Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:23:27 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Muôn vàn tình thân yêu  (Đọc 32213 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #40 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2010, 01:06:16 am »

ẤM LỜI BÁC DẶN

Cách đây bảy năm về trước, vào đêm ba mươi tháng Chạp. Ngoài trời gió hun hút, giá buốt thấu xương. Khi tôi ở nhà máy về đến nhà thì đường phố cũng vừa lên đèn. Cơm nước xong, tôi lên phố mua được hai cành đào về đang hí hoáy treo ảnh Bác, soạn bàn thờ Tết thì có tiếng gõ cửa và sauu đó có người bước vào. Tôi quay ra phía cửa, quá đỗi ngạc nhiên kêu lên: Ơ Bác! Bác! Vì mừng quá, quýnh lên tôi chỉ biết theo hiệu tay của Bác lùi và mé giường đến nỗi quên cả mời Bác ngồi, ngay ấm chè loại một mới pha cũng quên không mời Bác uống.

Thấy vợ tôi mắt kém lúc đó đang bế cháu Chung ngồi trên giường, Bác liền đến vừa giơ tay đón cháu lên ngực vừa hỏi: “Các cháu có ngoan cả không?” và Bác đưa mắt nhìn các cháu khắp lượt hỏi: “Tết nhất thế nào, bố các cháu có mua tranh tết cho các cháu không? Các cháu có quần áo không? Các cháu có bánh chưng ăn tết không?... Bác hỏi câu nào các cháu cũng đều trả lời: “Thưa Bác có ạ!” một cách thông suốt nên Bác quay lại nhìn kỹ mặt bàn thời cười bảo: “Ừ,có bánh chưng thật nhưng tranh tết và quần áo mới đâu?”. Trong lúc chờ cháu gái lớn chạy đến mở hòm lấy quần áo và tranh tết, Bác lại hỏi vợ chồng tôi: “Thế có đong được đủ gạo cho các cháu ăn không? Có đủ tiền mua hết tiêu chuẩn phiếu thịt hằng tháng không?”

- Thưa Bác, mua được hết cả ạ!

Nghe tôi trả lời, Bác gật đầu tỏ ý vui lòng.

Nhà tôi mắt kém đã mấy năm nay, nghe Bác hỏi cặn kẽ ân cần như cha mẹ chăm sóc con cái, tiếc một nỗi không nhìn thấy Bác đành ngồi yên, cố nén xúc động mà nước mắt cứ chạy vòng.

Hỏi xong chuyện nhà chuyện cửa. Bác thơm vào má cháu Chung trao cháu cho nhà tôi và chia kẹo cho các cháu, trước lúc ra về Bác còn khen nhà tôi đảm đang, trông nom các cháu được sạch sẽ ngoan ngoãn. Khi bước ra cửa xuống thang gác, Bác hỏi: Nhà này, ai quản lý, nền nhà lở rộp, cầu thang sụp đổ hết thế này sao không cho sửa chữa? Tiếp lời đồng chí Trần Duy Hưng, tôi chỉ vào đống vôi cát dưới nhà báo cáo với Bác là phòng sửa nhà cửa đã chuẩn bị đầy đủ vôi vữa để sửa chữa cùng mấy nhà bên cạnh. Bác lại bảo: “Chuẩn bị đầy đủ rồi thì sửa ngay đi, còn chờ gì nữa, để thế ngộ chị ấy đi xuống ngã thì sao?...”.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #41 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2010, 01:23:13 am »

Thật, hơn 50 năm sống trên đời, hơn 30 năm sống dưới chế độ dã man của thực dân Pháp, Nhật, tôi đã làm bao nhiêu nghề, từ một chú bé bán nước vối rong đường phố, một chú bé kéo quạt thuê cho trại lính tây đến một tay thợ phụ quay bề rèn; hết nghề quay bễ lại đến nghề thợ sửa chữa ô-tô, thợ máy chè, thợ hỏa xa, thợ làm xi-măng… Với bao nhiêu năm tháng, bấy nhiêu nghề ngỗng, hết làm mướn cho Tây, đến làm không công cho Nhật cuối cùng vợ chồng tôi vẫn phải sống cảnh quần rách áo ôm, đói cơm, đói chữ.

Cho mãi đến năm 1954, Chính phủ ta về tiếp quản thủ đô, có Đảng, có Bác, gia đình tôi mới thực sự được sống kiếp người. Bản thân tôi năm nay dù đã đứng tuổi nhưng cũng được học văn hóa hết cấp một phổ thông. Mặc dù mức thu nhập gia đình tôi còn thấp so với một số gia đình công nhân khác, song cả sáu cháu đề theo học đều đặn. Riêng cháu Viên, cháu gái lớn năm vừa qua đã được kết nạp vào Đoàn thanh niên và được chuyển sang lưu học ở nước bạn Cộng hòa dân chủ Đức.

Thật công ơn trời bể của Đảng của Bác không tài nào kể xiết. Mỗi lần đi làm về bước lên cầu thang gác nhớ lại nụ cười hiền hòa, lời Bác dặn dò ấm cúng của Bác, tôi càng thương Bác, nhớ Bác.

Hôm nghe tin Bác ốm vì đau tim nặng, tôi bang hoàng cả người, suốt đêm đó tôi cứ thao thức và không sao ngủ yên được. Tôi ước, giá lấy được tim mình lắp được cho Bác thì tốt bao nhiêu. Cho đến hôm nay, Bác đã ra đi hơn tháng rồi mà đêm đêm tôi vẫn nằm mơ thấy Bác về thăm. Thấy Bác về tôi lại ngồi vụt dậy nhưng chỉ còn biết bồi hồi nhìn lại ảnh Bác trên bàn thờ và nhớ đến lời Bác dặn. Tôi nghĩ Bác ra đi đã để lại cho gia đình tôi, cho đồng bào cả nước ta muôn vàn tình thân yêu. Để khỏi phụ lòng thương yêu chăm sóc của Bác, tôi chỉ biết dốc hết sức động viên đồng chí, bạn bè trong tổ sản xuất, khuyên bảo con cái trong nhà, làm việ học hành làm sao góp phần xứng đáng, chóng đuổi được hết giặc Mỹ để nước nhà mau thống nhất, giàu mạnh đúng như lòng mong muốn của Bác:

“Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”

THÀNH CHÂU

(Ghi theo cảm nghĩ của đồng chí Nguyễn Văn Mộc tổ trưởng sản xuất 12 năm liền chiến sĩ thi đua của nhà máy cao-su Hà Nội).
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #42 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2010, 01:58:29 pm »

XA QUÊ HƯƠNG, THƯƠNG NHỚ BÁC

Trời chưa sáng, giọng đọc của chị phát thanh viên đài Mạc Tư Khoa trầm xuống lạc hẳn đi báo tin Bác đã từ trần. Tôi giật mình, bàng hoàng,  không thể tin đây là chuyện có thật. Nhưng tâm trí rối bời, ruột quặn đau từng khúc, nước mắt trào ra. Suốt ngày tôi không ăn, chỉ nghĩ đến Bác. Bác ơi! Bác đã cứu sống cuộc đời tôi. Bác đã chăm lo dạy bảo tôi nên người, Bác dạy tôi làm người cộng sản chân chính. Tôi được Bác và nhân dân cho đến đất nước của Lê-nin nghỉ mát. Những ngày ở đây giờ nào phút nào tôi cũng nghĩ đến Bác. Tôi rất tự hào là có Bác kính yêu.

Ở Liên Xô, nhân dân cứ nhắc đến Lê-nin là nhắc đến Bác, đến Việt Nam. Học nhắc lại rất chi tiết: ngày 23 tháng 1-1924, Bác vừa đặt chân đến thành phố mang tên Lê-nin vĩ đại, thì được tin Lê-nin qua đời. Bác đã về Mạc Tư Khoa viếng Lê-nin và ở đại hội lần thứ 5 quốc tế cộng sản, Bác đã đọc một bài tham luận nổi tiếng, mà nhân dân Liên Xô còn nhớ rõ.

Năm 1959, Bác đến thăm Liên Xô và nghỉ mát ở thành phố Xô-si này, nơi chúng tôi đang ở đây. Nhân dân thành phố này rất tự hào được đón Bác đến. Tại nơi Bác ngồi nghỉ, trước khi vào vườn trồng cây hữu nghị, các đồng chí bạn đã trồng những khóm tre xanh tốt dưới lùm cây có một cái chõng tre Việt Nam, khách các nước đến nghỉ, các đồng chí bạn giới thiệu “Đây là cây tre Việt Nam” và chính chỗ này cách đây 10 năm, Chủ tịch HỒ CHÍ MINH đã ngồi. Mới hôm qua, chúng tôi còn được ngồi dưới bóng mát của lùm tre mà bạn trộng để ghi nhớ và kỷ niệm.

Cành cam Bác ghép năm 1959 khi đến thăm vườn này, mọc ở chính giữa cửa vườn, cành lá xum xuê và lá cây cam to nhất vườn, quả núc nỉu có tới bốn, năm chục. Khách du lịch đến ai cũng phải dừng chân ngắm cây cam HỒ CHÍ MINH. Ở đất nước bạn lúc này, chúng tôi đau đớn xé lòng, ân hận không được về nhìn Bác lần cuối cùng, nhưng nhìn những kỷ niệm Bác để lại đây, chúng tôi càng thấy tự hào, có Bác Hồ vĩ đại, Bác đem lại vẻ vang cho chúng tôi, làm rạng rỡ cho nhân dân, cho đất nước ta.

Suốt ngày đêm chúng tôi theo dõi đài, muốn biết từng tin chi tiết ở đất nước. Chúng tôi chuẩn bị cờ khẩu hiệu, băng tang và hoa để làm lễ truy điệu Bác.

16 giờ 30 phút ngày 5 tháng 9, chúng tôi làm lễ truy điệu, lòng xót thương vô hạn, toàn thể ban chấp hành Thành đoàn Xô-si, Ban phụ trách và cán bộ nhân viên trại nghỉ mát cũng đến viếng. Rất nhiều khách ở các nước tư bản, thuộc địa cũng đến viếng và chia buốn với chúng tôi.

Nhiều khách du lịch đã ngừng hoạt động, không đi tắm, đi chơi để tưởng nhớ Bác. Chúng tôi chuẩn bị nhiều băng tang cho các đồng chí bạn nhưng vẫn không đủ.

Trong những ngày đau thương ấy, chúng tôi ít ra đường, nhưng đồng chí nào có nhiệm vụ phải ra phố, được chứng kiến rất nhiều cảnh xúc động. Nhân dân Liên Xô gặp chúng tôi đeo băng tang, nhiều người vừa khóc vừa nói:

- Hồ Chí Minh!

- Việt Nam!

Có những cụ già vừa khóc vừa chắp tay vái, có người ngả mũ để tưởng niệm Bác và xin chúng tôi băng tang. Chúng tôi xúc động cảm ơn họ, nhưng trong người thổn thức nghẹn thở không nói được câu gì. Chúng tôi chỉ cúi đầu đáp lễ họ mà trong lòng đau đớn xiết bao nhưng rất tự hào vì có Bác Hồ vĩ đại.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #43 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2010, 11:07:26 pm »

Thế là suốt thời gian nghỉ ở nước bạn, không đêm nào tôi ngủ trọn. Nằm ở đây, nhưng tâm hồn, trí tuệ dồn cả về Bác, về Tổ quốc, trông nom từng giờ để về nước. Lúc nào tôi cũng tưởng ttooi đang ở quảng trường Ba Đình, đứng ở cửa Chủ tịch phủ chờ vào thăm Bác lần cuối cùng. Nhưng ước mơ đó không đến với tôi.

Rồi bao nhiêu kỷ niệm sâu sắc, tình thân yêu của Bác cứ bám riết tâm trí tôi, khiến tôi đau đớn vô cùng. Từ buổi đầu tiên biết Bác, khi tôi còn học lớp 6 ở Hà Nội, rồi ở hội nghị đảng viên 4 tốt của các huyện ngoại thành, Bác căn dặn tôi nhiều điều. Nhưng là sao tôi quên được buối sáng mùa thu năm ấy: 1964. Khi nước sông Hồng lên to, đê quai Khuyến Lương sắp vỡ, chúng tôi cố giữ, thức suốt ba, bốn đêm liền coi bờ đắp thêm con chạch quyết giữ không cho nước tràn vào. Tôi đang nằm ngủ ở quán canh ven đê, thì Bác đến! Tôi giật mình tỉnh dậy nửa tỉnh nửa mơ vừa chạy ra đã thấy Bác đến.

Đồng chí Trần Duy Hưng, vỗ vai tôi giới thiệu với Bác:

Đây là đồng chí Lương Văn Nghĩa, chủ nghiệm hợp tác xã Việt  - Trung.

Người tôi lúc ấy nóng ran lên, sung sướng vì được gặp Bác ngay lúc khó khăn này.

Bác vỗ vai tôi và hỏi:

- Các cháu có mệt không?

- Thưa Bác, không mệt lắm!

Bác gặng hỏi lại:

-   Có thật không? Làm suốt đêm mà không mệt thì giỏi thật!

Bác bảo với tôi: các chú dẫn Bác ra ngoài đê. Bác xắn quần đi bộ với chúng tôi ra đê. Trời nóng, Bác mệt, đi đến cái lều ở gốc cây gạo, Bác định vào nghỉ, nhưng thấy đồng chí công nhân phụ trách máy phát điện đang ngủ, chúng tôi định gọi anh  em dạy, Bác xua tay: “Làm việc cả đêm mệt, để các chú ấy ngủ”. Vâng theo lời Bác anh em không ai dám gọi và kéo đi theo Bác. Bác xắn quần, đi rất nhanh, anh  em bảo vệ thấy Bác nóng, cầm quạt quạt cho Bác, Bác cầm lấy quạt tự tay quạt lấy.

Mặt trời nắng, Bác đã đi bộ hơn 700 mét ra tận đoạn đê quai nhìn mực nước. Bác hỏi chúng tôi:

- Các chú có quyết tâm bảo vệ không?

- Thưa Bác quyết tâm ạ!

Bác vui vẻ nói:

- Các chú quyết tâm bảo vệ là rất tốt nhưng có khi phải hy sinh cái nhỏ để bảo vệ cái lớn.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #44 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 11:06:14 am »

Bác động viên nhân dân và anh chị em đang thường trực chống lụt rồi bác quay về.

Đến gốc gạo, Bác dừng chân vào cái lều nghỉ thì mấy đồng chí công nhân đã dậy.

Bác vào lều ngồi với anh em, Bác cầm quạt tự quạt và hỏi anh em công nhân:

- Các chú ngủ có ngon không?

Anh em công nhân thưa với Bác:

- Thưa Bác ngủ ngon ạ!

- Chú trực đến mấy giờ?

- Thưa Bác! Gần đến sáng để giải quyết điện cho bà con làm.

Bác cười và nói: các chú tận tình giúp nông dân thế là tốt. Công nhân phải đoàn kết để xây dựng chủ nghĩa xã hội, các đồng chí ở hợp tác xã đã bồi dưỡng gì cho các chú chưa?

- Thưa Bác, các đồng chí bận chưa kịp bồi dưỡng và đây cũng là nhiệm vụ của chúng cháu ạ!

Bác quay lại hỏi chúng tôi:

- Sao các chú không bồi dưỡng cho các chú ấy?

-   Thưa Bác, có ạ!

Bác cười vui vẻ:

- Ừ thế chứ, phải đoàn kết xây dựng quan hệ công nông cho tốt!

Nói chuyện với anh em công nhân xong, Bác cùng với đồng chí Trần Duy Hưng đi bộ r axe. Chúng tôi nhìn theo bước đi của Bác xiết bao trìu mến thân thương.

Và xúc động biết bao, sau đó hai tháng Bác có viết thư cho Thành ủy và hỏi các đồng chí công nhân hợp tác xã chúng tôi có bồi dưỡng cho anh  em không!

Từ đó đến nay đã 5 năm rồi, tôi vẫn còn nhớ rõ từng bước đi, giọng nói hiền từ của Bác. Tôi rất ân hận không được ở nhà để tiễn đưa Bác lần cuối cùng.

Trên đường về tôi càng thương Bác bao nhiêu tôi càng nghĩ đến trách nhiệm lo cho hợp tác xã ở nhà có khó khăn không, nhất là mùa lũ lụt vừa qua. Và những ngày để tang Bác, bà con hợp tác xã Việt – Trung chúng tôi đã hành động đền ơn Bác như thế nào?

Sinh thời, Bác như người ông, người cha trong gia định như cột trụ để chúng tôi dựa, cái gì làm chưa đúng đã có cha lo, nhất là đối ngoại, Bác giải quyết rất sáng suốt, có tình có lý. Bây giờ Bác mất, tôi phải ra sức phấn đấu hơn nữa, đùm bọc lấy nhau đoàn kết giúp đỡ nhau để sống và chiến đấu theo lời Bác dạy, tuyệt đối trung thành với Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh, đó là cơ sở tôt nhất để chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đối với Đảng, toàn dân, Bác để lại muôn vàn tình thân yêu qua bản Di chúc lịch sử. Riêng đối với chúng tôi, ngoài những lời Di chúc quý báu đó, còn được Bác dành cho những lời chỉ bảo cặn kẽ ân tình trong điều lệ hợp tác xã. Tôi nguyện suốt đời làm theo lời Bác, thực hiện đầy đủ nghị quyết của Trung ương Đảng, lãnh đạo bà con xã viên đoàn kết nhất trí xây dựng hợp tác xã Việt – Trung vững mạnh về mọi mặt.

QUANG CẢNH
(Ghi theo lời kể của Anh hùng lao động Lương Văn Nghĩa)
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #45 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 11:29:00 am »

BÁC HỒ VẪY GỌI ĐẠI XUÂN!

Những người trẻ tuổi của Đại Xuân không thể nào quên được buối sáng hôm ấy. Cả Đại Xuân bàng hoàng! Đài tiếng nói Việt Nam truyền đi bản thông cáo số một, rồi bản thông cáo số hai. Những bản thông cáo lành ít dữ nhiều. Ai cũng muốn gạt phắt cái phần dữ…

Nhưng sớm hôm sau, đồng chí Nguyễn Văn Khe giật giọng:

-   Các đồng chí ơi! Đài nói là Bác mất, Bác mất rồi…

Cô đội trưởng Nguyễn Thị Thêm cũng chợt tỉnh. Cô ngồi bật lên mà rồi không sao đứng dậy được. Nước mắt cứ ứa ra. Ông Nguyễn Văn Huấn mù lòa cứ nhẩm mãi cái giờ Bác mất: chín giờ bốn mươi bảy phút. Hai dòng nước mắt chảy ra từ đôi mắt hàng chục năm, không biết, không biết gì tới ánh sáng. Các cụ tổ “thất hiền” cũng khóc không ngớt. Những hàng cây các cụ trồng theo lời Bác Hồ còn đây trên đường làng Đại Xuân, mà nay Bác đi rồi…

*
* *

Cả làng Đọ, cả huyện Ninh Giang đang chống úng. Đó là vụ chống úng đầu tiên của một thôn to chưa từng biết đến cây lúa mùa. Riêng ở cánh Triều Vôi, người đông nghịt, cờ rực trời, guồng gầu tới hàng ngàn. Một cụ già và một đoàn người từ đường cái đi vào. Ông cụ dừng lại bên một chiếc guồng. Bác Hồ! Đúng là Bác Hồ về rồi! Tay Bác vẫy gọi. Bà con ào ào chạy tới. Bác hỏi đủ điều về chống úng. Bác khen Đại Xuân. Bác bảo: “Cố gắng, cố gắng lên. Nước rút, ta cấy lúa tốt, bà con no…”

Mãi về sau này, thanh niên Đại Xuân vẫn nhắc lại cái buổi sáng Bác Hồ về thăm đồng đất quê nhà đó. Nhiều cuộc họp liên tiếp của chi đoàn thảo luận việc thực hiện nghị quyết của chi ủy làm theo lời Bác dạy. Với mảnh đất “rốn nước” này, chống úng là việc sống còn. Con rồng xanh chín mươi chín khúc chỉ là con song chạy loằng ngoằng khắp các cánh đồng, hằng năm gây úng lụt. Phải làm thủy lợi! Mà làm thủy lợi thì thanh niên phải đi đầu…

Bàn tay thanh niên ở đây, đã góp phần làm cho quê hương đổi thay từ hòn đất đến con người, đổi hẳn làng Đọ xưa kia thành Đại Xuân ngày nay. Ở làng Đọ, dưới chế độ xã hội cũ, dân nhiều đất ít, bà con bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà không sống nổi. Gánh con lên rừng, rừng chẳng chiều người. Bồng nhau ra mỏ, mỏ không chịu chứa. Bây giờ Đại Xuân đó, có những cánh đồng nắn lại đẹp như tranh, có lớp lớp những hàng cây, có hàng nghìn lợn, hàng chục vạn cá. Có ánh điện làm chạy đủ các thứ máy, làm sáng những mái nhà. Có nghề dệt dũi, làm chiếu, làm thợ mộc, thợ nề, thợ nguội.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #46 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2010, 11:58:08 am »

Làng Đọ xưa có ông Hai Mây giỏi nghề đóng cối. Có trí thông minh, không học thầy mà ông Hai Mây vẫn biết chữ nôm, lại biết làm thơ. Ngày lại ngày ngồi trong túp lều tranh, mặc áo vải gai, tay đóng cối, ông Hai Mây cứ hát hay ngâm thơ cho trẻ làng nghe đến thuộc. Làng Đọ dạo ấy còn một chú bé tên là Huấn, mù từ mười hai tuổi. Hằng ngày chú bé lân la ra nghe thơ ông Hai Mây, thuộc cả những bài thơ dài. Ông Hai Mây thương tình, vạch vẽ rằng: “Cháu ạ, tốt nhất là đi ăn mày…”. Huấn đã đi ăn mày, và cả tuổi thanh niên của con người mù lòa đó đã đi qua đầu đường xó chợ. Rồi anh lấy vợ, một người đàn bà cũng bị gậy như anh…

Có Đảng, có Bác, cuộc đời đổi thay, ông Nguyễn Văn Huấn mù lòa ngày nào nay là một xã viên, lại là một nhà thơ của Đại Xuân. Đôi mắt không trông thấy gì mà ông biết đủ mọi đổi thay của quên hươgn và ghi lại trong bài thơ dài “Đại Xuân vào hợp tác”. Ông dọn ra ở ngoài rìa làng. Ai ngờ vợ chồng ông nên người, có con gái đi ở riêng, có con trai đi bộ đội, thì Bác Hồ mất rồi. Đôi mắt không biết nhìn nhưng biết khóc, khóc mãi. Và ông Huấn lại làm thơ…

*
* *

Thanh niên Đại Xuân bảo nhau: “Vụ mùa này hệt như vụ mùa năm Bác về”. Và: “Thương tiếc Bác trước hết là làm sao cho vụ này thật tốt”. Theo chỉ thị của Đảng ủy, lập tức có cuộc tông kiểm tra đồng ruộng. Thanh niên cùng bà con tủa ra đồng. Lúa được đánh giá ở từng thửa. Lúa tốt từ chân sống lên và tốt đều. Nhưng không khỏi không có những chân mạ được mấy mẫu giáp ranh với đồng xã bạn có xấu hơn. “Bác Hồ không muốn thế đâu…” – Ai cũng nghĩ vậy. Và các đội đổ xô ra vá đồng, với những cào có cải tiến, với những cỗ xe bánh hơi chạy vội vã trên khắp cánh đồng, chở thêm phân bón cho lúa. Chợt có tin báo: “Có sâu, lẻ tẻ mấy chân ruộng trũng đã bị sâu hút nhựa”. Thế là từng đôi một, thanh niên nam nữ đeo bình bơm và mang thuốc trừ sâu ra đồng.

Mấy hôm nay, đồng đất Đại Xuân đăm chiêu. Người làm đồng cũng đăm chiêu. Vắng hẳn tiếng nô đùa. Chỉ thấy sự cần cù.

Nhiều thanh niên và bà con được điều ra Triều Vôi, cánh đồng hồi nào đang được khoanh vùng chống úng thì Bác về thăm. Người kín cả con trạch lẫn con mương. Đó chính là con mương mà Đại Xuân đào, con chạch mà Đại Xuân đắp đúng hôm Bác về. Nay mang tang Bác, bà con mở rộng, đào sâu con mương, cơi cao đắp rộng cho con chạch từ đây thành bờ vùng to rộng thẳng tắp. Hợp tác xã những tưởng làm việc này phải mất hai ngày. Đêm hôm trước, trời lại mưa như trút, nước đầy ắp con mương, việc lấy đất đâm ra khó khăn. Chiếc máy bơm phun nước không biết mệt. Thanh niên lấy cờ tang làm tuyến, thi đua nhau rút ngắn thời hạn làm xong phần việc của mình. Các cụ già trong tổ “thất hiền” đã ươm sẵn hàng vạn cây để trồng giữa con mương và bờ vùng.

Công trình ghi nhớ công ơn Bác của thanh niên và bà con Đại Xuân không phải chỉ là bờ vùng mà còn bao gồm nhiều công trình, biến hơn mười mẫu ruộng quá trũng thành vườn cây ao cá trong đó có cả mấy gian nhà ngói mà bà con sắp xây biếu các cụ “thất hiền”. Và sát ngay khu này, bên kia sông thủy nông Hồng Dực là một trại tập trung nuôi lợn nái, lợn con; bên kia đường số mười bảy là cống ba cửa mà sau hồi Bác về, bà con đã tự vẽ tự xây lấy. Như vậy, công trình tổng hợp ấy sẽ là một di tích lịch sử, một danh lam thắng cảnh. Và cũng là một vùng kinh tế mở ra những triển vọng mới không chỉ làm lợi cho đời này mà còn cho mai sau. Mai sau, nhìn lại những ngày hôm nay, tuổi trẻ Đại Xuân có thể nói với anh linh Bác Hồ rằng: “Trong giờ phút đau thương phải vĩnh biệt Bác, chúng cháu đã biết làm theo lời Bác”.

Theo TRẦN MINH TẤN
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #47 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2010, 06:34:29 pm »

NHỮNG NGÀY TANG BÁC Ở MỘT VÙNG NGOẠI THÀNH HÀ NỘI

HÁI QUẢ DỪA CÚNG BÁC

Mãi đến ngày 23 tháng 9 chúng tôi mới về nhà mẹ Kha. Gian nhà trên vẫn còn trang trí tôn nghiêm. Ở giữa đặt chiếc bàn thờ, trền bàn thờ đặt chân dung Bác viền vải den, lọ hương trầm nghi ngút, hai ngọn nến leo heo và một quả dừa trên cái đĩa sứ cổ.

Nghe tin chúng tôi đến, mẹ vội vàng bước ra. Đầu mẹ chít khăn tang. Mặt mẹ buồn rầu. Chúng tôi hỏi chuyện ngày xưa Bác về đây. Mẹ không trả lời. Nước mắt mẹ bỗng dưng chảy giàn giụa trên hai gò mà nhăn nheo. Tay mẹ run run đốt thêm nén hương cắm trước chân dung Bác, rồi cúi đầu vái ba vái. Một chốc lâu, mẹ mới trấn tĩnh lấy vạt áo lau nước mắt. Giọng trầm trầm, mẹ kể:

Hồi năm 1945, trước khi cướp chính quyền, Trung ương đưa Bác về ở trong nhà mẹ mấy hôm. Nhưng hồi đó mẹ nào có biết Bác Hồ là ai. Chỉ biết những người cùng đi gọi Bác là “Cụ Già”.

Khoảng 9 giờ đêm, một đêm mùa thu sau cơn mưa bão. Xe nhà binh Nhật chạy rầm rầm ngoài đê sông Hồng. Bỗng có mấy người lặng lẽ đưa một Cụ già vào. Anh Khánh múc nước mời cụ rửa chân. Mẹ thắp ngọn đèn dầu hỏa, vặn nhỏ bằng hạt đỗ, đặt vào buồng anh Khánh. Mẹ chú ý nhìn cụ già mới vào. Cụ mặc bộ quần áo nâu mỏng. Gương mặt gày gò, có đôi mắt rất sáng. Mẹ không biết cụ là ai, nhưng qua thái độ đón tiếp của anh Khánh, mẹ đoán Cụ chắc là làm chức gì to. Mẹ vào mách cho người nhà biết. Ônh Kha vội vàng mặc áo dài bước ra, chắp tay chào và nói run run:

- Chào Cụ… Mong Cụ về cứu giúp cho dân đỡ khổ.

Cụ già liền đứng dậy, đỡ tay ông Kha:

- Ấy, cụ đừng làm thế, bà con nghèo khổ với nhau cả thôi.

Cử chỉ tự nhiên của Cụ già đã làm cho cả gia đình mẹ Kha thấy dễ gần gũi, thân mật ngay từ lúc đầu. Cụ ngồi trên chiếc ghế thấp, tay để lên đầu gối, hỏi thăm sức khỏe mọi người trong nhà, hỏi tình hình làm ăn, tình hình Tây – Nhật áp bức. Rồi Cụ già nói chuyện, chuyện gì Cụ cũng biết, tưởng như Cụ già ở làng này đã lâu.

Sáng ngày dậy, Cụ Già giở gói bánh xốp ra ăn và mời gia đình cùng ăn. Bữa cơm trưa, mẹ bắt con gà làm thịt mời khách. Anh Khánh nói thầm với mẹ:

- Cụ Già bảo đừng làm gà làm cá gì cả, chỉ ăn dưa nén như nhà thường ăn thôi.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Bảy, 2010, 06:57:55 pm gửi bởi TuongLinh » Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #48 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2010, 06:57:30 pm »

Nhưng mẹ nghĩ: chẳng lẽ lại bắt khách quý ăn xoàng như thế. Mẹ cứ làm thịt gà. Bữa cơm bắt đầu, mẹ đặt một mâm đồng trong nhà có ý để Cụ Già ngồi, đặt mâm gỗ ngoài thềm cho những người đã quen thuộc. Cụ Già thấy trên mâm có thịt gà, liền trách anh Khánh:

- Tôi dặn các chú rồi. Bây giờ tôi về đây, bắt dân làm thịt gà, mai đi nơi khác bắt dân mổ lợn mổ bò à?

Anh Khánh hơi lo, vào buồng nói với mẹ Kha nhờ mẹ ra “thanh minh” là thịt gà do tự ý mẹ làm chứ không phải do anh Khánh bảo.

Cụ Già cười:

- … Sao bà mẹ lại đặt hai mâm thế này? Cùng đặt một nơi ngồi cho vui.

Thế là Cụ ngồi bên cạnh mâm mộc. Mọi người thấy Cụ dễ tính, tự nhiên quá, cũng ngồi xoài bên cạnh Cụ như đàn con ngồi quanh người cha. Từ giờ phút ấy, mẹ Kha càng thấy không mảy may có chút cách biệt gì giữa mẹ cũng như mọi người trong gia đình với Cụ.

Buổi tối, Cụ ngủ trên sập, đắp chiếc khăn bàn. Hôm sau, vừa tinh mơ, ô-tô từ Hà Nội về đón Cụ đi. Ít lâu sau, ta cướp chính quyền, mẹ Kha mới biết Cụ Già về nhà mình trước đây chính là Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ở vườn hoa Ba Đình.

Mẹ sung sướng vì Bác đã đến nhà mình. Mẹ giữ lại tất cả những gì có liên quan đến Bác. Chiếc bàn Bác thường ngồi viết. Chiếc sập Bác nằm ngủ. Duy chỉ có chiếc khăn bà mà Bác đắp, đưa cháu mang đi dùng, sau này không tìm được, mẹ tiếc ngẩn ngơ…

Vừa kể, mẹ vừa nghẹn ngào, nước mắt trào ra… Chiều mồng 3 tháng 9 có người ở Trung ương về báo cho mẹ biết Bác ốm nặng, dặn theo dõi đài để biết tin tức về Bác. Mẹ lo sợ, hồi hộp. Suốt chiều, suốt đêm, mẹ ngồi bên cạnh loa chờ tin. Mẹ khấn thầm trong bụng, cầu mong Bác bình yên. Sáng mồng 4 tháng 9, đài đột ngột báo tin Bác mất. Mẹ sửng sốt ngã người ra. Bác mất rồi! Mấy đứa con dìu mẹ dậy. Mẹ nói thều thào:

- Các con các cháu để tang Bác đi!

Mẹ tìm tấm khăn sô thắt lên đầu. Rồi mẹ lập bàn thờ, đứng cúng Bác. Thanh niên nam nữ trong xóm kéo đến chật nhà, cúi đầu yên lặng trước chân dung Bác. Mãi hồi lâu, mẹ mới nói được mấy câu:

- Các con ạ, các con phải để tang Bác cho thật tôn nghiêm, để tang Bác ba năm cũng chưa đủ đâu. Các con phải xứng là con cháu của Bác. Nhờ có Bác mà gia đình mẹ cũng như gia đình các con mới được như ngày nay…

… Chúng tôi lặng người nhìn lên bàn thờ, nén hương đã tàn, mẹ đốt nén khác, rồi mẹ cẩn thận đặt lại quả dừa ngay ngắn. Chúng tôi vô tình hỏi:

- Nhà mẹ chắc trồng được nhiều dừa

- Mẹ không trồng được – Mẹ Kha nói – nhà bên cạnh có trồng được một cây… Mẹ biết đồng bào miền Nam đang mong đón Bác vào, Bác cũng nhớ thương bà con ở miền Nam, cho nên mẹ nghĩ cúng Bác quả dừa thì vừa lòng Bác hơn.

Chúng tôi vô cùng xúc động hiểu sâu sắc tấm lòng mẹ Kha đối với Bác. Chính mẹ cũng muốn cúng Bác bằng quả dừa để nhắc nhở thanh niên hôm đến nhà mẹ viếng Bác: các con phải xứng đáng là con cháu của Bác!
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #49 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 03:46:22 pm »

BÁC SỐNG MÃI CÙNG QUÊ HƯƠNG

Nghe tin Bác mất, bà con xã viên Phú Diễn ra đứng quân quần dưới cây đa Bác trồng khóc nức nở. Các cô gái ngồi chụm đầu nhau khóc. Các cụ già cũng khóc như trẻ nhỏ. Các em thiếu nhi khóc gào lên: “Bác Hồ ơi! Bác Hồ ơi!”. Có đồng chí thanh niên đứng nhìn cây đa, lặng người. Có cụ đưa tay sờ vào gốc đa như sờ vào người thân.

Sáng ấy là sáng mồng 4 tháng 9. Trời đổ mưa. Lá đa cũng nghiêng như trút nước. Trong phút vô cùng đau thương đó, ban quản trị hợp tác xã cắm lên ngọn đa một lá cờ dính dải băng đen. Các đồng chí chấp hành chi đoàn còn quấn lên thân cây đa một chiếc băng tang nửa đen nửa đỏ. Cây đa từ đây mang nỗi đau xót không bao giờ được thấy lại người trồng nữa! Quê hương từ đây mang nỗi đau xót không bao giờ được thấy lại Bác Hồ nữa!

Nhưng cây đa được các cụ chăm bọn, được thế hệ thanh niên này đến thế hệ thah niên khác chăm bón, cứ sống mãi, cứ xanh tươi tỏa bóng mát trên đất này. Cây đa mang hình bóng Bác, mang tình thương của Bác, sống mãi cùng quê hương.

Mỗi người đứng rất lâu dưới gốc đa, không ai muốn về. Ai cũng tưởng như Bác còn đứng bên cạnh mình. Các cụ, thanh niên, thiếu niên đều nhớ như in năm nào, Bác về trồng đa. Mới đây thôi. Tưởng như mới hôm qua, hôm kia… Nào đã lâu lắc gì đâu. Cách đây bốn năm. Tết nguyên đán 1965. Chiều 30 tết, Bác về đột ngột, mang theo một cây đa. Đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã, cùng ban quản trị và một số cụ, thanh thiếu nhi ra đón. Bác đi đôi dép cao-su bình thường như đôi dép của mọi ngời trong làng. Ai cũng sung sướng, hối hả cùng Bác trồng cây. Cụ Bích xách thùng nước cho Bác tưới. Các cháu nhi đồng cùng Bác vun đất. Bác nhanh nhẹn, vun tưới thành thạo như một người nông dân.

Trồng đa xong, Bác hỏi đồng chí Chí, chủ nhiệm hợp tác xã rất tỉ mỉ tình hình làm ăn:

- Giá trị ngày công năm trước, năm nay bao nhiêu?

- Bình quân mỗi nhân khẩu hưởng một tháng bao nhiêu?
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM