Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:11:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại K  (Đọc 196070 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #160 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2014, 10:15:23 am »

35 NĂM NGÀY QUÂN TÌNH NGUYỆN VIỆT NAM GIÚP NHÂN DÂN CAMPUCHIA THOÁT KHỎI HỌA DIỆT CHỦNG

KỲ 2: TỨC NƯỚC VỠ BỜ

QĐND - Tức nước vỡ bờ, ngay từ năm 1975, trong đất nước Cam-pu-chia đã nhóm lên những ngọn lửa phản kháng. Bắt đầu từ chính những cán bộ, đảng viên trong hàng ngũ của Pôn Pốt, sau đó, lan dần sang các tầng lớp công nhân, trí thức, nông dân. Từ năm 1975 đến 1978, không chịu nổi chế độ hà khắc của bọn Pôn Pốt, nhân dân Cam-pu-chia ở nhiều vùng nổi dậy chống lại chúng. Các phong trào tự phát nổi lên với các khẩu hiệu: “Đòi lật đổ chính quyền xã, huyện”, “Hòa bình rồi, đừng chiến tranh nữa” ở Kông-pông Thom, Xiêm Riệp, “Đòi cho tự lập gia đình”, “Bãi bỏ hôn nhân tập thể”, “Cải thiện đời sống cho chúng tôi” ở vùng Tây Nam Cam-pu-chia, “Đừng giết người Chàm” ở Kông-pông Chàm, “Đòi tự do đi lại”, “Đòi đoàn kết dân tộc”, “Đòi cứu nguy cho Quốc vương Xi-ha-núc”, “Yêu cầu quốc tế can thiệp” ở Phnôm Pênh... Nhưng càng đấu tranh, nhân dân Cam-pu-chia càng bị đàn áp, giết chóc, số người ly khai ra rừng lánh nạn đến hơn 10 vạn.

Trong hàng triệu người Cam-pu-chia phản kháng chế độ Pôn Pốt, sự phản kháng của những người là lãnh đạo đảng các cấp, chỉ huy quân đội, đảng viên của chế độ Pôn Pốt mang ý nghĩa đặc biệt. Chính họ là những người nhen lại ngọn lửa cách mạng ở đất nước Cam-pu-chia, những người xác định con đường cứu nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng, lãnh đạo nhân dân Cam-pu-chia hồi sinh đất nước, xây dựng xã hội mới.


Lính Pôn Pốt bị bắt giữ. Ảnh tư liệu.

Tháng 6-1977, ông Hun Xen, một cán bộ chỉ huy trung đoàn, ly khai quân Pôn Pốt, dẫn đầu 16 người chạy sang Việt Nam. Cũng trong năm 1977, nhiều cán bộ Cam-pu-chia các tỉnh Đông Bắc chạy sang Gia Lai, Kon Tum. Đó là số cán bộ tập kết ra miền Bắc, về nước thấy sự phản đảng của bọn Pôn Pốt nên chạy trở lại Việt Nam, gồm đồng chí Bu Thoong, Xoi Keo, Đi Phin… Các ông Pen Gút, Hưu Xem, Phách Xem, Pen Ủng, đoàn của ông  Úc Bun-xươn chạy sang Tây Ninh; ông Chăn Ven, ông Xim Sông chạy sang Quân khu 9. Tiếp đó là các ông Hêng Xom-rin, Chia Xim. Đến gần cuối năm 1978, đã có 107 người là lãnh đạo từ cấp trung đoàn tới cấp quân khu Cam-pu-chia chống chế độ Pôn Pốt sang Việt Nam.

Được sự giúp đỡ tận tình của Việt Nam, những người ly khai chế độ Pôn Pốt mà hầu hết là đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia tiến hành tập hợp lực lượng, xây dựng đường lối giải phóng nhân dân Cam-pu-chia. Từ ngày 26 đến 29-11-1978, ban tổ chức Đại hội Ủy ban Trung ương Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia tại Trường Công an Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), có 108 đại biểu gồm: Đoàn cán bộ tập kết ra miền Bắc năm 1954 rồi ở lại Việt Nam công tác có 42 người, đoàn Quân khu Đông: 35 người, đoàn sang từ tháng 6-1977: 16 người, đoàn Đông Bắc: 11 người, nhân sĩ: 4 người. Đại hội đã bầu Ủy ban Trung ương Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia gồm 15 người, do ông Hêng Xom-rin làm Chủ tịch, ông Chia Xim làm Phó chủ tịch và ông Rua Xa-may làm Tổng thư ký. Ngày 2-12-1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia ra mắt. Buổi lễ ra mắt tổ chức ở vùng Snun, tỉnh Kra-chê, vừa được giải phóng khá rầm rộ. Có đại diện của các tiểu đoàn và đội công tác vũ trang của bạn, hàng trăm người Cam-pu-chia có đại diện các giai cấp, tôn giáo, dân tộc, tầng lớp nhân dân ở Cam-pu-chia đến dự. Khi thấy Đoàn chủ tịch mặt trận xuất hiện, có cả nhà sư mặc áo cà sa, mọi người dự lễ đều quỳ xuống vái lạy rất trọng thị. Ai cũng tỏ lòng phấn khởi có người lãnh đạo, nhất định nhân dân Cam-pu-chia sẽ thoát khỏi ách diệt chủng do bọn Pôn Pốt-Iêng Xa-ri gây nên.

Làm nòng cốt lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Cam-pu-chia trên đất Việt Nam là những người đảng viên chân chính của Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia. Ngày 4 và 5-1-1979, các đảng viên cũ của Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia tập trung về trạm 66B, cư xá Mỹ cạnh dinh Độc Lập, ở TP Hồ Chí Minh để tiến hành đại hội khôi phục lại đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới và công nhận đảng viên của đảng. Cũng tại đại hội này, Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia cử ra Chủ tịch nước và thành phần Chính phủ để về ra mắt nhân dân Cam-pu-chia ngay khi đất nước được giải phóng, tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ III, gồm 62 đại biểu. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 7 người: Pen Xô-van làm Tổng Bí thư, các đồng chí Hêng Xom-rin, Chia Xim làm Ủy viên thường vụ, các đồng chí Hun Xen, Bu Thoong, Văn Son, Chăn Xi làm Ủy viên Trung ương.

Từ đây, cách mạng Cam-pu-chia có lực lượng lãnh đạo. Đó là những con người được tôi luyện trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, kinh qua chiến tranh gian khổ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, trung thành với lợi ích của dân tộc và nhân dân, nắm vững xu thế phát triển của thời đại, có tinh thần quốc tế, tin tưởng Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân Việt Nam. Sự đúng đắn trong chủ trương, đường lối của các nhà lãnh đạo cách mạng ly khai chế độ Pôn Pốt đã tập hợp được nhân dân Cam-pu-chia, những người đã sống uất hận trong chế độ diệt chủng vùng lên đấu tranh, sát cánh cùng quân và dân Việt Nam lật đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt cùng chế độ quái thai do chúng dựng lên.

Ngày 3-11-1978, được sự giúp đỡ của nhân dân, lực lượng nổi dậy chống lại chế độ Pôn Pốt-Iêng Xa-ri tiến công căn cứ Sê-rê-ca của quân Pôn Pốt ở phía Tây Bắc Đầm Be (Công-pông Chàm). Sau một giờ chiến đấu, lực lượng nổi dậy làm chủ căn cứ, tiêu diệt hơn 100 tên, thu một kho vũ khí, đạn dược và đồ dùng quân sự. Phong trào nổi dậy chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt-Iêng Xa-ri lan rộng khắp cả nước, không chỉ lớn về quy mô mà còn có bước chuyển mới về tổ chức và phương thức đấu tranh. Đã có sự phối hợp giữa các lực lượng, giữa thành thị với nông thôn; đã biết kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa nổi dậy của quần chúng với binh biến của binh lính.

Tháng 11-1978, tại Quân khu Đông, lực lượng nổi dậy hoạt động mạnh ở các huyện Cam-chơ-rích, Tơ-nang Khơ-mun (Công-pông Chàm). Tại Quân khu Đông Bắc, hàng trăm nhân dân vùng Siêng-pạng (Stung Treng) và vùng Bô-keo (Ra-ta-na-ki-ri) nổi dậy chống lại việc bắt thanh niên đi lính cho Pôn Pốt. Nhiều truyền đơn kêu gọi nhân dân khu Đông và Đông Bắc cùng đồng bào cả nước đoàn kết, đấu tranh đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt-Iêng Xa-ri, phản đối việc chính quyền Pôn Pốt-Iêng Xa-ri gây chiến tranh biên giới với Việt Nam, đòi xây dựng nước Cam-pu-chia hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc.

Cuối tháng 11, đầu tháng 12-1978, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Cam-pu-chia phát triển ngày càng mạnh mẽ và giành nhiều thắng lợi. Đầu tháng 12-1978, lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Môn-đôn-ki-ri đánh chiếm một căn cứ địch, diệt hơn 100 tên, thu nhiều súng đạn và lương thực. Tiếp đó, nhân dân hai huyện Sơ-lông và Crô-chơ-mia (Công-pông Chàm) nổi dậy giành quyền làm chủ ở một số xã. Ở Quân khu 203 và Quân khu Đông Bắc, nổ ra nhiều vụ binh biến của binh lính.

(còn nữa)

Kỳ 1: Những kẻ phản bội

LÊ LIÊN

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/35-nam-ngay-quan-tinh-nguyen-viet-nam-giup-nhan-dan-campuchia-thoat-khoi-hoa-diet-chung/ky-2-tuc-nuoc-vo-bo/280599.html
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Giêng, 2014, 10:22:46 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #161 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2014, 10:21:45 am »

35 NĂM NGÀY QUÂN TÌNH NGUYỆN VIỆT NAM GIÚP NHÂN DÂN CAMPUCHIA THOÁT KHỎI HỌA DIỆT CHỦNG

KỲ 3: KỀ VAI SÁT CÁNH TRONG HOẠN NẠN

QĐND -  Tháng 1-1978, các đơn vị quân đội ta trừng trị quân Pôn Pốt ở sâu trong đất Cam-pu-chia rồi rút về. Khi ta rút về, nhân dân Cam-pu-chia ở các tỉnh Xoài Riêng, Công-pông Chàm, Prây Veng... chạy theo xin tị nạn ở Việt Nam. Rất nhiều xe bò, xe trâu chở con cái, đồ đạc, người đi bộ gồng gánh kéo theo bộ đội Việt Nam. Những ngày sau đó, ta thống kê được số dân nước bạn chạy sang tị nạn là hơn 4 vạn người.

Người xin tị nạn kể lại rằng, bọn Pôn Pốt rất dã man. Chúng bắt dân bỏ thủ đô, thị xã, bắt dân về nông thôn cuốc đất, cày ruộng, ai không làm được thì bắn bỏ. Chúng bỏ chợ búa, trường học, tiền nong..., ai không nghe lệnh “Ăng-ka” thì giết chết. Chúng bắt ở chung, ăn chung, đám cưới tập thể, giết hàng loạt, chôn người tập thể… Chúng không còn coi đạo Phật là quốc đạo của nước Cam-pu-chia mà chủ trương bãi bỏ hoàn toàn chùa chiền, sư sãi. Gặp ai mặc áo cà sa là chúng bắn chết ngay.


Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia ra đời ngày 12-5-1978. Ảnh tư liệu.

Dân Cam-pu-chia tị nạn sang Việt Nam được ta làm lán trại cho ở theo từng gia đình, tổ chức sản xuất ở vùng Tân Châu, Bến Sắn (tỉnh Tây Ninh)… Ta tổ chức cho nhân dân bạn tố cáo tội ác của bọn Pôn Pốt. Cuộc cách mạng dân chủ nhân dân ở Cam-pu-chia dường như phải làm lại từ đầu. Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam một lần nữa lại phải ra tay giúp đỡ cách mạng của nước bạn với tinh thần quốc tế cao cả như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước đây.

Tháng 3-1978, khi những đảng viên chân chính Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia bày tỏ nguyện vọng muốn xây dựng lực lượng vũ trang trên đất Việt Nam để về giải phóng đất nước khỏi chế độ Pôn Pốt, Đảng ta bày tỏ quan điểm ủng hộ, giao cho Quân đội thực hiện. Quân ủy Trung ương ra nghị quyết lấy người Cam-pu-chia chạy sang lánh nạn ở Việt Nam để xây dựng lực lượng cách mạng cho bạn; đồng chí Trần Văn Quang được giao nhiệm vụ chỉ huy và Đoàn 478 là đơn vị phụ trách việc này.

Tháng 4-1978, Thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân khu 7, gặp ông Hun Xen và ông Mê-a Huôn tại Bộ tư lệnh Quân khu 7. Hai bên thống nhất sẽ giúp đỡ các đồng chí Cam-pu-chia tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang để giải phóng đất nước, Việt Nam sẽ giúp đỡ huấn luyện quân sự, cung cấp vũ khí và hậu cần, còn vấn đề chỉ đạo về mặt chính trị là do phía các đồng chí Cam-pu-chia chịu trách nhiệm. Nội dung làm việc của Thượng tướng Trần Văn Trà đáp ứng nguyện vọng tha thiết của toàn thể nhân dân Cam-pu-chia, cho phép nhân dân Cam-pu-chia được tị nạn ở Việt Nam, tạo điều kiện cho các phong trào đấu tranh của những người đang tị nạn ở Việt Nam xây dựng và củng cố để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng đất nước thoát khỏi chế độ Pôn Pốt. Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia đã chính thức ra đời ngày 12-5-1978 và thành lập Ban chỉ huy 578 vào tháng 5-1978, trong đó ông Hun Xen là Chỉ huy quân sự và chính trị, ông Núc Thon làm Phó phụ trách chính trị, ông Hem Xa-min làm Phó phụ trách hậu cần-tài chính, sau đó tiến tới thành lập đơn vị đầu tiên là đơn vị 125 (12-5-1978). Đơn vị này có hơn 200 chiến sĩ do ông Nhất Huôn chỉ huy.

Ngày 15-10-1978, ta liên lạc được với đoàn của đồng chí Chia Xim ở phía Lò Gò (Tây Ninh). Trong đoàn này có đồng chí Chum, Ủy viên Thường vụ vùng 20. Đồng chí Chia Xim cho biết, vùng 20 đã có người lên vùng 21 để liên lạc với anh Kôn Van gồm: Anh Hêng Xom-rin, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 4, Quân khu ủy viên cũ; anh Pô (Rô Chia), Phó bí thư vùng 20; anh Dôl (Át), Phó bí thư vùng 22; anh Xa Mun, Trưởng ban nông nghiệp khu 203. Ta đón đoàn này về TP Hồ Chí Minh.

Những tháng cuối năm 1978, tình hình cách mạng Cam-pu-chia chuyển biến mau lẹ. Nhân dân Cam-pu-chia sau hơn 3 năm sống dưới ách kìm kẹp của bọn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri, đã hiểu chính sách diệt chủng của chế độ Khơ-me Đỏ, lòng căm thù chúng đã dâng lên đến cao độ, mong muốn lực lượng cách mạng chân chính về giải phóng cho mình. Số người tị nạn sang Việt Nam ngày càng đông đảo, số cán bộ Cam-pu-chia sang Việt Nam từ sau ngày ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, sang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã sẵn sàng về nước tham gia chiến đấu lật đổ chế độ Khơ-me Đỏ. Đến tháng 11-1978, ta đã giúp đỡ bạn xây dựng 21 tiểu đoàn và 100 đội vũ trang công tác.

Sau khi có đảng, có lực lượng vũ trang, có mặt trận, bạn nhờ ta cùng liên minh diệt trừ họa diệt chủng do bọn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri gây nên cho nhân dân Cam-pu-chia và đập tan cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ở vùng biên giới Tây Nam nước ta do bọn chúng gây ra.

(còn nữa)

Kỳ 1: Những kẻ phản bội

Kỳ 2: Tức nước vỡ bờ


LÊ LIÊN

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/35-nam-ngay-quan-tinh-nguyen-viet-nam-giup-nhan-dan-campuchia-thoat-khoi-hoa-diet-chung/ky-3-ke-vai-sat-canh-trong-hoan-nan/280706.html
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Giêng, 2014, 10:27:56 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #162 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2014, 10:27:01 am »

35 NĂM NGÀY QUÂN TÌNH NGUYỆN VIỆT NAM GIÚP NHÂN DÂN CAMPUCHIA THOÁT KHỎI HỌA DIỆT CHỦNG

KỲ 4: CHIẾN DỊCH QUYẾT ĐỊNH ( tiếp theo và hết)

QĐND - Mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam từ tháng 5-1975 đến ngày 23-12-1978, bè lũ Pôn Pốt đã giết hại hơn 5000 dân thường nước ta, làm bị thương gần 5000 người, bắt và đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người khác. Hàng trăm trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thờ, chùa chiền ở vùng biên giới Việt Nam giáp với Cam-pu-chia bị đốt phá. Hàng nghìn con trâu, bò bị cướp, giết, hàng nghìn héc-ta lúa, màu bị phá hoại, hàng vạn héc-ta ruộng đất và đồn điền cao su ở vùng biên giới Tây Nam bị bỏ hoang. Nửa triệu dân vùng sát biên giới phải bỏ nhà, bỏ đất, bỏ ruộng để chạy về phía đông.

Trước tình hình bọn Pôn Pốt gây hấn ở biên giới Tây Nam đất nước, vì lợi ích dân tộc và tình hữu nghị chiến đấu lâu năm, Ðảng và Nhà nước ta đã tự kiềm chế, kiên trì thuyết phục, thương lượng giải quyết những vấn đề cụ thể thuộc quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc. Nhưng mọi sự cố gắng của chúng ta đều không có kết quả, bọn Pôn Pốt vẫn ngoan cố thực hiện chính sách xâm lược và diệt chủng. Thực hiện quyền tự vệ chính đáng thiêng liêng của mình để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Tổ quốc, bảo vệ biên giới Tây Nam, tính mạng và tài sản của nhân dân, đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế đối với nhân dân Cam-pu-chia, Ðảng và Nhà nước ta đã chủ trương giúp đỡ những người cách mạng chân chính Cam-pu-chia làm lại cuộc cách mạng đã bị phản bội.

Giữa tháng 12-1978, Pôn Pốt huy động 10 sư đoàn, trong tổng số 21 sư đoàn mà chúng có, mở cuộc tiến công xâm lược quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta với mục tiêu đánh chiếm thị xã Tây Ninh.


Nhân dân Cam-pu-chia vui mừng đón Quân giải phóng. Ảnh tư liệu.

Theo tiếng gọi của nhân dân Cam-pu-chia, để thực hiện sứ mạng bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, ngày 23-12-1978, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược đập tan cuộc tấn công toàn tuyến biên giới Tây Nam của bè lũ Pôn Pốt. 5 cánh quân cùng với lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia chia làm 5 hướng: Các đơn vị Quân khu 5 tiến công địch ở vùng Đông Bắc Cam-pu-chia, các đơn vị Quân khu 7 tiến công vào vùng Đông Cam-pu-chia, Quân đoàn 1 theo đường số 1 tiến thẳng vào Phnôm Pênh, Quân đoàn 2 từ An Giang tiến công sang Cam-pốt rồi tiến thẳng lên Phnôm Pênh, các đơn vị Quân khu 9 tiến công vào các tỉnh vùng Tây Nam Cam-pu-chia, lực lượng Hải quân nhân dân ta tiến công vào cảng Kông-pông Xom. Ta chuyển từ phản công sang tổng tấn công, cùng với toàn dân Cam-pu-chia nổi dậy đánh bại tập đoàn phản động Cam-pu-chia xâm lược, phản bội, diệt chủng, giải phóng thủ đô của bạn. Ngày 7-1-1979, thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng và đến ngày 17-1-1979, sau 25 ngày, tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn trên đất nước Cam-pu-chia đã được hoàn toàn giải phóng khỏi chế độ diệt chủng. Một chiến dịch phản công có chiều sâu hơn 500km và chiều rộng cũng hơn 500km, giành thắng lợi nhanh gọn ấy không phải chỉ do lòng dũng cảm và nghệ thuật quân sự mà điều cực kỳ quan trọng là nhờ sự ủng hộ của nhân dân Cam-pu-chia. Không có sự ủng hộ của nhân dân Cam-pu-chia, không thể có tốc độ kỳ diệu đó, đánh tan lực lượng quân sự làm cho 21 sư đoàn Pôn Pốt chạy không kịp trở tay.

Trên tất cả các hướng, các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã được đón tiếp bằng sự vui mừng không kể xiết của những người dân Cam-pu-chia giải phóng. Những người già ở tỉnh Bát-đam-boong kể: “Chúng tôi theo đạo Phật, chúng tôi ngày đêm cầu trời khấn Phật cứu giúp nhưng ngày này qua ngày khác không thấy ai đến. Chúng tôi nghĩ trên cõi đời này chỉ có Việt Nam có thể cứu giúp chúng tôi. Quả nhiên bộ đội Việt Nam đã đến”. Các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam bàng hoàng xúc động trước sự đau khổ cùng cực của nhân dân Cam-pu-chia, sự dã man của chế độ Pôn Pốt khi tận mắt chứng kiến những gì đã xảy ra còn khủng khiếp gấp bội, ngoài sức tưởng tượng của con người.

Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia đi tới đâu cũng được nhân dân đón tiếp bằng sự vui mừng không kể xiết. Nhiều người già có, trẻ có chưa thoát khỏi nỗi kinh hoàng, khi gặp bộ đội Việt Nam, họ đã òa lên khóc và sẵn sàng giúp đỡ các lực lượng truy đuổi Pôn Pốt. Bộ đội Việt Nam dễ dàng nhận ra nét mặt hân hoan của nhân dân Cam-pu-chia, những người vừa bước ra khỏi chế độ diệt chủng. Điều đáng ghi nhận là họ đã coi bộ đội Việt Nam như người nhà. Đi đến đâu bộ đội Việt Nam cũng được sự hỗ trợ nhiệt tình.

Kỳ 1: Những kẻ phản bội

Kỳ 2: Tức nước vỡ bờ

Kỳ 3: Kề vai sát cánh trong hoạn nạn


LÊ LIÊN

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/35-nam-ngay-quan-tinh-nguyen-viet-nam-giup-nhan-dan-campuchia-thoat-khoi-hoa-diet-chung/ky-4-chien-dich-quyet-dinh-tiep-theo-va-het/280824.html
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Thorn Birds
Thành viên

Bài viết: 4


« Trả lời #163 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2014, 10:58:06 am »

Video đặc biệt về quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia

"VN đã hy sinh quân tình nguyện ở Campuchia hàng vạn người, bị thương không biết bao nhiêu. VN đã phải trả một cái giá rất cao khi giúp đỡ Campuchia." - Hun Sen.

Năm 1975, sau khi lên nắm chính quyền ở Campuchia, Khmer Đỏ bất ngờ phát động cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam nước ta. Từ năm 1975 đến năm 1979, lính của Pol Pot đã xâm phạm biên giới nước ta rất nhiều lần, giết hại đồng bào ta, tàn phá nhiều làng mạc, nhà cửa mà đỉnh điểm là vụ thảm sát Ba Chúc (tháng 4/1978) khiến hơn 3.000 người dân vô tội bị sát hại.

Trong nước, Pol Pot thi hành chính sách diệt chủng, tra tấn và thủ tiêu hàng triệu người dân Campuchia. Nhân dân Campuchia sống trong đau thương cùng cực, khẩn thiết yêu cầu sự giúp đỡ của Việt Nam.

Những người lính Việt Nam, khi ấy vừa bước ra khỏi một cuộc chiến tranh khốc liệt, máu và mồ hôi còn chưa kịp khô trên áo, đã lại phải cầm súng bước vào một cuộc chiến mới bảo vệ Tổ quốc và giúp đỡ nhân dân nước bạn.

Với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam, ngày 7/1/1979, Phnom Penh hoàn toàn giải phóng, Khmer Đỏ bị lật đổ.

Khó có thể kể hết những gian khổ, hy sinh mà người lính tình nguyện Việt Nam đã trải qua trên đất nước Chùa Tháp. Báo Pracheachon của Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia khi ấy đã viết những dòng đầy xúc động “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, trên thế giới này không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu, nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi”..

 Mười năm sát cánh cùng quân và dân Campuchia đánh đuổi tàn quân Pol Pot, hồi sinh đất nước, Quân tình nguyện Việt Nam được yêu mến gọi bằng cái tên Đội quân nhà Phật.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen, trong buổi gặp mặt đại diện Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam cuối tháng 12 vừa qua đã nói “Việt Nam đã phải trả một cái giá rất cao khi giúp đỡ Campuchia. Vừa hy sinh tính mạng của dân, quân, vừa hy sinh tài sản, vừa hy sinh chính trị, ngoại giao. Vấn đề này không quên được.”

Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, chúng tôi xin trân trọng gửi tới quý vị độc giả Video đặc biệt với tựa đề “Những hình ảnh không thể nào quên về Đội quân nhà Phật trên đất nước Campuchia”, như một sự tri ân tới những người đã chiến đấu và hy sinh vì hạnh phúc, bình yên của cả hai dân tộc.

Quý vị độc giả có thể chia sẻ suy nghĩ, cảm tưởng ở ô Bình luận bên dưới bài. Trân trọng!

Xin xem videoclip tại đây:
http://soha.vn/quan-su/video-dac-biet-ve-quan-tinh-nguyen-viet-nam-tai-campuchia-20140107023441132.htm
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #164 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2014, 09:59:57 am »

35 NĂM NGÀY QUÂN TÌNH NGUYỆN VIỆT NAM GIÚP NHÂN DÂN CAMPUCHIA THOÁT KHỎI HỌA DIỆT CHỦNG

KỲ 1: ĐÁNH ĐỊCH GIẢI PHÓNG CÔ ĐÔ XIÊM RIỆP

QĐND Online - Sau khi tiến công địch giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh, Sư đoàn 10 của Quân đoàn 3, nhận lệnh tiến công địch ở các tỉnh xung quanh Biển Hồ, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Sau khi Trung đoàn 24 đánh địch, giải phóng thị xã Công Pông Thom, Trung đoàn 66 được chuyển giao xe tăng, thiết giáp và pháo binh, tiểu đoàn ô tô vận tải, hành tiến tiến công giải phóng thành phố Xiêm Riệp, quyết không cho địch tổ chức co cụm lập căn cứ ở vùng Tây Bắc chống lại lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia.

Nhận lệnh đánh địch của sư đoàn, chỉ huy trung đoàn nhận định, lực lượng địch ở trục đường 6 và thành phố Xiêm Riệp còn đông, sức chiến đấu còn mạnh. Hơn nữa, khi Thủ đô Phnôm Pênh và thị xã Công Pông Thom bị mất, quân địch sẽ tăng cường phòng bị. Tuy nhiên, chặng đường từ Công Pông Thom tới Xiêm Riệp khá dài, lực lượng địch rút chạy chưa thể về đến thành phố Xiêm Riệp để co cụm. Do đó, trung đoàn cần phải khẩn trương làm công tác chuẩn bị để nhanh chóng hành tiến tiến công địch. Sau hơn 2 giờ chuẩn bị chiến đấu, tiểu đoàn bộ binh và xe thiết giáp đi đầu, bắt đầu hành tiến đánh địch, tiếp sau là sở chỉ huy và cơ quan trung đoàn, lực lượng xe tăng và pháo binh. Hai tiểu đoàn bộ binh chuẩn bị xong, tiếp tục hành tiến chiến đấu, sẵn sàng đánh địch tiến công vào hai bên sườn. Đội hình tiến công của trung đoàn theo đường số 6, ra khỏi thị xã Công Pông Thom khoảng 5km, bộ phận đi đầu gặp địch nổ súng ngăn chặn rất quyết liệt. Bộ binh ta xuống xe triển khai tiến công, có hoả lực mạnh của ĐKZ trên xe thiết giáp đi cùng, bắn ngắm trực tiếp chi viện. Sau 30 phút chiến đấu, quân địch bị tiêu diệt, bộ đội ta lên xe hành tiến đánh địch. Phát hiện bộ đội ta tiến công, quân Pôn Pốt dựa vào địa hình có lợi và các phun, sóc ở hai bên đường liên tục chặn đánh.


Bộ đội Việt Nam tiến công giải phóng nhiều nơi ở Campuchia.

Qua hơn 1 giờ tác chiến chỉ huy, trung đoàn nhận định, nếu ta vận dụng cách đánh này, tốc độ tiến công sẽ chậm, quân địch càng có điều kiện tăng cường phòng bị liên tục chặn đánh. Trung đoàn quyết định thay đổi cách đánh, vừa hành tiến, vừa tiến công tiêu diệt địch. Khi có bộ đội bị thương vong và ô tô bị hỏng, từng khối chiến đấu để lại một bộ phận khắc phục, đưa ngay xe dự bị lên phát triển tiến công tiếp. Sở chỉ huy của trung đoàn, đi cùng chỉ huy tiểu đoàn 7 đi đầu, sau đại đội chiến đấu phái đi trước. Tuy nhiên, cách đánh này lại gây trở ngại cho chỉ huy tiểu đoàn ô tô, bộ đội sợ không đủ người để khắc phục hậu quả và xe để thay thế. Trung đoàn bàn phương án khắc phục, tạo điều kiện để anh em lái xe yên tâm sát cánh cùng bộ binh đánh địch. Xây dựng được lòng tin và tạo sự đồng thuận, các bộ phận đều có quyết tâm vượt qua khó khăn, đánh địch hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bàn bạc phương án và tổ chức đội hình chiến đấu xong, trung đoàn tiếp tục hành tiến tiến công tiêu diệt địch. Mặc dù quân địch vẫn liên tục chặn đánh, nhưng thiết giáp và bộ binh đi đầu đã đánh bật quân địch sang hai bên đường để phát triển tiến công. Vì vậy, có lúc đội hình trung đoàn, cùng nổ súng đánh địch trên đoạn đường dài vài cây số.

Lợi dụng trời tối quân địch khó quan sát phát hiện lực lượng ta, trung đoàn quyết định đẩy nhanh tốc độ tiến công. Khi trăng sáng trung đoàn ra lệnh tất cả các loại xe không được bật đèn và bỏ nguỵ trang. Bộ đội trên xe không đội mũ, sử dụng khăn mặt vắt vai hoặc đội lên đầu để nghi binh lừa địch. Kế sách của ta đã phát huy hiệu quả, quân địch ít chặn đánh, tiếng súng xa dần, đội hình chiến đấu của trung đoàn đã nhanh chóng lọt sâu vào phía sau quân địch. Quá nửa đêm, một tình huống bất ngờ xảy ra, quân địch tưởng thị xã Công Pông Thom vẫn còn đang tác chiến, chúng sử dụng đoàn xe vận tải gần 30 chiếc chở quân và đạn dược chi viện cho chiến trường này. Đoàn xe địch đi ngược chiều đội hình chiến đấu của ta. Đại đội bộ binh và thiết giáp đi trước phát hiện báo cáo, trung đoàn ra lệnh tuyệt đối không được nổ súng, để tạo thế bất ngờ tiến sâu hơn vào đội hình quân địch, các lực lượng chỉ được nổ súng, khi quân địch đã phát hiện ra lực lượng ta. Đoàn xe của địch, ngày càng tiến sâu vào đội hình chiến đấu của trung đoàn. Quân địch lại lầm tưởng là lực lượng của mình, chúng không hề nghi ngờ hoặc phát ra tín hiệu để hỏi. Gần một giờ sau, chiếc xe đi cuối đội hình chở bộ binh, đầu đội hình xe chở đạn của địch nháy đèn, một tên đứng ngoài cửa vẫy tay, ra hiệu cho xe đi đầu của ta dừng lại. Chiếc xe ra hiệu dừng lại vừa đi qua, sợ bị lộ, xe thiết giáp đi đầu của ta sử dụng ĐKZ tiêu diệt chiếc xe đi sau. Bị hoả lực 106,7 mm bắn ở cự ly gần, chiếc xe chở đạn của địch bị hất tung ra bên đường, nổ vang.

Thấy tiếng nổ lớn, quân địch ở các chốt hai bên đường tiến ra chặn cả xe của ta và địch lại để hỏi. Xe của chỉ huy trung đoàn cũng bị ba người cầm súng tiến ra chặn trước cửa xe. Trời tối không rõ lính ta hoặc địch, tôi nói nhỏ với tiểu đoàn trưởng và lái xe: “Ngồi im để mình xuống.” Vừa đặt chân xuống đất, tôi bị tên lính đi đầu chĩa súng vào người. Anh em trên xe lo lắng, muốn cứu tôi, nhưng do cự ly giữa tôi và tên địch quá gần nên không thể nổ súng được. Nhận thấy đây là lính địch, tôi bình tĩnh xua tay ra hiệu cho tên địch là không có gì xảy ra. Rất may trong thời gian dài chiến đấu trên đất Campuchia, người tôi gầy và đen, trên vai luôn có chiếc khăn mặt lau mồ hôi, đêm tối trông giống khăn rằn của địch. Tên địch tưởng tôi là lái xe của chúng, liền hạ súng bước đi, hai tên sau cũng quay gót bước theo. Lúc đó tôi chỉ kịp lăn mấy vòng, nhằm tạo ra khoảng cách để anh em trên xe tiêu diệt địch. Tiếng súng từ khu vực xe chỉ huy bùng nổ, đội hình toàn trung đoàn chuyển sang tiến công địch. Bị đánh bất ngờ trong thế cài xen, quân địch bị tiêu diệt, hoảng loạn bỏ chạy.

Sau gần 2 giờ chiến đấu, trung đoàn đã quét sạch các chốt của địch ở hai bên đường, bắn cháy và bắt sống 23  xe của địch. Đơn vị cũng có một số cán bộ và chiến sĩ bị hy sinh, trong đó có anh Vũ Văn Tài vừa được bổ nhiệm làm trung đoàn phó. 

Giải quyết chiến trường xong, trung đoàn lại hành tiến tiến công địch. 5 giờ sáng ngày 9-1-1979, trung đoàn tiến sát thành phố

Xiêm Riệp, triển khai thành hai mũi tiến công: Một mũi cùng xe tăng và pháo binh, tiến công thẳng vào thành phố theo đường số 6; một mũi cùng thiết giáp vòng về bên phải tiến công vào khu đền Ăng Co. Bất ngờ bị đánh mạnh từ hai hướng, quân địch ở trong thành phố không kịp đối phó, chúng chỉ chặn đánh ở một số dãy phố rồi rút chạy. Trung đoàn đưa tiểu đoàn dự bị và xe tăng vào phát triển tiến công đánh chiếm sân bay. Trên hướng đền Ăng Co, quân địch tổ chức kháng cự, nhưng bị ta tiến công mạnh đánh từ hai bên sườn nên phải rút chạy. 10 giờ sáng, trung đoàn giải phóng hoàn toàn thành phố, khu đền Ăng Co và sân bay Xiêm Riệp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu được giao. 

(Còn nữa)   

Thiếu tướng PGS TS BÙI THANH SƠN

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/35-nam-ngay-quan-tinh-nguyen-viet-nam-giup-nhan-dan-campuchia-thoat-khoi-hoa-diet-chung/ky-1-danh-dich-giai-phong-co-do-xiem-riep/282314.html
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #165 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2014, 06:22:41 pm »

35 NĂM NGÀY QUÂN TÌNH NGUYỆN VIỆT NAM GIÚP NHÂN DÂN CAMPUCHIA THOÁT KHỎI HỌA DIỆT CHỦNG

KỲ 2: PHÁT TRIỂN TIẾN CÔNG TIÊU DIỆT ĐỊCH GIẢI PHÓNG TỈNH PÔ XÁT

QĐND  Online - Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt địch giải phóng thành phố Xiêm Riệp, Trung đoàn 66 được bổ sung nhiệm vụ đánh chiếm Xi Xô Phôn, tạo bàn đạp để đơn vị bạn triển khai tiến công, tiêu diệt địch, giải phóng thành phố Bát Đom Boong. Sau khi Trung đoàn 24 đánh địch giải phóng thành phố, Trung đoàn 66 nhanh chóng phát triển tiến công theo trục đường số 5, tiêu diệt địch phòng ngự ở thị trấn Mong, tiến công giải phóng thị xã Pô Xát.

Nhận nhiệm vụ của sư đoàn, trung đoàn nhanh chóng bàn giao địa bàn thành phố Xiêm Riệp cho đơn vị bạn, khẩn trương chuẩn bị đánh địch. Tiểu đoàn 8 được tăng cường thiết giáp và pháo binh bắt đầu hành tiến chiến  đấu. Phát hiện bộ đội ta tiến công, Sư đoàn 5 của Pôn Pốt phòng ngự giữ Bắc đường số 6 và Tây Bắc đường số 5. Trước sức mạnh tiến công bằng hiệp đồng binh chủng của bộ đội ta, sau 4 giờ hành tiến chiến đấu, Tiểu đoàn 8 đã tiêu diệt địch, đánh chiếm được Xi Xô Phôn.

Sau đó, tiểu đoàn chia làm hai mũi phát triển tiến công về hướng đường số 5 và Poi Pét, ra đến tận biên giới Campuchia – Thái Lan, tạo thuận lợi để Trung đoàn 24 bước vào đánh địch. Khi Trung đoàn 24 đang còn đánh địch ở trung tâm thành phố Bát Đom Boong, sư đoàn tăng cường cho Trung đoàn 66 xe tăng, xe thiết giáp, pháo binh, phòng không và công binh, làm nhiệm vụ hành tiến tiêu diệt địch trên trục đường số 5, giải phóng thị xã Pô Xát. Biết lực lượng ở phía Nam thành phố Bát Đom Boong chưa kịp rút chạy, Quân khu Kăng Đan ra lệnh cho lực lượng còn lại của Sư đoàn 101 và 104 tận dụng trục đường tàu hoả chạy song song với đường số 5 ở phía Tây liên tục tiến công vào bên sườn đội hình hành tiến chiến đấu của trung đoàn. Trước sức mạnh ngăn chặn của địch, kết hợp với tiến công liên tục vào bên sườn đội hình chiến đấu của ta, chỉ huy trung đoàn quyết định thay đổi cách đánh. Từng tiểu đoàn bộ binh xuống xe, luân phiên tiến công vào bên sườn kẻ thù ở phía Tây đường tàu. Cách đánh của trung đoàn đã phát huy hiệu quả. Khi hoả lực ta bắn mạnh để ghìm đầu quân địch xuống, thì bất ngờ chúng bị bộ binh ta đánh mạnh vào bên sườn. Phía sau quân địch là cánh đồng rộng và rất trống trải, lực lượng rút chạy tiếp tục bị hoả lực ta sát thương. Sau hơn hai giờ hành tiến đánh địch, đầu đội hình chiến đấu của trung đoàn đã đến bắc thị trấn Mong. Để hạn chế sức mạnh tiến công của ta, quân địch cho phá toàn bộ cầu cống, cài mìn trên các con đường, bố trí lực lượng chặn đánh không cho ta tiến vào thị trấn. Trên các toà nhà cao tầng chúng bố trí ĐKZ và 12.7mm để tiêu diệt xe tăng và bộ binh ta.


Bộ đội Việt Nam phản kích quân địch.

Phát hiện trận địa phòng ngự của địch được tổ chức rất chặt chẽ, trung đoàn triển khai pháo binh, tiến hành đợt hoả lực mạnh chế áp quân địch phòng ngự trong thị trấn, tạo điều kiện để bộ binh ta tiếp cận tiêu diệt quân địch, công binh tiến lên mở đường, xe tăng, thiết giáp tiến vào đánh địch. Sau gần 1 giờ chiến đấu, trung đoàn đã tiêu diệt và đánh bật quân địch ra khỏi thị trấn Mong, nhanh chóng tiến về Pô Xát.

Lầm tưởng sau khi giải phóng Phnôm Pênh, quân ta sẽ tiến công theo trục đường số 5 từ hướng Nam đánh vào thị xã Pô Xát, quân địch cho phá cầu, xây dựng công sự, bố trí vật cản bịt chặt các ngả đường và con phố tiến vào thị xã. Bất ngờ bị ta tiến công từ hướng Bắc xuống, chúng vội vã bố trí lại lực lượng, xây dựng công sự và bố trí vật cản, nhưng tất cả đều đã muộn. Bị đánh bất ngờ, quân địch chỉ kháng cự mạnh ở tuyến ngoài. Khi bộ binh và xe tăng ta tiến vào Bắc thị xã, chúng đã vội vã tháo chạy. Sau 45 phút chiến đấu, trung đoàn hoàn toàn làm chủ phía Bắc thị xã. Nắm được quân địch dựa vào các dãy phố ven sông tổ chức phòng ngự, trung đoàn hình thành hai mũi tiến công, vượt sông tiến công vào phía sau quân địch.

Tuy bị đánh từ phía sau, nhưng kẻ địch vẫn dựa vào các toà nhà có kiến trúc vững chắc chống cự mạnh. Bộ binh và xe tăng của ta đã phải triển khai đánh chiếm từng căn nhà và dãy phố, phát triển xuống phía Nam bắt liên lạc với lực lượng của Quân khu 9.

Ngay sáng hôm sau, trung đoàn nhận lệnh của sư đoàn bàn giao thị xã Pô Xát cho đơn vị bạn, khẩn trương cơ động về đánh địch phản kích ở Tây thành phố Bát Đom Boong. Phát triển tiến công tiêu diệt địch đã khó, giờ quay lại đánh địch ở Bát Đom Boong lại càng khó hơn. Nhận định ta có thể tăng thêm lực lượng từ Pô Xát về để bảo vệ thành phố Bát Đom Boong, quân địch tổ chức ngăn chặn rất quyết liệt. Trên trục đường 5, chúng không chỉ đánh sập toàn bộ cầu cống, mà còn đào hào, dựng chướng ngại vật và cài đặt nhiều mìn chống tăng và bộ binh. Lực lượng chiến đấu được bố trí ở những địa hình có lợi dọc hai bên đường, hoả lực chống tăng mạnh và dày đặc hơn. Vì vậy, đội hình chiến đấu đi đầu của trung đoàn vừa ra khỏi thị xã Pô Xát khoảng 4-5km đã bị quân địch chặn đánh rất ác liệt. Sau đợt hoả lực từ trong các khu rừng và phum sóc bắn ra, bộ binh địch la hét tiến ra mặt đường.

Đúng phương án tác chiến đã dự kiến, hoả lực pháo binh và phòng không của ta đã triển khai ngay trên đường, cùng xe tăng và thiết giáp chi viện cho bộ binh đánh địch. Trước sức mạnh tiến công của bộ đội ta, quân địch đã bị tiêu diệt và đẩy lùi. Qua một số lần chiến đấu, trung đoàn phát hiện ra quy luật tiến công của kẻ thù: Trên những đoạn đường chúng phá cầu cống hoặc dựng chướng ngại, hai bên có các phum sóc, quân địch đều tổ chức phục kích. Trung đoàn tăng cường lực lượng trinh sát, cùng bộ binh đi trước nắm địch. Phát hiện quân địch phục kích, bộ đội ta nhanh chóng triển khai lực lượng, giành quyền chủ động tiến công đánh phủ đầu tiêu diệt chúng. Cách đánh này của bộ đội ta đã nâng cao tốc độ cơ động và hiệu quả tiến công tiêu diệt địch.

Tiến quân đến Nam thị trấn Mong, chỉ huy trung đoàn nhận định, quân địch sẽ tận dụng địa hình có lợi, tổ chức phòng ngự ngăn chặn rất mạnh. Vì vậy, trung đoàn đã chủ động triển khai đội hình, tổ chức lực lượng đánh địch. Tất cả bộ binh xuống xe, tiểu đoàn bộ binh đi đầu vận động tiếp cận quân địch, hai tiểu đoàn bộ binh đi sau triển khai sang hai bên, bảo vệ xe tăng, pháo binh và phòng không tiến lên triển khai chiến đấu. Phát hiện bộ binh ta tiến đến Nam suối lớn, quân địch nổ súng ngăn chặn. Ngay lập tức chúng bị hoả lực ta đánh trả rất mạnh, bộ binh nhanh chóng vượt qua suối đánh sang bờ Bắc. Xe tăng, pháo binh và phòng không của ta tiến lên tiêu diệt các hoả điểm địch bố trí trên các toà nhà cao tầng, chi viện trực tiếp cho bộ binh phát triển tiến công. Công binh tiến lên làm ngầm cho xe tăng và pháo binh ta qua suối đánh địch. Qua hơn 10 giờ hành tiến chiến đấu, đến 16 giờ ngày 14 - 1- 1979, toàn trung đoàn đã về đến Tây Nam thành phố Bát Đom Boong.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Đánh địch giải phóng cố đô Xiêm Riệp

Thiếu tướng PGS TS BÙI THANH SƠN

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/35-nam-ngay-quan-tinh-nguyen-viet-nam-giup-nhan-dan-campuchia-thoat-khoi-hoa-diet-chung/ky-2-phat-trien-tien-cong-tieu-diet-dich-giai-phong-tinh-po-xat/282319.html
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Giêng, 2014, 05:26:07 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #166 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2014, 05:24:54 pm »

35 NĂM NGÀY QUÂN TÌNH NGUYỆN VIỆT NAM GIÚP NHÂN DÂN CAMPUCHIA THOÁT KHỎI HỌA DIỆT CHỦNG

KỲ 3: ĐÁNH ĐỊCH PHẢN KÍCH - PHÁT TRIỂN GIẢI PHÓNG PAI LIN

QĐND Online - Sau gần 10 giờ vừa hành tiến vừa đánh địch từ Pô Xát về đến Bát Đom Boong, Trung đoàn 66 được quân báo trao đổi về hoạt động của địch. Tham mưu trưởng sư đoàn trực tiếp giao nhiệm vụ, trung đoàn cùng các lực lượng tăng cường khẩn trương làm công tác chuẩn bị để bước vào đánh địch. Trung đoàn được lệnh tiến công theo trục đường số 10, phối hợp với Trung đoàn 24 tiêu diệt địch phản kích ở Tây thành phố Bát Đom Boong.

Sau gần 1 giờ bổ sung đạn dược và làm công tác chuẩn bị chiến đấu, trung đoàn đã nhanh chóng triển khai đội hình đánh địch. Sau đợt hoả lực pháo binh của ta đánh phá các sở chỉ huy, trận địa hoả lực và đội hình quân địch đang bu bám ở ven đô để đánh vào thành phố, bộ binh và xe tăng của trung đoàn đã đồng loạt xung phong, đánh bật quân địch ra khỏi các địa bàn có lợi ở ven đô. Thế trận phản kích của địch bị phá vỡ, trung đoàn đưa ngay tiểu đoàn bộ binh, xe tăng và thiết giáp, pháo binh và phòng không vào phát triển chiến đấu.

Phát hiện lực lượng ta tiến công theo trục đường số 10, quân địch ở phía sau lợi dụng lúc trời gần tối tiến ra ngăn chặn. Hoả lực pháo binh, súng cối và ĐKZ của chúng bắn rất mạnh vào đội hình hành tiến chiến đấu của bộ đội ta. Trung đoàn ra lệnh cho xe tăng, pháo binh và phòng không hạ nòng bắn thẳng, chi viện trực tiếp cho bộ binh và thiết giáp tiến lên tiêu diệt địch. Bị tiến công mạnh và bị đánh cả ở hai bên đường, quân địch bị sát thương lớn. Do không thể ứng cứu, chi viện và phối hợp tác chiến với nhau, quân địch buộc phải tháo chạy. Súng to, súng nhỏ của địch vứt bỏ rải rác khắp cả cánh đồng. Phát hiện quân địch rút chạy, bộ đội ta nhanh chóng chuyển sang truy kích, dồn chúng về gần ba núi.


Nhân dân Campuchia sang biên giới Tây Nam lánh nạn diệt chủng Pôn Pốt. Ảnh tư liệu/TTXVN.

Lợi dụng các hang động trong núi và địa hình có lợi ở hai bên đường, quân địch sử dụng hoả lực ngăn chặn rất mạnh. Mặc dù lúc này trời đã tối và địa hình lại chưa được điều tra kỹ, chỉ huy trung đoàn vẫn quyết định tiêu diệt quân địch phòng ngự ở ba núi ngay trong đêm, quyết không cho chúng lợi dụng đêm tối và địa hình quen thuộc tổ chức tập kích vào lực lượng ta. Tiểu đoàn bộ binh đi đầu cùng xe tăng thiết giáp triển khai sẵn sàng tiến công theo trục đường số 10. Một tiểu đoàn bộ binh vòng xuống phía Nam, đánh vào bên sườn quân địch. Một tiểu đoàn bộ binh vòng lên phía bắc, sử dụng một đại đội chặn địch ở phía sau tiến ra. Lực lượng còn lại đánh chiếm ngã ba đường, tiến công vào Bắc ba núi. Đúng như dự kiến của trung đoàn, gần 2 giờ sáng, quân địch ở ba núi bí mật tiến ra, tập kích vào lực lượng ta đã triển khai ở hai bên đường. Ngay lập tức chúng bị bộ binh, xe tăng, pháo binh và phòng không của ta đánh trả. Do các mũi vu hồi của ta vừa nắm địch vừa tiếp cận, nên chưa vào đến vị trí triển khai tiến công. Trung đoàn ra lệnh cho tiểu đoàn vu hồi ở hướng Nam nhanh chóng tiến ra đánh vào phía sau đội hình phản kích của địch. Tiểu đoàn vu hồi ở hướng Bắc lợi dụng quân địch đang tập trung lực lượng tiến công ra phía trước, nhanh chóng vận động tiếp cận đánh vào phía sau.

Trong đêm tối, thấy lực lượng ta đánh mạnh cả phía trước, bên sườn và phía sau, quân địch buộc phải rút chạy. Bộ binh và thiết giáp ta chuyển sang truy kích địch, đánh thẳng vào khu vực ba núi. Cùng lúc đó, tiểu đoàn vu hồi trên hướng Bắc kịp thời nổ súng. Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng bộ đội ta vẫn chưa tiến được ra ngã ba, cắt đứt con đường rút chạy của địch. 4 giờ sáng, trung đoàn đánh chiếm được khu vực ba núi, đẩy quân địch ra xa thành phố Bát Đom Boong hơn 10km.

Ngay đêm hôm đó và sáng sớm hôm sau, hàng chục nghìn người dân bị quân Pôn Pốt ép buộc đưa đi, đã chạy về với bộ đội Việt Nam. Họ vui mừng vì đã thoát khỏi sự kìm kẹp và thúc ép của kẻ thù. Nhiều người không sợ hiểm nguy còn cung cấp tình hình địch ở thị trấn Treng và mong muốn bộ đội Việt Nam tiến công tiêu diệt chúng. Tuy vậy, bộ đội ta vẫn phải cảnh giác, tổ chức thanh lọc địch ra khỏi nhân dân.

Qua phiên dịch, chúng tôi phát động người dân tố cáo quân Pôn Pốt, không cho chúng lợi dụng trà trộn để đánh vào phía sau trung đoàn. Vừa tổ chức đưa dân trở về phía sau, trung đoàn vừa tiến hành xây dựng trận địa sẵn sàng đánh địch phản kích. Thấy bộ đội ta dừng lại ở ba núi, quân địch ở thị trấn Treng sử dụng hoả lực chi viện cho bộ binh tiến qua cánh đồng đánh ra ba núi. Ngay lập tức chúng bị hoả lực của bộ binh, xe tăng, pháo binh và phòng không ta tiêu diệt. Tiến công ở chính diện không được, quân địch lợi dụng đêm tối bí mật vòng lên phía Bắc, đánh vào bên sườn đội hình phòng ngự của ta. Trung đoàn tổ chức hoả lực ngăn chặn, sử dụng tiểu đoàn bộ binh phía sau cùng xe thiết giáp tiến công tiêu diệt quân địch. Trước tốc độ tiến công nhanh, đánh mạnh, đánh đúng vào bên sườn đội hình tiến công của địch, nhiều tên không kịp tháo chạy buộc phải đầu hàng.

Qua khai thác tù binh trung đoàn nắm được, phía trước thị trấn Treng quân địch tổ chức phòng ngự rất mạnh, lực lượng bộ binh khá đông, trên trục đường 10 chúng cài đặt nhiều mìn, bố trí pháo binh và xe tăng trong công sự để sẵn sàng tiêu diệt bộ binh và xe tăng của ta. Nắm chắc tình hình địch, khi sư đoàn ra lệnh chuyển sang tiến công tiêu diệt quân địch trên trục đường số 10, phối hợp với lực lượng của Quân khu 7 giải phóng thị trấn Pai Lin, trung đoàn đã bàn bạc tìm ra cách đánh mới. Một tiểu đoàn triển khai tiến công, đánh vào bên sườn quân địch, một tiểu đoàn được tăng cường đại đội ĐKZ, luồn sâu về phía sau thị trấn, chia cắt không cho chúng rút chạy về phía sau, cũng như đưa lực lượng phía sau ra tăng viện cho phía trước. 5 giờ 30 phút sáng hôm sau, phát hiện lực lựơng ta ra cắt đường, quân địch đưa lực lượng từ Treng ra phản kích. Ngay lập tức, trung đoàn ra lệnh cho pháo binh đánh phá quân địch ở trong thị trấn, tiểu đoàn bộ binh từ phía Bắc đánh vào bên sườn quân địch. Tuy bị đánh bất ngờ, nhưng quân địch vẫn dựa vào công sự chống cự rất quyết liệt. Lợi dụng lúc quân địch đang tập trung lực lượng, để đối phó với bộ binh ta ở bên sườn và phía sau, trung đoàn ra lệnh cho xe tăng, pháo binh và phòng không chi viện cho tiểu đoàn tiến công theo trục đường số 10, vận động qua cánh đồng vào tiến công địch. Thấy xe tăng ta xuất hiện quân địch vội vã tháo chạy. Công binh tiến lên dò mìn để xe tăng và thiết giáp, pháo binh và phòng không ta tiến vào đánh địch. 

Trước sức mạnh tiến công của bộ đội ta, bộ binh và xe tăng địch vòng qua chốt chặn, ra tận bờ sông phía Nam rút chạy về phía sau. Toàn trung đoàn chuyển sang hành tiến tiến công địch. Thấy lực lượng ở thị trấn Treng rút chạy, lực lượng địch ở phía sau chỉ nổ súng ngăn chặn từng bước, rồi cũng rút lui. Thừa thắng bộ đội ta nhanh chóng phát triển tiến công, đánh thẳng vào thị trấn Pai Lin. Bất ngờ bị tiến công mạnh, quân địch không kịp kháng cự, bỏ cả xe pháo chạy sang đất Thái Lan. Một mũi tiến công của trung đoàn phát triển lên phía Bắc, bắt liên lạc với lực lựơng của Quân khu 7 hoàn thành nhiệm vụ được giao.       

(Còn nữa)

Kỳ 1: Đánh địch giải phóng cố đô Xiêm Riệp

Kỳ 2: Phát triển tiến công tiêu diệt địch giải phóng tỉnh Pô Xát


Thiếu tướng PGS TS BÙI THANH SƠN

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/35-nam-ngay-quan-tinh-nguyen-viet-nam-giup-nhan-dan-campuchia-thoat-khoi-hoa-diet-chung/ky-3-danh-dich-phan-kich-phat-trien-giai-phong-pai-lin/282323.html
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #167 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2014, 09:16:22 pm »

35 NĂM NGÀY QUÂN TÌNH NGUYỆN VIỆT NAM GIÚP NHÂN DÂN CAMPUCHIA THOÁT KHỎI HỌA DIỆT CHỦNG

KỲ CUỐI: TIẾN CÔNG VÀO SÀO HUYỆT CUỐI CÙNG

QĐND Online - Hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt địch, giải phóng Pai Lin, Trung đoàn 66 nhận nhiệm vụ truy quét tàn quân địch ở Bắc và Nam đường số 10, tham gia vận động quần chúng xây dựng chính quyền cách mạng, ổn định đời sống nhân dân.

Do phải làm nhiệm vụ truy quét địch trên địa bàn núi cao rừng rậm, thời tiết khắc nghiệt, nguồn nước sinh hoạt cạn kiệt, đồng thời sức khỏe giảm sút vì chiến đấu trong thời gian dài, nên nhiều cán bộ, chiến sĩ đã bị sốt rét, một số đã bị tử vong. Trong khi đó, xe tăng và bộ binh địch liên tục phản kích ra đường số 10. Các đơn vị vừa đánh địch, vừa cứu chữa thương bệnh binh, vừa phải cứu đói và chữa bệnh cho nhân dân.

Nhận thấy khó khăn của đơn vị, chỉ huy sư đoàn, tư lệnh và cơ quan quân đoàn đã xuống sở chỉ huy trung đoàn nắm tình hình và động viên bộ đội chiến đấu. Tư lệnh và cơ quan quân đoàn đã ra tận trận địa, nơi vừa diễn ra trận chiến đấu giữa ta và địch. Về sở chỉ huy trung đoàn, tư lệnh quân đoàn nhận định, khu vực núi cao ở Tây đường số 5, Nam đường số 10, tới giáp biên giới Thái Lan, có thể có căn cứ lớn của địch.

Lính Pôn Pốt bị bắt giữ.

Từ nhận định đó, tư lệnh chỉ thị cho cơ quan quân đoàn tổ chức lực lượng trinh sát của quân đoàn, sư đoàn và trung đoàn, luồn sâu vào nắm địch. Tham mưu trưởng đề nghị tiền phương bộ sử dụng không quân trinh sát và chụp ảnh toàn bộ khu vực Nam Pai Lin đến Bắc Cô Công. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho trung đoàn động viên bộ đội chiến đấu giữ vững địa bàn, sẵn sàng chuyển sang tiến công tiêu diệt quân địch.

Mặc dù bị tiêu diệt nặng nhưng quân địch vẫn liên tục đưa lực lượng ra phản kích nhằm chiếm lại đường số 10, tiến tới tái chiếm Bát Đom Boong. Thực hiện nhiệm vụ quân đoàn giao, trung đoàn vừa trụ bám chiến đấu bảo vệ địa bàn, vừa làm công tác chuẩn bị sẵn sàng chuyển sang tiến công địch. Qua trinh sát đường không và mặt đất, tiền phương bộ và quân đoàn xác định, khu vực Tà Sanh, Xam Lốt có căn cứ lớn của địch. Khu vực này còn có rất đông người dân bị địch cưỡng ép đưa đi, lập thành vành đai tuyến ngoài để bảo vệ cho lực lượng của chúng ở tuyến trong.

Từ kết quả nắm địch, Bộ tư lệnh Quân đoàn hạ quyết tâm tác chiến, đánh vào sào huỵêt cuối cùng của địch ở phía Tây Campuchia, giáp biên giới Thái Lan. Trung đoàn 66 được giao nhiệm vụ tiến công từ hướng Bắc đánh vào bên sườn quân địch, phối hợp với Sư đoàn 31 đánh từ hướng Đông vào, Trung đoàn 24 và lực lượng Quân khu 9 đánh từ phía Nam lên. Nhận nhiệm vụ do sư đoàn giao, chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn và cơ quan họp bàn phương án tác chiến. Do trên hướng tiến công của trung đoàn có nhiều dân, nên trung đoàn phải tìm ra phương án đánh địch nhằm vừa tiêu diệt được kẻ thù lại bảo vệ được dân.

Qua bàn bạc, chỉ huy và cơ quan trung đoàn thống nhất hình thành hai mũi đánh địch. Cách đánh là một bộ phận cán bộ và trinh sát đi trước nắm địch, bộ đội hành quân theo sau, gặp địch thì triển khai đội hình chiến đấu. Bộ đội bí mật tiếp cận gần địch, lợi dụng lúc chúng sơ hở, bất ngờ tiến công, đánh tạt quân địch sang hai bên, cho phiên dịch dùng loa kêu gọi người dân chạy về phía ta.

Quá trình hành tiến chiến đấu, hai mũi tiến công của trung đoàn đã phát hiện ra ba cụm nhân dân, xung quanh các cụm có lực lượng địch bố trí bên ngoài để khống chế,  không để người dân đi lại tự do. Lợi dụng đêm tối, bộ đội bí mật tiếp cận gần địch, khi trời mờ sáng bất ngờ nổ súng tiến công, tiêu diệt và đánh tạt quân địch sang hai bên, mở đường cho người dân chạy về phía ta. Đúng dự kiến, khi bộ đội ta bất ngờ tiến công, quân địch ở hai bên không kịp chống cự, lực lượng ở phía sau bắn ra rất mạnh, gây tổn thất cho người dân. Bộ đội ta đã nhanh chóng vòng về phía sau tiêu diệt chúng.

Theo tiếng loa kêu gọi, nhân dân Cam-pu-chia đã chạy về phía ta. Lúc này, nhiều người dân bị thương, ốm yếu không đi được. Các đơn vị vừa cảnh giới sẵn sàng đánh địch, vừa tổ chức khiêng cáng thương binh và người dân bị thương nặng, một bộ phận dìu dắt những người dân bị ốm đau ra khỏi khu vực có chiến sự. Người dân bị địch kìm kẹp đói khát lâu ngày, nên sức khỏe yếu, tốc độ di chuyển rất chậm. Ngay lúc đó cơn mưa đầu mùa lại trút xuống, làm cho người dân càng thêm đói rét. Thương dân, bộ đội ta đã nhường cả áo mưa và cơm vắt để giúp dân.

Đưa được dân về tuyến sau, các đơn vị lại bí mật tiến vào đánh địch. Thấy bộ đội ta vào gần, quân địch ở phía sau phân tán nhỏ dân ra, bố trí lực lượng xen kẽ trong từng cụm để khống chế. Trung đoàn lại bàn bạc để tìm ra cách đánh khác, vừa tiêu diệt địch vừa cứu được dân. Từng tiểu đoàn trên các mũi tiến công, sử dụng từng đại đội, trung đội bí mật tiếp cận từng cụm địch to hoặc nhỏ, bất ngờ tiến công, xung phong đánh tách địch ra tiêu diệt để cứu dân. Do địa bàn kiểm soát của địch ngày càng bị thu hẹp, số dân bị chúng ép đi lại đông, binh lính địch bị đánh liên tục nên rất hoang mang. Vì vậy, khi bộ đội ta nổ súng, chúng chỉ kháng cự lúc đầu, sau đó rút chạy. Những cụm dân ở phía sau thấy bộ đội tiến công, họ bỏ chạy về phía ta. Một số con voi bị địch đưa đi để vận chuyển hàng hoá, cũng vùng chạy ra rừng.

Thế trận ngăn chặn của địch bị phá vỡ, trung đoàn lệnh cho các mũi phát triển tiến công, đánh thẳng vào trung tâm sào huyệt của địch ở khu vực Tà Sanh. Cùng lúc đó, trên hướng tiến công chủ yếu, Sư đoàn 31 và xe thiết giáp cũng đánh vào. Quân địch bị đánh mạnh cả ở chính diện, bên sườn và phía sau, chúng vừa chống cự vừa rút chạy ra sát biên giới. Ngay lập tức, quân địch bị lực lượng vu hồi của Trung đoàn 24 chặn đánh, phân tán thành từng tốp nhỏ, vượt qua biên giới chạy sang đất Thái Lan.

Sau gần một tuần liên tục chiến đấu, quân địch ở căn cứ Tà Sanh bị tiêu diệt và tháo chạy. Chúng bỏ lại toàn bộ xe pháo và nhiều tài liệu quan trọng của cơ quan trung ương chính quyền Pôn Pốt, trong đó có cả hộ chiếu của Iêng Xary, cấp ngày 27-1-1979.

Hoàn thành nhiệm vụ tiêu dịêt địch ở Tà Sanh, trung đoàn nhận nhiệm vụ truy quét tàn quân địch dọc theo biên giới về tới Pai Lin. Đang làm nhiệm vụ truy quét tàn quân Pôn Pốt và giúp dân ổn định cuộc sống, trung đoàn nhận được lệnh bàn giao địa bàn cho bạn, nhanh chóng cơ động về nước làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Với những chiến công đã đạt được, trung đoàn đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang lần thứ hai. Đây là sự động viên rất lớn đối với cán bộ và chiến sĩ trung đoàn.
   
Kỳ 3: Đánh địch phản kích - phát triển giải phóng Pai Lin

Kỳ 2: Phát triển tiến công tiêu diệt địch giải phóng tỉnh Pô Xát

Kỳ 1: Đánh địch giải phóng cố đô Xiêm Riệp


Thiếu tướng PGS TS BÙI THANH SƠN

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/35-nam-ngay-quan-tinh-nguyen-viet-nam-giup-nhan-dan-campuchia-thoat-khoi-hoa-diet-chung/ky-cuoi-tien-cong-vao-sao-huyet-cuoi-cung/282325.html
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM