Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:13:51 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Muôn vàn tình thân yêu  (Đọc 32261 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #30 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2010, 12:27:53 am »

NGUYỆN SUỐT ĐỜI LÀM THEO LỜI BÁC HỒ DẠY

Cuối năm 1966 tôi vinh dự được đi trong đoàn đại biể công nhân nhà máy dệt Nam Định lên Hà Nội tiếp đoàn đại biểu công nhân nhà máy dệt Bình Nhưỡng, Triều Tiên sang thăm nước ta.

Một buổi tối, đồng chí lãnh đạo cho biết sáng mai chúng tôi được đến thăm Bác Hồ. Lòng tôi xốn xang, hồi hộp sung sướng quá. Ôi! Bao nhiêu là cảm xúc, bồi hồi. Đêm ấy tôi gặp Bác, lo không biết nói câu gì để tỏ hết tấm lòng kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Bác, khi Bác hỏi thì trả lời ra sao để Bác vui… Tôi mong trời mau sáng, nhưng làm sao mà đêm dài thế.

Sớm hôm sau chúng tôi ngồi ở phòng ngoài hồi hộp đón Bác. Một lát, Bác vén tấm rèm trúc bước ra. Bác béo khỏe, hồng hào, râu tóc bạc trắng. Trông Bác hiền từ, phục hậu như ông tiên trong truyện cổ tích. Bác mặc bộ quần áo ka-ki vàng đã bạc màu, đi đôi dép cao su quai to. Chúng tôi đứng cả dậy chào Bác. Bác tươi cười bắt tay từng người rồi kéo chúng tôi cùng ngồi xuống. Bác hỏi chị công nhân Triều Tiên ngồi bên:

- Cháu tên là gì?

- Thưa Bác tên cháu là Lý Xuân Hoa ạ!

- Cháu đứng bao nhiêu máy?

- Thưa Bác cháu đứng 51 máy ạ.

Bác gật đầu cười rồi hất hàm hỏi chị Đào Thị Hào ngồi phía trước:

- Cháu Hào đứng bao nhiêu máy?

- Thưa Bác cháu đứng 24 máy ạ.

Rồi Bác quay lại cầm tay tôi. Hơi ấm từ bàn tay Bác truyền sang chạy rần rật khắp người làm tôi thổn thức, sung sướng ứa nước mắt. Nhìn những ngón tay thon nhỏ của Bác tôi bùi ngùi xúc động. Những ngón tay này đã phải chịu không biết bao nhiêu cực nhọc, vất vả: phải bửa củi, nấu cơm, rửa bát, truyền ảnh, viết báo, bán báo… bị tù đày, bị đánh đập đau đớn. Tôi se sẽ nâng niu bàn tay của Bác. Bác hỏi:

- Tên cháu là gì?

- Thưa Bác tên cháu là Liên ạ.

- Cháu liên đứng mấy máy?

- Thưa Bác cháu đứng 16 máy ạ

Bác cười bảo tôi:

- Cháu Lý Xuân Hoa đứng 54 máy, cháu mới đứng 16 máy, vậy cháu phải cố gắng thao tác sao cho nhanh, phải giảm những động tác thừa. Có thế mới đứng được nhiều máy, mới sản xuất được nhiều vải. Nhưng sản xuất ra nhiều vải lại phải bảo đảm chất lượng thật tốt, thế mới gọi là nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Cháu có hứa với Bác sẽ cố gắng không nào?

- Thưa Bác cháu xin hứa với Bác sẽ đứng 20 máy ạ.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #31 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2010, 01:04:59 am »

Bác vỗ vỗ nhẹ vào vai tôi cười rất hiền, rất tươi. Bác bảo:

- Cháu chỉ nên đứng 18 máy thôi. Bác thấy cháu yếu cần phải lo giữ gìn sức khỏe cho tốt. Có sức khỏe mới phục vụ cách mạng được lâu dài.

Tôi nhìn Bác, nước mắt rưng rưng. Bác ơi, nhà con mấy đời khổ sở, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bị bọn địa chủ bóp hầu, bóp cổ. Ngày còn bé, nhà nghèo, cháu phải lam lũ, vất vả, mò của bắt ốc, rau cháo qua ngày nên ốm yếu gầy còm. Nhờ có Bác, có Đảng gia đình con mới được no ấm, sung sướng, bố mẹ con có việc làm, chúng con được học hành tiến bộ. Bác lo mọi việc lớn lao cho dân cho nước, Bác lo cả tới sức khỏe của con. Công ơn của Bác như trời bể, chúng con biết lấy gì đền đáp được…

Những lời dạy bảo gần gũi chân tình và sâu sắc của Bác tôi đã ghi rất đầy đủ, nắn nót vào nhật ký và luôn luôn nâng niu trân trọng, giữ gìn như báu vật. Lúc nào tôi cũng ghi nhớ, tâm niệm và làm theo những lời giáo huấn ấy. Ngót ba năm qua, tôi đã tình nguyện đứng 20 máy và năm nào cũng dệt vượt mức kế hoạch. Tôi vẽ sơ đồ máy vào sổ tay, đêm nằm tưởng tượng nghiên cứu rút ngắn đường đi và giảm các động tác thừa…

Hôm mồng 2 tháng 9 tôi ra cửa hàng mậu dịch bác hóa, thấy bà con truyền tay nhau tấm vải do nhà máy tôi sản xuất. Có người chê: “Vải xấu xấu là, dệt lỗi khối ra thế này này”. Tôi thấy nóng bừng cả mặt, cả tai. Mặc dầu không ai biết tôi là thợ dệt nhưng tôi cứ cảm thấy như mọi người đang chê trách tôi, phê bình tôi vậy. Tôi xấu hổ lắm và đêm ấy về, tôi không sao ngủ được. Tôi nhìn lên ảnh Bác. Đôi mắt Bác vẫn hiền từ, trìu mến nhìn tôi mỉm cười. Nhưng trong thâm tâm, tôi thấy như Bác đang thầm trách móc tôi. Tôi ân hận quá, giở nhật ký đọc lại lời Bác dạy và tôi gục đầu xuống bàn khóc.

Nỗi băn khoăn và ân hận còn day dứt thì sáng hôm sau đài phát thanh báo tin Bác ốm. Tôi thương Bác quá chỉ lo Bác mệt nặng. Tối hôm ấy tôi viết thư thăm Bác, bày tỏ nỗi lòng ân hận vì chưa làm được đầy đủ lời Bác dạy và hứa với Bác sẽ sửa chữa.

Thư chưa kịp gửi thì Bác đã mất… Tôi đau đớn bao nhiêu thì nỗi ân hận lại càng tăng bấy nhiêu.

Tôi đứng loại máy hai go, dệt loại vải này rất lỗi mà lại khó thấy. Tôi ra công tìm tòi và hai ngày sau mới phát hiện ra lỗi ở mặt trái của vải. Nhờ vậy cả tổ đã bàn bạc và tìm cách bổ khuyết kịp thời. Trước đây trong khi dệt nếu có đôi ba sợi đứt, tôi ngại nối cứ cho máy chạy. Nhưng từ nay tôi không bao giờ làm thế vì tôi nghĩ: giá có hụt mức thì còn phấn đấu bù lại, chứ nếu chất lượng xấu thì không thể sửa chữa được. Mấy tuần nay hình ảnh của Bác lúc nào cũng hiện về trong óc tôi, những lúc tôi đứng bên máy, những lúc họp hành… Tôi cảm thấy như lúc nào cũng có Bác ở bên.

*
* *

Hôm nay tôi trân trọng dán ảnh Bác viền tang đen và bút tích lời Di chúc của Bác vào nhật ký. Bác mất rồi! Từ nay không bao giờ tôi được gửi thư thăm Bác nữa. Bác mất đi nhưng hình ảnh Bác, những lời dạy bảo của Bác vẫn sống mãi trong trí óc tôi. Tôi xin nguyện suốt đời làm theo lời dạy của Bác.

ĐẮC TRUNG
(Ghi theo lời kể của chị Bích Liên)
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #32 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2010, 01:58:52 pm »

BÁM MÁY LIÊN TỤC

Tôi vốn có một ước mơ thầm kín và to lớn. Được gặp Bác Hồ. Muốn vậy, tôi nghĩ, chỉ có cách là phấn đấu làm một công nhân, một thanh niên ưu tú của nhà máy.

Năm 1966, bất ngờ tôi nhận được tin chồng tôi hy sinh trong chiến đấu. Tôi đã ôm lấy bốn đứa con nhỏ mà khóc “Các con ôi, thế là từ nay các con trở thành côi cút”. Bản thân tôi cũng cảm thấy cô đơn lạ lung. Nhưng cũng chính trong những giờ phút đau khổ đó, tôi đã nghĩ đến Bác Hồ và những lời khuyên dạy của Bác. Đúng là còn giặc Mỹ thì nhân dân ta còn gian nan vất vả. Con đường duy nhất là đem hết sức mình, lòng mình làm tốt công tác để góp phần đánh đuổi chúng đi. Không được quỵ ngã, không phút nào được quỵ ngã. Tôi cố gắng thu xếp công việc gia đình, cho các cháu sơ tán, và làm sao bảo đảm ngày công ở xí nghiệp, tăng năng suất, góp phần nhỏ vào những mét vải gửi tặng đồng bào miền Nam. Cố gắng của tôi đã được Bác Hồ biết đến. Bác gửi tặng tôi một chiếc huy hiệu. Sung sướng biết bao! Tôi thầm nghĩ rằng nếu mình cố gắng không ngừng, rồi sẽ có ngày tôi được đeo tấm huy hiệu này lên gặp Bác Hồ thật. Hẳn là phải có nhiều chuyện hay báo cáo với Bác, và cầu mong sao cho đỡ lúng túng…

Ngờ đâu… Bác không còn nữa! Gia đình tôi đau đớn vô cùng. Hai con gái của tôi, cháu Hằng và cháu Hà đều đang học trường Nguyễn Viết Xuân. Các cháu vẫn mong sẽ được đón Bác đến thăm trường, được Bác xoa đầu và cho kẹo. Mấy hôm nay các cháu cứ hỏi tôi: “Bác Hồ mất rồi, con biết là cháu ngoan của ai?”. Nghe cháu hỏi, tôi không sao cầm được nước mắt. Cứ ngồi mà nghĩ thì chỉ khóc suốt ngày suốt đêm. Nhưng đến nhà máy, chị em nhắc nhở, an ủi lẫn nhau, nỗi đau thương cũng vợi đi nhiều. Giờ đây, tốt nhất là biết thỏa mãn lòng mong ước của Bác bằng cách hăng hái thi đua sản xuất. Phân xưởng dệt kín của tôi đã phát động phong trào thi đua mới ngay sau khi Bác từ trần. Ở tổ đảo sợi ba của chúng tôi, chị em đã cố gắng rõ rệt. Trước đây, chúng tôi thường chỉ đi sớm 15 phút trước khi nhận ca, nay tất cả đều đến sớm 30 phút. Giờ bám máy của cả tổ cũng tăng từ 6 lên 7 giờ hoặc cao hơn. Như vậy bình quân mỗi ngày tổ chúng tôi đã sản xuất vượt chỉ tiêu từ 25 đến 30 kg sợ. Riêng tôi trong mấy ngày vừa qua đã đạt mức bám máy 7 giờ 30 phút mỗi ca, và năng suất của tôi cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay: Mỗi ca vượt chỉ tiêu từ 10 đến 13 kg sợi.

Mỗi lần trông các con đi học về, nhớ tới Bác Hồ, tôi lại thầm bảo với chúng: “Thế là mẹ con ta sẽ chẳng bao giờ được gặp Bác Hồ nữa, nếu biết nghe theo lời Bác mà mẹ làm giỏi, con học ngoan, mẹ con ta cũng đỡ ân hận đi nhiều, phải không các con?”.

Theo lời chị ĐOÀN THỊ HỢI
Nhà máy dệt kim Đông Xuân, Hà Nội
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #33 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2010, 11:39:56 pm »

VẪN NHƯ NGÀY CÒN BÁC

Năm 1955, sau ngày tiếp quản Hà Nội ít lâu, Bác Hồ đến thăm nhà máy điện Yên Phụ của chúng tôi. Bác rất giản dị, thân mật, cởi mở. Tôi cố nhìn cho thật rõ Bác. Hôm đó, Bác giảng giải cho chúng tôi về vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân vinh quang, về tinh thần làm chủ nhà máy. Vấn đề còn rất mới lạ đối với một số người như tôi, nhưng sau khi nghe Bác nói tôi thấy cứ sáng dần ra, và thấm thía về những nỗi nhục nhã cũ. Nước mắt tôi chảy ra giàn giụa trên má. Tôi nghĩ đến năm đói Ất Dậu, đến những ngày thất nghiệp, đến phút phải bấm bụng cho không đi đứa con duy nhất để khỏi phải thấy cái cảnh bố mẹ nhìn con chết đói.

Từ hôm đó, tôi lần mò đi kiếm các sách, báo nói về cuộc đời làm cách mạng của Hồ Chủ tịch, về tác phong, đạo đức của Người. Gương sáng của Bác Hồ, đức tính cần kiệm liêm chính của Bác thúc đẩy, động viên tôi tìm bằng được mọi cách phát huy vai trò đầu tàu của người công nhân dưới chế độ mới.

Ở nhà máy điện Yên Phụ hồi đó, bọn chủ Pháp đi, vất lại rất nhiều những chiếc tăm-pông cũ mòn vẫn dung cho nồi hơi phát điện. Vật liệu này, chúng vẫn chở từ bên Pháp sang, loại tăm-pông hình bầu dục đúc sẵn. Hồi đại chiến thứ hai, phương tiện chở bị cắt đứt, kỹ sư Pháp có đứa đã nghĩ đến cái núi tăm-pông cũ chất đống, muốn đem dung lại, nhưng không thành công.

Nhà máy điện trở về ta, lò hơi cần rất nhiều tăm-pông để tăng năng suất, để khỏi lãng phí hơi. Thấm thía lời Bác dạy, bước đầu thấy được cái vị trí quan trọng của người thợ, tôi hay dừng lại trước đống tăm-pông cũ, suy nghĩ, băn khoăn. Ngày một, ngày hai, nhờ lãnh đạo khuyến khích tôi nẩy ra ý kiến đắp tăm-pông cho to ra, rồi bắt tay vào tiện thử. Tôi chế ra một lưỡi dao nhọn lượn bắt lò-xo, có bánh xe nhỏ, làm một cái khuôn mẫu tăm-pông hình bầu dục, cho dao lượn theo khuôn. Kết quả là tôi đã tận dụng được tất cả số tăm-pông bỏ đi, tiết kiệm được hàng triệu đồng cho nhà máy.

Tôi được Bác thưởng huy hiệu, hôm Người đến thăm nhà máy điện lần thứ hai vào cuối năm 1957. Hôm đó, cũng như lần trước, đang chăm chú theo dõi từng cử chỉ của Bác, tôi giật mình vì có tiếng hỏi:

- Chú Kang có đấy không?
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #34 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2010, 11:54:15 pm »

Tôi run rẩy hồi hộp: “Thưa Bác, có ạ”. Rồi tôi bước đến chỗ Bác đứng. Bác đặt tay lên vai tôi, bắt tay tôi: Bác nói, giọng ấm cúng, thân mật:

- Chú là Hoa kiều phải không? Bác nghe nói chú có góp được nhiều sáng kiến, Bác thưởng cho chú chiếc huy hiệu của Bác.

Rồi Bác quay sang nói chuyện với anh chị em chúng tôi. Đại ý Bác khen chúng tôi về một số thành tích, căn dặn chúng tôi tránh chủ quan, tự mãn, luôn luôn cố gắng vươn lên với tinh thần làm chủ tập thể.

Qua hai lần gặp Bác, qua hành động thực tế trong sản xuất, tôi càng cảm thấy thấm thía về ý nghĩa hai tiếng “làm chủ” mà trước đây tôi hiểu còn chưa thấu đáo. Trước đây, tôi không có cả đến lưỡi dao tiện là cái “cần câu cơm” cho cuộc sống hàng ngày. Lưỡi dao gắn vào máy, và máy là tự liệu trong tay chủ. Tôi đứng máy thuê, cứ rời máy ra là y sắp chết đói, mặc dầu tôi đã cố gắng tiện cho nhanh, cho giỏi để vừa lòng chủ. Họa hoằn trước đâu có lúc kiếm được tiền chút ít, tôi lại có ý nghĩ ăn tiêu cho “bõ lúc phong trần”. Đời sống đã bấp bênh, tính tình người thợ thời xưa cũng lại bấp bênh nốt.

Được sống trong thời đại do Bác Hồ khai sinh, nuôi dưỡng, bài học sâu sắc, tôi lĩnh hội được ở Lãnh tụ vĩ đại là đức tính giản dị, cần kiệm. Bác là kết tinh của đức tính giản dị, trong sạch ở người công nhân cao quý. Suốt đời lớn lao 79 năm của mình, Bác chưa hề lãng phí một giờ phút nào có ích.

Có lần, đau dạ dày, được nằm ở bệnh viên, tôi thoáng có ý nghĩ buồn bã. Nhưng chỉ một thoáng thôi, hình ảnh Bác hơ nóng một hòn gạch, cầm trong tay cho đỡ lạnh trong thời tiết băng giá phương Tây, lập tức xua đuổi ngay trong tôi cái giây phút ngần ngại.

Bằng việc nhỏ cũng như việc lớn, tác phong, đức tính của Bác trở thành nguồn động viên kỳ diệu cho giai cấp công nhân chúng tôi tiến lên chống Mỹ, cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam.

- “Chú Kang có đấy không?”

Mỗi lần trong tâm tư tôi vang lên câu hỏi của Bác, thì bất giác do bản năng chấp hành của người thợ, tôi đều thầm kín trả lời: “Thưa Bác có ạ”.

Đúng là tôi đã có mặt, anh chị em thợ điện chúng tôi đề có mặt vào những lúc quân thù dội bom ác liệt nhất vào khu vực nhà máy điện, hòng cắt đứt dòng sinh khí trong sinh hoạt sản xuất. Nhưng chúng tôi đã tự hào là những người thợ điện – những Nguyễn Văn Trỗi của miền Bắc – “một tấc không đi, một ly không dời” khỏi cái vị trí vinh quang, dù đầy hy sinh, nguy hiểm.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #35 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2010, 12:11:26 am »

Có được sự dũng cảm nói trên, chính là nhờ công ơn giáo dục, dìu dắt của Bác. Tôi đã góp phần hoàn sinh lại hàng nghìn chiếc tăm-pông phế phẩm đã sử dụng vào lò hơi, nhưng chính Bác Hồ, là Đảng tiền phong, là chế độ xã hội chủ nghĩa đã cứu sống chúng tôi, đưa chúng tôi từ chỗ đứng thấp hèn của một người thợ làm thuê lên vị trí của người công nhân làm chủ cuộc đời, làm chủ nhà máy. “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”, câu nói của Bác Hồ quả là một chân lý vĩnh viễn, thấm thía vào lòng những người thợ đã chịu mấy chục năm mất nước, mất nhân phẩm, mất chỗ đứng trong xã hội cũ như anh chị em công nhân chúng tôi. Bác chính là một người thợ, người thợ vĩ đại, đã xây dựng nên cả một chế độ không có người bóc lột người, càng ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hôm cử hành tang lễ Bác, tôi được vinh dự túc trực bên linh cữu của Người. Tôi được vinh dự cũng đội ngũ đứng chiêm ngưỡng Bác trong 5 phút. 5 phút thật là quý báu. 5 phút của người thợ bình thường được phép đứng hướng mặt vào giấc ngủ lâng lâng của vị lãnh tụ thiên tài, của người thầy vĩ đại. Nhưng 5 phút cô đọng tất cả niềm tiếc thương, tôn kính đó, mắt tôi cứ nhòa đi vì nước mắt chảy xuống hết lớp này đến lớp khác. Và cho đến khi nhận phiên đứng túc trực bên linh cữu Người, tối cố gắng giữ vững tư thế, song nước mắt cứ trào ra. Có những lúc người ta sung sướng được khóc, nhưng sung sướng nhất là cho tôi được khóc thương Bác, những dòng nước mắt đền đáp trong muôn một lòng thương yêu bao la của Bác đối với giai cấp công nhân chúng tôi.

Vĩnh biệt Bác Hồ vô cùng kính mến! Tôi đứng lặng người bên cạnh chỗ Bác yên nghỉ, tâm trí bỗng nổi lên hình ảnh trìu mến của Bác Hồ. Nhưng Bác Hồ không còn nữa! “Trong gang tấc bỗng gấp nghìn quan san”!

Trở lại nhà máy điện Yên Phụ, anh chị em chúng tôi ngày ngày đến mặc niệm trước bàn thờ Bác. Bác vẫn là người Cha vĩ đại theo dõi săn sóc bước đi của đàn con. Chúng tôi hứa với Bác những điều hứa thiêng liêng. Phân xưởng cơ khí do tôi phụ trách đã không còn tình trạng chuẩn bị chiếm mất dăm phút giờ đầu vào ca như trước. Tất cả chúng tôi đã khẩn trương bước thẳng vào sản xuất ở ngay phút đầu tiên. Hằng tuần, chúng tôi đến báo cáo với Bác những thành tích đạt được sau 7 ngày làm theo Di chúc của Bác.

Chúng tôi đã có ngay được một số sáng kiến nóng hổi. Đáng chú ý là sáng kiến cải tiến lại quả lò bằng than, trước đây đưa gia công chế tạo phải mất hai ngày và cần khá nhiều nguyên liệu. Nay cũng là quả lò, nhưng cách làm đã đơn giản, chỉ cần một ngày làm xong, lại giảm hơn được một nửa nguyên liệu, có triển vọng sử dụng được lâu hơn.

Chắc chắn rằng, với lòng yêu thương, tôn kính vô cùng đối với Hồ Chủ tịch, giai cấp công nhân nói chung, nhà máy điện của chúng tôi nói riêng, sẽ ngày càng có nhiều đóng góp, đúng như lời Người đã nói ở Đại hội Đảng bộ Hà Nội năm 1961:

“Đảng bộ Thủ đô và đồng bào, trước hết là công nhân Thủ đô, phải gương mẫu làm đầu tầu, để đưa toàn miền Bắc giành lấy thắng lợi”.

H.D.
(Ghi theo cảm nghĩ của anh hùng lao động Hoa Kiều Mai Linh Kang).
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Sáu, 2010, 06:33:00 am gửi bởi macbupda » Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #36 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2010, 12:53:40 am »

BẢN DI CHÚC VIẾT TAY CỦA BÁC

Từ lúc đi viếng linh cữu Bác lần cuối cùng về, Hưng cứ lanh quanh bên chiếc máy chụp ảnh mà lòng biết bao đau đớn xót xa, chính chỗ này đây năm 1959 khi đến thăm nhà máy, Bác đứng chụp ảnh chung với Hưng. Bác chỉ tay vào máy và hỏi Hưng:

- Máy này của nước nào sản xuất, chú?

- Dạ thưa Bác, máy của nước Cộng hòa dân chủ Đực viện trợ ạ.

Bác quay sang nói đùa một câu với đồng chí nhiếp ảnh đi theo Bác. Mọi người cười vui vẻ. Ai cũng muốn được đứng gần Bác để ngắm Bác và nghe Bác dạy bảo. Kỷ niệm ấy cách đây đã 10 năm, nhưng Hưng vẫn cảm thấy như mới hôm qua. Hưng cứ tâm niệm và thầm nghĩ, mình phải làm một việc gì có ý nghĩa sâu sắc để báo hiếu Bác kính yêu, tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Bác, thì bất ngờ, lúc 16 giờ 36 phút, đồng chí giám đốc gọi Hưng lên phòng làm việc và trao cho Hưng một tài liệu chụp trong 2 bìa cứng. Đồng chí giám đốc nói:

-   Đây là một tài liệu vô cùng quý giá, Đảng tin cậy đồng chí, giao cho đồng chí. Đồng chí cố gắng chụp thật tốt, in thật đẹp.

Hưng mở tập bìa cứng ra, nét chữ run run của Bác hiện lên. Hưng sững sờ không hiểu đây là thật hay mơ. Hưng áp chặt tờ Di chúc vào ngực, niềm thương, nhớ, đau xót, sung sướng tự hào khiến Hưng hồi hộp cuống quýt khó tả. Khác với những lần được gặp Bác, cổ Hưng cứ tắc nghẹn lại, nước mắt chảy giàn giụa. Hưng cố ghìm không cho những giọt nước mắt rỏ xuống bản Di chúc quý vô vàn.

Hưng bình tĩnh đọc từng câu, nhìn từng nét chữ của Bác mà lòng xiết bao đau đớn tự hào. Bác viết lời Di chúc lịch sử đó. Bác viết lời Di chúc lịch sử đó trên trang giấy một mặt của Bản tin Việt Nam thông tấn xã. Bác viết bằng mực xanh nhạt chữa bằng mực đỏ. Đây là khó khăn trong đời làm thợ Hưng chưa từng gặp. Thường thường bản thảo mang đến chụp ảnh phải là giấy trắng viết bằng mực đen đậm, đằng này lại có hai màu. Hưng bàn với Phúc tìm đủ mọi loại kính tách màu để chụp, cố gắng lấy cho rõ từng nét, từng cái gai của chứ để đồng bào chiến sĩ ở khắp nơi một lần nữa thấy rõ sự cần kiệm vĩ đại của Bác, luôn tiết kiệm dù chỉ là trang giấy nhỏ. Trong suốt 4 tiếng đồng hồ Hưng làm việc với tất cả trí tuệ, tình cảm và lòng thương tiếc, biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ kính mến. Càng đau đớn, tự hào bao nhiêu Hưng càng nhớ đến công ơn trời biển của Bác, đến những hạnh phúc của đời mình khi được gặp Bác. Ngày ấy, vào những năm nhân dân ta anh dũng chống Pháp, Phạm Quang Hưng được vào làm công nhân nhà in Trần Phú (miền Nam) từ năm 13 tuổi. Lần đầu tiên Hưng được nhìn thấy ảnh Bác chính là lúc bàn tay Hưng xếp chữ in cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc” của Bác trên những trang giấy moi (giấy bản loại xấu) ở trong rừng U Minh miền Nam. Từ cái phút thiêng liêng ấy Hưng đã ghi khắc trong tâm khảm mình bao lời dạy bảo của Bác, rèn luyện phấn đấu theo con đường Bác đã vạch ra.

Năm 1954, Hưng được Đảng và Bác cho ra Bắc, Hưng chuyển về nhà in Tiến Bộ làm việc, học tập và tiếp tục làm nghề chụp ảnh mà khi hoạt động ở Pháp, Bác đã làm.

Suốt 15 năm làm việc ở nhà in, Hưng rất vinh dự được nhiều lần chụp ảnh Bác, chụp thư chúc tết và những tài liệu chính tay Bác viêt Bác ký. Từng giờ, từng phút Hưng được gần Bác, ngắm nhìn Bác. Có lúc hai tay cầm tấm ảnh Bác đặt vào máy chụp khi ánh đèn hồ quang bật sáng, hình ảnh Bác mới đẹp làm sao, mái tóc bạc, chòm râu trắng với những nụ cười hiền từ, đôi mắt sáng ngời nổi bật lên trông đẹp như ông Tiên trong chuyện cổ tích, mà mẹ Hưng thường kể. Ai làm nhiều điều tốt sẽ được gặp Tiên. Còn Hưng, rất sung sướng tự hào đã được gặp Bác nhiều lần được nghe Bác dạy bảo. Niềm hạnh phúc ấy Hưng càng thấy thấm thía quyết tâm và nguyện phấn đấu theo lời Bác. Từ một thanh niên bình thường, Hưng đã trở thành đảng viên và là cán bộ kỹ thuật chủ chốt của nhà máy in Tiến Bộ. Trong những ngày cả nước đau thương vĩnh biệt Bác Hồ, Hưng lại vinh dự là người thanh niên công nhân đầu tiên được đọc và cầm bản Di chúc viết tay của Bác.

Làm xong Di chúc của Bác, Hưng lại thấy bang khuâng, Hưng tình nguyện nhận với Trung ương, Ban giám đốc, chụp và cho in lại bức ảnh mà khi còn sống Bác thích nhất treo ở phòng làm việc. Hưng say sưa nghiên cứu, tìm tòi các biện pháp kỹ thuật làm chân dung Bác thật đẹp, thật tốt để chiến sĩ đồng bào miền Nam cũng như nhân dân cả nước, bầu bạn khắp năm châu có ảnh Bác để tương niệm và phấn đấu hành động theo lời Bác dạy, tiến lên theo con đường cách mạng mà Bác đã vạch ra.

QUANG CƯỜNG
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Sáu, 2010, 01:07:07 am gửi bởi TuongLinh » Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #37 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2010, 12:17:50 am »

GIỮ VẦNG ÁNH SÁNG ĐIỆN NỚI BÁC AN NGHỈ

Đêm nay – đêm 9-7-1969 – tôi vừa được bổ sung đi làm việc đột xuất thì Hậu cũng nhận được lệnh đột xuất: mắc thêm 3 nguồn điện dự phòng nữa ở nơi đặt linh cữu Bác Hồ. Lập tức, Dương Văn Hậu chuẩn bị gấp các cầu dao, bóng và sẵn sàng đợi giờ vào làm nhiệm vụ. Mọi việc đã chuẩn bị xong nhưng Hậu vẫn lo lắng hoài. Anh biết rất rõ công việc này phải hoàn thành trong vòng một giờ, không những phải làm trong khi có điện mà khi làm thì tuyệt đối không được để mất điện. Anh quyết làm bằng được.

Tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” trang nghiêm từ nơi Bác nghỉ vọng tới lại càng khiến anh đau đớn, xót xa vô hạn. Nỗi thương xót ấy như quá sức chịu đựng của anh. Cả đời anh, chưa bao giờ anh đau đớn xót xa như những phút phải nghe tin Bác không còn nữa. Gần 15 năm nay – từ ngày anh còn là thợ sửa điện mới hai mươi tuổi – Hậu đã được vào sửa chữa điện trong nhà Bác ở, luôn luôn được gần Bác. Đấy là điều hạnh phúc lớn của Hậu. Nhiều lần, Hậu cùng với bác Bội, anh Kỉnh, anh Tôn được Bác giao nhiệm vụ mắc điện để Bác tiếp khách quốc tế. Cả bốn người, ai cũng lo lắng tìm mọi cách làm thật tốt công việc Bác giao để mong vừa ý Bác và để Bác vui. Bao giờ, lưới đèn lần sau cũng được họ mắc khác hơn và đẹp hơn lần trước. Có lần, Bác cũng ra bê đèn cho Hậu mắc. Mắc xong, Bác đi duyệt và lần nào Bác cũng vừa lòng. Một hôm sau ngày tiếp vị Chủ tịch của một nước xã hội chủ nghĩa, Bác gọi Hậu lại, Bác bảo: - Đèn các chú mắc đẹp lắm. Chịu khó cải tiến là tốt. Khách của Bác khen các chú đấy.

Một giây sau, Bác lại hỏi tiếp:

- Chú có là chiến sĩ thi đua không?

- Dạ, thưa Bác, có ạ.

- Các chú luôn luôn sáng tạo, thế là tốt. Tốt lắm.

Lần Bác đi thăm 12 nước xã hội chủ nghĩa về dẫu bận nhiều công việc, Bác vẫn nhớ từng người thợ điện và Bác còn gọi cho cả quà của Bác. Một lần khác nữa, Bác lại thưởng cho Hậu thuốc lá xì-gà Cu Ba của đồng chí Phi-đen Cát-tơ-rô gửi sang biếu Bác. Nhiều lần khác, hai đứa con trai nhỏ của Hậu được Bác cho ngồi cùng xem phim với Bác. Riêng anh – một đảng viên – anh cũng tự nhủ mình phải luôn luôn nhớ lời Bác, làm theo lời Bác để đền đáp công ơn lớn lao vô cùng vô tận của Bác. Và bảy năm liền anh đã trở thành chiến sĩ thi đua xuất sắc của Sở quản lý và phân phối điện Hà Nội.

Ngày Bác mất, cả nhà anh thật sự có tang lớn. Các con anh, đứa lớn may băng tang cho đứa bé để tang Bác. Ngay hôm Bác mất, anh được phân nhiệm vụ vào giữ nguồn ánh sáng điện ở Hội trường Ba Đình để nhân dân cả nước và bè bạn khắp năm châu đến viếng Bác. Hơn bao giờ hết, anh càng thấy mình phải có tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa của một đảng viên. Bác mất, anh đau đớn khôn cùng, anh xót thương vô hạn, anh càng nhớ lời Bác căn dặn, dạy bảo và quyết tâm làm đúng như lời Bác dạy. Đã năm ngày liền, suốt đêm ngày anh không nghỉ, không ngủ, tự nguyện túc trực để giữ vứng vầng ánh sáng điện nơi Bác nghỉ. Khi anh hạ thấp máy đèn 18 bóng để nhân dân và khách quý được nhìn thấy rõ Bác. Khi thì anh đấu dây cho máy hút bụi xung quanh linh cữu của Bác. Và bây giờ, anh sẵn sang bước vào một trận thắng quá sức mình ở ngay sát nơi Bác an nghỉ.

Được lệnh vào, Hậu phải cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc. Kỹ sư Đỗ Hữu Thăng cũng vừa đến, kịp cùng anh ôm cầu dao điện, dây, bong. Cả hai người khẽ nhón bước bước vào, sợ làm động giấc của Bác. Đúng 45 phút sau, Dương Văn Hậu đã lập công mới trực tiếp dâng viếng hương hồn của Bác với tấm lòng vô cùng thành kính ngay nơi Bác an nghỉ nghìn năm…

NGUYỄN ĐÌNH HỒNG
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #38 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2010, 12:31:17 am »

LỜI HỨA CỦA NGƯỜI THỢ ĐỊA CHẤT

Tôi đến Mông Dương vào một chiều cuối thu. Tuy vậy không khí ở đây vẫn cứ oi nồng như thời tiết mùa hạ. Chiếc com-măng-ca chồm lên lao xuống qua các đốc dựng đứng đưa chúng tôi đến đoàn 9A liên đoàn 9 của Tổng cục địa chất. Trước đoàn cán bộ là những khối thép đồ sộ cao vút khá bề thế. Những tiếng vít đanh và nhổ rú lên từ các khối tháp ấy như chứa chất nỗi xót tủi, ai oán và thâm trầm. Đó là các cỗ máy K.300, K.500, K.690… đang hối hả xoáy sâu xuống lòng đất tìm tài nguyên xây dựng Tổ quốc. Nhưng cỗ máy vô tri kia như cũng đồng cảm với nỗi thương đau của người công nhân trước sự kiện trọng đại: Bác Hồ từ trần. Nhìn lên cỗ máy K.300 đồ sộ trước mặt, tôi thấy nơi lưng chừng tháp có một tấm khẩu hiệu viền khung đen mang hàng chữ: “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. “Biến đau thương thành hành động cách mạng, công nhân tổ K.5 quyết tâm làm theo lời Bác, ra sức phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1969 trước thời hạn”.

Hôm ấy tôi gặp Hoàng Đình Hùng, tổ trưởng K.5. Từ một chú bé côi cút bơ vơ ở huyện Ứng Hòa, Hà Đông giờ đây Hoàng Đình Hùng đã trở thành đảng viên. Hùng cũng đã là một cán bộ tổ trưởng sản xuất gương mẫu của đoàn 9A. Cái dáng người xương xương khô gầy hình như không ăn khớp lắm với cặp mắt đen láy luôn ánh lên những tia sáng sắc sảo tỏa ra từ khuôn mặt xanh xao của Hùng. Hai hình ảnh tương phản ấy vừa chứa đựng nỗi u ất phiền muộn vừa biểu thị một quyết tâm lớn của người thợ địa chất. Non ba tuần nay, Hùng rất ít ngủ. Nỗi đau thương này còn lớp gấp muôn vạn lần so với cảnh tang tóc chia lìa hồi đầu năm 1954 khi mẹ của Hùng bị giặc Pháp bắn chết. Sáng mồng 4 tháng 9, cả tổ K.5 của anh vừa tập thể dục xong thì bỗng nghe từ Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam truyền đi bản thông cáo đặc biệt. Nghe đến chỗ Hồ Chủ tịch đã từ trần anh em tổ K.5 và toàn thể cán bộ, công nhân đoàn 9A, ai cũng không còn cầm được nước mắt. Tất cả mọi người không muốn chấp nhận một sự thật đau đớn quá lớn ấy! Nhưng nghe đồng chí phát thanh viên đọc tới lần thứ hai thì tất cả mọi người đều òa khóc thành tiếng. Cả tổ K.5 của Hùng sáng hôm ấy đều bỏ cơm! Năm ngoái cũng vào giữa quý bốn, tổ K.5 đã được vinh dự cử đại biểu về trung ương báo cáo thành tích địa chất với Bác. Hôm ấy là ngày 15-11—1968. Chiếc xe du lịch đưa đoàn đại biểu công nhân ngành than từ trụ sở bộ công nghiệp nặng đến Phủ Chủ tịch. Trong đoàn đại biểu ngành than lên báo cáo với Bác chỉ có Bùi Xuân Đảo và Hoàng Đình Hùng là công nhân máy khoan của Tổng cục địa chất. Ngồi trên xe, Hùng với Đảo đưa mắt nhìn nhau như thầm nhủ: ta sẽ báo cáo như thế nào để nói hết được những thành tích của ngành địa chất với Bác. Bởi vì thì giờ rất có hạn nhưng cả ba mươi con người ai cũng muốn được báo cáo thành tích của địa phương mình của ngành mình lên Bác Hồ kính yêu. Khi đoàn đang hồi hộp mong đợi ở phòng khách thì Bác Hồ ung dung bước vào. Tất cả mọi người đứng lên vỗ tay hồi lâu. Bác giơ tay làm hiệu bảo tất cả hãy ngồi xuống nhưng những tràng pháo tay vẫn nổ giòn vang động cả phòng khách. Đến khi đoàn đại biểu đã ngồi xuống, Bác vẫn còn đứng nhìn bao quát một lượt. Sau đó Bác mới từ từ ngồi xuống chiếc ghế dựa. Bác gọi anh hung Voòng Nải Hoài và một công nhân gái trẻ nhất được lên ngồi cạnh Bác. Thấy Bác khỏe mạnh, hồng hào, Hùng rất mừng. Bác cháu gặp nhau trong không khí vui vẻ đầm ấm. Buổi gặp gỡ đã kéo dài ba giờ liền. Các đại biểu ngành than đã được ăn bánh kẹo của Bác. Bác thăm hỏi từng người. Và từng bộ phận được cử đại biểu báo cáo thành tích tỉ mỉ với Bác. Đến đại biểu địa chất báo cáo, Bác hỏi: “Hiện nay đời sống của các cháu công nhân gái địa chất ra sao?...”. Cảm động quá, Bùi Xuân Đảo lúng túng mãi không thưa với Bác được! Bác dặn hãy chuyển lời Bác về hỏi thăm các cô các chú công nhân ở nhà.

Cuối cùng Bác căn dặn:

- Về địa phương các cô các chú cố gắng làm cho tốt. Lần sau các cô các chú cố gắng làm thật tốt. Lần sau các cô các chú lại lên đây báo cáo với Bác. Hôm nay Bác tặng mỗi cô mỗi chú đại biểu một tấm ảnh. Lần sau Bác sẽ tặng mỗi người một tấm ảnh có chữ ký của Bác…
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #39 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2010, 12:42:50 am »

Khi Hoàng Đình Hùng trở về đến đất mỏ thì cả tổ K.5 của anh đã chủ động đề ra một chương trình phấn đấu mới. Qua đài phát thanh, anh em ở nhà đã biết tin đại biểu của tổ vinh dự được gặp Bác tại Phủ Chủ tịch. Anh em bảo nhau phải xây dựng tổ thành đơn vị tiên tiến để Bác vui lòng và đền đáp lại sự yêu thương chăm sóc của Bác. Một phong trào thi đua mới lập tức được phát động ở đoàn 9A. Thực hiện chủ trương mới, đoàn 9A đang từ bảy may khoan đã tăng lên mười ba máy. Số máy tăng nhưng các loại phụ tùng chỉ có hạn. Vấn đề đặt ra là muốn cho các cỗ máy bước vào sản xuất thì số phụ tùng hiện có phải được chia đều cho nhau. Các dụng cụ của máy như: cần, da mốc, lưỡi khoan hạt, lưỡi khoan bi… thiếu nhiều. Tổ K.5 bàn phải tận dụng triệt để vật liệu cũ. Bác đã dạy: sản xuất phải đi đôi với tiết kiệm. Thế là một cuộc đi tìm kiếm bắt đầu. Những lưỡi khoan chỉ còn vài ba hạt vất rải rác đây đó, trước kia thì bỏ đi, nay anh  em lại thu về rửa thật sạch, cho dầu để chuẩn bị dùng lại. Rồi bãi bi vụn đưa từ xà-lam lên mà dùng. Anh  em còn chế lấy dung dịch cho máy, không ỷ lại vào trạm bơm của Đoàn. Toàn tổ còn xác định loại đất đá nào thì cần tới lưỡi khoan thật thích hợp nhằm giảm bớt hao phí vật liệu mà vẫn có thể đảm bảo kỹ thuật. Từ cấp bảy trở lên thì dùng lưỡi khoan bi. Từ cấp bảy trở xuống anh  em sử dụng lưỡi khoan hạt… Nhờ có cách cải tiến ấy mà sáu tháng cuối năm 1969, tổ K.5 đã đạt 838 mét khoan sâu bảo đảm yêu cầu kỹ thuật địa chất. Năm 1968, tổ K.5 đã là tổ dần đầu toàn Đoàn. Bước sang năm nay, tổ K.5 vẫn trên đà tiến triển vững chắc. Các năm trước bình quân tháng, máy khoan tổ K.5 chỉ đạt 105 mét. Năm nay tổ K.5 đã đạt 137 mét khoan sâu bình quân. Giữa lúc tổ K.5 đang náo bước vào tổng kết thành tích bốn năm chống Mỹ, cứu nước của công tác địa chất để báo cáo lên Bác thì tin buồn đột ngột ập đến. Bác từ trần đã để lại niềm thương nỗi nhớ cho mỗi người thanh niên công nhân. Sau những ngày xúc động đau đớn, anh em tổ K.5 bảo nhau phải nén đau thương, dồn sức phấn đấu làm việc nhiều hơn và tốt hơn theo đúng lời Di chúc của Bác. Tấm ảnh mang chữ ký của Bác mãi mãi không còn được nhận nữa những hình ảnh và công ơn cao dầy của Bác thì sống trong lòng mỗi người thợ địa chất. Vì thương tiếc Bác mà anh  em tổ K.5 đã bỏ bữa cơm sáng mồng 4 tháng 9. Hôm ấy cô máy khoan của tổ đang chuẩn bị chuyển dịch vị trí. Theo thường lệ công việc căn đặt máy phải mười này mới xong. Hơn nữa trong lúc này nền san chưa xong, tháp chưa dựng được. Nhưng với quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng, anh  em đã cắn chặt vành môi, lao vào việc chuyển máy. Và công việc của mười ngày ấy tổ K.5 đã hoàn thành trong ba ngày. Mồng 4 làm lễ truy điệu Bác thì mồng 6 tháng 9, máy khoan K.300 đã bắt đầu sản xuất được. Hôm nay, 25 tháng 9, tổ K.5 đã đạt 166 mét khoan sâu, vượt mức kế hoạch trước thời hạn ba mươi lăm ngày.

Lúc gặp chúng tôi, Hoàng Đình Hùng rủ rỉ tâm sự:

- Trong đoàn địa chất 9A có anh Hoàng, đoàn trưởng vốn là người miền Nam. Cũng như hầu hết số cán bộ, công nhân miền Nam hiện công tác ở liên đoàn địa chất 9, anh Hoàng đã nhiều đêm thao thức không ngủ. Miền Nam quê hương anh chưa được gặp Bác! Đó là một thiệt thòi lớn và là nỗi xót tủi day dứt khôn nguôi trong lòng mỗi đứa con miền Nam sống trên đất Bắc. Là một công nhân đã vinh dự được gặp Bác được Bác thăm hỏi và cho quà, tôi nghĩ bản thân mình phải cố gắng làm việc tốt hơn nữa, nhiều hơn nữa sao cho xứng đáng với mười bốn triệu anh hung của khúc ruột miền Nam.

Mông Dương cuối tháng 9-1969

TRẦN THÉ TUẤN
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM