Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:02:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những âm mưu sách lược của chính phủ Rigân làm tan rã Liên bang Xô Viết  (Đọc 100674 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 09:04:47 am »


CHƯƠNG SÁU

Đêm 9 tháng 12 năm 1981, một chiếc máy bay vận tải quân sự hạng nặng Liên Xô, với sự bảo vệ của máy bay chiến đấu đã hạ cánh xuống một căn cứ không quân bí mật gần Vác-sa-va. Trên máy bay là nguyên soái Ku-li-cốp, Tổng Tư lệnh quân đội tổ chức Hiệp ước Vác-sa-va. Vừa xuống máy bay một đội bảo vệ người Liên Xô đã xúm xít hộ tống ông vào ngồi phía sau một chiếc xe du lịch mầu đen; sau đó chiếc xe nhanh như chớp phóng đến một căn cứ quân sự Liên Xô ở ngoại thành thành phố Vác-sa-va. Suốt cả năm 1981, Ku-li-cốp đã trách cứ phương Tây có mưu đồ “lật đổ” Ba Lan, đồng thời ông công khai chỉ trích Công đoàn Đoàn kết đã trở thành một sự “uy hiếp” đối với Vác-sa-va.

Từ năm 1945, Ba Lan đã là một “phi Liên Xô thành viên” quan trọng nhất trong tổ chức Hiệp ước Vác-sa-va. Bất luận là về lực lượng quân sự hay về thực lực kinh tế, trong các quốc gia “phi Liên Xô” thì sự cống hiến của Ba Lan đối với tổ chức này được coi là lớn nhất. Trong hệ thống bá quyền Đông Âu của Liên Xô, về phương diện chính trị thì Ba Lan là một quốc gia vô cùng quan trọng. Nhưng đối với Ba Lan, Liên Xô dần dần mất đi sự khống chế. Trên các đường phố lớn của Ba Lan đã xuất hiện các hiện tượng công khai khiêu khích Liên Xô, hô hào các quốc gia khác trong tập đoàn Liên Xô thực hiện sự tự do bầu cử và xây dựng các tổ chức công đoàn độc lập. Ku-li-cốp muốn “đậy vung” vào cái nồi Ba Lan đang bốc hơi ngùn ngụt này! Ông đến đây là để giám sát việc ban hành bộ “Luật quân quản”.

Bộ đội Bảo an Ba Lan đã căn cứ vào yêu cầu nghiêm ngặt của dấu hiệu “hành động mùa xuân” mà tập luyện từ mất tháng nay, Ku-li-cốp thì dốc hết tâm lực vào công tác biên chế của kế hoạch này. Ông đến Ba Lan được 3 ngày liền bắt đầu hành động. Vào quãng nửa đêm, bộ đội Bảo an Ba Lan có sự ủng hộ của quân đội của những người thay mặt Liên Xô. Xe tăng chạy trên đường phố Vác-sa-va. Khắp nơi trong toàn quốc đều đặt các vật cản trên đường. Đồng thời. có 3.400.000 đường điện thoại bị cắt. Ban đêm, 5000 phần tử tích cực của Công đoàn Đoàn kết bị bắt. Tất cả các đường biên giới thông sang nước láng giềng đều bị đóng lại. Cơ quan an ninh trong nước Ba Lan động viên 250.000 quân, trong đó gồm Cảnh sát mô-tô hoá (ZOMO) và “bộ đội Chuẩn quân sự” dưới sự chỉ huy của bộ phận phản gián của Bộ Nội vụ (WSW). Chỉ không đầy một đêm mà tất cả những hành vi phản kháng đều tan rã. 6 giờ sáng, tướng Da-ru-den-xki tuyên bố trên Đài Phát thanh và trên Đài Truyền hình, đất nước ở trong “tình trạng chiến tranh”, hiện nay quyền lực nhà nước do Uỷ ban quân sự cứu quốc mới thành lập tiếp quản.

Sau khi sự việc này xẩy ra, hầu như toàn thế giới đều xôn xao. Mặc dầu Chính phủ Ri-gân đã có được tin tình báo về việc này do Kúc-lin-xki cung cấp, nhưng họ vẫn không khỏi kinh ngạc. Vệ tinh gián điệp của nước Mỹ trên bầu trời Ba Lan không trinh sát được tình hình điều động trong vòng mấy hôm và mấy tiếng đồng hồ tại đêm quyết định vào ngày 12 tháng 12 của quân đội Ba Lan. Trong mấy hôm đó trên bầu tròi Ba Lan bị nhiều lớp mây dầy bao phủ khiến cho vệ tinh gián điệp không phát hiện được gì. Điều làm cho người ta kinh ngạc không phải là ở sự ban bố “Luật quân quản” mà là sự ban bố luật đó rất nhanh chóng và cương quyết.

Ở Nhà Trắng, khi các quan chức nhận được báo cáo đầu tiên về việc này thì họ đều “đờ người như tượng gỗ!” Tuy nhiên trạng thái sững sờ này bị thay thế ngay bởi sự phẫn nộ. Khi đó tổng thống đương ở Ca-li-phoóc-ni-a, nhưng ông đã phản ứng rất mạnh trong điện thoại. Ri-sác Phai-pút người phụ trách về Liên Xô và Đông Âu, uỷ viên Uỷ ban An ninh quốc gia nhớ lại: “Đối với việc này Tổng thống tỏ ra rất tức giận. Ông nói: “Chúng ta sẽ phải làm một số việc, chúng ta phải phản ứng quyết liệt về việc này, đồng thời phải cứu vãn phong trào của Công đoàn Đoàn kết. Tổng thống tỏ ra rất tin tưởng và ông cho chuẩn bị các hành động đối phó về việc này”.

Sự ban bố “Luật quân quản” ở Ba Lan, trở thành một bước ngoặt về chính sách của Chính phủ Mỹ đối với Liên Xô; theo đường lối của chính sách này thì Chính phủ Mỹ sẽ kiên chinh chiến lược tiến công đánh lui thế lực Liên Xô, theo cách chỉ đạo từ sau hậu trường. Trong vòng vài tháng, Tổng thống sẽ kí một số chỉ thị bí mật để chứng tỏ chính sách của Chính phủ Mỹ là phải phá hoại thế lực của Liên Xô, đồng thời kêu gọi phát động một cuộc chiến kinh tế rộng khắp. Ngoài ra Mỹ còn cần tìm dịp để nói lên ở Đông Âu về ý kiến bất đồng của Mỹ với nhà đương cục Ba Lan.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 09:05:42 am »


Sau khi “Luật quân quản” ban bố không lâu, Tổng thống đã thảo luận với các cố vấn thân cận của ông về tình hình Ba Lan và những hành động mà nước Mỹ phải thực thi trước tình hình hiện tại, nhưng trong cuộc họp này rất nhiều các thành viên an ninh quốc gia vắng mặt. “Hội nghị của Uỷ ban An ninh quốc gia bị coi là không bảo mật được, ông (Tổng thống) không muốn phải chịu bất cứ một sự mạo hiểm nào!” Phai-put nhớ lại. Khi đó những người có mặt gồm phó Tổng thống Bút, Uy-li-am Cơ-lac, Quốc vụ khanh Héc-gơ, Ai-đơ Miss, Ri-sác Phai-put và U-li-am Cô-xây.

Qua thảo luận, Uỷ ban đã đi đến một sự thống nhất về quan điểm, nước Mỹ cần có ý kiến rất mạnh gửi đến cho Vác-sa-va và cho Mat-xcơ-va. Những người dự họp đều ủng hộ việc thực hiện một sự trừng phạt về kinh tế, đồng thời coi đó là một phương thức để biểu thị sự phẫn nộ của nước Mỹ. Nhưng khi đó, Phai-pút đề cập mấy vấn đề: Làm sao để có thể tiến hành một số việc đó có tính chất đón đầu? Làm sao để có thể tài trợ cho Công đoàn Đoàn kết, để bảo đảm chắc chắn cho một tổ chức chống cộng công khai đầu tiên trong tập đoàn Liên Xô có thể thoát khỏi tình trạng khó khăn trong một mùa đông chính trị khốc liệt này? Sau lời của Phai-pút, ảnh hưởng ma quái của hành động nguy hiểm này lan tràn khắp phòng. Sau đó A-lếch-xan-đơ Hec-gơ cất tiếng nói sang sảng của ông, phá vỡ bầu không khí trầm lắng: “Như vậy thì thật sự là điên rồ, việc ấy không làm được đâu.” ông nói: “Liên Xô không để cho chúng ta làm như vậy! Công đoàn Đoàn kết đã trở thành quá khứ rồi.”. Bus cũng tỏ ra đồng ý với ý đó và tỏ vẻ ngại ngùng đối với những phẫn nộ có thể có đối với Liên Xô. Ông đề nghị không nên có bất cứ hành động nào?

Phai-pút là một thành viên duy nhất của Uỷ ban An ninh quốc gia tham gia cuộc hội nghị này (bản thân ông là người Mỹ gốc Ba Lan). Ông muốn kiềm chế sự giận dữ của mình: “Theo ý tôi, điều mà Liên Xô lo ngại là Công đoàn Đoàn kết “thoát chết” lần này.” Ông bác lời của Hec-gơ “Bọn họ lo rằng có sự “truyền nhiễm” từ Công đoàn Đoàn kết, vì rằng trào lưu này có thể ảnh hưởng tới các nước khác trong tập đoàn Liên Xô thậm chí ngay cả Lit-thuo-nia và bản thân nước Nga. Quốc vụ khanh tiên sinh ạ, ông chưa hiểu được người Ba Lan đâu? Công đoàn Đoàn kết có thể vẫn tồn tại!”. Uyn-pak, Cô-xây và Bi-en Cơ-lắc trong lời phát biểu của họ đều nhiệt tình ủng hộ biện pháp hành động. Nhưng theo lời của Phai-put thì, Tổng thống “không muốn có bất kì một sự khích lệ nào”. Ông lập tức yêu cầu Cô-xây khởi thảo ngay một bản kế hoạch hành động bí mật. “Tổng thống không chỉ muốn Ba Lan có được tự do, mà ông còn muốn đập tan luận điệu Liên Xô là lực lượng bất khả chiến thắng”. Cơ-lắc nhớ lại.

Chính phủ Mỹ đã bí mật chuẩn bị một khoản tiền tài trợ, nhưng sau đó lại không làm theo được yêu cầu truyền thống là tài trợ cho hành động này. “Nước Mỹ đã không có một tổ chức điệp báo chính thức ở đó - Phai-pút nhớ lại - Vì nước Mỹ lo lộ bí mật. Đó là một hành động hết sức cơ mật!”.

Sau hội nghị, Cô-xây lòng nóng như lửa đốt quay trở về Lăng-lây. Khi chiếc ô-tô du lịch đời mới của ông phóng như bay trên đường chuyên dụng Gióc-giơ Oa-sinh-tơn, ông bắt đầu gọi điện thoại triệu tập các trợ thủ thân tín đến họp. Giờ đây cần tranh thủ từng phút! Cô-xây và 6 trợ thủ soạn thảo một kế hoạch trù tính tiền tài trợ cho Công đoàn Đoàn kết và xây dựng mối liên hệ với họ. Đối với công việc này Cục phải bắt đầu từ đầu. Công đoàn Đoàn kết sẽ cần những gì? Những thứ ủng hộ ở bên ngoài làm thế nào mới có thể đưa vào cho Công đoàn Đoàn kết. Một quan chức trong Phòng Hành động của Cục Tình báo trung ương có tham dự việc soạn thảo ra kế hoạch này nhớ lại: Công đoàn Đoàn kết là một tổ chức bình dân có hàng triệu thành viên và người ủng hộ, nhưng đối với sự công bố “Luật quân quản”, họ không có bất kì một sự chuẩn bị tư tưởng nào. Họ thiếu năng lực chỉ huy, khống chế và liên lạc, mà trong nội bộ họ lại có rất nhiều gián điệp! Ngoài sự ủng hộ của đông đảo nhân dân Ba Lan thì các vật dụng để họ sử dụng hết sức ít ỏi!” Đối với Cô-xây mà nói, mọi sự việc dường như cũng giống như những sự việc ông đã từng gặp phải thời Đại chiến thế giới thứ hai, tức là sự ủng hộ của nhân dân trong trận tuyến đối địch; nếu có khác chỉ là các nhân vật và tên của họ mà thôi!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 09:06:19 am »


Trên đường đi, qua điện thoại bảo mật, Cô-xây nói chuyện với tướng Khô-phây, Cục trưởng Cục Tình báo I-xra-en. “Cô-xây tỏ thái độ hết sức bất mãn với cơ quan tình báo I-xra-en” Một quan chức nhớ lại. Trước đây 6 tháng Mô-sát nhận lời sẽ huy động đường dây tình báo của họ ở Ba Lan, nhưng cho đến bây giờ, phía Mỹ không hề nhận được tin tình báo nào. Sau những lời phàn nàn, Cô-xây yêu cầu đối phương mau chóng thu thập các tin tình báo hữu quan. Ông lớn tiếng nói: “Tôi không cần biết đến “Luật quân quản” có thể làm cho tình hình phức tạp hay không!” Ông nhắc để Khô-phây nhớ lại rằng ông ta đã từng được phía Mỹ chia sẻ các ảnh vệ tinh và nhưng tin tình báo khác.

Cô-xây giận dữ dập ống điện thoại xuống, nhưng sau đó lại gọi điện thoại cho trạm tình báo Rô-ma. Người phụ trách trạm này đang ngủ thì bị tiếng chuông điện thoại réo liền thức giấc ngay. Cô-xây bảo ông ta cho người đến liên hệ với Ca-ti-nal Ca-xrô-li. Sau khi ở Ba Lan công bố “Luật quân quản” thái độ của Va-ti-căng có thể thay đổi. Ca-xrô-li nhận được cú điện thoại của Cô-xây ngay tại nhà mình. Cô-xây đã có được sự hưởng ứng rất đáng phấn khởi: Va-ti-căng đồng ý hợp tác về vấn đề này. Hai sự việc: một là ý đồ ám sát Giáo hoàng của kẻ xấu và hai là sự công bố “Luật quân quản” đã ảnh hưởng rất sâu sắc tới Ca-xrô-li. Vì vậy vị Bộ trưởng Ngoại giao của Va-ti-căng đã đồng ý có một buổi hội kiến với đại biểu của Cục Tình báo trung ương.

Cuối tháng 1 năm 1982, mọi việc đều được tiến hành theo kế hoạch đã định.

Tướng Khô-phây gọi điện đến nói, Cục Tình báo trung ương có thể tham gia lập tức vào đường dây tình báo. Ca-ti-nal Ca-xrô-li ở Va-ti-căng, theo dự định đã sắp xếp việc hội kiến với đại biểu của Cục Tình báo trung ương để nỗ lực tăng cường “hợp tác”. Ngay từ lúc đầu, Giáo hội đã cương quyết không chịu đóng một vai trò bí mật của Cục Tình báo trung ương, mà họ cũng không muốn yểm hộ cho hành động của Cục này. Nhưng Va-ti-căng trong việc cung cấp tình báo và trong việc liên hệ với nội bộ Ba Lan đã phát huy tác dụng then chốt. Cố vấn quân sự hàng đầu của Uỷ ban Cố vấn An ninh quốc gia, một trong mấy thành viên của Uỷ ban An ninh quốc gia, Giôn Pin-đơ Kơs-tơ hiểu được hành động lần này. Ông nhớ lại: “Hiển nhiên là, căn cứ vào những tin tình báo thu thập được về sự phát triển của tình hình, đồng thời đứng trên lập trường của Công đoàn Đoàn kết và những người ủng hộ chính sách Ba Lan của phương Tây mà xét, Va-ti-căng đã phát huy tác dụng vô cùng có ích.” Ông nói: “Giáo hội không phải là người cộng tác mà Cục Tình báo trung ương cùng chung hành động, chẳng qua họ chỉ là cùng chung một mục tiêu nào đó trong vấn đề Ba Lan của chúng ta. Về 2 mặt là thu thập và chuyển giao tin tình báo; ở điểm này, chỉ cần chúng ta có khả năng là họ nhân đó lợi dụng mà thôi!”

Trong khi Cô-xây tổng hợp kế hoạch hành động bí mật của ông thì Cai-xpa Uyn-pak đã lập ra một tổ chuyên gia ở Lầu Nam Góc. Tổ này được lập ra với sự giúp đỡ của Công ty Lan Đức, chức năng của nó là định ra chiến lược qua một thời gian dài thảo luận bí mật, với mục đích phá vỡ một cách triệt để nền kinh tế Ba Lan vốn chẳng phồn vinh gì. Thứ trưởng Bộ quốc phòng Fred I-cơl đã mời được (kể cả Râu-giơ Ru-pin-sưn khi đó đang là phó Tổng tài của công ty Man-hat-tan) đến để họp bàn. Khi hội nghị bàn đến vấn đề Ba Lan phải trả nợ ngân hàng của các nước phương Tây thì mọi người đều chỉ ậm ừ, không đưa ra được chủ kiến; vì vậy trong thời gian một ngày hội nghị chỉ chủ yếu tập trung vào vấn đề, nếu như phương Tây tiến hành những biện pháp khiến cho Ba Lan vi phạm Hiệp ước Vác-sa-va thì phương Tây sẽ có được lợi ích gì và sẽ phải trả giá ra sao? Hội nghị cho rằng, cần áp dụng những biện pháp mạnh khiến cho Ba Lan phải đi đến chỗ vi phạm Hiệp ước, từ đó có thể đẩy toàn bộ tập đoàn Liên Xô xuống vực thẳm của sự khủng hoảng về tài chính. Theo như cách nói của Ru-pin-sưn thì “Lầu Năm Góc nhất chí đồng ý làm như vậy!”.

Nhưng, các Ngân hàng gia ở Niu-oóc hết sức phản đối việc làm đó. “Nếu Ba Lan quả thật đi đến chỗ vi phạm Hiệp ước thì trên thực tế sẽ có khả năng giảm nhẹ áp lực đối với việc Ba Lan đã tiêu hết số tiền ngoại tệ mạnh mà họ đã vay!” Ru-pin-sưn cho rằng: lời đề nghị tìm cách làm cho Ba Lan vi phạm Hiệp ước có thể nhằm vào có lợi đối với Liên Xô, nhất là nếu Liên Xô cảm thấy, đây là Oa-sinh-tơn đã giơ ngón đòn chính trị trên lĩnh vục tài chính!

Ngoài ra, nếu Ba Lan đột nhiên vi phạm Hiệp ước thì sẽ có phản ứng dây chuyền trên toàn thế giới. Khi đó tình hình sẽ có chút khôi hài là: nếu quả do có chuyện Ba Lan vi phạm Hiệp ước mà được xoá 28 tỉ đô-la Mỹ tiền nợ thì điều đó sẽ có thể làm cho các nước mắc nợ được khích lệ. Nó sẽ thúc đẩy họ đi tìm biện pháp giải quyết tương tự như ở Ba Lan. Ru-pin-sưn bổ sung thêm: “Nếu về mặt chính trị mà để xảy ra tình trạng vi phạm Hiệp ước, bao gồm cả việc vi phạm các hiệp ước về chủ quyền quốc gia thì trên toàn thế giới hành động đó sẽ tức thời được lặp lại, và có thể nó sẽ bắt đầu từ châu Mỹ La-tinh. Còn với một số người trung gian chúng ta vào năm 1981 - đã dày công trao đổi định ra thời hạn để Ba Lan trả nợ thì việc vi phạm Hiệp ước quả là một triệu chứng về nguy cơ đòi nợ quốc tế sẽ xảy ra nay mai”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 09:22:52 am »


Ru-pin-sưn cũng cho rằng, một khi Ba Lan vi phạm điều ước, thì sẽ làm cho nhân dân nước này hiện đang ở trong tình cảnh bối rối sẽ thấy tình hình càng gay go thêm. Còn về phía Krem-li, thì điều này đối với họ sẽ không gây khó khăn gì? Qua sự trao đổi với Công ty Đại thông Man-ha-tan, để làm cho những thắc mắc có thể nẩy sinh ở giới ngân hàng tiêu tan. Trong tình hình đó, Ru-pin-sưn công khai bày tỏ quan điểm của ông. Ông nói với các quan chức ở Lầu Năm Góc: “Nếu các ông thật sự muốn làm cho Mat-xcơ-va bị tổn hại, chúng tôi sẽ chĩa mũi nhọn vào đó, và sẽ trực tiếp tăng áp lực tài chính đối với Liên Xô, vì họ chính là người đề xuất và thúc đẩy việc ban bố “Luật quân quản” ở Ba Lan. Chúng tôi sẽ trì hoãn và cản trở việc xây dựng đường ống thứ nhất của công trình đường ống khí đốt và đình chỉ, gây cản trở cho việc xây dựng đường ống thứ hai; từ đó sẽ cắt tiền trợ cấp thêm về một mặt của việc vay tiền ngân hàng và cắt cả việc chuyển nhượng kĩ thuật cao về mặt quân sự đối với Mat-xcơ-va. Chúng ta cần phải nắm chặt lấy cơ hội này!” Quan điểm của Rô-pin-sưn đều được mọi người tán thành. Uyn-pak đem quan điểm này báo cáo lại với Tổng thống.

Mấy tháng nay, Uyn-pak cho rằng nước Mỹ vẫn giữ lập trường cứng rắn đối với kế hoạch đường ống khí đốt U-len-cơ-yi. Lần này Uyn-pak đã trình bày lí do của mình với Tổng thống lúc ấy đang hầm hầm tức giận, trước khi Tổng thống thực hiện việc trả đũa Liên Xô. Với sự hưởng ứng của Uỷ ban An ninh quốc gia, Tổng thống tức thì tiếp nhận ngay kế hoạch của Uyn-pak. Trước việc Ba Lan công bố “Luật quân quản” ba tuần, văn phòng giám sát kĩ thuật nước Mỹ đã phê bình gay gắt Uyn-pak, chỉ trích ông về việc nhiều lần hô hào phương Tây cấm vận đối với các phương tiện về khí đốt và dầu mỏ, nói rằng cách làm đó “có khác nào một cuộc “kinh tế chiến”. Nhưng, sau khi Ba Lan công bố “Luật quân quản” thì thái độ của Chính phủ Mỹ nhanh chóng chuyển thành ủng hộ phát động một cuộc chiến tranh theo kiểu đó. Ngày 29 tháng 12, Tổng thống Ri-gân tuyên bố thực hiện việc cấm vận đối với Liên Xô trên Đài Truyền hình, nước Mỹ sẽ cấm việc tham dự vào kế hoạch lắp đường ống khí đốt. Kế hoạch này không chỉ có ảnh hưởng đối với khoảng 60 công ty nước Mỹ, mà còn làm gián đoạn cả kế hoạch khai thác dầu mỏ và khí đốt ở vùng chung quanh đảo Xa-kha-rin 1 của Nhật và của Liên Xô. Hiệp nghị kí kết giữa Nhật và Liên Xô cũng có nét tương tự như trong sự giao dịch về đường ống khí đốt: Nhật tài trợ kế hoạch này để đổi lấy việc Liên Xô bảo đảm sẽ cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho Nhật. Nhưng sự giao dịch này chỉ có được việc khoan thăm dò dầu mỏ trên biển của các công ty như: Công ty Thông dụng điện khí, Công ty Công nghiệp Đơ-rây-sai, Công ty Hữu hạn anh em Xu-mu-pây-cơn và Công ty Uên-xiao bắt đầu, thì khi ấy công việc mới khai triển được.

Thời kì then chốt trong kế hoạch khai thác dầu mỏ và khí đốt ở đảo Xa-kha-rin đã tiến hành 7 năm. Người ta đã thăm dò và biệt rõ là ở khu vực này có trữ lượng 1,1 tỉ thùng dầu mỏ và 1,5 tỉ mét khối Anh khí đốt. Tổng công ty khai thác dầu mỏ Xa-kha-rin đặt tổng bộ ở Tô-ky-ô. Chủ nhân của nó là Công ty Dầu mỏ Nhật Bản, ngoài ra còn có sự liên hợp với mấy công ty tư nhân nữa. Công ty này có ý định là đến mùa xuân, khi những tảng băng trong nước biển đã tan sẽ tiến hành thăm dò dầu khí. Lúc Lúc ấy nếu có bất cứ một sự trì hoãn nào cũng đều khiến cho công ty phải đợi đến năm 1983 mới tiến hành mọi việc được. Hơn nữa nó còn khiến cho kế hoạch này hoàn toàn đình chỉ! Nhật Bản vốn định dựa vào sự thông qua việc tăng tốc khai thác mỏ dầu khí để thay thế dầu mỏ ở Trung Đông, nhưng nay phương Tây cấm vận Liên Xô, nên đã làm đảo lộn cả kế hoạch này của Nhật. Krem-li vốn mong mỗi năm từ kế hoạch này thu được khoảng 1 tỉ đô-la Mỹ, nhưng nay đã thành vô vọng!

Khi kênh kĩ thuật then chốt mà Mat-xcơ-va có được bị cắt đứt thì Uỷ ban an ninh quốc gia đã cố gắng hết sức để ngăn cản Ngân hàng Thế giới cho Liên Xô vay tiền. Người hiểu rõ giới ngân hàng quốc tế là Ru-pin-sưn, trên thực tế đã có được tác dụng lãnh đạo trong việc này. I-cơl và Uyn-pak hi vọng sẽ có được những bước đi tích cực. Họ đã công khai tác động để giới tài chính không cho Liên Xô vay tiền. Nhưng, Ru-pin-sưn chỉ ra rằng, sự can thiệp chính trị hoặc cưỡng bách bằng mệnh lệnh không có tác dụng đối với ngân hàng. Ông chủ trương sử dụng phương thức “tiếp xúc nhẹ nhàng”, là gặp riêng các ngân hàng gia để ngăn họ không cho Liên Xô vay các khoản tiền mới. Biện pháp này của ông đã có được kết quả.
__________________________________________
1. Đảo Xa-kha-rin còn gọi là đảo Khu-lê, một hòn đảo ở vùng Viễn Đông nước Nga, nó cùng với quần đảo “Nghìn đảo” hợp thành bang Xa-kha-rin. Từ giữa thế kỉ 19. Nga và Nhật đã có sự tranh đoạt hòn đảo này. Cuối thời kì Đại chiến thế giới thứ II, nam bán đảo Xa-kha-rin và quần đảo “Nghìn đảo” đặt dưới sự khống chế của Liên Xô.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 09:23:31 am »


Mục đích của nước Mỹ là muốn làm cho lòng tin của các ngân hàng gia vào thực lực tài chính của Liên Xô bị giao động. Giới ngân hàng phương Tây đối với việc vay tiền của tập đoàn Liên Xô rất nhanh họ đã biến thành hoạt động lấy điều gọi là lí luận “ô che mưa” làm cơ sở. Trong suốt cả thập kỉ 70, các ngân hàng gia đều rất nhiệt tình cho các nước Đông Âu vay tiền; vì họ tin vào một điều là: nếu khi bất cứ một nước vệ tinh nào của Liên Xô mà không thể trả được tiền nợ, thì Mat-xcơ-va trong tình thế không đừng được đó, lấy tư cách là người trả nợ họ sẽ giúp trả nợ cho nước đó. Lí luận “ô che mưa” này là căn cứ vào giả thiết: Krem-li hết sức tin tưởng vào sự có tiếng về tín dụng của mình, và họ lại có một trữ lượng đáng kể về tài chính, ứng phó được với loại nguy cơ đó. Tuy nhiên, lí luận “ô che mưa” này xưa nay chưa từng được qua thử nghiệm! Ru-pin-sưn nhớ lại: “Các ngân hàng gia rất tin tưởng vào năng lực trả nợ và vào tư cách vay tiền của Liên Xô. Theo suy đoán, nếu Liên Xô có một lượng vàng dự trữ khoảng 2,5 - 3 tỉ đô-la Mỹ thì họ có thể đảm bảo được việc trả các khoản tiền vay. Nhưng vấn đề ở chỗ, không có một người nào tiến hành thẩm tra về số dự trữ đó hoặc số vàng mà Liên Xô gián tiếp khống chế, đó là một điều khó biết được!”

Dưới sự lãnh đạo của Bi-en Cơ-lắc, cố vấn An ninh quốc gia mới được bổ nhiệm, Chính phủ Mỹ đã quyết định, cần phải ngăn cản phương Tây cho Liên Xô vay các khoản tiền mới. Nhưng đối với các ngân hàng gia mà nói, nếu chỉ có sức hấp dẫn về chính trị hoặc về chủ nghĩa nhân đạo thì chưa đủ, vì rằng các ngân hàng gia phải gánh trách nhiệm uỷ thác của các cổ đông, chức năng của họ là kiếm tiền! Trên thực tế, một số các ngân hàng gia lại coi “Luật quân quản” là một cơ hội khiến họ dễ kiếm tiền. Đại đa số các ngân hàng gia cho rằng chính phủ độc tài rất tốt, vì những chính phủ đó có thể dùng biện pháp ra lệnh để khống chế thị trường tài chính nước mình. Một ngân hàng gia, không lâu sau khi Ba Lan công bố “Luật quân quản” đã phát biểu quan điểm đó với phóng viên của tờ “Niu-Oóc thời báo”. “Ở châu Mỹ La-tinh sau mỗi lần chính biến, bao giờ cũng xuất hiện những trường hợp các ngân hàng gia sung sướng như điên. Họ chủ động tìm đến các nhà lãnh đạo Chính phủ mới đề xuất việc cho vay tiền. Khi ấy mọi người đều không biết thể chế chính trị có thể phát huy tác dụng gì, phương thức kiểm nghiệm duy nhất là xem các quan chức có thể trang trải đến chi tiền không.”

Căn cứ vào kiến nghị của Ru-pin-sưn, Chính phủ sẽ cho thử nghiệm lí luận “Ô che mưa”. Cô-xây muốn ngăn cản phương Tây cho Ba Lan vay với thời hạn ngắn, vì rằng kiểu vay này Vác-sa-va có thể trả được. Ông cho rằng nếu tạm hoãn không cho vay số tiền này thì Mat-xcơ-va bắt buộc sẽ phải nhúng tay vào gỡ rối. Nếu không làm được điều này, thì phương Tây cũng cần phải ngăn cản sao cho các ngân hàng gia không cho vay nhiều đối với các nước Đông Âu đang mắc nợ và ngay cả đối với Liên Xô nữa! Đó là một thủ đoạn diệu kì lợi dụng thị trường cho vay để khống chế mục tiêu an ninh của quốc gia; nó có thể làm cho Chính phủ nước Mỹ không phải nhúng tay vào mà đạt được mục đích.

Đầu tháng 2, Cô-xây và Đô-nat Ri-can, Bộ trưởng Bộ Tài chính phân công nhau gọi điện thoại cho các bạn của họ trong giới Ngân hàng. Khi đó Rô-gơ Ru-pin-sưn nhớ lại: “Đối với vấn đề sắp xếp lại kì hạn trả nợ của Ba Lan để ngăn cản việc cho vay mới và vấn đề chuyển kì hạn cho vay không an toàn thì về mặt chỉ đạo tư tưởng cũng còn thiếu sót chút ít. Nếu thông qua phương thức đặt cọc rồi chuyển sang sự giao dịch ngắn kì an toàn thì có thể khiến cho các ngân hàng gia khống chế khả năng trả nợ của Ba Lan được tốt hơn. Phương thức biến thông này hạ thấp được tính linh hoạt về việc trả nợ của Vác-sa-va và Mat-xcơ-va.

Trong một năm nay, nỗ lực của nước Mỹ để làm cho thị trường tài chính của tập đoàn Liên Xô ở vào trạng thái chao đảo, trước nay vẫn không hề gián đoạn. Ngày 26 tháng 4 Lê-ôn-nal Oóc-mua, Thứ trưởng Bộ Thương mại, phụ trách mậu dịch quốc tế nói với một số ngân hàng gia: Cho tập đoàn Liên Xô vay thì “đầy rẫy những mạo hiểm”. Trong đại hội lần thứ 61 của Hiệp hội Ngân hàng mậu dịch đối ngoại nước Mỹ, Oóc-mua tuyên bố: “Chỉ trong vòng mấy năm nữa thôi là những chủ nợ sẽ đem đến cho Liên Xô rất nhiều nguy cơ; họ chẳng khác nào như người Ba Lan hiện nay có nhiều mối nguy hiểm!”.

Những hành động này cùng với toàn bộ nguy cơ về tài chính của Đông Âu làm cho những khoản vay nợ của các nước khác trong tập đoàn Liên Xô giảm thiểu rất nhanh. Mùa xuân năm 1982, đình chỉ tổng mức tiền vay ngắn kì của Hung-ga-ri lên tới 1 tỉ mốt đô-la Mỹ; Ru-ma-ni phải “chịu đòn” còn nghiêm trọng hơn, số tiền vay 1 tỉ rưỡi đô-la Mỹ bị thu về. Thậm chí Tây Đức cũng cảm thấy việc ngân hàng cho vay co lại đã gây ra áp lực; họ phải tổn thất về vốn lưu động tới 20 triệu đô-la Mỹ. Một số các nước lần đầu tiên bị vấn đề trả nợ làm cho lúng túng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 09:25:49 am »


Cô-xây và Uyn-pak muốn bắt Mat-xcơ-va phải nhúng tay vào gỡ rối và sa bẫy nếu không họ phải mở mắt trừng trừng nhìn đồng minh của mình chao đảo trong vấn đề vay nợ. Mat-xcơ-va chọn trường hợp thứ hai. “Họ bắt chúng ta phải đưa tay về phía Ba-lan”. Khi đó Phu-la-chi-min Cu-chi-nôp, một quan chức của Ngân hàng Trung ương Mat-xcơ-va nhớ lại “Không có chứng cứ để nói rằng đã đến nỗi “hoàng đế không có quần áo mặc.” Qua những sự việc như vậy, Ru-pin-sưn đã để lại một ấn tượng sâu sắc đối với Oa-sinh-tơn. Đầu tháng 3, tân cố vấn An minh quốc gia mời ông đảm nhận chức vụ của một quan chức cao cấp. Ít lâu sau, ông trở thành Chủ nhiệm cao cấp của Uỷ ban An ninh quốc gia phụ trách vấn đề kinh tế quốc tế và được Nội các uỷ thác là Bí thư điều hành của Uỷ ban liên bộ môn đặc trách việc soạn thảo chính sách kinh tế quốc tế. Chuyên gia năng lượng Bi-en Mác-tanh trong lần này cũng được mời vào hàng ngũ của các viên chức cao cấp. Về sau ông cũng có phát huy tác dụng then chốt trong một hiệp nghị của châu Âu về việc hạn chế đưa khí đốt của Liên Xô vào đại lục châu Âu. Sự thật sau đó đã chứng minh tác dụng của tổ kinh tế trong Uỷ ban An ninh quốc gia này đã khiến cho mọi người hết sức khâm phục. Nô-mơ Pây-li, Chủ nhiệm phòng nghiên cứu quy hoạch, lúc đầu đã từng chỉ thị cho Mác-tanh và Ru-pin-sưn, khi thảo luận vấn đề trong nội bộ Uỷ ban liên ngành Quốc hội và khi hội đàm với các nước đồng minh, thì hai người phải có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau.

Vào trung tuần tháng 2, Cô-xây tiến hành thẩm tra kế hoạch này. Cuối cùng ông đề nghị tài trợ Công đoàn Đoàn kết. Kế hoạch này có 4 phần chính:

- Cung cấp cho Công đoàn Đoàn kết một khoản tiền có tính chất quyết định để duy trì sự hoạt động của họ. Số tiền này có thể là đô-la Mỹ hoặc là đồng Zlô-ti (tiền. Ba-lan).

- Cung cấp cho Công đoàn này thiết bị thông tin tiên tiến để họ xây dựng được một mạng lưới bí mật C3 I
1 hữu hiệu, để mặc dầu Ba Lan đang trong tình trạng phải thực hiện “Luật quân quản” họ vẫn có thể liên hệ với thế giới bên ngoài.

- Bồi dưỡng cho các nhân viên đã chọn lựu để họ có thể sử dụng được các thiết bị thông tin tiên tiến.

- Huy động các thiết bị, các nhân viên tình báo của Cục Tình báo trung ương để họ có thể làm tai mắt cho Công đoàn Đoàn kết; trong các trường hợp thích đáng họ có thể chia sẻ các tin tình báo quan trọng với công đoàn này.


Tiếp theo, Cô-xây xác định 3 cơ quan, coi các cơ quan đó như những công cụ để tiến hành hành động mạo hiểm này. Từ năm 1980 đến nay, “Lao liên” và “Sản liên” đã trở thành một con đường cung cấp viện trợ cho Công đoàn Đoàn kết. Ông cho rằng, triển khai công tác qua Công đoàn này sẽ có được những kết quả tốt. Các phần tử tích cực của Công đoàn Đoàn kết rơi vào trong của phương Tây thì Cục cũng có thể giúp đỡ họ. SDECE2 của nước Pháp đã lén đưa được các phần tử tích cực của Công đoàn Đoàn kết muốn rời khỏi Ba Lan đi ra biên giới. Cô-xây mong rằng có thể sử dụng vài người trong số đó thu thập tình báo và tham dự vào các hành động của nước Mỹ. Cuối cùng, một khi đã liên hệ được với Công đoàn Đoàn kết, Cô-xây muốn sử dụng mật mã của đài phát thanh “Tiếng nói nước Mỹ” để truyền đạt các tin tình báo.
_____________________________________
1. C3I: tức, chỉ huy (command), khống chế (control), thông tin (commu-nication) và tình báo (intelligence).
2. SDECE: Phòng tình báo và phản gián nước ngoài (Service de Documentation Exterieure de Contre - Espionage). Tổ chức này thành lập năm 1947, là cơ quan tình báo và chống tình báo của Chính phủ Pháp, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Năm 1981, đổi thành: “Quốc ngoại an toàn tổng thự (Derection Geiérab de la Sécurité Exterieure) viết gọn là DGSE; nhiệm vụ của nó là thu thập tình báo nước ngoài và bảo đảm an ninh trong nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 09:27:12 am »


Cuối tháng 2, Cô-xây có cuộc thảo luận riêng về kế hoạch của ông với Tổng thống và Bi-en Cơ-lắc. Ri-gân cho rằng kế hoạch này mạo hiểm, nhưng nó rất có giá trị. Dường như ông rất thú vị về cách làm này, thông qua việc ủng hộ công nhân để phá hoại quốc gia của những công nhân ấy. Nhưng khi xin chữ kí của ông vào bản kế hoạch này thì ông lại không đồng ý về sự tiến hành công việc qua hành động bí mật, vì ông cho rằng làm như vậy là quá mạo hiểm. Tổng thống yêu cầu Cô-xây thông báo quyết định này với tiến sĩ Gơ-ren Căm-bel, Chủ tịch Uỷ ban tư vấn Tình báo đối ngoại của Cục Tình báo trung ương. Cô-xây tuân theo. Nhưng Căm-bel không muốn đi sâu vào quá nhiều chi tiết. “Cô-xây nói qua cho tôi biết nội dung về quyết định của ông ta - Căm-bel nhớ lại - Sau đó, cũng giống như những lần khác, Cô-xây cho rằng không biết nói gì thêm nữa. Xưa nay đối với những điểm khái quát của công việc, ông ta thường nói rất rõ ràng, thế mà những chi tiết của việc này Cô-xây nói không được rõ lắm. Cho rằng kế hoạch đó rất tốt, nên tôi nói: “OK, Cô-xây, cứ thế làm thôi!”” Về sau, với kế hoạch này vào lúc chi nhiều nhất phải mất tới 8 triệu đô-la cho “cái túi” của Công đoàn Đoàn kết.

Để hoàn thành công việc và bảo mật được cao độ, Cô-xây xây dựng một mạng lưới các cơ quan tài chính quốc tế phức tạp. Muốn khỏi bị người khác phát hiện; dấu vết đến, đi của nguồn tiền luôn biến đổi. Nếu chính quyền Ba Lan phát hiện con đường của nguồn tiền và truy tìm đến cùng thì Công đoàn Đoàn kết có thể phải chịu tai nạn huỷ diệt, mà cũng có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng quốc tế!

Khó khăn ở chỗ làm thế nào đó có thể lưu thông được số tiền đó ở trong nước Ba Lan. Đồng Zlô-ti của Ba Lan không thể đổi tự do được. Giáo hội có thể đem vào Ba Lan một món tiền lớn, nhưng xem ra thì họ không muốn lún quá sâu vào hành động bí mật. Cô-xây đình chỉ việc dựa vào dây chuyền nguồn tiền của châu Âu. Một số công ty châu Âu đã thông qua các hạng mục hợp pháp, bằng biện pháp tài khoản ngân hàng mà chuyển được tiền vào Ba Lan. Tuy nhiên biện pháp chuyển tiền qua tài khoản điện tử thì lại rất “khả thủ”, vì biện pháp này có thể tự động đổi tiền ra đồng Zlô-ti. Cám ơn trời đất, cuối cùng vấn đề này đã giải quyết được! Một công ty đồng ý lập cho Cục Tình báo trung ương một tài khoản ngân hàng riêng. Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4; con đường viện trợ tài chính cho Công đoàn Đoàn kết thế là coi như đã thông!

Để phối hợp trong việc ủng hộ bí mật Công đoàn Đoàn kết, Tổng thống Ri-gân ra lệnh Uỷ ban An ninh quốc gia khởi thảo một văn kiện, trong đó nói ngắn gọn về mục tiêu của Mỹ ở Đông Âu. Bi-en Cơ-lắc cho rằng, nói rõ mục tiêu của nước Mỹ rất quan trọng; điều này nhất chí với ý đồ của Tổng thống. Văn kiện này do Ri-sác Phai-put khởi thảo. Mấy tuần sau, Cơ-lắc sửa lại. Nội dung chính yếu của nó là tuyên bố rõ ràng mục đích về chính sách của nước Mỹ. Đó là “Triệt tiêu thành tựu của Liên Xô”, từ đó khống chế được Đông Âu. “Trên thực tế, chúng tôi cho rằng điều này không liên quan gì với “Hiệp định Y-an-ta”. Sau đó, Ai-đơ-uân Miss đến nhận chức ở Uỷ ban An ninh quốc gia nhớ lại. Văn kiện này do Tổng thống kí, trở thành chỉ thị đối với quyết sách về An ninh quốc gia (NSDD), là mệnh lệnh trên văn bản chính thức chỉ đạo về mặt chính sách đối với các cố vấn cao cấp và các ngành hữu quan. “NSDD-32 là văn kiện nhìn về phía trước và cáo biệt với quá khứ - Cơ-lắc nhớ lại - Trong NSDD-32, Rô-nan Ri-gân đã chỉ ra một cách rõ ràng rằng, nước Mỹ không thể mặc cho Liên Xô chi phối hiện trạng của Đông Âu. Chúng ta phải nỗ lực hình thành một chiến lược “nhiều đầu” để làm suy yếu ảnh hưởng của Liên Xô, tăng cường lực lượng tự do của vùng này.

Cùng với mấy nước như Bun-ga-ri, Ru-ma-ni và Tiệp Khắc thì Ba Lan đã cho chúng ta một cơ hội đặc biệt! Điều này không có nghĩa là chúng ta không tiếp tục hành động nữa. Để cho các nước khác thoát khỏi sự khống chế của Mat-xcơ-va, chúng ta còn phải tiếp tục hành động, bất kể hành động đó là công khai hay là bí mật.”

NSDD-32 đã trình bầy khái quát về những mục tiêu chủ yếu dưới đây của nước Mỹ:

- Phát động một phong trào trong bóng tối để ủng hộ bí mật khu vực này, với mục đích lật đổ sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản.

- Cần tăng cường tâm lí chiến ở khu vực này, nhất là cần tăng cường các đài phát thanh “Tiếng nói nước Mỹ” và “Đài châu Âu tự do”.

- Qua con đường ngoại giao và mậu dịch khiến cho các chính phủ trong khu vực này không còn tín nhiệm Mat-xcơ-va nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 09:30:19 am »

Trong kế hoạch xây dựng đường ống khí đốt của Liên Xô, nước Mỹ đã thực hiện cấm vận kĩ thuật. Điều này đã làm cho châu Âu thấy rõ thực chất của hành động này là Mỹ đã tuyên bố phát động cuộc chiến tranh kinh tế với Liên Xô. Oa-sinh-tơn đã tuyên bố về sự việc đã xẩy ra ở Ba Lan. Điều này đâu chỉ là ngầm có ý làm ô nhục về mặt tinh thần đối với đối thủ của mình. Nhưng châu Âu đối với việc này họ đều giả điếc làm ngơ. Thủ tướng Tây Đức Hen-mut Smit 1 lại tuyên bố, nếu Ba Lan có biến động thì việc ban bố “Luật quân quản” là “cần thiết”! Các nước Tây Âu vẫn giữ thái độ làm ngơ trước sự kiện Ba Lan, vì họ muốn tiếp tục làm ăn, buôn bán với Krem-li.

Hiện thực nền kinh tế trong nước đã thúc đẩy những nhà lãnh đạo quốc gia đều mong muốn xuất khẩu được các sản phẩm của nước mình. Hiệu suất thất nghiệp của nước Anh xấp xỉ 14%, nước Pháp là 9%, Tây Đức gần 8%. Đó là cao điểm nhất kể từ năm 1954 đến nay. Kế hoạch lắp đặt đường ống khí đốt có thể tạo ra hàng vạn chỗ làm trong toàn châu Âu. Trung tuần tháng giêng, các nước đồng minh châu Âu đã 2 lần thảo luận về vấn đề trừng phạt: một lần là hội nghị Thống trù ở Pa-ri 2, một lần là hội nghị của Uỷ ban thường trực hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NAC) 3. Với thái độ cương quyết của Tổng thống Ri-gân, nước Mỹ đã có lập trường cứng rắn; nước này yêu cầu châu Âu cùng với Mỹ ngừng việc cung cấp kĩ thuật về phương diện dầu mỏ và khí đốt đối với Mat-xcơ-va. Trước cuộc họp ở Pa-ri của Uỷ ban Thống trù mấy hôm, Thủ tướng Smit đã hội đàm với Tổng thống Mỹ và Quốc vụ khanh. Sau đó thủ tướng Đức cùng ăn sáng với Quốc vụ khanh Héc-gơ tại khách sạn. Hec-gơ chỉ trích Smit đã không lên án mạnh mẽ hành động trấn áp của Ba Lan. Khi đó, những người trong khách sạn đều nghe rõ những lời tranh luận của hai người. Cuộc hội đàm không chút tiến triển!

Ngày 19 tháng 1, Uỷ ban Thống trù triệu tập hội nghị ở Pa-ri, bí mật thảo luận mấy vấn đề do Mỹ đề xuất. Uỷ ban này thành lập năm 1949, họ thường cố tạo sự nhất trí phản ứng về phương diện thương mại đối với kĩ thuật, đối với các vật tư chiến lược trong quan hệ với Liên Xô. Đó là một tổ chức bí mật, trừ một số ít nước quan trọng ra, còn các nước khác hầu như không biết về phương thức hoạt động nội bộ của nó. Đoàn đại biểu Mỹ đến dự hội nghị này do Chan-mus Pa-khưu-li, phó Quốc vụ khanh và Fu-lây-đơ I-cơn thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu. Họ đề nghị, căn cứ vào tình hình hiện nay, trình tự công tác của Uỷ ban Ba Thống (tức Uỷ ban Thống trù Pa-ri) cần có sự cải biến về 3 điểm. Thứ nhất, nước Mỹ đề nghị các nước trong tổ chức này cần nghiêm túc chấp hành lệnh cấm bán cho Liên Xô các kĩ thuật chủ yếu, bao gồm máy tính điện tử và những linh kiện điện tử của nó, chất bán dẫn và không chuyển nhượng phương pháp luyện kim. Nước Mỹ cũng muốn hạn chế việc các nước phương Tây xây dựng nhà máy trong các nước thuộc tập đoàn Liên Xô, vì những nhà máy này sẽ có ích cho Liên Xô về mặt công nghiệp quân sự và nó sẽ giúp họ những phương thức tiên tiến để bồi dưỡng cán bộ, và làm nền kinh tế của họ được phát triển. Thứ hai, nước Mỹ kiến nghị, những hợp đồng có giá trị 100 triệu đô-la Mỹ hoặc nhiều hơn mà phương Tây đã kí kết với Liên Xô đều phải tự động giao cho Uỷ ban tiến hành xét duyệt để bảo đảm không có sự chuyển nhượng các loại kĩ thuật nhậy cảm. Đây thực tế là giao cho Oa-sinh-tơn quyền phủ quyết các hiệp định thương mại giữa châu Âu với Liên Xô. Thứ ba, nước Mỹ đề nghị, điều tối quan trọng là phải cô đọng hoá bản liệt kê cấm vận do Uỷ ban này soạn thảo ngay từ khi nó mới thành lập. Đoàn đại biểu Mỹ yêu cầu hội nghị mở rộng bản liệt kê có tính chất cơ mật cao độ này sao cho chỉ bao gồm các kĩ thuật và sản phẩm mới nhất. Pháp và Anh đều đồng ý với một số yêu cầu của Mỹ, nhưng Đức thì lại kiên quyết phản đối những điều đó, xem ra thì cuộc kinh tế chiến này không thể không hoãn lại, hoặc ngay khi mới bắt đầu ít nhất cũng không có được sự hợp tác của châu Âu.

Trong cuộc hội nghị này, các Bộ trưởng Ngoại giao của các nước thành viên đã giữ lập trường trung gian về vấn đề trừng phạt đối với kế hoạch đường ống khí đốt. Họ đồng ý châu Âu tiếp tục tham dự việc xây dựng kế hoạch đường ống khí đốt, nhưng không phá hoại biện pháp cấm vận của nước Mỹ. Nói cách khác, các nước châu Âu không thể nhúng tay vào và xen vào những hợp đồng mà nước Mỹ đã huỷ bỏ. Các Bộ trưởng Ngoại giao các nước châu Âu không nhận thức được rằng, điều đó đối với Oa-sinh-tơn là sự thắng lợi rực rỡ biết chừng nào. Họ đều nghĩ rằng, Chính phủ Ri-gân chắc sẽ không thực sự “ra tay” đối với bản hiệp nghị này, vì rằng sự thắng lợi của Mỹ chỉ là sự thắng lợi trên giấy, cốt để công chúng Mỹ hài lòng thôi. Song, sự thật chứng minh các vị Bộ trưởng đó đã nghĩ sai, rất sai!

Ngày 15 tháng 3, Pa-khua-li và một tổ chuyên gia tài chính đi công cán kiểu con thoi đến 5 nước châu Âu để o ép việc các nước đó cho Liên Xô vay tiền. Tây Âu không chỉ cho Liên Xô vay một khoản tiền lớn, mà tỉ lệ lãi của nó lại thấp hơn ở thị trường. Với phương thức đặt lãi như vậy trước một khoản tiền lớn được vay, sẽ sản sinh ra một việc có lời rất cao thì thật khiến người ta khó tin. Ngay những khách hàng trong nước tốt nhất ở các nước Tây Âu thậm chí cũng không có được tỉ lệ lãi như vậy. Ngay tỉ lệ lãi của số tiền mà Chính phủ Pháp vay ngân hàng về việc lắp đặt đường ống khí đốt cũng phải là 7,8%, còn không bằng một nửa tỉ lệ lãi mà Liên Xô phải trả cho thị trường đương thời.

Tổ do Pa-khua-li lãnh đạo muốn khống chế đối với cả số tiền trợ cấp trong việc này. Biện pháp của họ là căn cứ vào hiệp nghị cho vay để xuất khẩu do Chính phủ hậu thuẫn được lập nên bởi tổ chức kinh tế hợp tác và khai thác(OECD) 4, tổ này đã quy Liên Xô vào loại “nước tương đối giàu” để thay vào vị thế “nước đi vay trung gian” trước đây. Điều này sẽ làm cho Liên Xô về mặt quan phương cho vay xuất khẩu ít nhất cũng phải trả lãi tới 11,25%. Ngoài ra, ngày 10 tháng 3 Oa-sinh-tơn còn đề nghị, đối với “nước tương đối giàu” thì nhất luật đình chỉ tất cả sự trợ cấp thêm của khoản tiền vay. Như vậy thì từ nay, Mat-xcơ-va sẽ phải trả lãi theo tỉ lệ lãi thực tế. Tỉ lệ lãi này vào khoảng 17%.
 __________________________________________
1. Helmul-chimid: nguyên chính trị gia Liên bang Đức, đảng viên Đảng xã hội dân chủ (1918 - ). Năm 1974 đắc cử Thủ tưởng Tây Đức, rất được lòng dân nên năm 1976 và năm 1980 đều vẫn được tín nhiệm giữ chức cũ. Năm 1982, thất cử Thủ tướng. Về mặt ngoại giao, ông chủ trương đường lối hoà giải với các nước Đông Âu, đồng thời vẫn giữ được mối quan hệ hữu hảo giữa Cộng hòa Liên bang Đức với nước Mỹ.
2. Uỷ ban Thống trù Pa-ri (COCOM): tổ chức quốc tế thực hiện việc phong toả, cấm vận đối với các nước XHCN do Mỹ thao túng, thành lập bí mật vào tháng 11 năm 1949 do đề nghị của Mỹ. Có 15 nước hội viên - trụ sở tại Pa-ri.
3. Uỷ ban Thường trực hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NAC): Cơ cấu lãnh đạo tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương do đại biểu cấp Bộ trưởng các nước thành viên tổ chức thành. Mỗi năm triệu tập ít nhất 2 lần họp. Chủ tịch hội nghị do các nước thành viên luân lưu bầu ra.
4. Tổ chức kinh tế hợp tác và khai thác (OECD): tổ chức quốc tế thành lập năm 1961 để xúc tiến kinh tế tiến bộ và mậu dịch thế giới. Ngày 14 tháng 12 năm 1960 văn bản thành lập tổ chức này được kí kết giữa 18 nước châu Âu cùng với nước Mỹ và Ca-na-đa. Ngày 30 tháng 9 năm 1961 văn bản có hiệu lực. Tổ chức này trên cơ bản là một cơ quan tư vấn. Tổng bộ đặt ở Pa-ri.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 09:34:49 am »


CHƯƠNG BẢY

Đầu năm 1982, Cai-xpa Uyn-pak cùng với trợ thủ của ông thẩm tra lần cuối bản chỉ thị tuyệt mật về kế hoạch 5 năm tại Bộ quốc phòng. Bản văn kiện này bao hàm mấy nội dung quan trọng có liên quan đến chiến dịch mới nhất về việc phá hoại Liên Xô, đồng thời nó trở thành một nguyên tắc chỉ đạo về việc xây dựng một nền quân sự có quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ ở thời kì hoà bình. Văn kiện nhấn mạnh tác dụng quan trọng mà “kinh tế và kĩ thuật chiến” cần phát huy trong chính sách của Chính phủ Mỹ. “Niu-Ooc thời báo” đã miêu tả văn kiện này là “một sự bổ sung đối với chiến lược quân sự trong thời kì hoà bình: bản văn kiện có tính cương lĩnh này trên thực tế đã chỉ rõ, nước Mỹ cùng đồng minh của mình sẽ phát động một cuộc chiến tranh về kinh tế và kĩ thuật đối với Liên Xô”.

Bản văn kiện có tính cương lĩnh này biểu thị một sự nỗ lực để giảm bớt các loại kĩ thuật mà Liên Xô đã sử dụng mọi biện pháp để đoạt lấy từ nước Mỹ và từ các nước phi xã hội chủ nghĩa. Việc này là nhất trí với việc nước Mỹ cắt đứt sự xuất khẩu kĩ thuật cao đối với tập đoàn Liên Xô vào năm 1981. Văn kiện này còn lược thuật một ý đồ của Lầu Năm Góc muốn thực thi một chiến lược phức tạp: tức là Lầu Năm Góc muốn thông qua việc cưỡng bách Liên Xô tham dự vào sự cạnh tranh kĩ thuật, từ đó làm cho thực lực kinh tế của Liên Xô bị tiêu huỷ dần. Nội dung của chiến lược này bao gồm:

* Chú trọng phân biệt loại kĩ thuật có tác dụng cực kì quan trọng đối với nền kinh tế Liên Xô, đồng thời định ra chính sách để hạn chế Liên Xô đoạt được loại kĩ thuật ấy; trong đó bao gồm cả việc hạn chế Liên Xô khi họ bằng đủ mọi cách mua và tăng áp lực để các thương nhân cung ứng mọi loại thiết bị cho họ. Đầu tư về phương diện hệ thống vũ khí, như thế lâu dần sẽ làm cho hệ thống vũ khí của Liên Xô trở nên lạc hậu.

Văn kiện trên phản ánh ý nghĩa của Uyn-pak, tức là ông muốn làm cho Liên Xô khi phân phối như thế nào đó các tài nguyên ngày càng ít nên phải có các quyết định mà sự khó khăn ở đó ngày càng nhiều.

Những nội dung này trong chỉ thị về kế hoạch của Bộ Quốc phòng đã biến thành nguyên tắc hạt nhân của chiến lược tuyệt mật mà Tổng thống nhằm vào Liên Xô. Tháng 5 năm 1982, Tổng thống Ri-gân kí một bản Bị vong lục về quyết sách bí mật đối với vấn đề An ninh quốc gia gồm 8 trang giấy (NSDM), nội dung đề xuất chiến lược quân sự của nước Mỹ nhằm vào Liên Xô. Đây là lệnh tiến quân đầu tiên, thống nhất đưa xuống cho các cơ quan của Chính phủ Mỹ để thực hiện chính sách của Ri-gân đối với Liên Xô. Văn kiện này là do Uỷ ban An ninh quốc gia khởi thảo dưới sự chỉ đạo của Uy-li-am Cơ-lăc, phản ánh ý đồ của nước Mỹ muốn lợi dụng nhược điểm của nền kinh tế Liên Xô. Chỉ có một lần khi công khai đề cập đến chiến lược này, Cơ-lăc mới tuyên bố: “Chúng ta phải cho địch thủ chủ yếu của chúng ta là Liên Xô lần đầu tiên bị một đòn về nền kinh tế yếu kém của họ”. Ông nhớ lại: “Bản Bị vong lục này phản ánh một cách có ý thức về quan điểm chiến lược của Tổng thống, tức là về thương mại và tài chính; trong nỗ lực rộng khắp của chúng ta nó sẽ trở thành một biện pháp ưu tiên mới. Với nó, chúng ta sẽ kiềm chế và đánh lui mọi hành động của Liên Xô trước toàn thế giới”.

Các quan chức của Chính phủ Mỹ càng ngày càng nhận thức được rằng, hiện thực về sự không hoàn hảo của nền kinh tế Liên Xô có một ý nghĩa sâu xa, đồng thời họ cho rằng nước Mỹ có thể lợi dụng sự yếu kém về chiến lược này của nước đó. Ngày 16 tháng 6; Tô-mat Li-đơ, một cố vấn trong Uỷ ban An ninh quốc gia, trợ lí đặc biệt của Tổng thống. Tại Hiệp hội Thông tấn và Điện tử của quân đội Mỹ đã gây nên một cuộc tranh luận trong bài nói chuyện của ông ta. Ông nói, Liên Xô là một nước “kinh tế bị tàn phá ghê gớm”, nước Mỹ “sẽ không quan hệ mậu dịch với Liên Xô, mà cũng không cho họ vay tiền, vì đó là 2 yếu tố cần thiết để chống đỡ cho nền kinh tế Liên Xô”.

Uỷ ban An ninh quốc gia khi phân tích các loại tình báo đã chỉ rõ, trong một thời gian ngắn mà Mỹ đã cắt đứt con đường chuyển nhượng kĩ thuật với Liên Xô. Đó thật là một đòn chí mạng đối với kế hoạch đường ống khí đốt. Mát-xcơ-va có ý thức soạn thảo ra một chiến lược thu mua để có thể giành được kĩ thuật cần thiết trong việc xây dựng kế hoạch đường ống khí đốt cho phương Tây, đồng thời họ cũng hy vọng thông qua việc giao dịch này đột phá được sự cấm vận có thể nói là “một con kiến không lọt” của phương Tây.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2010, 09:37:17 am »


Krem-li tuy lùi nhưng vẫn có kế hoạch phát triển. Họ đã kí kết hiệp nghị với bao thương, để bảo đảm kế hoạch xây dựng đường ống khí đốt vẫn tiến triển, mặc dầu bị Oa-sinh-tơn ngăn trở. Tuy nhiên, về phía Liên Xô, trọng lực vô tình đã coi nhẹ một khâu then chốt - trục quay và cánh quạt của máy tuốc bin truyền khí phân bố trong 41 trạm bơm nén trên con đường ống dài 3300 dặm Anh. Những linh kiện này được chế tạo ở công ty điện thông dụng của Mỹ; nay Mỹ đã cấm công ty này cung cấp chúng cho Liên Xô.

Liên Xô có thể chế tạo được một loại sản phẩm thay thế cho loại trục quay do công ty điện thông dụng sản xuất nhưng nếu chế tạo loại sản phẩm thay thế đó thì sẽ lỡ thời gian xây dựng, đồng thời giá thành xây dựng sẽ tăng lên nhiều. Mat-xcơ-va liền phái một đoàn đại biểu gồm 30 người lấy Cô-luân 1 làm căn cứ, chịu trách nhiệm đi tìm thứ thay thế loại trục quay đó. Đoàn đại biểu này đã xác định được rất nhanh, ở công ty “Arstung - Đại Tây Dương” nơi chế tạo các thiết bị cơ giới cỡ lớn ở nước Pháp có loại trục này. Không kể công ty điện thông dụng, thì công ty này là một nơi duy nhất có thể sản xuất loại trục quay và cánh quạt, đồng thời họ có cả giấy phép của công ty điện thông dụng. Vì vậy nên Liên Xô đã dễ dàng mua được loại trục quay và cánh quạt này của Pháp. Xem ra thì ở phần lớn các nước châu Âu, cái gọi là hiệp nghị cấm vận đều là chuyện đối phó qua loa là xong thôi! Về chuyện kí kết hiệp nghị cấm vận thì, trong hội nghị uỷ ban thường trực hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (kết thúc tháng 1 năm 1982), châu Âu giải thích như sau: chỉ khi công ty nước Mỹ là chủ nhận khoán mà rút khỏi sự giao dịch thì châu Âu mới có thể không phá hoại việc cấm vận của Mỹ. Còn khi công ty nước Mỹ là phân bao thương thì lại là chuyện khác. Vì vậy, Chính phủ Pháp bật đèn xanh cho công ty “Arstung - Đại Tây Dương” và phê chuẩn cho công ty này cung cấp kĩ thuật đó cho Mat-xcơ-va. “Hiển nhiên là, từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1982, họ (người châu Âu) không đếm xỉa gì đến việc đã kí kết hiệp ước với Uỷ ban Thường trực hiệp ước Bắc Đại Tây Dương mà hất cẳng các nhà cung ứng Mỹ rất nhanh”. Ru-pin-sun nhớ lại “người châu Âu trước đây có hứa là, trong thời kì Liên Xô có hành động trấn áp để ủng hộ Ba Lan thì đối với việc cấm vận của đế quốc Mỹ họ không “chọc gậy bánh xe”. Thế mà bây giờ họ lại vi phạm lời hứa trước đây của họ!”.

Các tin tình báo khác chứng thực, khi người châu Âu nhận thấy rằng, sử dụng vũ khí kinh tế sẽ có được hiệu quả kinh tế rất lớn, thì họ sẽ thực hiện việc cấm vận đối với kế hoạch đường ống khí đốt. Ngày 25 tháng giêng, Uỷ ban An ninh quốc gia nhận được tin tình báo nói là, nguy cơ đổi séc lấy tiền mặt của Liên Xô đã ở vào bước đường nghiêm trọng vô cùng. Ngân hàng kết toán quốc tế (BIS) 2 có tổng bộ đặt ở Ba-sen, Thuỵ Sĩ đã đổi cho Ngân hàng Liên Xô số tiền dự trữ ở phương Tây, kết quả là, số tiền 8 tỉ rưỡi đầu năm 1981 thì đến cuối năm chỉ còn có khoảng 3 tỉ. Mức độ mậu dịch của Liên Xô cũng giảm thiểu đồng bộ. Năm 1980, số doanh thu mậu dịch giữa Mat-xcơ-va và các nước công nghiệp hoá phi cộng sản đã có thời kì lên đến 2,17 triệu đôla Mỹ, nhưng đến năm 1981 lại thành nhập siêu 3 tỉ đôla Mỹ. Những hành động của phương Tây ở Ba Lan đã “thắng trận đầu”, do đó đã làm cho Mat-xcơ-va trở thành người đảm bảo về mặt tài chính cho Ba Lan. Thời cơ đó phương Tây đã nắm được rất tốt. Từ nay về sau, giới tài chính quốc tế làm ăn với tập đoàn Liên Xô sẽ phải cẩn thận hơn!

Những nhà lãnh đạo ở Krem-li đang toát mồ hôi vì chuyện đồng rúp có lên giá hay không, còn kế hoạch đường ống khí đốt (ở mức độ thấp nhất là bị trì hoãn) lại cũng làm cho họ khổ mà không nói được nên lời! Nếu Krem-li không thể tăng sự thu nhập ngoại tệ mạnh cần cho việc mua kĩ thuật của phương Tây, đồng thời lấy đó để bù đắp vào lỗ hổng kinh tế Liên Xô thì đường ống khí đốt ở Xi-bê-ri và kế hoạch khai thác dầu khí ở vùng chung quanh đảo Xa-kha-rin sẽ lâm vào tình trạng nguy cấp. “Sự thu nhập ngoại tệ mạnh là một công tác quan trọng đối với nền kinh tế Liên Xô - Ep-cân-nhi Nô-vi-cốp nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, quan chức cao cấp nhớ lại - Đồng thời, điều quan trọng nhất là cần hoàn thành việc xây dựng đường ống khí đốt đúng kì hạn; hiện nay thật không còn lúc nào để thở nữa!”.
________________________________________
1. Cô-luân (Kolu): một thành phố lớn của Đức, là một trong các cảng khẩu chủ yếu của châu Âu. Vì nó nằm bên con sông Ranh, một con đường giao thông chính về đường thuỷ và trên điểm giao hội giữa các con đường thương nghiệp chủ yếu giữa Tây Âu và Đông Âu, do vậy địa vị thương mại của nó hết sức quan trọng.
2. Ngân hàng kết toán quốc tế (BIS): là ngân hàng quốc tế được thành lập ở Ba-sen (Basel) ở Thụy Sĩ năm 1930, là cơ quan xử lí việc bồi thường chiến tranh của nước Đức sau thế chiến I và là cơ quan hợp tác giữa Ngân hàng trung ương các nước. Hiện nay Ngân hàng này đã trở thành trung tâm nghiên cứu tư vấn về kinh tế, về tiền tệ và là cơ quan kĩ thuật chấp hành một hiệp định đặc biệt nào đó.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM