Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:26:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954  (Đọc 56393 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 11:02:37 am »

VAI TRÒ CỦA CHU ÂN LAI TẠI GENÈVE NĂM 1954

Tác giả: Tiền Giang (钱江/Qian Jiang)
Nguyễn dịch: Dương Danh Dy


Bìa sách Chu Ân-Lai dữ Nhật-Nội-Ngoã hội nghị
Đây là toàn văn bản dịch cuốn sách "Chu Ân Lai dữ Nhật Nội Ngoã hội nghị", nhà xuất bàn Trung Cộng Đảng Sử Xuất Bản Xá, 2005, tác giả là Tiền Giang, dịch giả là Dương Danh Dy.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #1 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 11:06:08 am »

Chương 1

Chu Ân Lai đến Genève


Chu Ân Lai đã tới, mang theo phong thái của một Trung Quốc mới. Mặt hồ Leman xanh biếc tựa như một con mắt mở to tròn trên mảnh đất Tây Âu, dồn mọi sự tập trung chú ý vào những gì sắp xảy ra xung quanh nó. “Bàn đàm phán của thế giới” - Genève - liệu ngươi có thể giải quyết được hai vấn đề khó khăn đang được đặt trên mình không?
Thứ bảy, ngày 23-4-1954, thành phố Genève của Thuỵ Sĩ tràn ngập sắc xuân, đâu đâu cũng là một màu xanh mơn mởn. Đây quả là một mảnh đất xinh đẹp tuyệt vời. Hồ Leman nước xanh biếc tựa như một con mắt mở to tròn trên đất Tây Âu, đang dồn mọi sự tập trung chú ý vào những gì sắp xảy ra xung quanh mình.
Mấy ngày hôm nay, sân bay Genève đặc biệt nhộn nhịp, hàng loạt máy bay từ năm châu bốn biển liên tiếp hạ cánh, đưa các vị đại biểu của các nước cùng hơn một nghìn phóng viên báo chí tới thành phố xinh đẹp vốn được mệnh danh là “Bàn đàm phán của thế giới” này. Còn hai ngày nữa, từ ngày 26-4, sẽ diễn ra hội nghị Genève bàn về vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương. Các chính trị gia từ hơn 20 nước và khu vực sẽ hội tụ tại đây, thông qua thương lượng để giải quyết hai cuộc chiến tranh lớn trên thế giới, đem lại hoà bình cho Triều Tiên và Đông Dương (chủ yếu là Việt Nam). Điều quan trọng hơn là Chu Ân Lai sẽ là đại diện cho nước Trung Quốc mới cùng với đại biểu của Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp tham gia toàn bộ quá trình hội nghị. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, lãnh đạo của năm nước lớn cùng ngồi vào bàn đàm phán với nhau.
Hai giờ chiều, ông Phùng Huyền, 39 tuổi, Công sứ Trung Quốc tại Thuỵ Sĩ cùng phái đoàn đến sân bay Genève. Cùng ông đến sân bay có Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Genève Ôn Bằng Cửu, các nhân viên lãnh sự quán và cả Bí thư trưởng của đoàn đại biểu Trung Quốc Vương Bỉnh Nam, người đã đến Genève trước đó.
Tại sân bay, Phùng Huyền gặp Cục trưởng Cục hành chính Chính phủ liên bang Thuỵ Sĩ Airfreid Qindeer và Phó Thị trưởng Genève Aibert Dujun.
Đến sân bay đón Chu Ân Lai còn có Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, tướng Nam Il (Nam Nhật), cùng các đại biểu Triều Tiên Bạch Nam Vân, Kỳ Thạch Phúc và cố vấn Trương Xuân Sơn, những người đã đến Genève từ ngày 23-4-1954. Ngoài ra, công sứ một số nước Đông Âu tại Genève như Tiệp Khắc, Hungary cũng ra sân bay nghênh đón.
10 giờ sáng hôm trước, Nam Il bay từ Berlin sang Genève. Hôm ấy, sân bay không đông như hôm nay. Trong chiến tranh Triều Tiên, Nam Il là Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Triều Tiên, sau đó là trưởng đoàn đại biểu Triều - Trung tại cuộc đàm phán ở Bàn Môn Điếm (Panmunjeom). Khi xuống đến sân bay, Nam Il đã đảo mắt nhìn quanh dường như muốn tìm kiếm một quang cảnh quen thuộc, cứ mỗi khi xuất hiện là rất đông phóng viên xúm tới chụp ảnh. Thế nhưng lần này đã không diễn ra quang cảnh như ông mong muốn. Tại sân bay chỉ có vài phóng viên, dường như không có ai nhận ra Nam Il. Ông lên chiếc ô tô nhỏ đã đợi sẵn đi về nơi nghỉ.
Nhưng hôm nay đã khác hẳn. Từ hôm nay, đại biểu của năm cường quốc bắt đầu đến Genève. Nhân viên lễ tân Bộ Ngoại giao Thuỵ Sĩ đông kín sân bay. Công sứ Trung Quốc Phùng Huyền đã quen mọi người và bày tỏ cảm ơn với sự đón tiếp của các quan chức lễ tân Thuỵ Sĩ.
Con người thư sinh Phùng Huyền là một nhà cách mạng nòi. Ông là người Võ Tiến, tỉnh Giang Tô, sinh tháng 5 năm 1915. Năm 16 tuổi đã tham gia đội thiếu niên cộng sản. Thời thanh niên từng lãnh đạo công nhân xe điện ở Cáp Nhĩ Tân bãi công. Năm 1933, khi 18 tuổi, Phùng Huyền đã sang Liên Xô học tại Học viện Lenin, đến năm 1936 được kết nạp vào ĐCS Trung Quốc, cùng năm đó về Tân Cương đảm nhận chức Trưởng ban chính trị tiểu đoàn tân binh ở Urumqi. Năm 1940 đến Diên An, tham gia vào Ban xã hội trung ương ĐCS do Lý Khắc Nông lãnh đạo, phụ trách công tác liên lạc quốc tế. Năm 1946 giữ chức Chủ nhiệm văn phòng đoàn đại biểu ĐCS Trung Quốc thuộc Phòng điều quân Bắc Bình (Bắc Kinh). Sau khi nội chiến bùng nổ dữ dội, ông chuyển công tác đến vùng Đông Bắc, khi nước Trung Quốc mới được thành lập, giữ chức Cục trưởng Cục liên lạc thành phố Thiên Tân thuộc Ban liên lạc quân uỷ trung ương. Tháng 10-1950, Phùng Huyền được điều động sang Bộ Ngoại giao, lúc đó vừa mới được thành lập, trở thành vị công sứ đầu tiên của nước Trung Quốc mới tại Liên bang Thuỵ Sĩ.
Vừa chuyển về Bộ Ngoại giao, Phùng Huyền đã ra nước ngoài nhận nhiệm vụ. Trước khi rời tổ quốc, đích thân Chu Ân Lai gặp gỡ tất cả nhân viên sứ quán, nói với mọi người rằng “Phùng Huyền là đại diện của nước Trung Hoa mới, là đại diện của Chủ tịch Mao Trạch Đông, là lãnh đạo của tất cả các đồng chí, và mỗi người trong các đồng chí đều là sứ giả của nước Trung Hoa mới, mỗi lời nói, hành động của các đồng chí đều phản ánh hình tượng của nhân dân Trung Quốc đang vươn dậy”.
Sứ quán tại Thuỵ Sĩ là một trong những cơ quan ngoại giao ở nước ngoài đầu tiên được thiết lập sau khi nhà nước Trung Hoa mới ra đời, đồng thời là sứ quán đầu tiên của Trung Quốc tại Tây Âu. Khi đó, các nước láng giềng của Thuỵ Sĩ như Pháp, Italia, Bỉ, Anh v.v. vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Sứ quán Trung Quốc tại Thuỵ Sĩ do vậy giữ vai trò “lô cốt đầu cầu” cắm vào Tây Âu, như vậy có thể hiểu vai trò và nhiệm vụ của Phùng Huyền không nhẹ chút nào.
Từ tháng 3-1954, Phùng Huyền dốc hết sức cho công tác chuẩn bị cho hội nghị Genève, chỉ để vài nhân viên lại Bern, còn toàn bộ lực lượng cốt cán đều được đưa tới Genève. Khi đó, Trung Quốc đã mở Tổng lãnh sự quán tại Genève và Ôn Bằng Cửu được cử làm Tổng lãnh sự. Ông đã mất nhiều công sức để chuẩn bị cho chuyến đi của đoàn đại biểu Trung Quốc.
Ba giờ chiều, chiếc máy bay “Il-14” của Liên Xô khởi hành từ Berlin đã hạ cánh xuống sân bay Genève, đoàn đại biểu Trung Quốc đã đến.
Khi máy bay đáp xuống đường băng, cả sân bay bắt đầu trở nên náo nhiệt hẳn lên. Hàng trăm phóng viên chen nhau tiến lên, khiến các phóng viên ảnh đứng ở hàng đầu phải kêu lên “Đừng chen lấn nữa”. Trong số các phóng viên, phần nhiều là nhà báo Mỹ, đa số họ đều chưa từng gặp mặt Chu Ân Lai nên nhiều người hỏi “Ai là Chu Ân Lai?”
Máy bay đã dừng hẳn, người đầu tiên bước ra khỏi khoang máy bay là Chu Ân Lai. Ông bận một bộ complet màu đen rất vừa vặn, tay phải đặt trên lông mày rất tự nhiên, miệng luôn mỉm cười tỏ ý chào những người đến đón. Bộ mặt tươi cười của ông trông rất tự nhiên, thoải mái, trong lòng chắc chắn tràn đầy tự tin. Trên quãng đường ngồi máy bay từ Moskva sang Đức rồi đến Genève, ông đã tranh thủ thời gian ở độ cao hàng chục km (?) để nghỉ ngơi. Máy bay hạ cánh lập tức tỉnh táo lại, lúc này trông ông rất khoẻ mạnh, đầy sinh lực. Khi ra khỏi khoang máy bay, Chu Ân Lai giơ tay vẫy liên tiếp để chào những người đến đón.
Bước sau Chu Ân Lai là Trần Dung dáng vẻ rất chỉnh tề. Bước khỏi khoang máy bay sát ngay sau Chu Ân Lai là Thứ trưởng Ngoại giao, đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô Trương Văn Thiên.
Khi còn trẻ, Trương Văn Thiên đã du học tại Mỹ và Liên Xô, trong một thời gian rất dài đảm nhiệm chức phụ trách tối cao của đảng. Tại hội nghị Tuân Nghĩa trên đường trường chinh của hồng quân, Trương Văn Thiên đã thay đổi lập trường ban đầu, chủ trương để Mao Trạch Đông trở lại lãnh đạo hồng quân. Ông là người có vai trò rất quan trọng trong việc xác định vị trí lãnh tụ của Mao Trạch Đông. Cũng tại hội nghị Tuân Nghĩa, Trương Văn Thiên cũng được lựa chọn làm lãnh đạo chủ chốt của đảng. Nhưng vào cuối thời kỳ kháng chiến, địa vị của Trương Văn Thiên trong đảng bị giảm sút. Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, Trương Văn Thiên chuyển sang hỗ trợ Chu Ân Lai trong công tác ngoại giao. Trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị Genève lần này, ông chủ yếu phụ trách trao đổi và điều chỉnh các ý kiến và lập trường giữa hai bên Trung Quốc và Liên Xô. Riêng trong tháng 4-1954, đã sắp xếp ba lần hội nghị giữa Chu Ân Lai với các nhà lãnh đạo Liên Xô.
Đứng bên cạnh Trương Văn Thiên là Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Trưởng Ban Liên lạc trung ương Vương Gia Tường. Cũng như Trương Văn Thiên, ông Vương cũng là một trong những lãnh đạo cốt cán của thời kỳ hồng quân. Tại hội nghị Tuân Nghĩa, ông đã hết lòng ủng hộ Mao Trạch Đông, sau đó chủ yếu phụ trách công tác tuyên truyền. Sau khi nước Trung Quốc mới thành lập, ông là đại sứ Trung Quốc đầu tiên tại Liên Xô. Về nước năm 1951 được cử giữ chức Trưởng Ban liên lạc trung ương, nhiệm vụ cụ thể là phụ trách công tác trợ giúp cho cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam. Từ năm 1950, La Quý Ba đảm nhiệm chức đại diện Ban liên lạc trung ương ĐCS Trung Quốc và Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc, trong một thời gian dài sống và làm việc cùng Hồ Chí Minh tại căn cứ địa cách mạng ở miền Bắc Việt Nam. Rất nhiều chỉ thị đối với La Quý Ba đều do Vương Gia Tường khởi thảo hoặc ký lệnh.
Phía sau Vương Gia Tường là Lý Khắc Nông, cũng là một Thứ trưởng Ngoại giao. Ông đã từng tham gia cuộc trường chinh, còn là một nhà hoạch định sách lược hậu trường quan trọng của cuộc đàm phán Bàn Môn Điếm. Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, Lý Khắc Nông là các phó trưởng đoàn của đoàn đại biểu Trung Quốc, là các trợ thủ quan trọng của Chu Ân Lai.
Lần này đến Genève, đoàn đại biểu Trung Quốc gồm có hơn 200 người, trong đó tập trung nhân tài tinh anh của ngành ngoại giao của nước Trung Quốc mới. Khi nhớ lại sự kiện này, Kiều Quán Hoa - một trong những thành viên của phái đoàn và sau này từng có thời kỳ làm Bộ trưởng Ngoại giao, đã hài hước nói rằng với một lực lượng phái đoàn đại diện chính phủ hùng hậu như vậy, nước Trung Quốc mới đã lập một kỷ lục về ngoại giao.
Chu Ân Lai với nụ cười luôn nở trên môi tiến về phía những quan chức đến đón. Ông giơ tay ra bắt tay các quan chức Thuỵ Sĩ đang bước tới. Do Chu Ân Lai bước lẫn vào hàng ngũ những người có mặt nên các phóng viên bắt đầu bối rối. Đầu tiên là một nhà báo Mỹ lên tiếng “Ngài Chu Ân Lai, mời ngài tiến gần đến đây hơn và xin nhìn về phía tôi”.
Rất lịch sự, Chu Ân Lai ngẩng đầu lên tiến về phía các nhà báo, ánh đèn flash loé sang liên tục chớp lấy hình ảnh của Chu Ân Lai.
Bí thư trưởng phái đoàn Trung Quốc Vương Bỉnh Nam và phát ngôn viên báo chí phân phát văn bản bài phát biểu tại sân bay của Chu Ân Lai cho các phóng viên có mặt tại hiện trường.
Hội nghị Genève sắp bắt đầu khai mạc. Hội nghị sẽ thảo luận việc giải quyết hoà bình vấn đề Triều Tiên và lập lại hoà bình cho bán đảo Đông Dương. Hai vấn đề cốt lõi này của châu Á, nếu được giải quyết ổn thoả sẽ có lợi cho việc bảo đảm hoà bình của châu Á, góp phần làm giảm cục diện căng thẳng của thế giới.
Những quốc gia và những người yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới sẽ theo dõi sát sao tiến trình hội nghị Genève, đồng thời hy vọng hội nghị sẽ thành công. Nhân dân Trung Quốc cũng cùng chung ước muốn như vậy đối với hội nghị này.
Đoàn đại biểu Trung Quốc tham gia hội nghị với một tinh thần chân thành. Chúng ta tin tưởng rằng những nỗ lực chung của những người tham gia hội nghị cũng như nguyện vọng chung muốn củng cố hoà bình sẽ tạo cơ hội giải quyết tất cả những vấn đề cấp thiết nói trên.
Chu Ân Lai với sự tháp tùng của Vương Bỉnh Nam, Phùng Huyền bước vào phòng VIP ở sân bay, ông sẽ cùng với hàng người đón tiếp đứng chờ để đón Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Mikhailovich Molotov tại sân bay Genève.
Lúc này, các nhân viên báo chí của đoàn đại biểu Trung Quốc tại sân bay bắt đầu phát bản “sơ yếu lý lịch của Chu Ân Lai” bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh. Bản sơ yếu lý lịch này do Lý Khắc Nông soạn chưa được Chu Ân Lai xem trước nhưng đã được báo cáo với Bộ chính trị Trung ương đảng và đã được thông qua. Sơ yếu lý lịch viết “Chu Ân Lai, sinh năm 1898, nhà hoạt động chính trị, nhà quân sự và ngoại giao kiệt xuất của Trung Quốc, một trong những nhà lãnh đạo và nhà tổ chức xuất sắc của ĐCS Trung Quốc, một trong những chiến hữu thân cận nhất của Mao Trạch Đông…”.
Khoảng 30 phút sau khi Chu Ân Lai xuống sân bay, chiếc máy bay Il-14 chở đoàn đại biểu Liên Xô đã bay vào không phận Genève, và Ngoại trưởng Liên Xô cũng đưa theo một đoàn đại biểu hùng hậu, trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao còn rất trẻ Andrei Gromyko, vốn là một trợ thủ quan trọng của Molotov. Trong đoàn còn có các thành viên quan trọng khác như Thứ trưởng Ngoại giao Vasili Kuznetsov, đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc Pavel Yudin, đại sứ Liên Xô tại Mỹ Chalopin, cùng các đại sứ tại Pháp, Anh, và nhiều quan chức khác của Bộ Ngoại giao.
Tại sân bay, Ngoại trưởng Molotov đã có bài phát biểu ngắn, trong đó đoạn gây chú ý là “Không thể không chỉ rõ một thực tế quan trọng rằng tất cả các nước lớn, các đoàn đại biểu của Pháp, Anh, Mỹ, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Liên Xô lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây cùng tham gia một hội nghị quốc tế”. Ông còn nói “Đoàn đại biểu Liên Xô cho rằng nhanh chóng khôi phục hoà bình ở Đông Dương, bảo đảm quyền lợi dân tộc và tự do cho nhân dân các nước Đông Dương là nhiện vụ quan trọng nhất của hội nghị Genève”.
Rất đông người đứng đón Ngoại trưởng Molotov, và điều này với ông không có gì lạ, luôn miệng mỉm cười và liên tục giơ tay vẫy. Tuy nhiên, khi Molotov ngừng cười và giơ tay chào những người đến đón, ông tiến thẳng tới chỗ Chu Ân Lai, hai người cùng nắm tay bước ra khỏi sân bay. Bỗng nhiên, dường như thấy Chu Ân Lai có vẻ rảo bước nhanh hơn, Molotov đưa tay kéo nhẹ một cái, Chu Ân Lai dường như hiểu ý, hai người cùng dừng một lúc trước ống kính máy quay và chụp hình của các phóng viên, để giới báo chí có cơ hội dễ dàng chụp được nhiều hơn.
Đoàn đại biểu Liên Xô cùng với đoàn Trung Quốc và Triều Tiên cùng rời sân bay. Phía Liên Xô cung cấp cho đoàn Trung Quốc năm chiếc xe ôtô màu đen, cùng những chiếc của đoàn Liên Xô, mười mấy chiếc xe cùng lăn bánh trên đường phố Genève, thu hút sự chú ý của người dân thành phố.
Chu Ân Lai cùng các phó trưởng đoàn Trung Quốc và các trợ thủ quan trọng được xe đưa tới khu biệt thự Le Grand Mont-Fleuri xinh đẹp.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #2 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 11:08:26 am »

Chương 2

Tình cảm Le Grand Mont-Fleuri


Nhóm các nhà ngoại giao Trung Quốc được bố trí ở tại khu biệt thự Le Grand Mont-Fleuri xinh đẹp muôn hoa đua nở. Cho dù thế nào đi nữa, điều quan trọng là họ đã đến đây, với mục đích tìm cách chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên và Đông Dương, để cho những bông hoa hoà bình mãi mãi được khoe sắc đua hương. Trong số những người đó, Chu Ân Lai là người tất bật bận rộn nhất.
Đến Genève vào lúc chiều tà, Chu Ân Lai đến nghỉ tại khu biệt thự Le Grand Mont-Fleuri nằm bên hồ Leman xinh đẹp. Đây là khu biệt thự gồm hai toà nhà xinh xắn với những thảm cỏ xanh mượt như nhung, quanh năm hoa nở. Nhà thơ nổi tiếng của Pháp ở thế kỷ XIX, Alphonse de Lamartine đã từng ở tại đây. Sau này, nguyên soái Trần Nghị khi tham gia hội nghị Genève năm 1961 cũng ở tại đây. Cho tới đầu thế kỷ XXI, khu biệt thự này vẫn giữ nguyên được dáng vẻ ban đầu của mình.
Ở Le Grand Mont-Fleuri, Chu Ân Lai rất hài lòng với khung cảnh xinh đẹp nơi đây. Ông cùng với Trương Văn Thiên, vợ chồng Lưu Anh, Vương Gia Tường, Lý Khắc Nông và vợ chồng Chu Trọng ở cùng một toà nhà. Vương Bỉnh Nam nhắc Chu Ân Lai tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, Chu Ân Lai lắc đầu nói “Không nên chỉ lo cho mình tôi, anh nên quan tâm nhiều hơn đến cả mọi người nữa. Lần đầu tiên tới nơi này, nhất định phải sắp xếp cho mọi người sinh hoạt được thoải mái, như vậy mới triển khai tốt công việc”.
Chu Ân Lai đến thăm phòng ở của Trương Văn Thiên và một số thành viên khác của đoàn, sau đó đến thăm phòng khách. Phòng này là do Phùng Huyền, Ôn Bằng Cửu bố trí trưng bày từ trước, cùng thành viên đoàn tiền trạm đến trước xếp đặt. Họ đưa từ trong nước sang những tấm thảm sang trọng, trang nhã, lại còn đem theo một số đồ gốm sứ cổ bày biện rất tinh tế, trên tường còn treo một bức hoạ của một danh nhân cổ, tạo cho phòng khách một phong cách cổ điển mang đậm nét Trung Quốc. Lúc đó, có người còn nghĩ rằng việc trang trí sắp đặt mang đậm nét văn hoá Trung Quốc còn có tác dụng tốt đối với tiến triển mang tính đột phá trong quan hệ Trung - Anh sau đó một tháng.
Ngoài bốn vị lãnh đạo của đoàn Trung Quốc cùng các tuỳ tùng, số đại biểu còn lại của đoàn Trung Quốc nghỉ tại khách sạn Le Beau Rivage. Khách sạn này không lớn lắm nhưng là khách sạn có tiếng trong vùng, tương đối cao cấp. Nội thất và trang trí bên trong khách sạn mang phong cách của thế kỷ trước. Đứng trên ban công khách sạn, có thể ngắm được rất rõ hồ Leman. Rất trùng hợp là đoàn đại biểu Anh cũng nghỉ tại khách sạn này.
Các thành viên đoàn đại biểu Trung Quốc khi rảo bước trên các con đường Genève trong lòng tràn ngập niềm tự hào. Họ đại diện cho nước Trung Quốc mới, tham gia hội nghị vì tương lai tốt đẹp của tổ quốc. Có Chu Ân Lai bước phía trước, bản thân điều này đã hình thành một sức mạnh thôi thúc họ.
Đây là lần đầu tiên các quan chức ngoại giao Trung Quốc “xuất quân hùng hậu” như vậy, trong lòng vừa phấn khởi vừa hồi hộp, cũng không tránh khỏi đem đến Genève một số “nét quê mùa”. Thư ký của Trương Văn Thiên, Lý Hối Xuyên sau này có hồi tưởng lại cho biết “Nhớ lại, lúc đó có một số việc làm chưa được sáng suốt lắm. Ví dụ như trang phục cho đoàn đi Genève, nhất loạt đều một màu đen, đến vali của mỗi người cũng đều một màu đen. Đến khách sạn, đáng lý quan chức ngoại giao được phục vụ khách sạn chuyển hành lý đến tận phòng. Nhưng không, chúng tôi ai cũng từ chối, nhất định không rời tay khỏi chiếc va li của mình, sợ rằng có ai đó sẽ nhét thứ gì đó vào vali. Kết quả là mỗi người đều phải tự xách vali lên gác, khiến mọi người trong khách sạn hết sức ngạc nhiên”.
Lần này đến Genève, rất nhiều thứ lỉnh kỉnh được mang theo, thậm chí có cả một miếng đá nghiền để nghiền đậu phụ cho mọi người ăn. Thực ra, lúc đó trong các cửa hàng ở Genève đã có bán máy xay chạy điện, xay đậu làm sữa đậu rất dễ dàng. Tiếc rằng những người phụ trách hậu cần đều không dự kiến được những điều này. Càng ngạc nhiên hơn là đi theo đoàn còn có một vị đảm nhiệm việc “hoá nghiệm”. Người này đem theo rất nhiều chuột bạch, dùng để kiểm tra thức ăn. Chu Ân Lai đã rất phản đối việc này. Ông phê bình “sao lại có thể đưa những thứ như vậy đến Genève được, thật không thể tin nổi, anh đã ra đường mua thức ăn lại còn sợ có người hạ độc giết chết mình à!”. Sau này, sau một vài lần tiến hành kiểm tra hoá nghiệm một số bữa ăn, việc thử nghiệm thức ăn này không được thực hiện nữa.
Ở trong Le Beau Rivage, có thể nói đoàn Trung Quốc được hưởng những tiêu chuẩn sinh hoạt vào loại khá lúc bấy giờ. Theo chỉ thị của Chu Ân Lai, do ở cùng một khách sạn với các đoàn phương Tây, nhất là đoàn Anh, các tiêu chuẩn ăn uống của các thành viên đoàn Trung Quốc gần như tương đương với các đoàn châu Âu. “Họ ăn gì các đồng chí ăn thứ đó, ngoài ra cũng cần cố gắng tiết kiệm”. Đa số thực khách trong khách sạn này đều uống rượu khai vị, thấy vậy Chu Ân Lai nói “Đúng là cũng phải uống một chút, nhưng chỉ uống rượu vang hoặc bia thôi, hoặc uống Jus de raisin cũng được”. Câu này thể hiện sự hiểu biết của Chu Ân Lai đối với văn hoá Pháp. Jus de raisin là nguyên văn tiếng Pháp, chỉ một loại đồ uống từ nho rất phổ biến. Thế là, tất cả thành viên đoàn Trung Quốc khi dùng bữa cũng uống rượu, nhưng không ai gọi loại rượu cao cấp đắt tiền cả. Ngoài việc được bao lo ăn ở, mỗi thành viên được nhận tiền tiêu vặt 8 Franc Thuỵ Sĩ mỗi ngày. Vào thời điểm đó như vậy đã được coi là rất đáng kể rồi. Ông Quản Chấn Hồ, một thành viên trong đoàn, hồi tưởng nói ở Genève lúc đó, một bữa ăn chính gồm cả đồ uống là 12 Franc. Ông dùng 3 Franc mua thuốc lá là đủ dùng cho cả ngày rồi.
Những điều mới lạ trong lần đầu đến Genève đã để lại cho Lưu Gia Kiệt, một thành viên đồng hành với Quản Chấn Hồ, những ấn tượng khó phai. Trong khách sạn Le Beau Rivage, mỗi thành viên đoàn Trung Quốc được ở một phòng, bữa sáng được phục vụ đẩy xe mang tới từng phòng. Đây là phương thức phục vụ thuộc dạng cao cấp trong ngành khách sạn phương Tây, nhưng với Lưu Gia Kiệt thì là lần đầu tiên được biết tới. Khi đó, trong lòng anh thanh niên 26 tuổi này tràn ngập tinh thần “người vô sản thiên hạ một nhà”, nhìn thấy bữa sáng thịnh soạn trên xe đẩy, còn người phục vụ thì chu đáo lịch sự, anh buộc miệng nhiệt tình nói “Lại đây, chúng ta cùng ngồi ăn cho vui”. Không ngờ câu nói này khiến người phục vụ kinh ngạc ngỡ ngàng, giơ hai tay lên nói bằng tiếng Anh “Không, không! Điều này là không thể được” khiến Lưu Gia Kiệt sợ một phen.
Những điều kỳ thú, mới lạ với họ không chỉ có vậy. Quản Chấn Hồ, Lưu Gia Kiệt do Tôn Phương phụ trách, phiên dịch các điện văn của các hãng thông tấn nước ngoài, văn phòng làm việc trong thành phố, cách khách sạn khoảng mười phút đi xe, vì vậy thuê một chiếc xe du lịch cứ đúng giờ đến đón. Lái xe là một người trung niên rất nho nhã. Một lần, khi xe đang chạy, lái xe bỗng phanh gấp, đỗ xe giữa đường lớn tiếng mắng mỏ. Hoá ra, có một con chim sẻ bị xe cán chết nằm bên đường, máu me be bét. Người lái xe giọng trách móc “sao ai lại vô tâm như thế chứ, nhìn thấy chim sẻ chết mà bỏ mặc, lại còn cán qua cán lại làm bẩn hết mặt đường”. Vừa nói ông vừa quét dọn mặt đường. Những phóng viên Trung Quốc ngồi trong xe thấy buồn cười quá, nghĩ đầu óc người lái xe chắc là có vấn đề. Đến tận sau những năm 70 của thế kỷ XX, họ mới hiểu ra rằng ý thức bảo vệ môi trường của người dân Genève đã có từ rất lâu.
Ở trong phòng chính tầng một biệt thự Le Grand Mont-Fleuri, mờ sáng Chu Ân Lai đã tỉnh giấc. Ông sinh hoạt rất có kỷ luật. Ngủ dậy đánh răng rồi cạo râu. Mỗi ngày làm việc của Chu Ân Lai đều bắt đầu như vậy.
Những ngày đầu mới đến Genève, chỉnh sửa kỹ các bài phát biểu của Chu Ân Lai trong từng trường hợp là nhiệm vụ quan trọng của các “cây bút”, vì vậy nhóm khởi thảo văn kiện được thành lập với sự tham gia của Kiều Quán Hoa, Trần Gia Khang, Di Hương, Hà Phương… Trước hội nghị, nhóm này đã soạn thảo không ít những phát biểu dự định đưa ra tại hội nghị. Nhưng khi đến Genève, sau khi đã nắm bắt được thêm nhiều tình hình, Chu Ân Lai thường xuyên nảy sinh những suy nghĩ mới, thế là việc chỉnh sửa câu chữ những bài phát biểu trở thành chuyện thường ngày. Vì vậy, Kiều Quán Hoa, Hà Phương và Di Hương thường phải đi ngủ rất muộn. Họ thường nói đùa với nhau “Chỉ cần hội nghị Genève không khai mạc, các văn bản phát biểu sẽ phải chỉnh sửa mãi mãi”. Đợi Chu Ân Lai sửa xong bản thảo, thường Hà Phương hoặc Di Hương đưa bản thảo đến cho nhân viên đánh máy. Lúc đó chưa có máy tính, đánh máy tiếng Trung là một công việc chuyên môn hoá rất cao. Để bảo đảm công tác in ấn đánh máy văn kiện quan trọng của đoàn Trung Quốc, Bộ Ngoại giao đã chọn và cử hai nữ đánh máy giỏi và trẻ trung là Sử Hoa và Lưu Lan Vân đi cùng đoàn đến Genève. Họ thường làm việc vào buổi tối, đánh máy vừa nhanh vừa rõ ràng. Những bản thảo văn kiện được Chu Ân Lai chỉnh sửa xong trước khi đi ngủ đến sáng đều được các cô đánh máy xong xuôi.
Chu Ân Lai thường xem xong mấy bản văn kiện khẩn cấp mới đến nhà ăn ở góc tầng một để ăn sáng. Lúc này, Trương Văn Thiên, vợ chồng Vương Gia Tường và Lý Khắc Nông cũng đều đã đứng đó chờ Chu Ân Lai.
Ở Genève, buổi sáng đôi khi có thời gian rảnh rỗi, sau bữa sáng, Chu Ân Lai, Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, Lý Khắc Nông thường thích dạo bộ trên bãi cỏ xanh mướt mượt như nhung. Nếu cần bàn bạc công việc, Lưu Anh và Chu Trọng Lệ sẽ biết ý rời đi chỗ khác.
Sau khi đoàn Trung Quốc đến ở Le Grand Mont-Fleuri, vị khách đến thăm đầu tiên là Molotov. Dường như muốn truyền kinh nghiệm cho Chu Ân Lai, Molotov nhắc nhở cần đề phòng những đối tượng xấu đặt thiết bị nghe trộm trong khu biệt thự. Sau khi ra về, Molotov phái ngay nhân viên chuyên môn đến kiểm tra kỹ lưỡng trong khu biệt thự. Hai vị chuyên gia phản gián Liên Xô nói với Vương Bỉnh Nam rằng nhiều khả năng có hiện tượng khu biệt thự bị đặt thiết bị nghe trộm, nên khi ở trong phòng không nên đàm luận các việc cơ mật.
Vì vậy, mỗi khi có việc cần bàn bạc với Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường và Lý Khắc Nông, nếu vào ban ngày, Chu Ân Lai đều kéo mọi người ra bãi cỏ bàn bạc. Các bãi cỏ trong khu biệt thự Le Grand Mond-Fleuri được cắt tỉa hết sức công phu, trong vườn còn có một góc trồng rất nhiều cây dâu tây. Khi đàm luận hưng phấn, Trương Văn Thiên hứng khởi với tay hái hai trái dâu bỏ vào miệng. Sau khi tới Genève, cả Chu Ân Lai và Trương Văn Thiên đều nhiều lần nhấn mạnh rằng cần cố gắng giành được thành công tại hội nghị, tinh thần chung là đình chỉ chống đối vũ trang quy mô lớn, hướng tới cùng tồn tại hoà bình. Trương Văn Thiên cho rằng bán đảo Triều Tiên không nên tiếp tục chiến tranh nữa, cần củng cố kết quả của hiệp định đình chiến. Về cuộc chiến Đông Dương cũng cần cố gắng đạt được hoà bình, sau đó, trên cơ sở hoà bình bắt đầu phát triển kinh tế, thông qua cạnh tranh trong hoà bình để cuối cùng quyết định chế độ xã hội nào ưu việt hơn.
Trương Văn Thiên là trợ thủ chính của Chu Ân Lai trong việc soạn thảo các văn kiện phát biểu. Trước đây, Trương đã từng du học ở Mỹ, từng viết tiểu thuyết, vào dạng văn hay chữ tốt. Khi ở căn cứ cách mạng tại Giang Tây và Thiểm Bắc, Trương là lãnh đạo cốt cán của đảng. Tháng 1-1941, Trương rời Diên An đến Thiểm Bắc, không tiếp tục đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo ở trung ương nữa. Tại đại hội đảng lần thứ 7, Trương vẫn được bầu làm uỷ viên Bộ chính trị. Nhưng từ lúc đó, trên thực tế Trương dần dần rời khỏi cơ quan quyết sách của trung ương. Sau khi kháng chiến chống Nhật thành công, Trương một lần nữa rời khỏi Diên An về vùng Đông Bắc, giữ chức Bí thư tỉnh uỷ Hợp Giang. Đến năm 1949, về làm Bí thư tỉnh uỷ Liêu Đông.
Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, Trương nhận lệnh về thủ đô, tháng 1-1950 được cử làm Đại diện Trung Quốc đầu tiên tại Liên hiệp quốc. Do vấn đề vị trí của Trung Quốc tại LHQ chưa được giải quyết, nên Trương chưa đến nhận chức. Đến tháng 4-1951, Trương thay Vương Gia Tường làm đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô. Hội nghị Genève đối với Trương lại là một cơ hội nữa. Trung ương đảng cử Trương làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trợ giúp Chu Ân Lai cố gắng đạt được những kết quả tích cực tại hội nghị Genève. Đối với sứ mệnh này, tự trong đáy lòng Trương Văn Thiên hết sức đồng lòng.
Trải qua cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài cộng với những kinh nghiệm sau thời kỳ kiến quốc, Trương Văn Thiên lúc này đã trở thành một chính trị gia có tư tưởng hết sức sâu rộng. Về quan hệ đối ngoại, Trương dần dần đã hình thành một tư duy hoàn chỉnh. Từ năm 1951, ông đã chủ trương cố gắng nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến ở Triều Tiên, cho rằng như vậy sẽ tốt cho cả hai bên. Tư tưởng chủ đạo của ông là cố gắng thông qua đình chiến ở Triều Tiên làm giảm cục diện căng thẳng của thế giới. Về đối ngoại, ông chủ trương thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với Anh. Đối với hội nghị Genève, ông giữ một thái độ rất tích cực, cho rằng “cuộc chiến tranh Triều Tiên đã qua rồi, giờ đến lúc tháo gỡ các nút thắt”. Về tư tưởng ngoại giao, Chu Ân Lai và Trương Văn Thiên tương đối hợp nhau, vì thế khi tới Genève thường xuyên trao đổi với nhau.
Nhằm mục địch đạt kết quả tốt tại hội nghị Genève, Trương Văn Thiên đã có quá trình chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Ông biết rõ rằng những kiến thức Trung Quốc thu thập được về quốc tế còn hạn hẹp, kinh nghiệm lại càng không có, vì vậy nhất thiết phải thận trọng. Thư ký của ông, Lý Hối Xuyên, cũng cho rằng thiếu kiến thức về lĩnh vực quốc tế là vấn đề phổ biến thường gặp với những nhà trận mạc phương Đông. Tóm lại là, từ nhỏ tới lớn, các loại sách ông đọc không phải ít, nhưng cho tới khi diễn ra hội nghị Genève, không ít thành viên trong đoàn đại biểu Trung Quốc vẫn không biết được rằng Đông Dương gồm 3 quốc gia hay chỉ có một quốc gia. Thậm chí có người còn tưởng rằng cả ba nước Đông Dương đều nói tiếng Việt Nam.
Về vấn đề Triều Tiên cũng có những vấn đề tương tự. Thời gian chuẩn bị hội nghị Genève, một vị tham tán Đại sứ quán Triều Tiên tại Liên Xô đã đến đại sứ quán Trung Quốc tìm Lý Hối Xuyên, nói rằng thủ tướng Kim Nhật Thành biết tiếng Trung, họ cũng có người biết tiếng Anh, các lưu học sinh Triều Tiên tại Liên Xô thì đều biết tiếng Nga, tiếng Pháp cũng có vài người biết, nhưng giờ chuẩn bị tham gia hội nghị Genève rồi, không có ai biết tiếng Thuỵ Sĩ cả, hỏi xem các đồng chí Trung Quốc có cách nào không?
“Hoá ra chuyện là vậy” - Lý Hối Xuyên thở phào, cho vị tham tán biết Thuỵ Sĩ không có ngôn ngữ riêng, ngôn ngữ chính thức là tiếng Pháp. Lúc này vị tham tán mới như trút được gánh nặng trở về.
Trong số cán bộ tại đại sứ quán Trung Quốc ở Liên Xô, Trương Văn Thiên chọn được Lý Hối Xuyên, vợ chồng Chu Nghiễn và Hà Phương để tham gia vào công tác của đoàn chuẩn bị cho hội nghị Genève. Họ đều đến Genève trước Trương Văn Thiên hai ngày.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #3 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 11:09:06 am »

Vương Gia Tường là một nhà lãnh đạo có phong cách học giả, những kinh nghiệm cũng như phương thức tư duy của ông có rất nhiều điểm giống với Trương Văn Thiên. Sau hội nghị Tuân Nghĩa năm 1935, Vương cùng Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai hợp thành “Nhóm chỉ huy quân sự trung ương ba người”, phụ trách công tác chỉ huy hoạt động của hồng quân. Từ đó trở về sau, trong một thời gian tương đối dài, Vương là thành viên ban lãnh đạo hạt nhân của trung ương ĐCS Trung Quốc. Vương thừa nhận địa vị lãnh đạo của Mao Trạch Đông, sau những thay đổi ở Diên An đã dần rời khỏi ban lãnh đạo cấp cao của trung ương, tại Đại hội 7 được bầu làm uỷ viên dự khuyết trung ương, kháng chiến thắng lợi ông lên Đông Bắc tạo lập căn cứ cách mạng mới. Tại hội nghị trung ương lần thứ 2 khoá 7 (năm 1949), trở thành uỷ viên trung ương. Sau khi Trung Quốc mới được thành lập, Vương Gia Tường là vị đại sứ đầu tiên của nước Trung Quốc mới. Ngay trong tháng 10 năm 1949 khi nước CHND Trung Hoa được thành lập, Vương Gia Tường đã tới Moskva nhận nhiệm vụ. Đến đầu năm 1951, ông về nước giữ chức Bộ trưởng liên lạc đầu tiên. Trải qua những tháng năm chiến tranh và hoà bình, Vương Gia Tường đã trở thành một con người điềm tĩnh và thận trọng, tư tưởng của ông cũng dần sâu sắc hơn, đối với các vấn đề quan hệ quốc tế, ông có rất nhiều suy nghĩ phù hợp với thực tế, và cũng có tư tưởng ngoại giao tương đối ăn ý với Chu Ân Lai. Lần này đến Genève có vợ ông là Chu Trọng Lệ đi cùng. Chu Trọng Lệ rất yêu quý biệt thự Le Grand Mond-Fleuri, đã đã viết một đoạn hồi ký rất đẹp như sau:
Thành phố Genève vào tháng tư, hoa nở rộ khắp nơi, cây cối xanh tươi, cảnh sắc đẹp tuyệt vời. Do không phải chứng kiến sự thảm khốc của hai cuộc đại chiến thế giới, nên cuộc sống của người dân Thuỵ Sĩ rất sung túc, khắp nơi toát lên vẻ thanh bình, một không khí thật yên tĩnh.
Đoàn đại biểu Trung Quốc “hạ cánh” tại một toà nhà đa giác theo phong cách châu Âu nằm giữa một khu vườn rộng, trong vườn hoa hồng nở rộ, còn trên cây anh đào đã chín sẫm.
Phòng chính giữa ở tầng một là phòng tiếp khách, phòng làm việc và phòng ngủ của thủ tướng Chu Ân Lai. Phòng ăn nằm ở một đầu hồi. Tôi và Gia Tường ở một phòng lớn trên tầng hai, thiết bị nội thất và vệ sinh đều rất tốt. Một ngày ba bữa, chúng tôi đều ngồi ăn cùng bàn với thủ tướng. Các món ăn ở đây đều theo phong cách ẩm thực Pháp. Ẩm thực Pháp được coi là bậc nhất châu Âu, bánh mỳ vàng ươm, thơm lừng, rất ngon miệng, các loại món ăn cũng rất đa dạng. Không ngờ ở giữa châu Âu này, chúng tôi lại được ăn những món ở miền Nam Trung Quốc mới có như món giá đậu. Thủ tướng Chu Ân Lai vừa ăn cơm vừa ăn cả những món mỳ, bánh chiên vừng cũng là món khoái khẩu của ông. Bữa sáng thường có món bánh nướng thơm phức nóng hôi hổi, còn sau các bữa chính thường có hoa quả tráng miệng.
Ở đây có một loại cam hình hơi dài, hai đầu nhọn, màu vàng ươm, gọi là cam Italia, vừa đẹp lại vừa ngon. Một hôm sau bữa ăn, thủ tướng Chu Ân Lai cầm một quả đưa cho tôi nói “Cam này rất ngon”.
Tôi giơ tay ra đỡ lấy nhưng lại cất lại vào đĩa.
“Tại sao cô không ăn?” - Thủ tướng hỏi
Tôi chỉ vào Gia Tường nói “Dạ dày em và anh ấy giống nhau, sau bữa ăn không được ăn những thức lạnh”.
“À, hai người đúng là một đôi rồi”.
Buổi chiều, chúng tôi ở bên ngoài trở về, thấy một đĩa cam Italia đặt trên bàn trong phòng. Chúng tôi lập tức biết rằng đây là do thủ tướng bảo người mang tới. “Gia Tường, anh nhìn xem, cam đã được mang tới tận phòng mình rồi, thủ tướng Chu thật là quan tâm tới chúng mình chu đáo quá”. Nghe tôi nói vậy, Gia Tường cũng gật gật đầu nói “Thủ tướng lúc nào cũng rất quan tâm đến các đồng chí của mình, dù là với các lãnh đạo trung ương, hay với người lái xe, nhân viên phục vụ, thủ tướng đều quan tâm rất tỉ mỉ chu đáo.
Ông là một nhà chính trị, quân sự, lại vừa là một “quản gia tốt”, một con người như vậy thật hiếm có trên đời”.
Các thư ký của Chu Ân Lai, Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường đều nhận thấy rằng khi mới tới Genève, tâm lý của Chu Ân Lai rất căng thẳng hồi hộp, bất cứ việc gì dù lớn dù nhỏ ông đều quan tâm để mắt tới. Ông vẫn chưa phán đoán rõ được ý đồ chính của các đối thủ trong đàm phán, lo ngại rằng Mỹ và Anh sẽ can thiệp vũ trang vào cuộc chiến tranh Đông Dương, dùng không quân để giải cứu quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ. Nếu điều này xảy ra, vấn đề Triều Tiên và Đông Dương rất khó có thế tiếp tục đàm phán. Vì vậy, những vấn đề như tại hội nghị Genève cần đàm phán thế nào, đàm phán những gì… được Chu Ân Lai cân nhắc kỹ càng. Trong bàn cờ thế giới phức tạp và đầy mâu thuẫn, Chu Ân Lai đặc biệt quan tâm đến quân đồng minh, cố gắng hết sức để tranh thủ được tất cả mọi lực lượng. Khi vừa tới Genève, một tin tức quan trọng từ Ấn Độ đã khiến Chu Ân Lai rất vui mừng.
Đó là ngày 21-4, tức là hai ngày sau khi Chu Ân Lai gặp đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc trước khi lên đường đi Genève, thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru tuyên bố trước nghị viện liên bang rằng Chính phủ Ấn Độ không cho phép không quân Mỹ chuyên chở binh sĩ Pháp bay qua không phận Ấn Độ để đến tham gia cuộc chiến tranh Đông Dương.
Ngày 24-4, Nehru lại phát biểu trước quốc hội về vấn đề Đông Dương. Ông nêu rõ “Xét về nguyên nhân cũng như tính chất cơ bản của các xung đột ở Đông Dương, đây vẫn là cuộc kháng chiến chống lại chủ nghĩa thực dân…”. Tuyên bố của Nehru bày tỏ hy vọng hội nghị Genève sẽ giúp mang lại hoà bình cho Đông Dương. Vì vậy, Nehru đưa ra một bản hy vọng sáu điểm, là: hy vọng thông qua thương lượng hoà bình để giải quyết vấn đề, hy vọng xem xét vấn đề “đình chiến”, tuyên bố độc lập hoàn toàn cho Đông Dương, các quốc gia liên quan cam kết không can thiệp, kêu gọi LHQ giữ vai trò trong vấn đề hoà bình của Đông Dương.
Ở Genève, sau khi biết tin về phát biểu của Nehru, ngày 25-4, Chu Ân Lai gửi điện về Bộ Ngoại giao và Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Lục Định Nhất, đề nghị “Nhân dân nhật báo” đăng phát biểu trên của Nehru về vấn đề Đông Dương. “Nhân dân nhật báo” y lệnh cho đăng vào số ngày 26-4-1954.
Đối với hội nghị Genève, Chu Ân Lai có một chủ trương chính, đó là về vấn đề Triều Tiên, ít nhất cần duy trì được sự ổn định của “giới tuyến 38”, trên cơ sở đó đấu tranh yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi bán đảo Triều Tiên; về vấn đề Đông Dương, tiền đề lớn nhất là đấu tranh thực hiện hoà bình, tạm thời phân định giới tuyến hai miền Nam Bắc, đồng thời cố gắng đưa đường giới tuyến này dịch sâu vào phía Nam chừng nào tốt chừng đó, để cục diện có lợi cho lực lượng của Hồ Chí Minh.
Hai ngày 25-26-4, Chu Ân Lai cùng Molotov và Nam Il hội ý trước và nhất trí, sau khi các đoàn đại biểu tại hội nghị Genève phát biểu xong, Nam Il sẽ đại diện cho phe phương Đông phát biểu trước, đề nghị hoà bình, thống nhất cho bán đảo Triều Tiên, yêu cầu tất cả quân đội nước ngoài rút khỏi bán đảo, yêu cầu các quốc gia chủ chốt đã tham gia vào vấn đề Triều Tiên cam kết bảo đảm thúc đẩy thực hiện phương án hoà bình, thống nhất cho bán đảo Triều Tiên. Sau đó Chu Ân Lai, Molotov lần lượt phát biểu, ủng hộ chủ trương của phái đoàn Triều Tiên.
Đối với gốc rễ của vấn đề Triều Tiên, Chu Ân Lai nắm rất rõ và sâu.
Triều Tiên là một quốc gia độc lập, có chung biên giới với vùng Đông Bắc Trung Quốc, trong lịch sử từng được coi là nước chư hầu phải triều cống cho các hoàng đế Trung Quốc. Năm 1894 bùng nổ cuộc “chiến tranh Giáp Ngọ” giữa Trung Quốc và Nhật Bản, sau khi Trung Quốc thua, Nhật Bản dần dần xâm chiếm toàn bộ Triều Tiên. Năm 1945, sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh, quân Liên Xô và quân Mỹ tiến vào bán đảo Triều Tiên từ hai hướng Nam và Bắc. Theo hiệp định giữa hai bên, lấy vĩ tuyến 38 độ Bắc làm giới tuyến, quân Liên Xô sẽ đóng ở phía Bắc giới tuyến, quân Mỹ chiếm lĩnh miền Nam. Ngày 15-8-1948, miền Nam thành lập nước Đại Hàn Dân quốc do Lý Thừa Vãn (Lee Seungman) làm tổng thống. Ngày 9-9 cùng năm đó, Bình Nhưỡng thành lập nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên do Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) làm thủ tướng.
Cuối năm 1948, quân Liên Xô rút khỏi Bắc Triều Tiên. Tháng 6-1949, quân Mỹ cũng rút khỏi Nam Triều Tiên. Sau khi quân đội nước ngoài rút đi, tranh chấp Nam - Bắc Triều trở thành vấn đề nội bộ. Sau đó, cả hai miền Nam Bắc đều tiến hành chuẩn bị chiến tranh. Ở miền Nam, được sự hỗ trợ của Mỹ, Đại Hàn Dân quốc đã thiết lập được đội quân 98 nghìn người chia thành 8 sư đoàn, sở hữu một số máy bay hạng nhẹ. Ở miền Bắc, Kim Nhật Thành được sự hỗ trợ của Liên Xô đã thành lập một lực lượng gồm 12 sư đoàn bộ binh với tổng quân số khoảng 150 nghìn người, ngoài ra còn có lực lượng bộ đội xe tăng. Việc xây dựng lực lượng chuẩn bị cho chiến tranh của hai miền Nam Bắc cuối cùng đã dẫn đến một cuộc nội chiến quy mô lớn.
Ngày 25-6-1950, cuộc chiến tranh Triều Tiên đột ngột bùng nổ.
Quân đội nhân dân Triều Tiên trong một thời gian rất ngắn đã đánh bại quân Nam Triều, ba ngày sau khi cuộc chiến khai nổ ra đã đánh chiếm được Seoul, sau đó tiếp tục đẩy lùi quân Nam Triều Tiên cùng cả quân Mỹ tham chiến xuống phía Nam và chỉ còn chiếm 8% diện tích Triều Tiên.
Ngày 27 tháng 6, Mỹ tuyên bố tham gia chiến tranh Triều Tiên, thành lập “quân đội LHQ” bao gồm binh sĩ 16 nước tham gia, khiến cuộc chiến tranh Triều Tiên bị quốc tế hoá. Ngày 15 tháng 9, quân đội Mỹ bắt đầu đổ bộ lên Incheon (Nhân Xuyên) ở miền Trung bán đảo Triều Tiên, cắt đứt đoàn quân Nam Tiến của Quân đội nhân dân Triều Tiên, lúc đó đã tiến hẳn sang phía miền Nam, gây tổn thất nặng nề cho quân đội Bắc Triều Tiên. Quân đội phải rút lui lên phía Bắc. Quân Mỹ và quân Nam Triều Tiên đuổi lên phía Bắc, vượt qua vĩ tuyến 38, chiếm Bình Nhưỡng. Kim Nhật Thành cầu viện lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông.
Mao Trạch Đông quyết định cử “chí nguyện quân” tham gia chiến tranh Triều Tiên, đánh lui quân Mỹ. Đội chí nguyện quân do Bành Đức Hoài làm Tư lệnh gồm 280 nghìn quân đã bí mật xuất quân tối 19-10-1950 tiến sang Triều Tiên.
Ngày 25 tháng 10, tại khu vực Vân Tỉnh, cách sông Áp Lục (Amnokkang) trên biên giới Trung - Triều khoảng 50 km về phía Nam, chí nguyện quân Trung Quốc đối mặt với quân Nam Triều Tiên và đã đánh bại lực lượng này, cuộc chiến tranh “giúp Triều kháng Mỹ” đã bắt đầu như vậy. Từ thời điểm đó đến tháng 6-1951, cuộc chiến giữa hai bên do quân đội Mỹ và Trung Quốc làm chủ lực đã tiến hành năm trận đánh lớn, trong đó quân Trung Quốc thắng ba trận đầu, đẩy mặt trận đến gần vĩ tuyền 37 độ Bắc. Sau đó quân Mỹ điều chỉnh binh lực và chiến thuật đã giành được thế thượng phong ở hai trận sau, đẩy chiến tuyến lùi trở lại vĩ tuyến 38.
Từ đó hai bên ở thế giằng co trong thời gian dài, vừa tiến hành đàm phán rất gian nan, vừa nhiều lần giao đấu trên chiến trường.
Ngày 27-7-1953, các bên tham chiến ký hiệp định đình chiến, mặt trận về cơ bản trở lại trạng thái khi cuộc chiến bắt đầu.
Chiến tranh Triều Tiên là trận chiến đầu tiên sau đại chiến thế giới thứ hai bị phủ bóng đen bởi vũ khí hạt nhân, nhưng cuối cùng không bị biến thành một cuộc chiến tranh quốc tế quy mô lớn sử dụng vũ khí hạt nhân. Từ ngày chiến tranh bùng nổ 25-6-1950 đến ngày 27-7-1953, cuộc chiến trải qua ba năm một tháng, các bên tham chiến đều đầu tư binh lực và tài lực rất lớn.
Trong thời gian xảy ra chiến tranh, “đội quân LHQ” do quân đội 16 nước hợp thành và Mỹ đứng đầu đã tác chiến trên lãnh thổ Triều Triên. Trong đó quân đội Mỹ chiếm tới hơn 90% binh lực của lực lượng này. Mỹ áp dụng phương thức luân chuyển quân, thời điểm triển khai quân đông nhất tại Triều Tiên lên tới 540.000 người, trong đó bộ binh là 340.000, tổng cộng có tới 1,2 triệu binh sĩ Mỹ từng tham chiến tại Triều Tiên.
Trung Quốc cũng thực hiện cơ chế luân chuyển quân, thời điểm đông quân nhất là 1,35 triệu người (mùa xuân năm 1953), tổng cộng đã có 79 sư đoàn bộ binh thuộc 25 lữ đoàn quân dã chiến cùng với 16 sư đoàn pháo binh, 10 sư thiết giáp, 12 sư không quân, 10 trung đoàn xe tăng, tổng cộng 2,4 triệu binh sĩ đã tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, cả quân đội Mỹ và Trung Quốc đều bị thương vong rất lớn. Khoảng 33.000 quân Mỹ đã chết trận, 20.600 người chết do thương tật hoặc sự cố, tổng cộng là 54.200 người chết, 103.000 người bị thương nặng. Trong cuộc chiến, quân Mỹ đã sử dụng nhiều loại vũ khí mới (trừ vũ khí nguyên tử), tiêu tốn vật tư chiến tranh 23 triệu tấn, trong đó tiêu hao đạn dược là 3,30 triệu tấn, gần bằng một nửa con số 6,90 triệu tấn đạn dược Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ thứ hai.
Quân đội Trung Quốc có 114.000 binh sĩ tử trận, 21.600 người chết do bị thương quá nặng, tổng cộng ước tính có khoảng 148.400 người chết. Các bệnh viện đã phải tiếp nhận tới 383.000 lượt thương binh. Vì vậy, các nhà sử học chiến tranh cho rằng quân đội Trung Quốc đã tổn thất tới 366.000 quân trong cuộc chiến tranh Triều Tiên; tổng cộng tiêu hao vật tư cho chiến tranh là 5,60 triệu tấn, trong đó đạn dược là 250.000 tấn. Trong khi đó, trong cả ba trận đánh lớn của Quân Giải phóng Trung Quốc từ mùa thu năm 1948 đến đầu năm 1949, là các trận Liêu Thẩm, Hoài Hải và Bình Tân, tổng cộng chỉ dùng 20.000 tấn đạn dược. Điều này chứng tỏ tiêu hao đạn dược của quân đội Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên là kỷ lục.
Tất nhiên, tổn thất lớn nhất thuộc về hai miền Nam-Bắc Triều Tiên. Nhưng những hậu quả mà chiến tranh để lại không chỉ dừng lại đó. Đối với Trung Quốc, có hai vấn đề quan tâm lớn nhất là: thứ nhất, yêu cầu quân đội nước ngoài rút hoàn toàn khỏi Triều Tiên, loại bỏ những nguy cơ chiến tranh đối với vùng Đông Bắc Trung Quốc, để Triều Tiên mưu cầu thống nhất trong điều kiện không có sự can thiệp của nước ngoài. Trung Quốc không hy vọng chiến tranh Triều Tiên tái bùng phát với quy mô lớn một lần nữa. Hai là, vẫn còn một lực lượng chí nguyện quân chưa trở về Trung Quốc đại lục. Nếu có thể đưa họ trở về, sẽ có lợi về mặt chính trị.
Chu Ân Lai quyết định hợp tác với phía Liên Xô để trước hết ổn định được vấn đề Triều Tiên. Sau khi đến Genève, Trưởng đoàn đại biểu Liên Xô Molotov là người đầu tiên đến gặp Chu Ân Lai. Chu Ân Lai rất tôn trọng vị Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô có tính cách cứng rắn như gang thép này. Trên thực tế, việc Trung Quốc tham gia Hội nghị Genève lần này không thể tách rời những cố gắng của Molotov.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #4 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 11:18:52 am »

Chương 3

Từ “Ba vòng tròn” đến “Năm nước lớn”


Nhà ngoại giao Molotov nổi tiếng với biệt danh “Búa sắt” đã dùng ý chí kiên cường để làm chủ bàn cờ. Hội nghị Genève là điểm sáng cuối cùng trong sự nghiệp ngoại giao của ông. Vậy một “Búa sắt” suốt đời phấn đấu có đập tan được “Ba vòng tròn lớn” do thủ tướng Anh Winston Churchill đã ra sức tạo nên? Đây quả là một dấu hỏi lớn.
Các nhân vật tập trung đông đảo tại Genève đều là những nhà ngoại giao hàng đầu của thế giới. Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Molotov đặc biệt thu hút sự chú ý. Ông sinh năm 1890 trong một gia đình nhân viên bình thường, là người cùng làng với nhà cách mạng nổi tiếng của Nga Likiov, nhiều hơn Chu Ân Lai 8 tuổi. Khi còn nhỏ, ông được hưởng một nền giáo dục rất tốt. Thành tích học tập của Molotov không có gì đặc biệt, nổi trội.
Thời trung học, ông tham gia một nhóm học về Chủ nghĩa Marx. Năm 16 tuổi, ông gia nhập Đảng Xã hội dân chủ Nga. Tháng 4-1909, trước khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Molotov bị bắt và phải sống cuộc sống tù ngục trong hai năm. Cuộc sống giam cầm đã làm thay đổi hoàn toàn con người ông. Trong thời gian này, ông đã đọc số lượng lớn các tác phẩm của Marx, Engels và Lenin, từ đó trở thành một nhà cách mạng kiên định. Mãn hạn tù, Molotov vào học khoa đóng tàu thuộc Học viện Công nghiệp Saint Petersburg, sau đó chuyển sang khoa Kinh tế, đồng thời tham gia công tác tại báo “Tia lửa” (Iskra) của lực lượng Bolshevik. Năm 1912, khi tờ Sự Thật ra đời, ông đảm nhiệm chức Uỷ viên biên tập kiêm Thư ký toà soạn, dùng nhiều bút danh, viết rất nhiều bài trên báo, sau đó dùng bút danh Molotov, có nghĩa là Búa sắt.
Vị trí quan trọng của Saint Petersburg giúp cho địa vị của Molotov trở nên quan trọng hơn. Cách mạng tháng Mười năm 1917 lật đổ chế độ Sa Hoàng, Molotov tham gia hội đồng Xôviết Petrograd. Ngày 10 tháng 10, dưới sự chủ trì của Lenin, đảng Bolshevik thông qua nghị quyết tiến hành khởi nghĩa vũ trang. Molotov ủng hộ luận điểm của Lenin về “Chủ nghĩa xã hội có thể giành thắng lợi đầu tiên tại một nước” được bầu làm uỷ viên Hội đồng quân sự cách mạng Petrograd, tham gia công tác lãnh đạo Cách mạng tháng Mười.
Sau Cách mạng tháng Mười, Molotov liên tục được giao đảm nhiệm các trọng trách, tại đại hội ĐCS Liên Xô lần thứ 10 được bầu làm uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị, đến năm 1926 trở thành uỷ viên Bộ chính trị. Từ năm 1928-1930, Molotov giữ chức Bí thư thành uỷ Moskva, thuộc vào tầng lớp lãnh đạo hạt nhân của Liên Xô, thể hiện tài năng nổi bật cả về chính trị lẫn quản lý hành chính.
Cũng vào quãng thời gian này, Molotov cũng đã gặp được tình yêu của mình. Nhưng cuộc hôn nhân giữa ông với người vợ đầu là Lixetova chỉ kéo dài một thời gian ngắn. Sau khi hai người ly hôn, bà Lixetova tái hôn với S. Nikin, sau này là một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng ở Liên Xô, có quan niệm trái ngược với Molotov.
Năm 1921, Molotov, lúc này đã là Bí thư trung ương ĐCS Liên Xô, đã có “tiếng sét ái tình” với Bộ trưởng phụ nữ Ukraina Paulina Zhemchuzina. Lúc đó Polina mới ngoài 20 tuổi, coi Molotov là bậc cách mạng tiền bối. Khi tham gia Đại hội đại biểu phụ nữ Liên Xô, Polina đã lâm bệnh phải nằm viện. Molotov với tư cách là thủ trưởng của đại hội đã vào bệnh viện thăm hỏi một lần trên danh nghĩa công việc. Trong mắt Polina lúc này là một Molotov đầy nho nhã, cởi mở, khắc hẳn với hình ảnh của ông ở trên đoàn chủ tịch. Tóm lại là, sau khi bình phục xuất viện, Polina đã không trở về Ukraina mà ở lại Moskva kết hôn cùng Molotov.
Sau khi loại bỏ được nguy cơ từ sự can thiệp của các thế lực nước ngoài, thập niên 30 của thế kỷ XX là những năm tháng đấu tranh quyết liệt trong nội bộ ĐCS Liên Xô, xuất hiện sự tranh đấu tàn khốc giữa phe phái do (Iosif Vissarionovich) Stalin đứng đấu với một số phái không cùng quan điểm. Rất nhiều nhân vật đầu não của các phe phái, trong đó nhiều người là lãnh đạo quan trọng từ thời kỳ đầu cách mạng của đảng có nhiều cống hiến lớn trong cuộc Cách mạng tháng Mười, cũng đều bị xử bắn. Trong cuộc đấu tranh nội bộ này, Molotov đứng về phe Stalin. Sau này, Molotov bị chỉ trích rằng ông phải chịu trách nhiệm trong hàng loạt vụ “đại thanh lọc”. Năm 1937, có một thời gian Molotov bị Stalin nghi ngờ, nhưng sau đó đã thoát hỏi “tình thế nguy hiểm”, trở lại hàng ngũ Bộ chính trị công tác, và bản thân cũng tham gia phong trào “tiễu phản”. Kết quả, đợt hoạt động đó đã gây ra một loạt “vụ án oan”. Địa vị của Molotov trong đảng không ngừng được gia tăng, trở thành nhân vật thứ hai của Liên Xô lúc bấy giờ, chỉ đứng sau Stalin.
Từ đầu thập niên 30, Molotov giữ chức Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô. Ngày 3-5-1939, Molotov thay Maxim Litvinov giữ chức Uỷ viên nhân dân (Bộ trưởng) Bộ, Ngoại giao. Lý do chính của sự thay đổi này không phải vì Stalin không còn tín nhiệm Litvinov nữa mà vì nguy cơ cuộc đại chiến thế giới thứ hai đã ở ngay trước mắt, Adolf Hitler đã điều binh đi khắp nơi; tại hội nghị Munich, hai nước Anh và Pháp đã lộ rõ ý đồ để các quốc gia Đông Âu làm vật hy sinh, nỗ lực hết sức để hướng các mũi tấn công của Đức quốc xã sang phía Đông. An ninh quốc gia của Liên Xô đang bị đe doạ nghiêm trọng. Stalin muốn Molotov dồn hết sức lực, tài năng vào công tác ngoại giao. Và rút khỏi phong trào đẫm máu “tiễu phản” đã là một việc may mắn đối với Molotov.
Thời gian đầu đảm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao, Molotov hy vọng cùng với Anh và Pháp tạo dựng một chiến tuyến thống nhất để chống Đức quốc xã, dự định xây dựng hiệp ước phòng vệ chung giữa ba nước. Ngoài ra, Liên Xô và Đức cũng tiến hành tiếp xúc bí mật, nhằm trì hoãn hoặc thậm chí loại bỏ nguy cơ Đức tấn công Đông Âu. Từ tháng 3 đến tháng 5-1939, các văn kiện ngoại giao qua lại giữa Đức và Liên Xô rất tấp nập, hai bên thăm dò lẫn nhau và thăm dò xem liệu có khả năng ký kết một thoả thuận song phương “không xâm phạm lẫn nhau”. Đề nghị này do Liên Xô đề xuất.
Tháng 8-1939, Ngoại trưởng Đức Joachim von Ribbentrop thông báo cho phía Liên Xô rằng nước Đức có thiện cảm với Liên Xô, từ vùng biển Baltic đến Biển Đen không có vấn đề gì, nhưng còn về Ba Lan, Đức hy vọng Liên Xô hiểu cho quyết định của Đức. Và dưới một tiền đề như vậy, một bản thoả thuận kỳ lạ trong lịch sử ngoại giao giữa hai bên địch thủ không đội trời chung đã nhanh chóng ra đời.
Ngày 14-8-1939, Ngoại trưởng Đức chỉ thị cho Schellenberg, đại sứ tại Liên Xô gặp Molotov, đề nghị đẩy nhanh tốc độ đàm phán tiến tới hiệp định nói trên, đồng thời yêu cầu Liên Xô đồng ý để Ngoại trưởng Đức sớm tới thăm Moskva để ký kết.
Molotov lập tức hoan nghênh mong muốn của Đức được cải thiện quan hệ với Liên Xô, hết sức ủng hộ việc Ngoại trưởng Đức muốn sang thăm Moskva. Ba ngày sau, đại sứ Walter Schellenberg một lần nữa đến gặp Molotov, nêu ra những ý kiến bổ sung của phía Đức với hy vọng Liên Xô càng yên tâm hơn và một lần nữa nhắc tới đề xuất để Ngoại trưởng Ribbentrop thăm Liên Xô.
Molotov nói với đại sứ Đức, việc cải thiện quan hệ Liên Xô - Đức có thể chia thành hai bước, thứ nhất hai bên ký một hiệp định về thương mại và vay vốn, bước thứ hai mới ký tiếp hiệp định không xâm phạm lẫn nhau. Tuy nhiên, ngoại trưởng Đức có thể không cần đích thân đến Moskva.
Trong tiến trình đàm phán Liên Xô - Đức ở giai đoạn này, các thủ đoạn và tiết tấu đàm phán của Molotov rất chậm rãi khiến Ngoại trưởng Đức cảm thấy rất khó chịu. Nhưng không ngờ, Stalin bỗng nhiên can thiệp vào đàm phán, yêu cầu Molotov nhanh chóng ký với Đức hiệp định không xâm phạm lẫn nhau. Stalin dự cảm rằng trong tương lai Đức sẽ tấn công Liên Xô, song Liên Xô vẫn chưa chuẩn bị tốt công tác phản công, cần có biện pháp trì hoãn kế hoạch tấn công của kẻ địch.
Theo lệnh Stalin, ngày 19 tháng 8, Molotov thông báo với đại sứ Schellenberg rằng Chính phủ Liên Xô đã đồng ý mời Ngoại trưởng Ribbentrop sang thăm Moskva một tuần sau khi hai nước ký hiệp định thương mại, và đến lúc đó hai bên sẽ ký thoả thuận không xâm phạm lẫn nhau. Molotov cũng trao cho Schellenberg dự thảo thoả thuận này do Liên Xô soạn thảo.
Biết tin về câu trả lời trên của Liên Xô, Hitler như “vớ được vàng”. Nhưng vấn đề là Liên Xô mời Ngoại trưởng Ribbentrop sang thăm vào ngày 26 hoặc 27 tháng 8, mà quân đội Đức đã quyết định nổ súng tấn công Ba Lan ngày 1 tháng 9. Nếu thời gian ký thoả thuận và thời điểm khai chiến sát nhau quá sẽ không có lợi cho Đức. Hitler đích thân viết thư gửi Stalin cho biết hoàn toàn chấp nhận dự thảo thoả thuận mà Liên Xô đưa ra, và hy vọng ngày 22 hoặc muộn nhất là 23 tháng 8, Ngoại trưởng Ribbentrop có thể sang thăm Moskva và ký văn kiện này. Bức thư mật có đóng dấu khẩn cấp này được chuyển đến Moskva vào ngày 20-8-1939.
Chưa đầy 24 giờ sau, Đức đã nhận được câu trả lời của Stalin: đồng ý với yêu cầu của Hitler. Hitler hết sức vui mừng chỉ thị Ribbentrop dẫn đầu đoàn Đức đi Moskva trước ngày 22 tháng 8. Đêm 23 tháng 8, trước sự chứng kiến của Stalin, hiệp định không xâm phạm lẫn nhau giữa Liên Xô và Đức đã được ký kết. Trước khi chiến tranh mở màn, Hitler đã đạt được điều mà hắn ta muốn: khi Ba Lan bị xâm lược, nếu Anh và Pháp xuất binh cứu viện, Liên Xô sẽ án binh bất động, không tham gia đồng minh với Anh-Pháp.
Liên Xô được bảo đảm rằng: nếu Ba Lan bị xâm chiếm, phía Đông Ba Lan (gồm các khu vực lấy các sông Narev, Vistula và San là ranh giới) sẽ thuộc phạm vi kiểm soát của Liên Xô. Ngoài ra, các nước nhỏ ở biển Baltic cũng được đưa vào phạm vi quản lý của Liên Xô. Những điều kiện nói trên được Liên Xô và Đức lúc đó tuyệt đối giữ bí mật.
Quân đội Đức xâm lược Ba Lan. Mặc dù từ tháng 9, hai nước Anh và Pháp cũng đã tuyên chiến với Đức, nhưng Liên Xô vẫn án binh bất động. Stalin và Molotov hy vọng với hình thức này thì “ngư ông sẽ đắc lợi”. Họ cho rằng làm như vậy phù hợp với lợi ích quốc gia, và cho rằng đây là thắng lợi của ngoại giao Liên Xô. Nhưng các nhà lịch sử lại cho rằng thoả thuận này không đếm xỉa gì tới lợi ích dân tộc của Ba Lan, không tôn trọng chủ quyền của các quốc gia ven biển Baltic, và nếu xét từ góc độ luật pháp quốc tế, hiệp định này cũng có nhiều vấn đề nghi vấn. Mặt khác, việc ký thoả thuận này ở mức độ nào đó đã làm Stalin bị “mê muội”, khiến ông không có chuẩn bị đầy đủ cho chiến tranh, do đó khi chiến tranh Đức - Liên Xô bùng phát tháng 6 năm 1941, phía Liên Xô không tránh khỏi “trở tay không kịp”. Còn Molotov qua chiến dịch ngoại giao lần này đã trở nên hết sức nổi bật, trở thành nhân sĩ nổi tiếng trong làng ngoại giao quốc tế.
Ngày 22-6-1941, Hitler phá huỷ thoả thuận không xâm lược lẫn nhau với Liên Xô, đội quân Đức quốc xã hơn 8 triệu người đã tấn công Liên Xô. Đúng ngày bùng phát chiến tranh, theo lệnh của Stalin, Molotov đã có bài phát biểu qua truyền thanh tới toàn thể nhân dân Liên Xô, tuyên bố chiến tranh đã bắt đầu, hiệu triệu nhân dân Xô viết đoàn kết lại đánh đuổi quân xâm lược. Ngày hôm đó, giọng nói trầm ấm, kiên định của Molotov đã được truyền đi khắp lãnh thổ Liên Xô: “Sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa, kẻ thù nhất định sẽ thất bại, chiến thắng tất yếu sẽ thuộc về chúng ta!”.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Molotov là trợ thủ chính trị quan trọng nhất của Stalin, phụ trách công tác ngoại giao, đảm nhiệm việc liên lạc và đàm phán với lãnh đạo Anh, Mỹ và các nước khác, có nhiều nỗ lực đóng góp ngoại giao cho việc mở ra một mặt trận thứ hai ở châu Âu. Tháng 5-6-1942, Molotov đã đi thăm London và Washington. Tại London, Molotov đã cùng Ngoại trưởng Anh Anthony Eden ký hiệp định “đồng minh trong cuộc chiến tranh chống Đức quốc xã và hợp tác hỗ trợ lẫn nhau sau chiến tranh”. Hiệp định nêu rõ quân đội đồng minh Anh, Mỹ vào một thời điểm thích hợp sẽ mở mặt trận lớn thứ hai ở Tây Âu để đánh quân Đức. Sau đó, Molotov đến Washington gặp tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, được Mỹ cam kết ủng hộ mở mặt trận thứ hai.
Ngày 19-10-1943, Molotov cùng Ngoại trưởng Mỹ và Anh tiến hành hội nghị tại Moskva, cuối cùng đạt được thoả thuận về mở mặt trận thứ hai tại châu Âu, xác định đến mùa Xuân 1944, quân đội Mỹ-Anh sẽ đổ bộ lên bờ biển phía Bắc nước Pháp. Các bên cũng thảo luận việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên Liên Xô - Anh và Mỹ, cũng như những vấn đề thế giới hậu chiến tranh. Molotov cũng từng tháp tùng Stalin tham gia các hội nghị ở Tehran, Yalta và Boston(?).
Năm 1945, Molotov nhiều lần đến New York tham gia sáng kiến thành lập LHQ. Liên Xô là một trong năm nước uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an, nhưng tại LHQ, Liên Xô thường xuyên ở thế thiểu số. Molotov thường xuyên sử dụng quyền phủ quyết của Liên Xô tại Hội đồng Bảo an. Trong các hoạt động ngoại giao với phương Tây, nhất là với Mỹ, Molotov luôn có thái độ cứng rắn, được giới ngoại giao quốc tế gọi là “Mr. No” “nhà ngoại giao mặt thép”.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #5 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 11:20:33 am »

Các thành viên đoàn đại biểu Trung Quốc do Chu Ân Lai dẫn đầu đến Genève đều hết sức tôn trọng Molotov. Họ đều cho rằng Molotov là một “nguyên lão của Cách mạng tháng Mười”, là nhà cách mạng lão thành chỉ đứng thứ hai sau Stalin. Đối với những sai lầm nghiêm trọng của Molotov trong chiến dịch “đại thanh lọc” những năm 30, giới lãnh đạo Trung Quốc được biết rất ít. Thời kỳ đó, ĐCS Trung Quốc đang tập trung thiết lập căn cứ địa cách mạng ở miền Nam, trải qua cuộc trường chinh hai vạn rưỡi dặm đường, đấu tranh ác liệt để thiết lập căn cứ địa Thiểm Bắc. Ngược lại, sau khi bùng phát cuộc chiến tranh vệ quốc, Liên Xô đã đảm đương sứ mệnh là quân chủ lực trong cuộc chiến tranh chống phát-xít Đức, sau chiến tranh lại đưa quân vào Đông Bắc Trung Quốc, có công lao đóng góp tiêu diệt đội quân Quan Đông Nhật Bản, tất cả những điều này được quân dân Trung Quốc biết rất rõ. Trong giai đoạn lịch sử này, Molotov đại diện cho Liên Xô đã tiến hành hàng loạt hoạt động quốc tế, do đó tên tuổi ông rất thân quen với các nhà sáng lập nước Trung Hoa mới.
Molotov kiên định chủ trương khi tiến hành hội nghị năm nước lớn, nhất thiết phải có Trung Quốc tham gia, và ông đã nỗ lực vì mục tiêu này.
Nói đến hội nghị Genève, nhất định phải nhắc lại hội nghị Berlin tháng 1 năm 1954. Hội nghị này được phát triển từ ý tưởng sau đại chiến thế giới thứ hai sẽ khôi phục lại địa vị trong lý luận “Ba vòng tròn lớn” của chính trị gia lão luyện của Anh Churchill.
Tháng 10 năm 1951, nhà chính trị Churchill, 77 tuổi, một lần nữa trúng cử thủ tướng Anh. Xuất phát từ kinh nghiệm lãnh đạo nước Anh trong đại chiến thế giới thứ hai, Churchill đề xuất tổ chức hội nghị ba nước lớn Tây Âu để thống nhất lập trường của Anh, Pháp và Mỹ.
Tình hình Châu Âu sau chiến tranh thế giới đã thay đổi nhiều, đế quốc Anh không còn giữ được sự hùng mạnh như trước nữa, các phong trào giải phóng dân tộc tại các nước thuộc địa bùng lên mạnh mẽ. Trước một thế giới như vậy, Churchill đã đưa ra khái niệm “ngoại giao ba vòng tròn”. Ngày 9-10-1948, tại đại hội thường niên của đảng Bảo thủ Anh, Churchill đã trình bày ý tưởng “ba vòng tròn lớn”. Ông nói: “Khi tôi nhìn vào tương lai của đất nước, tôi cảm thấy tại một quốc gia tự do và dân chủ tồn tại ba vòng tròn lớn… Thứ nhất, tất nhiên là tất cả những gì nằm trong Liên hiệp Anh và đế quốc Anh. Thứ hai là đất nước chúng ta, Canada và các vùng lãnh thổ tự trị khác trong Liên hiệp Anh, cùng với Mỹ - là một thế giới Anh ngữ có vai trò rất quan trọng. Thứ ba chính là một châu Âu liên minh lại. Ba vòng tròn lớn đó cùng tồn tại một lúc, nếu chúng kết nối với nhau, thì sẽ không có bất cứ lực lượng nào, thậm chí một liên kết lực lượng nào có thể lật đổ chúng, hoặc dám thách thức với chúng”. Churchill cho rằng trong ba vòng tròn là liên minh Anh với Mỹ, Anh với châu Âu và Anh quốc với các nước trong liên hiệp Anh, và bao giờ nước Anh cũng giữ vai trò quan trọng.
Tại châu Âu hoà giải với Pháp và Đức, khôi phục thế cân bằng của châu lục; duy trì mối quan hệ đặc biệt với Mỹ, lợi dụng sức mạnh của Mỹ để đối phó với Liên Xô; Cố gắng gìn giữ vị trí cường quốc của nước Anh, đó là các điểm cơ bản trong chính sách đối ngoại của Churchill.
Với Liên Xô vừa phải giữ thế cân bằng đối kháng, lại vừa phải thương lượng rất nhiều vấn đề quốc tế quan trọng. Ba cường quốc Tây Âu thấy rằng, sau thế chiến thứ hai, mọi vấn đề quan trọng của thế giới đều cần phải đàm phán với Liên Xô. Đề xuất tiến hành “hội nghị bốn nước lớn” lúc được nhắc đến, lúc không. Bước sang thập niên 50, Ngoại trưởng Liên Xô Molotov nhiều lần phát biểu tổ chức hội nghị bốn nước lớn là chưa đủ, mà cần đưa thêm nước Trung Hoa mới. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Mỹ, nước đang tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên và phải chiến đấu ác liệt với chí nguyện quân Trung Quốc, kiên quyết phản đối. Do đó, hội nghị năm nước lớn không thể thực hiện được.
Tháng 3 năm 1953, sau khi Stalin qua đời, Churchill tuyên bố dự định tổ chức hội nghị cấp cao “bốn nước lớn” vào tháng 5 hoặc tháng 6, nhưng Liên Xô không nhất trí.
Ngày 17 tháng 6, Berlin và một số thành phố của Đông Đức xảy ra biểu tình phản đối Liên Xô, Liên Xô lập tức tăng cường sức mạnh quân sự tại Đông Đức. Sau khi thảo luận, ngoại trưởng ba nước Anh, Pháp và Mỹ đề nghị Liên Xô cùng tham gia hội nghị bốn bên vào mùa thu cùng năm để thảo luận vấn đề thống nhất nước Đức.
Ngày 23 tháng 6, Churchill vừa chủ trì tiệc chiêu đãi thủ tướng Italia trở về phòng khách thì bị trúng gió nhẹ, bị liệt nửa người. Trong thời gian Churchill điều trị bệnh, đề nghị trên chỉ còn cách tạm thời “nằm yên”. Mùa thu năm đó, sức khoẻ Churchill khôi phục rõ rệt, ông đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên Anh, Pháp và Mỹ.
Ban đầu, Pháp tỏ ra không hề hồ hởi với các hội nghị ba nước lớn, 4 hay năm nước lớn cũng vậy. Nguyên nhân chính là vì tổng thống Pháp không được tham gia các hội nghị các nước lớn trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, do đó có một cảm giác lạnh lùng, thờ ơ khó tả đối với hội nghị thượng đỉnh các nước lớn. Sự thờ ơ của Pháp đã khiến đề nghị của Churchill bị gác lại.
Sau một thời gian có nhiều biến động chính trị kể từ sau khi Stalin qua đời, tình hình chính trị của Liên Xô đã dần ổn định trở lại, và ở một mức độ nào đó, đã điều chỉnh chính sách ngoại giao của Stalin, trước tiên là trong vấn đề Triều Tiên. Tháng 7 năm đó, chiến tranh Triều Tiên đã chấm dứt.
Ngày 4 tháng 8-1953, Bộ Ngoại giao Liên Xô mời đại sứ Anh tại Liên Xô tới cho biết Liên Xô hy vọng các nước lớn phương Tây đồng ý tổ chức một hội nghị các nước lớn có sự tham gia của cả Trung Quốc trong vòng tháng 6, để thảo luận các vấn đề quốc tế, đặc biệt là vấn đề thống nhất nước Đức và thống nhất Triều Tiên. Ngày 28-9-1953, Liên Xô một lần nữa đề xuất với Mỹ, Anh và Pháp việc tổ chức hội nghị “năm nước lớn” có sự tham gia của cả Trung Quốc, thảo luận giải pháp làm giảm cẳng thẳng cục diện quốc tế. Ngày 8-10-1953, Chu Ân Lai tuyên bố ủng hộ đề xuất của Liên Xô.
Trước đề nghị của Liên Xô, ngoại trưởng ba nước Mỹ, Anh và Pháp đã tiến hành một loạt cuộc trao đổi.
Ngoại trưởng Anh Eden sau một thời gian dài điều trị bệnh, ngày 5 tháng 10-1953 vừa mới bình phục đã trở lại với công việc ở London. Ngày 16 tháng 10-1953, các ngoại trưỏng Mỹ và Pháp đến London gặp Eden. Ba vị quan chức này dự định mời Liên Xô cùng tham gia để cùng thảo luận vấn đề thống nhất nước Đức.
Sau khi ký hiệp định đình chiến tại Triều Tiên ngày 27 tháng 7-1953, Liên Xô và Trung Quốc đều nhất trí rằng cần giải quyết hoà bình hai cuộc chiến tranh ở châu Á. Lãnh đạo mới của Liên Xô là Georgy Malenkov chủ trương thông qua đình chiến và đàm phán hoà bình để giải quyết vấn đề chiến tranh, sau đó tiến hành cạnh tranh kinh tế với phương Tây. Hạ tuần tháng 11-1953, Liên Xô đề nghị tổ chức hội nghị ngoại trưởng bốn nước lớn tại Berlin vào tháng 1 năm 1954 để thảo luận các vấn đề của châu Âu. Ngoài ra, Liên Xô cũng đề nghị tổ chức một hội nghị quốc tế để bàn vấn đề Viễn Đông, trong đó bao gồm cả vấn đề hoà bình cho Đông Dương. Đúng vào thời điểm này, Hồ Chí Minh đã có bài trả lời phỏng vấn phóng viên Thuỵ Điển đăng trên tờ “Tin nhanh” của Thuỵ Điển, trong đó bày tỏ hy vọng vấn đề Đông Dương được giải quyết bằng giải pháp chính trị.
Chính phủ Pháp đang tìm cơ hội để giải quyết vấn đề Đông Dương thông qua thương lượng. Cuối tháng 11 năm 1953, thái độ của Pháp đối với các hội nghị bốn-năm nước lớn đã thay đổi 180 độ, trở nên tích cực hơn. Pháp hưởng ứng đề nghị của Molotov, biểu thị sẵn sàng tham gia các hội nghị như hội nghị Berlin. Pháp còn thông báo cho Mỹ và Anh kế hoạch riêng của mình, đồng thời hy vọng tổ chức một hội nghị cấp cao ba bên trước để thống nhất lập trường.
Thương lượng gì với Liên Xô? Đàm phán như thế nào? Lãnh đạo ba nước Anh, Pháp, Mỹ quyết định tổ chức hội nghị tại quần đảo Bermuda trên Đại Tây Dương để thảo luận trước. Ngày 4-12, do thủ tướng Joseph Laniel bị ốm, Ngoại trưởng Georges Bidault đại diện cho Chính phủ Pháp đã đến quần đảo Bermuda, cùng tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles, thủ tướng Anh Churchill và Ngoại trưởng Eden tiến hành hội nghị.
Tại hội nghị ở Bermuda, vấn đề Trung Quốc là nhạy cảm nhất. Điều Mỹ quan tâm là nếu tổ chức hội nghị năm bên có sự tham gia của Trung Quốc liệu có nghĩa là chính thức công nhận Trung Quốc? Anh có xu hướng như vậy và Pháp cũng không phản đối. Tuy nhiên, Eisenhower cùng Ngoại trưởng Dulles kiên quyết phản đối.
Mỹ và Anh cũng ý thức được rằng Pháp hy vọng thông qua đàm phán để giải quyết vấn đề Đông Dương. Sau này Anh đã công khai bày tỏ tán thành và Mỹ không còn cách nào khác là nhượng bộ. Hội nghị Bermuda đưa ra quyết định chấp nhận đề nghị của Liên Xô, tổ chức hội nghị bốn bên ở Berlin.
Ngày 23-1-1954, trong một cuộc hội ý riêng Ngoại trưởng Pháp Bidault đã yêu cầu Dulles chấp nhận hình thức tổ chức hội nghị 5 bên để giải quyết vấn đề Đông Dương. Đối với các vấn đề khác, Dulles không có ý kiến gì, nhưng riêng vấn đề “địa vị năm nước lớn” của Trung Quốc thì không thể chấp nhận. Còn Eden lại có thể chấp nhận khái niệm này, vì Anh là cường quốc phương Tây duy nhất duy trì quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Trước khi đến hội nghị Berlin, Churchill cũng chỉ thị cho Eden trong thời gian diễn ra hội nghị, chú ý tiếp xúc nhiều với Molotov, tìm hiểu ý đồ ngoại giao của phe phương Đông.
Hội nghị bốn nước lớn đã được tổ chức vào ngày 25-1-1954 tại Berlin. Đây là lần đầu tiên kể từ sau thế chiến thứ hai, ngoại trưởng bốn nước đồng minh lớn ngồi lại bàn đàm phán. Pháp đã có những chuẩn bị gấp rút cho hội nghị, trong đó có cả bản kế hoạch Navarre mang tên “Hành động Atlante” phát động chiến dịch càn quét tại miền Nam Việt Nam với sự tham gia của 15 tiểu đoàn quân.
Ngoại trưởng Anh Eden đã có những phán đoán về phương châm của Liên Xô tại hội nghị Berlin, cho rằng ý đồ của Liên Xô chủ yếu gồm hai điểm:
1. Thúc đẩy Mỹ rút quân khỏi châu Âu, làm suy yếu tổng thể lực lượng của châu Âu;
2. Phản đối gia tăng sức mạnh của Đức, đồng thời không để Đức tham gia liên minh Tây Âu.
Tại hội nghị Berlin, lập trường của Anh, Pháp và Mỹ đối với vấn đề Đức hoàn toàn trái người với Liên Xô, mong muốn thúc đẩy hết sức việc nước Đức thống nhất, để đưa Đức vào quỹ đạo Tây Âu. Phản đối khả năng Liên Xô có thể đề nghị nước Đức trung lập, hoặc duy trì hiện trạng bốn nước lớn chiếm đóng. Tại hội nghị, ba nước này muốn ký kết một thoả thuận “Hoà bình cho nước Đức”, đưa ra điều kiện khiến Đông Đức thoát khỏi sự khống chế của Liên Xô.
Về vấn đề nước Đức, lập trường của hai bên phương Đông và phương Tây không bao giờ có thể thống nhất. Hội nghị thảo luận vấn đề nước Đức trước, các nhà đàm phán lập tức rơi vào khó khăn. Lập trường của hai bên quá khác biệt, thảo luận năm ngày liên tục mà không có kết quả. Hội nghị chuyển sang thảo luận vấn đề châu Á, đây chính là điều Pháp hết sức mong muốn.
Molotov phát biểu cho rằng khi thảo luận các vấn đề ở Viễn Đông, nhất thiết phải có Trung Quốc tham gia hội nghị, Bidault cũng có cùng ý kiến như vậy. Molotov nói ngài Dulles có thể nhân cơ hội này gặp mặt Chu Ân Lai.
Vừa nghe nói vậy, Dulles đã đứng bật dậy lạnh lùng nói: “Chu Ân Lai là ai? Ông ta tham gia phe của chúng ta thì sẽ khiến những điều không thể giữa phương Đông và phương Tây trở thành có thể sao? Ông ta chỉ là một nhà lãnh đạo lên nắm quyền chính ở Trung Quốc đại lục dựa vào chiến tranh đổ máu”. Đối với Chu Ân Lai, Dulles đã nghe danh từ lâu, ông ta vẫn kịch liệt phản đối Trung Quốc tham dự hội nghị.
Molotov nói Trung Quốc đã trở thành lực lượng quan trọng trong cục diện chính trị thế giới, các hội nghị quốc tế quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề châu Á nhất thiết phải có Trung Quốc tham gia. Ông cho rằng mặc dù vấn đề Berlin nhất thời chưa thể đàm phán có kết quả, nhưng các bên cần kiên nhẫn chờ đợi thời cơ chín muồi, vì dù sao các bên không có mâu thuẫn đổ máu trong vấn đề này nên vẫn có thể chờ đợi. Còn tình hình đình chiến ở Triều Triên vẫn chưa ổn định, nếu giải quyết không tốt, có khả năng lại bùng phát xung đột. Và đặc biệt là cuộc chiến tranh Đông Dương đã leo thang thành một cuộc chiến quy mô lớn, mỗi giờ mỗi phút đều có đổ máu. Vì vậy, chính phủ Liên Xô đề nghị tổ chức hội nghị năm bên gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp và cả Trung Quốc, nhằm trước tiên giải quyết các vấn đề cấp bách như vấn đề Triều Tiên và Đông Dương, tìm kiếm biện pháp làm giảm căng thẳng tại các khu vực này.
Eden gửi điện cho Churchill, đề nghị Chính phủ Anh chấp nhận đề xuất của Liên Xô. Eden cho rằng đưa các vấn đề Triều Tiên và Đông Dương ra bàn luận tại hội nghị năm bên sẽ tốt hơn nhiều đưa ra thảo luận tại LHQ. Bức điện của Eden viết:
Chí ít, làm như vậy chúng ta sẽ trực tiếp giải quyết vấn đề chứ không phải cùng thảo luận suông với các quốc gia khác tuy số lượng nhiều và rất muốn thảo luận nhưng lại không muốn gánh vác trách nhiệm. Chúng ta cũng nên thông qua hình thức như vậy để giải quyết vấn đề thái độ của Nga, mà đây chính là trở ngại cho cuộc đàm phán Bàn Môn Điếm, vì rõ ràng họ đáng là một trong năm cường quốc cùng ngồi thảo luận vấn đề Triều Tiên. Nếu chúng ta có thể đưa ra một thời hạn chấp nhận được cho hội nghị năm bên, mà họ trước sau nhất quyết từ chối giải quyết vấn đề Đức và Áo, chúng ta có thể khiến nước Nga rơi vào tình thế khó khăn.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #6 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 11:21:24 am »

Tất nhiên, nhân tố quan trọng ở đây là thái độ của Mỹ. Trước mắt, Mỹ phản đối mạnh mẽ việc coi Trung Quốc là một trong năm nước lớn, tôi hiểu nguyên nhân chủ yếu là do Mỹ không muốn công nhận Trung Quốc có quyền tham gia các vấn đề quốc tế. Nhưng tôi cho rằng, nếu trong một hội nghị như vậy, chúng ta chỉ giới hạn chương trình nghị sự vào các vấn đề Viễn Đông, các trở ngại có thể bị xoá bỏ đáng kể. Vì Dulles cũng đã nói Mỹ không công nhận Trung Quốc nhưng không cản trở đàm phán với Trung Quốc. Trên thực tế, Mỹ đã cùng đàm phán với Trung Quốc ở Bàn Môn Điếm rồi(1).
Churchill nhận được điện báo của Eden, lập tức triệu tập cuộc họp nội các. Ông ủng hộ quan điểm của Eden, đồng thời hy vọng Eden có thể thuyết phục được Dulles.
Ngày 26 tháng 1, Dulles có cuộc gặp kín với Eden và Bidault, nêu rõ Mỹ không muốn tham dự một hội nghị năm bên như vậy, nhưng không phản đối thảo luận vấn đề Triều Tiên với Trung Quốc. Dulles cũng tỏ ra hoài nghi rằng liệu đã đến thời điểm chín muồi để giải quyết vấn đề Đông Dương hay chưa?
Eden nói với Dulles: “Việc này có một tia cơ hội”
Molotov cũng có suy nghĩ chỉ giới hạn thảo luận vấn đề Viễn Đông.
Ngày 28 tháng 1, Eden cùng Dulles và Bidault lại gặp nhau lần nữa. Nước Pháp đang gặp khó khăn nên Bidault không thể im lặng tiếp nữa, phát biểu nêu rõ “Chính phủ Pháp hy vọng nỗ lực hết sức để khôi phục hoà bình, vì vậy nước Pháp không chút do dự tuyên bố rằng từ nay trở đi, mỗi giờ mỗi phút Chính phủ Pháp đều sẵn sàng nắm bắt các thời cơ để cùng liên bang (tức ba nước Đông Dương) tiến hành thương lượng để đem lại hoà bình cho Đông Dương. Vì vậy, bất kỳ một cuộc hội đàm nào có thể đem lại tiến triển và cuối cùng là hoà bình đều đáng được hoan nghênh”(2).
Trong cuộc gặp trên, Bidault còn nhấn mạnh Pháp sẵn sàng đàm phán với bất kỳ quốc gia nào có nguyện vọng giải quyết các vấn đề mâu thuẫn ở châu Á. Pháp từ chối đàm phán trực tiếp với Hồ Chí Minh theo đề xuất của Liên Xô, nhưng đồng ý gặp Trung Quốc.
Ngày 6 tháng 2, Dulles đưa ra một tuyên bố mập mờ: trong bất cứ trường hợp nào, Chính phủ Mỹ sẽ đều không thông qua việc tổ chức “hội nghị năm nước lớn”, đặc biệt là có sự tham gia của CHND Trung Hoa, để thương lượng giải quyết vận mệnh thế giới. Tuy nhiên, tiếp đó Dulles lại chuyển giọng nói ông chuẩn bị đàm phán với từng vấn đề cụ thể. Dulles đồng ý rằng khi xem xét vấn đề Triều Tiên nhất thiết phải mời đại biểu Trung Quốc và Nam - Bắc Triều tham gia. Ông nói như vậy không có nghĩa là về mặt ngoại giao đã công nhận họ. Vì vậy, chỉ cần Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng giải quyết các vấn đề châu Á, nước đề xuất hội nghị sẽ xác định thời gian và địa điểm tiến hành hội nghị.
Phát biểu trên của Dulles cho thấy lập trường của Mỹ đã bắt đầu dao động. Eden lập tức thông báo động thái này cho Churchill: “Hiện nay, chúng ta cần cùng với Mỹ và Pháp soạn thảo một đề án nhằm xác định thời gian chính xác tổ chức hội nghị. Tôi cho rằng chúng ta có thể đạt được những tiến triển trong các vấn đề nan giải. Không nghi ngờ gì rằng chúng ta sẽ gặp phải vô số những khó khăn ẩn chứa, nhưng chúng ta quyết sẽ không “lật thuyền”.
Ngày 11 tháng 2, cuối cùng Mỹ, Anh và Pháp đã đạt được nhất trí: năm nước lớn cùng với hai miền Nam - Bắc Triều cùng tiến hành hội nghị thảo luận vấn đề Triều Tiên. Năm nước lớn còn thảo luận vấn đề Đông Dương. Sau đó, đã diễn biến thành năm nước lớn cùng tất cả các nước tham gia chiến tranh Triều Tiên cùng thảo luận vấn đề Triều Tiên. Ngoại trưởng Pháp đề nghị hội nghị về vấn đề Triều Tiên sẽ tổ chức tại Genève vào ngày 15-4-1954, sau đó, trên cơ sở là vấn đề Triều Tiên đạt được tiến triển tích cực, sẽ tiến hành hội nghị về Đông Dương.
Molotov lập tức đặt câu hỏi tại sao hội nghị về Đông Dương lại phải chờ hội nghị Triều Tiên đạt được tiến triển mới tổ chức, giữa hai vấn đề này có mối quan hệ tất yếu sao? Ngoại trưởng Pháp bèn lựa lời nói vấn đề thời gian tiến hành hội nghị về Đông Dương vẫn có thể bàn bạc. Ngày 17 tháng 2-1954, hội nghị ngoại trưởng bốn nước do Eden làm chủ tịch hội nghị cuối cùng đạt được nhất trí. Ngày 18 tháng 2-1954, hội nghị ra thông cáo tuyên bố tiến hành hội nghị tại Genève vào ngày 26-4-1954, thảo luận vấn đề Triều Tiên. Hội nghị sẽ gồm các thành viên tham dự là đại biểu của nước CHND Trung Hoa, đại diện Nam - Bắc Triều cùng các nước có quân đội vũ trang tham gia chiến tranh Triều Tiên đồng thời có mong muốn tham gia hội nghị.
Về nội dung các vấn đề Đông Dương, thông cáo cho biết: Hội nghị Genève cũng sẽ “thảo luận việc khôi phục hoà bình ở Đông Dương, trước mắt sẽ mời Liên Xô, Mỹ, Pháp, Anh, CHND Trung Hoa và đại biểu các nước khác có liên quan tham gia. Các bên đạt được nhận thức chung rằng mặc dù được mời tham gia hoặc tổ chức các hội nghị nói trên, đều không được cho rằng bất cứ tình huống nào chưa được công nhận về mặt ngoại giao có nghĩa là đã được công nhận về mặt ngoại giao”.
Thực ra, ban đầu Molotov kiên quyết yêu cầu xoá bỏ phần nội dung trong thông cáo nói về “công nhận ngoại giao”, tuy nhiên người đích thân soạn thảo đoạn văn này là Dulles đã kiên quyết từ chối, cho tới phút chót Molotov mới chịu nhượng bộ.
Về ý nghĩa của hội nghị Berlin, khi đó có một nhà chính trị đã nêu ra rất rõ. Ông là lãnh đạo quân đội kháng chiến Pháp trong thế chiến thứ hai - tướng Charles De Gaulle (1890-1970). Khi đó ông đã rút lui khỏi chính trường, tạm thời về “ở ẩn” và dốc tâm trí sức lực viết cuốn “Hồi ức chiến tranh”. Ông không bao giờ lơi là sự quan tâm đối với đời sống chính trị, thường xuyên trở về văn phòng ở Paris gặp gỡ nhiều nhân vật, trao đổi ý kiến, lập trường. Chiều 21-1-1954, tại Paris, De Gaulle đã gặp phóng viên quốc tế nổi tiếng của tờ “New York Time” C. Sulzberger. Hai bên chuyện trò trong hơn một giờ đồng hồ. Sulzberger sinh năm 1912, tốt nghiệp Đại học Havard, năm 1933 bắt đầu sự nghiệp báo chí. Trước thế chiến thứ hai về tờ “New York Time” làm việc, phụ trách báo cáo các vấn đề quốc tế, trở thành một nhân vật rất có ảnh hưởng, có rất nhiều tác phẩm báo chí. De Gaulle đã bày tỏ suy nghĩ của mình về hội nghị Berlin với Sulzberger.
Theo ghi chép của phóng viên này, khi hai người nói đến vấn đề Đông Dương, De Gaulle đã nói “Ngoài việc rút quân khỏi Đông Dương hoặc duy trì cục diện hiện nay, tôi không thấy có con đường nào khác. Muốn giải quyết vấn đề quân sự, cần thực thi một biện pháp mới, đưa ra những nỗ lực mới. Nhưng nước Pháp không muốn đưa ra những nỗ lực như vậy. Ở Đông Dương, chúng ta không có lợi ích thực sự và trực tiếp. Cuộc chiến tranh ở đó hiện nay chỉ là một cuộc chiến nhằm giữ thể diện. Nhưng thực ra, đối với thể diện của nước Pháp cũng không có mấy lợi ích. Vấn đề Đông dương ngày càng thuộc về lợi ích quốc tế, còn lợi ích của Pháp ngày càng ít đi. Ở Đông Dương chỉ có hai chính quyền đương cục là Pháp và Hồ Chí Minh. Chỉ có hai mà thôi, không có chính quyền nào khác. Các vương triều Bảo Đại, Campuchia, Lào đều không có tác dụng gì. Bọn họ chỉ là hư danh, chỉ có Hồ Chí Minh là thực thể. Ông ta đại diện cho độc lập, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cộng sản và cả châu Á. Pháp cũng là một thực thể, đại diện cho phương Tây. Hiện nay, tại quốc gia đó nhà đương cục Pháp cũng không còn tồn tại nữa. Tất cả đều đã từ bỏ rồi. Vì vậy, người Pháp buộc phải rút đi. Họ chịu gánh đủ rồi thì phải rút ra. Chúng ta không khỏi cảm thấy rất nuối tiếc, nhưng dù gì vẫn phải rút đi. Năm 1863, Napoleon đệ tam tiến đánh Mexico, ông ta ủng hộ Maximilian I(3), nhưng vấp phải sự phản đối của các nước châu Mỹ, ông ta buộc phải rút lui. Giờ đây vấn đề Đông Dương không khác gì thời gian đó”.
Sulzberger hỏi De Gaulle liệu hội nghị Berlin khai mạc vào tuần tới sẽ đạt được kết quả gì? De Gaulle trả lời:
- Tôi cho rằng với tình hình hiện nay, phương Đông và phương Tây không thể đạt được sự hiểu biết và nhượng bộ thực sự nào. Tuy nhiên, tôi cảm thấy, ở mỗi một thời kỳ, hai bên đều có thể cùng tồn tại, đồng thời đẩy mạnh hợp tác thương mại. Dù là Mỹ hay Nga giờ đây đều không muốn đánh nhau. Vì vậy, chiến tranh lạnh không thể tiếp tục kéo dài. Chiến tranh lạnh tiêu tốn quá nhiều. Nó đã tạo gánh nặng cho cả ngân sách quốc gia, hoạt động của các doanh nghiệp lẫn cả về mặt tinh thần. Nếu mọi người không muốn bước từ chiến tranh lạnh sang chiến tranh Nóng, vậy thì chiến tranh lạnh sẽ không thể tiếp tục mãi được. Cho dù không thể ký kết được hiệp định nào, vẫn có thể có những biện pháp giải quyết tạm thời. Những biện pháp như vậy sẽ giúp tạo ra càng nhiều cơ hội giao lưu, như du lịch, du học, giao lưu thể thao và buôn bán hang hoá, đồng thời có thể duy trì trong một thời gian tương đối dài. Sau Hội nghị Berlin có thể tổ chức rất nhiều hội nghị khác. Một dạng làm dịu cục diện, một loại biện pháp giải quyết tạm thời đã được bắt đầu. Trước mắt, các nguy cơ chiến tranh ngày càng ít đi. Bước ngoặt mang tính quyết định của vấn đề Triều Tiên là cuộc tranh luận giữa Douglas McArthur với Harry S. Truman. Điều này cho thấy nước Mỹ không cần chiến tranh. Truman phản đối đề nghị tấn công Trung Quốc của McArthur, như vậy đã loại bỏ khả năng chiến tranh. Người Anh muốn buôn bán với người Nga. Người Pháp hy vọng có sự điều chỉnh ở Đông Dương”(4).
De Gaulle đưa ra kết luận của mình: “Đó không phải là nhượng bộ, đó là hoà bình của vũ trang”.
Mặc dù hội nghị Berlin đã đạt được nhất trí, nhưng thái độ của Trung Quốc có ý nghĩa rất quan trọng.
______________________
Chú thích:
1 Sir Anthony Eden, Full Circle London: Cassell & Co., Ltd., 1960, tr. 87-88.
2 John Prados, The Sky Would Fall: Operation Vulture: the US bombing mission in Indochina 1954, New York, 1983.
3 Quốc vương” mà Pháp áp đặt cho Mexico (chú thích của tác giả).
4 C. Sulzberger, Bốn mươi năm sóng gió bảy đại châu, Thiên Tân Nhân dân Xuất bản Xã (XBX), 1979, tr. 248-250.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #7 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 11:29:28 am »

Chương 4

Tính toán của phương Đông


Bên Tây Hồ ở Hàng Châu, Mao Trạch Đông “lên cao nhìn xa”. Nơi rừng sâu của Việt Nam, Hồ Chí Minh dốc sức suy xét. Phạm Văn Đồng vượt ngàn dặm lên phương Bắc, phối hợp xác định phương châm. Vi Quốc Thanh, La Quý Ba tính toán chuẩn bị, với quyết tâm nhất định thành công. Chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ quyết định vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Đàm phán Genève liệu sẽ đưa thần số phận đi đến đâu?
Bên Tây Hồ ở Hàng Châu, Mao Trạch Đông theo dõi kết quả hội nghị Berlin.
Ngày 24-12-1953, Mao Trạch Đông dẫn đầu nhóm soạn thảo Hiến pháp đến Hàng Châu. Người phụ trách chính của nhóm này là Trần Bá Đạt, Hồ Kiều Mộc và Điền Gia Anh. Từ thời điểm này đến ngày 17-3-1954, Mao Trạch Đông và nhóm soạn thảo Hiến pháp chủ yếu ở tại Hàng Châu.
Lưu Trang nguyên là biệt thự trang viên của Lưu Học Tuần - cử nhân cuối đời Thanh. Năm xưa, họ Lưu cho xây dựng trang viên này đã vận dụng nhiều điểm đặc sắc trong kiến trúc vườn cây vùng Quảng Đông, thể hiện không ít kỳ hoa dị thảo của vùng phương Nam. Mao Trạch Đông rất thích khu vườn của Lưu Trang cũng như phong cảnh ở xung quanh. Đến đây, ngoài công việc hàng ngày, Mao Trạch Đông thường tản bộ khắp nơi, hầu như đặt chân đến hết các địa điểm ở xung quanh.
Đứng trên cao có thể bao quát được xa, kết quả hội nghị Berlin vô cùng quan trọng. Mao Trạch Đông luôn giữ liên hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, liên tục nắm bắt tiến triển của mọi động thái.
Sau khi hội nghị Berlin ra thông cáo, Liên Xô gấp rút thông báo tình hình hội nghị cho phía Trung Quốc, chủ trương để Trung Quốc không những tham gia hội nghị Genève, mà còn có thể phát huy được tác dụng tích cực tại hội nghị.
Ngay khi còn ở Berlin, Molotov đã truyền đạt ý kiến của phía Trung Quốc cho Dulles: Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực giải quyết hoà bình vấn đề Đông Dương, song vai trò của phía Trung Quốc cũng chỉ có hạn, bởi lẽ chiến tranh Đông Dương đã diễn ra một thời gian dài trước khi nước Trung Hoa mới được thành lập.
Giữa Hàng Châu và Bắc Kinh liên tục có các cuộc trao đổi “đường dây nóng” giữa Mao Trạch Đông với Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai, để kịp thời hội ý. Họ đồng ý với quan điểm của Liên Xô, cho rằng Trung Quốc tham gia hội nghị Genève sẽ rất có lợi. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ sau khi thành lập nước Trung Hoa mới, đặc biệt là sau khi xảy ra chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc tham gia một hội nghị lớn được cả thế giới quan tâm theo dõi, như vậy sẽ rất có lợi trong việc đề cao địa vị quốc tế của Trung Quốc. Nếu đàm phán tiến triển tốt, có thể giải quyết một số vấn đề quốc tế, còn nếu không thành công cũng có thể tuyên truyền chủ trương của Trung Quốc trên chính trường quốc tế.
Mao Trạch Đông uỷ nhiệm Chu Ân Lai nghiên cứu về hội nghị Genève và đề xuất ý kiến. Trên thực tế, khi vừa nhận được thông báo của Liên Xô về hội nghị Genève, Chu Ân Lai đã nghiêng theo hướng tham gia hội nghị.
Ngày 27-2-1954, Chu Ân Lại gặp đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, phát biểu quan điểm về hội nghị Genève. Chu Ân Lai nói, hội nghị Berlin do bốn nước lớn tổ chức chưa thể coi là hoàn toàn như ý, vì các bên chưa đạt được thoả thuận về vấn đề quan trọng của châu Âu. Nhưng hội nghị Berlin cũng có một chút “thu hoạch”, đó là quyết định tổ chức hội nghị Genève, lấy các vấn đề cụ thể ở Viễn Đông để giải quyết các vấn đề cấp bách của quốc tế, nhất là vấn đề hoà bình của Viễn Đông. Ngoài ra, nguyên tắc dùng phương pháp thương lượng để giải quyết các tranh chấp quốc tế cũng được đẩy mạnh một bước. Khôi phục hoà bình cho Việt Nam mấu chốt nằm ở Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ liên tục gia tăng can thiệp quân sự với Việt Nam, điều này không có lợi cho hoà bình.
Cùng ngày, Chu Ân Lai triệu tập một cuộc họp thảo luận công tác chuẩn bị cho hội nghị Genève. Tại cuộc họp, Chu Ân Lai đưa ra chỉ thị hai điểm:
1. Hội nghị Genève có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp làm giảm căng thẳng trong cục diện quốc tế, Trung Quốc cần tích cực tham gia.
2. Vì chính phủ Mỹ sẽ tìm mọi cách gây trở ngại, nên khả năng giải quyết hoà bình vấn đề Triều Tiên dự kiến sẽ khó đạt được tiến bộ lớn, song chung ta sẽ vẫn nỗ lực đấu tranh giải quyết một số vấn đề.
Hạ tuần tháng 2, Chu Ân Lai chấp bút thảo phương án chuẩn bị tham gia hội nghị Genève. Ngày 2-1-1954, tại hội nghị Ban Bí thư trung ương, Chu Ân Lai đã trình bày “Ý kiến sơ bộ về những đánh giá đối với hội nghị Genève và công tác chuẩn bị” (sau đây gọi tắt là “Ý kiến sơ bộ”). Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Trần Vân đã tham gia cuộc họp này.
“Ý kiến sơ bộ” cho rằng: “Việc đạt được nhất trí tổ chức hội nghị Genève là một thành công rất lớn của đoàn đại biểu Liên Xô tại hội nghị ngoại trưởng ở Berlin. Chỉ riêng việc CHND Trung Hoa tham dự hội nghị cũng đã giúp một bước cho việc làm giảm căng thẳng cục diện quốc tế”.
“Ý kiến sơ bộ” đề xuất: “Các tập đoàn đế quốc chủ nghĩa, nhất là Chính phủ Mỹ, cố tình hạ thấp ý nghĩa tác dụng của hội nghị Genève, và dự báo rằng hội nghị Genève cũng sẽ giống như hội nghị Berlin khi thảo luận vấn đề Đức và Áo, sẽ không đạt được bất cứ kết quả gì. Tuy nhiên, quan điểm của ba nước Mỹ, Anh và Pháp trong vấn đề Triều Tiên cũng như nhiều vấn đề quốc tế khác chưa phải đã hoàn toàn thống nhất, mà có nhiều mâu thuẫn lớn. Những khó khăn nội bộ của họ cũng rất lớn”.
Chu Ân Lai cho rằng: “Chúng ta nên có phương châm tích cực tham gia hội nghị Genève, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao quốc tế, phá vỡ sự phong toả cấm vận cũng như chính sách huy động quân đội chuẩn bị chiến tranh của đế quốc Mỹ, nhằm thúc đẩy làm giảm căng thẳng trong cục diện quốc tế”. Kết luận của Chu Ân Lai là:
Tại hội nghị Genève, cho dù Mỹ có cố gắng tìm mọi cách cản trở việc đạt được một hiệp định có lợi cho sự nghiệp hoà bình, chúng ta vẫn sẽ nỗ lực hết sức để đạt được sự nhất trí và một thoả thuận nào đó nhằm giải quyết vấn đề, thậm chí là một thoả thuận tạm thời hoặc thoả thuận riêng biệt, nhằm tạo thuận lợi cho việc mở ra con đường hiệp thương giữa các nước lớn để giải quyết các tranh chấp quốc tế(1).
“Ý kiến sơ bộ” còn nêu rõ đoàn đại biểu Trung Quốc tham gia hội nghị Genève gồm có Chu Ân Lai, Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, Lý Khắc Nông và một vị Thứ trưởng Bộ Thương mại. Lý Khắc Nông, Chương Hán Phu và Lý Sơ Lê phụ trách công tác chuẩn bị cụ thể.
Hội nghị Ban Bí thư Trung ương nhất trí với “Ý kiến sơ bộ” của Chu Ân Lai, quyết định ngay ngày hôm sau sẽ lấy danh nghĩa Chính phủ Trung Quốc gửi điện cho Chính phủ Liên Xô, thông báo Trung Quốc nhận lời mời do Liên Xô gửi theo tinh thần của hội nghị Berlin, “đồng ý cử đại biểu toàn quyền tham dự hội nghị Genève”.
Ngày diễn ra cuộc họp (2 tháng 3), Trung ương ĐCS Trung Quốc cũng gửi điện cho trung ương Đảng Lao động Việt Nam, thông báo rằng Trung Quốc và Liên Xô đều nhận định việc tổ chức hội nghị Genève sẽ có lợi cho Việt Nam, hy vọng Đảng Lao động Việt Nam tổ chức đoàn ba nước Đông Dương tham gia hội nghị và chuẩn bị tài liệu, tập trung nỗ lực lên các phương án đàm phán.
Bức điện do Chu Ân Lai soạn có viết:
Đối với cục diện quốc tế cũng như tình hình quân sự Việt Nam hiện nay, tiến hành đấu tranh ngoại giao sẽ có lợi cho Việt Nam, bất luận hội nghị Genève có kết quả thế nào, chúng ta đều nên tích cực tham gia…Vì vậy, hy vọng các đồng chí nên nhanh chóng tiến hành công tác chuẩn bị; lập đoàn đại biểu tham gia, thu thập các tài liệu liên quan, lên các phương án đàm phán khác nhau…Nếu muốn đình chiến, tốt nhất nên có một giới tuyến tương đối cố định, có thể bảo đảm được một khu vực tương đối hoàn chỉnh. Trên thực tế, giới tuyến đình chiến hôm nay có thể trở thành ranh giới chia cắt trong ngày mai, vì vậy đây là một vấn đề tương đối quan trọng, hơn nữa cũng cần cân nhắc hướng phát triển sau này. Việc xác định giới tuyến tại đâu, tại vĩ độ bao nhiêu cần phải xem xét từ hai vấn đề: thứ nhất là phải có lợi cho Việt Nam, thứ hai là xem kẻ thù có thể chấp nhận hay không. Đường giới tuyến này càng xuống phía Nam càng tốt. Có thể tham khảo vĩ tuyến 16 độ Bắc(2).
Qua đó có thể thấy Chu Ân Lai là người đầu tiên đề xuất việc lấy mô hình Triều Tiên để đưa ra phương án phân chia Việt Nam. Dự án này với kết quả thực tế sau này rất sát nhau.
Trong bức điện, Chu Ân Lai mời Hồ Chí Minh đến Bắc Kinh vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4-1954 để bàn bạc cụ thể về hội nghị Genève. Ngày 6 và 10 tháng 3, Chu Ân Lai hai lần hội kiến tướng Triều Tiên Nam Il tại Bắc Kinh, thảo luận các vấn đề của hội nghị Genève.
Chu Ân Lai đã gửi điện báo cáo với Mao Trạch Đông, đang ở Hàng Châu, về phương châm tổng thể đã được xác định là Trung Quốc sẽ tham gia hội nghị Genève, lập tức được Mao Trạch Đông phê chuẩn. Ngay trước đó một ngày, Mao Trạch Đông đích thân gửi điện sang Triều Tiên, chỉ thị: “Để chuẩn bị tham gia hội nghị Genève, đồng ý với ý kiến của đồng chí Lý Khắc Nông, để các đồng chí Kiều Quán Hoa và Hoàng Hoa lập tức trở về Bắc Kinh tham gia công tác chuẩn bị cho hội nghị. Các đồng chí này khi qua Bình Nhưỡng cần báo cáo công tác với thủ tướng Triều Tiên Kim (Nhật Thành) và thỉnh thị ý kiến”(3).
Tâm lý của Mao Trạch Đông tương đối thoải mái, ngày đó rỗi rãi, ông lấy bút viết thư gửi Bí thư Điền Gia Anh, giao Điền một số công việc:
Đồng chí Gia Anh
Thư của Dương tiên sinh(4) nhờ anh sao chuyển cho Dương Khai Trí tiên sinh ở Trường Sa (Anh của Dương Khai Tuệ), hỏi xem nội dung thư có đúng sự thật không, tôi hoàn toàn không nhớ gì nữa.
Năm nay gửi cho họ Dương 12 triệu đồng tiến trợ cấp. Trợ cấp 6 tháng đầu năm 6 triệu đồng xin gửi trước, nhờ anh làm giúp.
Nữ sĩ Lý Thục Nhất là người nhà của đồng chí Liễu Trực Tuần (liệt sĩ) ở Trường Sa, làm nghề dạy học, rất vất vả nên khó có thể tiếp tục. Có người nhờ tôi giới thiệu nữ sĩ đến làm nhân viên Viện văn học-lịch sử, nhưng ở đó chọn người rất khắt khe, tôi đã giới thiệu mấy người rồi đều không được nhận nên không tiện giới thiệu nữa. Tôi muốn giúp nữ sĩ một chút tiền từ tiền nhuận bút của tôi, không biết nữ sĩ có nhận sự giúp đỡ này không. Nữ sĩ là bạn thân của Dương Khai Tuệ, việc giúp đỡ cũng là đúng lẽ. Nhờ anh nói Dương Khai Trí hỏi nữ sĩ giúp xem ý thế nào(5).
Mao Trạch Đông
Ngày 2 tháng 3
Khi Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai quyết tâm tham gia hội nghị Genève, cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp của Việt Nam đang diễn ra hết sức ác liệt. Quân đội nhân dân Việt Nam với binh lực bốn sư đoàn bộ binh, một sư pháo-công binh, tổng cộng hơn bốn vạn quân đang bao vây hơn một vạn quân Pháp ở Điện Biên Phủ, chuẩn bị tổng tấn công. Khói lửa ác liệt ở Điện Biên Phủ đang là tâm điểm chú ý của thế giới. Chu Ân Lai biết rất rõ nắm được ưu thế trên chiến trường sẽ có ý nghĩa như thế nào tại bàn đàm phán sắp bắt đầu. Ông ra lệnh Bộ tổng tham mưu chỉ thị trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại tiền tuyến Điện Biên Phủ Vi Quốc Thanh và Mai Gia Sinh phải làm sao để Việt Nam đánh tốt vài trận, phối hợp với bàn đàm phán ở Genève.
Ngày 3-3-1954, Ban tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân giải phóng gửi điện cho Vi Quốc Thanh, chuyển chỉ thị của Chu Ân Lai:
Hội nghị Genève sẽ thảo luận vấn đề Việt Nam. Chu Ân Lai chỉ thị: để giành thế chủ động về ngoại giao, trước hội nghị Genève, Việt Nam tổ chức vài trận đánh thắng lợi. Vì vậy, các đồng chí nghiên cứu xem, trong thời điểm hiện nay, liệu có khả năng chắc chắn đánh bại quân địch ở Điện Biên Phủ? Hoặc theo điện chỉ thị của Quân uỷ Trung ương ngày 9-2, triệt để tiêu diệt quân địch tại khu vực giữa sông Nậm Ô (Rốn?) và sông Hồng, giải phóng khu vực đó, khai thông liên lạc giữa nước ta với Lào; Đồng thời tại Trung - Hạ Lào hoặc khu vực Liên khu Năm phát động tấn công phối hợp. Xin cho ý kiến để chúng tôi tiện xem xét và báo cáo Quân uỷ Trung ương.
Về việc tổ chức đoàn đại biểu tham dự hội nghị Genève, Đảng Lao động Việt Nam do Hồ Chí Minh đứng đầu có thái độ rất tích cực. Sau khi nhận được điện báo của Trung ương ĐCS Trung Quốc, ngày 5 tháng 3, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị Bộ chính trị lâm thời, thảo luận sơ bộ vấn đề tham gia hội nghị Genève cũng như đề nghị của phía Trung Quốc. Trong quá trình thảo luận, vấn đề khó khăn nhất là việc xác định giới tuyến đình chiến, hội nghị không đạt được nhất trí trong vấn đề này.
Dưới sự chủ trì của Phạm Văn Đồng, đoàn đại biểu Việt Nam xác định một số phương án.
1. Thứ nhất là “đình chiến tại chỗ”. Phương án này xem ra đơn giản rõ ràng rồi, hơn nữa phía Việt Nam có thể kiểm soát hơn 3-5 diện tích lãnh thổ. Song như vậy sẽ dẫn đến tranh cãi gay gắt giữa hai bên Pháp - Việt. Xem xét sâu sắc hơn, nếu như vậy, những khu vực do Việt Nam kiểm soát sẽ không có nhiều thành phố lớn, không có đồng bằng lớn, không có hải cảng và cũng không có các cơ sở công nghiệp tương đối hoàn chỉnh. Để bù đắp những bất lợi này, biện pháp duy nhất chỉ có thể là yêu cầu Pháp đồng ý tiến hành tổng tuyển cử ngay một thời gian không lâu sau đó. Phía Việt Nam đã từng thắng lợi trong một cuộc tổng tuyển cử trước đó. Với uy tín của Hồ Chủ tịch trong dân chúng Việt Nam, nhiều khả năng sẽ nắm chắc phần thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo. Tuy nhiên, làm như vậy cũng có những nhân tố không thể dự đoán trước được, đó là dân số khu vực do đối phương quản lý tương đối nhiều, rất sợ xảy ra biến cố, và nhất là lo ngại nảy sinh những phức tạp do can thiệp của nước ngoài.
2. Phương án thứ hai là dùng phương thức giới tuyến Nam - Bắc tương tự trong đình chiến ở Triều Tiên. Như vậy sẽ dẫn đến cục diện Nam Bắc đối đầu, và điểm khó khăn nữa là sẽ xác định giới tuyến ở đâu. Phía Việt Nam muốn lấy vĩ tuyến 15 độ Bắc làm giới tuyến, quân đội hai bên tập kết hoàn toàn ở hai bờ giới tuyến này, sau đó tiến tới đấu tranh thống nhất đất nước. Vấn đề là nếu lấy vĩ tuyến 15 làm giới tuyến, 2/3 lãnh thổ Việt Nam sẽ do Việt Minh kiểm soát, đối thủ liệu có nhượng bộ hay không?
Sau khi nghe Phạm Văn Đồng báo cáo, Hồ Chí Minh vẫn thấy khó đưa ra quyết định. Ông yêu cầu Phạm Văn Đồng chủ trì một cuộc họp nữa để tiếp tục nghiên cứu, đồng thời nghe ý kiến của cố vấn Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Chính phủ Việt Nam sẽ tham gia hội nghị Genève đã được hoàn toàn xác định.
______________________
Chú thích:
1 Kim Xung Cập (chủ biên), Truyện Chu Ân Lai, Trung ương Văn hiến XBX, 1998, tr. 154-155.
2 Cuộc đời thủ tướng Chu Ân Lai, Nhân dân XBX, 1997, tr. 74-75.
3 Trích “Điện báo cử Kiều Quán Hoa, Hoàng Hoa về Bắc Kinh tham gia công tác chuẩn bị hội nghị Genève”, “Các văn kiện của Mao Trạch Đông kể từ khi lập quốc” - Trung ương Văn hiến XBX, 1990.
4 Dương Tú Sinh, người Trường Sa - Hồ Nam, là anh họ Dương Khai Tuệ, vợ trước của Mao Trạch Đông, (Tác giả).
1 Tuyển tập các bức thư của Mao Trạch Đông, Nhân dân XBX, 1983.


Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #8 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 11:31:12 am »

Ngày 6-3-1954, Phó trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam Kiều Hiểu Quang gửi điện về trung ương, báo cáo những vấn đề sắp xếp của cuộc họp Bộ chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đối với hội nghị Genève. Nội dung bức điện như sau:
Kính gửi Trung ương:
Ngày 5 tháng 3, Bộ chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tiến hành hội nghị lâm thời, sơ bộ thảo luận “Ý kiến sơ bộ về việc tham gia hội nghị Genève” của Trung ương ĐCS Trung Quốc. Họ đã thảo luận từng vấn đề trong bức điện, đồng thời tiến hành chuẩn bị. Về việc tổ chức phái đoàn Việt Nam, ý kiến sơ bộ sẽ gồm Phạm Văn Đồng, một đại sứ hoặc tại Trung Quốc hoặc tại Liên xô, Uỷ viên quốc phòng Tạ Quang Bửu, phía Lào dự kiến chọn một bộ trưởng hoặc 2 thứ trưởng, Campuchia cũng sẽ xem xét cử 1-2 người, đồng thời gửi điện trưng cầu ý kiến của họ và chuẩn bị tài liệu. Vấn đề tuyên truyền đối nội, đối ngoại cũng phân công người phụ trách. Đối với hiệp định ngày 6 và ngày 14-9-1946, quyết định nghiên cứu lại và giao cho Phạm Văn Đồng phụ trách. Về quan hệ với Pháp, vấn đề Pháp rút quân, vấn đề bầu cử tự do đều nhận định rằng khó khăn không lớn. Khó khăn duy nhất và lớn nhất là xác định giới tuyến đình chiến, không biết quyết định ra sao. Có người đề xuất khôi phục vị trí trước cuộc chiến, nhưng sau khi xem xét nhận thấy không thể đề xuất như vậy, vì như vậy thì các vùng Lạng Sơn, Nam Định, Hà Nội và Sơn La đều thuộc về quân địch, mặc dù khu vực Trung Nam bộ có rộng hơn, nhưng cũng không hợp lý. Họ cho rằng đây là vấn đế lớn nhất, khó nhất trong đàm phán. Lần thảo luận này chưa có kết luận gì (quyết định để bộ phận quân sự đưa ra phương án rồi nghiên cứu tiếp).
Trong phát biểu của mỗi đồng chí trong hội nghị này, đa số đều bám theo tinh thần của bức điện do ĐCS Trung Quốc gửi tới nhấn mạnh trước mắt cần dồn trọng tâm vào việc chỉ đạo chiến tranh và hoàn thành cải cách ruộng đất.
Nhiều vấn đề còn cần tiếp tục nghiên cứu nhiều lần. Hồ Chí Minh chỉ thị triệu tập một kỳ họp Quốc hội vào trung tuần tháng 3, dự định cuối tháng 3-1954 đi Bắc Kinh.
Ngày 13-3-1954, đúng vào ngày quân đội Việt Nam phát lệnh tấn công Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam một lần nữa tiến hành hội nghị thảo luận vấn đề tham gia hội nghị Genève. Phạm Văn Đồng phát biểu đầu tiên và đưa ra ba phương án đối với vấn đề đình chiến:
1. Ngừng chiến, Pháp rút quân về vị trí trước chiến tranh;
2. Đình chiến trước, sau đó tiến hành một số điều chỉnh đối với hiện trạng quân sự;
3. Đình chiến trước, sau đó phân định giới tuyến, mỗi bên rút về khu vực mình kiểm soát.
Đối với ba phương án trên, trong số các uỷ viên Bộ chính trị, chỉ có Nguyễn Chí Thanh tỏ rõ thái độ. Ông tán thành phương án ba, đồng thời cho rằng đường ranh giới tạm thời càng lùi xuống phía Nam càng tốt. Hồ Chí Minh cũng dường như nghiêng về phương án phân chia Nam - Bắc. Nhưng đại đa số nghiêng về phương án một và hai, chủ yếu là vì không muốn từ bỏ căn cứ ở miền Trung và miền Nam.
Tổng kết kết quả hội nghị, Hồ Chí Minh nói vấn đề đình chiến rất phức tạp, chúng ta chiến đấu từng ấy năm, đã học được việc đánh địch, nhưng chưa học được việc ngừng đánh. Đối với vấn đề đình chiến ra sao, cần phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia cố vấn Trung Quốc.
Ngày 21-3-1954, Bộ chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam một lần nữa tiến hành hội nghị thảo luận vấn đề hội nghị Genève, Kiều Hiểu Quang đã tham dự.
Hội nghị lần này đã xác định phương châm tổng quát của phái đoàn Việt Nam là: phải thực hiện độc lập, thống nhất và hoà bình cho Việt Nam. Do đó, quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đông Dương. Từ thực tiễn xác định các điểm quan trọng của phương châm là: đình chiến, rút quân và tổng tuyển cử. Nếu tiến hành tổng tuyển cử, các uỷ viên Bộ Chính trị cho rằng khả năng giành thắng lợi là rất lớn. Nếu đối phương không chấp nhận tuyển cử và rút quân, thì giới tuyến đình chiến phân định càng về phía Nam các có lợi. Cụ thể, giới tuyến sẽ được xác định tại đâu sẽ dự theo tiến triển của tình hình để quyết định.
Trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh chỉ định Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng đảm nhiệm chức Trưởng đoàn Việt Nam tham dự hội nghị Genève.
Phạm Văn Đồng là một nhà cách mạng rất lão luyện. Sinh năm 1906, khi còn đi học, sự kiện chính quyền thực dân Pháp bức hại hai nhà trí thức yêu nước Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu đã gây ảnh hưởng rất sâu sắc đối với ông. Năm 1925, Phạm Văn Đồng lúc đó 19 tuổi đã tham gia phong trào bãi khoá của học sinh. Năm sau, ông liên lạc với được với tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo, và đến Quảng Châu học tập một thời gian ngắn. Đầu năm 1927 ông trở về Sài Gòn dạy học, đồng thời phát động thành lập hội liên hiệp học sinh sinh viên Sài Gòn. Đầu năm 1929, Phạm Văn Đồng được bầu làm uỷ viên Thanh niên cách mạng đồng chí hội phân hội Nam Kỳ, tháng 5 cùng năm đó, được bầu làm uỷ viên tổng hội toàn quốc. Song chỉ hai tháng sau ông bị bắt, bị giam tại Côn Đảo, đến tận năm 1936 mới được thả.
Năm 1940, Phạm Văn Đồng cùng Võ Nguyên Giáp bí mật sang Trung Quốc, trực tiếp chịu sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Tháng 5 năm 1940, theo sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng trở về Cao Bằng tổ chức thành lập Việt Nam Đồng minh hội. Sau Cách mạng tháng Tám, Phạm Văn Đồng giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ lâm thời. Tháng 5 năm 1946, ông tham gia đoàn đại biểu Việt Nam sang Pháp. Tháng 6, ông đảm nhiệm chức Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam đàm phán với Chính phủ Pháp.
Tháng 12 năm 1946 cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam bùng nổ, Phạm Văn Đồng làm đặc phái viên Trung ương ĐCS Đông Dương tại Trung bộ Việt Nam. Ngày 8-8-1948, ông được cử làm Phó thủ tướng Chính phủ. Tháng 2-1951, tại đại hội thành lập Đảng Lao động Việt Nam, Phạm Văn Đồng được bầu làm uỷ viên ban chấp hành trung ương. Trong cuộc đấu tranh vũ trang lâu dài, Phạm Văn Đồng dần dần trở thành một trong những lãnh đạo chủ chốt của đảng, mọi ý kiến của ông đều rất được Hồ Chí Minh coi trọng. Lần này, Hồ Chí Minh muốn Phạm Văn Đồng đến Bắc Kinh trước, hỏi ý kiến trung ương ĐCS Trung Quốc.
Phạm Văn Đồng gánh vác trọng trách, trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc La Quý Ba cũng hỗ trợ ông tiến hành các công tác chuẩn bị. Thời đó, quan hệ giữa Phạm Văn Đồng và La Quý Ba vô cùng mật thiết. Khi thành lập phái đoàn Việt Nam, Phạm Văn Đồng nói với La Quý Ba: “Đồng chí Quý này, trong phái đoàn Việt Nam chúng tôi còn có một đồng chí Trung Quốc”.
La Quý Ba rất ngạc nhiên hỏi “Là ai vậy?”
Phạm Văn Đồng cho biết ông đã lựa chọn được từ lâu nhân vật này rồi. Ông nói muốn nhờ phiên dịch viên tiếng Việt của La Quý Ba là Văn Trang tham gia công tác của phái đoàn Việt Nam. Nghe thấy vậy, La Quý Ba trầm ngâm.
Trong đoàn cố vấn Trung Quốc, tài năng ngôn ngữ của Văn Trang đã được công nhận rõ ràng. Anh tên thật là Thư Thủ Huấn, sinh năm 1922, người Nga Khánh, Vân Nam, từ rất trẻ đã tham gia phong trào học sinh tiến bộ. Khi còn học tại Đại học Vân Nam, tháng 7 năm 1946, anh đã được kết nạp đảng, sau đó được bầu làm Chủ tịch Hội sinh viên Vân Nam, là một trong ba lãnh đạo của liên hội sinh viên Côn Minh thời bấy giờ. Tốt nghiệp, lo ngại nhân thân anh có thể đã bị lộ, tổ chức ĐCS Trung Quốc điều anh sang Việt Nam, xem xét tình hình thực tế để có thể tổ chức lực lượng vũ trang tại khu vực biên giới Trung - Việt.
Mùa Thu năm 1947, Văn Trang và vợ mới cưới là Diệp Tinh (tên thật là Dương Nguyệt Tinh) rời Côn Minh, đi bộ ba tháng ròng đến tỉnh Lào Cai của Việt Nam. Trong thời gian chờ đợi phân công nhiệm vụ, Văn Trang vốn đã thạo tiếng Anh và tiếng Pháp bắt đầu học tiếng Việt. Bản thân anh cũng không ngờ chỉ trong vòng ba tháng, tiếng Việt của anh đã tiến bộ rõ rệt, khiến anh có niềm tin vững chắc sẽ nhuần nhuyễn thêm một ngoại ngữ mới.
Do tình hình khu vực biên giới phức tạp, được sự giúp đỡ của ĐCS Đông Dương, Văn Trang và Diệp Tinh đã tiến về phía Nam đến tỉnh Phú Thọ. Tại đó, Văn Trang gặp Chủ nhiệm uỷ ban Hoa Kiều Việt Nam Lý Ban, và được mời tham gia công tác trong uỷ ban Hoa Kiều do Lý Ban lãnh đạo. Mùa Xuân 1948, được Lý Ban sắp xếp, Hồ Chí Minh đã gặp Văn Trang, hỏi han tình hình học tiếng Việt của anh. Lúc gặp mặt, Hồ Chí Minh chủ động bắt tay Văn Trang, thái độ hoà nhã hỏi: “Người anh em, đã biết nói tiếng Việt chưa?”
“Có biết đôi chút”.
“Vậy thì tốt, hoan nghênh anh đến Việt Nam công tác. Làm việc tại Việt Nam thì phải biết tiếng Việt” - Hồ Chí Minh nghiêm túc nói “Cần tiếp tục củng cố tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, cùng đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Anh mới đến Việt Nam chưa lâu, cần chú ý tìm hiểu tình hình, đồng thời cũng cần nỗ lực học tiếng Việt. Anh học rất nhanh, nhưng chưa chuẩn lắm, vẫn cần cố gắng nhiều hơn”.
Được sự động viên của Hồ Chí Minh, Văn Trang càng tự giác học tiếng Việt, tiến bộ rất nhanh. Đầu năm 1950, La Quý Ba đến Việt Nam, Văn Trang lập tức trở thành phiên dịch viên chính của ông.
Đứng trước hội nghị Genève muôn vàn khó khăn như vậy, Phạm Văn Đồng và La Quý Ba đều biết rằng công tác phiên dịch Việt - Trung vô cùng quan trọng. La Quý Ba đồng ý với yêu cầu của Phạm Văn Đồng, gọi Văn Trang đến thông báo: “Hiện các đồng chí Việt Nam muốn cậu cùng họ đi Genève, chủ yếu phối hợp với công việc của Phạm Văn Đồng. Tôi đã đồng ý rồi, cậu chuẩn bị đi, đến lúc đó chúng tôi sẽ đến đón cậu”.
Văn Trang vô cùng ngạc nhiên. Vốn dĩ, khi quân đội Việt Nam phát lệnh tấn công Điện Biên Phủ, anh rất muốn có cơ hội đến nơi tiền tuyến Điện Biên Phủ, đích thân tham gia chiến đầu. Bây giờ lại điều anh đến tận châu Âu cách xa hẳn chiến trường.
Nhưng ngạc nhiên chỉ trong chốc lát, Văn Trang lập tức tiếp nhận nhiệm vụ. Tận 40 năm sau, vị giáo sư Văn Trang thông thạo tiếng Việt vẫn nói với tác giả cuốn sách này: “Nghĩ lại việc được cùng phái đoàn Việt Nam tham gia hội nghị Genève - thật như là nằm mơ”(1).
Sau khi Hồ Chí Minh phê chuẩn, phái đoàn Việt Nam tham gia hội nghị Genève đã được thành lập. Phó thủ tướng phụ trách công tác tài chính kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng được cử làm trưởng đoàn, các thành viên chủ chốt trong đoàn còn có: Bộ trưởng Thương nghiệp Phan Anh, Thứ trưởng bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng bộ Tư pháp Trần Công Tường, đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Hoàng Văn Hoan.
Các nhân viên phái đoàn Việt Nam đã hết sức khẩn trương chuẩn bị cho hội nghị Genève đang đến gần. Văn Trang cũng là một trong số đó, đọc tài liệu, dịch những tài liệu chỉ định. Phía Việt Nam chuẩn bị cho anh một cuốn hộ chiếu Việt Nam, trong đó sử dụng tên tiếng Việt anh dùng tạm thời lúc đó là Võ Nam. Văn Trang trở thành một người Trung Quốc trong phái đoàn Việt Nam tham gia hội nghị Genève. Không có điều gì có thể thể hiện rõ hơn mức độ thân mật trong quan hệ Trung - Việt.
Giữa tháng 3, nắng vàng rải khắp vùng rừng núi miền Bắc Việt Nam. Trong rừng sâu, bên ngôi nhà nhỏ, Hồ Chí Minh, 64 tuổi, trong bộ quần áo vải trông rất phấn khởi. Sự vui vẻ của ông đã truyền sang tất cả mọi người ở căn cứ địa. Trước đó không lâu, những phát biểu của Hồ Chí Minh trong cuộc trả lời tờ Tin nhanh của Thuỵ Điển đã gây ảnh hưởng rất tốt trên quốc tế, giúp Việt Nam giành được quyền chủ động về ngoại giao. Những tin tức từ Điện Biên Phủ truyền về càng khiến Hồ Chí Minh lộ rõ niềm vui. Vài ngày nữa, ông sẽ đi Bắc Kinh, cùng thảo luận với các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc vấn đề hội nghị Genève, ngoài ra cũng bàn bạc những ảnh hưởng đối với toàn bộ cục diện Đông Dương sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ năm 1950, hầu như cứ gặp thời điểm quan trọng mang tính thay đổi đại cục, Hồ Chí Minh đều đi Bắc Kinh, cùng với ĐCS Trung Quốc hội ý đối sách. Và lần này, ông đi mà trong lòng càng yên tâm hơn.
Trước khi xuất phát, Hồ Chí Minh đã gặp phóng viên nổi tiếng Australia W. Burchett vừa từ Bắc Kinh tới. Về cuộc gặp này, Burchett đã có đoạn ghi chép hết sức sinh động:
Tiếng máy ầm ầm của một chiếc máy bay rền vang đâu đó trên cao, nó không có cơ hội nhìn thấy ngôi làng nhỏ gồm hơn mười gian nhà dựng bằng tre nứa và lợp lá cọ này. Cây cối trong làng đã bị chặt không ít, nhưng những tán cây cổ thụ cao lớn cùng nhiều cây khác trong rừng vẫn đan xen kết chặt với nhau đủ tạo thành lớp màn che phủ dầy đặc, tựa như tấm lưới tự nhiên bảo vệ ngôi làng nhỏ trong rừng. Một chiếc máy có thể lượn qua lượn lại trên bầu trời xanh cách lớp tán cây vài mét trong vòng cả giờ cũng không thể phát hiện được những vật ở bên dưới mặt đất.
Hồ Chí Minh đặt trên cái bàn tre nhỏ giữa ông với Burchett một cái mũ cũng được đan bằng nan tre. Đó là mũ Hồ Chí Minh hay đội khi đi gặp bộ đội hoặc nông dân.
Burchett hỏi “Tại sao truyền hình Pháp ra rả suốt về Điện Biện Phủ vậy, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?”
“Đây chính là Điện Biên Phủ” - Hồ Chí Minh không nhanh cũng không chậm trả lời bằng tiếng Anh, vừa nói vừa lật chiếc mũ trên bàn. “Ở đây đều là các mỏm núi” - vừa nói vừa dùng ngón tay gầy guộc đưa theo vành mũ minh hoạ nói “và cũng là nơi chúng tôi đang đóng quân”.
Nói tới đây, Hồ Chí Minh chỉ vào trong lòng mũ. “Phía dưới là thung lũng Điện Biên Phủ, người Pháp ở đó, họ không thể ra được. Có thể sẽ cần một thời gian tương đối dài, nhưng họ sẽ không thể ra được”. Đó chính là niềm tin của Hồ Chí Minh. Từ ngày 20-11-1953 khi quân Pháp đổ bộ xuống Điện Biên Phủ, quân đội Việt Nam đã chớp ngay lấy cơ hội ngàn vàng đó, điều động tất các các sư đoàn cơ động chiến lược lập tức Tây tiến, bao vây hơn một vạn quân Pháp trong vòng 4 tháng, đồng thời vận chuyển trọng pháo do Trung Quốc viện trợ lên Điện Biên Phủ. Ngoài ra, được Trung Quốc trang bị, hai tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly cũng đã được đưa đến Điện Biên Phủ. Như vậy, lính Pháp có lắp cánh cũng không thể bay thoát.
Ngày 23-3-1954, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng dẫn theo hai tuỳ tùng đến Bằng Tường, Quảng Tây, sau đó lên xe lửa đi Bắc Kinh.
______________________
Chú thích:
1 Tác giả phỏng vấn Văn Trang tại Bắc Kinh tháng 2-1990; tham khảo phát biểu của Văn Trang được Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Vân Nam biên tập xuất bản “Vấn đề quốc tế’ (1991) và “Bên cạnh Hồ Chí Minh” (1992).
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #9 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 11:39:12 am »

Chương 5

Dốc sức lên kế hoạch


Trạm công tác của bộ Ngoại giao Trung Quốc được thiết lập ở châu Âu trước đó nay phải chuyển đến Genève. Chu Ân Lai, Hồ Chí Minh bay đi bay lại Moskva để cùng bàn bạc nghiên cứu kỹ các phương án tại hội nghị Genève. La Quý Ba lưu lại Việt Bắc, giúp Hồ Chí Minh vạch kế hoạch. Trận chiến Điện Biên Phủ đang ác liệt, Bành Đức Hoài ý chí như gang thép, vững chắc như núi Thái Sơn.
Đầu tháng 3 năm 1951, Bộ Ngoại giao phái người đầu tiên đi Genève - Bí thư thứ nhất Vụ báo chí Bộ Ngoại giao Tôn Phương. Ông đã công tác 3 năm ở Đông Âu, nhiệm vụ là thu thập tổng hợp tình hình các nước châu Âu. Ở vào thời kỳ đầu của nước CHND Trung Hoa, sứ mệnh của Tôn Phương là hết sức đặc biệt.
Tôn Phương cho rằng sứ mệnh đầu tiên của ông ở nước ngoài có quan hệ với Kiều Quán Hoa. Không lâu sau khi thành lập nước, người phụ trách Vụ báo chí quốc tế Bộ Ngoại giao Kiều Quán Hoa hỏi Chu Ân Lai: “Hiểu biết của chúng ta về thế giới bên ngoài còn quá ít, quá cũ”. Chu Ân Lai đồng ý với suy nghĩ của Kiều Quán Hoa, quyết định để Bộ Ngoại giao cử người chuyên phụ trách công việc này. Vì vậy, Tôn Phương nhận lệnh đến thủ đô Praha của Tiệp Khắc thu thập các thông tin về Trung Quốc trên báo chí phương Tây, cũng như các tin tức báo cáo đáng để lãnh đạo Trung Quốc quan tâm, kịp thời báo về Bắc Kinh.
Tháng 4-1951, Tôn Phương đến Praha, đăng ký mua báo chí, đơn thương độc mã bắt đầu công việc.
Tôn Phương sinh năm 1918 trong một gia đình giàu có ở Thiên Tân, tốt nghiệp trung học Nam Khai, sau đó theo anh họ tham gia phong trào kháng Nhật. Sau khi kháng chiến chống Nhật bùng nổ, ông vào học tại (đại học) Liên đại Tây Nam, năm 1938 vào đảng. Năm 1940, ông vào căn cứ địa kháng Nhật Hồ Bắc, tham gia công tác bảo vệ và tình báo. Năm 1945 sau khi kháng chiến thành công, Tôn Phương nhận lệnh đến Bắc Kinh tham gia Cục Điều động quân đội, với danh nghĩa là thư ký của Diệp Kiếm Anh. Kết thúc công việc ở Cục này, ông cùng Lý Khắc Nông về Diên An, sau đó lại chuyển tới Hà Bắc. Tháng 2-1948, ông kết hôn với Lý Băng - con gái Lý Khắc Nông . Sau ngày lập quốc, Tôn Phương là một trong những cán bộ được đưa về Bộ Ngoại giao.
Trong số các quốc gia Đông Âu lúc bấy giờ, môi trường chính trị của Tiệp Khắc tương đối dễ dàng, không bị hạn chế trong việc đặt mua báo chí phương Tây, báo chuyển đến cũng kịp thời, các báo của Anh và Pháp có thể cách một ngày là nhận được. Tôn Phương rất giỏi tiếng Anh, ông đọc các báo và tạp chí, chọn ra các nội dung có liên quan tới Trung Quốc, cũng như các báo cáo, bình luận liên quan các sự kiện lớn của thế giới, rồi dịch lại và cố gắng gửi về Bộ Ngoại giao trong thời gian nhanh nhất. Báo chí các thứ tiếng khác thì mời những cộng tác viên tại chỗ hợp tác.
Những báo cáo Tôn Phương gửi về lập tức được các lãnh đạo Bộ Ngoại giao quan tâm. Vụ trưởng vụ báo chí Bộ Ngoại giao (ban đầu gọi là vụ tình báo) nhận xét ông làm việc rất tốt. Được cấp trên phê chuẩn, năm đó, Tôn Phương được phái đến Đông Berlin, tại đây việc thu thập báo chí lại càng dễ dàng hơn. Tôn Phương được bổ nhiệm chức bí thư thứ nhất, công việc hàng ngày là báo cáo với đại sứ Trung Quốc tại CHDC Đức Cơ Bằng Phi. Lúc này, trong nước đã tổ chức các nhân viên trợ giúp cho Tôn Phương, lượng công việc của nhóm phiên dịch tài liệu nước ngoài ngày càng lớn. Từ đây, người phụ trách Tân Hoa Xã cũng đã có sáng kiến, các tài liệu dịch của nhóm Tôn Phương gửi về có lúc đề là “tin tức số này”, được đăng tải trên các tài liệu nội bộ.
Sau khi Tôn Phương đến Genève không lâu, Ngô Văn Đào cũng từ trong nước sang, lấy danh nghĩa là phóng viên Nhân dân nhật báo để triển khai công việc.
Ngô Văn Đào là nhân vật phụ trách báo chí đầu tiên được ĐCS Trung Quốc phái ra nước ngoài công tác. Ông tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh khoa ngoại văn năm 1937, cùng năm đó đến Diên An, công tác tại Ban tuyên giáo, sau đó chuyển sang Nhật báo Giải phóng. Từ năm 1941, ông giữ chức Phó Tổng giám đốc Tân Hoa Xã trong một thời gian dài. Kháng chiến chống Nhật thành công, ông trở thành phụ trách tổng phân xã Đông Bắc của Tân Hoa Xã.
Thời kỳ đầu chiến tranh giải phóng, trung ương ĐCS Trung Quốc đã tập trung cho công tác chuẩn bị thiết lập chính quyền toàn quốc sau này. Thái Sướng sau khi tham gia hội nghị phụ nữ quốc tế năm 1947, trở về đã đề nghị trung ương đảng nên đặt cơ cấu ra nước ngoài nhằm tăng cường các mối quan hệ quốc tế. Đề nghị này được tiếp nhận. Năm 1947, quân Cộng sản và quân Quốc dân đảng giao chiến ở Đông Bắc, Ngô Văn Đào được lệnh cùng với đoàn đại biểu do Trần Gia Khang dẫn đầu xuất ngoại, đến Praha thiết lập phân xã Tân Hoa Xã. Đây là phân xã nước ngoài đầu tiên của Tân Hoa Xã. Ngô Văn Đào giữ chức trưởng phân xã.
Năm 1953, Ngô Văn Đào nhận lệnh về nước, giữ chức Phó Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, hỗ trợ cho Giám đốc Sư Triết điều hành công việc. Sau khi Sư Triết tập trung vào việc chuẩn bị cho hội nghị Genève, Ngô Văn Đào lại bị điều động, ông được cho là một người làm báo lão luyện, có nhiều kinh nghiệm trong công tác quốc tế, vì vậy được cử đi Genève sớm.
Đến Genève gặp Tôn Phương, hai người đặt mua khối lượng lớn báo chí, còn thuê ba chiếc máy chuyên dụng thu tin quốc tế, ngày đêm không ngừng thu nhận tin tức.
Ngày 9-3-1954, đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô Trương Văn Thiên gặp Molotov, thông báo ý kiến của ba nước Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam đều đồng ý tham gia hội nghị Genève. Molotov cho rằng, ba bên cùng nhất trí ý kiến là một việc tốt, ông sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm và biểu thị hoan nghênh 3 đoàn đại biểu Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam đến Moskva vào đầu tháng 4-1954, và cho rằng tốt nhất Chu Ân Lai nên đến Moskva trước.
Molotov cho Trương Văn Thiên biết phía Liên Xô đã bắt đầu công tác chuẩn bị cho hội nghị. Thứ trưởng Ngoại giao Gromyko cùng Vụ trưởng vụ Đông Nam Á K.V. Novikov cũng đã tham gia. Cả Liên Xô và Trung Quốc đều cần nhất trí cao độ trong việc chuẩn bị cho hội nghị. Lúc đó, phương châm của Liên Xô là dẫn dắt Trung Quốc vào xã hội quốc tế, để Liên Xô không bị rơi vào thế “độc quân tác chiến” trên võ đài chính trị thế giới. Từ tháng 3-1954, đại sứ Liên Xô tại Anh và Pháp liên tục tiến hành các “chiến dịch ngoại giao”, ngầm để cho Anh và Pháp hiểu rằng việc đồng ý đàm phán với Trung Quốc tại Genève sẽ thu được lợi ích.
Khi Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam tiến hành chuẩn bị cho hội nghị, Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp đã mở đợt tấn công lớn vào quân Pháp đang bị bao vây ở Điện Biên Phủ. Từ khi mở màn ngày 13 tháng 3, cuộc tấn công đã tiến triển thuận lợi. Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc do Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh đứng đầu cũng đã hỗ trợ Tổng quân uỷ quân đội Việt Nam vạch kế hoạch chi tiết cho chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời đưa ra những ý kiến chỉ huy rõ ràng tại chiến trường. Trung Quốc đã cung cấp cho quân đội Việt Nam tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đầy đủ đạn dược, ngoài ra, 1/3 nhu cầu lương thực của tiền tuyến Điện Biên Phủ là được vận chuyển từ Vân Nam sang.
Tại căn cứ địa Việt Bắc, đoàn cố vấn chính trị Trung Quốc do La Quý Ba dẫn đầu đã trợ giúp Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do Hồ Chí Minh dẫn đầu vạch ra các chính sách, phương châm. Cố vấn kinh tế của Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam điều chỉnh các hoạt động kinh tế - tiền tệ của căn cứ địa. Từ đầu tháng 3, La Quý Ba và Kiều Hiểu Quang thường xuyên cùng với Phạm Văn Đồng bàn bạc việc tham gia hội nghị Genève.
La Quý Ba là thế hệ nhà ngoại giao đầu tiên của nước Trung Quốc mới. Ông sinh năm 1907 tại huyện Nam Khang, tỉnh Giang Tây, tháng 4 năm 1926 tham gia cách mạng. Sau khi đại cách mạng thất bại, ông đã tổ chức bạo động vũ trang nông dân tại quê nhà, sau đó tham gia hồng quân công nông, còn rất trẻ đã là quân đoàn trưởng rồi chính uỷ quân đoàn. Ông đã trải qua cuộc trường chinh, từng giữ nhiệm vụ cảnh vệ cho hội nghị Tuân Nghĩa.
Trong kháng chiến chống Nhật, ông có thời gian dài tham gia đấu tranh tại căn cứ địa Tây bắc Sơn Tây, trong chiến tranh giải phóng giữ chức Tư lệnh kiêm chính uỷ quân khu miền Trung Sơn Tây. Sau thành lập nước, La Quý Ba giữ chức Chủ nhiệm văn phòng quân uỷ trung ương. Tháng 1 năm 1950, Hồ Chí Minh bí mật thăm Trung Quốc và đề nghị trung ương ĐCS Trung Quốc giúp đỡ. Lưu Thiếu Kỳ cử La Quý Ba làm đại diện liên lạc của trung ương đảng bí mật đi Việt Nam. Căn cứ vào các báo cáo của La Quý Ba sau khi sang Việt Nam, Trần Canh cũng bí mật sang Việt Nam, giúp đỡ phía Việt Nam tiến hành chiến dịch biên giới vô cùng quan trọng.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM