Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 10:15:46 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954  (Đọc 56521 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #30 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 12:46:20 pm »

Chương 13

Tiếng súng Điện Biên Phủ mang lại cái gì?


Ngày 1 tháng 5, bầu trời Điện Biên Phủ hửng nắng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp ra lệnh tổng tấn công. Xế chiều, đại bác của bộ đội Việt Nam bắn vào trận địa quân Pháp, đến khi mặt trời lặn, cuộc chiến đầu đã nổ ra trên toàn mặt trận, bộ đội Việt Nam liên tiếp xung phong, các trận đánh giáp lá cà đã nổ ra trên những quả đồi phía đông Điện Biên Phủ. Tại Bắc Kinh, Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc Túc Dụ điện cho Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, yêu cầu chú ý đề phòng quân Pháp nhảy dù và đề nghị Vi Quốc Thanh dự đoán khi nào thì có thể tiêu diệt được toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ? Sáng 1 tháng 5, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ B. Smith đến Genève thay thế Ngoại trưởng Dulles sắp về nước, liệu ông ta đem cái gì đến Genève? Trước tình hình nguy cấp ở Điện Biên Phủ, chính phủ Laniel ngày càng khó khăn.
Hồi ba giờ chiều ngày 30-4-1954, Ngoại trưởng Liên Xô Molotov chủ trì Hội nghị Genève về vấn đề Triều Tiên. Đại diện Philippines rút lại lời đề nghị phát biểu, đại diện Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan chỉ nói khoảng 30 phút. Họ đều ủng hộ lập trường của Mỹ, đòi giải quyết vấn đề Triều Tiên trong khuôn khổ LHQ. Các bên thuộc “Liên minh quân LHQ” đều theo đuôi Mỹ, không muốn có con đường riêng.
Molotov tuyên bố, nếu không còn đại diện nước nào phát biểu nữa, cuộc họp hôm nay kết thúc. Vì là sắp đến ngày nghỉ, hội nghị Genève nghỉ hai ngày, sẽ họp lại vào ngày 3 tháng 5. Hội nghị vừa tan, Dulles, Eden và Bidault liền gặp nhau. Bidault nói với các Ngoại trưởng Anh, Mỹ rằng ông ta hiện chẳng có con bài gì trong tay cả. Bidault cho rằng thảo luận vấn đề phân chia ranh giới Nam Bắc Việt Nam là không lợi cho Pháp, đặc biệt càng làm cho Pháp cảm thấy khó đối phó với ba nước Đông Dương. Ngừng bắn cũng rất khó, vì mặt trận hai bên đan xen, thậm chí đang bao vây lẫn nhau, tình hình hết sức tế nhị.
Sau khi Bidault ra về, Eden nói với Dulles rằng ông rất đồng tình với hoàn cảnh của Pháp lúc này. Dulles bèn hỏi:
- Vậy chúng ta không thể giúp người Pháp được gì nữa ư? Liệu chúng ta có tiếp tục thành lập SEATO như đã bàn ở Washington không?
Eden đáp:
- Lúc này chưa thích hợp. Nếu chúng ta công khai nói đến vấn đề này thì mọi người sẽ chất vấn rằng có phải chúng ta định vũ trang can thiệp vào Đông Dương? Nếu chúng ta thừa nhận thì cũng chẳng giúp ích gì cho Pháp. Theo tôi, kết quả tốt đẹp nhất chúng ta có thể có được, đó là một khi cuộc đàm phán đổ vỡ, dù chúng ta không đạt được nhận thức chung, chúng ta cũng phải gây ra không khí nghi ngờ ở Genève, như vậy có lẽ sẽ giúp ích cho người Pháp( ).
Buổi tối, Eden đang có tâm trạng vui vẻ, ông ta bảo đưa báo đến để đọc lướt một lượt và nghĩ vai trò của nước Anh vẫn khá thuận lợi. Eden cho rằng cuộc gặp trưa nay với Chu Ân Lai sẽ có lợi cho nước Anh. Sau này, trong hồi ký của mình, Eden viết lần đầu tiên gặp Chu Ân Lai, cảm thấy “Chu Ân Lai là người chống Mỹ quyết liệt và lạnh lùng, có thái độ cứng rắn, không hề thoả hiệp. Chúng tôi ngồi nghiêm túc, trao đổi ý kiến với nhau bằng những từ ngữ nghiêm chỉnh. Ông ta hoàn toàn bác bỏ đề nghị của tôi về việc ngừng bắn ở Điện Biên Phủ để chuyển thương binh ra khỏi mặt trận”.
Sau nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với Chu Ân Lai sau đó, Eden đã dần dần thay đổi suy nghĩ của mình về Chu Ân Lai.
Ngày 1 tháng 5 là Ngày Quốc tế Lao động, một ngày đầy sức cổ vũ đối với phe Phương Đông. Hôm đó, tại chiến trường Việt Nam, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh cho các tướng sĩ mặt trận Điện Biên tiến hành tổng tấn công trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ.
Trời Điện Biên hửng nắng, cờ đỏ phấp phới tung bay trên trận địa của bộ đội Việt Nam, các sư đoàn quân chủ lực Việt Nam với đầy đủ quân số đang tiến ra mặt trận. Các khẩu đại bác đã được tháo bỏ nguỵ trang, dùng sức người kéo pháo ra tuyến trước.
Hoàng hôn sắp buông xuống, bộ đội Việt Nam bắt đầu nã pháo vào trận địa quân Pháp. Đến khoảng 8 giờ tối, cuộc chiến đã nổ ra trên toàn tuyến, bộ đội Việt Nam liên tiếp tổ chức các đợt xung phong, Sư đoàn 316 tiến hành cuộc chiến đẫm máu giáp lá cà với quân đội Pháp.
Trên năm quả đồi phía đông Điện Biên Phủ, lực lượng phòng thủ của Pháp chỉ có bốn tiểu đoàn hỗn hợp thiếu, bộ đội Việt Nam nhanh chóng mở được đột phá khẩu tại đây, quân Pháp mệt mỏi sắp đến ngày tàn, trở nên hỗn loạn.
***
Sáng ngày 1 tháng 5, thứ trưởng Ngoại giao Mỹ B. Smith đến Genève giữ chức Người phụ trách Đoàn đại biểu Mỹ thay Ngoại trưởng Dulles sắp về nước. Buổi trưa, Smith cùng Dulles tới chỗ ở của Bidault, Eden đã chờ sẵn tại đó.
Không khí cuộc gặp lúc đầu không được vui vẻ lắm. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Walter S. Robertson sẵng giọng hỏi Eden:
- Hiện nay 300 ngàn quân đội Nam (?) Việt Nam cùng quân đội Campuchia và Lào đều phải tác chiến gấp với Việt Minh, tại sao Anh quốc lại không ủng hộ họ?
Eden không hề thay đổi sắc mặt, trả lời:
- Vì sao họ phải vội đánh nhau? Ngồi lại đàm phán không tốt hay sao?
Eden quay sang nói với Dulles:
- Mỹ viện trợ cho Việt Nam nhiều gấp chín lần số vật tư do Trung Quốc viện trợ Việt Nam, phải nói rằng số hàng viện trợ như thế là đủ rồi, tôi nghi ngờ rằng những người Việt Nam này không còn muốn chiến đấu cho Bảo Đại nữa.
Dulles nói với Eden rằng, để huấn luyện số người Việt Nam này có thể đánh nhau được một cách hiệu quả, chí ít cũng phải mất hai năm.
Sau cuộc hội đàm trưa hôm đó, ngoại trưởng ba nước Mỹ, Anh, Pháp nhất trí phải thiết lập thể chế đồng chủ tịch tại hội nghị Genève về Đông Dương sắp tới, do Eden và Molotov luân phiên đảm nhiệm. Ý tứ mấu chốt ở đây là không muốn để Chu Ân Lai làm chủ tịch.
Dulles khăng khăng đòi Anh ủng hộ phương án của Mỹ về vấn đề Triều Tiên: Chỉ tổ chức bầu cử ở miền Bắc Triều Tiên, và đây là bầu những nghị sĩ tham gia vào nghị viện của Hàn Quốc. Eden đã từ chối.
Eden định rời đi, nhưng Smith đã đứng lên trước, vừa cười vừa nói với Ngoại trưởng Anh rằng “cá nhân tôi (Smith) lo ngại về những bất đồng trước đây giữa Anh và Mỹ. Nay đến Genève, mong rằng hai bên có thể hợp tác tốt với nhau”.
Eden đáp:
- Cuộc hội đàm rất khó khăn, cho nên chúng ta cần nhanh chóng xác định lập trường chung.
Smith nói mình cũng có cảm giác như vậy và sẽ không để ý đến những cái gọi là “chuyện ngốc nghếch” đang đồn đại ở Mỹ. Thái độ của Smnith đã động viên Eden. Eden hiểu rõ và có cảm tình tốt với Smith. Khi Eden giữ chức Ngoại trưởng Anh trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, Smith là Tham mưu trưởng của Eisenhower, Tổng chỉ huy quân đội đồng minh, hai bên thường trao đổi, hợp tác với nhau rất tốt. Lần này, tại Genève liệu họ có thể tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng nhau không?
Trong xe trên đường từ nơi ở của Bidault về nhà, Eden nói với Evelyn Shuckburgh rằng hy vọng Dulles sớm rời khỏi Genève.
F. B. Smith (5-10-1895 - 9-8-1961) sinh ra trong một gia đình bình thường ở bang Indianna, có ham thích về quân sự từ hồi nhỏ, khi học trung học đã muốn vào quân đội. Năm 1910, Smith tham gia đội cảnh vệ quốc gia của bang. Smith có thành tích cứu hộ xuất sắc trong trận lũ lụt của bang năm 1913 nên được mọi người chú ý. Năm 1916, Smith tham gia cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Mexico. Sau chiến tranh không lâu, Smith đã thi vào học tại một trường đại học bình thường, nhưng do bố bị ốm nặng nên phải nghỉ học, cuối cùng phải đi làm công nhân thợ tiện tại một nhà máy.
Sau khi Mỹ lao vào cuộc chiến tranh thế giới thứ thứ nhất, Smith lại xin tái ngũ. Ngày 1-7-1917, Smith kết hôn cùng Mary Eleanor, sau đó Smith tập trung vào trưòng huấn luyện quân sự. Ngày 20-4-1918, sư đoàn bộ binh của Smith được điều đến Pháp đánh nhau với quân Đức. Cuộc chiến vừa mới bắt đầu, Smith đã bị thương, sau khi được chữa trị bình phục, lại tiếp tục trở về đơn vị chiến đấu.
Quân Mỹ mới tham gia đánh nhau được một thời gian ngắn thì chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Smith tiếp tục ở lại quân ngũ, ông được thăng cấp khá muộn, năm 1929 được phong quân hàm Thượng uý, hơn 10 năm sau mới được phong Thiếu tá. Nhưng Smith càng ngày càng được mọi người xem trọng nhờ vào khả năng tổ chức quân sự và sự hiểu biết về chiến tranh hiện đại của ông. Smith có sở trường đặc biệt về nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh, được các nhà quân sự tôn vinh là “ngôi sao Tham mưu”. Smith đã từng theo học tại Học viện Lục quân (Army War College) ở Washington, năm 1937 tốt nghiệp, sau đó được vào dạy ở trường bộ binh.
Tại trường bộ binh này, ông lần lượt quen biết một số giáo viên nhà trường như Bơ-rai Đơ-li và George C. Marshall, họ đều nghĩ rằng sau này Smith phải được đeo sao cấp tướng. Năm 1939, Marshall vừa được cử làm phụ trách Bộ Tổng Tham mưu, liền kéo Smith về, giao cho việc nghiên cứu mở rộng biên chế lục quân. Qui mô cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai ngày càng mở rộng, quân hàm của Smith cũng tăng lên rất nhanh, hầu như hàng năm đều tăng thêm một sao, thậm chí hai sao, từ một trung tá tháng 4 năm 1941, đến tháng 8 năm 1941 đã thành thượng tá, tháng 2 năm 1942 được phong chuẩn tướng, tháng 12 cùng năm trở thành thiếu tướng và đến tháng 1 năm 1943, Smith đã thành một tướng ba sao.
Tại Bộ Tổng tham mưu, Smith đã từng làm thư ký cho Tổng Tham mưu trưởng Marshall, từng là Trợ lý quân sự của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, có nhiệm vụ phối hợp tác chiến giữa ba quân chủng Lục, Hải, Không quân. Đầu năm 1942, Smith là đại diện quân sự riêng của tổng thống Roosevelt, bàn bạc, phối hợp với quân Anh trong việc tác chiến chống quân Đức. Smith có nhiều ý kiến có giá trị trong việc phối hợp lực lượng quân sự Anh-Mỹ nên đã được Marshall khen ngợi.
Tháng 9-1942, Smith đến London, giữ chức Tham mưu trưởng cho Eishenhower, Tổng chỉ huy quân Mỹ tham chiến ở châu Âu. Smith đã tham gia việc chỉ huy cuộc đổ bộ của quân đồng minh, trong đó nòng cốt là quân đội Mỹ, vào Bắc Phi, sau đó tham gia việc vạch kế hoạch cuộc tiến công của quân Mỹ trong chiên dịch Italia. Năm 1944, ông giúp Eiseinhower tổ chức chiến dịch đổ bộ Normandi, mở ra mặt trận thứ hai tại châu Âu. Trong nhiều trận chiến đấu qui mô lớn, Smith thường được thay mặt Eiseinhower đến dự thậm chí chủ trì các cuộc họp quân sự và ngoại giao, kế hoạch tỉ mỉ, suy nghĩ chu đáo, lắm mưu nhiều kế, chủ trì tôt công việc của Bộ Tư lệnh, được các tướng sĩ quân đội Mỹ tôn vinh là một trong những vị Tham mưu trưởng ưu tú nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tại Bộ Tư lệnh quân đội đồng minh, Smith thậm chí còn được mọi người gọi là ”Tổng quản gia” của Eisenhower, người nào muốn vào trong Đại bản doanh, hoặc có được phép gặp Eisenhower hay không, trước tiên là do Smith quyết định.
Trước đêm quân đồng minh đổ bộ lên Normandi, tình hình thời tiết rất xấu, Eisenhower rất do dự trong việc có nên ra lệnh cho quân đổ bộ chiến đấu hay không, do đó có trưng cầu ý kiến của Smith. Trong giờ phút quyết định đó, Smith cổ vũ Thống soái và nói: ”Thưa tướng quân, đây là một canh bạc, nhưng là một canh bạc tốt nhất”. Lời nói ấy dã làm cho Eisenhower hạ quyết tâm. Cuộc đổ bộ vào Normandi bắt đầu và quân đội đồng minh đã giành được chiến thắng trong trận chiến này.
Trong quá trình giúp việc Eisenhower thống lĩnh quân đội đồng minh ở châu Âu, Smith đã thể hiện rõ khả năng của mình về mặt ngoại giao. Sau khi về nước ít lâu, năm 1945, Smith được tổng thống Truman cử làm đại sứ Mỹ tại Liên Xô cho đến năm 1949. Trong thời gian làm đại sứ tại Moskva, Smith cho rằng Liên Xô sẽ kiên trì lâu dài chính sách đối ngoại bành trướng, Mỹ cần phải ra sức ngăn chặn. Nếu cho rằng thời gian này Smith có ý kiến gì đó khác mọi người thì đó chính là nhận xét của Smith cho rằng khối Xô Viết không phải là một khối thống nhất bền chặt mà là có những khe hở có thể lợi dụng được. Smith cho rằng, trong mâu thuẫn giữa Nam Tư và Liên Xô, Mỹ nên ủng hộ Nam Tư, phân hoá khối Xô Viết.
Tháng 3 năm 1949, Smith rời Moskva về nước, kết thúc sứ mệnh đại sứ tại Liên Xô và lại trở về quân đội làm việc với chức vụ Tư lệnh Tập đoàn quân số I của Mỹ. Năm 1950 Smith được tăng thêm một sao, trở thành Đại tướng 4 sao. Lúc này, Truman đang rất lo lắng trước việc Cục Tình báo Trung ương (CIA) không dự báo được chính xác cuộc chiến tranh Triều Tiên bất ngờ nổ ra ngày 25 tháng 6 năm 1950, do đó tổng thống quyết định chấn chỉnh CIA, nên đã bổ nhiệm Smith làm Giám đốc CIA. Sau khi nhậm chức, Smith tích cực thực hiện cải cách, nhanh chóng thiết lập hài hoà các mối quan hệ.

______________________
Chú thích:
1 Sir Anthony Eden, Full Circle London: Cassell & Co., Ltd., 1960, tr.111.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #31 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 12:48:35 pm »

Tháng 11 năm 1953, thượng cấp cũ của Smith là Eisenhower được bầu làm tổng thống Mỹ, ông đã cử Smith làm thứ trưởng Ngoại giao, giúp Dulles chủ trì công tác ngoaị giao. Từ đó, Smith lại được coi là “Tham mưu trưởng chính sách ngoại giao Mỹ”.
Nay Smith đến Genève. Đối với nước Trung Hoa mới, ông ta có thái độ ôn hoà hơn Dulles. Tuy nhiên, Dulles vẫn là người lãnh đạo chính của ngành ngoại giao Mỹ, lời nói và việc làm của Smith không thể đi chệch khỏi quĩ đạo của Dulles được.
Chiều ngày 1 tháng 5, tại khách sạn của đoàn Mỹ, Dulles chủ trì một cuộc họp có đại diện của 16 nước tham dự để trao đổi ý kiến đánh giá về triển vọng của hội nghị Genève.
Ngoại trưởng Australia R.G. Casey nói:
- Trước hết Australia cho rằng nếu không được đại đa số nhân dân địa phương chủ động ủng hộ, chỉ đơn thuần dựa vào vũ lực để giữ Đông Dương là không thể được, vì vậy việc trưng cầu ý kiến các nước châu Á là điều rất cần thiết.
Ông đồng tình với quan điểm của Eden về vấn đề này, vì Eden đã thông báo lại ý kiến của năm nguyên thủ các nước Nam Á tại Hội nghị Colombo.
R. G. Casey nói rõ, điểm thứ hai là chúng ta phải tránh đừng để bị cuốn vào cuộc chiến tranh với Trung Hoa đỏ, nếu không sẽ là một tai hoạ khủng khiếp. Casey bổ sung thêm rằng tình hình có thể chưa xấu đến mức chúng ta dự báo ban đầu, cho dù là mất Điện Biên Phủ, Việt Minh cũng đã mệt mỏi và kiệt quệ, tình hình vùng châu thổ sông Hồng chưa chắc đã xấu đi ngay. Casey kết luận: Chúng ta cần tạo ra một cơ hội cho hội nghị Genève, lựa chọn hành động quân sự trong thời gian tiến hành họp hội nghị là không sáng suốt.
Trong nhật ký của mình về ngày làm việc này, Casey cũng có nhận xét về Dulles. Ông viết: “Dulles đúng là một nhân vật khác thường, ông phát biểu bao giờ cũng chậm rãi, có thứ tự, thậm chí không biết là ông ta đã nói xong hay đang tạm dừng để nghĩ xem nên nói tiếp như thế nào, cũng có lúc ông ta nói có vẻ hồ đồ khiến người nghe không hiểu ông ta nói cái gì”(1).
Buổi tối, Eden điện báo cáo với Churchill tình hình hội đàm với Dulles và Smith, bức điện viết:
Tuy Mỹ và Trung Quốc trước đây có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng nay có thái độ thù địch sâu sắc, chúng tôi đã bàn về việc này. Về vấn đề Đông Dương, chúng tôi đã quyết định hoãn dùng vũ lực ở Đông Dương, một vấn đề từng được nói đến nhiều. Chỉ có Smith là người thật sự hiểu rõ quan điểm của chúng ta. Lúc đầu, Dulles nói tình hình lúc này đã trở nên hỗn loạn. Trước đây, tại các loại hội nghị, hai nước chúng ta thường nhất trí với nhau về mặt chính sách, nay thì lại rối cả lên. Tôi đáp: Về vấn đề Triều Tiên, có thể nói chúng ta đã hoàn toàn nhất trí, nhưng trong vấn đề Đông Dương, quả thật chúng tôi không biết nên trả lời như thế nào đối với yêu cầu lúc đầu của quí vị. Nếu nói phải tiến hành can thiệp vũ trang vào lúc này, thì chúng tôi chỉ có thể trả lời rằng chúng tôi đã nói rất rõ là hành động đó sẽ không đem lại kết quả, chúng tôi không thể tán thành được, nếu không sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng.
Dulles nói:
- Tôi có ấn tượng là trong vấn đề Đông Dương, hai bên chúng ta không có ý định quay trở lại lập trường giống nhau như xưa kia nữa. Ông ta hỏi thẳng, không trực tiếp vũ trang can thiệp có phải có nghĩa là chúng ta chỉ có thể ủng hộ về mặt đạo lý đối với ba nước Đông Dương? Tôi đáp, như vậy là lập trường của chúng ta đã nhích lại gần nhau thêm một bước, chúng ta còn có thể có sự ủng hộ thực chất nào khác nữa? Dulles nói: Chưa quyết định. Lúc này, Smith nói chen vào: Về việc này, tôi vừa không tán thành quan điểm của Tham mưu trưởng quân đội Mỹ, vừa không đồng ý với ý kiến của tham mưu trưởng quân đội Anh, vì người trước quá lạc quan, còn người sau lại quá bi quan. Hiện nay Điện Biên Phủ đã trở thành một cái mốc, không thể nào cứu vãn được nữa. Smith nói tuy không thể ngăn được việc cộng sản lan tới biên giới Mã Lai nhưng vẫn có thể tìm được một phòng tuyến giữ vững được Thái Lan, Miến Điện và Malaysia. Cái khó là trước đây ta không hề xem xét nó gắn với tình thế của Pháp trong khu vực này và đánh giá khả năng quân sự của các quốc gia này.
Tôi trả lời rằng chúng ta cần phải nghiêm túc cân nhắc xem rằng rốt cuộc chúng ta muốn đi tới đâu. Nếu người Mỹ lao vào cuộc chiến tranh Đông Dương, sẽ không tránh được việc người Trung Quốc cũng sẽ lao vào, kết quả sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, như vậy sẽ là sự mở màn cho Đại chiến Thế giới thứ ba(2).
Hai ngày sau, Eden lần lượt gặp ngoại trưởng các nước trong khối Liên hiệp Anh là Canada, Australia và New Zealand. Điều an ủi Eden là các nước này đều có lập trường cơ bản giống nước Anh.
***
Tháng 5, không khí mùa xuân tràn ngập Bắc Kinh, cây cối xanh tươi đâm chồi, lẩy lộc. Tại Đại bản doanh của Bộ Tổng Tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, Quyền Tổng Tham mưu trưởng Túc Dụ cùng các cán bộ tham mưu đang chăm chú theo dõi diễn biến của chiến trường Điện biên Phủ. Túc Dụ là một trong những vị thống soái thiện chiến nhất của Quân giải phóng, từ một người lính bình thường trưởng thành dần dần đến chức Thống soái Dã chiến quân, Tổng tham mưu trưởng quân đội, trong thời kỳ chiến tranh được Bộ Thống soái tối cao hết sức coi trọng. Ông có tài tổ chức các chiến dịch lớn, quan trọng, từ “bẩy trận đánh, bẩy lần giành thắng lợi” ở Tô Trung (trung Giang Tô), đến chiến dịch đồi Mạnh Lương (Sơn Đông) có tính chất xoay chuyển tình thế, từ chiến dịch Dự Đông (đông Hà Nam) và chiến dịch Hoài Hải, đến chiến dịch vượt Trường Giang đều do ông chỉ huy hoặc tham gia chỉ huy. Sau ngày thành lập nước CHND Trung Hoa, Chủ tịch Mao Trạch Đông yêu cầu Túc Dụ tổ chức chiến dịch tác chiến vượt biển Đài Loan, nhưng do chiến tranh Triều Tiên bùng nổ nên đành gác lại. Tháng 10 năm 1951, Túc Dụ được bổ nhiệm làm Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội. Cuối năm 1952, Quyền Tổng tham mưu trưởng Nhiếp Vinh Trăn vì làm việc quá sức nên ốm đau phải vào bệnh viện điều trị, Túc Dụ được cử thay thế Nhiếp Vinh Trăn, phụ trách toàn diện mọi mặt công tác của Bộ Tổng tham mưu. Túc Dụ hiểu rõ tình hình chiến trường Điện Biên Phủ từ lúc chuẩn bị chiến dịch đến khi mở màn cuộc chiến, từ lúc bao vây chặt đến cuộc tiến công ba giai đoạn liên tục. Vi Quốc Thanh là cán bộ cấp dưới cũ của Túc Dụ, hai bên quen biết và hiểu rõ nhau, thường xuyên trao đổi điện thông báo kỹ tình hình cho nhau.
Ngày 1 tháng 5, giữa lúc cuộc chiến đấu đang diễn ra ác liệt ở Điện Biên Phủ, Túc Dụ gửi điện cho Vi Quốc Thanh:
Kẻ thù nguy hiểm nhất hiện nay của các đồng chí là lực lượng lính dù đã được huấn luyện và đang tập trung tại khu vực Hà Nội. Có nhiều khả năng địch sẽ cho lực lượng này nhảy dù xuống các tuyến giao thông quan trọng ở hậu phương để cắt đứt việc tiếp tế cho mặt trận, buộc các đồng chí phải bỏ cuộc bao vây Điện Biên Phủ, thậm chí làm cho bộ đội hoang mang rối loạn. Các đồng chí cần nhanh chóng chuẩn bị cần thiết để đối phó với những tình huống bất ngờ.
Đề nghị các đồng chí xem xét kỹ khả năng tấn công tiêu diệt Điện Biên Phủ, còn cần bao lâu nữa mới có thể hoàn toàn hoặc cơ bản tiêu diệt được bọn địch, mong điện trả lời sớm. Việc này không nên nói ra với người khác để tránh ảnh hưởng đến cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ.
Nhận được bức điện nói trên của Túc Dụ, Vi Quốc Thanh lập tức chỉ thị cho các cố vấn quân sự Trung Quốc tại các sư đoàn đang chiến đấu trên mặt trận Điện Biên Phủ phải nắm chắc tình hình mọi mặt, nắm vững nhịp độ tác chiến, chuẩn bị mở cuộc tổng tiến công cuối cùng. Vi Quốc Thanh yêu cầu Đổng Nhân, cố vấn Trung Quốc tại sư đoàn 312 phải nắm chắc đại đội pháo hoả tiễn, tập kích quân Pháp vào lúc then chốt, đồng thời đôn đốc các cố vấn Trung Quốc phụ trách về hậu cần phải có biện pháp bảo đảm việc cung cấp hậu cần cho bộ đội Việt Nam(3).
Bộ đội Việt Nam càng ngày càng khép chặt vòng vây, tướng de Castrie, Tư lệnh quân Pháp đang bị bao vây chặt tại trung tâm Điện Biên Phủ liên tiếp gọi điện xin cứu viện.
***
Trưa ngày 3 tháng 5, Eden mời một số nhà báo quen biết đến ăn cơm. Trong bữa ăn, Eden nói với các nhà báo: hội nghị Genève lần này là một cuộc đàm phán khó khăn nhất trong cuộc đời ngoại giao của mình. Thật là một sự ngẫu nhiên trùng hợp, vì đêm hôm trước, Molotov cũng nói một câu tương tự.
Buổi chiều, hội nghị tiếp tục thảo luận vấn đề Triều Tiên, Eden là chủ tịch luân phiên của hội nghị này. Eden tuyên bố:
“Từ ngày 28 tháng 4 đến 2 tháng 5, thủ tướng các nước Đông Nam Á đã họp tại Colombo. Được sự uỷ thác của thủ tướng các nước tham dự hội nghị Colombo, thủ tướng Nehru đã ra lời kêu gọi gửi các nước tham dự Hội nghị Genève”.
Bức điện của Hội nghị Colombo gửi Hội nghị Genève viết:
Thủ tướng các nước dự hội nghị Colombo đã điểm lại tình hình, cho rằng Đông Dương đã phải chịu đựng một cuộc chiến tranh bi thảm lâu dài, chiến tranh đang đe doạ tự do và độc lập của nhân dân Đông Dương, đe doạ hoà bình và an ninh của châu Á và thế giới. Thủ tướng chính phủ các nước dự hội nghị Colombo hoan nghênh những nỗ lực tích cực của Hội nghị Genève nhằm tìm kiếm con đường giải quyết vấn đề Đông Dương thông qua đàm phán, đồng tthời hy vọng rằng kết quả mà hội nghị Genève đạt được sau khi cân nhắc, xem xét kỹ càng, sẽ góp phần giải quyết cuộc xung đột, khôi phục hoà bình ở Đông Dương.
Thủ tướng các nước dự hội nghị Colombo cho rằng, để giải quyết vấn đề Đông Dương, cần phải nhanh chóng đạt được thoả thuận ngừng bắn, các bên hữu quan, chủ yếu là Pháp, ba nước Đông Dương và Việt Minh phải đàm phán trực tiếp với nhau. Cuộc đàm phán này có thành công hay không có liên quan chặt chẽ với việc các nước hữu quan, nhất là Trung Quốc, Liên hiệp Vương quốc Anh, Mỹ và Liên Xô, có nhất trí ý kiến và áp dụng các biện pháp cần thiết để xoá bỏ sự thù địch hay không.
______________________
Chú thích:
1 R. G. Casey, Australian Foreign Minister, The Diary of 1951-1960 London, Collins, 1972, tr.147.
2 Sir Anthony Eden, Full Circle London: Cassell & Co., Ltd., 1960, 112-113.
3 Phỏng vấn Đổng Nhân tại Bắc Kinh ngày 27- 9-1993.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #32 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 12:53:59 pm »

Thủ tướng các nước dự hội nghị Colombo mong rằng, hai bên tiến hành đàm phán cần thông báo cho hội nghị Genève biết nhằm để hội nghị đề ra quyết định cuối cùng. Các thủ tướng còn hy vọng Pháp đưa ra tuyên bố tại hội nghị Genève rằng Pháp sẽ hoàn toàn công nhận nền độc lập của các nước Đông Dương. Chỉ có như vậy mới làm cho bộ máy làm việc hữu hiệu của LHQ phát huy tác dụng trong việc thúc đẩy tinh thần hội nghị Genève, triển khai thực hiện các nghị quyết có liên quan. Thủ tướng các nước dự hội nghị Colombo nhất trí cho rằng hội nghị Genève cần báo cáo với LHQ quá trình hội nghị xem xét vấn đề Đông Dương(1).
Eden đọc xong bức điện, đại diện Nam Triều Tiên Pyun Yung Tai phát biểu ngang nhiên từ chối đề nghị sáu điểm của Nam Il. Ông ta nói rằng đề nghị của Nam Il về thành lập “Uỷ ban toàn quốc” do hai miền Nam Bắc mỗi bên có một nửa đại diện để chủ trì công tác bầu cử ở Triều Tiên chỉ là một âm mưu. Trước hết, phương thức này đã thủ tiêu vận mệnh của các nước Đông Âu, hai là chủ trương này hoàn toàn loại bỏ vai trò của LHQ. Thứ ba là đề nghị của Nam Il tạo cơ hội cho nhà nước cộng sản tiếp tục can thiệp vào công việc của Triều Tiên, chính phủ Nam Triều Tiên không chấp nhận.
Sau bài phát biểu của Pyun Yung Tai, cuộc họp trong ngày kết thúc. Các đại diện của 16 nước thuộc “Quân đội LHQ” tiếp tục ở lại Palais des Nations để bàn thảo, phối hợp lập trường chung. Sự bất đồng của Hội nghị Genève về vấn đề Triều Tiên đã bộc lộ hoàn toàn.
Tuy vậy, hoạt động ngoại giao trong ngày cũng đã mang lại kết quả. Vụ trưởng Vụ báo chí Bộ Ngoại giao Liên Xô, thành viên Đoàn đại biểu LX, Ilychev tuyên bố tại cuộc họp báo chiều nay rằng, theo thoả thuận tại hội nghị, dự kiến số nước tham dự hội nghị Genève về Đông Dương, ngoài đại diện của năm nước lớn, còn có sự tham gia của đại diện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đại diện của ba nước Liên bang Đông Dương. Chính phủ Pháp mời đại diện của ba nước Liên bang tham dự, chính phủ Liên Xô và chính phủ Trung Quốc mời đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tham dự hội nghị. Tổng cộng có đại diện của chín nước tham gia hội nghị: Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô, VNDCCH, ba nước trong Liên bang Đông Dương: Việt Nam, Campuchia, Lào.
Buổi tối, một dấu hiệu hoà dịu đã xuất hiện tại Hội nghị Genève. Khi cùng ăn tối theo lời mời của Eden, Smith bày tỏ: “Cá nhân tôi có ý nghĩ tán thành lập trường của nước Anh về vấn đề Đông Dương, vì tôi cũng nghĩ rằng, dùng lính dù của hải quân và dùng không quân để tấn công quân đội Việt Minh ở Điện Biên Phủ sẽ khiến Trung Quốc và lực lượng bộ binh Mỹ bị cuốn vào cuộc chiến tranh Đông Dương, như vậy Mỹ sẽ phải trả cái giá quá lớn”.
Lời phát biểu trên của Smith đã làm cho các trợ lý của Eden hết sức vui mừng(2).
***
Ba giờ chiều ngày 4 tháng 5, Hội nghị Genève họp phiên thứ 7, tiếp tục bàn vấn đề Triều Tiên, do Hoàng thân Thái Lan làm chủ tịch luân phiên chủ trì hội nghị.
Ngoại trưởng Canada Lester B. Pearson phát biểu đầu tiên. Ông phát biểu hôm nay để tránh bị hiểu lầm là Canada không ủng hộ đầy đủ chính sách của các nước “Quân đội LHQ”. Đại diện Canada không ủng hộ bất kỳ đề nghị nào bác bỏ nghị quyết của LHQ về vấn đề Triều Tiên. Pearson cho rằng không cần phải thảo luận đề nghị do Chu Ân Lai nêu ra về việc phóng thích 48 nghìn tù binh Triều Tiên và Trung Quốc bị “Quân đội LHQ” bắt giữ, vì vấn đề này đã được giải quyết. Vấn đề ở chỗ đại diện Triều Tiên, Nam Il không trình bày rõ đề nghị này. Pearson nói: đại diện Triều Tiên đề nghị thành lập “Uỷ ban toàn quốc Triều Tiên” phải bao gồm “các tổ chức đoàn thể xã hội lớn nhất” của hai miền Nam Bắc Triều Tiên, không hiểu như vậy là có ngụ ý gì?
Tiếp đó, đại diện Hà Lan (J. M. A. H.) Luns phát biểu, phản đối đề nghị của Nam Il về tổ chức bầu cử trong cả nước Triều Tiên. Đại diện Hà Lan nói, LHQ đã xác định khuôn khổ chính trị giải quyết vấn đề Triều Tiên rồi, không cần phải bàn lại nữa. Hà Lan mong muốn sớm rút quân và được thấy Triều Tiên trở thành một nước thống nhất, độc lập và dân chủ. Ông hy vọng hai miền Triều Tiên nhanh chóng tìm ra phương án hoà bình hai bên cùng chấp nhận được.
Đại diện Ethiopia (Ato Zaude Gabre) Heywot phát biểu cuối cùng, sau đó Chủ tịch hội nghị tuyên bố không còn ai yêu cầu phát biểu và cũng không có đại biểu nào đăng ký đề nghị phát biểu vào phiên họp ngày mai và ngày kia, vì vậy ông đề nghị sẽ tổ chức cuộc thảo luận không chính thức trong hai ngày tới, nhằm làm cho các quan điểm khác nhau nhích lại gần nhau. Phiên họp tới sẽ tiến hành vào ngày 7 tháng 5.
***
Sau khi tan họp, Bidault đem theo người trợ lý chính là Chauvel cùng ăn tối với Eden. Eden nói với hai nhà ngoại giao Pháp rằng hiện tại chính phủ Bảo Đại Việt Nam cùng Vương quốc Lào và Campuchia thuộc Liên bang Đông Dương đều không có đại diện tại Genève, như thế là rất bất lợi. Molotov và Chu Ân Lai đã khéo léo lợi dụng cơ hội này để đả kích họ không có quyền đại diện cho các nước này, rằng các chính phủ này chỉ là bù nhìn.
Bidault cho biết là Pháp đã chuẩn bị gặp Molotov về việc này. Trong bữa ăn, Bidault và Chauvel bồn chồn không yên, đều lo lắng vì cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ sắp diễn ra tại Paris. Họ sợ rằng nếu Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ thì vai trò của Pháp tại hội nghị Genève sẽ bị ảnh hưởng và ngày càng suy giảm.
Sáng ngày 4 tháng 5, phái đoàn của ông Phạm Văn Đồng gồm 15 người đã đến Genève. Trước đó, ngày 29-4-1954, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra tuyên bố cho biết, trong thời gian Ngoại trưởng Hoàng Minh Giám đi chữa bệnh, Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Quyền Bộ trưởng Ngoại giao. Trên thực tế, từ ngày 20-4-1954 đến nay, Phạm Văn Đồng đã ở Moskva để chuẩn bị cho hội nghị. Trong phái đoàn Việt Nam còn có hai nhân vật có sứ mệnh thần bí, gồm một người Campuchia tên là Keo Moni, giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao của “Chính phủ Kháng chiến Campuchia’ và một người Lào, mang tên Nouhak (Phoumsavanh), chức danh là Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Kháng chiến Lào. Đến Genève, cả Keo Moni và Nouhak cùng ở với phái đoàn Việt Nam. Việc ăn uống của phái đoàn Việt Nam do phía Trung Quốc bảo đảm cung cấp, đây là do phía Việt Nam chủ động đề nghị. Liên Xô cung cấp hai xe ô tô cho phái đoàn Việt Nam, lái xe do Liên Xô và Trung Quốc mỗi nước cung cấp một người. Lái xe người Liên Xô có tên là Kenchev. Phạm Văn Đồng vừa đặt chân tới Genève, vấn đề Đông Dương tại hội nghị Genève nhộn nhịp hẳn lên(3).
Ông Phạm Văn Đồng đến Genève với nét mặt rạng rỡ. Tin chiến thắng từ mặt trận Điện Biên Phủ liên tiếp báo về làm cho ông tràn đầy hy vọng. Điều lo lắng duy nhất của ông là đến phút chót quân Pháp có thể chặn được cuộc tổng tấn công của quân đội Việt Nam, vì lẽ mùa mưa sắp bắt đầu tại Điện Biên Phủ rồi. Trong Tổng quân uỷ Quân đội Việt Nam đã bàn bạc quyết định nếu đánh đến giữa tháng 5, mùa mưa tới, trời mưa sẽ cắt mất đường vận chuyển tới Điện Biên, lúc đó nếu chưa giải quyết xong Điện Biên Phủ thì hàng vạn đại quân đành phải rút.
Trước tình hình nguy cấp tại Điện Biên Phủ, chính phủ Laniel ngày càng khốn khó. Tại phiên họp Quốc hội ngày 4-5-1954, các đại biểu liên tiếp chỉ trích chính phủ chưa chịu dồn sức cố gắng cho việc tìm kiếm hoà bình. Ngày 6-5-1954, Quốc hội yêu cầu tổ chức tranh luận về vấn đề Đông Dương. Laniel bác bỏ đề nghị này, do đó Quốc hội quyết định tổ chức bỏ phiếu về vấn đề tín nhiệm đối với chính phủ. Trước khi Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, Laniel đến phát biểu tại Quốc hội: “Không hề có ai yêu cầu chúng tôi tiếp xúc trực tiếp với Hồ Chí Minh cả, chẳng lẽ chúng ta lại chọn thời điểm trước ngày tiến hành đàm phán với họ để lật đổ chính phủ của mình hay sao?” Kết quả bỏ phiếu là 311/262, chính phủ Laniel vượt qua được với đa số mong manh 49 phiếu.
Thế nhưng, tiếng pháo đại bác vang lên ở Điện Biên Phủ đã làm cho chính phủ Laniel không thể chịu đựng thêm bất cứ sự đả kích nào nữa.

______________________
Chú thích:
1 Ghi chép của tác giả khi nghiên cứu hồ sơ tại Phòng lưu trữ hồ sơ Quốc gia Mỹ, Washington, tháng 5- 1992.
2 Elyne Shuckburgh, Descent to Suez, Diaries 1951-1956, published by Weidenfeld & Nicolson, London 1986, tr. 189-190.
3  Phỏng vấn Văn Trang tại Bắc Kinh ngày 14-12-1995.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #33 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 12:56:35 pm »

Chương 14

Tại nơi xa tổ quốc


Trong Palais des Nations ở Genève, các nhà ngoại giao các nước đấu trí, đấu dũng; các cán bộ phiên dịch ưu tú của các nước cũng tập trung tại đây thi thố tài năng. Sống tại đồi Vạn Hoa cách xa Tổ quốc hàng vạn dặm này, dạ hội cuối tuần đủ màu đủ sắc. Giai điệu của nhạc khúc “Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài” vang lên réo rắt bên hồ Leman. Mọi người tìm hiểu nước Trung Hoa mớí từ những góc độ khác nhau.
Palais des Nations được mệnh danh là trụ sở “Tiểu LHQ”, do thường xuyên tổ chức các hội nghị quốc tế, vì thế, các nhà phiên dịch ưu tú quốc tế tất nhiên cũng tập trung tại đây để thi thố tài năng của mình. Tại hội nghị Genève lần này, vấn đề Triều Tiên và Đông Dương được mọi người chú ý. Chỉ những người trong cuộc mới thật sự cảm nhận được rằng các cán bộ phiên dịch ở đây cũng rất vinh dự và trách nhiệm cũng rất nặng nề.
LHQ cử đến Genève các cán bộ phiên dịch cabin phục vụ cho hội trường hội nghị gồm bốn thứ tiếng chính là Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc, khả năng dịch nói của họ thật là tuyệt vời. Các phái đoàn, nhất là phái đoàn của các nước lớn đều có một nhóm phiên dịch rất xuất sắc, nắm được cái tinh tuý nhất để chuyển dịch sang các ngôn ngữ khác nhau. Trong hồi ký của mình, thành viên đoàn đại biểu Anh James (Eric) Cable cho biết trong đoàn đại biểu Pháp có một phiên dịch người Nga là Andreynikov, mỗi khi đại biểu của Pháp phát biểu, anh ta đều chăm chú lắng nghe và ghi chép liên tục. Bidault, nhất là Chauvel mỗi khi phát biểu đều thao thao bất tuyệt, khó có dịp dừng lại để cho phiên dịch theo kịp, nhưng Andreynikov vẫn luôn ung dung dịch sang tiếng Anh không hề bỏ sót một lời nào của diễn giả.
Phiên dịch của đoàn Liên Xô là Troyanovsky, dịch tiếng Anh luôn luôn trôi chảy như dòng suối nguồn khiến mọi người đều khâm phục. Nhưng khi Molotov về nước, Gromyko được cử làm Trưởng đoàn, đôi lúc có sửa lại phát âm của Troyanovsky. Thực ra, Troyanovsky nói tiếng Anh theo tiêu chuẩn của Anh, còn Gromyko lại nói theo giọng Mỹ một cách rõ rệt.
Ông Phạm Văn Đồng nói tiếng Pháp rất tốt, trình độ viết rất giỏi, trình độ tiếng Pháp của ông hơn hẳn cán bộ phiên dịch chính trong đoàn. Trong nhiều trường hợp, ông Đồng tự soạn lấy bài phát biểu bằng tiếng Pháp. Tại các phiên họp chính thức, ông đọc bằng tiếng Việt, nhưng trước mặt luôn có bản tiếng Pháp. Vừa phát biểu bằng tiếng Việt xong, ông Đồng liền đưa bản tiếng Pháp cho phiên dịch đọc bản Pháp văn.
So với các đoàn khác, đội ngũ phiên dịch của Trung Quốc không hề thua kém.
Khi mới đến Genève, Chu Ân Lai đưa bản dịch tiếng Nga bài phát biểu đầu tiên sẽ đọc tại tại Hội nghị Genève cho Molotov xem trước. Bản dịch này do Âu Dương Phi, con một liệt sĩ Trung Quốc lớn lên tại Moskva dịch, được Sư Triết, một “chuyên gia về Liên Xô” hiệu đính. Rất nhanh chóng, đoàn Liên Xô gọi điện đến nói rằng Molotov đã xem bài phát biểu, mời đoàn Trung Quốc cử người đến mang về.
Phổ Sơn (tức Phổ Thọ Sơn) được lệnh đến chỗ đoàn Liên Xô để lấy bài phát biểu về. Kết quả, không chỉ cầm về bản dịch tiếng Nga do Chu Ân Lai đưa cho Molotov, mà còn mang về cả bản dịch tiếng Anh kèm theo. Thì ra, đoàn Liên Xô lo ngại đoàn Trung Quốc không có đủ nhân tài dịch tiếng Anh, nên đã chủ động dịch từ bản tiếng Nga sang tiếng Anh để gửi cho đoàn Trung Quốc. Phổ Sơn cầm tài liệu, tự cười thầm, một là bản dịch này căn cứ vào bản tiếng Nga để dịch, có thể có sự khác biệt lớn hơn so với bản tiếng Trung Quốc, hai là bản dịch này cũng không có gì hay hơn so với bản dịch tiếng Anh mà đoàn Trung Quốc đã dịch xong.
Phổ Sơn trở về nói lại chuyện này, Chu Ân Lai cười và nói cứ dùng bản tiếng Anh của chúng ta, tôi sẽ nói lại với Molotov. Chu Ân Lai rất tin tưởng vào thực lực phiên dịch của cán bộ phiên dịch Trung Quốc(1).
Các cán bộ phiên dịch tiếng Anh của đoàn Trung Quốc đều là những người ưu tú thời đó, trong đó hai anh em Phổ Thọ Xương và Phổ Sơn là hai ngôi sao sáng.
Hai anh em họ Phổ đều là người Vô Tích thuộc vùng Giang Nam, là con thứ hai và thứ ba, sinh năm 1922 và 1923. Bố là một người làm công tác ngân hàng có thâm niên lâu năm trong ngành tài chính, cả ba người con đều được giáo dục tốt. Sau khi Chiến tranh kháng Nhật nổ ra, Phổ Thọ xương và Phổ Sơn vào học trường Đại học Michigan ở Mỹ, sau khi tốt nghiệp lại vào học cao học tại Đại học Havard, lần lượt được cấp bằng Tiến sĩ Kinh tế vào năm 1946 và 1949. Hai anh em đều có tư tưởng cấp tiến, Phổ Thọ Xương vào ĐCS Trung Quốc năm 1944, còn Phổ Sơn lại trở thành đảng viên ĐCS Mỹ vào năm 1945, đến năm 1949 được chuyển thành đảng viên ĐCS Trung Quốc. Sau khi nước Trung Hoa mới được thành lập, hai anh em vội vàng về nước và vào làm việc tại Bộ Ngoại giao. Phổ Thọ Xương công tác tại Tiểu ban Chính sách Bộ Ngoại giao, giỏi về dịch nói. Ông được các cán bộ ngoại giao ca ngợi là người có phản ứng nhạy bén về tiếng Anh, phát âm tốt, giọng nói truyền cảm. Thọ Sơn là người có khả năng rất tốt về viết tiếng Anh, sau khi về nước được cử đi tham gia đàm phán tại Bàn Môn Điếm về vấn đề Triều Tiên. Trình độ tiếng Anh của Thọ Sơn giỏi đến mức các nhà đàm phán Mỹ vô cùng thán phục, tìm mọi cách dò hỏi xem ông ta có phải là người Mỹ gốc Hoa không? Lần này đến Genève, Phổ Thọ Xương phụ trách dịch nói, còn Thọ Sơn chủ yếu lo việc dịch viết.
Đoàn Liên Thành, 28 tuổi là người dịch tiếng Anh các công việc sự vụ hàng ngày của đoàn Trung Quốc. Anh là người Côn Minh, Vân Nam, trước đây du học tại Mỹ, năm 1948 tốt nghiệp Học viện Báo chí thuộc trường Đại học Missouri. Khi nước CHND Trung Hoa ra đời, anh lên tàu về nước. Khả năng tiếng Anh của anh có thể độc lập công tác. Khi đó, Đới Triều Chú đã có tiếng là người giỏi tiếng Anh, nhưng do Phổ Thọ Xương, Phổ Thọ Sơn và Đoàn Liên Thành giỏi hơn, nên anh chỉ lo việc ở “hậu trường”, chuyên dịch các văn bản Trung/Anh, qua đó cho thấy lực lượng phiên dịch của đoàn rất hùng hậu.
Chương Văn Tấn, người phụ trách tổ phiên dịch, cũng là một cán bộ có tài thiên phú về ngoại ngữ. Ông biết bảy ngoại ngữ và sau là thứ trưởng Ngoại giao, từng làm đại sứ Trung Quốc tại Mỹ. Nhưng, lúc vừa mới đến Genève, Chương Văn Tấn đã bị nghi vấn. Nguyên do là bố mẹ ông thuộc gia đình quyền quí, họ hàng rất đông, quan hệ xã hội rất rộng. Mẹ của Chương Văn Tấn có tới chín chị em gái, đều có chồng là những người thành đạt hiển hách và phần lớn đều là công chức của Quốc Dân Đảng. Trong số này có ông Trần, chồng của dì Ba, đang là đại sứ của Quốc Dân Đảng tại một nước châu Âu. Sau khi tới Genève, Chương Văn Tấn vốn có tính thận trọng, không kìm nổi mình được nữa, cuối cùng ông hỏi Chu Ân Lai:
- Nếu tôi gặp người chồng của dì Ba tôi tại Genève này thì làm thế nào?
Nghe Chương Văn Tấn hỏi, Chu Ân Lai đáp:
- Làm thế nào ư? Chào hỏi nhau, họ hàng thân thích vẫn là thân thích họ hàng(2).
Sau khi đến Genève, người bận rộn nhất trong Đoàn đại biểu Trung Quốc, tất nhiên không ai khác ngoài Chu Ân Lai. Vương Bỉnh Nam ghi lại trong hồi ký của mình:
“Công việc của thủ tướng Chu Ân Lai rất bận rộn, ông tranh thủ mọi cơ hội có thể tranh thủ được và tận dụng mọi thời gian có thể. Trừ khi hội họp, ông dành toàn bộ thì giờ cho việc đọc tài liệu, nghe báo cáo, nghiên cứu, tìm hiểu những động thái diễn biến mới nhất trên thế giới, suy nghĩ, cân nhắc, xem xét giải quyết các vấn đề của hội nghị. Sáng dậy thường thấy ông chăm chú đọc sách, xem tài liệu, đèn phòng ông thường bật sáng từ chập tối cho tới khi trời sáng. Genève vốn được coi là thành phố có nhiều phong cảnh đẹp nổi tiếng, là một công viên thế giới. Các đoàn đại biểu nước ngoài đến Genève họp thường tranh thủ thời gian đi tham quan, du sơn ngoạn thuỷ. Chúng tôi thấy thủ tướng làm việc bận rộn và căng thẳng quá, cũng đã khuyên ông nên đi dạo chơi, nhưng ông thường nói một cách chân tình, làm việc nhiều thêm một chút, hơn nữa, chúng ta cần chú ý ảnh hưởng bên ngoài. Đoàn đại biểu chúng ta do Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng uỷ nhiệm, lần đầu tiên đem theo hy vọng của nhân dân cả nước đến đây nhằm mục đích tiến hành cuộc đấu tranh quốc tế để tranh thủ nền hoà bình thế giới, không phải đến đây để đi chơi. Về việc này, báo chí Thuỵ Sĩ đã có bài bình luận, khen ngợi rằng thủ tướng Trung Quốc không giống các vị khác, ngay cả ngày nghỉ cũng không đi ra ngoài du ngoạn, đúng là một lòng một dạ vì hội nghị(3).
Lý Việt Nhiên, phiên dịch tiếng Nga và Đổng Ninh Xuyên, phiên dịch tiếng Pháp trong đoàn đại biểu, đều nhớ lại là để tranh thủ thời gian, trong những ngày ở Genève, trong khi cạo râu vào mỗi buổi sáng, thủ tướng thường tranh thủ nghe cán bộ cấp dưới báo cáo công tác. Một hôm, Lý Việt Nhiên cùng Vương Bỉnh Nam đến biệt thự đồi Vạn Hoa để gặp Chu Ân Lai, nhưng vào phòng làm việc và phòng ngủ đều không thấy ông, ra ngoài sân cũng không tìm được, hỏi cán bộ bảo vệ, bảo vệ trả lời thủ tướng đang ở bên trong, chưa thấy thủ tướng ra khỏi phòng. Hai người lại vào phòng, kết quả thấy thủ tướng đang ngồi ngủ trên ghế trong phòng vệ sinh, trên mặt còn có cả bọt xà phòng. Thì ra thủ tướng đang định cạo râu, nhưng do mệt quá nên đã chợp mắt ngủ(4).
Tính thận trọng, tỉ mỉ của Chu Ân Lai làm cho các thành viên trong đoàn nể phục. Phổ Sơn nhớ lại: “Ở Genève, tôi được thường xuyên tiếp xúc với Chu Ân Lai, chủ yếu là đưa các văn kiện tài liệu để ông phê duyệt, trong đó có tài liệu đã được đánh máy hoặc in nhưng cũng có tài liệu viết tay cần được ông duyệt trước khi đưa in. Nhiều trường hợp cần đem tài liệu đi in gấp, nên khi ông duyệt, tôi thường đứng chờ bên cạnh, được thấy những chữ tôi viết bị ông xoá đi, sau đó ông cẩn thận viết lại thật rõ ràng, giúp cho nhân viên đánh máy đọc không bị nhầm lẫn. Từ đó về sau, khi viết, tôi chú ý viết rõ nét, không viết ngoáy nữa”.
Các nhân viên cơ yếu lại hiểu Chu Ân Lai dưới góc độ khác. Khi đó, nhân viên cơ yếu của đại sứ quán Trung Quốc tại Liên Xô được cử đến Genève là Thôi Hỷ Lộc (tức Thôi Lục) nhớ lại:
“Bất kể ông làm việc đến tận khuya mới đi ngủ, nhưng sáng hôm sau, ông thường dậy vào 7 giờ sáng. Mấy nhân viên cơ yếu chúng tôi ở ngay tầng trên cùng nhà với thủ tướng. Sau khi ngủ dậy thủ tướng có thói quen là ngáp thật to mấy tiếng, không chỉ cảnh vệ gác ở bên ngoài nghe thấy mà chúng tôi sống ở tầng trên cũng nghe rõ. Mỗi khi nghe tiếng ngáp, chúng tôi lại nghĩ: đã 7 giờ sáng rồi, một ngày mới bận rộn của thủ tướng lại bắt đầu”.
…“Có mấy đêm bận viết bài phát biểu, thủ tướng còn triệu tập cán bộ phụ trách các tổ tới phòng làm việc của mình ở lầu một, ông trực tiếp đọc bản dự thảo, trực tiếp chấp bút để sửa lại bản dự thảo theo góp ý của mọi người. Bản dự thảo ban đầu thường do Trần Gia Khang hoặc Kiều Quán Hoa khởi thảo. Công việc của nhân viên cơ yếu chúng tôi trước tiên là sắp xếp gọn gàng bản dự thảo của Trần Gia Khang hoặc Kiều Quán Hoa, sau đó đưa thủ tướng xem và sửa, sau đó lại sắp xếp lại bản thứ hai đã được sửa này cho rõ ràng và đưa lại thủ tướng thẩm định lần cuối. Tôi đã nhiều lần làm việc chuyển văn kiện tài liệu để thủ tướng phê duyệt, trực tiếp nhìn thấy thủ tướng đeo đôi kính râm, ngồi trước bàn làm việc, dưới ánh đèn bàn, thủ tướng lần lượt đọc kỹ từng câu từng chữ trong tài liệu, thỉnh thoảng dừng lại để hỏi han, trưng cầu ý kiến mọi người. Cứ như vậy, công việc sửa bản thảo có khi kéo dài tới ba, bốn giờ sáng hôm sau mới xong(5).
Chu Ân Lai là người trực tiếp xem xét xử lý công việc, tất nhiên có rất ít thời gian nghỉ ngơi. Về việc một mình thủ tướng phải xử lý những công việc quan trọng và nặng nề như vậy, đồng chí Lý Khắc Nông có quan điểm khác. Do hai bên quen biết nhau, một buổi tối, Lý Khắc Nông trực tiếp nêu ý kiến với Chu Ân Lai: “Đồng chí quản quá nhiều. Đồng chí là Tư lệnh, bây giờ quản đến tận cấp tiểu đội trưởng, trung đội trưởng thì còn cần đến chúng tôi làm gì nữa?(6)” Chu Ân Lai chỉ cười mà không hề nói gì.
______________________
Chú thích:
1 Phỏng vấn Phổ Sơn ở Bắc Kinh ngày 12-5-1998.
2 Phỏng vấn bà Trương Dĩnh, vợ Chương Văn Tấn tại Bắc Kinh ngày 2-7-1998.
3 Vương Bỉnh Nam, Điểm lại 9 năm đàm phán Trung - Mỹ, Thế giới Tri thức XBX, 1985, tr. 15.
4 Phỏng vấn Lý Việt Nhiên tại Bắc Kinh ngày 15-4-1998.
5 Thôi Lục, Công tác cơ yếu của tôi, Bắc Kinh XBX, 1994, tr.316-317.
6 Phỏng vấn Hà Phương tại Bắc Kinh, ngày 31-12-1995.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #34 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 12:59:08 pm »

Tuy bận rộn với công việc, nhưng Chu Ân Lai rất quan tâm đến sự nghỉ ngơi và vui chơi của các thành viên trong Đoàn. Chu Ân Lai nói với Lý Khắc Nông là mọi người có thể xem phim, hoặc tổ chức vũ hội vào cuối tuần và cũng có thể tổ chức đi tham quan Genève nhưng không được gây sự chú ý của bên ngoài.
Nhờ có ý kiến của Chu Ân Lai, các buổi tối cuối tuần trở nên khoan khoái, dễ chịu hơn với mọi người. Biệt thự đồi Vạn Hoa thường tổ chức vũ hội vào cuối tuần, các thành viên trong Đoàn Trung Quốc ở các địa điểm khác nhau lại tập trung về đây cùng nhau khiêu vũ. Chu Ân Lai cũng nhiều lần tham gia, có điều không thể tham dự từ lúc mở đầu đến khi kết thúc buổi khiêu vũ được. Tuy nhiên ông thường xuyên cổ vũ các cán bộ giúp việc ông tham gia khiêu vũ, ông thường nói: Mọi người làm việc vất vả năm, sáu ngày liền rồi, nên thư giãn cho khoan khoái. Khi Chu Ân Lai tham gia vào sàn nhảy, không cần đặc cách tìm mời bạn nhảy, bởi vì nữ giới nói chung đều cảm thấy vinh dự khi được nhảy cùng Chu Ân Lai, thường là các điệu nhảy không ôm nhau, không kéo đẩy nhau. Nhạc nhảy được dùng từ máy nghe đĩa hát. Khi thấy Chu Ân Lai đến, người phụ trách máy thường mở đĩa nhạc mà Chu Ân Lai vốn ưa thích. Hồi đó, Chu Ân Lai thường thích các bản nhạc như “Hoa nở rực hồng bên vách núi” và “Nhà cao vạn trượng từ bãi đất bằng” v.v. Nhạc vừa vang lên, Chu Ân Lai phấn chấn hẳn lên.
Cũng có những tối cuối tuần, biệt thự đồi Vạn Hoa lại chiếu phim tài liệu thời sự từ trong nước gửi sang. Có buổi chiếu phim tài liệu Triều Tiên đình chiến, trong đó có cảnh: Một quân tình nguyện Trung Quốc đưa một tù binh người của quân LHQ đến Bàn Môn điếm, người tù binh này từ chối không muốn về nước. Chu Ân Lai nhận ra người chiến sĩ quân tình nguyện Trung Quốc này và nói: “Đó chẳng phải là đồng chí của chúng ta ở đây sao? Anh ta tên là Quản Trấn Hồ”.
Trừ bốn người lãnh đạo của Đoàn đại biểu Trung Quốc, số cán bộ cùng ở tại biệt thự Vạn Hoa còn có Vương Bỉnh Nam, Kiều Quán Hoa, Trần Gia Khang, Hà Phương, các cán bộ phiên dịch Phổ Thọ Xương, Lý Việt Nhiên và Đổng Ninh Xuyên.
Trong những lúc bận rộn và mệt mỏi, Kiều Quán Hoa thường tranh thủ giải lao bằng cách kể chuyện vui. Ông có biệt tài kể chuyện tiếu lâm, mọi người nói đùa rằng ông nên mở “công ty truyện cười”. Sự hiện diện của Kiều Quán Hoa làm cho mọi người cảm thấy vui vẻ, dễ chịu hơn nhiều.
Có lần, khi đang ăn cơm, có cả Chu Ân Lai, Trương Văn Thiên và vợ chồng Vương Gia Tường, Kiều Quán Hoa chỉ tay về phía Hà Phương, thư ký riêng của Trương Văn Thiên và giới thiệu với mọi người: “Hà Phương thuộc lòng Hồng Lâu Mộng, có thể đọc thuộc lòng hầu hết các bài thơ và các đoạn trích trong Hồng Lâu Mộng”.
Bà Chu Trọng Lệ, vợ của Vương Gia Tường vốn là người thích văn học, cười nói: “Tôi không tin, nếu không Hà Phương hãy đọc bài thơ “Đào Hoa hành” trong Hồng Lâu Mộng nghe xem nào? “.
Hà Phương tuổi trẻ và mạnh mẽ, sẵn sàng chấp nhận sự thách đố, ứng khẩu nói luôn: “Đào Hoa hành nằm ở chương thứ 70 trong Hồng Lâu Mộng… và đọc luôn bốn câu thơ.
Đọc xong, Hà Phương liền được mọi người tán thưởng. Chu Ân Lai không muốn Hà Phương đọc tiếp bài thơ, liền hỏi cháu học “Hồng Lâu Mộng” từ khi nào? Hà Phương đáp: Từ ngày ở Diên An ạ.
Chu Ân Lai hài lòng nói: Diên An không chỉ đào tạo được nhiều tướng tài, mà còn bồi dưỡng được không ít văn nghệ sĩ(1).
***
Hội nghị Genève có hơn 700 nhà báo viết được cấp thẻ dự hội nghị, cộng thêm số phóng viên ảnh, phát thanh và truyền hình, tổng cộng lên tới hơn 1.300 nhà báo thuộc hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, trong đó nhiều nhất là Thuỵ Sĩ, tiếp đến là phóng viên Pháp, thứ ba là Anh, rồi đến phóng viên Mỹ, Tây Đức. Số phóng viên đến từ châu Á cũng không ít, riêng Trung Quốc có hơn 20 nhà báo, có cả phóng viên Israel. Thông thường, ở Genève có khoảng hơn 200 nhà báo các nước hoạt động. Hùng Hướng Huy là Chủ nhiệm Văn phòng Báo chí của đoàn đại biểu Trung Quốc, chịu trách nhiệm liên hệ với nhà báo các nước.
Về việc tiếp đãi phóng viên nước ngoài, Chu Ân Lai đã có chỉ thị gồm năm nguyên tắc:
- Bất kỳ ai đến đều không từ chối, nhưng có phân biệt đối xử.
- Thận trọng nhưng không rụt rè, giữ bí mật nhưng không thần bí;
- Khi nhà báo hỏi, không nên lạm dụng câu “không biết”. Phàm là những việc đã quyết định rồi, đã công bố rồi hoặc đã được uỷ quyền rồi thì đều có thể trả lời nhà báo được, nhưng phải ngắn gọn và rõ ràng. Nếu không thể trả lời ngày được, thì ghi lại, nghiên cứu trả lời sau.
- Đối với sự khiêu khích, ta dùng lý lẽ để phản bác; không nóng nảy, giận dữ.
- Trong khi tiếp xúc, cần chú ý tìm hiểu tình hình, kết bạn có chọn lọc, có trọng điểm.
Đoàn Trung Quốc tổ chức xong cuộc họp báo đầu tiên, Hùng Hướng Huy báo cáo với Chu Ân Lai: Phóng viên của hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan thường trú tại Paris là Vương Gia Tùng đề nghị được tham dự họp báo nhưng đã bị từ chối. Hùng Hướng Huy còn đề nghị với Chu Ân Lai là sẽ làm việc với “Câu lạc bộ báo chí’ do hội nghị Genève lập ra, đề nghị họ thu hồi lại thẻ nhà báo đã cấp cho Vương Gia Tùng.
Chu Ân Lai hỏi Hùng Hướng Huy:
- Vì sao phải làm như vậy?.
Hùng Hướng Huy đáp:
- Thông tấn xã Trung ương là cơ quan chính thức của chính quyền Đài Loan, cần cảnh giác chúng thực hiện “hai nước Trung Quốc” ở Genève.
Chu Ân Lai không tán thành, ông cho rằng không thể nói cảnh giác một cách trừu tượng, cảnh giác phải có căn cứ sự thật.
- Cảnh giác trên cơ sở không có chứng cứ thực tế là chủ nghĩa chủ quan, dẫn đến tự mình gây căng thẳng cho mình, làm thiệt hại cho công việc. Chính sách cơ bản của Tưởng Giới Thạch cũng là kiên trì một nước Trung Quốc, nhưng ông ta kiên trì là một “Trung Hoa Dân quốc”. Mỹ ngoan cố ủng hộ Tưởng Giới Thạch, luôn luôn phủ nhận sự tồn tại của nước CHND Trung Hoa. Hiện nay tình hình ra sao? Thuỵ Sĩ đã lập quan hệ ngoại giao với nước ta, Dulles buộc phải ngồi họp với chúng ta, ở đây đâu có bóng dáng của “hai nước Trung Quốc?
Chu Ân Lai nói với Hùng Hướng Huy:
- Anh phải hiểu rõ về con người Tưởng Giới Thạch. Tưởng Giới Thạch rất lo lắng về hội nghị này. Người Mỹ tất nhiên sẽ thông tin cho chúng, nhưng chúng không tin tưởng, cử phóng viên đến hội nghị rõ ràng nhằm tìm hiểu, nắm bắt một số tình hình và tài liệu thực tế của hội nghị này, như thế có điều gì không tốt cho chúng ta? Anh từ chối không cho phép người ta dự, như thế là không hợp tình. Anh còn định đề nghị “Câu lạc bộ báo chí” thu hồi thẻ dự hội nghị của họ, anh dựa vào lý lẽ nào? Anh bảo họ là đại diện chính thức của Quốc Dân Đảng ư? Nói như vậy chẳng hoá ra chính mình lại tạo ra ấn tượng “hai nước Trung Quốc”.
Nghe thủ tướng nói vậy, Hùng Hướng Huy hiểu ra, tự nhận thấy ý kiến của mình là sai và còn nói là mình chưa báo cáo xin ý kiến chỉ đạo kịp thời.
Chu Ân Lai nói:
- Tính tổ chức kỷ luật tất nhiên là quan trọng, nhưng không phải bất cứ việc gì cũng báo cáo xin chỉ thị, như thế là thiếu tinh thần trách nhiệm. Vấn đề gì quan trọng, chưa có tiền lệ thì nên báo cáo xin ý kiến, có khi gấp không kịp xin ý kiến, thì phải mưu trí quyết đoán, nhưng phải quyết đúng. Để làm được việc này, không thể chỉ dựa vào trình độ và kinh nghiệm, mà điều quan trọng nhất là phải có sự suy nghĩ và chuẩn bị kỹ càng, chu đáo từ trước. Khi Đoàn đại biểu tập trung ở Bắc Kinh, tôi đã yêu cầu mọi người nghĩ ra mọi tình huống, mọi vấn đề có thể xuất hiện, rồi lần lượt đề ra đối sách cần thiết, sau khi bàn bạc thảo luận, được coi là phương án dự bị của chúng ta. Nhờ có sự chuẩn bị đó, chúng ta mới tương đối chủ động.
Chu Ân Lai căn dặn Hùng Hướng Huy:
- Các đồng chí nên tổ một cuộc họp và bàn thêm một nội dung. Từ ngày nước CHND Trung Hoa thành lập đến nay, chúng ta luôn luôn phản đối mọi hoạt động mưu toan tạo ra “hai nước Trung Quốc”, đó là điều cần thiết. Hiện nay nhìn lại thì thấy chúng ta còn thiếu đi sâu phân tích cụ thể vấn đề này. Các đồng chí cứ nghiên cứu trước đi, chia ra các tình huống cụ thể, lần lượt đưa ra cách giải quyết tương ứng, viết thành văn bản gửi cho tôi.
Chu Ân Lai đặc biệt quan tâm chú ý việc chọn một nhà báo trong Đoàn có khả năng tiếp xúc được với Vương Gia Tùng để giải thích cho Vương Gia Tùng và báo cho anh ta biết là từ nay về sau nếu muốn tham dự họp báo của đoàn Trung Quốc thì chúng ta hoan nghênh. Nếu anh ta gặp khó khăn gì, chúng ta có thể giúp đỡ. Tuy nhiên cần chú ý liều lượng và mức độ khi tiếp xúc với họ, không nên vượt quá mức cần thiết, phải chú ý hoàn cảnh, điều kiện của họ, không được làm họ khó xử, nếu không có thể họ sẽ bị mất bát cơm ăn đấy(2).
Do được Chu Ân Lai căn dặn và sắp xếp, hoạt động của nhà báo Vương Gia Tùng tại Genève trở nên dễ dàng và thoải mái hẳn lên, anh ta cũng mạnh dạn tiếp xúc với các thành viên trong Đoàn đại biểu Trung Quốc.
Nhà cầm quyền Quốc Dân Đảng Đài Loan hết sức quan tâm theo dõi hoạt động của Đoàn đại biểu Trung Quốc tại Genève. Ngay từ hạ tuần tháng 3, họ đã chỉ thị cho Trịnh Bảo Nam, cố vấn của Đoàn đại biểu LHQ, với tư cách là “phó đại diện” đi dự Hội nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Genève, đảm trách chức “quan sát viên tại hiện trường”, sẽ có một trợ thủ là Thư Mai Sinh, một quan chức sứ quán Đài Loan tại Pháp đươc cử tới giúp việc Trịnh Bảo Nam. Trịnh Bảo Nam báo cáo với nhà cầm quyền Đài Loan tình hình Hội nghị Genève từ 26 tháng 4 đến 7 tháng 5 như sau:
“Rất ít thấy bóng dáng cán bộ Trung Cộng trên đường phố Genève. Tôi chỉ một lần trông thấy ba người trong một quán ăn của người Trung Quốc. Nhưng, cách đây hai ngày, họ đã chủ động tìm gặp ông Vương (Gia Tùng) của Thông tấn xã để nói chuyện. Tôi đã khuyến khích ông Vương nói chuyện với họ, tìm hiểu rõ hành động và phản ứng của họ đối với các tình huống. Ông Vương cho biết, thời gian gặp gỡ rất ngắn, các cán bộ Trung Cộng rất xem thường phương Tây, đặc biệt là người Mỹ, họ tỏ ra hết sức tự tin vào sức mạnh họ mới xây dựng được và khoe khoang về chiến thắng của họ ở Triều Tiên và Đông Dương''(3).
Tại Genève, Tổ trưởng “Tổ tình báo tin tức” của Đoàn đại biểu Trung Quốc là Tôn Phương, chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng Vụ Báo chí là bà Cung Bành. Các cuộc họp báo tại Hội nghị Genève phần lớn đều do Hoàng Hoa làm người phát ngôn, và chủ yếu do Lý Thận Chi chuẩn bị trước các bài phát biểu hoặc các mẩu giấy viết sẵn, còn Cung Bành chuyên lo khâu tổ chức, cũng có lần bà trực tiếp chủ trì họp báo. Nếu so sánh, khi ở bên dưới phòng họp báo, bà có vẻ hoạt bát, năng động hơn, vì bà có nhiều nhà báo quen biết ở Genève, bà tỏ ra có khả năng giao tiếp với các nhà báo. Quản Trấn Hồ, thành viên “Tổ tình báo tin tức” trước đây chưa biết Cung Bành, sau khi tiếp xúc với bà, Quản cũng công nhận Cung Bành là một phụ nữ đảm đang, tháo vát. Giới báo chí các nước cũng có chung nhận xét đó, đa số họ thích tìm hiểu những thông tin từ Cung Bành và sẵn sàng vui đùa cùng bà. Có nhà báo nói đùa với Cung Bành: “Thưa phu nhân xinh đẹp, bộ trang phục của bà hình như giản dị quá!”. Có nhà báo hỏi bà: “Xin bà kể lại thiên tình sử lãng mạn giữa bà với ngài Kiều Quán Hoa tại Trùng Khánh?”…, đại loại các câu chuyện vui đùa như vậy, cũng có lúc họ viết cả lên báo loại chuyện đùa tếu đó. Quản Trấn Hồ cắt mấy mẩu báo đọc cho Cung Bành nghe, bà chỉ cười, không hề cáu giận.
______________________
Chú thích:
1 Phỏng vấn Hà Phương tại Bắc Kinh, ngày 6-01-2000.
2 Hùng Hướng Huy, Dấu ấn lịch sử - hồi ký về Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và 4 vị nguyên soái, Trung ương Cộng đảng Học viện XBX.
3 Hồi ký Cố Duy Quân, Trung Hoa thư cục, 1990.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #35 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 01:02:18 pm »

Trong Tổ tình báo tin tức, Quản Trấn Hồ, Lưu Gia Kiệt phụ trách dịch viết. Quản Trấn Hồ thông thạo tiếng Pháp và tiếng Anh, chủ yếu phụ trách nghiệp vụ phiên dịch, trong phòng được đặt hai máy Telex, một chiếc tiếng Pháp, một chiếc tiếng Anh, liên tục ngày đêm thu nhận thông tin từ các hãng thông tấn lớn của Mỹ, Anh, Pháp. Nếu tin nhận được chất lượng kém, không rõ ràng, thì gọi điện thoại đề nghị đối phương phát lại. Hàng ngày, vào một thời gian nhất định, Tôn Phương và Quản Trấn Hồ được phân công đi lấy thư từ, báo chí tại hòm thư qui định của bưu điện. Quản Trấn Hồ chọn được trước mục tin tức và một số bài viết rồi thông báo với Tôn Phương. Tôn Phương quyết định nội dung xong thì Quản Trấn Hồ và Lưu Gia Kiệt chia nhau dịch, hai người trực tiếp viết trên tờ giấy than mỏng dính để có thể đem in ngay được, sau đó đem đến biệt thự Vạn Hoa cho Chu Ân Lai, Trương Văn Thiên và các vị lãnh đạo khác đọc. Các bản dịch này đồng thời còn được gửi tới các Đoàn đại biểu Liên Xô và Việt Nam(1).
Để bảo đảm thông tin kịp thời về Hội nghị Genève, đoàn nhà báo Trung Quốc được cử đến Genève gồm hơn 20 người, chủ yếu là các phóng viên của Tân Hoa Xã và Nhân dân nhật báo. Tin tức bằng tiếng Trung Quốc chủ yếu do Ngô Văn Đào và Lý Trang phụ trách. Các phóng viên Tân Hoa Xã chủ yếu có Thẩm Kiến Đồ, Trần Thích Ngũ, Lý Bình, Tưởng Nguyên Xuân và Ngôn Tiêu (Lý Thận Chi chủ yếu làm trợ lý cho Hoàng Hoa về công tác ngoại giao). Phóng viên Nhân dân nhật báo còn có Đỗ Ba, Uông Khê, ngoài ra còn có Lý Phong Bạch thuộc Nhà xuất bản Ngoại văn, Trịnh Thái thuộc trường Đại học Nhân dân đều làm việc cho Nhân dân nhật báo cùng hai nhà báo đã nổi tiếng là Lưu Tư Mộ và Đỗ Hùng.
Lý Trang đến thập kỷ 80 của thế kỷ XX đã trở thành Tổng biên tập Nhân dân nhật báo, ông kể lại: “Người nước ngoài không phân biệt rõ Đoàn đại biểu Trung Quốc với đoàn nhà báo Trung Quốc, vì thế thường có người đến khách sạn nơi đoàn nhà báo Trung Quốc ở để xin phỏng vấn, Lý Trang thường phải xuống tiếp họ và Lý Phong Bạch làm nhiệm vụ phiên dịch. Lý Phong Bạch là lưu học sinh tại Pháp, vợ là người Pháp, nói tiếng Pháp rất lưu loát. Một hôm, Lý Trang tiếp hai Hoa kiều, họ vốn là người Sơn Đông, trong chiến tranh thế giới thứ thứ nhất họ là thành viên của “mười vạn công nhân người Hoa” sang lao động ở Pháp, sau chiến tranh họ ở lại Pháp làm ăn sinh sống, lập gia đình, làm nông nghiệp ở nông thôn. Nay nghe tin có vị “Đại Tổng lý” (tức thủ tướng) của Trung Quốc đến Genève, họ đã từ Pháp đến đây để được trực tiếp bày tỏ sự sùng kính của mình đối với vị “quan chánh” của Tổ quốc.
Họ vừa nhìn thấy Lý Trang, chưa kịp trò chuyện, nước mắt đã lưng tròng, họ nói trong nước mắt: “Có nằm mơ cũng không ngờ còn có ngày hôm nay”. Khi nghe Lý Trang nói mình là người Hà Bắc, họ lại bắt tay lần thứ hai để tỏ tình đồng hương, vì Sơn Đông và Hà Bắc liền giáp nhau, được xem là “đại đồng hương”. Lý Trang vô tình kể lại là đã được đến Triều Tiên đưa tin khi chiến tranh Triều Tiên mới nổ ra, họ lại bắt tay Lý Trang lần thứ ba và nói: “Ông đã làm rạng rỡ cho tổ quốc, thật không đơn giản. Chúng ta cũng có thể “xâm lược, xâm lược rồi!”. Nghe vậy, Lý Trang rất kinh ngạc. Hoá ra, trong đầu hai vị Hoa kiều này bắt đầu dần dần hình thành tư duy lô gích: kẻ yếu luôn bị xâm lược, nước mạnh có thể đi xâm lược nước khác. Lý Trang giải thích cho hai vị Hoa kiều hiểu rằng suy nghĩ đó của họ là không đúng, Trung Quốc đem quân sang Triều Tiên không phải là xâm lược mà là để chống lại sự xâm lược của Mỹ”(2).
Phòng báo chí của đoàn đại biểu Trung Quốc cũng rất đông khách. Tại đây có các loại báo và tạp chí ngoại văn do trong nước xuất bản, nhưng còn bị hạn chế về số lượng và chủng loại có hạn, không đáp ứng được yêu cầu các vị khách. Các cán bộ trẻ của Phòng báo chí thay phiên nhau trực ban tiếp khách, họ đều có cảm giác mình tiếp chưa được chu đáo.
Chu Ân Lai biết được tình hình đó, ông nói căn cứ vào sự tiếp đón hiện tại, ta chỉ có thể nói là đạt yêu cầu một cách gượng ép, hiệu quả chưa cao. Có thể tổ chức các bữa tiệc nhỏ với các nhà báo hữu hảo, tổ chức tiệc nguội qui mô lớn với các nhà báo khác nói chung, mời họ hút thuốc lá Trung Quốc, uống rượu Trung Quốc, ăn các món ăn Trung Quốc, vừa ăn vừa nói chuyện, làm cho mọi người cảm thấy thoải mái, sôi động, không gò bó câu nệ(3).
Theo yêu cầu của Chu Ân Lai, từ tháng 5 trở đi, Đoàn đại biểu Trung Quốc bắt đầu tổ chức tiệc chiêu đãi. Ngày 6 tháng 5, đoàn đại biểu Trung Quốc tổ chức bữa tiệc chiêu đãi thứ hai qui mô lớn. Nhà báo nổi tiếng Lưu Tư Mộ ghi trong “Nhật ký Genève” của mình như sau:
“Mấy trăm nhà báo nước ngoài thuộc mấy chục nước đều được gửi giấy mời dự tiệc. Có nhà báo phương Tây không nhận được giấy mời cũng tự ý đến. Bữa tiệc mới bắt đầu không lâu, phòng tiệc lớn của khách sạn sang trọng Swissman đã đầy kín người ngồi, người đứng, trong đó có Vụ trưởng Vụ báo chí bộ Ngoại giao Liên Xô dày dạn kinh nghiệm Ilychev, có nhà báo Pháp tóc đã hoa râm Tabuip, có những nhà báo của các nước Dân chủ Nhân dân, những người bạn thật sự của nhân dân Trung Quốc. Tại đây còn có cả những đặc phái viên của báo chí Anh, Mỹ, xuất hiện với bộ mặt một chuyên gia về Trung Quốc. Tại đây có các bạn Việt Nam đang kháng chiến, lại có cả nữ ký giả của phía Bảo Đại ăn mặc kiểu quần áo dân tộc nhưng lại Tây phương hoá. Các khách phương Tây thưởng thức hương vị Trung Quốc qua các món ăn và đồ uống phong phú đa dạng, đồng thời cảm nhận được thái độ rộng mở, chân thành và hoà nhã của nhân dân Trung Quốc qua cách đón tiếp và trò chuyện của chủ nhà và qua một số bức tranh ảnh treo xung quanh phòng tiệc giới thiệu những thành tựu mới xây dựng đất nước của Trung Quốc.
Khi rượu Mao Đài Quí Châu, hoàng tửu Thiệu Hưng, sâm banh Yên Đài cùng với vải thiều khô của Quảng Đông, bánh kẹo Tô Châu và món điểm tâm sản xuất tại chỗ được các chiêu đãi viên của khách sạn đem ra mời khách thưởng thức, chủ và khách quây quần bên nhau, cùng nhau trò chuyện, trao đổi tự do thoải mái bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Đồng chí Hoàng Hoa rất bận rộn, vất vả. Ở đây vừa có tiếng cười nhiệt tình hữu nghị của bè bạn, vừa có cả những câu hỏi và trả lời thẳng thắn, trực tiếp… Bữa tiệc kéo dài tới hơn 11 giờ khuya”[
color=red](4)[/color].
Cán bộ Phòng báo chí đặc biệt quan tâm những tin tức và bình luận của phóng viên phương Tây. Khi một nhà báo Mỹ nhận xét: Tại Genève tôi không thấy “sự bi ai và nỗi thống khổ” của mấy trăm triệu người dân Trung Quốc dưới sự thống trị của ĐCS. Cán bộ Phòng báo chí lập tức báo cáo ngay với lãnh đạo đoàn.
Sau khi được nghe báo cáo, Chu Ân Lai chỉ thị tổ chức cuộc chiêu đãi phim dành cho các nhà báo nước ngoài, chiếu phim tài liệu về Lễ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc. Thủ tướng còn dặn dò phải biết chọn ngày tổ chức cho khéo, không tổ chức vào ngày có các cuộc hội họp lớn, cũng không nên chiếu phim vào cuối tuần đối với các nhà báo nước ngoài. Phải chia giấy mời làm hai loại, một loại ghi rõ tên họ, mời đích danh, loại thứ hai không ghi tên người nhận, cứ để tại “Câu lạc bộ nhà báo” để họ tự lấy giấy mời, thuận tiện cho các nhà báo Đài Loan, Hàn quốc, Miền Nam Việt Nam (tức Việt Nam Bảo Đại) và phóng viên Mỹ muốn đến xem phim. Khi chiếu phim, dùng tiếng Anh giới thiệu tóm tắt nội dung phim theo bản thuyết minh tiếng Trung Quốc.
Tối 13 tháng 5, Đoàn đại biểu Trung Quốc tổ chức buổi chiêu đãi phim tại Quảng trường Thánh Peter ở khu vực Genève cũ, chiếu phim tài liệu màu “Kỷ niệm Quốc khánh năm 1952”. Nơi chiếu phim tuy không phải khu phố sầm uất, nhưng buổi tối, số người đến xem phim cũng rất đông, hầu như hết ghế trống, đa số là phóng viên các nước. Những cảnh trong phim như mấy chục vạn nhân dân Bắc Kinh xếp thành đội ngũ chỉnh tề, biểu tình tuần hành đi qua Thiên An Môn có chủ tịch Mao Trạch Đông đứng trên vẫy chào, được khán giả chú ý và thán phục.
Sau buổi chiếu phim, Chu Ân Lai hỏi có ai phê bình gì không? Hùng Hướng Huy báo cáo rằng anh gián tiếp được nghe ý kiến của một nhà báo Mỹ nói bộ phim chứng tỏ Trung Quốc đang thực hiện chủ nghĩa quân phiệt.
Chu Ân Lai nghe xong liền có ngay ý nghĩ mới. Ông nói, dù ý kiến đó chỉ là cá biệt, ta cũng cần chú ý, sẽ chiếu tiếp bộ phim “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài” cho họ xem.
“Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài” là bộ phim hý kịch màu do xưởng phim Thượng Hải vừa xây dựng xong, được chuyển thể từ vở Việt kịch “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài”. Chu Ân Lai quê gốc ở Thiệu Hưng, quê hương của Việt kịch, ngay từ hồi nhỏ ông đã yêu thích Việt kịch. Từ thập kỷ 40 đến thập kỷ 50, ông rất ngưỡng mộ hai diễn viên Việt kịch nổi tiếng là Viên Tuyết Phần và Phạm Thuỵ Quyên. Năm 1953, nghe tin vở Việt kịch “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài” chuẩn bị dựng thành phim, ông đã yêu cầu diễn viên nổi tiếng Viên Tuyết Phần đóng vai nữ chính Chúc Anh Đài.
Bộ phim màu này vừa được xây dựng xong ở trong nước, mang tính thí điểm, để lấy ý kiến của khán giả. Hùng Hướng Huy quê ở Phong Dương, tỉnh An Huy, nhưng lại lớn lên ở Vũ Hán, không hiểu ý nghĩa các câu phương ngôn vùng Giang Tô, Chiết Giang. Vì Chu Ân Lai đã căn dặn nên Hùng Hướng Huy đã đem phim về khách sạn chiếu xem trước. Trong lúc chiếu phim, một số nhân viên khách sạn người Thuỵ Sĩ có vào xem, nhưng được một lúc, họ đều lần lượt bỏ ra về hết. Hùng Hướng Huy phán đoán có lẽ do họ không hiểu bộ phim nói gì, bởi lẽ nếu không có chữ phụ đề bên dưới, bản thân Hùng Hướng Huy cũng không hiểu được nội dung lời hát Việt kịch trong phim. Hùng Hướng Huy nghĩ chiếu phim “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài” cho người nước ngoài xem chẳng khác gì “đàn gảy tai trâu” vậy.
Xem hết bộ phim, Hùng Hướng Huy đề nghị những người nắm được nội dung vở kịch này viết lại nội dung kịch bản và nội dung lời hát chính, khoảng 15-16 trang thuyết minh, chuẩn bị để dịch sang tiếng Anh, để ở phòng chiếu phim cho khán giả tự cầm lấy đọc. Hùng Hướng Huy đã từng du học bên Mỹ, tiếng Anh khá tốt, ông dịch ý của chữ “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài” sang tiếng Anh là “Bi kịch của Lương và Chúc”, đề nghị Chu Ân Lai duyệt lại.
Chu Ân Lai xem và lắc đầu, nói với Hùng Hướng Huy, đây là “Bát cổ”, bản thuyết minh dài mười mấy trang thì ai đọc? Chu Ân Lai nói tiếp: “Nếu tôi là nhà báo, tôi sẽ không đọc”. Tiếp đó ông nói rõ ý kiến của mình: Cần viết rõ trong giấy mời là “Kính mời ông (bà) tới xem bộ phim ca kịch màu Romeo và Juliet”. Chu Ân Lai rất tự tin nói tiếp: “Trước buổi chiếu, dùng tiếng Anh giới thiệu nội dung phim khoảng ba phút, giới thiệu vài nét kịch tính, dùng từ ngữ có chất thơ ca văn vẻ một chút, cộng với vẻ bi kịch của cốt chuyện, dẫn dắt khán giả đi vào câu chuyện trong phim, không cần giải thích gì khác dài dòng. Anh cứ làm thử như vậy đi, tôi bảo đảm không thể thất bại được. Không tin, ta có thể đánh cược. Nếu thất bại, tôi sẽ tặng anh một chai rượu Mao Đài, tôi chi tiền”.
Hùng Hướng Huy tiện thể nói luôn: “Viết xong bản thuyết minh tôi sẽ trình thủ tướng duyệt”. Chu Ân Lai trả lời ngay: “Đó là việc của các cậu, tôi không bao biện làm thay”.
Mọi việc được tiến hành theo ý chỉ đạo của Chu Ân Lai. Tối 20 tháng 5, đoàn Trung Quốc tổ chức chiếu phim “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài”. Phim được chiếu ngay tại phòng ăn lớn của khách sạn, có sức chứa khoảng 250 người, kết quả là người đến dự ngồi kín hết ghế, trong đó có nhà báo Đài Loan Vương Gia Tùng. Toàn bộ quá trình chiếu phim, hội trường lặng thinh, người xem tha thiết đươc tìm hiểu mọi thứ về nước Trung Hoa mới. Mọi thứ của nước Trung Hoa mới đều mới lạ đối với họ. Câu chuyện “Lương - Chúc” mang đậm màu sắc dân tộc của Trung Quốc, người xem chưa hề được nghe, được thấy, chăm chú theo dõi.
Cảnh phim “khóc bên nấm mộ”, “hoá bướm” qua đi, đèn bật sáng, cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay. Câu chuyện “Lương - Chúc” tìm được bạn tri âm mới bên hồ Leman xa xôi. Sau khi nghe báo cáo về kết quả buổi chiếu phim, Chu Ân Lai đã cho người đem đến cho Hùng Hướng Huy một chai rượu Mao Đài, ông dặn: ghi tiền chai rượu này vào tài khoản của Chu Ân Lai(5).
Nhà quan sát Quốc Dân đảng Trịnh Bảo Lâm báo cáo với nhà cầm quyền Đài Loan các hoạt động nói trên của Đoàn đại biểu Trung Quốc, trong đó viết: “Chính quyền Trung Cộng được dịp tham gia các hoạt động chính trị nước lớn, họ gây được ấn tượng tốt trong phóng viên báo chí, nhất là Đoàn đại biểu Anh. Họ hành động với tư cách nước lớn và cũng được dư luận rộng rãi công nhận là một nước lớn”.
Tháng 6, nhà báo Philippines Uynxơn Uâytamơn từ Genève về Mỹ, đã phỏng vấn Cố Duy Quân, khi kể về ấn tượng ở Genève, phóng viên này nói Trung Cộng là người thu được nhiều lợi ích nhất ở hội nghị Genève. Chu Ân Lai đóng vai trò đại diện một nước lớn, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng rất nhiều người. Phóng viên này nói với Cố Duy Quân: Mọi người ở Genève đều có ấn tượng chung là Trung Hoa đỏ không phải là một nước vệ tinh mới của Liên Xô, mà là một nước tương đối độc lập.
Nhà ngoại giao kỳ cựu Cố Duy Quân rút ra ấn tượng là: “Cho đến nay, Trung Cộng đã tận dụng đến mức cao nhất cơ hội tham dự Hội nghị Genève để nâng cao vị trí và uy tín quốc tế của mình”(6).
______________________
Chú thích:
1 Phỏng vấn Quản Trấn Hồ tại Bắc Kinh ngày 5-3-1998.
2 Lý Trang, 40 năm mưa gió ở Nhân dân nhật báo, Nhân dân nhật báo XBX, 1993, tr. 167.
3 Hùng Hướng Huy, Dấu ấn lịch sử - hồi ký về Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và 4 vị nguyên soái, Trung ương Cộng đảng Học viện XBX, tr.129.
4 Lưu Tư Mộ, Nhật ký Genève, tạp chí Thế giới Tri thức số 11, 1954.
5 Hùng Hướng Huy, Dấu ấn lịch sử - hồi ký về Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và 4 vị nguyên soái, Trung ương Cộng đảng Học viện XBX.
6  Hồi ký Cố Duy Quân, Trung Hoa thư cục, 1990
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #36 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 01:08:25 pm »

Chương 15

Nhìn về Đông Dương: Gió Đông đang thổi mạnh


Molotov nói một cách hài hước với Eden rằng lần này, thành công của Dulles có lẽ ở chỗ ông ta đã đến Genève nhưng lại không chú ý đến những hoạt động thành thạo của Chu Ân Lai. Sau 55 ngày đêm chiến đấu ác liệt, quân đội Việt Nam đã đánh chiếm được Điện Biên Phủ. Không khí tại Hội nghị Genève đã thay đổi sau khi nhận được tin chiến thắng này. Qua đài phát thanh, Phạm Văn Đồng được tin thắng trận Điện Biên Phủ, ông nói: “Hãy mau mang rượu sâm banh ra đây!”. Người Pháp cũng đang lớn tiếng hô: “Hãy trao chính quyền cho De Gaulle!”.
Ngày 5 tháng 5, Molotov và Gromyko đến trụ sở của Eden cùng ăn tối. Molotov cao hứng nói với Eden về bộ phim tài liệu Lễ tấn phong Nữ hoàng Anh và quan hệ giữa các nước khối Liên hiệp Vương quốc Anh. Khi đề tài nói chuyện đề cập tới vấn đề Đông Dương, Molotov hoàn toàn không có ý tranh luận, ông nói Liên Xô và Anh vẫn nên luân phiên nhau làm chủ tịch hội nghị, nếu để cho chín nước tham dự hội nghị luân phiên nhau làm chủ tịch thì e rằng hội nghị không thể tiếp tục được.
Eden biết rõ cả Pháp và Mỹ đều đồng ý điểm này nên tỏ vẻ vui mừng và nhân đà này đồng ý luôn với chủ trương của Liên Xô. Eden nói với Molotov rằng Hội nghị Genève kỳ này là cuộc đàm phán khó khăn nhất trong quá trình hoạt động ngoại giao của ông ta.
Molotov cũng đáp luôn: “Tôi rất thông cảm”. Ông nói, tại hội nghị này, Anh và Liên Xô, với tư cách hai đồng chủ tịch, trách nhiệm rất nặng nề, liên quan đến sự thành công hay thất bại của hội nghị.
Eden nói:
- Tôi cảm thấy, đối với hội nghị Genève, vấn đề Triều Tiên không phải là vấn đề cấp bách nhất, vì lúc này Triều Tiên không đánh nhau nữa. Nếu chúng ta không tìm được phương án giải quyết vấn đề Triều Tiên, chúng ta có thể giữ nguyên trạng tình hình Triều Tiên hiện nay, tiếp tục chờ đợi. Nhưng Đông Dương thì khác, tình thế lúc này ở đó vẫn rất nguy hiểm. Trước tiên là phải thực hiện ngừng bắn tại đó, nếu có thể làm cho cuộc chiến dừng lại, chúng ta mới có thể hiểu được lập trường của đôi bên trong một hoàn cảnh không quá bức bách.
Eden còn nói với Molotov về lập trường của người Mỹ đối với Trung Quốc và đề nghị ông chuyển lời tới phía Trung Quốc rằng người Mỹ hy vọng họ phóng thích số người Mỹ đang bị giam giữ.
Molotov chăm chú lắng nghe và nói với Eden một cách uyển chuyển rằng:
- Trước đây chính phủ Liên Xô đã từng có lúc cảm thấy là Tưởng Giới Thạch cũng khả dĩ; nhưng rốt cuộc Mao Trạch Đông đã tự xây dựng được chính quyền và cũng không ngờ là thắng lợi của Mao Trạch Đông lại nhanh chóng như vậy. Hiện nay, Tưởng Giới Thạch đã hoàn toàn thua rồi, không còn cơ hội ngóc đầu dậy được nữa đâu. Người Mỹ cần phải đối diện với hiện thực đó. Molotov hài hước nói với Eden rằng, lần này, thành công của Dulles có lẽ ở chỗ ông ta đã đến Genève, nhưng lại không chú ý tới những hoạt động của Chu Ân Lai.
Eden nói:
- Tại hội nghị Genève nếu chúng ta không kiểm soát một cách hiệu quả tình hình Đông Dương thì những người ủng hộ của hai phía có thể sẽ thật sự phải đứng trước một cuộc đối đầu vũ trang qui mô lớn. “Nếu quả thật như vậy, đây có lẽ sẽ là sự mở màn của cuộc chiến tranh thế giới thứ thứ ba”.
Cả Molotov lẫn Gromyko đều gật đầu cho ý kiến đó là đúng(1).
Sau khi Molotov ra về, Evelyn Shuckburgh, cùng tham dự cuộc gặp đó, hỏi Eden:
- Có vẻ Molotov thật sự hy vọng có thể khôi phục hoà bình tại Triều Tiên và Đông Dương, vậy mục đích của ông ta là cái gì?
Eden đáp:
- Vì ông ta lo rằng cuộc chiến cứ tiếp tục có thể sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới.
Bởi vậy sách lược của Anh là phải thúc đẩy Molotov khẳng định ý nghĩ đó của mình. Eden còn nêu ra một thứ lý luận khác: Nước Nga hôm nay là một chính quyền “tự mãn” (A satisfied power), cần phải ổn định, khoan sức dân, họ không muốn đánh nhau liên miên.
Shuckburgh tán thành, cho rằng so với Trung Quốc, người Liên Xô rõ ràng sợ chiến tranh thế giới và bom nguyên tử hơn, trong đó có nguyên nhân một bộ phận lãnh thổ của Liên Xô dễ bị phương Tây tấn công, còn một nguyên nhân khác là do họ là một nhà nước kiểu “tự mãn”, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đã làm họ bị thiệt hại nặng nề, nay cần tập trung vào công cuộc xây dựng đất nước. Shuckburgh là một kẻ khôn ngoan, ông ta ghi lại trong nhật ký của mình về sự đánh giá của Eden ngày hôm qua như sau: “Trong nội tâm, tôi là một người hữu khuynh, người Mỹ vẻ bề ngoài là hữu khuynh, Molotov trong nội tâm là một người tả khuynh, còn Chu Ân Lai bề ngoài cũng là một người hữu khuynh”
Đáng tiếc là Eden không nói đến Nehru. Ngày 5 tháng 5, Nehru gửi một bức điện cho Eden, tuyên bố rằng Ấn Độ sẵn sàng đóng góp sức mình vào việc thúc đẩy tiến trình hội nghị Genève. Ý đồ của Nehru đã rõ. Eden nhận xét: “Đây là một tin tốt lành!”.
Cùng ngày 5 tháng 5, vừa về tới Washington, Dulles đã tới báo cáo ngay với Eisenhower về tình hình Hội nghị Genève. Dulles tỏ ra bất bình với lập trường của Anh, cho rằng Eden có ý định thoả thuận về một hiệp định hoà bình tại Genève.
Eisenhower nhận định rằng lý luận về “con bài domino” phù hợp với tình hình châu Á hiện nay, nghĩa là châu Á là khu vực then chốt quan trọng để ngăn chặn sự “bành trướng” của Trung Cộng. Nếu một nước không giữ vững, bị sụp đổ, các nước khác sẽ lần lượt bị sụp đổ theo. Châu Á mà để mất, so sánh lực lượng trên toàn thế giới sẽ có thay đổi căn bản. Eisenhower muốn thi hành chính sách đối kháng với Trung Quốc ở châu Á.
Khó khăn ở chỗ nước Pháp thật sự không muốn tiếp tục cuộc chiến nữa, trong khi đó Mỹ lại không có binh lính ở Đông Dương. Nếu Pháp kiên quyết không đánh nữa, thì dù Mỹ có muốn đánh cũng không thể đánh ngay được, Mỹ chưa thể kịp thời điều chỉnh chính sách quyết liệt như vậy được. Cho dù Mỹ chuẩn bị trực tiếp dính líu vào Đông Dương, hội nghị Genève có lẽ cũng là một cơ hội để tranh thủ thời gian. Mỹ có thể tranh thủ dịp này để tăng cường huấn luyện quân đội Bảo Đại, dần dần hình thành “hệ thống phòng thủ” Đông Nam Á, lấy Sài Gòn, chứ không phải Hà Nội, làm trục trung tâm của hệ thống này. Ngoài ra, cả Eisenhower và Dulles đều cho rằng hội nghị Genève chắc chắn sẽ thất bại, cuối cùng sẽ dẫn đến sự đối đầu quyết liệt hơn giữa hai phe Đông-Tây. Hội nghị Genève thất bại sẽ tạo cớ cho Mỹ trực tiếp nhảy vào Đông Dương. Mỹ đến hội nghị Genève với thái độ hãy chờ xem.
Ngày 6 tháng 5, báo cáo của Dulles trở thành chương trình nghị sự đầu tiên của Hội nghị an ninh quốc gia Mỹ. Dulles nói, trước mắt chúng ta còn phải suy nghĩ cân nhắc xem Mỹ có nên đem quân chiến đấu tới Đông Dương không? Nhưng, đa số những người tham dự cuộc họp đều cho rằng vấn đề cấp bách lúc này là ngăn không cho Pháp đạt thoả thuận về một hiệp định hoà bình với Việt Minh ở hội nghị Genève. Họ yêu cầu tổng thống Mỹ thông báo cho Pháp biết rằng, nếu Pháp có ý định hoà bình thì kết quả sẽ là để Việt Minh chiếm lĩnh được toàn bộ Đông Dương, sẽ ảnh hưởng nặng nề đến quan hệ giữa Pháp và Mỹ. Nếu như vậy Mỹ sẽ lập tức đình chỉ viện trợ quân sự.
Hội nghị còn quyết định: Mỹ nên bỏ qua Pháp, trực tiếp liên hệ với các nước Đông Dương, nếu đối phương nêu ra yêu cầu, Mỹ có thể đơn phương tham gia vào các công việc của Đông Dương.
Eisenhower tán thành quan điểm này, đó chính là mối hiểm hoạ để sau này Mỹ can thiệp trên qui mô lớn vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Eisenhower đề nghị ngày hôm sau tiếp tục bàn thêm vấn đề này. Tuy nhiên, họ đã bị chậm một bước, quân Pháp ở Điện Biên Phủ không còn sức chống chọi đến ngày hôm sau nữa.
***
Ba giờ chiều ngày 6 tháng 5, những cơn mưa kéo dài trên vùng biên giới Việt Nam và Lào đã tạnh, bầu trời Điện Biên Phủ lại quang mây và hửng nắng. Tổng Tư lệnh quân đội Việt Nam, Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh tổng tấn công đến cấp trung đoàn.
5 giờ 30 phút chiều, pháo binh Việt Nam bắt đầu chuẩn bị nổ súng. Cố vấn quân sự Trung Quốc, Đổng Nhân phụ trách chỉ huy đại đội hoả tiễn sáu nòng, một đơn vị được phép tham gia “Bản giao hưởng” đại bác này. Các quả đạn hoả tiễn tới tấp lao vào trung tâm lòng chảo Điện Biên. Đạn hoả tiễn do Trung Quốc chế tạo lần đầu tiên được sử dụng ở chiến trường Đông Dương. Quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ trước đây chưa từng được nếm mùi vị của đạn hoả tiễn, nay chỉ trong chớp mắt, từng chùm đạn pháo bay đến, tạo thành một biển lửa, khiến chúng tròn mắt khiếp sợ.
Đới Hoàng là người đươc trực tiếp chứng kiến giờ phút lịch sử đó. Ông kể lại với tác giả:
“Hai ngày trước khi bắt đầu cuộc tổng tấn công, tôi đến trận địa một trung đoàn thuộc Sư đoàn 312 quân đội Việt Nam đóng ở phía đông bắc lòng chảo Điện Biên Phủ, phỏng vấn một số cán bộ chiến sĩ đơn vị về công tác chuẩn bị cho đợt xung phong cuối cùng trong trận quyết chiến này, đồng thời cũng muốn được tận mắt nhìn thấy những hình ảnh khó quên của cuộc tổng tấn công chắc chắn sẽ được ghi vào sử sách này.
Cán bộ chỉ huy trung đoàn dẫn tôi khom người chui vào một công sự ngầm có sức chịu đựng sự công phá của một quả đạn cối. Tôi nhìn thấy rõ thị trấn Mường Thanh vốn có tới 2.000 dân sinh sống, nay hầu như không một bóng người.
8 giờ 30 phút tối 6 tháng 5, cuộc tổng tấn công bắt đầu. Hàng trăm khẩu đại bác và súng cối của quân đội Việt Nam đồng loạt nổ súng. Cánh đồng Mường Thanh lồi lõm vì bị cày xới bởi nhiều đợt oanh kích trước đây, nay lập tức bị bao phủ bởi ánh chớp loé sáng và khói mù của đạn pháo các loại. Sức chấn động của đợt pháo kích này mạnh tới mức quả đổi dưới chân tôi cũng bị rung chuyển.
Ánh sáng đạn pháo hoả tiễn của quân đội ta đã làm rực sáng màn đêm Điện Biên Phủ”(2)
.

Tại mặt trận phía đông Điện Biên Phủ, cứ điểm quân Pháp ở cao điểm đồi E2 là lá chắn cuối cùng của quân Pháp. Sau khi màn đêm buông xuống, một tấn thuốc nổ TNT đặt dưới cứ điểm E2, do bộ đội bí mật đào đường ngầm vào đặt trước đó, đã vang lên một tiếng nổ cực mạnh. Cứ điểm bị phá sập, quân Pháp đóng ở cao điểm này, ngoài số bị chết khi thuốc nổ, tất cả số còn lại đều mất sức chiến đấu. Các chiến sĩ quân đội Việt Nam, những người quyết tâm hy sinh chiến đấu vì nền độc lập của dân tộc, đã nhất tề hô vang “xung phong”, xông lên chiến đấu với giặc Pháp.
Tuyến phòng ngự của quân Pháp ở Điện Biên Phủ hoàn toàn tan vỡ. Hơn 5 giờ chiều ngày 7 tháng 5, bộ đội Việt Nam xông lên đánh chiếm hầm chỉ huy của tướng de Castrie, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ. Đại đội trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tạ Quốc Luật hô lớn bằng tiếng Pháp: “Ai là tướng Đờ Cát?”
De Castrie nghe rõ câu nói của Tạ Quốc Luật liền đáp: “Tôi đây. Liệu tôi có cần phải ra lệnh cho quân đội của tôi ngừng chống đối không?”.
Tạ Quốc Luật lại nói to: “Không cần, hoàn toàn thừa. Binh sĩ của ngài đã đầu hàng mà không cần mệnh lệnh của ngài. Chúng tôi đã chiến thắng!”.
Giữa lúc Tạ Quốc Luật đang nói với de Castrie, Chu Bá Thế, một trung đội trưởng trẻ tuổi đã bước lên, hai tay phất cao lá cờ đỏ sao vàng.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi với việc bộ đội Việt Nam đã tiêu diệt 16.000 quân Pháp. Binh đoàn cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương đã mất sức chiến đấu, cục diện trên chiến trường Việt Nam đã có những thay đổi cơ bản.
***
______________________
Chú thích:
1 Sir Anthony Eden, Full Circle London: Cassell & Co., Ltd., 1960, tr.116-117.
2 Phỏng vấn Đới Hoàng tại Bắc Kinh, ngày 5-9-1994.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #37 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 01:15:33 pm »

Sáng ngày 7 tháng 5, nhiều cách nói, nhận định khác nhau về tình hình chiến sự ở Điện Biên Phủ lan tràn khắp Genève. Smith và Eden cùng đến thăm Bidault. Ba vị trưởng đoàn ba nước sánh vai nhau đi dạo quanh vườn hoa. Bidault có vẻ tâm thần bất định, ông ta đang chờ chỉ thị của Paris. Hội nghị Genève về Đông Dương sẽ bắt đầu vào ngày mai rồi.
Khi Eden và Smith rời khỏi nhà Bidault, tin tức về việc quân đội Việt Nam chiếm được Điện Biên Phủ đã được chuyển đến Genève. Smith lại đến gặp Bidault lần nữa. Sau khi ra về, Smith nói với Eden rằng tâm trạng Bidault lúc này rất xấu, tình hình rất khó khăn. Xem ra ông ta không thể không đưa ra phương án ngừng bắn, mà phía Mỹ lại không muốn có phương án ngừng bắn này. Smith nói, chúng ta cần cố gắng hết sức động viên Bidault, tăng cường vai trò của ông ta tại Genève. Smith đề nghị Eden gọi điện nói chuyện với Bidault.
Eden lắc đầu nói với Smith:
- Từ lâu tôi đã nói là không thể giữ được Điện Biên Phủ. Bidault phải hiểu được điều đó, nhưng ông ta lại trì hoãn đàm phán, cho đến mấy hôm trước vẫn như vậy.
Eden muốn ám chỉ rằng chính Bidault đã làm hỏng việc.
Smith nói với Eden:
- Không nên như vậy, lúc này ngài có thể làm được vài điều gì đó.
Cuối cùng Eden cũng đồng ý gọi điện cho Bidault. Smith có vẻ rất mệt mỏi, nói:
- Làm những chuyện như thế này, tôi đã dần dần bị bạc đầu rồi đó.
Smith ra về, Shuckburgh đề nghị với Eden:
- Sao ta không đề nghị thủ tướng Churchill gửi thư cho Laniel, đề nghị ông ta chỉ chị cho Bidault, Pháp phải nhanh chóng đi vào đàm phán ở Genève mới là thượng sách.
Eden tán thành ngay, ông nói:
- Đây là một ý kiến hay.
Eden lập tức soạn nội dung bức điện gửi cho Churchill, giao cho Shuckburgh thực hiện và yêu cầu chuyển ngay.
Buổi tối cùng ngày, đêm đã về khuya, Shuckburgh đang ngồi trong phòng đọc sách bên lò sưởi, bất ngờ nghe tiếng súng nổ ngoài vườn hoa. Shuckburgh lập tức lao đến cửa sổ nhìn ra xung quanh quan sát, chỉ thấy mấy lính cảnh vệ đang lục soát, tìm kiếm gì đó ở lùm cây trong vườn hoa. Hoá ra, họ nghe thấy một tiếng động lạ phát ra từ phía lùm cây, thần kinh bị căng thẳng nên họ đã nổ súng, làm cho mọi người hốt hoảng(1).
Thời gian của Paris và Điện Biên Phủ chênh nhau 7 tiếng đồng hồ.
Hồi 5 giờ 30 phút chiều ngày 7 tháng 5, khi Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật xông vào hầm ngầm chỉ huy của tướng de Castrie, lúc đó ở Paris là 10 giờ 30 phút sáng. Buổi trưa cùng ngày, chính phủ Pháp nhận được tin về Điện Biên Phủ. 4 giờ 30 phút chiều, Văn phòng thủ tướng Pháp thông báo cho Quốc hội biết là thủ tướng sẽ đọc bài phát biểu quan trọng tại Quốc hội. Lúc này, tin tức về Điện Biên Phủ đã loang ra khắp Paris, các nghị sĩ tấp nập đến trụ sở Quốc hội, ngồi kín cả hội trường.
4 giờ 45 phút chiều, thủ tướng Pháp Laniel đến trụ sở Quốc hội với bộ trang phục màu đen. Hình như ông ta không làm chủ được tình cảm của mình. Ông nói với các nghị sĩ một cách chậm rãi và giọng nói trầm hẳn xuống:
- Chính phủ vừa nhận được tin, sau 20 giờ đồng hồ chiến đấu thảm khốc và quyết liệt, trận địa trung tâm Điện Biên Phủ đã bị mất.
Laniel nói giọng khàn khàn, cả hội trường im phăng phắc.
Laniel nói tiếp:
- Kẻ địch muốn đánh chiếm Điện Biên Phủ trước khi khai mạc hội nghị Genève về Đông Dương để hòng chiếm lợi thế, họ cho rằng làm như vậy có thể giáng một đòn quyết định vào ý chí chiến đấu của quân đội Pháp. Họ là như vậy, họ hy sinh tính mệnh của hàng nghìn binh lính làm cái giá để báo đáp lại nguyện vọng hoà bình của nước Pháp. Hỡi các vị anh hùng quân đội Pháp! Các vị đã anh dũng chiến đấu 55 ngày đêm, xứng đáng với sự ca ngợi của toàn thế giới…
Đầu óc Laniel lúc này rối như mớ bòng bong, ngoài mấy lời nói mỹ miều dành cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ ra, ông ta chẳng biết nói gì hơn, càng không biết sau đó sẽ ra sao nữa.
Tối hôm đó, Nhà hát lớn Paris huỷ bỏ chương trình biểu diễn đã định trước của đoàn múa Balet Moskva. Các đài phát thanh và truyền hình Pháp huỷ bỏ các tiết mục vui chơi giải trí trong ngày, thay vào đó họ phát các bản nhạc cổ điển.
10 giờ đêm, Laniel hẹn gặp đại sứ Mỹ tại Pháp Clarence Douglas Dillon(2). Vừa nhìn thấy Laniel, Dillon đã cảm thấy Laniel đang bồn chồn không yên. Laniel nói:
- Theo tôi, kẻ thù trực tiếp nhất của Pháp hiện nay là Trung Quốc.
Quân viễn chinh Pháp ở nơi xa vạn dặm không thể địch nổi Trung Quốc, vì vậy Laniel yêu cầu Mỹ thể hiện rõ lập trường của mình đối với tình hình Đông Dương sau khi Điện Biên Phủ thất thủ. Ông ta còn yêu cầu Mỹ lập tức cử ngay một sĩ quan am hiểu vấn đề Đông Dương tới Paris để hội đàm. Laniel nói với Dillon rằng tuyến phòng thủ của quân Pháp ở vùng đồng bằng sông Hồng ở Việt Nam quá yếu, hiện nay phải thu hẹp phòng tuyến, thậm chí có thể phải điều quân đội ở Lào về để phòng thủ vùng đồng bằng sông Hồng”(3).
Chiều ngày 7-5-1954, những người vui mừng nhất ở Genève tất nhiên là đoàn đại biểu Việt Nam do Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Lúc đó, các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam đang ở trong phòng để chuẩn bị các văn kiện tài liệu cho hội nghị Genève ngày hôm sau. Qua đài phát thanh Pháp, họ đã được tin chiến thắng Điện Biên Phủ.
Phạm Văn Đồng vui vẻ nói to: “Mau, hãy mau đem rượu sâm banh ra đây!”
Các cán bộ giúp việc vội vàng đi lấy rượu, nhưng tìm khắp nhà ăn và nhà kho đều không có rượu sâm banh, cuối cùng chỉ thấy có chai rượu vang đỏ.
Phạm Văn Đồng nói: “Cũng được, cũng được, vang đỏ cũng được”.
Rượu vang đỏ được rót đầy mấy chiếc ly rượu, tất cả các thành viên trong đoàn đại biểu Việt Nam, trong đó có Văn Trang, cùng nhau nâng cốc chúc mừng Điện Biên Phủ chiến thắng.
Uống xong rượu mừng chiến thắng, Phạm Văn Đồng nhắc: “Mau ra ngoài phố mua mấy tờ báo!”
Báo chí được mua về, Phạm Văn Đồng vội cầm lấy mở ra xem ngay(4).
Đoàn đại biểu Trung Quốc đã có chuẩn bị trước. Ngay trong ngày, người phát ngôn đoàn đại biểu Trung Quốc, Hoàng Hoa ra tuyên bố nêu rõ: “Đoàn đại biểu Trung Quốc luôn có thái độ đồng tình với việc giải quyết chuyên chở thương binh ra khỏi Điện Biên Phủ. Đoàn đại biểu Trung Quốc cho rằng vấn đề này nên để cho hai bên giao chiến tiếp xúc giải quyết với nhau tại hội nghị Gieneve. Kinh nghiệm đình chiến ở Triều Tiên chứng tỏ rằng, cách giải quyết vấn đề như vậy là hiện thực”.
Hoàng Hoa cố ý làm cho mọi người phải chú ý khi ông nói rằng, ngày 5-5-1954, thành viên đoàn đại biểu Pháp đã gặp gỡ thành viên đoàn đại biểu Trung Quốc về việc này. Nghe nói phía Pháp không tiện trực tiếp tiếp xúc với đoàn đại biểu Việt Nam, yêu cầu Đoàn đại biểu Trung Quốc đứng ra làm trung gian. Ngày hôm qua, đoàn đại biểu Trung Quốc đã bày tỏ ý kiến nói trên với phía Pháp(5).
Sáng 8-5-1954 là ngày Pháp kỷ niệm chín năm Ngày chiến thắng chiến tranh thế giới thứ hai, theo truyền thống sẽ có lễ đặt vòng hoa tại Đài Liệt sĩ vô danh với sự tham gia của cả tổng thống và thủ tướng Pháp. Nhưng do tin thất thủ Điện Biên Phủ, mọi người không còn vui vẻ như trước nữa. Khi thủ tướng Laniel và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đến đài Liệt sĩ vô danh, quần chúng căm phẫn hô to: “Hãy đưa các người đến Điện Biên Phủ!”.
Nghi lễ chính thức vội vàng kết thúc. Một chiếc xe con màu đen bóng loáng phóng đến khu vực mộ Liệt sĩ vô danh. Xe dừng lại, một người cao lớn, mặc bộ quân phục cấp tướng màu nâu nhạt từ trong xe bước ra, cảnh sát lập thành hàng rào, quân nhạc cử bản hành khúc.
Ông ta bước đến trước mộ Liệt sĩ, cúi đầu mặc niệm, sau đó ngẩng đầu lên, giơ tay chào lá quốc kỳ Pháp. Khi ông ta quay người bước về ngồi vào xe, đám đông vang tiếng hô: “Hãy trao chính quyền cho de Gaulle!”.
Ông ta chính là de Gaulle. Ông không nói năng gì, chỉ vẫy tay chào mọi người, sau đó phóng xe ra về.
Sáng 8 tháng 5, tại Genève, Bidault gặp Molotov. Hai bên xác định không tranh cãi về vấn đề tư cách tham gia hội nghị của đoàn đại biểu ba nước Đông Dương và của Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nữa, để cả 4 vị đại diện này cùng tham dự hội nghị.
Bidault quá mệt mỏi. Được Laniel phê chuẩn, nhiệm vụ cấp bách nhất của đoàn Pháp tại hội nghị Genève là tranh thủ ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện, càng sớm càng tốt. Dưới tiền đề ngừng bắn ngay lập tức, Pháp dự định chấp nhận “phương thức Triều Tiên”, từ bỏ miền Bắc Việt Nam, bảo toàn miền Nam Việt Nam và Lào, Campuchia. Song, dù áp dụng “phương thức Triều Tiên”, liệu có giữ nổi vùng Thượng Lào hay không, Bidault cũng không biết. Mục tiêu thứ hai mà Pháp đề ra là đòi Trung Quốc phải đình chỉ viện trợ cho Việt Nam.
4 giờ 30 phút chiều cùng ngày (8-5-1954), tại Palais des Nations đã diễn ra các bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của hội nghị Genève về Đông Dương. Phiên họp này do Eden làm Chủ tịch, mời Ngoại trưởng Pháp Bidault lên phát biểu trước.
Ngoại trưởng Pháp Bidault giữ thái độ im lặng suốt quá trình hội nghị Genève về Triều Tiên trước đó, hôm nay ông ta đã lên tiếng.
Đúng như mọi người dự đoán, Bidault mở đầu bài phát biểu của mình bằng cách nói về chiến dịch Điện Biên Phủ. Bidault nói:
- Kính thưa Ngài Chủ tịch, nhân dịp hội nghị khai mạc, tôi muốn đề cập tới một sự mở đầu đầy kịch tính - Một cuộc chiến đấu tàn khốc nhất trong cuộc chiến tranh kéo dài đã bảy năm. Chiến dịch có tính chất quyết định khác thường này kéo dài 55 ngày đêm liên tục đã kết thúc hôm nay, đêm trước ngày khai mạc hội nghị Genève. Hội nghị này vốn nhằm mục đích mưu tìm hoà bình… Ngày hôm qua, Tổng Tư lệnh quân đội Pháp đã tuyên bố kết cục của chiến dịch Điện Biên Phủ với lời lẽ như sau: “Quân đội trấn giữ Điện Biên Phủ đã hoàn thành sứ mệnh được giao phó”.
Tại đây, đoàn đại biểu Pháp không hề giấu diếm sự đau buồn sâu sắc của mình, đồng thời tự hào về những binh sĩ ưu tú nhất này của nước Pháp và tinh thần anh hùng của các chiến binh Việt Nam và khối Liên hiệp Pháp, họ đã tiến hành chống trả với nghị lực phi thường”.
Bidault rêu rao rằng kết cục của chiến dịch Điện Biên Phủ không hề ảnh hưởng đến lập trường của Đoàn đại biểu Pháp. Bidault nói, sự thống trị của Pháp ở Việt Nam không phải là không được chấp nhận. Thí dụ về mặt dân số, 30 năm trước cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, số dân Việt Nam đã tăng từ 16 triệu lên 26 triệu người. Một diện tích đất đai hoang vu rộng lớn đã được khai hoang, mảnh đất Việt Nam cổ xưa, nay đã đựợc bắt đầu thai nghén một nền công nghiệp hiện đại. “Đông Dương đã đi vào con đường văn minh hiện đại, trong ngoài đoàn kết, đã được hưởng độc lập và chủ quyền đầy đủ”. Bidault hoàn toàn né tránh không nói gì đến vấn đề quan trọng là Pháp đã tiến hành thống trị thực dân suốt 80 năm qua đối với Việt Nam.
______________________
Chú thích:
1 Elyne Shuckburgh, Descent to Suez, Diaries 1951-1956, published by Weidenfeld & Nicolson, London 1986, tr. 194-195.
2 Clarence Douglas Dillon U.S. Ambassador Extraordinary and Plenipotentiary to France (1953-1957)
3 Rorbert F. Randle, Geneva 1954: The Settlement of the Indochinese War, Princeton: Princeton University Press, 1969.
4 Phỏng vấn Văn Trang tại Bắc Kinh ngày 15-2-1990.
5 Tin Tân Hoa Xã, ngày 9-5-1954.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #38 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 01:17:56 pm »

Bidault nói, hội nghị Genève lần này cần đạt được một hiệp định ngừng bắn ở Đông Dương. Pháp đề nghị:
Về vấn đề Việt Nam:
- Theo đề nghị của Bộ chỉ huy hai bên giao chiến, tất cả bộ đội chính qui tập trung tại khu vực tập kết do hội nghị Genève qui định.
- Tất cả các lực lượng vũ trang không chính qui, hoặc lực lượng cảnh sát đều phải giải giáp vũ trang.
- Lập tức phóng thích toàn bộ tù binh và dân thường đang bị giam giữ.
- Đề nghị Tổ chức Giám sát Quốc tế giám sát việc thực hiện các điều khoản nói trên.
- Khi đạt được thoả thuận, hai bên lập tức huỷ bỏ trạng thái đối địch.
- Khi Hiệp định được ký kết, cần phải tập trung quân đội và giải giáp vũ trang các lực lượng vũ trang hữu quan không chậm ngày giờ do hội nghị Genève qui định.
Về vấn đề Campuchia và Lào:
1. Bộ đội chính qui và du kích Việt Nam đã vào đất Campuchia và Lào phải rút hết về nước(1).
2. Các nước tham dự hội nghị Genève bảo đảm việc thi hành hiệp định nói trên. Khi có hành vi vi phạm hiệp định, các nước bảo đảm hiệp định sẽ lập tức họp bàn để áp dụng các hành động đơn phương hoăc biện pháp chung để giải quyết sự việc.
Tiếp đó, Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Phạm Văn Đồng lên phát biểu. Bài phát biểu của ông Đồng không nhằm vào bài nói của Bidault, mà ông kêu gọi hội nghị: hãy mời các đại diện của “Chính phủ kháng chiến” Campuchia và Lào tới tham dự hội nghị Genève. Ông nói: Chính phủ kháng chiến hai nước này đã “giải phóng được một khu vực rộng lớn” trên đất nước mình, họ là đại diện của nhân dân nước họ. Ông đưa ra một dự thảo nghị quyết để Hội nghị xem xét, nội dung như sau:
Trước tình hình các nước Đông Dương hiện nay, để có thể thảo luận rộng rãi vấn đề chấm dứt hành động đối địch và khôi phục hoà bình ở Đông Dương, hội nghị nhận thấy cần phải mời đại diện chính phủ kháng chiến của Campuchia và Pathet Lào tham dự hội nghị để giải quyết vấn đề đình chỉ hành động đối địch và khôi phục hoà bình trên lãnh thổ hai nước này.
Tiếp đó, ông Đồng đọc bản tuyên bố của Chủ tịch Chính phủ kháng chiến Campuchia, Sơn Ngọc Minh và của thủ tướng Pathet Lào Souphanouvong yêu cầu tham dự hội nghị Genève.
Smith lên phát biểu, ông ta phản đối việc thảo luận ngay lập tức vấn đề tư cách thành viên của hội nghị, với lý do vấn đề này đã được Hội nghị Berlin quyết định rồi. Hội nghị Berlin xác định rõ bốn nước là Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp là bốn nước khởi xướng hội nghị Genève, Trung Quốc và các nước khác có ý muốn tham gia hội nghị cũng được tham dự Hội nghị Genève bàn về vấn đề Đông Dương, tuy nhiên Hội nghị Berlin không xác định rõ “các nước hữu quan khác” là những nước nào. Smith nói: “Pathet Lào” và “Campuchia Issarak” mà ông Đồng đề nghị, trên thực tế không tồn tại, thì làm sao có đại diện chính phủ của họ tham dự hội nghị này được? Ông ta đề nghị Hội nghị nghỉ họp tại đây để cho bốn nước Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp bàn về vấn đề thành viên của Hội nghị.
Chu Ân Lai lên phát biểu, ông nói ngắn gọn, bày tỏ không tán thành ý kiến của đại biểu Mỹ, hội nghị này phải có quyền thảo luận vấn đề tham dự hội nghị của các nước có liên quan, đồng thời hy vọng hội nghị có thể thông qua.
Trưởng đoàn Liên Xô, Molotov lên phát biểu. Ông nói: “Hội nghị này là nhằm bàn vấn đề khôi phục hoà bình ở Đông Dương, vì vậy bản thân chương trình nghị sự của hội nghị cũng quan trọng, hội nghị sẽ đề cập các công việc của ba nước Đông Dương là Việt Nam, Campuchia tự do và Pathet Lào, rất rõ ràng, để hội nghị thu được kết quả, đại diện của các bên liên quan đều cần tham gia hội nghị”. Molotov nói, không chỉ có Việt Nam, mà nhân dân Campuchia, nhân dân Pathet Lào cũng đang tiến hành đấu tranh cho tự do và độc lập của mình, họ có một khu vực tương đối rộng lớn, không thể từ chối đại diện của họ tham dự hội nghị Genève.
Trích thông cáo của Hội nghị Berlin, Molotov nói tiếp, qua bản thông cáo có thể thấy rõ, ngoài năm nước lớn là Trung Quốc, Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, còn cần phải mời “các nước hữu quan” tham dự hội nghị. Không phải đã thảo luận ở Genève này rồi hay sao, do ba nước phương Tây mời các nước Liên bang Đông Dương, còn việc mời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là do hai nước Liên Xô, Trung Quốc mời. Hiện nay, đại diện của ba nước thuộc Liên bang Đông Dương đã ngồi trong phòng họp này rồi, thế mà Hội nghị Berlin vốn không qui định họ được tham dự hội nghị này.
Molotov nói rõ, tại hội nghị này, một đoàn đại biểu hoàn toàn có quyền yêu cầu quốc gia khác tham dự hội nghị. Về ý kiến của đại biểu Mỹ nêu ra rằng để cho các nước tham gia hội nghị Berlin bàn bạc vấn đề quyền đại diện của các nước tham dự hội nghị Genève, đại diện Liên Xô không phản đối, nhưng phải do đại diện của năm nước lớn tham gia, chỉ dựa vào bốn nước lớn là không được.
Bidault lại lên phát biểu, cho rằng cái gọi là “chính phủ kháng chiến” Campuchia và Pathet Lào là không có trong thực tế, là “chính phủ ma”, không thể để cho các đại biểu của loại chính phủ này tham dự Hội nghị Genève. Song, ông ta lại nói, tôi không phản đối việc dừng cuộc họp và kéo dài thời gian thảo luận thêm vấn đề này.
Tiếp đó, Eden phát biểu, cho rằng chỉ có “bốn nước lớn” tham gia hội nghị Berlin mới có quyền quyết định những đại diện của các nước có thể tham dự hội nghị Genève, ông ta không tán thành ý kiến của ông Phạm Văn Đồng và đề nghị ngừng cuộc họp tại đây.
Lúc này, đại diện Vương quốc Campuchia, Tép Phan có lời muốn nói. Vị đại diện của Sihanouk này kiên quyết bác bỏ sự tồn tại của “chính phủ kháng chiến” Campuchia. Ông ta nói: “Nếu như ở Campuchia lại còn có một chính phủ “Campuchia Issarak”, chúng tôi không hiểu nói như thế là chỉ cái gì? Nếu có, thì là do nó đã được nặn ra nhằm một mục đích nào đó. Vừa rồi, đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nói rằng, “Campuchia Issarak” đã giải phóng được một vùng lãnh thổ rộng lớn, nâng cao được mức sống của người dân đã sống lâu năm ở đó. Song, tôi thấy cần phải nói rằng, “vùng lãnh thổ rộng lớn này” là ở đâu? Nhưng cách đây ít lâu quả là có một số đất đai của Campuchia đã bị một tập đoàn vũ trang chiếm đóng và khi quân đội chính qui Campuchia đến thì tập đoàn vũ trang này lại dồn ép người dân tị nạn lên vùng núi”.
Càng nói, ông ta càng xúc động: “Nếu như nói Campuchia Issarak đại diện cho ai, thì họ chỉ đại diện cho chính họ mà thôi”(2).
Chu Ân Lai lại đứng lên phát biểu, ủng hộ ý kiến của Molotov, bày tỏ nên để “năm nước lớn” thảo luận đề nghị của ông Phạm Văn Đồng sau phiên họp này. Chu Ân Lai chỉ trích bài phát biểu của đại diện Pháp và Campuchia coi thường quyền độc lập dân tộc của nhân dân Campuchia và nhân dân Pathet Lào.
Phạm Văn Đồng yêu cầu phát biểu. Ông nói, vấn đề tham dự hội nghị của đại diện Campuchia và đại diện Pathet Lào là một vấn đề thực tế quan trọng. Có chủ nghĩa đế quốc xâm lược, do đó người dân buộc phải chống lại, lập ra bộ đội vũ trang và chính phủ, tất nhiên phải mời đại diện của họ tham dự hội nghị. Còn việc họ có phải là “ma” hay không, mời các đại biểu vào hội trường sẽ nói rõ vấn đề.
Hội nghị đã kéo dài khá lâu. Eden nói:
- Hội nghị này đã có hai đề nghị khác nhau, một chủ trương để cho bốn nước lớn hiệp thương về đề nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau phiên hop này, một chủ trương khác để cho năm nước hiệp thương với nhau sau hội nghị này. Hai đề nghị này không khớp nhau.
Eden đề nghị nghỉ họp. Lúc này đại biểu (Vương quốc) Lào (Phui) Sananikone phá vỡ sự im lặng, yêu cầu phát biểu, song, giọng điệu có vẻ dịu đi nhiều. Ông thừa nhận sự tồn tại thực tế của “Pathet Lào”, nhưng lại chỉ trích “Pathet Lào” cản trở khối đoàn kết, thống nhất của Lào, do đó ông phản đối đại diện của “Pathet Lào” tham dự hội nghị Genève.
Sau phát biểu của đại diện Vương quốc Lào, Eden tuyên bố nghỉ họp. Hiệp đấu đầu tiên về vấn đề Đông Dương tạm dừng.
______________________
Chú thích:
1 Các điều khoản khác giống với mục I về vấn đề Việt Nam, tác giả lược bỏ (chú thích của nguyên bản)
2 Ghi chép của tác giả khi nghiên cứu hồ sơ tại Phòng lưu trữ hồ sơ Quốc gia Mỹ, Washington, tháng 5- 1992.
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #39 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2010, 01:21:40 pm »

Chương 16

Hai phe ranh giới rõ ràng


Chiến tuyến không có ranh giới rõ ràng, bộ đội Việt Nam đều có mặt trong các cuộc chiến đấu đan xen nhau giữa địch và ta tại ba nước Đông Dương, nên coi đó là một cuộc chiến thống nhất của Đông Dương, hay tách ra thành tình huống khác nhau của ba nước riêng rẽ để thảo luận? Vấn đề mấu chốt của Đông Dương bị ách tắc. Chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ làm cho lập trường của ông Phạm Văn Đồng trở nên cứng rắn. Về vấn đề Đông Dương, lúc đầu hội nghị cho là việc dễ, nay hoá ra lại khó khăn.
Chiều 10-5, Hội nghị Genève về Đông Dương họp phiên thứ hai, do Molotov chủ trì.
Phạm Văn Đồng phát biểu đầu tiên, ông tuyên bố về việc phóng thích các tù binh Pháp bị bắt ở Điện Biên Phủ, làm cho Bidault vốn thần kinh bị căng thẳng mấy ngày qua, nay cảm thấy dễ chịu đôi chút. Ông Đồng tuyên bố:
“Trong cuộc chiến tranh này, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà luôn luôn thực hiện chính sách nhân đạo, nhất là đối với tù binh và thương binh. Xuất phát từ chính sách nhân đạo này, chính phủ chúng tôi chuẩn bị cho phép chuyển số quân viễn chinh Pháp bị thương nặng trong số tù binh Pháp bị bắt giữ ở Điện Biên Phủ, nếu chính phủ Pháp muốn đưa số thương binh này về, đại diện của Bộ tư lệnh hai bên sẽ cùng nhau bàn bạc các biện pháp cụ thể”.
Sau khi nghe xong tuyên bố, Ngoại trưởng của chính quyền Bảo Đại là Nguyễn Quốc Định phát biểu, ông ta vừa trao cho chủ tịch hội nghị một bức thư yêu cầu chính phủ Hồ Chí Minh thả số thương binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt yêu cầu thả số binh lính người Việt Nam.
Molotov lập tức tuyên bố:
- Chúng tôi nhận được thư của ngài Nguyễn Quốc Định khi phiên họp vừa mới bắt đầu, hiện còn đang dịch, cho nên tôi chưa biết nội dung bức thư.
Molotov nói, tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng đã “thể hiện ý kiến của những người tham dự hội nghị. Cử chỉ nhân đạo đối với binh lính Pháp bị thương rõ ràng sẽ cải thiện điều kiện cho thương binh đồng thời cũng phù hợp với nguyện vọng chung của chúng ta”. Molotov mời Phạm Văn Đồng tiếp tục phát biểu.
Lúc này, Bidault xin được nói chen vào, ông ta phát biểu bày tỏ hoan nghênh tuyên bố của ông Đồng.
Tiếp đó, ông Đồng đọc bài phát biểu dài. Ông nhắc lại quá trình lịch sử Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ và cuộc chiến đấu giành lại độc lập của nhân dân Việt Nam. Ông Đồng nói:
“Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lâp của Việt Nam như sau: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem hết tinh thần và lực lượng, sẵn sàng hy sinh tính mệnh và của cải để giữ vững nền độc lập đó”.
Cuối cùng ông Đồng đưa ra “đề nghị tám điểm”:
Nước Pháp phải công nhận chủ quyền và độc lập của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Trong thời hạn mà hai bên giao chiến thoả thuận, phải rút hết quân đội nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Campuchia và Lào. Trước khi rút quân, hai bên sẽ thoả thuận về địa điểm tập kết quân đội Pháp tại Việt Nam, đặc biệt lưu ý địa điểm tập kết quân đội phải được giới hạn trong phạm vi nhỏ nhất và cần qui định rõ quân đội Pháp không được can thiệp vào công việc của chính quyền địa phương nơi họ tập kết.
Tổ chức bầu cử tự do tại ba nước Đông Dương, thành lập chính phủ thống nhất, nước ngoài không được can thiệp.
Chính phủ Việt Nam sẵn sàng ra tuyên bố về việc tham gia khối Liên hiệp Pháp một cách có điều kiện.
Ba nước Đông Dương công nhận nước Pháp có lợi ích kinh tế và văn hoá hiện có tại ba nước Đông Dương.
Hai bên giao chiến bảo đảm không khởi tố, trả thù những người đã hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh.
Thực hiện trao đổi tù binh.
Trước khi thi hành các biện pháp trên đây, trước hết phải chấm dứt mọi hành động thù địch tại Đông Dương và ký kết các hiệp định:
Quân đội hai bên tham chiến hoàn toàn ngừng bắn;
Chấm dứt việc đưa nhân viên vũ trang và vũ khí đạn dược từ nước ngoài vào;
Thành lập một Ủy ban giám sát do hai bên tham chiến lập ra để giám sát việc thi hành các điều khoản của hiệp định.
Sau khi đọc xong bài phát biểu đã được chuẩn bị trước này, ông Đồng lại cầm mấy tờ giấy vừa mới viết ra và nói:
- Tôi còn muốn nói đôi lời về bài phát biểu cách đây hai ngày của đại diện Pháp. Chủ yếu tôi muốn nói hai điểm: một là trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, nhà cầm quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã đầu hàng Nhật Bản, vì vậy sau chiến tranh, nhân dân Việt Nam đã đứng lên khởi nghĩa giành độc lập và giành lại chính quyền. Hai là đề nghị của Pháp đã “không tính đến một số sự thật, trong đó có sự phát triển về mặt quân sự ở Đông Dương”(1).
Phạm Văn Đồng dùng cách nói ngoại giao. Ông Đồng muốn nói rằng đề nghị của Pháp đã không suy nghĩ, cân nhắc tới yếu tố quan trọng là vừa bị thua trận ở Điện Biên Phủ, cho nên đã đặt giá quá cao mà không biết thực lực của mình đáng bao nhiêu.
Tiếp đến, các đại diện của Vương quốc Campuchia và Vương quốc Lào lần lượt phát biểu, lặp lại lời chỉ trích là có Quân đội nhân dân Việt Nam hoạt động trên đất nước mình.
Eden phát biểu, ông ta nói muốn thảo luận kỹ bài phát biểu của ông Phạm Văn Đồng sau, bây giờ chỉ xin nói một số ý kiến bước đầu. Eden nói ông ta tin tưởng rằng bài phát biểu của ông Phạm Văn Đồng đại diện cho nguyện vọng của dân tộc Việt Nam, tuy nhiên ông ta không tán thành sự chỉ trích của ông Đồng đối với Mỹ, về điểm này, phát biểu của các đại diện Campuchia và Lào cũng đã nói rõ vấn đề. Nhưng Eden không có ý định thảo luận ở đây xem ai đúng, ai sai, bởi vì việc triệu tập hội nghị Genève không phải nhằm mục đích này, mà là nhằm tìm biện pháp để giải quyết vấn đề. Eden bày tỏ mình hiểu rõ đề nghị của Bidault, đề nghị này là một đại cương, các vấn đề cụ thể có thể giải quyết thông qua đàm phán sâu hơn.
Eden nêu ra những khó khăn trong việc giải quyết vấn đề ngừng bắn ở Đông Dương: không có một đường ranh giới phân chia rõ ràng, vì thế không thể chấp nhận việc ngừng bắn một cách đơn giản. Eden cho rằng cần phải có biện pháp cách ly hai bên tham chiến, làm cho quân đội hai bên rút về phạm vi được phân định rõ ràng, đồng thời tổ chức việc giám sát ngừng bắn. Eden đề nghị những người tham dự hội nghị này sẽ tiến hành nghiên cứu, đề ra một kế hoạch chi tiết trong tuần này.
Smith lên phát biểu, tỏ ý hài lòng với tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng phát biểu khi khai mạc phiên họp, sau đó Smith nói nên lấy đề nghị của Bidault làm cơ sở để tiến hành thảo luận. Sau bài phát biểu của Smith, phiên họp trong ngày kết thúc.
Hồi 7 giờ 30 phút tối cùng ngày, Molotov mở tiệc chiêu đãi Smith ngay tại nơi ở của Đoàn đại biểu Liên Xô.
Sau mấy câu hàn huyên và nói chuyện về cảnh đẹp thiên nhiên mùa xuân bên hồ Leman, Molotov lái câu chuyện sang vấn đề Đông Dương. Smith nói tiến trình của hội nghị hiện nay là “khó khăn nhất” mà Smith từng phải trải qua, tràn đầy nguy hiểm. Molotov đồng ý và nói vấn đề Đông Dương hiện nay “nóng” hơn nhiều so với vấn đề Triều Tiên và việc Dulles rời khỏi Genève vào thời điểm này quả là không nên!
***
Ba giờ chiều ngày 12-5, hội nghị Genève về Đông Dương lại họp dưới sự chủ toạ của Eden.
Đại diện Vương quốc Campuchia Tép Phan phát biểu trước, chính phủ ông ta gửi tới một bức điện thông báo cho ông ta biết rằng tại một địa điểm ở Campuchia có người Campuchia bị một số người nước ngoài giết hại. Xem ra, “người nước ngoài” ở đây là có ý ám chỉ quân đội Việt Nam ở trên đất Campuchia.
Đại diện chính quyền Bảo Đại là Nguyễn Quốc Định lên phát biểu, nội dung chính gồm hai điểm: Thứ nhất rêu rao rằng chính quyền Bảo Đại là người có tư cách “chính thống”; thứ hai là ngày 28-4 chính phủ Pháp và chính quyền Bảo Đại đã ký kết một bản “Tuyên bố chung”, vì vậy có thể nói là Việt Nam đã được độc lập. Với tiền đề đó, Việt Nam nên thực hiện chỉ có “một chính phủ”, “một quân đội”. Chính phủ Bảo Đại đã được chính phủ nhiều nước trên thế giới công nhận, ông ta yêu cầu biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam vào trong quân đội của Bảo Đại.
Tiếp đó, thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc, Chu Ân Lai lên phát biểu. Ông nói:
- Hội nghị Genève đã đi vào thảo luận vấn đề khôi phục hoà bình ở Đông Dương. Nhiệm vụ quan trọng đặt ra trước mắt chúng ta là, trên cơ sở công nhận các quyền lợi dân tộc của nhân dân Đông Dương, chấm dứt ngay các hành động thù địch, khôi phục lại hoà bình ở Đông Dương. Thế nào là công nhận các quyền lợi dân tộc của nhân dân Đông Dương? Đó là phải thừa nhận nhân dân Việt Nam, Campuchia và Lào hoàn toàn được hưởng các quyền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tự do dân chủ trên đất nước mình và được sống cuộc sống hoà bình trên mảnh đất của tổ quốc mình.
Chu Ân Lai nêu rõ:
- Nước CHND Trung Hoa không thể không chăm chú theo dõi chặt chẽ cuộc chiến tranh hiện nay tại nước láng giềng gần gũi và những nguy cơ mở rộng cuộc chiến tranh này. Nhân dân Trung Quốc cho rằng cuộc chiến tranh Triều Tiên đã chấm dứt, tương tự như vậy, cuộc chiến tranh Đông Dương lúc này cũng nên chấm dứt.
Chính phủ Trung Quốc cho rằng, các nước châu Á cần phải cùng nhau tôn trọng độc lập và chủ quyền của mỗi nước, chứ không nên can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cần giải quyết sự tranh chấp giữa các nước bằng phương pháp hiệp thương hoà bình, không nên sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, nên thiết lập và phát triển các mối quan hệ bình thường về kinh tế và văn hoá giữa các nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, chứ không cho phép phân biệt đối xử và hạn chế. Chỉ có thực hiện như vậy mới có thể làm cho các nước châu Á tránh được tai hoạ khủng khiếp bị chủ nghĩa thực dân mới lợi dụng người châu Á để đánh người châu Á và do đó mớí được hưởng hoà bình và an ninh”(2).
Đó là lập trường nguyên tắc của Đoàn đại biểu Trung Quốc về vấn đề Đông Dương.
Eden, đại diện chính phủ Anh phát biểu. Tại phiên họp cách đây hai ngày, Eden đã có bài phát biểu ngắn, tỏ ý không chủ trương lãng phí thời gian của hội nghị vào các vấn đề lịch sử, mà nên tập trung sức giải quyết vấn đề hiện thực cấp bách nhất. Lần này, Eden lại nói:
- Nếu chúng ta không nhất trí về quan điểm lịch sử, tôi hy vọng rằng điều đó không có nghĩa là chúng ta không có nhận thức chung về những việc chúng ta cần phải làm hiện nay. Mọi người chúng ta đều nhất trí rằng công việc phải làm đầu tiên là thực hiện ngừng bắn theo phương thức công bằng.
Eden đưa ra năm vấn đề có liên quan đến thực hiện ngừng bắn, đề nghị hội nghị thảo luận:
Mọi người có đồng ý quân đội của hai bên tham chiến phải tập kết vào khu vực chỉ định hay không?
Hội nghị có cho rằng vấn đề Lào và Campuchia khác với vấn đề Việt Nam không và quân đội Việt Nam có phải rút khỏi hai nước đó không?
Ai là người qui định khu vực tập kết của quân Việt Minh? Theo tôi, liệu có nên cử một vị Tổng Tư lệnh đứng ra làm việc này theo yêu cầu của Hội nghị này hay không?
Liệu chúng ta có đồng ý rằng, sau khi toàn thể lực lượng bộ đội chiến đấu đã được tập kết vào khu vực qui định, tất cả các nhân viên chiến đấu không chính qui đều phải giải giáp vũ trang hay không?
Chúng ta có đồng ý tổ chức lực lượng giám sát quốc tế không? Nếu đồng ý, thì hình thức nào là tốt? Chúng tôi(3) thiên về sự giám sát của LHQ. Tại đây tôi muốn nói rõ, Hội nghị thủ tướng năm nước châu Á đang họp tại Colombo, khi kết thúc Hội nghị cũng đã bày tỏ rằng họ hy vọng LHQ đứng ra thành lập một cơ cấu để thực thi các quyết định của Hội nghị Genève về vấn đề Đông Dương.
Các vấn đề do Eden đưa ra làm cho việc thảo luận về vấn đề Đông Dương tại hội nghị được cụ thể hoá.
Sau phiên họp chiều 13-5, cả Smith và Bidault đều đến nhà riêng của Eden. Tâm trạng của Bidault có vẻ đã được cải thiện. Bidault nói cho Eden biết là mình rất lo lắng về số phận của chính phủ Laniel, Quốc hội Pháp sắp tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với chính phủ. Bidault đã gọi điện nói chuyện với Laniel là nếu có 313 phiếu phản đối chính phủ hiện nay thì tôi sẽ vẫn kiên trì ở Genève, còn nếu có 314 phiếu phản đối chính phủ, tôi sẽ từ chức.
______________________
Chú thích:
1 Tuyển tập văn kiện Hội nghị Genève, sđd, tr.138-162.
2 Tuyển tập văn kiện Hội nghị Genève, sđd, tr.163-169.
3  “Chúng tôi” trong nguyên bản, không rõ Eden muốn chỉ những ai, (Tác giả).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM