Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:39:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tổ Tam Tam  (Đọc 367051 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nvanlebinh
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 258



« Trả lời #210 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2008, 08:56:32 pm »

Chào bác LETHAI TO
TÔI đã đọc lại cẩn thận bài của bác và cũng phát hiện ra nhiều sự không trùng hợp.
các không trùng hợp đó là:
 1. Chúng tôi cũng có 3 người Hà nội ở trong một khoa cuả bệnh viện. Tôi là lính của sư đoàn 7 còn người bạn kia mới là lính của sư 341, và một người ở sư 9. Sư 341 đóng ở Soài mút hay Samát gì đó. Đó là vùng đất đỏ trong kẽ ngón móng chân và tay của bạn đó mặc đù nằm viện dã nhiều ngày nhưng vẫn còn mầu đất đỏ chưa phai được.
2. Tôi nằm ở viện 175 chứ không ở 115 bệnh viên này ở cách sân bay Tân Sơn Nhất không xa xe chở thương chỉ đi qua vài phố là tôi đã lọt vào trong khuôn viên của bậnh viện. Tất cả các đồ của bệnh viện đều đánh số 175. Khoa bệnh cuả tôi cũng nằm trên tầng hai (mãi đến khi đi được tôi mới biết nó ở trên tầng hai) đó là một khoa rất dài có cả khoang ngăn đành cho nữ.
Trong khoa bệnh của tôi còn có một người Campuchia bị thương không biết là tù binh hay thuộc lực lượng gì.
3. Thời điểm tôi nằm viện và cũng quen 2 người bạn là vào tháng 10,11 năm 1978. chứ không vào thời điểm trước đó của bác.
4. thời điểm đó tôi cũng nhẹ cân lắm khi thấy tay phi công UH1A bế tôi lên máy bay mà tôi thấy nó như bế đứa bé. Khi ra Bắc nửa tháng sau tôi đứng lên một bàn cân tôi mới biết mình chỉ có 42 cân cả bì, lúc đó tôi đã  hồi phục nhiều.
5. Tôi ngơài nhân một loat thư thì tôi cũng có đến nhà 2 người nhắn tin. Người thứ nhất tôi bố tôi đèo tôi đến tôi không biết phố nào nữa nhưng ở quận Hoàn kiếm hợăc Hai Bà Trưng. Người thứ hai tôi đến nhà là cho một bạn ở F341 tôi nhở người em ở cạnh nhà đèo đến. Trường hợp này thì nó để lại kỷ niệm trong tôi. Nhà bạn đó cũng ở quận Đống da, có lẽ nhà đó bây giờ phố Láng Hạ đã đè lên mất rồi. Cái gì ta trân trọng trong chiến tranh thì ở thời bình nó lại không được cọi trọng lắm hoặc là thừa. Chúng tôi đến vào tầm tan giờ làm việc chiều. đó là một căn nhà nằm trong dãy nhà xây liền một tầng. Ông bố bạn đó khoảng 60 tuổi, khi thấy bộ dạng chúng tôi ông không muốn tiếp. Ông miễn cưỡng nói vời chúng tôi ở cửa nhà, (trước khi ra Bắc bạn F341 có nói với tôi; tháng trước khi ở đến chơi nhà bà cô ở Sai gòn bạn đó mới viết thư về nhà xong), ông khẳng định bạn đó đang đóng ở Sai gòn không thể bị thương được. chị bạn đó (hay chị dâu) vừa đi làm về cũng khẳng định là nhà mới nhận được thư bạn đó khi bạn đó đến chơi nhà bà cô. Chúng tôi đi về chị còn nói bóng gió theo như chúng tôi có ý định lừa đảo. Bạn tôi đèo tôi thẳng tới viện 103 vì tôi chốn viện đi, phải về viện trước giờ ăn tối. 
6. trong viện 175 tôi cũng quen 2 người bạn. khi đã bắt đầu có thể đi được tôi rất muốn viêt thư về nhà. Làm gí có tiền mà nhờ người ra ngoài mua tem, phong bị, hầu hết những người bị thương đều không có tư trang. nằm trên giường tôi thấy một người nằm chéo phía đối diện cầm phong thư lật lên lật xuống. tôi nghĩ bạn này có thư để gưi (vì tôi chỉ nghĩ đến gởi chứ không nghĩ đến nhận)  thì có thể vẫn còn tem và phong bi. tôi lò dò sang hỏi xin phong bì và tem. Người bạn đó nói không có, đó là lá thư nhận được trưỡc khi bị thương chứ không phải lá thư để gửi. người bạn đó đạp tay sang nói với người bên cạnh: "Đồng hương, đồng hương máy đấy" người nằm cạnh hỏi tôi về quê quán. Chúng tôi nhận ra nhau cùng ở Hà nội. Người tôi hỏi xin phong bì không ở Hà nội nhưng nhận ra giọng nói của tôi là  người Hà nội. bạn đó nói "tôi nghe giọng ông tôi biết ngay ông ở Hà nội". Đứng lâu qua tróng mặt tôi phải về giường nằm. Từ đó chúng tôi có bạn để nói chuyện. Dần dần chúng tôi có 3 người bạn để nói truyện đi lang thang trong viện.
Xin lỗi vì tôi đã kể nhiều về mình. nhưng đọc truyên của bác Lê Thái Tổ những cảm xúc của một thời ập về có lẽ tôi cũng múôn lập một topic trên trang web này để kể về những ngày không quên.
Logged

" Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác;
Chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi."
Hich Tướng Sỹ.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #211 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2008, 09:13:11 pm »

Xin lỗi vì tôi đã kể nhiều về mình. nhưng đọc truyên của bác Lê Thái Tổ những cảm xúc của một thời ập về có lẽ tôi cũng múôn lập một topic trên trang web này để kể về những ngày không quên.
--------------------------------------------
 Rất hoan nghênh, bác ạ! Bác cứ mở topic đi, chúng em sẽ gắn nó lên đầu như của bác lethaitho, trungsy1, bác tran479 ngay! Grin
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
lethaitho
Thượng tá
*
Bài viết: 1313



« Trả lời #212 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2008, 07:55:39 am »

Đúng vậy, bạn Nvanlebinh à. Tôi nghĩ bạn cứ lập một topic riêng đi. Kể ra để bản thân mình cũng được " giải thoát " phần nào. Vả lại bác DongaDoan cũng đang muốn " khai thác " mà!!!?  Grin
Logged

Ngôi sao như mắt anh, trong những đêm không ngủ
Giáo án em vẫn mở, cho ánh sao bay vào
lethaitho
Thượng tá
*
Bài viết: 1313



« Trả lời #213 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2008, 08:03:25 am »

Không còn bụng dạ nào để tiếp tục ngồi uống nước, tôi lập tức tiếp tục lên đường, bước chân bây giờ trở nên nặng nề. Những hình ảnh của thằng Long cứ bán riết lấy tôi lên đến tận nơi tiểu đoàn đứng chân. Người đầu tiên tôi gặp là thằng Hoan – N. C. Hoan ở phố HT. Nó cùng C14 với thằng Long, nhưng thằng Hoan làm liên lạc cho đại đội. Tôi hỏi han tình hình về cái chết của thằng Long, nó cứ u a ú ớ. Cái thằng này cho đến bây giờ cũng vậy, cứ động nói đến những năm tháng khói lửa ngày xưa là nó có vẻ chẳng mặn mà. Hắn chỉ thích nói đến việc xây dựng kinh tế gia đình, làm ăn, buôn bán. Mặc dù bây giờ vẫn đang đeo quân hàm trung tá hay thượng tá gì đó. Buồn hết sức cho những người đồng đội chóng quên quá khứ như vậy. ( Hoan à, nếu mày có đọc những dòng này, mày đừng giận tao nhé. Điều đó cũng lý giải tại sao tao ít ghé qua nhà mày. Bởi gặp mày, tao cũng chẳng biết nói chuyện gì cả - thứ lỗi nhé Hoan ).
Tôi nhanh chóng hỏi đường về C11, đại đội thân yêu của tôi, nơi mà thằng Minh đang làm tôi lo lắng đến cháy ruột gan. C11 của tôi kia rồi. Đại đội nằm bên một khoảng đất tương đối rộng. Hầm quan sát sở đại đội nằm ngay cạnh ven đường. Băng qua khoảng đất rộng là hầm tiên tiêu của thằng Minh. Nhìn thấy tôi, thằng Minh chạy lại ôm chầm lấy tôi toe toét cười :
-   Mày về rồi đấy à? Thế vết thương có nặng lắm không? Mày “ bị “ mà tao chẳng biết mày nằm ở đâu để đến chơi.... Nó hỏi tôi một thôi, một hồi làm tôi chẳng kịp trả lời.
-   Thôi, mày về hầm tao nhé. Thằng Minh phán.
Nó chẳng cần biết tôi có được đại đội phân về với nó nữa hay không. Nó cứ làm như nó là...đại đội trưởng không bằng. Nó rủ tôi ra chỗ bốn cây Thốt lốt mọc thẳng thành một hàng, giải ni lon ra rồi hai thằng nằm nói chuyện. Chuyện nó đi viện ra sao? nó bỏ đi chơi Sài gòn như thế nào ? chuyện  “oánh đấm “ vừa qua ai còn, ai mất? Chuyện nó mới nhận được thư Trăng sáng. Nó khoe :
-   Nàng đã “ chấp nhận “ lời tỏ tình của tao rồi. Thằng Minh nói giọng đầy phấn chấn.
Trong thời gian tôi đi viện, đại đội có nhiều đổi thay. Thằng Màu cũng bị thương rồi, trong đơn vị xuất hiện toàn chiến sỹ mới. Cán bộ chỉ huy cũng mới. Nó bây giờ chuyển sang bắn B41... Tôi thông báo cho nó vụ thằng Long bị “ dính “, nó lặng người trầm ngâm. Đến bây giờ nó mới được biết. Thằng Minh có vẻ rắn rỏi và trưởng thành lên rất nhiều, nằm nói chuyện với tôi, nghe 12.8 ly của địch nổ toang toác mà tôi thấy nó hầu như chẳng để ý gì đến. Còn tôi cứ giật mình thon thót. Bạn không biết chứ, gần một tháng được nằm nơi hoà bình, phố phường đô hội, cơm có người bưng, nước có người rót, tắm có người kỳ lưng.. con người ta chóng “ hư “ quá. Những phản xạ có được nhờ trải qua trận mạc bỗng biến đâu mất cả. Giờ đây, nghe tiếng đạn nổ đầu nòng cũng đã giật bắn mình. Trong sâu thẳm, le lói trong tôi một nỗi sợ mơ hồ. Chán thật !!!
Đến cuối giờ chiều, đại đội gọi tôi lên. Đại đội trưởng ( mới ) thông báo cho tôi biết : Theo thông báo của tiểu đoàn, do vết thương của tôi chưa ổn định nên tiểu đoàn quyết định tôi sẽ về tập trung tại trung đoàn để đi an dưỡng một thời gian. Khi nào vết thương bình phục hoàn toàn sẽ trở về đơn vị. Tôi vừa mừng vừa buồn lẫn lộn. Tôi lại sắp xa thằng Minh rồi, đến bao giờ mới gặp lại nó đây.
Logged

Ngôi sao như mắt anh, trong những đêm không ngủ
Giáo án em vẫn mở, cho ánh sao bay vào
lethaitho
Thượng tá
*
Bài viết: 1313



« Trả lời #214 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2008, 08:07:14 am »

Chiều tà, tôi lên đường trở lại chỉ huy sở trung đoàn. Thằng Minh tiễn tôi đến tận quan sát sở tiểu đoàn. Tôi và nó dặn dò nhau đủ thứ. Với vẻ tần ngần, nó lấy ví, chiếc ví nhựa màu xanh có in hình một cô gái nghiêng đầu cười nhay nháy mắt quen thuộc. Nó rút ra đưa cho tôi một tấm ảnh chân dung. Tấm chân dung chụp nó nhìn nghiêng, mặc quân phục sao, tiết đang hoàng hồi ở Xuân Mai.
-   Tao tặng mày tấm ảnh này, mày cầm lấy làm kỷ niệm Thọ nhé.
Giọng thằng Minh nghe chừng xúc động. Tôi chưa từng thấy nó như thế bao giờ.
-   Mày thật vớ vẩn. Tao chỉ đi an dưỡng một thời gian rồi tao lại trở về với mày thôi mà. Tôi gạt đi.
Tôi đã từng chứng kiến những “ linh cảm “, những “ kiêng cữ “ vô cùng chính xác nhưng vô cùng khó giải thích của những người lính chiến chúng tôi. Tôi lo sợ rằng, hành động của Minh như thế này có lẽ báo trước một điều gì đó chăng?
-   Mày cứ cầm lấy cho tao vui. Nếu khi mày trở lại đơn vị, mình còn gặp lại nhau thì tao sẽ xin lại. Thằng Minh nói dứt khoát.
Thế là đúng rồi. Thằng Minh chắc đã có những linh cảm rất rõ ràng nên nó mới hành động như thế. Tôi nhận tấm ảnh từ tay Minh mà trong lòng buồn rười rượi. Tôi linh cảm rõ ràng lần gặp nhau này của chúng tôi là lần cuối cùng.
-   Mày ở lại nhớ cẩn thận nhé, Minh nhé. Tôi xúc động dặn dò.
-   Cứ yên tâm đi. Nó toét miệng cười rạng rỡ. Nó muốn làm tôi vui đây.
Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, nước mắt tôi trào ra.
-   Thôi, mày đi đi. Nó đẩy tôi ra rồi quay đầu rảo bước.
Tôi đứng nhìn theo cái dáng cao gầy của nó mãi cho đến khi bóng nó khuất sau rặng le ven đường. Tôi trở về trung đoàn trong những bước đi nặng nề. Quãng đường không xa mà sao cảm thấy như là vô tận.
Sáng hôm sau, nhập vào đoàn thương binh của trung đoàn, chúng tôi lại cuốc bộ về Bến Cầu, nơi đại đội an dưỡng Trung đoàn đứng chân. Về đến cứ Ba lô Mộc bài, tôi nghỉ lại ở đó mấy ngày.
Logged

Ngôi sao như mắt anh, trong những đêm không ngủ
Giáo án em vẫn mở, cho ánh sao bay vào
lethaitho
Thượng tá
*
Bài viết: 1313



« Trả lời #215 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2008, 08:12:21 am »

Vừa về đến Mộc bài buổi sáng thì buổi chiều, Bố tôi lặn lội vào thăm tôi. Ôi, cha con gặp nhau mừng rỡ. Thì ra, cậu bạn cùng nằm với tôi ở viện 115 đã báo tin tôi bị thương. Cả gia đình vô cùng lo lắng. Bố tôi bố trí sắp xếp công việc xong, liền đi ngay vào thăm tôi. Ông cứ lang thang khắp mọi nơi tôi đã từng đi qua. Viện 115, viện QĐ4. Đồng dù, Trảng lớn... Đến đâu người ta cũng bảo tôi vừa ở đây nhưng đã đi rồi. Cứ thế, bước chân tìm con của Bố tôi cuối cùng dừng lại tại cứ ba lô của đại đội - Cứ Mộc Bài. Tôi và các anh trong cứ bố trí cho bố tôi một chỗ nằm trong ngôi chùa đổ nát. Ăn uống thì chẳng có gì chỉ có cơm, rau, tép và.... thịt chuột. Bố tôi sợ hãi ra mặt.
-   Chà lính tráng ăn ở tạm bợ quá con ạ. Hồi ở Điện biên, khó khăn gian khổ thế nhưng cũng không đến nỗi như các con bây giờ. Bố tôi than phiền.
Đã thế, mấy ông thương binh đại đội lại còn kể với bố tôi chuyện rằng tháng trước mấy thằng trinh sát Miên bò vào giết chết cả chục thương binh ở trạm phẫu ngay bên kia đường, nào là chuyện ở đây, cách biên giói có chưa đầy trăm mét, Miên vẫn ì oàng tập kích suốt.... Sợ quá, hai hôm sau ông đòi tôi đưa về thành phố Hồ chí Minh ngay. Tôi đưa ngay ông về thành phố, vả lại tôi cũng không thích ông ở đây lâu làm gì. Ở nhà Mẹ tôi đang ốm yếu, rất cần có ông ở bên cạnh.
Tôi trở về cứ đại đội, lấy Ba lô của thằng Long bên cứ C14 gần đó mang ra bưu điện Gò dầu Hạ để gửi về cho gia đình nó những di vật cuối cùng. Tôi phải hoàn thành cái lời hứa của Tổ Tam tam trước lúc lên đường. Xong xuôi, tôi “ nhập tịch “ vào đại đội an dưỡng K24.
Logged

Ngôi sao như mắt anh, trong những đêm không ngủ
Giáo án em vẫn mở, cho ánh sao bay vào
lethaitho
Thượng tá
*
Bài viết: 1313



« Trả lời #216 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2008, 08:17:16 am »

Ngày 15.08.1978, đang chuẩn bị ăn cơm chiều. Tôi có khách. Thằng Thọ, cũng tên là Thọ - Thọ “ con “ người Hà tĩnh, lính mới của C11 cùng B với tôi và Minh đến gặp tôi :
-   Anh Minh hy sinh rồi anh Thọ ạ. Ngay câu đầu tiên, Thọ “ con “ thông báo.
Tôi bàng hoàng cả người. Minh ơi, lẽ nào mày cũng đã ra đi. Tôi không thể cầm nổi nước mắt. Cái thằng Minh, thằng bạn thân nhất của tôi lẽ nào nó đã hy sinh. Lẽ nào cái Tổ Tam Tam thân yêu của chúng tôi chỉ còn lại bơ vơ một mình tôi sao? Tôi lặng người ngồi nghe Thọ “ con “ thuật lại diễn biến cuộc chiến đấu cuối cùng của Minh.

Ngày 11.08.1978, vừa sáng ra bọn địch đã tổ chức tấn công vào chốt của tiểu đoàn 3. Có sự yểm trợ của M113, bọn địch hung hãn lao vào tấn công các chốt của đại đội. Thằng Minh dũng cảm cùng với anh em đẩy lùi được nhiều đợt tấn công của địch. Khoảng 11 giờ trưa, chúng tổ chức tấn công lần nữa. Tiếng súng địch nổ toang toác khắp nơi. DK 82, DK 75 của chúng bắn như vãi đạn. Thằng Minh thấy xe M113 nó vượt qua cánh đồng trống trước mặt lao vào, nó vọt ra khỏi hầm vác B41 nện liên tiếp mấy trái. Khói súng toả ra mù mịt. Một sơ xuất chết người đã xảy ra. Sau khi bắn xong mấy trái B41, thằng Minh đã không di chuyển ngang. Chỗ đứng bắn bị lộ, bọn địch tập trung DK quất tới tấp vào chỗ Minh đang đứng. Một mảnh đạn cắm thẳng vào trán nó. Minh gục xuống. Anh em trong B lao ra kéo nó vào hầm. Một lúc sau, Minh tỉnh lại, mở mắt và bảo :
-   Em lấy giúp anh cái ví.
Trong lúc nhào ra khỏi hầm để bắn, nó đánh rơi mất chiếc ví ở cạnh hầm. Thằng Thọ “ con “ nhặt chiếc ví đưa lại cho Minh. Nó từ từ mở ví ra. Đây ảnh gia đình nó lúc còn đông đủ, đây là ảnh Minh Nguyệt – Trăng sáng thân yêu của nó, đây những lá thư của Minh Nguyệt mà nó vừa nhận được. Minh từ từ xem lại tất cả rồi cất vào ví. Nó khó nhọc nói :
-   Em cầm lấy chiếc ví này rồi đưa về cho anh Thọ.
Minh nói xong, nó nôn ra vài lần rồi nhắm mắt.
Cuộc chiến đấu càng về trưa càng trở lên khốc liệt. Các đại đội 13, 12 rồi đến đại đội 11 của tiểu đoàn 3 lần lượt bị đánh bật khỏi chốt. Do áp lực rất mạnh của địch. Thi hài của Minh cùng với ba chiến sỹ nữa của C11 vẫn nằm lại trên trận địa.

Minh ơi, thế là cái “ linh cảm “ khủng khiếp của mày đã trở thành sự thật. Thế là không bao giờ tao còn được nhìn thấy mày nữa.

Minh, Long hai thành viên của cái Tổ Tam Tam thân thuộc đã vĩnh viễn nằm xuống. Chúng mày đã chiến đấu một cách anh dũng. Chúng mày đã nằm xuống đầy vinh quang. Chúng mày không hổ danh là những chàng trai Hà thành sống, chết đầy kiêu hãnh. Minh ơi, Long ơi hãy yên nghỉ nhé. Vĩnh biệt chúng mày, hai người bạn thân yêu.
Logged

Ngôi sao như mắt anh, trong những đêm không ngủ
Giáo án em vẫn mở, cho ánh sao bay vào
lethaitho
Thượng tá
*
Bài viết: 1313



« Trả lời #217 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2008, 08:21:31 am »

Vĩ thanh :

Minh hy sinh đúng vào ngày bà mẹ của Minh – Bà Lý Nguyệt Liên vào đến Trảng lớn thăm con. Sau hai lần đi đi lại lại mà không được gặp được con ( vì sư đoàn cố giấu ). Cuối cùng ông Hai Đỏ - Thiếu tá phụ trách căn cứ sư đoàn, đành phải thông báo cho bà mẹ của Minh. Được tin, tôi cũng về Trảng lớn để gặp Bà mà không gặp vì Bà đã trở về Thành phố Hồ Chí Minh – Tôi đã về Thành phố Hồ Chí Minh để gặp Bà trong một đêm mưa như trút tại một căn nhà nhỏ gần cầu Công Lý – Theo đúng những gì chúng tôi đã cùng hứa với nhau, tôi mang cho Bà chiếc ba lô đựng những di vật cuối cùng của Minh. May mắn làm sao mà cũng kỳ lạ làm sao, bức ảnh Minh tặng tôi là di ảnh cuối cùng mà gia đình Minh có được về nó.

Tôi – Lê Thái Thọ, nguyên chiến sỹ C11, D3, E1, F9 viết những dòng hồi ức này như một nén hương tưởng niệm, xin kính dâng lên hương hồn hai người bạn tôi đã nằm xuống trên mảnh đât phía nam cầu Prasaut , thuộc tỉnh PrayVeng CPC – Quang Minh ( 62 Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội ) và Lê Phú Long ( 25 Hàng Hòm, Hà nội ) và biết bao liệt sỹ khác. Ngoài Lê Phú Long đã có mộ chí đàng hoàng, còn Liệt sỹ Quang Minh, cho đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Nếu trong các bạn, ai phát hiện thêm điều gì về phần mộ hoặc hài cốt của Quang Minh, xin liên hệ ngay với tôi qua trang Quansuvn này. Tôi đã từng nhờ đến nhà ngoại cảm Phan Bích Hằng nhưng vẫn chưa có kết quả khả dĩ nào.

-   Xin cám ơn các bạn đã chăm chú theo dõi bài viết này.
-   Xin cám ơn trang Quansuvn đã cho tôi cơ hội để hồi tưởng và viết những trang viết này.
-   Đặc biệt, tôi xin tận từ đáy lòng cảm ơn Trungsy1 - đồng đội cùng sư đoàn 9 - người đã truyền cho tôi cảm hứng để có thể viết được những trang viết đầy xúc cảm này.
Xin Cám ơn tất cả !
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Năm, 2008, 09:32:42 am gửi bởi lethaitho » Logged

Ngôi sao như mắt anh, trong những đêm không ngủ
Giáo án em vẫn mở, cho ánh sao bay vào
danngoc
Thành viên
*
Bài viết: 948

Đã bị khóa vĩnh viễn


« Trả lời #218 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2008, 09:05:02 am »

MỖi người có một cách phản ứng với quá khứ: em nghĩ bạn của bác có thể không quên quá khứ, nhưng người ta không muốn nhắc tới nó nữa, có thể vì nó liên hệ với những điều kinh khủng mà con người muốn quên. Ký ức có những cơ chế riêng, xóa đi những gì nó không chịu nổi và lồng ghép với những tình tiết nhiều khi không khớp với sự thật.

Chuyện của bác nvanlebinh cũng xúc động quá. Chúng ta đang dựng lại một quá khứ quan trọng của dân tộc, một phần lịch sử của đất nước, điều mà những đời trước làm không được tốt.

Cám ơn các bác.
Logged

Chết vì ghét người!
lele
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #219 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2008, 09:14:56 am »

Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, xin chia buồn cùng các anh và gia đình các anh
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM