Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:06:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Muôn vàn tình thân yêu  (Đọc 32211 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #10 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2010, 03:58:53 pm »

Bác lại cười:

- Thế là tốt. Bác cũng không nghiện cà-phê. Cà-phê bán ra nước ngoài rất quí. Các cô các chú cần sản xuất và tiết kiệm nhiều cà-phê để đổi về sắt thép và máy móc xây dựng công nghiệp nước nhà…

Tâm không nhớ Thọ đã kể câu chuyện gặp Bác năm đó đến bao lần. Nhưng cô cảm thấy rõ rằng, mỗi lần nghe kể lại, Tâm đều thấy mới. Thọ kể mạch lạc, sôi nổi, khiên Tâm bấy giờ chưa vào nông trường, không có vinh dự gặp Bác, vẫn cảm thấy như chính minh trông thấy Bác, trực tiếp nghe từng lời Bác dạy.

Vào lúc này đây, trong trí Thọ hẳn đang lung linh lên hình ảnh Bác Hồ. Với giọng nói ấm cúng của miền Trung: “Cháu có nghiện cà-phê không?” – “…” – “Thế là tốt… các cô chú phải…”. Còn đối với Tâm, tuy vào nông trường muộn, nhưng theo lời dạy của Bác Hồ, ra sức sản xuất và góp nhặt từng hạt cà-phê một, nên cô cũng lớn lên nhanh chóng với tầm vóc của nông trường. Cô trở thành tổ trưởng kỹ thuật xuất sắc của nông trường. Và cô đã có diễm phúc được gặp Bác Hồ giữa thủ đô Hà Nội thân yêu.

Lần ấy vào cuối năm 1967, đầu năm 1968, máy bay Mỹ ném bom ở Nghệ An và trên miền Bắc rất ác liệt. Tâm được Tỉnh ủy cho đi tham quan và học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình. Một sáng sau lúc tham quan xong, đoàn đang chuẩn bị lên dường trở về quê Nghệ, bỗng được tin Bác Hồ gọi gặp. Xe đưa đoàn tới nhà riêng của Bác. Trên bàn đã bày sẵn bánh kẹo, nhưng chẳng thấy Bác đâu. Tâm còn mê mải nhìn những cây bưởi và khóm nhài xanh mỡ quanh nhà, thì từ phía cửa trái, một cụ già chống gậy bước ra, vồn vã hỏi:

- Các các các chú ở Nghệ An ra có phải không?

- Dạ

- Bác cũng dân Nghệ An đây. Ngồi đây ta nói chuyện quê nhà.

Cả đoàn “dạ” ra và chạy tới đỡ Bác ngồi vào ghế. Tâm được ngồi đối diện với Bác, cạnh đồng chí thường vụ Tỉnh ủy, trưởng đoàn. Cổ Bác vấn một chiếc mùi-soa trắng. Bác đang bị viêm họng, tiếng nói nhỏ nhưng vẫn rõ và ấm cúng. Bác hỏi tình hình sản xuất và phòng tránh địch tỉnh nhà có tốt không? Trong nhà và ngoài đồng có đủ hầm hố không? Hầm hố cho trâu bò đã đào được bao nhiêu cái? Chợt Bác hỏi đồng chí trưởng đoàn:

- Đồng bào có đủ nón đội không?

Trời ơi! Bác bận trăm côn ngàn việc mà vẫn lo lắng đến việc nhỏ nhặt của chúng cháu ư? Hai ba tháng rồi, nhiều chị em công nhân đội cháu đầu không nón, có ai van vỉ đâu. Thế nhưng Bác biết. Tâm nén xúc động liếc nhìn đồng chí trưởng đoàn. Người cán bộ lãnh đạo đứng tuổi này cũng đang lúng túng. Hình như anh đã dự kiến tất cả những câu Bác hỏi, chỉ thiếu câu này. Hình như anh đã chuẩn bị trả lời tất cả, chỉ thiết câu này. Anh lo lắng. Song trước cái nhìn bao dung và cũng không kém phần nghiêm nghị của Bác, anh đã thẳng thắn đứng lên:

- Thưa Bác còn thiếu ạ?

Bác liền hỏi tiếp:

- Vì sao thiếu? Thiếu nứa hay thiếu lá?
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #11 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2010, 01:03:00 am »

Trời ơi! Trả lời Bác ra sao được chứ? Lá và nứa ư? Hai thứ ấy ở đất Nghệ mình kể có thiếu gì! Ở chỗ đội Tâm, dịch ra khỏi đường mấy bước, đụng phải nứa rồi? Vậy thì làm sao thiếu chứ? Chỉ vì tổ chức sản xuất và phân phối chưa tốt đấy thôi. Đồng chí trưởng đoàn thưa với Bác, trở về sẽ quan tâm lãnh đạo giải quyết tốt khâu này. Bác gật đầu bảo thêm:

- Nón là cái che nắng, che mưa. Có che được nắng mưa, mọi người mới khỏe mạnh để sản xuất, chiến đấu và học tập.

Chỉ ba tuần lễ sau, Tâm thấy phòng cung ứng nông trường chở về đầy ắp một ô-tô nón. Tất nhiên không ai giải thích “lý do” của chuyến nón này. Riêng Tâm thì Tâm hiểu lắm. Khi được phân phối một chiếc, Tâm liền đặt tên: Chiếc nón Bác Hồ. Cho đến bây giờ chiếc nón vẫn còn như mới nguyên đây. Năm rưỡi trời nay, Tâm đã giữ gìn nó như giữ gìn hai tờ giấy gói kẹo Hải Châu. Hai tờ giấy này Tâm giữ từ hôm gặp Bác năm qua. Hôm đó hỏi chuyện xong, Bác tự tay cầm phát cho mỗi người một điếu thuốc và một chiếc kẹo mềm. Tâm không hút thuốc, Bác cho thêm một chiếc. Kẹo thì Tâm đã ăn rồi. Còn giấy thì Tâm cất kín như một báu vật. Thình thoảng Tâm giở ra xem và phô với chị em trong đội. Bây giờ hai mảnh trơn bóng và vuông vức vẫn còn nằm gọn trong ve áo Tâm kia, mà Bác.. Nghĩ tới đây Tâm khóc nức lên khiến Hảo phải vỗ vai khẽ bảo:

- Thôi nào, ta phải lo liệu để tang thôi chứ?

Bọn Tâm chia nhau đi cắt vải may băng, đi lập bàn thờ và đặt ngôi mộ Bác. Trong khi chờ đợi lễ tang chính thức do Đảng ủy nông trường tổ chức, chi Đoàn Tâm đảm nhiệm việc hương khói, và ngày ngày tổ chức anh chị em công nhân trong đội đứng quanh bàn thờ và ngôi mộ tượng trưng, mặc niệm Bác trước khi ra lô cà sản xuất. Năng suất đánh cỏ, ép xanh nhảy vọt lên sau ngày Bác mất. Trên bảng đồ thị ở văn phòng đội, số công ốm tụt hẳn xuống. Số công trực tiếp lao động trên các mặt lô bắn vọt lên như một mũi tên.

Vào một buổi trưa, sau lúc toàn đội đứng nghiêm chỉnh dưới cọt loa nghe đài phát thanh truyền đi bài điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Lời di chúc của Bác Hồ, do đồng chí Lê Duẩn đọc trước lễ tang trọng thể ở quảng trường Ba Đình lịch sử, Hảo kéo Tâm lên văn phòng họp ban chi ủy. Hảo nói:

Hôm nay, lễ tang Bác đã xong, nhưng đội 4 ta còn để tang Bác suốt đời. Không phải chúng ta treo mãi cờ rủ, mang mãi băng tang. Chúng ta phải xây dựng một cái gì đó thật thiêng liêng ngay trên mảnh đất màu mỡ của đội ta đây, để muôn đời nhớ Bác.

Anh trình bày dự kiến của anh xây dựng khu vườn tưởng niệm. Vốn xuất thân từ một học sinh nông thôn, trưởng thành qua phong trào phá hoang, xây dựng cơ sở vật chất, trồng cây đặc sản ở nông trường, đội trưởng Hảo có cái “màu mè” của một thanh niên trí thức, lại có cái chắc chắn, thiết thực của người lao động. Anh vừa trình bày ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa truyền thống, ý nghĩa tượng trưng, lại vừa chứng minh tác dụng kỹ thuật thúc đẩy sản xuất của khu vườn. Vừa trình bày hình dáng kích thước, anh lại trình bày cả dự kiến bố trí các thứ cây cỏ trong khu vườn nữa. Tâm ngồi nghe, lúc càng thấy mênh mông ra. Đợi Hảo nói xong, cô đề nghị chốt lại mấy điểm ý nghĩa, yêu cầu và kế hoạch xây dựng khu vườn đó. Ý kiến Tâm được mọi người nhất trí trở thành quyết nghị. Liền ngay đó, một cuộc hội ý gọn giữ chi ủy ban chỉ huy chi đội, thanh niên và công đoàn được triệu tập. Chỉ sau khoảnh khắc người ta đã thấy đội trưởng Hảo xỏ chân vào ủng cầm lăm lăm trên tay một chiếc rìu, thống kê Thủ thì vác chiếc thước dài, cuốn gọn cuốn sổ và chiếc bút chì vào túi… Tất cả chừng sáu, bảy người kéo ra khu Bãi Sắn xem xét địa hình.

Chính nơi này lúc trời vừa sập tối đã bật lên những ánh cuốc mờ đỏ, những tiếng búa bổ vào gốc cây nghe cục và khô, những tiếng nạo cỏ xoàn xoạt và tiếng xới đất lúc khoan lúc nhặt. Vào mấy đêm sau, quang cảnh đó vẫn còn diễn ra nơi Bãi Sắn. Cho đến hôm nay Tâm lên đường đi họp ban chấp hành Đoàn, Hảo nói:
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #12 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2010, 01:56:38 am »

- Tâm à. Trước khi xây dựng khu vườn, tôi đã xin ý kiến Đảng ủy rồi. Đối với bên Đoàn, chúng ta sẽ mời các anh về thăm sau khi đã hoàn thành đợt một. Bữa rày, đi họp, cô hãy giữ kín cho nghe.

Đó là lý do vì sao đối với Sửu, khu vườn tưởng niệm đội 4 này còn là điều bí mật. Sauk hi nhảy xuống một bậc thềm gọi Tâm không được, Sửu cứ băn khoăn…

*
* *

Mười ngày sau, Sửu đạp xe tắt qua phòng cung ứng nông trường để về đội 4. Xe Sửu nhảy long tong trên một đoạn đường lô dát đầy liếp nứa. Anh rẽ qua một ngã ba có gốc cây hà mục, nằm chỏng chơ từ ngày mới mở nông trường. Rồi theo đường rải đá anh đạp miết tới khu nhà của đội.

Thấy bóng Sửu, Tâm đang ngồi ăn gọi gióng ra:

- Anh nào đó ơi! Đi đâu mà lạc vào đội em thế kia?

Trông thấy Tâm, Sửu phá lên cười. Anh tựa xe trước cửa rồi ngồi vào chiếc ghế băng trước mặt.

- Sao ăn cơm muộn thế?

- Hôm nay ba mươi ngày Bác, làm việc xong, chúng em vào Vườn Bác thắp hương, quét dọn, hóa nên về muộn.

Sửu ngả mũ, quạt lia lịa:

- Chúng ta là việc ngay được chứ? Tôi muốn hoạch tội o đây. Tại sao có thành tích lại giấu “cấp trên” nào? Tôi biết hết cả rồi. Khu vườn lưu niệm ấy…

- Em giấu đâu? Tại các anh “quan liêu” thì có.

- Oan tôi. Nông trường rộng mênh mông, mà Đoàn chỉ còn hai anh trực. Chị Thảo ốm, tôi vừa đi họp tỉnh lại phải đi vây dịch lợn ở đội chăn nuôi. Hôm nay thì tôi dứt khoát về đây. Thôi ta đi ra vườn chứ?

Hai người thu dọn bát đĩa vào một chiếc chảo rồi vội vã ra đi. Tâm đi trước. Vẫn cái dáng thâm thấp, to bè, đôi khuyên tàu trên tai cô vung vẩy, lấp lánh. Sứu cảm thấy gần đây, sau khi Bác mất, Tâm lại lớn lên một bước mới. Tâm sẽ còn lớn đến tầm cỡ nào nữa thì Sửu chưa đoán được. Nhưng rõ ràng qua chỉ đạo đợt “biến đau thương thành hành động cách mạng” thì cô đã tỏ ra xuất sắc, hơn hẳn bí thư của các chi đoàn.

Tuy không về đây luôn được, Sửu vẫn theo dõi sát chi đoàn này. Những hình thức giáo dục sâu sắc nhẹ nhàng, những sáng kiến mới của anh chị em tăng năng suất 200 phần trăm trong việc cạo mủ cao su, hái cà, làm cỏ, những tấm gương khắc phục bệnh tật, bám gốc, bám lô… Sửu đều biết cả. Hôm qua sang báo cáo công tác bên Văn phòng Đảng ủy nghe nói đội 4 đã phát quang 4 héc-ta để xây dựng khu vườn lưu niệm Bác Hồ, thì Sửu nôn nao muốn bổ về ngay, để xem cái khu vườn mà anh định “gà” cho Tâm làm thử ra sao.

- Kìa, anh coi!
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #13 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2010, 08:51:36 pm »

Tâm vừa nói vừa rẽ sang một lối đường mòn. Sửu ngước nhìn ra phía trước. Một bãi rộng hun hút tầm mắt đã phát sạch cây. Đất đỏ nâu bầm đã được xới lên, tơi nỏ. Khu vườn hình chữ nhật, nằm dọc theo con đường rải đá lên nông trường bộ, cách con đường rải đá nửa bề ngang của một lô cà.

Tâm nói:

- Ở phía bên kia, 6 tháng nữa đội chúng em sẽ cất lên khu nhà ở mới. Phía đầu vườn có con suối nhỏ không bao giờ cạn. Phía dưới kia, sang năm tới nghe nói sẽ mở một con đường.

Sửu không đáp. Anh nhìn bao quát khắp chung quanh. Chính trưa. Ánh nắng rọi thẳng xuống đỉnh đầu. Chim tìm nơi nghỉ đã lâu, và cây rừng im phắc như ngừng thở. Chỉ có những lớp đất mới xới, lấp lóa dưới nắng, những cọc gỗ mốc trắng cắm dọc theo bốn bên bờ là như còn cười nói. Đứng trước vùng đất rừng mới phát, hừng hực nắng lửa, Sửu như đã nhìn thấy cái màu xanh mát mẻ khu vườn tương lai; như cảm thấy mùi thơm của hoa, vị ngọt của trái. Anh hỏi:

- Tại sao các đồng chí không cho vườn nằm sát con đường cái, lại lùi mãi vào đây?

- Ấy, chúng em đã bàn nát ra rồi. Cuối cùng thì phải nghe ông Hảo. Ông ấy nói: Bác Hồ có thích phô trương đâu mà chúng ta đặt vườn ngoài đó. Mấy lại, đặt cạnh đường cái cũng khó bề bảo vệ cây, trái, cỏ, hoa.

- Đến chịu ông Hảo nhà o. Bây giờ o nói cho tôi các đồng chí định trồng ở đây những thứ cây gì? Nói cách khác, khu vườn sẽ được bố trí ra sao. Điều này suốt tháng nay tôi đang nghĩ ngợi.

Tâm thoáng nhìn Sửu một cái khẽ cười; như muốn bảo với anh rằng, điều anh muốn hỏi đây chúng tôi đã bàn kỹ lắm rồi, đã thuộc kỹ lắm rồi. Và sự thực chính là như thế. Suốt hai đêm chi ủy, ban chỉ huy đội, chấp hành chi đoàn và tổ trưởng sản xuất đã tranh luận mãi về vấn đề này. Có đến hơn 100 loại cây cối, cỏ hoa, được đề nghị trồng ở khu vườn. Hàng chục kiểu bố cục khác nhau trên khu đất đó. Cuối cùng, đội trưởng Hảo đã nêu được một ý kiến có tình chất nguyên tắc, giúp cho cuộc tranh luận kết thúc chóng vánh và hợp lý. Đó là căn cứ vào lúc còn sống Bác Hồ thường yêu thích cái gì, thường nhắc tới cái gì mà xác định cái gì sẽ có mặt ở khu vườn. Theo anh, Bác thường nhắc tới miền Nam, Bác rất yêu quí miền Nam, vậy thì, bốn chung quanh vườn phải trồng kín những dừa. Bác rất yêu thích lao động, Bác thường kêu gọi mọi người nâng cao năng suất lao động, làm việc bằng hai, vậy thì kế theo những hàng dừa phải dành những khu đất rộng làm “Khu thí nghiệm cây năng suất cao”: cây cà-phê và cây cao-su, hai nguồn kinh doanh chính mà nông trường giao cho đội. Rồi tiến vào khu trung tâm, nơi dành cho các loại hoa lạ. Bác Hồ rất yêu hoa. Bác thường tặng hoa cho các chiến sĩ, anh hùng. Các em thiếu nhi cũng thường mang hoa dâng Bác. Hoa cũng là thứ tượng trưng cho đàn em nhỏ “Trẻ em như búp trên cành”. Lúc còn sống Bác rất yêu quí nhi đồng, các cháu nhi đồng, thường vây quanh Bác. Giờ Bác mất rồi, hoa sẽ nở chung quanh tượng Bác, tháng tháng, ngày ngày…

Tâm kể tường tận từng ý kiến nhỏ đã được nêu ra trong khi tranh luận. Đoạn, cô hỏi Sửu:

- Anh thấy như vậy có được không? Chúng em động nói là làm ngay. Anh coi đó, dọc theo dãy bờ rào, chúng em đào hốc và lấp phân cả rồi thôi. Ra giêng hai, chúng em sẽ đặt dừa. Mùa xuân tới là mùa nảy lộc.

Sửu theo Tâm xem xét mấy gốc dừa. Anh không ngờ tập thể đội 4 vẻn vẹn trong có mấy ngày đã tạo nên một sự bố trí thật là hợp lý trong khu vườn rộng lớn và thiêng liêng đó. Sửu nói:
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #14 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2010, 01:04:06 am »

- Cái mà tôi đang nghĩ ngợi cho khu vườn lớn của nông trường, các đồng chí đội ta đã phác hộ cho rồi. Tôi rất thích cách bố trí này. Thế nghĩa là rồi đây, vào khu vườn này, thoạt tiên là đụng phải dừa. Dừa không chỉ tượng trưng cho miền Nam, không chỉ đẹp, đối với đất rừng núi này trong dừa còn là thí nghiệm một loại giống mới. Dừa trồng vây quanh các luống cà, các luống cao-su còn là lớp đai chắc gió thay thế bạch đàn. Sinh ở đất dừa, tôi còn lạ gì sức chịu gió dẻo dai của thứ cây này nữa. Thật đến chịu ông Hảo nhà o. Anh chàng sao mà “kinh tế”.

Tâm cố giấu khéo sự sung sướng trước lời khen ngợi của đồng chí bí thư Đoàn trong niềm băn khoăn chân thực:

- Em thì lại nghĩ ngợi nhiều đến “khu đất thí nghiệm cây năng suất cao” mà chi bộ thì đã giao hẳn cho chi đoàn bảo quản và chăm sóc ngoài giờ. Trên khu đất này chúng em sẽ thí nghiệm luôn mấy đề tài: “tạo hình cây đẹp”, “hạt lắm, nhựa nhiều” và “tiện lợi cho cơ giới hóa”…

Tâm kéo Sửu tiến sâu vào khu vườn tưởng niệm. Những khoảnh dành cho khu thí nghiệm cây năng suất cao bây giờ mới vỡ vạc ra. Nhưng Sửu biết rằng, chẳng bao lâu nữa cà-phê sẽ tỏa rợp, cao-su vút thẳng lên trời. Hai loại cây đó vào đây không còn là cây nguyên sinh mà được lai ghép và chăm sóc qua bàn tay khoa học. Hình dáng chúng sẽ đẹp hơn. Hoa trái sẽ sai hơn. Nhựa cũng tứa ra mỗi sáng cũng nhiều hơn… Nghĩa là chúng sẽ cho một hiệu suất lý tưởng hơn. Và như vậy, biết đâu từ mảnh đất này, giữa khu vườn tưởng niệm, chúng lại chẳng nở ra một phương thức hoạt động mới cho các chi đoàn?

Sửu trầm ngâm nghĩ ngợi. Mãi tới khi Tâm đưa vào khu đất trung tâm, ngẩng lên nhìn anh liền bắt gặp pho tượng Bác. Bác ngồi đó, quanh những khóm hoa mới trồng, được che chắn bằng những lá cọ và lá nón. Trên bệ gỗ còn dấu đỏ tím của những chân hương mới thắp. Sửu đứng lặng đi một phút. Một cái gì đó xót xa, trang trọng và thiêng liêng ập đến trong anh. Anh ngắm nhìn pho tượng Bác, tạc bằng thứ gỗ hồng vân, khỏe khoắn, nhẵn nhụi. Bỗng anh chợt tỉnh ra: pho tượng đẹp quá đi! Nó vừa mang tính chất cách điệu của tạo hình điêu khắc, lại vừa mang tính chất thực của những bức ảnh hằng ngày. Pho tượng sao mà giống!

- Ai đã tạc pho tượng này đây? – Sửu hỏi.

- Thọ đấy.

- Thọ nào kia? Thọ Củi ấy à?

Đúng là Thọ Củi. Có cái tên ghép nghe ngồ ngộ ấy là do một lẽ giản đơn: Thọ đốn củi giỏi nhất nông trường. Người ta đốn một buổi hai tạ, thì anh đốn được năm. Bao giờ anh cũng đốn nhiều hơn mọi người ít nhất hai lần. Anh sinh ra ở một xã vùng núi huyện Thanh Chương, theo bố làm nghề sơn tràng từ thưở bé. Bố anh ngã xuống bởi một tai nạn đổ gỗ. Mẹ anh đã được cách mạng cứu sống qua trận đói 1945. Anh theo học hết lớp năm, thì lên nông trường. Thoạt đầu anh làm thợ mộc, rồi sau thuyên chuyển thế nào sang tổ chồng cây. Bây giờ thì anh trở thành một công nhân trồng cà-phê giỏi.

Năm 1961, sau khi gặp Bác, được Bác hỏi han và khuyên bảo, Thọ về nằm mơ thấy Bác luôn. Anh tìm một thứ gỗ dai thớ và mịn mặt, dùng dao trổ tạc hình Bác theo trí nhớ. Thành công đã đến với anh trong pho tượng đầu tiên. Anh em trong đội khen ngợi Thọ và gạ gẫm Thọ tạc chộ cho mình một pho đặt cạnh đầu giường. Những năm gần đây, các pho tượng thạch cao để bàn sáng trắng đã làm mọi người chú ý hơn những pho tượng gỗ nâu hồng của Thọ. Song lần này, Bác mất, cần có một pho tượng gỗ lớn đặt ở giữa khu vườn, tự nhiên mọi người lại nghĩ ngay đến Thọ.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #15 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2010, 11:45:26 am »

Thọ cảm kích, chọn gỗ, mài dao, hì hục suốt mấy buổi trưa. Pho tượng đầu tiên mà Thọ tạc nên, Tâm thấy đã giống lắm rồi. Nhưng mà theo trí nhớ của mình, mỗi người trong đội còn góp thêm ý kiến. Thêm bớt chỗ này, sửa chữa chỗ kia, Thọ đã chiều ý họ tạc sang pho tượng thứ hai, và pho tượng thứ ba là pho đang đặt ở đây. Tâm nhìn Sửu, nói:

- Tạc xong pho này, Thọ không dám nhận là pho tượng của mình nữa. Đó là công trình tập thể của anh chị em toàn đội, anh thấy thế nào?

Sửu thấy thế nào ư? Một cái gì đó chạy rân ran khắp người anh. Một cái gì đang nở nang tâm hồn anh. Anh ngây ngất và anh đang tỉnh táo. Bác Hồ của anh đã mất rồi ư? Không. Từ hôm Bác mất đi, anh thấy Bác hiển hiện hơn bao giờ hết. Suốt dọc chặng đường từ nông trường đến xã Nam Liên, suốt các nẻo đường đã đến, đã đi, đâu đâu anh cũng thấy ảnh Bác, nghe tên Bác, vang dội công ơn và đạo đức cao sâu của Bác. Và lúc này, trước mặt anh đây, Bác vẫn ngồi đó. Chung quanh Bác sẽ nở đầy hoa thơm và quả ngọt. Cây vườn sẽ lớn lên nhanh như lớp anh đã lớn lên, như lớp đàn em nhỏ đang lớn lên để thực hiện trọn vẹn lời Di chúc thiêng liêng của Bác. Bảo rằng anh thấy thế nào ư? Anh quay lại phía Tâm:

- Tâm à, tôi sẽ đề nghị với Đảng ủy cho thanh niên của nông trường mình nhận xây dựng một khu vườn tưởng niệm theo kiểu mẫu này. Khu vườn đó theo tôi ít nhất phải đạt 3 yêu cầu. Một là tượng trưng cho sự đoàn kết quây quần của ba thế hệ. Hai là tượng trưng cho năng suất lao động cao. Ba là tượng trưng cho vẻ đẹp. Còn tỉnh ta – Sửu ngừng lại một chút. Anh cảm thấy giọng mình khẽ rung lên và hơi đứt ra – giá tỉnh ta là một nông trường lớn, có lẽ khu vườn tưởng niệm ở Nam Liên, quê Bác, cũng nên bố trí theo cách này. Tất nhiên nó phải lớn hơn ba bốn hay bảy tám lần gì đó. Nhưng pho tượng ở giữa cũng là pho tượng do bàn tay Thọ, công nhân nông trường ta tạc…

Nghĩa Đàn, tháng 10-1969
BÙI NGỌC TRÌNH
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #16 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2010, 12:27:27 pm »

HÌNH ẢNH BÁC HỒ TRONG LÒNG NGƯỜI PẮC BÓ

Núi rừng Pắc Bó ơi! Bác Hồ không còn nữa! Này “Ngọn núi Các Mác”, này “Dòng suối Lê-nin”, những khúc đường mà Bác đã đi qua, gốc cây già mà Bác đã đến ngồi nghỉ chân, tảng đá bằng mà Bác đã kê làm bàn viết, cho đến cái đám mây trời chờn vờn trên đỉnh núi kia đã từng in bóng vào đôi mắt sáng và hiền của Bác một chiều rong ruổi trên đường hoạt động… tất cả, tất cả có biết chăng: Bác Hồ không còn nữa!

Cái tin đau lòng đó từ thủ đô vọng tới núi rừng Pắc Bó, thoạt đầu chỉ như không thể nào tin được. Một trăm năm, một ngàn năm quê hương này vẫn mang hình bóng, dấu chân, niềm thương nỗi nhớ của Bác Hồ và chờ Bác về thăm, thân tình, vui nhộn, như sau một chuyến đi xa.Nhưng… cái chuyện đau đớn bất ngờ như sét đánh đã là sự thật mất rồi! Tiếng người phát thanh viên nghẹn ngào đã lan khắp núi rừng, đến cả những màn sương trắng màu tang và những bụi cỏ run run. Các đồng chí cán bộ đã đến từng bản, báo tin với từng nhà. Nước mắt của các đồng chí ấy, có giấu được ai đâu?

*
* *

Ngày Bác Hồ từ biên giới trèo đèo vượt suối trở về Pắc Bó lãnh đạo phong trào cách mạng, thì hầu hết lớp trẻ tuổi của quê hương Pắc Bó chưa ra đời hoặc chỉ mới là những em bé lên một lên hai. Nhưng, năm năm tháng tháng, những cụ già ở đây, khi lên nương lên rẫy, khi quây quần quanh bếp lửa đồ xôi, trong một cuộc họp, một đêm trăng… đã kể lại cho cháu chon mình, bao giờ cũng với một giọng xúc động, những câu chuyện về Bác Hồ, từ chuyện Bác vừa bước chân đến biên giới, ôm hôm nắm đất của Tổ quốc đến những nỗi gian truant mà Bác chịu dựng, tấm tình sông biển của Bác đối với dân bản dân làng… Cho nên có người thanh niên nào ở đây lại không cảm thấy rằng chính mình đã gặp Bác Hồ, sống với Bác Hồ từ cái ngày lịch sử bồi hồi và rạng rỡ đó. Một bạn trẻ người Pắc Bó, sau khi nhập ngũ, có món quà đầu tiên cho cái gia đình tiểu đội trẻ măng của anh là những câu chuyện rất hấp dẫn về Bác Hồ ở Pắc Bó, kể rằng bằng một thứ tiếng kinh lơ lớ pha tiếng Tày. Câu chuyện dài tưởng không bao giờ hết đến nỗi từ anh em trong tiểu đội muốn biết thêm một điều gì về cuộc sống của Bác Hồ ở Pắc Bó, ở cả Việt Bắc, đều đến hỏi anh mà không hề nghĩ rằng, anh mới mười tám tuổi đầu.

Khi tin Bác Hồ từ trần dội đến, thì ở Pắc Bó này, người già người trẻ, các mẹ và các em đề khóc như nhau. Gia đình nào cũng dành chỗ trang nghiêm nhất để lập bàn thờ Bác Hồ. Các em bé tự làm lấy băng tang đeo lên ngực mình, và khi các em vừa khóc vừa hỏi các anh chị phụ trách:

“Bác Hồ không còn về nữa à?” thì các anh chị cũng chỉ còn biết ôm lấy em mà khóc.

Núi rừng Pắc Bó ơi! Bác Hồ mất thật rồi!

*
* *

Nhiều thế hệ nối tiếp nhau ở đây đã mang nặng công ơn và ghi khắc trong tâm khảm những kỷ niệm bất tử về Bác Hồ.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #17 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2010, 01:04:30 pm »

Hôm nay cả gia đình bẩy anh em họ Dương, bùi ngùi đứng tưởng niệm trước tấm ảnh Bác tặng nhân dịp người về thăm lại Pắc Bó vào tháng 2-1961. Nước mắt ròng ròng trên gò má của người gia trưởng nhiều tuổi nhất cho đến cháu bé còn phải đứng tựa vào tay bố. Gia đình người Nùng bản Bó, bản này vốn là cơ sở bảo vệ cách mạng, bảo vệ Bác Hồ từ buổi đầu khi Bác về Pắc Bó. Chính Bác đã đặt tên cho bẩy anh em họ Dương: Dương Đại Vinh, Dương Đại Phong, Dương Đại Long, Dương Đại Lâm, Dương Đại Hoa, Dương Thị Liễu và Dương Thị Bẩy. Bác đặt tên cho và Bác cũng trực tiếp dìu dắt, dạy dỗ họ. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, từng tiếng cười và cái nhìn hiền hậu của Bác mấy chục năm trời qua không bao giờ xa rời họ trên những chặng đường họ chiến đấu và công tác dưới lá cờ của Đảng, của Bác. Đồng chí Dương Đại Phong, năm nay sáu mươi tuổi, vào Đảng từ năm 1941 tại núi rừng Pắc Bó, hiện là chủ tịch mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Quảng Hà, về công tác ở quê hương trong những ngày tang tóc này. Mái tóc bạc đã gần hết, đồng chí không ngờ rằng mình lại còn có thể khóc trên đường về quê mẹ. Nhưng đồng chí bao giờ quên lời dạy của Bác Hồ là phải làm gì trong những giờ phút như thế này. Đồng chí đi đến từng gia đình trong các bản an ủi, động viên. Đồng chí nói: “Thương tiếc lắm… Nhưng thương tiếc Bác Hồ bao nhiêu thì dân Pắc Bó mình hãy cố gắng sản xuất, công tác, học tập để đền đáp công ơn to lớn của người. Nhiều điều ta đã hứa với Bác nhưng ta chưa làm được…”.

Chị Dương Thị Phí, con gái đồng chí Dương Đại Phong, ghì đứa con nhỏ vào lòng mà nước mắt lã chã. Con ơi! Lớn lên con sẽ chẳng bao giờ có cái chuyện may mắn như mẹ ngày trẻ. Ngày ấy, gia đình làm lễ cưới cho chị, Bác Hồ đã đến trao tặng chị một chiếc mền chăn làm “của hồi môn” về nhà chồng. Ôi còn ngọc vàng châu báu nào quý bằng quà tặng đó của Bác Hồ.

Đồng chí Vương Thị Vũ, vợ đồng chí Dương Đại Lâm, được Bác Hồ đặt tên là Vương Kim Liên và được Bác nhận làm cô dâu hiền ngày Bác về Pắc Bó năm 1942. Đứa con đầu lòng của chị sinh tại Khuối Nậm, nơi Bác Hồ ở và làm việc, cũng được đặt tên là Dương Chí Thân. Có những lần Dương Chí Thần ốm, “ông cụ già” lo từng viên thuốc, từng bát cháo loãng và từng mảnh áo vải sô màu xám cho Thần. Năm nay, Dương Chí Thần đã 27 tuổi. Hai bố con đều là bộ đội. Mỗi lần đi làm nương đốn rẫy gần lán Khuối Nậm, chị Liên lại nhớ tới Bác Hồ, nhớ tới chồng con ở xa. Chị tự nhủ: “Mời ngày nào, Bác ở đây, bác sinh thành cho cả gia đình mình. Chồng con mình hẳn không bao giờ quên ơn nghĩa Bác mà gắng sức lập công đánh cho tan quân giặc…”

Biết bao nhiêu người ở đây, nay làm ông, làm mẹ đã từng có một thời trẻ được gần gũi Bác Hồ. Và những đêm này, ánh điện tỏa ra một màu sáng dìu dịu trong các nhà ở bản làng Pắc Bó, bà con lại họp mặt nhau, bồi hồi nhắc lại chuyện cũ. Chuyện cũ tưởng như mới hôm qua hôm kia đấy thôi. Các bà mẹ Ngụy Thị Kháng, Lân Thị Ba, Lục Thị Khoằn… vẫn nhớ những bộ quần áo Nùng màu xám, những đôi giầy vải thô sơ do bàn tay các cụ vá may cho Bác dùng đi hoạt động: “Bác Hồ giản dị lắm. May cái gì đẹp quá là Bác không thích đâu”.

Các đồng chí Bế Hải, Nhân Hán, Lục Văn Dính, Lục Văn Sòi, Sầm Cân Rèn… là những người được tham gia các tổ chức canh gác, bảo về, truyền tin, giao thông liên lạc cho Bác Hồ, cho cách mạng từ thời kỳ đầu. Bây giờ càng thấy những ngày được gặp Bác, được ngồi bên Bác, nghe Bác nói, thật là hạnh phúc bằng nào? Lục Văn Sồi, cùng lứa tuổi và cùng hoạt động với Kim Đồng. Còn nhớ rõ hình ảnh của Bác Hồ đi vào mảnh vườn nhỏ gần lán Khuối Nậm chọn hái quả dưa chuột lớn nhẩt của Bác trồng để cho mình. Ngần ấy năm trời qua đi, từ khi ăn những lát dưa mát rượi của Bác Hồ, cuộc đời của Lục Văn Sòi và bạn bè đã thay đổi biết bao nhiêu. Hôm nay, Lục Văn Sòi nhìn đàn con ngồi quanh nhà mình, ngậm ngùi nói: “nếu không có Đảng, và Bác thì ngày nay những người dân nghèo khổ như chúng tôi ở Pắc Bó này sẽ không bao giờ có vợ con, nhà cửa, mà chỉ là những cái thân gầy rộc lê đi trên những ngọn núi. Bây giờ, nhìn lũ con lũ cháu hằng ngày cắp sách đến trường học, càng thấy công ơn Bác Hồ, công ơn Đảng… chúng nó lớn lên, làm người thanh niên, có mắt biết nhìn, thì con đường Bác, Đảng vạch ra đã rõ rồi…”
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #18 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2010, 09:35:37 pm »

Cụ Mạc Văn Khôi, chín mươi tuổi, từng ở bên bờ suối Lê-nin, cùng Bác Hồ câu cá, mò ốc, ăn cháo bẹ rau măng, kêu lên: “Tiếc già Hồ quá! Thương già Hồ quá! Nhờ có già Hồ, Pắc Bó ngày nay có điện, có máy, có đường ô-tô vào làng, sao Bác không sống nữa mà về thăm?”. Rồi cụ bỗng đọc bài thơ của Bác Hồ làm ở Pắc Bó ngày nọ:

Sáng ra bờ suối tối vào hang.
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang!

Cụ biết cụ già rồi, sức vóc không còn là bao.

Cụ hứa với già Hồ, động viên hai mươi nhăm đứa con cháu của mình ra sức công tác, học tập như ý muốn của Bác Hồ. Còn những chuyện về già Hồ, cụ sẽ kể đi kể lại cho chúng nó nghe để bọn trẻ ngày nay cũng hiểu Già, nhớ Già như là chúng được sống với Già vậy.

*
* *

Trong những ngày này, từ tờ mờ sáng, sương còn đọng đầy rừng, có lẽ xưa kia là lúc Bác Hồ vừa dậy đỏ đèn xem sách trong lán Khuổi Nậm, thì thanh niên và nhân dân các bản Pắc Bó đã có mặt trên nương rẫy đông hơn hẳn ngày thường để làm tăng thêm lượt cỏ, bón phân, trừ sâu cho lúa… hơn thế năm nay, phải quyết vỡ thêm đất cho thêm nhiều vạt rau, nương sắn, cho cả cái vùng này xanh mườn mượt đi như Bác Hồ vẫn thích thế. Ngày nào cũng vậy, bà con dồn sức làm xong việc đã định trong ngày, rồi sau đó, từng nhóm từng nhóm vào viếng thăm hang Pắc Bó. “Mảnh vườn Bác Hồ” cạnh lán Khuối Nâm còn đây, bà con đến xới cào, làm cỏ. Những gốc trúc Bác trồng lại từng gốc trên đường vào hang. Các cụ già chỉ tay, nói rõ hơn cho lớp trẻ: Đây là phiến đá Bác ngồi làm việc, cây ổi Bác lấy lá thay chè, gốc cây lớn bên bờ suối Bác làm bếp nấu ăn và cột đá giống hình người trong hang Cốc Bó, Bác tự tay sửa và tạc lại thành “Tượng Các Mác”. Kia là ngọn núi cao trước cửa hang và con suối Pắc Bó xinh đẹp chạy dưới chân hang mà Bác đặt tên là “núi Các Mác”, “suối Lê-nin”… Các cụ nói:

- Sau này, chúng tao chết đi chúng mày lại kể cho con cháu chúng mày nghe lớp thanh niên nào ăn lúa trên nương Pắc Bó, uống nước ở suối Pắc Bó cũng không bao giờ được quên công ơn Bác Hồ…

Các cụ già ơi! Núi rừng Pắc Bó ơi! Trên mảnh đất quê hương cách mạng này, trời đất cỏ cây còn đó thì những kỷ niệm của Bác Hồ còn đó, lời nói và ân tình của bác thấm đọng muôn đời trong từng nắm đất, ngọn lá nơi đây. Tuổi trẻ Pắc Bó, tưởng nhớ tới Bác, nghe theo lời Bác, lớp lớp đi lên, in dấu chân quả cảm của mình lên rừng núi thiêng liêng làm cho Pắc Bó, cho quê hương ta sạch bóng quân thù, và mọc đầy những ngôi nhà mới, những vườn hoa đẹp, những con suối nước vừa trong vừa sáng như mắt Bác Hồ. Bác lại về với ta trong ngày hội ấy.

Theo VNTTX
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #19 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2010, 10:54:06 pm »

MUÔN VÀN TÌNH THÂN YÊU KÍNH DÂNG BÁC

Hôm nghe tin Bác ốm nặng, rồi được tin Bác từ trần, lòng tôi như muối sát, không làm sao cầm được nước mắt. Suốt mấy đêm liền tôi cứ bàng hoàng thao thức. Những mảnh đời hoạt động hơn 40 năm qua lại lần lượt hiện rõ lên trong ký ức của tôi. Ngay hôm được biết Bác ốm nặng, tôi đã vụt nhớ đến một cử chỉ anh hùng của cụ Lê Đại, một văn thân phong trào Đông kinh nghĩa thục, diễn ra trước phiên tòa đại hình thực dân Pháp xử án cụ Phan Bội Châu vào một buối sáng mùa thu năm 1925.

Hôm đó, sau khi phiên tòa buộc cụ Phan vào tội “hoạt động lật đổ chính phủ” và kết án tử hình, bỗng có một cụ già mặc áo dài đen quần trắng từ trong đám đông thính giả phía trước chỗ tôi ngồi, đứng vụt lên dõng dạc nói:

“Cụ Phan Bội Châu là vĩ nhân của Việt Nam, nếu chính phủ các ngài có buộc án tử hình thì tôi xin chịu tội chết thay cụ!”.

Bác Hồ chúng ta cũng đã từng bị giặc Pháo khép án tử hình vắng mặt nhưng Bác vẫn sống, để lái con tàu cách mạng Việt Nam cập bến như ngày nay. Hôm nay cách mạng giải phóng miền Nam đã gần đến ngày thắng lợi. Bác lại giã từ chúng ta ra đi. Bác lại từ giã chúng ta ra đi. Đau xót và bất hạnh cho chúng ta biết chừng nào! Tôi không là cụ Lê Đại trước phiên tòa đại hình mùa thu năm ấy, nhưng tôi muốn là cụ Lê Đại của mùa thu năm nay. Giá tôi được đau thay, chết thay cho Bác thì tốt bao nhiêu! Chắc tất cả chúng ta, nhất là các bạn thanh niên chúng ta đều muốn được làm như thế và dám làm như thế. Nhưng nếu làm được, tôi sẽ xin các bạn dành cho tôi cái vinh dự đó. Vì dù sao số tuổi tôi cũng nhiều hơn các bạn, tôi xin “ra đi” trước các bạn cũng là hợp lý hợp tình. Lá vàng rụng xuống cho lá xanh càng xanh thắm hơn là hợp với lẽ đời. Nhưng sao tôi vẫn không muốn để Bác Hồ chúng ta thuộc vào lẽ tự nhiên đó. Vẫn biết rằng còn sống một ngày Bác còn khó nhọc một ngày.

Đã nhiều lần thương đồng bào miền Nam, Bác khóc. Bác bảo: “Miền Nam là thành đồng Tổ quốc! Miền Nam đi trước về sau!”. Nhưng chính Bác đã ra đi từ buổi mờ đất chưa thấy rõ mặt người, từ lúc bầu trời Việt Nam còn tăm tối. Bác quyết lên đường làm nhiệm vụ người gieo giống. Bác đã gieo hạt giống đầu tiên cho phong trào cộng sản nước ta. Hành động anh hùng, phẩm đức gương mẫu cao đẹp của Bác đã ăn sâu vào lớp thanh niên chúng tôi cách đây 40 năm về trước

Không thể nào tôi quên được lần đầu tiên trong đời tôi được gặp Bác, trong những ngày mưu toan việc nước ở chốn hải ngoại xa xăm ngày đại hội thành lập Đảng năm 1930.

Như chúng ta đã biết vào khoảng đầu năm 1924, Bác từ Pháp sang Liên Xô nhằm hai mục đích: Tìm gặp Lê-nin và dự đại hội lần thứ V quốc tế cộng sản ở Mạc Tư Khoa. Nhưng không may sang đến nơi thì Lên-nin mới mất. Bác rời Liên Xô về Trung Quốc tìm gặp đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn trong nhóm “Tâm tâm xã”, một tổ chức cách mạng của người Việt Nam ở Trung Quốc hồi đó. Bác đã lấy “Tâm tâm xã” làm cơ sở tổ chức ra “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”. Cũng từ đó các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ được mở liên tục ở Quảng Châu. Bác là người giữ trọng trách tổ chức và giảng dạy những lớp đó. Riêng về tôi bước sang năm 1927 cũng được đoàn thể chọn sang học và đến tháng 5 năm đó sau khi bế mạc lớp học, tôi là một trong số học viên được kết nào vào “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”. Cũng từ đó, tôi cứ đinh ninh rằng mình đã thực thụ là một đảng viên cộng sản, vì “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” là do ông Vương (tức Bác Hồ) lập ra. Thực ra trước đây Bác đã dó ý định lựa chọn những hội viên ưu tú để tổ chức ra “cộng sản đoàn” làm hạt nhân cho “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM