Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 03:20:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những âm mưu sách lược của chính phủ Rigân làm tan rã Liên bang Xô Viết  (Đọc 100889 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 07:24:14 pm »


Người Pa-le-xtin cũng có vấn đề. Căn cứ vào báo cáo của Cục Tình báo trung ương thì Tổ chức giải phóng Pa-le-xtin (PLO) có mấy phái đang cùng với một số tổ chức A-rập Xau-đi dự tính làm yếu sự thống trị của Quốc vương. Cô-xây nói, nên thay thế họ bằng các quần thể đáng tin cậy (người Pa-ki-xtan, hoặc người Ai-cập). Cuối cùng, Pha-khơ-đơ cũng tiếp thu kiến nghị này, ông đã trục xuất hàng ngàn người Pa-le-xtin và thay thế họ bằng người Pa-ki-xtan.

Một kế hoạch phù hợp nhất với tâm ý của Pha-khơ-đơ là ra sức ủng hộ phong trào I-xlam của vùng Trung Á Liên Xô. Việc này chủ yếu do bộ lạc của giáo phái Oa-kha-ni phụ trách. Đó là một hành động tuyệt mật. “Đối với người của giáo phái Oa-kha-ni1 mà nói, kế hoạch ủng hộ Mu-xlim ở vùng Trung Á Liên Xô là vô cùng quan trọng”. Ven-xin Kan-ni-xtơ-rô, nguyên quan chức cao cấp của Phòng Hành động Cục Tình báo trung ương nhớ lại.

Cô-xây đương nhiên cũng hứng thú đối với đề mục này, nhưng đó là do xuất phát từ nguyên nhân chiến lược chứ không phải từ nguyên nhân tôn giáo. Cô-xây nói với Pha-khơ-đơ: “đối với Nga mà nói, khu vực Trung Á chẳng khác nào “gót chân của A-sin2. Trừ phi ở đó chúng ta phát động chiến tranh, nếu không thì Liên Xô sẽ chẳng bao giờ chịu rời khỏi Ap-ga-ni-xtan”. Đương ăn chà là, nghe nói vậy Pha-khơ-đơ cũng tỏ vẻ đồng ý. Họ cũng đả động một chút đến sự thống trị của Liên Xô ở khu vục này, sau đó lại nói đến đội du kích Mu-xlim ở Áp-ga-ni-xtan. Pha-khơ-đơ nói với Cô-xây, cuộc thánh chiến ở Áp-ga-ni-xtan là một cuộc cách mạng không biên giới, cũng như chủ nghĩa Cộng sản vậy. Vị Cục trưởng thấy rất hứng thú với điều đó. Người Áp-ga-ni-xtan đương vượt qua sông A-mu3 (Oxus river), và họ có được mối liên hệ bình thường với Mu-xlim ở nội địa Liên Xô. Họ làm vậy chủ yếu để tiến hành những việc như: phân phát giấy chứng nhận hội viên của tổ chức kháng chiến Áp-ga-ni-xtan, truyền bá các trước tác cách mạng của I-slam, tổ chức hội nghị, hoặc tiến hành thảo luận, cùng với việc gài mìn. Cô-xây còn muốn làm được nhiều việc hơn nữa, tức là ông muốn phát động một phong trào có kế hoạch để đẩy thế lực Liên Xô ra khỏi vùng Trung Á.

Hôm đó trời đã rất muộn, Pha-khơ-đơ cùng ngồi với Cô-xây và Mu-sa Tuyếc-chi-sta-ni, một sử gia về Trung Á đã sống từ lâu ở A-rập Xau-đi. Nhà lịch sử này kể cho họ nghe về những bạo hành của Nga đối với dân tộc địa phương. Ông vẫn đi lại với những người ở vùng đó. Ông nói với Cô-xây, tháng 3 năm 1980 nổ ra cuộc bạo loạn ở A-ma A-ta4, điều này đã vượt ra khỏi phạm trù của cuộc chiến tranh Áp-ga-ni-xtan; những hoạt động phản kháng bí mật ở đó nổi lên rất mạnh! Không chút nghi ngờ, người Xau-đi đã tài trợ cho một tổ chức trong đó!

Cơ quan thông tấn Liên Xô đã la lối lên rằng, Xau-đi đang can thiệp vào chính sự của khu vực Trung Á Liên Xô. Họ tuyên bố giáo sư A. Đu-đa-ep đã chọn lựa một số người Xau-đi để tung ra một số lớn đồn đại này khác trong nhân dân Trung Á. Thiếu tướng N. Ô-vi-chép phó chủ tịch K.G.B ở Tu-cu-man tuyên bố, người Xau-đi đương sử dụng đạo I-slam như một thủ đoạn tiến công, xúi giục những người Mu-xlim trong nội địa Liên Xô phản đối chế độ Xô-viết. Họ tung tiền vào khu này, quyết tâm lật đổ chế độ Xô-viết về thần luận. Hiện nay có lẽ điều cần thiết nhất đối với họ là sự cổ vũ của ngoại giới.
_________________________________________
1. Giáo phái Oa-kha-ni: một hệ phái của đạo I-slam. Năm 1744 được gia tộc Xau-đi thừa nhận. Năm 1932, khi vương quốc A-rập Xau-đi thành lập thì phái này giành được địa vị thống trị về mặt tôn giáo và chính trị trên bán đảo A-rập.
2. Gót chân A-sin: điển cổ này xuất phát từ một chuyện thần thoại Hi-lạp, chỉ chỗ yếu điểm nhất của con người. A-xin là con của 1 nữ thần biển, khi còn trẻ A-sin được mẹ nhúng vào nước của một con sông thần để cho toàn thân ông gươm giáo không đâm vào nổi, nhưng riêng gót chân ông là không được nhúng vào nước.
3. Sông A-mu (Oxus river). con sông dài nhất ở Trung Á. Con sông này là một phần của biên giới giữa Tat-giê-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan.
4. A-ma A-ta: trước kia là thủ đô của Ca-dăc-tan. Sau khi không còn là thủ đô nữa thì A-ma A-ta vẫn là trung tâm hành chính của tỉnh A-ma A-ta.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 07:26:12 pm »


Ngày thứ năm đầu tiên của tháng 4 năm 1982, hành động của Công đoàn Đoàn kết đã “mở màn” rất tốt. Cô-xây chỉ hi vọng không xẩy ra một sự rủi ro nào. Khi đó, ông đang ngồi cùng Đa-vít Uây-cơ, một trong nhưng liên lạc viên ở Nhà Trắng của ông. Vị Cục trưởng này thường đến Văn phòng Hành chính trước kia để tìm một chút ít trí tuệ của những người đồng sự cũ. “Chỉ cần chúng tôi ra ngồi ở phòng nghỉ” – Uây-cơ nhớ lại -... là ông bắt đầu nói với chúng tôi nhiều việc. Ví như, làm thế nào để Liên Xô dễ bị công kích; chúng ta làm thế nào mới có thể gây được khó khăn cho họ!” Nhưng, những vấn đề cần bàn trong hội nghị rất rõ ràng, tương đối ít vấn đề phải suy luận, ít nhất trong đầu óc Cô-xây là như vậy. Uây-cơ nói: “Năm đầu khi Cô-xây mới nhận chức, ông đã tìm cách để đoán định nền kinh tế Liên Xô rút cục ở trong trạng thái nào, nó vận hành ra sao? Mùa xuân năm 1982, cuối cùng ông thấy đã mò đúng mạch của nền kinh tế Liên Xô”. “Đó là một nền kinh tế có phong cách của một đảng phản động - Khi Cô-xây nói với Uây-cơ, mắt ông vẫn đăm đăm nhìn lên trần nhà - Họ đang vứt bỏ kĩ thuật cần thiết, loại kĩ thuật đã làm cho Liên Xô tiếp tục sinh tồn. Con đường để có ngoại tệ mạnh của họ chỉ có một, đó là xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt với giá cao. Tình thế của Liên Xô hết sức hỗn loạn như vậy, bởi thế chỉ cần hành động của chúng ta xác đáng là sẽ khiến họ tự tan rã!”

Trước kia Uây-cơ đã quen với sự thẳng thắn của Cô-xây, nay thấy Cô-xây nói những lời như vậy, ông rất ngạc nhiên. Đã mấy năm ở Cục này, ông vẫn theo dõi về vấn đề vốn lưu động và tình hình cân bằng thu chi của Liên Xô, nhưng ông chưa bao giờ nghe thấy một quan chức ở cấp bậc cao như vậy nói những lời lẽ như thế. Đối với vấn đề đó, khẳng định là Cô-xây đã từng suy sâu, nghĩ kĩ!

Mùa xuân năm đó, từ trên bàn làm việc của Cô-xây đã có mấy bản báo cáo mới nhất cần chuyển ngay đến ủy ban An ninh quốc gia và đến tay Tổng thống. Những báo cáo này không phải là báo cáo chính thức của Cục nên ông không coi trọng lắm. Đây là đợt đầu của “báo cáo đánh giá tính yếu ớt” về nền kinh tế Liên Xô mà ông chú ý, và đã yêu cầu Hep Mai-ê và Hen-ri Rôn cho người khởi thảo. Những báo cáo này đã đem lại cho ông những ảnh hưởng sâu sắc đã tăng cường thêm một bước về cách suy nghĩ xưa nay của ông. Nó đã làm cho Rô-nan Ri-gân tin tưởng rằng nước Mỹ có thể làm cho kinh tế của Liên Xô bị tổn hại nặng nề. “Trước kia Cô-xây thường đến phòng Bầu dục làm việc với Tổng thống - Uây-cơ nhớ lại - Họ thẩm tra các vấn đề rất kĩ, trong đó có vấn đề kinh tế của Liên Xô. Cách làm việc đó tuy không thật chính quy, nhưng nó đã giúp Ri-gân hình thành rất nhiều quan điểm của ông”. Hồi tưởng lại, những báo cáo đó đã có một sức nhìn thấu suốt gần như là những lời tiên tri. Đầu tiên đối với đặc tính về thể chế kinh tế của Liên Xô những báo cáo này đã đưa ra lời tổng thuật. Những người soạn thảo ra chúng chỉ ra rằng, thể chế kinh tế của Liên Xô “cứng nhắc mà ngoan cố” 1. Về phương diện phân phối, bố trí lại tài nguyên thì thiếu tính linh hoạt của thị trường. Càng tệ hại hơn nữa là các kĩ thuật và thiết bị từ phương Tây đưa vào chỉ là nhỏ giọt, tuy vậy nhưng nó bảo đảm giải quyết được “phần cứng”. Vì vậy một khi con đường chuyển nhượng kĩ thuật then chốt bị cắt đứt thì có thể làm cho nền kinh tế Liên Xô bị tổn hại nặng nề. Các bản báo cáo đó chỉ ra rằng:

Người Liên Xô hiện nay cần phải dựa vào tiền của và kĩ thuật của phương Tây đưa vào để việc sản xuất một số nguyên liệu duy trì được và có thể còn tăng thêm lên. Số nguyên liệu này rất phong phú, nó đã đáp ứng được sự viện trợ cho các nước khác và đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong nước. Về phương diện làm dịu đi sự thiếu thốn các vật tư quan trọng và kích thích tiến bộ kĩ thuật, các vật phẩm nhập khẩu từ phương Tây đã phát huy được tác dụng then chốt. “Thượng đế phù hộ”, hiện nay một số lượng lớn năng lượng của Liên Xô có thể xuất khẩu! Những nguyên liệu này càng ngày càng khó khai thác vì thế giá thành của nó tăng vọt lên. Thể chế kinh tế của Liên Xô đặc biệt là không nâng cao được hiệu suất công tác và thúc đẩy tiến bộ kĩ thuật. Sự sản xuất dầu mỏ tuy tăng chậm, nhưng vẫn tăng lên từ từ. Mấy năm nay, thậm chí với một lượng tăng lên rất nhỏ họ cũng phải cố gắng lớn. Đưa kĩ thuật phương Tây vào đối với họ là việc cực kì quan trọng để duy trì một lĩnh vực kinh tế then chốt là kiếm ra ngoại tệ mạnh.
____________________________________
1. Ngoan cố: từ này của nguyên bản Trung văn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 07:27:31 pm »


Nếu sản lượng dầu mỏ và khí đốt của Liên Xô hạ xuống đến mức thấp nhất, lại thêm lượng hao tổn trong khai thác tương đối lớn thì họ bắt buộc phải nhập khẩu các thiết bị của phương Tây trong một lĩnh vực rất rộng. Có thể họ mới tăng được sản lượng ở nơi này nơi khác, đồng thời giúp cho sự khai thác và khai phá có được một trữ lượng mới. Chỉ có phương Tây mới sản xuất được những thiết bị lắp ráp các đường ống có đường kính lớn. Căn cứ vào thời hạn xây dựng đường ống do Liên Xô tự định cho mình, chúng tôi dự đoán rằng trong thời gian còn lại của thập kỉ 80, ít nhất họ cũng cần nhập khẩu 5 triệu đến 20 triệu ống thép. Họ còn phải cần tiếp các thiết bị thăm dò tinh xảo và máy bơm ngầm chịu tải cao để sử dụng trong mỏ dầu, có lẽ họ còn cần cả máy nén khí dùng cho tua-bin mã lực lớn.

Tuy nhiên, để có ngoại tệ mạnh cần thiết chi trả cho các vật phẩm nhập khẩu từ phương Tây, Liên Xô phải tìm cách kiếm ra ngoại tệ mạnh; nhưng năng lực kiếm ra loại tiền này của họ đã phải chịu một áp lực rất lớn, mà từ năng lực này có khả năng bị thu nhỏ lại. Chủ yếu là vì sản lượng dầu mỏ của Liên Xô đã ổn định, đồng thời có khả năng sút giảm. Căn cứ vào dự đoán của chúng tôi, số ngoại tệ mạnh Liên Xô kiếm được do xuất khẩu dầu mỏ sẽ giảm thiểu, còn số ngoại tệ mạnh tăng được do lượng xuất khẩu khí đốt tăng dần lên thì chỉ có thể bù một phần nào vào số lượng giảm thiểu trên. Điều quan trọng nhất là, do giá năng lượng “mềm hoá”, khiến cho điều kiện mậu dịch của Liên Xô so với phương Tây, thập kỉ 80 so với thập kỉ 70 càng bất lợi; vì ở thập kỉ 70 giá dầu mỏ và giá vàng lên theo kiểu xoáy trôn ốc nên khi đó đã đem lại cho Liên Xô một khoản tiền lớn bất ngờ. Thêm nữa các nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ không trả bằng tiền mặt khi họ mua vũ khí của Liên Xô.

Bản báo cáo đánh giá sự yếu kém trên, đã coi ngành năng lượng Liên Xô như một lĩnh vực có thể sử dụng; nên đối với ngành này, những người viết báo cáo đã theo dõi rất sát sao. Báo cáo nhấn mạnh, ngành năng lượng đã có một tác dụng vô cùng quan trọng trong việc duy trì mặt vận hành kinh tế cơ khí của Liên Xô. Ngoại tệ mạnh Liên Xô kiếm được qua việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt chiếm 60% đến 80% toàn bộ số thu nhập ngoại tệ của Liên Xô, đồng thời những thu nhập đó trở thành “một cột trụ” của thể chế kinh tế nước này. Tuy Liên Xô kiếm được ngoại tệ mạnh từ phương Tây, nhưng họ lại phải dùng số tiền đó mua lương thực và kĩ thuật của phương Tây để duy trì “vật khổng lồ” là thể chế kinh tế của họ. Một số ngoại tệ mạnh lại quay trở lại phục vụ cho ngành năng lượng để từ bản thân ngành này khai thác được càng nhiều sản phẩm. Chính kĩ thuật phương Tây đã làm cho ngành năng lượng của Liên Xô sinh trưởng và hưng thịnh. Trong một phụ kiện đặc biệt có liên quan tới ngành năng lượng, những người viết báo cáo đã rút ra được mấy kết luận sau:

Một điều khát vọng của Mat-xcơ-va là làm sao để nền kinh tế của họ có thể tăng trưởng một cách ổn định. Kế hoạch 5 năm thứ 11 của Mat-xcơ-va (1981 - 1985) đã phản ánh điều đó. Năng lượng xuất khẩu là nguồn chủ yếu thu nhập ngoại tệ mạnh của Liên Xô. Những thu nhập do sự xuất khẩu sang phương Tây đã khiến Liên Xô có thể có được các loại thiết bị và kĩ thuật trong hoạt động kinh tế của mình. Điều càng quan trọng nữa là, ngành năng lượng đã ra sức tăng hiệu suất khai thác dầu mỏ, tăng sự vận chuyển khí thiên nhiên và tăng sự khai thác năng lượng trên mặt biển.

Gần đây Liên Xô đã mở rộng việc xuất khẩu sang phương Tây, khiến số ngoại tệ mạnh cần thiết cho việc khai thác năng lượng tăng lên rõ rệt. Người Liên Xô dùng một phần lớn số ngoại tệ mạnh thu được từ phương Tây để mua các thiết bị và kĩ thuật dùng cho việc khai thác dầu mỏ cùng với khí đốt. Mat-xcơ-va đang sử dụng kế hoạch “Tăng hiệu suất thu hoạch dầu mỏ (EOR)” để lấy được hết dầu mỏ từ trong các vật trầm tích, còn nếu như chỉ dùng các biện pháp thông thường thì họ không thể làm được việc này! Sản lượng mỏ dầu cũ của khu Von-ga đang giảm sút, vì vậy Liên Xô hi vọng kế hoạch EOR có thể tăng sản lượng bằng kĩ thuật mới. Bản báo cáo trên đã đặc biệt nêu lên rằng:

Người Liên Xô hết sức mong sẽ sử dụng kĩ thuật EOR để có thể làm tăng hiệu suất thu hoạch dầu mỏ ở các mỏ dầu cũ, đồng thời họ sẽ khai thác những mỏ dầu hàm chứa dầu nặng chưa khai thác. Liên Xô phải ra sức thực thi kế hoạch EOR vì họ đã bị cản trở bởi thiếu thiết bị và chế phẩm hoá học... cho đến nay Liên Xô vẫn không có năng lực để chế tạo thiết bị phát sinh khí hơi cần thiết cho loại dầu hấp thu nhiệt lực, mà họ cũng không có năng lực để sản xuất thuốc hoạt tính bên ngoài, hoặc vật tụ hợp với một số lượng đầy đủ để sử dụng trong kế hoạch chế phẩm hoá học và lưu vật tụ hợp. Liên Xô vẫn tiếp tục cố gắng để có được sự viện trợ kĩ thuật và thiết bị của phương Tây, từ đó xúc tiến kế hoạch EOR.

Sau đó, bản báo cáo phân tích về nhân tố then chốt có liên quan với sự thu nhập ngoại tệ mạnh của Liên Xô - giá cả của dầu mỏ trên thế giới. Trong thập kỉ 70, khi giá dầu mỏ lên nhanh như diều gặp gió, thì số ngoại tệ mạnh Liên Xô thu được do xuất khẩu dầu mỏ tăng 272%, còn các mặt xuất khẩu khác thì tăng lên 22%. Mai-ê đoán định, nếu giá mỗi thùng dầu tăng lên 1 đôla Mỹ thì mỗi năm Mat-xcơ-va có thể thu được xấp xỉ 1 tỉ đô-la Mỹ. Ngược lại cũng vậy, nếu giá mỗi thùng dầu mỏ tụt xuống 10 đô-la Mỹ thì Mat-xcơ-va sẽ phải trả giá rất nặng nề là bị thất thiệt 10 tỉ đô-la Mỹ. “Giá cả dầu hoả trên thị trường thế giới có một tác dụng quyết định đối với năng lực sinh tồn của nền kinh tế Liên Xô”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 07:28:02 pm »


“Cô-xây dường như lập tức lí giải ý nghĩa của bản báo cáo đó - Mai-ê nhớ lại - Đối với ông mà nói, bản báo cáo này biến thành tin mừng. Ông nói: “Chúng ta có thể đánh đổ bọn họ”.

Cô-xây định kì tổ chức hội nghị nghiên cứu, thảo luận về chiến lược. Sau mấy ngày tham gia một cuộc hội nghị trên, Uây-cơ cùng Tổng thống thẩm tra rất cẩn thận các loại vấn đề. Cùng tham gia việc thẩm tra này có cả Cai-xpa Uyn-pak và Bi-en Cơ-lác, người mới nhận chức cố vấn An ninh quốc gia.

Trong thời gian này hầu như ngày nào Tổng thống cũng đều nhận được một bản báo cáo có nội dung tương tự như bản báo cáo trên. Người châu Âu đương giải quyết triệt để đối với việc cấm vận của người Mỹ. Đặc biệt là, 2 công ty kinh doanh về vấn đề chế tạo của châu Âu - Công ty Giôn Pu-lang của Anh và Công ty Đại Tây Dương của Pháp đang chuẩn bị bán cho Mat-xcơ-va những kĩ thuật mà Oa-sinh-tơn cấm bán cho Liên Xô, nhằm mục đích cắt đứt việc xây dựng đường ống khí đốt. Hội nghị thượng đỉnh Véc-xây sẽ triệu tập vào tháng 6; vấn đề trừng phạt Liên Xô có thể là nghị đề đầu tiên. Cô-xây có mang theo bản báo cáo đánh giá về sự yếu kém của nền kinh tế Liên Xô trên. Trước khi khai mạc hội nghị, Cơ-lắc và Uyn-pak đều đã xem bản báo cáo đó.

Từ bản báo cáo ấy, Cô-xây rút ra mấy trang trích yếu. “Thưa Tổng thống - Với những thuật ngữ lộn xộn điển hình của mình, Cô-xây bắt đầu nói - Tôi xin đánh cược là, những đường ống khí đốt đó cực kì lớn; chúng tôi không chỉ bàn về một kế hoạch nào đó có thể giúp đỡ họ, mà bàn về một kế hoạch họ bắt buộc phải tiến hành. Họ sẽ bằng mọi cách sao cho có được ngoại tệ mạnh, để cho kế hoạch có quy mô rất lớn này tiếp tục tiến hành được. Trong vòng một năm, họ muốn với 2 đường ống khí đốt này sẽ thu được 15 tỉ đến 20 tỉ đôla Mỹ. Nếu chúng ta có thể ngăn cản hoặc trì hoãn kế hoạch của họ thì chắc chắn họ sẽ rơi vào khốn cảnh”. Cơ-lắc đã thảo luận riêng với Tổng thống về vấn đề này, vì vậy 2 người nhất trí qua đó sẽ áp dụng lập trường cứng rắn.

“Kế hoạch này đúng là một nguồn kiếm tiền rất lớn - Uyn-pak nhớ lại - Xin báo cáo với Tổng thống, tôi sẽ giữ vững ý kiến này. Chúng ta nhất thiết cần kiên trì việc trừng phạt họ. Đây là một cuộc kinh tế chiến, nó sẽ làm lực lượng của họ yếu đi”.

Khi hội nghị kết thúc, Ri-gân tin chắc rằng, làm cho Mat-xcơ-va suy yếu về mặt kinh tế, đó là một chiến lược tốt! Mà một biện pháp tốt nhất là ra tay ở kế hoạch đường ống khí đốt.

Mùa xuân năm 1982, bộ máy ngoại giao của nước Mỹ từ từ chuyển động. Châu Âu kiên quyết giữ lời hứa, tiếp tục xây dựng kế hoạch 2 đường ống khí đốt. Ngoài ra, các nước châu Âu lại hoàn toàn bất kể đến việc mấy tháng trước họ đã kí kết hiệp ước với Hội nghị ban Thường trực Bắc Đại Tây Dương mà lại bật đèn xanh cho công ty của họ. Như vậy là trên cơ bản đã giải quyết tận gốc vấn đề trừng phạt của nước Mỹ. Trừ phi châu Âu tự nguyện đáp ứng giảm bớt tiền cho vay, tiền trợ cấp đồng thời ngăn cản việc cung cấp kĩ thuật cho Mat-xcơ-va, nếu không Tổng thống Ri-gân đành để mặc cho sự xuất hiện khả năng thủ tiêu trừng phạt. Hec-gô đi di, lại lại thực hiện ngoại giao con thoi với châu Âu, dự tính sẽ có được một phương án thoả hiệp nào đó. Tháng 5 năm 1982, Gióoc-dơ Xu-ơn-sư (khi đó ông vẫn làm việc ở ngành tư doanh) theo yêu cầu của Ri-gân đến gặp những người lãnh đạo chủ yếu ở các nước đồng minh phương Tây, thảo luận về vấn đề đường ống khí đốt và các vấn đề hiện còn tranh cãi. Sau khi trở về, ông đã nói với Tổng thống: “Quan điểm của Tổng thống đối với vấn đề cho nước Nga và các nước vệ tinh của họ vay tiền đã có ảnh hưởng thực tế. Tôi cho rằng về vấn đề này qua thái độ của họ là nhất trí với quan điểm của Tổng thống. Không có ai lại biện hộ về việc tài trợ kinh tế cho Liên Xô!”. Nhưng kế hoạch đường ống khí đốt này, với con mắt của người châu Âu chẳng khác nào một sự bảo đảm về sinh mệnh có ý nghĩa quan trọng vì vậy lẽ nào họ lại có thể đồng ý với việc cắt đứt hay giảm bớt tài trợ đối với hạng mục này sao?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 07:30:24 pm »


Từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 6, công chúng tập trung chú ý vào hội nghị thượng đỉnh Véc-xay của 7 nước phương Tây. Trong hội nghị này, Ri-gân coi kế hoạch đường ống khí đốt ở Xi-bê-ri và việc đình chỉ cho vay tiền, đình chỉ chi tiền trợ cấp đối với Mat-xcơ-va là điểm quan trọng nhất trong nghị trình. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh này đã không có được hiệu quả mong muốn. Tổng thống liền đề ra một phương án thoả hiệp; nếu hạng mục đường ống khí đốt chỉ hạn định ở đơn tuyến chứ không sang tuyến như kế hoạch ban đầu và nếu 7 nước đồng ý hạn chế việc xuất khẩu kĩ thuật cho Liên Xô, thì Mỹ có thể đồng ý với việc xây dựng nó! Trong công báo cuối cùng của hội nghị, có một “Hiệp định về sự ưu tiên ngăn chặn”, trong đó còn nêu ra các vấn đề mậu dịch đối với Mat-xcơ-va và việc châu Âu chỉ đồng ý xây dựng một đường ống khí đốt. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là hiệp định mà thôi! Sau đó, Pháp lại kí kết với Mat-xcơ-va một bản hiệp định khác về cho vay và trợ cấp khác: “Mít-tơ-răng và Smit sau khi dự lễ bế mạc hội nghị liền tuyên bố với giới truyền thông và công chúng rằng, mô thức về quan hệ tài chính và năng lượng giữa họ với Liên Xô sẽ không thay đổi”. Rô-giơ Ru-pin-sưn nhớ lại. Khi đó ở Nhà Trắng. Ông rất chú ý đến tình hình ở hội nghị đầu não này.

Ngày 7 tháng 6, Tổng thống Ri-gân bay sang Rô-ma. Ở đây ông đã có cuộc hội kiến 6 tiếng đồng hồ với Giáo hoàng. Họ đã bí mật họp trong 45 phút ở thánh điện sang trọng tại Va-ti-căng. Giáo hoàng mặc áo trắng, đầu đội mũ trắng, cổ đeo một cây Thập tự bằng bạc. Ông tỏ ý hoan nghênh Ri-gân lần đầu tiên có cuộc thăm viếng nơi đây.

Phía sau họ là bức tranh “Phục sinh” nổi tiếng của Pê-ru-chê-nốp1. Lần hội kiến đã được mọi người rất chú ý này là do Ri-gân đề nghị, nó thật rất thích hợp! Hai người cùng đã trải qua sự kề cận cái chết, vì họ đều đã bị ám sát; mà người trước kẻ sau việc đó chỉ cách nhau có mấy tuần và họ đều bị trúng đạn. Ri-gân nói với giáo hoàng: “Hai người chúng ta đều đã cùng vì một mục tiêu mà được Thượng đế khoan thứ!”. Bi-en Cơ-lắc nhớ lại. Mục tiêu đó là làm cho Ba Lan được tự do.

Cô-xây trước khi lên đường tới châu Âu, đã báo cáo ngắn gọn về những hành động của Cục Tình báo trung ương ở Ba Lan với Tổng thống và Cơ-lắc. Lần này Tổng thống cũng chỉ nói mấy câu ngắn gọn với Giăng Pôn về vấn đề đó “Ba Lan rất có hi vọng! Chúng ta cùng ra sức làm việc thì ngọn lửa hy vọng sẽ bùng cháy!” Giáo hoàng gật đầu tỏ vẻ nhất trí.

Sau cuộc hội kiến bí mật, 2 người đều đọc lời tuyên bố chính thức của mình trước giới truyền thông. Ri-gân đã nói khá lâu và tường tận về tình hình Ba Lan. Ông tuyên bố: “Chúng ta cùng chú trọng tới một khu vực, đó là Ba Lan; một nước đang bị chà đạp, giày vò! Sau mấy thế kỷ phải chịu tai nạn; Ba Lan, trong lòng nhân dân dũng cảm của nó đã trở thành một pháo đài đấu tranh anh dũng cho tín ngưỡng và tự do, nhưng trong lòng của những người thống trị nó thì lại không như vậy! Chúng tôi đang tìm tòi một con đường đi tới hoà giải và đổi mới, điều này sẽ đem lại một ánh sáng hy vọng mới cho nhân dân Ba Lan”.

Khi Giáo hoàng và Tổng thống hội kiến với nhau thì Cơ-lắc và các quan chức Va-ti-căng cũng hội đàm với nhau về tình hình ở Ba Lan. Cơ-lắc không tìm xét thật tường tận về kế hoạch hành động của Cục Tình báo trung ương ở Ba Lan, nhưng ông nói, nếu Giáo hội trên cơ sở bình thường mà chia sẻ tình báo với Ba Lan thì những tin tình báo đó sẽ phát huy những tác dụng có ích. Ông cũng tìm cách để nói rằng, Oa-sinh-tơn muốn cùng với Giáo hội xác định một đường hướng ngoại giao chính trong quan hệ với Vác-sa-va, nó sẽ là một loại biện pháp linh hoạt. Một mặt, chúng ta cần biểu thị rõ lập trường của chúng ta, tức là gạt bỏ những gì ta không thể tiếp thu được. Mặt khác, nếu lập trường chúng ta quá mức cứng rắn, thì thậm chí ta sẽ đẩy Ba Lan vào vòng thống trị của Liên Xô. Cơ-lắc cũng nói để các quan chức Va-ti-căng rõ, nước Mỹ có những biện pháp hữu hiệu để đưa tình báo đến cho Ba Lan, nếu Va-ti-căng cần thiết có được tình báo nhanh chóng ở một nơi nào đó thì Mỹ có thể cung cấp giúp.

Sau cuộc thăm viếng hữu nghị ngắn ngủi 6 tiếng đồng hồ ở Ý, Ri-gân, và trợ thủ của ông lại bay đến nước Anh trên chiếc “Không quân số 1”.
_____________________________________
1. Pê-ru-chê-nốp: chính tên ông là Van-nuy-xi (1450 - 1523), ông là hoạ gia nổi tiếng thời kì Văn nghệ Phục hưng. Tác phẩm của ông với bố cục rõ ràng, hình thức điêu luyện và xử lý quan hệ không gian đã trở thành nguyên tắc Mỹ học quan trọng trong giai đoạn đang lên của thời kì Văn nghệ Phục hưng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 07:31:04 pm »


Sau hội nghị Véc-xay, những nhà lãnh đạo các nước phương Tây lại họp ở Bon. Ri-gân từ trên chiếc ghế của mình đứng lên, rất xúc động, thỉnh cầu mọi người giảm bớt sự ủng hộ kinh phí cho kế hoạch đường ống khí đốt ở Xi-bê-ri, hạn chế sự cho vay và trợ cấp, phản đối “kinh doanh bình thường”. Lời kêu gọi của Tổng thống chẳng khác nào như “đàn gẩy tai trâu”; nhưng có lẽ quan trọng nhất là, sau khi Ri-gân nói xong ông liền cảm thất nhẹ nhõm hẳn. Khi Ri-gân xúc động đưa ra lời thỉnh cầu với cử tọa thì Smit chăm chú nhìn ra vườn hoa ở bên ngoài cửa sổ. Thật là một sự phớt lờ một cách trắng trợn đối với lời thỉnh cầu của Tổng thống! - Ru-pin-sưn nói - Thái độ đó của ông ta là cố ý tỏ ra lạnh nhạt với lời thỉnh cầu của Tổng thống. Khi Ri-gân vừa về đến Oa-sinh-tơn là ông ý thức ngay được sự coi thường lời nói của mình, thậm chí còn là một sự sỉ nhục. Ông bị coi như một nhân vật non nớt không thật sự hiểu được cái cốt lõi trong quan hệ kinh tế giữa phương Đông và phương Tây”.

Tổng thống tức giận như điên, thế là đến ngày 18 tháng 6, ông triệu tập hội nghị Ủy ban An ninh quốc gia; Về ngày này sau đó, châu Âu gọi là ngày “thứ sáu đen tối”. Ri-gân muốn để cho người khác biết rằng ông có quyền chọn lựa phương án trừng phạt Liên Xô, đồng thời trong quá trình hành động ông có thể đưa ra sự lựa chọn của mình. Bi-en Cơ-lắc chủ trì cuộc hội nghị này. Những người tham gia hội nghị cảm thấy không khí căng thẳng. Đến lúc này thì nội bộ Chính phủ Mỹ lại có sự phân rẽ sâu sắc về vấn đề trừng phạt. Uyn-pak, Cơ-lắc, Miss và Cô-xây tán thành cấm vận, những người khác thì chủ trương giải trừ trừng phạt. A-lếch-san Hec-gơ là người phản đối trừng phạt rất có sức thuyết phục, lúc đó lại đang ở Niu-Oóc. I-cơn-pak, nhân vật thứ hai của Quốc vụ viện thay ông dự hội nghị. Qua thảo luận Cò-lắc chú ý thấy, Tống thống có 3 sự lựa chọn cơ bản:

* Mặc dầu Liên Xô là kẻ chủ mưu, dù họ không chịu đình chỉ việc trấn áp Ba Lan, nhưng nước Mỹ cũng vẫn hoàn toàn giải trừ việc trừng phạt.

* Dù rằng gặp phải sự phá hoại có hệ thống của các nhà cung ứng và Chính phủ ở châu Âu nhưng nước Mỹ vẫn đơn phương kiên trì thực thi sự trừng phạt.

* Căn cứ vào quyền thực thi “Luật quản lí và khống chế việc xuất khẩu”, Tổng thống sẽ mở rộng sự trừng phạt Liên Xô đến các nhà thương gia cung ứng và các công ty con ở hải ngoại, đó là những thành viên có được giấy phép của nước Mỹ!

Sự lựa chọn thứ nhất có nghĩa là chính sách của nước Mỹ đã đổi chiều rõ rệt, điều này khiến nước Mỹ không được một chút gì; còn các nước châu Âu ở hội nghị thượng đỉnh Véc-xay, để Oa-sinh-tơn bằng lòng họ đã miễn cưỡng kí kết hiệp nghị với Mỹ, tức đình chỉ việc cho vay và chỉ phụ cấp cho Liên Xô. Sự lựa chọn thứ hai có nghĩa là đơn phương trừng phạt công ty của nước Mỹ, tức các công ty được Mỹ cấp giấy phép và sử dụng kĩ thuật của nước này sẽ tiến hành xây dựng đường ống khí đốt song tuyến đầu tiên. Công ty máy kéo “Li-tai” nước Mỹ sẽ mất đi đơn đặt hàng trị giá 90 tỉ đô-la Mỹ. Công ty điện khí thông dụng sẽ mất đi đơn đặt hàng trị giá 175 triệu đô-la Mỹ. Những đơn đặt hàng này sẽ bị các công ty châu Âu thay thế ngay. Sự lựa chọn thứ ba có nghĩa là nước Mỹ sẽ thực sự ra tay, tức nước Mỹ thực sự phát động một cuộc kinh tế chiến đối với Mat-xcơ-va.

Cô-xây Uyn-pak và Cơ-lắc chuẩn bị trình bày với Tổng thống về mọi lí do nên thực thi sự lựa chọn thứ ba, tuy Cơ-lắc theo như thường lệ vẫn đóng vai trò “người trung gian thành thực” trong những kì hội nghị Ủy ban An ninh quốc gia. Họ dự tính, trong các thành viên hội nghị Ủy ban An ninh quốc gia, đối với những ưu điểm tương đối của việc trừng phạt sẽ tiến hành một cuộc tranh luận dài dài. Nhưng Tổng thống dường như trong nội tâm ông không muốn có sự biện luận rườm rà về vấn đề này. Ông nói với mọi người, Smit đã có thái độ miệt thị đối với ông như thế nào. Ông còn nói cả về quá trình giao tiếp giữa ông với người Pháp trước kia. Ông lại nói thêm cả những tin vui, những chuyện “truyền kì” nữa. Do chỉ kí kết được với các nước đồng minh những hiệp ước trống rỗng không có mấy ý nghĩa, nên ông tỏ ra hết sức mệt nhọc. Sau đó, ông tổng kết: “Họ (người Liên Xô và người châu Âu) có thể xây dựng đường ống khí đốt đầu tiên nhưng họ không thể sử dụng thiết bị và kĩ thuật của chúng ta!”

Cơ-lắc nghe ông nói vậy liền xen ngay một câu: “Như thế tức là Tổng thống của chúng ta đã quyết định quyết sách về vấn đề này!” Thế là với sự lựa chọn thứ lựa có nghĩa là Tổng thống đã phát động một cuộc chiến tranh kinh tế với Liên Xô; nó đã biến thành chính sách của nước Mỹ!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 07:34:06 pm »


Phản ứng đối với tin này của châu Âu chẳng khác nào một tiếng nổ của quả bom khinh khí. Tổng thống Mỹ mở rộng sự trừng phạt này tới các công ty châu Âu có giấy phép của Mỹ, thậm chí trước con mắt của mọi người thì Mac-gơ-rit That-chơ1 xưa nay vốn là người bạn tốt của Ri-gân cũng phải nổi giận. Tất cả những nhân vật lãnh đạo chủ yếu ở Tây Âu đều tuyên bố rõ là, họ sẽ không phục tùng quy tắc mới đó. Trước tình hình Tổng thống không chút thể tình này, A-lếch-xan Héc-gơ liền bảo đảm với Tây Âu: chính sách của nước Mỹ đối với mỗi một sự việc đều có cách giải quyết thoả đáng. Ông bình tĩnh thuyết phục với các quan chức châu Âu, họ chỉ cần cứ ngồi đàng hoàng để đợi cuộc khủng hoảng qua đi! Uy-li-am Pu-rok được phái tới các nước Tây Âu để thu xếp cho thoả đáng công việc sau khi Tổng thống có quyết sách trên. Mấy hôm sau, ông đưa về một tin xấu, châu Âu không chịu nhượng bộ. Héc-gơ Cơ-lắc, Miss cùng các thành viên Nội các và các quan chức hành chính cao cấp đều tụ tập ở Phòng Tình báo Nhà Trắng; sau đó họ cùng với Pu-rok tiến hành thẩm tra tỉ mỉ về vấn đề nhậy cảm này. Sau khi nói mấy câu “khẳng khái, hùng hồn” thì Héc-gơ nổi trận lôi đình. Ông nói có vẻ trách cứ Cơ-lắc: “Khi tôi ở Niu-Oóc, các anh (ở Nhà Trắng) để những người ấy (trong hội nghị Ủy ban An ninh quốc gia ngày 18 tháng 6) gây ra chuyện này. Anh vẫn biết sẽ xẩy ra tình huống như vậy! Nếu hôm ấy tôi có mặt trong cuộc hội nghị ấy thì sẽ không xẩy ra chuyện đó!”

Hec-gơ nổi giận, sau này sự việc chứng minh là ông đã sai lầm. Sau cuộc hội nghị đó ít lâu, Cơ-lắc đã đem chuyện này trao đổi với Tổng thống! “Hec-gơ chỉ phàn nàn gay gắt chuyện này trước mặt các bạn thân của ông, dù sao ông cũng đã là cố vấn của Tổng thống hơn 20 năm rồi - Một quan chức cao cấp của Ủy ban An ninh quốc gia nhớ lại - Giữa Ri-gân và Cơ-lắc có mối thân tình đặc biệt và họ tin nhau tuyệt đối! Sau đó ít lâu Hec-gơ bị miễn nhiệm, nguyên nhân của nó rất đơn giản”.

Do Mỹ mở rộng việc trừng phạt, vì vậy giữa Krem-li và Bộ Công nghiệp khí đốt Liên Xô đã có sự phối hợp với nhau rất chặt chẽ. Bằng sự nỗ lực bản thân họ đã ra sức phấn đấu nên trong điều kiện không có kĩ thuật của Mỹ vẫn hoàn thành được việc xây dựng đường ống khí đốt. Ít lâu sau, do sự cần thiết đối với các kế hoạch ưu tiên khác, nên quyết sách của Liên Xô có sự chuyển biến rất lớn, sự chuyển biến này làm cho nền kinh tế Liên Xô càng thêm suy yếu! Sự chuyển biến quan trọng này lại trở thành nhân tố khích lệ tinh thần tự hào dân tộc của Liên Xô, thúc đẩy họ hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch này. Rô-giơ Ru-pin-sưn lúc đó đang chăm chú theo dõi vấn đề này tại phòng làm việc của ông ở Ủy ban An ninh quốc gia. Ông nhớ lại: “Do về mặt thiết bị và nhân viên có sự chuyển biến quan trọng, nên trong đời sống kinh tế của Liên Xô đã gây ra phản ứng dây chuyền có hại, vì thế trên thực tế đã khiến cho các kế hoạch quốc gia khác bị trì hoãn hoặc đình chỉ. Ở Liên Xô, sự hoàn thành kế hoạch đường ống khí đốt này đã có một ý nghĩa quan trọng chẳng khác nào “kế hoạch Man-ha-tan2 của Mỹ hoàn thành. Để tìm những thứ thay thế được các thiết bị của Mỹ, Liên Xô đã phải tốn rất nhiều tiền ở nước ngoài, nhưng những nỗ lực đó đã thất bại ở mức độ rất lớn. Sự thu nhập ngoại tệ mạnh của họ vốn có hạn, nhưng để cố gắng xây dựng đường ống khí đốt họ đã phải chi một khoản lớn. Nhân viên kĩ thuật của họ là những người thông minh nhất trên thế giới; những con người đó đã toàn tâm toàn ý lao vào công tác, nhưng họ vẫn không hoàn thành được kế hoạch này! Theo ước lượng của Bộ Công nghiệp khí đốt Liên Xô năm 1986 thì mặc dầu có sự nỗ lực lớn nhưng Nhà nước vẫn phải chi tới 1 tỉ đôla Mỹ. Tuy nhiên cuối cùng Liên Xô cũng không hoàn thành được kế hoạch này, họ cần kĩ thuật của nước Mỹ! “Chúng tôi thử xây dựng một máy tua-bin 2 vạn 5 ki-lô-oát, thế là chúng tôi bỗng nhiên phải huy động một số tiền lớn vào công việt này! - Một công trình sư tham gia vào kế hoạch đường ống khí đốt đó của Mat-xcơ-va nhớ lại - Nhưng chúng tôi đã thất bại! Việc làm đó đã làm tốn của chúng tôi một khoản tiền rất lớn, chúng tôi đã phải trả một giá rất đắt cho việc này!

Khi Chính phủ Ri-gân nghe loáng thoáng được tin Liên Xô sẽ dựa vào lực lượng nước mình để hoàn thành kế hoạch này của họ, thì Cô-xây và các quan chức cao cấp của Ủy ban An ninh quốc gia liền động não cố gắng làm sao cho tình trạng của kế hoạch đó sẽ càng tồi tệ hơn. Những chi tiết của các thiết bị về phương diện công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của Liên Xô đều phải dựa rất nhiều vào thiết kế của phương Tây; sau đó bản thân họ mời tự chế tạo được. Lần này tuy trong nước đã ra sức xúc tiến kế hoạch đường ống khí đốt nhưng tình hình vẫn không có gì khác trước. Ở Oa-sinh-tơn, rất nhiều các quan chức đoán định, kế hoạch đưa tình báo giả vào Liên Xô (bao gồm việc cố ý gửi những số liệu kĩ thuật sai và lệch lạc) sẽ thành công. Sau đó, nước Mỹ đã bắt tay vào thực thi một số công việc như vậy.

Héc-gơ do vấn đề đường ống khí đốt mà bị miễn nhiệm, vì vậy Gióoc-dơ Xu-ơn-xư, quốc vụ khanh mới bổ nhiệm đã phải tương đối cẩn thận trong công việc về vấn đề đường ống khí đốt; đối với nó ông chỉ dám nhúng tay vào chút ít. “Ông ta đã biết rằng Héc-gơ vì vậy mà bị miễn nhiệm - một vị quan chức ở Ủy ban An ninh quốc gia nói - Do vậy ông ta đã bảo với người châu Âu, đây là một vấn đề nghiêm túc, không thể đùa được. Chúng tôi chỉ vì vấn đề này mà mất đi vị Quốc vụ khanh tiền nhiệm!”

Bất kể như thế nào, Gióoc-dơ Xu-ơn-xư về vấn đề này cũng không thể không tranh thủ được sự cảm thông của những nhà lãnh đạo châu Âu có lập trường cứng rắn. Bà Thát-chơ và Mit-tơ-răng nói với các công ty của nước mình rằng, khi vận chuyển các thiết bị sang Liên Xô thì không cần tuân thủ mệnh lệnh của nước Mỹ. Điều gọi là trừng phạt, tức là nước Mỹ muốn áp đặt pháp luật của nước mình vào những nơi không thuộc quyền quản lí của họ, vì vậy họ đã bị châu Âu phản đối! Bà Thát-chơ đã nói thẳng với Ri-gân rằng: “Pháp luật của các ông không thể áp đặt ở đây được!”. Ở Pa-ri, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nước Pháp đã bị nước Mỹ uy hiếp, họ yêu cầu ông “ra lệnh” cho bất kì một công ty nước Pháp nào cũng không được chuyển hàng của họ tới Mat-xcơ-va. Một công ty của Pháp có được giấy phép của Công ty Công nghiệp Mỹ Đơ-rây-sai, nhưng công ty này không chịu sự thao túng của Mỹ cho nên: “Tôi cứ làm theo ý tôi!” Thế là vào mùa xuân năm đó, công ty này vẫn cứ vận chuyển hàng của mình sang Liên Xô.
___________________________________
1. Mác-gơ-rit That-chơ: Nữ thủ tưởng Anh, là thủ tướng thứ 48 của nước này (1979 - 1990), bà được mọi người xưng tụng là “người đàn bà thép”. Bà chủ trương kiềm chế sự phát triển của Liên Xô. Uy tín bà được tăng cao khi nước Anh toàn thắng trong chuyện xung đột với Ác-hen-ti-na về vấn đề quần đảo Man-vi-nas. Cuối thập kỉ 80, bà rút khỏi chính trường.
2. Kế hoạch Man-ha-tan: Tháng 6 năm 1942 bộ Lục quân nước Mỹ bắt đầu thực thi kế hoạch lợi dụng phản ứng phân chia hạt nhân để chế tạo bom nguyên tử. Thời kì đầu, phần lớn công tác nghiên cứu được tiến hành ở trường đại học Cô-lông-bi-a của Man-ha-tan, do đó toàn bộ kế hoạch nghiên cứu này gọi là “Kế hoạch Man-ha-tan”. Thời gian nghiên cứu mất 3 năm, tiêu tốn 2 tỉ đôla Mỹ cuối cùng đã chế tạo thành công 2 quả bom nguyên tử thực dụng.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 07:38:18 pm »


CHƯƠNG CHÍN

Tháng 8 năm 1982, một lần nữa Cô-xây lại bay đến châu Phi trên chiếc máy bay đen “Chim cơ giới” của ông. Lần này ông cũng đến Nam Phi để thăm dò mấy vấn đề thú vị. Tinh thần kiên nhẫn, ảnh hưởng rộng khắp và năng lực công tác của cơ quan tình báo Nam Phi đã khiến ông hết sức khâm phục. Trên đường về nước, ông chỉ thị cho viên phi công bay thấp qua sông Dăm-bê-di (Zamberi) 1 để ông có thể nhìn rõ được phong cảnh nơi đây. Thế là, máy bay lượn mấy vòng trên không, theo hướng chính bay qua thác Vich-tô-ri-a2 hùng vĩ.

Khi máy bay hạ cánh xuống Pơ-rê-tô-ri-a3, người phụ trách trạm tình báo Nam Phi ra sân bay đón Cô-xây, rồi đưa ông đến toà Đại sứ quán Mỹ ở Nam Phi. Sau khi tắm rửa, tinh thần sảng khoái, Cô-xây nghe báo cáo về tình hình Nam Phi và tình hình kịch chiến ở miền Bắc Ăng-gô-la. Sau đó, ông rời Đại sứ quán, đến hội kiến với các quan chức tình báo Nam Phi.

Đây là một cuộc hội kiến trong không khí nồng thắm. Nam Phi ủng hộ Đốt-xen-tốt4 là người đang chiến đấu với Chính phủ theo chủ nghĩa Mác ở Ăng-gô-la. Họ muốn Cô-xây giúp họ ủng hộ Đốt-xen-tốt; lực lượng vũ trang do nhân vật này lãnh đạo đang bị tổn thất lớn trong cuộc chiến đấu giữa họ với Ăng-gô-la và quân đội Cu-ba đang ở tại nước đó. Đầu năm 1981, lần đầu tiên Cô-xây kiến nghị nước Mỹ cần thực hiện chính sách ủng hộ những người khởi nghĩa phản đối chủ nghĩa Cộng sản; Đốt-xen-tốt là một thí dụ điển hình hoàn mỹ của sự thành công từ chính sách đó.

Cô-xây còn đề xuất việc san sẻ tình báo với Nam Phi. Cũng giống như mấy tháng trước, nước Mỹ đã cung cấp ảnh vệ tinh cho I-xra-en, ảnh vệ tinh mà Mỹ chụp ở An-gô-la sẽ rất tốt đối với Đốt-xen-tốt. Người Nam Phi rất vui vì ý tưởng này, họ tỏ vẻ rất phấn khởi khi có được loại tình báo ấy.

Sau đó, Cô-xây chuyển vấn đề, ông đưa ra việc phát động cuộc chiến tranh bí mật với Mat-xcơ-va. Krem-li đang bán ra một lượng lớn vàng. Năm 1981, Liên Xô bán phá giá ra thị trường quốc tế một số lượng vàng nhiều gấp 4 lần lượng bán thông thường. Rõ ràng là, về phương diện tiền mặt thì họ đang lâm vào tình trạng “giật gấu vá vai”! Cô-xây muốn làm cho rõ, Mat-xcơ-va hi vọng thông qua việc bán vàng sẽ thu về được bao nhiêu ngoại tệ mạnh, xu hướng giá vàng trên thế giới ra sao; về mặt sản xuất vàng ở Nam Phi sẽ gây được những loại phản ứng gì? Ông còn muốn ngăn chặn bất kì một sự hợp tác nào trên thị trường quốc tế giữa Mat-xcơ-va với Pơ-rê-tô-ri-a.

Về phương diện sản xuất và tiêu thụ vàng thì Nam Phi là một lực lượng có tính quyết định. Các quan chức hữu quan ở đây đối với giá cả thị trường của vàng trên thế giới thông thạo, vì vậy Cô-xây hỏi họ về vấn đề này thật rất đúng chỗ. Theo dư luận, lâu nay giữa Mat-xcơ-va và Nam Phi vẫn có mối liên hệ bí mật với nhau. Lòng đầy hi vọng họ muốn có sự điều tiết về vàng, kim cương, bạch kim và các khoáng sản quý trên thị trường quốc tế. Như vật họ có thể dần dần lũng đoạn thị trường quốc tế!
________________________________________
1. Sông Dăm-bê-di: con sông chảy qua Trung Nam bộ và Đông Nam bộ châu Phi. Phát nguyên từ cao nguyên Trung Phi, chảy vào Ấn Độ Dương. Dài 3500km, diện tích lưu vực 1 triệu 3km2.
2. Thác Vich-tô-ri-a: có vị trí tại sông Dăm-bê-di gần Dăm-bi-a, rộng hơn 1700m, chỗ cao nhất là 108m. Khi sông Dăm-bê-ri sắp đến thác này thì chảy từ từ, nhưng khi nước từ trên thác đổ xuống thì tiếng vang như sấm.
3. Pơ-rê-tô-ri-a: Thủ đô hành chính của Nam Phi và là thủ phủ của tỉnh Cơ-ran-va-ni-an.
4. Đốt-xen-tốt (1934 - 2001) Chính trị gia của Ăng-gô-la, đã lãnh đạo chiến tranh du kích, quân đội Chính phủ Ăng-gô-la sau khi nước này được độc lập. Năm 1992, sau khi thất bại trong cuộc Tổng tuyển cử, ông đã tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang với quân đội của Chính phủ.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 07:42:06 pm »


Trong việc sắp xếp để các quan chức Nam Phi và Liên Xô gặp nhau, KGB đã có tác dụng rõ rệt. Những cuộc gặp mặt này, địa điểm của nó thường ở Thuỵ Sĩ. Cuộc gặp mặt đầu tiên vào năm 1978 tại đó. Những việc qua lại ấy đều rất bí mật. Chung quy, các bạn đồng minh của Liên Xô ở châu Phi đen đều là kẻ tử thù không đội trời chung của Pơ-rê-tô-ri-a. Krem-li ủng hộ sự nỗ lực của Quốc dân1 đại hội (ANC) của người châu Phi và Đảng Cộng sản Nam Phi trong vấn đề lật đổ Chính phủ Nam Phi.

Khi giá vàng trên thị trường quốc tế vào những năm 70 tăng vọt lên thì Pơ-rê-tô-ri-a và Mat-xcơ-va phát tài to. Mat-xcơ-va tìm dịp đối thoại với Pơ-rê-tô-ri-a xem 2 bên có thể hợp tác với nhau để mưu sự phát triển cho lợi ích chung không và từ đó tiến hành điều tiết tài nguyên khoáng sản quý trên thị trường quốc tế. Nhưng qua mấy lần hội kiến ban đầu đều không đạt kết quả. Song đến năm 1982, cùng với giá vàng tụt nhanh và sự bán phá giá của Mat-xcơ-va, 2 bên đều muốn thị trường quốc tế ổn định để có được lợi ích chung.

Cơ quan tình báo Nam Phi đối với vấn đề của Cô-xây chưa phản ứng ngay. Chung quy, Pơ-rê-tô-ri-a và Mat-xcơ-va về phương diện mục tiêu định giá vàng và điều tiết thị trường là nhất trí với nhau. Họ muốn làm cho giá vàng cao lên và để có khả năng khống chế được giá cả thị trường quốc tế. Trong tình hình đó, Nam Phi vì sao lại muốn san sẻ tình báo với nước Mỹ?

“Rất rõ ràng - Cô-xây nói với họ, - Các ông có thể phát hiện là về vấn đề đó các ông có cùng một mục tiêu với họ, nhưng về phương diện khác họ lại đương áp bức các ông. Tôi ở Oa-sinh-tơn có thể giúp các ông về phương diện tình báo, nhưng có một số thứ tôi cần ở các ông”.

Phía Nam Phi vui lòng suy nghĩ lại vấn đề này, vì nó đã tạo nên sự đồng tình của ngành tình báo, hơn nữa trong Chính phủ Nam Phi, thái độ chống Liên Xô của họ rất nhất quán. Nhưng, những người phụ trách sản xuất và tiêu thụ vàng không chắc có một cách nhìn nhận giống nhau về vấn đề đó. Chức năng của họ là làm sao cho sản lượng vàng được nhiều, giá cả vàng cao. Nếu Mat-xcơ-va cũng có một cách nghĩ như vậy thì kết quả đó có thể xuất hiện. Bằng một giọng nói rất đanh, Cô-xây biểu thị rõ ràng rằng: Chính phủ Ri-gân không muốn để cho bất cứ ai thao túng thị trường kim loại quý quốc tế, nhất là không muốn cho Krem-li giải quyết được tình trạng thiếu tiền mặt.

Sau khi đến thăm Pơ-rê-tô-ri-a, địa điểm dừng chân tiếp đó của Cô-xây là Cai-rô. Từ sau chuyến viếng thăm thứ nhất của ông, thái độ của người Ai-cập trong hậu kì kế hoạch Áp-ga-ni-xtan đã cải thiện rất nhiều. Đó là lần đầu Cô-xây hội kiến với Mu-ba-rắc2, tân Tổng thống Ai Cập, họ thảo luận về tình hình Trung Đông, về chuyện Xa-đát bị ám sát và kế hoạch Áp-ga-ni-xtan. Sau đó, Cô-xây chuyển đề mục câu chuyện sang vấn đề có thể gây hứng thú cho họ.

“Tổng thống nhìn nhận tinh thần của Mu-xlim ở vùng Trung Á Liên Xô, bờ bắc sông A-mu như thế nào? Vì họ sẽ trở thành một bạn đồng minh hùng mạnh của chúng ta”.

Mu-ba-rắc ngừng một chút. Đây là một vấn đề nhậy cảm, không biết dụng ý thực sự của Cô-xây ở chỗ nào?

“Ông Cô-xây ạ, tình thế ở đó rất căng thẳng. Tôi đã đọc một số báo cáo, trong đó nói ở vùng ấy có một số tổ chức bí mật, tổ chức này đã chuyển rất nhiều kinh Cô-ran sang bên kia biên giới”.

Tình hình đó Cô-xây đã biết, ông còn cung cấp tiền của cho một số tổ chức. Nhưng điều ông muốn biết là, Ai Cập đã nắm được những gì về các tổ chức bí mật đó. Những quan chức tình báo Ai Cập mà ông đã được gặp nói: đối với vấn đề đó họ không biết tí gì. Vị Tổng thống Ai Cập có thái độ bình tĩnh này đề nghị Cô-xây tiếp xúc với những người lãnh đạo du kích Mu-xlim.

Cô-xây gật gật đầu, rồi nói lời cám ơn về lời đề nghị của vị chủ nhà. Khi về đến Đại sứ quán Mỹ, ông cho triệu tập các trợ thủ đến thảo luận. 4 ngày sau, ông đi Pa-ki-xtan.
_________________________________________
1. Quốc dân đại hội của người Phi châu: tên trước kia là: “Tổ chức của các chính đảng ở Nam Phi và các dân tộc da đen”, thành lập năm 1912 là tổ chức chính trị sớm nhất ở Nam Phi mục đích lật đổ nhà đương cục da trắng ở Nam Phi, đẩy mạnh chính sách, kì thị chủng tộc và cách li chủng tộc. Đến năm 1923 lấy tên như hiện nay. 1960 - 1990 bị cấm hoạt động, chuyển vào hoạt động bí mật. Năm 1990 lại khôi phục được địa vị hợp pháp. Năm 1994; Man-đê-la, chủ tịch đảng này trở thành Tổng thống của Nam Phi.
2. Mu-ba-rắc (1928): năm 1972 ông là Tư lệnh không quân, năm 1975 là Phó Tổng thống. Ngày 6 tháng 10 năm 1981, Tổng thống Xa-đat bị ám sát, ông được kế nhiệm. Năm 1987 và 1993 đều được tái cử Tổng thống.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 07:45:07 pm »


Khi máy bay của Cô-xây hạ cánh xuống I-xla-ma-bát, ông bước xuống từ máy bay, được nhiều người hộ tống đến ngồi trong một chiếc ô-tô chống đạn. Sau đó chiếc xe này phóng như bay đến một địa điểm an toàn. Từ lần trước tới thăm Ai Cập đến nay, đối với vấn đề Áp-ga-ni-xtan ông vẫn lao tâm, khổ tứ về nó. Tổng thống, Bi-en Cơ-lắc và Uyn-pak đều yêu cầu ông cung cấp những tin tình báo mới, chính quy về Áp-ga-ni-xtan. Sự phát triển của các tổ chức chống đối ở Áp-ga-ni-xtan so với trước kia thì tốt hơn nhiều. Các đảng phái đã có tăng cường sự hợp tác với nhau, mà vũ khí trang bị cũng có sự cải thiện. Nhưng hiện nay vẫn tồn tại những vấn đề nghiêm trọng. Cục Tình báo trung ương chuyên uỷ nhiệm cho Ven-son Kan-ni-xtơ-rô, trong Ủy ban An ninh quốc gia nhiệm vụ giám sát, đôn đốc kế hoạch đối với Áp-ga-ni-xtan. Ông này nhớ lại: “Mấy năm đầu, trên cơ bản có sự giao chiến ở vùng đồi núi giữa quân đội hiện đại với đội du kích. Đội du kích thì thông thạo địa hình nhưng họ lại thiếu trang bị vũ khí, và phương châm, chiến lược. Hai bên hình thành thế cầm cự và vấn đề tồn tại chính là ở đó!” “Quân đội Liên Xô không bị thương vong nhiều - Kan-ni-xtơ-rô nói - Hai bên ở thế cầm cự, nhưng quân đội Liên Xô không có mấy thương vong”. Ảnh hưởng của phong trào chống đối không lớn, mà Tổng thống và các quan chức khác lại muốn cho quân đội Liên Xô phải bị thương vong thật nhiều.

Con đường vận chuyển vũ khí thông suốt. Lần hành động bí mật này là một trong những hành động đắt giá nhất và phức tạp nhất trong lịch sử. Việc vận chuyển các đồ tiếp tế do Cục Tình báo trung ương thông qua 3 con đường đưa tới. Các đồ vũ khí, trang bị thì mua bằng tiền của A-rập Xau-đi trên thị trường quốc tế, sau đó cục Tình báo trung ương cho không vận từ Da-ran1 (Dhahran) đến I-xla-ma-bat. Cục còn cho bay qua khu vực Ca-xmia, rồi từ Trung Quốc không vận vũ khí, trang bị và đạn dược. Con đường thứ ba là hải vận. Rất nhiều các nước (Trung Quốc, Ai Cập, I-xra-en và nước Anh) đều có sự quyên trợ, hàng qua đường biển chuyển tới cảng Ca-ra-chi. Sau đó cơ quan tình báo Pa-ki-xtan cho xếp các thứ đó lên xe lửa chuyển tới I-xla-ma-bat hoặc tới Quây-ta2. Mỗi năm thông qua con đường đó, họ đã vận chuyển được khoảng 1 vạn tấn vũ khí, trang bị và đạn dược. Đến năm 1985, con số này lên tới 6,5 vạn tấn.

Tướng A-khơ-tan, người đứng đầu cơ quan tình báo Pa-ki-xtan, ở tại căn cứ cách biệt với bên ngoài tuyệt với đời của mình, đã nhiệt liệt hoan nghênh Cô-xây. Chất lượng của các vũ khí, trang bị từ Ai Cập và từ các nơi khác chuyển đến có sự cải thiện rõ rệt, vì vậy A-khơ-tan thấy rằng mình phải cám ơn Cô-xây. Vị Cục trưởng này đã gọi điện tới Lăng-lây cho tất cả các nhân viên đã tham gia công việc này, yêu cầu họ phải bảo đảm thật tốt chất lượng vũ khí. Giờ đây 2 người đều muốn biết số nhân viên của mình đã cùng nhau có sự cố gắng nhưng từ nay cần nỗ lực hơn như thế nào đây để Mat-xcơ-va phải “đổ máu” nhiều nhiều nữa!

Một nửa quân đội Liên Xô đóng ở Áp-ga-ni-xtan bị kiềm chế ở Ca-bun và ở các khu vực chung quanh đó, mà phần lớn những cuộc chiến đấu với du kích quân Mu-xlim, trên thực tế là do đội quân bạc nhược của Chính phủ Áp-ga-ni-xtan tiến hành. Ông đang lên kế hoạch để có được nhiều hành động hơn nữa ở Áp-ga-ni-xtan, điều này chủ yếu là do 2 nguyên nhân sau: đầu tiên nơi đó là căn cứ quan trọng mà Liên Xô triển khai hành động quân sự. Ở phía chính bắc của sông A-mu có mấy căn cứ. Vũ khí, trang bị và vật tư của quân đội Liên Xô đều từ đó chuyển tới Áp-ga-ni-xtan. Con đường Sa-ran là tuyến đường “sinh mệnh” của quân đội Liên Xô ở Áp-ga-ni-xtan. Đó là một con đường ngoằn ngoèo, ngoắt ngoéo ở trong núi lớn. Trong khi quân du kích Mu-xlim hoạt động ngày càng nhiều, thì đó quả là một sự uy hiếp đối với con đường cung cấp hẹp mà bị tắc một phía ấy! Nhưng căn cứ vào đó ta có thể thấy, Liên Xô sẽ điều thêm nhiều quân tới Áp-ga-ni-xtan. “Chúng ta có thể đoán định, Liên Xô sẽ không có khả năng bảo đảm an toàn được cho con đường cung cấp ấy. Đó là một nhân tố then chốt hạn chế cho sự hoạt động quy mô của quân đội Liên Xô ở Áp-ga-ni-xtan”.
__________________________________
1. Đa-ran: thành phố vùng đông bắc của A-rập Xau-đi.
2. Quây-ta: thành phố ở miền Tây Pa-ki-xtan.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM