Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:28:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung Quốc như tôi đã biết  (Đọc 300795 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #10 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2010, 11:05:49 am »

"Danh xưng Trung Quốc xuất hiện chính thức trên văn kiện ngoại giao vào năm 1942 trong Điều ước Nam Kinh (ký với Anh ngày 29/8/1942 sau Chiến tranh thuốc phiện).Đây cũng là Điều ước bất bình đẳng đầu tiên TQ kí với nước ngoài, mở đầu cho quá trình biến nước này thành một nước nửa phong kiến nửa thuộc địa cho đến 1911"
Bác menthuong xem lại chỗ bôi đỏ họ em với, hình như bác nhầm lẫn tí tẹo Smiley
1. Cám ơn ngocductran2003@ đã quan tâm và phát hiện đúng cái sai của người đưa bài lên. Chỉ vì trình độ "mổ cò" mà đẩy sự kiện lịch sử tới gần thời đại chúng ta tới 100 năm.

Nhân đây có lẽ cũng nên ôn lại vài chuyện thời đó. Nếu ngược dòng lịch sử ta biết rắng: Thuốc phiện mà người Trung Hoa gọi là Anh túc, Á phiện hay Nha phiến (từ chữ Opium), đã được nhập vào Trung Hoa từ thế kỷ thứ 8, nhưng chỉ được sử dụng để chữa bệnh. Đến thế kỷ 16, những người giầu bắt đầu dùng tẩu để hút. Khi Công ty Đông Ấn Anh Quốc (The English East India Company) nhập cảng ồ ạt thuộc phiện vào để kiếm lợi, làm tăng nhanh giới nghiện thuốc phiện tại đây. Việc nầy gây ra nhiều thiệt hại cho Trung Hoa.

Do vậy Vua Đạo Quang Thanh Tuyên Tông (道光宣宗,trị vì 1821-1850) vào năm 1838 đã quyết định bài trừ và cấm nhập cảng thuốc phiện. Việc này gây căng thẳng giữa hai nước đưa đến cuộc chiến tranh Anh-Trung (1840-1843), thường được gọi là “Cuộc Chiến tranh Thuốc phiện lầ thứ Nhất”. Dù có quân số áp đảo so với người Anh, nhưng kỹ thuật và chiến thuật của nhà Thanh không thể so sánh với các cường quốc phương Tây thời ấy. Hải quân nhà Thanh kém cả về tầu chiến, pháo binh và súng cá nhân nên đã thất bại. Trung Quốc bắt buộc phải chấp nhận thua trận và thừa nhận các yêu cầu của Anh Quốc.

Nội dung đó được thể hiện ở Hiệp ước Nam Kinh (Nanking) ký năm 1842 trên tàu chiến Cornwallis. Bản Hiệp ước này gồm 12 khoản, trong đó các khoản quan trọng là: Trung Hoa phải nhượng Hồng Kông (Hương Cảng) cho Anh; mở năm hải cảng ("nhượng cảng") là Quảng Châu (Kwangchow), Hạ Môn (Xiamen hay Hsiamen), Phúc Châu (Fuzhou hay Fuchow), Ninh Ba (Ningpo hay Ningbo), Thượng Hải (Shanghai) cho người Anh buôn bán và gia đình cư trú, có lãnh sự trông coi việc buôn bán; bồi thường cho Anh 21.000.000 tiền vàng; hàng hóa Anh nhập cảng chịu thuế một lần, và thương nhân Trung Hoa không đóng thêm thuế khi chuyển hàng tiếp vào nội địa; công văn trao đổi hai bên có tính cách bình đẳng. Vì việc mở năm hải cảng nên hiệp ước này được các sách Trung Hoa gọi là “Ngũ khẩu thông thương điều ước”.

2. Còn cái mốc 1911 thì theo hiểu biết và quan niệm của tôi thì việc này gắn với cuộc Cách mạng Tân Hợi chống lại nhà Thanh xảy ra vào ngày 10 tháng 10 năm 1911. Kết quả là Trung Hoa Dân Quốc được thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1912, với bác sĩ Tôn Dật Tiên là Tổng thống lâm thời. Từ đây chế độ quân chủ của Trung Hoa chấm dứt.

« Sửa lần cuối: 27 Tháng Năm, 2010, 11:11:22 am gửi bởi menthuong » Logged

MEO
Thành viên
*
Bài viết: 78


« Trả lời #11 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2010, 11:27:09 am »



2. Còn cái mốc 1911 thì theo hiểu biết và quan niệm của tôi thì việc này gắn với cuộc Cách mạng Tân Hợi chống lại nhà Thanh xảy ra vào ngày 10 tháng 10 năm 1911. Kết quả là Trung Hoa Dân Quốc được thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1912, với bác sĩ Tôn Dật Tiên là Tổng thống lâm thời. Từ đây chế độ quân chủ của Trung Hoa chấm dứt.


[/quote]

Em tưởng vị vua cuối cùng là Phổ Nghi, nhờ Nhật lập Mãn Châu Quốc và thực sự kết thúc cùng quân Quan Đông 8/1945 ?
Logged
menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #12 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2010, 01:20:49 pm »

Tôi biết đên Trung Quốc là do sống ở "nơi con sông Hồng chẩy vào đất Việt" Do vậy cũng nên biết đôi điều về vị trí vùng này trong mối quan hệ Việt-Trung.

Tân Hưng (Lào Cai nay) là vùng cửa ngõ nối liền Giao Chỉ với các quốc gia Tây Nam Trung Quốc và một số Động 峒, Sách 柵 là vùng “đệm” giữa các triều đại Trung Hoa và Việt Nam, có thời do Nam Chiếu (南詔,738-902) và Đại Lý (大理, 937-1253) của bắc phương cai quản. Năm 1159, vua Lý Anh Tông (李英宗, 1138-1175) và Tô Hiến Thành 蘇憲誠 đã tiến hành thu phục vùng đất của các tù trưởng dân tộc thiểu số người Bạch (Thái) ở vùng này và chính thức đưa việc quản lý vào lãnh thổ Đại Việt.

 Cư dân vùng này có nhiều nguồn mà nguồn không ít là từ Trung Quốc sang, như người Thái, Dao, Mông, Hán.

Trong cuộc “thiên di” tìm vùng đất mới, tránh diệt vong bởi các tộc Bắc phương, người Thái 傣人(Bạch), từ vùng Tứ Xuyên 四川 xuống một phần định cư ở Xixonbana 西双版纳 (Nam TQ) rồi theo dòng Mê Công tiếp xuống Mianma, Thái Lan; một bộ phận xuôi theo dòng Nậm Tao 埝導 (Sông Hồng 紅河) vào Việt Nam, tạt lên bờ phải, dừng chân ở Nghĩa Lộ 義珞 rồi ngược lên định đô ở Mường Than 天 (Điện Biên). Do vậy ở Lào Cai chỉ có một ít người Thái bên hữu ngạn sông Hồng, bên tả ngạn do người Thái dừng chân ít đã Tày hóa, nên vùng này không có người Thái.

Người Mông (Môngz, 苗 Miáo ở Trung Quốc, แม้ว Maew tức Mẹo hay ม้ง Mông ở Lào), người Dao (瑶, Yáo) thì theo đường bộ dọc biên. Hai tộc người này nam di vì sự bành trướng của Hán tộc. Cuộc di cư khởi đầu từ khi nhà Tống (宋朝, Song; 960-1127) cử binh giành lại các đất vùng Hồ Bắc và Hồ Nam, chấm dứt thời vàng son của bộ tộc Miêu. Sau đó người Mông từ Trung Quốc tràn xuống Việt Nam thêm các đợt: đợt sớm nhất là vào thế kỷ XVII; lần 2 vào những năm 1769 - 1820; lần 3 vào thời điểm cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Quốc thất bại. Người Mông cư trú khắp các nơi vùng núi, tập trung nhiều vùng gần biên giới, sống chủ yếu trên núi cao, du canh, du cư. Tại Lào Cai họ tập trung nhiều ở Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát…mới hạ sơn và định cư nhiều ở Bảo Thắng, Bảo Yên  trong những năm sau 1986. Nguồn gốc và những trang sử oai hùng đẫm máu của họ chỉ còn trong ký ức xa mờ, trong nghi lễ...chứ đa phần người dân chỉ biết họ là người Việt, dân Việt yêu nước, quả cảm. Nhiều người trở thành Anh hùng, cán bộ cao cấp trong bộ máy Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an Việt Nam.

Người Hán 漢 sang do nhiều nguyên nhân, trải mọi thời kì (TK III-đầu TK XX) mà đông nhất là sau phong trào Thái Bình Thiên quốc (太平天國/太平天国; 1851–1864) và những nghĩa quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc (劉永福, Liu Yongfu;1837-1917) ở lại sau Hoà ước Thiên Tân, 1885. Họ thường tập trung ở gần đường, các trung tâm buôn bán, làm nghề thủ công.

Vì là cửa ngõ, lại có sông Hồng nên khi thực hiện Nam chinh bành trướng đánh sang Đại Việt, quân Đại Hán thường qua đường này. Trong các cuộc chiến chống Tống, Nguyên thời Lý, Trần dân binh Quy Hóa là những người có công đầu trong việc cấp báo thông tin về triều, ngăn cản bước tiến quân địch khi chúng tiến đánh và chặn đánh khi chúng lui quân.

Khi bên Trung Quốc nhà Thanh (清朝,1644 - 1911) thay nhà Minh (明朝,1368-1644), trong lúc ở Đại Việt nhà Mạc 莫朝 đổ (1592), lợi dụng sự suy yếu của tập đoàn Lê-Trịnh trong thời Nam-Bắc triều bọn quan lại Hán tộc ở Hoa Nam đã lấn chiếm nhiều vùng biên giới phía Bắc, trong đó có Thủy Vỹ. Đại Việt nhiều lần lên tiếng đòi đất nhưng không được đáp ứng. Đến năm 1726 nhà Thanh mới trả lại vùng ải Lê Hoa 梨花隘 này cho nước ta và được triều Lê-Trịnh đặt thuộc phủ Quy Hóa 歸化府 trong ngoại trấn Hưng Hóa 興化外鎭. vẫn duy trì quyền cai trị vùng này thông qua các 'thổ quan' 土官, tức là các người đứng đầu các họ lớn tại các dòng tộc địa phương mà sử cũ gọi họ là các 'thổ tù' 土酋 hay “thổ ty”土司.Đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838) bãi bỏ chính sách thổ quan, thay bằng chính sách lưu quan 遛官, cử quan lại triều đình người Kinh đến trực trị, rồi đổi đặt các động 峒,trại 寨 thành các xã 社 và lập tổng 总 như miền xuôi.

Sau khi hoàn thành việc xâm chiếm Việt Nam, năm 1885 Chính phủ Pháp ký Công ước 1885 với Đại Thanh (大清國, dàqīngguó, 1644 - 1911) đưa vùng đất Lai Châu, Điện Biên, bắc Lào Cai ngày nay thuộc về xứ Bắc kỳ. Ngày 12/7/1907, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định bãi bỏ Đạo quan binh 4 Lào Cai, chuyển Lào Cai sang chế độ cai trị dân sự, thành lập tỉnh Lào Cai.

Kể cả trong Chiến tranh biên giới phía Bắc (1979-1989 年,北部边界战争) sẽ đề cập sau thì trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, Lào Cai đều là “cửa ngõ phên dậu” của Tổ quốc và còn là cửa khẩu buôn bán thông thương giữa Việt Nam và khu vực Tây Nam Trung Quốc.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Năm, 2010, 04:59:23 pm gửi bởi menthuong » Logged

tung677
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 608



« Trả lời #13 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2010, 10:03:08 pm »

Bác MenThuong,viết chính sác như sử,viết hay như chuyện,cảm ơn bác,phải nói là Trung Quốc thật là to lớn,tài nguyên khoáng sản nhiều,dân đông....tiềm năng lớn....từ xưa chỉ có 2 bộ tộc Mông cổ và Mãn Thanh là chiếm được TQ thôi....trải qua vài trăm năm thống trị người Hán....thì người Mông cổ và người Mãn lại bị người Hán đồng hóa về văn hóa....bởi vì người Hán quá đông....người Mông và Mãn rời lưng ngựa ...rời bỏ lều da...vào ở cung điện của người Hán...dùng chữ viết Hán....nên văn hóa Mông ,Mãn bị hòa tan trong biển văn hóa của người Hán...dẫn đến mất bản sắc và bị mất ....tất cả...?khi người Hán...trở lại nắm quyền....lãnh thổ Mông +Mãn xưa kia...đều về tay người Hán cả...?người VIỆT NAM ta cũng bị ảnh hưởng văn hóa TQ,nhưng ta không bị đồng hóa....cái gì hay của họ thì ta học...còn cái nào không phù hợp thì ...thôi,ta hòa đồng ...chứ không bị hòa tan...?tiếp tục đi tôi đang ngóng đây....chào bác
Logged
menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #14 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2010, 06:24:59 am »

Từ 10/1965 Trung Quốc cử 1 Quân đoàn bộ đội hậu cần dưới danh nghĩa Công nhân Quốc phòng sang giúp  Lào Cai xây dựng 4 tuyến đường mà ta đang làm dở phải rút sang Bắc Cạn xây dựng đường vào ATK của Trung ương. Đoạn Lào Cai đi Phố Ràng vừa được tu bổ, nâng cấp chỗ mở mới. CNQP và các trận địa pháo đóng quân trên đường vào thôn, lẫn trong khu sản xuất của dân.

Học sinh, thiếu nhi chúng tôi được dạy bài ca ngợi tình hữu nghị Việt Nam-Trung Hoa, ca ngợi Mao Chủ tịch bằng tiếng Việt hay bằng tiếng Hoa. Ví dụ, bài Ca ngợi mối tình Việt-Trung của nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922-1991): “Việt Nam-Trung Hoa: núi liền núi, sông liền sông. Chung một biển Đông mối tình hữu nghị sáng như rạng đông. Bên sông tắm cùng một dòng Tôi nhìn sang đấy anh nhìn sang đây! Sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng. A á ! ...Chung một ý, chung một lòng. Đường ta đi hồng mầu cờ thắng lợi. A, á! Nhân dân ta ca muôn năm: Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông...” . Lời Trung là: "Việt Nam Trung Hoa sơn liên sơn, giang liên giang, cộng lâm Đông Hải ngã môn hữu nghị tượng triều dương..." (越南中花山联山,江联江, 共临東海们友誼像朝扬) hay Bài “Ra khơi nhờ tay lái vững” ca ngợi Mao Chủ tịch, tôi nhớ lõm bõm và ghi lại theo cách phát âm, không phải là phiên âm:”Tá hà hang chinh  kháo thô sơ, Vàng chư khuân tràng kháo thải giằng...”. Sau này tôi được biết nguyên văn bài hát người Trung hát  là: “Dà hǎi háng xíng kào duò shǒu, wàn wù shēng cháng kào tai yáng...” mà dịch sang lời Việt sẽ là: “Lướt trùng dương ta vững tay chèo lái, Ngàn cây xanh nhờ ánh mặt trời...” hay bài khác, bon tôi cứ hát đại theo: “Tung pháng hồng, Thái già sân, Trung Hoa rứ min cứ Mao Trừ Tung.” sau này được hiểu là: “Đông phương hồng, mặt trời lên, Trung Hoa dân ta có Mao Trạch Đông...”.

Bộ đội TQ cử người vào trong xóm biếu muối, dầu hoả, xà phòng là những thứ nhu yếu phẩm khan hiếm hồi đó nhưng không bao giờ họ chơi trong nhà dân. Muối mỏ mịn, trắng, sạch hơn muối biển của ta nhưng ăn chát hơn. Kèm theo là trước tác, huy hiệu Mao Trạch Đông 毛澤東 và hoạ báo TQ tuyên truyền về Cách mạng văn hóa 文化大革命,  về Người cầm lái vĩ đại 伟大舵手, về “Chủ nghĩa xét lại hiện đại của LTK”, về người kế tục Lâm Bưu, rồi lại “Phê Lâm, đả Khổng”... Hoạ báo đẹp và là nguồn quan trọng để chúng tôi dán tường cũng như bọc sách vở bởi hồi đó đang chiến tranh chúng ta thiếu tranh ảnh đẹp. Đặc biệt trước tác Mao Chủ tịch bọc bìa Ninol mầu đỏ lần đâu chúng tôi mới thấy, rất hứng thú. Riêng ảnh Hồ Chủ tịch tôi thấy trong các quán và doanh trại bộ đội Trung Quốc treo là ảnh Bác mặc áo mầu xanh chứ không phải mầu Kaki vàng như ta thường thấy.

Ngoài ra còn được xem Phim TQ ( Kinh kịch: Bạch Mao Nữ, Một mình đánh núi Uy Hổ, Tài liệu: về CMVH, Film Nguyễn Văn Trỗi...), nhưng không có thuyết minh bởi cấp Tiểu đoàn mới có phiên dịch. Lần đầu tiên người dân trong vùng được thấy những chiếc xe ủi, máy gạt hoặc những chiếc xe Giải phóng 解放 phải buộc thêm xích vào bánh để chống trơn khi kéo xe ngoạm đất, được xem Xiếc, được sử dụng thuốc ôm đầu khá hiệu nghiệmầôNgì xe ô tô, máy gạt, máy ngoạm đất ra, tất cả công việc đào đất, nén chặt mặt đường...đều làm thủ công bằng sức người. Tôi còn nhớ họ lấy vỏ hộp thuốc đánh răng nấu chảy thiếc đổ mô hình máy bay khá đẹp, còn bọn tôi lấy đổ chì câu cá hay để các anh lớn gắn vào lưới.

Khi về nước họ để lại những dãy nhà được người trong xóm 8 hộ còn lại của An Phong (ông Minh, ông Mỏng, bà Mẽ) và ông Biếc từ Vĩnh Hồ chuyển đến ở và cũng là nơi anh em tôi mở học BTVH cho những người chưa thoát nạn mù chữ. 

Khi CNQP Trung Quốc chuẩn bị về nước cũng là thời kì mà bên đó cuộc “Đại cách mạng văn hoá vô sản” đã đạt đỉnh cao. Khi đó nhiều người Hoa, người Nùng bị kích động vượt biên rồi lại bị đẩy sang rất phức tạp. Khu vực gia đình tôi sống cũng vậy, một số gia đình, trong đó có hộ từng giúp đỡ An Phong dịp 02/1964 đã bỏ hết ruộng vườn đi bộ lên tx Lào Cai, lội sông Nậm Thi về Trung Quốc. Những gia đình này về đó sinh sống ra sao chúng tôi không rõ bởi không thấy họ quay trở lại lần nào.
Logged

menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #15 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2010, 06:45:34 am »

Dù rất muốn tìm hiểu xem đất nước rộng bao la, dân số đông này quản lý người phạm tội ra sao nhưng bạn bảo mật khá tốt, người dân quanh vùng cũng chẳng biết sâu. Đứng trên các lầu bát giác 望京楼 dựng trên núi nhìn chỉ thấy nhấp nhô nhà và nhà. Đi qua chỉ được quan sát dọc dẫy tường bao và cổng vào. Tường cao, sơn mầu huyết dụ, cổng cũng tam quan, đắp rồng như vào khu vui chơi hay đền chùa.  Đành tìm hiểu điều muốn biết quan sách vở, các trang mạng. Rất tiếc đoạn video quay tường rào và phía ngoài cổng Trại giám Tần Thành một lần vô tình tôi đã xoá mất.

Bắc Kinh có các Quận là : Đông Thành • Tây Thành • Sùng Văn • Tuyên Vũ • Triều Dương • Hải Điến • Phong Đài • Thạch Cảnh Sơn • Môn Đầu Câu • Phòng Sơn • Thông Châu • Thuận Nghĩa • Xương Bình • Đại Hưng  • Hoài Nhu • Bình Cốc  và các huyện là: Mật Vân • Diên Khánh.

Xương Bình (昌平区, Xương Bình khu, Chāngpíng Qū) là một quận cận nội thành của thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc; có diện tích 1430 km2, dân số theo điều tra năm 2000 là 615.000 người và mật độ dân số là 430 người/km2 mới từ huyện chuyển thành quận từ 1999. Trong khu vực này có Cục Kỹ thuật 1 chuyên nghiên cứu sản xuất các giấy tờ cần yếu tố bảo an cao, căn cứ đào tạo tại Tần Thành của Trung tâm Giám định Vật chứng và Trại giam Tần Thành đều thuộc Bộ Công an Trung Quốc. Trời Tần Thành cữ tháng 6 thì 4 rưỡi đã sáng, 20 giờ tối trời vẫn rõ mặt. Cả khu vực chỉ có một cửa hàng nhỏ nhưng vẫn trương biển siêu thị, Chiều tối các quán cốc bán đồ nướng bầy ra ngay đường.

Trại giam Tần Thành 秦城監所, là một trong những trại giam nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Đây nguyên là trại giam có từ thời Quốc dân Đảng chuyên giam giữ những tội phạm quan trọng.

Năm 1955 chính phủ CHND Trung Hoa tiến hành khảo sát và quyết định xây dựng tại phía bắc thủ đô ở thôn Tiểu Thang, huyện Tần Thành một nhà tù mới lấy tên là “Trại giam Tần Thành” và từ 1960 công việc thi công được bắt đầu.  Đây là một trong 157 công trình do Liên Xô viện trợ thiết kế, xây dựng trong thời kỳ đó, với 4 khu: A, B, C, D. Tất cả các toà nhà đều xây 3 tầng trên triền đồi. Trong đó mỗi gian giam giữ rộng 20 mét vuông, có nhà vệ sinh riêng biệt, bao quanh trại là bức tường được thiết kế đặc biệt để ngăn ngừa trốn trại và cướp tù . Sau khi hoàn thành được đặt dưới sự quản lý của Cục 13 (监所管理局) Bộ Công an Trung Quốc. Trong thời kỳ mở cửa, để từng bước xây dựng và hoàn hảo pháp luật, tháng 6/1983, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tri quy định về việc quản lý nhà giam phục vụ công tác điều tra, xét hỏi trong đó có những quy định ngoại lệ cho Trại giam Tần Thành (Qincheng Prison).

 Trong Trại này, tù nhân chia thành các "cấp độ" khác nhau căn cứ vào vị trí làm việc và thái độ chính trị của họ trước khi vào trại. Đối với các tù nhân cao cấp các bữa ăn được ưu đãi hơn, còn các tù nhân ở cấp thấp áp dụng chế độ "một canh". Trại cũng có một cơ sở chăm sóc sức khoẻ cho tù nhân. Trong khi bị giam giữ, phạm nhân cũng phải lao động, chẳng hạn như đan nón rơm...

Trong thời ký Cách mạng văn hóa Trại có 6 phòng đặc biệt giam giữ Vương Lực, Quan Phong, Thích Bổn Vũ...  Đồng thời Trại cũng giam giữ các yêú nhân của chế độ cũ (như: Trầm Tuý, Vương Lăng Cơ, Tằng Khoách Tình, Từ Viễn Cử, Liêu Tông Trạch, Vương Tĩnh Vũ, Khổng Khách Quế..). Sau này Trại được mở rộng để giam giữ “Tứ nhân bang”, Ban Thiện Lạt Ma, Trần Hy Đồng (năm 1968), Kim Kính Mại, Nguỵ Kinh Sanh, Thành Khắc Kiệt, Lưu Hiểu Khánh (năm 2002), rồi Bảo Đồng,  Lương Vũ..là những “chính trị phạm” quan trọng.

Trường hợp “Tham quan” Trần Lương Vũ 陈良宇 là một ví dụ về loại tù nhân này. Năm 2008, Trần Lương Vũ (nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng cộng sàn Trung Quốc, nguyên Bí thư thành ủy kiêm Thị trưởng  thành phố Thượng Hải) bị Tòa án Nhân dân Trung cấp thứ hai thành phố Thiên Tân xét xử công khai, ngày 11 tháng 4 năm 2008 với tội danh lạm dụng chức quyền và tội tham ô và mức án 18 năm tù giam. Trần Lương Vũ, 63 tuổi, được đưa tới giam tại trại tù Tần Thành, Bắc Kinh.

Theo một bài đăng trên tờ Bình quả Nhật báo thì: phòng giam của Trần rộng khoảng 200 thước Anh vuông (khoảng 18m2) có nhà vệ sinh riêng và có máy giặt. Tường và giường ngủ đều được xử lý đặc biệt để đề phòng tự sát.

Mặc dù mất tự do nhưng ông Trần vẫn có thể đọc báo, xem TV với nội dung hạn chế, có thể đọc sách, đọc tài liệu và viết lách.  Tiêu chuẩn ăn mỗi ngày của ông gần 200 Nhân dân tệ (khoảng 560.000 VND) với 4 bữa ăn (ngoài 3 bữa sáng, trưa, chiều như thường lệ còn thêm bữa 9h30 tối). Trong tù ông Trần không mặc quần áo dành cho người tù mà vẫn mặc âu phục (nhưng không thắt cravat). Hàng ngày từ 9 giờ đến 10 giờ sáng ông ta được đi hóng gió, hoặc đi dạo, hoặc tập thái cực quyền, nhưng lúc nào cũng có 2 cảnh vệ đi kèm. Gia đình ông mỗi tháng được vào thăm và tiếp tế đồ dùng sinh hoạt một lần. Được biết ông ta đã đề xuất với trại giam xin dùng tiền cá nhân để cải thiện thêm bữa ăn trong đó có rượu vang đỏ, hạnh nhân... nhưng không được trại giam chấp nhận .

Chính trại này đã từng là nơi giam giữ “Bè lũ 4 tên” nổi danh trong Đại Cách mạng văn hóa, gồm: Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn (江青、张春桥、姚文元 và 王洪文) khi họ bị bắt.

Chúng ta biết rằng: sau khi Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông qua đời, cuộc đấu tranh giữa các nhà lãnh đạo trong Đảng Cộng sản với "bè lũ 4 tên"do Giang Thanh cầm đầu bước vào giai đoạn quyết định. Khi Mao Trạch Đông chết (09/9/1976) được một tháng, đến chiều 06/10/1976 bằng kế 開門缉盜 “khai môn tập đạo” (mở cửa bắt giặc), Hoa Quốc Phong (Thủ tướng), Diệp Kiếm Anh (Nguyên soái-Bộ trưởng quốc phòng), Uông Đông Hưng (người chỉ huy biệt đội 8341, đơn vị phụ trách bảo vệ an ninh cho Trung ương đảng) đã bắt gọn Tứ nhân bang四人帮, chấm dứt thời kỳ đại loạn 10 năm, đưa Đặng Tiểu Bình 鄧小平 trở lại chính trường (Uỷ viên Bộ Chính trị, phó Chủ tịch quân uỷ Trung ương và Tham mưu trưởng quân đội), mở ra trang sử mới.

Ngày 25/1/1981, “Tứ nhân bang”四人帮 bị đưa ra xét xử trước một phiên tòa đặc biệt mở tại trụ sở tại Bộ Công an ở số 1 đường Chính Nghĩa (Bắc Kinh) với tội danh chống Đảng với mức án tử hình đối với Giang Thanh, Trương Xuân Kiều. Nhưng án được hoãn thi hành 2 năm và sau đó được giảm xuống còn chung thân, tiếp tục được hạ xuống còn 18 năm và đều được giam tại Trại Tần Thành.

Để phục vụ cho việc giam giữ và xét xử những kẻ cầm đầu "bè lũ 4 tên", đội cảnh sát vũ trang đầu tiên của Trung Quốc đã được thành lập ngày 22/3/1978 tại nhà tù Tần Thành (Bắc Kinh). Lực lượng đặc biệt này bao gồm hơn 300 thành viên, được tuyển chọn từ 13 tỉnh trong cả nước. Tất cả đều đã trải qua các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt về nhân thân và tư cách đạo đức. Họ có nhiệm vụ quản lý những tội phạm đặc biệt: thành viên hai tập đoàn phản cách mạng Giang Thanh và Lâm Bưu. Mỗi tù nhân ở Tần Thành bị giam tại một khu vực mang mật danh riêng. Nghe nói hồi đó mỗi tù nhân ở Tần Thành bị giam tại một khu vực mang mật danh riêng, Cứ khoảng từ 9 đến 10 giờ, Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn... lại lần lượt được đi dạo trong sân nhỏ dưới sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát vũ trang.

 Tù nhân mang số hiệu "7604", bị giam ở khu vực số 203, rộng khoảng 20 m2 trong trại được 22 nữ cảnh sát áp giải, quản lý, giám sát mọi hành động, ngăn ngừa mọi âm mưu trốn trại, tự sát...chính là Giang Thanh, nguyên vợ thứ tư của Mao Trạch Đông và là kẻ cầm đầu "bè lũ 4 tên". 17/4/1978 là ngày đầu tiên Giang Thanh bị đặt dưới sự quản lý, giám sát của những nữ cảnh sát vũ trang ở nhà tù Tần Thành. Lý Hồng và Vương Quảng Trân phụ trách ca trực đầu tiên. Trong khi bị giam giữ, Giang Thanh vẫn giữ thói quen đội mũ lưỡi trai và mang kính gọng đen, thích tán gẫu và gây chuyện ầm ĩ, thường tản bộ hoặc múa Thái cực quyền.

Đồ ăn của nữ phạm nhân đặc biệt này được chuẩn bị riêng. Ngoài cơm và thức ăn, bà ta còn được dùng hoa quả, sữa...Trong phòng giam có radio nhưng Giang Thanh thích đọc sách báo hơn. Do vậy, bà ta dành phần lớn thời gian cho công việc này. Giang Thanh thường đọc Nhân Dân nhật báo, tạp chí Hồng Kỳ,  Tuyển tập Mao Trạch Đông.

Sau khi ra tù, Giang Thanh qua đời vào năm 1991, Vương Hồng Văn mất năm 1992, Trương Xuân Kiều mất năm 2005 và Diêu Văn Nguyên mất tháng 12/2005.
Logged

linh moi
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 669


« Trả lời #16 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2010, 07:26:50 am »

   Chả hiểu bác MT lập ra cái Topic này để làm gì nữa ... Quảng cáo , quảng bá . tuyên truyền cho lịch sử TQ Huh  Cộng thêm mấy chữ Tàu thì càng chả hiểu ra làm sao nữa ...Giá như bác cứ như bài đầu , kể lại những cái "mắt thấy , tai nghe..." thì hay hơn .
Logged
vitính
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 483


« Trả lời #17 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2010, 07:33:28 am »

Tôi cũng tưởng bác menthuong sẽ kể chuyện trại giam của bộ đội xây dựng TQ giam người của họ vi phạm kỉ luật trên đất ta mà bác được chứng kiến?
Logged
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2010, 08:19:29 am »


Vì là cửa ngõ, lại có sông Hồng nên khi thực hiện Nam chinh bành trướng đánh sang Đại Việt, quân Đại Hán thường qua đường này. Trong các cuộc chiến chống Tống, Nguyên thời Lý, Trần dân binh Quy Hóa là những người có công đầu trong việc cấp báo thông tin về triều, ngăn cản bước tiến quân địch khi chúng tiến đánh và chặn đánh khi chúng lui quân.


Bác menthuong xem lại giùm cái chữ tô đỏ nhé. Trong hai cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 và 1076, quân Tống không hề đi qua hướng Quy Hóa, Lào Cai.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #19 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2010, 10:57:46 am »

Tôi lại biết đến TQ qua cuộc chiến 02/1979 diễn ra trên dọc tuyến biên giới phía Bắc. Khi đó xã tôi (từ Km 31 đến Km 37 đường Hữu nghị 7) đối phương đã tràn qua, và có điểm cuộc đọ súng diễn ra rất ác liệt (ngày 22/02), đại bộ phận nhân dân sơ tán (người khai hoang về quê, dân bản địa rút về tuyến sau), số ở lại chủ yếu người vùng cao, già yếu. Cuộc chiến này nhiều tài liệu đã viết, tuy chưa thống nhất nhau. Tôi chỉ kể diễn biến của nó trên hướng Lào Cai ảnh hưởng đến gia đình mình.

Thực ra ngay từ cuối những năm 1960, trên tuyến Lào Cai, phía TQ đã ngấm ngầm phá hoại cột mốc, xâm lấn biên giới và đột nhập vũ trang. Những chuyện đó, hồi 1970-1973 chúng tôi có nghe loáng thoáng cũng như câu thơ “Rắn mình em chịu có sao đâu” những cứ tin rằng “chị hiền” ai lại đánh em!

Sau khi thống nhất đất nước, kỳ họp từ 22-27/12/1975, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá V, kỳ họp thứ 2 ra quyết nghị hợp nhất 3 tỉnh Lào Cai , Yên Bái, Nghĩa Lộ (trừ huyện Bắc Yên và Phù Yên về Sơn La) thành tỉnh Hoàng Liên Sơn (Ngày 3-1-1976). Tỉnh Hoàng Liên Sơn có 4 thị xã: Cam Đường, Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ và 16 huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát , Sa Pa, Bảo Thắng, Bảo Yên (mới lập từ 1966), Văn Bàn, Than Uyên, Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên, Trạm Tấu, Mù Căng Chải, Văn Chấn, Văn Yên. Tỉnh lị lúc đầu đặt tại thị xã Lào Cai (đi vào hoạt động từ 16/02/1976). Sau đó  tình hình biên giới phía Bắc trở nên căng thẳng. Sau các chiến dịch bao vây kinh tế, rút chuyên gia, Trung Quốc khơi chuyện “nạn Kiều”, tiến hành các hoạt động chiến tranh tâm lí, đưa lực lượng quân đội quy mô lớn, trang bị mạnh ra áp sát biên giới, chĩa pháo sang Việt Nam, khiêu khích vũ trang... gây tình hình rất phức tạp trên toàn quốc, nhất là các tỉnh biên giới. Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai (Tập III) thì đến 17/4/1978 đã có 6.979 người Hoa (1.287 người sống ở HLS) ồ ạt vượt qua biên giới Lào Cai sang TQ. Sau đó số người này lại bị đẩy trở lại gây tình trạng rối loạn, đặc biệt ngày 26/10/1978 với 3.800 người được đưa lên tám toa xe lửa, hàng trăm mảng nứa.

Trước tình hình đó, tháng 7/1978, theo quyết định của Bộ Quốc phòng, tỉnh Quảng Ninh được tách khỏi Quân khu 3, chuyển thuộc Quân khu 1 và một số tỉnh của Quân khu 1 tách ra để thành lập Quân khu 2 bao gồm Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Sơn La, Lai Châu, Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc, Phú Thọ). Đồng thời tháng 8/1978 các cơ quan của tỉnh chuyển từ Lào Cai về thị xã Yên Bái, hơn 2 vạn đồng bào tuyến I được sơ tán về tuyến sau.

Lúc này biên giới Tây Nam rất căng thẳng. Để tự vệ, Việt Nam đã xuất quân bẻ gẫy mũi vu hồi của kẻ xấu tại đây và giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng do Pôl Pốt-Iêng Sa Ri gây ra (07/01/1979).

Sáng Mồng 4 Tết (31/01/1979) chúng tôi lên Lục Nam,  Hà Bắc lao động. Trời rét cắt da. Dân đây rất nghèo, nhưng đông con và tốt bụng. Thứ bẩy  17/2 (21 tháng Giêng âm lịch) chúng tôi trở về trường. Dọc đường thấy các đơn vị bộ đội vẫn chưa nâng cấp báo động. Nhưng tới trường thì biết:  Chiến tranh biên giới đã nổ ra. Tôi nghĩ nhà mình cách BG 36 Km chắc TQ khó đánh đến nơi ! Sau này tôi mới biết tương đối chi tiết về cuộc chiến này

Sau khi chuẩn bị kĩ về dư luận, về lực lượng và kế hoạch, sáng thứ Bẩy 17/2/1979 (21 tháng Giêng Kỉ Mùi) Đặng Tiểu Bình (鄧小平; Dèng Xiǎopíng; 22/8/1904 - 19/2/1997) đưa 60 vạn quân gồm 32 Sư đoàn mở cuộc “dạy cho Việt Nam một bài học” trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, mở đầu Chiến tranh biên giới phía Bắc (1979-1989 年,北部边界战争). Trung Quốc chọn thời điểm này bởi 2 tháng sau mùa mưa ở vùng biên giới Việt - Trung bắt đầu, sẽ gây khó khăn cho vấn đề tiếp vận. Đồng thời, cũng tháng đó, băng tuyết trên biên giới Nga-Trung lại đã tan hết, tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội Liên xô nếu họ quyết định tấn công giúp đỡ Việt Nam. Cuối cùng, thời điểm tấn công được quyết định vào ngày thứ bảy 17-2-1979 là ngày các hãng thông tấn và truyền hình phương Tây ít làm việc, dân chúng đang nghỉ cuối tuần sẽ không gây phản ứng mạnh trong dư luận thế giới.

Tại Lào Cai, người bạn lớn, vốn “núi liền núi, sông liền sông” 山联山,江联江, một thời “môi hở răng lạnh” đã huy động hơn 15 vạn quân thuộc Quân đoàn 13, 14 (do tướng Dương Đắc Chí, tư lệnh Đại Quân khu Côn Minh chỉ huy) đồng loạt xuyên rừng đánh vào huyện Bát Xát, Mường Khương, bắc cầu phao qua sông Hồng, sông Nậm Thi tấn công tx Lào Cai rồi tiến xuống Sa Pa, Bảo Thắng. Ở nhiều nơi, quân Trung đã nguỵ trang thành bộ đội Việt để xâm nhập. Có người kể lại quân TQ từng sang tx Lào Cai xem phim từ tối 16/02! Với chiến thuật “biển người” cùng sự hỗ trợ của xe tăng, pháo kích, các đội quân “sơn cước” vốn từng sống ở vùng biên hoặc là người gốc Việt thông thạo địa hình, tấn công theo kiểu “bừa cào”, đối phương đã tràn qua 10 Đồn Biên phòng, 64 xã, 7 khu phố, 4 thị trấn thuộc 4 huyện, 2 thị xã của Hoàng Liên Sơn. Cầu Kiều, cầu Cốc Lếu, cầu Làng Giàng ở tx Lào Cai, các cây cầu dọc đường HN 7 từ tx Lào Cai đi Bắc Ngầm, đi Mường Khương (do chính bộ đội TQ làm năm 1966) bị phá sập; nhà máy Apatit bị tháo dỡ; nhiều công trình phúc lợi bị hủy hoại.

Những ngày đó, chiều chiều tôi đạp xe ra Ga Hàng Cỏ thấy đồng bào lũ lượt bồng bế nhau về quê tránh, gặp nhiều người quen nhưng chưa thấy người xóm tôi. Đúng hôm Chủ nhật (24/2) tôi đi Phú Xuyên thì gia đình xuống tới HN, bố vào Trường không gặp lại ra Ga ngay .Tối về, nghe anh Bé kể lại tôi đạp xe ra và gặp đủ cả nhà (bà, bố mẹ và 5 em). Thì ra khi "quân bành trướng" tiến tới Phong Hải (20/02) gia đình tôi mới rút, trú nhờ nhà anh Thiếp ở Xuân Quang vài hôm thấy không yên lại đi nhờ xe bộ đội đến Phố Ràng, chuyển tiếp Yên Bái và xuôi tầu về Hà Nội. Nếu không có cuộc chiến chắc Thuộc-Nghị sẽ chuẩn bị cưới. Nhiều chuyện cười ra nước mắt. Đúng là chạy loạn: chẳng hiểu thế nào mà mẹ tôi cho vào thúng gánh cả hòn đá mài chạy bộ nhiều đoạn xuống tận đây. Ngay đêm đó  gia đình đi tầu về  quê Hải Phòng, lúc chuẩn bị lên tầu mới phát hiện ra kẻ gian đã lấy mất đôi lốp xe đạp và cái đài!. Cả Đội 7 (An Phong) đều về quê,  không ai ở lại.

Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân dân Hoàng Liên Sơn diễn ra theo 3 giai đoạn (16-20/02; 21-25/02 và 26/02-04/3/1979). Sau những ngày cầm cự, tiêu hao sinh lực, cản bước tiến của đối phương và rút để bảo toàn lực lượng, các LLVTND Việt Nam vừa chiến đấu tại chỗ, bám chốt kết hợp tập kích, luồn sâu tấn công hình thành thế cài răng lược tiến tới phản công. Lào Cai đã tiêu diệt 14.500 lính, phá hủy 273 xe tăng, 30 khẩu pháo. Trong cuộc chiến này, huyện Bảo Thắng của tôi bị tàn phá nặng nề, Quân đoàn 13 Trung Quốc đã tiến đến Phố Lu (trên tuyến đường sắt), Bến Đền (đường 4E) và Bắc Ngầm (trên tuyến đường 7) nhưng cũng là địa bàn tiêu hao nhiều sinh lực đối phương ở Bản Phiệt, Bản Cầm (20/02), Bến Đền (26/02), Phong Hải (01/3), Phong Niên (03/03), Phố Lu...buộc họ không tiến xa và nhanh hơn được rồi tuyên bố rút quân vào ngày 05/3. Trên địa bàn Lào Cai việc đó được thực hiện bắt đầu từ  08/3 và đến 15/3/1979 rút khỏi Mường Khương và Bát Xát nhưng  PLA vẫn giữ một số điểm cao thuộc các mốc 11, 19, 22. Sau đó, TQ vẫn sử dụng quân đội áp sát biên giới, thường xuyên mở những cuộc lấn chiếm, tấn công nhỏ, pháo kích, thám báo xâm nhập, đặt mìn, tuyên truyền tâm lí…kéo dài mấy năm sau.

Từ 08/3 quân TQ đã rút khỏi địa bàn An Phong để lại trên triền đồi những dãy giao thông hào, hầm chiến đấu và những chăn, chiếu, màn của dân mà chúng vơ lên sử dụng. Sau chiến sự, bà con trong Đội, người trước, người sau lại trở về nơi cũ. Sau này tôi được biết khi bố và em gái lên đến nhà thì nhà đã cháy hết,  Thường còn bới được ít soong nhôm chảy,  bố nhặt được ít đinh ! May còn con lợn vì thả ra nên còn sống, chạy được về. Chăn màn phải lên chốt nhặt nhạnh. Thế là lại làm lại từ đầu ! Buồn cười là khi nhận hàng viện trợ do nhà bị cháy mẹ tôi nhận được toàn quần áo con nít, trong khi út Luận đã 9 tuổi!  Kiểm lại xóm tôi không chết một ai, chỉ mất tài sản, lợn gà bỏ lại. Riêng duy nhất có nhà tôi bị cháy. Tại đây cũng không xẩy ra mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, tài sản với đồng bào người thiểu số hay người Kinh kẹt lại. Mảnh pháo găm vào thân gỗ, bụi nứa làm mẻ nhiều dao, cưa khi chúng tôi phát nương hay lấy gỗ dựng lại nhà vào năm 1982.

Thời kì đó, các huyện thuộc Lào Cai cũ trở thành địa bàn lí tưởng cho bọn “chân đất” buôn lậu ma túy và hàng tâm lý, tình hình trật tự nóng bỏng, rừng bị tàn phá. Dân biên giới rút về tuyến sau, đất Tx Lào Cai cũ bỏ hoang cho lau sậy.

Ngay sau cuộc chiến, Chính phủ có những điều chỉnh địa giới vùng Lào Cai. Sau khi hợp nhất thị xã Lào Cai và Cam Đường thành thị xã Lào Cai bằng Quyết định ngày 17/4/1979 của Hội đồng Chính phủ và sau đó ra tiếp Quyết định số 61/CP ngày 26/02/1980 “điều chỉnh địa giới một số xã của các huyện Bảo Thắng, Mường Khương và thị xã Lào Cai thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn”. Theo đó, Bảo Thắng có 16 xã, 2 thị trấn và 1 tiểu khu. Đây là nơi đóng quân của nhiều đơn vị chủ lực (Quân đoàn 29, vốn là Quân đoàn 6 được thành lập 10/3/1980) và Sở chỉ huy tiền phương (đặt tại km 4+500, K3 cũ), Ban biên giới tỉnh (lập 1985). Các em tôi đều phục vụ tại Quân đoàn: Thuộc (Quân y), Tràng (Quân khí), Quang (Hoá học).

Đây cũng là thời kỳ mà thị xã Lào Cai cũ bỏ hoang, vùng Cam Đường (nơi đóng các cơ quan của thị xã Lào Cai mới) giao thông khó khăn (các cây cầu qua sông Hồng, cầu trên đường 7 vào thị xã đều bị đánh sập) nên thị trấn Phố Lu thành trung tâm của các huyện phía Bắc tỉnh, nơi đặt Ban chỉ huy tiền phương và là đầu mối giao thông quan trọng đi các huyện biên giới, sang Lai Châu. Đồng thời nó trở thành điểm xả hơi của bọn làm ăn phi pháp, cán bộ, bộ đội biến chất lắm tiền ở Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát xuống và điểm dừng chân trên đường từ xuôi lên tỉnh Lai Châu. Đây còn nổi tiếng, ví như Hồng Công vì đây là điểm trung chuyển hàng lậu qua biên giới.

Trong cuộc “chiến tranh phá hoại nhiều mặt” những năm 1980-1986, nhiều toán thám báo luồn sâu vào đất ta, nhiều cuộc pháo kích vào đất Mường Khương, những vụ buôn lậu “hàng tâm lý”, nổ súng, đặt mìn, xâm nhập, tranh chấp vùng biên của nhiều lực lượng, những vụ buôn lậu, thanh toán nhau giữa các nhóm “chân đất”... liên tục xẩy ra. Ví dụ vụ nổ mìn làm lật xe chở khách BKS 21A-16-74, gây chết 10 người, bị thương 23 người vào chiều ngày 10/8/1984 tại khu vực Km 1+500 thuộc địa bàn xã Mường Khương, huyện Mường Khương gây hoang mang trong dân chúng  hay vụ 4 người buôn thuốc phiện bị giết chiều 03/02/1985 tại khu vực bờ sông Chẩy thuộc địa bàn thôn Tả Lùng Chéng, xã Cao Sơn,  huyện Mường Khương,  giáp danh với xã Xín Chéng của huyện Bắc Hà.

Để buôn lậu, ngoài số cửu vạn chuyên nghiệp còn có một số quân nhân biến chất, bộ đội xuất ngũ không về địa phương ở lại buôn lậu nên tình hình căng thẳng một thời gian dài. Những đôi dép xuồng, lọ nước hoa Thượng Hải, máy khâu 5 con bướm, phích mầu đỏ, vỏ chăn con công...mua từ các chợ “âm dương” ở biên giới về và  ma tuý từ xuôi lên, từ Nghĩa Lộ, Lai Châu sang lén lút đưa sang TQ đã làm hỏng không ít cán bộ đảng viên, chiến sĩ.

Như vậy, cao điểm cuộc chiến là 17/02-8/3/1979 nhưng thực chất kéo dài đến tận 1986. Những năm 1980-1986 quân đội 2 bên vẫn áp sát biên giới, lực lượng bộ binh vẫn tấn công nhau, giành dật từng cứ điểm; pháo binh TQ vẫn bắn sang mà thiệt hại nặng nề là Mường Khương; lực lượng tinh nhuệ vẫn bí mật đột kích, tấn công gây căng thẳng dọc tuyến.

 Khi cuộc chiến xẩy ra, tôi đang học tại Học viện Quân y. Trong những năm 1982-1986 về công tác tại tỉnh biên giới nên hiểu được sự chuẩn bị của ta. Là người con mà gia đình bị cháy nhà khi sơ tán về quê, có thân nhân là liệt sĩ (1982), có bạn cùng khoá tử nạn trên chuyến xe bị đặt mìn (1984) và bao bận đi công tác vùng biên những ngày nóng bỏng 1982-1986, tôi hiểu những mất mát của chiến tranh, quan niệm về biên giới của phía bạn và dân ta ở vùng biên. Biên giới theo sông Hồng, sông Nậm Thi, sông Bá Kết, sông Chẩy đễ phân biệt, còn những đoạn đất liền rừng núi dân xen canh rất khó quản.

Rõ ràng là tuy vẫn Sơn thuỷ tương liên 山水相连, Văn hoá tương thông 文化相通, nhưng do Lý tưởng 理想 bất tương đồng 相同, Vận mệnh 命运 bất tương quan 相关 nên đã xẩy ra chiến tranh. Cuộc chiến này cả nguyên nhân, tương quan lực lượng, số thương vong cả 2 bên đều còn nhiều điểm mâu thuẫn trong các tài liệu, còn trong vòng bí mật, chưa mấy công khai.

Quá khứ buồn đau cho cả 2 dân tộc, nhất là bà con vùng giáp biên đã khép lại, mặc dù việc bình thường hoá đó kéo quá dài (đàm phán bị bỏ dở từ 01/1980 tới 9/1990 mới nối lại). Chúng ta khép lại vì nghĩa cả, vì toàn cuộc. Nhưng nhiều vết sẹo chưa liền, dấu tích cuộc chiến hồi 2/1979 cũng như dấu tích của công nhân quốc phòng TQ giúp Lào Cai năm 1966 vẫn còn hiện hữu. Bắt đầu từ sau ngày tái lập tỉnh Lào Cai (10/1991), thành tích cuộc chiến “bảo vệ Tổ quốc” giai đoạn 1979-1986,  kể cả dịp kỉ niệm 30 năm (2/2009) ít được nhắc đến nhưng chắc rằng chưa thể phai nhạt trong mỗi người dân vùng “phên dậu quốc gia”.

Đó đây có người, có cấp mất cảnh giác nhưng lại có những “chính trị sa lông” lớn tiếng, nhân danh lòng yêu nước để kích động những cái không đáng có! Cả 2 xu thế đó, theo tôi đều không nên. Những gì mà nhân dân TQ giúp Việt Nam, trong đó có Lào Cai chúng ta ghi nhớ, biết ơn cũng như những gì kẻ xấu gây hại cho dân ta, đất ta thì vẫn luôn là một bài học đâu chỉ cho hôm nay.

Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM