Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:08:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tuyển tập truyện ngắn - Đỗ Kim Cuông  (Đọc 16889 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
BloodX
Thành viên
*
Bài viết: 37


« Trả lời #10 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2012, 09:46:15 am »

NGƯỜI ĐỐT THAN BÊN ĐƯỜNG 12
Chiếc xe than đang chạy, máy xe bỗng rú lên ằng ặc, khói đen phả mù mịt rồi tắt lịm. Nó nằm chềnh ềnh giữa đường như con lợn đã bị chọc huyết. Không thể nào chịu nổi với cái nắng tháng bảy hun người, từ lúc biết chắc còn lâu cái xe mới được chữa xong, đám hành khách sau cơn hoảng loạn tự động tản ra tìm những gốc cây, bờ cỏ lau rậm rạp để trốn nắng. Có vài người khách sốt ruọột, chờ được một lúc đã trở lại xe nhặt ba lô, túi vải, dao gùi cuốc bộ để di cho sớm. Họ biết cứ cái đà này phải vài tiếng nữa chiếc xe mới sửa xong. Số còn lại đông hơn, là cán bộ công nhân lâm trường, các bà buôn hàng chuyến về A Lưới, không thể bỏ hàng bỏ xe đấy mà đi đành ngồi chờ. Chờ đến bao giờ không ai biết! Hai tiếng đồng hồ trôi qua, thầy trò nhà xe đã mở tung nắp ca-bin, chui gầm hì hục chữa máy nhưng vẫn chưa có một dấu hiệu nào chứng tỏ cái xe sẽ nổ máy trở lại.
Tôi là một trong những người khách kiên nhẫn chờ đợi, giải trí bằng cách đập ruồi thả cho bầy kiến vàng cắn đuôi nhau tha về tổ. Nắng đã rát lưng. Không thể chịu đựng được nữa, tôi theo con đường mòn nhỏ chạy lẩn giữa những vạt đồi tranh tìm khe nước. Từ lúc ngồi cạnh đàn kiến vàng tôi đã nghe đâu đó tiếng nước chảy róc rách. Đã lâu lắm rồi tôi mới trở lại vùng này. Con đường 12 vẫn như thủa tôi còn là một anh lính bộ binh mỗi lần có việc phải bám đích, dò đường hoặc ra kiếm hộp Mỹ ở những bãi ngụy ven đường. Vẫn còn nguyên, trập trùng những đồi cỏ tranh, phải đi sâu vào hàng trăm mét mới tới bìa rừng. Đây đó bắt gặp những thân cây khô cháy đen chơ chỏng. Con đường đá chạy từ ngã ba Tuần lên đây, mưa nắng và những con lũ làm cho nham nhở khô gầy nhiều đoạn lớp nhựa cũ bị lột trơ ra những ổ gà.
Tôi đã cố hình dung lại tuyến giao liên cũ từ ngã ba Hương Trà qua đây. Đâu là "cống ngầm" xưa kia tôi đã từng chui qua vượt đường vào lúc chạng vạng tối? Hoặc giả những con đường mòn ấy đã chết! Cũng có thể trí nhớ kém cỏi của tôi cố tình lãng quên. Nhưng tôi biết, đất trời ở đây vẫn vậy. Những cơn gió tây tràn qua kéo cho đám cỏ tranh đổ rạp, thoảng lại mùi cao su cháy, cây cháy, tàn than vương vất khắp mọi nơi. Tôi gặp con suối đá ở cách trục đường 12 chừng hơn trăm mét, sát với bìa rừng. Từ đây vẫn nhìn thấy cái xe đò đứng trơ vơ phơi nắng. Khoảng suối vắng bóng người, âm thanh duy nhất vọng lên khuấy đảo không khí tĩnh lặng trong rừng là tiếng chim gõ kiến mổ lộc cộc vào thân cây khô. Không chậm trễ lấy một phút. Tôi trút bỏ bộ quần áo đỏ bụi đường nhảy ào xuống vũng nước với một cảm giác sảng khoái. Chính lúc ấy tôi bắt gặp cái nhìn nửa như thăm dò, nửa ngạc nhiên của một người đàn ông. Anh ta đeo gùi, tay chân, mặt mũi đen nhẻm. Chiếc áo bộ đội và chiếc quần đùi màu cứt ngựa cũng lem nhem dính than. Sau lưng là chiếc gùi chồi lên cán rựa và những cọng rau lang.
Người đàn ông nhìn tôi chừng mươi giây rồi rảo bước theo con đường mòn chạy dọc ven suối. Nhưng tôi lại bị cái nhìn đóng đinh câu rút. Ai nhỉ? ánh mắt quá ư quen thuộc. Và tôi bỗng vọt lên con suối mặc nguyên "bộ quần áo của Hoàng đế", tồng ngồng đâm bổ vào rừng theo dấu chân của người đàn ông xa lạ. "Tâm! Anh Tâm phải không... Em đây". Tiếng tôi vang vọng đập vào rừng cây, vách đá dội lại..
Người ấy chính là Tâm - Đại đội phó của tôi hơn 20 năm trước. Ngày ấy tôi mới 18 tuổi, liên lạc viên đại đội. Là một anh lính binh nhì, mới vào chiến trường đã nếm chịu những cơn sốt rét dai dẳng, tôi không hiểu gì nhiều lắm về cái thế trận khốc liệt giữa ta và địch của những năm "sau Mậu Thân". Suốt ngày theo ban chỉ huy chống càn, đi chốt gác, bám địch. Và đêm xuống, ở các cửa rừng không bị địch chốt giữ, từng tốp nhỏ phối hợp cùng lực lượng du kích địa phương đột về các ấp mua gạp, muối đậu phộng. Các trận đánh lẻ tẻ xẩy ra liên miên, đại đội cụt vốn dần. Mỗi lần mất một vài người. Đứa hy sinh, đứa bị thương. Gọ là đại đội cho oai, kỳ thực có ba trung đội. Mỗi trung đội từ 12 đến 15 tay súng. Chạy ăn không nổi, có khi cả tháng trời lính ăn theo tiêu chuẩn một loong gạo (0, 25 kg) một ngày. Có ngày nửa loong và không loong. Canh môn vóc, môn nước cầm hơi. Đại đội được Ban chỉ huy tiểu đoàn giao nhiệm vụ ở lại phía nam sông Bồ "bám đất, bám dân". Đấy là mùa đông năm 1970. Những người lính còn sống sót của đại đội 3 nhận thêm nhiệm vụ mới: bổ xung về các xã làm lính biệt động. Cán bộ chỉ huy trực tiếp làm đội trưởng từng toán quân nhỏ lẻ... Anh Tâm là một trong số ít cán bộ chống lệnh về xã làm biệt động.
Thực tình khi còn là một liên lạc viên đại đội, tôi không ưa anh Tâm. Anh ta nhát nhưng có cái mác chuẩn úy - đảng viên, đội trưởng sản xuất của một hợp tác xã nông nghiệp, nhập ngũ năm 1966, rồi được cử đi học trường quân chính. Cuộc chiến hút theo, chiến dịch đánh Mởu Thân giữ chân Tâm ở lại chiến trường sau một chuyến đưa quân. Cuối năm 1969 Tâm mới được đề bạt làm cán bộ đại đội phó. Nhưng từ khi còn làm B trưởng anh Tâm đã nổi tiếng là keo kiệt. Mỗi lần một chiến sĩ nào "vi phạm", Tâm lên giọng "mác xít" chì chiết cho phải biết. Mà một người lính ở vùng giáp ranh thiếu gì những lý do để vi phạm luật. Này nhé: Vô ý làm động cái xoong, để vương khói bếp khi nấu cơm. Một cái ho vô cớ giữa lúc địch đóng quân ở gần... Và cũng chính là tôi, một lần đã túm ngực áo Tâm hét vào mặt anh ta: "Anh... Anh là thằng giết người! đồ vô trách nhiệm".
Tôi đã nhận ở Tâm một cái tát. Lòng phẫn uất ở tôi không gìm lại được khi Tâm chỉ huy mộp tốp tải thương, bệnh binh lên địa đạo Khe Trái để lạc mất thằng Thắng – bạn học với tôi, sống chung trong đại đội 3. Thắng mất tích hay bị địch bắt, hổ vồ, hay bị cơn sốt rét hành hạ nằm lại ở đâu đó trong rừng? Anh Tâm không hề hay biết. Tâm đã không hoàn thành nhiệm vụ của một cán bộ chỉ huy. Nhưng với cái chết của một người lính ngày ấy, người ta dễ dàng bỏ qua. Những trận đánh và những cái chết chồng lên nhau ở chiến trường khốc liệt. Nhưng tôi coi việc Thắng hy sinh lại là một mất mát lớn. Sự hy sinh ấy không diễn ra ở một trận đánh mà lại xảy ra trong một trường hợp không đáng có ở một người cán bộ chỉ huy đại đội. Tôi mất một người bạn thân... Tôi ghét Tâm từ đó. Tôi dửng dưng khi nghe tin anh bị Huyện ủy khai trừ ra khỏi Đảng, tước danh hiệu sĩ quan. Và thậm chí tôi còn có ý khinh bỉ cho một tay lính đào ngũ, chạy dài.
Tâm bị điều về trại sản xuất trên Hang Đá.
Bẵng đi một thời gian, tôi nghe tin Tâm tằng tịu với cô Nguyệt – một trại viên trại sản xuất. Tôi càng xem thường anh ta khi biết anh đã chấp nhận lấy Nguyệt làm vợ. Hành tung của Nguyệt cũng chẳng đẹp đẽ gì. Một tên "tề điệp" bị du ckích bắt lên rừng đưa đi cải tạo (!). Trước khi kết thúc chiến tranh một đôi lần tôi đã đi ngang qua khu rẫy của Tâm, có dừng lại nghỉ đêm. Gặp được tôi, một thằng lính cũ C3, anh Tâm có vẻ mừng nhưng không giấu diếm chút ngượng ngập. Anh tự tay bắt gà nấu cháo mời tôi và mấy chiến sĩ cùng đi. Sai vợ ra rẫy nhổ sắn, bẻ bắp về đãi lính. Hẳn thời con gái, chị Nguyệt là người đẹp ở đất Nham Biều. Bây giờ đã gần 30 tuổi, sống kham khổ trên rừng, bệnh tật nhưng nước da chị vẫn mịn màng, hồng hào. Họ sống trong một căn nhà hầm nằm chìm dưới đất. Đêm ngủ trong hầm kèo tránh pháo. Ngồi chuyện trò, ăn cháo hút thuốc lá với anh Tâm, năm tháng đã làm tôi nguôi ngoai dần với cái chết của Thắng, song tôi không thể nào xua đuổi được ý nghĩ: anh Tâm là một kẻ tội lỗi. Có thể do tôi quá yêu Thắng. Hoặc giả ý thức của một người lính trong tôi không thể chấp nhận sự đầu hàng, thoái lui. Và cũng có thể vì tiếng cười rúc rích của người đàn bà trong căn hầm kèo?
- Ngày xưa chúng mày khinh tao! Tao hiểu điều đó lắm chứ...
Anh Tâm khẽ nhếch mép cười, bảo tôi. Đã qua tuần trà thứ hai. Nhưng tôi vẫn chưa dứt bỏ được cái mùi béo ngậy của món thịt duộc nấu giả cầy còn đọng lại nơi cổ. Giờ đây, tôi đã ngồi trong ngôi nhà của vợ chồng anh ở sâu trong rừng. Và nếu không có anh nhắc, không thể nào tôi nhận ra chính chỗ này là hậu cứ cũ của trung đội 3 ngày trước, nằm gần ngã ba Hương Trà. Chẳng biết tự khi nào, vợ chồng Tâm đã thuê máy cày, máy ủi khai hoang hàng chục hec – ta đất đồi bên suối. Chỗ thì cấy lúa, chỗ thì dùng làm vườn trồng rau, trồng cây ăn trái và một mảng đồi khác đã phủ xanh bạch đàn. Ngoài công việc đồng áng, anh Tâm còn đốt than gánh ra ngoài đường 12 bán cho cánh lái xe khách...
- Chúng mày khinh bỉ tao là phải! Ông Hồng, ông Để mạt sát tao hết lời. Còn ông Bậu, tiểu đoàn trưởng thì chửi tao là đồ con chó. Tao "chó thật"! – Anh Tâm nói câu ấy không nhìn tôi. Tay cầm chén trà hơi run nhẹ. Rồi anh bảo: Tao nhục! Nhưng đầu óc tao lúc ấy bị mê muội, khiếp sợ cái chết. Chết đói, chết sốt rét. Chết đánh nhau. Xục đi Bồn Trì, Bồn Phổ, Phú ổ, Văn Xá Trung kiếm gạo đều vấp địch. Tao khốn nạn như vậy, thử hỏi thằng lính nào không khinh. Suýt nữa thì tôi buột miệng: "- Nhưng không phải mọi người lính ở đại đội 3 đều đào tẩu". Nhưng nhìn vẻ mặt xúc động của anh tôi nín thinh, không nỡ.. – Chính vì còn biết xấu hổ với tụi bay, nên tao đã không muốn trốn khỏi trại sản xuất vượt về tuyến sau ra Bắc. Nếu muốn Bắc tẩu tao có khối cách để chuồn. Nhưng về quê lại sợ dân làng biết tao là thằng đảo ngũ, tao lại sợ nhục với cha mẹ, anh chị em xóm làng. Những ngày tao đi phát cây trồng rẫy, trồng sắn, gùi gạo... tao mới thật sự thấm thía hành vi hèn nhát của mình. Tao không giận tụi bay, không giận cả ông Để, ông Bậu. Chỉ giận tao chó quá! Tưởng có lúc đâm đầu xuống khe Trăng hay cho một phát súng vào đầu là xong. Nguyệt đã cứu tao thỏat ra khỏi những cơn tuyệt vọng ấy – Chợt anh Tâm nhìn tôi, hơi nheo mắt – Tao nghe hết những lời đàm tiếu của chúng mày và mấy đứa con gái huyện đội Hương Trà về chuyện tao và Nguyệt. Tao yêu cô ấy. Nguyệt có là gì đi chăng nữa, cô ấy vẫn là một người đàn bà... Một người đàn bà cô đơn, mi hiểu chưa?
Anh Tâm bỗng cao giọng, khiến tôi bật cười, nhớ lại dáng điệu của anh thuyết lính thửơ nào.
- Cô ấy là một người đàn bà khốn khổ! – Anh Tâm nói thêm giọng rầu rĩ, đau đớn – Thiệt tiếc, bữa nay cô ấy về làng có chút công chuyện. Nguyệt gặp được mi hẳn là là mừng lắm.
Ngả lưng trên tấm võng mắc vào hai cây cột, tôi vừa nghe chuyện vừa nhìn lên mái cọ. Anh Tâm dựng ngôi nhà hệt như những ngôi nhà ở vùng quê miền Trung, có nhiều cột kèo, mái thấp, căn nhà thùng gỗ ván được chia ra thành nhiều ô nhỏ. Có tủ thờ, tủ đứng, bộ bàn ghế. Tay thợ đứng khéo. Gian bếp ăn thông với một đầu hồi. Qua một vạt sân đất nện trông ra mảnh vườn trồng toàn hoa huệ, lay ơn chưa đến kỳ trổ bông. Nhác trông qua tôi biết ngay, chị Nguyệt đã mang lên đất rừng cái nghề trồng hoa ở Hương Mai. Ngày trước mỗi lần về làng, tôi đã nhiều phen nằm bẹp giữa những ruộng hoa bạt ngàn hoa huệ ấy, ngây ngất vì mùi hương thơm vẫn phải căng mắt quan sát địch. Hẳn anh chị trồng hoa ở đây để đem về thành phố bán?
- Sao anh không về quê? – Tôi hỏi anh Tâm.
- Về Hải Phòng à? – Anh Tâm hơi nhăn trán. Gương mặt anh tối lại, tôi thấy anh già đi cả chục tuổi. – Tao đã chịu tiếng là thằng đào ngũ. Tiếng xấu bay về tận làng. Về làm chi cho nhục. Còn về lại Hương Mai, Nguyệt không muốn. Cả tao cũng rứa. Ông Bậu bữa ni làm huyện đội trưởng. Có lần lên đây gặp tao biểu cả hai vợ chồng về huyện, ông sẽ thu xếp cho công việc. Chuyện cũ đã qua, mấy ai chấp. Nhưng cả tao và Nguyệt đều không muốn về huyện. Chi bằng tao ở lại với rừng. Anh nhìn tôi nheo mắt, tặc lưỡi – ở mô cũng phải mần ăn, làm lụng. Tụi bay về xuôi, rồi mất hút. Còn tao, toa vẫn thỉnh thoảng lên Khe Trái, sông Bồ đánh cá, chặt song mây đem ra đường bán về xuôi. Lâu lâu chui vào địa đạo đào ít dây điện cũ, lượm cây gỗ hầm đốt than, làm củi. Tao sống nhờ rừng... Tao nói điều này có thể mày không tin! Tùy mày! Nhưng với tao lại là cần thiết. Mỗi lần vào rừng, khoác khẩu súng cạc – bin lên vai, đeo lại cái gùi bạt, gặp một cảnh rừng quen, một khu hậu cứ cũ đã cả chục năm trời bỏ hoang... hầm hào đã sụp lở cả, bắt gặp những viên đá còn nhám đen trước kia anh em bộ đội mình kê bếp... Như thể, tao đang được trò chuyện cùng với những ông Hồng, ông Để, thằng Toan, Thằng Đổng, Thằng Khanh, thằng Nghi, thằng Thắng... Mày có nhớ cái đêm ở suối Cát? Buổi sáng, Đại đội bị địch tập kích vào khu hậu cứ dưới chân Đồi Chổi, chạy về trụ lại ở Suối Cát. Đêm ấy mày nằm mắc võng ngủ cạnh ông Để ở trên sàn. Còn tao với thằng Dần dạy nấu cơm ăn, trong lúc tụi bay ôm bụng đói. Lúc đó cái thằng tao sao chó má đến như vậy không biết nữa. Tôi nhìn anh Tâm qua màn khói thuốc lá để nghe sự thú tội muộn màng của anh. Tự dưng tôi thấy thương hại. Vào năm "chín mươi" này, cái sổ gạo đã được đưa vào Viện bảo tàng quốc gia. Nếu một ai đó "cá độ rằng" Có người sẽ ăn hết một bữa 7 lạng gạo với muối trộn mì chính và còn thêm một bánh lương khô một phần tư ký nữa. Đám thanh niên mặc áo Pull quần bò sẽ cho là bịa. Thì ngày ấy là chuyện từng sảy ra với một người lính đói. Anh Tâm của tôi đã thắng độ.
Logged
BloodX
Thành viên
*
Bài viết: 37


« Trả lời #11 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2012, 09:46:29 am »

- Vả chăng còn một chuyện này nữa... Anh Tâm nói tiếp.
Vâng thưa bạn đọc qúy mến! Câu chuyện của người đốt than kể cho tôi nghe trong cái buổi chiều hôm ấy, sẽ không có đoạn kết trong lịch sử truyền thống tiểu đoàn 10 – gọi đúng theo mật danh cũ là K10. Bởi cái tiểu đoàn ấy nổi danh một thời của ông Thân Trọng Một đã từng về giải phóng Phú Vang, Hương Thủy, Quảng Điền; đánh chặn tụi Mỹ ở Thành nội Huế, tham gia giải phóng Huế.. Ngày nay đã bị xóa sổ. Ông Một mất. Hàng trăm người lính sau chiến tranh, kẻ sống người chết đã giải ngũ, về quê. Có lẽ chỉ còn lại một mình anh đại đội phó Tâm ở lại với cánh rừng già. Chính là việc suốt hàng chục năm sống trong rừng bên đường 12, anh Tâm và chị Nguyệt đã bỏ công sức đi tìm những mộ chiến sĩ của đại đội 3, đại đội 4 đang nằm lẩn quất trong rừng. Vì nhiều lý do, từ sau ngày giải phóng, các đội làm công tác thương binh liệt sĩ chưa có điều kiện tìm ra cho hết. Lâu lâu, anh tâm lại tìm thấy một vài cái mộ.
Cái có tên (khắc trên những tấm vỏ thùng sắt tây), cái không tên. Nhưng đều là chiến sĩ, cán bộ của K10. Anh thu gom lại đưa về chôn ở vạt rẫy gần nhà, rồi báo cho tỉnh lên nhận.
- Tao chưa quên được câu chửi của mi đâu. Bữa tao bỏ lạc thằng Thắng trong rừng. Lúc ấy, tao giận mi vì ngượng với ông Để. Tao chịu sao nổi khi một thằng liên lạc đại đội xỉ nhục một cán bộ cấp chỉ huy? Nhưng chính cái hành vi vô trách nhiệm của tao, để mất thằng Thắng đã giầy vò tao sau cái lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Nguyệt đẻ cho tao một đứa con trai, rồi bị bệnh tật cướp mất. Tao thấm thía nỗi đau đớn của người cha bị mất con. Nhiều năm tao đã lần trở lại con đường giao liên dẫn lên sông Bồ ngày trước. Chui lủi trong những vạt giang mây dày đặc, lội ngược dòng những con suối mọc toàn dứa dại. Có bận tao mang cơm đùm cơm vắt đi cả tuần lễ.
- Anh tìm thấy Thắng? – Tôi bồn chồn không yên.
- Không thấy nó... nhưng lượm được một khẩu AK han rỉ, báng mục. Và cái này... May ra sẽ giúp ích cho mi.
Anh tâm đứng dậy đi mở tủ. Anh lục tìm một hồi lâu rồi chìa ra trước mặt tôi một mảnh giấy không còn nguyên vẹn. Tấm giấy đã úa vàng. Và nét bút mực Cửu Long cũng đã nhạt màu, vài dòng chữ còn có thể đọc được là:
"... Mong Thắng đừng quên những kỷ niệm của lớp 10A chúng mình. Những ngày sống đẹp đẽ ở Thắng Cựu và cả cái đêm các bạn bị cháy nhà kho hợp tác. Mình với Thủy chỉ lo cho các bạn bị công an bắt.... Ôi, kỷ niệm của tuổi thơ bao giờ cũng đẹp phải không Thắng?
Hoàng Châu Thi"
Phải, Thi cũng đã viết tặng tôi y hệt như vậy trong cuốn sổ lưu niệm ngày tiễn chúng tôi lên đường đi bộ đội. Thi đã chết rồi, trên con sông Cầu Đen. Còn Thắng... Tôi chỉ là một nhân chứng cho những cuộc chia lìa.
Tôi giấu những giọt nước mắt bằng cách bước ra ngoài sân, bắt gặp một bầu trời đang sẫm lại. Những tảng mây mọng nước vần vũ trên đầu. Tiếng sấm vang rền hệt như tiếng bom đâu đó ở ngả Khe Trái, sông Bồ...
Logged
Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM