng chưa hiểu hết tình hình và có gì bảo đảm là ông không mắc những trường hợp chưa đúng nào đó? Đảng nói “ Cán bộ quyết định hết thảy” . Không thể khác được dù đó là cán bộ tiểu đội hay cán bộ trung đoàn, sư đoàn.  Bảo thủ, chủ quan, tự mãn, là căn bệnh thường có, sẵn có trong mỗi con người. Con người ở cấp bậc và cương vị của mình, thường hay ngộ nhận, cứ cho rằng chỉ có mình mới làm được công viêc đó, không ai thay thế được mình, không ai vượt qua được mình, và vì vậy không nhìn trước ngó sau, không lưu tâm tìm kiếm, đào tạo những người kế tục mính, thay thế mình.
Hoàng Việt hiểu khá rõ Hữu Tư, tham mưu phó sư đoàn. Hồi Hoàng Việt làm tiểu đoàn trưởng, Hữu Tư là trung đội trưởng. Hoàng Việt lên trung đoàn trưởng, Hữu Tư lên tiểu đoàn phó. Suốt chín năm đánh Pháp, Hữu Tư hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có gì đáng chê trách về đạo đức, lập trường, tuy năng lực có bị hạn chế. Sau 1954, Hữu Tư đi học liền mấy lớp văn hóa và quân sự. Bước vào đánh Mỹ, Hữu Tư là trung đoàn phó rồi trung đoàn trưởng, nhưng trung đoàn của Hữu Tư không đánh được trận nào tốt. Có trận thương vong rất cao. Anh em trong sư đoàn đã đặt tên cho Hữu Tư là trung đoàn trưởng “dốc nòng” [Đánh đến viên đạn cuối cùng – Ý nói không có năng lực chỉ huy, bất chấp mọi tổn thất]. Trước tình hình đó, trên phải điều Hữu Tư về phòng tham mưu giữ chức tham mưu phó, phụ trách phía sau. Đanhns giá Hữu Tư như thế nào cho đúng với thực chất của cậu ta? Phải chăng mỗi con người đầu có giới hạn về sự phát triển do rất nhiều nguyên nhân sâu xa tạo nên? Và mỗi con người đều có vai trò lịch sử nhất định? Mỗi giai đoạn lịch sử là một cửa ải? Ai tự mình vượt qua được thì tiếp tục phát triển. Ai không tự mình vượt qua được thì đứng lại, rồi rơi rụng dần đi! Cuộc chiến đấu sàn lọc triệt để và sự phán xét của lịch sử là công bằng và vô cùng nghieemm khắc! Hoàng Việt thấm thía những điều đó. Nhưng nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân cuối cùng về cái sức ỳ, về bệnh tự mãn, bảo thủ, chủ quan trong mỗi con người là ở đâu; từ đâu, thì Hoàng Việt chưa lần tìm được đến nơi đến chốn. Đó là những vấn đề phức tạp.
Logged

Máu bất khuất nhuộm tươi màu cờ đỏ
Lòng trung kiên tô sáng sắc sao vàng
trauxanh
Thành viên
*
Bài viết: 143


« Trả lời #13 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2010, 11:37:30 am »

Hoàng Việt ngồi xuống, uống cạn ly nước rồi nói:
- Vậy là các đồng chí cũng đã suy tính, cân nhắc rất kỹ từng người, từng trường hợp. Chúng tôi sẽ nghiên cứu lại lần nữa rồi báo cáo lên trên xin quyết định. Nhưng vấn đề này không phải chỉ một số người, một số trường hợp. Đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, sơ kết, tổng kết là công việc phải làm từ dưới lên, nằm trong chủ trương chung là kiện toàn đơn vị. Những công việc này phải làm thật tốt, đảm bảo sau khi kiện toàn xong, đơn vị nào cũng phấn khởi, hào hứng, tăng thêm sức mạnh chiến đấu. Những kết quả đó là người trọng tài kiểm tra những việc các đồng chí làm tốt hay xấu, đúng hay sai. Còn Trung đoàn 29, phải xuống tận nơi mà nghiên cứu. Nó đã dốc tất cả những gì có thể dốc ra để giữ vững khu vực Tàu Ô trên một trăm ngày đêm. Đó là một tập thể anh hùng. Nó sẽ được khen thưởng xứng đáng, nhưng bản thân nó phải trả giá không nhỏ. Nhiều cán bộ,, chiến sĩ nòng cốt của trung đoàn đã hy sinh hoặc bị thương ở Tàu Ô, ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng bây giờ. Lại còn phải đề phòng tư tưởng kiêu căng, chủ quan, thỏa mãn nảy sinh sau chiến công nó lập được – Hoàng Việt hạ thấp giọng gần như tâm sự - Mỗi con người, mỗi tập thể đơn vị, khi đã tiến tới, đạt tới đỉnh cao của chiến công và vinh quang, nếu không tỉnh táo coi chừng mình, không hiểu đúng mình, thì cũng sẽ bắt đầu từ cái đỉnh cao ấy đi xuống đấy. Có những chiến sĩ thi đua, thậm chí cả những người được phong Anh hùng cũng đã biểu hiện như vậy. Còn Trung đoàn 29? Bản thân nó cũng là một bài học sâu sắc và cay đắng rồi còn gì? Nó đánh chiếm sở chỉ huy và bắt sống toàn bộ bộ tham mưu của tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ. Nhưng năm 1968 vào Tây Nguyên nó đánh không được khá lắm. Nó có phần sút kém mãi cho đến mùa mưa năm 1971 mới gượng dần lên, đến năm 1972 nó mới trở lại vị trí của nó. Bản thân nó không là một bài học sâu sắc sao? Bài học về nghệ thuật xây dựng đơn vị, phát huy truyền thống. Đánh nhau liên mien, chúng ta mới chỉ nhìn thấy những bài học rất chung, chứ chưa tìm đến những bài học thật cụ thể. Về xây dựng đơn vị lại phải bắt đầu từ việc cụ thể nhất, con người cụ thể nhất.
Hoàng Việt lại ngừng lời, ông cười và nhìn Đàm Lê, Phan Nguyên với ánh mắt vui vẻ:
- Hết chuyện này đến chuyện kia, công việc này qua công việc khác, cứ vậy có thể nói mãi, bàn mãi hết đêm sang ngày, hết ngày sang đêm – Và ông lại cười – Hai mươi tám năm chiến tranh rồi còn gì, làm sao không nhiều chuyện được. Nhiều người nói sau Hiệp định sẽ được xả hơi, nhưng thực tế có được xả hơi đâu. Công việc lại ngạp đầu, lút cổ. Còn các cậu? Ngoài những việc trên chỉ thị phải làm có đề ra công việc nào nữa không?
Đàm Lê:
- Báo cáo anh Ba, sau khi ổn định và làm xong những công việc cấp bách, tôi định đi xem lại các trận đánh cũ những năm trước.
Hoàng Việt cười to:
- Cậu lại đi tìm cái bí ẩn trong chiến tranh và trong chiến đấu chứ gì?
- Vâng, có những trận đánh đã qua từ lâu mà vẫn thấy nó quằn quại trong người.
- Đúng, đó là một việc làm hay, rất cần thiết. Còn Phan Nguyên?
- Báo cáo anh Ba, tôi cũng sẽ đi tìm cái bí ẩn của chiến tranh, cái bí ẩn trong chiến tranh, nhưng khác với anh Đàm Lê, tôi sẽ xuống Trung đoàn 29 như anh Ba vừa khêu gợi, sau đó tôi xuống các trại tù binh. Tôi muốn trực tiếp tìm hiểu sĩ quan và binh sĩ địch. Chúng ta phải hiểu thêm bọn địch trong giai đoạn mới của chiến tranh.
- Tốt, rất tốt, vấn đề ấy quan trọng lắm, cậu phải nắm cho được, khái quát cho được. Một cuộc chiến tranh đặc biệt kiểu mới. Nhưng này, các cậu còn phải làm việc này nữa, phải tổ chức anh em lên vùng đông bắc Cam-pu-chia bốc hài cốt của anh em về đất mình. Vấn đề này các anh trên Miền rất quan tâm. Bây giờ đã có điều kiện làm việc đó. Tổ chức sẵn, có lệnh là đi ngay.
Và còn việc này nữa… Việc này nữa…
Cứ vậy, hết việc này đến việc khác, lúc Hoàng Việt nói, lúc Đàm Lê nói, lúc Phan Nguyên nói. Ba người uống hết, cả một phích nước đầy, nhưng vẫn không chấm dứt được các công việc vứ lần lượt hiện ra. Họ quên cả thời gian, đến nỗi cậu chiến sĩ bảo vệ đã mấy lần bước lui, bước tới trước bậc thềm, vừa dặng hắng, vừa ho, có ý báo cho các thủ trưởng biết là đêm đã rất khuya, nhưng cả ba đều không ai để ý cả.
Logged

Máu bất khuất nhuộm tươi màu cờ đỏ
Lòng trung kiên tô sáng sắc sao vàng
trauxanh
Thành viên
*
Bài viết: 143


« Trả lời #14 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2010, 05:02:05 pm »

II

Sài Gòn sau ngày 27 tháng 1 năm 1973 thật khác thường. Cái thành phố lớn hơn ba triệu dân, bao nhiêu năm nay sống cuộc sống của nó vốn đã quay cuồng, ồn ào, náo nhiệt, thi nay như đang ở đỉnh cao của những cơn sốt: cơn sốt chính trị, cơn sốt thời cuộc. Không phải bây giờ, khi Hiệp định Pari được ký kết, các điều khoảng đầu tiên của Hiệp định đang được bốn bên tham chiến gấp rút triển khai, cuộc sống Sài Gòn mới biến động. Thực ra nó đã có những biến động từ hồi tháng 10 năm 1972, khi tin Hiệp định Pari sẽ được Kít-sing-gơ và ông Lê Đức Thọ ký tắt vào ngày 26 tháng 10. Từ đó đến bây giờ, sự biến động theo phong vũ biểu thời cuộc cứ mỗi ngày một phát triển, mỗi ngày một dâng cao, cho đến lúc này đã lên đến tột đỉnh. Hồi đầu tháng 10 năm 1972, Hoàng Đức Nhã cháu ruột Thiệu, mới ngoài ba mươi tuổi, từng du học ở Mỹ nhiều năm, đương kim Bộ trưởng Bộ thông tin, đã nhanh chóng phát hiện ra gần sáu mươi điểm sơ hở và lỗi lầm trong bản Hiệp định Kít-sing-gơ gửi cho Thiệu. Thiệu và những tay cố vấn chóp bu giật mình khi Hoàng Đức Nhã lần lượt vạch ra từng điểm một. Thiệu khướt từ dự thảo bản Hiệp định. Nhà Trắng cử tướng Hây-gơ phụ tá của Kít-sing-gơ, dẫn đầu một phái đoàn sang Sài Gòn giải thích bản Hiệp định và thuyết phục Thiệu, nhưng Thiệu không nghe. Kít-sing-gơ tự tiện hủy bỏ ngày ký tắt Hiệp định, tức tốc bay sang Sài Gòn, Kít-sing-gơ vét sạch tài hùng biện và vốn trí thức uyên thâm của mình dẫn giải cho Thiêu nghe. Nhưng Thiệu vẫn một mực lắc đàu từ chối ký tên vào bản Hiệp định. Ních-xơn tức tối và điên cuồng, một mặt ra lệnh huy động máy bay chiến lượt B.52 ném bom ồ ạt xuống Hà Nội và Hải Phòng trước và sau lễ Thiên chúa giáng sinh, buộc đối phương nhân nhượng. Một mặt viết thư vừa thuyết phục,vừa dọa dẫm, đe dọa Thiệu. Những bức thư rất bí mật ấy, không hiểu bằng cách nào, bằng đường nào lần lượt lộ ra ngoài. Nhiều người ở Sài Gòn quan tâm tới thời cuộc đọc được những đoạn trích trong các bức thư đó trên những tờ giấy khổ hẹp in rô-nê-ô, hoặc trong những bản tin lưu hành bí mật:
“ Ngày 17 tháng năm 1972… Nhưng điều quan trọng hơn rất nhiều so với những gì mà chúng tôi nói trong bản Hiệp định đứng về vấn đề này, là việc chúng tôi sẽ làm trong trường hợp đối phương tiến hành trở lại xâm lược. Tôi xin đảm bảo chắc chắn với ngài rằng, nếu Hà Nội không thi hành các điều khoản của Hiệp định này, thì tôi sẽ có hành động trả đũa nhanh chóng và nghiêm khắc. Điều thiết yếu là tôi phải được công chúng Mỹ ủng hộ và Chính phủ của ngài đang là trở ngại cho nền hòa bình mà lúc này toàn thể dư luận ở Mỹ mong đợi…”.
“Ngày 5 tháng 1 năm 1973…Nếu Chính phủ ngài tìm cách khướt từ bản Hiệp định và tách khỏi Hoa Kỳ, thì sẽ dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Như tôi đã nói trong thư ngày 17 tháng 12, tôi tin nếu ngài không hợp tác với tôi thì ngài sẽ chuốc lấy thảm họa mà thôi, tức là sẽ mất hết những gì mà chúng ta đã cùng nhau đấu tranh để giành lấy suốt một thập niên qua. Đó sẽ là điều không bào chữa được, trước hết bởi vì như vậy, chúng ta sẽ mất đi phương án hợp lý và có danh dự để chấm dứt cuộc chiến tranh…”
.
Sài Gòn là một trung tâm truyền đi những tin tức giả và tin tức thật, là nơi tập trung rất nhiều những nhà quan sát phương Tây, trung thực và không trung thực, phe này và phe kia. Nhưng khi những đoạn thư tuyệt mật của Ních – xơn lọt ra ngoài, truyền khẩu và truyền tay lưu hành ở Sài Gòn, thì mọi người đều có chung nhận xét “Tổng thống Ních – xơn và ông Kít – sinh – gơ không còn đủ sức chịu đựng những dư luận của thế giới và sức ép của nhân dân Mỹ, nhất là sau vụ dùng máy bay chiến lược ném bom Hà Nội, Hải Phòng trong tuần lễ  Thiên Chúa giáng sinh. Những người đứng đầu Nhà Trắng không còn đủ kiên trì thuyết phục Thiệu ký Hiệp định nữa. Ông chủ đã chuẩn bị cầm cây gậy, sẵn sang hoa lên trên đầu tên đầy tớ bướng bỉnh”. Rồi bản dự thảo Hiệp định Pari, không hiểu bằng cách nào cũng được bí mật in ra, nơi này một vài điều khoản, nơi kia một vài điều khoản. Nhiều nhà quan sát, bằng mọi cách cố thu thập lại, nghiền ngẫm từng điều khoản, mục đích cố tìm cho được cái lý do khiến Thiệu khước từ ký Hiệp định. Họ tìm những lỗi lầm, sơ hở mà Hoàng Đức Nhã đã chỉ ra cho Thiệu là những lỗi lầm, sơ hở gì? Đọc những điều khoản của bản Hiệp định chắp nhặt đó, những nhà quan sát cũng lại có chung nhận xét: ”Cái điều cơ bản khiến Thiệu thắc mắc, suy nghĩ, dẫn đến lo sợ là, Hiệp định không đả động gì đến mười mấy sư đoàn Bắc Việt trên chiến trường. Quân Mỹ rút lui, còn quân Bắc Việt thì ở lại. Có thể Hoàng Đức Nhã, Thiệu và những cố vấn cao cấp của ông ta, đã hình dung được tình hình sẽ diễn ra như thế nào khi Mỹ rút hết quân . Chắc chắn đó là bức tranh đen tối nhất đối với chế độ Thiệu. Còn ở Mỹ, hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam đã ngấm sâu vào toàn bộ cơ thể đất nước, biến nước Mỹ cũng thành một bãi chiến trường. Những người đứng đầu nước Mỹ ở Nhà Trắng lo sợ không kém gì Thiệu – nhưng là một mối lo sợ khác. Họ không còn đủ kiên nhẫn. Sức chịu đựng đã tới giới hạn cuối cùng!”.
Những nhà quan sát có đầu óc còn phán đoán và nhận xét thêm, mặc cho Hoa Kỳ bị kết tội bán đứng Việt Nam Cộng hòa, đầu hàng một cách danh dự, rằng mặc cho hậu quả muốn ra sao thì ra, Hoa Kỳ cũng sẽ ký Hiệp định vào một ngày cuối tháng 1 năm 1973.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Mười Một, 2010, 08:58:32 pm gửi bởi trauxanh » Logged

Máu bất khuất nhuộm tươi màu cờ đỏ
Lòng trung kiên tô sáng sắc sao vàng
trauxanh
Thành viên
*
Bài viết: 143


« Trả lời #15 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2011, 05:21:28 pm »

Thế rồi trong mười ngày cuối của tháng 1 năm 1973, Sài Gòn lại lan truyền một tin mới mẻ: Đại sứ Bân-cơ đã đem bảy triệu – có tin tám triệu đô la đặt vào tay Thiệu, hứa với Thiệu sẽ tức khắc cho chở sang miền Nam Việt Nam một tỷ đô la vũ khí, chỉ yêu cầu Thiệu ra lệnh cho trưởng đoàn Chính phủ Sài Gòn ở Pari ký tên vào bản Hiệp định. Cái tin ấy cuối cùng được xác minh là có thực và, Sài Gòn đã ký vào bản Hiệp định được công bố, được đăng tải trên các báo. Sự chấn động của sự kiện lịch sử này trong cuộc chiến tranh, lập tức tác động tới mọi bình diện của cuộc sống của Sài Gòn. Nó được biểu hiện ra hàng trăm vẻ, hàng trăm kiểu, dồn dập, sôi động, hối hả, khiến những người “trùm chăn” kín mít suốt cuộc chiến tranh cũng phải bật dậy ngó xuống đường phố.
Trong số những tập thể người góp phần làm cho Sài Gòn lên cơn sốt, sôi động và náo nhiệt, đầu tiên phải nói đến đội quân bán báo. Lâu nay, phần nhiều các nhật báo ở Sài Gòn có khuynh hướng chính trị, nên đây là thời cơ làm ăn của các ông chủ báo. Độ quân – có thể gọi như vậy vì số em bán báo ở Sài Gòn rất đông – đã được bổ sung thêm bằng đội ngũ những em bé đánh giầy. Trước đây các em này chủ yếu đánh giầy cho người Mỹ, nay người Mỹ lục tục ra đi, các em lâm vào cảnh thất nghiệp, lập tức quay sang nghề bán báo. Đội quân bán báo ở Sài Gòn trạc lứa tuổi Ga-vơ-rốt [Nhân vật trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của Vic-to Huy-gô] hoặc hơn kém Ga-vơ-rốt một vài tuổi. Điều chắc chắn là trong đội quân đông đảo ấy, có nhiều em đang làm nhiệm vụ như Ga-vơ-rốt đã làm trong cuộc cách mạng Pháp. Với kinh nghiệm nghề nghiệp và sự nhanh nhạy khác thường, các em là những người, bằng tiếng rao đặc biệt của mình, làm rung động Sài Gòn:
- Báo mới đây … Báo mới… đây… Lần đầu tiên trong chiến tranh, hai trung tướng Cộng sản dẫn phái đoàn của mình tới Sài Gòn giữa ban ngày… Báo mới đây… Báo mới đây…
- Báo mới đây … Báo mới đây… Ủy hội Quốc tế gồm bốn nước tham gia đã đến Sài Gòn . Có hai nước Cộng Sản Đông Âu. Ai muốn xem hình sĩ quan Cộng sản Đông Âu thì xem đây… Báo mới đây… Báo mới đây…
- Báo mới đây … Báo mới đây… Tổng thống Thiệu nhất quyết bốn lắc, bốn không… Báo mới đây… Báo mới đây…
- Báo mới đây … Báo mới đây… Tin tường thuật tang lễ của cựu Tổng thống Giôn-xơn… Báo mới đây… Báo mới đây…
- Báo mới đây … Báo mới đây… Xã luận của Tuần tin tức Mỹ, cựu Tổng thống Giôn-xơn là thương vong cao cấp nhất của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Báo mới đây… Báo mới đây…
- Báo mới đây … Báo mới đây… Mô-lô-tô-va chạy như nước trên đường mòn Hồ Chí Minh. Báo mới đây… Báo mới đây…
- Báo mới đây … Báo mới đây… Giá đồ cổ tăng gấp ba lần hơn… Báo mới đây… Báo mới đây…
Và rồi còn bao nhiêu tin tức khác hấp dẫn có, mới mẻ có, giật gân có, từ những cửa miệng với tiếng rao lanh lảnh và mời chào của đội quân bán báo đông đảo, làm cho Sài Gòn huyên náo lên. Không một ai có thể dửng dưng trước cơn sốt thời cuộc.
Cái tập thể người thứ hai làm cho Sài Gòn náo nhiệt, sôi động là hàng đàn lính Mỹ, trắng có, đen có, từ các bin-đinh kiên cố, từ các cao ốc sang trọng, vứt bỏ chiếc ba lô dã chiến, thắng quần áo mới thật đẹp, nước hoa tưới từ đầu đến chân, tỏa ra khắp phố phường Sài Gòn, túi áo căng phồng từng xấp đô la đỏ [Loại đô la dùng cho quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam] mua sắm va ly, mua sắm đồ cổ, mua sắm vật kỷ niệm. Bọn Mỹ từ quan đến lính, hình thành tốp năm tốp ba, đột nhập vào các tửu điếm, các “lầu xanh”, các cửa hàng “bar” nổi tiếng ở “club” 147, đường Võ Tánh, nhà ba con rồng phố Lê Lợi, phố Nguyễn Huệ và cả những ổ điếm thăm thẳm trong các phố vắng. Chúng thi nhau tìm mọi cách mua những lần cuối sự trinh bạch, sự trong trắng của những cô gái Sài Gòn thất nghiệp với giá rẻ mạt nhất. Những tên lính Mỹ của quân viễn chinh hơn nữa triệu, một lần nữa phơi bày bản chất của chúng trước con mắt đủ mọi cách nhìn của người Sài Gòn. Chúng nó hối hả ăn nhậu, hối hả mua, hối hả cướp, hối hả ngủ với đàn bà, con gái trước khi chuồn khỏi cái đất nước không sao hiểu được và cuộc chiến tranh khủng khiếp này.
Logged

Máu bất khuất nhuộm tươi màu cờ đỏ
Lòng trung kiên tô sáng sắc sao vàng
Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM