Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:12:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thơ - Giang Nam (chọn lọc)  (Đọc 24474 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 11:33:19 pm »

Giới thiệu tác giả


Tự thuật tiểu sử văn học:

Tên thật: Nguyễn Sung, sinh ngày 02/02/1929

Các bút danh: Giang Nam
Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh (sử dụng trên báo chí công khai xuất bản ở miền Nam dưới chế độ Mỹ - Ngô Đình Diệm từ 1955 đến 1960).

Quê quán: xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Nơi ở hiện nay: Thành phố Nha Trang.
            Địa chỉ: nhà riêng: 46 Yersin Nha Trang. ĐT: 058.821447
            Cơ quan: Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa - 1 Quang Trung, Nha Trang.

Các tác phẩm đã xuất bản:

Thơ:

    * Tháng Tám ngày mai (thơ, NXB Văn học Hà Nội 1962)
    * Quê hương (thơ, NXB Văn nghệ Giải phóng 1962)
    * Quê hương (thơ, NXB Văn học Hà Nội 1965)
    * Người anh hùng Đồng Tháp (thơ và trường ca, NXB Giải phóng 1969).
    * Vầng sáng phía chân trời (thơ, NXB Văn học Giải phóng thành phố Hồ Chí Minh 1975).
    * Hạnh phúc từ nay (thơ, NXB Tác phẩm mới Hà Nội 1978).
    * Thành phố chưa dừng chân (thơ, NXB Tác phẩm mới Hà Nội 1985).
    * Một thời để nhớ (thơ, in chung 4 tác giả, Báo Văn hóa Văn phòng đại diện miền Trung xuất bản 1998).
    * ánh chớp đêm giao thừa (trường ca, NXB Quân đội nhân dân Hà Nội 1998).

Truyện:

    * Vở kịch cô giáo (truyện ngắn, NXB Văn học Hà Nội 1962)
    * Người Giồng Tre (truyện ngắn và ký, NXB Giải phóng 1969)
    * Trên tuyến lửa (truyện ngắn và ký, Sở Văn hóa Thông tin Long An xuất bản 1984)
    * Rút từ sổ tay chiến tranh (truyện ngắn và ký, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh 1987)

Các giải thưởng văn học:

    * Giải ba về truyện ngắn của báo Thống Nhất năm 1960: truyện ngắn "Những người thợ đá".
    * Giải nhì về thơ tạp chí Văn nghệ năm 1961: bài thơ "Quê hương"
    * Giải thưởng văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960 - 1965) của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam về thơ: tập thơ "Quê Hương".

Một số nét về tiểu sử:

Tôi sinh ngày 2/2/1929 trong một gia đình nho học. Cha thi tú tài ở Huế không đỗ về nhà làm ruộng. Gia đình có 7 con (4 trai, 3 gái) thì 3 người trai đầu (trong đó có tôi) đều thi đỗ thành chung. 4 anh em trai đều thoát ly tham gia kháng chiến, đều là đảng viên. Người anh lớn ở lại miền Nam hoạt động cách mạng sau hiệp định Giơ-ne-vơ bị địch giết năm 1955 (liệt sĩ).

Tôi tham gia cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp ở quê nhà, làm công tác thông tin tuyên truyền ở xã, sau lên tỉnh. Khi kết thúc chiến tranh tôi là Phó Trưởng ty Thông tin tỉnh Khánh Hòa. Vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 8 năm 1948.

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, tôi được bố trí ở lại miền Nam bí mật hoạt động trong các thành phố, thị xã (Nha Trang, Phan Thiết, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Sài Gòn...) và vùng giải phóng của ta (Khánh Hòa, Khu 6 - Cực Nam Trung Bộ, miền Đông Nam Bộ, Long An, Bến Tre, Thành phố Sài Gòn Gia Định...). Là Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, ủy viên tiểu ban văn nghệ Trung ương cục, trưởng ngành văn. Có thời gian làm Trưởng tiểu ban văn nghệ, ủy viên Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn Gia Định.

Sau ngày giải phóng miền Nam (1975) là ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 2 và 3 đồng thời là ủy viên Đảng đoàn, Tổng Biên tập Báo Văn Nghệ, Trưởng ban đối ngoại Hội Nhà văn. Nhiều năm là chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh và Khánh Hòa. Về mặt nhà nước là đại biểu Quốc hội khóa 6 (1976 - 1981), Phó Chủ tịch ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa (1989 - 1993).

    * Bài thơ đầu tiên được in: "Về vùng tạm chiếm" (1946) in trên báo "Thắng" của tỉnh Khánh Hòa.
    * Tập thơ đầu tay: "Tháng Tám ngày mai" (NXB Văn học 1962).
    * Tập truyện ngắn đầu tay: "Vở kịch cô giáo" (NXB Văn học 1962).

Cả 2 tập đều được in khi tác giả đang chiến đấu ở miền Nam.

Quan điểm về sáng tác:

... Tôi đã trở thành nhà thơ "không chuyên" vì công tác chính của tôi là xây dựng cơ sở, tuyên huấn, quản lý văn hóa văn nghệ và... sản xuất, đi theo bộ đội đánh giặc. Tôi thành "nhà thơ" lúc nào không biết, chủ yếu là không thể dằn lòng trước nỗi đau của bà con và nỗi đau của riêng mình. Tuyệt đại đa số bài viết là để cho mình đọc, để tự dặn với lòng mình hãy thủy chung với đất nước, với người mình thương. Đó là máu, là thịt của tôi chứ không phải ai khác, là "tự nguyện" với lòng mình chứ không phải do ai bắt buộc mình...

(Trích "Nhà văn Việt Nam: chân dung tự họa")

... Từ một cán bộ cách mạng hoạt động trong vùng bị chiếm suốt 9 năm chống Pháp và ở lại miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu chống Mỹ, tôi đã trở thành một người làm thơ. Tôi thấm thía một điều: cuộc chiến đấu ấy là ngọn nguồn cảm xúc lớn, là niềm vui và cả nỗi đau trong thơ tôi. Thú thật có những thời kỳ đen tối, hàng ngày đương đầu với cái chết, không một ai trong chúng tôi có ý nghĩ là mình sẽ còn sống khi kháng chiến thắng lợi. Thơ là trái tim đồng thời là chỗ dựa tinh thần của tôi. Những bài thơ đầu tiên là tôi viết cho mình, để mình đọc, để nhắn nhủ với người thân yêu của mình đang ở trong tù. Vì vậy nó rất thật, cái hay và cái dở của thơ tôi cũng từ cái gốc ấy mà ra. Bây giờ đã lớn tuổi rồi, có nhiều điều trong cuộc sống đã thay đổi, kể cả thơ. Đó là điều tất yếu và đáng mừng. Tuy nhiên cái không thay đổi là tấm lòng người làm thơ đối với cuộc sống, đối với con người.

Tôi hoan nghênh những tìm tòi về hình thức nếu những tìm tòi đó diễn đạt được điều tác giả muốn nói một cách thông minh, chân thật và xúc động. Mọi thứ làm dáng "tôn vinh chữ nghĩa" đều có mặt trái của nó là ngăn cản thơ đi vào lòng người.

Tôi cũng nghĩ rằng thơ Việt Nam phải mang đặc điểm Việt Nam, càng phát triển đổi mới càng phải biết và bảo tồn cái gì là Việt Nam, là dân tộc trong thơ. (Trích "Nhà văn Việt Nam hiện đại").

... Thơ hay phải chân thành, phải thật, không thể giả dối, thơ hay phải là những gì tác giả rứt ruột, rứt gan mình ra mà viết.

... Dù là "hướng nội" hay "hướng ngoại" (xét về mặt đề tài) thì thơ vẫn là tiếng nói của một trái tim gởi đến vạn trái tim khác, là sự đồng cảm giữa những tâm hồn. Thiếu cái đó, thơ chỉ còn là "xiếc" chữ nghĩa. Tôi vẫn tâm niệm suốt đời lời Bác Hồ nhận xét thơ tôi khi Người tiếp nhà thơ Thanh Hải (do chính nhà thơ Thanh Hải kể lại): "Thơ Giang Nam viết có tình".

(Báo Đại Đoàn Kết 17/9/1998)
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Bảy, 2009, 11:40:39 pm gửi bởi Midaxudavo » Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #1 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 11:34:52 pm »

Trước tờ giấy trắng

Chị ngồi trước tờ giấy trắng
Hàng giờ không viết một câu
Bóng cây ngắn dầu theo nắng
Đàn trâu chậm chạp qua cầu

Mái tôn nóng bừng ngột ngạt
Trán con lấm tấm mồ hôi
Cổng đồn mấy tên lính gác
Đứng im như chết lâu rồi

Con bé nhay nháy vú mẹ
Bàn tay nhỏ xíu mân mê
Chum chúm môi hồng nở hé
Chói chang nắng lửa trưa hè

Có gì cay cay trong mắt
Có gì mằn mặn trên môi
Không, không thể là nước mắt
Cắn răng quyết giữ cuộc đời!

Vụt hiện những ngày kháng chiến
Giành từng góc ruộng bờ ao
Vụt hiện những ngày trên bến
Vẫy khăn anh bước xuống tàu

Chúng muốn em cầm dao cắt ruột
Xẻo từng thớ thịt, đường gân
Cả biển rộng và trời xanh bát ngát
Của đôi ta và Tổ quốc yêu thân.

Anh ơi anh, anh có nghe con khóc
Đôi tay gầy cuống quýt bíu vai em
Em điên mất, kìa làn môi mọng ướt
Rời vú em vẫn còn nút còn thèm

Có nên viết để con ta được sống
Dù một ngày, một buổi nữa rồi thôi
Đứt ruột sinh con, đêm nào mình mẹ
Lẽ nào giọt nắng chết trong nôi..

Chị bỗng giật mình nhìn con trông nuối
Đôi mắt con như hờn dỗi nghẹn ngào
Con không nói nhưng chị nghe tiếng nói
Có thể nào như thế được, mẹ ơi!

Thoáng bóng ai về bên cạnh chị
Mào áo quen quen, mắt sáng ngời
Da sém nắng, mặt buồn nghiêm nghị
Có thể nào như thế được, em ơi!

Chị bỗng vùng lên, tưởng đang nắm tay chồng
Day dứt quá giữa buồn vui mừng giận
Lũ quỉ ập vào, dí súng bên hông
Chị vẫn ngồi nghiêm trước tờ giấy trắng.

1958
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Bảy, 2009, 11:38:55 pm gửi bởi Midaxudavo » Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #2 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 11:36:32 pm »

Lá thư thành phố

Ôi dòng chữ tím nghiên nghiên nét
Mảnh giấy vàng hoe chẳng kẻ dòng
Anh nghe hơi ấm bàn tay nhỏ
Trên phong bì đậm dấu quê hương

Thư em đến giữa mùa mưa gió
Hé một trời xuân nắng hừng lên
Mưa vẫn rơi nhiều trên đất đỏ
Quê nhà em ở, nhớ mông mênh

Con vẫn ăn chơi, em vẫn khỏe
Anh yên lòng nhé chốn xa xăm
Dãy bầu sai trái bên đầu ngõ
Vẫn đợi anh về hái nấu canh

Con nhớ anh thường đêm biếng ngủ
Nó khóc làm em cũng khóc theo
Anh gởi về em manh áo cũ
Đắp cho con đỡ nhớ anh nhiều !

Nhà ta mấy bận mưa hư nát
Mái lá tơi bời lạnh gối chăn
Em không buồn lắm vì em biết
Anh khổ nơi xa gấp mấy lần

Cao su.. rừng núi sương rưng lệ
Trời! Những đêm dài lạnh cắn răng
Em thương anh khổ vì con, vợ
Đem giọt mồ hôi đổi miếng ăn

Em biết anh không ngừng chiến đấu
Muôn ngàn anh chị ở bên anh
Bao giờ em được lên trên ấy
Vá áo cho anh rách lại lành

Anh gục đầu trên dòng chữ nhỏ
Mà lòng thổn thức suốt canh thâu
Tưởng thấy bóng em sau cánh liếp
Đêm đêm nghe gió rít qua đầu

Nửa căn nhà trống, vài phiên chợ
Đôi cánh tay gầy, một mụn con
Mưa nắng đã phai màu áo cưới
Giấc mơ còn lại: một lưng cơm

Vì ai em khổ, con ta khổ
Đây đó tuy gần vẫn quá xa
Mủ cao su chảy đông thành máu
Tức nước ngày mai phải vỡ bờ

Em thấy không em trời hửng sáng
Từng đêm rồi cũng sẽ qua nhanh
Một vùng thành phố thân yêu ấy
Đang ở nơi này, ở với anh.

Xuân Lộc (Long Khánh) 1958
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Bảy, 2009, 11:39:21 pm gửi bởi Midaxudavo » Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #3 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 11:38:05 pm »

Quê hương

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
"Ai bảo chăn trâu là khổ?"
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được..
Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích..

Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ, tôi đi
Cô bé nhà bên (có ai ngờ)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương quá đi thôi)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi..

Hòa bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)
Tôi nắm bày tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi, quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người..

Xưa quê hương vì có chim, có bướm
Có những ngày trốn học vị đòn, roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.

1960
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #4 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 11:42:25 pm »

Nghe em vào đại học

Nghe em vào Đại học
Nghe em vào Đại học
Nửa tin nửa ngờ tên lại trùng tên
Hôm nay nhận được tin em
Nét chữ nghiêng nghiêng cười trên giấy trắng
Anh ngồi đây thấy trời hửng nắng
Trên Hồ Gươm và trên mắt đầu em
Ngọn gió quê hương sông rạch dịu hiền.

Miền Nam em ơi, còn nhớ
Kháng chiến năm nào gian khổ
Đồn giặc bủa vây thôn xóm điêu tàn
Trường giặc đốt rồi, còn lại ánh trăng
Giữa hai trận càn, anh dạy em học chữ.
Mẩu than đen vẽ lên tường gạch đỏ
Những lá cờ cao bên những vòng tròn
Đầu nghiêng nghiêng theo nét chữ run run.
Có những buổi học em học bài không thuộc
Anh không mắng nhưng em buồn, em khóc
Thương em, anh cố dỗ dành:
"Ràng học sau này cho được bằng anh
Để chép bài ca, đọc thông tin tức..."
Ôi mơ ước tầm thường đơn giản nhất
Sao ngày xưa vẫn quá lớn, em ơi!

"Bài ca" hôm nay em chép được rồi
Không phải bài "Đoàn quân đi..." thuở trước
Anh chưa bước chân vào trường Đại học
Chưa lên giảng đường, chưa mặc áo sinh viên
Chưa biết vì sao ngày, tối tiếp liền
Chưa biết quê ta nơi nào nhiều quặng...
Giặc dành cho ta nhà tù, bom đạb
Bảy năm rồi trong sáu lửa đấu tranh
Thầy giáo dạy em năm trước học vần
Vẫn chưa vượt quá chương trình cấp một!
Vẫn chật vật với những bài số học
Thư viết cho em phải xóa, sửa mấy lần
Anh không buồn vì anh biết em anh
Đang ngồi they anh dưới mái trường Đại học.
 
Mai ngày nước nhà thống nhất
Em lại về dạy chữ cho anh
Không phải bằng than vẽ, gạch thềm đình
Không phải phập phồng giửa vòng đại giặc.
Em sẽ bảo anh: cố lên, gắng học
Anh sẽ mỉm cười nhớ những đêm trăng
Chế độ cho em đôi cánh chim bằng
Và vinh dự được làm người đi trước!
 
Anh sẽ để riêng một đêm thức suốt
Kể em nghe chuyện chiến đấu miền Nam
Câu chuyện mở đầu: "Thuở ấy, ở quê hương
Anh chỉ học có một trường: Cách mạng".

1961
Logged
Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM