Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:18:21 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954  (Đọc 56399 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #10 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 11:42:43 am »

Sau chiến dịch biên giới, Hồ Chí Minh, lúc này đã có quan hệ hữu nghị với La Quý Ba, đã gửi điện cho trung ương ĐCS Trung Quốc, yêu cầu để La Quý Ba lưu lại Việt Nam, tiếp tục làm cố vấn cho trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đồng thời đề nghị Mao Trạch Đông phê chuẩn điều động vợ La Quý Ba là Lý Hàm Trân sang Việt Nam công tác. Mao Trạch Đông đã đồng ý và phê chuẩn Lý Hàm Trân sang Việt Nam tham gia đoàn công tác cố vấn chính trị.
Trong cả thời gian kháng chiến chống Pháp, La Quý Ba đã làm việc cùng Hồ Chí Minh, vì vậy, khi Chu Ân Lai bắt tay chuẩn bị cho hội nghị Genève, La Quý Ba là người đương nhiên được đưa vào phái đoàn Trung Quốc tham gia hội nghị. Ngày 22-3-1954, Trung ương ĐCS Trung Quốc gửi điện đến Cục Tây Nam để chuyển cho La Quý Ba: “Đồng chí Đinh (tức Hồ Chí Minh) sẽ đến Bắc Kinh vào khoảng ngày 27 tháng 3 để cùng với chúng ta nghiên cứu việc chuẩn bị cho hội nghị Genève. Trung ương quyết định đồng chí cùng tham gia công việc này. Đề nghị trở về Bắc Kinh trước ngày 27 tháng 3”. Vì lý do này nên La Quý Ba không được đồng hành cùng Hồ Chí Minh. Hơn một tuần sau, vào ngày 31 tháng 3, trung ương lại gửi điện cho La Quý Ba: “Trung ương quyết định đồng chí là thành viên phái đoàn dự hội nghị Genève. Nếu không có gì trở ngại đối với việc điều trị của đồng chí, hy vọng đồng chí có thể sớm về nước, để làm tốt công tác chuẩn bị”.
Nhằm vào đúng ngày 28 tháng 3 La Quý Ba bị ốm, suốt ngày sốt cao, khiến các bác sĩ cả Việt Nam và Trung Quốc ở căn cứ Việt Bắc hết sức lo lắng. Đến ngày 3-4-1954 bệnh tình có thuyên giảm, La Quý Ba báo cáo với Bắc Kinh rằng nếu không có diễn biến nào khác, ông chuẩn bị trở về Bắc Kinh trước ngày 10-4-1954.
Lúc này, Hồ Chí Minh đã tới Bắc Kinh. Ngày 1-4-1954, Chu Ân Lai, Vương Gia Tường, Sư Triết và Hồ Chí Minh cùng trên một máy bay đi Moskva. Mục đích của chuyến đi là nghe ý kiến của ban lãnh đạo Liên Xô về hội nghị Genève và phối hợp lập trường.
Đúng ngày xuất phát, Chu Ân Lai gửi điện cho Tổng biên tập Báo Nhân Đạo của Pháp chúc mừng kỷ niệm 50 năm thành lập báo. Bức điện viết “Nhân dân Trung Quốc vốn đang nỗ lực kiến thiết hoà bình sẽ kiến quyết phản đối chiến tranh, bảo vệ hoà bình. Chúng tôi nhất quán chủ trương dùng phương thức hoà bình để giải quyết mọi tranh chấp quốc tế, đồng thời chủ trương nhân dân các nước dưới các chế độ xã hội khác nhau, trong đó có nhân dân Trung Quốc và nhân dân Pháp, đều cần cùng tồn tại hoà bình”. Đây chính là lời kêu gọi của Chu Ân Lai với nhân dân Pháp.
Khi đến Moskva, Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh tham gia hội nghị bàn tròn do Tổng bí thư trung ương ĐCS Liên Xô Nikita Khrushev chủ trì, các lãnh đạo khác của Liên Xô như Malenkov, Molotov, Mikhail Suslov… cũng tham dự hội nghị. Về phía Trung Quốc còn có đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô Trương Văn Thiên.
Trước tiên, Chu Ân Lai trình bày tình hình chuẩn bị của Trung Quốc cho hội nghị Genève. Ông nói: “Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế này là một sự kiện rất đặc biệt, là một thắng lợi của chúng ta. Nếu chúng ta lợi dụng rất tốt cơ hội tham dự hội nghị lần này, nêu rõ những nguyên tắc lập trường đối với các vấn đề quốc tế, đồng thời có sự giải thích và làm rõ một số vấn đề liên quan, hoặc có thể giải quyết một số vấn đề, thì sẽ có những thu hoạch còn lớn hơn”.
Chu Ân Lai nói với Khrushev rằng do hai phe lớn trên thế giới hiện nay đều có ý muốn ngừng đối kháng vũ trang, vì vậy việc giải quyết một số vấn đề, như vấn đề Đông Dương, là có khả năng, cần phải nỗ lực đấu tranh.
Chu Ân Lai nêu rõ: “Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia một hội nghị như vậy, nên thiếu kiến thức và kinh nghiệm đấu tranh quốc tế, do đó Trung Quốc và Liên Xô cần giữ liên hệ chặt chẽ, thường xuyên trao đổi ý kiến, thông tin tình báo, hiệp đồng hành động”.
Khrushev trình bày quan điểm về hội nghị Genève. Ông nói: “Đây tuy là một hội nghị quốc tế có ý nghĩa chính trị, song không nên đặt quá nhiều hy vọng vào hội nghị này, cũng không nên kỳ vọng nó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề có khả năng hội nghị này cơ bản không giải quyết được vấn đề gì, cũng rất khó dự báo trước được kết cục”. Ý kiến này của Khrushev rõ ràng là trái ngược với suy nghĩ của Chu Ân Lai.
Tuy nhiên, khi Khrushev chuyển chủ đề, ý kiến lại phụ hoạ với Chu Ân Lai. Ông nói: “Chúng ta lại cân nhắc từ góc độ khác. Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam cùng tham gia hội nghị, đúng như đồng chí Chu Ân Lai đã nói, rõ ràng không phải là một việc bình thường, mà là một thắng lợi. Chúng lợi dụng cơ hội của hội nghị quốc tế lần này, nêu rõ nguyên tắc lập trường cũng như phương châm chính sách đối với tất cả các vấn đề, làm rõ một số vấn đề liên quan, đó là một sự thu hoạch. Nếu công việc tiến triển thuận lợi, có thể nêu rõ và giải quyết một số vấn đề, như vậy đã là những thu hoạch có ích rồi. Không thể ôm hy vọng quá lớn về hội nghị, song cũng nên tranh thủ đạt được kết quả nào đó. Điều này là có thể được, chứ không phải không tưởng, chủ nghĩa đế quốc cũng đang gặp khó khăn”.
Chu Ân Lai nói:
- Có một điểm nhỏ đáng chú ý khi Trung Quốc tham gia hội nghị Genève, đó là những vấn đề mà hội nghị sẽ giải quyết là vấn đề Triều Tiên và Đông Dương, tuy có mối quan hệ lợi hại thiết thân với Trung Quốc, nhưng lại không phải là vấn đề của chính Trung Quốc, do đó cần hết sức thận trọng. Việc tổ chức hội nghị là kết quả của sự thương lượng giữa Liên Xô và ba nước lớn Tây Âu, về bối cảnh của hội nghị, Trung Quốc không nắm rõ lắm, hy vọng Bộ Ngoại giao Liên Xô giới thiệu rõ hơn với Trung Quốc.
Trước đề nghị của Chu Ân Lai, Molotov đã giới thiệu tình hình chuẩn bị cho hội nghị Genève của Liên Xô. Ông nói: “Trong đấu tranh quốc tế cũng như các trường hợp ngoại giao, rất khó dự liệu được vấn đề gì, đặc biệt là không thể sắp đặt mọi thứ theo kế hoạch và phương châm mà mình đã định. Vì vậy, đối với bất kỳ vấn đề gì, đều không nên cho rằng sẽ phát triển theo hướng mình suy nghĩ hoặc mong muốn, cho dù với một vấn đề nào đó, chúng đã đã có trước suy tính, giả thiết, yêu cầu hoặc nguyện vọng. Vì vậy, trước mỗi việc chúng ta chỉ nên có một mục đích chung muốn đạt đến. Tất nhiên, chúng ta cũng cần phải có lập trường, thái độ và nguyên tắc rõ ràng của riêng mình, nhưng đồng thời cũng cần phải có tính linh hoạt cao, có khả năng dự kiến và cơ động. Có như vậy, chúng ta mới có thể làm được ở mức tốt nhất, mới đạt được mục đích mong muốn. Tóm lại, cần phải vừa đi vừa nghe ngóng, tuỳ cơ ứng biến, tìm được đối sách, linh hoạt ứng dụng”(1).
Chu Ân Lai ở lại Moskva ba ngày rồi trở về Bắc Kinh, báo cáo với Mao Trạch Đông tình hình chuẩn bị của hai bên Trung Quốc và Liên Xô đối với hội nghị Genève. Mao Trạch Đông rất hài lòng với báo cáo của Chu Ân Lai, đồng thời hoàn toàn có niềm tin với hội nghị sắp tới. Ông và Chu Ân Lai đều hy vọng trong thời gian diễn ra hội nghị, hoặc tốt nhất là trước khi khai mạc hội nghị, quân đội Việt Nam có thể đánh thắng tại Điện Biên Phủ. Nếu quả đúng như vậy, sẽ giúp phe phương Đông chiếm được vị trí rất có lợi tại bàn đàm phán. Mao Trạch Đông đồng ý để Chu Ân Lai một lần nữa đi Moskva tiếp tục bạn bạc với lãnh đạo Liên Xô.
Ngày 6-4-1954, Chu Ân Lai một lần nữa đi Moskva, cùng với các nhà lãnh đạo Liên Xô đi sâu xác định phương châm, đối sách của hai bên cũng như các hoạt động phối hợp về ngoại giao.
Từ khi Stalin qua đời tháng 3 năm 1953 đến năm 1956 là thời gian quan hệ mật thiết nhất giữa hai ĐCS Trung Quốc và Liên Xô. Trung Quốc hy vọng với sự giúp đỡ của Liên Xô sẽ đẩy nhanh xây dựng kinh tế, từng bước và tiến tới tích cực tham gia các công việc quốc tế; Các nhà lãnh đạo mới của Trung ương ĐCS Liên Xô thì hết sức hy vọng giành được sự ủng hộ của Trung Quốc, nhằm củng cố địa vị lãnh đạo của mình ở trong nước cũng trong phe phương Đông.
Ngày 7-4, Chu Ân Lai và Molotov tiến hành hội đàm, hai bên nhất trí để phía Liên Xô soạn thảo phương án cụ thể cho các cuộc đàm phán ở Genève. Molotov giới thiệu công tác chuẩn bị của phía Liên Xô, cho biết phái đoàn Liên Xô sẽ bao gồm các nhân tài trong nhiều lĩnh vực, và hy vọng Trung Quốc hết sức chú ý cho điểm này.
Chu Ân Lai nói rõ với Molotov rằng Trung Quốc hết sức coi trọng hội nghị này, tranh thủ lợi dụng hội nghị để mở ra cục diện ngoại giao, vì vậy cũng sẽ tổ chức một phái đoàn tương đối lớn hội tụ rất nhiều nhân tài.
Ngày 9-4, Chu Ân Lai, Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường và Hồ Chí Minh cùng với Malenkov, Khrushev, Molotov và Suslov tiến hành thảo luận về vấn đề Việt Nam. Trong hội đàm, phía Liên Xô bày tỏ tán thành “Ý kiến về phương châm chiến lược đối với Đông Dương” do Trung Quốc và Việt Nam đưa ra.
Chu Ân Lai nói trong vấn đề Đông Dương cần có sự đề phòng trước, nếu đề xuất việc cần phải có giới tuyến đình chiến, giới tuyến này xác định ở vĩ độ bao nhiêu sẽ có lợi cho phía Việt Nam lại vừa để đối phương có thể chấp nhận, cần nghiên cứu hết sức thận trọng. Chúng tôi cho rằng giới tuyến này càng nằm sâu về phía Nam càng tốt. Vĩ tuyến 16 độ Bắc có thể được coi là một trong những phương án để xem xét.
Phía Liên Xô cho biết về vấn đề này sẽ tuyệt đối tôn trọng ý kiến của phía Trung Quốc và Việt Nam.
Do cuộc thảo luận ban ngày đạt được nhất trí cao, nên buổi dạ tiệc tối hôm đó không khí rất náo nhiệt. Khrushev, Malenkov, Molotov và nhiều nhà lãnh đạo khác của Liên Xô đều không ngừng chúc rượu Chu Ân Lai. Chu Ân Lai thấy thịnh tình khó từ chối, nên hầu như không khước từ một ai.
Tửu lượng của Chu Ân Lai tương đối khá, tửu lượng của các nhà lãnh đạo Liên Xô cũng hết sức đáng khâm phục, kết quả là Chu Ân Lai uống quá nhiều, vừa kết thúc chiêu đãi ra khỏi cửa đã bị ói ra hết. Đây là sự việc rất hiếm gặp trong cuộc đời của Chu Ân Lai.
Molotov và đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô Trương Văn Thiên cùng đưa Chu Ân Lai về nơi nghỉ là nhà số 8 phố Ostrovskaia. Molotov luôn miệng nói “Đây quả là lỗi của chúng tôi, không chăm sóc đồng chí được tốt, chúng tôi rất ái ngại. Đây đúng là một bài học kinh nghiệm đối với chúng tôi, mọi trách nhiệm đều thuộc về chúng tôi hết”.
Đầu óc Chu Ân Lai vẫn vô cùng tỉnh táo, liên tục tỏ lời xin lỗi với Molotov(2).
Sáng sớm hôm sau, Chu Ân Lai tỉnh rượu, lòng vô cùng lo lắng vì sự việc “quá chén” tối hôm trước. Ông vốn dự định ngày 10-4 lên máy bay về Bắc Kinh, nhưng do sức khỏe không tốt nên đành lùi lại một ngày. Lần say rượu này đã nhắc nhở Chu Ân Lai cẩn thận hơn. Trong tiến trình hội nghị Genève sau đó, ông đã tham gia biết bao nhiêu yến tiệc, song không bao giờ lặp lại sơ suất nào như vậy.
Ngày 12-4-1954, Chu Ân Lai, Vương Gia Tường và Hồ Chí Minh lên máy bay về Bắc Kinh. Những cuộc thương lượng liên tục trong đầu tháng 4 đã giúp Trung Quốc và Liên Xô hiểu rõ về nhau hơn, thống nhất được quan điểm trong các vấn đề. Thư ký của Trương Văn Thiên lúc đó là Lý Hối Xuyên nhớ lại thời kỳ này nói: “Đối với các phương án cho hội nghị Genève, giữa Trung Quốc và Liên Xô có một điểm không thống nhất ý kiến, chủ yếu là do lúc đầu Liên Xô dự định ủng hộ Đông Dương trở thành “khu vực trung lập vĩnh viễn”, các nước lớn sẽ bảo đảm điều này. Nhưng Chu Ân Lai không đồng ý, cho rằng làm gì có sự trung lập vĩnh viễn, không thể có chuyện đó. Qua nỗ lực cố gắng, Trung Quốc đã khiến Liên Xô từ bỏ chủ trương này. Trước ngày khai mạc hội nghị, tôi nghe Chu Ân Lai nói dự định khi hội nghị đề cập vấn đề này, chúng ta sẽ loại bỏ hai từ “vĩnh viễn”(3).
Lần này từ Moskva trở về Bắc Kinh, tính đến tính chất phức tạp của hội nghị Genève, Chu Ân Lai lại có suy nghĩ khác về việc La Quý Ba có tham gia hội nghị hay không. Giữa tháng 4, ông gửi điện cho La Quý Ba nói hãy cứ yên tâm dưỡng bệnh, cố gắng tiếp tục công tác tại Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam đánh thắng trận Điện Biên Phủ, để tạo thế hỗ trợ cho đàm phán ở Genève. Ngày 13-4-1954, Chu Ân Lai điện thoại cho Lý Khắc Nông, lần cuối cùng thảo luận vấn đề thành phần phái đoàn dự hội nghị. Chu Ân Lai thông báo trung ương đã quyết định để La Quý Ba không tham dự hội nghị nữa.
______________________
Chú thích:
1 Lý Liên Khánh, Những năm tháng nóng lạnh: chìm nổi trong quan hệ Trung - Xô, Thế giới Tri thức XBX, 1999, tr. 177-178.
 2  Sư Triết, Đỉnh cao và đáy khe, Hồng kỳ XBX, 1992, tr. 127-129.
3 Tác giả phỏng vấn Lý Hối Xuyên tại Bắc Kinh ngày 15-1-1996.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #11 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 11:44:30 am »

Quả nhiên, La Quý Ba lưu lại căn cứ địa của Việt Nam đã phát huy tác dụng rất lớn, góp phần thúc đẩy hội nghị Genève từ một phương diện khác. Ngày 2-11-1995, La Quý Ba do bệnh nặng đã qua đời ở Bắc Kinh, thọ 88 tuổi. Trước khi quả tim ngừng đập, với nghị lực kiên cường, ông đã hoàn thành hồi ký dài, phần nội dung có liên quan hội nghị Genève là một chương quan trọng trong cuốn sách này.
Theo đề nghị của Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông đã phê chuẩn thành phần phái đoàn Trung Quốc tham dự hội nghị Genève.
Trưởng đoàn: Chu Ân Lai (Thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Ngoại giao).
Đại biểu:
Trương Văn Thiên (Thứ trưởng Ngoại giao, đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô)
Vương Gia Tường (Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng Ban liên lạc trung ương ĐCS Trung Quốc)
Lý Khắc Nông (Thứ trưởng Ngoại giao)
Bí thư trưởng: Vương Bỉnh Nam (Chủ nhiệm Văn phòng Bộ Ngoại giao)
Cố vấn (10 người):
Lôi Nhiệm Dân (Thứ trưởng Bộ Ngoại thương)
Sư Triết (Cục trưởng Cục Biên dịch Trung ương)
Kiều Quán Hoa (Phó chủ nhiệm Uỷ ban chính sách Bộ Ngoại giao)
Hoàng Hoa (Giám đốc Sở ngoại vụ Thượng Hải)
Trần Gia Khang (Vụ trưởng Vụ châu Á Bộ Ngoại giao)
Hà Bách Niên (Vụ trưởng Vụ Mỹ-Australia, Bộ Ngoại giao)
Hoạn Hương (Vụ trưởng Vụ Âu - Phi Bộ Ngoại giao)
Long Bành (Vụ trưởng Vụ báo chí Bộ Ngoại giao)
Lôi Anh Phu (Phó trưởng Ban tác chiến Bộ Tổng tham mưu)
Vương Trác Như (Vụ trưởng Vụ lễ tân Bộ Ngoại giao).
Ngày 14-4, Bí thư trưởng chính phủ nhân dân trung ương Lâm Bác Lương thông báo cho Chu Ân Lai rằng Chủ tịch Mao Trạch Đông đã có quyết định cuối cùng, cử ông làm trưởng đoàn đại biểu CHND Trung Hoa tham gia hội nghị Genève; Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường và Lý Khắc Nông là đại biểu, và chỉ thị, đợi đến khi hội đồng chính phủ nhân dân trung ương tiến hành họp mới chính thức giao nhiệm vụ và tiến hành các thủ tục quyết định. Qua đó có thể thấy Mao Trạch Đông đã cân nhắc rất kỹ việc Trung Quốc tham gia hội nghị.
Cùng ngày, sau khi được Mao Trạch Đông phê chuẩn, uỷ viên Bộ Chính trị trung ương, đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô Trương Văn Thiên được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao (kiêm nhiệm chức đại sứ). Vì vậy, việc chuẩn bị cho hội nghị Genève sắp khai mạc là việc quan trọng đầu tiên của Trương Văn Thiên trên cương vị Thứ trưởng Ngoại giao.
Trong tháng 3 và tháng 4, Chu Ân Lai đã đích thân thụ ý, chỉnh sửa và thẩm định các dự án của hội nghị Genève: “Ý kiến sơ bộ về phương án hoà bình thống nhất Triều Tiên”, “Ý kiến sơ bộ về giải quyết hoà bình vấn đề Đông Dương”, cùng các bài phát biểu khi tới sân bay Genève, phát biểu về vấn đề Triều Tiên và Đông Dương tại hội nghị.
Ban đầu, Bộ Ngoại giao đã chuẩn bị tài liệu viết cho Chu Ân Lai về 8 chuyên đề, là: Triều Tiên, Việt Nam, Nhật Bản, Đài Loan, căn cứ quân sự của Mỹ, cấm vận, quyền đại biểu tại LHQ, cắt giảm quân sự và năng lượng nguyên tử.
Chu Ân Lai lại bổ sung thêm 7 chuyên đề yêu cầu Bộ Ngoại giao chuẩn bị, là: ngoại thương Trung Quốc, quan hệ văn hoá đối ngoại của Trung Quốc, quan hệ Trung Quốc - Liên Xô, quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á, quan hệ giữa Trung Quốc với Anh, Pháp và các nước đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Trung - Mỹ và vấn đề xây dựng đất nước.
Ngày 12-4-1954, khi Chu Ân Lai trở về Bắc Kinh cũng đúng là thời điểm chiến trường Điện Biên Phủ gay go ác liệt nhất. Quân Pháp bị vây chặt trong thung lũng Điện Biên Phủ đang điên cuồng tập trung lực lượng tinh nhuệ quyết đấu với quân Việt Nam hòng cứu vãn tình thế thất bại. Trong một trận giao chiến ác liệt, trung đoàn chủ lực 102 của sư đoàn chủ lực 308 bị tổn thất nặng nề ở vùng núi phía đông Điện Biên Phủ.
Tin tức của cuộc huyết chiến ở phía Đông Điện Biên Phủ lập tức được báo cáo về Bắc Kinh và chuyển đến cho lãnh đạo quân uỷ trung ương và Bộ trưởng Quốc phòng Bành Đức Hoài. Sự việc nói trên khiến cho ban chỉ huy tiền tuyến của quân đội Việt Nam có phần hơi hoài nghi về lực lượng của mình, và đã gửi điện cho phía Trung Quốc, hy vọng Trung Quốc cử các chỉ huy các cấp đến Điện Biên Phủ, tham gia chỉ huy tác chiến tại đây. Bức điện còn nêu rõ hy vọng quân giải phóng Trung Quốc phái bộ đội tinh nhuệ đến tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ.
Phía Trung Quốc đã nhiều lần nói rõ với Việt Nam rằng Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ chiến dịch Điện Biên Phủ, cung cấp cho Việt Nam mọi hỗ trợ có thể, nhưng có một điều là không thể trực tiếp xuất binh tham chiến tại Điện Biên Phủ. Thế nhưng, giờ đây phía Việt Nam một lần nữa đề cập đến việc muốn Trung Quốc xuất binh, Bành Đức Hoài đã trả lời ra sao?
Trong những ngày xuân trong sáng này, thư ký quân sự Hứa Chi Thiện, người đã ở bên cạnh Bành Đức Hoài suốt nhiều năm và theo Bành Đức Hoài sang Triều Tiên từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên mới bùng phát, lại chuẩn bị rời xa Bành Đức Hoài để đi học tập chuyên tu tại Học viện quân sự. Đúng lúc Hứa Chi Thiện chuẩn bị đến từ biệt Bành Đức Hoài, bức điện mà Tổng quân uỷ Việt Nam gửi cho Trung Quốc đề nghị tiếp tục chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ đã nằm trong tay Hứa Chi Thiện và do ông cầm đến để Bành Đức Hoài xem xét.
Bước vào Vĩnh Phúc đường trong Trung Nam Hải, Hứa Chi Thiện đã trao bức điện quan trọng này đến tận tay Bành Đức Hoài, cho Bành Đức Hoài biết đây là điện khẩn. Nói xong ông quay ra, trong lòng bỗng có cảm giác rất lưu luyến, không muốn rời xa Bành Đức Hoài, rời xa Vĩnh Phúc đường đã rất đỗi thân quen với mình. Và ông dừng lại.
Bức điện không dài, Bành Đức Hoài một loáng đã đọc xong. Ông ngẩng đầu gọi Hứa Chi Thiện đang trực bước ra ngoài: “Tiểu Hứa, anh xem, họ đã gửi điện tới, họ chiến đấu rất gian khổ tại Điện Biên Phủ, muốn chúng ta xuất quân chi viện. Họ có ý như vậy, theo anh chúng ta nên giải quyết thế nào?”
Nói xong, Bành Đức Hoài nhìn vào Hứa Chi Thiện.
Trước mặt các quan chức quân sự cấp dưới, Bành Đức Hoài thường rất nghiêm khắc, nghiêm khắc đến nỗi khiến cả các thượng tướng hay trung tướng đều phải e ngại. Thực ra, đó chỉ là một mặt trong tính cách của Bành Đức Hoài. Nếu không phải trên chiến trương, khi ông ở bên cạnh các cộng sự, nhất là khi nói chuyện với các chiến sĩ bình thường, Bành Đức Hoài rất thân thiện, cởi mở. Có được không khí hoà nhã và thẳng thắn như vậy, khi được hỏi, các thư ký của Bành Đức Hoài luôn luôn nói thẳng không vòng vo.
Hứa Chi Thiện suy nghĩ giây lát rồi trả lời: “Tôi cho rằng chiến dịch Điện Biên Phủ nên để bộ đội Việt Nam đánh và hoàn thành. Chúng ta dù sao vẫn là hai quốc gia, chúng ta không nên lộ diện trực tiếp chỉ huy chiến dịch này, càng không nên phái binh sĩ đi đánh, mà chỉ có thể đưa ra ý kiến về việc đánh thế nào, đánh ra sao thôi. Bộ đội Việt Nam cũng đã chiến đấu mấy năm rồi, nhất là thời điểm trước chiến dịch Điện Biên Phủ, họ đánh cũng tương đối khá, đã có một số kinh nghiệm, có khả năng tiếp tục chiến đấu, vì vậy chúng ta không cần xuất quân”.
Bành Đức Hoài nghe vậy rất hài lòng, nói: “Trả lời rất tốt, rất đúng, đúng là như vậy”.
Nói xong, Bành Đức Hoài cầm bút, đích thân viết một bức điện ngắn gọn trả lời, sau đó lập tức chỉ thị Hứa Chi Thiện mang điện đến cho Mao Trạch Đông. Bức điện có nội dung, cần phải chuẩn bị đầy đủ kỹ càng cho chiến dịch Điện Biên Phủ, việc tổ chức và chỉ huy chiến dịch vẫn phải do phía Việt Nam đảm nhiệm, chúng ta không thể thay thế được.
Mao Trạch Đông nhận điện xong lập tức phê chuẩn.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #12 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 11:48:55 am »

Chương 6

Nhân tài hội tụ trong đoàn đại biểu Trung Quốc


Những mảnh đất vàng, đất đen, đất đỏ của Trung Quốc đã thai nghén trong nó hàng nghìn năm văn minh lịch sử. Hoàng Hà, Trường Giang đều cuồn cuộn chảy dòng chảy trí tuệ, năm này qua năm khác đã nuôi dưỡng những tâm hồn con cháu Viêm hoàng. Đoàn đại biểu Trung Quốc đã hội tụ được một loạt các nhân tài ưu tú. Chu Ân Lai - lúc đó là thủ tướng Trung Quốc - tự hào nói về chất lượng của đoàn đại biểu lần này: “Đây giống như một vở diễn lớn của Mai Lan Phương(1), mỗi một người là một bộ phận kỳ hoàn hảo, tạo nên một khối thống nhất mạnh mẽ”.
Vương Bỉnh Nam - Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận mệnh lệnh của Chu Ân Lai tổ chức các nhóm tham gia đoàn đại biểu Trung Quốc. Khi báo cáo với Chu Ân Lai về ý nghĩa trọng đại của chuyến đi Genève lần này, Vương Bỉnh Nam nói rằng “đây là lần đầu tiên chúng ta tham gia hội nghị quốc tế lớn kể từ sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập. Vì vậy nên cử nhiều người tham gia, và phải bao gồm các chuyên gia trên mọi lĩnh vực. Một là để mở rộng nhu cầu công việc, hai là tạo cơ hội tốt để mọi người biết thế nào là đấu tranh ngoại giao trên trường quốc tế.
Chu Ân Lai đồng ý với ý kiến của Vương Bỉnh Nam. Lúc đó, khi biết đoàn đại biểu của Liên Xô gồm hơn 200 thành viên tham gia, Chu Ân Lai nói: “đoàn đại biểu của chúng ta có thể đi 200 người”.
Vương Bỉnh Nam đã lập danh sách các thành viên tham gia để khi Chu Ân Lai xem xét, nhìn vào bản danh sách, từ đáy lòng ông có thể tự hào vì người thuộc cấp của mình có thể tập hợp được nhiều nhân tài ưu tú như vậy.
Những mảnh đất vàng, đất đen, đất đỏ của Trung Quốc đã thai nghén trong nó hàng nghìn năm văn minh lịch sử. Hoàng Hà, Trường Giang đều cuồn cuộn chảy dòng chảy trí tuệ, năm này qua năm khác đã nuôi dưỡng những tâm hồn con cháu Viêm Hoàng, làm cả thế giới phải kinh ngạc về trí tuệ cũng như lực lượng của họ. Trên mảnh đất này, một khi gột rửa được hết những vết bẩn trong lịch sử các vương triều phong kiến, xây dựng được một cơ chế xã hội hoàn toàn mới, tràn đầy sức sống, thì Trung Quốc sẽ đi lên con đường huy hoàng, ngẩng cao đầu trước các dân tộc trên thế giới. Nếu như những bậc tiền bối trong lịch sử cũng được xem qua bản danh sách này, họ cũng sẽ có những cảm xúc giống như Chu Ân Lai.
Đầu tiên hãy xem Bí thư trưởng, đoàn đại biểu Vương Bỉnh Nam là ai.
Vương Bỉnh Nam (1908-1988), sinh ra trong một gia đình giàu có tại huyện Càn thuộc tỉnh Thiểm Tây, sớm tham gia cách mạng. Năm 1925, Vương Bỉnh Nam tham gia Đoàn Thanh Niên Cộng sản Trung Quốc. Năm 1926, gia nhập ĐCS Trung Quốc và tiến hành các hoạt động xây dựng đảng tại các huyện Càn và Thuần Hoá. Năm 1929, ông là lưu học sinh Nhật Bản. Năm 1931, dưới sự giúp đỡ của Dương Hổ Thành, ông đi du học tại Đức. Khi là lưu học sinh tại Đức, ông đã đảm nhiệm chức Thư ký ban tiếng Trung Quốc của ĐCS Đức, và kết hôn với một phụ nữ người Đức. Năm 1936, ông về nước làm việc cùng Dương Hổ Thành tại đạo quân thứ 17. Trong “sự biến Tây An” xảy ra không lâu sau đó, ông đã giúp Chu Ân Lai làm rất nhiều việc, phát huy tác dụng tích cực.
Sau khi cuộc chiến chống Nhật nổ ra, Chu Ân Lai với vai trò là đại biểu ĐCS Trung Quốc thường trú tại khu giải phóng, và phụ trách công việc của Cục miền Nam - ĐCS Trung Quốc, thì Vương Bỉnh Nam đều là trợ thủ của Chu Ân Lai. Năm 1938, Cục miền Nam thành lập “Tổ tuyên truyền đối ngoại”, do Vương Bỉnh Nam trực tiếp phụ trách, thành viên gồm có: người vợ mang quốc tịch Đức- Vương Anna của Vương Bỉnh Nam, nhà văn Tất Sóc Vọng, Hứa Mạnh Hùng v.v. Các thành viên của tổ tuyên truyền này đều thông thạo tiếng Anh, nhiệm vụ chủ yếu khi mới hoạt động là dịch các văn kiện của Mao Trạch Đông, như “Bàn về đánh lâu dài”, cùng những thông cáo đối ngoại của trung ương ĐCS Trung Quốc.
Năm 1939, Diệp Kiếm Anh thay mặt Cục miền Nam tuyên bố thành lập “tổ đối ngoại” của ĐCS Trung Quốc. Vương Bỉnh Nam làm tổ trưởng, Trần Gia Khang là tổ phó, thành viên gồm có: Kiều Quan Hoa, Cung Bành, Lý Thiếu Thạch, Chương Văn Tấn, Lưu Quang, Trần Khiết v.v. Tổ đối ngoại này triển khai công tác dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chu Ân Lai.
Sau khi kháng chiến thắng lợi, khi Mao Trạch Đông đến Trùng Khánh đàm phán thì Vương Bỉnh Nam đã từng làm thư ký cho ông. Sau khi nội chiến nổ ra trên diện rộng, Vương Bỉnh Nam trở về khu giải phóng, đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Vụ Đối ngoại - Trung ương ĐCS Trung Quốc. Sau khi thành lập nước CHND Trung Hoa, Bộ Ngoại giao được thành lập. Vương Bỉnh Nam được cử làm Chánh Văn phòng Bộ ngoại giao. Đầu năm 1954, Vương Bỉnh Nam làm Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chánh văn phòng.
Công tác chuẩn bị cho hội nghị Genève rất phức tạp, khối lượng công việc lớn, nên Vương Bỉnh Nam vô cùng bận rộn. Ông tổ chức xây dựng các chế độ và công việc cho đoàn đại biểu, sắp xếp các thành viên của các tổ, chuẩn bị các tài liệu về tất cả những lĩnh vực mà hội nghị sẽ đề cập đến. Kể cả việc các thành viên đoàn đại biểu mặc gì đi tham gia hội nghị cũng được ông tính đến. Về việc này, còn có một câu chuyện rất thú vị. Vương Bỉnh Nam thấy rằng khi đã tham gia hội nghị quốc tế thì trang phục của đoàn đại biểu Trung Quốc nhất định phải trang trọng và nghiêm túc, nên ông đã chọn loại vải màu đen, may cho mỗi người một bộ trang phục kiểu “Trung Sơn”. Đến Genève, khi các thành viên của đoàn đại biểu Trung Quốc tập trung đi trên phố, mọi người đi trên đường ai nấy đều đứng nghiêm, bỏ mũ cúi chào họ, khiến các đại biểu Trung Quốc rất ngạc nhiên. Sau đó mới biết rằng, ở Thuỵ Sĩ, chỉ có mục sư mới mặc bộ đồ đen từ đầu đến chân trong ngày thường, người Genève vì thế tưởng những người Trung Quốc này là những mục sư đi truyền giáo. Mấy chục năm sau, khi Vương Bỉnh Nam nhớ lại đã viết rằng: “Đây tuy là chuyện nhỏ, nhưng cũng cho thấy rõ chúng ta lần đầu bước ra trường quốc tế còn có rất nhiều điều phải học hỏi”(2).
Vương Bỉnh Nam xem xét tỉ mỉ đến các vấn đề như thế không phải là không có lý do, Chu Ân Lai còn thường xem xét tỉ mỉ hơn. Ông dặn dò Vương Bỉnh Nam phải sắp xếp hai đầu bếp giỏi trong đoàn đại biểu để trong thời gian Hội nghị Genève ông phải tiếp khách và giao lưu bè bạn.
Chu Ân Lai rất thích uống một chút rượu. Ông dặn Vương Bỉnh Nam và Vương Trác Như phụ trách lễ tân mang theo một ít rượu Mao Đài, Quý Châu, để người châu Âu có thể thử được “ngọc trong rượu Trung Quốc”. Chu Ân Lai thậm chí còn không quên dặn dò mang theo chè uống. Ông yêu cầu mang thêm một ít “Bích Loa Xuân” mới hái ở Đông Sơn, bên bờ Thái Hồ tại Tô Châu, để hương thơm nho nhã của nó có thể bay đến Genève xa xôi.
Khi tham gia hội nghị quốc tế thì vấn đề phiên dịch là vô cùng quan trọng. Vương Bỉnh Nam không lo về phiên dịch cả tiếng Anh lẫn tiếng Nga. Hai thứ tiếng này nhân tài vô cùng nhiều. Hai anh em Phổ Thọ Xương và Phổ Sơn đều đi du học ở Mỹ về, nói tiếng Anh lưu loát, trơn tru, không có gì để thắc mắc. Hơn nữa, ngoài lãnh đạo đoàn đại biểu Trương Văn Thiên còn có Hoàng Hoa, Cung Bành và Chương Văn Tấn cũng có thể tự mình phiên dịch.
Lần này, còn có một thanh niên tham gia công tác phiên dịch cho đoàn đại biểu là Ký Triều Chú. Lúc đó ông vẫn chưa có tên tuổi gì, về sau ông trở thành nhà phiên dịch tiếng Anh xuất sắc nhất Trung Quốc. Từ năm 1992 đến năm 1996 ông giữ chức Phó Tổng thư ký LHQ.
Ký Triều Chú sinh năm 1929 trong một gia đình giàu có ở Sơn Tây. Cha ông là Ký Cống Tuyền, cũng là một nhân vật nổi tiếng ở tỉnh Thiểm Tây. Ký Cống Tuyền sớm đã đi du học ở Nhật, đạt được học vị cử nhân Luật trường đại học Minh Trị. Sau khi về nước, ông từng làm việc ở Bộ Giáo dục của Chính phủ Bắc Dương. Lãnh đạo cấp trên của ông lúc đó chính là đại văn hào Lỗ Tấn. Ký Cống Tuyền làm việc ở Bắc Kinh không lâu thì trở về Sơn Tây, đảm nhiệm giáo viên chính trường Luật tại tỉnh, sau đó là hiệu trưởng, rồi làm Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Sơn Tây. Trước khi chiến tranh chống Nhật nổ ra, Ký Cống Tuyền đưa vợ và con trai sang Mỹ. Năm đó, Ký Triều Chú 9 tuổi. Năm 1940, Ký Cống Tuyền và Đường Minh Chiếu cùng sáng lập ra “Nhật báo Hoa kiều hàng tuần” tại Mỹ. Ký Cống Tuyền là Tổng biên tập.
Tại New York, Ký Triều Chú đã học xong bậc tiểu học và trung học, sau đó thi vào Đại học Havard học chuyên khoa hoá. Lúc còn nhỏ, sở thích của ông rất nhiều, đã từng chuyên tâm vào khảo cổ học, sau đó lại chuyển sang lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật. Nhưng cha ông, Ký Công Tuyền, lại luôn muốn con trai mình học ngành khai thác khoáng sản, về sau trở về Sơn Tây khai khoáng. Lệnh cha không thể trái, Ký Triều Chú chọn hoá học, lý do vì ngành khai thác khoáng sản không thể tách rời hoá học, nên Ký Triều Chú chỉ có thể chọn như vậy.
Ký Triều Chú học được hai năm ở Đại học Havard thì chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Ký Cống Tuyền lo sợ phát sinh bất trắc không trở về nước được nên nhanh chóng đưa cả nhà về nước. Sau khi về nước, Ký Cống Tuyền làm Ủy viên chuyên môn Ủy ban pháp chế của chính phủ trung ương, sau đó ông trở về Sơn Tây làm Ủy viên chính quyền nhân dân tỉnh, năm 1967 thì mất. Ký Triều Chú sau khi về nước tiếp tục theo đuổi “giấc mộng hoá học” ở Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.
Đàm phán đình chiến Triều Tiên cần gấp nhân tài tiếng Anh. Ký Triều Chú một lòng tận tâm báo quốc, trở thành nhân viên tốc ký tiếng Anh cho đoàn đại biểu đàm phán của quân tình nguyện Trung Quốc đến Triều Tiên. Trong quá trình đàm phán gay cấn, năng lực tiếng Anh của ông nhanh chóng được bộc lộ. Lần này, tham gia hội nghị Genève, Chu Ân Lai điện báo gọi Hoàng Hoa và Kiều Quan Hoa trở về. Ký Triều Chú cũng đến Bắc Kinh để tham gia công tác chuẩn bị cho hội nghị Genève.
Tiếng Anh sử dụng rộng rãi, người học rất nhiều, tự nhiên sẽ xuất hiện nhân tài, Vương Bỉnh Nam tất có tính toán.
Thế còn phiên dịch tiếng Nga thì sao? Nhà cách mạng lão thành Sư Triết là phiên dịch tiếng Nga đầu ngành, không có gì phải tranh cãi. Ông sinh năm 1905, sau đó làm việc 15 năm tại Liên Xô, trước và sau khi nước Trung Quốc mới ra đời thì các cuộc hội đàm quan trọng giữa hai nước Trung Quốc - Liên Xô đều do ông làm phiên dịch. Các phiên dịch viên tiếng Nga một thời như Lý Việt Nhiên, Phương Tổ An đã tỏ ra tương đối xuất sắc, tương lai sẽ có đất dụng võ. Ngoài ra, còn có con gái liệt sĩ Âu Dương Phi từ nhỏ đã sống ở Moskva. Bà thông thạo tiếng Nga như người Nga nói tiếng mẹ đẻ. Vương Bỉnh Nam đặc biệt quan tâm chính là phiên dịch tiếng Pháp, vì Genève là khu vực nói tiếng Pháp. Lần này đi là muốn giao lưu với người Pháp, nên nhất thiết phải có người thông thạo tiếng Pháp.
Nhân viên Bộ Ngoại giao tiến cử với Vương Bỉnh Nam một số người, trong đó có Đồng Ninh Xuyên, hiện đang làm việc tại Ban thư ký Hội nghị hoà bình thế giới ở Tiệp Khắc; giáo sư Trân Định Dân, Khoa tiếng Pháp Đại học Bắc Kinh, và Viên Bảo Hoa hiện đang công tác ở Bộ ngoại giao vừa đi du học Pháp về không lâu. Ngoài ra, còn có thanh niên Trương Tích Xương vừa tốt nghiệp đại học, là phiên dịch tiếng Pháp chủ yếu.
Tiếng Pháp của cả bốn người đều rất xuất sắc. Vấn đề chỉ là chọn ai làm phiên dịch chính? Vương Bỉnh Nam nói, vấn đề này cũng không khó, chỉ cần kiểm tra là biết. Vì thế, Vương Bỉnh Nam đích thân chủ trì, mời hai người Lăng Kỳ Hàn, Mạnh Cúc Như đã từng làm việc tại đại sứ quán Dân Quốc tại Pháp tham gia khởi nghĩa trở về, nói tiếng Pháp cực giỏi tham gia ban giám khảo. Ngoài ra, còn có một quan chức tại đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cùng làm giám khảo, dùng tiếng Pháp kiểm tra luân phiên bốn người, gồm dịch nói, dịch viết và dùng tiếng Pháp trả lời các câu hỏi. Kiểm tra hết một ngày tròn, Vương Bỉnh Nam sau đó nói với Đổng Ninh Xuyên: “ông đã được chọn làm phiên dịch chính cho thủ tướng Chu Ân Lai, nên phải chuẩn bị tốt. Nhiệm vụ phiên dịch lần này rất quan trọng, nhất định phải tận tâm tận lực. Những vị khác cũng đi Genève, nhưng khi phiên dịch thì ông là phiên dịch chính”.
Đổng Ninh Xuyên dáng vẻ tao nhã lịch sự, ông là người Đại Lý - tỉnh Vân Nam, sinh năm 1919. Từ nhỏ, Đổng Ninh Xuyên học ở quê hương Đại Lý, sau đó học tiếp lên trung học tiếng Pháp ở Côn Minh (thủ phủ Vân Nam), sau khi tốt nghiệp, ông được học bổng học tiếp tại trường trung học Bảo hộ ở Hà Nội - Việt Nam. Ở đây, từ học tập đến sinh hoạt đều dùng tiếng Pháp.
Trong kháng chiến chống Nhật, ông trở về Đại Lý-Vân Nam, chú tâm học tiếng Pháp và tiếng Anh tại trường Đại học Hoa Trung. Sau khi kháng chiến thắng lợi, ông thi được học bổng du học nước ngoài, vào học viện chính trị Pháp ở Paris. Đây là học viện nổi tiếng được thành lập trong thời kỳ chế độ cộng hoà thứ 3 của Pháp, sau này là nơi các tổng thống Valéry Giscard d’Estaing và Jacques René Chirac từng học tập. Không lâu sau, Đổng Ninh Xuyên chuyển đến Đại học Paris. Năm 1949, ông làm luận văn “Chính sách của Pháp đối với Trung Quốc trong thời Thái Bình Thiên Quốc” đã đạt được học vị thạc sĩ.
______________________
Chú thích:
1 Nghệ sĩ Kinh kịch lừng danh Trung Quốc.
2 Vương Bỉnh Nam, Điểm lại 9 năm đàm phán Trung - Mỹ, Thế giới Tri thức XBX, 1985, tr. 6.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #13 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 11:51:23 am »

Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, Đổng Ninh Xuyên tiến bộ không ngừng và được chọn là Chủ tịch Hội du học sinh Trung Quốc tại Pháp. Trong lần tham gia Đại hội học sinh thế giới tại Praha, Phó Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc Ngô Học Khiêm gặp được Đổng Ninh Xuyên và khuyên ông về nước làm việc. Tháng 1 năm 1951, Đổng Ninh Xuyên về nước từ Hồng Kông. Không lâu sau, ông làm việc trong đoàn đại biểu Trung Quốc tại Ban thư ký Hội nghị hoà bình thế giới ở Praha. Tiếng Pháp của ông vốn đã tốt, nay được làm việc trong môi trường tiếng Pháp nên càng được nâng cao.
Đổng Ninh Xuyên khi được biết sẽ là phiên dịch cho thủ tướng Chu Ân Lai thì rất vui mừng, kỳ vọng sẽ được diện kiến thủ tướng trong một ngày không xa. Thế nhưng suốt bốn tháng liền ông vẫn chưa có cơ hội vì Chu Ân Lai quá bận rộn, từ ngày 1 đến ngày 20-4-1954, ông đã bay ba lần từ Bắc Kinh đến Moskva.
Do hội nghị Genève có liên quan đến vấn đề Đông Dương, nên Chu Ân Lai và Vương Bỉnh Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề Việt Nam. Nhà lão thành cách mạng Trương Dực được bổ nhiệm làm người phụ trách “Tổ Việt Nam”.
Trương Dực được coi là “người thông thạo Việt Nam”. Ông sinh năm 1913 trong một gia đình Hoa kiều ở miền Nam Việt Nam. Năm 1922, ông trở về Trung Quốc để học tập. Năm 1934, tham gia cách mạng. Những năm 30 của thế kỷ XX, ông học khoa Văn - Đại học Trung Quốc ở Bắc Bình, năm 1938 thì vào Đảng. Cùng năm, ông chuyển đến Thượng Hải. Ở Thượng Hải, Trương Dực không may bị nhiễm bệnh phổi, phải đến Sơn Đầu ở Quảng Đông để dưỡng bệnh.
Do cuộc chiến chống Nhật ngày càng đến gần, sức khỏe của Trương Dực lại rất yếu, nên khi được Bí thư Thành uỷ Sơn Đầu phê chuẩn, ông quay trở lại miền Nam Việt Nam để dưỡng sức. Tại Sài Gòn-Việt Nam (nay là thành phố Hồ Chí Minh), Trương Dực đã tham gia cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp của người dân miền Nam Việt Nam, từng giữ chức Chủ nhiệm Tổng hội liên hợp giải phóng Hoa kiều ở miền Nam Việt Nam và làm việc nhiều với lãnh đạo miền Nam là Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, vì thế nên rất thân quen.
Thời kỳ sau kháng chiến chống Nhật, Trương Dực đã liên hệ với Trung ương Cục miền Nam, thường xuyên nhận chỉ thị từ người phụ trách Cục Miền Nam, mở rộng công tác Hoa kiều. Sau Chiến tranh thế giới thứ thứ 2, thực dân Pháp trở lại Việt Nam. Chiến tranh chống Pháp của người Việt Nam được mở ra toàn diện. Trương Dực cùng với Trung ương Cục miền Nam - ĐCS Việt Nam duy trì chiến tranh du kích. Năm 1951, Ban liên lạc - Trung ương ĐCS Trung Quốc được thành lập, Vương Gia Tường đảm nhiệm Trưởng ban nhiệm kỳ I. Trương Dực được lệnh trở về nước, đảm nhiệm chức Trưởng phòng, Phòng Việt Nam thuộc Ban liên lạc - Trung ương ĐCS Trung Quốc. Các đồng chí làm việc trong Tổ Việt Nam ai cũng biết tiếng Việt. Họ và La Quý Ba - lãnh đạo đoàn cố vấn chính trị, cùng Vi Quốc Thanh - lãnh đạo đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc - luôn duy trì mối quan hệ mật thiết với nhau, nắm vững tình hình Việt Nam.
Từ năm 1950, mỗi năm Hồ Chí Minh đều đến Trung Quốc, cùng thảo luận tình hình, đề ra phương châm, chính sách với lãnh đạo trung ương ĐCS Trung Quốc, Trương Dực là phiên dịch chính của Hồ Chí Minh và nhân viên của đoàn. Khi nghiên cứu các vấn đề Việt Nam, Chu Ân Lai luôn đặc biệt chú ý đến ý kiến của Trương Dực.
Mấy chục năm sau, khi Trương Dực hồi tưởng lại chuyện này đã không kìm được cảm xúc mà nói với nhà báo rằng: “Đoàn đại biểu này đúng là nhân tài vô kể, tôi vừa nhìn danh sách nhân viên phiên dịch là đã nhận ra ngay”.
Ngày 2-4-1954, ba mươi thành viên đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị Genève đã khởi hành đi Bắc Kinh. Họ đến Bắc Kinh để may trang phục. Khi mọi người vừa đến thì thợ may Thiên Kinh ở tiệm may âu phục “Hồng Đô” nổi tiếng tại Thượng Hải đã đợi sẵn để đo trang phục, may cho mỗi người hai bộ Âu phục. Những con người vừa đi ra khỏi vùng rừng núi nhiệt đới trong chố lát đã thay đổ hình dạng.
Văn Trang lần đầu tiên đến Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc mới không khỏi làm ông cảm thấy mới mẻ và phấn chấn. Theo phân công, ngoài nhiệm vụ phiên dịch thì nhiệm vụ chủ yếu của ông là phụ trách việc liên lạc giữa đoàn đại biểu Việt Nam với đoàn đại biểu Trung Quốc và Liên Xô. Lúc đó, Văn Trang đặc biệt quan tâm xem đoàn đại biểu Trung Quốc đang làm gì, vừa đi nghe ngóng đã được biết họ đang “đại luyện binh”.
Thì ra, để lần ra quân này thu được thắng lợi, các tổ được phân chia theo chuyên ngành đang tiến hành diễn tập theo hình thức mô phỏng. Tổ phiên dịch chủ yếu là tiến hành dịch mô phỏng, tổ tin tức thì lại mô phỏng các cuộc họp báo. Hoàng Hoa là người phát ngôn báo chí của đoàn. Cung Bành là trợ lý chính cho ông. Tại lễ đường Bộ ngoại giao, họ đã ba lần tiến hành lần họp báo mô phỏng. Họ tập hợp các nhà báo hiểu tiếng Anh trong Tân Hoa Xã, Nhân dân nhật báo, cố hết sức đưa ra các câu hỏi hóc búa, thậm chí cả các vấn đề mang tính khiêu khích. Phó Trưởng ban Quốc tế Tân Hoa Xã Lý Thận Chi đã thảo ra hơn trăm vấn đề cùng các câu trả lời. Hoàng Hoa và Cung Bành đều là những người kinh qua trận mạc nhiều năm mà cũng không dám sơ suất, luyện tập rất nghiêm túc. Lý Thận Chi là trợ lý của người phát ngôn, nên mô phỏng việc trả lời các câu hỏi của các nhà báo trong buổi chiêu đãi. Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Chương Hán Phu cùng một số người khác làm bình luận viên tại cuộc họp. Có lần ông bình luận, nói: “trong cuộc họp báo hôm nay, trợ lý người phát ngôn quá sôi nổi, khiến Lý Thận Chi giật mình, lập tức tự cảnh cáo phải biết kiềm chế một chút”.
Đối với giai đoạn công tác chuẩn bị trước hội nghị diễn ra rất căng thẳng này, Sư Triết hồi tưởng lại rất rõ rằng Đặng Dĩnh Siêu (vợ Chu Ân Lai) đặc biệt quan tâm đến việc liệu sức khỏe của Chu Ân Lai có chịu được gánh nặng của công việc của hội nghị hay không. Trước khi đi, Sư Triết với tư cách là cố vấn đoàn đại biểu đến chào từ biệt Đặng Dĩnh Siêu. Bà đã dặn dò, những ngày này, thủ tướng tương đối lao lực, có khi còn chảy máu cam, vậy nên nhắc nhở mọi người chú ý chăm sóc đến sức khỏe của thủ tướng sau khi đến Genève, không nên để ông quá lao lực. Sư Triết gật đầu liên tục, song trong lòng ông biết, không ai có thể khuyên Chu Ân Lai ngừng làm việc.
Chu Ân Lai lại càng quan tâm đến trợ thủ của mình. Sắp đến ngày xuất phát, ông bảo thư ký Mã Liệt gọi phiên dịch tiếng Nga mới nổi danh là Lý Việt Nhiên đến, nói với ông: “lần này đi Genève phải qua Liên Xô, dừng ở Moskva mấy ngày. Sức khỏe của Lý Khắc Nông không tốt, không thể ngồi máy bay đường dài, nên để ông ngồi tàu hoả đến Irkutsk đợi chúng ta, sau khi gặp nhau sẽ bay đến Moskva. Vậy nên phiền đồng chí cùng ngồi tàu hoả với Lý Khắc Nông đến Irkutsk, trên đường tiện chăm sóc nhau”. Vì thế, Lý Khắc Nông đã mang theo mấy trợ thủ rời khỏi Bắc Kinh trước.
Ngày 12-4-1954, Chu Ân Lai sau khi từ Liên Xô trở lại Bắc Kinh, đích thân chủ trì hội nghị toàn thể các thành viên đoàn đại biểu, nõi rõ ý nghĩa quan trọng của hội nghị Genève lần này. Ông yêu cầu tất cả mọi người phải đồng tâm hiệp lực, làm tốt công tác chuẩn bị, trong hội nghị quốc tế quan trọng lần này phải đạt được kết quả tích cực. Tất cả mọi người không kể chức vụ cao thấp đều phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ và kỷ luật của đoàn đại biểu, không được vi phạm. Chu Ân Lai tự hào nói đến chất lượng của đoàn đại biểu lần này: “Đây giống như một vở diễn lớn của Mai Lan Phương, mỗi một vai diễn phải là một bộ phận trọn vẹn, hợp thành một tổng thể toàn diện”.
Lúc này, danh sách thành viên đoàn đại biểu đã được đưa ra, phong phú đa dạng; đoàn đại biểu được chia làm sáu tổ: tổ về vấn đề Triều Tiên, tổ về vấn đề Việt Nam, vấn đề tổng hợp, tổ tin tức tuyên truyền, tổ thư ký và tổ giao tiếp hành chính, trong đó có thêm năm phiên dịch tiếng Nga, bốn phiên dịch tiếng Anh, bốn phiên dịch tiếng Pháp, ngoài ra còn có đầu bếp, lái xe, tổng cộng là 185 người, cộng thêm 29 nhà báo. Vậy là tổng số thành viên đoàn đại biểu là 214 người.
Ngày 17-4-1954, những người phụ trách phía Triều Tiên tham gia đoàn đại biểu đi dự hội nghị Genève là Nam Il, Bạch Nam Vân, Kỳ Thạch Phúc và Trương Xuân đã đến Bắc Kinh. Ngay tối hôm đó, Chu Ân Lai, Kiều Quan Hoa đã đến thăm hỏi, trao đổi ý kiến.
Nam Il nói với Chu Ân Lai: “sự nghiệp thống nhất Triều Tiên từ nay về sau chia làm hai phần là đấu tranh trong nước và đấu tranh nước ngoài. Triều Tiên phải cố gắng hết sức để tham gia vào các tổ chức quốc tế có thể tham gia”. Ông còn nói, việc thống nhất Triều Tiên không phải là việc một sớm một chiều có thể thực hiện được.
Chu Ân Lai gật đầu nói: “Chúng tôi cũng đang nghĩ cách giải quyết vấn đề này. Cục diện Triều Tiên đối lập đã lâu, những hoạt động trên trường quốc tế có thể phát sinh những thay đổi, ví dụ như cả hai miền Bắc, Nam đều gia nhập LHQ”.
Về điểm này, Nam Il không biểu lộ thái độ gì, tình hình phát triển sau này đã chứng minh, dự báo của Chu Ân Lai là chính xác.
Chu Ân Lai thông báo với Nam Il: “Trung ương ĐCS Trung Quốc đã có những thảo luận bước đầu về Hội nghị Berlin diễn ra hồi đầu năm và Hội nghị Genève sắp tới, nhưng vẫn chưa cụ thể. Phán đoán chung là: đối với Hội nghị Genève, nước Mỹ sẽ dùng phương châm phá hoại, khiến hội nghị không đạt được kết quả, mà phương châm của chúng ta là tận dụng hết khả năng có thể để khi hội nghị vừa mở ra là đã đạt được thoả thuận nhất định. Hội nghị Genève vốn chỉ giới hạn trong vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương. Nếu có thể, chúng ta sẽ nêu ra vấn đề hoà bình châu Á, ví dụ như vấn đề Đài Loan và Nhật Bản. Như vậy, vấn đề Triều Tiên vẫn chủ yếu là do các đồng chí Triều Tiên phát biểu. Căn cứ vào phân tích tình thế, chúng ta nên sáng tạo điều kiện lập lại hoà bình thống nhất Triều Tiên, và đưa ra phương án hoà bình thống nhất Triều Tiên. Nhưng khả năng kết quả của việc tranh thủ này chính là có thể đạt được hiệp định hoà bình trên những vấn đề cụ thể. Lần trước, khi thủ tướng Kim Nhật Thành nói về vấn đề hội nghị chính trị này, thì Mao Chủ tịch đã nói đến điểm này”.
Chu Ân Lai nói tiếp:
- Phương án hoà bình thống nhất tốt nhất là khi hội nghị vừa bắt đầu thì đề cập ngay đến vấn đề Triều Tiên. Nếu phương án này không được, thì phải chuẩn bị phương án hai, phương án ba, để thể hiện chúng ta rất tích cực giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Chu Ân Lai cho rằng, qua nỗ lực, trong hội nghị Genève lần này, có thể sẽ có ba vấn đề sẽ đạt được hiệp định tạm thời:
- tất cả quân đội nước ngoài trong thời gian nhất định phải rút khỏi Triều Tiên, bao gồm việc chúng ta rút về bên này sông Áp Lục.
- khi chưa đạt được hiệp định thống nhất hoà bình Triều Tiên thì phải duy trì hiện trạng Triều Tiên.
- khôi phục thông thương Nam-Bắc Triều Tiên.
Đương nhiên, cũng phải chuẩn bị, có thể không đạt được bất kỳ hiệp định nào.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #14 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 11:54:09 am »

Ngày 19-4-1954, Tân Hoa Xã tuyên bố Chủ tịch Mao Trạch Đông giao nhiệm vụ Chủ tịch đoàn đại biểu Trung Quốc tham gia Hội nghị Genève cho Chu Ân Lai. Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, Lý Khắc Nông là đại biểu.
Cùng ngày, lúc 4h50 phút chiều, Chu Ân Lai đã tiếp đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc là Nedyam Raghavan tại phòng Tây Hoa, Trung Nam Hải, nói rõ quan điểm của Trung Quốc về tình hình châu Á và Hội nghị Genève. Thì ra, thái độ của thủ tướng Ấn Độ Nerhu đã thu hút sự chú ý của Chu Ân Lai. Ngày 8-4-1954, thủ tướng Ấn Độ Nerhu đã phát biểu tại Quốc hội, yêu cầu “không qua bỏ phiếu công dân”, tức là muốn Pháp trả lại những vùng đất còn chiếm đóng cho Ấn Độ. Ông nói, điều này đã được sự ủng hộ của toàn thể nhân dân Ấn Độ. Những vùng bị chiếm đóng này nên lập tức trả về cho Ấn Độ. Những thủ tục chuyển giao về mặt pháp luật sẽ được thực hiện ngay sau khi vấn đề này được giải quyết. Chính phủ Ấn Độ đồng ý đàm phán với chính phủ Pháp về vấn đề này. Đến ngày 17-4-1954, tình hình đã tiến thêm được một bước. Ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Anil K. Chanda tại Quốc hội đã tuyên đọc quan điểm của Nerhu đối với thông cáo chung tại Hội nghị Ngoại trưởng hai nước Anh - Mỹ ở London. Nerhu tỏ thái độ với mong muốn của hai nước Anh, Mỹ về việc muốn thành lập một tổ chức giống tổ chức liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tại Đông Nam Á rằng: hai nước Anh, Mỹ chưa hề trao đổi việc này với Ấn Độ. Nerhu chỉ ra rằng, lập trường của Ấn Độ không thay đổi, Ấn Độ vẫn kiến nghị đình chiến ở Đông Dương, và cho rằng chỉ có như vậy mới “có thể mở ra con đường tiến thêm một bước trong đàm phán”.
Thái độ của Chính phủ Ấn Độ rõ ràng có lợi cho phe phương Đông. Chu Ân Lai nói với đại sứ Ấn Độ: không nên để hội nghị Genève thất bại, nhưng nước Mỹ hiện nay rõ ràng là muốn Hội nghị Genève không đạt được bất kỳ hiệp định nào, đặc biệt là Mỹ đang uy hiếp Pháp, khiến Pháp không thể đạt được hiệp định về vấn đề Đông Dương.
Chu Ân Lai nói đến vấn đề Triều Tiên, vấn đề trọng tâm của hội nghị Genève: Triều Tiên tuy đã đình chiến, nhưng vẫn nên tiến thêm một bước để củng cố hoà bình tại đây, rút tất cả quân nước ngoài, dùng phương pháp hoà bình để Triều Tiên được thống nhất. Nhưng nước Mỹ lại muốn tạo nên cục diện xấu về vấn đề Triều Tiên, trước khi Hội nghị Genève khai mạc, đã lan truyền thông tin rằng hội nghị sẽ không đạt được bất kỳ tiến triển gì. Rõ ràng là Mỹ muốn tạo ra cục diện xấu vì muốn tiếp tục chiếm lĩnh Đài Loan, vũ trang Nhật, duy trì cục diện căng thẳng tại Viễn Đông.
Chu Ân Lai chuyển hướng vấn đề, nói về vấn đề Đông Dương: Triều Tiên đã ở vào thế khó thay đổi, muốn đánh trở lại cũng không phải dễ, vì thế Mỹ nhất định phải tìm một chiến trường nóng khác, đó chính là Đông Dương. Giả sử mặt trận Đông Dương có thể đình chiến, khôi phục hoà bình tại đây, thì Mỹ sẽ không thể tìm được tiếp một nơi nào có thể gây chiến tại châu Á. Vì vậy, mục đích của Mỹ chính là tìm cách không thể đình chiến ở Đông Dương, ngăn trở việc ký kết hiệp định về vấn đề này ở hội nghị Genève.
Đối với quan hệ hai nước Mỹ và Pháp, cách nhìn của Chu Ân Lai là: Chính phủ Mỹ muốn gây sức ép với Pháp, “liên minh hành động” của Dulles cũng chính là nhằm vào Pháp. Mỹ lo sợ hai bên giao chiến ở Đông Dương sẽ đạt được hiệp định. Nhưng tại nước Pháp, tức là tại quốc hội, tiếng gọi hoà bình cũng rất lớn, vì vậy, ngoài Dulles ra thì Nixon cũng sẽ đứng ra phát biểu. Chu Ân Lai nói, giả sử quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương, quân đội Mỹ tiến vào tiếp quản, mục đích chính của Mỹ chính là Trung Đông và Cận Đông, họ muốn lợi dụng vấn đề Đông Dương để có âm mưu còn lớn hơn.
Chu Ân Lai hy vọng đại sứ Ấn Độ có thể truyền đạt những lời của ông đến thủ tướng Nerhu, và hy vọng Ấn Độ có thể phát huy được tác dụng tích cực trong vấn đề Đông Dương(1).
Nói chuyện xong với đại sứ Ấn Độ, nhưng công việc của Chu Ân Lai còn lâu mới kết thúc. Ngày 20-4-1954, ông triệu tập toàn thể thành viên đoàn đại biểu Trung Quốc tham gia Hội nghị Genève lại, làm cuộc tổng động viên lần cuối trước khi lên đường.
Đối với cục diện quốc tế thời kỳ đầu những năm 50 của thế kỷ XX, một năm trước đó Chu Ân Lai đã có nhận thức sâu sắc - mâu thuẫn chủ yếu của quốc tế chính là vấn đề chiến tranh và hoà bình. Cách đây gần một năm, ngày 5 tháng 6 năm 1953, tại hội nghị công tác đối ngoại, Chu Ân Lai đã có một báo cáo với các quan chức ngành ngoại giao, chỉ ra rằng: “chiến tranh Triều Tiên đã kéo dài ba năm, trong đó đàm phán cũng đã hai năm. Chiến tranh Triều Tiên là dạng chiến tranh cục bộ, nhưng ý nghĩa của cuộc chiến tranh này lại mang tầm thế giới. Nó đã giải thích được nhiều chuyện mà chúng ta không hiểu rõ được về vấn đề quốc tế”.
Chu Ân Lai hỏi các nhà ngoại giao, mâu thuẫn chủ yếu của thế giới là gì? “Sự đối lập giữa hai phe lớn đương nhiên là cơ bản, nhưng cuối cùng thì biểu hiện cụ thể ở vấn đề gì? Sự đối lập giữa Mỹ và Liên Xô đã căng thẳng tới đỉnh điểm chưa? Không phải, mâu thuẫn trước mắt chủ yếu biểu hiện ở bốn phương diện là: giữa chiến tranh và hoà bình, giữa dân chủ và phản dân chủ, giữa chủ nghĩa đế quốc và thuộc địa, giữa các nước chủ nghĩa đế quốc với nhau”(2).
Đối mặt với Hội nghị Genève sắp diễn ra, tư tưởng của Chu Ân Lai đã sâu sắc hơn một bước so với năm ngoái. Ông nói với mọi người rằng tình thế ngoại giao của nước Trung Quốc mới là rất tốt. Trung Quốc đã và đang thiết lập quan hệ ngoại giao với 25 quốc gia với khoảng một tỷ người. Chuyến đi Genève lần này, chúng ta phải mở ra cục diện ngoại giao mới. “Nhưng, có một điểm không giống trước kia” - Chu Ân Lai nhắc nhở mọi người: trước đây chúng ta đã có kinh nghiệm đàm phán trong nước, đã có kinh nghiệm tranh cãi với Mỹ, nhưng đó là “vở diễn” nhỏ, không có trời đất pháp luật gì, cái gì cũng không sợ, thất bại cũng chỉ có thế thôi. Có nghĩa là, khi đó chúng ta tiến hành đàm phán ở phạm vi nhỏ, có gì nói nấy. Bây giờ không như thế nữa, Trung Quốc là một nước lớn, đến Genève chính là tham gia một hội nghị quốc tế chính thức. Chúng ta đứng trên vũ đài quốc tế, vì thế phải hát kịch văn. Trong kịch văn phải có kịch võ, nhưng nói tóm lại là kịch chính quy, kịch võ đài. Có mấy nước anh em cũng tham gia, nên chúng ta phải phối hợp, nếu có thắc mắc gì cũng đều phải hợp tác, đều là lần hát kịch đầu tiên, vì thế vẫn là tinh thần học hỏi là chính. Chu Ân Lai nói rất phấn chấn: “chúng ta nhất định phải diễn tốt vở kịch này”.
Đến đây, công tác chuẩn bị trong nước cho việc tham gia Hội nghị Genève kết thúc. Thành viên đoàn đại biểu chia ra đi tàu và máy bay qua Liên Xô để đến Genève. Trương Văn Thiên đợi Chu Ân Lai ở Moskva để cùng đến Genève.
Sáng sớm 20-4-1954, Chu Ân Lai cùng phái đoàn rời Bắc Kinh. Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam cùng bay đến Moskva. Ngồi cùng máy bay còn có đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc Yudin. Ra sân bay tiễn đoàn có Lưu Thiếu Kỳ, Tống Khánh Linh, Lý Tế Thâm, Đổng Tất Võ, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình, Tập Trọng Huân, Bành Chân, Lý Phú Xuân, Đặng Tử Khôi, Diệp Quý Tráng, Lục Định Nhất, Túc Dụ, Tiêu Hoa, Lại Nhược Ngu, Hồ Diệu Bang, Đặng Dĩnh Siêu, Liêu Thừa Chí, Lý Đức Toàn, Chương Hán Phu, Ngũ Tu Quyền, Quách Mạt Nhược, Hoàng Viêm Bồi, Trình Tiềm, Thẩm Quân Nho, Trần Thúc Thông, Mã Dần Sơ, Chương Bá Quân, Trần Thiệu Tiên, La Long Cơ, Chương Nãi Khí, Thiệu Lực Tử, Hứa Đức Hoành.
Ngày 21-4-1954, Nhân dân nhật báo đã đăng bài xã luận “Giành lấy sứ mệnh củng cố hoà bình châu Á và thế giới”.
Ý nghĩa trọng đại của Hội nghị Genève là ở chỗ: tất cả các quốc gia tham gia hội nghị, đặc biệt là giữa các nước lớn có trách nhiệm đặc biệt trong sự nghiệp bảo vệ hoà bình thế giới, phải tận dụng hết khả năng để đạt được hiệp định dựa trên lợi ích thiết thân của các nước châu Á cùng lợi ích đối với hoà bình thế giới trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Vì vậy, tiêu chí của Hội nghị Genève là các nước lớn lấy phương thức hiệp thương để giải quyết các tranh chấp quốc tế, cùng nỗ lực bảo vệ hoà bình và an ninh thế giới.
Ngày phái đoàn khởi hành, trấn thủ Hoa Đông là khai quốc Nguyên soái Trần Nghị không thể đến Bắc Kinh đã đưa bút viết bài từ “Mãn Giang Hồng - tiễn thủ tướng Chu Ân Lai đi Genève”, đại để nội dung như sau:
Ngừng chiến tại Triều Tiên
Nay lại báo tin mừng đến Việt Nam
Việc trong khu vực
Nông lâm khôi phục
Càng thịnh công nghiệp
Kinh tế quốc doanh bừng bừng lên
Công xưởng mọc lên ầm ầm
Không bao năm
Diện mạo thay đổi
Trung Quốc mới
Bàn Môn Điếm
Thương lượng chưa dứt
Genève
Bàn việc lớn
Lời lẽ đanh thép
Nghị luận trên đài
Bất kể sài lang nhiều mưu kế
Ta vẫn tuân thủ nguyên tắc
Xem ta công thủ thế mạnh
Đoạt toàn thắng.

______________________
Chú thích:
1 Đại sự ký hoạt động ngoại giao của Chu Ân Lai giai đoạn 1949-1975, Thế giới Tri thức XBX, 1993, tr. 58.
2 Văn tuyển Ngoại giao của Chu Ân Lai, Trung ương Văn hiến XBX, 1990, tr.58-59.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #15 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 11:56:06 am »

Chương 7

Đàm phán hay oanh tạc


Mạo hiểm mở rộng quy mô chiến tranh, máy bay Mỹ có ý định oanh tạc quân Việt Nam tại Điện Biên Phủ. Một số nhà chính trị Mỹ đương nhiên phải lựa chọn trong tình hình vô cùng nguy cấp. Đàm phán hay là oanh tạc? Câu hỏi lạnh lùng được đặt ra trên bàn làm việc tại số 10 đường Downing. Vào phút chót, Churchill và Eden vẫn chọn giải pháp ngoại giao ở Genève. Điều này cũng khiến Dulles không thể không đi về hướng hồ Leman.
Ngày 10-4-1954, khi thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vẫn còn đang trên đường từ Bắc Kinh đến Moskva, thì Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles đã đáp máy bay từ Washington đến London để gặp lãnh đạo nước Anh, thương lượng về lập trường của hai bên tại Hội nghị Genève.
Đang ở “ngàn trượng cao”, vẻ mặt của Foster Dulles buồn bã và nghiêm trọng, không thể đoán biết. Tính cách Foster Dulles sống nội tâm, trên vũ đài ngoại giao quốc tế thường được gọi là người có văn hoá giáo dục nhưng cũng lạnh lùng khốc liệt. Ông rất tự tin về những chính sách ngoại giao của mình. Cho dù như thế, kết quả của nỗ lực ngoại giao đến Anh và Pháp như thế nào, chính ông cũng không dám chắc.
John Foster Dulles sinh ngày 25-2-1888 tại thủ đô Washington, Mỹ, trong một gia đình mục sư. Năm 1905 thi vào đại học Princeton. Năm 1907, vì nói lưu loát tiếng Pháp, Dulles lúc đó 19 tuổi đã được chọn tham gia Hội nghị quốc tế La Hay (The Hague) lần 2, đảm nhiệm chức Thư ký đoàn đại biểu Chính phủ triều Thanh Trung Quốc, giúp đỡ xử lý các vấn đề lễ tân và phiên dịch. Hội nghị La Hay đã bước đầu giúp Dulles đi theo con đường ngoại giao, cũng là lần đầu tiếp xúc với các vấn đề về Trung Quốc. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của ông ta.
Năm 1908-1909, khi Dulles đang theo học Thạc sĩ triết học, ông đã có hứng thú với luật pháp, sau đó lại đến Học viện Sorbon tại Paris, Pháp, để học luật quốc tế. Học xong về nước, Dulles trở lại Washington, tiếp tục học tại Học viện luật đại học George Washington. Đến năm 1911, ông ta đỗ cử nhân luật, sau đó trải qua cuộc thi tư cách luật sư toàn nước Mỹ, đã trở thành luật sư.
Sự nghiệp chính trị của Foster Dulles có thể nói là rất thuận buồm xuôi gió. Năm 1917, Dulles được tổng thống Woodrow Wilson cử đến Panama và Costa Rica thực hiện sứ mệnh ngoại giao. Sau đó không lâu, ông được đề bạt làm thượng tá hải quân, khi chiến tranh thì lại làm ở Cục thương vụ, đảm nhiệm vai trò tình báo quân sự trên phương diện kinh tế. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ thứ nhất kết thúc năm 1918, Dulles với tư cách là cố vấn đoàn đại biểu Mỹ đã đi Paris để tham gia hội nghị hoà bình. Năm 1919, sau khi hoà ước Versailles được ký kết, ông đảm nhiệm vai trò đại diện Mỹ trong Ủy ban bồi thường sau chiến tranh.
Những năm 20 của thế kỷ XX, Dulles lại trở lại với nghề luật sư và rất nhanh chóng trở thành một trong những luật sư quốc tế nổi tiếng nhất nước Mỹ, đồng thời ông đảm nhiệm cố vấn tài chính cho Chính phủ Anh và Pháp. Thu nhập cá nhân được liệt vào một trong mười luật sư có thu nhập cao nhất thế giới.
Năm 1939, Dulles xuất bản cuốn sách “Chiến tranh, hoà bình và những thay đổi”. Tác giả sau khi nghiên cứu nguyên nhân gây ra chiến tranh và những nỗ lực của con người chống lại chiến tranh, đã đưa ra kết luận: cách thành công để thoát khỏi chiến tranh nhất thiết phải là biện pháp có thể chuyển thành “diễn biến hoà bình”. Quan điểm này đã gây được sự chú ý của giới nhân sĩ chính trị cao cấp Mỹ. Năm 1944, Dulles trở thành Thống đốc bang New York. Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1945, ông chủ trì Đại hội sáng lập LHQ tại San Francisco, và được cử làm cố vấn đoàn đại biểu Mỹ.
Năm 1949, do nghị sĩ bang New York là Robert Wagner xin từ chức sau khi bị bệnh lâu ngày, Dulles đã trở thành nghị sĩ Quốc hội bổ khuyết vào ghế của Wagner. Ông ta đã từ bỏ sự nghiệp luật sư của mình để chuyên tâm theo đuổi sự nghiệp chính trị. Không lâu sau, cuốn sách nổi tiếng “Chiến tranh và hoà bình” lại ra đời. Quyển sách này đã cho thấy Dulles phản đối một cách cực đoan tư tưởng triết học và chính trị của chủ nghĩa cộng sản. Ông ta cho rằng Liên Xô là kẻ thù lớn nhất của thế giới phương Tây, chủ trương “ngăn chặn” thế tiến công của Liên Xô.
Dù xét từ khía cạnh nào thì Dulles cũng đều là nhân vật nổi bật trên chính trường Mỹ. Ngày 21-1-1953, tân tổng thống Mỹ Eisenhower đã bổ nhiệm ông làm ngoại trưởng. Eisenhower và Dulles tuy có hoàn cảnh xuất thân khác nhau, trải qua những thăng trầm khác nhau, tính tình hoàn toàn đối lập, song Dulles lại được Eisenhower tin tưởng. Dulles tự nói rằng mình đã nghiên cứu rất tỉ mỉ sâu sắc luật quốc tế, dù đao to búa lớn thế nào cũng không vượt ra khỏi luật. Mọi người không thể đoán biết được rằng, ông tuyệt đối trung thành với tổng thống, luôn luôn thông báo trước những buổi diễn thuyết quan trọng hay những cuộc gặp quan trọng của mình cho tổng thống, để tổng thống đưa ra những quyết định cuối cùng. Vì thế, mọi người thường đặt câu hỏi rằng không biết trong những chính sách ngoại giao của Mỹ thì có bao nhiêu là của Dulles, bao nhiêu là của Eisenhower?
Sau khi đảm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng, Dulles trở thành người cổ vũ tích cực cho “chiến tranh lạnh”, ra sức chủ trương những thủ đoạn tiến công phi vũ trang như phong toả kinh tế, cô lập chính trị đối với phe Liên Xô để tiến hành “ngăn chặn”. Năm 1954, tư tưởng “báo thù trên quy mô lớn” của Dulles dần dần hình thành, chủ trương ở tất cả các nơi trên thế giới, cứ phàm là nơi Liên Xô tiến công thì phải công kích lại, “làm cho những kẻ xâm lược tiềm ẩn biết rõ rằng xâm lược chính là đạt được không bằng mất đi”.
Về vấn đề Đông Dương, quan điểm trên của Dulles được thể hiện rất rõ ràng. Đối với việc có nên sử dụng vũ lực hay không, ông còn đi xa hơn cả Eisenhower. Quan điểm này giống với quan điểm của Arthur Redford là Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng, thuộc “phái diều hâu”.
Ngày 11-4-1954, Dulles đến London, ngay tối hôm đó sau bữa ăn tối, ông ta đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Anh Eden tại đại sứ quán Mỹ ở Anh. Eden tỏ ra như trong lòng có gai đâm. Trước đó, ngày 5-4-1954 Churchill đã nhận được thư của Eisenhower. Eden thông báo cho đại sứ Anh tại Mỹ là Roger Makins rằng không được phát tán thông tin về vấn đề nước Anh có tham gia “liên minh hành động” hay không.
Eden đã nhận ra được xuất phát điểm của nhân vật thuộc phái diều hâu Mỹ là muốn đe doạ gây chiến tranh với Trung Quốc để bắt Trung Quốc ngừng việc viện trợ cho Việt Nam. Eden cho rằng giả thiết này vốn không có căn cứ. Nếu nước Mỹ sử dụng không quân để can thiệp vào chiến dịch Điện Biên Phủ, thậm chí oanh tạc sân bay quân dụng miền Nam Trung Quốc, có thể sẽ đạt được tác dụng uy hiếp nào đó, nhưng còn lâu mới đạt được việc ngăn chặn Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam mà có khi còn ngược lại. Eden khẳng định rằng, nếu việc uy hiếp quân sự Trung Quốc không thành, thì “liên minh quân sự” chỉ có hai con đường có thể đi: một là bỏ qua và không vẻ vang gì; hai là phát động chiến tranh trên quy mô lớn với Trung Quốc.
Eden cho rằng: “đối với Trung Quốc, một là thực hiện phong toả, hai là oanh tạc đường giao thông trong và ngoài Trung Quốc, cả hai phương án này đang được Mỹ xem xét. Nhưng kết quả nghiên cứu của các tham mưu quân đội Anh là: nếu tiến hành can thiệp quân sự, nếu so sánh với tình hình chiến tranh Triều Tiên, thì hiệu quả không có gì lạc quan. Ngược lại, làm như vậy sẽ tạo cho Trung Quốc cái cớ để lãnh đạo Trung Quốc đạt được điều ước hoà hảo với Liên Xô, dẫn đến sự can dự của Liên Xô, từ đó sẽ gây nên chiến tranh thế giới. Vì thế, không thể để quân đội Anh tham gia vào chiến tranh ở Đông Dương. Thời cơ để tiến hành chiến tranh cảnh cáo Trung Quốc còn lâu mới chín muồi. Nước Anh nếu có thể xúc tiến đàm phán ở Hội nghị Genève, để đạt được một hiệp định phân trị Việt Nam, thì so với kết quả nếu tiến hành can thiệp quân sự còn tốt hơn rất nhiều. Kết luận của Eden rất rõ ràng.
Sau khi đến London, Dulles nói với Eden rằng sự ủng hộ đối với Pháp không duy trì được nữa, cả về chính trị và quân sự đều không duy trì được. Nếu mất Đông Dương, thì tiếp theo đó Thái Lan cũng sẽ chịu ảnh hưởng, sau đó là Malaysia, Miến Điện (Burma, nay là Myanmar), Indonesia theo hiệu ứng dây chuyền. Hiện tại, chiến dịch Điện Biên Phủ đã đi vào giai đoạn cuối, quân đội Mỹ cho rằng cơ hội thành công của Pháp tại Điện Biên Phủ rất nhỏ. Can thiệp phi quân sự không thể làm thay đổi tình thế. Vì vậy, nước Mỹ đặc biệt hi vọng Anh ủng hộ các chính sách Đông Nam Á của Mỹ, Anh sẽ tích cực tham gia SEATO đang được lên kế hoạch thành lập, và phát huy tác dụng của mình. Thứ hai, Mỹ hi vọng Anh ủng hộ thái độ của Mỹ đối với chiến tranh Điện Biên Phủ, ủng hộ Mỹ một khi quyết định sử dụng chính sách can thiệp quân sự thì sẽ duy trì “liên minh hành động” với Mỹ. Tức là, Mỹ đã chuẩn bị sử dụng cả không quân và hải quân để tiến hành oanh toạc quy mô lớn nhằm vào các trận địa của quân đội Việt Nam ở Điện Biên Phủ. Nước Anh tốt nhất là có thể cử một bộ phận không quân tham gia, cho dù chỉ là mang tính tượng trưng.
Dulles nhấn mạnh, chuyện này một mình nước Mỹ làm không được, nhất thiết phải có điều kiện tiên quyết là hai nước tham gia. Một là Pháp cho Đông Dương độc lập thật sự, hai là Anh phải tham gia. Chỉ cần Anh đồng ý, Quốc hội Mỹ sẽ đồng ý cho tổng thống tiến hành can thiệp quân sự trực tiếp vào Đông Nam Á.
Trả lời của Eden vẫn rất điềm tĩnh nho nhã. Eden nói ông vẫn còn nghi ngờ rằng Quốc hội Mỹ có đồng ý phái quân tiến đánh Việt Nam sau khi vừa đình chiến ở Triều Tiên? Nước Anh rất có hứng thú với SEATO, nhưng không cho rằng tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á đều có hứng thú với nó. Ví dụ như: Ấn Độ, Pakistan, Miến Điện đều chưa nhất thiết phải tham gia SEATO.
Thứ hai, Eden cho rằng, một khi tiến đánh Điện Biên Phủ, sử dụng hải quân, không quân rồi, ai có thể đảm bảo rằng chiến tranh chỉ hạn chế tại đó mà không điều động thêm bộ binh?
Eden thẳng thắn nói với Dulles, đe doạ quân sự không giúp gì cho việc giải quyết vấn đề Đông Dương, vì thế sẽ vô tác dụng. Ông nói: “Tôi không thấy được có bất kỳ đe doạ nào có thể làm cho Trung Quốc nhẫn nhục phục tùng, mà từ bỏ liên minh với Việt Nam”. Vì thế, Anh không thể tiếp nhận kiến nghị thành lập liên minh Anh, Pháp, Mỹ do Mỹ đề xuất để giải quyết vấn đề Đông Dương. Anh cũng sẽ không xem xét đến hành động quân sự trong vấn đề Đông Dương. Eden nói thêm với Dulles rằng những điều ông nói ở trên không chỉ là ý kiến của riêng ông, mà là ý kiến nhất trí của kỳ họp Nội các Anh hồi đầu tuần. Kỳ họp cho rằng trước mắt, nên tránh tất cả những đối kháng quân sự giữa phương Đông và phương Tây.
Dulles trả lời rằng bản thân ông cho rằng Đông Dương là nơi có thể can thiệp vũ trang, Quốc hội Mỹ có thể sẽ trao quyền cho tổng thống sử dụng hải quân và không quân, thậm chí cả lục quân để tiến vào Đông Dương, tiền đề chỉ là nước Anh có đồng ý cùng tham gia hay không.
Eden nói ông khó có thể tin hai điểm mà Dulles nói. Các tham mưu trưởng quân đội Anh đều nói với ông, chỉ dùng không quân và hải quân tiến vào chiến trường Việt Nam cũng không giải quyết được vấn đề. Eden nhấn mạnh, dư luận cho rằng trước khi hội nghị Genève diễn ra thì không thể để chiến tranh leo thang.
Ngày 12-4, Dulles và Eden hội đàm một ngày, đến chiều tối đã ký được một tuyên bố liên minh. Dulles cuối cùng cũng đã thuyết phục được Anh tham gia nhiều hơn vào các hoạt động nhằm thành lập SEATO, “xây dựng một liên minh phòng thủ”.
Ngày 13-4, Dulles bay sang Paris. Pháp tuy rất hy vọng có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề Đông Dương, nhưng cũng không hứng thú với đề xuất liên minh do Dulles đưa ra. Nội các Pháp đã quyết định, về vấn đề “liên minh” thì phải xem xét kết quả của Hội nghị Genève. Pháp cũng bi quan về khả năng Anh có thể tham gia “liên minh hành động”. Ngoại trưởng hai nước Pháp, Mỹ đã liên tiếp đàm phán hai ngày nhưng không đạt được kết quả. Dulles lập tức bay về Mỹ.
Tại chiến trường Điện Biên Phủ ở Việt Nam, hơn 10.000 quân Pháp đã bị 40.000 quân Việt Nam bao vây chặt. Do sân bay Điện Biên Phủ hoàn toàn nằm trong phạm vi bị trọng pháo của quân đội Việt Nam trực tiếp khống chế uy hiếp, nên việc quân Pháp tìm cách thoát khỏi thế bao vây tại Điện Biên Phủ bằng đường không từ lâu đã không thể thực hiện được. Nhưng tìm đường rút lui trên bộ lại càng không có khả năng, vì tất cả các vùng đất xung quanh đã bị quân Việt Nam khống chế, địa thế toàn núi cao trùng điệp nên quân tiếp viện cũng không thể ứng cứu. Điện Biên Phủ ngay từ đầu đã là nước cờ chết của Henri Navarre - Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #16 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 12:01:16 pm »

Bắt đầu từ giữa tháng 4, không quân Mỹ trực tiếp can dự vào chiến dịch Điện Biên Phủ. 24 máy bay vận tải C-119 của quân Mỹ hầu như ngày nào cũng bay từ Hà Nội đến Điện Biên Phủ tiếp viện từ trên không. Ngoài ra, còn một số máy bay ném bom B-26 do phi công Mỹ lái đã oanh tạc trận địa quân Việt Nam tại Điện Biên Phủ. Những phi công này, núp bóng “dân thường”, được điều từ Đài Loan sang chiến trường Việt Nam, nhưng trên thực tế họ hoàn toàn là binh lính.
Do được điều động, nên đại đa số quân nhân Mỹ không hiểu tiếng Pháp, mà những người nói được tiếng Anh trong quân đội Pháp lại ít như sao buổi sớm. Tại chiến trường Điện Biên Phủ, vấn đề giao lưu ngôn ngữ giữa Pháp và Mỹ là trở ngại lớn. Quân Mỹ thả dù vào Điện Biên Phủ không nghe hiểu những điều động và sắp xếp của chỉ huy chiến trường Pháp, đành phải dựa vào bản đồ hoặc phán đoán của mình để tiếp tế bằng hàng không. Rất nhiều đồ tiếp tế rơi vào trận địa quân Việt Nam nằm ngoài vòng vây trận tuyến. 12 giờ ngày 12-4-1954, một máy bay ném bom B-26 do một phi công Mỹ lái đã thả năm quả bom vào trận địa phòng ngự của Pháp, phá tan tành trận địa. Cùng ngày, lúc 2 giờ 25 phút chiều, một máy bay ném bom của Mỹ lại thả bom bên ngoài sân bay Điện Biên Phủ, làm rất nhiều quân Pháp thiệt mạng, và hơn 1.000 quả đạn pháo 105mm nổ tung((1)).
Trong chính phủ Mỹ, vẫn có nhiều người ủng hộ Dulles, đứng đầu là Phó tổng thống Richard Nixon. Ngày 16-4, Nixon đã tham gia bữa tiệc của Hiệp hội các nhà biên tập báo chí Mỹ và phát biểu. Ông nói: “người Việt Nam((2)) thiếu khả năng khống chế cuộc chiến tranh này. Bọn họ đến bản thân còn không kiểm soát được. Nếu Pháp rút quân khỏi đó, thì không đầy một tháng, Việt Nam sẽ rơi vào tay cộng sản”. Nixon cho rằng muốn huấn luyện quân đội Nam Việt thì cần phải có thời gian, nước xa không thể cứu được lửa gần. Vậy phải làm thế nào? Thứ nhất, đây không chỉ là vấn đề vật chất, tình hình đã khác so với 4 tháng trước. Hiện tại cần nhiều quân hơn nữa chiến đấu ở đó. Vấn đề là số quân này lấy từ đâu? Pháp thì không được rồi. Họ đã ngán đến tận cổ cuộc chiến tranh này, cũng giống như chúng ta đối với Triều Tiên”. Nixon chỉ ra rằng, Mỹ nên tham gia Hội nghị Genève, từ đó thay thế Pháp tham gia “công việc” ở Đông Dương.
Có đến mức phải dùng đến quân đội hay không? Nixon nói: “Dư luận cho rằng Mỹ không nên điều quân đội tới đó, nhưng nếu chính phủ cho rằng không thể tránh khỏi việc điều động quân tới đó thì chính phủ sẽ nhìn thẳng vào hiện thực, phải điều quân”.
Những phát biểu này lập tức làm dấy lên làn sóng lớn. Các nghị sĩ quốc hội liên tiếp đưa ra các chất vấn. Ngày 17, Eisenhower đang ở Georgia yêu cầu thư ký báo chí của ông là James C. Hagerty liên lạc với thứ trưởng ngoại giao Bedell Smith, yêu cầu Smith truyền đạt đến Nixon rằng: Phó tổng thống không có quyền nói như vậy.
Sau khi Dulles vội vàng về nước, ngày 20-4-1954 ông ta cho mời các đại sứ Australia, Anh, Pháp, Canada, Lào, New Zeland, Philippines, Thái Lan và Chính phủ Bảo Đại - Việt Nam đến thương lượng về “liên minh hành động”. Đối với việc này, thủ tướng Anh Churchill và phó thủ tướng Eden nhất trí chỉ thị đại sứ Anh tại Mỹ là Roger Makins không được tham gia hội nghị. Do thiếu vị trí của Anh nên hội nghị đại sứ 8 nước không thành.
Như vậy là Dulles đành phải tham gia Hội nghị Genève. Ngày 23-4-1954, Dulles cùng Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng, Thượng tướng hải quân Redford bay đến Pháp, để tham gia Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại đây. Dulles dừng lại ở Pháp 3 ngày, sau đó trực tiếp đi Genève.
Ngay ngày đầu đến Paris, Dulles đã hội kiến Ngoại trưởng Australia Richard Casey đang thăm Pháp. Dulles vừa mới gặp mặt đã nói với Casey rằng, tình hình Đông Dương rất nguy cấp, sức chống cự của Pháp không lâu nữa sẽ hết. Dulles yêu cầu Australia và Anh ủng hộ Mỹ, nếu có thể tham gia “liên minh hành động” là tốt nhất. Nhà ngoại giao lão thành Casey tỏ rõ rằng, nhìn chung ông ủng hộ nước Mỹ, nhưng đối với các chính sách châu Á, Thái Bình Dương thì còn có cách nghĩ riêng của mình.
Sáng 24, Dulles hội đàm với Bidault, cuộc hội đàm bắt đầu không lâu thì Bidault đưa cho Dulles một bản điện báo vừa mới đến của Navarre. Ý kiến của Navarre là nếu không có sự viện trợ trực tiếp của không quân với số lượng lớn thì Điện Biên Phủ chắc chắn không thể cố thủ được. Nếu quân đội Việt Nam chiếm được Điện Biên Phủ, thì “ngoảnh mặt một cái”, trước khi mùa mưa đến sẽ uy hiếp vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Bidault nói, nếu rơi vào tình huống đó, nước Pháp buộc phải tìm cách đình chiến nhanh chóng ở Đông Dương, dù chỉ là đình chiến tạm thời. Còn nước Mỹ có thể thay đổi quyết định ngày 5-4-1954 hay không, để một khi ngừng chiến không được thì vào giờ phút mấu chốt đó có thể sử dụng không quân để giúp đỡ quân viễn chinh Pháp?
Dulles biểu thị, chuyện này đối với phía Mỹ không quá khó khăn. Quan trọng là thuyết phục được Anh phối hợp nhất trí cùng với Mỹ, chỉ có như vậy quốc hội Mỹ mới có thể phê chuẩn.
Chiều cùng ngày, lúc 3h30, tại đại sứ quán Pháp ở Mỹ, Dulles và Radford gặp mặt Eden vừa từ London bay tới.
Dulles nói với Eden: quân Pháp tại Điện Biên Phủ không thể cố thủ được nữa, trừ phi Anh, Mỹ liên minh hành động, nếu không nước Pháp sẽ phải thoả hiệp. Tiếp đó, Dulles đưa ra điện báo cầu cứu từ Sài Gòn của Navarre - Tư lệnh quân viễn chinh Pháp, đọc một lượt cho Eden nghe. Dulles nhấn mạnh thêm lần nữa, nhiều khả năng Điện Biên Phủ chỉ có thể cố thủ thêm ba hoặc bốn ngày nữa. Trong tình hình này, nếu Anh đồng ý cùng hành động với Mỹ, tổng thống Eisenhower sẽ tìm được sự phê chuẩn của quốc hội Mỹ cho sử dụng lực lượng không quân. Đương nhiên, “tiền đề là liên minh hành động”.
Eden hỏi, cụ thể mà nói, nước Mỹ hy vọng đạt được gì ở Anh?
Radford đáp rằng, cần phải hiệp đồng quân sự nhanh chóng, ông kiến nghị nước Anh phái một hạm đội tàu chiến hướng về vịnh Bắc Bộ.
Eden chỉ ra cho Dulles và Redford thấy rằng, về thái độ của Pháp, giữa những điều mà Chính phủ Mỹ nói và thái độ của Chính phủ Pháp đã thể hiện nhiều lần với Anh là không giống nhau. Ấn tượng của Anh là Pháp vẫn còn có thể tiếp tục duy trì sự hiện diện ở Đông Dương. Ông khẳng định với hai vị khách Mỹ rằng, dựa vào lập trường kiên định của Anh, ông không thể phản hồi lập tức về London những vấn đề Đông Dương đã được thảo luận với Churchill. Đồng thời ông cho rằng, “việc đề xuất đưa không quân vào can thiệp không thể thay đổi được cục diện ở đó”.
Tiếp đó, Eden hỏi, nước Mỹ có cách nhìn như thế nào về ảnh hưởng của Trung Quốc với tình hình Đông Dương?
Radford nói, nếu không quân Mỹ tham gia chiến tranh Đông Dương, Trung Quốc cũng sẽ không tham gia vào cuộc chiến này, vì khả năng tác chiến của không quân Trung Quốc còn rất thấp. Còn về lực lượng lục quân thì cho đến này vẫn không thấy quân đội Trung Quốc ở Đông Dương. Ông còn nói, nếu không quân Mỹ tiến vào Đông Dương, Liên Xô cũng sẽ không hành động, vì hiện nay họ không muốn lại tiếp tục tham gia một lần đại chiến thế giới.
Eden hỏi Radford: “Có phải ông đã có phương án cụ thể?”
Radford trả lời: “chi viện không thể kéo dài”. Tốt nhất là nước Anh nên tham gia, phái không quân của mình từ Malaysia sang Đông Dương. Vì một khi Điện Biên Phủ thất thủ, thì sau vài ngày tình hình Đông Dương cũng sẽ khó có thể thu xếp được, ý chí đánh Pháp của các dân tộc sẽ lên đến cao trào.
Eden nói:
- Nước Pháp từ trước đến nay chưa nói với chúng tôi rằng tình hình lại tuyệt vọng như vậy. Ngược lại, sáng sớm nay tôi nhận được báo cáo của đại sứ Anh tại Mỹ nói Chính phủ Pháp thông báo với ông rằng, tình hình Điện Biên Phủ rất nguy cấp, nhưng quân đội vẫn cố thủ đến cùng. Như vậy, tướng Radford, ông có cho rằng liên minh hành động không quân Anh-Mỹ sẽ phát huy được tác dụng quyết định, giải cứu được Điện Biên Phủ hay không? Nếu làm như vậy, Trung Quốc sẽ có phản ứng như thế nào? Lúc này, xin lưu ý rằng điều ước hữu nghị giữa hai nước Liên Xô Trung Quốc vẫn tồn tại. Vì thế, vẫn còn tồn tại một khả năng như thế này: tức là nếu chúng ta đánh vào Đông Dương, có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh có quy mô lớn hơn.
Radford đáp:
- Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không tham gia chiến tranh Đông Dương. Nếu không quân Trung Quốc tham gia, không quân Mỹ sẽ oanh tạc sân bay của họ.
Eden nói rõ rằng Mỹ thiếu sức thuyết phục về ý tưởng sử dụng quân sự một cách giới hạn để tấn công. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ cần có hành động không quân trên quy mô lớn, thì chiến tranh mặt đất cũng sẽ theo đó mà tiếp diễn, quy mô chiến tranh sẽ không thể khống chế được.
Ngoại trưởng hai nước Mỹ, Anh không có trở ngại gì về ngôn ngữ nên nói rất nhanh, chỉ cần 30 phút là đã thảo luận xong. Tiếp ngay sau đó là hội đàm ba nước Mỹ, Anh, Pháp.
Dulles phát biểu trước tiên: “Hiện tại là thời điểm vô cùng quan trọng, cấp thiết. Tóm lại là nếu Điện Biên Phủ thất thủ, Chính phủ Pháp nên dùng chính sách gì với Đông Dương?” Tiếp đó, ông đọc bức điện báo vừa nhận được từ Eisenhower, kèm theo điện báo là thư của thủ tướng Pháp, yêu cầu Chính phủ Pháp tuyên bố công khai rằng cho dù Điện Biên Phủ thất thủ thì nước Pháp cũng sẽ đánh tiếp ở Đông Dương.
Dulles nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Điện Biên Phủ, cho rằng một khi thất thủ, sẽ làm thay đổi tình thế tại miền Bắc Việt Nam. Về ý kiến của thủ tướng Pháp và của cá nhân, Bidault nói cả hai người đều hy vọng sẽ đánh tiếp. Nhưng ông không thể bảo đảm sự phản ứng của cả nước Pháp đối với việc này. Tại thời điểm cấp thiết này, ông trịnh trọng yêu cầu hai nước Anh, Mỹ nỗ lực hợp tác, sử dụng tất cả các biện pháp có thể để cứu vãn cục diện nguy cấp ở Điện Biên Phủ. Nếu không, lợi ích của “thế giới tự do” sẽ bị tổn hại.
Khi nói những lời này, giọng nói của Bidault đã lạc đi.
Eden ý thức được rằng đây là thời khắc đưa ra những quyết sách quan trọng. Ông tóm tắt lại những lời mà vừa nãy đã nói với Dulles. Sau đó biểu thị nhượng bộ. Sự tình đã đi đến thời điểm cấp thiết như vậy, ông sẽ thay đổi kế hoạch, lập tức trở về London để báo cáo với Churchill. Đề nghị Dulles và Bidault đợi hồi âm.
______________________
Chú thích:
1 Bernard B. Fall, Hell in a very Small Place - The Siege of Dien Bien Phu, Da Capo Press Inc., tr. 241-242.
2 Chỉ miền Nam Việt Nam (Đúng ra là chính quyền Bảo Đại - Tác giả).
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #17 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 12:11:59 pm »

Hội nghị đã kết thúc, Dulles lập tức đi gặp thủ tướng Pháp Laniel. Thủ tướng Laniel nhấn mạnh với Dulles rằng, quân Pháp vẫn cho rằng chỉ cần có viện trợ không quân Mỹ với quy mô lớn là có thể giải cứu Điện Biên Phủ. Hơn nữa, quân chủ lực Việt Nam lại tập trung bên ngoài Điện Biên Phủ. Đây là một cơ hội thuận lợi để đánh bằng không quân.
Sau khi hội kiến với Laniel, Dulles nói với các nhà báo rằng, chính phủ Pháp đã chính thức đề xuất với Mỹ, yêu cầu Mỹ “can thiệp trực tiếp”.
Eden sau khi rời khỏi hội nghị đã gửi điện báo cho Churchill:
“Hiện nay đã rất rõ ràng. Chúng ta nhất thiết phải đưa ra một quyết định vô cùng quan trọng, tức là nói với người Mỹ, liệu chúng ta có chuẩn bị cùng họ tham dự hành động quân sự hay không. Sự việc trọng đại, tôi sẽ trở về London tối nay để bàn bạc với các đồng nghiệp”.
10 giờ 20 tối cùng ngày, sau khi đáp máy bay về đến London, Eden đã trực tiếp đi ô tô đến số 10 phố Downing, nơi đặt Văn phòng của Churchill. Trong khi thảo luận, ý kiến của Churchill và Eden vô cùng nhất trí, đều cho rằng nước Anh nên từ chối nghĩa vụ quân sự ở Đông Dương. Ngược lại, phải nghĩ mọi biện pháp để hội nghị Genève sắp diễn ra đạt được thành quả.
Churchill đã lập tức phê chuẩn tám lập trường cơ bản của nước Anh với vấn đề Đông Dương, do Eden vừa nghĩ ra:
“Tuyên bố London” mà hai nước Anh, Mỹ vừa công bố không có nghĩa là nước Anh sẽ lập tức tham gia vào mọi cuộc thương lượng để xem xét khả năng liên minh can thiệp vào chiến tranh Đông Dương.
Trước khi Hội nghị Genève diễn ra, lực lượng vũ trang Anh không gánh vác hành động tại Đông Dương.
Chúng tôi sẽ ủng hộ hết sức về mặt ngoại giao đối với đoàn đại biểu Pháp tại Hội nghị Genève, tranh thủ đạt được một phương án giải quyết thể diện.
Chúng tôi có thể cam kết nếu Hội nghị Genève đạt được một phương án giải quyết, chúng tôi sẽ tham gia các nỗ lực chung để thực hiện hiệp nghị này, và sẽ tham gia liên minh phòng vệ tại Đông Nam Á cùng với Anh, Mỹ như đã trình bày trong “Tuyên bố London”.
Chúng tôi hy vọng hiệp nghị đạt được tại Genève có thể được nhiều nước liên hợp thực hiện, và sẽ ảnh hưởng đến phần lớn khu vực Đông Dương.
Nếu tại Hội nghị Genève không đạt được bất kỳ hiệp nghị nào, chúng tôi sẽ cùng thương lượng với các nước liên minh về các giải pháp liên hợp hành động nên sử dụng.
Hiện tại, chúng tôi không thể đưa ra cam kết, nếu Hội nghị Genève không đạt được hiệp nghị chấm dứt tình trạng đối địch tại Đông Dương, nước Anh sẽ áp dùng biện pháp gì.
Hiện nay chúng tôi phải thương lượng với Chính phủ Mỹ, một khi một phần hay toàn bộ Đông Dương bị mất, cần phải sử dụng các biện pháp bảo vệ các nước Đông Nam Á, trong đó bao gồm Thái Lan và cả Malaysia(1).
Ngày 25-4-1954 là ngày chủ nhật. Khoảng 11 giờ trưa, dưới sự chủ trì của thủ tướng Churchill, Nội các Anh họp khẩn cấp, nghe Eden báo cáo tình hình hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ và Pháp về các vấn đề Đông Dương và những vấn đề sắp diễn ra tại Hội nghị Genève. Các tướng lĩnh quân đội Anh phát biểu đầu tiên, nhận định rằng Điện Biên Phủ đã không thể cứu được cho dù có tăng thêm bao nhiêu không quân cũng vô ích.
Tiếp đó Eden phát biểu. Ông cho rằng nước Anh nên kiên quyết giữ vững lập trường, tức là, sử dụng hành động quân sự cũng không làm cho Hội nghị Genève có kết quả. Biện pháp có hiệu quả duy nhất là đạt được hiệp định ngừng chiến tại Hội nghị Genève.
Churchill đã kết luận: “Ý kiến của Eden là chính xác”.
Hội nghị nhất trí thông qua nguyên tắc lập trường tám điểm do Eden đưa ra, tuyên bố nước Anh không có ý định tham gia vào bất kỳ hành động quân sự nào tại Đông Dương, cũng không có ý định gánh vác bất kỳ nghĩa vụ quân sự nào trước khi Hội nghị Genève diễn ra. Chỉ có một điểm mà nước Mỹ có thể hy vọng là nước Anh đồng ý tham gia một số hội đàm quân sự để bảo đảm “an ninh” ở Đông Nam Á.
Hoạt động ngoại giao đã đạt đến mức cao trào nhất. Hội nghị kết thúc, Eden trở về phòng làm việc của mình tại Bộ ngoại giao, lúc 2 giờ 20, đại sứ Pháp tại Anh là René Massigli đến đưa cho ông một bức thư của Dulles và Bidault. Trong thư nói, Điện Biên Phủ vô cùng nguy cấp, trừ phi không quân Mỹ trong mấy ngày tới oanh tạc trận địa quân Việt Nam với quy mô lớn, nếu không Điện Biên Phủ sẽ thất thủ.
Đại sứ Pháp chỉ ra cho Eden rằng, Chính phủ Mỹ đã đưa ra bản “tuyên bố chung”, dự tính mời Pháp, Anh, Philippines và ba nước Đông Dương cùng ký kết, tuyên bố vì lợi ích chung những quốc gia này đều quan tâm đến tình thế ngày càng xấu đi ở Đông Dương, và sẽ nhất trí sử dụng những hành động quân sự tương ứng. Nếu nước Anh đồng ý ký kết, tổng thống Mỹ sẽ yêu cầu Quốc hội phê chuẩn trao quyền. Một khi được phê chuẩn, không quân Mỹ sẽ tiến đánh trận địa Điện Biên Phủ ngày 28-4-1954.
Đại sứ Pháp nói, nếu Anh từ chối “liên minh hành động”, không cùng Mỹ và Pháp ký kết tuyên bố này, một kết quả có tính tai hoạ sẽ đến với Pháp.
Trước tình hình cấp bách như vậy, Churchill và Eden lại vội vàng triệu tập cuộc họp Nội các vừa mới giải tán không lâu vào lúc bốn giờ chiều, thảo luận tin tức mà đại sứ Pháp vừa mang tới. Cuộc họp nhất trí quyết định, từ chối phục tùng nước Mỹ ký bản tuyên bố mà đại sứ Pháp vừa nói, đồng thời yêu cầu Eden trước khi đi dự Hội nghị Genève nói với Dulles và Bidault lập trường rõ ràng của Anh.
Khi Eden đáp máy bay xuất phát thì Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng Mỹ Redford bay từ Pháp đến London, mang theo lời nhắn của Eisenhower đến Churchill. Redford bản thân cũng hy vọng được nói chuyện trực tiếp với Churchill.
Churchill đã gặp Redford, cùng ăn tối. Ông giải thích với Redford rằng: “tình hình xảy ra tại vùng rừng núi Đông Nam Á xa xôi không thể làm ảnh hưởng đến phán đoán của nhân dân Anh một cách dễ dàng như vậy, mặc dù Anh hiểu rất rõ Mỹ có căn cứ quân sự quan trọng tại Đông Nam Á, hơn nữa lại vừa đánh trận với Trung Quốc”. Churchill nói thêm, năm 1947, Anh đã quyết định bỏ đi các vùng thuộc địa mà nước này đã đô hộ hơn 250 năm là Ấn Độ, Miến Điện. Nếu đã như vậy thì Anh tại sao lại ủng hộ nước Pháp tiếp tục chiếm lĩnh Đông Dương(2)?
Tối hôm đó, Radford mang bộ mặt u ám lên máy bay trở lại Washington.
______________________
Chú thích:
1 Sir Anthony Eden, sđd, tr.116-118.
1 John Prados, sđd, tr. 122-126.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #18 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 12:14:21 pm »

Chương 8

Hai phe lớn đều có nguyện vọng đàm phán


Eden lại đến Genève, chính là vì muốn hoạch định cục diện thế giới mới sau chiến tranh. Hồ Leman vẫn như xưa, nhưng thế giới xung quanh nó đã thay đổi, đối thủ đàm phán cũng thay đổi. Ông hướng mắt đến Vạn Hoa lĩnh (lĩnh=đồi), chú ý đến thủ tướng Chu Ân Lai, người dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Hội nghị Genève.
Chiều 25-4-1954, sau khi tham gia cuộc họp nội các khẩn cấp, Eden dẫn những trợ lý của mình rời London. Cuộc họp đã giao cho Eden một sứ mệnh - đó là trước khi đến Genève, thông báo cho Ngoại trưởng Pháp Bidault và Quốc vụ khanh Mỹ Dulles lập trường của Chính phủ Anh. Eden có ý không nói thẳng quyết định của chính phủ cho đại sứ Pháp tại Anh, điều này là muốn ngầm cho Pháp và Mỹ biết rằng: quyết sách chiến lược quan trọng như vậy nên do người đứng đầu chính phủ Mỹ trực tiếp thông báo cho nước Anh.
Tuỳ tùng của Eden không nhiều, vốn định đáp máy bay của Pháp bay đến Genève. Nhưng không ngờ rằng, Churchill được biết những ngoại trưởng của các nước lớn khác đều đáp chuyên cơ đi Genève, nên lập tức kiên quyết điều một chiếc chuyên cơ không quân hoàng gia để Eden dùng. Phu nhân Eden là Clarissa đã đợi ở Paris để gặp ông, nên đành phải quyết định để chuyên cơ của Eden sẽ đáp tại Orly, cách Paris không xa, để đón bà lên máy bay. Đoàn Eden rời khỏi London lúc sáu giờ.
Trong đoạn đường ngắn ngủi bay đến Genève, Eden nặng nề nghĩ đến sứ mệnh mà mình phải gánh vác lần này, làm ông không thể không thở dài. Genève là thành phố mà thời thanh niên Eden đã nhiều lần đặt chân tới sau khi đi theo con đường chính trị, đặc biệt là trước và sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, Eden thường xuyên đến Genève để tham gia hội nghị “Quốc liên” (tiền thân của LHQ). Ông đã từng dốc hết toàn lực tính toán để ngăn chặn chiến tranh thế giới bùng nổ, kết quả không được như mong muốn. Ngược lại, ông phải chứng kiến: quốc vương (Kralj) Aleksandar của Nam Tư bị ám sát, đại chiến thế giới nổ ra, Ý xâm lược Ethiopia, lửa chiến tranh của châu Âu cháy lan ra toàn cầu.
Vật đổi sao dời, năm này qua năm khác, thế là đã bảy năm, Eden lại một lần nữa đến Genève. Sứ mệnh lần này vẫn là để ngừng các cuộc chiến tranh, nhưng sự việc và con người thay đổi, nguyên nhân gây nên chiến tranh và hình thức của nó không còn giống trước. Vẫn là hồ Leman xuân sắc không đổi, vẫn thu hút được vô số người.
Eden thầm tự cầu khấn cho mình: hy vọng vận may sẽ đến. Mấy ngày trước, ông thực sự rất mệt mỏi, trải qua những biến đổi kịch tính về vấn đề Đông Dương, đến nay tạm coi đã ổn. Đối với Hội nghị Genève sắp diễn ra, Eden tràn đầy hy vọng song cũng lại hoài nghi vô cùng. Ông biết rõ rằng muốn hội nghị đạt được kết quả như ý là vô cùng khó khăn. Ông lại là một người vô cùng tự tin với bản thân. Ở vị trí là Ngoại trưởng Anh, ông từng lên xuống liên tục, hiện tại chỉ ở dưới mỗi thủ tướng Anh. Eden không ngại gian khổ, từ trước đến nay đều tự tin rằng mình là một người có khả năng giải quyết mọi việc, nói chi tới lần này quay lại thành phố hoà bình Genève.
Genève có duyên với Eden. Eden bước lên con đường ngoại giao quốc tế cũng chính từ Genève.
Robert Anthony Eden sinh ngày 12-6-1897 trong một gia đình quý tộc nông thôn ở miền Đông Bắc nước Anh. Lúc nhỏ ông đã có thiên hướng bẩm sinh về ngôn ngữ. Năm 22 tuổi ông vào học tại Viện thần học của trường Đại học Oxford danh tiếng, theo học ngành ngôn ngữ phương Đông, từng theo học và nghiên cứu chuyên ngành tiếng Batư, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Ả Rập. Ông du lịch nước ngoài cũng rất nhiều, tiếng Pháp và tiếng Đức nói cũng tương đối lưu loát.
Khi sắp tốt nghiệp đại học, Eden bắt đầu có hứng thú với chính trị. Sau khi tốt nghiệp, ông càng toàn tâm toàn ý với sự nghiệp này. Kết quả là năm 27 tuổi, ông được bầu làm nghị sĩ Quốc hội. Ông thăng tiến nhanh chóng, khi 34 tuổi, tức năm 1931, lên làm thứ trưởng Ngoại giao. Sau khi nhậm chức, nhiệm vụ đầu tiên là đến Genève tham gia hội nghị giải trừ quân bị quốc tế một năm sau đó. Mùa thu năm 1932, Eden từ Genève trở về London, ông được cử trả lời chất vấn của Quốc hội Anh về dự thảo công ước của hội nghị giải trừ quân bị. Đối thủ tranh luận của ông chính là thủ tướng sau này của nước Anh - Winston Churchill. Cuộc tranh luận như địch thủ tương phùng, nước lửa không thể dung hoà. Không ngờ rằng, Churchill sau khi nghe xong giải đáp và biện luận của Eden thì cảm thấy vô cùng hứng khởi, về sau cứ hẹn gặp ông để nói chuyện riêng. Vì thế đã xây dựng được nền tảng hợp tác chính trị với Eden.
Hai năm sau, Eden tham gia nội các ở tuổi 37, nhưng công việc chủ yếu của ông vẫn là lĩnh vực ngoại giao. Ông cho rằng nên cải thiện quan hệ với Liên Xô, củng cố an ninh châu Âu.
Tháng 10 năm 1935, Italia thuộc liên minh Phát xít với Đức tung trên trăm nghìn quân xâm lược Ethiopia. Ngoại trưởng Anh lúc đó là Samuel Hoare hợp mưu với Ngoại trưởng Pháp, yêu cầu Ethiopia cắt gần mười nghìn km vuông đất cho Italia. Yêu sách này vừa đưa ra đã gặp phải sự ngăn cản của Nội các và Quốc hội hai nước Anh, Pháp. Hoare phải từ chức năm đó.
Ai sẽ đảm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng? Eden được thủ tướng Stanley Baldwin mời đến khu nhà số 10 phố Downing, thủ tướng hỏi: “Ai thích hợp nhất để làm ngoại trưởng?”
“Neville Chamberlain” Eden trả lời.
“Ông ta đã già rồi, không sử dụng nữa”. Baldwin nói.
Eden lại nêu ra vài cái tên, song đều không được thủ tướng gật đầu. Baldwin liền mở cửa sổ nói: “xem ra ông phải đảm nhiệm chức Ngoại trưởng rồi”.
Ngày 25-12-1935, Eden đi ngựa đến nhậm chức. Lúc đó, hai nước Phát xít là Đức và Italia đang nổi lên ở châu Âu. Eden chủ trương xử lý nhưng khổ nỗi trong tay không có kế sách nào hay.
Tháng 5 năm 1937, Chamberlain đảm nhiệm chức thủ tướng Anh, quan hệ giữa Eden và ông này ngày càng xa cách, sau này trở thành đối lập, thậm chí Eden xin từ chức vào tháng 2 năm tiếp theo.
Phát xít Đức ngày 15-3-1939 xâm lược Tiệp Khắc, tiếp đó ngày 1 tháng 9 xâm lược Ba Lan. Chiến tranh thế giới thứ thứ hai nổ ra trên toàn châu Âu. Ngày 3 tháng 9, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức. Tháng 5 năm 1940, Chính phủ Chamberlain đổ, Churchill lại ra làm thủ tướng, Eden lập tức được triệu đến, ông được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng, sau đó làm Ngoại trưởng.
Trong thời gian diễn ra đại chiến thế giới lần hai, Eden luôn là trợ thủ quan trọng của Churchill. Ông đã phát huy được vai trò quan trọng của mình trong công tác ngoại giao nhằm thiết lập liên minh với Liên Xô và Mỹ để cùng đánh Đức. Churchill sớm đã xác định, một khi ông gặp bất trắc gì thì Eden sẽ đứng đầu chính phủ mới.
Churchill không ngờ được rằng, chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc, ông lại bị thất cử, Clement Attlee thuộc Công đảng đối lập lên nắm quyền. Khi Eden từ chức trở về quê đã nói một câu rằng ông không tin đây là điểm cuối trong sự nghiệp chính trị của ông.
Câu nói này quả nhiên đúng. Tháng 10 năm 1951, đảng Bảo thủ lại thắng cử. Churchill - con sư tử già nước Anh năm đó đã 77 tuổi, lại lên làm thủ tướng. Eden cũng quay trở lại, lần thứ ba đảm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng, kiêm chức Phó thủ tướng. Trên thực tế, ông đã được nhận định sẽ là người kế nhiệm của thủ tướng Churchill.
Lần này, tình hình thế giới lại có thay đổi lớn. Các phong trào giải phóng dân tộc nổ ra khắp nơi. Các thuộc địa thực dân của Anh trước đây dần dần độc lập. Ánh mặt trời “không bao giờ lặn trên đế quốc (Anh)” đã lặn về đằng Tây, thế bá quyền đã không còn. Eden đã có nhận thức tương đối về vấn đề này. Ông bình tĩnh xử lý một loạt công việc ngoại giao quốc tế, như đồng ý cho Ấn Độ, Miến Điện độc lập v.v. Nhưng cũng có một số việc ông làm chưa thành công. Tháng 1 năm 1952 ở Ai Cập dấy lên làn sóng phản đối chế độ thực dân và làn sóng đó đã lên tới mức cao trào. Lúc đó, Eden với tư cách thay mặt cho thủ tướng, đã yêu cầu quân đội trấn áp. Nhân dân Ai Cập phản kháng kịch liệt. Tháng 7, một số sĩ quan trẻ trong quân đội Ai Cập đã tiến hành đảo chính, lật đổ vương triều Farouk thân Anh, và tuyên bố Ai Cập trở thành nước cộng hoà. Churchill buộc phải quyết định rút quân khỏi Ai Cập, kết thúc 70 năm thống trị của thực dân Anh tại Ai Cập.
Đầu năm 1953, Eden lâm trọng bệnh, phải đến mùa thu mới đỡ. Lúc đó, ông bắt đầu nghiên cứu tỉ mỉ các vấn đề Đông Dương và nhiều lần thương lượng đối sách với Dulles và Redford. Những cuộc hoà giải ngoại giao kinh hồn táng đởm cuối tháng 4 năm 1954, đã khiến Eden khó tránh khỏi cảm giác sức cùng lực kiệt. Nhưng ông cho rằng chính sách ngoại giao của Anh là chính xác. Nếu tiếp tục chiến tranh ở Đông Dương sẽ không phù hợp với lợi ích quốc gia của Anh, cũng không phù hợp với lợi ích châu Âu. Đình chiến tại Đông Dương đều tốt đối với hai phe lớn trên thế giới.
Lần này đi Genève, ông quyết tâm gặp gỡ thân mật với thủ tướng mới của Trung Quốc là Chu Ân Lai, và sẽ cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Vì thế, trước khi khởi hành, ông đã lệnh cho đại biện lâm thời đại sứ quán Anh ở Trung Quốc là (Humphrey) Trevelyan phải đến Thuỵ Sĩ trước khi hội nghị Genève diễn ra, để tham gia phái đoàn Anh, cùng giao lưu với các quan chức ngoại giao Trung Quốc.
Sau khi bay qua eo biển Manche, Eden dừng lại ở sân bay Orly của Pháp, không chỉ vì phu nhân của mình, mà Ngoại trưởng Pháp Bidault cũng đợi ông ở đó. Eden nói với Bidault rằng nước Anh thực sự không thể ủng hộ việc không quân Mỹ tấn công Điện Biên Phủ. Các tướng lĩnh Anh đã nghiên cứu kỹ tình hình Đông Dương, và cho rằng chiến trường Điện Biên Phủ nhỏ hẹp như vậy, điều kiện khí hậu ở chiến khu cũng vô cùng khắc nghiệt đối với tác chiến không quân, cho dù sử dụng không quân cũng không giải quyết được gì. Vì thế, nước Anh hoàn toàn ủng hộ việc tìm kiếm biện pháp hoà bình để giải quyết vấn đề Đông Dương.
Sau khi nghe xong những lời của Eden, Bidault tuy có buồn nhưng thực ra cũng đã có chuẩn bị tư tưởng từ trước, vì bản thân Bộ Ngoại giao Pháp kỳ thực cũng do dự không quyết có nên cầu cứu nước Mỹ dính líu quân sự với qui mô lớn vào Đông Dương hay không. Nước Pháp luôn coi những công việc tại Đông Dương là công việc thuộc lãnh địa hải ngoại của mình, nên không muốn quốc tế hoá vấn đề Đông Dương. Khi Eden và Bidault trao đổi ý kiến với nhau, thư ký riêng của Eden là Evelyn Shuckburgh có mặt. Ông cho rằng cảm xúc của Bidault vẫn rất lý trí, tuy không tránh khỏi buồn rầu. Sau cuộc đàm thoại ngắn ngủi, Eden tạm biệt “Bidault đáng thương”.
Chuyên cơ không quân hoàng gia lại cất cánh, đưa Eden an toàn đến Genève. Máy bay trước khi đáp xuống có gặp một chút mưa gió nhưng đã mưa tạnh gió yên rất nhanh.
Sau các nghi lễ đón tiếp vô cùng thân tình, Eden đi ô tô đến khách sạn Bolivas. Đây là nơi trước kia ông thường ở tại Genève. Ông vừa mới ổn định chỗ ở thì Dulles đã vội đến hội kiến.
Dulles cũng đến Genève vào ngày 25-4-1954, ở tại khách sạn Hoa hồng nổi tiếng (Hotel du Rhone). Dulles không vui chút nào đối với Hội nghị Genève sắp diễn ra. Trước khi đi, ông ta đã nghiên cứu kỹ những thay đổi lớn trong quan hệ Trung-Mỹ những năm trở lại đây, quan hệ Trung Mỹ dưới thời Aitchison phát triển như thế nào, tại sao rơi vào tình trạng lạnh nhạt, trong lòng ông ta nắm tương đối rõ ràng.
Đầu năm 1949, sau khi quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đạt được thắng lợi có tính quyết định trong việc tiêu diệt hơn 1,5 triệu quân Quốc dân Đảng, Chính phủ Mỹ đã bắt đầu xem xét nên đối xử như thế nào với nước Trung Quốc mới.
Tại chính phủ, một số nhà ngoại giao Mỹ chủ trương thừa nhận nước Trung Quốc mới. Trong số đó có Alan Kirk là đại sứ Mỹ tại Liên Xô, John Leighton Stuart là đại sứ Mỹ tại Nam Kinh, Wesley Jones là tham tán tại đại sứ quán Mỹ tại Nam Kinh, Edmund Clubb là Tổng lãnh sự Mỹ tại Bắc Bình, Julius Holmes là đại biện lâm thời Mỹ tại Anh. Họ cho rằng chuyện này không nên kéo dài, nên duy trì ngoại giao với Trung Quốc mới, nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao, từ đó mà duy trì sự cân bằng nào đó giữa Trung Quốc và Liên Xô.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #19 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 12:14:59 pm »

Chương 8
Hai phe lớn đều có nguyện vọng đàm phán
Eden lại đến Genève, chính là vì muốn hoạch định cục diện thế giới mới sau chiến tranh. Hồ Leman vẫn như xưa, nhưng thế giới xung quanh nó đã thay đổi, đối thủ đàm phán cũng thay đổi. Ông hướng mắt đến Vạn Hoa lĩnh (lĩnh=đồi), chú ý đến thủ tướng Chu Ân Lai, người dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Hội nghị Genève.
Chiều 25-4-1954, sau khi tham gia cuộc họp nội các khẩn cấp, Eden dẫn những trợ lý của mình rời London. Cuộc họp đã giao cho Eden một sứ mệnh - đó là trước khi đến Genève, thông báo cho Ngoại trưởng Pháp Bidault và Quốc vụ khanh Mỹ Dulles lập trường của Chính phủ Anh. Eden có ý không nói thẳng quyết định của chính phủ cho đại sứ Pháp tại Anh, điều này là muốn ngầm cho Pháp và Mỹ biết rằng: quyết sách chiến lược quan trọng như vậy nên do người đứng đầu chính phủ Mỹ trực tiếp thông báo cho nước Anh.
Tuỳ tùng của Eden không nhiều, vốn định đáp máy bay của Pháp bay đến Genève. Nhưng không ngờ rằng, Churchill được biết những ngoại trưởng của các nước lớn khác đều đáp chuyên cơ đi Genève, nên lập tức kiên quyết điều một chiếc chuyên cơ không quân hoàng gia để Eden dùng. Phu nhân Eden là Clarissa đã đợi ở Paris để gặp ông, nên đành phải quyết định để chuyên cơ của Eden sẽ đáp tại Orly, cách Paris không xa, để đón bà lên máy bay. Đoàn Eden rời khỏi London lúc sáu giờ.
Trong đoạn đường ngắn ngủi bay đến Genève, Eden nặng nề nghĩ đến sứ mệnh mà mình phải gánh vác lần này, làm ông không thể không thở dài. Genève là thành phố mà thời thanh niên Eden đã nhiều lần đặt chân tới sau khi đi theo con đường chính trị, đặc biệt là trước và sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, Eden thường xuyên đến Genève để tham gia hội nghị “Quốc liên” (tiền thân của LHQ). Ông đã từng dốc hết toàn lực tính toán để ngăn chặn chiến tranh thế giới bùng nổ, kết quả không được như mong muốn. Ngược lại, ông phải chứng kiến: quốc vương (Kralj) Aleksandar của Nam Tư bị ám sát, đại chiến thế giới nổ ra, Ý xâm lược Ethiopia, lửa chiến tranh của châu Âu cháy lan ra toàn cầu.
Vật đổi sao dời, năm này qua năm khác, thế là đã bảy năm, Eden lại một lần nữa đến Genève. Sứ mệnh lần này vẫn là để ngừng các cuộc chiến tranh, nhưng sự việc và con người thay đổi, nguyên nhân gây nên chiến tranh và hình thức của nó không còn giống trước. Vẫn là hồ Leman xuân sắc không đổi, vẫn thu hút được vô số người.
Eden thầm tự cầu khấn cho mình: hy vọng vận may sẽ đến. Mấy ngày trước, ông thực sự rất mệt mỏi, trải qua những biến đổi kịch tính về vấn đề Đông Dương, đến nay tạm coi đã ổn. Đối với Hội nghị Genève sắp diễn ra, Eden tràn đầy hy vọng song cũng lại hoài nghi vô cùng. Ông biết rõ rằng muốn hội nghị đạt được kết quả như ý là vô cùng khó khăn. Ông lại là một người vô cùng tự tin với bản thân. Ở vị trí là Ngoại trưởng Anh, ông từng lên xuống liên tục, hiện tại chỉ ở dưới mỗi thủ tướng Anh. Eden không ngại gian khổ, từ trước đến nay đều tự tin rằng mình là một người có khả năng giải quyết mọi việc, nói chi tới lần này quay lại thành phố hoà bình Genève.
Genève có duyên với Eden. Eden bước lên con đường ngoại giao quốc tế cũng chính từ Genève.
Robert Anthony Eden sinh ngày 12-6-1897 trong một gia đình quý tộc nông thôn ở miền Đông Bắc nước Anh. Lúc nhỏ ông đã có thiên hướng bẩm sinh về ngôn ngữ. Năm 22 tuổi ông vào học tại Viện thần học của trường Đại học Oxford danh tiếng, theo học ngành ngôn ngữ phương Đông, từng theo học và nghiên cứu chuyên ngành tiếng Batư, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Ả Rập. Ông du lịch nước ngoài cũng rất nhiều, tiếng Pháp và tiếng Đức nói cũng tương đối lưu loát.
Khi sắp tốt nghiệp đại học, Eden bắt đầu có hứng thú với chính trị. Sau khi tốt nghiệp, ông càng toàn tâm toàn ý với sự nghiệp này. Kết quả là năm 27 tuổi, ông được bầu làm nghị sĩ Quốc hội. Ông thăng tiến nhanh chóng, khi 34 tuổi, tức năm 1931, lên làm thứ trưởng Ngoại giao. Sau khi nhậm chức, nhiệm vụ đầu tiên là đến Genève tham gia hội nghị giải trừ quân bị quốc tế một năm sau đó. Mùa thu năm 1932, Eden từ Genève trở về London, ông được cử trả lời chất vấn của Quốc hội Anh về dự thảo công ước của hội nghị giải trừ quân bị. Đối thủ tranh luận của ông chính là thủ tướng sau này của nước Anh - Winston Churchill. Cuộc tranh luận như địch thủ tương phùng, nước lửa không thể dung hoà. Không ngờ rằng, Churchill sau khi nghe xong giải đáp và biện luận của Eden thì cảm thấy vô cùng hứng khởi, về sau cứ hẹn gặp ông để nói chuyện riêng. Vì thế đã xây dựng được nền tảng hợp tác chính trị với Eden.
Hai năm sau, Eden tham gia nội các ở tuổi 37, nhưng công việc chủ yếu của ông vẫn là lĩnh vực ngoại giao. Ông cho rằng nên cải thiện quan hệ với Liên Xô, củng cố an ninh châu Âu.
Tháng 10 năm 1935, Italia thuộc liên minh Phát xít với Đức tung trên trăm nghìn quân xâm lược Ethiopia. Ngoại trưởng Anh lúc đó là Samuel Hoare hợp mưu với Ngoại trưởng Pháp, yêu cầu Ethiopia cắt gần mười nghìn km vuông đất cho Italia. Yêu sách này vừa đưa ra đã gặp phải sự ngăn cản của Nội các và Quốc hội hai nước Anh, Pháp. Hoare phải từ chức năm đó.
Ai sẽ đảm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng? Eden được thủ tướng Stanley Baldwin mời đến khu nhà số 10 phố Downing, thủ tướng hỏi: “Ai thích hợp nhất để làm ngoại trưởng?”
“Neville Chamberlain” Eden trả lời.
“Ông ta đã già rồi, không sử dụng nữa”. Baldwin nói.
Eden lại nêu ra vài cái tên, song đều không được thủ tướng gật đầu. Baldwin liền mở cửa sổ nói: “xem ra ông phải đảm nhiệm chức Ngoại trưởng rồi”.
Ngày 25-12-1935, Eden đi ngựa đến nhậm chức. Lúc đó, hai nước Phát xít là Đức và Italia đang nổi lên ở châu Âu. Eden chủ trương xử lý nhưng khổ nỗi trong tay không có kế sách nào hay.
Tháng 5 năm 1937, Chamberlain đảm nhiệm chức thủ tướng Anh, quan hệ giữa Eden và ông này ngày càng xa cách, sau này trở thành đối lập, thậm chí Eden xin từ chức vào tháng 2 năm tiếp theo.
Phát xít Đức ngày 15-3-1939 xâm lược Tiệp Khắc, tiếp đó ngày 1 tháng 9 xâm lược Ba Lan. Chiến tranh thế giới thứ thứ hai nổ ra trên toàn châu Âu. Ngày 3 tháng 9, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức. Tháng 5 năm 1940, Chính phủ Chamberlain đổ, Churchill lại ra làm thủ tướng, Eden lập tức được triệu đến, ông được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng, sau đó làm Ngoại trưởng.
Trong thời gian diễn ra đại chiến thế giới lần hai, Eden luôn là trợ thủ quan trọng của Churchill. Ông đã phát huy được vai trò quan trọng của mình trong công tác ngoại giao nhằm thiết lập liên minh với Liên Xô và Mỹ để cùng đánh Đức. Churchill sớm đã xác định, một khi ông gặp bất trắc gì thì Eden sẽ đứng đầu chính phủ mới.
Churchill không ngờ được rằng, chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc, ông lại bị thất cử, Clement Attlee thuộc Công đảng đối lập lên nắm quyền. Khi Eden từ chức trở về quê đã nói một câu rằng ông không tin đây là điểm cuối trong sự nghiệp chính trị của ông.
Câu nói này quả nhiên đúng. Tháng 10 năm 1951, đảng Bảo thủ lại thắng cử. Churchill - con sư tử già nước Anh năm đó đã 77 tuổi, lại lên làm thủ tướng. Eden cũng quay trở lại, lần thứ ba đảm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng, kiêm chức Phó thủ tướng. Trên thực tế, ông đã được nhận định sẽ là người kế nhiệm của thủ tướng Churchill.
Lần này, tình hình thế giới lại có thay đổi lớn. Các phong trào giải phóng dân tộc nổ ra khắp nơi. Các thuộc địa thực dân của Anh trước đây dần dần độc lập. Ánh mặt trời “không bao giờ lặn trên đế quốc (Anh)” đã lặn về đằng Tây, thế bá quyền đã không còn. Eden đã có nhận thức tương đối về vấn đề này. Ông bình tĩnh xử lý một loạt công việc ngoại giao quốc tế, như đồng ý cho Ấn Độ, Miến Điện độc lập v.v. Nhưng cũng có một số việc ông làm chưa thành công. Tháng 1 năm 1952 ở Ai Cập dấy lên làn sóng phản đối chế độ thực dân và làn sóng đó đã lên tới mức cao trào. Lúc đó, Eden với tư cách thay mặt cho thủ tướng, đã yêu cầu quân đội trấn áp. Nhân dân Ai Cập phản kháng kịch liệt. Tháng 7, một số sĩ quan trẻ trong quân đội Ai Cập đã tiến hành đảo chính, lật đổ vương triều Farouk thân Anh, và tuyên bố Ai Cập trở thành nước cộng hoà. Churchill buộc phải quyết định rút quân khỏi Ai Cập, kết thúc 70 năm thống trị của thực dân Anh tại Ai Cập.
Đầu năm 1953, Eden lâm trọng bệnh, phải đến mùa thu mới đỡ. Lúc đó, ông bắt đầu nghiên cứu tỉ mỉ các vấn đề Đông Dương và nhiều lần thương lượng đối sách với Dulles và Redford. Những cuộc hoà giải ngoại giao kinh hồn táng đởm cuối tháng 4 năm 1954, đã khiến Eden khó tránh khỏi cảm giác sức cùng lực kiệt. Nhưng ông cho rằng chính sách ngoại giao của Anh là chính xác. Nếu tiếp tục chiến tranh ở Đông Dương sẽ không phù hợp với lợi ích quốc gia của Anh, cũng không phù hợp với lợi ích châu Âu. Đình chiến tại Đông Dương đều tốt đối với hai phe lớn trên thế giới.
Lần này đi Genève, ông quyết tâm gặp gỡ thân mật với thủ tướng mới của Trung Quốc là Chu Ân Lai, và sẽ cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Vì thế, trước khi khởi hành, ông đã lệnh cho đại biện lâm thời đại sứ quán Anh ở Trung Quốc là (Humphrey) Trevelyan phải đến Thuỵ Sĩ trước khi hội nghị Genève diễn ra, để tham gia phái đoàn Anh, cùng giao lưu với các quan chức ngoại giao Trung Quốc.
Sau khi bay qua eo biển Manche, Eden dừng lại ở sân bay Orly của Pháp, không chỉ vì phu nhân của mình, mà Ngoại trưởng Pháp Bidault cũng đợi ông ở đó. Eden nói với Bidault rằng nước Anh thực sự không thể ủng hộ việc không quân Mỹ tấn công Điện Biên Phủ. Các tướng lĩnh Anh đã nghiên cứu kỹ tình hình Đông Dương, và cho rằng chiến trường Điện Biên Phủ nhỏ hẹp như vậy, điều kiện khí hậu ở chiến khu cũng vô cùng khắc nghiệt đối với tác chiến không quân, cho dù sử dụng không quân cũng không giải quyết được gì. Vì thế, nước Anh hoàn toàn ủng hộ việc tìm kiếm biện pháp hoà bình để giải quyết vấn đề Đông Dương.
Sau khi nghe xong những lời của Eden, Bidault tuy có buồn nhưng thực ra cũng đã có chuẩn bị tư tưởng từ trước, vì bản thân Bộ Ngoại giao Pháp kỳ thực cũng do dự không quyết có nên cầu cứu nước Mỹ dính líu quân sự với qui mô lớn vào Đông Dương hay không. Nước Pháp luôn coi những công việc tại Đông Dương là công việc thuộc lãnh địa hải ngoại của mình, nên không muốn quốc tế hoá vấn đề Đông Dương. Khi Eden và Bidault trao đổi ý kiến với nhau, thư ký riêng của Eden là Evelyn Shuckburgh có mặt. Ông cho rằng cảm xúc của Bidault vẫn rất lý trí, tuy không tránh khỏi buồn rầu. Sau cuộc đàm thoại ngắn ngủi, Eden tạm biệt “Bidault đáng thương”.
Chuyên cơ không quân hoàng gia lại cất cánh, đưa Eden an toàn đến Genève. Máy bay trước khi đáp xuống có gặp một chút mưa gió nhưng đã mưa tạnh gió yên rất nhanh.
Sau các nghi lễ đón tiếp vô cùng thân tình, Eden đi ô tô đến khách sạn Bolivas. Đây là nơi trước kia ông thường ở tại Genève. Ông vừa mới ổn định chỗ ở thì Dulles đã vội đến hội kiến.
Dulles cũng đến Genève vào ngày 25-4-1954, ở tại khách sạn Hoa hồng nổi tiếng (Hotel du Rhone). Dulles không vui chút nào đối với Hội nghị Genève sắp diễn ra. Trước khi đi, ông ta đã nghiên cứu kỹ những thay đổi lớn trong quan hệ Trung-Mỹ những năm trở lại đây, quan hệ Trung Mỹ dưới thời Aitchison phát triển như thế nào, tại sao rơi vào tình trạng lạnh nhạt, trong lòng ông ta nắm tương đối rõ ràng.
Đầu năm 1949, sau khi quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đạt được thắng lợi có tính quyết định trong việc tiêu diệt hơn 1,5 triệu quân Quốc dân Đảng, Chính phủ Mỹ đã bắt đầu xem xét nên đối xử như thế nào với nước Trung Quốc mới.
Tại chính phủ, một số nhà ngoại giao Mỹ chủ trương thừa nhận nước Trung Quốc mới. Trong số đó có Alan Kirk là đại sứ Mỹ tại Liên Xô, John Leighton Stuart là đại sứ Mỹ tại Nam Kinh, Wesley Jones là tham tán tại đại sứ quán Mỹ tại Nam Kinh, Edmund Clubb là Tổng lãnh sự Mỹ tại Bắc Bình, Julius Holmes là đại biện lâm thời Mỹ tại Anh. Họ cho rằng chuyện này không nên kéo dài, nên duy trì ngoại giao với Trung Quốc mới, nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao, từ đó mà duy trì sự cân bằng nào đó giữa Trung Quốc và Liên Xô.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM