Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:51:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bí mật vụ Trân Châu Cảng  (Đọc 46488 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2010, 04:36:18 pm »

BÍ MẬT VỤ TRÂN CHÂU CẢNG
(NHỮNG VỤ ÁN NỔI TIẾNG THẾ GIỚI)

Nhiều tác giả - Nhiều người dịch
NXB Công an Nhân dân 2004

Số hóa: hoi_ls







MỤC LỤC:

*DÀN NHẠC ĐỎ HAY LÀ HAI MẶT CỦA CHIẾC HUÂN CHƯƠNG VÀNG
*KHÁM PHÁ BÍ MẬT BOM BAY V1 VÀ V2
*NƯỚC MẮT KẺ TỬ TÙ
*CUỘC SĂN LÙNG CHIẾN HẠM KHỔNG LỒ TIRPITZ CỦA ĐỨC QUỐC XÃ
*NGƯỜI NHÁI - THUỶ LÔI Ý TRONG QUÂN CẢNG ALẾCDĂNGĐƠRI
*TẠI SAO HÍT LE KHÔNG SANG LUÂN ĐÔN ?
*SỐ PHẬN NGƯỜI HÙNG MANG SỐ HIỆU A.54
*BÍ ẨN VỀ PHÁO ĐÀI CUỐI CÙNG CỦA GƠ-BEN
*VỤ ÁM SÁT HÂY-RÍCH VÀ TRANG SỬ ĐẪM MÁU LI-ĐI-XƠ
*ĐIỆP VIÊN VÀ TÌNH YÊU
*NGƯỜI BẠN GÁI CỦA KLAUS FUCHS VÀ VỤ TIẾT LỘ BÍ MẬT BOM NGUYÊN TỬ
*BÍ MẬT VỤ TRÂN CHÂU CẢNG
*TIÊU DIỆT CƠ SỞ NGUYÊN TỬ BÍ MẬT
*BẢN MẬT MÃ GỬI GIÁM ĐỐC FBI TỪ MÁT-XCƠ-VA
*CUỘC ĐẤU TRÍ QUYẾT LIỆT GIỮA KẺ ĐI SĂN, NGƯỜI ĐI SĂN
*KẺ PHẢN BỘI TỆ HẠI NHẤT CỦA TÌNH BÁO QUÂN SỰ XÔ-VIẾT
*VỀ SỰ KIỆN "MÙA XUÂN 1968” Ở TIỆP KHẮC CŨ
*AI ĐÃ ĐƯA VỢ CHỒNG RÔ-DEN-BÉC LÊN GHẾ ĐIỆN ?
*DIOMID ĐIỆP VIÊN HUYỀN THOẠI
*CƠ QUAN RẤT BÍ MẬT CỦA RISƠLIƠ
*VỤ DREYFUS VÀ PHÒNG NHÌ
*NHỮNG CON HỔ GIẤY
*NỮ ĐIỆP VIÊN TRONG THẾ CHIẾN THỨ NHẤT





LỜI GIỚI THIỆU

Cho đến nay đã có nhiều sách, báo, phim ảnh viết về những vụ án, những hoạt động gián điệp nổi tiếng trong thế chiến thứ hai. Đằng sau cuộc “đại chiến” đẫm máu và tàn bạo nhất trong lịch sử thì trong hậu trường của các nước tham chiến cũng diễn ra một cuộc chiến tranh có một không hai.

Đáng chú ý là đại bộ phận những sách trên đều thuộc loại tiểu thuyết, truyện, rất hấp dẫn vì đầy tưởng tượng và hư cấu. Nhiều bạn đọc ngày nay rất thú vị về những truyện vụ án ly kỳ, có tính chất “sáng tạo" nhưng cũng có bạn muốn được biết các sự thật lịch sử.

Ở châu Âu đã hình thành một loại sách truyện vụ án tư liệu mới. Loại sách này được bạn đọc châu Âu ham thích chính vì các sự kiện, tình huống thật hấp dẫn, minh hoạ bằng những lời kể của nhiều nhân chứng lịch sử.

Các tác giả, đã để nhiều năm đi sưu tầm các tư liệu lịch sử về những vụ án lớn, những hoạt động tình báo được lưu giữ trong hai mươi lăm Cục lưu trữ và Phòng lưu trữ của nhiều nước, đã gặp gỡ, trò chuyện với một trăm hai mươi nhân chứng, có khi hai địch thủ ngày trước, nay gặp lại và trò chuyện với nhau ngay trên địa bàn hoạt động của họ thời chiến tranh. Để phát hiện sự thật, các tác giả đã đi một quãng đường dài, tổng cộng là hàng trăm nghìn ki-lô-mét.

Những truyện tư liệu lịch sử trong tập sách này đã được nhiều nước quay thành phim và đã được giải nhất trong Liên hoan phim vô tuyên truyền hình thế giới lần thứ IX tại Mông-tơ Các-lô.

Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc một loại sách viết về thế chiến thứ hai kiểu hiện đại như vậy. Mong rằng loại hình mới về sách tư liệu này sẽ đáp ứng được yêu cầu chính đáng của các bạn : biết rõ sự thật trong nguyên bản lịch sử của nó.

Trong điều kiện eo hẹp về nhiều mặt, chúng tôi chỉ có thể chọn giới thiệu ở đây một số vụ việc tiêu biểu trên các chiến trường châu Âu, châu Á, châu Phi và chủ yếu là châu Âu.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.

NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Hai, 2021, 09:43:27 am gửi bởi ptlinh » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2010, 04:40:15 pm »

DÀN NHẠC ĐỎ HAY LÀ HAI MẶT CỦA CHIẾC HUÂN CHƯƠNG VÀNG

Năm 1942, Mát-xcơ-va là nơi tập trung nhiều mạng lưới tình bác có chân rết ở hầu hết các nước châu Âu, kể cả ở Bộ Tổng tư lệnh tối cao của Hít-le. Trong hậu trường của cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu, có sự phối hợp hoạt động của tất cả các điệp viên các nước nhằm chặn đứng các tham vọng điên cuồng của phát xít. Nói đến các mạng lưới ấy không thể không nói đến "Dàn nhạc đỏ" và những hoạt động xuất quỷ nhập thần của điệp viên Ba Lan Tơ- rep-pe.

Mùa xuân 1926, cảnh sát Ba Lan bắt giam anh thợ trẻ hai mươi hai tuổi Lê-ô-pôn Tơ-rep-pe, vì tội kích động thợ thuyền đình công. Sau mấy tháng ngồi tù, được phóng thích, anh đến Vác-sa-va.

Tơ-rep-pe đã học lịch sử và văn học ở Trường Đại học Cơ-ra-cô-vi nhưng trong hoàn cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế lúc bấy giờ, ở Vác-sa-va anh chẳng kiếm được việc làm và chỗ ở ổn định. Anh quyết định sang Pa-le-xtin. Ở đây anh làm công nhân nông nghiệp rồi đi học nghề thợ điện. Anh gia nhập Đảng Cộng sản vì nguyên nhân đó anh bị Chính quyền Anh bắt vì tội hoạt động chính trị. Sau khi được trả lại tự do, vào đầu những năm 30, anh bí mật sang Pháp.

Chính ở Pa-ri, anh đã liên lạc được với các cơ quan mật vụ Liên Xô và gia nhập một mạng lưới tình báo Xô Viết. Mạng lưới này đặt dưới sự chỉ đạo của một người chỉ huy tài năng, hoạt động có hiệu quả hơn ba năm, chỉ thất bại khi bị một tên phản bội tố giác.

Tơ-rep-pe đã chạy sang được Liên Xô kịp thời. Đến Mát-xcơ-va, người ta đưa anh vào Học viện quân sự và học nghề tình báo. Năm 1935, anh trở lại Pháp. Trong ba năm, anh làm nhiệm vụ con thoi giữa Liên Xô và các nước phương Tây.

Mùa thu 1938, anh đến cư trú ở Bơ-rúc-xen (thủ đô Bỉ) với quốc tịch Ca-na-đa. Từ đó anh bắt đầu thành lập mạng lưới tình báo. Dưới cái vỏ hoàn toàn hợp pháp, anh xác lập các quan hệ buôn bán với nhà doanh nghiệp Lê-ô mà anh từng quen biết ở Pa-le-xtin. Tơ-rep-pe cùng với Lê- ô tổ chức một hãng Liên doanh. Hãng này chẳng mấy chốc đã có các chi nhánh ở Bỉ, Pháp, Hà Lan và Bắc Âu. Mùa hè năm 1939, Xta-lin ký một hiệp định với Hít-le và mạng lưới của Tơ-rep-pe vừa mới được thành lập được lệnh hướng các hoạt động về phía nước Anh.

Thế chiến thứ hai bùng nổ. Khi các đoàn quân Đức kéo vào Bỉ tháng 5 năm 1940 , cùng đi với các đoàn xe bọc thép của Đức, ngoài vài nhà ngoại giao Bun-ga-ri còn có cả hai nhà doanh nghiệp quan trọng của Bỉ: Tơ-rep-pe và Lê-ô. Họ có cơ hội để tập trung các tài liệu cần thiết cho một bản báo cáo chi tiết chiến lược và chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng. Trước khi các nhà quân sự Đức có thể tổng kết để gửi cho Tổng tư lệnh tối cao thì Mát-xcơ-va đã biết rõ vấn đề này trong từng chi tiết.

Cùng lúc đó, người ta gửi đến cho Tơ-rep-pe hai sĩ quan Xô Viết để giúp việc: Ma-ka-rôp cháu của Bộ trưởng Ngoại giao Mô-lô-tôp với quốc tịch U-ru-goay và đại uý Xu-ku-lôp, sau này lấy bí danh là Kent, đóng vai sinh viên U-ru-guay. Năm 1937 cả hai đều được chuyển sang Tây- ban-nha để chiến đấu chống Fran-co. Ở Bỉ, Kent thuê mấy gian phòng làm chỗ làm việc và thành lập một công ty xuất nhập khẩu gọi là Si-mex-co.

Tháng 8 năm 1940, Tơ-rep-pe đã đổi tên là Gin-be, chuyển một bộ phận mạng lưới tình báo của anh sang Pa-ri và để lại cho Kent và Si-mex-co mạng lưới ở Bỉ. Trong thời gian ấy, Tơ-rep-pe được chỉ định là người lãnh đạo mạng lưới tình báo Xô Viết trên toàn lãnh thổ Tây Âu và được phong một quân hàm tương đương với cấp tướng của Hồng quân.

Sau khi các tài sản bị chính quyền chiếm đóng tịch thu, Lê-ô cũng chạy sang Pa-ri. Chỉ trong vòng vài tháng, nhà doanh nghiệp này đã tổ chức lại toàn bộ mạng lưới mới này và cung cấp được tài chính cho nó.

Một nhân vật thứ ba xuất hiện: Hi-lê-kat. Y cũng gốc Ba Lan và cũng như Lê-ô, là bạn thân của Tơ-rep-pe từ thời ở Pa-le-xtin.

Các nhân viên gọi Tơ-rep-pe là vị chỉ huy lớn. Từ tháng 5 năm 1941, từ Pa-ri anh đã có thể báo cho Mát-xcơ- va biết một thành công lớn của anh: anh đã thu thập được tất cả các tin tức có liên quan đến việc Đức xâm lăng Liên Xô. Những tài liệu ấy là chắc chắn.

Thường thì Xta-lin khi nào cũng tỏ ra tin ở công việc của Tơ-rep-pe, nhưng lần này ông ta lại nghi ngờ anh có thể là nạn nhân của sự khiêu khích mà chính phủ Anh đang thực hiện. Cuộc xâm lược của Hít-le bắt đầu ngày 22 tháng 6 năm 1941 mới khẳng định giá trị chính xác của các thông tin của Tơ-rep-pe. Từ đó mạng lưới tình báo bắt đầu làm việc sôi nổi. Càng ngày Pa-ri càng trở thành nơi tập trung các tin tức từ mọi vùng của châu Âu gửi đến.

Và cũng từ Pa-ri phát đi các luồng tin của Tơ-rep- pe. Mạng lưới hoạt động của Tơ-rep-pe rất được Xta-lin tin tưởng.

Mùa thu đã đến bên bờ sông Xen. Ngày 16 tháng 10 năm 1941, trong khi Chính phủ Xô Viết và Đoàn ngoại giao phải rời thủ đô đến Quy-bi-xép cách ba trăm kilômét về phía Đông trước sự đe doạ tấn công vào Mát-xcơ-va của quân Đức. Cũng chính thời gian đó, Toà án Thương mại quận sông Xen cũng ghi vào sổ thương mại Pa-ri tên công ty xuất nhập khẩu Simex dưới ký hiệu 285031S.

Công ty đặt trụ sở trên lầu một ngôi nhà số bảy tám đường Chams E-ly-dê, một đường phố có tiếng ở Pa-ri. Đồng thời có tất cả người phòng thuê tại nhiều quận khác nhau ở Pa-ri, vừa làm trụ sở phụ vừa là nơi ẩn giấu, điều bí mật đó chỉ có ban lãnh đạo Si-mếch biết.

Với công ty Si-mex-co, thủ đô Bơ-rúc-xen là địa điểm chuyển tiếp của tất cả các thông tin. Tại Béc-lanh cũng có các đài phát của mạng lưới Xô Viết khác, do vậy Mát-xcơ-va ra lệnh: Từ Béc-lanh sang Bơ-rúc-xen phải dùng nhân viên liên lạc và từ Bơ-rúc-xen sẽ phát về trung tâm để chuyển đến Mát-xcơ-va.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2010, 04:43:45 pm »

Các máy bay trinh sát của Đức rà thấp gần sát các mái nhà, cả các máy bay Jung-ke 52 ba động cơ cùng mang theo các máy phát hiện điện đài, nhiều đội khám xét đi lục soát khắp thành phố châu Âu... tất cả đều được động viên để dò tìm các đài phát bí mật đang mọc lên như nấm khắp mọi nơi. Các đài này luôn luôn thay đổi tần số, ký hiệu, mật mã. Ngay ở Béc-lanh cũng có ba đài phát: một đài chỉ cách xa đài của Trung tâm phản gián Đức ba cây số. Khi người ta tìm cách phát hiện thì cả ba đài tự nhiên đều câm bặt. Chỉ có một đài phát đều đặn nhất là đài phát bí mật của Tây Âu mang ký hiệu PTX, bị phát hiện ngày 26 tháng 6 năm 1941. Cơ quan trung tâm kiểm soát vô tuyến điện của Đức, người Đức cuối cùng đã xác định một địa bàn hình tam giác, mỗi cạnh khoản năm mươi kilômét, trong đó nhất định có đài PTX, phía gần bờ biển Bỉ.

Bộ tư lệnh Đức ra lệnh cho đại uý dự bị Pi-e-pe. Pi- e-pe cải trang thành một nhà buôn Hà Lan mang tên Pi-e- pe, đến Bơ-rúc-xen và - thật là số phận trớ trêu - ở cùng nhà và cùng lầu với công ty Si-mex-co: nhà số một trăm chín hai phố Roay-a-lơ. Chỉ có một cửa kính ngăn cách hai công ty. Thỉnh thoảng, hai người thuê nhà lại gặp nhau ở hành lang, chào nhau một cách thân thiện.

Cuối tháng 11 năm 1941, một bộ phận kiểm soát vô tuyến điện mang theo những máy phát hiện các đài sóng ngắn rất hiện đại, đến giúp việc cho Pi-e-pe. Các loại xe trinh sát được nguỵ trang như những xe bình thường, đi lại khắp các ngả đường Bơ-rúc-xen. Cuối cùng khu phố của đài bị phát hiện chính là nơi có đài phát bí mật.

Lập tức cơ quan tình báo Đức cho xe trinh sát đi lại quanh khu vực để rà soát. Các vòng tròn cứ bị thu hẹp dần, cho đến mười bốn ngày sau thì chúng khẳng định được ngôi nhà trong đó có đài PTX.

Các chuyên gia phát hiện đài bí mật, ăn mặc thường phục, đi đi lại lại trước ngôi nhà, trong đó có Pi-e-pe!

Trong lúc đó, viên phát tin của đài chủ quan đến mức không đặt người canh gác nữa. Thật ra nếu có nhiều canh gác thì cũng không thể phát hiện ra kẻ địch dưới các bộ thường phục, mang theo những máy móc phát hiện cực kỳ hiện đại, không ai có thể biết được những máy nhỏ giấu trong áo khoác, thậm chí trong thắt lưng, trong mũ, trong tai. Càng lại gần máy phát thì tiếng kêu càng to lên. Khi chúng đến trước ngôi nhà số một trăm linh một thì tiếng kêu trong máy phát hiện, đạt mức tối đa. Vậy thì chính ngôi nhà này là nơi hoạt động của đài phát bí mật.

Đêm 12 rạng 13 tháng 12 năm 1941, Pi-e-pe cùng với mười người cảnh sát mật của quân đội bao vây ngôi nhà.

Đại uý dự bị Pi-e-pe kể lại:

"Để dễ dàng bắt gọn đài phát và không làm người ngoài chú ý, một đại đội đã mai phục sẵn ở đầu phố: lúc cần thiết sẽ can thiệp... Chúng tôi bắt đầu hành động lúc ba rưỡi sáng. Cả ba ngôi nhà đều bị lục soát. Chúng tôi phát hiện được đài phát ở ngôi nhà giữa, cùng lúc ấy một bóng người vượt qua tường vườn nhà bên cạnh và biến mất. Nhưng sau đó một lúc thì y bị bắt và giao lại cho chúng tôi.

Ở tầng một có một người đàn bà nhưng bà ta hoàn toàn không chịu nói gì hết. Bà ngồi trên chiếc giường ngủ. Đài phát đặt ở tầng hai, sờ vào vẫn còn nóng. Bên cạnh có rất nhiều bản điện tín mà hầu hết đều bằng tiếng Đức và có liên quan đến các cuộc hành quân của chúng tôi.

Ở tầng ba có một người đàn bà nữa mà chúng tôi phát hiện ra ngay là người Đức di tản. Bà ấy vừa khóc vừa thổ lộ với chúng tôi là bà bị bắt buộc phải tham gia các hoạt động này. Bà ấy cho chúng tôi biết mọi việc trong ngôi nhà và bảo chúng tôi phải cẩn thận với người ở tầng một.

Chúng tôi bắt người đàn bà ở tầng một, bà ta thú nhận là người ở Pa-ri. Sau đó bà ta lại im bặt, không nói gì hết. Lục soát trong phòng, chúng tôi tìm ra một cánh cửa giấu kín. Mở cửa ra, chúng tôi thấy đủ các giấy tờ, ảnh và những cái mà người lính Đức cần phải có ở Pháp. Chúng tôi cũng phát hiện những gói bột màu và gửi ngay về Cô- lô-nhơ đề phân tích. Kết quả làm cho chúng tôi ngạc nhiên. Đó là những gói bột đặc biệt có thể gây ra bệnh lỵ và thương hàn, điều đã từng xảy ra ở Pa-ri. Chúng tôi cũng tìm thấy những con chuột sẵn sàng mang theo những loại bệnh này và một loại mực viết ra đến các nhà hoá học cũng không phát hiện được".

Nhân viên điều khiển điện đài bị bắt mang quốc tịch U-ru-goay và có một hộ chiếu mang tên Các-lốt A-la- mô. Thật ra anh ta là đại uý Hồng quân và là cháu của Mô- lô-tôp tên là Ma-ca-rôp.

Đại uý Pi-e-pe kể tiếp:

"Sau khi thẩm vấn chớp nhoáng tại chỗ xong, khoảng sáu giờ sáng chúng tôi ra đi, để lại ba người với nhiệm vụ giữ lại tất cả những người vào ngôi nhà ấy, cho đến khi chúng tôi trở lại.

Khoảng chín giờ sáng, một người mang một cái giỏ đi đến, y muốn nói chuyện với bà chủ nhà. Y bán những con thỏ nhỏ, bà chủ nhà thường dặn y mang đến. Với tấm thẻ căn cước công dân Bỉ, khó ai có thể nghi ngờ con người ấy. Nhưng sau đó, chúng tôi phát hiện ra chính y là người lãnh đạo cao nhất, y muốn đến tận nơi để xem sự việc như thế nào.

Cuộc điều tra tiếp tục sau đó chứng tỏ rằng nhân vật lãnh đạo cao nhất ấy đã báo động cho tất cả mạng lưới nên tất cả đều im lặng".

Sáng ngày 13 tháng 12 năm 1941, Pi-e-pe báo cáo cho các cấp lãnh đạo Đức ở Bơ-rúc-xen biết kết quả. Một bản báo cáo được gửi đi Béc-lanh. Người Đức thường gọi các nhóm điện đài bí mật của địch là dàn nhạc. Khi mọi người bàn đặt tên gọi cho dàn nhạc này thì Pi-e-pe đề nghị: Dàn nhạc đỏ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2010, 04:47:47 pm »

Việc tiếp tục điều tra phát hiện "Dàn nhạc đỏ" được ưu tiên hàng đầu, đối với Ge-sta-pô cũng như với cơ quan tình báo. Mọi hành động phải tuyệt đối bí mật. Đích thân Hít-le chỉ thị: "phải nhổ bằng được cái ung nhọt ấy đi".

Trong lò sưởi phòng ở của Ma-ka-rôp, người của Pi-e-pe tìm thấy một mẩu giấy đã đốt thành than nhưng vẫn nhìn thấy một vài chữ số. Mẩu giấy này sẽ hết sức tai hại cho nhóm.

Sau sáu tuần làm việc, cơ quan giải mã Đức tìm được một chữ: Proctor. Người ta đoán rằng đây là tên một nhân vật tiểu thuyết và cuốn tiểu thuyết ấy chính là bộ khoá của mật mã.

Sau nhiều tuần tìm kiếm, cuối cùng người Đức tìm ra ở một cửa hàng sách cũ cuốn sách mà họ cần: cuốn Điều kỳ diệu của giáo sư Ôn-ma của Guy Đơ Tê-ra-mông, do báo Thế giới minh hoạ xuất bản năm 1910.

Cuốn sách đã giúp cho các nhà giải mã Đức đọc được gần một phần ba các bản tin của PTX. Trong đó có một bản gởi cho Kent như sau:

“Gửi Kent. Thủ trưởng. Riêng. Đến ngay ba địa chỉ sau đây: New-Westend, Altenburger số chín tầng ba phía phải, Choro-Charlottenburg số hai mươi sáu, tầng hai phía trái, Wolf Friednan số mười tám, tầng bốn phía trái, Bauer”.

Bọn Ge-sta-pô đã dễ dàng tìm ra Choro là Ha-rô Sun-dơ Bôi-xen, người được Thống chế Gơ-rinh che chở. Y làm việc ở Bộ Không quân với tư cách là sĩ quan phản gián. Bôi-xen là trưởng nhóm Choro. Wolf là bác sĩ A-đam Ku-khôp, nhà văn và nhà đạo diễn Bauer là bí danh của Ác-vit Hác-nác cố vấn cao cấp của Chính phủ ở Bộ Kinh tế Đức.

Bôi-xen là trái tim và khối óc của mạng lưới Béc- lanh. Kiên quyết coi thường cái chết, dốc tất cả sức lực vào một việc: làm sụp đổ chế độ phát xít. Bác sĩ Ác-vit Hác- nác có nhiệm vụ thâu lượm tất cả tin tức cho sứ quán Liên Xô ở Béc-lanh, từ 1935. Một nhân viên của sứ quán Liên Xô đã khuyến khích ông ta hợp tác với Bôi-xen. Từ giữa tháng 6 năm 1941, nhóm Bôi-xen Hác-nác tối nào cũng đánh tin sang Mát-xcơ-va. Những bản tin ấy cung cấp các chi tiết chiến lược và kỹ thuật qua ba đài phát do sứ quán Liên Xô cung cấp. Đã có đến hơn năm trăm bản tin được đánh đi. Không kể những bản miêu tả các loại máy bay chiến đấu mới, máy bay trinh sát, tên lửa chống máy bay và các thứ vũ khí bí mật khác.

Ngày 30 tháng 8 năm 1942, trong giờ ăn sáng. Bôi- xen đã bị Ge-sta-pô bắt ngay tại bàn giấy của ông ở Bộ Không quân; tiếp theo các tuần lễ sau, cho đến giữa tháng 10, có một trăm mười bảy người bị bắt và bị nhốt vào hầm của Ge-sta-pô.

Không được chuẩn bị trước để đối phó với các cuộc thẩm vấn của Ge-sta-pô, các cuộc thẩm vấn này lại được thực hiện rất tinh vi, khéo léo, nhiều tù nhân đã đầu hàng và tiết lộ tên các bạn chiến đấu. Rất ít người không khai báo.

Theo lệnh của Hít-le, Him-le tổng chỉ huy Ge-sta- pô đã phải giao chức chủ tịch toà án cho Gơ-rinh để "thanh toán một lần cho hết cái ung nhọt ấy, trước Nô-en 1942".

Ngày 22 tháng 12 năm 1942 , những bản án đầu tiên được thi hành tại nhà tù: tám người đàn ông bị treo cổ, ba người đàn bà bị chém đầu.

Thời kỳ này ở Pa-ri, Tơ-rep-pe cũng đang hoạt động mạnh với công ty Si-mex. Trụ sở công ty đặt rất gần Trung ương Todt (một tổ chức hậu cần của quân Đức). Sau vài tuần thành lập, Si-mex đã là một trong những công ty cung cấp cho Todt, mà theo lệnh của Hít-le, phải chuẩn bị để xây dựng bức tường Đại Tây Dương. Ngoài vũ khí ra, tất cả những gì cần thiết để xây dựng bức tường đều do Si- mex - Pa-ri và Si-mex-co - Bơ-rúc-xen cung cấp với giá phải chăng: xi măng, bê tông, gỗ, các nguyên liệu để làm nên sân bay, các đồ trang bị của công binh... cho đến xe cam-nhông và các loại xe con.

Bức tường Đại Tây Dương dự kiến xây dựng lớn nhất trong thế chiến thứ hai. Nhờ cách làm ăn có hiệu quả và đứng đắn, hai công ty đã tranh thủ được lòng tin tuyệt đối của chính quyền chiếm đóng. Số tiền hoạt động lên đến nhiều triệu fờ-răng. Sự phát triển của hai công ty mạnh đến mức phong trào kháng chiến Pháp ra lệnh cho các thành viên phải theo dõi chặt chẽ các hoạt động của họ để sau này, khi chiến tranh kết thúc, sẽ tính sổ với họ.

Lúc bấy giờ phong trào kháng chiến không thể ngờ rằng tiền lời, khoảng năm mươi phần trăm là dùng để chi tiêu cho mạng lưới tình báo và nuôi sống những người lãnh đạo.

Một phần tiền lãi được dùng để hối lộ cho bọn quan chức và sĩ quan Đức để được thầu những món hời khác. Cuối cùng không có một dự kiến xây dựng lớn nào ở Tây Âu cũng như không có một sự chuyển quân nào thoát khỏi tai mắt của mạng lưới.

Kent ở cùng người tình trong một toà lâu đài hai bảy căn phòng; y hãnh diện có năm mươi bộ com-le và  một ngôi nhà nghỉ ở nông thôn. Tơ-rep-pe thì mua một lâu đài ở miền Nam nước Pháp làm chỗ cho các nhân viên nghỉ ngơi. Anh lại mua được một trang trại có khả năng tiếp tế lương thực cho anh em.

Ở khách sạn Ma-jes-tic, tổng hành dinh Pa-ri của bộ chỉ huy tối cao Đức, hàng ngày có một cô thư ký chuyên cung cấp cho Tơ-rep-pe các bản sao báo cáo mật về tình hình phương Tây. Sau đó cô ta đến công tác ở bộ phận hậu cần và cuối cùng lại trở thành thư ký riêng của đại sứ Đức ở Pa-ri.

Nói chung, ở Pa-ri, không có một cơ quan lớn nào của Đức mà Tơ-rep-pe không cài được người vào.

Tất cả mọi thông tin đều được chuyển về trung tâm Mát -xcơ-va rất đều đặn và với quy mô như một hãng báo chí quốc tế Tơ-rep-pe, vị chỉ huy lớn và tướng của Hồng quân, đã làm được điều mà không một cơ quan tình báo nào của Đồng Minh làm được: phá hoại các cơ sở của tổ chức và lãnh đạo của phát xít Đức.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2010, 04:51:50 pm »

Tháng 12 năm 1941, ít lâu sau khi phát hiện ra đài phát đầu tiên ở Bơ-rúc-xen, quân Đức đã tiến hành cuộc săn lùng lớn nhất trong thế chiến để tiêu diệt mạng lưới của "Dàn nhạc đỏ".

Nhưng vị chỉ huy lớn đã chuẩn bị sẵn sàng. Kent - lúc bấy giờ được gọi là vị chỉ huy nhỏ - đã chuyển đến Mác-xây. Ở đây, anh đã tổ chức ngay một mạng lưới tạm thời.

Đội đặc nhiệm Đức chống "Dàn nhạc đỏ" biết rằng mạng lưới đã đình chỉ hoạt động ở Bỉ và tiếp tục tăng cường hoạt động ở Pa-ri. Đầu 1942 đội đặc nhiệm cũng chuyển sang Pa-ri. Các chuyên gia phát hiện điện đài mở chiến dịch hoạt động dọc hai bên bờ sông Xen, bởi vì trong cái biển nhà của Pa-ri, rõ ràng là có một đài phát bí mật đang hoạt động.

Ngày 10 tháng 6 năm 1942, người ta xác định được khu vực có đài phát bí mật: Ở Man-me-dông, ngoại ô Pa-ri. Hai ngôi nhà bị tình nghi. Bọn Đức đến bắt cặp vợ chồng Héc và Xô-kôn, công dân Ba Lan. Cả hai vợ chồng dũng cảm chịu đựng tra tấn. Nhưng khi kẻ địch doạ sẽ bắn chết chồng trước mặt vợ thì bà ta đã khai hết các chi tiết về các bản tin phát đi, cung khai danh sách các bạn chiến đấu, bí danh của vị chỉ huy lớn.

Các cuộc thẩm vấn cặp vợ chồng Xô-kôn sắp kết thúc thì bỗng nhiên một đài phát bí mật lại bắt đầu hoạt động ở Bơ-rúc-xen".

Đại uý Pi-e-pe kể lại:

"Đài này di chuyển chỗ luôn và người ta trở nên rất khôn ngoan. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng phát hiện được là nó phải ở khu Sa-béc, trong một ngôi nhà ít nhất là bốn tầng. Lần này ngôi nhà lại bị bao vây. Trên gác xép còn có ánh sáng. Chúng tôi phá cửa vào: phòng trống không. Nhưng cánh cửa sổ thì mở toang. Nhìn qua cửa sổ, chúng tôi thấy một người đang bò qua các mái nhà, cả ống khói. Để làm cho chúng tôi sợ, anh ta bắn một phát súng. Anh ta cũng bắn xuống bọn lính đang chờ ở phía dưới. Khi hết đạn, anh ta biến mất trong một căn gác xép bằng cách phá cửa sổ và sau đó thì có tiếng một người đàn bà thét lên.

Chúng lôi lục soát mấy ngôi nhà và tìm thấy anh trong một căn hầm, nằm trong một chiếc bồn tắm úp sấp. Anh bị bắt giữ. Các tài liệu bên cạnh đài phát, hầu hết đều bằng tiếng Đức.

Chúng tôi bắt anh về thẩm vấn. Tôi đề nghị anh ta cứ nói tiếng Đức chứ tội gì mà nói tiếng Pháp một cách khó nhọc như vậy. Anh bằng lòng và nói thật tên: Giô-han Ven-den, đã từng nhiều năm hoạt động cho Đảng Cộng sản Đức ở vùng Rê-na-ni. Đối với Béc-lanh, tin bắt được Ven-den là một tin cực kỳ quan trọng. Chúng tôi nói cho anh ta biết, anh là người kế tục công việc một người Nga đã bị bắt. Anh tỏ ra rất sợ rơi vào tay Ge-sta-pô. Về điểm này chúng tôi làm cho anh yên tâm nên anh bắt đầu nói. Đương nhiên là anh ta không nói tất cả nhưng qua một số chi tiết, chúng tôi biết rằng từ lâu anh đã cung cấp cho Mát-xcơ-va nhiều tin bí mật về quân sự của Đức".

Ven-den, người chịu trách nhiệm về điện đài ở Tây Âu của "Dàn nhạc đỏ" chuyển sang phe đối địch. Từ đó anh lại tiếp tục phát điện báo nhưng theo lệnh của Ge-sta- pô với hai đài bắt được của mạng lưới Béc-lanh. Anh không dừng lại ở đấy: khi bị chuyển qua Ge-sta-pô, anh đã tiết lộ chỗ ẩn nấp của Ê-fơ-rê-môp, sĩ quan Hồng quân, lúc bấy giờ là người lãnh đạo "Dàn nhạc đỏ" ở Bỉ.

Mùa hè năm 1942, Pi-e-pe trở lại Pa-ri cùng với đội Ge-sta-pô để săn lùng vị chỉ huy lớn. Bây giờ chẳng những người ta có ảnh của anh bắt được ở Bơ-rúc-xen mà còn biết cả bí danh và theo Ven-den cho biết thì hiện anh đang ở Pa-ri.

Lúc đó bọn Đức mới biết rõ các hoạt động thực sự của hai công ty Si-mex và Si-mex-co.

Từ một vài tháng nay, trụ sở của Si-mex ở Pa-ri dời đến những ngôi nhà khang trang hơn. Nhưng Tơ-rep-pe và các cộng sự gần gũi của anh ở đâu thì các nhân viên không ai biết cả.

Pi-e-pe định "nhử" vị chỉ huy lớn bằng một vụ buôn kim cương rất béo bở nhưng Tơ-rep-pe cảnh giác không để bị sa bẫy. Tơ-rep-pe vẫn ẩn nấp một chỗ nào đó tại thủ đô.

Thấy rõ tình hình bi đát, vị chỉ huy lớn cho mạng lưới Pa-ri tạm ngừng hoạt động và chuyển về miền Nam nước Pháp. Trong một bản phát tin cuối cùng từ Pa-ri, anh báo trước cho Mát-xcơ-va phải cảnh giác, có thể Ge-sta- sẽ phát đi với danh nghĩa của anh. Trong lúc đó, Tơ-rep-pe bị bệnh nặng. Một vị thầy thuốc quen biết sẽ cấp giấy mai táng, người ta sẽ chôn một xác chết nào đó và trên danh nghĩa công khai, như thế là vị chỉ huy lớn đã từ giã cõi đời này.

Nhưng trước khi ẩn mình về tỉnh lẻ, anh muốn nhanh chóng chữa bệnh đau răng".

Đại uý Pi-e-pe kể tiếp:

“Chúng tôi đã ra sức tìm kiếm khắp nơi nhưng tuyệt đối không nghe thấy gì cả. Tình hình xem như là tuyệt vọng.

Các công ty đã làm ăn tốt với người Đức là Si-mex- co ở Bơ-rúc-xen và Si-mex ở Pa-ri. Chúng tôi không thể sục sạo vào các công ty được, đành ra lệnh giải tán chúng. Nhưng ở Pa-ri, ông giám đốc, bà vợ và cô con gái của Si- mex-co vẫn tiếp tục công việc. Chúng tôi bắt cả ba người và hỏi xem vị chỉ huy lớn ở đâu. Họ trả lời là không biết. Không ai biết người lãnh đạo là ai và ở đâu hết, đó là một đặc điểm của tổ chức Nga.

Sau một thời gian khá lâu, một hôm cô con gái nhắc lại với bà mẹ là vị chỉ huy lớn - đương nhiên người ta không gọi như vậy mà gọi là ông Duy-boa một lần có nói đến địa chỉ của một thầy thuốc chữa răng giỏi. Bà mẹ nhớ lại và cho chúng tôi biết số nhà ở Ri-vô-li. Chúng tôi cùng một đội Ge-sta-pô đến nhà bác sĩ chữa răng. Ông ta thừa nhận là có chữa cho một ông tên là Duy-boa. Và trong một ngày sắp tới, ông ta sẽ trở lại. Đúng ngày giờ ấy, chúng tôi đến phục ở phòng chờ, ở trước cổng và cả trong nhà. Đúng mười bốn giờ, giờ hẹn, chẳng thấy ai đến cả.

Một lát sau mười bốn giờ, trong lúc chúng tôi chuẩn bị kết thúc việc phục kích thì nghe có tiếng người nói ở trong phòng. Chúng tôi đổ xô vào, vị chỉ huy lớn đang ở đó ngồi trong chiếc ghế bành và bác sĩ đang chuẩn bị làm việc.

Vậy là ông ta bị bắt.

Ông nói với chúng tôi: "Các ông giỏi đấy". Thế là chúng tôi mặt đối mặt với vị chỉ huy lớn, con người mà lâu nay chúng tôi săn tìm!".
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2010, 04:54:48 pm »

Tơ-rep-pe bị mang đến trụ sở của đội đặc nhiệm. Dọc đường anh hỏi Pi-e-pe xem Pi-e-pe thuộc Ge-sta-pô hay cơ quan phản gián. Pi-e-pe trả lời y thuộc cơ quan phản gián, thái độ Tơ-rep-pe rõ ràng có vẻ dễ chịu. Anh nói: "Đối với tôi, thế là hết. Tất nhiên tôi sẽ nói với các ông nhiều điều nhưng không phải tất cả... Chắc ông có thể hiểu”. Đến Tổng hành dinh Ge-sta-pô, hai người ngồi nói chuyện thoải mái bên cốc cà phê, vừa uống vừa hút xì-gà như những người bạn cũ gặp lại nhau.

Vị chỉ huy lớn bị nhốt một mình trong một xà lim ở tầng trệt của trụ sở đội đặc nhiệm. Anh ở đấy mười tuần lễ. Cứ ba ngày lại có một bác sĩ Đức chuyên khoa về tim đến thăm bệnh. Người ta chăm sóc anh cẩn thận và các cuộc thẩm vấn diễn ra dưới hình thức những buổi trò chuyện thân mật thường là về buổi chiều.

Tơ-rep-pe đã tiết lộ cho Ge-sta-pô mọi chi tiết, và các bạn chiến đấu thân cận nhất của anh đều bị bắt. Khi Hin-le Kat được dẫn vào xà lim của anh, Tơ-rep-pe nói: "Kat ạ, chúng ta phải hợp tác với các ông này thôi. Chúng ta không còn lối thoát nào khác". Họ không biết rằng lúc bấy giờ Kent cũng đã bị giam trong hầm của Ge-sta-pô ở Béc-lanh.

Đến đầu tháng 12 năm 1942, người ta chuyển Tơ- rep-pe đến Pa-ri. Sau khi nghỉ lại ở Mác-xây, ngày 12 tháng 11, người ta dẫn anh đến Béc-lanh để khẳng định các mối liên lạc với nhóm Bây-xen Hóc-nác. Đồng thời Ge- sta-pô cho Tơ-rep-pe biết kế hoạch của họ: họ muốn dùng điện dài để xác lập giữa Mát-xcơ-va và Béc-lanh những tiếp cận nhằm đi đến một ký kết hoà bình riêng rẽ. Điều đó có nghĩa là làm cho mặt trận Đồng Minh chống Hít-le bị tan rã.

Tơ-rep-pe muốn tìm mọi cách làm cho kế hoạch ấy thất bại. Chỉ có với uy tín của anh và qua con đường của Đảng Cộng sản Pháp thì trò chơi ấy của Ge-sta-pô bằng điện đài mới có thể được Mát-xcơ-va tin. Nếu Đảng Cộng sản Pháp biết là Tơ-rep-pe đã bị bắt thì đó sẽ là một dấu hiệu cảnh cáo đủ cho Mát-xcơ-va hiểu. Và lúc bấy giờ, Ge-sta-pô sẽ phải từ bỏ kế hoạch của họ. Lấy cớ tiếp xúc với Đảng Cộng sản Pháp, Tơ-rep-pe vào ngôi nhà gần Sa- tơ-lê và mặc dầu luôn luôn có nhân viên Ge-sta-pô bí mật theo dõi, anh đã tìm cách gửi đến Mát-xcơ-va một báo cáo về các sự kiện trong mấy tuần vừa qua.

Sau đó sự việc diễn tiến đến nỗi Ge-sta-pô cung cấp cho anh tiền bạc, giấy tờ, căn cước và cho anh đến ở tại biệt thự Nôi-y. Với sự bảo lãnh của anh, anh đã kéo được hai cộng sự thân cận nhất đến gần mình.

Khi Tơ-rep-pe được tin dường như Ge-sta-pô đã nắm được một nhân viên liên lạc của Đảng Cộng sản Pháp mà qua đó chúng có thể biết được bản báo cáo vừa gửi đến Mát-xcơ-va thì anh quyết định tìm cách trốn thoát. Mặc dầu luôn luôn có một hoặc hai nhân viên Ge-sta-pô đi theo một cách kín đáo, vị chỉ huy lớn vẫn thực tế có thể đi một mình trong Pa-ri.

Ngày 13 tháng 9 năm 1943, anh đi cùng người bảo vệ nhân viên Ge-sta-pô đến một hiệu thuốc gần ga Xanh La-da. Tên nhân viên Ge-sta-pô bị những cơn đau dạ dày mãnh liệt. Tơ-rep-pe bảo đảm tìm cho hắn một dược sĩ có thứ thuốc chữa rất công hiệu. Tên nhân viên Ge-sta-pô ngồi lại trong xe. Tơ-rep-pe bước vào hiệu thuốc và... không bao giờ trở ra nữa.

Hiệu thuốc ở giữa góc chéo của hai đường phố cho nên có hai lối vào. Vài giờ sau, Tơ-rep-pe đã yên vị ngồi trên toa tàu hoả ngoại ô để đi đến Xanh Giéc-manh Lay. Ở đó anh có thể có chỗ trú ẩn tốt.

Bộ máy cảnh sát Đức ở Pa-ri được huy động để lùng sục. Cả khu vực nhà ga bị bao vây nhưng vị chỉ huy lớn đã biến mất.

Trong thời gian này, Kent bị thẩm vấn. Y tiết lộ các nơi ẩn giấu của Tơ-rep-pe, có thể có Xanh Giéc-manh Lay. Chủ nhà bị bắt nhưng Tơ-rep-pe thì chạy thoát. Bắt đầu từ đó, anh thay đổi hàng ngày chỗ ở. Cho đến khi anh tìm thấy một chỗ dung thân trong một căn phòng chỉ cách trụ sở đội đặc nhiệm đi tìm "Dàn nhạc đỏ" chưa đầy một trăm mét.

Anh được chứng kiến cảnh kẻ địch săn lùng anh. Dưới sự kiểm soát của Ge-sta-pô, Kent đánh điện sang Mát-xcơ-va: "Vị chỉ huy lớn hiện giờ ở đâu? Anh đã thoát nhà tù của Đức chưa?". Vị tổng chỉ huy cơ quan mật vụ quân đội Liên Xô, nguyên soái Ku-zơ-nhet-xôp trả lời: "Gin-be hãy trốn đi. Tơ-rep-pe này không làm được gì nữa. Đó là một tên phản bội".

Bọn Ge-sta-pô vẫn tiếp tục kế hoạch chia rẽ mặt trận Đồng Minh. Nhưng những kế hoạch ấy đã tan thành tro bụi khi ngày 31 tháng 8 năm 1944, các xe tăng Đồng Minh đã xông vào chiếm lại Pa-ri.

Đội đặc nhiệm săn tìm "Dàn nhạc đỏ" vội vàng thu xếp hành trang và cuốn gối vù về Đức.

Phái đoàn quân sự Xô Viết đóng ở ngôi nhà trước kia là sứ quán E-xtô-ni. Chính ở đây, Tơ-rep-pe, vị chỉ huy lớn đã xuất hiện. Anh được đưa về Mát-xcơ-va bằng chuyến máy bay đầu tiên.

Ngày 6 tháng 1 năm 1945, một chiếc Dakôta cất cánh từ một sân bay gần Pa-ri đi Mát-xcơ-va. Trên máy bay ấy có vị chỉ huy lớn.

Đến Mát-xcơ-va, Tơ-rep-pe được dẫn đến vị Tổng chỉ huy, thủ trưởng của anh. Vị Tổng chỉ huy trao đổi một vài câu với anh, sau đó anh bị nhốt vào nhà tù nổi tiếng Lu-bi-an-ca.

Tơ-rep-pe ở nhà tù ấy mười năm. Sau khi được giải phóng, anh trở về Tổ Quốc và sinh sống ở Vác-sa-va.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2010, 08:55:44 am »

KHÁM PHÁ BÍ MẬT BOM BAY V1 VÀ V2

Mùa thu 1944. Với các vũ khí bí mật, Hít-le hy vọng kéo dài thời kỳ hấp hối của chủ nghĩa phát-xít. Y dự định dội xuống Luân Đôn một đòn sấm sét để làm tê liệt trung tâm các lực lượng Đồng Minh. Nhưng với dự kiến phóng sang Anh năm mươi ngàn quả bom bay V1, y chỉ phóng được hai ngàn năm trăm quả, như vậy là quá ít và quá muộn.

Nô-en 1942. Bọn phát-xít cho thí nghiệm lần đầu tiên chiếc máy bay không người lái. Từ lúc quyết định chế tạo cho đến lúc phóng chiếc đầu tiên, chỉ mất hơn sáu tháng. Thật ra đó là một chiếc bom bay. Vũ khí mới này được gọi là V1, giá tiền chỉ bằng một phần mười loại bom bay V2 chế tạo sau đó. Nhưng nó cũng chứa gần chín trăm kí thuốc nổ và bay xa được gần bốn trăm kilômét. Chỉ cần hai trăm tám mươi giờ làm việc là chúng đã có thể chế tạo hàng loạt loại bom bay này. Mỗi quả dài tám mét, nặng hai ngàn hai trăm ký và đạt tốc độ sáu trăm sáu mươi lăm kilômét một giờ. Phía đầu quả bom bay có một chiếc chong chóng nhỏ, chiếc chong chóng này rất quan trọng vì chính nó điều khiển hệ thống tự động lao quả bom xuống mục tiêu và cho nổ, khi nó đã quay đủ số vòng cần thiết do người phóng tính trước.

Khái niệm về động cơ phản lực do người Pháp Ka- ra-vô-din đề xuất đầu tiên và được cấp bằng phát minh năm 1907. Ba năm sau , tháng 5 năm 1910, một người Bỉ là Mác-con-nê đề xuất một loạt hệ thống phản lực khác nhau, có thể dùng cho máy bay và khinh khí cầu. Bom bay V1 của Đức đã ứng dụng một trong những hệ thống này.

Đương nhiên là địa điểm chế tạo và thí nghiệm V1 được giữ tuyệt mật. Nhưng nó đã không thoát được con mắt của tình báo Ba Lan, trước hết bởi lẽ phần lớn công việc do các tù khổ sai làm, trong đó có nhiều người thuộc quốc tịch Ba Lan. Cốc-giăng, kỹ sư phụ trách trung tâm tin tức về kỹ thuật ở Vác-xa-va đã nghe nói đến một thứ vũ khí bí mật nào đó đang được nghiên cứu, chế tạo. Anh là một nhà chế tạo máy bay chuyên nghiệp. Anh phái kỹ sư Dơ-rét-de với tư cách là người tình nguyện nước ngoài, đến xin làm việc. Chỉ ít lâu sau, Vác-xa-va đã nhận được bản báo cáo đầu tiên trên mi-cơ-rô- phim, có cả bản vẽ. Bản báo cáo được gửi đến Anh, qua con đường Thuỵ Điển.

Cách Luân Đôn năm mươi ki-lô-mét có một trung tâm nghiên cứu các bức ảnh chụp bằng máy bay. Ngày 19  tháng 4 năm 1943, các chuyên gia được lệnh của Bộ Không quân điều tra mối hiểm hoạ của các vũ khí bí mật của Đức quốc xã dựa vào các tấm ảnh chụp. Sáu năm sau khi người Đức xây dựng các cơ sở thí nghiệm và chế tạo, không quân Anh mới bắt đầu thực hiện chương trình trinh sát để điều tra, nghiên cứu.

Một số thanh niên quen biết đều làm việc ở trung tâm này như Xa-ra Soóc-sin, con gái của Thủ tướng Anh Soóc-sin, Pê-te Rô-dơ-ven, con trai của Tổng thống Mỹ... Nhưng vai trò quan trọng lại thuộc về cô Ba-bin-tơn Xmit, con gái của viên giám đốc Ngân hàng Anh.

Ba-bin-tơn Xmit kể lại:

"Tôi được giao nhiệm vụ đặc biệt. Nhóm của tôi nghiên cứu qua các tấm ảnh để phát hiện các công trình nghiên cứu và chế tạo bí mật của địch. Sau đó chúng tôi lập các bản báo cáo. Mùa xuân năm 1943, chúng tôi được lệnh đặc biệt chú ý đến cơ sở Pen-nơ-mun-đơ. Tôi phải chú ý xem ở đó có những gì khác thường. Mặc dầu vậy, tôi cũng không được phép hỏi công việc khác thường ấy là cái gì. Nhưng tôi cần cảnh giác. Và quả là chỉ một thời gian sau, tôi thấy ở đó có cái gì rất khác lạ. Tôi phát hiện thấy có một vật nhỏ rất lạ lùng mà sau chúng tôi biết là một chiếc máy bay phản lực không có đuôi người ta đang thể nghiệm. Tôi khảo sát và làm bản báo cáo. Những điều trên đây rất đáng chú ý. Nhưng một thời gian sau, tôi lại nhận thêm được nhiều tin tức khác cũng rất bí mật mặc dầu còn rất ít chi tiết. Tôi phải theo dõi để tìm một chiếc máy bay rất nhỏ. Lúc đó là mùa thu năm 1943 và tôi chưa biết rằng đã có nhiều báo cáo gửi về nói đến một chiếc máy bay không người lái mà địch có thể dùng để đánh nước Anh.

...Tôi quan sát tỉ mỉ các bức ảnh cũ và mới. Đó là kỹ thuật tình báo - ảnh. Tôi muốn nói đến sự so sánh các tấm ảnh cũ và các tấm ảnh mới, chính nhờ đó ta thường có thể hiểu ra những điều quan trọng trong các tấm ảnh cũ mà thoạt đầu ta chưa nhìn thấy gì cả. Rõ ràng là tôi đã phát hiện được một chiếc máy bay rất nhỏ ở bên cạnh các hầm máy bay. Nhưng điều đó chưa nói lên cái gì rõ ràng lắm. Tôi lập báo cáo và sự việc chỉ mới dừng lại ở đó".

Một nhóm chuyên trách nghiên cứu các tên lửa bí mật của Đức, từ tháng 6 năm 1943 đã phát hiện ra những vật giống như những tên lửa đặt trên các xe cam-nhông và đang ở tư thế sẵn sàng phóng đi. Điều đó đã khiến Bộ Tư lệnh chiến tranh quyết định giội một trận bom dữ dội xuống vùng Pen-nơ-mun-đơ.

Ngày 17 tháng 8 năm 1943, sau mười hai giờ đêm, sáu trăm máy bay bỏ bom hạng nặng đã giội bom xuống khu vực trên. Người ta báo trước cho bốn ngàn phi công Anh là nếu trận đánh bom hôm đầu không phá huỷ được khu Pen-nơ-mun-đơ thì họ sẽ phải làm lại, hết đêm này sang đêm khác, kỳ đến khi nào hoàn thành nhiệm vụ mới thôi. Điều cần là phải "phá tan khu vực thí nghiệm và giết hoặc làm, bị thương nặng tất cả các nhân viên kỹ thuật làm việc ở đó.”

Khi vượt qua biển Bắc, máy bay phải bay sát mặt sóng biển để tránh hệ thống theo dõi của bộ đội phòng không Đức. Trận bom chia làm ba đợt và tất cả không quá bốn mươi lăm phút.

Từ lúc hai mươi ba giờ, tám máy bay dẫn đường đã thực hiện chiến thuật đánh lừa địch bằng cách bay thẳng về hướng Béc-lanh. Đây là một chiến thuật quan trọng. Lập tức không quân Đức đã phóng lên một lực lượng khổng lồ các máy bay chiến đấu. Hơn hai trăm chiếc quần lượn trên bầu trời để bảo vệ thủ đô chống sáu trăm máy bay ném  bom. Chính trong thời gian này, sáu trăm máy bay ấy lại đang giội bom xuống cơ sở Pen-nơ-mun-đơ không có một máy bay chiến đấu nào bảo vệ cả. Cả một khu vực rộng lớn trở thành một biển lửa và những cột khói bốc lên đến tận trời cao. Gần hai ngàn tấn bom đã giội xuống cơ sở thí nghiệm nhưng chủ yếu rơi xuống trại những người lao động khổ sai, các hầm trú ẩn của các nhà bác học Đức cùng với một số bộ phận của xưởng chế tạo. Ba trăm phi công Anh đã bỏ mạng trong cuộc oanh tạc này.

Hôm sau, một máy bay trinh sát bay trên vùng trời Pen-nơ mun-đơ. Các tấm ảnh chụp được cho ta thấy toàn cảnh khu vực thí nghiệm. Các chuyên gia nghiên cứu ảnh kết luận rằng hai hầm chế tạo vũ khí không bị đánh phá mặc dầu trông bề ngoài có vẻ như đã bị phá hoại.

Viên chỉ huy khu vực thí nghiệm báo cáo về Béc- lanh: "Ngược lại với đánh giá ban đầu, nhà máy chế tạo bị hư hại rất ít" . Những cơ sở quan trọng nhất không bị đụng đến. Khu vực nhà ở của các nhà khoa học Đức bị phá hoại nghiêm trọng và trong ba mươi khu tù nhân khổ sai thì mười tám khu bị quét sạch. Bọn S.S. đã bắn vào các tù nhân định lợi dụng cơ hội bỏ bom để chạy trốn, làm cho số người chết tăng thêm. Không một người lao động nước ngoài nào chạy thoát. Sau đêm đó, Luân Đôn không còn nhận được bản báo cáo nào nữa của hai thành viên phong trào kháng chiến của Ba Lan, loại có trình độ kỹ thuật.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2010, 08:58:36 am »

Một phi công Anh bị bắt làm tù binh, có tính ba hoa, đã đe doạ trong lúc bị thẩm vấn: "Chúng tôi còn trở lại mãi chừng nào mà cơ sở thí nghiệm chưa bị phá huỷ hoàn toàn" . Do đó bọn Đức đã dùng một chiến thuật lừa bịp lớn. Những phần bị hư hại không được sửa chữa lại. Vùng đất bị bom cày xới vẫn để nguyên. Toàn cảnh cho ta cảm giác là cơ sở thí nghiệm đã ngừng hẳn hoạt động. Kết quả là: trong chín tháng, các máy bay ném bom không trở lại nữa.

Đối với bom bay V1, cuộc tiến công bằng không quân của Anh đã xảy ra quá muộn nên không ngăn chặn được việc tiếp tục chế tạo và sử dụng nó trong chiến tranh. Bọn Đức không chế tạo ở Pen-nơ-mun-đơ mà ở nhà máy Vôn-va-gien. Tháng 9 năm 1943, chúng đã có thể chế tạo hàng loạt bom bay V1. Năm mươi ngàn quả bom bay V1 đầu tiên sẽ bắn đến Luân Đôn vào tháng 12 năm 1943. Kế hoạch dự kiến là: hai giờ trước bình minh, bắt đầu bằng một đợt bắn cấp tập, sau đó bắn lần lượt ba quả với tốc độ cực lớn. Đến trưa, một đợt bắn một trăm quả (sau đó mỗi giờ bắn hai hoặc ba quả). Buổi chiều lại bắn cấp tập, với tốc độ cực nhanh.

Nhưng kế hoạch này chỉ là những dòng chữ chết trên giấy. Điều đó trước hết là nhờ ông Mi-sen Hô-la, một đại biểu thương mại của Pa-ri. Sau chiến tranh, Hô-la đã được tặng danh hiệu "Cứu tinh của Luân Đôn", danh hiệu cao quý nhất mà nước Anh tặng cho một người ngoại quốc.

Tháng 8 năm 1943, ở Ru-ăng (Pháp) là nơi bắt đầu phát hiện ra chiến dịch V1 sắp tới. Một công nhân cơ khí ở Ru-ăng vô tình đã cho Hô-la biết điều bí mật ấy. Anh ta viết cho Hô-la là anh đã nghe hai nhà xây dựng công trình bàn cãi nhau về việc chế tạo một cái gì rất mới lạ đòi hỏi người Đức phải dùng đến những lượng bê tông khổng lồ. Sau đây là lời kể lại của M. Hô-la:

"Tôi được một kỹ sư đường sắt ở Ru-ăng, thành viên trong mạng lưới thông tin của tôi, cho biết là kẻ địch đang xây dựng ở gần thành phố những công trình đặc biệt không biết dùng vào mục đích gì nhưng rất quan trọng. Y mời tôi đến tận nơi để xem xét. Vậy là tôi đến Ru-ăng. Ở đó tôi được biết và khẳng định là các công trình này cực kỳ quan trọng và bí mật nhưng không thể hiểu dùng để làm gì. Trước khi đi điều tra, tôi đã biết hàng trăm thậm chí hàng nghìn công nhân trẻ được điều đến để xây dựng các công trình ấy. Tôi bèn tìm đến bàn giấy và tự giới thiệu là người của hội "trợ giúp xã hội". Tôi tuyên bố có nhiệm vụ mang lại niềm vui tinh thần cho những thanh niên phải sống cô độc, xa gia đình và chịu đựng mọi sự nguy hiểm. Nhờ ở màn kịch ấy, tôi biết được tên các thành phố, nơi họ tập trung thanh niên để làm các công trình bí mật.

Địa điểm đầu tiên ở Ô-phay, một nhà ga nhỏ trên đường sắt Ru-ăng. Tôi đi tàu hoả đến Ô-phay, mặc quần áo xanh công nhân, và cũng có thể xem là quần áo nông dân. Vừa bước ra khỏi nhà ga, tôi đi tìm ngay các nơi xây dựng công trình. Thoạt đầu tôi đi bộ bốn kilômét mà chẳng tìm thấy gì cả. Lần thứ hai, tôi đi theo một con đường khác và kết quả cũng không hơn gì lần thứ nhất. Lần thứ ba cũng vậy. Cuối cùng lần thứ tư, tôi đi đến chỗ cách trung tâm Ô- phay bốn kilômét, vào giữa một công trường trong đó có vô số thanh niên công nhân, xung quanh có lính gác. Công trường nằm trên một diện tích vuông, khoảng bốn trăm mét mỗi chiều.

Bây giờ tôi cần phải vào chính trong khu vực ấy để biết tại sao lại có sự làm việc vội vã, căng thẳng như vậy. Tôi gặp một người đang đẩy một chiếc xe lăn, tôi nắm tay anh ta và cùng anh ta đẩy chiếc xe vào phía công trường. Bọn lính gác nghĩ tôi là một người thợ nên cho đi qua.

Khi đã vào bên trong, tôi bắt đầu hỏi những người đang làm việc để tìm hiểu xem họ đang làm cái gì. Lúc bấy giờ, theo họ thì họ đang làm một nhà ga-ra để chứa những chiếc xe cam-nhông khổng lồ. Đương nhiên thông tin ấy không làm cho tôi thoả mãn. Tôi nghĩ là còn cần phải tiếp tục tìm hiểu thêm. Bỗng nhiên, một người trong bọn họ chỉ cho tôi một người khác đang chỉ huy các công việc và đang nói chuyện với một người Đức: “Cái ông kia, ông ấy biết đấy. Tại sao ông không đến đấy mà hỏi?". Tôi tìm cách tiếp cận với con người ấy nhưng viên sĩ quan Đức không rời khỏi y một phút. Tôi phải chờ cho lúc viên sĩ quan đi rồi mới lại gần y và cũng làm cái "công việc" như y đang làm. Rồi tôi tìm cách hỏi chuyện nhưng y cũng chẳng biết gì hơn. Y có vẻ hoàn toàn không chút ngạc nhiên gì về câu hỏi của tôi mà cả chỉ nói: "Gần đây cũng có nhiều công trường như thế này". Sau đó y cho tôi một vài thông tin mà tôi nghĩ rằng sau này sẽ bổ ích.

Tuy nhiên có một điều làm cho tôi đặc biệt chú ý: bức thành xi măng dài khoảng năm mươi mét chạy dọc công trình được xây một cách chuẩn xác theo một sợi dây này phải hướng về một cái gì quan trọng lắm. Tôi kín đáo rút ra một chiếc la bàn lên tấm bản đồ khu vực, tôi nhận ra rằng, hướng ấy kéo dài ra thì sẽ hướng về phía Luân Đôn. Đó là điều phát hiện quý giá đầu tiên của tôi về thứ vũ khí bí mật mà sau này chúng ta đã biết".

Hô-la cùng bốn cộng sự nữa nhảy lên xe đạp và đi khắp mọi nẻo đường phía bắc nước Pháp, từ Ca-le đến Séc- bua. Trong ba tuần lễ đầu, họ đã phát hiện ra sáu mươi công trình xây dựng. Đến giữa tháng 11, họ tìm ra hơn một trăm công trình. Tất cả những công trình bí mật ấy nằm trên một khoảng đất dài ba trăm kilômét, rộng năm mươi kilômét, gần như song song với bờ biển. Tất cả đều hướng về phía Luân Đôn.

Cuối tháng 11 năm 1943, không quân Anh thực hiện các chuyến bay trinh sát trên các khu vực do Hô-la thông báo, đã chụp ảnh được sáu mươi chín công trình.

Ngày 1 tháng 12 năm 1943, chính cô Ba-bin-tơn Xmit cuối cùng đã làm sáng rõ được tấm màn bí mật đang trùm lên trên các công trình ấy.

Ba-bin-tơn Xmit kể lại:

“Đương nhiên các cơ quan nghiên cứu Pen-nơ- mun-đơ có nhiều khu vực thể nghiệm và một nhóm đồng nghiệp của tôi phụ trách phát hiện khu vực có những công trình chế tạo bom bay V2.

Tôi chuyên môn về khu vực sân bay và mỗi nhóm chúng tôi chuyên về một khu vực riêng biệt. Bằng mọi cách, tôi ra sức tìm kiếm một cách kiên nhẫn chiếc máy bay bé nhỏ đặc biệt. Nhưng người nghiên cứu ảnh tất nhiên phải mở rộng sự quan sát và thế là tôi đã đi ra khỏi phạm vi sân bay để hướng dần về phía bãi biển Ban-tích. Lúc bấy giờ người ta đang tiếp tục xây dựng để mở rộng các khu vực sân bay. Trên các khu vực ấy có nhiều loại dụng cụ xây dựng, những điều mà tôi không quan tâm bởi lẽ tôi chỉ chú ý riêng đến các máy bay. Thế nhưng tôi đã quan sát các dụng cụ ấy từ sân bay cho đến bãi biển và lúc đến sát bờ biển, tôi phát hiện một vài công trình kỳ lạ mà chưa bao giờ tôi trông thấy.

Trong trường hợp người ta nghi là đã phát hiện ra điều có thể có liên quan đến cái người ta tìm kiếm, người ta sẽ làm một bản báo cáo rõ ràng và đơn giản. Tôi nhớ là tôi đã nói với các đồng nghiệp như sau: "Này các cậu hãy nhìn đây - Tôi thấy cái này giống như cái mà người ta thường xây dựng để bắn đi một cái gì đấy vượt qua mặt biển".
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2010, 09:01:12 am »

Chúng tôi quan sát thấy những bệ nghiêng mà phía cuối ngẩng lên cao và hướng về phía biển. Vì khu vực này không thuộc phạm vi của tôi, tôi tìm những người có trách nhiệm và hỏi họ xem đã trông thấy những chiếc bệ kỳ lạ như thế này bao giờ chưa và theo họ thì chúng dùng để làm gì. Người ta trả lời tôi rằng họ đã trông thấy những cái đó. Họ ngờ rằng những chiếc bệ ấy nhằm mở rộng khu vực sân bay.

Tôi trở về cơ quan, có phần nào không thoả mãn về những điều đã phát hiện ra. Tôi quan sát lại các tấm ảnh và trong đầu luôn luôn bị ám ảnh bởi những chiếc máy bay không người lái. Tôi báo cho vị chỉ huy đang ở Luân Đôn và mời ông ta khi trở về gặp tôi. Ông ta đã tìm gặp tôi ngay. Khi tôi chỉ cho ông xem các tấm ảnh, ông ngồi im lặng hồi lâu. Tôi ngờ rằng ông ta cho là tôi đã nhầm. Tôi mạnh dạn hỏi: "Ông có nghĩ rằng những chiếc bệ ấy dùng để phóng những chiếc máy bay nhỏ không?". Ông ta trả lời: "Tôi biết có những bệ phóng như vậy!". Ông nói với một ý thức hiểu biết rõ ràng bởi lẽ ông đã biết đến các công trình như vậy ở Pháp. Lúc bấy giờ là ngày 1 tháng 12 năm 1943.

Trước đó một vài ngày, ngày 28 tháng 11, một máy bay trinh sát do một phi công trẻ có tài năng Mê-ri-phi-en lái, đã bay đi chụp ảnh thành phố Béc-lanh. Nhưng thời tiết lại rất xấu, Béc-lanh bị bao phủ sau các đám mây dày đặc. Anh ta tiếp tục chụp ảnh các vùng phụ trên bờ biển Ban- tích, nơi mà thời tiết tốt hơn. Một trong những vùng ấy chính là vùng căn cứ Pen-nơ-mun-đơ. Đúng vào buổi chiều sau khi việc phát hiện ra các bệ phóng đang làm cho tôi hết sức quan tâm và vị chỉ huy vừa nhớ lại những điều ông đã trông thấy ở Pháp thì cũng là lúc các bức ảnh mới được gửi đến cho tôi. Mê-ri-phi-en đã chụp những bức ảnh rất kịp thời. Các bệ phóng hiện ra trên các tấm ảnh và trên các bệ ấy rõ ràng có những chiếc máy bay nhỏ. Thật ra tấm ảnh không nét lắm nhưng do chúng tôi đã trông thấy chiếc máy bay và các bệ phóng trên những tấm ảnh khác , chúng tôi dám chắc rằng chúng tôi đã không nhầm. Giây phút thật là xúc động. Chứng cớ đã rõ ràng là các công trình dọc theo bờ biển Măng-sơ đều dùng để phóng bom bay. Sau đó lập tức chúng tôi phát hiện ra tầm cỡ của quả bom. Các chuyên gia đã tính được kích thước, sức nặng và sức công phá của chúng. Và lúc bấy giờ người ta đã có thể lập một kế hoạch cụ thể để đề phòng.

Ngoài việc máy bay trinh sát hàng ngày đi chụp mọi khu vực của miền Bắc nước Pháp, Bộ Tổng tham mưu Anh đã thành lập ngay lập tức một tiểu ban gọi là Cơ-rốt- xbô có nhiệm vụ hoàn toàn tập trung vào cuộc chiến đấu chống lại mọi thứ vũ khí bí mật của Đức quốc xã. Soóc-sin đích thân làm trưởng tiểu ban này và quyết định đầu tiên là lập tức giội bom xuống tất cả các công trình hiện có ở Pháp.

Theo các báo cáo của không quân hoàng gia, nhiều công trình đã được bảo vệ và nguỵ trang rất khéo léo. Người ta ngờ rằng có một vài công trình là giả tạo, một số khác đã được sửa chữa sau các trận ném bom. Một số nữa hoàn toàn ở trong màn bí mật.

Phía bên kia bờ biển Măng-sơ, đến tháng 3 năm 1944, tất cả đã sẵn sàng đón nhận các vũ khí trả thù của Hít-le. Các đơn vị cao xạ được tăng cường dọc bờ biển. Ngoài ra khu vực "đại Luân Đôn" được bao bọc bởi một vòng hai ngàn quả khí cầu. Ngày 2 tháng 5 năm 1944, người ta được tin chắc chắn là người Đức không còn có ý định xây dựng lại các bệ phóng đã bị bom phá huỷ.

Ngạc nhiên về cái tin ấy, Soóc-sin ra lệnh chụp ảnh lại một lần nữa - xin nói thêm, đây là lần thứ tư - toàn bộ miền Bắc nước Pháp. Người ta thấy rằng từ đã lâu, người Đức không còn sử dụng các công trình to lớn, đồ sộ mà các máy bay bỏ bom khổng lồ của Đồng Minh đã mất bao nhiêu công sức để công phá. Ngược lại chúng đang xây dựng bí mật những bệ phóng nhỏ, gọn nhẹ, có thể di chuyển được và nguỵ trang cực kỳ khéo léo khiến cho máy bay đối phương rất khó phát hiện.

Khoảng sau bốn giờ sáng ngày 13 tháng 6 năm 1944 , đội tuần tra của một trạm quan sát không quân ở vùng Kent, phía Nam nước Anh, nghe "một tiếng rít giống như tiếng gầm thét" và thấy bay qua trên đầu họ một "chiếc máy bay tí hon", sau đuôi phụt ra những tia sáng màu da cam. Đã quá muộn để các súng cao xạ hoặc các máy bay chiến đấu có thể ngăn cản vật lạ ấy. Nó bay vút đi một cách ngang nhiên và chỉ vài phút sau, lao xuống một thành phố nhỏ, cách mục tiêu là Tô-ơ Bơ-rit-giơ khoảng ba mươi hai kilômét.

Trong mười ngày đầu bắn phá, ba trăm bảy mươi quả bom bay V1 đã đánh trúng Luân Đôn. Sau đó các biện pháp phòng không đã được tổ chức lại: máy bay chiến đấu tìm cách chặn các bom bay V1 ngay trên biển Măng-sơ. Tất cả các súng cao xạ đều di chuyển đến dọc bờ biển. Một vòng dày khinh khí cầu bao bọc thành phố Luân Đôn. Khoảng giữa hàng rào cao xạ bờ biển và hàng rào khinh khí cầu máy bay tiềm kích bay tuần tra thường trực. Các biện pháp đề phòng có hiệu quả đến nỗi trong một ngày, chín mươi bảy quả bom bay bắn sang thì chỉ có bốn quả vượt được các hàng rào để lao xuống thủ đô Luân Đôn.

Ngoài ra hàng vạn người dân Luân Đôn thoát chết chính là nhờ kỹ thuật bom bay của Đức còn có chỗ chưa hoàn hảo. Từ khi quả bom lao xuống cho đến lúc nổ, còn có một vài giây khiến người ta có thể chạy ngay đến chỗ ẩn nấp. Một yếu tố quan trọng nữa là trong thời gian phóng bom bay, người Đức không biết được cụ thể hiệu quả. Chúng phải dựa vào các tin tức trên báo hàng ngày của Anh phát hành sau các trận phóng bom để dự đoán kết quả của vũ khí bí mật. Nhưng đến một lúc chúng cũng thiếu nốt phương tiện ấy: các tin đăng trên báo nói rất ít và rất lờ mờ. Nguồn tin cuối cùng là do các nhân viên phản gián làm việc ở Anh. Nhưng thời gian này, cơ quan mật vụ Anh đã khôn khéo chặn tất cả các sóng điện phát ra ngoài. Vì vậy mà tám mươi phần trăm các vụ phóng đều chệch mục tiêu.

Nhưng người Đức không phải chỉ có V1. Ngày 19  tháng 9 năm 1939, mười chín ngày sau khi cuộc thế chiến thứ hai bùng nổ, Hít-le lần đầu tiên tuyên bố trước thế giới, qua một bài phát biểu trên đài phát thanh, là nước Đức có một thứ vũ khí chưa ai biết đến. Hít-le không nghĩ rằng câu nói đơn giản ấy đã lập tức làm nổ ra cuộc chiến đấu của Đồng Minh chống thứ vũ khí bí mật ấy, cuộc chiến đấu kéo dài từ đầu cho đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến và cái giá phải trả là hơn hai ngàn chín trăm phi công Đồng Minh phải hy sinh tính mệnh, hàng trăm máy bay ném bom bị bắn rơi và khoảng năm trăm ba mươi triệu đô-la bị tiêu phí.

Đài BBC đã ghi âm ngay bài phát biểu của Hít-le và chuyển đạt cấp tốc cho Chính phủ.

Thủ tướng Săm-béc-lanh ( Thủ tướng Anh trước Soóc-sin) giao cho cơ quan tình báo Anh nghiên cứu ngay đó là thứ vũ khí gì. Giáo sư Vic- to Giôn chỉ huy bộ phận nghiên cứu khoa học của cơ quan phản gián, một bộ phận mới thành lập của không quân Anh, kể lại:

"Đầu tháng 9 năm 1939, tôi nhận trách nhiệm chỉ đạo một cơ quan thông tin khoa học. Phải nói rằng chúng tôi hoàn toàn chưa biết một tí gì về những điều đã xảy ra ở Đức trên bình diện khoa học, kỹ thuật. Chúng tôi phải tìm cách lấp lỗ hổng ấy.

Vừa mới nhậm chức thì tôi đã nhận ngay được một bưu kiện do sứ quán Anh ở Ô-xlô (Na-uy) gửi về Luân Đôn. Câu chuyện về bưu kiện ấy hơi rắc rối. Một hôm trong thùng thư của sứ quán Anh, người ta thấy một lá thư nói rằng "Nếu các ông muốn biết về những hoạt động khoa học kỹ thuật ở Đức thì các ông chỉ cần thay đổi một chút trong lời mở đầu các buổi phát thanh của đài BBC hướng về Đức". Nếu tôi nhớ không nhầm thì người ta đề nghị thay lời mở đầu thông thường bằng câu: "A-lô! Đây là Luân Đôn". Tác giả của bức thư vô danh sẽ biết rằng chúng tôi cần có những thông tin về tình hình khoa học kỹ thuật ở Đức và sẽ tìm cách thông báo cho chúng tôi biết.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2010, 09:03:35 am »

Chúng tôi thay đổi ngay lời mở đầu buổi phát thanh BBC và hôm sau, trong thùng thư sứ quán lại có một lá thư thứ hai. Tuỳ viên hải quân Anh mang lá thư ấy về Luân Đôn. Một sĩ quan bước vào phòng tôi và nói: "Đây lá thư cho ông". Y đặt bưu phẩm lên bàn. Tôi tự hỏi không biết trong này có cái gì: rất có thể đây là một cái bẫy. Nó có thể nổ tung khi mở ra chăng? Tôi mở bưu phẩm cực kỳ thận trọng. Nó không nổ tung, mặc dầu bên trong là một tên lửa. Tên lửa này do người vô danh gửi kèm theo một bản báo cáo. Người ấy viết rằng đây là bộ phận mà người Đức đang thực hiện và sẽ dùng để chế tạo một loạt tên lửa có điều khiển để chống máy bay.

Tên lửa không cần phải đụng vào máy bay mới nổ, chỉ cách một quãng cần thiết nó đã nổ. Ngoài tên lửa, trong thư còn có nhiều thông tin khác. Một thông tin có liên quan đến hai loại ra-đa mà người Đức đã thực hiện. Chính nhờ loại ra-đa này, kẻ địch đã hạ được nhiều máy bay của Anh trong hai trận oanh tạc vừa qua. Đương nhiên những thông tin đó làm cho chúng tôi hết sức quan tâm. Sau đó chúng tôi lại được biết người Đức đã chế tạo được các thuỷ lôi có điện nam châm. Ngoài ra có một cơ sở gọi là Pen-nơ-mun-đơ rất quan trọng. Tác giả bức thư không nói gì rõ về điểm này nhưng ở một giai đoạn khác trong bản báo cáo, anh ta ngầm ý nói rằng ở đó có một tên lửa tầm xa, đường kính tám mươi xăng-ti-mét, người Đức vừa mới hoàn thành. Một thông tin khác có liên quan đến việc hoàn tất một phương pháp mới nhằm đo đạc các khoảng cách trên không mà anh ta gọi là thước đo vô tuyến của phi  công. Người ta có thể sử dụng các máy ấy ở mặt đất để điều khiển các máy bay ném bom. Thông tin này cực kỳ quan trọng, sau này loại máy ấy được gọi là máy Y.

Chúng tôi lưu giữ tất cả các thông tin ấy và đương nhiên là cơ sở Pen-nơ-mun-đơ đối với chúng tôi có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng cũng như hiện tượng người Đức đang thể nghiệm các loại tên lửa lớn.

Nhưng bản báo cáo lại gặp số phận không may. Nó quá đẹp và chứa đựng quá nhiều thứ, có liên quan đến bao nhiêu lãnh vực, từ ra-đa đến tên lửa rơi đến các máy bay Jung-ke 88 dùng làm máy bay ném bom - điều mà lúc bấy giờ chúng tôi chưa hề biết đến. Vì vậy mà các bộ, ban lãnh đạo hải quân, bộ không quân và nội các chiến tranh, lúc đọc bản báo cáo, nói chung đều có thái độ ngờ vực. Nhất là ban lãnh đạo hải quân biểu lộ thái độ hoàn toàn không tin tưởng: người ta cho rằng ở Đức làm gì có người nào lại biết được lắm thứ như vậy. Bản báo cáo chỉ là một mánh khoé của cơ quan mật vụ Đức nhằm cung cấp cho người Anh những tin thất thiệt làm cho người Anh sao nhãng, không chú ý đến những gì đang thật sự xảy ra ở Đức. Riêng phần tôi, tôi không tán thành quan điểm ấy và tôi cứ lưu giữ bản báo cáo. Các bản sao khác, tôi chắc là đều bị huỷ hết".

Số lượng lớn các bản vẽ và kế hoạch trong báo cáo, khối lượng quá lớn các thông tin khoa học mà một người riêng rẽ không thể nào biết hết được, những tri thức quá xa sự thật khiến người ta nghĩ đến một cuốn tiểu thuyết của G. Véc-nơ v.v... Tất cả những điều đó làm cho các cơ quan chuyên môn ở Luân Đôn xem bản báo cáo là một trò bịp của cơ quan tuyên truyền Đức. Vì vậy người ta cho vào hồ sơ lưu trữ. Thế nhưng giáo sư con rể của Soóc-sin, ở Bộ Tiếp tế lương thực, đã nhiều lần tìm "báo cáo Ô-xlô" để nghiên cứu.

Năm 1936, ở Đức người ta đã bắt đầu xây dựng trung tâm nghiên cứu Pen-nơ-mun-đơ và chú ý nghiên cứu các loại tên lửa lớn. Chính ớ đây người ta đã thể nghiệm loại tên lửa lớn đầu tiên, sau này gọi là bom bay V2.

Nhưng sau khi cuộc chiến bắt đầu, công việc đã ngừng lại. Nó ngốn quá nhiều ngân sách của không quân. Vả chăng sau các chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng thành công, Hít-le nghĩ rằng không cần phải có tên lửa cũng có thể chiến thắng được.

Chỉ đến ngày 20 tháng 8 năm 1941, Hít-le mới ra lệnh tiếp tục nghiên cứu V2 bởi lẽ sau những trận oanh tạc các thành phố lớn của không quân Anh, và Mỹ bắt đầu cung cấp vũ khí cho Liên Xô thì cuộc chiến bắt đầu chuyển sang một cục diện mới. Đức dốc sức vào việc chế tạo vũ khí bí mật.

Quả bom bay V2 đã phóng lên thành công ngày 3 tháng 10 năm 1942. Nó nặng gần mươi hai tấn, dài khoảng mười hai mét, đường kính một mét năm mươi, chứa một tấn thuốc nổ và có thể bay xa ba trăm bốn mươi kilômét. Có nhiều tín đồn đại về vũ khí bí mật của Đức nhưng hãy còn mơ hồ nên ít người chú ý. Mãi đến cuối 1941, ba bản báo của một nhà hoá học Đan Mạch gửi đến Luân Đôn mới chỉ rõ Pen-nơ-mun-đơ là một trung tâm nghiên cứu vũ khí cực kỳ quan trọng. Cơ quan tình báo của phong trào kháng chiến Ba Lan cũng khẳng định tin này.

Giáo sư Giôn kể lại:

"...Khoảng tháng 12 năm 1942, chúng tôi bắt đầu chú ý đến "báo cáo Ô-xlô" và tên lửa tầm xa. Nhà kỹ sư hoá học Đan Mạch cho chúng tôi biết là ở Béc-lanh, ông đã bất ngờ nghe được mẩu chuyện giữa hai kỹ sư nói về một thứ vũ khí mới có thể bắn từ bờ biển Ban-tích và có thể đi xa tới hai trăm kilômét. Chúng tôi bắt đầu lo ngại. Đầu năm 1943, nhiều bản báo cáo khác cũng nói về vấn đề ấy. Đúng là một cái gì đó đang diễn ra trên bờ biển Ban- tích. Một hôm viên sĩ quan trợ lý bỗng nhiên nói với tôi: "Này giáo sư, chúng ta cần phải chú ý một cách nghiêm túc đến các tên lửa ấy đấy. Ông xem đây", y đưa cho tôi bản ghi âm cuộc nói chuyện của hai viên tướng Đức trong nhà tù. Máy ghi âm được giấu kín ở một góc phòng giam. Một viên tướng nói: "Chắc có điều gì trục trặc về các tên lửa. Tôi đã trông thấy chúng cách đây mười tám tháng và viên chỉ huy đã nói với tôi là sẽ dùng sau một năm. Hình như chúng mình đang ở gần Luân Đôn, ấy thế mà tuyệt nhiên chẳng nghe thấy gì cả. Chắc là có gì trục trặc đây".

Chúng tôi nghĩ, đúng là cần phải làm ngay một cái gì. Và thế là Pen-nơ-mun-đơ lâu nay bị lãng quên, nay bóng nhiên trở thành một đối tượng được đặc biệt chú ý. Chúng tôi tìm đủ mọi cách để phát hiện xem có phải ở đấy kẻ địch đang chế tạo tên lửa xuyên lục địa không".

Tháng 3 năm 1943 cơ quan nghiên cứu hàng không được báo động. Mặc dầu vậy, người ta vẫn nghĩ rằng đó là một kiểu phao tin của người Đức để làm cho người Anh hoảng sợ và phung phí vào những cuộc oanh tạc vô ích.

Đến tháng 6 năm 1943 thì người Anh đã có đủ chứng cớ để kết luận rằng: tại Pen-nơ-mun-đơ kẻ dịch đã chế tạo ra những cái ngoài sức tưởng tượng của người Anh.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM