Bodoibucket
Thành viên

Bài viết: 913
|
 |
« Trả lời #54 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2010, 09:43:23 am » |
|
Trên hướng quân đoàn 4, sau khi cùng các đơn vị Bạn hỗ trợ lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng đất nước, Quân đoàn 4 tổ chức 1 lực lượng làm nhiệm vụ tiếp quản thủ đô Phnôm Pênh; đồng thời điều Sư đoàn 9 phối hợp với Quân khu 9 truy quét địch ở Uđông, Longvéc, giải toả đường số 5 và đường sắt từ Uđông, Kravanh lên Rômia, bảo đảm giao thông đường sông từ Phnôm Pênh đi Côngpông Chnăng. Sư đoàn 7 cơ động đánh địch ở phía tây sân bay Pôchentông và phía tây bắc thành phố. Sư đoàn 341 sử dụng một lực lượng đánh địch xung quanh thị xã Côngpông Spư, một lực lượng phối hợp với Sư đoàn 2 đánh địch ở khu Bàu Diu, giữ vững đường số 4.
Sau khi phối hợp với Quân khu 9 và lực lượng Bạn giải toả đường số 5, khôi phục khu vực Uđông, Longvéc, mở rộng địa bàn kiểm soát từ Phnôm Pênh lên Côngpông Chnăng và Puốcxát, hình thành vành đai vững chắc bảo vệ thủ đô Phnôm Pênh, thực hiện nhiệm vụ của Tiền phương Bộ giao, Quân đoàn 4 tiếp tục phối hợp với các đơn vị Bạn đánh phá căn cứ địch ở tây nam Côngpông Chnăng. Tại khu vực này, lực lượng Quân khu Tây Nam của địch sau khi rút vào dãy núi Tượng và vùng rừng núi tây nam thị xã Côngpông Spư đã xây dựng các căn cứ, bàn đạp, tiếp tục phản kích ra đường số 2, đường số 4 và thị xã Tàkeo.
Để tiêu diệt chỉ huy địch, triệt phá các kho tàng, căn cứ của chúng trong khu vực từ núi Tượng đến nam đường số 4, tây nam và nam thị xã Côngpông Spư, không cho chúng rút lên phía bắc đường số 4, hỗ trợ Quân khu 9 và Quân đoàn 2 tiến công phá vỡ hệ thống căn cứ địch, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 quyết định sử dụng Sư đoàn 341, được tăng cường Trung đoàn Ba Gia, tiến công trên hướng chủ yếu từ đông bắc đánh xuống tây nam trục dường số 4, phối hợp với các đơn vị của Quân đoàn 2 chốt giữ và kiểm soát các trọng điểm trên đoạn đường này, ngăn chặn không cho địch từ phía nam vượt qua đường số 4; đồng thời sử dụng Sư đoàn 7 (thiếu) đảm nhiệm hướng phối hợp đánh chiếm khu vực phía nam Côngpông Spư đến đường 26 (đoạn bắc Snông), giữ sườn đông nam cho Sư đoàn 341; đồng thời phối hợp với Sư đoàn 341 đánh địch ở đường số 4 và một số đơn vị của Quân khu 9 đánh địch ở nam núi Chàngô.
Ngày 28 tháng 2 năm 1979, Sư đoàn 341 (thiếu) đánh chiếm các điểm cao trên đường số 4 và phát triển chiến đấu xuống phía tây thị xã Côngpông Spư. Sư đoàn 7 đánh chiếm khu vực đông - tây đường 26 đến nam đường số 4. Do lực lượng địch ở khu vực bắc núi Tượng chống cự quyết liệt, các đơn vị của Quân khu 9 chưa giải quyết xong mục tiêu nên ngày 29 tháng 2, bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 quyết định sử dụng 2 trung đoàn của Sư đoàn 7 theo đường 26 lên chi viện cho lực lượng của Quân khu 9; đồng thời sử dụng Trung đoàn 1 (Ba Gia) theo đường số 110 đánh xuống Snăng (tây nam Phnôm Pênh 45 kilômét). Ngày 3 tháng 3 năm 1979, bộ dội ta làm chủ Snăng.
Trên hướng Sư đoàn 341, sau khi đập tan các đợt phản kích của địch vào phía bắc thị xã Côngpông Spư, ngày 5 tháng 3 năm 1979, Sư đoàn sử dụng một trung đoàn phối hợp với các đơn vị của Sư đoàn 7 đánh xuống nam Kanđan, cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng số dân bị địch bắt đi theo. Ngày 9 tháng 3, các đơn vị của Quân đoàn phát triển chiến đấu, kết hợp chặt chẽ với Sư đoàn 339 (Quân khu 9) tiêu diệt quân địch ở Môlúp. Những ngày sau đó, địch cho lực lượng liên tục phản kích hòng chiếm lại điểm cao 212 và tây Kandan, nhưng đều bị các đơn vị của Quân đoàn 4 đập tan.
Trong chiến dịch này, các đơn vị của Quân đoàn 4 loại khỏi chiến đấu hàng nghìn tên, bắt hàng nghìn tên, thu hàng nghìn súng các loại, 200 tấn đạn, giải phóng 14.000 dân bị địch bắt đi theo. Thắng lợi lớn nhất của Quân đoàn trong chiến dịch này là ta đã khống chế hoàn toàn đường số 4 sớm hơn dự kiến 1 ngày; đánh trúng 2 căn cứ cấp sư đoàn của địch, thu hẹp vùng căn cứ của địch, mở rộng vùng giải phóng, đảm bảo an ninh cho thủ đô Phnôm Pênh và các vùng xung quanh.
Sau khi bị ta truy quét, trên địa bàn do Quân đoàn 4 phụ trách, địch bố trí thành ba khu vực: Khu nam đường số 4, tây đường số 3 đến bắc núi Tượng; khu vực nam - bắc Amleng và đường số 14; khu vực đông - tây đường sắt đoạn Puốcxát. Tại khu vực Amleng - Kimri, nơi được mệnh danh là "Phnôm Pênh mới" của Pôn Pốt, địch tập trung các sư đoàn bộ binh 74, 250, 260; sư đoàn 488 pháo binh và sư đoàn 377 thiết giáp cùng nhiều kho tàng, phương tiện dự trữ chiến tranh. Lợi dụng địa hình hiểm trở, chúng xây dựng nơi đây thành một căn cứ lớn hòng chống phá chính quyền cách mạng.
Nhận nhiệm vụ phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiêu diệt địch ở khu vực Amleng - Kimri, Quân đoàn 4 được Tiền phương Bộ Quốc phòng tăng cường Sư đoàn 5 (Quân khu 7). Quyết tâm của ta và Bạn là tập trung lực lượng tiêu diệt các cơ quan chỉ huy, các căn cứ trung ương và quân khu. Tiêu diệt và làm tan rã phần lớn sinh lực dịch, đánh chiếm các kho tàng trang bị và lương thực của dịch; đồng thời phát động nhân dân xây dựng chính quyền cách mạng, củng cố vùng giải phóng.
Ngày 19 tháng 3 năm 1979, các đơn vị thuộc Sư đoàn 9 đánh chiếm vùng đông và bắc Thmei, diệt nhiều địch, bắt hàng trăm tên, thu 1 kho súng, giải phóng gần 1 vạn dân. Tiếp đó, Sư đoàn tổ chức nhiều đợt truy quét tàn quân địch, giải phóng hàng vạn dân. Trong thời gian này, các đơn vị của Sư đoàn 5 tiến công dịch ở nam đường số 114, Kravanh, Tangpon, giải phóng hơn 15.000 dân, sau đó phát triển về hướng Kimri. Sư đoàn 7 truy quét địch ở các điểm cao từ Khumpous - Tàpeng - Thmei, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Trong đợt chiến đấu từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 3 năm 1979, các đơn vị của Quân đoàn 4 đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn một nghìn tên dịch, thu nhiều vũ khí, đạn dược, 1.200 tấn lúa, giải phóng gần 5 vạn dân. Từ ngày 23 đến 26 tháng 3 năm 1979, Sư đoàn 9 tiến công tiêu diệt địch ở Longcam, Thmabăng, tây bắc Domei, tây Choen, diệt và bắt nhiều dịch, giải phóng 11.000 dân. Sư đoàn 5 đánh chiếm cao điểm 223, sau đó phát triển lên Domei, bắt liên lạc với Sư đoàn 9. Sư đoàn 7 đánh địch từ khu vực Knôngnam đến núi Kanđan và tây nam Khumpút, diệt và bắt nhiều địch, giải phóng 40(?) vạn dân. Những ngày cuối tháng 3 năm 1979, các đơn vị của Quân đoàn tiếp tục truy quét tàn quân dịch, mở rộng vùng giải phóng. Ngày 31 tháng 3 năm 1979, chiến dịch kết thúc, bộ đội ta giải phóng gần 10 vạn dân, loại khỏi chiến đấu hầu hết các sư đoàn địch, bước đầu làm phá sản âm mưu xây dựng căn cứ lâu dài để chống phá ta của dịch. Do địa bàn tác chiến rộng, địa hình hiểm trở, sự phối hợp giữa các lực lượng chưa nhịp nhàng, nên ta chưa diệt được bộ chỉ huy cao nhất của địch ở khu vực này.
Từ ngày 5 đến ngày 15 tháng 11 năm 1979, Quân đoàn nhận nhiệm vụ phối hợp với Bạn và Quân khu 9 tiến công dịch ở bắc Kirirom. Mở đầu chiến dịch, Quân đoàn sử dụng 2 sư đoàn thiếu (7 và 9) cùng một số đơn vị xe tăng, thiết giáp mở hướng tiến công phối hợp cùng Quân khu 9 từ tây bắc Côngpông Spư 70 kilômét vào hướng Kirirom. Tiếp đó, từ ngày 12 tháng 4, Quân đoàn sử dụng 1 trung đoàn của Sư đoàn 341, 1 trung đoàn của Sư đoàn 9 và Trung đoàn 250, dưới quyền chỉ huy của Ban chỉ huy Sư đoàn 341, đánh địch ở tây bắc Rômiá, tây sân bay Côngpông Chnăng - nam Pômlây, bảo vệ đường số 5 và đường sắt, tạo bàn đạp cho cuộc tiến công quyết định vào căn cứ địch ở Lếch - Ôran.
Trong chiến dịch này, các đơn vị của Quân đoàn đã loại khỏi chiến đấu gần nghìn tên, giải phóng 12.000 dân, thu nhiều súng đạn, phương tiện chiến tranh giao cho Bạn.
Sau chiến dịch này, Quân đoàn 4 được Tiền phương Bộ giao nhiệm vụ cùng với Quân đoàn 3; Quân khu 7 phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở chiến dịch quy mô lớn tiêu diệt quân địch ở căn cứ Ôran - Lếch - Tàsanh. Bước vào chiến dịch, Quân đoàn nhận lệnh trả Sư đoàn 5 về đội hình chiến đấu của Quân khu 7; đồng thời được Tiền phương Bộ tăng cường Trung đoàn 14 công an vũ trang và 3 trung đoàn bộ binh (thiếu) của 3 tỉnh (Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang) đảm nhiệm tác chiến trên địa bàn 3 tỉnh Canđan, Côngpông Chnăng, Puốcxát.
Trong đợt 1 của chiến dịch, Quân đoàn sử dụng Sư đoàn 341 (được tăng cường Trung đoàn 250) đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu từ đường số 5, Puốcxát và Kracon đánh xuống phía nam Lếch, Sư đoàn 9 (thiếu) làm nhiệm vụ vu hồi, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7) và Trung đoàn 3 (Sư đoàn 9) tấn công truy quét địch ở tây bắc ga Rômía.
Ngày 27 tháng 4 năm 1979, Sư đoàn 9 đánh chiếm được phía nam Lếch, Sư đoàn 7 chiếm được tây bắc Rômía. Trên hướng chủ yếu, Sư đoàn 341 đánh lui các đợt tiến công của địch vào Puốcxát nhưng thương vong của ta khá cao. Trong các ngày từ 29 tháng 4 đến 10 tháng 5, Sư đoàn 341 liên tục tiến công địch, giành quyền kiểm soát khu vực xung quanh Lếch và nam Puốcxát 20 kilômét. Sư đoàn 9 đánh chiếm khu vực phía nam Lếch 20 kilômét đến Nam Bắc đường số 561 và đông nam Bâmnek. Trong trận đánh vào căn cứ Lếch, ta thu được con dấu và giấy giới thiệu của Văn phòng 870 (văn phòng Trung ương của Pôn Pốt), diệt hàng trăm tên, bắt hàng nghìn tù binh, gọi hàng hàng trăm tên, giải phóng gần một vạn dân.
Từ ngày 11 đến 15 tháng 5, Quân đoàn điều Sư đoàn 341 (thiếu) và Sư đoàn 9 (thiếu) được tăng cường Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7) trở lại đánh địch ở khu vực đông - tây đường số 28, nam đường số 5, bắc đường sắt và đông nam Bâmnek, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng 500 dân. Từ ngày 20 đến ngày 30 tháng 5 năm 1979, Quân đoàn sử dụng 3 sư đoàn thiếu (341, 7, 9) tiến công địch ở dãy núi Oran, bắc Amleng, nam bắc đường số 124 và từ nam đường số 561 đến nam đường sắt (đoạn tây - nam Rômía) nhằm tiêu diệt hệ thống chỉ huy và các đơn vị thuộc mặt trận đường số 5 địch. Sau 10 ngày chiến đấu, bộ đội ta diệt và bắt hơn 600 tên địch, giải phóng 23.500 dân. Sau đợt tiến công này, Quân đoàn 4 điều chỉnh lực lượng đảm bảo vừa chốt giữ biên giới, vừa đánh địch trong nội địa: Trung đoàn 250 chốt giữ khu vực đông bắc biên giới 30 kilômét; Trung đoàn 14 công an vũ trang chốt tại đông biên giới từ 15 đến 20 kilômét; các trung đoàn địa phương Bến Tre, Hậu Giang, Tiền Giang bố trí tại Canđan, nam Phnôm Pênh, Côngpông Chnăng, Puốcxát. Các sư đoàn 7, 9, 341 tiếp tục làm nhiệm vụ tiến công, truy quét tàn quân địch.
Như vậy, tính từ giữa tháng 1 đến cuối tháng 6 năm 1979, với 5 chiến dịch lớn, nhỏ, Quân đoàn 4 và các đơn vị được Bộ tăng cường đã phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiêu diệt nhiều sinh lực, phương tiện chiến tranh, căn cứ lớn của địch; giải phóng hàng chục vạn dân, mở rộng vùng giải phóng. Bên cạnh những thành công, trong tác chiến các đơn vị Quân đoàn cũng bộc lộ những mặt còn hạn chế như chưa tạo được yếu tố bí mật, bất ngờ của chiến dịch; chưa xây dựng được những phân đội thiện chiến đánh luồn sâu, vu hồi trên địa hình rừng núi; chưa có kinh nghiệm và thiếu biện pháp bảo đảm để chấp hành nghiêm chỉnh kế hoạch hiệp đồng; cơ động lực lượng còn chậm. Đây là những bài học quý báu được Bộ tư lệnh Quân đoàn nghiêm túc chỉ ra để các đơn vị rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu những năm tiếp theo.
Song song với nhiệm vụ truy quét tàn quân địch, bảo vệ vùng giải phóng, để thực hiện tốt 6 mặt công tác giúp Bạn theo chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 đã tổ chức 2 hội nghị bàn biện pháp tổ chức giúp Bạn, tập trung vào thực hiện ba nhiệm vụ cơ bản là:
1. Giúp Bạn xây dựng, củng cố chính quyền địa phương và các đoàn thể quần chúng.
2. Tăng cường huấn luyện, trang bị, nâng cao năng lực chỉ huy, tác chiến giúp quân đội cách mạng Campuchia.
3. Giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn đói, từng bước ổn định sản xuất và đời sống.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, các đơn vị trực thuộc quân đoàn đều thành lập các tổ công tác giúp Bạn do Chính ủy hoặc Phó chính ủy phụ trách. Các trung đoàn bộ binh thành lập thêm tiểu đoàn thứ 4 làm nhiệm vụ quản lý địa bàn, giúp Bạn xây dựng lực lượng dân quân du kích, củng cố chính quyền cách mạng trên các địa bàn đứng chân.
Lúc đầu ta chú trọng xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang dọc theo quốc lộ 9 và các tuyến đường sông quan trọng; sau đó mở rộng, tiến tới hoàn chỉnh trong từng khu vực, từng huyện, từng tỉnh. Cùng với các đội công tác, quân đoàn đã thành lập Phòng Dân quân để phối hợp cùng các phòng Dân vận, Địch vận và các ngành khác giúp Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn chỉ đạo giúp Bạn toàn diện trên các mặt. Tính đến cuối tháng 6 năm 1979, Quân đoàn 4 đã thành lập 28 đội công tác với 488 cán bộ chuyên trách, tổ chức tuyên truyền cho hơn 1,5 triệu lượt người, huy động hơn 16.000 lượt người tham gia các cuộc mít tinh; tổ chức nhiều buổi chiếu phim, biểu diễn văn nghệ, thu hút gần 100.000 lượt người xem, giúp đỡ đưa hơn 83.000 lượt người về quê cũ làm ăn.
Về xây dựng, củng cố chính quyền và các đoàn thể, quân đoàn đã giúp 3 tỉnh Kandan, Côngpông Chnăng và Puốcxát xây dựng chính quyền ở 1.156 phum (ấp) với 3.448 cán bộ; ở 234 khum (xã) với 1.170 cán bộ; các hội thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi ở các khum được tổ chức và đi vào hoạt động tương đối nền nếp. Các đơn vị trong quân đoàn còn kết hợp với chuyên gia và ban cán sự tỉnh (người Campuchia) mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ hành chính phum, khum và cán bộ làm công tác vận động quần chúng.
Các đơn vị đứng chân trên các địa bàn đã tích cực giúp Bạn xây dựng, huấn luyện lực lượng vũ trang. Đến tháng 6 năm 1979, tỉnh Puốcxát đã xây dựng được hơn 2.000 dân quân, du kích (522 có súng), tỉnh Côngpông Chnăng có gần 1.600 người (1.200 có súng), tỉnh Kanđan 7.090 người (2.311 người có súng). Tính chung 3 tỉnh, số dân quân, du kích có gần 10.700 người (trang bị 4.033 súng). Dân quân, du kích được tổ chức thành các tổ ở phum và trung dội ở khum. Về xây dựng bộ đội địa phương, ta giúp tỉnh Côngpông Chnăng xây dựng 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương, tỉnh Puốcxát xây dựng được 17 đại đội với tổng số quân là 3.456, người trang bị 1. 827 súng. Các đơn vị dân quân, du kích được huấn luyện 10 ngày, bộ đội địa phương được huấn luyện 2 tháng. Cán bộ trung đội, đại đội của Bạn đều được quân đoàn giúp đỡ tập huấn về chỉ huy và chuyên môn. Đặc biệt, quân đoàn đã mở lớp đào tạo cán bộ giúp quân đội Campuchia khoá đầu tiên với 140 học viên tham gia. Ngoài ra, quân đoàn còn giúp Binh đoàn 1 lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia xây dựng, huấn luyện 7 tiểu đoàn với 1.486 quân.
Trong 6 tháng đầu năm 1979, Quân đoàn 4 còn bàn giao cho Quân đội cách mạng Campuchia một khối lượng lớn chiến lợi phẩm, gồm 5.000 tấn lúa, 100 tấn muối, 117 xe ô tô các loại, hơn 100 tấn đường, 70.000 hộp sữa và hơn 30.000 mét vải. Với tình cảm quốc tế trong sáng, cán bộ và chiến sĩ quân đoàn đã tiết kiệm, giúp đỡ nhân dân Campuchia 247 tấn gạo, góp 271.000 ngày công lao động xây dựng và sửa chữa 186 trường học, 1 trại trẻ mồ côi, 32 bệnh xá, 9.181 nhà ở; khám bệnh và phát thuốc cho gần 120.000 lượt người. Những việc làm nghĩa tình đó đã góp phần giải quyết một phần khó khăn, giúp nhân dân Bạn nhanh chóng ổn định cuộc sống.
|