Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:38:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại K  (Đọc 196059 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
GiangNH
Thành viên
*
Bài viết: 1146


« Trả lời #40 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2010, 06:26:34 pm »

Chú không tin sử thì tạm tin anh vậy! Đời phải có niềm tin chứ!  Grin
Ố, các anh nói ra thì em tin chứ, sử sách thì còn phải "ngâm cứu" lại?
 Tính đến thời điểm này, các sư đoàn đều được nhắc tên, nhưng chưa thấy chỗ nào có số 325? Toàn lính 1977 Bắc kỳ chính hiệu, hiện tại toàn là "siêu thương binh đấy"!
 Ấy thế mà F304 dự bị, F306 thiếu thì lại nhắc đến rồi đấy.
 Các huynh xem giúp em nhé!
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Sáu, 2010, 06:36:42 pm gửi bởi Giang.K17 » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #41 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2010, 12:35:52 pm »

Trên hướng biển, Bộ tư lệnh Hải quân thành lập xong sở chỉ huy tiền phương ở đảo Phú Quốc để chỉ huy các lực lượng hải quân ta tham gia tác chiến. Hai biên đội tàu chiến đấu được lệnh vào vị trí tập kết ở khu vực đảo Nam Du và An Thới. Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126 đang ém quân ở đảo Phú Quốc, sẵn sàng đợi lệnh chiến đấu. Các lực lượng hải quân trên vùng biển phía Nam cũng được lệnh sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng chi viện cho các lực lượng chiến đấu trên biển khi cần.

Quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị về giải phóng Phnôm Pênh trước ngày 8 tháng 1 (trước khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc bàn về vấn đề Campuchia), sau khi xem xét diễn biến chiến đấu trên toàn chiến trường, Tiền phương Bộ Quốc phòng nhận thấy hướng Quân đoàn 4 đang gặp khó khăn, nên đã quyết định bổ sung nhiệm vụ và chuyển hướng tiến công của Quân khu 9 đang phát triển thuận lợi thành hướng tiến công chủ yếu.

Trưa ngày 5 tháng 1 năm 1979, các đồng chí Lê Đức Thọ, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, thay mặt Quân ủy Trung ương và Tiền phương Bộ Quốc phòng, đến Chi Lăng (sở chỉ huy Quân khu 9) trực tiếp giao nhiệm vụ bổ sung cho Quân khu 9. Theo nhiệm vụ mới, Quân khu 9 sẽ đánh chiếm sân bay Pôchentông, Bộ tư lệnh thiết giáp, Đài phát thanh, khu nhà ở và phủ thủ tướng.

Quân đoàn 4 chuyển thành lực lượng phối hợp, có nhiệm vụ “đưa một bộ phận đi trước hỗ trợ Bạn đánh chiếm cầu Mônivông và Bộ Tổng tham mưu dịch, nếu có điều kiện thì đánh chiếm Hoàng Cung[1].

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 5 tháng 1 năm 1979, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 quyết định sử dụng Sư đoàn 7 cơ động đánh địch theo trục đường số 1 đến Niếc Lương (trong đó tổ chức 1 trung đoàn vượt sông để tiến công trong hành tiến vào thủ đô Phnôm Pênh). Sư đoàn 341 cơ động triển khai đội hình chiến đấu ở khu vực phía bắc đường số 1, sẵn sàng đưa 1 trung đoàn vượt phà Niếc Lương vào Phnôm Pênh. Sư đoàn 9 sử dụng 1 trung đoàn bao vây núi Sacách, bảo vệ hai bên sườn cho Sư đoàn 7, lực lượng còn lại truy kích địch ở phía nam đường số 1 đến sát sông Mê Công.

Sư đoàn 2 tiếp tục tiến công địch, giữ hành lang nam đường 10, nam bắc đường số 1 (đoạn đông và tây Côngpông Tràbéc). Chiều ngày 5, Sư đoàn 7 tiến quân đến sát bờ sông khu vực bến phà Niếc Lương, Sư đoàn 9 chiếm được khu vực nam đường số 1 - Preynhây, Sư đoàn 3 cơ động đến khu vực Sacách (tây nam Ăngcosa), Sư đoàn 2 chiếm lĩnh được khu vực phía bắc đường số 1, tây bắc Xoàiriêng.
-----------------------------
1.Lịch sử Quân đoàn 4, tập II, Nxb QĐND. H. 1994. tr. 94.
*Xem thêm Đường vào Phnôm Pênh của Bùi Cát Vũ http://www.quansuvn.net/index.php/topic,13646.0.html
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #42 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2010, 12:40:55 pm »

Cũng trong thời gian này, Tiền phương Bộ tư lệnh Hải quân giao nhiệm vụ cho các đơn vị bí mật đánh chiếm bãi đổ bộ tại chân núi Tà Lơn, phong toả đường 3 và đường 4, tiến đánh cảng Côngpông Xom, tiêu diệt lực lượng hải quân địch, ngăn chặn không cho tàu chúng từ quân cảng Rêam, Côngpông Xom chạy ra biển, bảo vệ sườn trái đội hình đổ bộ của Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126.

Đối tượng tác chiến của Hải quân ta là các tàu thuyền chiến đấu của địch hoạt động trên vùng biển Campuchia (bờ biển dài khoảng 450 kilômét, trong đó có 44 đảo), đặc biệt là sư đoàn 164 hải quân và trung đoàn 17 biên phòng của Pôn Pốt đang chốt giữ khu vực cảng Côngpông Xom và tỉnh Cô Công. Phối hợp chiến đấu với lực lượng của hải quân có lực lượng bộ binh của Quân đoàn 2.
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #43 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2010, 12:47:28 pm »

6 giờ ngày 6 tháng 1 năm 1979, Tiền phương Bộ Quốc phòng ra lệnh tổng công kích vào thủ đô Phnôm Pênh từ ba hướng:

Quân đoàn 4 sử dụng Sư đoàn 7 (lực lượng chủ yếu) và Sư đoàn 341 (dự bị) cùng lực lượng binh chủng tăng cường (đặc công, xe tăng, pháo binh) vượt sông Mê Công tiến theo trục đường số 1 và đường sông Mê Công, đánh vào Phnôm Pênh. Sau khi ra khỏi khu vực đường lầy, đánh tan các cụm phòng ngự địch, Quân đoàn 4 phát triển tiến công nhanh, Bộ giao lại nhiệm vụ tiến công hướng chủ yếu cho Quân đoàn 4; đồng thời tập trung không quân chi viện đắc lực cho các mũi tiến công của Quân đoàn tiến vào thủ đô Phnôm Pênh.

Sư đoàn không quân 372 sử dụng 142 lượt máy bay đánh phá sở chỉ huy các sư đoàn 260, 271, 703, các trận địa pháo, các tàu xuồng địch trên sông Mê Công, tiêu diệt nhiều sinh lực, phương tiện chiến tranh của chúng, tạo điều kiện cho bộ binh phát triển chiến đấu.

Sau khi hoàn thành đánh mở rộng bàn đạp phía đông Niếc Lương, chiều ngày 6 tháng 1, lực lượng đi đầu của Sư đoàn 7 (Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 14) đã chiếm lĩnh phía tây bến phà Niếc Lương, làm công tác chuẩn bị vượt sông. Đêm 6 tháng 1, với tinh thần khẩn trương nhất, Trung đoàn Hải quân 926 đã triển khai xong các phương tiện vượt sông trên hướng chủ yếu của Quân đoàn 4.

Sáng ngày 7 tháng 1, Sư đoàn 7 phối hợp với Binh đoàn 1 Campuchia vượt sông Mê Công (qua khu vực bến phà Niếc Lương); với lực lượng áp đảo, quân ta nhanh chóng đánh tan sư đoàn 260 dịch. 10 giờ, bộ đội ta đánh chiếm cầu Mônivông, địch chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy về phía tây. 11 giờ, các đơn vị của Sư đoàn 7 và Binh đoàn 1 Campuchia tiến vào thành phố Phnôm Pênh, chiếm các cơ quan Trung ương, khu sứ quán và Đài phát thanh.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2011, 10:25:46 pm gửi bởi tuaans » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #44 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2010, 12:56:18 pm »

Trên hướng Quân đoàn 3, sáng ngày 6 tháng 1, quân đoàn tập trung hoả lực chi viện Sư đoàn 320 vượt sông đánh chiếm thị xã Côngpông Chàm. Địch huy động không quân, pháo binh đánh phá ngăn chặn ta rất quyết liệt. Dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Vũ Cối, các đội xung kích của Trung đoàn 64 dùng xuồng máy dũng cảm vượt sông dưới làn đạn địch, đánh chiếm bờ sông phía tây. 8 giờ 30 phút ngày 6 tháng 1, các đơn vị thuộc Sư đoàn 320 mở các đợt xung phong mãnh liệt, đánh chiếm thị xã Côngpông Chàm, đập tan tuyến phòng ngự vững chắc của 2.000 quân địch do Xon Xen, Bộ trưởng Quốc phòng chỉ huy, mở thông cánh cửa quan trọng vào thủ đô Phnôm Pênh.
Xem thêm bài vượt sông của 320 http://www.quansuvn.net/index.php/topic,2102.msg203760.html#msg203760

Sáng ngày 7 tháng 1, được pháo binh chi viện đắc lực Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) do Trung đoàn trưởng Vũ Khắc Đua chỉ huy cùng lực lượng xe tăng, thiết giáp, cao xạ tăng cường tiến công trong hành tiến theo trục đường số 7, đánh tan lực lượng địch ngăn chặn ở núi Phuchê, vượt sông Tông Lê Sáp đánh chiếm kho xăng phía bắc Phnôm Pênh, đánh chiếm khu vực nhà máy xay, nhà máy hoa quả, nhà máy cơ khí, kho súng, kho đạn và phát triển sang phía đông đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu quân Pôn Pốt, bắt liên lạc với các đơn vị của Quân đoàn 4 ở trung tâm thành phố.
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #45 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2010, 01:11:38 pm »

Trên hướng Quân khu 9, sáng ngày 6 tháng 1, Sư đoàn 330 tiến công Thnốtbâk, Tani, bị địch ngăn chặn quyết liệt đến 15 giờ chiều mới vượt qua ngã tư Thnốtbâk 2 kilômét. Trung đoàn 10 Sư đoàn 339 tiến công theo đường Anchao - Tani bị địch chặn lại ở Tani.

Trên đường số 2, Sư đoàn 4 được tăng cường xe tăng, thiết giáp tiến công Tàkeo bị địch ngăn chặn cách ngã tư Thnốtbâk 6 kilômét. Trước tình hình đó, chiều ngày 6 tháng 1, Bộ tư lệnh Quân khu 9 lệnh cho Sư đoàn 330 tăng cường lực lượng đánh chiếm đoạn đường từ ngã tư Thnốtbâk đến Tani, mở đường cho các đơn vị thọc sâu theo đường 3. Ngay chiều ngày 6, Sư đoàn 330 đã sử dụng Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 3) và 10 xe thiết giáp từ phía nam đánh thẳng lên núi Sangcông, phối hợp với Trung đoàn 2 ngay trong đêm phát triển đánh chiếm các mục tiêu ở Tani. Quân ta đột phá liên tục, đánh tan 4 tuyến phòng ngự của địch, mở đường cho đội hình thọc sâu tiến vào thủ đô Phnôm Pênh.

Sau khi Sư đoàn 330 chiếm được Tani, lực lượng tiền vệ của Quân khu 9 nhanh chóng đánh chiếm cầu Kal Tuốt, bảo đảm cho Sư đoàn 330 tiếp tục thọc sâu. Được không quân chi viện hoả lực, 11 giờ ngày 7 tháng 1, Sư đoàn 330 đánh chiếm sân bay Pôchentông, ta thu 30 máy bay các loại giao cho Bạn làm cơ sở để thành lập trung đoàn không quân đầu tiên của Quân đội cách mạng Campuchia. Ngay sau đó, các đơn vị của Quân khu 9 phát triển tiến công vào Bộ tư lệnh thiết giáp và Bộ Tổng tham mưu địch. 17 giờ ngày 7 tháng 1, quân ta cùng lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia hoàn toàn làm chủ thành phố Phnôm Pênh.
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #46 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2010, 04:57:14 pm »

Trên hướng biển, 19 giờ ngày 6 tháng 1, lực lượng đổ bộ của Lữ đoàn hải quân 126 áp sát chân núi Tàlơn, địch phát hiện và dùng pháo bắn mạnh vào khu vực đổ bộ của ta. Nhưng chỉ ít phút sau, các trận địa pháo địch đã bị bộ đội đặc công (gồm 87 cán bộ, chiến sĩ đổ bộ trong các đêm 4 và 5 tháng 1) tiến công tiêu diệt; các trận địa pháo tầm xa của ta đặt ớ Phú Quốc, Hòn Đốc cũng kịp thời nổ súng chi viện chế áp các trận địa pháo địch ở các đảo Hòn Nước, Phú Dự, An Tây, Tre Mắm, Kiến Vàng, bắn phá ngăn chặn quân địch ở ngã ba Môke không cho chúng tiến ra Tà Lơn.

Trong lúc các lực lượng đổ bộ đánh chiếm khu vực Tà Lơn thì hai tàu 203 và 215 thuộc Biên đội 2 cảnh giới ở sườn trái bãi đổ bộ phát hiện 2 tàu địch từ khu vực đảo Phú Dự và Hòn Nước tiến về khu vực tàu đổ bộ của ta.

Hai tàu ta lập tức nổ súng đánh chặn, bắn chìm 1 tàu địch, chiếc còn lại bỏ chạy. 1 giờ 30 phút ngày 7, 5 tàu địch từ khu vực cảng Rêam tiến ra biển hòng tiến công vào các tàu đổ bộ của ta. Các tàu HQ-05, HQ-07 được sự phối hợp của tàu 613 nổ súng mãnh liệt, bắn chìm 1 tàu, buộc các tàu còn lại phải tháo chạy. Ở hướng Biên đội 1, các tàu HQ-01, HQ-03, HQ-197 và HQ-205, sau khi hoàn thành nhiệm vụ nghi binh ở hướng Côngpông Xom được lệnh cơ động sang phía quân cảng Rêam (cách khoảng 16 kilômét) dùng pháo tầm xa bắn chi viện bộ binh phát triển tiến công. Ở khu vực biển Kép, các tàu (p.070) ta quần nhau với 4 tàu địch, ta bắn chìm 1 tàu, bắn bị thương 1 tàu khác. Phía ta, tàu 215 trúng đạn địch, một số cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đổ bộ và đánh chiếm các mục tiêu xung quanh Tàlơn, Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 tổ chức lực lượng đột kích gồm 12 xe tăng, xe bọc thép và một phần lực lượng của Tiểu đoàn 864 đánh chiếm ngã ba Kôki, sau đó toàn bộ lực lượng đổ bộ phối hợp với bộ binh Quân đoàn 2 hình thành hai cánh phát triển tiến công địch về phía cảng Côngpông Xom và cảng Rêam.

--------------
Xem thêm kế hoạch tấn công của Hải Quân (Hạm đội 171, Lữ 126 ...) tại
http://ttvnol.com/forum/gdqp/1033431/trang-3.ttvn
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #47 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2010, 05:04:24 pm »

Sau khi giải phóng Phnôm Pênh, ngày 8 tháng 1 năm 1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập, do ông Hêng Xomrin làm Chủ tịch. Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia ra tuyên bố xoá bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của bọn Pôn Pốt - Iêng Xari, thành lập chế độ Cộng hoà nhân dân Campuchia; đồng thời yêu cầu các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia tiếp tục giải phóng các tỉnh còn lại. Ngày 8 tháng 1, Sư đoàn 2 giải phóng thị xã Prâyveng, Sư đoàn 4 giải phóng thị xã Tàkeo. Ngày 9 tháng 1, Trung đoàn 24 Sư đoàn 10 Quân đoàn 3 giải phóng thị xã Côngpông Thom. Ngày 10 tháng 1, lực lượng hải quân Vùng 5 và Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) giải phóng cảng Côngpông Xom, Trung đoàn 9 và Tiểu đoàn 8 Hải quân đánh bộ giải phóng cảng quân sự Rêam. Ngày 11  tháng 1, Sư đoàn 339 (Quân khu 9) giải phóng thị xã Côngpông Chnăng.

Ngày 12 tháng 1 năm 1979, nước Cộng hoà nhân dân Campuchia được thành lập. Trong các ngày từ 12 đến 16 tháng 1 năm 1979, Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia tiếp tục phát triển tiến công, giải phóng thị trấn Sisôphôn (Báttambang), thị trấn Sơlông, thị xã Báttambang, thị xã Puốcxát Ốtđômiênchay.

Ngày 16 tháng 1 năm 1979, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương gửi điện khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Mặt trận phía Tây Nam Tổ quốc “đã chiến đấu anh dũng, làm nên một thắng lợi lịch sử rất vẻ vang. Bằng một trận thần tốc... đã đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh của tập đoàn Pôn Pốt xâm lược  biên giới Tây Nam Tổ quốc ta, phối hợp nhịp nhàng với cuộc tiến công và nổi dậy của nhân dân Campuchia anh em, đánh đổ chế độ diệt chủng tàn bạo bị mọi người lên án. Đây là thắng lợi chung của hai dân tộc Việt Nam và Campuchia. Thắng lợi to lớn này góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới”[1].

Ngày 17 tháng 1 năm 1979, Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 và Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304), được không quân chi viện, tiến công giải phóng thị xã Cô Công. Đây là thị xã cuối cùng của Campuchia được giải phóng[2].


Tàu HQ-501 và các tàu thuộc hạm đội 171 trong trận đánh chiếm Cô kông

Ngày 25 tháng 1 năm 1979, nhân dân Campuchia tổ chức lễ mừng chiến thắng giải phóng đất nước khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari.

Chiến thắng ngày 7 tháng 1 năm 1979 của cách mạng Campuchia có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại.

Từ đây, nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Tuy nhiên, như Quân ủy Trung ương ta đã nhận định: “Do phát triển tiến công giành thắng lợi nhanh, lực lượng địch bị tan rã lớn, chưa bị tiêu diệt gọn (tàn quân còn nhiều, một số nơi chúng còn tổ chức chỉ huy và phương tiện thông tin liên lạc, còn khống chế dân, tích trữ lương thực, đạn dược để phát động chiến tranh du kích). Lực lượng cách mạng Campuchia chưa phát triển kịp theo yêu cầu, hậu quả của chế độ nô dịch tàn bạo của bọn Pôn Pốt - Iêng Xari còn rất nặng nề... nên còn nhiều việc phải giải quyết...[3].
Tình hình đó đặt ra cho Quân tình nguyện, chuyên gia quân sự Việt Nam và các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia những nhiệm vụ đầy khó khăn, gian khổ, đòi hỏi phải có bản lĩnh kiên cường, quyết tâm cao và nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả mới bảo vệ được thành quả cách mạng và xây dựng lại đất nước. (p.073)
--------------------------------------------------
1. Điện số 10/CV-TW ngày 16 tháng 1 năm 1979 của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Tài liệu lưu tại Cục Nghiên cứu Bộ Tổng Tham mưu.

2. Theo kế hoạch có 3 chiến dịch, nhưng diễn biến chỉ có một chiến dịch đánh liên tục. Kết quả đến ngày 17 tháng 1 năm 1979, bộ đội ta loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 6 vạn tên (từ 8 đến 10 sư đoàn quân Pôn Pốt), chủ yếu là tan rã.

3. Báo cáo tinh hình công tác quân sự của Quân ủy Trung ương (số 45-QUTƯ ngày 8-2-1979). Hồ sơ 1085 - Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, tr. 9.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Sáu, 2010, 05:14:10 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #48 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2010, 05:18:42 pm »

3. Phối hợp với Bạn truy quét tàn quân Pôn Pốt, củng cố chính quyền cách mạng, bảo vệ vùng giải phóng.

Mặc dù đã bị thiệt hại lớn, nhưng tàn quân Pôn Pốt vẫn còn đông (khoảng 4 vạn tên rút chạy vào vùng biên giới Campuchia - Thái Lan, ẩn náu trong các khu vực địa hình rừng núi hiểm trở, trà trộn trong dân). Kẻ thù còn duy trì được cơ quan đầu não, hệ thống chỉ huy và còn khống chế được một số vùng nông thôn với số dân tương đối lớn. Lợi dụng sự thông thạo về địa hình, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tàn quân địch lẩn trốn ở khắp nơi, được các thế lực phản động hậu thuẫn tiếp tục hoạt động chống phá chính quyền cách mạng. Với nguồn viện trợ dồi dào và vũ khí của nước ngoài, bọn Pôn Pốt - Iêng Xari chủ trương khôi phục lại các trung đoàn, sư đoàn chủ lực đã bị tan rã, phân chia khu vực hoạt động cho bọn chỉ huy các đơn vị vừa được khôi phục. Âm mưu  của địch là phá hoại, khống chế các trục giao thông huyết mạch, đánh chiếm lại một số địa bàn chiến lược do các lượng yêu nước Campuchia kiểm soát để xây dựng các căn cứ chống phá lâu dài chính quyền cách mạng Campuchia, hòng khôi phục lại chế độ độc tài phản động ở nước này.

Chỉ hai ngày sau khi thành phố Phnôm Pênh được giải phóng, quân Pôn Pốt đã tiến hành nhiều hoạt động tập kích, phục kích đánh phá giao thông, gây khó khăn cho việc chuyển quân, tiếp tế hậu cần của các đơn vị ta.

Ngày 9 tháng 1, quân địch đánh chiếm thị trấn Uđông (cách Phnôm Pênh 60 kilômét phía bắc) và kho đạn ở Longvéc (bắc Uđông 10 kilômét), đưa số vũ khí lấy được vào rừng; sau đó chúng sử dụng bộ binh (cỡ trung đoàn, sư đoàn thiếu, có xe tăng yểm trợ) đánh vào thị xã Tàkeo và thị xã Puốcxát.

Từ giữa tháng 1 năm 1979, mức độ đánh phá của địch trên các mặt trận trở lên ác liệt hơn. Chúng sử dụng bộ binh cỡ tiểu đoàn, trung đoàn liên tiếp tấn công vào ngã sáu Bátđông; sử dụng bộ binh cấp sư đoàn, có xe tăng yểm trợ, đánh vào khu vực tây, tây bắc thị xã Côngpông Spư; gây ra vụ thảm sát man rợ nhân dân ở Takhmau (phía nam thủ đô Phnôm Pênh).

Ở mặt trận đường số 5, địch sử dụng 2 trung đoàn, có xe tăng, thiết giáp hỗ trợ, đánh chiếm đoạn đường số 5 từ bắc Uđông đến Longvéc, chúng chiếm kho súng Uđông, đẩy Trung đoàn 10 Sư đoàn 339 về phía Nam. 

Trên địa bàn Báttambang - Xiêm Riệp và 4 tỉnh phía đông thủ đô Phnôm Pênh, địch còn hơn 20.000 quân đang lẩn trốn, chúng được bọn chỉ huy tập hợp lập ra nhiều đơn vị mới phối hợp với các tổ chức phản động như “Linh hồn Khơme”, “Voi trắng ngà xanh”, “Chính phủ liên hiệp kháng chiến” để đẩy mạnh hoạt động chống phá chính quyền cách mạng, đánh phá các vùng mới giải phóng.

Cùng với việc gom quân, liên kết với lực lượng Sêrêka (do Mỹ dựng lên từ năm l970), Pôn Pốt - Iêng Xari ra sức củng cố các bàn đạp, các căn cứ, tổ chức lại đường dây Đông - Tây. Chúng thành lập các mặt trận phía tây Phnôm Pênh, đường 5, Tây Nam... hòng triển khai lực lượng phản kích chiếm lại các địa bàn đã mất.
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #49 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2010, 07:04:48 pm »


Nhằm có một cơ quan chuyên trách về giúp Bạn xây dựng lực lượng vũ trang và chỉ đạo chiến đấu bảo vệ thành quả của cách mạng Campuchia, ngày 24 tháng 1 năm 1979, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 30/QĐ-QP tách Đoàn chuyên gia quân sự 478 ở Ban B.68 về trực thuộc Hộ Quốc phòng. Đoàn 478 có nhiệm vụ thường xuyên quan hệ chặt chẽ với Ban B.68 của Trung ương để báo cáo và chịu sự hướng dẫn những vấn đề liên quan, phối hợp với chuyên gia các ngành khác để tiến hành công tác giúp cách mạng và nhân dân Campuchia.

Trước tình hình địch tập trung lực lượng chuẩn bị phản kích hòng giành lại một số địa bàn quan trọng, ngày 9 tháng 2 năm 1979, Tiền phương Bộ Quốc phòng triệu tập cuộc họp mở rộng tại thành phố Phnôm Pênh (dự họp có chỉ huy các quân khu 5, 7, 9; các quân đoàn 2, 3, 4 và chỉ huy các lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia) để đánh giá tình hình địch, ta và triển khai kế hoạch truy quét tàn quân địch, giúp Bạn củng cố chính quyền cách mạng, bảo vệ vùng giải phóng.

Theo kế hoạch đã được hội nghị bàn bạc thống nhất, lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam sẽ phối hợp với lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia mở các chiến dịch truy quét tàn quân địch để bảo vệ các trục giao thông, các địa bàn chiến lược, tiêu diệt các căn cứ của quân Pôn Pốt, ngăn chặn các nguồn viện trợ từ bên ngoài thâm nhập qua biên giới Thái Lan vào trong nội địa cho bọn phản động và tàn quân Pôn Pốt.

Trong khi các đơn vị quân tình nguyện đang khẩn trương triển khai lực lượng giúp Bạn truy quét tàn quân Pôn Pốt, bảo vệ vùng mới giải phóng và chính quyền cách mạng thì ngày 17 tháng 2 năm 1979, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới phía Bắc nước ta bùng nổ. Trên diễn đàn quốc tế, được sự hậu thuẫn của các thế lực phản động, bè lũ Pôn Pốt - Iêng Xari ra sức vu cáo xuyên tạc sự giúp đỡ của Việt Nam đối với cách mạng Campuchia.

Những âm mưu, thủ đoạn của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari và các thế lực quốc tế tiếp tục phá hoại cách mạng Campuchia và Việt Nam chỉ càng thắt chặt thêm tình đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia. Ngày 18 tháng 2 năm 1979, tại thủ đô Phnôm Pênh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chủ tịch Hêng Xomrin, thay mặt Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia ký Hiệp ước Hoà bình, hữu nghị và hợp tác. Hiệp ước gồm 9 điều với những nội dung chủ yếu sau dây:

Điều 1: Hai bên cam kết làm hết sức mình để bảo vệ và phát triển không ngừng truyền thống đoàn kết chiến đấu quan hệ hữu nghị, hợp tác anh em Việt Nam - Campuchia, lòng tin cậy và sự giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Hai bên ra sức giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nước mình bảo vệ truyền thống đoàn kết chiến đấu và hữu nghị thủy chung Việt Nam - Campuchia đời đời trong sáng.

Điều 2: Trên nguyên tắc việc bảo vệ và xây dựng đất nước mình là sự nghiệp của chính nhân dân mỗi nước, hai bên cam kết hết lòng ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt và bằng mọi hình thức cần thiết nhằm tăng cường khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và công cuộc lao động hoà bình của nhân dân mỗi nước, chống mọi âm mưu và hành động phá hoại của lực lượng đế quốc và phản động quốc tế. Hai bên sẽ tiến hành các biện pháp có hiệu quả nhằm thực hiện điều cam kết này khi một trong hai bên yêu cầu.

Điều 3: Nhằm giúp nhau xây dựng đất nước giàu mạnh, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hai bên sẽ tăng cường quan hệ trao đổi và hợp tác anh em cùng có lợi và giúp đỡ nhau về các mặt kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học, kỹ thuật, đào tạo cán bộ và trao đổi chuyên gia, trao đổi kinh nghiệm xây dựng đất nước về mọi mặt. Nhằm mục đích đó, hai bên sẽ ký những hiệp định cần thiết, đồng thời tăng cường tiếp xúc và hợp tác giữa các cơ quan Nhà nước có liên quan và các tổ chức quần chúng của hai nước.

Điều 4: Hai bên cam kết sẽ giải quyết bằng thương lượng hoà bình tất cả những bất đồng có thể nảy sinh trong quan hệ giữa hai nước. Hai bên sẽ đàm phán để ký kết một hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước trên cơ sở đường biên giới hiện tại; quyết tâm xây dựng đường biên giới này thành biên giới hoà bình, hữu nghị lâu dài giữa hai nước.

Điều 5: Hai bên hoàn toàn tôn trọng đường lối độc lập tự chủ của nhau. Hai bên kiên trì chính sách đối ngoại độc lập, hoà bình, hữu nghị hợp tác và không liên kết, theo nguyên tắc không can thiệp dưới bất cứ hình thức nào vào công việc nội bộ nước khác, không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của nước mình và không cho phép bất kỳ nước nào dùng lãnh thổ nước mình để can thiệp vào nước khác.

Hai bên coi trọng truyền thống đoàn kết chiến dấu và tình hữu nghị anh em lâu đời giữa nhân dân Campuchia, nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam, nguyện ra sức tăng cường quan hệ truyền thống đó trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Hai bên tăng cường quan hệ mọi mặt với các nước xã hội chủ nghĩa. Là những nước ở Đông Nam châu Á, Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hoà nhân dân Campuchia kiên trì chính sách quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt với Thái Lan và các nước khác ở Đông Nam châu Á, tích cực góp phần vào hoà bình, ổn định và phồn vinh của khu vực Đông Nam châu Á. Hai bên phát triển quan hệ hợp tác với các nước dân tộc độc lập các phong trào giải phóng dân tộc và phong trào dân chủ, kiên quyết ủng hộ sự nghiệp đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Hai bên tích cực góp phần vào sự đoàn kết và lớn mạnh của phong trào không liên kết chống chủ nghĩa đế quốc và các lực lượng phản động quốc tế khác, giành và bảo vệ độc lập dân tộc, tiến tới xây dựng một trật tự kinh tế thế giới mới.

Điều 6: Hai bên sẽ thường xuyên trao đổi ý kiến với nhau về những vấn đề thuộc quan hệ hai nước và những vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Mọi vấn đề trong quan hệ giữa hai nước sẽ được giải quyết bằng thương lượng trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, có lý có tình...

Trong bản Hiệp ước, hai bên cũng khẳng định, Hiệp ước không nhằm chống một nước thứ ba nào và không liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mỗi bên theo các hiệp định hai bên hoặc nhiều bên mà họ đã tham gia.

Theo tinh thần của bản Hiệp ước, một bộ phận Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia truy quét tàn quân địch, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, khôi phục sản xuất xây dựng cuộc sống mới.

Cùng với việc tổ chức lực lượng Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự làm nhiệm vụ ở Campuchia, thực hiện Điều 3 của Hiệp ước Hoà bình hữu nghị và hợp tác, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định về “Hợp tác văn hoá, giáo dục, y tế và khoa học”. Theo đó, hai bên hợp tác và giúp đỡ nhau trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế và khoa học.

Về văn hóa, hai bên sẽ trao đổi các đoàn văn hóa, nghệ thuật điện ảnh, báo chí; hợp tác về xuất bản, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, triển lãm, thông tin quần chúng; giúp nhau đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật và trao đổi chuyên gia văn hóa.

Về giáo dục, trao đổi các đoàn làm công tác giáo dục và giáo viên các cấp, các ấn phẩm của Nhà xuất bản (p.080) Giáo dục của mỗi nước và trao đổi kinh nghiệm các mặt trong lĩnh vực giáo dục; hợp tác trong việc khôi phục cơ sở giáo dục, biên soạn và xuất bản sách giáo khoa và các tài liệu giáo dục khác.

Trong lĩnh vực y tế, hợp tác giải quyết những vấn đề y tế cấp bách trong việc chữa các bệnh phổ biến và công tác phòng dịch, chống dịch; trao đổi kinh nghiệm trong công tác tổ chức, quản lý các cơ sở y tế, trao đổi cán bộ y tế nhân viên kỹ thuật và các tài liệu về y học, dược học; hợp tác trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân; hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế; hợp tác trong việc sản xuất thuốc phòng bệnh, chữa bệnh và khai thác các nguồn dược liệu; hợp tác và giúp nhau trong việc diều trị bệnh nhân.

Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, hai bên sẽ trao đổi các đoàn nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; hợp tác nghiên cứu về khoa học, trao đổi những kinh nghiệm thông tin khoa học.

Trên cơ sở Hiệp ước, Hiệp định dã ký kết với Chính phủ Campuchia cũng như thỏa thuận giữa chính phủ hai nước, ngày 26 tháng 2 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ta ra Quyết định số 72-CP tổ chức Đoàn chuyên gia kinh tế - văn hóa của Chính phủ ta (lấy bí danh là A40) giúp Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia và cử đồng chí Nguyễn Côn, ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế, kế hoạch của Trung ương Đảng làm Trưởng đoàn. Các đồng chí Hồ Viết Thắng, Phó chủ nhiệm ủy ban Kế hoạch Nhà nước; Nguyễn Tuân, Thứ trưởng Bộ Điện và Than, phụ trách khối công nghiệp làm Phó trưởng đoàn. Các đồng chí Trần Khải, Thứ  trưởng Bộ Nông nghiệp; Nguyễn Hữu Bảo, Thứ trưởng Bộ Nội thương; Đặng Văn Thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Phạm Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Lâm Nghiệp; Lê Thành Công, Thứ trưởng Bộ Văn hóa và thông tin; Nguyễn Duy Cương, Thứ trưởng Bộ Y tế là thành viên. Đoàn chuyên gia A40 có nhiệm vụ giúp Chính phủ Bạn nghiên cứu chủ trương, chính sách, kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa ở Campuchia và giúp thực hiện những công việc kinh tế, văn hóa mà Bạn chưa có khả năng và do Bạn yêu cầu.

Để tạo điều kiện cho chuyên gia kinh tế - văn hoá của ta hoạt động được thuận lợi trong tình hình mọi mặt chưa thật ổn định, Thủ tướng Chính phủ quyết định giao trách nhiệm cho Tiền phương Bộ Quốc phòng và Tiền phương Tổng cục Hậu cần bảo đảm điều kiện công tác tối thiểu cần thiết cho các đoàn chuyên gia kinh tế - văn hoá của ta. Khi cần thiết, đồng chí Trưởng đoàn chuyên gia của ngành ở Trung ương và tỉnh, thành phố sẽ liên hệ với các đơn vị quân đội (quân khu, quân đoàn, sư đoàn hoặc trung đoàn) gần nhất để yêu cầu giúp đỡ các mặt, gồm:

1. Cung cấp về lương thực và thực phẩm theo tiêu chuẩn chung (mỗi đoàn không quá 20 - 30 người, nếu có cả điện đài và lực lượng bảo vệ đi theo).

2. Phương tiện đi lại trên đất Bạn (cũng như từ ta sang đất Bạn và ngược lại) trong phạm vi khả năng và điều kiện cho phép, nếu vì lý do nào đó đoàn chuyên gia của ta không thể mang theo phương tiện riêng của đoàn được.

3. Cung cấp xăng dầu cho các đoàn có mang theo ô tô mà không thể mang theo xăng dầu sang đất Bạn hoặc tiếp tế không kịp.

4. Cung cấp quần áo và mũ theo quy định chung cho cán bộ trong các đoàn chuyên gia của ta được điều động sang công tác lâu dài trên đất Bạn, trước khi lên đường.

5. Cung cấp thuốc men hoặc chữa bệnh khi cần thiết.

6. Sử dụng phương tiện thông tin (điện thoại và vô tuyến điện) để bảo đảm giữ liên lạc thông suốt với Trung ương, với cấp ủy và ủy ban nhân dân tỉnh, nếu đoàn không có điện thoại, điện đài mang theo.

7. Bảo đảm an toàn cho các đoàn chuyên gia của ta hoạt động ở những nơi mà các đoàn chuyên gia không có lực lượng bảo vệ đi theo và điều kiện không cho phép.

8. Các đơn vị bộ đội và các đoàn chuyên gia của ta phải chấp hành đúng các nguyên tắc, chế độ, tiêu chuẩn về cấp phát, giao nhận và quản lý của Nhà nước theo hướng dẫn của Tiền phương Tổng cục Hậu cần.

Hàng tháng, hàng quý, Tiền phương Tổng cục Hậu cần có trách nhiệm báo cáo, thanh quyết toán số lượng vật tư hàng hoá (lương thực, quần áo, xăng dầu...) đã thực sự cấp phát cho các đoàn chuyên gia của ta (hiện vật và tính thành tiền) gửi về Phủ Thủ tướng, đồng thời gửi ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính.

Tiền phương Bộ Quốc phòng và Tiền phương Tổng cục Hậu cần có trách nhiệm giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị cấp dưới hướng dẫn kiểm tra đôn đốc việc thực hiện. Nếu gặp khó khăn kịp thời báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Thi hành nghị quyết của Bộ Chính trị và quyết định của Chính phủ, sau khi Đoàn chuyên gia kinh tế văn hoá ở Trung ương được thành lập và sang thủ đô Phnôm Pênh giúp Bạn, 8 tỉnh biên giới (kể cả Nghĩa Bình, Phú Khánh) và thành phố Hồ Chí Minh, lần lượt cử đoàn chuyên gia kinh tế và văn hoá sang giúp Bạn.

Tiếp đó, các tỉnh Cửu Long, Đồng Nai, Quảng Nam - Đà Nẵng cũng lần lượt cử đoàn chuyên gia sang giúp Bạn. Đoàn chuyên gia của các tỉnh, thành, do một đồng chí Thường vụ, Phó chủ tịch tỉnh, thành phụ trách. Thành phần gồm: các đồng chí phó ty (sở) hoặc tương đương của các ngành Nông nghiệp, Thủ công nghiệp, Thương nghiệp và Vật tư, Giao thông vận tải, Bưu điện, Y tế, Tài chính và Kế hoạch, Thủy lợi, Hải sản, Lâm nghiệp...

Đến tháng 2 năm 1979, ta đã hình thành hệ thống chuyên gia giúp Bạn Campuchia gồm: Ban B.68 giúp xây dựng các tổ chức và cơ quan chính trị của Đảng, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp và các đoàn thể quần chúng, chỉ đạo các đoàn chuyên gia ở địa phương. Đoàn chuyên gia kinh tế - văn hóa (A40) giúp xây dựng khối kinh tế - xã hội, văn hóa. Đoàn chuyên gia quân sự (Đoàn 478), giúp xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và chỉ đạo chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng. Đoàn chuyên gia an ninh (K79) giúp về công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giúp xây dựng lực lượng an ninh Campuchia.

Bên cạnh các đoàn chuyên gia trên còn có Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam. Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam ở Campuchia thực hiện các nhiệm vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao, trong đó tập trung vào ba nhiệm vụ chủ yếu:

Một là, phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia truy quét tàn quân địch.

Hai là, phát động quần chúng, xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng cơ sở chính trị, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân.

Ba là, giúp nhân dân Campuchia nhanh chóng ổn định đời sống, phát triển sản xuất.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM