Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:14:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bí mật vụ Trân Châu Cảng  (Đọc 46492 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #80 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2010, 08:10:25 am »

THÀNH CÔNG CỦA PHÁP TẠI ĐỨC

Sau khi lướt qua một số thành tích của Cơ quan tình báo Đức, ta thử xem tình hình chính xác của Cơ quan tình báo Pháp ra sao. Khó khăn là thủ trưởng cơ quan tình báo Pháp không viết hồi ký tôi đành phải dựa vào một vài tư liệu hoặc vài chuyện kể để làm mối vậy.

Sau vụ Dreyfus, Chính phủ Pháp không cho quân nhân nắm công tác phản gián nữa vì đã phạm vào quá nhiều khuyết điểm, mà trao việc này cho Bộ Nội vụ phụ trách. Ngày 1 tháng 5 năm 1899 thành lập "Cơ quan kiểm soát lãnh thổ" (Service de surveillance du Territoire) trực thuộc cục An ninh chung (S-reté Générale) với chức năng vô hiệu hoá gián điệp.

Cơ quan tình báo chính cống cũng bị hậu quả gián tiếp của vụ đó và phải mất mấy năm mới phục hồi được tính hiệu lực của nó. Cuộc khủng hoảng đến năm 1906 mới vượt qua được khi đại tá Dupont có đại uý Frendert Lambling trợ lực lên phụ trách Phòng Nhì. Năm sau; quân đội chẳng bao giờ chịu mất cơ quan phản gián nên đã đề nghị và chính phủ chấp nhận giải thể "Cơ quan kiểm soát lãnh thổ".

Năm 1913 Bộ Chiến tranh - chứ không phải Bộ Nội vụ ra chỉ thị lập lại Cơ quan phản gián trên cơ sở ngày nay vẫn còn giá trị. Quân đội chịu trách nhiệm chống gián điệp bên ngoài biên giới, cảnh sát phản gián nên trong biên giới đất nước (Kiểm soát qua lại biên giới trấn áp tội phạm chống lại An ninh quốc gia). Phòng Nhì phụ trách việc kiểm soát các đồn cảnh sát biên phòng với một chế độ nhập nhằng bởi vì các đồn này trực thuộc cả Bộ Chiến tranh lẫn Bộ Nội vụ nhưng nhiệm vụ thì mở rộng: ngoài nhiệm vụ phản gián chung còn thêm nhiệm vụ tuyển chọn điệp viên. Nhưng trưởng đội biên phòng thường là người Alsace rất nóng lòng thoát khỏi ách chiếm đóng của Đức, họ đã tận dụng vị trí thuận lợi của mình về địa lý, nên đã đạt được những kết quả đáng chú ý. Tôi xin kể hai biến cố của hoạt động tình báo Pháp trong thời gian trước thế chiến thứ nhất.

Viên trưởng đồn Lomps là người Alsace có người cha cư trú tại Đức, năm 1871 với chức danh đại diện hãng vang Pháp. Anh học tại Đức rồi làm nghề nhân viên Công ty quốc tế hoá xe lửa có giường nằm, rồi gia nhập cảnh sát Pháp và trở thành trưởng đồn hợp tác với Phòng Nhì.

Tomps có vài cô bạn thân xinh đẹp và trẻ chấp nhận làm việc cho anh, chắc với điều kiện trả tiền công. Anh trao cho họ trách nhiệm lên Beclin quan hệ với các sĩ quan hoặc sinh viên các Học viện Quân sự để moi tin tức. Các cô này ít ra đã thành công được hai việc, nhất là tại Học viện Pháo binh vì lấy được những tài liệu rất mật.

KẾ HOẠCH SCHLIEFFEN


Thành công khác là vụ “Người báo thù”. Năm 1904 , một sĩ quan Đức bắt quan hệ với Phòng Nhì pháp và cung cấp cho Cơ quan tình báo này những tài liệu rất quan trọng.

Sau đây là lời của tướng Pendezec. Tổng tham mưu trưởng Pháp năm 1904 nói về vụ này:

Mới đây một sĩ quan có lẽ cấp tướng trong Bộ Tổng tham mưu Đức viết thư cho chúng ta từ Liêge đề nghị cung cấp cho chúng ta vài tài liệu vô càng quan trọng. Cơ quan tình báo của chúng ta liền liên lạc với ông ta qua đại uý Lambling, mà chúng ta đã biết. Tên phản bội đã cung cấp cho ta bản kế hoạch hành quân mới của Bộ Tổng tham mưu Đức kèm theo một bảng ghi chính xác những "khu vực tập trung quân". Chúng ta đã xác minh những tài liệu cũng như lời trình bày của y và tôi thấy có thể tin chắc chắn là chuẩn xác tuyệt đối... Về nhân cách của tên phản bội, chúng ta hoàn toàn không biết gì; chúng ta thậm chí không có cách liên lạc thư từ với y. Ba lần bằng thư gửi từ Liège (ở Bỉ), y hẹn gặp Lambling: lần thứ nhất tại Paris, lần thứ hai tại Bruxelles, lần thứ ba tại Nice, và lần nào cũng tại khách sạn loại sang trọng. Lần nào gặp Lambling y chỉ xuất hiện với cái mặt quấn băng như là y vừa mới bị phẫu thuật, chỉ thấy hắn có bộ ria xám và đôi mắt tinh nhanh. Ngay lần đầu hắn đã yêu cầu không được cho người theo dõi y; y nói với Lambling: "Tôi đã có biện pháp rời khỏi khách sạn trong một tiếng, nếu anh cho cảnh sát theo dõi tôi thì đừng hòng bao giờ gặp được tôi nữa và cũng đừng hy vọng được biết những điều mà tôi còn muốn cho các anh biết...". Nhiều lần y tuyên bố với Lambling rằng : "Tôi hoàn toàn ý thức được điều ô nhục của tôi, nhưng người ta đối xử với tôi còn ô nhục hơn nhiều, cho nên tôi phải trả thù…". Cả ba bức thư y gởi cho ta đều ký là Người trả thù. Tuy thế hắn yêu cầu chúng ta trả công cung cấp tài liệu và chi phí đi lại sáu mươi nghìn quan; ta đã cho y, không mặc cả, bởi vì những điều y phát hiện đều vô giá".

Tháng 2 năm 1929 Thống chế Pêtanh cho mở cuộc điều tra tại Bộ Chiến tranh để xác minh tính chất và mức độ chính xác về những điều như tôi đã kể trên đây. Kết quả điều tra cho biết tất cả những tài liệu bí mật để trong tàng thư đặc biệt của Cơ quan tình báo đã bị đốt hết theo lệnh trên tháng 8 năm 1914. Vậy những tài liệu của Người trả thù không còn nữa. Nhưng tướng Barthélémy - hồi 1904 là đại uý Phòng Nhì - cũng như những nguồn tin khác cho biết: đó là những tài liệu mang tên "Kế hoạch hành quân Schlieffn" dự kiến của Đức đánh chiếm nước Pháp đi qua nước Bỉ.

Các tin tức thu được là chuyển giao sau đó bởi Phòng Nhì cho đến năm 1913 chỉ rõ rằng kế hoạch Schlieffen vẫn còn giá trị để thi hành.

Năm 1914, Bộ Tham mưu và Chính phủ Pháp định giải thích những thất bại ban đầu bằng tuyên bố họ không dự đoán trước được sự phản bội kinh tởm của kẻ thù, việc vi phạm nền trung lập của Bỉ ! Thực ra, các nhà lãnh đạo và những tướng lĩnh Pháp đã được thông báo trước cả chục năm về kế hoạch xâm lược của Đức.

THẤT BẠI KÉP CỦA PHÁP VÀ ĐỨC


Vài chuyện kể trên đây cho ta thấy một số mặt tích cực tương đối của Cơ quan tình báo Đức và Pháp. Đúng là Đức đã tỏ ra rất kiên trì chăm chỉ, trừ sai lầm về mạng lưới ở Anh: còn Pháp, cũng tỏ ra là táo bạo và hung hăng khiến cho nó cũng gần được xếp vào hàng danh dự như Intelligence Service của Anh trong thế chiến thứ nhất.

Nhưng người ta không đánh giá một Cơ quan tình báo chỉ căn cứ vào những thành tích cục bộ hoặc những hoạt động vang dội của nó. Điều cơ bản lại là chất lượng tin tức Cơ quan tình báo trình lên Chính phủ để giúp cho Chính phủ làm chủ được những tình huống nghiêm trọng nhất. Về chỗ này, cả hai Cơ quan tình báo Đức và Pháp đều có đôi cái bất lực tai hại.

Năm 1914, Đức tung ra mặt trận năm triệu quân được huấn luyện kỹ. Cơ quan tình báo Pháp ước lượng chỉ bằng một nửa con số đó. Sai lầm to lớn đó đã dẫn kế hoạch tấn công của Thống chế Joffre. "Kế hoạch 17" bị thất bại, và suýt nữa gây cho Đồng Minh thua trận nhanh chóng.

Còn Cơ quan tình báo Đức lại nhận định nước Anh chưa chắc đã tham chiến và Cơ quan này không cung cấp một tin tức gì về sự chuẩn bị và tham gia của quân đội viễn chinh Anh. Nó cũng không dự đoán được ngày tham chiến của Hoa Kỳ.

Hai Cơ quan tình báo này đối mặt nhau trên con sông Ranh; anh nào cũng phồng mang trợn mắt làm con quái vật hoặc con hổ đáng sợ. Nhưng thực sự chúng chỉ là những con hổ giấy mà thôi.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #81 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2010, 08:17:06 am »

NỮ ĐIỆP VIÊN TRONG THẾ CHIẾN THỨ NHẤT

EDITH BÀ THÁNH

Vào tháng 8 năm 1914, các đạo quân của Von Kluk, quân đoàn 1 và của Von Bulow, quân đoàn 2, tiến công bất ngờ khiến cho quân đội phe đồng minh phải rút chạy bỏ lại nhiều thương binh. Người Bỉ đã tập trung sức thu nhận, chạy chữa, chăm nom cho họ lành khỏi các vết thương, họ cũng che giấu cho nhiều tù binh vượt ngục người Anh cũng như người Pháp; cuối cùng, họ tổ chức lực lượng kháng chiến. Vì tất cả những lý do đó, đến khoảng cuối năm 1914 có hàng ngàn người Bỉ muốn tham gia hoặc tiếp tục chiến đấu. Nhưng muốn đi theo được quân Đồng Minh, họ không thể vượt phòng tuyến mà phải đi vòng lên Hà Lan hoặc sang Anh. Tôi đã kể đến những nhóm người Bỉ chuyên lo việc quá cảnh như thế, trong đó có một nhóm mà Edith Cavel tham gia, cô vốn là hiệu trưởng trường y tế nữ lại Bruxelles, quốc tịch Anh.

Edith có tấm lòng tận tuỵ và dũng cảm, đã chăm sóc hàng trăm thương binh và tồ chức cho họ trốn hoặc giúp cho hàng trăm tù binh vượt ngục. Tấm lòng cao cả của cô buộc cô phải liều vì cô không thể nào từ chối giúp đỡ cho nên có khi bị lợi dụng, có ngày họ đưa đến ba mươi tư tù binh vượt ngục.

Một trong những thành viên chính của nhóm là người Bỉ tên là Philippe Bauco, anh này sai lầm khi nhận một lúc hai nhiệm vụ bí mật: ngoài việc tổ chức vượt ngục, anh còn viết báo bí mật tên là Nước Bỉ Tự Do: vì tên tờ báo này mà anh bị bắt. Nhà anh bị mật thám Đức đặt thành cái bẫy. Ngày 11 tháng 8 năm 1915, Louise Thuliez từ Mons đến, trên người có một sổ tay trong đề nhiều địa chỉ. Qua sổ tay này, mật thám Đức bắt 35 người vừa Bỉ vừa Pháp thuộc nhiều nhóm nhưng lại liên lạc biết nhau.

Năm người bị kết án tử hình, hai người bị hành quyết trong đó có Philippe Bauco và Edith Cavel là người đã chăm sóc chẳng những thương binh Pháp, Anh mà cả thương binh Đức nữa.

Cái chết của Edith có một tình tiết không được sáng tỏ, nhưng chắc chắn là chẳng vinh quang của cuộc chiến tranh bí mật. Một trong những thành viên của tổ là đức ông L. đã thoát khủng bố và trốn được sang Hà Lan. Ông đã tìm đến trưởng lưới tên là Giôdep Crôziê và cầu khẩn giải thoát Edith đang bị giam trong nhà tù Saint- Gilles ở Bruxelles. Crôziê là con người khôn khéo và táo bạo; ông đã chuẩn bị kế hoạch cứu Edith nhưng cần phải có một nghìn bảng để chi phí cho kế hoạch. Ông đề nghị Cơ quan tình báo Anh trợ giúp, nhưng bị từ chối. Crôziê lại nhận được lệnh của Phòng Nhì không được quan hệ với đức ông L. Người ta đồn rằng Anh chủ trương không giải thoát cho Edith nhằm gây dư luận công phẫn tại Hoa Kỳ trong khi Anh cần lôi kéo nước này tham chiến. Vốn là người ít nói, nhưng Crôziê đã viết như sau: Trong thời điểm ít người muốn vào quân đội, tin Edith bị xử tử đã gây nên một xúc động lớn trong nhân dân Anh và quân đội đã lợi dụng điều này để tăng thêm quân số.

ALIXƠ, DIỄN VIÊN CHUYÊN ĐÓNG CẢNH NGUY HỂM

Trong số hàng chục vạn người Bỉ và người Bắc Pháp chạy sang Anh đầu chiến tranh, có một thanh nữ Pháp tỉnh Lille vừa thông minh vừa xinh đẹp tên là Louise de Bettingnies. Cô nói thạo tiếng Anh, Đức, Italia. Sĩ quan tình báo khi hỏi cung cô đã ngạc nhiên về tài quan sát của cô. Anh đề nghị cô tham gia công tác tình báo.

Cô nhận lời. Cô đổi tên là Alice Dubois em nghề bán đăng ten, cô trở lại Lille để tổ chức một lưới tình báo.

Dược sĩ Geyter và vợ ông lo chế tạo mực bí mật; nhà công nghiệp Louis Gion và cậu con trai tên là Etienne phụ trách việc cung cấp và lái xe cho lưới; nhà thợ khắc đã viết được một nghìn sáu trăm từ trên một con tem; Alice còn tuyển được tại Roubaix một đồng chí nữ sau này cũng ghê gớm không kém cô, tên là Mariê-Léonie Vanhoutte.

Alice, Charlotte và các đồng chí đi lại nhiều nơi để quan sát và thu lượm tin tức rồi chuyển cho Cơ quan tình báo Anh như nơi đặt các đơn vị trọng pháo, kho đạn trên một khu vực lớn giúp cho pháo binh Đồng Minh bắn phá những mục tiêu này dễ dàng.

Chiến công rực rỡ nhất của thanh nữ này là việc hàng tuần cô vượt biên giới Hà Lan để chuyển báo cáo của  Cơ quan tình báo Anh. Mùa đông cô dám bơi qua sông nước lạnh như băng: Khi chuyến tàu bị khám xét, cô bò dưới gầm xe lửa để trốn kiểm tra; bị vây trong một cái quán, cô vọt qua mái nhà để trốn.

Nhưng cuối cùng cô vẫn bị bắt cùng Charlotte. Hai nữ điệp viên bị kết án tử hình, nhưng sau được giảm xuống hai mươi bảy và mười lăm năm tù. Trong nhà giam. Alice tiếp tục chiến đấu bằng cách động viên nữ tù nhân không tham gia sản xuất vũ khí. Cô gây rối trong nhà tù. Cai ngục tăng hành hạ cô, nhốt cô vào nhà tù biệt giam lạnh cóng. Đến tháng 9 năm 1918, cô trút hơi thở cuối cùng tại nhà tù Cologne, vài tuần trước ngày đình chiến. Riêng Charlotte sống sót.

MARTHE RICHER


Marthe Betenfeld sinh tại Lorraine. Cha cô là thượng sĩ long kỵ binh. Cuộc sống thời niên thiếu của cô khó khăn, khi lớn lên cô gặp một nhà buôn giàu có tên là Henri Richer giúp cô khẳng định tài năng thể thao, đặc biệt là năm 1912 giúp cô đoạt danh hiệu là nữ phi công Pháp thứ nhì. Cô tham gia nhiều cuộc mít tinh, năm 1914  Henry sắp ra trận thì hai người kết hôn.

Năm 1916, đại uý Ladoux, trưởng phòng 5, nhận thấy cô có nhiều năng khiếu nên tuyển cô làm công tác phản gián. Chồng cô cũng vừa tử trận. Bước chân vào nghề mới mẻ, cô hai bảy tuổi, cái nghề trái khoáy với tâm lý cư xử của người đàn bà trẻ này.

Thực ra những tình tiết về tiểu sử nữ anh hùng tình báo này có phần "hơi phóng đại", nhưng tôi chưa có khả năng xác minh cho nên không dám bảo đảm chắc chắn câu chuyện. Tuy nhiên những tình tiết này cũng giúp ta hiểu phần nào về người nữ anh hùng này.

Marthe Richer được phái sang Espana là nơi Cơ quan tình báo Hải quân Đức có đặt một đơn vị quan trọng vì Espana là nơi các tàu ngầm bỏ túi E-boote ghé vào tiếp nhận nhiên liệu, thực phẩm, nước uống và nhận chỉ thị công tác. Tại Madrit, Marthe Richer mang bí danh là Chim chiền chiện hoặc Marthe Richard, nhanh chóng quyến rũ được viên trưởng đơn vị TBHQ Đức, Bá tước Von Kolberg. Vị này muốn tuyển cô làm điệp viên; lúc đầu cô tỏ vè ngần ngại làm tình báo cũng như làm người tình của Bá tước, nhưng cuối cùng cô đồng ý cả hai.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #82 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2010, 08:19:51 am »

Kolberg mua cho người tình một cửa hàng mỹ phẩm, cô đặt cho cửa hiệu cái tên hài hước là Gương Chim chiền chiện, nơi đây cũng là chỗ hoạt động bí mật của Bá tước.

Marthe vờ bước vào trò chơi của thủ trưởng mới bằng cách cung cấp tin tức lạc hậu do Ladoux cung cấp. Ngược lại cô thu và chuyển về Pháp nhiều tin tức quan trọng: đầu tiên là những mẫu mực bí mật; rồi lý lịch của một điệp viên nguy hiểm quốc tịch Espana tên là Emilio Fuentes đã lợi dụng vỏ bọc là nhà buôn cá chích để lọt vào các cảng của Pháp thu thập tình hình hải quân Pháp; Fuentes bị bí mật bắn chết nhưng Bá tước lại tưởng rằng điệp viên của mình chạy sang hàng ngũ của Pháp. Marthe giả vờ có mang xin Bá tước cho về Pháp nạo thai. Bá tước đồng ý và cho cô dùng đường bí mật qua dãy núi Pirênê để về Pháp.

Rồi nàng đi vào những việc quan trọng hơn. Trong một chuyến công tác tại Marôc, cô phát hiện ra việc chuyên chở vũ khí cho các lực lượng chống Pháp và Pháp đã chặn được việc này. Kolberg cử cô đi theo chuyến tàu chở những chai đựng bọ cánh cứng nhằm phá hoại các kho lúa mì của phe Đồng Minh thiết lập tại Achentina, cô đã làm cho những con bọ này chết rồi trao cho người nhận.

Công lớn của cô là thu thập tin tức về kế hoạch tàu ngầm của Đức; cô đã báo cáo việc dùng những loại tàu ngầm mới; những nơi và thời gian tàu ngầm bỏ túi của Đức đến nhận tiếp tế, cô đã báo trước kế hoạch đại tấn công bằng tàu ngầm năm 1918 (của Đức).

Mùa thu năm 1917 lại một thủ đoạn độc địa nữa phá Cơ quan phản gián Pháp. Ladoux bị tố cáo là phản bội, bị cách chức và bị bỏ tù; ít lâu sau ông được giải oan và thăng thiếu tá; nhưng trong thời gian bị oan, tổ chức của ông bị rối loạn. Marthe Richer không nhận được chỉ thị và cô nhận định báo cáo của cô chẳng ai khai thác sử dụng nữa. Đó là tình huống làm suy sút tinh thần và nguy hiểm nhất đối với điệp viên hoạt động ở nước ngoài. Marthe Richer khôn ngoan rút ra kết luận trong tình huống như thế cô cần ngừng hoạt động. Nhưng cô muốn phục vụ lần cuối cho đất nước của cô; Kolberg và đơn vị của lão là cái chết chính của đại kế hoạch tấn công bằng tàu ngầm năm 1918; cô quyết định việc ra đi của cô phải đánh gục Kolberg.

Trong một buổi gặp gỡ bi thảm, cô nói thật với viên Tuỳ viên hải quân Đức rằng lúc nào cô cũng lừa dối ông ta và ngay từ những ngày gặp nhau đầu tiên cô đã báo cáo cho Cơ quan phản gián Pháp những hoạt động của ông. Ngay sau đó, cô đã gặp Đại sứ Đức, Hoàng thân Ratibor, và cô cũng kể lại như trên. Để đánh tan những nghi ngờ của Đại sứ, cô đưa chùm chìa khoá két sắt của Kolberg cũng như một vài tài liệu mật cô đã lấy trong két và một tập thư tình của Bá tước đã viết cho cô. Rồi cô yêu cầu Đại sứ phải hứa không được làm gì hại cô, nếu không cô sẽ làm toáng chuyện này giữa Thủ đô Espana. Marthe Richer đã trở về Paris an toàn. Kolberg bị gọi về nước; trên đường hồi hương, lão tự sát.

NGƯỜI ĐÀN BÀ CÓ ĐÔI MẮT HỔ

Elisabeth Schragmuller, nữ tiến sĩ triết học trường đại học Fribourg, khi chiến tranh bắt đầu thì cô hai mươi sáu tuổi. Nguyện vọng của cô được phục vụ thiết thực cho đất nước, cô viết thư cho đại tá Nicolai, thủ trưởng Nachrichtendienst để xin nhận công tác, được ra mặt trận càng tốt. Nicolai cử cô sang Bruxelle làm tại phòng kiểm duyệt thư tín. Con mắt sáng suốt của cô giúp cô rút ra được những tin tức có ích qua những bức thư tầm thường để cô gửi lên tướng tư lệnh quân khu Anvers.

Qua một hai tháng, tướng quân này hỏi tham mưu trưởng: trung uý Schragmuller là ai mà báo cáo chất lượng cao như vậy? Tham mưu trưởng trả lời: không biết. Ông tướng liền gọi trung uý lên. Ông không ngờ đó là một cô gái có bí danh là "cô tiến sĩ". Ông đoán rằng cô này vừa thông minh vừa kiên quyết, nên ông hứa sẽ trao cho cô phụ trách trạm tình báo quan trọng sắp thành lập khi ông chiếm được Anvers. Sau cuộc gặp gỡ đó vài tuần, Anvers bị chiếm vào tháng 10 năm 1914. Cô tiến sĩ được đưa về Baden học tập và điều đến công tác tại Anvers, nơi này có trường thực tập của điệp viên Đức.

Ngôi nhà này là một toà nhà cũ nhưng đẹp có hai cổng, cửa luôn luôn khép. Lực lượng kháng chiến rất quan tâm phá hoại trường này nhưng không thể đến gần, một thành viên kháng chiến đã bị bắn chết khi lọt vào trường; do đó kháng chiến phải dùng trẻ em để đánh lừa tính cảnh giác của Đức.

Giám đốc trường là thiếu tá Gross, nhưng người thực sự chỉ huy chính là Cô tiến sĩ.

Người ta nói nhiều về phương pháp dạy học của cô gái này: họ thêu dệt rằng cô tàn ác... Nhưng thực ra cô không dùng roi vọt, cũng như súng ngắn hoặc dao găm. Cô chẳng cần phải dùng những biện pháp cực đoan đó: chỉ đôi mắt đầy thôi miên của cô đã đủ áp đặt uy quyền của cô rồi. Tuy người ta đặt tên cho cô là "nàng tóc vàng Anvers" cô cũng chẳng đẹp lắm, nhưng đôi mắt của cô thật đặc biệt; tất cả những ai đã tiếp xúc với cô đều nói về đôi mắt này với thái độ vừa thán phục vừa sợ sệt; phần lớn họ so sánh nó với đôi mắt hổ: một vài người còn nói rằng khi cô nhìn họ, họ bị một luồng điện chiếu vào mắt họ; điệp viên Pháp Charles Lucieto là người cứng rắn nhưng đã phải viết về cô như sau: "Nếu tôi sống được ngàn năm và nếu cô đi lẫn trong một đám đông người, tôi vẫn có thể nhận ra cô bởi đôi mắt của cô".

Chế độ trong trường không tàn ác, nhưng nghiêm khắc; điệp viên học viên trước hết bị nhốt trong buồng ba tuần lễ để nghiền tài liệu. Sau đó chúng được đi thăm trường, buồng bản đồ, buồng ảnh, các tập ảnh chụp các kiểu đại bác, tàu chiến, máy bay, các loại vũ khí khác, thư viện với các kiểu đồng phục. Cuối cùng họ được xuống thăm tầng hầm trong đó có phòng mật mã, phòng thí nghiệm và các xưởng tập phá hoại.

Thời gian thực tập từ mười đến mười lăm tuần lễ. Như thế là ngắn nhưng cũng đủ đối với điệp viên. Ví dụ nàng Gertrude Wurtz xinh đẹp đã góp phần bắt nhiều nhân viên tình báo của Pháp tại Rottecdam (Hà Lan). Nhưng cũng có thất bại Anne-Marie Lesser, điệp viên nữ nghiện ma tuý, tham vọng đóng giả cô tiến sĩ, bị bắt tại Thuỵ Sĩ.

Người ta không rõ quốc gia giữa trạm tình báo và nhà trường gián điệp tại Anvers. Nhưng rõ ràng vai trò của cô tiến sĩ là phụ trách cả hai đơn vị này và cô đã phái đi và điều khiển một số học viên cũ của cô. Cô không ngần ngại hy sinh vài điệp viên để giúp cho những điệp viên khác thành công; phương pháp này đã được dùng từ thời cổ đại và đến nay còn nhiều Cơ quan tình báo sử dụng.

Là thầy giáo và sĩ quan điều khiển, có lẽ cô đã nhiều lần vào vùng địch để công tác, nhất là Paris; theo tôi biết thì cho đến nay chưa có dấu vết gì về những chuyến công tác đó của cô.

Đại tá Nicolai đã nhận xét toàn bộ hoạt động của cô như sau:

Đáng chú ý là trong Cơ quan tình báo của chúng ta có một sĩ quan kỵ binh và một phụ nữ đặc biệt có học thức (cô tiến sĩ) là hai cán bộ biết điều khiển diệp viên, kể cả loại khó nhất, mưu mẹo nhất.

Cũng chính Nicolai đánh giá cô tiến sĩ "đáng hai sư đoàn".

Chiến tranh kết thúc, cô Tiến sĩ rút về Munich sống với bà mẹ. Cô không lấy chồng và cũng không viết hồi ký. Cơ quan tình báo Pháp theo dõi cô khá lâu; nhưng cô nàng có đôi mắt hổ chỉ còn là một cô gái bình thường.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #83 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2010, 08:26:12 am »

MATA HARI, NGƯỜI ƯA KHOÁI LẠC


Con gái của một vương công Inđônêxia và một ni cô. Mata Hari tức "Con mắt Ban Ngày", được nuôi dạy tại một ngôi đền ở Giava, cô học múa và học yêu đương ở đây. Một hôm có một sĩ quan Hà Lan đẹp trai và đã đem cô đi.

Đó là huyền thoại mà cô vũ nữ quảng cáo về mình. Thực ra Gertrude Margarel Zelli sinh tại Leewarden, tại Hà Lan. Cô có sống tại Giava, có lấy một viên sĩ quan, đại uý Mac Leon; nhưng chàng này nghiện rượu và tàn bạo: một hôm trong cơn say mê nhục dục, hắn đã cắn cụt mất đầu vú của cô, đó là lý do khiến cô khi múa phải cài hoa trên ngực. Nhưng theo một quan toà quân sự là người đã nhìn thấy cô trần truồng trong xà lim - vì cô ghét mặc quần áo phạm nhân, ông khẳng định không thấy vết sẹo nào trên vú của cô ta.

Dù sao thì sau đó Margaret Zelle cũng bỏ người chồng tàn nhẫn và lang thang tại các thủ đô châu Âu bằng nghề vũ nữ và mại dâm. Cô múa giỏi, cô xinh đẹp và nhanh chóng nổi tiếng.

Trước thế chiến ít lâu, cô biểu diễn tại Beclin và trở thành người tình của một trong các người lãnh đạo cơ quan tình báo Đức Nachrichetendiest. Ông này tuyển cô làm gián điệp với bí số H.21.

Khi chiến tranh bắt đầu, cô đang ở Pháp. Cô tham gia phục vụ cứu thương tại Vittel; rồi tất cả Paris là nơi cô quen nhiều sĩ quan và nhiều nhân vật quan trọng. Cô thu thập nhiều tin tức rồi chuyển về cho người tình cũ lúc đó đã trở thành thủ trưởng Cơ quan tình báo Đức tại Hà Lan, qua con đường của một cơ quan đại diện nước trung lập. Chính cô đã báo trước cho Đức biết việc Đồng Minh chuẩn bị chiến dịch năm 1916.

Tuy nhiên, Cơ quan phản giản Pháp bắt đầu nghi ngờ và cho theo dõi cô vũ nữ xinh đẹp này; nhờ quan hệ rộng, cô biết cô bị theo dõi, táo bạo cô đến gặp đại uý Ladoux, trưởng Phòng 5 để xin làm việc cho Cơ quan phản gián Pháp. Cô trình bày rằng cô sẽ đi Hà Lan, cô có thể vào Tổng hành dinh của Đức vì trước kia cô là người tình của thái tử nước Đức, cô có thể được một người bạn thân ở Amstecdam tên là Cramer giới thiệu; như vậy cô sẽ làm lợi cho Pháp nếu Ladoux cho cô liên lạc với một số điệp viên của Pháp để cô hợp tác.

Mưu mô khá lớn; nhưng Ladoux giả vờ chấp nhận kế hoạch và cho cô sáu địa chỉ trong có năm là giả, còn một là tên của một điệp viên bị nghi ngờ. Rồi ông chúc cô lên đường may mắn, nhưng dặn cô thế nào cũng dùng con đường qua Espana rồi hãy sang Hà Lan - chắc để ông dễ kiểm tra cô ta.

Con tàu chở cô đi có ghé qua cảng Falmouth. Cô bị cơ quan phản gián Anh giữ lại đưa lên Luân Đôn. Basil Thomson, thủ trưởng Cục cảnh sát đặc biệt của Anh, nghi cô nhưng không có chứng cứ cụ thể nên đành phải tha cô với lời đe rằng nếu không thay đổi cung cách sẽ không thoát nổi bàn tay của ông.

Ba tuần lễ sau khi Mata Hari rời Paris: điệp viên hiềm nghi là Ladoux cho Mata tên, bị bắt và Đức đã bắn anh ta tại Bruxelles. Chứng cứ về tội trạng của cô vũ nữ thế là đã rõ.

Sau đó ít lâu, Mata Hari quay lại Espana. Tại nơi này xảy ra một tình tiết khá mờ mịt trong cuộc đời của cô. Theo một số người thì cô liên lạc với viên sĩ quan của Cơ quan tình báo Hải quân tên là Von Kroon; theo những người khác thì cô làm việc với Tuỳ viên quân sự Von Kally; theo Marthe Richer, Mata Hari không có tên trong danh sách điệp viên Đức tại Espana. Nhưng những quan hệ của cô vũ nữ với cơ quan tình báo Đức tại Mađrit cũng đưa cô vào chỗ chết. Rõ là cô có xin tiền của Đức tại Mađrit. Bọn chúng trả lời rằng về Paris mà lấy tiền; họ đã đánh điện trả lời rằng "Gramer sẽ đưa cho H.21 một cái séc qua một cơ quan đại diện nước ngoài". Cả hai bức điện mật đó đều bị Pháp thu và giải mã, cho nên khi Mata Hari trở về Paris liền bị bắt ngay.

Theo Kurt Singer; người Đức nhận định Mata Hari quá tốn kém và không dùng được nữa vì đã bị "lộ liễu" cho nên họ cố ý vứt bỏ cô nên mới gửi hai bức điện mật nhưng với loại mật mã mà họ biết rằng Pháp đã giải được. Người thi hành chủ trương tệ mạt đó là một sĩ quan trẻ của Cơ quan tình báo Hải quân Đức đóng tại Mađrit mà sau này trở thàch cục trưởng tình báo quân đội Đức tên là Walter Withelm Canaris.

Tôi không biết Singer dựa trên căn cứ nào để lập luận như thế, nhưng tôi cho rằng lập luận đó không phải không có lý. Cơ quan tình báo Đức tại Madrit có ngân quỹ to lớn, vậy tại sao họ lại từ chối số tiền khoảng mười lăm nghìn pesetas mà Mata Hari đề nghị, mà họ phải đánh hai bức điện giết người như thế, hay là họ có tình ý đen tối gì đây.

Trong phiên toà vội vã, Mata Hari khai rằng số tiền cô nhận được là tiền bán dâm chứ không phải công làm gián điệp. Điều này có một phần đúng sự thật; vì cô có thói quen trộn lẫn hai loại hoạt động nghề nghiệp gián điệp và bán dâm, tình trạng này làm cho nhiều ông tai to mặt lớn chết dở vì tuy họ chẳng làm lộ bí mật quân sự hoặc chính trị, nhưng vì nằm trong danh sách người tình của cô nàng nên đều bị nghi ngờ.

Cơ quan tình báo Pháp có đưa ra một bức thư ký tên M... y, cựu bộ trưởng. Phái quân sự nhận định đó là Malvy, và một số lý do khác nghiêm trọng hơn nên Clémenceau kết tội vị cựu Bộ trưởng nội vụ này "đã phản bội lợi ích của nước Pháp". Toà án tối cao xét xử và buộc tội ông Malvy phạm trọng tội rồi tuyên án ông ta bảy năm biệt xứ. Sau này mới vỡ lẽ ra không phải Malvy mà chính là Messimy, cựu Bộ trưởng Chiến tranh.

Mata Hari bị kết án tử hình. Cô vũ nữ xinh đẹp rất tin tưởng sẽ được những người yêu có thế lực cứu cô. Cũng có người can thiệp thật; Thủ tướng Hà Lan Van dor Linden đã đặc biệt can thiệp với Chính phủ Pháp theo đường ngoại giao nhưng chẳng có kết quả.

Khi biết mình không còn đường thoát chết, Mata Hari tỏ ra rất can đảm. Ngày 15 tháng 10 năm 1917, vào tuổi bốn mươi mốt, cô đã chết với nụ cười trên môi.

Mata Hari là con đĩ vĩ đại và điệp viên nữ tí hon. Cô chẳng xứng với sự trừng phạt cũng như huyền thoại của cô. Tóm lại cô không may; chắc cô ước mong sống ít tiếng tăm hơn và lâu dài hơn.

Trước khi chết, Mata Hari viết một bức thư cho con gái là Banda đang sống với ông bà tại Giava. Số phận bi thảm thay, vì Banda cũng bi bắn chết khi làm gián điệp cho Mỹ tại Triều Tiên, ba mươi ba năm sau người mẹ của cô.


Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM